chan_dung-ke_si

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

08-10-2024

Lượt xem 1593

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Heinrich Böll

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

Nhà văn Heinrich Böll (1917-1985) và bìa cuốn Children Are Civilians Too xuất bản năm 1977

Chân Dung Kẻ Sĩ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO là truyện ngắn trong tập truyện ngắn Trẻ em cũng là thường dân (Children Are Civilians Too) của nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 Heinrich Böll. Tập truyện minh họa cho cách kể chuyện tinh tế và sắc thái của Heinrich Boll ở mức tuyệt vời nhất, vẽ ra những bức chân dung tuyệt đẹp về những con người bình thường trong những năm tháng đen tối ở nước Đức sau chiến tranh.

Jupp cầm nhón lấy mũi con dao và để nó đung đưa thật cẩu thả, đấy là một con dao dùng để cắt bánh mì, dài và mỏng, và ta thấy rõ là rất sắc. Với một động tác vung mạnh thật bất ngờ, anh tung con dao lên tít cao, nó xoáy vòng bay lên, kêu vù vù như cánh quạt, và trong lúc lưỡi dao sáng lấp loáng trong chùm nắng cuối cùng óng ánh như một chú cá vàng, nó hết đà và rơi xuống, nhằm thẳng vào đầu anh. Nhanh như chớp Jupp đặt mảnh ván lên đầu, con dao lao xuống cắm đến phập, cán rung bần bật rồi dừng lại. Jupp hạ mảnh ván gỗ xuống, rút dao ra, và anh bực bội ném con dao vào cánh cửa, nơi nó run rẩy một lúc trong khe gỗ, mất dần mọi dao động, rồi rớt xuống sàn nhà...  

- Thật chó má! - Jupp nói khẽ. - Tớ đã xuất phát từ một tiền đề thật sáng rõ, nghĩa là người đời, khi họ đã chịu bỏ tiền ra mua vé, họ thích nhất là được xem các tiết mục nguy hiểm chết người - giống hệt như trong xiếc La Mã - chí ít thì họ cũng muốn biết rằng máu tươi có thể chảy, cậu hiểu chứ?

Jupp cúi xuống nhặt con dao, vung mạnh tay ném nó cắm vào khung cửa sổ, anh ném mạnh tới mức cửa kính rung bần bật, như muốn bung ra khỏi lớp matit đã vỡ vụn. Lần ném dao này - chắc chắn và kênh kiệu - khiến tôi nhớ tới những giờ phút ảm đạm trong quá khứ, khi anh dùng dao nhíp ném lên chiếc xà gỗ trong căn hầm, điều khiển nó lên xuống trên chiếc xà.

- Để gãi ngứa đám quý ông quý bà, - anh nói tiếp, - tớ sẵn sàng làm tất cả mọi việc. Tớ sẵn sàng để người ta cắt tai, nhưng đáng tiếc không có ai chắp lại tai cho tớ. Nào, cậu hãy đi với mình.

Jupp mở cửa, nhường cho tôi đi trước, và chúng tôi bước tới chân cầu thang, ở đó chỉ còn những mảnh vụn của lớp giấy bồi tường, nó dính chặt ở những chỗ người ta phết nhiều hồ không thể bóc ra được để quăng vào lò sưởi. Rồi chúng tôi đi qua một buồng tắm tiêu điều, tiếp đến là một nơi đại loại như sân thượng, trần bê tông nứt rạn và phủ một lớp rêu.

Jupp chỉ tay lên trên.

- Tất nhiên rồi, con dao bay càng cao thì cái trò này càng lý thú. Nhưng tớ cần một vật cản ở trên cao, con dao va vào đó sẽ mất đà, đề nó sẽ bật mạnh trở lại, lao vút xuống cái sọ vô dụng này của tớ. Xem kìa!...

Và anh chỉ tay lên phía trên, nơi có những dầm sắt của một chiếc ban công hư nát nhô ra trong không trung.

- Tớ đã tập ở đây. Một năm ròng. Chú ý nhé!

Jupp tung con dao, nó vút lên đều đặn và thẳng tắp thật kỳ diệu, như thể một con chim lao lên cao nhẹ nhàng và chuẩn xác, rồi nó va vào một dầm sắt, bật trở xuống với một tốc độ nhanh ngộp thở và cắm phập vào mảnh gỗ. Thật khó chịu đựng nổi một sức bật như thế. Nhưng Jupp không chớp mắt. Con dao cắm sâu vài phân trong mảnh ván.

- Tuyệt! Anh bạn ạ, thật tuyệt vời! - Tôi reo lên. - Một tiết mục thật tuyệt, một tiết mục hay như thế họ phải chấp nhận chứ!

Jupp thản nhiên rút con dao khỏi mảnh ván, cầm chuôi dao chém chém vào không khí.

- Phải, họ chấp nhận! Họ trả tớ mỗi tối mười hai mác. Và xen giữa những tiết mục cao cấp hơn, tớ được phép chơi với dao một lát. Nhưng mà tiết mục của tớ quá đơn giản. Một con người, một mảnh ván, một con dao, cậu hiểu không? Tớ phải có một người đàn bà mặc hở hang, tớ sẽ ném dao lướt vun vút qua cái mũi của ả. Người xem sẽ sướng điên! Nhưng đào đâu ra một ả như thế!

Anh đi trước và chúng tôi quay trở lại buồng anh. Anh thận trọng đặt con dao lên bàn, cạnh đó là mảnh ván, rồi xoa xoa hai tay. Chúng tôi cùng ngồi xuống chiếc thùng gỗ cạnh lò sưởi và im lặng. Tôi mở túi lấy ra khoanh bánh mì và hỏi anh:

- Thế nào, mình được phép mời cậu cùng ăn chứ?

- Ồ, rất thích! Nhưng để đun tí cà phê uống đã. Sau đó cậu sẽ đi với tớ và xem tớ diễn trò.

Jupp cho thêm củi vào lò và đặt bình cà phê lên trên lửa.

- Thật ngao ngán! - Anh nói. - Tớ nghĩ trông tớ quá khắc khổ, vẫn còn dáng dấp của một anh thượng sĩ, phải không cậu?

- Tất nhiên... tớ còn cúi chào nữa! Riêng tớ, tớ không thể làm được. Ở giữa một nghĩa địa, tớ không thể mỉm cười.

- Thế thì lại càng sai. Chính nghĩa địa mới là nơi để cười!

- Tớ không hiểu.

- Vì họ có chết đâu. Không một ai chết cả, cậu hiểu chứ?

- Tớ hiểu, nhưng không tin.

- Thế thì cậu vẫn còn cái vẻ của chàng trung úy đấy. Tất nhiên rồi, không thể dứt bỏ nó sớm hơn. Còn tớ, lạy Chúa, tớ hoan hỉ khi làm họ vui thích. Họ đã rệu rã tàn tạ rồi, tớ kích thích họ tí chút để họ trả tiền cho tớ sống. Có thể có một người nào đó, một người duy nhất thôi, khi về nhà anh ta không quên tớ. Có thể anh ta nói: "Chà, mẹ kiếp, thằng cha chơi với dao, hắn không sợ, mẹ kiếp, còn mình thì lúc nào cũng sợ". Và tất cả bọn họ luôn luôn sợ. Họ tha nỗi khiếp sợ theo mình như tha một cái bóng nặng nề, và tớ lấy làm vui, nếu họ quên đi nỗi sợ ấy và cười lên đôi chút. Đấy chẳng phải là cái cớ của tớ mỉm cười ư?

Tôi trầm ngâm và lắng nghe tiếng nước sôi. Jupp rót cà phê vào một chiếc vỏ đồ hộp màu nâu, chúng tôi chuyền nhau uống và ăn kèm với bánh mì của tôi. Bên ngoài trời bắt đầu đổ tối, một thứ ánh sáng mềm mại, xám nhạt như màu sữa chảy vào trong căn phòng.

- Thế cậu đương làm gì? - Jupp hỏi.

- Chẳng có việc gì làm... tớ đánh vật với đời!

- Thế thì khó sống lắm.

- Đúng thế. Để có khoanh bánh này tớ phải tìm và đập tới một trăm tảng đá. Làm tạm bợ qua ngày.

-H... ừm... cậu có muốn xem một ngón nghệ thuật của tớ không?

Anh đứng lên, và vì tôi gật đầu nên anh đã bật đèn và đi về phía tường, đẩy tấm rèm như một tấm thảm sang một bên. Trên bức tường đã nhuốm đỏ có hình một người đàn ông vẽ bằng than, phía trên phình to ra trông như một cái bướu kỳ dị, đúng chỗ lẽ ra là cái sọ, có lẽ muốn vẽ một cái mũ. Đến gần, tôi thấy cái hình đó được vẽ lên cánh cửa và ngụy trang khôn khéo. Tôi hồi hộp quan sát, thấy Jupp lôi từ dưới gậm giường khốn khổ của mình ra một chiếc vali nhỏ màu nâu và đặt nó lên bàn. Trước khi mở vali, anh bước đến chỗ tôi và đặt trước mặt bốn đầu mẩu thuốc lá:

- Cậu vấn hai điếu nho nhỏ vậy! - anh nói.

Tôi chuyển chỗ ngồi, vừa để nhìn anh cho rõ hơn, vừa để có thêm chút hơi ấm của lò sưởi. Trong lúc tôi thận trọng tháo gỡ các đầu mẩu, lấy giấy gói bánh mì vấn thuốc, Jupp bật mở khóa vali và lấy ra một cái túi kỳ quái. Đấy là một cái túi bằng vải, khâu nhiều ngăn, các bà mẹ của chúng ta xưa vẫn dùng để cất giữ bộ đồ ăn đặc biệt. Anh nhanh nhẹn cởi dây, lăn cái gói được cuộn tròn lên mặt bàn để lộ ra một tá dao chuôi gỗ, vào thời các bà mẹ của chúng ta còn nhẩy điệu vanxơ, người ta gọi những con dao như thế là bộ đồ bạc của những người thợ săn.

Tôi chia thuốc thành hai nhúm đều nhau, cuốn thành hai điếu thuốc. Tôi nói:

- Của cậu đấy!

- Ồ... cám ơn! - Jupp đáp.

Rồi anh đưa tôi xem cái gói:

- Đây là tài sản duy nhất của cha mẹ mà tớ còn giữ được. Tất cả các thứ khác đã bị cháy, bị vùi lấp, phần còn lại đã bị ăn cắp mất. Khi tớ ở trại tù binh về, khốn nạn và rách rưới, tớ chẳng có gì hết... Cho tới một hôm, một người đàn bà quý phái, già cả tìm thấy tớ. Bà là bạn của mẹ tớ. Bà trả lại cho tớ chiếc vali bé nhỏ xinh xắn này. Vài ngày trước khi bị chết bom, mẹ tớ đã đem nó sang gửi nhờ bà ta, vì thế nó mới còn. Thật kỳ lạ, phải không? Nhưng chúng mình biết đấy, khi con người kinh hoàng trước cái chết, con người thường tìm cách cứu vớt những vật lạ lùng nhất, không bao giờ là những thứ cần thiết nhất. Vậy là bây giờ tớ có được những thứ trong chiếc vali bé nhỏ này: một chiếc hộp sắt tây màu nâu, mười hai chiếc dĩa, mười hai con dao, mười hai cái thìa và một con dao lớn cắt bánh mì. Tớ bán thìa và dĩa, sống qua được một năm, và tớ luyện tập bằng những con dao này, tất cả là mười ba con dao. Cậu xem đây...

Tôi đưa cho anh thanh đóm tôi đã dùng châm lửa, Jupp đính điếu thuốc trên môi dưới, anh buộc sợi dây treo cái túi vào chiếc khuy áo trên cầu vai, để mặc nó lăn trên tay anh, trông như một thứ đồ trang sức kỳ quái của chiến tranh. Rồi anh lấy những con dao ra khỏi túi, nhanh thoăn thoắt không thể nào ngờ được, và trước khi tôi kịp hiểu các động tác của anh, anh đã phi vun vút cả mười hai con dao vào cái hình người đàn ông trên cánh cửa, cái hình ấy trông giống những cái bóng rùng rợn và mờ ảo trong các tranh quảng cáo được dán ở khắp nơi, ở khắp các hang cùng ngõ hẻm vào thời sắp kết thúc chiến tranh, và đối với chúng tôi, cái bóng ấy là sứ giả của mọi sự đổ vỡ. Hai con dao cắm trúng mũ, mỗi một bờ vai là hai con dao khác, và dọc theo hai cánh tay buông thõng, mỗi bên đều cắm ba con dao.

- Khiếp quá! - Tôi kêu lên. - Khiếp quá! Đấy mới là tiết mục thực sự, chỉ cần hóa trang thêm chút nữa!

- Phải, chỉ thiếu mỗi một người đàn ông, hoặc tốt hơn là một người đàn bà, ôi chao!

Anh rút con dao khỏi cánh cửa, thận trọng cất vào túi:

- Nhưng chẳng kiếm được ai. Đàn bà thì nhát gan còn đàn ông thì đắt đỏ. Tớ hiểu chứ, trò chơi nguy hiểm mà.

Bấy giờ anh lại ném những con dao, và nhanh như chớp toàn bộ cái hình người đàn ông đen bị chia làm hai nửa đều nhau, đối xứng thực tài tình. Con dao thứ mười ba - giống như mũi tên kết liễu đối thủ - cắm phập vào đúng chỗ lẽ ra phải vẽ một trái tim đương đập.

Jupp rít một hơi thuốc nữa rồi ném cái đầu mấu vào phía sau lò sưởi.

- Đi thôi! - Anh nói. - Tớ nghĩ đã đến lúc chúng ta phải lên đường.

Anh ngó đầu ra cửa sổ, lẩm bẩm câu gì đó về "cơn mưa đáng nguyền rủa", rồi anh tiếp:

- Tám giờ kém vài phút, đúng tám rưỡi tớ phải lên sân khấu.

Trong lúc anh gói dao cất vào vali nhỏ. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Những ngôi nhà như biệt thự hoang tàn như chập chờn trong mưa, và phía sau những hàng phong đương lắc lư, tôi nghe tiếng rít ken két của tàu điện. Tôi không thể phát hiện thấy ở đâu có một chiếc đồng hồ.

- Làm thế nào cậu biết được giờ?

- Tớ dựa vào linh cảm. Đấy cũng thuộc vào chương trình tớ tập luyện.

Tôi nhìn anh không hiểu. Anh giúp tôi mặc áo khoác ngoài, sau đó anh mặc lên người chiếc áo vét. Vì tôi bị tàn phế, không thể cử động cánh tay vượt quá mức được. Chúng tôi đội mũ và đi theo hành lang tối tăm đi xuống. Lúc này tôi thấy mừng, vì trong ngôi nhà này ít ra cũng nghe thấy tiếng người, có tiếng cười và tiếng lầm rầm ở đâu đó.

- Nó thế đấy, - Jupp nói trong lúc xuống cầu thang, - tớ cố công tìm hiểu một vài quy luật của tạo hóa, cậu hiểu không?

Anh đặt chiếc vali xuống bậc thang, dang hai cánh tay về phía bên, trông như anh chàng Ikar* trong các tranh cổ đại sắp cất cánh bay lên. Trên gương mặt anh có chút gì thật kỳ dị, nửa như tỉnh, nửa như mơ, có một chút gì đó vừa quái đản vừa lạnh lùng, vừa huyền bí, khiến tôi sợ vô cùng.

--------------

* Ikar - theo thần thoại Hy lạp, con trai Đedan, bay lên trời bằng cánh lông chim gắn sáp.

- Thế đấy, - anh nói nhỏ, - đơn giản là tớ chộp tay vào khí quyển, và tớ cảm thấy tay tớ dài mãi ra, dài mãi, và khi chúng vươn tới một khoảng không có tác động của các quy luật khác, tay tớ chạm tới trần, xuyên qua nó, và trên cao ấy có những năng lượng kỳ lạ, mê hồn, và tớ chộp lấy nó, đơn giản là tớ tóm lấy nó... và tớ bứt ra những quy luật, nắm chặt lấy, vừa cướp giật vừa hoan lạc, và tớ sử dụng nó!

Hai tay anh co quắp, rồi anh kéo chúng sát vào người.

- Thôi ta đi! - Anh nói và gương mặt anh lúc này lại trở nên tỉnh táo như bình thường. Tôi rờn rợn bước theo anh...

Ngoài trời mưa lây phây và giá lạnh. Chúng tôi dựng cổ áo lên và thu mình tránh cái rét. Màn sương nằng nặng tỏa trên các đường phố đã nhuốm màu xanh xám của bóng đêm. Trong một vài căn nhà hầm của những ngôi biệt thự đã tan hoang, bị đè nặng dưới những đống đổ nát và tối đen, người ta thấy leo lét những ngọn đèn. Đường phố dần dần chuyển thành con đường đất lầy lội, hai bên đường có những căn nhà gỗ ảm đạm ẩn mình trong các khu vườn cây xơ xác, dường như chúng chìm lắng trong u tối nặng nề, trông chúng như những thuyền buồm ma quái trên lạch sông nước cạn. Chúng tôi vượt qua đường xe điện, bước vào những ngõ hẻm ngoại ô. Ở nơi đó, giữa những đống gạch vụn và tro tàn vẫn có vài ngôi nhà bẩn thỉu còn sót lại, rồi bất chợt, chúng tôi bước vào một đường phố nhộn nhịp, buông thả mình cuốn theo dòng người trong chốc lát, rồi rẽ ngoặt vào một đường phố nhỏ tối tăm, nơi ánh đèn nê ông chói lọi của những chữ quảng cáo rạp xiếc "Bảy cối xay" ánh lên trên đường nhựa lấp loáng.

Phòng đợi vắng tanh. Buổi biểu diễn đã bắt đầu từ lâu. Xuyên qua tấm màn đỏ cũ sờn, chúng tôi nghe thấy tiếng ồn ào của công chúng.

Jupp bật cười chỉ vào tấm ảnh trong tủ kính; trong ảnh anh mặc bộ quần áo cao bồi đứng giữa hai vũ nữ mặc cooc xê thêu kim tuyến óng ánh đương cười tình. Dưới tấm ảnh có ghi dòng chữ: Người đàn ông chơi dao.

- Nào, đi thôi! - Anh lại nói.

Nhưng trước khi tôi kịp định thần, tôi đã bị kéo vào một cái ngách nhỏ hẹp, khó có thể nhận ra là cửa sau sân khấu: Chúng tôi leo lên một cầu thang xoáy trôn ốc chật hẹp, được chiếu sáng nhờ nhờ, mùi mồ hôi và son phấn chỉ ra rằng sân khấu ở kề bên. Jupp đi trước tôi, đến chỗ ngoặt của cầu thang đột nhiên anh dừng lại, đặt chiếc vali xuống, đặt tay lên vai tôi và hỏi khẽ:

- Cậu có gan không?

Tôi đã đợi câu hỏi ấy từ lâu, nhưng bấy giờ nó bật ra đột ngột làm cho tôi hoảng sợ. Có lẽ khi trả lời, vẻ mặt của tôi không lấy gì làm can đảm cho lắm:

- Tớ chỉ có cái gan của những kẻ tuyệt vọng!

- Thế thì đúng nó rồi!- Anh kêu lên và cố nén cười - Thế nào, được chứ!

Tôi im lặng, bỗng từ phía cửa hẹp dội ra một chuỗi cười man dại, nó như một dòng xoáy mãnh liệt xuyên vào người chúng tôi, khiến tôi giật thót và bất giác rùng mình:

- Tớ sợ! - Tôi nói khẽ

- Tớ cũng thế. Nhưng cậu không tin tớ hay sao?

- Có... có chứ... nhưng... đi thôi! - tôi nói giọng khàn khàn, đẩy Jupp lên phía trước rồi nói thêm: - Với tớ, đằng nào cũng thế cả thôi!

Chúng tôi đi vào một hành lang nhỏ bé, hai bên ngăn thành những phòng nhỏ bằng gỗ dán thô mộc. Vài bóng người mặc áo quần sặc sỡ vụt lướt qua, từ một kẽ hở phía sau cái cánh gà thảm hại, tôi nhìn ra sân khấu thấy một anh hề đương ngoác miệng ra nói. Lại một chuỗi cười ầm ĩ rọ lên dội vào tai chúng tôi. Nhưng Jupp đã kéo tôi qua một cánh cửa rồi đóng lại. Căn phòng rất chật, gần như là trống rỗng. Một chiếc gương treo trên tường, bộ trang phục cao bồi của Jupp được móc lên một chiếc đinh đơn độc, một bộ bài cũ kỹ để trên một chiếc ghế siêu vẹo. Jupp mất bình tĩnh. Anh lúng túng cởi hộ tôi chiếc áo khoác đã ướt, quẳng bộ đồ cao bồi xuống chiếc ghế, vắt áo tôi lên đó, rối anh vứt chiếc áo vét của anh lên. Nhìn qua bức vách của căn phòng, tôi thấy một chiếc đồng hồ điện treo trên một chiếc cột cổ kính quét sơn đỏ, kim đồng hồ chỉ tám giờ hai mươi nhăm.

- Năm phút nữa! - Jupp lẩm bẩm trong lúc anh trải lại bộ quần áo. - Chúng ta cần thử một chút không?

Giữa lúc đó thì có tiếng gõ cửa và tiếng người nói chõ vào:

- Nhanh lên!

Jupp cài khuy áo, chụp lên đầu chiếc mũ của người chăn bò ở miền Tây nước Mỹ. Tôi gượng cười nói với anh:

- Cậu định trước hết hãy thử treo cổ con người bị ghép tội tử hình này phải không?

Nhưng Jupp đã cầm chiếc vali và kéo tôi ra cửa. Một người hói đầu đang đứng nhìn anh hề trình diễn những động tác cuối cùng trên sân khấu. Jupp ghé vào tai người đó thầm thì những gì tôi không rõ. Gã kinh hoàng ngước mắt lên, nhìn tôi, nhìn Jupp và lắc đầu quầy quậy. Jupp lại thì thầm với gã. Tôi phớt mặc tất cả, cứ để cho họ thui sống tôi, tôi có một bên vai tàn phế, tôi hút những đầu mẩu thuốc lá, ngày mai tôi phải đập 75 tảng đá để có được ba phần tư ổ bánh mì. Nhưng mà ngày mai... Tiếng vỗ tay lọt qua cánh gà dội vào trong. Anh hề với bộ mặt mệt mỏi và méo mó lạng chạng lách qua khe cánh gà lao tới chỗ chúng tôi, anh đứng lại giây lát, mặt khổ não, rồi quay ra sân khấu cúi chào và cười nịnh khán giả. Dàn nhạc chơi một bài quen thuộc. Jupp vẫn thầm thì với người hói đầu. Anh hề ba lần rời sân khấu và ba lần quay trở ra cúi chào và cười nịnh. Rồi dàn nhạc chơi một bài hành khúc.

Jupp cầm vali, bước nặng nề ra sân khấu. Tiếng vỗ tay lẹt đẹt chào đón anh. Với đôi mắt mệt mỏi, tôi nhìn Jupp gắn quân bài lên những chiếc đinh đã đóng sẵn. Rồi anh lần lượt ném dao cắm trúng vào giữa các quân bài. Tiếng vỗ tay rộ lên nhưng không được nhiệt liệt. Sau đó trong tiếng trống thôi thúc nhẹ nhàng, anh diễn tiết mục có con dao to cắt bánh mì và mảnh ván. Mặc dầu tôi thờ ơ với mọi chuyện, nhưng tôi cũng cảm thấy tiết mục này của anh quả tình hơi non yếu. Phía bên kia sân khấu có hai cô gái mặc hở hang đương chăm chú nhìn anh...

Đột nhiên người hói đầu chụp lấy tôi, kéo tôi ra sân khấu, gã khoát tay đầy vẻ trịnh trọng chào Jupp rồi nói bằng một giọng bắt chước giọng cảnh sát:

- Chào ngài! Thưa ngài Bocgalepxki!

- Chào ngài! Thưa ngài Etmêngơ! - Jupp đáp lại, cũng bằng giọng trịnh trọng như thế.

- Đây, thưa ngài, tôi đem đến cho ngài một tên ăn trộm ngựa, hắn là kẻ đại bợm, ngài Bocgalepxki, xin ngài hãy dùng những con dao sáng láng của ngài gãi ngứa hắn chút ít,  trước khi chúng ta treo cổ hắn... một tên đê tiện...

Tôi thấy giọng nói của gã ta thật nực cười, giả dối đến thảm hại, chẳng khác gì hoa giấy và son phấn mạt hạng. Tôi nhìn xuống phòng khán giả, cũng từ giây phút ấy trở đi, tôi thấy một con quái vật hàng ngàn đầu, mắt long lanh, thần kinh căng thẳng và khát máu, nó thu mình trong bóng tối như rình đợi chồm lên, và tôi buông mình cho số phận.

Tôi phớt mặc tất cả. Ánh đèn pha chói lọi đã làm lóa mắt tôi. Và trong bộ quần áo tồi tàn với đôi giày khốn khổ, có lẽ trông tôi giống hệt một tên ăn trộm ngựa.

- Ô! Thưa ngài Etmêngơ, xin ngài hãy để hắn cho tôi, tôi sẽ cho hắn biết tay tôi.

- Vâng, Xin ngài cứ việc thẳng tay dao, cứ việc trừng trị hắn!

Jupp chụp lấy cổ áo tôi, trong lúc ngài Etmêngơ cười gằn và khệnh khạng bước ra khỏi sân khấu. Không biết từ đâu có một sợi dây thừng được ném lên sân khấu. Jupp trói tôi vào dưới chân một chiếc cột kiểu Hy lạp cổ xưa, đằng sau một cánh cửa quét sơn xanh ở phía bên cánh gà. Tôi cảm thấy mình đương chuếnh choáng trong tâm trạng dửng dưng và phớt mặc số phận. Tôi nghe thấy những tiếng xôn xao, hào hứng của đám khán giả ngồi ở phía bên phải, và tôi cảm thấy là Jupp có lý khi anh bảo: khán giả đang khát máu! Sự thèm khát của họ đương run rẩy trong bầu không khí mê muội và ngột thở. Dàn nhạc vang lên những tiếng trống não nề và thôi thúc nhẹ nhàng, cốt làm tăng thêm ấn tượng về một màn bi hài kịch rợn tóc gáy mà ở đó có thể sẽ đổ máu thật sự, thứ máu đổi lấy tiền... Tôi nhìn trân trân về phía trước, buông mình cho thư giãn, vì sợi dây thừng đã siết chặt không cho tôi quỵ xuống. Dàn nhạc chơi nhỏ dần, tắt dần. Jupp từ tốn rút những con dao cắm trên các quân bài, cho vào hộp, anh ngắm tôi suốt từ đầu đến chân với ánh mắt của một người đóng kịch. Sau khi nhặt xong các con dao, anh quay lưng sang nói với khán giả, cũng bằng cái giọng đóng kịch giả dối đến phát ghét: 

- Thưa quý bà quý ông! Bây giờ tôi sẽ dùng dao để vây kín tên khốn nạn này. Nhưng xin quý vị xem kỹ cho, dao tôi sẽ ném không phải là dao cùn...

Rồi anh ta moi túi lấy ra một sợi dây, với một vẻ bình thản đáng sợ, anh lần lượt lấy từng con dao ra khỏi hộp, đưa lưỡi dao chạm vào sợi dây, cắt nó thành mười hai đoạn, rồi lại cất đi từng con dao vào trong hộp.

Trong lúc đó thì tôi nhìn tới xa xăm, lướt qua cả đầu anh, qua cảnh vật ở cánh gà, lướt qua cả những cô gái mặc hở hang, tuồng như tôi nhìn vào một thế giới khác. Sự hồi hộp của khán giả như nạp điện cho không khí. Jupp tiến thẳng tới chỗ tôi, làm bộ thử lại dây thừng và thầm thì nói với tôi bằng một giọng êm nhẹ:

- Đứng im nhé, phải đứng im... và hãy tin, anh bạn của tôi ạ!

Sự chần chừ và kéo dài thời gian của anh làm cho bầu không khí căng thẳng hầu như muốn bùng nổ. Nhưng đột nhiên, anh chụp tay sang phía bên, hai bàn tay nâng dần lên như con chim chớp cánh nhẹ, trên mặt anh lại hiện ra cái vẻ như ma quái như ban nãy ở cầu thang đã làm tôi kinh ngạc; đồng thời, hình như anh cũng dùng những động tác phù thủy đó để mê hoặc khán giả. Tôi nghe thấy một tiếng kêu rờn rợn và hổn hển, và tôi hiểu, đấy là tín hiệu báo động của anh đối với tôi.

Tôi thu ánh mắt từ chốn xa xăm trở về nơi trần thế, nhìn Jupp lúc đó đương đứng trước mặt tôi, mắt chúng tôi gặp nhau cùng một đường thẳng. Sau đó anh đưa tay chậm chạp sờ hộp dao, và tôi hiểu, đó cũng là một tín hiệu nữa anh báo cho tôi biết. Tôi đứng im, không nhúc nhích, mắt nhắm lại...

Một cảm giác tuyệt vời! Có lẽ trước sau chỉ độ hai giây, tôi cũng không biết nữa. Khi tôi nghe tiếng dao bay vun vút và cảm thấy một làn gió lạnh lướt qua như lúc con dao cắm phập vào cánh cửa, tôi có cảm tưởng như mình đương đi trên một chiếc xà gỗ mỏng manh bắc qua một vực thẳm khôn cùng. Tôi đi thật vững vàng, nhưng vẫn cảm thấy tất cả sự rùng rợn của hiểm họa... Tôi sợ, nhưng vẫn tin rằng mình sẽ không ngã xuống, tôi cũng không nhẩm đếm, và tôi mở mắt ra khi con dao cuối cùng cắm phập vào cánh cửa bên phải tôi...

Tiếng vỗ tay như sấm rền làm cho tôi hoàn toàn thức tỉnh, tôi mở mắt nhìn bộ mặt tái nhợt của Jupp, anh đương lao vào tôi và lúc này, tay anh run bần bật đương cởi trói cho tôi. Anh kéo tôi tiến ra giữa sân khấu, sát tới chỗ có dãy điện dưới chân, anh cúi chào và tôi cũng cúi chào. Anh dẫn tiếng vỗ tay cuồng nhiệt đến bên tôi, tôi dẫn nó hướng về anh, rồi anh mỉm cười với tôi, tôi mỉm cười với anh và cả hai chúng tôi mỉm cười cúi mình chào khán giả.

Trở về căn phòng nhỏ, cả hai chúng tôi đều câm lặng. Jupp quẳng tập quân bài đã bị đâm thủng xuống mặt ghế, cầm chiếc áo khoác của tôi và giúp tôi mặc áo. Rồi anh treo bộ quần áo chăn bò lên chiếc đinh, mặc áo vét. Chúng tôi đội mũ lên. Khi tôi vừa mở cửa, gã đầu hói thấp lùn đã nhào tới và kêu lên:

- Tiền công tăng lên bốn mươi mác!

Gã đưa cho Jupp mấy tờ giấy bạc. Chính lúc ấy tôi chợt hiểu là Jupp bây giờ đã trở thành ông chủ của tôi rồi, tôi mỉm cười và cả anh cũng nhìn tôi mỉm cười.

Jupp cầm lấy cánh tay tôi. Hai chúng tôi đi bên nhau và bước xuống chiếc cầu thang nhỏ hẹp, mờ tối và nặng mùi son phấn. Ra tới cửa, Jupp cười và nói:

- Giờ thì ta đi kiếm bánh mì và thuốc lá...

Nhưng mãi một giờ sau tôi mới hiểu ra rằng bây giờ tôi đã có một nghề thật sự, một công việc mà tôi chỉ cần đứng yên và đắm mình chốc lát trong cơn mê, trong khoảng mười hai hoặc là hai mươi giây.

Tôi đã trở thành một con người để cho thiên hạ cầm dao ném vào mình...

Quang Chiến dịch

Bài liên quan
  • QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Oe Kenzaburo (1935 - 2023) là nhà văn người Nhật thắng giải thưởng Nobel văn chương cao quý của Viện hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994. Chiến thắng của ông, cùng với chiến thắng của nhà văn Kawabata Yasunari năm 1968, đã giúp Nhật trở thành nước duy nhất ở Châu Á có hai nhà văn thắng giải Nobel văn chương*. Là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật, ông đã có hơn 60 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.
  • TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Franz Kafka là nhà văn người Bohemia gốc Do Thái, nay là Cộng hòa Séc. Ngày nay, mặc dù Franz Kafka được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chỉ còn có riêng một tính từ mang tên ông kafkaesque, tức "kiểu Kafka", nhưng khi còn sống, chỉ vài tác phẩm của ông được xuất bản. Phần lớn các tác phẩm của Franz Kafka được xuất bản sau khi ông chết, do bạn ông là Max Brod thực hiện, bất chấp di nguyện của ông là phải tiêu hủy tất cả các bản thảo.
  • MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    Chân Dung Kẻ Sĩ: James Joyce là nhà văn người Ireland, tác giả của tiểu thuyết Ulysses xuất bản năm 1922. Ông được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, còn Ulysses được xem như một kiệt tác, đến nỗi người ta còn lập ra một lễ tưởng niệm thường niên vào ngày 16 tháng 6 (Bloomsday), là ngày diễn ra các các sự kiện trong tiểu thuyết Ulysses của ông.
  • BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Graham Greene là nhà văn người Anh, tác giả của Người Mỹ trầm lặng, cuốn tiểu thuyết rất ăn khách trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt là tại Anh. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ vào năm 1956, nó đã khiến độc giả Mỹ bị sốc do tác phẩm của nhà văn người Anh đã mô tả người Mỹ là những kẻ giết người, một sự thật mà người Mỹ khó có thể chấp nhận. Cuốn sách của ông đã giúp độc giả thế giới nói chung và độc giả phương tây nói riêng, hiểu được tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ, những kẻ xâm lược với đội quân hùng mạnh nhất hành tinh tới từ bên kia đại dương.
  • CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. Theo xu hướng của những nhận xét này, có thể xem "Chiếc áo choàng" (tiếng Nga: Шине́ль -1842) là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nikolai Gogol, khi nó thể hiện thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất trong viết lách của Gogol, mà nếu muốn tóm gọn lại, thì không ai nói chính xác hơn nhà ngoại giao, phê bình văn học người Pháp Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910). Ông nói (thường bị nhầm lẫn là do Fyodor Dostoevsky nói) : "Tất cả chúng ta đều chui ra từ Chiếc áo khoác của Gogol".
  • NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người trong bao (The Man in a Case) là phần đầu, cùng với lần lượt hai truyện ngắn tiếp theo gồm "Gooseberries" và "About Love", thuộc một tác phẩm mà sau này được người ta gọi là “tiểu bộ ba”* của nhà văn vĩ đại nước Nga Anton Chekhov. Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946).
  • NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Anton Chekhov được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dù ban đầu, Chekhov theo học ngành y tại Đại học y khoa Moscow và trở thành một bác sĩ, nhưng cuối cùng ông lại là một nhà văn xuất chúng, với những sáng tạo đã làm thay đổi tiến trình phát triển của truyện ngắn hiện đại.
    Nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov (1899-1977), tác giả của cuốn tiểu thuyết Lolita in năm 1955, xếp thứ tư trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 vào năm 2007 của nhà xuất bản Mỹ Modern Library, đã chê tác phẩm của Chekhov nhưng cũng khen nức nở rằng, "nhưng tác phẩm của ông ấy là thứ tôi sẽ mang theo nếu phải đi tới hành tinh khác". Ông còn gọi truyện Người đàn bà và con chó nhỏ là "một trong những truyện ngắn vĩ đại nhất từng được viết nên".
    Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946). Bà là dịch giả người Anh đầu tiên dịch nhiều tác phẩm của Anton Chekhov sang tiếng Anh. Tổng cộng, bà đã dịch 71 tập văn học Nga, bao gồm các tác phẩm của các nhà văn Nga nổi tiếng như Ivan Turgenev, Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Ivan Goncharov, Alexander Ostrovsky và Alexander Herzen. Nhiều tập trong số đó vẫn còn được in cho đến ngày nay.
  • ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ảo Hóa là một câu chuyện trong tiểu thuyết Trò chơi ngọc pha lê (The Glass Bead Game) tác phẩm lớn cuối cùng của nhà văn, nhà thơ Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 Hermann Hesse. Với tư tưởng chống phát xít, từ nửa cuối thập niên 1930, không một nhà xuất bản hay tờ báo nào ở Đức dám đăng các tác phẩm của Hermann Hesse nữa. Và vì thế ông đã viết Trò chơi ngọc pha lê giữa những tin tức khủng khiếp của Chiến tranh thế giới Thứ Hai và xuất bản tác phẩm ở Thụy Sĩ năm 1943.
  • ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đốt Lửa của nhà văn Jack London có hai phiên bản được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau, một ở năm 1902 và bản còn lại ở năm 1908. Mặc dù có cấu trúc và cốt truyện gần tương tự nhau, nhưng phiên bản năm 1908 khủng khiếp hơn nhiều, và vì thế, nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn người Mỹ, thường xuyên có mặt trong các tuyển tập văn chương.
  • LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    Chân Dung Kẻ Sĩ:  Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway với "Nguyên lý tảng băng trôi", là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Giã từ vũ khí (1929); Chuông nguyện hồn ai (1940); Ông già và biển cả (1952). Năm 1954 ông thắng Giải Nobel Văn Chương và để lại nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học Mỹ.