10-09-2023
Lượt xem 1764
Đánh giá 1 lượt đánh giá
Thi sĩ - nhà văn Tản Đà
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhắc tới Tản Đà người ta nhớ ngay tới những câu thơ bất hủ trong bài Thề Non Nước của ông "Nước non nặng một nhời thề. Nước đi đi mãi không về cùng non. Nhớ nhời nguyện nước thề non. Nước đi chưa lại non còn đứng không".
Thế nhưng, Thề non nước còn là tên của một cuốn sách nổi tiếng của Tản Đà, xuất bản lần đầu năm 1922 bao gồm hai truyện, Thề non nước và Kiếp phong trần.
Chân Dung Kẻ Sĩ trân trọng giới thiệu dưới đây
I. — Thanh-lương
Vân-Anh, một mình đứng giữa sân, nhìn lên giăng mà xem, thấy những đám mây bay tán-loạn thường che mờ cả mặt giăng. Cái cảm-hoài vô-hạn, bị cảnh đó khêu động, vụt nghĩ thân-thế con người ta, nhiều người bổn-lĩnh thật là quang-sáng mà phải những cảnh-ngộ ác-nghiệp làm cho đến u-âm sầu-thảm khác gì mặt giăng vốn trong sáng mà có khi phải luồn những đám mây vô-lại kia, bỗng lại nghĩ thân-thế của người ta có khi thật như đám mây bay tán-loạn, bầu giời vô-hạn, biết đâu là chỗ về. Đương nhàn-tưởng bồi-hồi, chợt nghe đồng-hồ nhà bên cạnh đã đánh mười một tiếng; trong nhà, mẹ già gọi vào để bóp trán. Vừa quay mình vào thời thấy một người khách đến chơi. Vân-Anh mời vào. Uống nước xong, khách bảo làm cháo ăn và nói không phải gọi ai cả. Vân-Anh khi ấy xuống bếp mổ gà với đứa ở. Khách ngồi một mình, trông nhà có hai gian bằng tre, chỗ ngồi uống nước đó kê một đôi trường-kỷ tre, một cái án-thư, bên trong còn một cái tủ chè bằng gỗ tạp; một gian bên thời có hai cái giường kê liền nhau, cũng có hai cái chiếu cạp đỏ đã cũ, bên giường trong có mắc một cái màn trắng cũ và vá. Cách một bức phên chắn, còn một gian nhà nữa thời nghe có tiếng bà cụ già thường ho-hắng, như có ý mệt. Khách ngồi buồn, tự nghĩ một mình rằng: vào chơi nhà cô đầu, quang-cảnh thế này nghĩ thật buồn, song cũng tiện cho mình được ngủ qua một tối rồi mai đi; lại nghĩ như người ả-đầu đó, trông cũng xinh-sắn và cũng phong-cách, sao không được có đông khách hát mà ăn ở bần-tiện đến như thế. Một lúc đã thấy bưng cháo lên thời một con ở ăn-mặc cũng rách-rưới. Vân-Anh lên lấy rượu, ngồi rót mời khách uống. Khách hỏi bên gian buồng trong có tiếng bà cụ già là ai. Vân-Anh nói là mẹ đẻ, mấy hôm vẫn nhọc mệt. Khách giục Vân-Anh vào xem bà cụ có bảo gì, mặc mình tự uống rượu không cần phải ngồi tiếp, Vân-Anh chạy vào qua, rồi lại ra, lên ngồi kề gần khách, múc thìa rượu, vừa cười vừa mời uống. Khách lấy tay gạt đi, rồi cứ cầm chén uống tự-nhiên, như quên mình là ngồi ở nhà cô đầu vậy. Vân-Anh nghĩ cũng lấy làm lạ, ngồi có ý ngắm nhận người khách, ăn-mặc thời nhũn-nhặn mà vẻ mặt rất lanh-lợi ngồi uống rượu mà vừa như có nghĩ-ngợi điều riêng gì. Suốt bữa rượu ấy, ngoài sự ăn uống, không có câu chuyện gì cả. Rượu xong, khách đi ngủ, đến sáng dậy, chi tiền rồi đi.
Cách chừng một tuần-lễ nhà Vân-Anh lại có khách uống rượu, tức là người khách uống rượu cách một tuần lễ trước, mà bận này đến lại có mang một cái va-ly. Hôm ấy giời hơi mưa, trong lúc uống rượu, khách lại tự uống một mình mà uống tất bằng chén, Vân-Anh nghĩ lại lấy làm buồn cười. Một lúc, có người nhà cô-đầu khác đến gọi Vân-Anh đi mời rượu, Vân-Anh xin phép đi. Khách chỉ tự-nhiên mặc lòng. Hôm ấy bà cụ đã khỏi mệt, sau lúc Vân-Anh đi mời rượu, ra ngồi chơi ở trường-kỷ uống nước. Khách nhân hỏi chuyện về Vân-Anh. Bà cụ nói: « Con bé nhà tôi, tên nó là Vân-Anh, vẫn gọi là cái Vân. Từ bé cháu có học chữ nho, cũng đã biết làm thơ ». Bà cụ ngồi chơi một lát, rồi vào buồng nằm nghỉ. Khách lại tự uống rượu một mình.
Khoảng hơn mười hai giờ, giời mưa to, Vân-Anh về, đã loáng-choáng say rượu. Khách ở nhà, uống cũng đã say. Vân-Anh lại ngồi bên, rót rượu mời uống Khách cười, nói rằng:
— Mời rượu thời phải có hãm chứ?
Vân-Anh:
— Hãm câu gì?
— Chỉ muốn nghe một câu hãm bằng chữ nho.
— Ai biết chữ nho mà hãm; cũng chẳng thấy ai hãm bằng chữ nho bao giờ.
— Không ai hãm bao giờ mà bây giờ hãm, thế nó mới « mới ».
— Khốn như tôi không biết.
— Tôi biết rằng chị biết.
— Ô hay, cứ buộc vào người ta.
— Thôi, hãm đi.
— Thế ông đặt đi cho một câu.
— Ai hãm thời người ấy phải đặt lấy, nhờ người đặt hộ thời còn có thú gì nữa!
— Tôi đặt lấy thời không biết có nghe được không.
— Hãy cứ hãm đi, nghe được hay không, mặc người ta.
Vân-Anh vừa mỉm cười, vừa nghĩ. Khách cũng cười mà cất chén uống rượu để đợi nghe.
Vân-Anh nghĩ đã xong, rót chén rượu mời, hãm rằng:
鷄 鳴 風 雨 瀟 瀟
天 涯 遊 子, 藍 橋 神 仙
好 惡 姻 緣
Kê minh, phong vũ tiêu-tiêu:
Thiên-nhai du-tử, Lam-kiều thần-tiên.
Hảo, ác nhân-duyên?
— Khách nghe, thần-hồn như phiêu-động; cạn chén, hỏi Vân-Anh rằng:
— Thế trước chị học chữ nho được bao năm?
— Tôi học từ năm lên sáu, đến năm mười sáu tuổi thời thôi.
— Chị học ra làm sao?
— Cũng học đấy thôi, chẳng biết nó ra làm sao cả.
— Trong lúc học, chị có tập làm văn, làm thơ gì không?
— Cũng có làm thơ cùng những câu đề vịnh lảm-nhảm.
— Các bài của chị làm ra từ khi trước, bây giờ có bài nào còn giữ lại hay còn nhớ không?
— Kể mất đi cũng nhiều, nhưng tôi cũng giữ được một ít, vẫn cuộn để ở trong hòm, những lúc nào buồn quá thời lại giở ra xem chơi một mình.
— Bây giờ chị thử lấy ra đây xem.
Vân-Anh đi mở hòm, lấy cuốn văn ra. Ông khách giở xem, thấy cũng có nhiều bài thông lắm. Xem đến bài vịnh lĩnh-mai (嶺 梅) có hai câu rằng:
含 情 不 向 東 風 笑
獨 伴 靑 松 蹅 雪 遊
Hàm tình bất hướng đông-phong tiếu,
Độc bạn thanh-tùng đạp tuyết du.
Nghĩ như hai câu này thời thật có phong-điệu, cốt-cách, mà tự người làm thơ cũng không đáng trụy thân vào trong đám bình-khang. Khách xem hết các bài văn thơ chữ nho, lại hỏi về văn quốc-âm. Vân-Anh đọc một bài « vịnh sen hồ Hoàn-kiếm » rằng:
Hồ Gươm, sen mới ra hoa,
Cả hương, cả sắc, ai là không chơi.
Sen tàn, lá rách tả-tơi,
Quanh hồ lai vãng ai người tiếc-thương,
Nước hồ sen đứng soi gương,
Còn đâu là sắc là hương với đời,
Tủi thân sen lại giận giời,
Cho chi hương sắc? cho người trọng khinh!
Khách nói: — Văn cũng hay, nhưng sao đặt đến buồn quá thế!
Vân-Anh: — Bài này tôi mới làm. Trong lúc buồn có làm ra vui thế nào được.
Khách ngậm-ngùi một lúc rồi nói rằng:
— Nghĩ như chị, người như thế, tài-hoa như thế, mà sao không thấy nổi tiếng? Chắc lại cũng không được đông khách hát, cho nên trong nhà ở cũng có ý cẩu-thả.
Vân-Anh đến lúc ấy lại buồn lắm, giả nhời khách rằng:
— Ông nghĩ cho như vậy, chớ như tôi thời còn có gì mà nổi tiếng. Cứ về bên chữ nho bây giờ, đến như ông Nghè, ông Cử, cũng còn nhiều ông chẳng có vinh-hiển gì; huống hồ là một người cô-đầu biết đôi ba câu thơ, còn lấy gì làm có giá được. Từ khi tôi ra hát đến nay, hôm nay mới thấy có ông hỏi đến là một. Những cái sự ấy bây giờ đã không ai coi ra gì, nhà ở lại lụp-sụp rơm rác, cũng chẳng có mấy người buồn đến, thỉnh thoảng mới có một vài ông khách đến ăn cháo, còn thời chỉ là đi hát mảnh, lại cũng không khéo chiều quan viên, như thế tài nào mà không phải chịu bần-tiện?
Lúc ấy đã đến hơn bốn giờ sáng, khách bảo xếp bỏ rượu để đi ngủ. Vân-Anh buông màn cho khách ngủ, rồi vào trong nhà với mẹ.
Ngày mai, giời mưa dầm mãi từ sáng cho đến chiều. Lúc người khách ngủ dậy thời vào khoảng chín, mười giờ. Nguyên ý người khách đến uống rượu bận ấy, hoặc định ngủ một tối rồi sáng hôm sau đi đâu thời không biết; nhân có một đêm nói chuyện, cái cảm tình đối với Vân-Anh thực thương tiếc vô hạn. Lại nhân hôm ấy giời mưa dầm, cho nên thành ra lại giữ khách ở lại. Mười giờ hơn, Vân-Anh nói cùng khách xin để làm cơm sáng ăn, khách cũng ừ nhưng không có đưa tiền. Trong nhà Vân-Anh từ tối hôm trước chỉ còn có một con gà thời đã làm rượu rồi mà cũng phải vay thêm đồ ăn mới đủ dọn; đến lúc ấy không biết làm thế nào, nghĩ người khách đi lại chưa thân, cũng không tiện ra hỏi. Hai mẹ con ra vào thì thầm bàn cùng nhau, khách cũng hiểu tình ý, nhưng cứ tự nhiên như không biết, chỉ nằm xem những bài thơ văn của Vân-Anh, rồi lại mở va-li ra, lấy giấy bút để viết. Độ 12 giờ hơn, thấy có cơm bưng lên, cũng lịch-sự. Khách bảo Vân-Anh mời cả bà cụ ra cùng ăn cơm, nhưng bà cụ xin từ chối. Bữa ấy hai người cùng ngồi uống rượu; ngoài bức mành thưa, giời vừa mưa vừa gió, những người đi ngoài đường thật là lận-lội mà trong chỗ mâm rượu thời một người du-tử ngồi đối một mỹ-nhân cùng thù tạc, đàm-đạo những nhân tình thế cố cùng là sự làm văn làm thơ. Khách tuy không phải là người say đắm ở nơi bình-khang, nhưng lúc ấy bất-giác cũng cao hứng. Đương trong lúc tửu-hứng, Vân-Anh nói rằng:
— Tôi có một bức tranh sơn-thủy, là của gia-bảo, vẫn cuộn để trong hòm, thường muốn đề một bài quốc-văn mà nghĩ lại không xứng; nay không mấy khi được gặp cao-nhân, xin hạ bút đề cho một bài, thực là quí hóa quá.
Khách nói:
— Sự đề vịnh nguyên đã không dễ, lại đề vào một bức họa trân-trọng thời thực không dám nhận; nhưng chị thử lấy cho xem thời hay lắm.
Vân-Anh đi mở hòm lấy bức tranh đem ra, khách giở xem, thực là một bức cổ-họa. Trông khoảng trên có đề ba chữ triện, không hiểu là chữ gì. Vân-Anh nói đây là chữ nôm Khách nhận ra thời là ba chữ « THỀ NON NƯỚC » Vân anh nói:
Cứ ba chữ này, nguyên nghĩa thường thời là chỉ non thề nước; đề vào đây thời là làm sao?
Khách nghĩ một lúc, rồi nói:
— Đây hoặc là người ta mượn câu sẵn mà khiến về nghĩa riêng. Ba chữ đề đây, phải nhận nghĩa là non với nước, hai cái thề với nhau. Như thế, có nhẽ mới hợp ý bức họa.
Vân. — Dẫu nhận là như thế, nhưng đây chỉ vẽ một dẫy núi, còn không thấy sông nước gì cả lấy gì làm hai cái thề với nhau?
Khách. — Đây dẫu không có vẽ sông nước, nhưng nhận kỹ một ngàn dâu ở chân núi này, ý tức là sông nước khi xưa mà tang-thương đã biến-đổi.
Vân. — Dẫu nhận cho là như thế nhưng lấy gì làm thề?
Khách. — Nguyên bức họa này, ý chỉ là một bức tang-thương, cho nên ở dưới vẽ một ngàn dâu tựa như thế khúc sông; trên núi thời như mây, như tnyết, như mấy cây mai già, như bóng tà-dương, đều là để tả cái tình-cảnh thê-thảm. Bởi thế cho nên ba chữ đề này, dẫu là lấy câu sẵn mà đề vào, song thực tỏ ra được cái tình thương nhớ của dẫy núi tức là vì dẫy núi mà cảm nỗi tang-thương. Bây giờ tất cứ trong bức họa mà muốn tìm cho ra thế nào là thề, như thế thời nệ vì chữ đề mà hại đến nguyên ý của bức họa.
Vân. — Vậy thế bây giờ muốn đề một bài thời thế nào là phải?
Khách. — Bây giờ nếu muốn đề một bài phải nên trông vào bức họa, mà lại lấy ba chữ đó làm đầu đề. Chú-trọng vào một chữ non, lấy chữ non làm chủ, vì rằng non đó thực là chủ-trương trong bức họa mà lại có ở trong đề; còn chữ thề với chữ nước thời trong họa không có mà trong đề có, cũng phải nhận như có mà chỉ nên nói nhẹ như không, vì là thề thời về sự đã qua mà nước thời không trông thấy ở đó. Nghĩa như thế, hoặc có phải chăng?
Vân. — Như thế thời khó lắm. Tôi thời không biết thế nào mà đề được.
Khách. — Ý chị muốn đề bằng văn nôm hay bằng văn chữ nho?
Vân. — Đề bằng văn nôm thời hơn, vả nhân ba chữ đề đây cũng bằng nôm.
Khách. — Vậy thời đề một bài thơ, hay một bài lục-bát?
Vân. — Bài lục-bát cũng được hay một bài cổ-luật cũng được.
Khi ấy, khách lại ngồi uống rượu mà vừa nghĩ. Bức họa vẫn để đó. Vân Anh thời đứng dậy đi xuống bếp. bảo con ở lên bưng mấy bát đồ ăn xuống để hâm lại. Lúc Vân-Anh lên cùng ngồi vào uống rượu thời khách đã nghĩ được mấy câu, đọc rằng:
Nước non nặng một nhời thề.
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ nhời « nguyện nước thề non »
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Vân. — Như thế thời hay lắm! Chữ thề chữ nước, vẫn nói đến mà vẫn là không có; chỉ một chữ non là nói thực. Nhưng còn hơi hiềm vì trùng mất một vần non thời kém hay.
Khách. — Vần non trùng, tưởng cũng không hại lắm: nếu nệ mà đổi đi thời mất hết cái thiên nhiên.
Vân. — Thế bây giờ xuống thế nào nữa?
Khách. — Bây giờ thừa xuống, cứ trông cái non trong bức họa mà tả thực, cho hết những cảnh vật ở non mà cho tỏ được cái tình tương-tư của non, thời hay.
Vân đọc:
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy.
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây chiếu bóng tà-dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi-pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Khách: — Hay lắm! Thử đọc lại cho nghe một lượt nào.
Vân-Anh đọc lại. Khách nói: — Như thế thời không trông vào bức họa, cứ nghe đọc cũng thấy như vẽ ra một cái núi tương-tư. Không ngờ chị văn nôm hay mà nhanh được đến như thế.
Vân. — Cũng là tại ông đã bảo rõ cho cái thế làm.
Khách. — Nếu tôi với chị mà cùng ở với nhau thời có nhẽ hai người cùng có ích.
Vân. — Cái ấy thời cũng tùy ở ông.
Khách — Khốn nhưng tôi thời lông-bông lắm, nếu chị mà dính vào với tôi thời lại túng khổ hơn ở đây.
Vân. — Chịu được thời thôi chớ sao.
Khách. — Nói đùa đấy, tôi thật là một người không có tình.
Vân. — Không có tình, thế sao văn lại có tình?
Khách. — Ấy chỉ có tình ở văn thế thôi.
Câu chuyện quá vui, trông ra giời đã chiều. Khách đứng dậy, nói phải lên ga để đón một người quen, vội mặc áo đi ngay, còn cái va-li thời gửi lại ở đấy.
Vân-Anh, sau lúc khách đi, cùng đứa ở xếp dọn chỗ mâm rượu, cuộn bức tranh cất đi, cả cái va-li của khách gửi cũng xách để vào tủ, khóa lại, rồi đi ngủ một lúc. Đến tối dậy, trong nhà chỉ còn một ít gạo; những đồ ăn mua chịu để làm cơm buổi sáng, người ta đến đòi tiền, không có đâu mà giả. Lại từ đêm hôm trước cho suốt ngày hôm sau, giời mưa mãi, nhà ở ẩm-thấp, bà mẹ lại bị cảm, lên cơn sốt nằm rên. Nghĩ thực nhiều nỗi buồn, có ý mong mãi mà không thấy người khách về; ai gọi đi mời rượu đều kiếu cả. Suốt đêm chỉ đi ra đi vào một mình, ngồi chán rồi lại đứng. Ngày mai, lấy cái áo mềm nhiễu đem lên Hanoi cầm được ba đồng bạc, lấy cho bà mẹ hai chén thuốc cảm, còn thời về trang giả những tiền mua đồ ăn. Thế là chỉ còn một cái áo băng rách cánh tay, để có đi mời rượu đâu thời mặc. Ôi! giời tháng chín, mưa mưa gió gió, thu sắp hết, đông gần tới, lạnh-lùng thay giai-nhân! Nghĩ là thân một người con gái có nhan-sắc, có tài-hoa, có học-vấn, vì cửa nhà sa-sút mà trụy-lạc vào xóm Bình-khang, ừ thôi thân-danh duyên phận đã không được như ai, còn như cái mặc cái ăn, tưởng đâu đến nỗi phải đói rét. Vậy mà con tạo-hóa đã ghen ai, ghen cho thật quá nhẽ; đã ghét ai, ghét cho thật đủ đường. Nào ai là những kẻ có tài, nghĩ chữ « tài » còn nên có nữa hay thôi? Qua ngày hôm ấy đến tối, không thấy người khách về; đêm cũng không thấy về; suốt ngày hôm sau nữa, đêm hôm sau nữa, mãi mãi không thấy người khách về!
Một tối, Vân-Anh ngồi buồn một mình, tưởng lại bài đề họa hôm nọ, tìm tờ giấy biên đem ra xem, nghĩ như thế này mà thôi thời chưa được sung nghĩa mà lại sợ có nhẽ sái. Ngồi nghĩ nối thêm rằng:
Dù như sông cạn đá mòn.
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.
Mới được hai câu thời thấy có người vào, thời là ông khách ấy, tay cầm một chai rượu văn-khôi, cười nói vui-vẻ và bảo làm rượu uống. Vân-Anh lúc ấy cũng vui mừng mà cũng lại ngại, vì lại không biết lấy gì mà làm rượu. Sai con ở đi mua chịu gà, không được; mình chạy sang chị em vay một đồng bạc cũng không được. Sau phải lấy tình-thực nói với khách.
Khách nói: — Thế chỗ tiền ấy, đã hết cả rồi à?
Vân. — Tiền nào à?
Khách — Ấy có tiền ở trong va-li ấy. Va-li tôi vẫn bỏ ngỏ không khóa, tưởng là đi thời về ngay, cho nên cũng vội không kịp dặn. Thế ở nhà chị không lấy tiêu à?
Vân. — Không, tôi có biết đâu.
Vân-Anh đi lấy va-li ra thời vẫn không khóa thật; mở ra, trong có một gói giấy bạc vào độ hơn ba chục, lấy mấy đồng đi mua đồ làm rượu, còn thời lại để vào đấy, khách bảo Vân-Anh lại cất đi. Đêm hôm ấy, anh chị lại thù tạc, lại nói chuyện về bài đề họa.
Vân Anh nói: — Bài này nếu cứ thế mà thôi thời sợ có nhẽ sái.
Khách. — Làm văn, có sợ gì sái; nhưng bài này cứ thế mà thôi thời không được rào ý.
Vân-Anh nhân đọc hai câu mới nghĩ nối.
Khách. — Như thế thời hay lắm! Một câu trên tả chân thật hay!
Vân. — Thế đã thôi được chưa?
— Kể thôi cũng được nhưng nối thêm được nữa thời có nhẽ mới được là dồi-dào.
Lúc ấy, tửu-hứng đã cao, khách lại nối rằng:
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể, lại mưa về nguồn.
Nước non hội-ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi.
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Vân-Anh nối rằng:
Nghìn năm giao-ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi nhời thề.
Khách nói: — Như thế thời thật là hết nghĩa.
Vân-Anh đem chép lại tất cả cho thật rõ, rồi đọc suốt lại một lượt. Hai người cùng lấy làm ưng ý. Sẵn bút mực trong va-li, tức thời đốt đèn thật sáng, đem bức họa ra để đề. Khách đề trước một bài chữ nôm; Vân-Anh thời viết quốc-ngữ. Đề xong, lại cùng ngồi uống rượu làm văn; thường hai người cùng làm chung nhau một bài, mỗi người làm mỗi đoạn. Cuộc rượu chưa tàn, hứng văn thơ cũng chưa tàn, nghe tiếng gà như đã giục sáng. Khách xin biệt để đi. Vân-Anh ngẩn người mà giữ lại. Khách nói phải đi kịp chuyến xe lửa nhất, kẻo nhỡ mất việc buôn bán. Vân-Anh lại hỏi đến hôm nào giở lại thời khách bảo không biết thế nào mà nói trước, hoặc không giở lại đây nữa cũng nên. Lúc ấy, hai tình quyến-luyến, tự người bình-khang kia không phải là giả ý mà du-tứ cũng nặng lòng biệt-ly.
Vân-Anh nói: — Từ khi tôi đem thân ra đi xướng ca, bao những cái tính-tình trong lúc thơ-ngây thật không còn có chút nào nữa. Không ngờ rằng đến nay được gặp có người như ông mà cùng nói một đôi câu chuyện khiến cho những cái tính-tình trong lúc thơ-ấu như đã chết mà lại được hồi-sinh. Nghĩ rằng còn được thừa-tiếp ông về lâu cho nên chưa dám vội hỏi rõ. Nay cái thì giờ trân-trọng còn có ít như thế, mà từ nay về sau lại cũng chưa biết làm sao. Sau này nếu tôi có bài văn nào làm ra, hoặc là câu chuyện gì muốn gửi trình ông biết thời viết thư đề ra làm sao? Muốn xin ông bảo cho thời hay lắm, và lúc nào ông có thì giờ rỗi, xin ông cũng viết giấy cho.
Khách: — Thôi! Can gì phải phiền thế. Như chị thời hoa đào nước chảy, chỗ ở rất là vô thường; tôi thời là một người khách buôn, quanh năm giang-hồ, càng không biết đâu mà định. Lúc nào ngẫu-nhiên gặp nhau thời lại cùng nhau nói chuyện; còn những lúc mỗi người mỗi nơi thời ai có việc của người ấy, cũng không cần phải tưởng nhớ đến nhau làm gì. Tôi cũng có một hai chuyện, muốn nói chuyện với chị nhưng thôi hãy để đến khi khác.
Lúc ấy, bà cụ cũng đã tỉnh dậy. Khách bảo Vân-Anh lấy hộ cái va-li ra, trong va-li còn ba mươi đồng bạc, bảo cầm đưa cả vào bà cụ, nói trong mấy hôm quấy-quả, xin cụ miễn trách cho. Mở cửa ra thời xe cao xu đã kề vào tận hè, khách chào để lên xe. Từ đấy mà về sau, những xe kề cửa nhà Vân-Anh, vắng hay đông, không biết những ai; một người khách từ-biệt trong lúc mờ sáng hôm ấy mà đi thời khó thay có buổi trùng-lai vậy!
II Náo-nhiệt.
Vân-Anh từ sau lúc khách đi, cũng mừng rằng được món tiền ba chục bạc ấy mà đi chuộc lấy áo về, lại trang-điểm chỗ ăn-ngồi cho hơi lịch-sự; tuy vậy mà trong lòng thực sinh ra có nhiều mối cảm một là tiếc rằng không mấy khi được gặp có người khách như thế, mà bèo hợp mây tan, không ra làm sao; hai là tủi rằng tự mình đã đem thân vào trong áng yên-hoa, thời thế nào cũng là người trong áng yên-hoa, cho nên người ta coi mình, dù hoặc có ai thương tiếc chăng, nhưng khinh rẻ thời vẫn là lòng chung của thiên-hạ; ba là buồn rằng tự mình nghèo túng quá, mất hết cả những cái phong-nhã, khiến cho người ta dẫu có lòng tốt với mình mà cũng đến phải chán; bốn là ngợ rằng lúc người khách cáo-biệt, bảo có một hai câu chuyện muốn nói chuyện mà còn để đến khi khác thời không hiểu là làm sao. Ruột tầm đòi đoạn vò tơ, hết ngày sang đêm mà ai vẫn ai, nghề vẫn nghề, đàn vẫn đàn, phách vẫn phách.
Một đêm. Vân-Anh đi hát ở nhà khách, hát một bài rằng:
Người đời thử ngẫm mà hay,
Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê.
Còn ai, ai tỉnh hay mê?
Những ai thiên-cổ đi về những đâu?
Đời đáng chán? hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh, riêng hỏi bạn tri âm.
Giá khuynh-thành nhất tiếu thiên kim
Mắt xanh, trắng, đổi nhầm bao khách tục.
江 河 日 下 人 皆 濁
天 地 鑪 中 孰 有 情
Giang hà nhật hạ nhân giai chọc,
Thiên địa lô trung thục hữu tình.
Đón đưa ai gió lá chim cành?
Ấy nhân-thế phù-sinh là thế thế.
Khách phù-thế chửa rứt câu phù-thế.
Người phong-lưu càng đượm vẻ phong-lưu.
Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu,
Chuyện kim cổ một vài câu phải trái.
Châu Nam-hải, thuyền chìm sông Thúy-ái,
Sóng Tiền-đường, cỏ ái bến Ô-giang
Ngẫm nghìn xưa, ai tài-hoa, ai tiết-liệt, ai đài-trang.
Cùng một giấc mơ-màng trong vũ-trụ.
Đời đáng chán, biết thôi là đủ.
Sự chán-đời xin nhủ lại tri-âm.
Nên chăng? nghĩ lại kẻo nhầm.
Hát xong, quan-viên bảo đọc lại một lượt nghe. Vân-Anh lại đọc lại. Trong quan viên có một ông lấy bút giấy, chép ra, rồi nói rằng:
— Sao bài này lại làm ra nhời của hai người?
— Bài này chính là hai người làm.
— Ai với ai làm mà chị biết?
— Em không biết rõ là ai với ai. Chỉ biết rằng là của một người khách chơi với một người cô-đầu.
— Tại làm sao mà chị biết rằng như thế?
— Nguyên cứ người chép bài này có nói chuyện cho em nghe rằng: có một người khách đến chơi nhà cô đầu, cùng với người cô-đầu cùng làm ra bài này. Từ đầu cho đến câu « Ấy nhân-thế phù sinh là thế thế » là của người khách làm; từ câu « châu Nam hải... » cho đến câu kết thời là của người cô đầu làm; bốn câu giữa, từ chữ khách phù-thế » cho đến chữ « câu phải trái » thời là hai người cùng thêm vào sau.
— Bài này, chị đã biết như thế thời có biết nghĩa làm sao hay không?
— Em cũng biết được gọi là thôi.
— Thử nói đi xem nào.
— Bốn câu mưỡn chỉ là nói đời người vơ-vẩn không ra làm sao. Một đoạn trên của người khách thời là bảo cho người cô-đầu biết rằng: đời là đáng chán, đời người cô-đầu càng đáng chán. Một đoạn dưới của người cô-đầu thời là giả nhời cho người khách nghe rằng: đời đáng chán, chẳng những gì đời người cô-đầu, dẫu những người thế kia thế khác xưa kia, mà thân đời nghĩ cũng là đáng chán cả. Đời đáng chán, chỉ nên biết như thế thôi là phải; còn nên chán hay không thời chưa chắc. Bốn câu giữa thời chỉ là nhời chép, để tiếp đoạn trên xuống đoạn dưới đấy thôi.
Trong quan-viên có một ông cụ đương nằm tiêm thuốc, đặt rọc tẩu, ngồi dậy nói rằng: — Chị này thông lắm! tất là người có học. Thế chị có biết những điển-tích trong hai câu này không? (trỏ vào câu (châu Nam-hải).
— Con cũng có được nghe người ta nói Châu Nam-hải là sự-tích Mỵ-Châu, Mỵ-Châu bị chém chết ở bờ bể Nam, tương-truyền rằng những con trai ở đấy ăn cái máu Mỵ-Châu mà thành ra có ngọc. Thuyền chìm sông Thúy-ái là sự-tích bà Phan-thị-Thuấn. Chồng bà ấy chết trận ở bến Thúy-ái, rồi bà ấy ngồi thuyền sai bơi ra giữa giòng sông chỗ ấy, tự dìm thuyền xuống để chết theo chồng. Ấy là một câu trên, hai điển lấy về sử Tàu: Sóng Tiền-đường là sự-tích Tây-Thi...
— Tiền-đường thời là tích Thúy-Kiều, sao lại là Tây-Thi?
— Tây-Thi cũng bị chết ở sông Tiền-đường. Đây lấy về sự-tích Tây-Thi mới phải; chớ lấy về tích Thúy-Kiều thời lại mất nghĩa của đoạn này.
— Tây-Thi đến sau theo Phạm-Lãi đi chơi năm hồ, điển-tích phân minh, cho nên ở chuyện Hoa-Tiên cũng có câu « Buồm mây khói tỏa năm hồ », là nói về Tây-Thi. Sao lại là chết ở sông Tiền-đường được?
Một ông quan-viên nữa lại nói rằng: —
Phải. Con bé nó nói láo! Nhớ độ đã lâu, tôi có xem hát tuồng ở trên Hanoi, hát vở tuồng Tây-Thi, cũng đến cảnh Phạm-Lãi đưa Tây-Thi đi chơi năm hồ là hết.
Vân: — Tây-Thi theo Phạm-Lãi đi chơi năm hồ, tự cổ vẫn truyền như thế, nhưng thực thời không phải. Cứ em nghe người ta nói, ở một quyển sách gì có nói rằng: Lúc quân Việt đã đánh được Ngô, Câu-Tiễn cùng Phạm-Lãi sai bỏ Tây-Thi vào một cái túi, quăng xuống một khúc sông Tiền-đường để tế giải oan cho cái trung-hồn Ngũ-tử-Tư. Vì rằng trước kia Ngũ-tử-Tư bởi Tây-Thi mà bị bỏ vào túi da ném xuống khúc sông ấy. Còn như đi chơi năm hồ là chỉ có một mình Phạm-Lãi. Sau các văn-nhân thường thích những câu chuyện phong-vân, cho nên đều nhận là Phạm-Lãi đem Tây-Thi đi chơi năm hồ. Lại đến như vở tuồng Tây-Thi hát ở Hanoi khi trước mà kết rằng Phạm-Lãi, Tây-Thi cùng đi chơi năm hồ, đó là trong sự diễn tuồng người ta chỉ cốt soạn lấy vui trò mà lại cho có hậu; chớ không phải là sự thực.
— Con bé nó chỉ nói láo! chẳng nghe ra làm sao cả!
Ông cụ nói: — Chắc đâu rằng người ta nói láo; ngộ chỗ ấy mình không học đến thời sao.
— Chẳng biết nói láo hay không, nhưng bây giờ mà đem những câu chuyện ấy ra để nói, thật là hủ!
— Tôi tưởng đi chơi mà gặp được có người biết nói câu chuyện như thế, kể cũng còn là hơi có thú; chẳng hơn là ngồi với những thị xấu không thể thương được, mời thìa rượu, chán quá mà phải uống; lại phải múc giả lại một thìa thời thật không cái gì khổ bằng.
— Cụ thích nó thời tối mai cụ đến hát cho nó một chầu, tha-hồ mà nghe chuyện!
— Tối mai tôi đến hát lắm.
Ông khác nói: — Tối mai tôi với cụ đến đấy chơi. Ta hủ, ta lại chơi về cách hủ. Thế tên chị gọi là gì? mà ở chỗ nhà nào?
Vân: — Em tên là Vân, nhà ở trong ngõ này, tối mai mời các quan quá bộ đến xơi nước.
Ông quan-viên nữa lại nói: — Hãy để nói hết về bài hát này đã. Một điển « sóng Tiền-Đường » nhận về Thúy-Kiều thời sao? mà phải nói đến Tây-Thi?
Ông khác nói: — Đoạn này là nhời người cô-đầu cốt dẫn những người sang trọng ở ngoài áng yên-hoa mà thân-thế cũng chỉ là một giấc mộng, để giả nhời người khách ở đoạn trên; nếu Thúy-Kiều thời cũng là một người trong yên-hoa, còn có gì mà dẫn. Chị Vân nói về Tây-Thi có nhẽ phải, nhưng không biết điển ấy ở về chỗ sách nào.
Ông khác lại nói. — Thế còn cỏ Ô-giang thế nào?
Vân: — Cỏ ái bến Ô-giang là tích Ngu-Cơ. Lúc Hạng-Võ bại trận ở Cai-Hạ, Ngu-Cơ tự-vẫn chết, chôn ở gần miền sông Ô-giang, nhân thế ở chỗ đó sinh ra nhiều cỏ « ngu mỹ-nhân ». Cho nên trong bài Ngu-mỹ-nhân thảo của ông Tăng-Củng có câu « 香 魂 夜 逐 劍 光 飛, 靑 血 化 爲 原 上 草 Hương-hồn giạ trục kiếm quang phi, thanh huyết hóa vi nguyên thượng-thảo »; trong chuyện Hoa-Tiên cũng có câu « le-te bờ cỏ sông Ngô bên đường », đều là nói về tích ấy cả.
Một ông quan viên hay cáu lại nói rằng:
— Thế còn gì nữa không? hay đã hết rồi? thời để cho bảo bưng rượu!
Từ bận đi hát ấy về sau, nhà Vân-Anh đã thường thường có khách hát. Trước còn phần nhiều là quan viên làng nho, đến thưởng văn, thơ, xem đề, họa; sau thời các hạng quan viên cũng đến chơi đông cả. Đã được đông khách hát thời sự ăn-mặc, chỗ ăn ở cũng dần dần được sang-trọng; đã thế thời khách hát cũng càng đông. Con người gặp lúc không ra gì thời không ra gì, đến lúc giời đã cho lên thời thấm-thoát cũng không mấy. Qua một mùa đông năm ấy sang tháng xuân năm sau mà Vân-Anh đã dọn nhà lên Hàng-Giấy ở vậy.
Vân-Anh từ khi lên Hàng-Giấy, thanh-giá càng lộng-lẫy, như một vừng giăng sáng ở dưới đáy hồ thu. Con người ta đến lúc phong-quang hời vẻ người cũng phong-quang, cái đẹp không biết từ đâu sinh ra, cái sang không biết từ đâu đưa đến, cái con ma ghen của tạo-hóa đến lúc ấy cũng đã bớt khe-khắt với người hồng-nhan. Trong nhà Vân-Anh đã có nuôi vài ba người bạn hát, cô đầu hát, cô đầu rượu có cả. Những người cùng ở với Vân-Anh, phi có thanh, thời có sắc, đều có tư-cách người con hát, không ai đến nỗi là giã kê. Bởi thế cho nên khách gần khách xa, khách các quan, các nhà tư-bản, các thầy đương làm việc, các công-tử đương thời cho đến các người không phong-lưu lắm ở trong làng nho cũng đều có lòng chiếu-cố cả. Khách đồng-bang đã lắm mà khách các chú cũng lại nhiều. Khi ấy, ngoài cửa nhà Vân-Anh dù những tối thứ hai, thứ tư về cuối tháng tây, cũng đều có xe gác: xe cao-xu, xe nhà, xe ô-tô. Mỗi tối chưa đến bảy giờ tiếng trống đã vang cả các nhà bên cạnh; hoặc cũng có tối không nghe thấy tiếng trống thời ngoài cửa trông vào, cũng đã thấy có những cái chân quần trắng, giầy vàng, đen, thò ra ở cạnh giường. Bởi thế, các người trong làng chơi, ai có muốn thưởng cái phong-vị ở trong đó thời đi phải hơi sớm. Bởi thế, trong một cái nhà cô-đầu đó biệt gây thành một mối cạnh tranh. Bởi thế, các nhà đến gọi đi mời rượu, Vân Anh cũng ít đi. Bởi thế, các người muốn thưởng-thức Vân-Anh thời càng phải đến đó. Bởi thế, cũng một chầu cháo, ở nhà khác năm, sáu đồng, ở nhà Vân-Anh ít cũng phải mươi hai đồng; cũng là một chầu rượu, ở nhà khác mươi hai đồng, ở nhà Vân-Anh ít cũng phải hai mươi đồng. Bởi thế, Vân-Anh đi ra ngoài thời xe nhà, ở thường trong nhà cũng đeo ngộn những vàng, như thể hiện thân kim-tướng vậy. Bởi thế, những người muốn nói chuyện trăm năm, tỏ nhời tri-kỷ càng phải nặng đưa tặng-khoản, phi một cái tủ khảm thời cũng đôi xuyến vàng. Bởi thế, những văn-nhân tài-tử không có xuyến và tủ khảm thời cũng nặng nhời xưng-tán, đưa tặng-khoản bằng văn thơ. Bởi thế, Vân-Anh đối với những tài-tử văn-nhân, cũng tiếp-đãi một cách riêng, không nỡ lấy tiền tài làm mục-đích. Bởi thế, những tài-tử văn-nhân, có người lấy thơ văn của Vân-Anh đem đăng báo, có người tự viết bài đăng báo mà ký tên Vân-Anh. Bởi thế, Vân-Anh không những có thanh-giá ở trong xóm Bình-khang mà lại chiếm một phần danh-dự trong văn-giới. Bởi giầu-có thanh-danh, cho nên bà con ở gần xa, tổng-lý trong xóm mạc cũng có đi lại vay mượn nhiều. Bởi thế, Vân-Anh không những có thanh-giá danh-dự ở phố-phường, mà lại có đức-vọng ân-trạch ở hương-quán. Bởi thế, một phần tâm-lý của xã-hội như đã không nhận Vân-Anh là con hát, mà là một người trong thượng-lưu. Ôi! Cùng đàn phách, cùng phấn son, có người được đến thế!
Vân-Anh ở hàng Giấy vừa được hai năm là sang đầu xuân năm thứ ba thời trong Bình-khang-giới có một đám ma nhớn. Đám ma nhà ai? chính là đám ma nhà Vân-Anh, tức là đám ma mẹ Vân-Anh vậy. Một cái đám ma ấy, lúc cử-hành, người đi đưa đứng chật hết một phố hàng Giấy, cả ta lẫn khách, không thể ước số là bao nhiêu người. Trong những người đi đưa, cũng có nhiều hạng: Mặn tình thăm viếng nhất là những tay đại-du-tử muốn lợi-dụng một phen thảm-thiết để tỏ niềm ân ái mà làm duyên cùng tài-sản của Vân-Anh; những khách quen, không có ý lợi-dụng gì, chỉ vì cảm-tình với Vân-Anh mà đi cũng có nhiều; lại những bà-con quen biết, thường có nhờ vả, ở nhà quê ra cũng đông; những chị em trong xóm Bình-khang đi cũng lắm; cũng có người thiên-hạ thấy vui mà dự vào cuộc đi theo xem. Người đi đưa đã đông mà câu đối và trướng cũng lại lắm, câu đối đã đi khỏi ga mà người đưa còn chưa qua phố hàng Lọng. Lúc hạ huyệt, đọc bài kính-thăm cũng có đôi ba kẻ. Kể cũng là một sự phong-vận ở Hà-thành. Ôi! vinh dự thay!
Cách một vài hôm sau, Vân-Anh viết nhời cảm ơn gửi đăng báo để cảm tạ chư-tôn liệt-quý đã có dự vào việc tống-tang ấy.
III. — Hoài-cảm
Người ta, vui hay buồn, sướng hay khổ, cảnh-ngộ với tâm-lý thường không theo nhau. Đương lúc Vân-Anh ở Ấp, nhà gianh vách đất, áo mảnh chăn đơn, một mối cùng-sầu chỉ mong sao cho được bằng chị bằng em, còn như cái giầu-có thanh-danh ở hai năm sau này, thật không mộng-tưởng đến. Vậy thời trong hai năm ở cái cảnh-ngộ náo-nhiệt ấy, nghĩ sung-sướng biết là nhường bao. Tuy vậy có một người khách thuật nhời của Vân-Anh từng nói chuyện rằng:
« Từ khi lên hàng Giấy, có làm ra nhiều tiền thật, nhưng nghĩ cũng chẳng thấy có sướng gì cho thân. Được nhiều tiền thời phải tiếp khách nhiều. Mỗi đêm thường phải thức cho đến năm, sáu giờ sáng, vừa hát, vừa uống rượu, rồi lại tiếp chuyện, khách có về thời mình mới được đi ngủ, khách ở lại mà đã ngủ thời mình cũng mới được đi ngủ, ngủ chưa được liền mắt thời lại đã phải dậy để tiễn khách. Hoặc có khách ở tầu hỏa về mà đến chơi ăn bữa cơm sáng thời cũng lại phải tiếp, tiếp một bữa cơm sáng mà liên-miên, nào chuyện, nào thuốc phiện, rồi lại cũng đến năm giờ chiều. Đi nằm chưa được mấy chốc, sáu, bảy giờ lại đã phải dậy, rửa mặt đánh phấn để tiếp khách buổi tối; như thế lại thức cho đến năm giờ sáng. Trong một ngày đêm thực không mấy hôm được có giấc ngủ cho ngon giấc. Đã không ngủ được thời cũng không ăn được, cho nên người chỉ cứ xanh như cái lá rau mà lúc nào cũng khan tiếng. Ấy là bình-thường đã như thế, nếu độ nào nhiều những ông khách hay đùa ngỏa thời lại nhọc khổ nhọc-sở. Hơi lười sự tiếp khách thời lại sợ mang tiếng kiêu-ngạo mà mất lòng quan viên. Có giữ-gìn mà chịu khó được như thế thời mới làm ra được nhiều tiền để ra mà làm gì? chẳng qua cốt là để sung-sướng. Như mình thế này thời thật làm ra nhiều tiền mà thật không thấy cái sung-sướng. Nếu bảo kiếm lấy một cái vốn để sau lấy chồng, nhưng lại nghĩ lấy chồng là cốt mong được người mà nương-tựa, vậy mà người đã nương-tựa được thời chắc không vì mình có vốn mà người ta mới lấy, nếu vì mình có cái vốn mà lấy mình, thời người ấy thật lại khó nương-tựa được lắm ».
Ấy là những câu chuyện mà Vân-Anh từng nói với người khách, liệu chỉ là một phần trong cảm-tưởng; còn thực như cảm-tưởng của Vân-Anh, có nhẽ chỉ thế mà thôi ru? Giăng trong gió mát, kể cũng có nhiều khi nhàn-hạ mà động niềm xa-xôi; rượu tỉnh canh tàn, kể cũng có nhiều lúc thanh-tâm mà đòi cơn ngao-ngán. Nghĩ từ độ áo đem cầm khó xong, gà mua chịu không đắt, ba gian nhà cỏ, ai là người hỏi liễu tìm hoa; đến nay thời đón đưa ai gió lá chim cành, mà suốt sáng, mà thâu canh, mà rầu hoa dãi nguyệt. Ba mươi đồng bạc có là mấy, nay có thể cầm cho một người bà-con thăm hỏi, mà trước kia mong tưởng vào ai. Câu thơ bài hát cho đến văn đăng báo, đến nay biết bao nhiêu người cho, mà trước kia biết cùng ai đề-vịnh. Ngọn đèn chiếc bóng, cũng lắm lúc đem giở đến bức tranh sơn thủy mà ngậm-ngùi, mà ngơ-ngẩn, cảm về nỗi « nước đi đi mãi không về cùng non ». « Hàm tình bất hướng đông-phong tiếu, độc bạn thanh-tùng đạp tuyết du », đòi phen nhớ đến câu thơ xưa mà như dại, mà như ngây, mà thẹn cùng văn-tự. Lại từ sau lúc đám ma mẹ đã cất, khăn buộc áo sô mà môi son mặt phấn, nén hương ngọn sáp mà dịp phách cung cầm. Đau lòng tử-biệt sinh-ly, mà khi cợt nguyệt, lúc cười hoa, vì ai vui thú? Than ôi! Vân-Anh, nếu thật quả là một người không còn có một chút tình..., nếu còn có chút tình-tính, nỗi hoài-cảm biết là nhường bao!
Vân-Anh từ sau lúc mẹ chết, khách-khứa càng đông lắm: người thời đi lại thăm hỏi, khách đến hát cũng như thường; lại cũng nhiều hạng khách phong-lưu, đến ngỏ chuyện trăm năm, muốn họp sức để gây-dựng cuộc buôn to bán nhớn; cũng có người không nói về việc buôn bán thời muốn nhân cái vốn của Vân-Anh mà tính đường bay nhảy, sẽ cùng nên ông nọ bà kia; lại những thư-trát nơi xa gửi về chia buồn cũng nhiều. Hơn một tháng giời, thật là chỉ ứng tiếp không kịp. Một hôm, giời về chiều, mở một phong-thư, thấy nhời viết thật dài, khác mọi giấy chia buồn, giở xem ngay tên ký thời chữ không rõ, không biết là của ai. Cầm bức thư nằm xem thời trong thư viết rằng:
« Nay nhân tôi có xem ở một tờ nhật-báo, thấy nhời cảm-tạ việc tống-tang mà dưới ký tên quí-nương, mới được biết rằng tôn-từ đã thọ-chung. Đường-xá xa-xôi, xin có mấy nhời gửi về kính thăm. Sau này xin được cùng quí-nương phân tỏ một đôi câu chuyện.
« Nhạn én đổi thay, tháng ngày thấm-thoát, kể từ độ đề tranh sơn-thủy, tới nay gần đã ba đông.
Vân-Anh xem đến câu này, trong bụng cảm-động lắm, biết là thư của người khách ngày xưa. Ngậm-ngùi nghĩ một lúc, rồi lại xem cho hết bức thư:
— « Dẫu « nước đi đi mãi chưa về », mà non xanh còn vẩn tóc mây thời liệu tưởng được vậy. Lận-đận chân mây, bể trần chìm nổi, thân-thế dẫu mỗi người mỗi khác mà nghĩ cũng như nhau. Giời tây xế bóng tà-dương, tôi thường vẫn nhớ đến quí-nương mà cảm tiếc vô hạn, rằng quí-nương là một người tuấn-tú trong nữ-giới, về sự học cũng đã có công-phu, nếu không phải cảnh-ngộ làm hại người thời như công-nghiệp Ban-Chiêu, tài-danh Tô-Huệ, bắc nam dẫu có khác mà xưa nay định cũng không nhường nhau. Vậy mà tạo-hóa ghen tài, không cho cành mai kia được riêng-nở ở trên núi. Đông-phong cánh học đào-hoa tiếu, bất cộng thanh tùng tuyết-lý du. Đương khi tôi được xem hai câu thơ vịnh mai của quí-nương, đã muốn vì quí-nương phân-thuyết về chữ đó. Song, nghĩ vì quí-nương còn có mẹ già, liệu không thể lấy đâu mà giúp quí-nương cho được một cái vốn để quay về buôn bán làm ăn. Cho nên trong khi ấy cũng đành lấy hai chữ số mệnh mà nghĩ cho qua xong sự đời, cho nên giời bảo ai thế nào thời người ấy cứ thế. Sau này quí-nương lên hàng Giấy, tôi nghe nói cảnh-ngộ được thư-thái, cũng trộm lấy làm mừng. Đó là một lúc quí-nương đắc-ý, mới thật là một đóa hoa đào trong gió đông, những câu chuyện ngọn tuyết cành mai khi xưa, lại không phải là lúc đem ra nói. Nay thời quí-nương đương trong lúc thương-cảm, những việc đàn phách liệu cũng không bận đến, vậy xin có mấy nhời, mong được soi sét.
« Con người ta ở đời, dù sang hay hèn, đều chỉ là một giấc mộng, quí-nương đã nhận rằng như thế. Mộng thời tất có tỉnh. Sau lúc tỉnh mà nghĩ lại trong lúc mộng, thế nào thời khoan-khoái, thế nào thời không khoan-khoái, tất có khác nhau. Cứ ý tôi nghĩ rằng: Trong lúc mộng mà trong-sạch thời sau lúc tỉnh được khoan-khoái, trong lúc mộng mà không trong-sạch, thời sau lúc tỉnh sẽ không được khoan-khoái. Trong lúc mộng, thế nào là trong-sạch, thế nào là không trong-sạch, tất cũng có khác nhau. Cứ ý tôi nghĩ: phàm những dơ-bẩn không bám vào đến linh-đài là trong-sạch, trong linh-đài để có những sự dơ-bẩn là không trong sạch. Bởi thế, người ta đương trong lúc còn mộng, nên nghĩ sao cho linh-đài được trong-sạch để sẽ được có phần khoan-khoái về sau; chớ cho mộng chỉ là một cảnh mơ-hồ mà toàn-nhiên không lưu ý trân-trọng. Như một giấc mộng trong sự ngủ, gặp thế nào thời thế, dẫu ai muốn trân-trọng mà không được có quyền; còn như giấc mộng của cả một đời, ai còn ở trong ngày nào thời còn có quyền được giữ cho trong-sạch. Những người không cần trong-sạch thời không cần giữ, đành đã không kể. Nhiều người muốn trong-sạch mà không giữ được, là bị cảnh-ngộ làm hại, ấy xưa kia hiền-nhân quân-tử đã thường, mà nay tôi muốn nói chuyện cùng quí-nương tức cũng vì một nhẽ đó vậy. Quí-nương tư-tính rất trong-sạch, nhà nghèo, mẹ già, khó biết lấy gì hiếu-dưỡng, cho nên trong mấy năm giời đã qua đó, thôi cũng là một dĩ-nhiên. Vả chăng luân-thường là một mối trọng nhất của người ta mộng-thế, hiếu-niệm là một mối trọng nhất của người ta trong luân-thường. Quí-nương sinh ra làm phận gái, không mày râu không thưng đấu, mà quạt nồng ấp lạnh, vẹn đạo thần-hôn; kính ngọt dâng bùi, trọn tình phản-bộ. Vậy thời trong giấc mộng thân-thế, dẫu có một đôi chút... nhưng trong cũng có thể đối với lương-tâm mà xin phần dung-thứ, ngoài cũng có thể đối với thiên-hạ mà ít nỗi thẹn-thùng. Mặc ai tủi lục e hồng, riêng ai ai những riêng lòng chuộng ai. Nay thời một đoạn ấy đã qua, quí-nương thực có toàn-quyền trong giấc mộng. Con tạo-hóa đã phó mặc cho cành mai kia được tự-do sinh-trưởng, có nhẽ không tìm nơi núi cao tuyết trắng, mà tham vui mải thú, theo mãi đời hoa đào trong gió đông hay sao? Tôi viết đến câu này cũng ngại rằng quá bút, song một chút lòng thành-hậu khiến cho tôi không cầm bút lại được. Vậy những nhời của tôi đây, may thời là một đôi hạt tuyết, thêm điểm-suyết cho cành hoa mai; chẳng may thời chỉ như cơn gió lốc ở dưới gốc cây đào, tưởng cũng không hại gì đến vẻ cười của đóa hoa kia vậy. Mong quí-nương lượng thứ cho là hết.
« Về phần tôi ở đây, lưng-vốn nhờ người mà buôn bán cũng không ra làm sao, thu-xếp lấy một cái vốn để về quê nhà làm ăn, mà không tính sao được, thời không biết có lúc nào lại được tiếp quí-nương hay không. Những bài hát cùng làm khi xưa, chẳng qua là trong lúc uống ruợu quá vui, xin quí-nương đừng đem tuyên-bá trong ca-trường thời tôi được cảm tạ lắm. Cuối xuân tiết ấm, xa chúc bình-an »
Le 15 Avril 1921
Tên ký......
Vân-Anh trong khi xem bức thư, ngọn trào lòng, như lên như xuống. Xem đã hết không thấy có đề chỗ ở; tìm lại phong-bì thời tự lúc bóc đã sé rách dấu trạm, không biết từ đâu phát đi. Đặt thư xuống cạnh gối, chùm chăn nằm thật yên, rồi không biết ngủ đi lúc nào mất. Tối đến, một người khách quen đến chơi, lên tận gác, lột chăn ra, đập tay vào đùi, nói rằng: « ngủ mãi! » Vân-Anh chợt tỉnh dậy, đoạn-trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh! vội cầm bức thư đút ngay vào túi. Khách cố giằng lấy không được. May hôm ấy là ông khách đến giả tiền, không phải đến hát. Vân-Anh dặn người nhà hễ thấy có khách đến, đều nói dối rằng mình về nhà quê vắng. Đêm hôm ấy không ăn không ngủ, ngồi một mình suốt đêm như một cái núi tương-tư vậy.
Từ mấy hôm sau giở đi, có khách đến chơi thời chỉ những chị khác ra tiếp mà Vân-Anh thời không thấy nữa. Các du-tử lấy làm một cái vấn-đề lạ, hỏi các chị thời thấy nói rằng: có một hôm, Vân-Anh gọi các chị em, cho tất cả những đồ đạc, quần áo, vòng xuyến, tiền của, thấy chỉ xếp một cái va-li con và mở tủ lấy bức tranh sơn-thủy cuộn đem đi, không biết rằng đi đâu.
KIẾP PHONG TRẦN
Cô hai Đào từ ở bến Sáu-Kho cầm cái mùi-xoa lau nước mắt mà giở về, dẫu không nói. ai cũng đều biết rằng trong lòng cô trăm vòng tơ rối. Tuy vậy, cô dẫu buồn về nỗi biệt-ly, song cũng có một chút vui riêng về đường của-cải. Là làm sao? Ông Hai có cho lại cô thật là nhiều tiền của, trừ những đồ vàng ở trong mình không kể, lại còn như cửa nhà xe ngựa, nhất-thiết về tay cô hết cả. Cô ở Hải-Phòng mà đi về Hanoi, ngồi trong hạng ba xe lửa, nghĩ mình mặt nước cánh bèo, không có của thời cái thân không ra gì; có của mà ở đất Hà-thành, giữ được cho khỏi bị người ta lừa, tưởng cũng chưa đã dễ. Trong cùng toa bấy giờ, ai nói truyện gì với ai, cô cũng như không nghe thấy; xe dừng ở ga nào, đã đi đến ga nào, cô cũng như không biết. Cô chỉ ngồi tựa trong cửa kính, trông ra đường giây điện, nghĩ về của cải cơ-nghiệp ở Hanoi mà vấn-vương tơ lòng. Sau khi đã về đến Hanoi, ở nửa tháng, một tháng, quả không thiếu gì các khách tài-tình, trong vòng tuổi trẻ, ngoài trạc tứ-tuần, bướm lại ong qua, chào hoa hỏi liễu. Cô đã có một cái lòng sợ người ta đến lừa mình, cho nên nhất-thiết không có thề ước nặng tình gì với ai. Không bao lâu cô bán hết cả cơ-nghiệp ở Hanoi mà về quê, là ở về hạt huyện Thanh-Hà tỉnh Hải-Dương. — Cô hai Đào từ khi về quê, tậu trại làm nhà, vườn hoa cây cảnh, buổi chiều thời xe ngựa rong chơi, sung-sướng thay,
Cô đã giầu có như thế, mà tuổi xanh má phấn, càng thêm cho thiên-hạ động tình; thơ nhạn tin oanh, lại cũng không khác nào như khi cô ở Hà-thành vậy. Ai nghe cái truyện này, đến đây, thử dừng lại mà nghĩ về hậu-vận cô hai Đào, chắc một là lấy ông hậu sắp ra tri, hai là lấy ông tri mới hóa vợ, ba là làm bạn cùng một nhà thầu-khoán có đồn-điền. Vậy mà ai ngờ đâu.
Sợi tơ hồng ai khéo xe duyên!
Treo tranh tố-nữ đứng bên ông tượng đồng!
Tiếc thay! như cô hai Đào mà lấy chồng tây đen thời ai đó chẳng buồn lắm ru? Nghĩ thiên hạ cũng không thiếu gì người lấy tây đen, song như những ai kia thời là bởi tham đồng bạc trắng, chỉ là « giời xanh quen với má hồng đánh ghen ». Thôi nhưng lấy ai thời cũng là chồng, tưởng cũng không phải vì cô buồn thay vậy.
Từ khi cô đã kết duyên Tần-Tấn với một chàng Ấn-độ ấy, vườn đào riêng đã có người chủ-trương. Lạ thay! chú tây đen từ ở bên Tây-Trúc mà sang làm rể ở Thanh-Hà, mà rồi đến có cả cái cơ-nghiệp ấy vậy!
Chú tây đen đã lấy cô hai Đào thời tức là có cái cơ-nghiệp ấy, nếu như thế thời cũng không lấy gì làm lạ; lạ rằng duyên thắm chưa xe được bao lâu, mà thằng đen đã ra lòng phụ-bạc! Bao nhiêu các văn-tự ruộng cấy đất ở, nhất-thiết sang tên đen cả. Không biết ở Ấn-độ xưa nay có bùa thuốc như ở trên Mường ta hay không? mà ở Thanh-Hà sinh ra cái quái-kịch đến như thế! Chàng Ấn độ đã chiếm-lĩnh được cơ-nghiệp ở Thanh-Hà ấy, rồi mới đuổi bỏ cô hai Đào. Than ôi! « duyên đâu ai dứt tơ đào! nợ đâu ai bỗng dắt vào tận tay! » Đến lúc ấy, cô ngồi nghĩ lại như khi đi tiễn ai ở Sáu-Kho, lại giở cái mùi-xoa ra mà chùi lau nước mắt, giọt nước mắt lúc này mới thật là chan-chứa tình thương-nhớ, hơn như mặt nước sông Hải-Phòng. Thôi, sự đã dĩ-nhiên rồi, trong tay cô đã không còn có một mảnh văn-tự nào nữa rồi, ôi thôi, cô hai Đào, ai cho cô còn được ngồi lâu ở trong cái nhà, ở trong cái trại đó mà ngậm-ngùi!
Ngậm-ngùi gạt lệ bước ra,
Chém cha mối lái! chém cha tơ-hồng!
Bảo rằng duyên thắm vợ chồng,
Bây giờ mới biết tượng đồng bạc đen!
Nhân lúc buồn, lại xấu hổ cô không tiện ở làng, mới sang chơi hạ huyện Vĩnh-Bảo tìm thăm một người chị em bạn cũ là cô Cúc hát ở đó.
Cô hai Đào sang chơi đến Vĩnh-Bảo thời ở Vĩnh-Bảo vừa mới đêm hôm trước sẩy ra một truyện cũng hơi lạ:
Khoảng hai giờ đêm, ở một làng gần huyện nghe có tiếng súng nổ. Tiếng súng ấy, người thật không biết thời ngờ là có cướp; người hơi biết thời bảo là súng của ông Cửu ở làng ấy đi tuần; song chỉ là một viên đạn vô tình ở trong bàn tổ-tôm, mà viên đạn vô tình ấy đã làm cho cái đời phồn-hoa của chị Cúc cháy xém ra gio vậy. Truyện ấy, trừ những người ở trong bàn tổ-tôm đêm hôm ấy thời không ai biết được rõ, cho nên có người nói rằng:
« Đêm hôm ấy, bàn tổ-tôm đương đánh, chị Cúc đã đi ngủ trước, nằm ở một giường bên cạnh. Ông Cửu đi tuần về, vào đập dậy cho vui mà chị Cúc ụ-ỵ chưa dậy; ông Cửu nhân súng đi tuần, cầm nhằm vào đầu để thị oai, không ngờ rằng ở trong súng đã có đạn, cũng không ngờ rằng đầu ngón tay có bóp cò. Ấy thời là một sự vô ý mà bỡn quá hóa thật ».
Lại có người nói rằng:
« Khẩu súng treo ở vách mà chị Cúc đứng dạy đụng phải, cho nên rơi xuống mà đến thế ».
Hai nhời nói. dẫu chưa biết nhời nào là thực hơn, song có nhẽ là chị Cúc đụng phải khẩu súng treo ở vách, chớ ai có đùa quá đến như thế. Thôi, sự đó, nếu có là nhà chánh-trị thời mới cần phải xét kỹ, còn như chép truyện thế gian thời không cứ là ông Cửu vô ý, hay chị Cúc vô ý, chỉ biết rằng cái đời phồn-hoa của chị Cúc đã vì một viên đạn vô-tình ấy làm cho cháy xém ra gio vậy.
Nỗi riêng khôn xiết thương mình!
Thương ai luống lại lệ tình tuôn rơi!
Con người ta trong lúc mình đã bĩ thời những người quen biết với mình thường cũng gặp phải cảnh bĩ cả; cái đó không biết tại làm sao mà thế, mà thật có như thế, tưởng cũng không cứ một mình cô Đào. Cô hai Đào ra chơi đến đấy, rồi vơ-vẩn không biết lại đi đâu, sau quanh quẩn tới Hải-Phòng, tình-cờ ở phố Khách gặp một người bạn cũ nữa là Liễu-nương. Hai người mới gặp nhau, trước còn bỡ-ngỡ, rồi mừng rỡ lạ thường. Liễu-nương mời Đào vào một cái gác con ở phố ấy, là một chỗ thuê để đi lại buôn bán, rồi đêm hôm ấy, hai người cùng ngủ ở đấy. Câu truyện vui không được mấy, sau cùng nhau kể hết tình-cảnh tâm-sự. Đào lại nói truyện Cúc cho Liễu nghe, hai người cùng khóc, Liễu với Cúc cũng cùng là chỗ chị em chơi với nhau trước cả.
Đào:
— Trong mấy chị em mình chơi với nhau khi trước bây giờ dễ chỉ có chị Lan thế mà còn sung-sướng hơn cả.
Liễu:
— Chị ấy nghe nói cũng khổ lắm.
— Làm sao?
— Kể chị ta lấy được ông Huyện ấy thời dẫu làm lẽ cũng đáng; nhưng gặp phải cái mụ vợ cả thật là tay đáo-để quá. Ai lại như tháng trước tôi vừa mới nghe truyện: chị ấy thời mới ở cữ được một đứa con giai, mới được độ nửa tháng; ông huyện ấy thời đâu lên tỉnh có việc quan vắng. Thế mà không biết vì cớ gì, nó nỡ lôi người ta ra, sai lột quần ra mà đánh!
— Như những thế thời tức lắm nhỉ.
— Tức thời có làm gì được người ta. Mụ này nguyên lại là lo cho ông ấy ra tri-huyện, cho nên nó mới hách quá đến thế.
— Nghĩ mình đã không ra làm sao, mà chị em lại cũng như thế cả, thật buồn quá.
— Như bây giờ mà nghĩ đến lúc chúng ta còn mười lăm, mười sáu tuổi, cùng chơi với nhau, rồi lại thư từ đi lại, thật là vui-vẻ quá.
— Như trong lúc ấy thời thật không nghĩ đâu rằng về sau này mà lại như bây giờ.
Hết cuộc truyện đêm hôm ấy, rồi đến sáng hôm sau thời hai người biệt nhau. Đào đi Hà-Nội; Liễu thời lại xếp hàng ra Hòn-Gai.
Liễu-nương nguyên lấy một người chồng khách ở Hải-Phòng, trong một hai năm trước thời kể cũng sung-sướng. Sau chú khách buôn bán thua lỗ, bỏ đất Hải-Phòng ra Hòn-Gai. Ở bể vào ngòi, cũng đã bực lắm. Ở Hòn-Gai được hơn một năm, chú khách lại lấy được một người vợ nữa, người ấy dở tàu dở an-nam, cũng chạc tuổi như Liễu-nương mà chỉ là hơi có của. Từ đấy, Liễu-nương dẫu không phải làm lẽ, nhưng cái thân-phận cũng không hơn gì cô Lan. Ở Hòn-Gai chỉ mỗi ngày hai buổi đứng ở trước bếp than; trong một tháng được có ngày nào đi lại Hải-Phòng cất hàng thời còn là lúc mát mặt, chuyến ấy ở Hải-phòng về, nhân gặp cô hai Đào mà sinh ra một mối thương-tâm vô hạn, suốt từ lúc bước chân xuống tầu cho đến tới Hòn-Gai, bồi-hồi ngao-ngán. đã vì thế, lại tại lúc tầu đến Hòn-Gai, giời đã tối, cho nên đồ hàng khuân về nhà, thiếu mất đi một hòm sà-phòng. Một hòm sà-phòng ấy không biết rằng rơi xuống sông, hay đứa nào chuyên mất: nhưng, than ôi! vì một hòm sà-phòng ấy mà Liễu tan-tác mày, thời những các chị em, ai nghe đến truyện này, thật cũng đáng « chém cha cái kiếp lấy chồng chung » vậy. Nghĩ cho đất Hòn-Gai đã là nơi lầm-than, lại có thêm riêng một cảnh lầm-than như chị Liễu, vậy thời « đời đáng chán hay không đáng chán? » tưởng cũng không cần phải cất chén quỳnh mà hỏi bạn tri-âm. Bởi thế cho nên mới lại có một cái bức tranh rất bi, rất thảm như ngày hôm sau vậy.
Vịnh Hạ-Long, tên chữ tây gọi là « Baie d’Along » là một nơi danh-thắng thứ nhất của nước ta, người các nước đến chơi cũng lấy làm một cảnh thiên-sảo. Ấy chỉ là một chỗ thừa-lương của các bực quí-tộc phú ông tao-nhân mặc-khách, mà thảm đâu Hạ-Long vịnh đó là mồ hồng-nhan!
Ai xem truyện này đến đây, cũng đều đã biết rằng Liễu-nương tự tử ở đó. Tâm-sự Liễu-nương thế nào, chỉ một mình Liễu-nương biết; tình-cảnh Liễu-nương thế nào, người xem truyện đã biết. Nay kẻ chép truyện chỉ riêng nghĩ cho cô hai Đào, không biết rằng lưu-lạc đi nơi nao, nếu lại nghe thấy cái tin Liễu-nương tự-tử ở vịnh Hạ-Long này thời chắc lại không biết bao nhiêu nước mắt vậy.
Than ôi! Lấy chồng tây đen như cô Đào thời như thế! đi hát như cô Cúc thời như thế! làm lẽ như có Lan thời như thế! lấy khách như cô Liễu thời lại như thế! Không biết có phải là cái kiếp phong-trần hay không? mà sao hồng-nhan bạc-mệnh đến như thế! Bởi thế, cho nên thế-gian có câu ngâm:
Thế-gian ngâm rằng:
Cái kiếp phong-trần ngán biết bao!
Xuân lan thu cúc,
Đông liễu tây đào.
Hóa-công độc-địa làm sao!
Mà đem bạc-mệnh buộc vào hồng-nhan.
Giấm chua dầm tưới cho lan;
Lửa nồng cúc đã gio tàn sắc kim;
Bể sâu cành liễu buông chìm;
Hoa đào ngọn nước, con chim phụ tình.
Thế-gian lắm sự bất-bình.
Muốn lên hỏi tại giời xanh nỡ nào.
Xuân lan thu cúc,
Đông liễu tây đào.
Cái kiếp phong-trần ngán biết bao!
Thơ Tản Đà: Hầu Giời
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com