Lượt xem: 1211
(0)
Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản xuất bản năm 1887 có thể được xem là tác phẩm văn chương bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam hiện đại. Nguyễn Trọng Quản sinh năm 1865, là học trò và cũng là con rể của học giả Trương Vĩnh Ký. Ông từng đi du học ở nước ngoài nên đã chịu ảnh hưởng và sau đó đã thực hành một lối viết truyện hoàn toàn khác so với văn chương thời bấy giờ, vốn chỉ sử dụng văn biền ngẫu, văn vần có đối. Ông nói: “Xưa dân ta chẳng thiếu chi thơ, văn, phú, truyện nói về những đấng anh hùng hào kiệt, những tay tài cao trí cả rồi đó; mà những đấng ấy thuộc về đời xưa chớ đời nay chẳng còn nữa. Bởi đó tôi mới dám bày đặt một truyện đời nay là sự thường có trước mặt ta luôn, như vậy thì sẽ có nhiều người sẽ lấy lòng vui ra mà đọc”(2). Nhiều ý kiến cho rằng, Truyện thầy Lazarô Phiền không được độc giả đón nhận là do ngay từ cái tên truyện đã khiến người ta lầm tưởng đó là truyện dành riêng cho bên đạo. Nhưng lý do khiến tác phẩm của Nguyễn Trọng Quản không được chú ý tới có lẽ là do nó đã đi trước thời đại một quãng xa. Ngay cả tại Trung Quốc, tới năm 1919 mới có phong trào loại bỏ văn biền ngẫu, còn tại Việt Nam, các tác phẩm như Tố Tâm, Nho Phong… viết sau Truyện thầy Lazarô Phiền ba bốn mươi năm vẫn sử dụng rất nhiều các câu văn biền ngẫu.