Nhà văn Knut Hamsun (1859-1952)
Chân Dung Kẻ Sĩ: Về văn chương, Hamsun được coi là "một trong những nhà văn sáng tạo và có ảnh hưởng nhất trong một trăm năm qua" (khoảng 1890–1990). Ông đi tiên phong trong văn học tâm lý với kỹ thuật dòng ý thức và độc thoại nội tâm, đồng thời, sáng tác của ông đã ảnh hưởng đến các nhà văn nổi tiếng như Thomas Mann, Franz Kafka, Maxim Gorky, Stefan Zweig, Henry Miller, Hermann Hesse, John Fante, James Kelman, Charles Bukowski và Ernest Hemingway.
Về lập trường chính trị, nhà văn Knut Hamsun có tư tưởng phát xít, các hành động công khai ủng hộ phát xít ngày càng ngấm sâu, khiến tên tuổi ông bị hoen ố. Tuy vậy, dư luận Na Uy và thế giới nói chung, và độc giả, vẫn có cái nhìn khá rạch ròi, giữa con người chính trị, và con người văn chương của ông, vốn đã để lại những sáng tác mang tính di sản.
Ở gần khu cảng của Copenhagen, có một con đường tên là Vestervold, tuy mới nhưng vắng vẻ. Ở đó chỉ có vài ngôi nhà, mấy ngọn đèn hơi đốt và hầu như không người qua lại. Ngay cả lúc này, mùa hè, cũng khó mà thấy ai đi dạo ở đó.
Vậy mà, đêm qua tôi đã gặp một chuyện ngạc nhiên trên con đường ấy.
Tôi đang đi loanh quanh thì có một phụ nữ từ phía ngược đi tới. Quanh đó không bóng người. Ngọn đèn đường có đốt, nhưng vẫn tối, tối đến tôi không nhìn rõ mặt bà ta. Tôi thầm nghĩ, hẳn cũng là loài đi ăn đêm đây, và đi qua bà ta.
Đến cuối đường tôi thả bộ vòng lại. Bà ấy cũng quay lại và chúng tôi chạm mặt lần nữa. Tôi nghĩ bà ta đang chờ ai đó và bỗng tò mò muốn biết người đó là ai, thế là tôi lại đi qua bà ta.
Khi chạm mặt lần thứ ba, tôi khẽ bỏ mũ và nói:
- Xin chào bà! Chắc bà đang đợi ai?
Bà ta giật mình. Không - tức là, phải - bà ta đang đợi.
- Bà có phiền khi tôi cùng đi dạo với bà cho đến khi người ấy tới không?
Không - ít nhất bà ta cũng không phản đối điều đó, và còn cảm ơn tôi nữa. Thật ra, bà ta giải thích, bà chẳng đợi ai. Bà chỉ muốn hít thở khí trời, mà ở đây thì yên tĩnh.
Chúng tôi đi loanh quanh bên nhau, và bắt đầu nói về đủ thứ chuyện tầm phào. Tôi giơ tay cho bà khoác.
- Không, cám ơn ông - bà ta nói, và lắc đầu.
Đi dạo kiểu này mãi thì chẳng có gì hứng thú. Tôi không nhìn rõ được bà trong bóng tối, tôi bèn đánh một que diêm để xem đồng hồ. Tôi giữ yên cây diêm và nhìn bà ta.
- Chín rưỡi rồi, - tôi hỏi - Hay ta ghé vào chỗ nào đó uống cái gì đi? Ở Tivoli nhé? Hay National?
- Nhưng, ông không hiểu là tôi không thể đi đâu được sao?
Và đến bây giờ tôi mới nhận ra bà đeo một tấm mạng đen dài. Tôi. vội vàng xin lỗi, và đổ thừa cho bóng tối khiến tôi không được rõ. Và cung cách bà nhận lời xin lỗi của tôi khiến tôi tin rằng bà không thuộc loại gái ăn đêm thường thấy.
- Bà không khoác tay tôi được sao? - Tôi lại đề nghị - nó sẽ làm bà ấm hơn một chút.
Và bà khoác tay tôi.
Chúng tôi lại đi lên đi xuống vài vòng nữa, bà bảo tôi xem giờ.
- Mười giờ rồi, bà ngụ ở đâu vậy ?
- Ở Gamle Kongevei.
Tôi dừng bà ta lại:
- Tôi có thể đưa bà về nhà không?
- Không tiện đâu, - bà đáp - Không, tôi không thể để ông... Ông ở Bredgade phải không?
- Sao bà biết vậy? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Ồ, tôi biết ông là ai mà, - bà ta trả lời.
Ngưng một lát, chúng tôi khoác tay nhau đi về phía những phố sáng đèn. Bà đi nhanh nhẹn, tấm mạng dài phất phơ đằng sau.
- Ta nên nhanh nhanh một chút, - bà nói.
Đến cửa nhà bà ở Gamle Kongevei, bà quay lại như để cảm ơn tôi đã đưa bà về. Tôi mở cửa cho bà và bà chậm chạp bước. Tôi nhẹ nhàng đẩy vai vào cánh cửa và bước vào theo. Đến bên trong, bà nắm lấy tay tôi. Cả hai đều không nói một lời.
Chúng tôi theo cầu thang vượt hai tầng lầu và dừng lại ở tầng ba. Tự tay bà mở khóa và xô cánh cửa ra, bà nắm lấy tay tôi và dẫn vào. Có lẽ đó là một phòng khách nhỏ, tôi nghe tiếng đồng hồ tích tắc trên tường. Khép cửa lại, bà ta sựng lại một chút rồi đột nhiên giơ tay ôm chầm lấy tôi và run rẩy, mê đắm hôn ngay vào môi tôi. Ngay vào môi tôi.
- Ông ngồi xuống đi, - bà bảo - Có cái trường kỷ đây, để tôi đi thắp đèn.
Và bà ta đốt một ngọn đèn.
Tôi nhìn quanh, bàng hoàng, nhưng lại tò mò. Tôi thấy mình ngồi trong một phòng khách rộng rãi, bài trí sang trọng với những cánh cửa khép hờ dẫn sang các căn phòng cạnh đó. Cả đời tôi cũng không thể nhận ra mình vừa tình cờ gặp loại người nào đây.
- Phòng đẹp quá! - Tôi kêu lên - bà sống ở đây hả?
- Phải, đây là nhà tôi.
- Nhà của bà à? Bà còn sống với bố mẹ hả?
- ồ, không, - bà ta cười. - Tôi già rồi, như anh sẽ thấy đây. - Và bà gỡ tấm mạng ra.
- Đó... thấy chưa! - Bà ta nói và ôm chầm lấy tôi lần nữa, thật đột ngột, như bị thôi thúc không kìm được.
Bà ta (phải gọi là nàng mới đúng) chỉ mới khoảng hai mươi hai, hai mươi ba, có một cái nhẫn trên tay phải, và do đó hẳn đã có chồng rồi. Xinh đẹp ư? Không hẳn nàng có nhiều tàn nhang, chân mày hầu như không có. Nhưng ở nàng có vẻ gì rất sôi nổi, và đôi môi của nàng đẹp kì lạ.
Tôi muốn hỏi nàng là ai, chồng ở đâu, nếu quả nàng có chồng, và căn nhà này là của ai, nhưng nàng lao vào ôm lấy tôi mỗi khi tôi mở miệng và ngăn không để tôi hỏi.
- Tên tôi là Ellen, - nàng giải thích - Ông có muốn uống gì không? Bây giờ tôi có rung chuông gọi thì cũng chẳng có ai phiền. Nhưng có lẽ mời ông qua đây, trong phòng ngủ, chờ cho một chút.
Tôi đi vào phòng ngủ. Ánh đèn từ phòng khách soi qua đây phần nào. Tôi thấy hai cái giường. Ellen rung chuông và gọi rượu vang, rồi tôi nghe tiếng người hầu mang rượu vào và đi ra. Một lát sau Ellen đi vào phòng ngủ, nhưng nàng sựng lại ngay cửa. Tôi vội bước tới. Nàng khẽ kêu một tiếng nhỏ và bước lại tôi.
Đó là đêm hôm qua.
Rồi chuyện gì xảy ra? A, xin hãy kiên nhẫn! Nhiều chuyện lắm!
Đến mờ sáng hôm nay tôi mới thức dậy, ánh sáng tràn vào qua hai bên tấm màn. Ellen cũng thức giấc và mỉm cười với tôi. Đôi cánh tay của nàng trắng và mượt mà, bộ ngực vươn cao khác thường. Tôi thì thầm với nàng và nàng dùng môi để khép miệng tôi lại, hết sức dịu dàng. Ngày rạng dần.
Hai giờ sau tôi mới đứng dậy được. Ellen cũng đang lo mặc y phục, rồi nàng đi giầy vào. Chính lúc đó tôi mới thấy một điều mà đến nay còn làm tôi bàng hoàng như một giấc mộng kinh khủng. Lúc đó tôi đang ở chỗ bồn rửa mặt, Ellen qua phòng bên cạnh làm việc vặt gì đó, và vì nàng không khép cửa nên tôi liếc nhìn được sang phòng bên. Một luồng gió lạnh thổi vào người tôi qua ô cửa sổ, và giữa căn phòng đó tôi nhìn thấy một xác người nằm dài trên bàn. Một xác chết, trong quan tài, có bộ râu xám, xác đàn ông. Hai đầu gối xương xẩu nhô lên dưới tấm vải phủ trông như hai nắm đấm, khuôn mặt tái mét, nhợt nhạt một cách kinh khủng. Dưới ánh sáng ban ngày tôi nhìn rõ mọi thứ và tôi quay mặt đi, không nói nên lời.
Khi Ellen trở lại, tôi đã áo quần tươm tất và sẵn sàng ra đi. Tôi chẳng còn tâm trí đâu đáp lại vòng tay ôm của nàng. Nàng khoác thêm tấm áo nữa, có vẻ như muốn đi cùng tôi xuống tới mặt đường, và tôi để nàng đi theo, vẫn chẳng nói một lời. Đến cổng dưới, nàng nép sát vào tường như sợ bị nhìn thấy.
- Thôi, tạm biệt - nàng thì thầm.
- Đến mai nhé? - Tôi hỏi, phần nào vì muốn thử nàng.
- Không, mai không được.
- Tại sao không được?
- Đừng hỏi nhiều thế. Mai tôi phải đi dự đám tang, một người họ hàng vừa chết. Ông biết rồi đó.
- Thế còn ngày kia?
- Được, ngày kia, cũng ở cửa này. Mình sẽ gặp lại. Tạm biệt.
Tôi bước đi.
Nàng là ai? Còn cái xác nữa? Với bàn tay nắm chặt và khóe miệng trĩu xuống như thế... thật trớ trêu kinh khủng. Ngày kia nàng sẽ chờ tôi. Liệu tôi có nên gặp lại nàng không?
Tôi đi thẳng tới quán cà phê Bernina và hỏi mượn cuốn danh bạ điện thoại. Tôi tìm xem số nhà đó, đường Gamle Kongevei như thế, như thế... và... cái tên đây rồi. Tôi chờ một lúc tới khi người ta phát hành tờ báo buổi sáng. Tôi vội lật tới trang đăng cáo phó. Và như đã tin chắc tôi tìm thấy tên nàng ở đó, ngay dòng đầu; in chữ đậm "Chồng tôi, năm mươi ba tuổi, đã qua đời hôm nay sau một thời gian lâm bệnh". Lời cáo phó được ghi ngày hôm trước.
Tôi ngồi một lúc lâu và ngẫm nghĩ.
Một người đàn ông lập gia đình. Bà vợ trẻ hơn ông ta ba mươi tuổi. Ông bị một căn bệnh mãn tính dai dẳng. Một ngày đẹp trời kia ông ta chết.
Và người goá phụ trẻ thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com