chan_dung-ke_si

TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG - Tập truyện Lan Khai Phần 2

30-09-2023

Lượt xem 1981

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lan Khai

TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG - Tập truyện Lan Khai Phần 2

Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện đường rừng là tác phẩm viết về miền núi của nhà văn rất sung mãn Lan Khai (1906-1945). Đương thời, có lẽ sức viết của ông chắc chỉ kém mỗi nhà văn Lê Văn Trương của cùng nhóm Tân Dân với ông, nhóm văn chương đối chọi với Tự lực Văn đoàn của Nhất Linh. Lan Khai dạy học, viết văn và tham gia cả phong trào kháng Pháp của Nguyễn Thái Học nên đã bị thực dân Pháp bắt giam vào Hỏa Lò. Gia đình ông lúc đó đã phải bán hết gia sản để cứu ông thoát chết.

Năm 1938, Lan Khai đã vượt qua bộ máy kiểm duyệt của thực dân Pháp để xuất bản cuốn tiểu thuyết Lầm Than. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về đề tài công nhân. Lan Khai mô tả đời sống cơ cực lầm than của những người thợ do sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp...

Cũng vì cuốn sách, Lan Khai bị thực dân Pháp bắt, tới tận năm 1943 ông mới được chúng thả. 

Năm 1944, Lan Khai đưa gia đình về Tuyên Quang nhưng...

Những ký ức cuối cùng về nhà văn Lan Khai sau này được người vợ của ông là Hà Thị Minh Kim kể lại rằng: "Lan Khai dạy học, vẽ truyền thần, mở quán sách Lan Đình, tập trung vào chống đói. Chỉ vì trong quán sách Lan Đình có cất giấu mấy tờ Giải Phóng và Cứu Quốc, bất ngờ đêm 1/5/1944 bọn lính Nhật ập vào nhà tôi lục soát, đánh đập tôi và trói chặt Lan Khai đem hạ ngục ở đồn binh của chúng, đày đọa anh hơn 3 tháng trời. Tôi phải tìm cách hàng ngày đưa cơm và mật gấu vào trong trại. Vừa tra tấn vừa mua chuộc không được, lúc anh gần chết thì chúng mới lôi anh vứt ra đường, toàn thân thâm tím, áo quần rách nát, không lê nổi bước chân…”

 

 

Mũi tên dẹp loạn

Về hồi ấy, suốt một vùng đồi lũng chạy dài theo miệt hữu ngạn Thanh Giang, thuộc địa phận tổng Bắc Nhụng, hãy còn rậm rạp những rừng. Cái cảnh hoang vu cổ lai như chưa từng bị loài người xâm phạm. Vì, trên mặt da cây xù xì rêu mốc, tuyệt nhiên không có dấu chặt đẽo của búa rìu, và dưới từng cỏ rác mọc lũy khiếm lên nhau, cũng không hề thấy di tích cửa nhà, đường sá. Những loài thảo mộc tự hồ lấy đấy là quê hương. Nhất là về mùa tháng Năm tháng Sáu, lá cây rườm rà che khuất cả mặt trời. Bên dưới thì những dây mây dây mé, thiếu cóc, nhựa vàng chằng chịt cành nọ sang cành kia, nối liền gốc cây này với gốc cây khác, kết thành một khối xanh xanh vĩ đại.

Dưới trần lá kín mít, trong chỗ tranh tối tranh sáng lạnh lùng ẩm ướt, chỉ thấy những loài chim rừng, thú dữ, sâu, kiến, rắn, rết bay, chạy, nhảy, ẩn núp, rình mò... Cả cuộc sinh hoạt tối tăm ghê tởm, nhịp theo tiếng gió vụt đầu cành, suối dồn kẽ đá ấy chưa từng bị ngăn trở, chưa từng bị quấy rối bao giờ.

Nhưng...

Một ngày kia, một ngày cuối thu, trời đã xế chiều.

Qua những cành trơ trụi, tà huy len lỏi vào rừng, nhóm lên mặt lá cây xanh bóng hàng vạn điểm sáng lung linh... Cái lặng lẽ ngày thường lúc ấy bỗng rung động lên vì những tiếng sột sạt của lá khô bị giày xéo.

Tiếng động thoạt tiên còn rụt rè, bẵng đi, rồi rõ mồn một...

Giữa khoảng những cổ thụ thấp thoáng hiện ra một bóng người...

Bóng đen cứ rón rén đi mãi, hết lom khom lại cúi rạp xuống, có lúc vươn thẳng lên một cách mạnh bạo, có lúc đứng sững lại, yên lặng như một gốc cây, hoặc rút con dao lưng sáng quắc gạt những con vắt xanh lày nhày đang leo bám lên mình. Sau lưng thì hàng vạn con muỗi đói bay vù vù, lẵng nhẵng theo cái mồi hiếm lạ. Dưới gốc cỏ, những con rắn, những con cầy, giựt mình chạy roàn roạt. Những con ếch, nhái khổng lồ gan góc hơn, thì giương mắt nhìn thao láo, đoạn kêu rầm lên như báo cho cả rừng cây biết sự khác thường.

Bóng đen đi qua giữa vùng ánh sáng tự trên cao rót xuống như một bó tơ óng. Thì ra một chàng trẻ tuổi cao lớn, khỏe mạnh, đầu bịt khăn vải, mình mặc áo xanh, lưng đeo dao, chân quấn xà cạp, tay cầm chiếc nỏ cánh dâu. Chàng ngẩng nhìn, lộ ra một khuôn mặt bầu bầu, da bánh mật, cặp mắt to sáng quắc dưới đôi mày rậm, mũi sư tử, miệng rộng, môi dày, điểm loáng thoáng mấy sợi râu non. Chàng có vẻ lo ngại nhưng quả quyết, tự hồ đang nghĩ ngợi một chuyện gì quan trọng lắm.

Thốt nhiên một tiếng... hai tiếng hú khe khẽ...

Nhanh như chớp, chàng trẻ tuổi lẩn vào một gốc cây gần đấy và nín hơi, chờ...

Ngay lúc ấy, xa xa đằng phía trước, hiện ra một cái bóng người nữa, thấp lùn, to lớn, quần áo sặc sỡ, dáng đi khệnh khạng, trong tay cầm lăm lăm thanh gươm, người ấy nhớn nhác trông chung quanh và hú lên một tiếng thứ ba nữa, đoạn lắng tai nghe rất lâu... Bốn bề vẫn im lặng, cái im lặng sâu thăm thẳm.

Chàng trẻ tuổi khe khẽ kéo dây nỏ, rút mũi tên vầu đặt vào lòng máng giơ lên...

Cái bóng người vẫn ra vẻ nghi ngại, nhìn dò la từng gốc cây, từng tầu lá...

"Trếch!..."

Dây nỏ bật một tiếng lạnh lẽo.

Cái bóng lùn nhảy vụt lên, vùng chạy được mấy bước, đoạn ngã vựt xuống. Chàng trẻ tuổi nhảy xổ lại, nhẹ nhàng như một con báo. Một làn chớp lòe ra, một cái đầu văng trên ngọn cỏ...

Chàng trẻ tuổi cúi nhìn, mỉm cười một cách dữ tợn. Chàng chùi lưỡi dao lên thây chết, cài vào vỏ, rồi một tay xách cái đầu lâu vấy máu, một tay nắm chân cái thây chết lôi xềnh xệch lại gần chỗ nấp vừa rồi, ném cái đầu lâu, đoạn lẳng cả cái mình cụt xuống đám cỏ rác. Thì ra bên dưới có một cái hố sâu.

"Những quân chó này, không giết cho hết để làm gì! Tao đây không phải là kẻ để cho chúng bay ăn hiếp được!"

Chàng liễu kết cái tấn kịch thảm thê lặng lẽ bằng mấy câu nói cứng cỏi ấy xong, cúi xuống nhặt chiếc nỏ lên tay, lùi lũi bước đi.

Rừng cây lại chìm sâu trong cái tịch mịch nghìn đời...

 

Chàng trẻ tuổi đã ra tới bờ một khúc ngòi rộng và nông chảy róc rách trên mặt sỏi trắng.

Chàng đứng dừng lại, thờ thẫn nhìn cảnh làng mạc ruộng đồi bên kia bờ nước. Cái cảnh mới rực rỡ làm sao! Ánh chiều in lên mọi vật, làm cho toàn cảnh sáng trưng lên như một hoàng kim thế giới. Trên mặt đồng lúa chín, nhà cửa rải rác ẩn khuất sau những rặng chuối rườm rà. Rừng thu căng lên chân trời một tấm sa dài màu úa sẫm. Vòm trời cao tít, điểm vệt mây lòng tôm, hạt lựu, lửa đỏ, cánh sen, tàn hương, bạch yến, phớt tím, sạm vàng. Nước ngòi in sắc mây trời, lung linh như một con đường ngũ sắc chạy xa về cõi mộng thơ... Mấy vệt khói tự nóc nhà tranh bốc lên cao như những cái ý nghĩ vẩn vơ. Không khí ấm áp, sực nức mùi lúa chín. Thỉnh thoảng một vài cái mõ trâu rung lốc cốc, điểm lên cái yên lặng của cảnh vật những tiếng cổ lỗ xa xôi...

Chàng trẻ tuổi bỗng cau lông mày, mắt sáng quắc, nghiến răng nói :

- Không! Nhất định không! Dù có phải chết nữa cũng cam lòng chứ không khi nào ta chịu để cho giống Mèo tàn phá cái cảnh đẹp này!...

Nói đoạn, chàng lội qua suối, sang bờ bên kia. Tà huy đã tắt. Đêm trường. Trong chớp mắt, những vẻ vàng son lộng lẫy của thiên nhiên đã bị xóa sạch... Giun dế bắt đầu cử khúc nhạc năm canh. Không khí mát lạnh. Lá cây rì rào trong gió thoảng.

Nghe tiếng chân người, một hai rồi ba bốn mươi con chó sủa rầm lên. Cái xóm nhỏ rùng mình xào xạc. Sau những tấm phên che cửa, những cặp mắt lẳng lặng nhìn; những tiếng thì thào nói nhỏ...

Chàng trẻ tuổi đi thật nhanh: đến cổng chàng khẽ lách mình vào trong sân. Đàn chó xoắn xuýt mừng. Chàng đến gần thang, nghiêng báng nước rửa vội hai bàn chân, đoạn trèo lên nhà.

Một đám toàn đàn ông ngồi xúm quanh bếp lửa, thấy chàng trẻ tuổi vào, vội ngoảnh lại nhìn. Tuy không ai hé răng mà tất cả đều dán mắt lên chờ đợi câu chàng nói.

- Nguy lắm! Giặc Mèo đã gần tràn đến đây rồi. Nó biết đây có người ở...

Ai nấy hoảng hốt nhìn nhau.

- Kìa! Thế các ông không thấy gì khác à?... Vừa rồi, lúc về qua rừng Cấm, tôi gặp một thẳng Mèo lảng vảng chừng lại đây nghe ngóng. Tôi tức mình cho nó một mũi tên rồi chém đầu vứt xuống vực...

Mọi người tái mặt.

- Bác Khán! Bác làm thế tức là khai chiến với giặc...

- Thì đã sao? Đằng nào cũng chết mà!...

- Mình, ít người địch sao nổi; chi bằng chịu hàng...

Chàng trẻ tuổi nổi giận :

- Hàng à? Các ông tưởng hàng thì nó để cho sống hẳn?

- Chứ gì!... Mình chịu theo, ai còn nỡ giết.

Chàng trẻ tuổi cười nhạt :

- Các ông lầm! Rồi tôi sẽ nói rõ để các ông nghe.

Nói đoạn, chàng lại gần bếp, vớ cái điếu cày nạp thuốc và châm lửa hút...

Đám đông im lặng.

Cái lặng lẽ nặng nề những kinh hoảng của sự chết...

Những việc vừa thuật trên đây, xảy ra đã lâu lắm, về hồi loạn giặc Mèo.

Bấy giờ đang triều vua Tự Đức. Về địa phận Hoàng Su Phì bỗng xuất hiện một nữ tướng Mèo, hiệu là Tiên Nhân.

Tiên Nhân tên tục là gì, không ai biết. Gái một của một vị chúa Mèo, nàng sớm đã tỏ ra là một thiếu nữ có tính cách đàn ông. Nàng chỉ thích luyện tập nghề võ và chỉ ham mê săn bắn. Nhà sẵn nuôi hàng trăm ngựa tốt, nên nghề kỵ nàng cũng rất tài. Ngoài ra, Tiên Nhân còn biết nhiều phép thuật lạ do một người thầy Mường dạy.

Đã sẵn cái tinh thần thượng võ và những tài nghệ siêu quần, lại sinh nhằm thời loạn, những kẻ tranh vương đồ bá nổi dậy như ong, nàng cũng có cái chí thanh gươm yên ngựa, vùng vẫy giang hồ, làm cho tỏ mặt cân quắc phi thường. Tuy nhiên, cái chí tang bồng ấy lâu nay mới là một cái mộng tưởng trợ hứng cho nàng những lúc săn thú dữ trên đầu núi, vung gươm sắc dưới ánh trăng mà thôi...

Thời gian qua...

Nàng đã có chồng. Cái chí hướng năm xưa tưởng không bao giờ vẩn vơ trong óc nàng nữa thì, một ngày kia, nó lại có dịp bùng lên như lửa cháy...

Một ngày kia, trời bỗng nổi con dông. Rồi, tự đám mây đen buông xuống một làn hắc khí bao phủ cả đàn ngựa của chúa Mèo thả cỏ trên đầu non. Mây tan, gió lặng, chúa Mèo ra kiểm điểm số ngựa, không thấy thiếu chết con nào. Nhưng trong đàn, một con ngựa cái tự nhiên nằm phục vị xuống, ra dáng mệt mỏi vô cùng. Chúa Mèo sai dắt nó về tàu. Ngựa cái từ đấy thụ thai, mãn kỳ sinh được một con, sắc lông trắng bạch, điểm những khoanh tròn như lốt báo. Người ta đồn rằng ngựa cái bị rồng phủ, mà ngựa con tức là long mã. Long mã lớn lên, dáng cách tuyệt đẹp, mà chạy thì hay lạ lùng. Phải cái tính nó rất ác, trừ phi một mình nàng cưỡi được. Sự ấy là ngẫu nhiên hay do một lẽ huyền bí gì khác thì không rõ; nhưng chính nó đã phục hồi cái mộng tưởng năm xưa trong trí người thiếu nữ.

Cách ít lâu, ông chúa Mèo chết. Nàng bèn đem ý định bàn với chồng. Anh chồng nhát vợ, không biểu đồng tình. Nàng nổi giận giết phăng, rồi tự mình đứng chiêu tập những kẻ ngang tàng, mạo hiểm, kéo cờ trắng làm loạn, tự xưng là Tiên Nhân. Nàng khéo gói những cái cử chỉ của mình vào trong một tấm màn huyền bí, khiến cho bọn dân Mèo mê tín ùa nhau theo như kiến cỏ.

Nàng bảo chúng rằng :

- Người Mèo ta, cổ lai chỉ ở núi cao. Ruộng đất ít, thóc lúa không đủ dùng, cuộc đời vì vậy gieo neo cực khổ lắm. Nay nếu các ngươi chịu theo ta tràn xuống những miền lâm lũng, giết hết dân Thổ, Mán, chiếm lấy ruộng nương, màu vật thì sau này lo gì thiếu ăn thiếu mặc nữa.

Quân chúng đồng thanh hoan hô và tình nguyện theo nàng. Họ hát bài quốc ca để chúc tụng Tiên Nhân. Bài ca ấy cổ lắm, ý nghĩa như sau này:

Cõi đất Mèo ai có biết là đâu?

Núi cao mấy đợt, sông sâu mấy dòng.

Trong rừng xanh ai đốt ngọn lửa thông,

Trên đầu non ai kèn hát vẫy vùng đua chơi.

Chuyện năm xưa còn nhớ chăng ai?

Giống Mèo từ xứ Bác qua ngoài Hồ Nam

Đường xa dù cách dặm ngàn.

Giống Mèo còn rộng bước, giang san còn nhiều.

Thoạt đầu, Tiên Nhân đánh phá các làng tiếp cận, dần dần tràn lan đi xa, đến nỗi suốt một vùng thượng lưu Thanh Giang đều hãm vào một cái cảnh máu loang lửa cháy. Những dân Thổ, Mán phần khiếp nhược, phần không có mối đồng tâm nên bị thảm sát rất nhiều. Tiên Nhân thì cực kỳ độc ác. Không những nàng làm cỏ những dân nào có ý kháng cự, mà cả đến những người chịu khuất phục, nàng cũng không tha. Trẻ con, nàng sai bổ suốt cây tre đực cặp gắp nướng sống. Đàn bà, con gái, nàng cho quân chúng hãm hiếp kỳ chết. Còn đàn ông, con trai, thì nàng truyền lệnh trói tuốt cả vào cột nhà, vơ vét xong là châm lửa đốt. Những thủ đoạn hung tàn ấy động đạt đến triều đình, nhưng ngặt vì vua quan còn phải ứng phó với nhiều sự khó khăn khác nên đành vẫn phải làm ngơ. Tiên Nhân được thể càng làm già. Nàng kéo quân tràn xuống xuôi định đánh phá cả thành Tuyên, mở rộng thêm cõi đất. Con đường về tỉnh thế tất phải qua Bắc Nhụng. Vì lẽ ấy trên kia mới có dịp thuật qua tấn thảm kịch trong rừng...

Chàng trẻ tuổi hút xong điếu thuốc, lần lượt đem những điều mình đã dò hỏi được kể lại cho mọi người nghe và nói cái lẽ nên liều chết kháng cự với giặc Mèo. Nhưng khốn thay! Bọn kia ngờ rằng vì chàng chủ chiến nên cố bày đặt những chuyện ghê gớm cho họ khiếp sợ phải theo chàng. Họ kiếm cớ thoái thác rồi đánh trống lảng cả, định bụng chỉ một hàng một trốn mà thôi.

Ngồi trơ bên bếp lửa, chàng trẻ tuổi vừa tức giận vừa buồn rầu. Tức giận kẻ hèn nhát chỉ tính sự cầu an mà buồn rầu thay cho mình, một cây làm chẳng nên rừng. Ừ, đã đành chàng khảng khái có thừa nhưng hòn đất nhỏ cản sao được cả một dòng nước lũ. Nếu không có cơ mưu gì chắc chắn, chỉ bằng ở khí huyết trí dũng, châu chấu đá voi, thì chẳng những táng thân bại sự mà còn để cho miệng đời một tiếng mỉa mai. Nhưng mưu kế gì bây giờ? Tình thế khẩn cấp lắm rồi. Chỉ ngày mai là cái cảnh trù phú này sẽ biến thành một cõi chết tiêu điều!

Chàng trẻ tuổi bồn chõn, vùng dậy ra sân. Những ý nghĩ bề bộn, trái ngược hẳn nhau thúc giục; chàng như những tiếng trống trận. Chàng ngẩng đầu nhìn trăng sao, thở dài than rằng: "Đánh không được, hàng không xong, ta biết làm cách nào bây giờ?... Hay là trốn? Vợ con thân thích không một người, ruộng nương thóc lúa chẳng có mấy, nếu ta khăn gói vắt vai, trốn tránh đi xa thì dễ yên thân lắm. Nhưng, đối với con nghiệt phụ ấy, chẳng lẽ bọn đàn ông không ai dám nhìn mặt nó hay sao? Đi để cầu lấy cái sống của con chim lạc đàn, của một cái cây đứt rễ, chẳng thà ở mà tìm lấy cái chết xứng đáng với đời nam nhi!"

Chàng trẻ tuổi nghĩ vậy, tự lấy làm bằng lòng lắm. Chàng chỉ còn phải tìm cái cách chết thế nào cho không đến nỗi vô ích mà thôi...

Mặt trăng đã xế về tây. Sương móc đầy trời. Con vạc ăn đêm bỏ lửng ngang không một tiếng kêu lạnh lẽo...

Chàng trẻ tuổi vươn mình đứng dậy, thở dài như cất gánh nặng trên tâm hôn. Chàng đã nghĩ ra một kế, nhoẻn miệng cười...

 

Chiều hôm sau...

Ngồi trên long mã, Tiên Nhân lỏng buông tay khấu, lần theo con đường hẻm chạy mất hút vào trong khu rừng cấm nọ.

Trạc tuổi độ hăm nhăm, hăm sáu, tầm vóc to lớn, cử chỉ đột ngột và nhanh nhẹn như một con hầu, Tiên Nhân thực chẳng có một mảy may cái dáng cách đàn bà. Dưới hơn ba chục nếp khăn ngũ sắc cuốn cao như cái chõ úp, mặt nàng dài đườn đưỡn, nét rán đanh. Cặp mắt vàng như mắt hùm, sáng quắc, lạnh lẽo và trắng trợn khiến cho ai nhìn cũng phải khiếp đảm. Trán dô ra như mảnh sọ dừa. Mũi khoẳm khoẳm. Miệng rộng, môi dưới trề, lộ hàm răng trắng nõn nhưng khấp khểnh. Hai tai vểnh ra, động đậy luôn như tai con ác thú đang rình mò nghe ngóng. Tóc rễ tre buông xuống hai bên má, cái màu đỏ quạch in lên khuôn mặt một nét thảm thê. Cổ to, cứng nhắc như khúc gỗ, đeo một cái kiềng bạc nặng. Mình mặc áo chẽn, mép chạy triện vàng, đỏ, trắng. Lung đeo kiếm. Chân bó kha cặt thêu. Hai tay phe phẩy đôi quạt phất bằng giấy đỏ, một bên đề chữ Thiên Lai, bên đề chữ Địa Lai. Miệng rì rầm niệm thần chú:

"Thín lồi... à... Tì lồi!"

Trước mặt nàng là một lá cờ đại sắc trắng, sau lưng nàng, mấy tên kỵ mã theo hầu. Đại quân thì vẫn còn tận đằng xa. Tự khi mở cờ xuống núi, đi đến đâu như vào cõi không người Tiên Nhân vì vậy sinh lòng kiêu hợm. Những khi quân ruổi đường xa, nàng thường chỉ đem mấy bên hầu cận phi ngựa vượt lên trước như thế, ung dung tự đắc, tưởng chừng trên con đường đắc thắng, từ đây không còn cái trở lực nào nữa...

"Thín lồi... à... tì lô... ôi".

Quanh mình nàng, cảnh chiều thu hiện ra một cách rõ ràng.

Tiên Nhân nhìn vơ vần những dải núi xa in lên chân mây vàng rực, những cánh rừng xanh thẫm hoen ố màu thu, những đám ruộng hoang bát ngát. Ánh chiều in lên những chỏm cây cao, những bãi cỏ áy cái sắc vàng rực rỡ. Thỉnh thoảng một đàn chim bay tung tóe ngang không, kêu ríu rít rồi xa xa chập vào ngọn cây trên đồi cao.

Trên khuôn mặt Tiên Nhân, vẻ cứng cỏi bớt dần, nhường chỗ cho một vẻ mơ màng... Nàng quay lại bảo bọn hầu :

- Kìa xem! Những cánh ruộng kia rồi về tay các ngươi cả. Từ khi hạ san, Tiên Nhân đã cho các ngươi biết bao sự hùng cường, thì từ nay về sau Tiên Nhân sẽ cho các ngươi biết sự giàu có.

Chúng đồng thanh đáp :

- Tiên Nhân thực là người trời!

Tiên Nhân đắc ý cười khanh khách :

- Chiều nay đốt phá Bắc Nhụng; mai về khao quân ở thành Tuyên, cái giang sơn của người Việt Nam kia, ta sẽ cướp cho các ngươi một nửa.

- Tiên Nhân vạn tuế!

- Hiện giờ, ta cao hứng muốn hát bài quốc ca. Vậy các ngươi họa kèn theo nhé.

Bọn Mèo vâng lệnh, mỗi anh lấy một chiếc kèn lau đeo sẵn sau lưng, vi vo thổi.

Cõi đất Mèo...

... Thốt nhiên có tiếng dây nỏ bật giòn, mũi tên trúng ngay trước ngực nàng, Tiên Nhân kêu rú lên, ngã quay xuống đất. Đồng thời, một chàng trẻ tuổi tự trong rừng rậm nhảy ra thét lên rằng :

- Chém được đầu Tiên Nhân rồi, anh em đâu mau giết sạch lũ chó này đi!

Tiếng trống trận nổi ngay lên ầm ầm, tiếng reo vang trời dậy đất. Bọn Mèo mất vía, cắm cổ chạy như bay.

Mà chính chàng thiếu niên nọ cũng giật mình không hiểu. Nguyên khi bắn trúng tướng giặc rồi, chàng nhảy ra quát tháo mở vòng thế là cốt làm loạn quân thù chứ, ngoài chàng ra, có ai là người dám làm cái việc không tiền tuyệt hậu ấy đâu!...

Thì ra quan Đề đốc, được tin giặc Mèo về đánh tỉnh, vội vàng ngầm kéo quân đi đón đường. Vừa đến cạnh rừng rậm ấy, ngài chợt nghe có tiếng reo

hò là đã chém được Tiên Nhân rồi, ngài vội thúc trống xua quân ra trợ lực...

Chàng trẻ tuổi mừng rỡ, vung dao chặt đầu nữ tướng giơ lên...

Thấy người táo bạo lạ thường, dám một mình đối đầu với cả toán giặc có tiếng hung tàn, đã từng làm cho ai nấy phải kinh hồn vỡ mật, quan Đề đốc lấy làm kinh ngạc, vội gọi chàng trẻ tuổi gạn hỏi nguyên do.

Chàng cứ thực trình bày.

Quan Đề đốc toát bồ hôi, nhìn chàng trẻ tuổi từ đầu đến chân, tưởng chừng như đó là một vị thần núi anh linh nào hóa thân xuống giúp triều đình, chứ phàm nhân đâu lại có cái gan dạ phi thường ấy.

- Thầy thực là một bậc niên thiếu anh hùng. Thầy nên theo bản chức mà lập công lớn với triều đình.

Chàng khiêm tốn tạ ơn và nói rằng :

- Tiểu dân xin cụ lớn tận trừ loài thảo khấu, để cho bách tính được an hưởng phúc trạch của hoàng triều. Riêng phần tiểu dân, cái việc đáng làm đã làm xong rồi, xin cụ lớn rộng cho được lui về nơi thảo dã, vui với dân làng là đủ.

Nói đoạn, chàng ném thủ cấp Tiên Nhân xuống trước ngựa quan Đề, vái chào rồi chỉ chớp mắt đã không thấy đâu nữa...1

--------------------------------

 

Có một thuyết khác về Tiên Nhân. Xin xem Bóng cờ trắng trong sương mù. - L.K

 

Người hóa hổ

Người Mèo gồm có hai loại khác nhau: Mèo Trắng và Mèo Đen. Giống này không được sạch sẽ bằng giống trên. Họ có cái tục rất lạ và rất bẩn là cái tục nằm tro. Vì sinh trưởng trên ngọn núi cao, quanh năm giá rét, họ phải vào rừng ngả gỗ lim về đốt thành tro rải nằm cho ấm. Trên mỗi ổ tro có phủ một lần vỏ sui làm nệm nhưng, mỗi lần họ ở ổ ra, người nào người ấy mặt mũi vẫn lấm lem gớm chết.

Giống Mèo Đen lại thường có những chi họ cứ cách vài đời phải một người hóa hổ, tức như câu chuyện sau đây, tôi thuật đúng lời ông Hội Cảnh đã nói cho nghe. Chuyện cũng lạ, dễ gợi cho ta những nỗi kinh hoàng vơ vẩn, đối với cái đại bí mật của sơn lâm.

° ° °

Về tổng Lan Can, trong một động Mèo Đen kia, có một nhà nghèo: một mẹ già, hai vợ chồng và một đứa con thơ mới độ mười bảy, mười tám tháng.

Bà mẹ tuổi đã già lắm; đầu lơ phơ mấy sợi tóc sương; răng móm sạch; quai hàm dưới đưa sát lên hàm trên, làm cho khổ mặt đã ngắn càng ngắn thêm. Hai má trũng, đổ vừa hai chén nước. Da mặt dăn như mặt ruộng cày. Mắt hoắm vào, kèm nhèm, dấp dính. Cặp môi mím chặt lại, kéo dài ra thành một nét ngậm ngùi, đau khổ. Chân tay khẳng khiu; lưng còng; dáng đi lẩy bẩy tự hồ không còn đủ sức mang cái gánh nặng của năm tháng chồng chất lên mình.

Con trai bà lão độ ba mươi, hình thù cũng xấu xí như mẹ. Anh ta cử động chậm chạp, ít nói, vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lùng. Ăn mặc bẩn thỉu, áo quần hàng nửa tháng anh ta chưa buồn thay. Hai hàm răng anh cáu bẩn, môi anh ướt nhớp nháp, lúc nào cũng ngậm cái điếu can bằng đất. Vợ anh ta thì thấp bé xủn xoẳn, nét mặt choắt vì cái khăn quấn hàng chục vòng quanh mái tóc. Mắt nhỏ tí, sáng lấp lánh như mắt dơi. Quanh năm, chị ta mặc cái áo xanh dài quá gối, ngoài khoác cái áo bông ngắn cụt tay. Hai cổ chân tù hãm trong đôi kha cặt trắng, bàn chân to như lưỡi cày, xù xì da cóc. Chị ta cũng như chồng, lầm lầm ít nói. Có chăng những lúc đùa giỡn cùng con, chị mới nhoẻn miệng cười.

Cái không khí trong gia đình ấy lạnh lùng, u ám quá! Tuy cùng chung một máu mủ, cùng sống dưới một nóc nhà, vậy mà mẹ, con, chồng, vợ, bà, cháu đối với nhau bỡ ngỡ như những người xa lạ, tình cờ gặp nhau trong một quán trọ bên đường. Ngoài những lúc làm lụng và hai bữa ăn, ai ngồi đâu ngồi đấy, hàng trống canh không nói một lời. Cái phần đời tình cảm hình như bị họ vùi sâu xuống đáy lòng. Mà, phỏng thử, trong gia đình ấy chẳng may có người nào bị tai nạn, bị ốm đau mà chết, những giọt lệ thương của những người kia có khi chảy vào trong. Tuy vậy, chắc hẳn họ cũng tin ở nhau về mối tình thân yêu ngấm ngầm ấy, chứ nếu không thì cuộc đời họ đìu hiu, tăm tối, cuộc đời chìm đắm giữa mây mù kia chằng thể nào có được.

° ° °

Một buổi sáng, khi sắp cùng nhau đi làm cỏ nương, vợ hỏi chồng :

- Bà lại lên cơn nhiều thế, có nên để con ở nhà không?

Chồng, nghĩ ngợi một lát, đáp :

- Được, cứ để con ở nhà cho bà giữ. Trời nắng, đem nó theo không tiện; vả, nếu nó quấy thì ta còn làm lụng gì được.

Thế là nước bầu, cơm gói, hai vợ chồng thắt dao lên nương, để con ở nhà cho mẹ giữ.

° ° °

Bấy giờ vào tiết tháng Ba, lúa ngô đã đủ lá; nếu không làm cỏ ngay e không được ăn. Nương thì xa mãi phía sau núi, phải vượt qua những khúc đường trâu chạy len lỏi trong rừng...

Dân Mèo là một dân phá núi rất dữ. Họ đến ở đâu, việc trước nhất của họ là hãy ngả đổ một cánh rừng xuống, phơi khô mấy nắng rồi châm lửa đốt cháy để lấy đất trồng mầu. Trên những bãi tro ấy, trong khoảng cây đã cháy đen, chẳng bao lâu đã hiện ra những nương ngô, lúa, nha phiến, đay, gai... Đến mùa sau, nếu những tro than đã bị mưa lũa sạch, còn trơ đất sỏi, thì họ lại phá lần sang những cánh rừng bên cạnh, hoặc dọn nhà đi nơi khác, sống một đời phiêu lưu...

Trên con đường hẻm, hai vợ chồng nhà nọ lẳng lặng cùng đi... Lẳng lặng đi, vì cả hai đều mải nghĩ. Vợ tỏ ra vẻ băn khoăn: nhà nghèo, nếu không làm thì đói. Mà, đi làm xa, giao con thơ cho mẹ già ốm yếu, chị chàng chẳng đành lòng. Tuy vậy, sự lo ngại của người vợ chưa thấm vào đâu, nếu đem so sánh với những ý gớm ghê nó đang xô xát trong trí người chồng. Thực vậy, cái bệnh mà mẹ anh ta phải đã năm sáu hôm nay, anh để ý xem thấy nó rất khác thường. Cứ như lời mẹ anh đã nói nhỏ cùng anh thì, sau mỗi cơn sốt, suốt mình bà đau nhức không sao chịu được. Những chỗ kín, tự nhiên mọc lên rất nhiều lông lá và ở cùng xương sống, nhòi ra một mẩu thịt mỗi ngày một dài thêm. Những ngón chân, ngón tay dần dần co quắp lại, móng dài ra và nhọn hoắt. Ghê hơn nữa là, chiều bữa qua, mẹ anh lên một cơn điên dữ dội, nó làm cho mắt bà sáng quắc, mồm sùi bọt; bà hung hăng gào thét, xé áo xé quần chán rồi nằm vật ra sàn, giẫy đành đạch. Cứ những triệu chứng ấy, đích là mẹ anh sắp hóa hổ. Ba đời về trước, trong họ bà già cũng có người hóa hổ, trốn vào rừng. Anh ta buồn rầu lắm, vừa đi vừa nghĩ vơ nghĩ vẩn...

Trời ơi, cuộc đời con người ta sống giữa thiên nhiên sao mà gieo neo, đon độc, luôn luôn bị những bệnh não, những lo sợ nó giày vò.

Anh ta hốt hoảng nhìn quanh: cảnh vật như biến đổi hẳn. Cả những cái rất thường cũng khiến anh đem lòng ngờ sợ. Nắng to làm khô cạn cả ngòi lạch, vàng úa cả hoa mầu; mưa lớn tràn ngập cả đồng áng, lở sụt cả núi non; bão táp vặn đổ cả cây cối, xiêu vẹo cả nhà cửa; sấm, chớp làm ù tai, hoa mắt, chết người, cháy rừng, hết thảy đều được anh coi như những vật có linh hồn, có cảm giác, rất huyền bí, rất hung tàn, đáng cho loài người phải kinh khiếp. Ngoài ra, thì nào hùm gấu, sài lang, rắn rết, đỉa vắt là những kẻ thù hằng ngày người ta phải đối địch để giữ lấy sinh mệnh của mình. Sau cùng đến cỏ rả, lau sậy thường lấn hiếp hoa mầu, luôn luôn định phá hoại những công cuộc bồ hôi nước mắt của người ta. Cả đến những cây to trong rừng, mỗi khi bị chém gần đổ, cũng biết rền rĩ lên để nguyên rủa kẻ vác rìu đẵn gốc. Thành thử quanh mình anh ta chỉ thấy rặt những mặt thù! Mà, phỏng thử một ngày kia, loài người bị mất tích trên địa cầu, thì "bọn cừu địch" nọ chắc sẽ vui mừng xiết kể.

Những ý nghĩ ghê gớm ấy, tuy vậy, chỉ lướt qua khối óc anh chàng, như một trận cuồng phong. Hết cơn thì trời lại quang, gió lại tạnh, cảnh vật lại bình tĩnh, êm đềm. Những dân tộc còn dã man có lẽ họ sướng hơn mình về chỗ không lo nghĩ ấy. Suốt đời, họ chỉ là những trẻ thơ.

Vào đến nương, anh Mèo Đen ngẩng đầu thấy bầu trời trong vắt, ánh nắng tươi cười, cúi xuống dưới chân thì ruộng đồng bát ngát, làng mạc lèo tèo, anh ta lấy làm vui sướng lắm, tâm hồn như mở rộng ra đón tiếp những cảm giác êm đềm, kỳ lạ! Cuộc đời phong tỏa trong mây ít được những ngày tốt đẹp như thế. Anh ta hát vang lên, hát những bài ca cổ lỗ tả cái thời đại hoàng kim của nhân loại. Về thời ấy, cỏ xấu không hề dám chen chân với ngô, thóc; lá ngô, lá đậu còn dùng làm thứ ăn được, và khi màu vật chín tự khắc bay về nhà. Sau, chỉ vì một người đàn bà hư, đến ngày ngô thóc về, không chịu quét dọn sẵn bồ bịch, đến nỗi chúng lại phải trở ra đồng. Từ cái ngày ấy, người ta bắt đầu phải cực khổ, cuộc sống bắt đầu hóa gian nan, gay gắt, vì cỏ xấu lấn mầu, lá ngô, lá đậu chỉ dùng để trâu, bò nhá và khi mầu vật chín người ta phải cất công gặt hái, đài tải về.

Anh Mèo vừa làm vừa hát vang cả núi non; anh tiếc không có sẵn chiếc kèn lau để thổi một vài bài cho thích chí. Chị vợ, không cùng hát theo chồng, nhưng thỉnh thoảng lại mỉm cười, tỏ ý cùng chia sự khoái lạc.

Buổi trưa, hai vợ chồng nghỉ ngơi cơm nước một lát rồi lại làm cho đến lúc mặt trời xế bóng mới cùng nhau trở về. Qua cánh rừng ngậm bóng hai người về tới nhà thì ngày đã gần tàn.

Trái với mọi khi, trên nhà vắng ngắt. Bà già, con trẻ chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Giật mình, hai vợ chồng lại sực nhớ đến nỗi lo ngại sáng ngày, vội cùng nhau trèo lên thang thì... một cảnh tượng hiện ra trước mắt, khiến cho hai người cùng kêu lên một tiếng xót xa, kinh hoảng... Bà già không thấy đâu nữa và, giữa sàn, xác đứa con thơ bị cắn xé tan nát, nằm trơ trên vũng máu đào!... Người mẹ khốn nạn kêu rú lên một tiếng, ngã quay ra bất tỉnh. Run như dẽ, sắc mặt tái nhợt, người chồng cố nâng vợ dậy, lay gọi hồi lâu chị ta mới tỉnh dần lại...

- Ồ lối!... Con tôi!...

Chồng thở dài một tiếng rồi ngồi ì ra; hai mắt giương thao láo; vẻ mặt nguội như tro tàn...

° ° °

Sớm hôm sau, có người gọi to ở dưới cổng :

- Bố Slèng có nhà không?

- Ai hỏi gì?

- Có đi tìm bà cụ về không! Tối qua đến nhà tôi bắt mấy con gà!...

- À, ông Khán, vào đây đã!

Khách rửa chân lên nhà, nhìn cái cảnh tượng thảm thê nọ, cũng đem lòng ái ngại :

- Thôi, bà cụ đã phải cái nghiệp như thế thì nên tìm cách bắt về nhốt lại. Nếu cứ để bà cụ lang thang bắt gà, bắt vịt của người ta, e họ chửi rủa và bắn chết đấy.

Chủ nhà nhìn khách, hai dòng nước mắt tràn ướt hai gò má xanh xao. Tấm lòng thương con đau đớn, tủi cực bao nhiêu thì thương xót mẹ già bấy nhiêu. Phải, tuy con anh bị chết thảm hại vì tay mẹ anh, song anh ta không hề oán trách vì anh biết rằng lúc bà ăn thịt cháu, chính là lúc bà đã mất hẳn tính người. Anh ta rất thẹn thùng với người hàng động, tưởng chừng không dám nhìn mặt ai nữa. Nhưng nay, nghe người khách nói, anh biết rằng cần phải nhờ hàng động giúp anh bắt bà cụ về. Để mẹ lang thang như thế, có khi đến chết bờ, chết bụi đâu mất, chỉ thêm sự đàm tiếu cho thiên hạ mà thôi. Đành rằng đem mẹ về rồi, ngày hai bữa, anh chịu khó vào rừng săn bắn kiếm thịt nuôi mẹ vậy. Người bệnh chắc chẳng sống được bao lâu, thì sự bắt buộc nọ hẳn cũng mau tránh được.

Nghĩ vậy, anh bảo người khách rằng :

- Ông nói phải lắm! Tôi cần bắt bà cháu về. Vậy, ông làm ơn nói giùm với anh em lại đây giúp tôi làm một cái cũi để nhốt bà cháu, chờ lúc nào bà cháu chết sẽ chôn cất cho, phải không?

- Được, thế bác làm sẵn cơm rượu để bà con ăn, tôi đi một lát sẽ đem người lại giúp.

. . . . . . . . . . . . . . .

Ăn uống xong, mọi người tản vào rừng chặt gỗ đem về, rồi bổ lỗ, đẽo nín, chí chát, ồ ạt chừng vài tiếng đồng hồ đã dựng xong cái cũi lớn vững vàng. Chủ nhà pha nước mời, bà con nghỉ ngơi một lát đoạn kéo nhau về, dặn nếu còn cần đến họ việc gì, chỉ gọi một tiếng là sẽ có người lại giúp.

Vẩn vơ trong rừng rậm, anh Mèo một mình đi tìm mẹ. Anh đi đã lâu, chân đã mỏi, bụng đã đói, mà tuyệt nhiên không thấy dấu vết bà cụ đâu cả. Anh rất buồn, càng nhìn cái cảnh hoang vu, tịch mịch quanh mình, càng đau lòng thương mẹ. Trời ơi! Tuổi già gần kề miệng lỗ, nếu mẹ chết ngay đi lại được mát mẻ tấm thân và cũng đỡ cho lòng anh phải đau thẹn biết chừng nào! Rồi anh tự giận mình không biết lo xa, để đến nỗi con anh phải chết thảm chết hại, mẹ anh phải lẩn lút trong rừng. Chỉ vì anh vụng tính nên ngoài cái khổ mất mẹ, vợ chồng anh còn phải đeo thêm cái khổ mất con. Chỉ vì anh mà tấm lòng thương xót của vợ anh đối với mẹ chồng thành ra bị giảm mất một phần to vì sự oán thù, ghê tởm!... Anh ôm mặt khóc thút thít hồi lâu, thề rằng không tìm thấy mẹ thì quyết không bao giờ trở về.

Lúc quá trưa, anh Mèo lần lần đến một cái hang đá, xa nom thấp thoáng bóng người. Anh vội rẽ lau chạy đến. Quả nhiên thấy mẹ anh ngồi chơ vơ ở cửa hang với một nắm lông gà. Bà cụ bấy giờ đã mất hết áo xống. Toàn thân lông lá mọc đầy, sắc đỏ như lông bò non. Người nom gầy trơ xương, hai cái vú cạn sữa buông thõng xuống như hai cái bị bẹp, mồm miệng máu me loe loét, hai mắt hốt hoảng như đã mất hết trí khôn. Anh Mèo phục xuống trước mặt mẹ khóc như mưa. Nhìn thấy tình trạng ấy, trong trí khôn hấp hối của bà già hình như còn lòe ra được một tia sáng hiểu biết, bà cũng ứa nước mắt trông con.

- Mẹ à! Về đi. Về với con nè! Ở đây chết mất thôi!...

Bà già gật đầu, đứng dậy theo con. Đến nơi nhìn thấy cái cũi, bà hốt hoảng giật lùi định chạy. Anh Mèo chắp tay van, bà già cúi đầu ngẫm nghĩ, sau bỗng gào khóc lên mấy tiếng, nhảy xổ vào trong cũi, cánh cửa sập xuống rầm một tiếng thê thảm...

Anh Mèo từ đấy ngày ngày vác nỏ vào rừng kiếm thịt nuôi mẹ vì cơm cháo bà già không chịu đụng hột nào nữa. Dần dần, bà ta mỗi ngày một dữ tợn quá. Nhất là những lúc lên cơn, bà gào thét lồng lộn hệt như một con hùm. Anh Mèo, nghĩ để mẹ sống như thế chỉ thêm khổ nhục, bèn lấy thuốc độc trộn vào thịt cho mẹ ăn. Cái chết ấy kể ra khí tàn nhẫn, nhưng sớm đã kết liễu được bao nỗi đau lòng!...

 

Tiền mất lực

Trời vừa rạng đông.

Lô Hli, một mình trên con đường núi vắng ngắt, vội vàng đi cho kịp buổi chợ mai...

Ánh sáng lộng lẫy soi xuống một cảnh tượng thần tiên. Quanh mình nàng, rừng cây man mác, chỗ nấp trong bóng tối mát dịu màu xanh, chỗ phơi ra ánh nắng rực rỡ vàng hoe. Trên nền trời phơn phớt hồng, những chỏm núi xa in những nét thiên thanh dịu. Giọt sương mai long lanh trên ngọn cỏ như nghìn vạn hạt pha lê. Ẩn hình trong bụi rậm, con hoàng anh chào đón Chiêu Dương...

Lô Hli mải miết đi nhanh, con dao ba nằm gọn trong chiếc vỏ tre thắt ở dây lưng, theo dịp chân, rung xóc xách...

Lô Hli còn trẻ và đẹp lắm, cái đẹp kín đáo của bông hoa rừng. Hai mắt thơ ngây nhìn như chép lấy bài thơ bằng hình sắc phô bày ra ở quanh mình. Cả tâm hồn nàng thổn thức, rung động lên thành một khúc sơn ca, họa theo tiểng oanh vàng réo rắt:

Ta yêu cảnh non cao rừng rậm,

Những chòm cây xanh tốt, những vách đá chênh vênh.

Ta yêu tiếng suối xa thánh thót năm canh,

Tiếng chim mừng hoa sớm, vượn hót trăng thanh,

Ta yêu sắc hoa mận trắng tinh, sắc hoa đào phơn phớt,

Những ruộng lúa mông mênh, những nương ngô bát ngát,

Những trâu bò, dê lợn thả đầy ngàn.

Ta yêu những khúc kèn, điệu hát nồng nàn,

Đêm mùa rét, ngồi nhàn quanh bếp lửa.

Thốt nhiên, Lô Hli đứng sững lại, sắc mặt tái xanh...

Bên lề đường, một con báo nhơ nhỡ đang nép mình dim mắt, ngoe nguẩy đuôi chờ...

Qua cái phút sửng sốt lúc đầu, Lô Hli lại trấn tĩnh như thường: gái sơn lâm chẳng như những hạng yếu bóng vía, trói gà không nổi. Nàng rút phăng dao lưng, quả quyết chờ...

Thấy bên địch tỏ ý bất trắc, con báo há miệng nhe nanh, dập đuôi nhảy vọt đến giữa chỗ cô sơn nữ đứng. Lô Hli né mình sang một bên, thuận tay chém mạnh xuống đầu con ác thú, chẳng ngờ lưỡi dao tuột tay văng đi...

Nhanh như chớp, Lô Hli ném theo cả cái chuôi gỗ, nhảy cưỡi ngay lên cổ con báo, hai tay nắm chặt lấy hai tai, dúi mõm nó xuống mặt đường. Con báo gầm thét dữ dội, quật đuôi lên lưng Lô Hli đen đét, cố sức hắt nàng rơi xuống. Lô Hli cũng không vừa, nàng nghiến răng, lấy hết sức đè chúi con báo xuống, nó lên nàng cũng lên, nó lùi nàng cũng lùi, đem hết tấm lòng thiết tha sự sống của mười bảy cái xuân xanh cự lại với thần chết.

Con báo tức lắm, gặm xuống mặt đường đến nỗi rách cả mép, máu chảy đầm đìa. Nhưng, sức khỏe của nó hình như mỗi lúc một tăng gấp lên, còn Lô Hli thì dần dần mệt mỏi. Bồ hôi lã chã; hơi thở hồng hộc, mắt đã hoa, đầu đã váng. Lô Hli vẫn căng thẳng hai tay, cứng chắc hai chân, cố bám ghì lấy sự sống...

Một phút, hai phút... ba, bốn phút... Lô Hli nhìn quanh, cả tạo vật đều hững hờ!... Nàng tuyệt vọng.

Con báo vẫn gầm gào, sục sạo, nép mình xuống sát đất rồi thốt nhiên nhảy vọt lên. Lô Hli suýt bị hất ngã... Nàng đuối sức lắm rồi. Cũng đành cam chịu chết. Nhưng hai mắt nàng bỗng sáng quắc lên, mặt lộ vẻ mừng, Lô Hli thu hết hơi tàn hú to một tiếng cấp cứu. Tiếng kêu mới thê thảm làm sao!

Đằng xa, dưới lòng thung, một chàng trẻ tuổi vác cày, dắt trâu ra ruộng. Nghe tiếng hú, chàng ngẩng lên nhìn, rồi vội vàng đặt cày, buông trâu, chạy miết lên đường.

Thấy có cứu viện, Lô Hli bội phần hăng hái, thì con báo cũng hết sức vẫy vùng.

Chàng trẻ tuổi nhảy xổ lại, hoa dao băm vào mặt con báo đến vài mươi nhát cực mạnh. Nó gào lên một tiếng vang động núi non, quật băng Lô Hli xuống đất, chồm lại đánh người con trai nọ. Nhưng, chỉ gắng sức được có thế, nó ngã vựt ra cạnh đường, hộc máu rất nhiều rồi chết.

Lô Hli cũng đã nằm lăn trên đám cỏ, không biết gì nữa.

- Trời ơi, Lô Hli đây mà!

Nói đoạn, chàng trẻ tuổi quỳ xuống, hết sức lay gọi.

Dần dần, nàng hồi tỉnh, mở mắt nhìn người đã cứu mình :

- Tsi Tô Đay!

- Vâng, tôi đây mà! Lô Hli hết sợ chưa?

- Cảm ơn Tsi Tô Đay đã cứu tôi!

- À, Lô Hli tỉnh rồi! Tôi đưa Lô Hli về nhà nhé?

Nàng gật đầu.

Chàng thanh niên lập tức bế xốc Lô Hli lên tay, bước rảo về động...

° ° °

Hai tháng sau.

Cũng một buổi sáng lộng lẫy.

Bên sườn đồi hẻo lánh, Tsi Tô Đay, ngồi trên đống thân cây vừa ngả, đang ngắm nghía những bắp tay sắt của mình. Chàng mỉm cười vớ cái rìu gác cạnh đấy vung múa một hồi như chớp nhoáng.

Chàng đắc chí. Ngót ba chục gốc cây bị chém ngã rồi mà cái rìu vẫn nhẹ như chiếc lông chim.

Trên cành cây, con họa mi cất tiếng hót vang.

Tsi Tô Đay lắng tai nghe, mắt nhìn vẩn vơ những màu hoa sắc lá thắm tươi.

 

Bông hoa phô nhị giữa rừng,

Thấy hoa mà chẳng thấy đường tìm hoa,

Một bầu xuân khí bao la,

Bụi trần vắng ngắt đây là cõi tiên...

Một tiếng hát tự bên kia sườn núi đưa lại, lanh lảnh như tiếng chuông vàng...

Tsi Tô Đay đứng phắt dậy. Chàng ngừng hơi thở, lắng tai nghe. Quanh mình im lặng cả, chỉ nghe tiếng trái tim đập thình thịch.

 

Bụi trần vắng ngát đây là cõi tiên...

Có lẽ nàng tiên nào hiện ra thực chăng? Ừ, nàng tiên? Ngày nay không ai nói gặp tiên, nhưng ông nội chàng khi xưa chẳng thường vẫn quả quyết thấy tiên đó ru!

 

Thấy hoa mà chằng thấy đường tìm hoa...

Tiếng hát gần mãi lại...

Tsi Tô Đay giật mình. Chàng nghe rõ ràng tiếng Lô Hli. Phải, chỉ Lô Hli mới có cái giọng êm đềm ấy.

Lô Hli! Từ hôm cứu nàng thoát khỏi nạn, Tsi Tô Đay không lúc nào quên được người thiếu nữ mỹ miều ấy. Cái hình ảnh Lô Hli thường thường hiện rõ trong tưởng tượng chàng như một cánh hoa nở giữa cõi đìu hiu. Mà, lần ấy là lần thứ nhất, trái tim chàng thổn thức về tình. Nhưng than ôi! Cái tình yêu ấy, ngay tự lúc đầu, đã bao hàm một điều thất vọng; những cái mơ mộng nên thơ của chàng trẻ tuổi nọ chẳng lần nào dám kết thành một điều mong ước.

Lô Hli là một người con gái đẹp, dòng dõi nhà đàn anh, lại giàu có. Còn Tsi Tô Đay? Chàng chỉ là một kẻ cùng đinh nghèo kiết! Chàng là một người biết an phận, hiểu lẽ phải. Nhưng, tấm lòng người ta còn có những lẽ phải, chính lẽ phải không thể sao hiểu được. Vì vậy linh hôn chàng trẻ tuổi tối tăm kia vẫn phải âm thầm đau khổ.

Một cái bóng hiện ra... Một cái bóng thướt tha giữa muôn hồng nghìn tía...

Phải, chính Lô Hli rồi!

Trái tim Tô Đay đập như gần vỡ tung ra.

Lô Hli đứng trên đỉnh đồi, che một tay lên trên mắt nhìn chàng hồi lâu, bỗng gọi :

- Tsi Tô Đay!

- Lô Hli à?

Nàng hớn hở chạy lại gần, nắm lấy tay chàng một cách thân ái :

- Ồ! Tsi Tô Đay! Anh làm gì ở đây? Sao từ bữa ấy, không thấy anh lại chơi?

Giọng nói trách móc mà yêu đương.

- Em chờ mãi... mong ngóng mãi... em tìm kiếm anh mãi, chẳng gặp lần nào! Anh cho lòng em mang một cái ơn nặng rồi chẳng để em được nói một lời nào!

- Lô Hli tìm tôi à?... Tôi cũng... mong Lô Hli lắm!...

Nàng tươi cười nói :

- Hôm nay chẳng ngờ được gặp nhau!...

- Mà gặp nhau giữa cảnh đẹp này! Lô Hli thực hệt như một nàng tiên. Tiếng Lô Hli hát, con họa mi nghe phải thẹn!

Trên cành cây, con họa mi quả nhiên lặng tiếng.

- Tô Đay! Anh chỉ nói...

- Thực đấy! Lô Hli à!

Lô Hli sắc mặt hồng hồng, lảng sang chuyện khác :

- Một mình anh ngả những ngần này cây à?

Nói đoạn nàng nhìn lên hai cánh tay và bộ ngực Tô Đay :

- Anh khỏe quá!

- Lô Hli đẹp quá!

Hai người nhìn nhau cười nụ.

- Lô Hli à, nếu tôi biết làm "phong thư 1" tôi sẽ làm một bài nói về Lô Hli, một bài chép đầy tờ giấy lệnh, một bài hay lắm kia... Mà nếu lúc này tôi sẵn cái kèn lau, tôi thổi ngay một khúc cho Lô Hli nghe...

- Những lời Tô Đay nói, há chẳng là một "phong thư" hay, một khúc kèn êm ái? Anh nói nữa đi. Em không có sự vui vẻ nào bằng được nghe giọng nói của Tô Đay!

- Bôn Đin ọ! Lô Hli thực có lòng...

- ... yêu anh lắm!

Nàng nói đoạn, rút chiếc khăn thêu bịt tóc đưa cho Tô Đay :

- Anh nhận lấy cái này...

Cặp mắt Tô Đay lóng lánh.

- Lô Hli à!... Nghĩ cho kỹ đã nè!... Tôi nghèo... nghèo lắm!

- Phấy! Tô Đay đừng nói thế!...

Tô Đay nhìn nàng một cách biết ơn.

- Thôi anh làm nhé, em về, em đem thuốc về cho phá em dùng.

- Ông Chánh mệt à?

- Phá em bị sốt... qua loa thôi...

° ° °

Ông Chánh mất; và việc tang ma vừa xong thì trời đổ trận mưa to. Lô Hli và người dì ghẻ nàng ra sân tắm, đoạn cất bỏ hết đồ tang, vì theo tục lệ, hễ người chết đã táng rồi mà trời mưa là thân quyến hết trở.

Mấy hôm sau, cũng trong nhà ấy, có đám vui rất lớn: Lô Hli lấy chồng?

Lấy ai?

Lấy Tsi Nèng, con trai ông Khán Động, một chàng trẻ tuổi đã có đủ tiền làm ma cho ông Chánh theo như cổ lệ. Xem vậy đủ biết Tô Đay chằng phải là chàng rể sung sướng trong cái đám cưới to ấy. Mà, dù chỗ thâm sơn cùng cốc, kim tiền cũng vẫn chiếm được phần hơn.

Trên nhà gái hai họ ăn uống linh đình, cỗ bày lên hai dãy bàn gỗ thấp trải lá chuối tươi và gồm có mấy món: thịt lợn luộc, thịt gà luộc, muối, ớt, canh gà nấu bí, cháo ngô và rượu ngô. Trông thì không ngon lành lắm, nhưng bà con đường rừng có cái quai hàm sắt, cái dạ dày chun, có thể lấy cái lượng bù cái phẩm được. Họ ăn uống ồ ạt, liên miên suốt ngày. Rượu say, họ đốt pháo hoặc bắn súng làm vui.

Xong bữa rượu chiều, chú rể vào làm lễ bàn thờ nhà gái và nghe ông thầy cúng đọc những điều khuyên răn về đạo làm chồng, làm dâu trong hàng động. Hai họ, mỗi người mừng cô dâu chú rể ít nhiều tiền bạc, gói trong những mẩu giấy hồng. Trước mặt mọi người, ông thầy cúng giở những nữ trang của cô dâu ra đếm. Nào áo xiêm thêu sặc sỡ, khăn bịt đầu đính hoa bạc, thắt lưng ngũ sắc, kha cặt, vòng cổ, vòng tay, xà tích, nụ tai v.v... Ai nấy chuyền nhau sờ, nắn, mở ra, gấp vào, ngắm nghía, khen ngợi cái tài khâu vá của cô dâu và mừng cho chú rể đã khéo kén được người bạn trăm năm tài sắc vẹn toàn.

Trong lúc ấy thì cô dâu ngồi khóc ở xó buồng. Trái với mọi cô thiếu nữ khác, Lô Hli khóc thực, khóc cái tình của Tsi Tô Đay, khóc vì thấy đống tiền đã đắc thắng một cách hỗn hào, khóc vì sự sẽ phải ăn chung ở lộn với kẻ mình không yêu mến. Chị em xúm lại khuyên giải, an ủi hết điều. Đáp lại những lời bạn gái, Lô Hli cất tiếng hát bài "Than vãn của cô dâu" nghe rất thảm thiết:

 

Thoạt khi mới bắt đầu ra khỏi tố,

Chim non kia lòng lo sợ biết bao!

Run cánh chuyền từ cành thấp đến cành cao,

Thêm nhớ mẹ, kêu gào thảm thiết!...

*

Gà con quá trớn đi xa,

Bị chim cắt cướp tha vào núi,

Chim cắt nọ hung tàn xiết nói,

Để mẹ già chua xót nỗi thương con...

*

Ngựa non, dê tháu suốt ngày nô giỡn,

Trên bãi cỏ xanh mơn mởn,

Nhưng một ngày kia, chúng hồ khôn lớn,

Tham đồng tiền người ta vội bán

Cho bọn lái buôn xua đuổi chúng đi xa.

Khiến cho chúng lìa mẹ, lìa cha,

Lìa đồng cỏ bao la, lìa núi cao chót vót.

*

Quá tin con chim mồi ngon ngọt

Sẻ rừng kia chui tọt vào lòng,

Mắc lưới rồi, lòng những hãi hùng

Nhìn đồng bạn vẫy vùng ngoài nội cỏ...

*

Số phận kẻ làm dâu như thế đó,

Chim vào lồng biết thuở nào ra?...

Ngày mai, khi các chị lại nhà,

Tôi có nhớ cũng chỉ nhìn qua khe vách nứa.

Ôi! Lại còn nỗi mẹ già tôi nữa,

Từ đây, ai nhóm lửa, thổi cơm, canh!

Ai chăn nuôi gà, lợn, ngỗng, ngan,

Ai xuống khe vác nước, ai lên ngàn hái củi,

Ai tước gai dệt vải,

May áo xiêm, thay đổi, mẹ tôi dùng!...

 

Hát thì hát, khóc than mặc khóc than, cái ý muốn của một cô con gái không thể đối đầu với tục lệ nghìn đời. Ngoài sân, chiêng đồng gióng inh ỏi, súng nổ đì đùng, những kèn lau của bọn phù rể bắt đầu cử bài xuất hành. Lô Hli gạt nước mắt bước ra, bước từ chỗ tự do vào nơi áp chế.

Khi qua ngọn đồi, chỗ nàng gặp Tô Đay trước. Lô Hli lòng như dao cắt, gạt lệ nhìn quanh thì hoa cỏ vẫn tươi cười mà sự gặp gỡ vừa hôm nào đã thành một giấc mộng...

° ° °

Trong dinh châu Bắc Quang.

Ngồi trước bàn giấy, thầy lục sự hỏi cung :

- Thế nào, vợ anh nó theo trai à?

Tsi Nèng khúm núm :

- Bẩm thầy, vâng ạ. Theo tục lệ dân con, khi cha mẹ người con gái mất, nếu trai hàng động, ai có tiền đứng ra lo liệu việc ma chay thì người con gái kia tức là vợ mình. Con làm ma cho bố đẻ Lô Hli, con lại có lễ cưới xin nó tử tế. Nhưng, mới về với con được chừng nửa tháng, nó đã trốn nhà để theo Tô Đay.

- Tô Đay là ai?

- Là một tên dân trong động, nghèo kiết khốn nạn, nhưng vì đã cứu được Lô Hli khỏi nạn báo tha.

- À, câu chuyện đánh báo cách đây mấy tháng trước phải không?

- Bẩm phải... Rồi từ đấy chúng nó phải lòng phải bề nhau, bây giờ Tô Đay lại dám quyến rũ vợ con vào ở với hắn trong rừng.

- Anh có chắc chúng nó ở với nhau không?

- Chắc lắm ạ. Vì con theo dấu chân đi tìm thì thấy hai đứa làm chòi trên cây ở với nhau.

- Vậy thì được. Ta sẽ bẩm quan cho lính đi bắt chúng nó về đây.

- Dạ, trăm sự nhờ thầy...

Vừa nói, y vừa móc túi lấy mấy đồng bạc khúm núm đưa lên.

- Cái gì đấy?... Ai thèm ăn lễ của anh?...

- Lạy thầy, làm ơn...

Thầy lục sự trông trước trông sau, thủ tiền bỏ túi rồi dõng dạc nói :

- Ừ, thôi được. Hãy cho ra ngoài.

° ° °

Giữa rừng.

Trên một cây to, cành lá rườm rà, có túp chòi lá mới dựng, treo lơ lửng như cái tổ chim. Lô Hli lúc ấy đang thổi cơm trên chòi, chờ Tô Đay vác nước về thì ăn bữa sáng.

Bỗng Lô Hli giật mình lắng tai nghe. Tô Đay trong bụi rậm chạy ra, có dáng hốt hoảng.

- Cái gì thế?

- Nó đem lính vào bắt ta.

- Ai? Tsi Nèng à?

- Ừ.

- Hừ!

- Nhưng bây giờ Lô Hli tính sao?

- Ừ, tính sao? Nàng lặng yên nghĩ ngợi.

- Tsi Nèng nhất định rẽ duyên ta... Nó có nhiều tiền... ai chẳng nể! Lô Hli chắc sẽ lại về với nó, còn ta...

- Còn anh thế nào?

- Ở tù!

- Ở tù à? Tô Đay có tội gì?

- Tội dỗ vợ người.

- Nhưng tôi không phải là vợ Tsi Nèng.

- Sao lại không? Nó làm ma cho ông Chánh... nó đã cưới Lô Hli...

- Ai khiến nó làm ma cho phá tôi? Hừ! Làm ma!... Chẳng phải nó tử tế gì đâu! Nó chỉ cốt đem tiền mua tôi như mua một con lợn...

- Lô Hli nói phải, nhưng quan người ta chẳng nghe thế đâu?

- Chẳng nghe à? Nếu quan là tôi xem!

Tô Đay bật cười.

- Này, Tô Đay yêu em thật chứ?

- Ồ, Lô Hli chưa tin?

- Không, là tôi hỏi thế... Nếu Tô Đay phải lìa tôi?

- Thì Tô Đay chết mất!

Lô Hli bỗng quả quyết một cách thảm đạm :

- Vậy hai ta cùng chết với nhau chẳng hơn ư?

- Lô Hli!

- Tô Đay sợ chết à?

- Không, ta không sợ chết, nhưng ta không nỡ...

- Nếu thế thì hai ta phải xa nhau... xa nhau... sầu khổ cũng đến chết mà thôi!... Chi bằng chết cùng nhau ngay lúc này!

Thầy lục sự, Tsi Nèng và bọn lính cơ lúc ấy đã kéo đến vây quanh lấy cái chòi. Thầy lục sự quát :

- Hai đứa kia, muốn tốt xuống ngay đây!

Lô Hli đỏ mặt, trợn tròn hai mắt nói rằng :

- Các người định bắt ta?... Bắt sao được? Mà ta có tội gì? Ta yêu Tô Đay vì Tô Đay đã cứu ta khỏi chết. Tsi Nèng là đứa nào dám đem đồng tiền đến chia rẽ nhân duyên của ta? Hắn bỏ tiền ra làm ma cho phá ta thật, nhưng thử hỏi hắn vì lòng tử tế hay vì muốn chiếm lấy ta về làm tôi tớ? Tuy vậy, ta cũng đã ở với hắn nửa tháng trời rồi. Đồng tiền bỏ ra như thế đã có lợi, hắn còn muốn gì nữa? Tsi Nèng cậy ở thần thế đồng tiền, nhưng lần này thì tiền quyết phải thua...

Tsi Nèng và mấy tên lính định xông lên chòi, Tô Đay giơ súng nói :

- Đứng yên!... Đứa nào lại gần sẽ toi mạng ngay!... Cứ yên mà xem đây này!

Dứt lời... "Đoàng!"... Lô Hli ngã vựt xuống.

Dưới chòi, một tiếng kêu kinh hoảng.

..."Đoàng!"... Tiếng súng thứ nhì tiếp liền ngay...

Trên vũng máu đào, đôi tình nhân cố trao đổi một nụ cười trước khi nhắm mắt...

--------------------------------

1. Trai gái làm bài hát tặng nhau gọi là làm "phong thư"

 

Gò Thần

Thuộc về tổng Thượng Ấm, châu Sơn Dương có một cái gò đất, tục gọi là gò Thần.

Cổ lai, dân tổng không người nào dám bén mảng đến đấy chém tre, ngả gỗ hay đốt phá gì cả.

Thế mà, một ngày kia, mãn lính về làng, bếp Nai, vì tham chỗ đất tốt, dám quả quyết phát gò Thần để tra lúa. Bà con can ngăn hết lẽ, bếp Nai cứ khăng khăng ý mình, lại cam đoan rằng nếu xảy ra tai nạn gì, bác ta xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trước thái độ ngang bướng ấy, mọi người đành chịu bó tay, chờ sự phi thường mà họ chắc trước thế nào rồi cũng không tránh được.

Nhất là các cô gái chưa chồng, mỗi lần thấy anh chàng bảnh trai nọ vác dao, rìu đi qua, lại càng chỉ trỏ bàn tán dữ lắm. Cô nào không tơ vương hoặc đã bị bếp Nai hờ hững thì đều bĩu môi bĩu miệng, cho anh ta là một kẻ ngỗ ngược xằng, có ngày lo không trắng mắt sớm! Còn những cô đã cùng bếp Nai hát một đôi lần, đều không bình luận gì, nhưng trong lòng đều lấy làm băn khoăn lo ngại và thường kiếm những lời tha thiết can ngăn anh ta.

Dù chê trách, dù khuyên lơn, anh chàng chỉ cười nụ, ưỡn cái ngực nhà binh một cách bệ vệ, ra dáng ta đây chẳng cần gì!...

Rồi nương cứ phát, hạt giống cứ tra. Đất tốt, lại thêm có màu tro, nên ngoảnh đi ngoảnh lại, lúa đã xanh rờn, rồi đâm bông, rồi kết quả...

Một buổi chiều, bếp Nai nhân rỗi việc, vác dao ra thăm nương, thì thấy lúa bị nát nhiều chỗ mà, trên mặt đất mềm, dấu chân hãy còn tươi :

- Vẩy, có lợn về quấy nè! Tối hôm nay phải thức keng mới được!

Lập tức chàng ta lận vào gò, chém mấy tàu lá cọ và mấy cành tre gai, dựng sơ cái túp nhỏ trên bờ nương để sẵn.

Đêm đến, chờ khuya khuya, bếp Nai lẳng lặng thắt dao, vác súng ra đi. Một mình ngồi trong chòi canh, bác bếp chú hết tinh thần vào sự trông nghe...

Trời tối như mực...

Trước mặt bếp Nai, rừng ruộng, núi đồi, chỉ là một cái hốc sâu đen tối. Trong khoảng mịt mù, anh lắng nghe tiếng gió thét đầu cành, sương gieo ngọn cỏ, dòng ngòi róc rách chảy như tiếng nói thầm đâu đó...

Thời khắc qua.

Bếp Nai, ngồi rình đã lâu lắm, dần dần thấy mỏi mệt, rồi thiu thiu ngủ...

Gió vẫn thổi, sương vẫn rơi, dòng ngòi cô tịch vẫn chảy âm thầm trong đêm tối.

Đột nhiên, bếp Nai ngồi nhỏm dậy và lắng tai nghe.

Thì ra, ngoài những tiếng động rất quen của đêm rừng, bếp Nai vừa thấy một tiếng gì khác thường. Tiếng ấy, trước còn rụt rè, sau mạnh bạo và rõ rệt hẳn... tiếng lúa bị quần rạo rạt... tiếng răng nhai khầm khập, tiếng thở phì phào... Đích rồi! Có thế chứ! Quen mùi cũ, con lợn lại lần về phá hại...

Bếp Nai mở cò nạp đạn, rón rén bò ra khỏi chòi. Anh nín thở, lắng nghe, vượt lên mấy bước, dừng lại, chống tay nghển cổ nhìn. Lòng bếp Nai mừng khấp khởi...

Con lợn vẫn mải ăn. Rồi, hai đằng chỉ còn cách nhau độ hai mươi bước. Tiếng răng nhai lúa động vụt cái im bặt. Bếp Nai nằm rạp xuống. Con lợn đánh hơi rầm rĩ. Lâu lâu, chừng không ngờ vực gì nữa, nó lại bắt đầu nhai chộp choạp. Bếp Nai se sẽ vục dậy, quỳ gối, tì súng lên vai ngắm... "Đoàng"... tiếng nổ xé tan cái lặng lẽ... tiếng lợn hộc... tiếng cỏ tranh động roàn roạt... Đồng thời, khẩu súng băng đi đâu mất. Bếp Nai choáng người. Xưa nay có thế bao giờ!

Trời sáng.

Trên đỉnh núi phương Đông, mây trắng lấp lánh như màu bạc mới. Rừng cây mờ mờ trong sương trắng. Không khí mát lạnh, rung lên vì những tiếng chim đua hót...

Bếp Nai cúi nhìn. Trong đám lúa bị giày xéo, vết máu còn tươi. Những dấu chân in mặt đất rõ mồn một. Vậy mà lạ thay! Ngoài mảnh nương, không thấy gì nữa, cả khẩu súng cũng chẳng biết bắn đi đằng nào!

Bếp Nai vừa bực mình vừa hổ thẹn, một mạch về nhà. Nấu cơm ăn xong, anh định trở ra nương lần nữa, thì đầu óc anh bỗng choáng váng, tinh thần anh bàng hoàng, anh phải vào giường nằm...

Ngoài cửa, chợt có hai người đàn bà gọi to lên rằng :

- Bếp Nai! Bếp Nai sao dám bắn chết lợn của ta?

- Có lợn không giữ để phá lúa của tôi, chẳng bắn chết thì sao!

Hai người giận lắm, vớ gậy đập đánh bếp Nai túi bụi. Anh hoảng kinh, nhảy mạnh và trong nhà...

Thì ra một giấc chiêm bao. Bếp Nai ngẫm nghĩ:

"Cứ như lời thần mộng, con lợn rừng hẳn đã chết rồi.

Anh vội ra ngòi, vớt nước rửa mặt, đoạn rủ thêm hai người bạn thân nữa cùng nhau lên nương tìm.

Theo dấu chân, vết máu, ba người biết rằng sau khi bị đạn, con lợn rừng nhảy phóng vào búi tranh nhưng cớ sao tìm tòi mãi, chỉ thấy có một tảng đá mốc? Ba người nhìn nhau lấy làm lạ. Bếp Nai chém một đoạn nứa tép làm điếu, rủ bạn hãy cùng ngồi lên tảng đá hút thuốc đã. Một người bỗng nói to lên rằng :

- Quái lạ! Hòn đá này sao lắm ve thế?

- Ừ nhỉ! Mà con nào cũng béo núc ních, to bằng hạt ngô một.

- Lần thứ nhất thấy thế này vậy. Ve có ở đá bao giờ. Nó chỉ bám vào nai lợn để hút máu. Lỡ con nào bị chết, máu đọng và nguội nó mới chịu nhả mà thôi. Điều ấy các bác hẳn rõ chứ?

- Ai còn lạ gì. Nhưng thôi, tìm lợn không thấy, ta hãy xét khẩu súng đã.

Bếp Nai chịu là phải. Ba người lại tìm đến quá trưa, mới thấy khẩu súng ở bờ ngòi, cách nương lúa có đến bốn cột dây thép.

Mất cái hy vọng chén sơn hào, ba người tiu nghỉu kéo nhau về.

Năm hôm sau. Lúa đã chín đỏ. Bếp Nai đem lạt giang, đòn xóc liềm ra cắt gánh về.

Hôm ấy, tuy đã cuối thu mà nắng vẫn gắt như mùa hè. Vầng thái dương chói lọi trên vòm trời trong biếc. Dải Lịch Sơn lờ mờ sau đám hơi nóng bốc ngùn ngụt. Ánh nắng nhảy nhót trong đám lá cây rung trước gió. Vẻ thu chỉ biểu lộ trên mấy đám cỏ gà cằn cỗi, trên cái màu vàng nhuộm ố sắc cây xanh, trong luồng gió hanh hao thổi hút nhựa, đốt cháy cả thảo mộc. Những con ruồi, con dĩn bay lao xao, bay cố lấy một ngày cùng tận nữa, để rồi rũ xuống, lẫn với cát bụi...

Trong không khí lặng lẽ, phảng phất cái buồn của sự tàn tạ.

Bếp Nai vẫn làm mải miết, nhưng chốc chốc lại ra bờ nương ngồi nghỉ, hút một hơi thuốc, uống một hụm nước, hoặc kéo mảnh vải gai lau mặt, vẩn vơ nhìn lá rụng mây bay. Tự nhiên, chàng ta phồng lỗ mũi hít mạnh không khí chung quanh :

- Quái! Gì như mùi chuột chết ấy nhỉ?

Thật thế, một mùi hôi thối nồng nàn theo chiều gió bay lại. Bếp Nai chợt nghĩ đến con lợn rừng.

Anh đứng phắt dậy, lại theo lối tìm hôm nọ, lần vào búi tranh. Đến trước hòn đá mốc, bếp Nai đứng lặng đi, mắt giương to, mồm há hốc tỏ ra vẻ kinh ngạc vô cùng. Anh khẽ liếc mắt nhìn quanh, đằng hắng lên mấy tiếng, thử xem mình tỉnh thực hay mê.

- Trời ơi, có lẽ nào thế?

- Cái gì đấy, bác bếp?

Bếp Nai giật mình quay lại, thì hai người bạn thân của anh cũng vừa ở ngoài nương bước vào.

- Này, các anh! Có phải hôm vừa rồi, ba chúng ta ngồi hút thuốc trên một hòn đá không nhỉ?

- Sao anh hỏi dớ dẩn thế?

- Nhưng có phải thế không đã?

- Phải! Lúc ra về, chính anh còn gác cái điếu cày vào cạnh hòn đá ấy mà lại.

- Giờ các anh thử nhìn lại hòn đá ấy xem nào!

Hai người tiến đến cạnh chỗ bếp Nai đứng, vừa nghển cổ nhìn theo tay anh chỉ, bỗng kêu thất thanh :

- Ồ lạ! Lạ quá nhỉ!

Lạ thật! Tảng đá mốc meo ba người vừa ngồi hút thuốc hôm nọ, giờ đã biến thành một đống dòi lúc nhúc trên bãi thịt nát thối tha...

 

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.