chan_dung-ke_si

NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

22-10-2024

Lượt xem 2395

Đánh giá 4 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Chekhov

NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

Chân Dung Kẻ Sĩ: Anton Chekhov được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dù ban đầu, Chekhov theo học ngành y tại Đại học y khoa Moscow và trở thành một bác sĩ, nhưng cuối cùng ông lại là một nhà văn xuất chúng, với những sáng tạo đã làm thay đổi tiến trình phát triển của truyện ngắn hiện đại.

Nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov (1899-1977), tác giả của cuốn tiểu thuyết Lolita in năm 1955, xếp thứ tư trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 vào năm 2007 của nhà xuất bản Mỹ Modern Library, đã chê tác phẩm của Chekhov nhưng cũng khen nức nở rằng, "nhưng tác phẩm của ông ấy là thứ tôi sẽ mang theo nếu phải đi tới hành tinh khác". Ông còn gọi truyện Người đàn bà và con chó nhỏ là "một trong những truyện ngắn vĩ đại nhất từng được viết nên".

Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946). Bà là dịch giả người Anh đầu tiên dịch nhiều tác phẩm của Anton Chekhov sang tiếng Anh. Tổng cộng, bà đã dịch 71 tập văn học Nga, bao gồm các tác phẩm của các nhà văn Nga nổi tiếng như Ivan Turgenev, Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Ivan Goncharov, Alexander Ostrovsky và Alexander Herzen. Nhiều tập trong số đó vẫn còn được in cho đến ngày nay.

***

Mọi người kháo nhau rằng ở ngoài bãi biển có một người mới đến nghỉ: người đàn bà có con chó nhỏ. Dmitri Dmitritch Gurov, một người đến Yalta từ hai tuần nay và đã quen cảnh sống ở đấy, cũng bắt đầu tò mò muốn biết những người mới tới. Anh ngồi trong quán cà phê Vécne bốn phía trống trải và từ đó, anh nhìn thấy trên bãi biển, một người phụ nữ còn trẻ, người tầm thước, có bộ tóc hung hung vàng, đầu đội mũ béret, đằng sau nàng, một con chó Pomeranian (giống chó bông trắng nhỏ) đang chạy theo.

Và rồi những ngày sau, hôm nào anh cũng thấy nàng vài lần, khi thì ở trong công viên thành phố, khi thì ở cái vườn hoa nho nhỏ. Nàng dạo chơi một mình, đầu vẫn đội chiếc béret ấy, con chó trắng vẫn chạy theo sau; không ai biết nàng là ai và mọi người đều gọi nàng một cách giản tiện: người đàn bà có con chó nhỏ.

“Nếu nàng ở đây một mình, không có chồng bên cạnh, không có người quen- Gurov nghĩ,- thì việc bắt chuyện làm quen với nàng có lẽ không phải là thừa”.

Gurov tuổi chưa đầy 40, nhưng anh đã có một đứa con gái 12 tuổi và hai đứa con trai bé đã đi học ở trường. Gia đình cưới vợ cho anh rất sớm, từ khi anh còn là sinh viên năm thứ hai, và bây giờ thì vợ anh trông già hơn anh đến hàng chục tuổi. Vợ anh là một người đàn bà dong dỏng cao, dáng người rất thẳng và đường hoàng, có đôi lông mày đen rậm. Nàng tự cho mình là một người có đầu óc suy nghĩ. Nàng đọc rất nhiều sách, không bao giờ viết dấu cứng đằng sau phụ âm và gọi tên chồng là Dimitri chứ không phải là Dmitri. Còn anh, anh thầm nghĩ rằng, nàng là một người hẹp hòi, thiển cận, thô kệch; anh sợ nàng và không thích ở nhà nhiều. Từ lâu, Gurov đã ngoại tình, ngoại tình luôn luôn, có lẽ vì vậy mà hầu như bao giờ anh cũng nói đến phụ nữ với một thái độ thù ghét khinh bỉ. Khi có ai bàn đến phụ nữ ở trước mặt anh thì anh gọi thế này:

– Loại người hạ đẳng!

Anh ta có cảm tưởng rằng, anh có đủ kinh nghiệm cay đắng để muốn gọi phụ nữ thế nào thì gọi; nhưng mặc dầu thế, không có “loại người hạ đẳng” ấy, anh không sao sống quá được hai ngày. Giữa đám đàn ông, bao giờ anh cũng cảm thấy tẻ nhạt, gượng gạo và trở nên lạnh lùng ít nói. Nhưng bên cạnh phụ nữ thì anh lại cảm thấy thoải mái và biết phải nói gì, đối xử ra sao; ngay cả những khi im lặng trước mặt họ, anh cũng cảm thấy mình nhẹ nhõm. Trong tính tình, diện mạo của Gurov cũng như trong cả cốt cách của anh, có một cái gì quyến rũ rất khó nói, một cái gì thu hút những người đàn bà, hấp dẫn họ. Anh biết điều đó, và chính bản thân anh cũng bị một sức mạnh vô hình cuốn về phía họ.

Từ lâu, kinh nghiệm cay đắng nhiều lần đã dạy anh rằng, những cuộc gần gụi mới đầu có vẻ thú vị, làm cho đời thêm phần hoa lá, những cuộc phiêu lưu êm ái, nhẹ nhàng, đối với những người đàn ông đứng đắn, nhất là những người đàn ông Moscow chậm chạp và thiếu cương quyết, cuối cùng bao giờ cũng trở thành cả một bài toán cực kỳ nan giải, có kết cục thật là nặng nề. Nhưng rồi mỗi lần gặp được một người đàn bà xinh đẹp hấp dẫn mới, cái kinh nghiệm ấy lại rơi đi đâu mất và anh lại muốn sống, lại cảm thấy cuộc đời thật giản đơn và ngộ nghĩnh.

Có lần, vào buổi chiều, khi đang ăn trong vườn, anh thấy người đàn bà đội mũ béret ấy chậm rãi bước tới ngồi xuống bên chiếc bàn cạnh đó. Nhìn nét mặt, dáng đi, kiểu tóc và xống áo nàng mặc có thể đoán được rằng nàng thuộc loại người khá giả, con nhà gia giáo, đã có chồng và lần đầu tiên đến Yalta, nàng đi một mình và cảm thấy cuộc sống ở đây rất tẻ nhạt. Trong những lời đồn đại về chuyện thiếu đạo đức ở vùng nghỉ mát này, có nhiều điều không đúng sự thật, anh coi khinh những lời ấy và cho rằng phần lớn là do một số người dựng lên,- những người sẵn sàng phạm phải những điều thiếu đạo đức đó, nếu họ có khả năng làm được chuyện ấy. Nhưng đến khi người đàn bà ngồi xuống bên chiếc bàn chỉ cách anh mấy bước, anh sực nhớ đến những chuyện chinh phục dễ dàng, những buổi lên núi chơi và cái ý nghĩ đầy ma lực thu hút về một cuộc chung đụng ngắn ngủi, chóng vánh, về mối tình với người đàn bà xa lạ, không biết tên họ, bỗng xâm chiếm lòng anh.

Anh âu yếm vẫy gọi con chó Pomeranian đến bên mình, rồi khi nó tới gần, anh giơ ngón tay ra dọa dẫm. Con chó khẽ gầm gừ. Anh lại giơ ngón tay lên dọa.

Người đàn bà vội đưa mắt về phía anh và lại cúi xuống ngay.

– Nó không cắn đâu,- nàng nói và khuôn mặt nàng ửng đỏ.

– Có thể cho nó ăn xương được không?- Gurov nói và khi thấy nàng gật đầu, anh lại hồ hởi hỏi tiếp: -Chị đến Yalta đã lâu chưa?

– Dăm ngày rồi.

– Còn tôi thì đã gắng gượng ở đây đến tuần thứ hai.

Cả hai cùng yên lặng một lát.

– Thời gian trôi qua thật nhanh chóng mà ở đây thì thật là buồn tẻ!- Nàng nói, mắt không nhìn về phía anh.

– Đó chỉ là điều người ta mặc nhiên quen nói với nhau rằng ở đây buồn tẻ. Một người tầm thường sống trong nhà mình ở Belyov hay Zhidra thì chẳng thấy buồn chán, thế mà vừa đặt chân đến đây thì đã kêu lên: “Ôi, buồn tẻ quá! Toàn bụi là bụi!”. Cứ như thể là anh ta đã từ Grenada tới.

Nàng khẽ bật cười. Và sau đó, cả hai lại lặng lẽ tiếp tục ăn, như những người không quen biết. Nhưng, ăn xong, thì họ đã đi bên nhau; một cuộc nói chuyện nhẹ nhàng đùa giỡn bắt đầu,- một cuộc nói chuyện giữa những người sống thoải mái, khoan khoái tự do, những người đi đâu cũng được, nói chuyện gì cũng được. Họ dạo chơi và nói với nhau rằng ánh sáng trên biển kỳ lạ biết bao, mặt nước tim tím màu hoa cà thật mềm mại và ấm áp; trăng rọi chiếu thành từng dải ánh vàng rực. Họ nói với nhau rằng sau một ngày nắng gắt trời trở nên oi bức ghê gớm. Gurov kể rằng anh là người Moscow, tốt nghiệp khoa ngữ văn nhưng lại làm việc ở nhà băng, đã có lúc định hát cho một gánh hát tư nhưng sau đó lại bỏ, anh có hai ngôi nhà ở Moscow… Nghe nàng kể, Gurov biết được rằng nàng lớn lên ở Petersburg, nhưng sau đó thì nàng sống ở S--- kể từ khi nàng đi lấy chồng hai năm trước. Nàng sẽ ở lại Yalta độ khoảng một tháng và có lẽ sắp tới, chồng nàng làm việc ở đâu, -ở Hội đồng hành chính tỉnh hay Hội đồng hương chánh,- điều ấy làm nàng tự cảm thấy buồn cười. Gurov còn biết thêm rằng nàng tên là Anna Sergeyevna.

Sau đó, trong căn phòng của mình, Gurov nghĩ đến nàng, nghĩ rằng chắc chắn ngày mai nàng sẽ gặp anh. Chắc chắn là như thế. Khi lên giường ngủ, Gurov nhớ rằng, mới cách đây không lâu nàng còn đi học như đứa con gái anh, nhớ đến những nét rụt rè ngượng ngập trong tiếng cười, trong cách nói chuyện của nàng với một người lạ,- chắc chắn đó là lần đầu tiên nàng sống một mình trong môi trường như thế, nơi mọi người đều đi theo nàng, ngắm nhìn nàng, nói chuyện với nàng để nhằm một mục đích bí hiểm mà nàng không thể không đoán ra được. Anh nhớ đến cái cổ, thanh thanh yếu ớt, đôi mắt màu xám rất đẹp của nàng.

“Ở nàng vẫn có một cái gì tội nghiệp đáng thương”, anh nghĩ vậy rồi ngủ thiếp đi.

II

Một tuần đã trôi qua kể từ khi họ quen nhau. Đó là một ngày chủ nhật. Trong các căn phòng đều oi bức, và ngoài trời thì gió cuốn bụi bay mù, hất mũ xuống đất. Suốt ngày khát nước, Gurov chốc chốc lại ghé sang quán giải khát và mời Anna Sergeyevna khi thì uống nước sirô khi thì ăn kem. Chẳng còn biết đi đâu.

Buổi chiều, khi mà gió đã ngớt đi nhiều, họ cùng nhau đi ra bờ biển xem tàu thủy đến. Trên bến, nhiều người đang dạo chơi, nhiều người tay ôm hoa chờ đón ai. Đám người nghỉ mát sang trọng ở Yalta, có hai điều đặc biệt dễ làm mọi người chú ý: đó là những bà đứng tuổi ăn vận như thiếu nữ và nhiều ngài sĩ quan cấp tướng.

Vì biển động, tàu thủy đến muộn, khi mặt trời khuất bóng, con tàu lượn vòng rất lâu rồi mới cập bến. Anna Sergeyevna giơ cặp kính nhòm nhìn lên tàu, lên những hành khách như thể kiếm tìm một người quen và khi nàng quay lại phía anh, đôi mắt nàng sáng lên. Nàng nói nhiều, những câu hỏi nàng đặt ra vội vàng, hấp tấp, nói xong lại quên ngay những điều mới hỏi, sau đó, đánh rơi mất cặp kính giữa đám đông người.

Đám người sang trọng lúc này đã tản đi hết, không còn nom rõ mặt người, gió đã lặng hẳn, nhưng Gurov và Anna Sergeyevna vẫn đứng lại như cố chờ xem còn ai trên tàu xuống bến nữa không. Anna Sergeyevna không nói nữa, nàng khẽ thơm những bông hoa, mắt không nhìn Gurov.

– Buổi tối trời dễ chịu hơn đấy,- anh nói.- Bây giờ thì chúng ta đi đâu? Hay là chúng ta lên xe đi đâu xa một lúc?

Nàng lặng yên không trả lời.

Lúc ấy Gurov đăm đăm nhìn nàng, rồi bất ngờ anh ôm lấy nàng và hôn lên môi, anh cảm thấy bên mình mùi hương của những bông hoa ướt át. Ngay lúc đó, Gurov sợ sệt nhìn quanh: có ai nhìn thấy không?

– Về phòng em đi…- anh nói nhỏ.

Và hai người rảo bước quay lại.

Căn phòng của nàng rất bí, tỏa mùi nước hoa mà nàng đã mua ở một cửa hiệu Nhật Bản. Vừa nhìn nàng, Gurov vừa nghĩ: “Không biết trong đời mình còn thiếu những cuộc gặp gỡ nào nữa!”. Quá khứ để lại trong anh những kỷ niệm về những người đàn bà vô tư, tốt bụng, vui sướng vì tình yêu, cảm ơn anh vì niềm hạnh phúc, cho dù là rất ngắn ngủi thôi mà anh đã mang lại. Anh nhớ đến những người đàn bà, như vợ anh chẳng hạn, không thành thật yêu anh, nhiều lời và lắm cách bày vẽ, hay dằn vặt với cái vẻ muốn tỏ rằng đây không phải tình yêu, không phải lòng say mê mà là một cái gì còn lớn hơn thế nữa. Anh nhớ đến một vài người đàn bà khác, rất xinh đẹp, lạnh lùng, ở họ có khi tự nhiên lộ ra vẻ hung dữ, mong ước ngang bướng muốn lấy, muốn đạt ở cuộc đời nhiều hơn khả năng cho phép của nó. Những người này không còn trẻ trung nữa, họ đỏng đảnh, không biết suy đoán, ít thông minh, cảm thấy mình đầy quyền lực, và khi Gurov trở nên lạnh lùng với họ, vẻ đẹp của những người đàn bà ấy gây cho anh một sự căm ghét, và những viền đăng ten trên áo của họ chỉ làm anh nghĩ đến những đám vẩy loang lổ.

Nhưng ở nàng vẫn giữ nguyên được vẻ rụt rè, ngượng ngập chưa từng trải của tuổi trẻ, vẻ bối rối khi có ai thình lình gõ cửa nhà mình. Anna Sergeyevna, người đàn bà có con chó nhỏ ấy, đối với sự việc vừa xẩy ra có một thái độ khác thường, rất thận trọng-tưởng như đó là sự sa ngã của nàng- có thể cảm thấy như thế, và điều này có chút gì lạ lùng và lạc lõng. Nét mặt nàng mỏi mệt, những món tóc dài của nàng buồn bã xõa xuống hai bên mặt. Nàng lặng lẽ suy nghĩ, dáng trông rầu rĩ như người đàn bà có tội trong bức tranh cổ.

– Không tốt đâu,- nàng nói.- Như vậy anh đã là người đầu tiên không tôn trọng tôi.

Trên bàn trong phòng có một quả dưa hấu. Gurov cắt cho mình một miếng và chậm rãi nhai. Ít ra là nửa giờ đã trôi qua trong im lặng.

Anna Sergeyevna ra chiều xúc động, ở nàng toát ra một cái gì đó trong trắng, thơ ngây của một người đàn bà chưa từng trải; trên bàn, cây nến đơn độc đang cháy dở nhẹ hắt những tia sáng mờ mờ lên gương mặt nàng, tuy thế vẫn có thể thấy rõ lòng nàng đang nặng trĩu.

– Làm sao mà anh có thể thôi không tôn trọng em nữa?- Gurov hỏi.- Chính em cũng không biết em đang nói gì.

– Ôi, trời hãy tha tội cho tôi!- nàng nói, và mắt nàng đẫm lệ.- Điều ấy thật khủng khiếp.

– Em đang cố tự bào chữa cho mình đấy.

– Bào chữa thế nào được? Tôi xấu xa, tôi là một người phụ nữ thấp hèn, tôi tự khinh mình và không mong đợi gì bào chữa cả. Không phải tôi lừa chồng mà tự lừa dối mình. Từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới lừa đâu. Chồng tôi có lẽ là một người tốt, một người trung thực, nhưng anh ấy là một người nô bộc! Tôi không biết anh ấy làm gì, làm việc thế nào, chỉ biết anh ấy là người chuyên hầu hạ kẻ khác. Khi lấy chồng, tôi 20 tuổi, một nỗi khát khao dày vò tôi, tôi muốn được một cái gì đó tốt đẹp hơn, tôi tự nhủ: có chứ, có một cuộc sống khác chứ. Tôi muốn sống! Sống và sống… Lòng hiếu kỳ thiêu đốt tôi… anh không hiểu được điều đó, nhưng, có trời chứng giám, tôi đã không thể tự làm chủ được mình nữa, có một cái gì đã đến với tôi không sao ngăn mình lại được nữa; tôi nói với chồng rằng tôi ốm và thế là tôi đến đây… Và ở đây, lúc nào tôi cũng lang thang ngơ ngác như người mất hồn… thế rồi tôi trở thành một người đàn bà tầm thường, rẻ tiền mà ai cũng có thể khinh bỉ được.

Gurov cảm thấy tẻ nhạt khi nghe những lời đó, cái giọng thơ ngây, cái bất ngờ tự thú không đúng lúc ấy như chọc tức anh, nếu không nhìn thấy mắt nàng đẫm lệ thì đã có thể tưởng rằng nàng đang đùa hay đang đóng kịch.

– Anh không hiểu,- Gurov nói nhỏ,- em muốn gì?

Nàng gục đầu vào ngực anh và nép chặt vào anh.

– Hãy tin tôi, hãy tin tôi đi, tôi van anh…-nàng nói.- Tôi yêu một cuộc sống trong sạch, trung thực, tôi ghê tởm những điều tội lỗi, chính tôi cũng không biết tôi đang làm điều gì. Những người dân thường nói: bị ma quỷ lấy mất hồn. Giờ đây cũng có thể nói về mình rằng tôi đã bị ma quỷ lấy mất hồn rồi.

– Đủ rồi, đủ rồi… -Gurov lầm bầm nói.

Anh nhìn vào đôi mắt sợ hãi, không động đậy của nàng, nói những lời âu yếm nhỏ nhẹ, và nàng thấy yên tâm đôi chút, niềm vui trở lại với nàng, cả hai người cùng bật cười.

Sau đó, khi họ bước ra khỏi nhà, ngoài bãi biển không còn một ai, thành phố với những bóng cây tùng lặng yên như chết, nhưng sóng biển vẫn ào ào vỗ vào bãi cát. Một chiếc thuyền phao dập dình trên sóng, chiếc đèn hiệu nhỏ trên đó tỏa một ánh sáng lờ mờ, ngái ngủ.

Họ tìm được một người đánh xe, cùng nhau đi đến Oreanda.

– Lúc nãy, ở dưới chỗ ra vào, anh mới biết họ của em; trên tấm bảng có đề Von Diderits,- Gurov nói.- Chồng em là người Đức à?

– Không, hình như ông của anh ấy mới là người Đức, còn chính anh ấy thì là người theo dòng đạo Chính thống giáo Nga.

Ở Oreanda, họ ngồi yên lặng trên ghế đá cách nhà thờ không xa, đưa mắt nhìn xuống biển. Yalta mờ mờ hiện ra sau màn sương sáng, những đám mây trắng lững lờ bao phủ quanh những đỉnh núi cao. Lùm cây lặng yên không xào xạc, chỉ có tiếng ve kêu ra rả, và tiếng sóng biển rì rào đơn điệu vọng lên từ phía dưới ấy gợi cho chúng ta một sự yên tĩnh, một giấc ngàn thu đang đợi mỗi chúng ta. Âm thanh ấy có từ khi chưa có Yalta; chưa có Oreanda, giờ đây vẫn tiếp tục vọng lên và sẽ rì rào một cách khô khan lãnh đạm như thế, khi mà chúng ta không còn nữa. Trong cái đơn điệu, trong cái lãnh đạm hoàn toàn đối với cuộc sống và cái chết của mỗi chúng ta có lẽ đã ẩn giấy cội nguồn cứu cánh vĩnh viễn của chúng ta, quá trình vận động không ngừng của cuộc sống trên trái đất, sự hoàn thiện không ngừng. Ngồi bên một người đàn bà trẻ tuổi, mà sớm mai đến lại càng trở nên xinh đẹp, lòng cảm thấy yên tĩnh và mê say cái cảnh thần tiên của biển trời, mây núi… Gurov nghĩ rằng, thực ra, nếu suy nghĩ cho thật kỹ, thì sẽ thấy thế giới này vạn vật, trừ những cái mà chúng ta tự suy tưởng và làm ra, đều đẹp đẽ, khi mà chúng ta quên hết những mục đích cao siêu của cuộc sống, quên hết cái gọi là phẩm chất của con người mình.

Có ai-chắc là một người tuần canh- đi dần tới phía họ, nhìn tận mặt họ rồi lại bỏ đi. Cả điều ấy nữa cũng trở nên bí ẩn và cũng thành đẹp đẽ. Đã có thể nhìn rõ tàu thủy đang từ Feodosia tới, đèn trên đó đã tắt và con tàu rạng rỡ trong nắng mai.

-Sương đọng trên cỏ đấy,- Anna Sergeyevna nói sau một hồi im lặng.

-Ờ, có sương. Đến lúc phải về thôi.

Và họ cùng nhau trở về thành phố.

Những ngày sau, vào buổi trưa, họ lại gặp nhau trên bờ biển. Cùng ăn sáng, ăn trưa với nhau, cùng dạo chơi say sưa ngắm nhìn biển cả. Nàng than phiền rằng nàng khó ngủ, rằng trái tim nàng đầy xao xuyến, lo âu. Nàng cứ hỏi đi hỏi lại một số câu; Tâm trí nàng không lúc nào yên, lúc thì nàng ghen, lúc thì nàng sợ hãi rằng Gurov chưa tôn trọng nàng đúng mức. Nhiều lần, trong công viên hay trong vườn, khi xung quanh không có ai, Gurov thường kéo nàng lại gần mình và hôn say đắm. Cảnh nhàn hạ hoàn toàn, những cái hôn giữa ban ngày với vẻ e dè sợ sệt người chung quanh nhìn thấy, cái nóng, cái mùi vị của biển và quang cảnh những người no nê sang trọng chốc chốc lại đi qua trước mắt, những điều ấy như làm Gurov sống lại, anh nói với Anna Sergeyevna rằng nàng đẹp, nàng hấp dẫn biết bao, anh tỏ ra nôn nóng, đắm say và không rời nàng nửa bước; còn nàng thì trầm ngâm và thường bắt anh tự thú rằng anh chưa tôn trọng nàng, chưa yêu nàng một tí nào, mà chỉ thấy nàng là một người đàn bà tầm thường, rẻ rúng. Gần như tối nào, chừng khuya khuya họ cũng đi chơi đâu ra ngoài thành phố, đi Oreanda hay là lên thác nước, và lần nào cũng vậy, những buổi dạo chơi ấy đều để lại những ấn tượng đẹp đẽ, diệu kỳ.

Họ chờ xem bao giờ thì Von Diderits đến. Nhưng rồi nàng nhận được thư chồng báo tin rằng mắt anh ta bị đau nặng và xin nàng về nhà càng sớm càng tốt. Anna Sergeyevna ra điều vội vã.

– Tôi đi khỏi nơi này là rất tốt,- nàng nói với Gurov.- Đó là ý muốn của số mệnh.

Nàng lên xe ngựa đi và Gurov theo tiễn nàng. Họ đi suốt một ngày. Khi nàng đã ngồi vào trong toa tàu tốc hành và khi hồi chuông thứ hai đã réo lên, nàng bỗng nói:

– Cho tôi nhìn anh… nhìn anh một lần nữa. Thế…- Nàng không khóc nhưng buồn rười rượi, trông như người ốm, gương mặt nàng run run.

– Tôi sẽ nghĩ đến anh… nhớ đến anh, -nàng nói.- Trời sẽ phù hộ anh, anh ở lại nhé. Đừng nghĩ xấu về tôi. Chúng ta chia tay nhau vĩnh viễn, điều ấy là cần thiết, bởi vì chúng ta hoàn toàn không nên gặp nhau nữa. Trời sẽ phù hộ anh…

Con tàu vội vã rời khỏi ga, lát sau ánh đèn trên đó đã khuất, chỉ một lát sau tiếng động của đoàn tàu không còn nghe thấy nữa, mọi việc xảy ra đều như cố tình mau chóng chấm dứt cái điên rồ, say đắm, ngọt ngào ấy. Một mình đứng lại trên sân ga, đưa mắt nhìn về khoảng trời mù mịt phía xa, Gurov lắng nghe tiếng dế kêu, tiếng gió reo qua dây điện thoại với cảm giác như vừa mới tỉnh ngủ. Anh nghĩ rằng, đấy, trong đời anh lại có thêm một cuộc phiêu lưu và cuộc phiêu lưu ấy cũng đã kết thúc và bây giờ chỉ còn những kỷ niệm… Lòng anh tràn ngập một nỗi buồn, bởi vì anh nghĩ, người đàn bà trẻ trung ấy, người mà anh không bao giờ gặp nữa, sống bên anh không chút hạnh phúc. Anh đối xử với nàng rất vội vã và chân thành, nhưng trong cách đối xử ấy, trong cách âu yếm nàng vẫn có cái gì cười cợt ám ảnh, vẫn phần nào có cái trịch thượng thô thiển ở một người đàn ông luôn được hưởng sung sướng, thêm nữa anh lại nhiều tuổi hơn nàng gần đến hai lần. Lúc nào nàng cũng gọi anh là người nhân hậu, người cao thượng, phi thường… chắc là nàng tưởng tượng anh là một người khác, không như thực chất của anh, và thế có nghĩa là anh đã lừa dối nàng…

Ngoài ga, hương vị của mùa thu đã đến, gió thổi mát lạnh. “Cả mình cũng đến lúc trở về phương Bắc thôi,- Gurov vừa đi khỏi nhà ga vừa nghĩ.- Đi thôi”.

III

Ở Moscow đã là mùa đông, lò sưởi đã làm việc. Sáng sáng, trước khi trẻ con đi học và uống nước chè, trời hãy còn tối và người bảo mẫu phải thắp đèn lên một lúc. Trời đã lạnh lắm. Và khi những bông tuyết đầu tiên rơi xuống, ngày đầu tiên ngồi trên xe trượt, người ta sẽ khoan khoái nhìn mặt đất trắng xóa, nhìn những mái nhà phủ tuyết, hơi thở sẽ nhẹ nhàng, đều đặn, và lúc ấy chắc mọi người đều nhớ lại những tháng năm thời thơ ấu. Ở những cây bồ đề, những cây bạch dương trắng xóa vì sương giá có vẻ gì như chào mời săn đón, dễ gần hơn những cây tùng, cây cọ,- bên cạnh những thứ cây ấy, người ta không còn muốn nhớ đến biển, đến núi nữa.

Gurov là người Moscow. Anh trở về đấy vào một hôm trời lạnh, rất đẹp, và khi anh khoác tấm bành tô lông lên mình, xỏ tay vào đôi găng ấm áp rồi đi dọc phố Petrovka, khi vào chiều thứ bảy anh lại nghe tiếng chuông nhà thờ, thì chuyến đi xa vừa qua cùng những nơi anh đã đến bỗng trở nên mất hết vẻ kỳ thú với anh.

Dần dần anh lại lao vào cuộc sống Moscow, anh đã bắt đầu ngấu nghiến đọc ba tờ báo mỗi ngày và nói rằng vì giữ nguyên tắc nên không đọc báo Moscow. Nhưng khách sạn, câu lạc bộ bắt đầu thu hút anh. Anh lại muốn dự những bữa tiệc liên hoan, kỷ niệm. Anh cảm thấy hởi lòng hởi dạ khi những luật sư, nghệ sĩ nổi tiếng đến chơi nhà anh hoặc anh đã từng đánh bài với một giáo sư ở Câu lạc bộ bác sĩ. Anh đã có thể ăn hết một liễn súp to tướng.

Anh tưởng rằng chỉ độ một tháng sau, hình ảnh Anna Sergeyevna sẽ phai mờ trong tâm trí anh, thỉnh thoảng anh sẽ chỉ còn nằm mơ thấy nụ cười đầy xúc động của nàng, như đã nằm mơ thấy bao người khác. Nhưng hơn một tháng đã qua, những ngày đông rét mướt nhất đã tới mà mọi điều trong tâm trí anh còn rõ rệt, tưởng như anh mới chia tay với Anna Sergeyevna hôm qua. Những hồi ức ấy ngày càng thêm rõ nét. Những lúc tiếng trẻ con học bài vẳng sang phòng anh, những lúc nghe thấy tiếng đại phong cầm bản tình ca vang lên trong khách sạn, những lúc gió tuyết cuốn vào trong chiếc lò sưởi lớn… Những lúc ấy tự nhiên trong ký ức anh bỗng sống lại tất cả: từ những chuyện xẩy ra trên bến tàu, ngoài bờ biển, đến những buổi sáng sớm mây mù trên núi cao, những con tàu từ Feodosia, những cái hôn… Anh đi đi lại lại rất lâu trong phòng mình, hồi tưởng lại và tự mỉm cười. Dần dần những hồi ức ấy chuyển thành mơ ước, và trong tưởng tượng quá khứ dần hòa nhập lại với những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Anh không phải nằm mơ thấy Anna Sergeyevna, mà là thấy nàng đi bên anh, theo anh khắp mọi nơi như một cái bóng. Nhắm mắt lại, anh như thấy nàng trước mặt, còn xinh đẹp hơn, trẻ hơn, dịu dàng hơn ngày trước và chính bản thân anh cũng cảm thấy mình tốt hơn so với hồi ở Yalta. Tối tối nàng như ngắm nhìn anh từ chiếc tủ đứng đựng sách, từ phía lò sưởi, từ góc phòng: anh nghe thấy hơi thở nàng, tiếng xống áo nàng sột soạt nhẹ nhàng, âu yếm. Đi ngoài phố, anh đưa mắt tìm kiếm xem có ai giống nàng không.

Một nhu cầu muốn giãi bầy, muốn chia sẻ những kỷ niệm ấy dày vò anh. Nhưng ở nhà thì không thể nói đến mối tình của mình được mà ở ngoài thì lại không có ai để tâm sự, không thể thổ lộ với hàng xóm cũng không thể nói ở nhà băng. Mà nói điều gì mới được chứ? Chẳng lẽ lúc ấy anh đã yêu nàng sao? Chẳng lẽ đã có một cái gì đẹp đẽ thơ mộng, bổ ích cho anh hay đơn thuần là một cái gì thú vị trong quan hệ của anh với Anna Sergeyevna sao? Và thế là anh phải nói mông lung, mơ hồ về chuyện phụ nữ, chuyện tình yêu. Những lúc đó không ai đoán được có cái gì xảy ra; chỉ có vợ Gurov là cau đôi lông mày đen rậm của mình và nói:

-Dimitri, vai một người kênh kiệu, rỗng tuếch không hợp với anh đâu.

Có lần vào một đêm khuya, khi anh cùng bạn chơi bài, một quan chức, bước ra khỏi câu lạc bộ bác sĩ, anh không nén được nữa và thốt lên:

-Ồ, nếu ông bạn biết được mình đã làm quen với một người phụ nữ đáng yêu như thế nào ở Yalta!

Viên quan chức ngồi vào chiếc xe trượt và xe đã bắt đầu chạy đi, nhưng bỗng y quay lại và gọi to:

- Dmitri Dmitritch!

– Cái gì vậy?

– Lúc nãy thế mà anh đúng đấy: thứ cá chiên ấy có mùi rồi!

Những câu nói thường ngày ấy, không hiểu sao, lại tự nhiên làm anh bực bội, anh cảm thấy những tiếng ấy thật bẩn thỉu, hạ thấp phẩm giá con người. Những thứ đạo đức, những con người kỳ quặc, man rợ biết bao! Những cuộc đánh bài điên loạn, ăn uống lỗ mãng, say rượu, những cuộc nói chuyện quanh đi quẩn lại một đề tài! Những việc làm vô tích sự, những cuộc nói chuyện lặp đi lặp lại ấy cướp đi một phần thời giờ tốt nhất, phần sinh lực quý nhất và kết cục là để lại một cuộc sống tầm thường tẻ ngắt, một cái gì ngu độn, vậy mà không làm sao đi khỏi, chạy thoát được, hệt như đang sống trong một nhà thương điên hay giữa một trại tù nào.

Suốt đêm hôm ấy, Gurov không ngủ được, lòng tràn đầy bực tức, và ngày hôm sau anh bị nhức đầu. Những đêm tiếp theo anh vẫn khó ngủ, khi thì ngồi trên giường nghĩ ngợi, khi thì đi đi lại lại trong phòng. Anh chán bọn trẻ con, chán nhà băng và chẳng buồn đi đâu hết, chẳng buồn nói gì hết.

Vào những ngày nghỉ lễ tháng 12, anh sửa soạn đi và nói với vợ rằng anh cần tới Petersburg để chạy việc cho một anh bạn trẻ. Nhưng rồi anh lại đi S---. Để làm gì? Anh cũng không tự mình biết rõ được. Anh muốn gặp Anna Sergeyevna, nói chuyện với nàng và hẹn hò gặp nhau, nếu có thể được.

Gurov đến S---, vào một buổi sáng và thuê căn phòng sang trọng nhất trong khách sạn. Trong căn phòng ấy, toàn bộ sàn nhà trải một lớp dạ lính màu xám, trên bàn đặt một bình mực cũng màu xám vì bụi kèm tượng người kỵ sĩ cưỡi ngựa tay cầm mũ giơ lên, nhưng đầu đã gãy cụt. Người hầu phòng cho anh biết mấy tin tức cần thiết: Von Diderits ở phố Old Gontcharny, tại nhà riêng của ông ta, cách khách sạn không xa lắm. Von Diderits sống sung túc, ung dung, có xe ngựa riêng và cả thành phố đều biết ông. Người hầu phòng gọi nhầm họ ông ta là “Dridirits”. Gurov chậm rãi đi về phía phố Old Gontcharny và kiếm tìm ngôi nhà ấy. Một bức rào sắt nhọn màu xám chạy dài phía trước ngôi nhà.

“Nhìn thấy bức rào ấy chắc ai cũng phải bỏ chạy”, -Gurov nghĩ vậy và đưa mắt nhìn lên cửa sổ, nhìn lên bờ rào.

Anh suy tính: hôm nay là ngày nghỉ và thế có nghĩa là chắc chắn chồng nàng sẽ có nhà. Đằng nào vào ngôi nhà ấy bây giờ cũng bất tiện và làm phiền người khác. Còn nếu viết giấy để lại thì mảnh giấy ấy có thể rơi vào tay người chồng và lúc đó mọi việc sẽ hỏng hết. Tốt nhất là chờ dịp may. Gurov đi qua đi lại trên đường phố ấy, bên cạnh bờ rào và chờ dịp may đó. Anh nhìn thấy một người ăn mày bước vào cổng nhà và một đàn chó liền chạy bổ tới. Một giờ sau anh nghe thấy tiếng đàn dương cầm yếu ớt không rõ rệt vọng ra. Chắc là Anna Sergeyevna đang đánh đàn. Cánh cổng đồ sộ bỗng thình lình mở rộng ra và Gurov thấy một bà lão bước ra, theo sau là con chó Pomeranian quen thuộc dạo nào. Gurov muốn gọi con chó lại gần nhưng tim anh bỗng đập liên hồi, và vì quá xúc động anh không còn nhớ tên con chó ấy nữa.

Gurov vẫn đi, mỗi lúc thêm căm tức bức rào sắt xám xịt, anh đã bắt đầu bực bội nghĩ rằng Anna Sergeyevna đã quên anh, và có lẽ đã say sưa với một người nào khác, điều đó là hoàn toàn tự nhiên đối với một người đàn bà trẻ từ sáng sớm đến tối mịt phải nhìn thấy cái bức rào đáng nguyền rủa này. Anh trở về khách sạn và ngồi rất lâu trên ghế sofa, không biết phải làm gì, sau đó, anh đi ăn cơm rồi nằm ngủ rất lâu.

“Toàn là chuyện ngu xuẩn và rắc rối.- Gurov nghĩ thế, khi đã tỉnh dậy và đưa mắt nhìn phía cửa sổ tối sẫm: trời đã tối rồi.- Chẳng hiểu sao lại ngủ đẫy giấc mất thế. Biết làm gì đêm nay đây”.

Anh ngồi lặng trên chiếc giường trải một tấm chăn xám rẻ tiền hệt như trong các bệnh viện và tự trách móc, giận dỗi mình:

“Đấy, người đàn bà có con chó nhỏ của anh đấy… cuộc phiêu lưu của anh đấy… Bây giờ thì cứ ngồi thế nhé!”.

Sáng hôm nay, khi còn ở ngoài ga, một tấm quảng cáo với dòng chữ to tướng đã đập vào mắt anh: công diễn lần đầu vở “Geisha”. Anh sực nhớ lại điều ấy và đi đến rạp hát.

“Rất có thể nàng sẽ xem những cuộc công diễn lần đầu”- anh nghĩ.

Rạp hát chật ních người. Như ở mọi rạp hát tỉnh lẻ khác, rạp này cũng có một làn khói mờ như sương phía trên chùm đèn, dải bao lơn ồn ào trên tầng hai. Trước khi mở màn, ở hàng trên cùng, những người sang trọng ở địa phương chắp tay ra đằng sau, trên lô ghế dành riêng cho quan tỉnh trưởng, ở hàng trước, con gái ông ta đang ngồi, vai quàng một chiếc khăn lông rất to, còn chính tỉnh trưởng thì khiêm nhường ngồi phía đằng sau, chỉ nhìn thấy được hai tay ông mà thôi. Tấm màn che động đậy, các nhạc công thi nhau lên dây đàn. Khi khán giả còn đang lục tục vào tìm chỗ ngồi, Gurov chăm chú đưa mắt tìm bốn phía.

Đến lượt Anna Sergeyevna bước vào. Nàng ngồi xuống hàng ghế thứ ba và khi Gurov nhìn nàng, trái tim anh bỗng thắt lại, anh chợt hiểu rằng, giờ đây, trên thế giới này, đối với anh không còn ai gần gũi hơn, thân quý hơn, quan trọng hơn người phụ này. Chìm vào giữa đám người tỉnh lẻ này, tay cầm cặp kính thô thiển, người đàn bà nhỏ nhắn không có gì nổi bật ấy giờ đây đã choán hết cả cuộc đời anh, đã là niềm vui, nỗi khổ của anh, là hạnh phúc duy nhất mà anh hằng mong ước bấy lâu. Trong cái âm thanh ngán ngẩm của một dàn nhạc tồi, của những cây đàn violon xấu xí rẻ tiền, anh để cho tâm trí anh nghĩ đến nàng, nghĩ rằng nàng thật xinh đẹp biết bao. Anh nghĩ ngợi và mơ ước…

Cùng với Anna Sergeyevna và sau đó, ngồi xuống bên cạnh nàng, là một người còn trẻ, râu quai nón thanh, dáng người rất cao và hơi gù gù. Mỗi bước đi, anh ta lại gật đầu xuống, có cảm tưởng rằng anh ta luôn luôn cúi chào. Chắc đó là chồng nàng, người mà trong những phút cay đắng ở Yalta, Anna Sergeyevna đã gọi là một người nô bộc. Thực ra, trong cái dáng người dài ngoẵng, bộ râu quai nón và cái trán hơi bị hói có vẻ ngoan ngoãn, nhún nhường. Anh ta cười ngọt ngào, bên dưới cổ áo, chiếc huy hiệu chứng nhận bằng cấp nào đó lấp lánh trông hệt như mảnh số đeo của người hầu phòng.

Hết màn thứ nhất, người chồng trở ra hành lang hút thuốc lá, nàng ngồi lại trên chiếc ghế bành. Gurov cũng ngồi ở dưới nhà. Anh bước gần đến bên nàng và nói giọng run run, miệng cười gắng gượng:

– Chào chị.

Nàng đưa mắt nhìn anh và gương mặt nhợt nhạt tái hẳn đi. Nàng lại hoảng sợ nhìn lại anh lần nữa, như không tin vào chính mắt mình, bàn tay nàng nắm chặt lấy chiếc quạt và cặp kính nhòm: chắc nàng đang phải tự gắng sức lắm để khỏi phải ngã ngất đi. Cả hai đều im lặng. Nàng vẫn ngồi, còn anh thì vẫn đứng, vẻ lúng túng, bối rối của nàng vừa rồi làm anh sợ hãi, anh không dám ngồi xuống bên cạnh. Đàn sáo lại nổi lên. Gurov bỗng cảm thấy ghê rợn khi nghĩ rằng có lẽ mọi người ở khắp các lô ghế xung quanh đang chăm chú nhìn anh. Nhưng rồi nàng bỗng đứng dậy và đi ra phía cửa, anh cũng đi theo nàng. Cả hai người cứ đi một cách kỳ dị như thế. Họ đi theo hành lang lên cầu thang gác, lúc lên lúc xuống, loáng thoáng qua trước mặt họ là những người ăn vận quần áo quan tòa, giáo học, quan lại, ai cũng đeo huy hiệu, loáng thoáng bóng các bà, áo bành tô treo trên giá. Gió lùa qua lại, mang theo mùi thuốc lá đang cháy dở. Trái tim anh đập rộn ràng, anh nghĩ: “Trời, có những người này, dàn nhạc này để làm gì!…”

Trong giây lát ấy, Gurov bỗng nhớ lại cái buổi chiều tối trên sân ga, sau khi tiễn Anna Sergeyevna đi rồi, anh tự nhủ, sự việc thế là kết thúc và họ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Nhưng thực ra cái điểm kết thúc ấy còn xa vời biết bao!

Đến một cầu thang nhỏ hẹp, tôi tối, nơi có treo biển đề: Lối vào sân khấu ngoài trời, Anna Sergeyevna dừng lại:

-Anh làm tôi sợ quá!- nàng vừa nói vừa thở rất nặng nhọc, nét mặt nàng còn nguyên vẻ nhợt nhạt, sửng sốt.- Ôi, anh làm tôi sợ quá! Tôi thật dở sống dở chết. Anh đến đây làm gì? Làm gì?

-Anna, cô hãy hiểu cho tôi, hãy hiểu tôi…-Gurov nói vội vàng, giọng nhỏ nhẹ.- Tôi van cô, xin cô hãy hiểu tôi.

Nàng sợ hãi nhìn anh, ánh mắt nàng như cầu khẩn, nhưng chan chứa yêu thương. Nàng đăm đăm nhìn anh như để cố khắc sâu vào tâm khảm những đường nét trên gương mặt anh.

– Ôi, tôi thật đau khổ! -Nàng không nghe anh, nói tiếp.- Lúc nào tôi cũng nghĩ đến anh, sống bằng những hồi tưởng về anh. Tôi muốn quên đi, quên hết đi, nhưng làm sao, làm sao anh lại đến đây?

Phía trên cao có hai cậu học trò đang hút thuốc và đưa mắt nhìn xuống dưới. Nhưng mặc họ, Gurov vẫn kéo nàng lại gần mình, rồi hôn lên má, lên mặt, lên tay nàng.

-Anh làm gì vậy, làm gì vậy!- Nàng vừa sợ hãi nói, vừa đẩy anh ra.- Chúng ta đều mất trí cả rồi. Anh hãy đi khỏi nơi này ngay hôm nay, đi ngay bây giờ thôi… Trước các vị thần linh, tôi van anh, tôi xin anh đừng… Người ta đang đi lại phía này đấy!

Có người nào đang đi lên thang gác.

-Anh phải đi khỏi nơi này… -Anna Sergeyevna nói tiếp, giọng thì thầm.- Anh nghe không? Anh Dmitri Dmitritch? Tôi sẽ đến Moscow với anh. Chưa bao giờ tôi được sống hạnh phúc, cả bây giờ cũng đang bất hạnh và sẽ không bao giờ, không bao giờ được sống hạnh phúc, không bao giờ! Vậy thì hãy bắt tôi phải khổ sở thêm nữa! Thề với anh rằng, tôi sẽ đến Moscow. Bây giờ thì chia tay thôi! Anh thân yêu, anh quý mến, anh rất tốt của em, giờ thì chúng ta tạm xa nhau anh ạ!

Nàng nắm chặt tay anh rồi vội vã bước xuống cầu thang, đầu ngoái lại nhìn anh hoài, nhìn đôi mắt nàng cũng biết được rằng, trong cuộc đời nàng đúng là một người không hạnh phúc… Gurov đứng lại một lúc, lắng tai nghe ngóng, cho đến khi chung quanh đã yên lặng, anh mới đi tìm giá áo của mình và rời khỏi nhà hát.

Từ dạo ấy, Anna Sergeyevna bắt đầu đến Moscow với anh. Cứ độ khoảng hai ba tháng nàng lại rời khỏi S---. Nàng nói với chồng nàng rằng nàng cần đi Moscow để gặp một giáo sư chuyên chữa bệnh phụ nữ nào đó của nàng- chồng nàng thì nửa tin nửa ngờ. Đến Moscow, Anna Sergeyevna nghỉ tại khách sạn Slaviansky Bazaar và cho ngay một người đội mũ đỏ đến báo với Gurov. Gurov đến ở với nàng, ở Moscow không hề có ai biết việc đó.

Có một lần vào một buổi sáng mùa đông, Gurov đi đến gặp nàng bằng cách như thế (người đến báo tin từ tối hôm trước lại không gặp được anh ở nhà), đi bên anh là đứa con gái lớn mà Gurov muốn đưa đến trường vì đi cùng đường. Tuyết rơi từng bông rất to và ướt át.

– Bây giờ là 3 độ trên 0, thế mà tuyết vẫn rơi,- Gurov nói với con gái.- Nhưng cái ấm áp đó chỉ có ở trên mặt đất thôi, còn ở tầng cao khí quyển thì nhiệt độ lại hoàn toàn khác.

– Ba ơi, tại sao mùa đông lại không có sấm hở ba?

Anh lại giải thích điều đó. Anh vừa nói vừa nghĩ rằng, đó, anh đang đi đến chỗ hẹn hò, mà không có một ai biết điều ấy, và chắc sẽ chẳng bao giờ có ai biết đến. Trong anh đồng thời có hai cuộc sống: một cuộc sống lộ ra bên ngoài mà ai cũng thấy, cũng biết, một cuộc sống đầy những sự thật ước lệ, giống hệt như cuộc sống của bạn bè và những người quen anh; còn một cuộc sống nữa thì lại càng lặng lẽ, kín đáo trôi qua. Và, vì một sự sắp xếp kỳ quặc nào đó những sự kiện có thể là tình cờ, mà tất cả những gì hệ trọng, cần thiết, thích thú với anh, những gì mà anh chân thành yêu, không lừa dối mình; những gì tạo nên cốt lõi của cuộc đời anh, thì lại bí mật trôi qua dưới mắt người đời; và tất cả những gì dối trá lừa đảo, là cái vỏ bề ngoài mà anh nấp vào để che đậy sự thật chẳng hạn như việc làm trong nhà băng, những cuộc tranh cãi ở câu lạc bộ, cái câu nửa miệng: “Loại người hạ đẳng”, những buổi cùng vợ đi dự tiệc… Tất thảy đều phơi bày ra ngoài hết. Anh tự ngẫm mình và suy ra người khác. Anh không tin những gì anh thấy, và bao giờ cũng cho rằng ở mỗi người, đằng sau tấm màn bí mật, như đằng sau màn đêm tối, có một cuộc đời thực, cuộc đời thú vị nhất, đang ẩn náu. Mỗi cuộc đời riêng đều tồn tại trong bí mật và có lẽ một phần vì thế mà những người có văn hóa đều thiết tha mong muốn làm sao cho bí mật riêng tư của mỗi người đều được tôn trọng.

Đưa con gái đến trường xong, Gurov rẽ vào khách sạn Slaviansky Bazaar. Anh cởi bỏ áo bành tô ở tầng dưới, bước lên cầu thang và khẽ gõ vào cửa phòng. Anna Sergeyevna vận chiếc váy áo màu xám mà anh rất thích. Trông nàng mệt mỏi vì đi đường và vì phải chờ đợi. Suốt từ tối hôm qua đến nay nàng đã phải chờ. Gương mặt nàng nhợt nhạt. Nàng nhìn anh, không mỉm cười, và khi anh vừa bước vào trong buồng, nàng gục đầu lên ngực anh. Họ hôn nhau rất lâu tưởng chừng như đã hai năm không gặp được nhau.

– Thế nào, em sống ở đây ra sao?- Gurov hỏi.- Có gì mới không?

– Anh đợi một tí, em kể ngay bây giờ cho anh nghe… Em không thể…

Nàng không nói nữa và khóc nức lên. Nàng quay sang bên và đưa khăn lau nước mắt.

“Thôi, cứ để nàng khóc, còn mình thì ngồi một lúc vậy”,- Gurov nghĩ và ngả mình vào chiếc ghế bành.

Sau đó anh giật chuông gọi người đưa nước chè đến và sau khi anh uống trà, nàng đứng quay mặt về phía cửa sổ… Nàng khóc vì xúc động, vì ý nghĩ buồn tủi rằng cuộc đời của cả hai người sao mà bất hạnh đến thế, họ chỉ có thể gặp nhau giấu giếm, lẩn tránh mọi người như những tên trộm! Chẳng lẽ cuộc đời của họ chưa tan nát rồi sao?

-Thôi, đừng khóc nữa em!- Anh nói.

Anh cảm thấy rất rõ rằng đối với anh còn rất lâu, không biết đến bao giờ mối tình này mới chấm dứt. Càng ngày Anna Sergeyevna càng gắn bó với anh hơn, và thật là vô nghĩa nếu nói với nàng rằng tất cả những điều xảy ra một lúc nào đó đều phải kết thúc, mà nếu có nói như vậy, chắc nàng cũng không tin.

Anh bước đến bên nàng và ôm lấy đôi vai nàng, để âu yếm, trêu đùa với nàng. Cùng lúc ấy, anh nhìn thấy bóng mình trong gương.

Mái tóc anh đã bắt đầu điểm bạc. Anh cảm thấy lạ lùng rằng những năm gần đây anh già đi, tàn tạ đi chóng quá. Đôi vai mà anh đang đặt tay lên khẽ rung rung và nóng hổi. Lòng anh tràn ngập một niềm thương cảm cuộc đời này, một cuộc đời còn ấm áp và xinh đẹp, nhưng có lẽ đã đến lúc gần trở nên héo mòn, héo hắt như cuộc đời anh. Vì lẽ gì mà nàng yêu anh như vậy? Đối với những người phụ nữ, bao giờ anh cũng để lại ấn tượng một con người khác, không giống con người anh trong thực tại, và không phải họ yêu chính anh mà là yêu con người tưởng tượng của họ, yêu con người suốt đời họ đi tìm kiếm. Sau này, khi nhận thấy lầm lỗi của mình rồi, họ vẫn còn yêu. Và không một ai trong bọn họ cảm thấy mình hạnh phúc bên anh. Thời gian trôi đi, anh làm quen với phụ nữ, gần gụi họ, rồi lại rời xa, nhưng chưa bao giờ yêu, có tất cả mọi điều, duy chỉ có tình yêu là chưa đến.

Chỉ đến bây giờ, khi trên đầu anh tóc đã bắt đầu điểm bạc, anh mới yêu, yêu thực sự chân thành- lần đầu tiên trong cả đời mình.

Nàng và anh yêu nhau tha thiết như những người rất gần gũi, gắn bó với nhau như vợ chồng, như những người bạn âu yếm. Họ có cảm tưởng rằng chính số mệnh đã tạo họ ra cho nhau, và không thể hiểu rằng làm sao mà anh lại có vợ và nàng có chồng. Họ như hai con chim trời cùng đàn, một con trống, một con mái, cùng bị bắt và nhốt vào hai cái lồng khác nhau. Họ tha thứ cho nhau tất cả những gì trong quá khứ mà họ cảm thấy ngượng ngùng, tha thứ tất cả những gì trong hiện tại và cảm thấy rằng mối tình này đã làm thay đổi hẳn cả hai người.

Ngày trước, trong những phút buồn rầu, Gurov tự an ủi mình bằng đủ mọi điều suy xét, bất cứ điều nào đến với đầu óc anh. Bây giờ anh không còn tâm trí đâu để mà suy xét nữa, lòng anh chỉ còn tràn ngập một niềm thương cảm lớn, anh muốn trở nên chân thành, dịu dàng.

– Đừng khóc nữa, em thân yêu,- Gurov nói- Em đã khóc rồi, rồi lại… Thôi chúng ta nói chuyện với nhau một lát, thử nghĩ xem có cách gì không.

Sau đó họ bàn với nhau rất lâu, nói với nhau rằng, làm sao thoát khỏi cảnh phải lẩn tránh lừa dối mọi người, phải sống ở những thành phố khác nhau, rất lâu mới được gặp nhau. Làm sao mà thoát khỏi những ràng buộc tai ác này?

-Làm sao? Làm sao?- Gurov đưa tay nắm tóc mình và hỏi- Làm sao bây giờ?

Có cảm giác chỉ ít lúc nữa thôi là lối thoát sẽ được tìm ra, và lúc ấy, một cuộc đời hoàn toàn mới, thật đẹp đẽ sẽ đến, nhưng cả hai người đều thấy rõ rằng còn xa lắm, xa lắm mới đến ngày kết cục, và những gì rắc rối nhất, khó khăn nhất chỉ vừa mới bắt đầu.

Người dịch: Phan Hồng Giang

Bài liên quan
  • QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Oe Kenzaburo (1935 - 2023) là nhà văn người Nhật thắng giải thưởng Nobel văn chương cao quý của Viện hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994. Chiến thắng của ông, cùng với chiến thắng của nhà văn Kawabata Yasunari năm 1968, đã giúp Nhật trở thành nước duy nhất ở Châu Á có hai nhà văn thắng giải Nobel văn chương*. Là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật, ông đã có hơn 60 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.
  • TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Franz Kafka là nhà văn người Bohemia gốc Do Thái, nay là Cộng hòa Séc. Ngày nay, mặc dù Franz Kafka được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chỉ còn có riêng một tính từ mang tên ông kafkaesque, tức "kiểu Kafka", nhưng khi còn sống, chỉ vài tác phẩm của ông được xuất bản. Phần lớn các tác phẩm của Franz Kafka được xuất bản sau khi ông chết, do bạn ông là Max Brod thực hiện, bất chấp di nguyện của ông là phải tiêu hủy tất cả các bản thảo.
  • MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    Chân Dung Kẻ Sĩ: James Joyce là nhà văn người Ireland, tác giả của tiểu thuyết Ulysses xuất bản năm 1922. Ông được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, còn Ulysses được xem như một kiệt tác, đến nỗi người ta còn lập ra một lễ tưởng niệm thường niên vào ngày 16 tháng 6 (Bloomsday), là ngày diễn ra các các sự kiện trong tiểu thuyết Ulysses của ông.
  • BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Graham Greene là nhà văn người Anh, tác giả của Người Mỹ trầm lặng, cuốn tiểu thuyết rất ăn khách trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt là tại Anh. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ vào năm 1956, nó đã khiến độc giả Mỹ bị sốc do tác phẩm của nhà văn người Anh đã mô tả người Mỹ là những kẻ giết người, một sự thật mà người Mỹ khó có thể chấp nhận. Cuốn sách của ông đã giúp độc giả thế giới nói chung và độc giả phương tây nói riêng, hiểu được tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ, những kẻ xâm lược với đội quân hùng mạnh nhất hành tinh tới từ bên kia đại dương.
  • CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. Theo xu hướng của những nhận xét này, có thể xem "Chiếc áo choàng" (tiếng Nga: Шине́ль -1842) là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nikolai Gogol, khi nó thể hiện thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất trong viết lách của Gogol, mà nếu muốn tóm gọn lại, thì không ai nói chính xác hơn nhà ngoại giao, phê bình văn học người Pháp Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910). Ông nói (thường bị nhầm lẫn là do Fyodor Dostoevsky nói) : "Tất cả chúng ta đều chui ra từ Chiếc áo khoác của Gogol".
  • NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người trong bao (The Man in a Case) là phần đầu, cùng với lần lượt hai truyện ngắn tiếp theo gồm "Gooseberries" và "About Love", thuộc một tác phẩm mà sau này được người ta gọi là “tiểu bộ ba”* của nhà văn vĩ đại nước Nga Anton Chekhov. Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946).
  • NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO là truyện ngắn trong tập truyện ngắn Trẻ em cũng là thường dân (Children Are Civilians Too) của nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 Heinrich Böll. Tập truyện minh họa cho cách kể chuyện tinh tế và sắc thái của Heinrich Boll ở mức tuyệt vời nhất, vẽ ra những bức chân dung tuyệt đẹp về những con người bình thường trong những năm tháng đen tối ở nước Đức sau chiến tranh.
  • ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ảo Hóa là một câu chuyện trong tiểu thuyết Trò chơi ngọc pha lê (The Glass Bead Game) tác phẩm lớn cuối cùng của nhà văn, nhà thơ Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 Hermann Hesse. Với tư tưởng chống phát xít, từ nửa cuối thập niên 1930, không một nhà xuất bản hay tờ báo nào ở Đức dám đăng các tác phẩm của Hermann Hesse nữa. Và vì thế ông đã viết Trò chơi ngọc pha lê giữa những tin tức khủng khiếp của Chiến tranh thế giới Thứ Hai và xuất bản tác phẩm ở Thụy Sĩ năm 1943.
  • ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đốt Lửa của nhà văn Jack London có hai phiên bản được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau, một ở năm 1902 và bản còn lại ở năm 1908. Mặc dù có cấu trúc và cốt truyện gần tương tự nhau, nhưng phiên bản năm 1908 khủng khiếp hơn nhiều, và vì thế, nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn người Mỹ, thường xuyên có mặt trong các tuyển tập văn chương.
  • LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    Chân Dung Kẻ Sĩ:  Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway với "Nguyên lý tảng băng trôi", là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Giã từ vũ khí (1929); Chuông nguyện hồn ai (1940); Ông già và biển cả (1952). Năm 1954 ông thắng Giải Nobel Văn Chương và để lại nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học Mỹ.