chan_dung-ke_si

“KAFKAESQUE” - CƠN ÁC MỘNG KIỂU KAFKA

14-06-2023

Lượt xem 537

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Kafkaesque ác mộng

“KAFKAESQUE” - CƠN ÁC MỘNG KIỂU KAFKA

“KAFKAESQUE” - CƠN ÁC MỘNG KIỂU KAFKA.

“Đó là tính từ đại diện cho thời đại của chúng ta”.
- Frederick R. Karl

Kafkaesque, đơn giản nghĩa là “kiểu Kafka”. Nó được dùng để đặt tên cho những tác phẩm được viết bởi Franz Kafka - nhà văn nổi tiếng người Séc sống vào những năm cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20.

Tính từ này được sử dụng nhiều nhưng hiểu rõ thì ít. Vậy nên hiểu về Kafkaesque như thế nào?

Nếu bạn thức dậy vào buổi sáng và thấy mình biến thành một loài côn trùng khổng lồ như Gregor Samsa trong “Hóa thân”, bạn có thể gọi tình huống này là Kafkaesque.

Nếu bạn muốn làm một hộ chiếu mới, phải thực hiện lặp lại một chuỗi những thủ tục rắc rối mà không chắc có thể làm thành công, bạn cũng có thể gọi tình huống này là Kafkaesque.

Tính từ này thường dùng để nói tới những trải nghiệm cực kì khó chịu, đáng sợ và khó hiểu, giống như khi vật lộn trong mê cung của bộ máy quan liêu. Nhưng đó không phải là tất cả ý nghĩa mà Kafkaesque ám chỉ.

Đây là những gì mà Frederick R. Karl - người nghiên cứu tiểu sử của Kafka nói về thuật ngữ này:

“Một thế giới siêu thực mà trong đó tất cả các kế hoạch của bạn, toàn bộ cách bạn điều khiển hành vi của mình, bắt đầu tan vỡ ra thành từng mảnh khi bạn thấy mình chống lại một thế lực không hề hoạt động theo cách bạn nghĩ. Bạn không từ bỏ, bạn không nằm xuống chờ chết. Bạn đã đấu tranh bằng mọi thứ mình có. Nhưng tất nhiên, bạn không có lấy một cơ hội nào. Đó là Kafkaesque."

“Vụ án” - một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Kafka - là chìa khóa để hiểu từ ngữ này một cách rõ ràng nhất.

Kafkaesque, trước hết, mô tả những nỗi tuyệt vọng gây nên bởi chính quyền cai trị vô cảm.

kafkaesque
Nhà văn người Séc Kafkaesque

Nhân vật chính - Josef K. là một nhân viên ngân hàng bình thường, đột ngột bị bắt bởi tội danh không người nào biết. K. vật lộn trong vô vọng để tìm kiếm một phiên xét xử công bằng, nhưng đến cuối cùng anh ta bị xử tử mà không hề biết tại sao ban đầu bị bắt giữ.

Vì vậy, việc làm đi làm lại một mớ thủ tục để làm hộ chiếu chỉ là Kafkaesque theo nghĩa chung; nhưng nếu bạn gọi lên khiếu nại để rồi bị lôi ra tòa và xử tử vì một tội danh không tên, đó thực sự là Kafkaesque; là những bối rối, bất lực, sợ hãi, tuyệt vọng gây ra bởi một bộ máy quan liêu. Khi bạn có cảm giác giống K. trong suốt phiên tòa - không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, anh ta đã làm gì sai, sẽ đi về đâu - bạn đang trải qua một ác mộng gọi là Kafkaesque.
Trong cơn ác mộng đó, một người có thể bị cáo buộc khi không có tội danh rõ ràng nào. Anh ta có thể vào tù, bị tước quyền làm việc khi chỉ đang cố gắng làm một người bình thường. Và điều đó đang dần trở thành hiện thực. Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi các quyết định của tòa án và các thủ tục liên quan đều là bí mật, còn quyền cá nhân thì bị tước đoạt từ từ. Luật pháp đáng lẽ phải là một hệ thống công bằng lý tính, nhưng trong “Vụ án”, nó bị mục ruỗng bởi những cá nhân thực thi pháp luật một cách hời hợt và vô cảm. Hai người áp giải K. đến tòa không hề biết vì sao mình lại làm công việc đó, họ chỉ chăm chăm vào bữa sáng của K. và ăn lấy ăn để. Họ là những người thi hành công vụ, nhưng đã không làm đúng vai trò của mình. Từ cấp thấp đến cấp cao, một hệ thống cứ như vậy bị xói mòn.

Tiểu thuyết “Vụ án” trong nguyên tác tiếng Đức có tên là “Der Prozess”, nó còn được hiểu là “quy trình”. Một quy trình phức tạp, áp bức và đẩy con người tới bờ tuyệt vọng, đó cũng là nơi Kafkaesque hiển lộ ý nghĩa rành mạch nhất.

Thế nhưng Kafkaesque không chỉ đơn thuần miêu tả cách con người trở thành nạn nhân; nó cũng cho thấy cơn ác mộng còn phụ thuộc vào sự đồng lõa của chính người bị hại.

Như Noah Tavlin đã chỉ ra, khi Gregor Samsa trong “Hóa thân” thức dậy và thấy mình biến thành một loài côn trùng khổng lồ, lo lắng đầu tiên của anh ta là phải đi làm đúng giờ. Tất nhiên với hình hài đó anh ta không thể đi làm được. Điều đó cho thấy thực tại chính là một vòng tròn luẩn quẩn: bề ngoài các nhân vật cố gắng chống lại hoàn cảnh, nhưng sâu trong tiềm thức, chính họ lại không thể và không muốn bước ra khỏi hoàn cảnh đó.

Gregor trở thành côn trùng, nhưng anh ta vẫn muốn đến văn phòng của mình.

Trong truyện ngắn “Poseidon”, thần biển cả không thể dạo chơi trong chính đại dương của mình vì ông ta bị mắc kẹt với đống giấy tờ về lãnh địa. Poseidon chán ghét đống giấy nhưng lại không tin tưởng cho bất kỳ thuộc hạ nào làm việc đó. Chính ông đã tự gán cho mình tất cả những nhàm chán này.

Trong tác phẩm “Lâu Đài”, tiếng nói thẩm quyền của thể chế Lâu Đài chỉ là một tồn tại mờ ảo, dù không thể nhìn hay chạm vào, người dân vẫn kinh sợ và tôn sùng nó. Đó là mâu thuẫn giữa cách chúng ta công nhận thể chế là một phần bình thường trong cuộc sống của mình với hiện thực rằng chúng là những điều vô cùng kỳ quái bắt buộc ta phải hành xử khác với tính chất thật của chúng (1).

Những nhân vật trong thế giới Kafkaesque đấu tranh không chỉ vì các thế lực bí ẩn đã xâm phạm đến quyền lợi của anh ta, mà còn vì anh ta đã bị những thế lực đó xâm nhập. Chất độc nằm trong chính cơ thể anh. Chính quyền như một cỗ máy được vận hành bởi hệ thống bánh răng, và chúng ta chính là những bánh răng đó, có thể vô lý và phi logic như cỗ máy kia. ��

Do đó, Kafkaesque không chỉ mô tả những áp bức phi lý của hệ thống quan liêu, nó còn là vòng tròn về mối quan hệ giữa chính quyền cai trị và phản ứng của con người với chính quyền đó.�

Cuối cùng, như Noah Tavlin đã nói, Kafkaesque còn ám chỉ một điều kinh hoàng hơn: các hệ thống pháp luật không tồn tại để phục vụ công lý, mà chỉ có chức năng duy trì chính nó.

Thế giới như cơn ác mộng này không thể tồn tại mãi mãi. Kafka đã nhắc nhở rằng thế giới ta đang sống là do ta tạo ra, chính chúng ta cũng là một trong những nguyên nhân làm nên ác mộng này, thế nên ta hoàn toàn có đủ sức mạnh để thay đổi nó tốt hơn, để “người nằm mơ bừng tỉnh” (2).

———
(1) John M. Ellis: Đọc Kafka như thế nào - phần I (Alicia Oanh Le dịch)
(2) A.Karelski: Về sáng tác của Franz Kafka (Nguyễn Văn Thảo dịch)

Theo HoangAn - Nhã Nam

Bài liên quan
  • Những tác phẩm nổi bật tại hội sách tháng 9

    Những tác phẩm nổi bật tại hội sách tháng 9

    "Klara và mặt trời" hay "Trái tim người lớn là con hàu mang vỏ" là tác phẩm nổi bật tại hội sách Nhã Nam, ngày 6-10/9.
  • 7 cuốn sách mới nhất định phải đọc của các nhà báo Mỹ

    7 cuốn sách mới nhất định phải đọc của các nhà báo Mỹ

    Các nhà báo Mỹ viết không ít sách, cả hư cấu lẫn phi hư cấu và thường được đánh giá cao. Dưới đây là 7 cuốn sách xuất bản năm 2023 có nội dung, cách viết rất ấn tượng.
  • Mệt mỏi với số hóa, độc giả quay lại với bản in

    Mệt mỏi với số hóa, độc giả quay lại với bản in

    Sự lớn mạnh của những “ông lớn” công nghệ đã làm sụt giảm doanh thu của các ấn bản in. Nhưng khi độc giả mệt mỏi với xu hướng số hóa, các ấn bản in có làn sóng hồi sinh mới.
  • Những Ngôi Sao Eger

    Những Ngôi Sao Eger

    Là tiểu thuyết nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất của Hungary, Những ngôi sao Eger là bài ca bi tráng của nhân dân Hungary chống lại cuộc xâm lược của quân Thổ Nhĩ Kỳ. Tác phẩm kể về cuộc vây hãm ngôi thành Eger, nơi chỉ có độ hai ngàn dân, bị nguy khốn giữa đạo quân Thổ khổng lồ, đầy nhuệ khí trong sự thờ ơ không cứu viện của triều đình.