chan_dung-ke_si

TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG - Tập truyện Lan Khai Phần 1

30-09-2023

Lượt xem 2041

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lan Khai

TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG - Tập truyện Lan Khai Phần 1

Nhà văn Lan Khai (1906-1945)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện đường rừng là tác phẩm viết về miền núi của nhà văn rất sung mãn Lan Khai. Đương thời, có lẽ sức viết của ông chắc chỉ kém mỗi nhà văn Lê Văn Trương của cùng nhóm Tân Dân với ông, nhóm văn chương đối chọi với Tự lực Văn đoàn của Nhất Linh. Lan Khai dạy học, viết văn và tham gia cả phong trào kháng Pháp của Nguyễn Thái Học nên đã bị thực dân Pháp bắt giam vào Hỏa Lò. Gia đình ông lúc đó đã phải bán hết gia sản để cứu ông thoát chết.

Năm 1938, Lan Khai đã vượt qua bộ máy kiểm duyệt của thực dân Pháp để xuất bản cuốn tiểu thuyết Lầm Than. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về đề tài công nhân. Lan Khai mô tả đời sống cơ cực lầm than của những người thợ do sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp...

Cũng vì cuốn sách, Lan Khai bị thực dân Pháp bắt, tới tận năm 1943 ông mới được chúng thả. 

Năm 1944, Lan Khai đưa gia đình về Tuyên Quang nhưng...

Những ký ức cuối cùng về nhà văn Lan Khai sau này được người vợ của ông là Hà Thị Minh Kim kể lại rằng: "Lan Khai dạy học, vẽ truyền thần, mở quán sách Lan Đình, tập trung vào chống đói. Chỉ vì trong quán sách Lan Đình có cất giấu mấy tờ Giải Phóng và Cứu Quốc, bất ngờ đêm 1/5/1944 bọn lính Nhật ập vào nhà tôi lục soát, đánh đập tôi và trói chặt Lan Khai đem hạ ngục ở đồn binh của chúng, đày đọa anh hơn 3 tháng trời. Tôi phải tìm cách hàng ngày đưa cơm và mật gấu vào trong trại. Vừa tra tấn vừa mua chuộc không được, lúc anh gần chết thì chúng mới lôi anh vứt ra đường, toàn thân thâm tím, áo quần rách nát, không lê nổi bước chân…”

 

Người lạ

Một đêm đông.

Ngồi quanh cái khuôn bếp cổ điển của những nhà mạn ngược, cha tôi và tôi lắng nghe ông Hội Cảnh kể câu chuyện lạ đường rừng...

Ở đây, người ta không dùng đèn. Ánh lửa bếp, tuy vàng úa và lung lay, cũng đủ chiếu sáng mấy gian nhà trống rỗng. Bên ngoài, giọt sương gieo lộp độp... gieo cái cảm giác tê tái vào lòng người.

Tôi ngồi xếp bằng tròn, hai tay thu vào bọc; mắt dán lên nhìn người kể chuyện: một ông cụ già ngót bảy mươi tuổi, nom còn quắc thước lắm. Vóc người ông vạm vỡ, chân tay ông to lớn, mặt ông vuông vức chữ điền, nước da ông đỏ thắm, râu tóc ông bạc phơ. Cứ trông cái trán vuông mà không cao, cặp lông mày chổi sể lòa xòa xuống cặp mắt voi sáng quắc của ông, ta đủ thấy ông là người thông minh, bạo dạn và thiết thực. Ông cụ mặc một cái áo cánh rộng tay bằng vải gai to sợi nhuộm chàm là thứ vải dân thượng du tự dệt lấy. Phủ ngoài áo cánh, một cái trấn thủ bằng nhiễu tam giang lót da rái cá, một vật quý có tính kỵ phong sương. Cái quần xanh cao ống để hở đôi bắp chân cục mịch, lằn những đường gân to như chão. Hai chân ấy đã từng vượt đèo lội suối, xông pha núi rừng nên hình như chẳng biết rét là gì. Ông cụ ngồi cạnh cha tôi; chân trái quắp vào lòng; chân phải chống bên cạnh sườn; đầu gối đỡ lấy bàn tay phải cầm chiếc điếu can đất thó. Thỉnh thoảng, mỗi lần ông đưa cái điếu lên miệng kéo mấy hơi thuốc, vẻ mặt ông càng thờ thẫn, hai mắt ông càng xa vắng. Ông ngồi lẳng lặng hàng giờ, nói thủng thẳng và thường lâu lâu mới lại sực nhớ tới chuyện mình đang kể...

Dưới ánh lửa đỏ, tôi nhìn ông già ấy, nhìn cái bóng ông chập chờn trên vách, tôi bâng khuâng như nhìn thấy chính cái huyền bí của sơn lâm.

Ông Hội Cảnh dằn xuống từng tiếng, như để in sâu vào trí não người nghe:

"Tôi, bây giờ, già rồi... Bảy mươi tuổi... còn gì mà không già!... Câu chuyện, tôi sắp kể ông nghe đây, xảy ra đã hơn hai chục năm... vậy mà tôi vẫn nhớ rõ... Chuyện lạ lắm! Chính tôi được thấy chứ không phải cố ý bịa đặt để dối ông đâu... Tôi gần kề miệng lỗ rồi, còn nói dối làm gì!..."

Câu mở đầu dài dòng ấy càng khiến cha tôi và tôi thêm tò mò...

"Người ta, nếu mới nghe một chuyện gì hơi khác thường, đã vội cho là huyền hoặc, chẳng cũng hẹp nghĩ lắm ru? Ông bảo ở đời cái gì có thể tin chắc được? Cái gì thật, cái gì hư? Ngay như tôi với ông đang ngồi trò chuyện cùng nhau đây, ai bảo là không có thật? Nhưng, nếu bây giờ, một trong hai ta nhắm mắt bịt tai lại, thử hỏi cái hình ảnh và tiếng nói của bạn mình kia còn hay mất, có hay không? Câu chuyện này, khi tôi đã kể ông nghe rồi, thật hư đều do quyền ông phán đoán. Tôi không muốn cùng ông tranh biện làm gì. Có một điều chắc là, trong đời tôi, chính câu chuyện sắp kể đây đã làm tôi phải rùng mình. Cái rùng mình quái lạ ấy, giờ tôi muốn chia với ông một phần. Ý tôi là thế..."

Ông già kéo mấy hơi thuốc lá, thở khói mù mịt như bao quanh mình thêm một cái màn bí mật nữa...

Bên ngoài, sương vẫn gieo nặng trên mặt đất, gió vẫn rền rĩ đầu cành cây. Tôi bỗng thấy sởn thịt, tâm hồn giá ngắt lại... Thì ra, tự ngoài đêm tối, mấy tiếng cú kêu thảm đạm đã làm tôi hãi hùng.

"Phải, - Ông Hội Cảnh vừa gõ tàn thuốc vào thành bếp vừa nói - lúc ấy vào khoảng trưa một ngày mùa hè. Tôi một mình ngồi trên chòi canh giữa nương lúa với một khẩu súng hỏa mai, một con dao lưng và một quyển truyện Phương Hoa bằng chữ Nôm. Đến đây, tôi cần nói để ông rõ rằng: việc canh lúa không phải do vợ chồng thằng cháu cả ép nài tôi. Chính tôi tự nhận lấy, nghĩ rằng nhà neo, vợ chồng cháu vừa bận con mọn vừa lắm công kia việc nọ, nếu mình cứ cậy là ông bố già, ăn no ngồi đấy, sao cho đành lòng! Thế là cơm lam 1, nước ống, tôi một mình lên nương. Dạo nào yên hàn còn khá; hễ hơi thấy dấu nai lợn lảng vảng quanh nương thì thường phải canh nhật dạ. Nếu không, chỉ một đêm bị giày xéo, cả cánh nương lúa tốt đẹp kia sẽ tan tành mà cơ túng thiếu trong nhà sẽ không sao tránh khỏi. Việc bất đắc dĩ chứ ai không biết rằng tự vùi mình giữa nơi tịch mịch như thế là rất buồn. Này, nhất khoảng đang trưa, ngồi trên chòi nhìn cảnh vật ngủ li bì dưới ánh nắng và nghe suối đổ mơ hồ điểm thêm một đôi tiếng cúc cu của con chim gáy ẩn hình nào đó, tôi tưởng cái buồn không lấy gì ví được...

Vậy, buổi trưa mùa hè ấy, tôi, cũng như mọi ngày, một mình thơ thẩn trên chòi canh. Tôi nhìn trời mây, rừng núi mãi cũng buồn và cũng mỏi, tôi bèn ngả lưng mở quyển Phương Hoa ra đọc. Thoạt đầu, tự mình nghe tiếng mình ngâm nga, cái tiếng người lẻ loi phản lại cái tịch mịch bao trùm, lòng tôi không khỏi rờn rọn. Sau, tôi cứ đánh bạo ngâm tràn. Đang lúc đắc chí, tôi tự nhiên thấy sau lưng thoáng có hơi lạnh, rồi chân lông trong mình sởn lên. Tôi bị một sợ hãi vô lý nó ám ảnh đến nỗi phải quay đầu lại thì... người tôi như có cái máy bật mạnh dậy..."

Cái điếu con nạp đầy thuốc tự lúc nào đã thấy kề lên miệng ông Hội Cảnh. Ông lấy hai ngón tay nhúp vội hòn than đỏ để vào điếu, hít mạnh mấy hơi, nhổ nước bọt vào bếp, rồi lặng yên... Trong lúc ấy, tôi nhận rõ trên mặt ông ta một cái gì như dấu vết một kinh hoàng...

"Tôi ngồi nhỏm dậy... Bên mình tôi, một cô gái lạ mặt đang chăm chú nhìn tôi, miệng cười chúm chím... Sự kinh ngạc của tôi bấy giờ thực không sao tả được. Cái chòi tôi nằm, bốn cột làm bằng bốn cây ba soi mảnh dẻ, hơi bị gió lay cũng rung rinh như võng. Người con gái ấy lên lúc nào mà tôi không biết? Vả chăng, cô ta là ai, lên chòi tôi có chuyện gì? Cớ sao lạ lùng thế? Cô ta không phải người trong động tôi, cũng không phải người các động chung quanh. Cô ta đẹp một cách dị thường: mặt dài thon thon; da trắng mòng mọng lại có những vân đỏ và phủ một lượt tư như vỏ đào non; lông mày rậm, vàng như râu ngô lượn tròn trên cặp mắt sáng quắc. Lạ một điều là lòng đen mắt cô ta đỏ và trong suốt như mắt thỏ trắng. Cô ta nhìn một cách lấm lét đáng nghi; miệng cười như đốt lòng người. Nhưng... đến hai hàm răng thì ghê quá!... Răng người đâu mà nhọn hoắt như răng mèo! Y phục không ra Kinh không ra Mán, chẳng phải Khách chẳng phải Nùng. Toàn thân có một mùi thơm như hoắc hương. Thật, trong đời tôi, có lần ấy mắt nom thấy một cô thiếu nữ quái gở như thế!...

Cô ta, thấy tôi có dáng hốt hoảng, chỉ cười. Tôi sợ quá, tóc gáy rờn rợn, bồ hôi giá ngắt.

Cô ta cất tiếng nói, líu ríu như tiếng chim, khó hiểu lắm :

- Anh kể chuyện tốt giọng nhỉ!... Kể đi...

Tôi càu nhàu đáp :

- Mỏi miệng rồi!

Cô ta lờ như không nghe hiểu câu trả lời ấy, và cứ mon men dịch lại gần tôi... Ông ạ, tôi đi rừng gặp beo là thường. Mỗi khi con beo xông đến, tôi không sợ bằng thấy cô ta lê lại gần mình. Tôi vội giựt lùi về phía sau. Hai người cứ thế xoay quanh khắp mặt chòi. Sau cùng, cô ta, xem chừng nản, quắc mắt nhìn tôi và sừng sộ hỏi :

- Anh ở đây một mình, có sợ không?

Giá ai bảo tôi ‘mày sắp chết’, tôi không sợ bằng nghe câu hỏi ấy. Tôi tự nhiên vơ lấy khẩu súng miệng quát thất thanh :

- Sợ gì?... Tôi chẳng sợ gì cả!... Cái gì dám lại gần tôi là tôi bắn!...

Cô ta ra vẻ nghĩ ngợi sau dịu giọng nói :

- Anh này cục tính quá!... Nhưng thôi! Rừng xanh nếu anh còn lai vãng thì một ngày kia ta sẽ còn gặp nhau.

Cô ta đứng dậy xuống chòi, đi lửng lơ ở không trung, như người đi lên một cái thang vô hình. Còn tôi, tôi bẳt đầu run bắn người lên. Hai hàm răng tôi đánh vào nhau chan chát. Những giọt bồ hôi trán lạnh như băng... Ma!... Đích ma, ông ạ!... Nếu chẳng phải yêu ma thì là cái gì?...

Tôi bẩm tính gan góc, nên tuy sợ mà vẫn bạo. Tôi chờ con yêu ra tới giữa nương lúa, bèn tì súng lên vai, nhắm rõ đích xác rồi bấm cò... "Đoàng"... Một làn khói trắng bùng ra rồi thong thả tan đi...

Quanh mình tôi, cái lặng lẽ lại như trước, nặng nề hơn trước...

Việc xảy ra như thế, có thể gọi là một giấc mê hoảng... Gọi là gì cũng được. Nhưng tôi thì tôi nói quyết cùng ông rằng lúc ấy tôi mở mắt và vẫn tỉnh táo như bây giờ..."

Ông Hội Cảnh nhắm mắt ngồi im.

Cái tịch mịch đêm đông, tôi thấy như trở nên một linh hồn, có cảm giác và có thể hoạt động được. Tôi rùng mình. Trí tuệ của tôi đắm sâu trong cái huyền bí hãi hùng.

Mãi lâu lâu, khi con chó vàng, nằm ngoài thích, bỗng chẩu mõm lên không cắn rú một thôi dài, ông Hội Cảnh mở bừng hai mắt, vơ vẩn nhìn quanh rồi mới kết luận gióng một:

"Về sau, tôi dặn con cháu có đi rừng chớ giắt lá hoắc hương trong mình, vì tôi vẫn nhớ cái mùi thơm ấy. Chưa hẳn là một điều hữu lý, song gọi là một cách đề phòng".

 

Ma thuồng luồng

Ông Hội Cảnh lại kể chuyện ma thuồng luồng: "Hồi ấy, trên cái gò chơi vơi giữa hồ Ba Bể còn có một xóm nhỏ lác đác độ mươi nhà. Họ ở cách nhau hàng ba bốn trăm thước. Lắm khi, vì khuất rừng cây, nhà nọ không trông thấy nhà kia. Mỗi gia đình chỉ bằng ở tiếng chó sủa và tiếng loóng gạo mà còn có được cái cảm tưởng an ủi rằng vẫn gần nhau. Nhà nào cũng ruộng nương kề ngay chung quanh, vừa tiện hôm sớm đi về, vừa tiện giữ gìn màu vật khỏi cái hại hươu nai. Ông lạ gì, đường Trên người thưa đất rộng, mặc sức vẫy vùng.

Về phía Bắc cái gò đất ấy, có một túp nhà tranh tồi tàn. Mái nhà vẫn kín gió mưa, nhưng lá lợp lầu ngày nhiều chỗ đã ủi nát, gần thành một thứ đất màu. Những hột quả, chim tha về ăn để lại đấy, đã mọc thành những mầm cây nhỏ. Bốn bề vách nứa chống chếnh, lau lách bên ngoài mọc đâm cả vào trong nhà. Những trận gió lạnh đêm đông thường khi thóc mách vào tận buồng nằm.

Nhà có ba gian thì một gian làm buồng ngủ, gian đầu đằng kia kê bàn thờ và giường tiếp khách. Tôi xin nói rõ ngay để ông biết rằng chủ nhà làm nghề thầy cúng, tiếng chúng tôi gọi là ‘Sa thúng’. Và bàn thờ chẳng qua là tấm phên nứa đặt lên bốn gốc tre chôn một đầu liền xuống đất. Trên ‘bàn’, mấy cái bình hương tre tro tàn bề bộn, dăm cái chén đất, cái úp cái ngửa, một cái bát đựng nước cúng và một cái đĩa bày trầu, cau, hoa. Vài thẻ hương, giấy bao đã phai màu, và mấy quyển sách cúng viết bằng thứ chữ riêng, người thường không thể đọc được.

Trước ‘bàn thờ’, một cái giường tre giải manh chiếu cũ bày ngổn ngang mấy khúc gỗ gối đầu, một cái khay chén, một ấm chè đựng trong cái giỏ mây sơn màu gạch cua, một cái điếu cày dựa lên cái giá làm bằng một đoạn cành cây khòng khoèo. Gian giữa tức là bếp, là cái lò sưởi chung cho cả nhà về mùa đông. Vài cái đầu rau bằng đất thó, trên để chảo cám lợn luôn luôn đầy những món cùng chuối nấu nhừ, thành một thứ cháo xám đen, một cái ấm đất và mấy cái nồi đất con. Ngay chỗ ngọn lửa bếp lên, một cái gác tre lủng lẳng chứa mấy cặp thịt nai sấy, vài gói thuốc mán, dăm quả bầu già, dưa già làm giống, và một túm chân gà khô.

Cái khung cảnh ấy tiều tụy, lạnh lẽo và lấm láp những tàn hương bò hóng nhờ được những tiếng cười đằm thắm, những câu chuyện ái ân, những vẻ ngây thơ hóm hỉnh của đôi vợ chồng và đứa con nhỏ nọ, lắm khi thành ra linh động và tươi sáng.

Cả hai vợ chồng đều xấp xỉ ba chục tuổi.

Chồng, hơi thấp nhưng cả ngang; chân tay gân guốc, đi đứng mạnh dạn. Đầu anh ta vuông, tóc rễ tre, cổ to như cổ trâu, nét mặt tròn và đều đặn, nước da hung hung. Nếu chẳng có cái miệng cười thực thà thường phô hai hàm răng trắng nhởn, vẻ mặt anh chàng có lẽ dữ tợn vì cái trán gồ, cái mũi tèn tẹt, cặp lông mày chổi sể và đôi mắt ốc nhồi sáng quắc.

Vợ, trái lại, nom mảnh dẻ, chân tay nhỏ nhắn, dáng điệu mềm mại. Trên khuôn mặt bầu bầu, nước da trắng mịn, cặp mẳt bồ câu lóng lánh như nước hồ khi lặng gió. Cái mũi tuy nhòm mồm nhưng không giảm mất vẻ đẹp của nụ cười ý nhị thường nở trên cặp môi tươi.

Ngoài những lúc đi cúng, đi bói xa, chồng chỉ loanh quanh ở nhà bảo ban vợ làm ăn. Nhờ phong tục tốt, hàng xóm thường giúp đỡ thêm vào, vợ chồng cũng trù được một nương lúa to và cấy được hai mẫu ruộng nếp mây. Thóc gạo mỗi năm ngần ấy đủ cho ba miệng ăn và đổi chác dầu muối. Hai vợ chồng xử với nhau hòa hợp. Lại từ khi được chút con thơ, cái tình ân ái càng nồng nàn. Đứa bé sinh ra, thường hay quặt quẹo, thân thể gầy còm, chân tay ngẳng nghiu, nước da bung bủng, nổi cơ đồ nhất có chăng là cái bụng trái mít điểm cái rốn lồi. Tuy vậy, con vua vua dấu, con chúa chúa yêu, cái đầu cá trê lơ phơ mấy sợi tóc vấy ‘cứt trâu’, cái mặt ngơ ngác, cặp mắt lúc nào cũng như lòe lửa sốt và cái miệng cười mếu máo kia vẫn là cái vui sướng, cái thương yêu, cái hy vọng của hai cuộc đời tối tăm góp lại dưới mái lều tranh. Cái nghèo của vợ chồng bác thầy cúng, người ta có thể ví là cái khung mộc mạc, lồng bức tranh gia đình nên thơ...

Một ngày tháng Sáu, vào khoảng mặt trời gần lặn. Trong nhà, người vợ đang ngồi cạnh bếp thổi cơm. Đứa con thì bò lê dưới đất, đùa với nái lợn lang chộp choạp ăn ít cám đựng trong cái lon tre, mặt ngoài phất một lượt sơn đen. Người đàn bà hí húi làm cơm, chốc chốc nhoẻn miệng nhìn con. Ngay lúc ấy, chồng ở trên nương về. Anh ta vừa toan vào nhà, sau đứng sững lại ở ngưỡng cửa, ngắm cái cảnh êm đềm trước mắt. Vợ và con vẫn vô tình. Thốt nhiên, anh nhảy xổ vào và bế phắt đứa con lên tay. Vợ, giật mình quay lại, cười pha chút sợ hãi :

- A lối!... Làm người ta giật nẩy mình... hôm nay về muộn nỏ?

Anh chồng cười hê hè, xốc nách con giơ lên giơ xuống. Thằng bé, hoặc có lông buồn hoặc thích chí, cũng cười sằng sặc.

- Pú lỷ mì cần mà doọng pi né (Ông Lý có người về gọi anh).

- Doọng lầu việc lăng nẩy? (Gọi ta việc gì thế?)

- Pú lỷ chảo pi quá pại mo hở me lỷ te pân khẩy (Ông Lý bảo anh sang cúng cho bà Lý ốm).

- Cà ling ò? Lầu quá pại ngòi đu (Thật à? Ta sang xem nào).

Chồng nói đoạn, trao con cho vợ rồi vào buồng quấn khăn thay áo và lại bàn thờ lấy sách cúng. Lúc anh ta sắp ra cửa, trời bỗng đổ cơn mưa. Anh ta càu nhàu :

- Bôn đin ọ! (Trời đất ạ!). Phân tằng vằn nhằng mi đo! (Mưa cả ngày chưa đủ sao!)

- Bôn mí phân hẹt lừ khẩu pân? (Trời không mưa, làm sao lúa tốt?)

Anh chồng lườm yêu vợ rồi chụp nón ra ngoài. Trước khi khép cửa anh còn ngoái dặn vợ :

- Kin cón hở lục pây nòn ná (Ăn xong cho con đi ngủ nhé) vằn chục lầu chắng mửa (mai ta mới về).

- Đảy giá (Được rồi).

° ° °

Bác thầy cúng sang đến nhà ông Lý thì áo quần đã ướt hầu hết. Bác ta phải ngồi vào cạnh bếp hong một lúc lâu. Bác ta bói xem vợ chủ nhà phải ma gì làm, đoạn sai sắp lễ vật để cúng. Bác đọc xong quyển sách cúng thì đêm đã khuya. Chủ nhân hối dọn rượu mời ông thầy. Bác ta nhân lúc ấy chạy ra ngoài có chút việc...

Mưa đã ngớt. Trời tối đen như mực. Tiếng sóng hồ rào rạt trong khoảng mịt mù gợi cho tâm hồn những cảm giác đìu hiu man mác. Vụt cái bác thầy bắt rùng mình... Tự xa xa về phía nhà bác ở, vẳng có tiếng trẻ khóc đưa lại. Bác lắng nghe. Tiếng khóc the thé như những nhát dao sắc rạch mạnh vào cái lặng lẽ đêm khuya... Tấm lòng cha tựa hồ đoán biết có sự phi thường. Bác thầy cúng hốt hoảng chạy vào. Chủ nhân hỏi :

- Cái gì thế?

- Lầu mí chắc!... Trẻ con ở nhà sao khóc quá! Tôi về xem thế nào!

- Ừ, ông thầy về xem. Tôi cũng sang ngay.

° ° °

Trên con đường lầy lội, hai bên cỏ mọc trùm ra lối đi, bác thầy cúng, tay giơ cao ngọn đuốc, tất tả chạy về. Những giọt mưa đọng trên ngọn cỏ, bị động, trút xuống rào rào như đuổi theo người.

Tiếng trẻ khóc mỗi lúc một gần, một rõ thì sự lo của người cha càng tăng gấp lên.

Bác thầy cúng thoạt bước lên thềm thấy cánh cửa mở toang lại càng tin chắc có sự gì ghê gớm. Cái tiếng the thé tự trong buồng đưa ra lúc ấy đã không còn là tiếng trẻ con khóc nữa. Nó chỉ là tiếng kêu của con vật gần hấp hối. Ném bó đuốc xuống sân, bác thầy cúng đâm xổ vào đến cửa buồng bỗng đứng sững lại, suýt lộn mửa vì cái mùi tanh sặc mũi...

Trong buồng, dưới ánh đèn lờ mờ, hiện ra một cảnh quái lạ..."

Ông Hội Cảnh, theo thói quen, ngừng lại một lúc lâu và ung dung làm mấy hơi thuốc lá.

Suốt mình thấy lạnh lẽo, tôi ngơ ngác nhìn quanh... Thần trí tôi lúc ấy, đối với hoàn cảnh, hệt như tia sáng mặt trời soi xuống làn nước đục.

"Trên giường, vợ bác thầy cũng nằm đờ ra như một cái xác: váy áo rách mướp; thân thể trần truồng. Đứa bé thì lăn lóc bên mình mẹ, hai mắt trợn ngược, chân tay chới với, tiếng kêu đuối dần. Khắp giường, nhớt nheo ướt át, mùi tanh nồng nực.

Người đàn ông khốn nạn giương mắt nhìn cái thảm trạng mà thực tình chẳng hiểu gì cả.

Mãi sau, tiếng nước rỏ lách tách gần đâu đấy làm cho bác ta chú ý và đưa mắt tìm tòi. Thốt nhiên bác thấy cũng choáng người... Cái gì kia?... Ừ, cái gì mà người chẳng ra người, thú chẳng ra thú, mình trần như nhộng, tóc tai không có, da dẻ nhợt nhạt như kẻ chết trôi, nhớt dề dề rỏ xuống, chân tay ngắn ngủi chẳng tày gang. Nó ngồi vắt vẻo trên xà nhà mắt nhìn sớn sác như muốn tìm đường trốn.

Người đàn ông sợ lắm, nhưng mà thương vợ xót con, nên bác ta quát rằng :

- Mày là yêu quái ở đâu dám vào hại vợ con tao?

Cái quái nghe hỏi chỉ nhe bộ răng nhọn hoắt cười nhăn nhở. Bác thầy cúng lùi ra ngoài, vớ lấy cái chày loóng gạo đứng chắn ngang cửa buồng, đoạn cầm chiếc tù và rúc lên một hồi dài...

Một lát sau, hàng xóm kẻ dao người gậy kéo đến rất đông.

- Anh em... có ma... vào đây xem nè!...

Mọi người kéo vào trong buồng. Ai nấy đều kinh dị vì cái mùi tanh quái gở. Chủ nhà vặn to đèn, giơ tay trỏ vợ trỏ con rồi lại trỏ lên xà nhà. Tuy đông mà mọi người cũng đều sởn tóc gáy. Sự xảy ra không thấy bao giờ.

- Đây, chính cái quái này, đã nhân lúc tôi vắng nhà, vào cưỡng hiếp vợ tôi. Xin anh em giết chết nó đi...

Thoạt tiên, họ còn ngần ngại. Nhưng sau, thấy người đàn ông bất hạnh nọ hăm hở giơ chày đánh quái vật, thì họ cũng ùa nhau kẻ câu liêm, kẻ dựa phát móc tuột con yêu xuống và đánh chém tơi bời..."

Cha tôi nóng ruột hỏi :

- Sau ra làm sao?

- ... Chỉ chớp mắt nó ườn ra thành một con thuồng luồng cực lớn, nằm chật cả gian buồng. Cái xác nó, người ta lôi ra vùi ở cạnh bờ nước. Và, nếu cái gò đất ấy về sau không bị sụt xuống đáy hồ, nấm mả thuồng luồng dễ đến nay vẫn còn. Việc này xảy ra là vì người dân trong xóm đã cả gan giết thịt một con bò dưới thủy tề lạc lên... vua Thủy giận, làm sụt gò để phạt kẻ táo bạo...

Tôi hỏi ông già :

- Thế còn vợ con bác thầy cúng thì sao, cụ?

Ông Hội Cảnh nhìn tôi. Ông lẳng lặng hút đến tàn điếu thuốc mới thủng thẳng đáp :

- Chết cả... Người chồng thì điên rồ lên một dạo, sau chẳng rõ là đi đâu...

 

Con thuồng luồng nhà họ Ma

Ngày xưa, về dòng họ Ma, có một người đàn bà rất nghèo. Cách sinh nhai duy nhất của người ấy là ngày ngày xách giỏ ra ngòi đánh cá.

Một buổi sớm mùa thu kia, dưới vòm trời trong vắt, núi xa mơ màng trong bức màn sương mỏng, cây rừng im lặng như nghĩ đến nỗi vàng úa nay mai. Những đám lau lách bạc đầu, ngất ngưởng trước làn gió nhẹ, như các ông già đã gác bỏ sự đời. Chim ngàn thú nội, ngẩn ngơ vì cái lặng lẽ chung quanh, cũng ngậm hơi kín tiếng. Còn hoạt động có chăng một dòng ngòi róc rách chảy xói vào những hòn đá trơ trơ, hình ảnh thời gian cố gắng mài mòn hết thảy sự vật trên đời.

Trời còn sớm lắm. Những trận gió mai còn ẩm sương đêm. Và, dưới cỏ, tiếng trùng chưa nín bặt. Tuy vậy, người đàn bà kia đã manh áo che thân, xách giỏ ra ngòi kiếm cá. Chị ta lội xuống ngòi, hai tay vớt nước lên rửa mặt. Xong đâu đấy, chị mới dám đưa cặp mắt ngơ ngẩn nhìn quanh. Nước ngòi mát lạnh không xóa hết những vẻ nhọc nhằn, chán nản đã in thành những vệt dăn sâu trên cái dung nhan những hom hem vì đói. Chị ta nhìn thiên nhiên mà thở dài. Rồi, nỗi lòng nao nao, chị chàng khẽ cất tiếng hát. Cái giọng hát mới buồn làm sao!

Chị chàng bắt đầu làm việc. Lưng cúi rạp, tay cầm cái xẻo con, chân bì bõm dưới làn nước lạnh, chị ta cốt kiếm lấy ít mồi, cái mồi nó giữ cho chị chút hơi tàn để mà đau khổ. Lắm lúc nhác trông bóng mình chắp nối dưới gương nước lung lay, chị ta, không hiểu ngẫm nghĩ sao, sụt sùi khóc.

Chị ta bì bõm mãi, hai cánh đã mỏi rã, mười ngón tay đã dăn deo, mà cái giỏ tre đeo sau lưng vẫn rỗng tuếch. Có một lần lùa xẻo vào trong hang, chị ta thấy nằng nặng mừng lắm... Chị vội nhấc xẻo lên thì... chỉ thấy một quả trứng to hơn trứng ngỗng, sắc vỏ vân vân, nằm gọn trong lòng lưới. Quả trứng đẹp lắm, nhưng ích gì! Chị dằn tay ném tõm nó xuống ngòi. Quanh quẩn thế nào lần sau, rồi lần sau nữa, cái trứng cợt người lại cứ lăn tròn vào đáy xẻo. Chị chợt nghĩ:

"Hẳn là trứng thuồng luồng. Mà ta vớt được nó luôn ba bận, chắc không phải do sự tình cờ. Âu là ta hãy đem về thử ấp xem sao".

Chị bỏ quả trứng vào trong giỏ. Lạ thay! Từ lúc ấy, chị vớt được rất nhiều tôm cá.

Người đàn bà đem quả trứng về nhà, bỏ nó vào một cái chĩnh, vần xa xa bên cạnh bếp. Cách ít lâu, quả trứng nở ra một con thuồng luồng nhỏ, hệt như một con lươn, sắc da đen nhẫy. Chị ta đặt tên nó là con "Cuổng" và ngày hai bữa thường bớt tôm cá thả vào chĩnh cho Cuổng ăn. Cuổng lớn như thổi; chẳng bao lâu nó đã chật cái chĩnh, chị chàng đành phải đem thả nó xuống ngòi. Cái ngòi ấy hiện nay vẫn giữ tên là ngòi Cuống vậy.

Những việc ta vô tình làm, thường sau có những kết quả không ngờ.

Người đàn bà nghèo khổ kia cũng là tò mò đem trứng thuồng luồng về ấp và khi trứng nở thì nuôi, sau lớn quá không đựng vào đâu được phải thả xuống ngòi, đem con vật lạc loài trả về chốn cũ. Chị ta có ngờ đâu việc mình làm, đối với vật vô tri, lại thành ra ơn nặng tình sâu! Và, cũng vì vậy nên hôm sau, khi xách giỏ ra bờ ngòi, chị chàng rất ngạc nhiên thấy đã sẵn một món tôm cá rất tốt để chờ mình.

Rồi cứ thế mãi mãi.

Chị, biết Cuổng trả ơn mình, cảm động lắm! Cặp mắt xưa nay có khóc chỉ khóc vì đau khổ, lần ấy bắt đầu tuôn ra hai dòng lệ mới, nó êm đềm chẳng khác giọt lệ người mẹ hiền trước sự cư xử của đứa con hiếu thảo.

Cuộc đời chị đánh cá thế là xoay sang một tình trạng mới. Mà trên cảnh thâm u tĩnh mịch, cỏ cây chim thú cũng đỡ bận lòng vì những tiếng oán than...

Nhưng tiếc thay! Cái may mắn, cái hạnh phúc của chị chàng đánh cá nọ chẳng bao lâu đã tan mất, cũng như cái bóng xà phòng...

Một đêm, chị ta ngồi quay sợi khuya bên cạnh bếp. Ánh lửa tàn như cố níu cái vẻ tiều tụy chung quanh khỏi đắm chìm trong bóng tối. Nó muốn cho chị chàng luôn luôn thấy rõ cái mặt thật của đời mình. Chị ta ít lâu nay quả nhiên đã vì chút an nhàn mới có mà quên hẳn nỗi cực khổ chưa qua. Chị vui sướng lắm, yên trí như cái hạnh phúc của mình sẽ cứ kéo dài cho đến khi mình nhắm mắt. Rồi cái lạnh lẽo đêm trường lọt qua kẽ vách vào nhà, rồi cả cái sầu cô tịch mọi khi, chị chàng không cảm thấy chút nào nữa. Tiếng guồng quay nhè nhẹ, cùng với tiếng củi tươi nổ lép bép nghiễm nhiên thành những tiếng vui tai. Chị làm việc một cách hăm hở, nhanh nhẩu, không uể oải, chán nản như xưa, đến nỗi giấc ngủ lẻn đến lúc nào, chị không hay.

Trên mảnh vỏ sui đập tơi làm nệm, chị chàng đánh cá thiêm thiếp ngủ... Ngọn lửa bếp vẫn lom nhom cháy. Cảnh tịch liêu như dằn nặng trên giấc cô miên. Tuy vậy, mỗi lần trở mình, chị chàng vựt mạnh cánh tay trên nệm vỏ cây thì, trên cặp môi chưa mất hẳn vẻ chua cay, lại thoáng một nụ cười. Và...

Lạ quá! Chị thấy một vật nửa người nửa rắn tự ngoài vào, vừa đi vừa khóc sướt mướt. Chị lấy làm ngờ sợ. Nhà chị xưa nay khách khứa rất hiếm. Nhất là người khách kỳ khôi nọ thì thực chưa từng thấy đến bao giờ. Chị vừa toan hỏi, người lạ đã tiến lại gần và nói qua tiếng thổn thức :

- Mẹ ơi, mẹ cứu Cuống với! Ngoài ngòi bây giờ có một con thuồng luồng trắng ở Đài thị mới về, nó định chiếm chỗ của con. Giờ Ngọ ngày mai, con với nó đánh nhau to. Được, chằng nói làm gì; nếu thua, con sẽ một là bị chết, hai là bị đuổi đi nơi khác, bấy giờ thì mẹ con sẽ mãn kiếp xa nhau... Vậy mai mẹ giúp con một tay, mẹ đem dao ra bờ ngòi, chờ lúc hai bên đánh nhau, hễ thấy khúc trắng nổi lên thì mẹ chém. Mẹ nhớ nhé...

Chị chàng giật mình tỉnh giấc. Chị ngồi choàng dậy, băn khoăn hôi lâu... Ngoài trời đêm tối, tiếng hoẵng đâu kêu dáo dác. Chị chàng lẳng tai mơ hồ như nghe thấy chính cái tiếng lo sợ của lòng mình vọng vào thẳm rừng sâu...

° ° °

Trưa hôm sau, chị đánh cá vác con dao mới mài sáng nhoáng thủng thỉnh ra ngòi. Chị theo lời thần mộng mà ra đấy, chứ riêng vẫn lấy làm ngờ.

Trời nắng to, cái nắng lẻ loi của những ngày thu êm dịu. Cái nắng vớt ấy, nó thường nhóm lên trong lòng người một mối bâng khuâng...

Nền trời xanh biếc gác lên những dãy núi xa. Rừng cây chạy tun hút lên tầng không, vươn những cánh tay gân guốc in bóng xuống mặt nước ngòi phẳng lặng. Những tiếng giun tiếng dế, những tiếng ve cuối mùa họp thành một thứ vang ngân của tịch mịch. Chị chàng ngẩn ngơ nhìn: quanh mình chị chỉ có ánh sáng và bóng mát. Trước cái vẻ nghiêm tĩnh ấy, chị không thể tưởng tượng sẽ có xảy ra một tấn náo kịch phi thường, nó là cơ còn mất của cái phúc an nhàn mà chị vừa được biết. Cả cái dòng ngòi rực rỡ đang khẽ tung những mảnh vàng vụn nát lên sườn gành đá mốc, chị thấy nó cũng hững hờ với nỗi bồi hồi trong lòng chị... Rồi, người đàn bà cô độc nọ bỗng như sượng sùng bẽ thẹn trước cái vẻ lãnh đạm của thiên nhiên; và, lần ấy chị bắt đầu nhận rõ cái vực sâu nó ngăn cách tạo vật với người. Chị toan xách dao trở về. Thốt nhiên dưới dòng nước trong, chị thoáng thấy vệt cát lầm... Chị vội chạy lên đám gành đá, cúi nhìn, thì quả nhiên mặt nước đã đục ngầu... Chị cầm lăm lăm con dao trong tay, đem hết sức mắt soi xuống dòng ngòi... Trong đám nước bùn, hiện ra hai khúc dài, một đen một trắng, vẫy vùng, quằn quại, lăn lộn xoắn xuýt lấy nhau... Đích rồi! Cuộc chiến của đôi giao long quả nhiên dữ dội, tàn khốc, chí mệnh. Trái tim chị chàng đập thình thịch, chị lăm le giáng một lưỡi dao để kết liễu trận tranh hùng... Thoáng cái, một khúc trắng vừa nhô lên thì, nhanh như chớp, lưỡi dao đã chém đứt phăng dòng nước. Một vết máu loang ra. Chị chàng thấp thỏm chờ... Cái gì kia? Cái gì như một khúc đen lập lờ dạt theo làn nước cuốn?... Trời ơi!... Có lẽ chị chàng hoa mắt!... Không chị đã hấp tấp chém phải đứa "con nuôi" yêu mến, chị đã vô tình cắt đứt cái tựa nương của đời mình!...

Chị chàng khốn nạn hoảng kinh; con dao cầm trong tay rơi xuống đá xoảng một tiếng. Chị giật mình, buông tiếng khóc, đoạn chạy té xuống dòng ngòi vấy máu, cố vớt cái xác đã cứng đờ và lạnh ngắt. Chị đem xác Cuổng lên bờ, ôm vào lòng và khóc than thảm thiết.

Rồi từ hôm ấy, chị chàng đánh cá lại quay về với những nỗi nhọc nhằn lận đận chị vừa quên được trong ít lâu nay.

Trong khoảng non cao rừng rậm ngòi thẳm nước xanh, chị chàng lại âm thầm tha cái đời hiu quạnh. Mà nỗi quạnh hiu, lần này, chị thấy nặng như một tấm đá đè trên miệng huyệt...

 

Con bò dưới Thủy tề

Buổi trưa một ngày tháng Sáu.

Trận mưa sùi sụt từ mấy hôm trước lúc ấy tạm ngừng. Những đám mây trắng đục, vẩn khắp bầu trời, lắng xuống cảnh vật một thứ ánh sáng lạnh lùng. Núi xa gợn thành những vệt thiên thanh sẫm. Những đám hơi nước kéo ngang sườn núi như những dải sô trắng, cỏ cây xờ xạc, có dáng mệt mỏi sau luôn mấy hôm bị giày vò dưới những giọt mưa kế tiếp. Trên mặt đất, vật gì cũng đầm đìa những nước. Mặt hồ Ba Bể dềnh lên, nom như một mảnh gương mờ. Ngọn gió chốc chốc thoảng khí lạnh vào tâm hồn.

Lúc ấy, trên cái sân phơi trước mấy gian nhà tre lớn, cách xa lợi nước bốn năm chục thước, Ma Thái Ảnh ngồi bó gối, đôi mày cau có, vẻ mặt hầm hầm. Tuổi trẻ, vóc người cao và mảnh, chân tay dài, gân guốc. Đầu tuy bé mà cổ rất to, mặt lưỡi cày, da bánh mật điểm mấy nốt rỗ huê. Cái trán thót và ngắn không đủ chỗ cho cặp lông mày chữ bát rậm rì che trên đôi mắt voi. Cái mũi ghé nhòm cái mồm rộng, cặp môi thường mím chặt, họa hoằn nở một nụ cười, khi đắc chí. Thái Ảnh rất ít nói. Nhưng sau cái bộ lì lì ấy thường ẩn vô số ý tinh nghịch. Trên đời, Thái Ảnh chỉ có một sự ham mê: săn bắn. Theo ý anh ta, phát được mũi tên trúng chỗ hiểm của con vật mình định giết, tức là cái khoái lạc vô song, và đuổi theo kỳ cùng một con ác thú vào tận rừng sâu thung rậm mới là cái trò quẩng mỡ xứng đáng với cặp mắt tinh nhanh, cái tài trăm phát và cái sức khỏe có thừa của mình.

Nhà có độc một mẹ một con, thế mà hơi được vãn việc ruộng nương, anh ta đã xách nỏ vào rừng. Bà mẹ, vì vậy, thường âm thầm một mình trong mấy gian nhà trống rỗng. Lắm lúc bà thấy con ham mê săn bắn quá, thường can ngăn hoặc dức lác, nhưng lời mẹ nói chẳng ăn thua!

Luôn mấy hôm trời mưa, Thái Ảnh phải ngồi nhà. Bà mẹ định nhân dịp ấy khuyên con lưu ý đến việc làm ăn để mẹ con hôm sám gần gụi nhau. Định thế, nhưng có lúc nào bà nói được ý mình. Thái Ảnh bị bó chân, suốt ngày tấm tức, nguyền đất rủa trời, ném dao quăng điếu, đứng không yên chỗ, ngồi thấy ngứa chân và, hồ thấy mẹ đến gần là vội lảng vào buồng nằm, hoặc xuống nhà chòng ghẹo mấy mống chó con.

Trưa hôm ấy, trời tạnh ráo. Thái Ảnh đã mừng. Nhưng, lúc ra sân nhìn trời mây và thấy chưa có ý hẹn cho cái điều mình muốn, anh ta bực tức vô cùng, ngồi bệt xuống sàn một cách thất vọng. Thái Ảnh chỉ ước ao có cái chổi phép gì quét sạch hết mây đen, hay có thế gì đấm lên cái bộ mặt ủ ê của cảnh vật mấy đấm cho bõ ghét.

Thốt nhiên, ngoài cổng, có tiếng người reo :

- Biết ngay đoán không sai mà!... Có thế chứ lại!

Thái Ảnh thấy Sau Rắt tất tả lên thang, liền đứng phắt dậy hỏi dồn :

- Cái gì thế, Sau Rắt?

- Về mấy dấu chân ở ngoài bãi hồ ấy mà!... Tôi đoán ngay là dấu chân bò, anh cứ gân cổ cãi mãi!...

- Thế sao?

- Sáng hôm nay tôi rình xem, quả nhiên là một con bò, to lắm, béo lắm!...

- A thích nhỉ!... Anh bắn ngã nó rồi chứ?

- Tôi thích quá, hấp tấp thành bắn trượt; nó... lặn ngay xuống hồ!

Thái Ảnh cau mặt lại :

- Cái gì?... Anh vừa nói cái gì?

- Tôi bảo con bò ấy nó lặn xuống hồ mất mà lại!

- Này thôi! Có phải anh định đến đây để giễu tôi thì mời anh bước ngay... Tôi là một thằng cục tính, hẳn anh đã biết!

- Ô hay! Anh không tin ra bãi xem! Hiện dấu chân nó còn kia.

Bà mẹ Thái Ảnh thấy hai người cãi lẽ nhau, ngó đầu ra bảo con rằng :

- Sau Rắt nói thật đấy, con à!... Mẹ, khi còn nhỏ, vẫn nghe các cụ già nói: "Ở gò ta thỉnh thoảng lại có con bò dưới Thủy tề lạc lên". Có lẽ là nó đấy.

Sau Rắt hớn hở :

- Anh xem! Giờ hẳn anh không còn ngờ là tôi nói đùa nữa. Tôi lại đây chính để bàn với anh cái cách săn con bò ấy.

Bà mẹ Thái Ảnh vội xua tay.

- Chớ!... Của thiêng chớ có động vào! Hai người nên nghe lời ta!

Thái Ảnh đưa mắt cho bạn rồi nói rằng :

- Tưởng loài vật thường thì săn, chứ cái quái ấy thì tôi chịu!

Bà cụ thấy lần này Thái Ảnh chiều ý mình một cách dễ dàng quá, bà lấy làm ngờ. Nhưng Thái Ảnh khéo làm mặt tự nhiên, khiến bà được yên lòng.

Sau Rắt hiểu ý bạn, cũng lảng sang chuyện khác. Hai người dắt nhau vào nhà hút thuốc.

Nhân lúc bà cụ xuống thăm ổ trứng gà, Thái Ảnh khẽ bảo bạn :

- Anh cứ về sắp sửa sẵn sàng và rủ cả bọn khán Nạn một thể. Mai sớm tôi sẽ lại. Ta nhất định bắn con bò ấy. Lâu nay mình đang thèm thịt. Vả, thịt bò dưới thủy, đánh chén hẳn ngon!

° ° °

Sáng hôm sau, trời lại lấm tấm mưa. Mây nước, núi rừng vẽ ra một bức tranh thủy mặc lờ mờ. Dưới những giọt nước nhè nhẹ, mặt hồ gọn lăn tăn thành những cái vòng tròn xoắn xuýt. Tiếng mưa gieo ngấn nước, nghe lăn tăn rất hay. Bờ lau búi sậy yên lặng như tờ. Ánh sáng nhạt nhẽo và vẻ đìu hiu làm cho cảnh hồ ban sáng lạnh lùng như một cảnh chết...

Thốt nhiên, mặt hồ hơi sóng sánh; rập rềnh, nhấp nhô, trao lộn... rồi phun lên hai vệt nước trắng, phè phè như tiếng bễ lò rào...

Một cái rung động chạy thoáng qua đám lau lách trên bờ...

Tiếng phè phè mỗi lúc một mạnh; sau cùng một cái đầu thú nhô lên... Dưới cặp sừng nhọn hoắt, hai mắt lấc láo nhìn nghi ngại...

Bốn bề vẫn yên lặng... Trong khoảng trời cao hồ rộng, tuyệt nhiên không có tiếng động nào khác tiếng mưa rả rích và tiếng nước phun tự hai lỗ mũi con vật khác thường kia...

Cái đầu thú lập lờ nghe ngóng chán rồi mới men lại gần bờ và nổi hẳn mình lên trên mặt nước. Chớp mắt con vật đã sừng sững hiện trên bãi cát. Hình dáng, tầm vóc, cả cái sắc lông đỏ quạch đều hiển nhiên là một con bò. Nó rùng mình một cái, những giọt nước còn đọng trên lông bắn tóe như mưa, đoạn nó lửng thững đi về phía rừng cây...

... "Trếch!... Trếch!..."

Dây nỏ bật liền liền...

Tự những đám lau sậy chung quanh đấy, một bọn đông người mọc lên như ma hiện. Trong số ta nhận thấy Ma Thái Ảnh và Nùng Sau Rắt.

Con vật, trúng tên, rống lên một tiếng nguy cấp rồi vùng chạy xuống hồ. Muộn rồi! Bọn thợ săn đã đoán trước ý ấy. Họ vội chạy tản theo lợi nước, miệng hò reo ầm ĩ. Thấy đường về bị cắt, con vật ngần ngừ một lát đoạn phá vào rừng. Nhưng nó vừa loạng choạng được mấy bước đã lăn ềnh ra bãi, mắt trợn ngược, mồm sùi bọt, giãy lên mấy cái rồi nằm im...

Bọn thợ săn chia nhau kẻ đứng canh, người chạy tìm cỏ khô, rơm nỏ và gọi dân làng đến. Chỉ vừa nhá giập bã trầu, trên mặt bình sa đã bốc lên một đám khói đen nghi ngút rồi lửa cháy đùng đùng thui con vật còng queo. Chung quanh thì già trẻ, lớn bé xúm lại như đàn ruồi, cười nói như chợ vỡ.

Trước hết, người ta cắt nguyên một đùi, quả tim, lá gan là phần mũi tên đầu và phạm nhất của anh chàng họ Ma. Rồi cứ theo thứ bậc từng người mà phân phát kẻ một xâu, người một xách, ai về nhà nấy, để trơ lại một đống tro tàn theo giọt mưa trôi ố sắc cát hồ. Cái tịch mịch lại dẫn buông trùm xuống cảnh vật. Trong khoảng trời cao hồ rộng, lại chỉ thấy tiếng mưa rả rích và tiếng sóng uể oải đập bờ...

Thái Ảnh lễ mễ xách phần thịt của mình về nhà. Từ lúc anh phát được mũi tên rất tài tình nọ, tiếng khen ngợi luôn luôn gãi vào lòng tự ái của anh chàng. Nhất là những cái nhìn thán phục của mấy cô gái càng khiến anh ta như say sưa. Thái Ảnh săn bắn thường được nhiều vật lạ, cả hổ báo là những giống nguy hiểm biết báo thù, kẻ tài kém gan non ít khi dám trêu đến; nhưng cái vinh dự của anh ta lần này mới thực tới chỗ tuyệt cao. Họ chịu cái tài anh bắn giỏi không bằng họ kinh cái gan anh dám chẳng kiêng nể vật thiêng liêng.

Thái Ảnh nghĩ ngợi liên miên, mãi lúc về tới cổng mới sực nhớ đến lời mẹ dặn. Anh ta ngập ngừng lo sợ, chưa dám quả quyết lên nhà. Ngay lúc ấy, bà cụ bước ra sân, chừng đang nóng nảy chờ con. Bà thấy Thái Ảnh, cơn giận ở đâu đưa ngay lên cổ, bà quát mắng rằng :

- Thằng con mất dạy kia! Mày định đem tai vạ về cho tao đấy phải không? Muốn sống bước đi đâu thì bước, đừng bận mắt tao nữa!... Đi!... Đi ngay!... Trời ơi, con ơi là con!... Thân già này rồi cũng đến khổ vì mày thôi!...

Thái Ảnh cúi đầu nghe mẹ mắng. Anh ta tự thú rằng không nghe lời mẹ như thế là có lỗi, bèn lủi thủi xách phần thịt của mình sang nhà Sau Rắt. Đến nơi, Thái Ảnh đã thấy họ đang chè chén linh đình, mùi thịt mới xào thơm nức mũi. Ai nấy tiếp Thái Ảnh bằng cái vẻ ngạc nhiên.

- Tôi vừa về đến cổng, dị tôi chửi rầm lên, nhất định không cho vào cổng, nói rằng con bò của thần, ai dám động vào tất bị tai vạ.

Bọn kia cười :

- Thế rồi anh sang đây?... Tốt lắm! Anh ở đây chén với chúng tôi càng vui, tai vạ đâu, bọn ta cùng chịu chứ sao!

Thái Ảnh ngập ngừng :

- Tuy vậy, những điều tin tưởng của người già, ta chớ nên coi thường cả...

- Ô hay! Cái anh này hôm nay cũng lẩn thẩn nhỉ. Cơ dễ anh hối rằng đã cho chúng tôi bữa chén vui?

- Này thôi, đừng có làm cái bộ dạng đàn bà thế nữa mà khó coi lắm!

Mỗi người bông lơn một câu, khiến cho Thái Ảnh cũng phải vui vẻ ngồi xuống...

Vụt chốc, mọi người thấy tối sầm lại. Mây đen kéo khắp trời. Dải đất tối mù, giáp mặt không trông thấy nhau. Gió bão, tự chân rừng xa, kéo đến như thiên binh vạn mã. Cây cối đổ gãy rầm rầm. Chỉ trong nháy mắt, mái nhà tốc sạch, lá lợp bay tung như bươm bướm. Súc vật hoảng kinh chạy phá vào rừng. Đàn bà trẻ con ríu rít gọi nhau. Nước hồ cuồn cuộn. Những làn sóng cao ba bốn thước, trắng xóa tự ngoài khơi kế tiếp ném vào bờ như một đàn thủy quái điên cuồng. Một làn chớp lóe mắt rạch ngang khoảng đen tối, tiếp ngay mấy tiếng sét long trời chuyển đất, hồi lâu còn vọng vào thẳm rừng sâu, những tiếng rền rĩ ghê người... Mưa trút xuống như thác, tiếng ồn ào át cả tiếng người kêu vật rống. Nước hồ dâng lên trông thấy, mặt gò hẹp mãi lại... Nỗi kinh hoàng của một dúm người mất tăm giữa trận phong ba ấy thực khôn xiết nói... Gió mỗi lúc một gào thét, mưa mỗi lúc một bàng đà, sóng hồ mỗi lúc một tơi bời thì chớp mỗi lúc một liền, mà sấm sét cũng mỗi lúc cấp, như tiếng trống trời điểm dịp cái khúc nhạc mê hồn... Sau cùng, mặt đất bắt đầu chuyển động, cái gò đất hình như đã không chịu nổi sức sóng vỗ gió lay...

Thái Ảnh níu lấy tay bạn, tái mặt nói rằng :

- Anh xem!... Xưa nay có thế bao giờ!... Thôi!... Thôi!... Thôi đích rồi!... Tai nạn này gây nên chính tự bọn ta!

Sau Rắt đã nao lòng, nghe Thái Ảnh nói càng thêm sợ, vội vàng hỏi bạn :

- Làm thế nào bây giờ?

- Chết!... Chết cả!... Giờ thì muôn việc đều muộn rồi!... Tôi phải về thăm dị tôi đây!...

Thái Ảnh vừa nói vừa chạy đâm bổ vào quãng tối. Sau Rắt toan níu bạn lại, bỗng nghe nổ một tiếng cực to... Cái gò đất, như một con cá kình vừa thức giấc, lặn băng xuống đáy hồ, để lại một đám bọt nổi là cái khu nhà của mẹ Thái Ảnh...

Trong đám ồn ào thế là thôi không thấy tiếng người, tiếng vật nữa. Sóng hồ tung tóe rập rờn, mừng thắng trận...

Cái gò chìm thì cơn phong vũ bắt đầu ngớt rồi tạnh hẳn. Chỉ trong giây lát trời lại quang sóng lại lặng, mưa lại tạnh, gió lại êm. Giữa khoảng tịch mịch vô cùng, có chăng cái tiếng rền rĩ tự trong nếp nhà xiêu vẹo sót lại trên mô đất con con... Nhưng, chính cái tiếng ấy đã yếu lắm, nó chỉ là âm vang của chút hơi tàn...

Trên nền thiên thanh trong vắt, sau những dải mây nhè nhẹ, mặt trời lại hiện ra, chói lọi, tươi cười. Nước hồ gọn những vệt vàng lấp lánh. Lúc ấy, ví có người khách lạ phương xa đứng nhìn cảnh vật, tưởng không ngờ đâu, vừa mươi phút đồng hồ về trước, đã xảy ra một trận phong ba chìm đắm biết bao cuộc đời.

Trải qua một cuộc biển dâu, còn lại chỉ một mô đất nhỏ, người sau gọi là gò Yên ngựa; và mấy cái cột nhà vẫn đứng dưới đáy hồ hôm nào trời quang gió lặng, ai để ý nhìn mới thấy. Di tích có bấy nhiêu, mong manh lắm! Mà, trước sự biến thiên của vũ trụ, cuộc đời con người ta xem vậy thực vô thường!

 

Đôi vịt con

Qua những đám mây xốp trắng, mặt trăng tròn vành vạnh như một cái đĩa ngọc dạ quang treo lơ lửng giữa vòm trời xám nhạt. Ánh sáng trong và mát dịu soi xuống mặt sông chảy như một dòng thiếc lỏng, in lên mặt đường trắng lốp và những mái nhà tranh âm thầm. Chân trời sáng trưng lên. Những chòm cây lẻ loi đằng xa thu bóng đứng cù rù.

Phố xá vắng tanh.

Bọn trẻ ầm ĩ lúc chập tối giờ đã ngủ yên. Đến lượt các cô sơn nữ bắt đầu phụ trăng, phụ "nàng Cuôi", một cuộc vui rất nhiều thi vị ở đường rừng.

Người ta giải chiếu ra đường, lấy một cái sọt nứa úp vào giữa, trên sọt cài một quả bưởi giả làm đầu, ngang sọt xiên một cái đòn gánh làm hai tay. Cái đầu "bưởi" ấy cũng bịt khăn thêu tử tế còn cái "mình sọt" thì khoác tấm áo trắng dài, hai ống tay luồn ra ngoài hai đầu đòn gánh.

Xúm quanh cái hình nhân rỗng ruột ấy, các cô sơn nữ đua nhau đốt hương, dâng hoa sì sụt khấn, hai mùi thơm nhè nhẹ tản theo làn thanh khí đêm thu.

Khấn khứa xong, các cô đỡ lấy hai đầu đòn, rồi cùng nhau cất tiếng hát:

Mơ... ơi, mơi me nàng li lả,

Mơi me pả nàng Cuôi...

Cuôi ngần tắc nậm lẫu nậm nỉ,

Pi cắp noọng... chùa lù...ùng...

Lùng kin thắc mậy chủ... ủ...

Lùng tiên chủ... thế gia... an...

Giữa cái lặng lẽ canh khuya, những tiếng hát sang sảng ấy tấu thành một điệu hát huyền bí mơ hồ...

Hình nhân bắt đầu nhúc nhích rồi cựa mạnh. Nàng Cuôi đã giáng, Hằng Nga đã giáng, sẵn sàng chịu chuyện khách trần gian. Mọi người buông tay ra. Những câu hỏi tiếp nhau, pha lẫn những tiếng cười giòn...

- Nàng Cuôi à! Noọng bao nhiêu tuổi nhỉ? Cô mười tám tuổi ư?

Đầu đòn gánh sẽ gõ xuống chiếu mười tám lần.

- Nàng Cuôi à! Chị Liễu có chồng chưa nè? Có thì nàng gõ hai, không thì nàng gõ một...

- Nàng Cuôi à! Nội đây thì nàng yêu ai nhất?...

Khách Quảng Hàn xoay quanh một lượt, bỗng đặt tay... à quên!... đặt đầu đòn gánh lên vai cô Nhinh...

- Ồ! Cô Nhinh thì cứ gì nàng Cuôi mới yêu. Ngay trần gian chúng tôi cũng...

Câu nói bỡn của thầy cai thơ lại Biên làm cho các cậu trai tơ đứng vòng quanh bên ngoài và các bạn cô Nhinh cười rộ.

Cô Nhinh quay mặt vào phía trong, cô cúi đầu yên lặng.

- Tôi nói thực tình, không phải nhảm nhí đâu, cô Nhinh đừng giận nhé!...

Không! Cô Nhinh không giận, nhưng cô rất thẹn. Cô tự biết đối với nhan sắc của mình, cậu trai trẻ nào cũng máy môi câu ấy cả.

Mới mười tám tuổi xuân, cô Nhinh có thể gọi là một bông hoa hiếm của rừng xanh. Cái áo chàm điểm những đường thêu dịu bó sát lấy mình cô, cái mình mềm mại, tròn trặn như một đoạn song non. Chiếc xiêm thêu ngắn để hở hai bắp chân xinh và đôi gót đỏ như son. Mấy vuông khăn cải những miếng trám vàng đỏ quấn sơ ngoài mái tóc đen nhánh càng tôn cái màu da sữa. Nét mặt trái xoan. Tia mẳt sáng như lưu ly. Cặp môi thắm như một nụ hồng. Đến cái dáng đi thì thật tuyệt. Nó là cái dáng đi của một bà công chúa trong mơ.

Đêm đã khuya lắm.

Mặt trăng chỉ còn cách đỉnh núi Thần bằng một con sào. Khí trời lành lạnh. Hằng Nga trở về cung Quảng; và đám đông cũng chia tay...

Phố xá lại vắng ngắt...

Ánh trăng thiêm thiếp ngủ trên cái lặng lẽ đêm sâu...

Theo con đường vào trại, in loang lổ bóng xoan tây, thầy cai Biên, đầu cúi gục, vừa đi vừa nghĩ ngợi...

Trẻ tuổi, lại dòng dõi thi thư, thầy cai chỉ vì bực với bọn kỳ mục trong làng mà đầu quân. Trong cái bộ áo nhà binh, thầy cai vẫn có cái vẻ nho nhã. Khuôn mặt dài, màu da sáng, trán cao, mắt sáng và ngay thẳng đã như biểu lộ hết tâm tình người thiếu niên anh tuấn.

Thầy cai làm việc quan rất mẫn cán và cư xử lễ độ, nên quan trên và chỗ bằng hữu đều một lòng yêu chuộng.

Chỉ phải cái vẻ mặt hơi buồn, vì từ khi đổi lên đây, thầy Biên lúc nào cũng vơ vẩn nhớ nhà.

Cũng như hầu hết các người Việt Nam dưới trung châu, thầy Biên chân lên đất đường rừng này, trong trí đã đem theo rất nhiều cái thành kiến ngộ nghĩnh. Phải sống trong một cảnh mà thiên hạ vẫn đồn là nơi ma thiêng nước độc, với một đám đông người tính tình, phong tục, tập quán, ngôn ngữ đều khác hẳn với mình, thầy Biên tự coi như một kẻ cô độc, tệ hơn nữa, như một kẻ đi đày! Những lúc sáng sớm chiều hôm, nhìn cỏ núi hoa ngàn, nghe nai kêu vượn hú, buồn tha hương càng nung nấu trong lòng...

Thầy vẫn rình cơ hội tốt để vận động về dưới xuôi, chứ sống ở đây thì sống sao được!

Thế mà... một ngày kia, chỉ vì một sự gặp gỡ, thầy Biên bỗng thay đổi hẳn ý tình.

Một hôm, nhằm phiên chợ, Biên tò mò chạy xem cho đỡ buồn thì gặp cô Nhinh.

Rồi từ đấy, cặp mắt ngây thơ, nụ cười ý nhị và cái gương mặt mơn mởn dưới ánh chiều xuyên qua lớp lá đa thưa cứ vẩn vơ trong tưởng tượng thầy cai... Nỗi buồn lữ thứ trong lòng Biên vụt đã tiêu tán hết, nhường chỗ cho mối tình mới chớm.

Nhất là đêm hôm nay, nhìn cô sơn nữ thấp thoáng dưới ánh trăng, tấm lòng thầy cai càng thổn thức rung động một cách sâu xa, êm đềm... Những thành kiến khi mới lên đây, giờ đổ nát cả. Cảnh rừng xanh núi đỏ, cảnh đèo heo hút gió, Biên nhận thấy là một cảnh có nhiều thú vị đặc biệt, nhiều cái rất nên mộng nên thơ.

Thầy cai không buồn nữa, không nhớ nhà nữa. Trái lại, thầy rất sẵn sàng đem cái thổn thức của lòng mình đáp lại cái tiếng gọi huyền bí của sơn lâm, nếu tiếng gọi ấy sẽ từ miệng cô Nhinh...

Hai năm sau.

Thầy Biên và cô Nhinh đã thành một đôi vợ chồng xinh đẹp, và đã có con.

Một hôm, thầy cai được giấy mãn lại tiếp luôn cái tin anh trai thầy ở nhà mệt.

Thầy phải về. Cuộc ái ân giờ đến buổi phần ly. Hai vợ chồng đều buồn. Nhất là cô Nhinh càng lo lắm... Cô hoảng hốt nhìn chồng, nhìn dải đường xa đầy rẫy những bí mật. Chồng cô đi, đi về quê. Cái tình quyến luyến ngấm ngầm của cô không biết có đủ sức làm cho chồng lại có ngày nhớ đến mà lên chăng! Khó lòng lắm. Họ hàng, làng nước cùng những lẽ bó buộc, những sức mạnh tối tăm khác nó sẽ xui giục, uốn nắn thầy cai theo một lối khác, cái lối chẳng đưa hai người lại gần nhau, chẳng phải là lối trở lên rừng. Vả chăng, đối với nhau, cô chỉ biết có lòng mình, cô chỉ chắc ở niềm ân ái của mình; còn thầy, đã hẳn đâu thầy thực tình thương cô như một người vợ! Người đàn ông có thể ăn ở với một người đàn bà rất lâu mà chỉ coi như một vật mua vui, một thứ giải buồn khi lữ thứ...

Trời ơi! Yêu người mình yêu để đến lúc phân ly mình phải ngờ vực chính người yêu ấy, tâm sự cô Nhinh thực đã đến điều đau khổ.

Thầy Biên chừng đoán rõ tấn bi kịch trong lòng vợ, nên thầy hết sức khuyên giải, hết sức vỗ về, hết sức làm cho cô Nhinh tin ở lời hẹn sẽ lại đoàn viên.

Cúi đầu nghe chồng nói, cô Nhinh chỉ ôm chặt đứa con thơ vào lòng và ứa hai hàng nước mắt. Cô tưởng như có lắm điều muốn nói cùng chồng, mà thực ra cô chẳng nói được lời nào! Đau đớn cũng như yêu thương, cái cảm tình của cô gái sơn lâm nó chỉ ngấm ngằm trong lòng...

Ông Chánh, bố đẻ cô Nhinh, gọi con ra một chỗ vắng, đưa cho hai quả trứng và bảo rằng:

"Nếu con muốn chồng con trở lên đây, thì con hãy luộc đôi trứng này cho nó ăn".

Cô rụt rè kinh hãi. Đối với chồng, cô không muốn dùng những cách ám muội. Tuy nhiên, sự nghi ngờ sau cũng thắng đoạt được dạ thuần lương.

"Anh à! Chịu khó ăn với em hai quả trứng này nữa".

Lúc ấy bữa cơm đã xong, thầy Biên đã đứng dậy. Vì không muốn để phiền lòng vợ, thầy vui cười ăn hết hai quả trứng.

- Thế nào anh cũng lên nhé... con nó nhớ mong tội nghiệp nè!

- Em cứ yên lòng, đúng hẹn một tháng thì anh lên.

- Đừng quên đấy! Nếu đúng hẹn mà anh không lên thì sẽ có sự chẳng lành.

Thầy Biên nhìn vợ, hiểu câu ấy một cách khác, nên cảm động lắm :

- Em Nhinh! Thế nào anh cũng lên, em chớ nghĩ dại dột nhé!...

Cô Nhinh tiễn chồng ra tận xe. Cô nhìn chồng nhìn con bao nhiêu, lòng càng đau xót. Tiếng còi như xé ruột rồi tiếng máy chuyển rầm rầm; chiếc xe cuốn bụi theo thầy cai đi...

Cô Nhinh kéo vạt áo che mặt nức nở khóc. Lúc ngẩng đầu lên thì...

Đoái trông nhau đã cách ngàn,

Tuôn màu mây biếc trải làn núi xanh...

Thầy Biên về đến nhà chỉ vừa kịp nhìn mặt anh trước khi anh tắt nghỉ. Công việc ma chay xong, kế đến việc gia đình, việc thôn ấp trăm thứ nghìn thứ bộn bề tíu tít, khiến thầy quên hẳn cả thời giờ...

Một đêm kia, thầy Biên bỗng giật mình thức giấc, nghĩ đến vợ con. Thầy rờ tay bẩm đốt, tính từ hôm về đến nay vừa chẵn một tháng tròn.

Một tháng tròn! Theo như lời thầy đã hẹn, cô Nhinh hẳn đang mong mòn con mắt...

"Đừng quên đấy, nếu đúng hạn một tháng không lên, sẽ có sự chẳng lành!"

Thầy Biên lo ngại bồn chồn, những cảnh tượng thảm thê lần lượt hiện ra trước mặt. Thầy trông thấy nét mặt rầu rầu của vợ, nét mặt đầm đìa những lệ nhớ mong... Cặp mắt lưu ly dần dần mờ, nụ cười ý nhị dần dần phai, rồi cô gái đẹp sơn lâm vụt biến thành cái thây ma lạnh cứng, bên mình, một đứa con khóc nhếch nhác...

- Mai ta phải ngược!

Quyết định như thế, Biên quay mình vào phía trong định ngủ, thì tự nhiên nổi cơn đau bụng dữ dội. Cả nhà hốt hoảng, vội đón thầy chạy thuốc tíu tít. Vô công hiệu! Biên chỉ giãy giụa chừng mười lăm phút đồng hồ, bỗng thổ huyết rất nhiều rồi chết. Biên vừa tắt nghỉ, một đôi vịt con tự trong bụng chàng vụt chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất...

Sáng ngày hôm sau, ở trên rừng, người ta thấy xác mẹ con cô Nhinh nổi lập lờ theo dòng suối trong xanh...

 

TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG - Tập truyện Lan Khai Phần 2

 

 

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.