chan_dung-ke_si

QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

04-11-2024

Lượt xem 1911

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Oe Kenzaburo

QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

Chân Dung Kẻ Sĩ: Oe Kenzaburo (1935 - 2023) là nhà văn người Nhật thắng giải thưởng Nobel văn chương cao quý của Viện hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994. Chiến thắng của ông, cùng với chiến thắng của nhà văn Kawabata Yasunari năm 1968, đã giúp Nhật trở thành nước duy nhất ở Châu Á có hai nhà văn thắng giải Nobel văn chương*. Là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật, ông đã có hơn 60 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.

Một mình trong phòng, tôi buộc tấm băng đen trên mắt phải. Con mắt trông thì có vẻ không sao cả nhưng sự thực là tôi hiếm khi nhìn được. Tôi nói, hiếm khi, bởi vì nó không mù hẳn. Hậu quả là khi tôi nhìn thế giới bằng cả hai mắt, tôi thấy hai thế giới chồng lên nhau, một cái mờ ảo trên cái kia sáng rõ. Tôi có thể đang bước xuống lòng đường thì một cảm giác nguy hiểm và mất thăng bằng dừng chân tôi lại, giống như một con chuột vừa nhô khỏi miệng cống bỗng sựng lại bất động. Hoặc tôi sẽ khám phá ra cả một cuốn phim bất hạnh và mệt mỏi trên khuôn mặt một người bạn đang tươi cười hớn hở và dòng trò chuyện huyên thiên của tôi bỗng nhiên nghẽn lại vì tật nói lắp. Tôi cho rằng sau dần, tôi quen với điều đó. Nếu không thì tôi đã phải buộc tấm băng trên mắt không chỉ khi có một mình trong phòng mà cả khi ra phố, với chúng bạn. Người lạ có thể đi qua với nụ cười hạ cố. - Ôi, một trò đùa lỡ mốt - mà tôi thì đã già để không còn phiền lòng về tất cả những điều nhỏ mọn như vậy.

Câu chuyện tôi định kể là kinh nghiệm kiếm sống đầu tiên trong đời tôi. Tôi đã bắt đầu với con mắt bên phải vì hồi ức về kinh nghiệm mười năm trước đột ngột sống lại và hoàn toàn sáng tỏ khi con mắt đó của tôi bị chấn thương vào mùa xuân năm ngoái. Tôi phải nói thêm rằng, khi nhớ lại, tôi đã tự do thoát khỏi nỗi căm thù trong tim. Cuối cùng, tôi sẽ kể về chính cái tai nạn đó.

Mười năm trước, thị lực của tôi là 20/20. Giờ đây một con mắt đã hỏng. Thời gian đã đổi thay, thời gian đã quăng mình vọt khỏi ván bật nhảy của con mắt bị ném đá. Còn khi lần đầu tiên tôi gặp người đàn ông mắc bệnh tâm thần rất nhạy cảm đó, tôi mới chỉ có hiểu biết ngây thơ của một đứa trẻ về thời gian. Tôi chưa nhận biết được cái thời gian tàn nhẫn khoan xoáy con mắt của nó vào sau lưng tôi và cái thời gian tàn nhẫn đang nằm đợi chờ tôi ở phía trước.

Mười năm trước, tôi 18 tuổi, nặng 110 cân Anh, vừa bước chân vào đại học và đang tìm việc làm thêm. Mặc dù tôi đọc tiếng Pháp vẫn còn vất vả lắm, nhưng tôi muốn mua một bộ L’Âme Enchanté hai tập. Tôi muốn một bộ của Moscow, với không những phần lời nói đầu mà cả các chú dẫn cuối trang và ghi chú cuối sách bằng tiếng Nga, và những dòng kẻ nhỏ như sợi chỉ nối các từ trong bài khóa Pháp văn. Nó hơi lạ, nhưng mạnh mẽ và trau chuốt hơn bản tiếng Pháp và lại rẻ hơn nhiều nữa. Khi tôi phát hiện ra nó trong một hiệu sách chuyên về các ấn phẩm Đông Âu, tôi ngay lập tức hành động để kiếm bằng được bộ sách đó cho mình. Thời ấy, tôi thường không cưỡng nổi một vài sự say mê kỳ quái và điều đó không bao giờ làm phiền tôi, tôi vẫn có ý nghĩ rằng chừng nào tôi còn bị ám ảnh bởi một ham muốn gì đó, tôi không có bất cứ một việc gì khác để làm ngoài việc thực hiện cho được ham muốn ấy.

Vì mới vào đại học và chưa đăng ký ở trung tâm tìm việc, nên tôi kiếm việc làm thêm cho mình bằng cách đi một vòng tới tất cả những người quen biết. Cuối cùng, bác tôi giới thiệu tôi đến một ông chủ nhà băng có nhu cầu. “Anh đã xem phim Harvey chưa?”. Ông ta hỏi. Tôi đáp “rồi ạ” và cố nở một nụ cười khiêm nhường, tìm kiếm thiện cảm. Harvey là phim của Jimmy Stewanrt về một người đàn ông sống cùng một con thỏ giả tưởng to như một con gấu, bộ phim làm tôi cười muốn chết. Ông chủ nhà băng không đáp lại nụ cười của tôi:

- Gần đây, con trai tôi cũng có những ảo ảnh tương tự là nó đang sống với một con quái vật. Nó thôi không đi làm nữa mà ở lì trong phòng. Tôi muốn nó thỉnh thoảng ra ngoài chơi, nhưng, tất nhiên, nó sẽ cần một người đi kèm. Cậu có thể nhận việc đó chứ?

Tôi có biết chút ít về con trai ông chủ nhà băng. Ông ta là một nhà soạn nhạc trẻ đã giật được giải thưởng cho các tác phẩm âm nhạc ở Pháp, Ý và ảnh ông ta thường xuất hiện trên các tạp chí hàng tuần; mục “Những nghệ sĩ Nhật Bản của ngày mai”. Tôi chưa bao giờ nghe những tác phẩm lớn của ông nhưng đã xem vài phim do ông viết nhạc. Một cuốn phim về những cuộc phiêu lưu của một thanh niên hư hỏng, tôi nhớ trong đó có một đoạn nhạc trữ tình, ngắn, chơi trên kèn harmonica. Đoạn ấy tuyệt lắm. Khi xem ảnh ông, tôi nhớ là mình thường hình dung một người đàn ông chừng ba mươi tuổi (thực sự thì khi đó ông 28 tuổi, đúng bằng tuổi tôi bây giờ) đang sáng tác một bản nhạc cho kèn harmonica. Bởi vì chiếc kèn harmonica của tôi đã chuyển cho em trai tôi khi tôi vào trường tiểu học. Và vì tôi biết về nhà soạn nhạc tên D này nhiều hơn những sự kiện được sách báo nói đến, nên tôi còn biết rằng ông mới có một vụ tai tiếng. Nói chung tôi chẳng hề có gì khác ngoài sự khó chịu đối với các vụ tai tiếng nhưng tôi biết đứa bé sơ sinh của ông ta chết và vì vậy ông đã li dị bà vợ của mình và nghe đồn là đang quan hệ với một nữ nghệ sĩ điện ảnh. Tôi không biết rằng ông đang bị quấy nhiễu bởi con quái vật gì đó giống như con thỏ trong phim của Jimmy Stewanrt, bỏ việc và giam mình trong phòng riêng. Tình trạng của ông trầm trọng ra sao, tôi tự hỏi, một ca khủng hoảng thần kinh hay hoàn toàn điên loạn?

- Cháu không hiểu rõ lắm điều mà ông muốn đòi hỏi ở một người đi kèm - Tôi nói và lại cố cười - Tất nhiên, cháu muốn nhận làm nếu cháu có đủ khả năng.

Che giấu sự tò mò và e ngại, tôi cố gắng làm cho giọng điệu và sự diễn đạt của mình có thể gây thiện cảm nhiều nhất. Chỉ là một việc làm thêm thôi nhưng đây là cơ hội đầu tiên mà tôi có và tôi quyết định sẽ tận dụng nếu có thể.

- Khi con trai tôi muốn đi đâu đó ở Tokyo, anh sẽ đi theo - chỉ vậy thôi. Ở nhà tôi đã có một cô y tá và cô ấy cũng chẳng gặp khó khăn gì khi trông giữ con trai tôi, vì vậy anh đừng lo lắng về bạo lực - Ông chủ nhà băng biến tôi thành anh lính lộ mặt nhát gan.

Tôi ngượng đỏ cả mặt và cố gắng cứu vớt tình thế, tôi nói:

- Cháu rất yêu âm nhạc, cháu kính trọng các nhà soạn nhạc hơn mọi người khác, vì vậy cháu sẽ tìm cách gặp gỡ và chuyện với ông D.

- Dạo này nó chỉ nghĩ về cái đang ở trong đầu nó và chỉ trò chuyện với cái đó thôi. - Ông chủ nhà băng trả lời một cách cục cằn khiến mặt tôi càng đỏ lựng lên.

- Anh có thể đến gặp con tôi vào ngày mai. - Ông ta nói.

- Ở nhà của ông ạ?

- Đúng thế, anh cho rằng nó đang ở trong nhà thương điên chắc? - Giọng nói của ông ta khiến tôi nghĩ rằng ông ta là người khó chịu nhất trong những người tính tình cáu kỉnh, thô lỗ.

- Nếu cháu được nhận làm. - Tôi nói, mắt cắm xuống sàn - cháu sẽ vô cùng cảm ơn ông. - Tôi gần muốn khóc.

- Không, nó sẽ thuê anh - (Sau này, tôi sẽ gọi D là ông chủ của tôi) - vì vậy không cần phải cảm ơn tôi. Tất cả những gì mà tôi quan tâm là nó đừng mắc vào một rắc rối có thể gây tai tiếng nữa, thế thôi. Phải lo lắng cho sự nghiệp của nó. Tất nhiên, điều mà nó làm lại ảnh hưởng đến tôi.

À, ra vậy! Tôi sẽ được thuê làm người lính canh đạo đức, gác cho gia đình ông chủ nhà băng khỏi bị nhiễm bệnh bởi những chất độc tai tiếng một lần thứ hai nữa. Tất nhiên, tôi chẳng nói gì, chỉ gật đầu một cách thật tin tưởng sốt sắng muốn sưởi ấm trái tim băng giá của ông chủ nhà băng với ngọn lửa tín nhiệm nơi tôi. Tôi thậm chí cũng không hỏi câu hỏi cần thiết nhất, tuy thực khó nói, rằng con quái vật vẫn quấy nhiễu con trai ông ta phải chăng là một con thỏ như của Harvey, cao tới gần sáu bộ? Hay là một tạo vật tua tủa tóc tai như Người Tuyết Tấn Công? Nó là loại quái vật nào chứ? Rốt cuộc, tôi chỉ giữ im lặng và tự khích lệ bản thân rằng tôi có thể tìm ra điều bí mật bằng cách kết bạn với cô y tá.

Tôi rời khỏi văn phòng ông chủ nhà băng và khi bước dọc hành lang, nghiến răng ken két vì bị xúc phạm như thể Julien Sorel sau cuộc gặp với một nhân vật quan trọng, tôi trở nên hoàn toàn tự chủ, kiểm nghiệm lại xử sự ấy. Khi từ trường đến, tôi không lựa chọn để tìm kiếm một công việc oái oăm, liều mạng như vậy, tôi tin rằng hồi ức về cuộc đối thoại với ông chủ nhà băng rất thiếu hòa nhã kia đã đóng một vai trò to lớn trong quyết định của tôi.

Mặc dù vậy, hôm sau, khi học xong, tôi lên tàu tới vùng ngoại ô nơi nhà soạn nhạc cư trú. Khi qua cổng tòa nhà, tôi nghe tiếng rống của những con thú như giữa một thảo cầm viên lúc đêm khuya. Tôi co rúm cả người, mất hết can đảm. Chao ôi, nếu đó lại là tiếng gầm thét của ông chủ tôi? Lúc ấy, tôi không hề nghĩ đến điều khá hơn, đó có thể là tiếng con quái vật vẫn quấy nhiễu D, giống như con thỏ của Jimmy Stewanrt. Dù chúng là tiếng gì đi nữa, rõ ràng chúng làm tôi cuống đến mức cô giúp việc ra chỉ đường cho tôi không sao nhịn được, cười phá lên. Tiếp theo, tôi phát hiện một người nữa cũng đang cười, không thành tiếng. Ông ta ngồi trong bóng tối bên cửa sổ một ngôi nhà nhỏ trong vườn. Đó chính là người sẽ thuê tôi làm việc, ông ta cười như một khuôn mặt trên phim, lặng ngắt. Và sôi sục xung quanh ông tiếng rít rú, gầm gào của những con thú hoang dã. Nghe gần hơn, tôi nhận ra tiếng vài con thú cùng loại đang đồng thanh tru lên. Với cái giọng chói lọi kinh khủng như không thể thuộc về trái đất của chúng ta. Bị cô giúp việc bỏ rơi bên lối vào, tôi kết luận rằng tiếng rít gào chắc là từ những băng cassette của nhà soạn nhạc, tôi lấy lại can đảm, bước tới và mở cửa.

Bên trong, ngôi nhà nhỏ giữa vườn khiến tôi nghĩ đến một nhà trẻ. Trong căn phòng lớn có hai đàn piano, một cái organ điện tử, vài máy ghi âm, một cái casstte, một “bộ hòa âm” radio. Gần như không có chỗ cho anh bước vào. Cái trông như một con chó đang ngủ trên sàn nhà, hóa ra lại là một cây kèn tuba bằng đồng thau màu đỏ. Căn phòng đúng như tưởng tượng của tôi về một studio của nhà soạn nhạc, tôi thậm chí ngỡ mình đã từng nhìn thấy nó khi nào đó rồi trước đây. D ngừng làm việc và thu mình trong phòng - cha ông có lầm lẫn gì về những điều đó chăng?

Nhà soạn nhạc vừa cúi xuống để tắt máy thu băng. Giữa đống hỗn độn không phải là không có trật tự riêng của nó, ông ta di chuyển tay rất lanh lẹ và những tiếng thú gào rú bỗng rơi vào im lặng tăm tối. Rồi ông bước tới, hướng về phía tôi, với một nụ cười thực sự thanh thản.

Nhìn quanh phòng, không thấy cô y tá đâu, tôi có hơi e dè, lo ngại, nhưng nhà soạn nhạc không khiến tôi có lý do gì để ngờ rằng ông sắp gây bạo lực.

- Cha tôi đã nói với tôi về anh. Vào đi, ở đằng này có chỗ đấy. - Ông nói bằng một giọng trầm buồn, âm vang.

Tôi tháo giày, đi chân không trên thảm. Rồi tôi nhìn quanh, tìm chỗ để ngồi xuống, nhưng ngoài những cái ghế tròn phía trước các cây đàn organ và piano, chẳng còn chút đồ đạc nào trong phòng, ngay cả đến một cái ghế nệm cũng không. Vì vậy, tôi đặt chân vào khoảng giữa một cặp trống và vài hộp băng rỗng, đứng ở đấy một cách gò bó. Nhà soạn nhạc cũng đang đứng, hai tay dang ra. Tôi tự hỏi không hiểu ông có bao giờ ngồi xuống không. Ông không bảo tôi ngồi, cứ đứng đó, im lặng và mỉm cười.

- Tiếng những con khỉ phải không ạ? - Tôi nói, cố gắng phá vỡ sự im lặng đe dọa sẽ kết chặt nhanh hơn bất kỳ loại xi măng nào.

- Tê giác - chúng rống lên kiểu đó vì tôi đã tăng tốc độ và mở lớn âm lượng của máy. Tôi nghĩ chúng là tê giác - vì tê giác là loài thú mà tôi yêu cầu người ta ghi âm tiếng gầm gào của chúng vào cái băng này - tất nhiên, tôi cũng không thể chắc chắn về điều đó. Nhưng bây giờ đã có anh ở đây rồi, tôi sẽ có khả năng tự đi đến vườn thú.

- Tôi có thể hiểu điều đó có nghĩa tôi đã được nhận việc chăng?

- Tất nhiên rồi. Tôi sẽ không bảo anh ra ngoài để kiểm tra, thử thách anh đâu. Một người điên làm sao có thể kiểm tra người tỉnh chứ? - Người sẽ là chủ của tôi nói câu ấy một cách thản nhiên và gần như ông ta chẳng chút buồn phiền. Ông khiến tôi cảm thấy khinh bỉ sự xum xoe, khúm núm đã có trong câu hỏi của mình. - Tôi có thể hiểu điều đó có nghĩa tôi đã được nhận việc chăng? - Nghe như giọng một nhân viên bán hàng! Nhà soạn nhạc khác hẳn nhà doanh nghiệp là cha của ông và tôi có thể thẳng thắn hơn với ông ta.

- Tôi mong ông đừng tự gọi mình là người điên, như thế sẽ rất bất tiện đối với tôi. - Cố gắng để thẳng thắn, trung thực là một chuyện, nhưng diễn đạt như vậy mới ngu xuẩn làm sao! Nhưng nhà soạn nhạc đã ngắt lời tôi:

- Được thôi, nếu anh cảm thấy thế. Tôi thì cho rằng điều đó sẽ làm cho công việc dễ dàng hơn.

Công việc là một từ mơ hồ. Nhưng, ít ra thì suốt vài tháng đó, mỗi tuần tôi đến thăm ông một lần, nhà soạn nhạc chẳng bao giờ đề cập đến công việc ngoài việc đến vườn thú để ghi âm tiếng tê giác thực thụ cho bản thân ông. Ông chỉ lang thang quanh Tokyo, đi bộ hoặc đi xe khách, thăm một vài địa điểm. Khi ông đề cập đến công việc, hẳn là trong óc ông phải nghĩ đến tôi. Và tôi đã làm rất nhiều; tôi thậm chí đã phải đi công cán một chuyến cho ông, tới tận Tokyo.

- Khi nào thì tôi sẽ bắt đầu? - Tôi nói.

- Ngay lập tức nếu nó phù hợp với anh. Ngay bây giờ.

- Nó phù hợp với tôi rồi.

- Tôi phải chuẩn bị một chút. Anh đợi ở ngoài nhé!

Đầu cúi xuống một cách thận trọng, cứ như ông đang bước trên đầm lầy, người chủ của tôi đi về phía cuối căn phòng qua các nhạc cụ, máy móc và những chồng bản thảo, đến một cánh cửa gỗ màu đen. Cánh cửa mở ra rồi đóng lại sau khi ông đã bước qua. Tôi nhìn lướt thấy một người đàn bà mặc đồng phục y tá, chừng bốn mươi tuổi; có khuôn mặt hơi dài với những vết sậm trên má, có thể là vết nhăn hoặc vết sẹo. Tay phải của bà ta gần như ôm lấy nhà soạn nhạc, đẩy ông vào phòng trong, còn tay trái, bà khép cửa lại. Nếu đây là một công đoạn của cả tiến trình thường lệ, tôi sẽ không có dịp trò chuyện với bà y tá trước khi đi cùng ông chủ tôi. Đứng trước cánh cửa đóng kín, nơi tối nhất trong căn phòng mờ ảo, tôi ngọ nguậy chân trong giày và cảm thấy nỗi lo lắng về công việc ngày càng tăng lên. Nhà soạn nhạc thường cười và khi tôi nhắc nhở, ông trả lời. Nhưng ông không tự nguyện lắm. Người ta che giấu tôi điều gì đó chăng? Tôi tự hỏi. Vì “đợi ở ngoài” có hai cách hiểu nghĩa, và vì tôi quyết tâm rằng mọi việc trong công việc đầu tiên này phải thật hoàn hảo nên tôi đứng đợi ông chủ bên trong cánh cửa chính, nơi từ đó tôi có thể nhìn thấy ngôi nhà nhỏ trong vườn.

D thấp bé, mảnh khảnh, chỉ cái đầu là có vẻ to hơn tất cả. Để che bớt cái trán dô, ông ta chải mái tóc mịn mượt, màu nhợt, được gội kỹ lưỡng của ông, che phủ xuống lông mày. Miệng và hàm đều nhỏ hẹp, còn răng của ông ta thì khấp khểnh tệ hại. Đôi mắt sâu, màu mắt khiến gương mặt ông toát lên vẻ nghiêm trang, nhưng khi ông nở nụ cười yên bình thì gương mặt ông trở nên rất dễ chịu. Về ấn tượng chung, con người này gợi ta nghĩ đến một chú chó. Ông ta mặc cái quần nỉ, và một chiếc áo len với những đường sọc trông giống những hàng quân bọ chét. Đôi vai ông ta hơi khom xuống còn đôi tay thì dài một cách dị thường.

Khi bước ra khỏi cửa sau ngôi nhà, ông chủ tôi mặc một chiếc áo len không tay màu xanh nhạt bên ngoài một áo len khác và đi một đôi giày tennis màu trắng. Ông khiến tôi nhớ lại một ông thầy dạy nhạc ở trường phổ thông. Một tay ông cầm chiếc khăn màu đen, ông có vẻ bối rối không biết có nên quàng nó vào cổ không, và khi thấy tôi đứng đợi ở cổng, ông lúng túng nhe răng cười. Suốt thời gian tôi làm việc với ông, trừ lần cuối cùng khi ông nằm trên giường bệnh, ông luôn ăn mặc như vậy. Tôi nhớ rất rõ trang phục của ông vì tôi luôn cảm thấy hài hước khi nhìn một người đàn ông lớn tuổi mặc chiếc áo len không tay, trông cứ như một người đàn bà cải trang vậy. Ông đi qua những bụi cây thấp tiến về phía tôi, cái tay cầm khăn giơ lên vẫy vẫy. Sau cùng, ông quấn khăn quanh cổ. Lúc đó đã bốn giờ chiều và ngoài trời khá lạnh.

D ra khỏi cổng, còn tôi thì theo sau ông (đúng như quan hệ của người làm thuê với ông chủ). Tôi có cảm giác mình đang bị theo dõi và quay đầu lại nhìn quanh: đằng sau cái cửa sổ mà lần đầu tiên tôi đã thấy ông chủ của tôi, bà y tá bốn mươi với những vết nhăn hay vết sẹo trên má, đang theo dõi chúng tôi với cái vẻ của một người lính đã bàn giao nhiệm vụ, đứng lại nhìn người lính nhận ca đi tiếp. Môi bà ta mím chặt như miệng của con rùa. Tôi quyết tâm sẽ sớm tìm cái gì đó bất thường ở bà ta? Bà chăm sóc cho một người đàn ông trẻ tuổi mắc bệnh tâm thần, thế mà khi bàn giao, bà không có gì để nói lại cho người sẽ đi kèm ông ấy. Một sự vô tâm nghề nghiệp chăng? Việc giúp đỡ người mới vào việc như tôi không phải trách nhiệm của bà chăng? Hay ông chủ tôi là một bệnh nhân hiền lành, vô hại chẳng có gì để kể?

Khi đi trên vỉa hè, đôi mắt trông mỏi mệt, sâu tối của ông đảo chớp lia lịa, hết ngước lên lại nhìn xuống đường phố vắng người. Tôi chẳng hiểu đó có phải là dấu hiệu triệu chứng bệnh tật của ông hay không, hoặc giả, những hành động đột ngột, ngắt quãng thuộc về thói quen của ông. Nhà soạn nhạc ngước lên bầu trời cuối thu, trong sáng, nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, cứ thế liên tục. Có cái gì đó rất diễn cảm trong đôi mắt sâu thẳm ấy. Rồi ông ta ngừng nhấp nháy mắt và có vẻ tập trung hơn, như đang dò xét bầu trời. Tôi đứng chếch sau ông ta, theo dõi, và cái gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với tôi là chuyển động của trái táo Adam của ông ta, nó to như một nắm đấm. Tôi băn khoăn suy nghĩ: phải chăng định mệnh của ông ta là trở thành một con người to lớn, rồi có lẽ điều gì đó đã cản trở sự trổ vóc của ông từ thuở sinh thời và giờ đây chỉ có cái đầu, từ cổ trở lên là còn nhắc nhở đến người khổng lồ mà ông định trở thành.

Khi nhìn xuống, ông chủ bắt gặp đôi mắt bối rối, dò hỏi của tôi. Ông nói thản nhiên, và với một giọng chắc chắn không cho phép sự hồ nghi hay phản đối:

- Vào một ngày trời trong sáng, anh có thể nhìn thấy những vật bay lượn trên cao kia rất rõ. Tôi thấy thằng bé bay cùng những vật đó và thường đến gặp tôi mỗi khi tôi ra phố.

Tôi bỗng hoảng hốt. Rời mắt khỏi ông chủ, tôi tự hỏi bằng cách nào có thể thoát ra khỏi thử thách đầu tiên mà tôi đã chạm trán bất ngờ đến thế. Tôi sẽ giả bộ tin vào cái mà ông ta đã gọi là “thằng bé”, hay đó chỉ là một sự nhầm lẫn thôi? Tôi đang đối diện với một người điên lên cơn mê loạn hay nhà soạn nhạc là một tay hài hước đang chọc đùa tôi? Thấy tôi đứng đó, ủ rũ, chán nản, ông ta giúp đỡ tôi:

- Tôi hiểu, anh không nhìn được những hình ảnh bay lượn trên trời và anh sẽ không nhận ra thằng bé ngay cả khi nó ở ngay đây, sát bên anh. Tất cả những gì tôi muốn đòi hỏi ở anh chỉ là anh đừng làm gì kinh ngạc khi nó hạ xuống đất, thậm chí khi tôi nói chuyện với nó. Vì nếu anh phá lên cười hoặc cố bắt tôi im lặng, anh sẽ làm cho nó nổi giận. Còn nếu anh vô tình chú ý đến cuộc trò chuyện của chúng tôi, thì tôi muốn anh ủng hộ tôi, tôi sẽ rất biết ơn nếu anh phụ họa cùng tôi, nói vài điều gì đó, anh biết đấy, vài điều tán thưởng, đồng tình ấy mà. Anh hiểu chứ, tôi sẽ giải thích cho thằng bé rằng Tokyo giống một thiên đường. Có thể đối với anh Tokyo có vẻ một thiên đường rồ dại, nhưng anh cứ nghĩ nó là một thiên đường đi, dù với ý châm biếm cũng được, và dù thế nào, anh cũng hãy đồng tình với tôi, ít nhất là những khi thằng bé xuống đây gặp tôi.

Tôi lắng nghe chăm chú và nghĩ rằng tôi đã hiểu điều mà ông chủ trông đợi ở tôi, dù chỉ hiểu đại khái. Rốt cuộc, “thằng bé” ấy là một con thỏ, to lớn như người ta, cư ngụ trên bầu trời chăng? Nhưng tôi không hỏi ông ta về điều đó, tôi tự kiềm chế để chỉ hỏi:

- Bằng cách nào tôi biết được anh ta sẽ xuống đây với ông?

- Chỉ cần quan sát tôi thôi, nó chỉ đến gặp khi tôi đi ra phố.

- Thế còn khi ông ở trong xe hơi?

- Trong xe hơi hoặc trên tàu hỏa, khi tôi ngồi cạnh cửa sổ mở, nó cũng thường xuất hiện. Đã có những lần nó hiện ra khi tôi ở nhà nữa, đứng cạnh cửa sổ để mở ấy.

- Thế còn... ngay bây giờ thì sao? - Tôi hỏi một cách khó khăn. Giọng tôi nghe chắc là giống như của một thằng học trò ngu ngốc không sao nắm được phép tính nhân.

- Hiện bây giờ chỉ có tôi và anh thôi. - Ông chủ đáp, hiền hậu. - Vì sao hôm nay chúng ta không đi Shinjuku nhỉ? Lâu lắm rồi tôi không đi tàu hỏa.

Chúng tôi đi bộ đến nhà ga. Suốt dọc đường, tôi luôn để mắt trông chừng dấu hiệu về cái gì đó sẽ hiện ra bên cạnh ông chủ tôi. Nhưng cho đến khi đã lên tàu và tôi có thể mở miệng chuyện trò, chẳng có gì xuất hiện cả. Một điều đã khiến tôi chú ý: nhà soạn nhạc làm ngơ trước tất cả mọi người trên phố, ngay cả khi họ chào hỏi ông. Cứ như thể chính ông không tồn tại, cứ như thể những người bước tới “xin chào” và “anh có khỏe không?” đều chỉ là ảo ảnh, ông chủ tôi hoàn toàn từ chối mọi đề nghị tiếp xúc.

Một chuyện tương tự đã xảy ra ở cửa bán vé. D đơn phương cắt bỏ quan hệ với người người khác. Đưa tôi 1000 yên, ông ta bảo tôi đi mua vé, đến khi tôi trao lại tấm vé của ông, ông cũng không chịu cầm. Tôi phải dừng lại ở cổng, chờ soát vé cho cả hai trong khi D băng qua cái cửa xoay, vào sân ga, chẳng bị ai cản trở, như ông là một người vô hình vậy. Ngay cả khi ngồi trên tàu, ông cũng xử sự như thể các hành khách khác không hơn gì không khí vậy. Thu mình trong chỗ ngồi ở góc xa nhất, ông nhắm mắt lại và im lặng. Tôi đứng trước mặt ông theo dõi trong nỗi lo sợ ngày càng tăng bất cứ cái gì bay lượn qua cửa sổ mở và sẽ đáp xuống bên cạnh ông ta. Tất nhiên, tôi không tin có quái vật. Tôi chỉ quyết tâm không để sổng mất giây phút ngắn ngủi nào đó khi mà những ảo ảnh quấy nhiễu ông ta. Tôi cảm thấy mắc nợ ông nhiều hơn số tiền công ông đã trả cho mình. Nhưng ông ta chỉ ngồi bất động như con thú nhỏ giả chết suốt đường đến ga Shinjuku và tôi ngờ rằng không hề có ai từ bầu trời tới viếng thăm ông cả. Tôi cho là, chừng nào còn có nhiều người ở quanh chúng tôi, ông chủ còn tiếp tục làm một con hến câm lặng và ủ rũ.

Chúng tôi ra khỏi ga và đang đi bộ trên phố. Trời đã sắp tối, chỉ còn ít người trên đường, chúng tôi vượt qua một nhóm nhỏ đang tụ tập ở góc phố. Chúng tôi dừng bước, nhìn thấy đám người này vây quanh một ông già đang quay nhìn khắp phố nhưng hình như chẳng nhìn vào bất kỳ ai. Mặt mũi ông ta trông khá đàng hoàng. Ôm chặt một cái cặp và một cái ô vào ngực, tay vò tung mái tóc bạc bôi sáp thơm, ông ta đang điên cuồng giậm chân và la hét như một con hải cẩu. Đám đông vây quanh ông, mặt đều tái xám và sạm khô trong cái lạnh chiều tối, riêng khuôn mặt ông già hồng hào, ướt mồ hôi và chừng như sắp bốc khói.

Tôi bỗng để ý thấy D, lúc trước đứng ngay cạnh tôi, đã lùi lại vài bước, đang vòng một cánh tay quanh đôi vai của một người vô hình nào đó cao gần bằng ông. Ông chăm chú nhìn vào khoảng không gian phía trên vòng ôm trống rỗng của ông một chút với vẻ đầy đau đớn, dằn vặt. Đám đông mải chú ý vào ông cụ già nên không thấy màn biểu diễn đó của D, nhưng tôi thì vô cùng hãi sợ. Chậm chạp, nhà soạn nhạc quay lại phía tôi, như thể ông muốn giới thiệu tôi với một người bạn. Tôi không biết phải đáp lại thế nào, tất cả những gì tôi có thể làm là luống cuống và đỏ mặt. Y như bạn đã quên béng những câu thoại ngớ ngẩn bạn phải nói trong một vở kịch ở trường trung học. Nhà soạn nhạc vẫn nhìn tôi chằm chằm và giờ đây có sự phiền lòng trong đôi mắt của ông. Vì lợi ích của người khác đến thăm ông từ bầu trời cao, ông muốn tôi giúp đỡ, giải thích rằng cụ già kia, không phải điên rồ, bực bội gì cả, chỉ đang dạo chơi vô tư trên phố mà thôi. Ôi, sự giải thích hoang đường như chính thiên đàng! Tất cả những gì tôi có thể thực hiện là tự hỏi một cách ngu xuẩn không hiểu ông già kia có phải đã chịu khổ sở vì điệu múa của Thánh Vitus hay chăng?

Khi tôi buồn bã lắc đầu im lặng, trong mắt ông chủ tôi tắt đi cái ánh nhìn cầu khẩn. Ông thả rơi cánh tay như đang rời xa một người bạn. Rồi ông chầm chậm ngước nhìn lên bầu trời cho đến khi đầu ông ngả hẳn ra sau và trái táo Adam to tướng nhô hoàn toàn ra phía trước. Cái bóng ma đã trở về trời, còn tôi thật sự hổ hẹn: tôi không tương hợp với công việc của mình. Tôi đứng đó, tay dang ra, nhà soạn nhạc bước nhanh về phía tôi và bảo rằng ngày đầu tiên cho công việc của chúng tôi đã xong.

- Bây giờ chúng ta có thể về nhà thôi. Hôm nay thằng bé đã xuống đất một lần và anh chắc là đã mệt lắm rồi.

Tôi mệt thực sự sau tất cả sự việc căng thẳng vừa rồi. Chúng tôi trở về trên một chiếc xe tắcxi, cửa sổ đóng, và ngay sau khi được trả tiền, tôi rút lui. Nhưng tôi không đi thẳng ra ga mà đứng đợi đằng sau một cây cột điện thoại xéo chếch trước ngôi nhà. Hoàng hôn thẫm dần, bầu trời rạng hồng lên. Và đúng khi đêm xuống, bà y tá, mặc một chiếc váy ngắn màu sắc mờ nhòa trong bóng tối, xuất hiện qua cái cổng chính, tay đẩy một chiếc xe đạp kiểu mới. Trước khi bà ta leo lên xe, tôi chạy kịp tới nơi. Không mặc đồng phục y tá, bà ta chỉ là một phụ nữ bình thường nhỏ bé chừng bốn mươi, trên gương mặt không còn chút gì vẻ bí mật mà tôi thấy qua cửa sổ căn nhà trong vườn. Sự xuất hiện của tôi đã quấy cản bà. Bà ta không đạp xe đi được nhưng cũng không chịu đứng yên, bà ta dắt xe đi bộ khi tôi đề nghị giải thích về tình trạng ông chủ chung của chúng tôi. Bà ta thoạt tiên phàn nàn, phản đối nhưng tôi túm chặt lấy cái yên xe. Khi bà ta bắt đầu nói, cái hàm dưới xấu xí kỳ dị đẩy ra khép vào ở mỗi chỗ ngắt câu. Bà ta đúng thực là một con rùa đang trò chuyện.

- Ông ta nói đó là một đứa bé mập mạp mặc đồ ngủ bằng cotton màu trắng. To lớn như một chú Kangaroo, ông ta tả như vậy. Hình như nó sợ chó và cảnh sát, và nó từ trên trời cao bước xuống. Ông ta bảo tên nó là Aghwee! Tôi khuyên anh, nếu tình cờ anh đang ở cạnh khi ma quỷ quấy quả ông ta, tốt nhất hãy giả bộ câm, anh không nên bắt chuyện - đừng quên rằng anh đang đi với một người khùng! Và điều này nữa, anh đừng đưa ông ta tới bất cứ chỗ nào vui nhộn, ngay dù ông ta có muốn thế cũng mặc. Và trên tất cả mọi điều, tất cả những gì chúng ta cần ở quanh đây là một chút bệnh lậu!

Tôi đỏ cả mặt, trả lại chiếc yên xe. Bà y tá, nhấn chuông inh ỏi, đạp đi, biến mất trong bóng tối nhanh như đi trên cà kheo. Á à, một đứa trẻ mập mạp, trong bộ đồ ngủ bằng cotton trắng, to như một con Kangaroo!

Tuần sau đó, khi quay trở lại ngôi nhà, ông chủ nhìn thẳng vào tôi với đôi mắt màu nâu trong sáng và làm tôi bối rối bằng câu nói mở đầu dù không hẳn là khiển trách.

- Tôi nghe nói anh đã đợi bà y tá và hỏi bà ta về người khách vẫn từ trời xuống thăm tôi. Anh làm cho công việc của mình trở nên nghiêm túc quá.

Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đáp tàu đi ngược hướng chuyến đi hôm trước, chừng nửa tiếng thì tới một vùng quê. Chúng tôi đến một công viên nằm trên bờ sông Tama. May mắn cho tôi, đứa bé to như một con Kangaroo đã hiện ra thăm viếng D khi ông ta chơi trò Thuyền Buồm Giữa Không Trung, nghĩa là ngồi trên những hộp gỗ trông giống các thuyền buồm được nâng từ từ lên cao nhờ những cánh đỡ của một loại cối xay gió. Đứng dưới đất, tôi theo dõi nhà soạn nhạc trò chuyện với một hình bóng tưởng tượng bên cạnh ông. Và khi người khách ấy chưa trở về trời thì D còn từ chối, không chịu xuống đất; ông ta ra hiệu cho tôi chạy đi mua hết vé này đến vé khác để ông chơi tiếp.

Một sự kiện khác gây ấn tượng mạnh cho tôi trong ngày hôm đó xảy ra khi chúng tôi đang đi qua công viên về phía cổng ra. D vô tình bước vào chỗ xi măng còn ướt. Khi nhìn thấy vết chân mình trên lớp xi măng, ông trở nên bứt rứt, khó chịu lạ lùng. Ông khăng khăng không chịu rời đi chỗ khác cho đến khi tôi phải điều đình với mấy người thợ, trả họ ít tiền để họ dùng bay tô trát lại, xóa sạch dấu vết chân. Đó là lần duy nhất nhà soạn nhạc biểu lộ sự hung hãn, bướng bỉnh trong bản tính của ông ta. Trên đường trở về, ngồi trên tàu hỏa, hình như ông ta hối hận đã quát mắng tôi, ông xin lỗi bằng cách giải thích:

- Tôi không còn sống trong thời hiện tại nữa, ít nhất là về mặt ý thức. Anh có hiểu biết quy tắc chế ngự những chuyến đi trở về quá khứ trên chiếc máy thời gian không nhỉ? Chẳng hạn, có một người quay ngược trở lại một vạn năm trước, anh ta không dám làm bất cứ điều gì có thể lưu lại dấu vết của mình trong thế giới quá khứ ấy. Vì anh ta không hề tồn tại trong thời gian một vạn năm trước, nếu anh ta để lại bất cứ dấu vết gì đằng sau thì kết quả có thể sẽ là một sai sót, sai sót có thể nhỏ thôi nhưng vẫn cứ là sai sót, cho toàn bộ lịch sử từ vạn năm cũ ấy đến tận bây giờ. Quy luật là thế đấy, và vì tôi không sống trong thời hiện tại này anh ạ, nên tôi không được phép làm bất cứ điều gì trong thế giới này mà còn để lưu lại một dấu ấn gì.

- Nhưng tại sao ông lại ngừng sống trong thời gian hiện tại ạ? - Tôi hỏi.

Ông chủ tôi cuộn người lại như một trái golf và làm lơ, không trả lời. Tôi hối tiếc vì những phát ngôn thiếu kiềm chế của mình, tôi đã vượt quá những giới hạn cho phép, đã quá quan tâm đến vấn đề của D. Có lẽ bà y tá nói đúng, làm một người câm là cách thức duy nhất hợp lý, tôi không đủ sức để can thiệp. Tôi không giải quyết được gì cả.

Sau chuyến đi đó, chúng tôi thỉnh thoảng lại dạo quanh Tokyo, và chính sách mới của tôi đã thành công. Nhưng đến một ngày, vấn đề của ông chủ liên quan đến tôi, bắt tôi tham dự dù tôi muốn hay không muốn. Buổi chiều đó, chúng tôi cùng lên một chiếc xe hơi, và lần đầu tiên từ khi tôi nhận việc, D nêu ra một địa điểm xác định để bảo người lái xe đưa chúng tôi đến đó. Một căn hộ ở Daikan Yama, trông phô trương như một khách sạn. Khi tới nơi, D ngồi chờ trong quán cà phê bên dưới, bảo tôi một mình trèo lên thang máy để mang xuống cho ông cái mà người ta sẽ đưa cho tôi. Người đó là vợ trước của ông, đang sống một mình trong căn hộ này.

Tôi gõ vào cánh cửa khiến tôi nghĩ đến những căn phòng ở Sing Sing (hồi đó tôi rất hay đi xem phim và đến 95% hiểu biết của tôi từ các phim đó). Một người đàn bà thấp lùn với bộ mặt béo mập, đỏ đắn trên cái cổ cũng mập ù ra mở cửa. Bà ta bảo tôi tháo giày, bước vào trong rồi chỉ một cái sofa gần cửa sổ cho tôi ngồi. Đây chắc hẳn là cách mà xã hội thượng lưu đón một khách lạ, tôi còn nhớ lúc ấy đã nghĩ như vậy. Tôi chỉ là con trai của một nông dân nghèo, việc từ chối lời mời của bà ta, không bước vào nhà mà chỉ đứng ở cửa hỏi xin món đồ tôi phải mang xuống cho ông chủ, gần như đòi hỏi một lòng can đảm dám đương đầu thách thức cả giới thượng lưu Nhật Bản, chẳng khác nào một gã đồ tể dám dọa nạt đức vua Louis XIV. Nên tôi đã làm đúng như bà ta bảo. Lần đầu tiên trong đời, tôi bước vào một căn hộ đồng thời là studio bố trí theo phong cách Mỹ.

Bà vợ cũ của nhà soạn nhạc rót cho tôi ít bia. Bà ta có vẻ già hơn D đôi chút. Mặc dù điệu bộ của bà khá đàng hoàng, nói năng cũng kiểu cách, nhưng bà ta quá đồ sộ nên trông không được sang trọng, cao quí. Bà ta mặc bộ đầm bằng vải khá dày có những đường viền theo kiểu trang phục của phụ nữ Ấn Độ, đeo chiếc dây chuyền vàng có nạm kim cương giống tác phẩm của thợ thủ công ở Inca (bây giờ nghĩ lại, tôi thấy tất cả đều toát mùi đặc trưng của những cuốn phim tôi đã xem). Cửa sổ nhà bà ta trông xuống phố xá Shibuya, nhưng ánh sáng từ đường phố tràn vào căn hộ qua cửa sổ hình như làm bà khó chịu. Bà ta liên tục đổi chỗ trên ghế, chìa ra trước mắt tôi đôi chân cũng tròn và đỏ vằn lên như cái cổ, trong khi bà hỏi tôi bằng giọng của một người hỏi thi. Tôi nghĩ rằng tôi là nguồn thông tin duy nhất của bà về người chồng cũ. Hớp từng ngụm bia đen và đắng như thể đang uống cà phê nóng, tôi cố trả lời bà với tất cả khả năng của mình. Nhưng hiểu biết của tôi về D hết sức ít ỏi và không chính xác nữa nên tôi không thể làm bà vừa lòng được. Rồi, bà ta bắt đầu tra hỏi về cô bạn gái nghệ sĩ của D, cô ta có gặp gỡ ông không và những chuyện đại loại như thế nhưng tôi chẳng biết nói gì. Thật bực mình, tôi nghĩ, đó đâu phải việc của bà ta chứ, bà ta không có chút kiêu hãnh nữ tính nào chắc?

- D vẫn gặp bóng ma đó, phải không? - Cuối cùng, bà ta hỏi.

- Vâng đó là một đứa trẻ to bằng con Kangaroo mặc đồ ngủ cotton màu trắng, ông ta nói nó là Aghwee, bà y tá kể lại cho tôi như vậy. - Tôi nói một cách hăm hở, nhiệt tình, vui sướng vì tìm được một câu hỏi mà tôi có thể trả lời được thành thạo. - Nó thường bay lượn trên trời nhưng đôi khi đáp xuống cạnh D.

- Aghwee, anh nói tên nó là Aghwee à? Thế thì nó chắc là hồn ma của đứa con chúng tôi đã chết. Anh có biết vì sao ông ta gọi tên nó là Aghwee không? Vì đứa bé chỉ nói có đúng một lần khi còn sống và từ mà nó nói là Aghwee. Thật là sướt mướt, ủy mị khi đi đặt tên cho bóng ma ám ảnh mình, phải không nào? - Người đàn bà nhạo báng và từ mồm bà ta toát ra một mùi hôi khó chịu. - Con chúng tôi ra đời với một cái bướu trên lưng khiến nó trông như có hai đầu. Bác sĩ chẩn đoán nó mắc bệnh thoát vị não. Khi biết tin đó, D quyết định phải bảo vệ ông ta và tôi khỏi thảm họa, vì vậy, ông ta đã cùng tay bác sĩ giết đứa bé. Tôi cho rằng họ đã cho nó uống nước đường thay sữa và vì vậy đứa bé khóc gào rất to. Chồng tôi đã giết đứa bé vì ông không muốn chúng tôi phải mang gánh nặng một đứa trẻ chỉ có thể hoạt động như thực vật, điều mà bác sĩ nọ đã tiên đoán. Ông ấy đã hành động thực là ích kỷ. Nhưng, sau đó, người ta mổ xẻ, phân tích, cái bướu kia hóa ra chỉ là một u lành. Từ đó, D bắt đầu nhìn thấy những bóng ma, anh biết đấy, ông ấy đã đánh mất sự can đảm cần thiết để chấp nhận sự ích kỷ của chính mình, vì vậy, ông ấy chối bỏ chính cuộc đời ông ấy hệt như ông ấy đã từ chối không cho đứa bé sống. D không tự sát, mà chỉ trốn khỏi thực tại, bước vào thế giới của ma quỷ. Nhưng nếu tay anh đã nhuốm máu với tội sát hại một trẻ thơ vô tội, anh không sao rửa sạch được chỉ bằng cách chạy trốn khỏi thực tế, ai cũng biết điều đó cả. Vì vậy mà ông ấy sống, đôi tay vấy bẩn vĩnh viễn và tâm thần mãi mãi bị ám ảnh về Aghwee.

Sự tàn nhẫn trong giọng phê phán của bà ta khó mà chịu đựng nổi. Tôi quay về phía bà ta, mặt bà đỏ hơn bao giờ hết giữa cơn diễn thuyết cao hứng và tôi ra một đòn công kích để bảo vệ cho D:

- Bà ở đâu khi tất cả những điều ấy xảy ra. Bà là mẹ cơ mà, phải không?

- Tôi phải mổ đẻ và một tuần sau khi sinh, tôi bị sốt cao và hôn mê. Mọi việc đã xong xuôi khi tôi tỉnh lại. - Bà vợ cũ của D trả lời, găng tay thách đấu của tôi rớt xuống. Rồi bà đứng dậy, đi về phía bếp:

- Tôi đoán anh muốn uống chút bia nữa chứ?

- Không, cảm ơn bà, tôi đủ rồi. Xin bà đưa tôi cái mà tôi phải trao lại cho D ạ.

- Tất nhiên rồi, đợi tôi súc miệng cái đã nhá. Tôi phải súc miệng thường xuyên, cứ mươi phút một lần. Tôi mắc bệnh chảy mủ - anh hẳn là chú ý đến mùi hôi rồi nhỉ?

Bà vợ cũ của D đặt một chiếc chìa khóa đồng vào trong phong bì đưa cho tôi. Đứng đằng sau tôi trong lúc tôi xỏ giày, bà ta hỏi về trường học của tôi, nhắc đến một tờ báo nào đó, rồi nói thêm hết sức kiêu hãnh: “Ở những vùng ngoại ô này chẳng có lấy một người đặt mua báo dài hạn. Cha tôi thì đặt mua nhiều báo, và luôn có báo sớm”.

Tôi diễn tả sự bực bội và khinh bỉ của mình bằng cách im lặng.

Tôi sắp bước vào thang máy thì mối nghi ngờ bỗng lách con dao nhọn của nó vào ngực tôi, như thể được làm bằng bơ. Tôi phải suy nghĩ đã. Tôi để cho thang máy chạy xuống, còn mình thì quyết định đi bằng cầu thang. Nếu bà vợ cũ của D miêu tả chính xác tình trạng tinh thần của ông thì bằng cách nào tôi có thể tin chắc rằng ông ta sẽ không tự sát với một nhúm muối độc cyanide hoặc thứ gì gần gần như thế mà ông ta sẽ lấy ra từ chiếc hộp có thể mở do chính chiếc chìa khóa đồng này? Trên đường đi xuống, tôi tự hỏi phải làm gì đây và khi đứng trước mặt D tôi vẫn chưa biết kết luận ra sao. Nhà soạn nhạc đang ngồi, mắt nhắm chặt, không hề đụng đến tách trà để trên bàn. Giả sử ông uống thứ thuốc độc đó, kết thúc cuộc đời.

- Tôi đã gặp bà ta - tôi mở đầu câu chuyện và đột ngột quyết định sẽ nói dối. - Chúng tôi đã chuyện trò lâu, nhưng bà ấy chẳng đưa cho tôi cái gì cả.

Ông chủ nhìn tôi điềm tĩnh, không nói gì dù đám mây ngờ vực che phủ đôi mắt ông trông như mắt một con chó nhỏ, trong những hốc mắt sâu. Dọc đường về, tôi ngồi im lặng trên xe, thầm run sợ. Tôi không rõ ông có thấu suốt sự dối trá của tôi chăng. Trong túi áo tôi, chiếc chìa khóa nặng lạ lùng.

Nhưng tôi chỉ giữ nó lại trong một tuần. Thứ nhất vì, ý nghĩ ông D tự sát có vẻ ngu ngốc, và thứ hai, tôi sợ ông sẽ hỏi bà ta về chiếc chìa khóa. Vì vậy, tôi nhét nó vào một cái phong bì khác và gửi tới ông qua đường bưu điện. Ngày hôm sau, tôi tới nhà ông, lòng hơi lo lắng. Tôi thấy ông chủ ngoài sân, trước cửa ngôi nhà, đang đốt một đống các bản thảo âm nhạc. Chúng hẳn là các sáng tác của ông: chiếc chìa khóa kia để mở tủ bản thảo của nhà soạn nhạc.

Ngày hôm ấy, chúng tôi không ra phố. Tôi giúp D đốt toàn bộ các sáng tác âm nhạc của ông. Rồi đào một cái hố để chôn chỗ tro tàn. Tôi đang đổ tro xuống hố thì đột nhiên nghe D bắt đầu thì thầm. Bóng ma lại từ trời cao xuất hiện. Tôi tiếp tục làm việc, chôn đống tro tàn một cách chậm rãi cho đến khi bóng ma đi khỏi. Buổi chiều hôm đó, quái vật trên không Aghwee (không thể phủ nhận rằng đó là một cái tên rất ủy mị, sướt mướt) ở bên cạnh ông chủ tôi đến hai mươi phút.

Từ đó trở đi, mỗi lần bóng ma trẻ con xuất hiện, tôi hoặc là bước sang bên cạnh hoặc là lui ra sau, nhà soạn nhạc chắc chắn đã nhận ra rằng tôi chỉ thực hiện lời chỉ dẫn thứ nhất của ông, không gây kinh ngạc, không cản trở cuộc chuyện trò của ông với con ma, trong khi bướng bỉnh làm lơ trước đề nghị thứ hai của ông là hỗ trợ ông với những câu tán đồng về Thiên đàng. Nhưng ông có vẻ cũng bằng lòng, do đó, công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn. Tôi không tin một người như D có thể gây rối loạn trên đường phố, thực tế thì những lời cảnh báo của cha ông ta bắt đầu có vẻ nhảm nhí. Những chuyến đi Tokyo của chúng tôi tiếp tục, hầu như bình yên, chẳng có biến cố gì. Tôi đã mua được bộ L’Âme Enchanté mà tôi khao khát, nhưng tôi không hề có ý định từ bỏ một việc làm thêm thú vị như công việc với D. Ông chủ và tôi đi mọi nơi cùng nhau. D muốn tới mọi phòng hòa nhạc, nơi những tác phẩm của ông từng được trình diễn và mọi trường học ông đã từng theo học. Nhiều lần, chúng tôi đến những nơi ông từng vui chơi, giải trí - các quán bar, các rạp chiếu phim, các bể bơi - nhưng không vào mà lại quay về. Nhà soạn nhạc say mê mọi hình thức giao thông công cộng ở Tokyo. Tôi hoàn toàn tin chắc chắn rằng chúng tôi đã đi khắp toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm của thành phố. Vì đứa bé quái vật không thể đáp xuống khi chúng tôi đang ở dưới lòng đất, tôi có thể vui hưởng hành trình trên tàu điện ngầm trong tâm trí yên bình, thanh thản. Tất nhiên, tôi căng thẳng lắm mỗi khi gặp những con chó hoặc những viên cảnh sát, vì nhớ lời dặn dò của bà y tá, nhưng may là những lần chạm trán ấy không bao giờ trùng với sự xuất hiện của Aghwee. Tôi khám phá ra rằng mình đang yêu nghề. Không phải yêu ông chủ hay con ma trẻ em to bằng con Kangaroo. Chỉ đơn giản là thích công việc làm thêm của tôi.

Một hôm, nhà soạn nhạc đề nghị tôi đi một chuyến lo công chuyện cho ông. Ông ta sẽ trả chi phí đi lại, tiền công hàng ngày của tôi sẽ tăng gấp đôi; và vì tôi phải ở qua đêm tại một khách sạn, ngày hôm sau mới trở về, thành ra tôi kiếm được số tiền gấp bốn lần bình thường. Không những thế, mục đích của chuyến đi là để gặp nghệ sĩ điện ảnh, bạn gái cũ của D. Tôi đồng ý một cách hào hứng. Và thế là bắt đầu một chuyến đi lâm ly, cảm động và cũng hài hước nữa.

D đưa cho tôi tên khách sạn mà bà nghệ sĩ kia đã nói đến trong bức thư mới gửi ông và ngày hẹn gặp của bà ấy. Rồi ông truyền đạt nội dung thông điệp mà ông muốn tôi chuyển đến bà ta: chủ của tôi không còn sống trong thời gian hiện tại nữa, ông giống một hành nhân đã đến đây trong một cỗ máy thời gian từ thế giới hàng vạn năm của tương lai. Theo đó, ông không được phép tạo ra một sự tồn tại mới với chữ ký của chính ông ta trên đó, dù chỉ là viết một lá thư.

Tôi ghi nhớ bức điện ấy và đêm khuya hôm đó, tôi đã đối diện với nữ nghệ sĩ điện ảnh trong quán bar dưới tầng trệt một khách sạn ở Tokyo. Thoạt tiên là giải thích vì sao chính D không thể đến được, tiếp theo thuyết phục bà ta về khái niệm thời gian của D, và cuối cùng, trao lại nội dung bức điện. Tôi kết luận:

- D muốn bà suy xét thận trọng để không nhầm lẫn giữa cuộc ly hôn gần đây của ông ta với cuộc ly hôn khác mà ông ta đã có lần hứa với bà là sẽ thực hiện, và vì ông ta không còn sống trong thời gian hiện tại, nên ông ấy nói rằng tất nhiên là ông ấy không thể gặp bà một lần nào nữa. - Tôi cảm thấy mặt tôi đỏ lên, lần đầu tiên tôi có cảm giác rằng tôi đang làm một công việc thực sự khó khăn.

- Cậu bé - D nói thế đấy à? Còn anh, thì anh nói sao? Anh cảm thấy thế nào về tất cả những chuyện này, khi anh làm một chuyến đi dài như thế đến Kyoto để đưa một bức thư kiểu đó?

- Thành thực mà nói, tôi cảm thấy D cũng hơi ủy mị.

- Ông ấy thì đúng thế rồi - Nhưng tôi muốn nói là ông ấy sướt mướt, ủy mị với anh cơ, khi đòi hỏi anh kiểu thiện cảm thiên vị như vậy, đòi hỏi anh một đặc ân như vậy!

- Tôi là người làm thuê, tôi được trả tiền cho công việc của mình.

- Anh uống gì nhỉ? Chút rượu brandy nhé?

Tôi uống một chút brandy. Từ lúc bắt đầu câu chuyện, cô ta mời tôi bia đen, cùng loại bia mà người vợ cũ của D từng rót cho tôi, với một quả trứng trong đó. Tôi nghĩ đến cú đánh trúng liên tiếp nhiều trái billiarb, và hồi ức về căn hộ của bà vợ cũ của D trở về trong tâm trí khi tôi ngồi đợi gặp bà bạn nghệ sĩ của ông ta. Nữ nghệ sĩ từ đầu đã uống brandy. Nó là thứ brandy nhập ngoại đầu tiên mà tôi được uống.

- Còn về chuyện D bé bỏng nhìn thấy ma, một đứa bé to bằng con Kangaroo? Anh gọi nó là gì ấy nhỉ, Ranghbee à?

- Aghwee! Đứa bé chỉ nói một lần trước khi chết và nó đã nói Aghwee.

- Rồi D cho rằng nó bảo cho ông ta biết tên của nó đấy chăng? Thế chẳng dễ thương chút nào! Giá mà đứa bé sinh ra bình thường, mọi việc đã được quyết định là D sẽ ly dị bà vợ cũ và cưới tôi. Cái ngày đứa bé ra đời, chúng tôi đang ở trên giường cùng nhau, trong một phòng khách sạn. Rồi một cú điện thoại, sau đó chúng tôi biết là điều gì đó kinh khủng đã xảy ra. D nhảy ra khỏi giường và bổ tới bệnh viện. Rồi ông ta chẳng nói lại với tôi một lời nào từ khi... - Bà nghệ sĩ uống cạn chỗ brandy của mình, lại rót đầy ly từ chai Hennesssy đặt trên bàn cứ như thể bà đang rót nước hoa quả vậy, và uống cạn tiếp.

Bàn chúng tôi ngồi khuất sau một tủ trưng bày toàn thuốc lá. Treo trên tường, phía trên vai tôi là tấm hình màu cỡ lớn của nữ nghệ sĩ đang ngồi trước mặt tôi. Đó là một bức quảng cáo bia. Khuôn mặt trong ảnh lóng lánh, sáng rực rỡ như vàng, chẳng kém gì màu ly bia. Còn cô gái đối diện với tôi không hoàn toàn rực rỡ như vậy, trán cô ta, ngay trên chân mày có một vết lõm, trông sâu bằng một ngón tay người lớn. Nhưng chính khiếm khuyết đó khiến cô ta hấp dẫn hơn cả trong bức hình.

Cô ta không sao dứt được đứa bé ra khỏi tâm trí.

- Anh xem, phải chăng sẽ rất khủng khiếp nếu chết đi mà không hề có chút kỷ niệm hay kinh nghiệm nào vì anh chưa bao giờ làm bất cứ việc gì có nhân tính khi anh còn sống? Đấy, nếu anh chết từ khi là một đứa hài nhi thì như vậy đấy. Khủng khiếp quá, phải không?

- Đừng nói đến đứa bé nữa, tôi chẳng tưởng tượng gì hết. - Tôi đáp một cách hững hờ.

- Nhưng hãy nghĩ về thế giới sau khi chết. - Logic của cô nghệ sĩ này thật là đầy những đột biến.

- Thế giới sau khi chết ư?

- Nếu có một thế giới như vậy, linh hồn những người chết sẽ sống ở đây với những hồi ức sẽ trở thành vĩnh cửu. Nhưng linh hồn của một đứa trẻ sơ sinh chưa biết gì và chưa hề có một cảm nghiệm gì thì sao? Tôi muốn nói là, nó sẽ có những hồi ức như thế nào?

Tôi uống chỗ brandy của mình và im lặng.

- Tôi sợ cái chết kinh khủng, vì vậy tôi luôn nghĩ về nó - anh không phải tự hành hạ vì không trả lời ngay cho tôi được. Nhưng anh hiểu điều tôi nghĩ chứ? Giây phút mà đứa bé chết, tôi cho rằng D bé bỏng đã quyết định sẽ không sáng tạo thêm bất cứ kỷ niệm nào nữa cho bản thân ông ấy, như thể chính ông ấy cũng đã chết, vì vậy, ông ấy ngừng sống trong thời gian hiện tại, anh hiểu không. Và tôi đoán, ông ấy kêu gọi đứa bé xuống trái đất này, đi khắp nơi ở Tokyo để ông ấy có thể tạo cho nó những kỷ niệm, những trải nghiệm mới.

Lần này tôi nghĩ cô ta nói đúng. Nữ nghệ sĩ điện ảnh có vết lõm trên trán, đã ngà ngà chếnh choáng say này thực sự là một nhà tâm lý học. Cô ấy gần gũi với kiểu tính cách của D hơn nhiều, so với bà mập lùn, mặt cà chua, con gái một ông khách sộp của báo chí. Tôi bỗng nhận ra rằng, ngay cả ở đây, ở Tokyo này, cách xa D hàng vài trăm dặm, tôi, một mẫu mực người làm thuê trung thành, chỉ luôn luôn suy nghĩ về ông ta. Không, cũng còn là cái khác nữa, ấy là con ma của D. Tôi hiểu là đứa bé mà tôi hồi hộp đợi sự xuất hiện của nó trong mọi lúc, mọi nơi khi đi cùng ông chủ, đứa bé ấy chẳng hề rời tâm trí tôi lấy một phút.

Đến giờ quán bar đóng cửa và tôi không kiếm được phòng. Từ bé đến bấy giờ, tôi chưa hề nghỉ ở khách sạn nên tôi chẳng biết tí gì về đặt chỗ trước. May mắn thay, cô nghệ sĩ điện ảnh là chỗ quen biết của khách sạn này nên cô ta nói một lời, tức thì có phòng cho tôi ngay. Chúng tôi cùng vào thang máy, và khi tôi bắt đầu bước ra ở tầng lầu có phòng trọ của tôi thì cô ta mời tôi đến phòng cô uống một chút gì đó trước khi đi ngủ. Bắt đầu từ điểm đó trở đi, là những kỷ niệm lâm ly, thống thiết và hài hước. Sau khi ấn tôi ngồi xuống ghế, cô ta quay lại khóa chốt cửa, rồi tiếp theo là hàng loạt những hành động kích thích, lăn lộn trên giường như để thử độ đàn hồi, bật đèn rồi tắt đèn, xả nước trong bồn tắm. Cô rót cho tôi ít brandy như đã hứa, và vừa nhấp Coca Cola, cô vừa kể cho tôi nghe chuyện một anh chàng theo đuổi cô trong khi cô đang có quan hệ với D, rồi cuối cùng lên giường với cô, rồi D đã đánh cô mạnh đến mức răng cô gãy lắc cắc trong mồm. Rồi cô lại hỏi các sinh viên đại học hiện nay có những phi vụ “trên mức cảm tình” không? Tùy từng sinh viên à - tôi trả lời. Bất thình lình, cô nghệ sĩ điện ảnh biến thành một bà mẹ khiển trách đứa con thức khuya và bảo tôi tìm về phòng mà ngủ đi. Tôi chúc cô ngủ ngon xuống lầu và ngủ ngay lập tức. Lúc bình minh, tôi tỉnh giấc với ngọn lửa bỏng rẫy trong cổ họng.

Khúc lâm ly và hài hước vẫn còn tiếp diễn. Ngay giây phút mở mắt ra, tôi hiểu rằng cô nghệ sĩ mời tôi về phòng với ý định quyết dụ một sinh viên đại học chắc hẳn rất ngang tàng, bụi bặm trong những trò yêu đương nặng ký. Dục vọng thấp hèn bỗng bùng lên trong tôi cùng với sự phẫn nộ. Tôi chưa bao giờ ngủ với phụ nữ, nhưng tôi phải trả thù sự xúc phạm này. Thứ rượu Hennessy VSOP đầu tiên được uống trong đời đã làm tôi say, và tôi không còn kiềm chế được trước thuốc độc của dục vọng trong một thằng trai mười tám. Lúc đó mới năm giờ sáng và không hề có dấu hiệu về một ai đó tỉnh thức trong các phòng. Như một con báo hoang giận dữ, tôi chạy chân không đến cửa phòng cô ta. Nó khép hờ. Tôi lẻn vào trong và thấy cô ta đang ngồi trước gương trang điểm, quay lưng về phía tôi. Rón rén đi thẳng tới đằng sau cô ta (đến nay, tôi vẫn tự hỏi lúc ấy tôi định làm gì không biết), tôi chụp lấy cổ cô ta bằng cả hai tay. Cô ta đứng dậy, quay người lại tươi cười, nắm lấy tay tôi và vừa vuốt ve tay tôi vừa hát “Xin chào! Xin chào! Ồ buổi sáng tốt lành!”. Trước khi tôi kịp hiểu, tôi thấy mình ngồi trong một cái ghế, cùng ăn bánh mì nướng, uống cà phê và cùng đọc báo với cô ta. Một lát sau, cô ta nói, bằng giọng mà trước đó đã thảo luận với tôi về tình hình thời tiết:

- Anh muốn làm tình với tôi, ngay bây giờ, phải không nào? - Cô ta đi trang điểm, còn tôi bước ra, đi về phòng của mình, nằm dán lưng xuống giường, run lên như cơn sốt rét. Tôi sợ tin tức về vụ này đến tai D, nhưng không bao giờ nghe ông nhắc đến cô nghệ sĩ điện ảnh nữa. Tôi tiếp tục vui vẻ với công việc của tôi.

Mùa đông đã tới. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi dự định đi xe đạp qua các nhà hàng xóm và những cánh đồng bao quanh khu nhà ông ta. Tôi ngồi trên chiếc xe han gỉ, cũ kỹ, còn ông chủ thì mượn chiếc xe mới bóng của bà y tá. Dần dà, chúng tôi mở rộng phạm vi cuộc đi vòng quanh nhà đi đến một khu nhà mới xây và miền đồi về phía những cánh đồng. Chúng tôi toát mồ hôi, sung sướng hưởng cảm giác được giải thoát, càng lúc càng hồ hởi, hào hứng. Tôi nói: “Chúng tôi” bao gồm cả D vì buổi chiều hôm đó ông rõ ràng là cũng rất phấn khích. Thậm chí, ông còn huýt sáo một khúc Sonata của Bach viết cho sáo và đàn clavico, nhan đề Siciliana. Tôi vô tình biết khúc Sonata đó vì khi học trung học, tôi có chơi sáo. Tôi chưa bao giờ được học hành để thổi sáo hay, nhưng từ đó tôi có thói quen dẩu môi trên ra như một con heo vòi. Bạn bè hay giễu cợt tôi. Thực sự thì, các nghệ sĩ thổi sáo thông thường cũng giống những con heo vòi.

Khi chúng tôi đạp xuống phố, tôi huýt sáo cùng với D. Sichliana là một khúc nhạc êm đềm, tao nhã, nhưng tôi đã hết hơi vì đạp xe, nên tiếng huýt sáo của tôi nghe như tiếng suỵt gió. Trong khi D diễn tả thật tuyệt, luyến âm đàng hoàng. Tôi ngượng không dám huýt sáo tiếp, dừng lại giữa chừng, nhà soạn nhạc liếc nhìn tôi, môi vẫn chúm chím huýt sáo giống một con cá chép nhếch mép để thở và mỉm cười, nụ cười thanh thản, trầm tĩnh. Dù đúng là có sự khác nhau giữa hai chiếc xe đạp, một mới, một tòng tọc, nhưng vẫn thật trái tự nhiên và đáng thương hại khi một sinh viên mười tám tuổi, cơ thể hơi mảnh khảnh, nhưng cao lớn, lại đã mệt đừ, thở dốc bên cạnh nhà soạn nhạc, hai mươi tám tuổi, bé nhỏ, chưa biết mệt là gì. Thật thiếu công bằng. Tâm trí tôi bỗng dưng u ám và tôi cảm thấy chán ghét toàn bộ cái công việc này. Thế là tôi chồm đứng trên bàn đạp, tăng tốc điên cuồng như một tay đua xe. Thậm chí, một cách đầy dụng ý, tôi lượn xe xuống một con đường nhỏ rải sỏi nằm giữa hai cánh đồng trồng rau. Lát sau nhìn lại, tôi thấy ông chủ tôi bò rạp trên tay lái, cái đầu tròn, to lớn khom xuống đôi vai gầy gò, sỏi bắn tung dưới những bánh xe, đang cố hết sức để theo kịp tôi. Tôi dừng xe lại, gác một chân lên hàng rào dây thép gai bao quanh cánh đồng đợi D đạp tới. Tôi xấu hổ vì sự trẻ nít của mình.

Đầu ông ta đang nhấp nhô trong guồng đạp gấp, thì tôi bỗng nhận ra rằng con ma đang đi cùng ông. D đang lái xe lăn xuống sát lề trái của con đường hẹp rải sỏi, mặt ông ta quay sang phải, ông gần như đang nhìn lên trên vai phải của mình, và nguyên nhân khiến đầu ông nhấp nhô lên xuống là do ông đang trò chuyện thì thầm với một vật gì đó chạy theo, hay có thể bay lượn theo cạnh chiếc xe của ông. Giống một huấn luyện viên đang kèm cặp từng bước chạy cho một vận động viên marathon vậy. Ái chà, con quái vật to như con Kangaroo, đứa bé mập mạp mặc bộ đồ ngủ màu trắng, ông làm như đang quắp nó, cổ nó sát bên cổ ông, đứng như một con Kangaroo con trong túi của con Kangaroo mẹ, và cùng lao xuống con đường rải sỏi. Tôi sởn gai ốc sợ hãi, đạp chân vào cái hàng rào sắt, lên xe chầm chậm đi tiếp, đợi ông chủ và con quái vật trong tưởng tượng của ông trờ tới.

Đừng tưởng tôi đã bắt đầu tin vào sự tồn tại của Aghwee. Tôi theo lời khuyên của bà y tá, không rời bỏ niềm tin vững chắc vào cảm giác bình thường của mình, không để rơi vào tình trạng điên rồ, như trong những hài kịch vẫn thường nói: người chủ viện tâm thần cũng dần dần trở thành điên, nên nhạo báng một cách có ý thức, tôi tự bảo mình rằng nhà soạn nhạc thần kinh đang bầy trò trên chiếc xe đạp của ông chỉ để tiếp tục điều dối trá ông đã từng nói với tôi, và như thế, chẳng có quá nhiều phiền phức để mà lo nghĩ! Nói cách khác, tôi giữ một khoảng cách lâm sàng giữa bản thân mình và con quái vật của D. Tuy vậy, một sự thay đổi đã đến trong tâm trí tôi sau đó.

Chuyện bắt đầu như thế này: D cuối cùng cũng đạp gần tới và đang đi cách tôi chừng vài bộ thì, như một cơn mưa bất chợt ập đến, chúng tôi bỗng bị bao vây không lối thoát giữa một đàn chó săn, chuông trên cổ kêu loảng xoảng, leng keng theo bước chạy gần. Chúng lao xuống con đường nhỏ trải sỏi, về phía chúng tôi, những con chó Dobermans cao chừng hai bộ, cả thảy đến hơn mười con. Một người đàn ông, mặc quần áo bảo hộ lao động chạy bở hơi tai sau lũ chó, tay cầm một cây da mảnh màu đen chăn dắt chúng, nhưng có lẽ ông bị chúng lôi theo thì đúng hơn. Giống Dobermans, đen ánh như nhung bóng mượt như những con hải cẩu sũng ướt, cằm và ngực có lông màu sôcôla. Lố nhố phủ kín con đường sỏi, hung hăng như đang lao vào một giao tranh, khi xuống dốc, trông chúng hệt như đang đổ nhào trên những cái mõm sùi bọt. Bên kia cánh đồng có một bãi cỏ, người đàn ông mặc quần áo bảo hộ lao động có lẽ đem chúng đến đó để luyện tập và bây giờ, đang trên đường trở về.

Run rẩy vì sợ hãi, tôi quẳng xe, tuyệt vọng nhìn sang cánh đồng bên kia hàng rào sắt. Hàng rào lên tới ngực tôi. Tôi có thể tự tẩu thoát nhưng không sao giúp nhà soạn nhạc bé nhỏ bên này hàng rào sang được nơi an toàn. Tôi gần như tê liệt tâm trí vì kinh khiếp, nhưng trong một thoáng sáng suốt, tôi hình dung ra thảm họa sắp xảy đến trong gang tấc. Khi bầy chó Dobermans xô tới, D sẽ lo lắng cho Aghwee trước sự tấn công của những con thú mà nó sợ hơn tất cả mọi thứ trên đời. Ông có lẽ nghe thấy cả tiếng khóc hãi hùng, thảm thiết của đứa bé. Chắc chắn ông sẽ đương đầu với đàn thú, bảo vệ cho con. Thế thì lũ Dobermans sẽ xé ông ra từng mảnh. Hoặc là, ông sẽ cố gắng chạy trốn cùng với đứa bé, ôm nó mà nhảy liều mạng qua hàng rào cao thì cũng bị gai sắt đâm chết. Cảnh tượng thương tâm mà tôi biết sẽ xảy ra làm tan nát lòng tôi. Và trong khi tôi đứng đó, mù quáng, hoàn toàn không nghĩ ra mưu kế gì, những con quỷ màu đen và nâu to lớn lừng lững càng gần tới, đớp đớp vào không trung những cái mõm khủng khiếp, giờ thì đã gần đến mức có thể nghe tiếng móng của chúng xào xạo trên sỏi. Tôi bỗng hiểu mình không thể làm được gì cho D và đứa bé của ông, tôi cảm thấy bải hoải cả người, tâm trí dằn vặt bởi mặc cảm phản bội, trong khi ông chủ tôi bị kéo vào con đường hiểm nạn, chìm đắm giữa bóng đêm dày đặc nỗi hãi sợ của lòng tôi. Tôi lùi sát mãi vào hàng rào cho đến khi những gai sắt cứa vào lưng tôi bỏng rát, kéo chiếc xe đạp vào trước mặt như thể nó là bức tường che chở, rồi nhắm chặt mắt lại. Mùi hôi của bầy chó xộc vào mũi tôi, tiếng sủa, tiếng móng nện trên đường, tôi cảm thấy nước mắt trào lên mi. Tôi để mặc làn sóng sợ hãi cuốn tôi đi...

Bàn tay ai đó, mềm mại cực kỳ, chạm vào tôi, Aghwee chăng? Nhưng tôi nhận ra là ông chủ tôi; ông bảo rằng đàn chó quỷ sứ đã đi xa và ông không gặp thảm họa hãi hùng gì cả. Tuy vậy, tôi tiếp tục khóc, mắt nhắm nghiền, vai run lên. Tôi đã lớn rồi, đâu phải tuổi khóc trước mặt người khác nữa. Có lẽ cơn sốc kinh sợ làm tôi trở lại thành bé dại. Khi tôi ngừng khóc, chúng tôi dắt xe rời khỏi hàng rào, im lặng, ngẩng đầu nhìn qua đồng cỏ cạnh cánh đồng, nơi người ta đang chơi bóng và huấn luyện chó. Trông chúng tôi giống như những tù nhân trong một trại tập trung. (D không còn bận tâm đến Aghwee nữa, đứa bé chắc hẳn đã bay mất lúc tôi kêu khóc). Chúng tôi đặt xe xuống nằm duỗi ra trên cỏ. Nước mắt đã cuốn đi tất cả những sự giả bộ, nghi ngờ, những ý nghĩ phiến loạn trong trái tim tôi. D cũng không phải dè chừng tôi nữa. Tôi nằm ngửa, vòng tay xuống dưới đầu, nhẹ nhõm lạ lùng sau tất cả khóc than, hãi sợ. Tôi nhắm mắt lại, trầm lắng, trong khi D tì má trên tay, kể cho tôi nghe về thế giới của Aghwee.

- Anh có biết bài thơ nhan đề Nỗi hổ thẹn của Nakahara Chuya không? Tôi đọc anh nghe đoạn thơ thứ hai nhé:

Cao cao trên những nhành cây đan rối bầu trời

thê lương, tang tóc

linh hồn những hài nhi bé bỏng sớm lìa đời

lượn bay, vướng vít

Tôi chớp mắt:

trên đồng ruộng xa xăm, tít tắp chân trời

tuyết chập chờn

dệt bước một đàn voi

Đó là một trong những cảnh tượng về thế giới của những đứa bé vắn số. Vài bức phù điêu của Blake cũng khắc sâu trong trí tôi, đặc biệt là bức Chúa từ chối bữa tiệc tối của quỷ Satan - anh đã nhìn thấy bao giờ chưa? Còn bức nữa, Những vì sao buổi sớm đồng ca. Trong cả hai bức phù điêu đó, có hình ảnh những cư dân Thiên đàng, trông họ cũng thực như con người trên trái đất chúng ta, và bất cứ khi nào ngắm nhìn, tôi đều tin chắc rằng Blake ám chỉ một thế giới khác. Có lần, xem tranh Dali, tôi cũng gặp những tạo vật huyền ảo bay lượn khắp không trung, hàng trăm thước cách trái đất, rực rỡ trong ánh sáng trắng ngà. Bây giờ đây, tôi thấy thế giới đúng như thế đấy. Mà anh có biết những tạo vật chói sáng đang choáng ngợp khắp bầu trời ấy là gì không? Chính là những tạo vật chúng ta để mất khỏi cuộc đời chúng ta trên cõi đất này, giờ họ bay trên kia, trên bầu trời, hàng trăm thước cao hơn chúng ta, như những con trùng amip hiện ra rõ ràng và tĩnh lặng dưới kính hiển vi. Đôi khi họ sà xuống đất, như Aghwee từng làm vậy (Ông chủ tôi nói, còn tôi không phản đối, điều đó có nghĩa là tôi tán thành với ông). “Phải tiến hành những lễ cúng tế xứng đáng với họ, mắt anh mới có thể nhìn thấy họ bay lượn trên kia và tai anh mới bắt được tiếng họ nói khi họ sà xuống đất, nhưng cũng có những khoảnh khắc đột nhiên, chúng ta được phú cho khả năng nghe nhìn siêu phàm đó mà không cần bất cứ một tế lễ nào, không cần ngay cả sự nỗ lực về phía chúng ta. Tôi cho rằng điều đó đã xảy ra với anh vài phút trước đây đấy”.

Không cần tế lễ hay nỗ lực bản thân, chỉ vài giọt nước mắt hối hận, ông chủ tôi hình như muốn nói vậy. Sự thực thì tôi đã chảy nước mắt vì sợ hãi và cảm giác bất lực và một nỗi sợ mơ hồ cho tương lai của mình (công việc đầu tiên của tôi, sự trải nghiệm trong một loại thế giới vi mô của cuộc sống, là canh giữ, bảo vệ nhà soạn nhạc tâm thần này, và tôi đã chẳng thể làm tròn công việc ấy, điều đó dự báo những tình huống sẽ làm tôi trở nên u mê, đần độn bởi vì việc tôi không thể đương đầu với các thử thách sẽ tái phát như một trong những động hình trong suốt cuộc đời tôi). Nhưng tôi không ngắt lời, cãi lại ông, tôi chỉ lặng lẽ lắng nghe ngoan ngoãn.

- Anh vẫn còn trẻ, có lẽ anh chưa đánh mất bất cứ cái gì trong thế giới này nên anh không bao giờ hối tiếc, vì thế thật đáng quý là anh chẳng khi nào nhận ra sự hiện diện của thế giới kia. Có lẽ bầu trời, một trăm thước, cao vợi trên đầu anh, vẫn chẳng là cái gì khác hơn ngoài chính bầu trời. Nhưng tất cả những điều đó chỉ có nghĩa rằng cái nhà kho rộng lớn kia vô tình trống rỗng trong thoáng chốc thôi. Hay là, anh đã đánh mất cái gì đó thực sự quan trọng đối với anh rồi?

Nhà soạn nhạc ngừng lại, chờ tôi đáp lời. Tôi tự dưng nhớ đến cô nghệ sĩ điện ảnh, bạn cũ của ông ta, cô gái với một vết lõm trên trán to như một ngón tay người lớn. Tất nhiên, với cô, tôi chưa mất mát cái gì trọng yếu; tiếng khóc cùng những giọt nước mắt xói mòn trong đầu tôi một rãnh nhỏ và mật ngọt của tình cảm ủy mị thấm vào kẽ nứt đó.

- Thế nào, anh đã đánh mất cái gì chưa? - Lần đầu tiên từ khi quen nhau, ông chủ khăng khăng nài nỉ - đã mất một cái gì thực sự quan trọng?

Đột nhiên, tôi nói một câu ngu xuẩn để che đậy sự lúng túng của mình:

- Tôi đã mất một con mèo.

- Mèo Xiêm hay mèo gì?

- Chỉ một con mèo bình thường, có vằn màu cam, nó biến mất cách đây một tuần.

- Nếu mới chỉ một tuần thôi thì nó có thể sẽ lại quay về. Thời gian này không phải mùa mèo đi hoang.

- Tôi cũng nghĩ thế, nhưng giờ đây tôi biết nó sẽ không về nữa.

- Vì sao?

- Nó là một con mèo rất độc đoán, không bao giờ chịu cho kẻ khác xâm nhập vùng lãnh thổ riêng của nó. Thế mà sáng nay tôi thấy một con mèo trông yếu đuối lắm dám trèo lên trèo xuống khu công sự của nó, thậm chí vào cả chỗ gác của nó - con mèo của tôi sẽ không trở lại nữa đâu - Khi nói xong tôi nhận ra rằng tôi đã kể câu chuyện có dụng ý gây cười bằng một giọng khản đặc vì rầu rĩ.

- Thế thì có một con mèo đang bay lượn trên bầu trời của anh đấy. - Ông chủ tôi nói một cách nghiêm trang.

Tôi nhắm mắt, hình dung một con mèo huyền ảo, lớn như một khinh khí cầu kỳ dị, phát ra ánh sáng trắng ngà bay qua bầu trời. Thật là một chuyến bay hài hước, nhưng nó cũng khiến tôi đăm chiêu nghĩ ngợi.

- Những hình bóng trong bầu trời của anh bắt đầu tăng tốc. Vì vậy mà tôi không còn sống trong thời gian hiện tại từ khi xảy ra sự cố với đứa bé, bằng cách đó, tôi có thể ngăn cản hình bóng đứa bé tản mát đi. Từ khi tôi không sống trong thời gian của chúng ta nữa, tôi không thể khám phá thêm cái gì mới mẻ, nhưng tôi cũng không đánh mất thêm cái gì nữa cả, tình trạng bầu trời của tôi không bao giờ biến đổi nữa. - Có một sự nhẹ nhõm sâu thẳm trong giọng nói của nhà soạn nhạc.

Nhưng có thực là bầu trời của riêng tôi trống rỗng, ngoại trừ hình bóng con mèo căng phồng có vằn màu cam chăng? Tôi mở mắt, bắt đầu ngước lên bầu trời buổi tối, trong veo, nỗi hãi hùng khiến tôi nhắm mắt lại. Tôi hãi sợ cho bản thân mình, nếu tôi đã có thể nhìn thấy cả một bầy đoàn không kể xiết những tạo vật chúng ta từng đánh mất trong đời, họ chói sáng và hạ cánh xuống đây trên trái đất, thì như thế liệu có ích gì?

Chúng tôi nằm trên cỏ, lặng lẽ hồi lâu, chia sẻ một niềm đồng cảm giữa những người có cùng một nỗi buồn thương. Nhưng dần dà, tôi hồi tỉnh. Tôi trở về với bản thân mình: một tên thực dụng mới có mười tám tuổi như tôi bằng cách nào lại tự buông thả cho mình chịu ảnh hưởng của một nhà soạn nhạc điên gàn kia chứ! Nhưng tôi không cho rằng sự thăng bằng đã được tái thiết lập hoàn toàn trong tôi. Ngày hôm đó, tôi không sao cưỡng nổi một lo âu lạ lùng, tôi bị hút lại, gần hơn bao giờ hết, với những cảm xúc của ông chủ tôi và với bầy đoàn những hình ảnh rực sáng trên bầu trời cách trái đất chúng tôi hàng trăm thước, cao xa vời vợi. Cái mà người ta gọi là hậu hiệu ứng vẫn còn lại trong tôi.

Rồi đến cái ngày cuối cùng. Hôm ấy là ngày trước Noel. Tôi nhớ rõ ngày tháng vì hôm ấy D đưa cho tôi một chiếc đồng hồ đeo tay với lời xin lỗi đã tặng quà sớm một ngày. Và tôi nhớ là sau bữa trưa, tuyết rơi chừng nửa giờ. Chúng tôi cùng nhau đi xuống Ginza nhưng nó đã đông chật những người, vì vậy chúng tôi quyết định đi bộ ra bến cảng Tokyo. D muốn xem con tàu hàng Chilê ngày hôm đó sẽ cập bến. Tôi cũng thích ra cảng, tôi mường tượng đến một bến cảng với tuyết bao phủ trắng những boong tàu. Chúng tôi đã rời khỏi những đám mây ở Ginza và vừa mới ngang qua Nhà hát Kabuki thì D bỗng nhìn lên bầu trời tối đen và vẫn đang rơi tuyết. Rồi Aghwee hạ xuống bên cạnh ông. Như thường lệ, tôi bước lùi lại vài bước sau lưng họ. Chúng tôi đến một giao lộ rộng lớn. D và đứa bé vừa mới rời khỏi lề đường thì đèn tín hiệu giao thông đổi màu. D đứng lại, và một dãy xe tải với những thùng hàng Noel, to lớn kềnh càng như những con voi, lao về phía trước. Chính lúc ấy điều đó xảy ra. D đột nhiên thét lên và dang cả hai tay ra trước như đang cố gắng cứu một ai đó, rồi ông lao ra giữa những chiếc xe và ngã vật ra đất. Tôi đứng trên vỉa hè, chỉ biết nhìn theo, mê mẩn.

- Tự tử, ông ta tự tử. - Giọng ai đó bàng hoàng, run rẩy bên tai tôi.

Tôi không có thì giờ để phán đoán đó là một vụ tự tử hay không. Trong phút chốc, giao lộ trở thành hậu trường một rạp xiếc, chật cứng những xe tải đồ sộ như những con voi. Tôi quỳ xuống bên D, ôm lấy cơ thể đẫm máu của ông và run rẩy như một con chó. Tôi không biết phải làm gì, một cảnh sát tới rồi lại chạy đi đâu mất.

D không chết, còn kinh khủng hơn. Ông đang hấp hối nằm trên lớp nước bẩn do tuyết đang rơi nhè nhẹ, máu rỉ ra như nhựa cây. Ánh sáng lúc lúc lại lóe lên từ bức tượng Tây Ban Nha Đức Bà đau khổ, xé toạc bầu trời tối tăm, tuyết phủ, khiến máu trên người ông chủ tôi bóng ánh lên như trơn mỡ. Lúc này, một đám đông tụ họp lại, điệp khúc Jingle Bells cuồn cuộn trên đầu chúng tôi. Chúng tôi giống như những con bồ câu nhát sợ, hoang mang. Tôi quỳ bên D, cố sức lắng nghe có tiếng gì khác lạ, và tôi nghe thấy tiếng thét xa xa. Nhưng đám đông đứng đó lặng lẽ, lạnh lùng hoàn toàn hờ hững, làm lơ trước những tiếng kêu thét đó. Không bao giờ tôi còn lắng nghe chăm chú như thế trên phố nữa và cũng không bao giờ tôi còn nghe lại những tiếng khóc gào như thế nữa.

Xe cấp cứu cuối cùng cũng đến và ông chủ tôi được đưa lên xe, bất tỉnh nhân sự. Bê bết bùn, máu, và cơn sốc hình như đã làm ông tiều tụy hẳn. Chân ông xỏ trong đôi giày tennis màu trắng. Trông ông như một kẻ mù lòa bị thương. Tôi trèo lên xe cùng với một bác sĩ, một nhân viên phục vụ và một thanh niên cỡ tuổi tôi, trông có vẻ kiêu ngạo và cách biệt. Anh ta hóa ra là tài xế của chiếc xe tải đường dài đã đâm vào D. Suốt thời gian xe cấp cứu đi qua Ginza, tắc nghẽn giao thông càng lúc càng tệ hại (theo những tài liệu thống kê tôi mới đọc gần đây có con số về những đám đông đêm Noel ấy). Những ai nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu thì dừng bước, nhìn chúng tôi qua, gần như tất cả đều nhìn với vẻ quan tâm nghiêm trang. Trong khi đó, D nằm mê man trên chiếc cáng nghiêng ngả, sức sống cạn kiệt dần.

Khi chúng tôi đến bệnh viện, các nhân viên phục vụ vội vã đưa D vào. Viên cảnh sát lúc này, không biết từ đâu, lại xuất hiện và bình tĩnh hỏi tôi hàng loạt câu hỏi. Sau đó, tôi được phép đến chỗ D. Người tài xế đã tìm được chỗ cho mình, đang ngồi trên chiếc ghế băng trong hành lang gần với phòng của D. Tôi ngồi xuống cạnh anh ta và chờ hồi lâu. Thoạt tiên, anh ta lẩm bẩm về những món hàng anh ta còn phải mang giao, nhưng hai tiếng sau, anh bắt đầu phàn nàn vì đã vội vã mà mang họa, bằng một giọng trẻ con hết mức. Sự thù ghét của tôi đối với anh ta nhạt dần. Chúng tôi đợi nữa, sau đó, ông chủ nhà băng cùng bà vợ và cô con gái kéo đến, tất cả đều ăn mặc bóng bẩy như đi dạ hội. Phớt lờ chúng tôi, họ bước vào trong. Cả bốn người phụ nữ nhà họ đều béo mập, mặt đỏ, họ khiến tôi nhớ lại bà vợ cũ của D. Tôi tiếp tục đợi. Nhiều giờ đồng hồ, tôi dằn vặt, trăn trở với mối hồ nghi: phải chăng, ngay từ khởi đầu, ông chủ tôi đã dự liệu cho việc tự sát? Trước khi kết thúc đời mình, ông đã thu xếp chu tất mọi việc với bà vợ cũ và cô bạn gái, đốt hết các sáng tác âm nhạc của ông, đi khắp thành phố để gửi lời vĩnh biệt chào tất cả những nơi gắn bó kỷ niệm - phải chăng ông đã thuê tôi để làm một nguồn động viên, giúp đỡ tự nhiên khi ông tiến hành tất cả những việc đó? Ông không cho tôi nhìn thấu kế hoạch của ông bằng cách sáng tác ra đứa bé ma quái bay lượn trên trời? Nói cách khác, chẳng phải nhiệm vụ thực sự của tôi là giúp ông tự tử hay sao? Người tài xế trẻ đã ngủ vùi, ngả đầu trên vai tôi và lúc lúc, anh ta lại nhăn nhó như bị đau. Hẳn là anh đang gặp cơn ác mộng lái xe chẹt chết người ta.

Ngoài trời tối đen như mực khi ông chủ nhà băng hiện ra cửa phòng và gọi tôi. Tôi nhẹ nhàng kéo vai ra khỏi đầu anh tài xế và đứng dậy. Ông chủ nhà băng trả tôi tiền công ngày hôm ấy và bảo tôi vào phòng. D nằm ngửa, những ống cao su chọc vào lỗ mũi, như đang làm trò đùa. Mặt ông đen sạm như ám khói. Tôi không sao kiềm chế nỗi ngờ vực đã làm tôi hãi sợ. Tôi kêu lên thành tiếng với ông chủ của tôi:

- Ông đã thuê tôi chỉ để giúp ông tự sát sao? Tất cả những câu chuyện về Aghwee chỉ là cái mặt nạ che đậy chăng? - Giọng tôi nghẹn lại trong nước mắt và tôi ngạc nhiên nghe mình thầm thét lên đau xót - Tôi gần như đã tin vào Aghwee!

Đúng lúc đó, khi màn sương lệ che mờ đôi mắt, tôi nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt co quắp, tối tăm của D. Đó là cái cười nhạo báng, hay nụ cười ranh mãnh bạn bè. Ông chủ nhà băng bảo tôi lui ra. Chàng tài xế nằm duỗi dài trên ghế băng mà ngủ. Trên đường bước ra, tôi nhét 1000 yên mà ông chủ nhà băng mới đưa, vào túi áo anh ta. Trên tờ báo buổi chiều ngày hôm sau, tôi đọc thấy tin nhà soạn nhạc đã chết.

Mùa xuân năm ngoái, tôi đang đi dạo trên phố thì gặp một nhóm trẻ con. Sự việc xảy ra quá nhanh chóng, tôi không biết mình làm gì để hăm dọa bọn trẻ. Sự sợ hãi đã biến chúng thành những kẻ sát nhân. Chúng ném đá vào tôi và một đứa trong bọn ném trúng mắt bên phải của tôi. Cục đá to bằng một nắm tay. Tôi quỳ gối xuống, ấp tay vào mắt và cảm thấy một cục thịt nát bét. Với con mắt trái còn lành, tôi nhìn thấy từng vốc máu rớt xuống đường. Tôi như bị thôi miên. Chính lúc đó tôi cảm nhận có một tạo vật quen thuộc, vừa rời mặt đường sau lưng tôi - to bằng cỡ một con Kangaroo - cất cánh bay lên bầu trời xanh lơ, rầu rĩ, vẫn còn chút rơi rớt của mùa đông lạnh lẽo. Tạm biệt, Aghwee, tôi nghe tiếng thầm thì trong trái tim mình. Và tôi thấy nỗi hận thù lũ trẻ bỗng tan chảy, nguôi ngoai. Mười năm trôi qua, thời gian đã chất đầy bầu trời riêng của tôi biết bao những hình ảnh, chói lọi trong ánh sáng trắng ngà, tôi ngờ rằng không phải tất cả bọn họ đều thơ ngây thuần khiết. Khi bị lũ trẻ gây thương tật, tôi đã dâng lên, trong lễ tế sinh, thị lực một con mắt của mình và nhờ vậy, tôi được phú cho, dù chỉ trong khoảnh khắc, cái năng lực siêu phàm để đón nhận một tạo vật đã từ bầu trời cao của riêng tôi sà xuống trái đất này.

Phan Thu Hiền dịch

 

Bài liên quan
  • TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Franz Kafka là nhà văn người Bohemia gốc Do Thái, nay là Cộng hòa Séc. Ngày nay, mặc dù Franz Kafka được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chỉ còn có riêng một tính từ mang tên ông kafkaesque, tức "kiểu Kafka", nhưng khi còn sống, chỉ vài tác phẩm của ông được xuất bản. Phần lớn các tác phẩm của Franz Kafka được xuất bản sau khi ông chết, do bạn ông là Max Brod thực hiện, bất chấp di nguyện của ông là phải tiêu hủy tất cả các bản thảo.
  • MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    Chân Dung Kẻ Sĩ: James Joyce là nhà văn người Ireland, tác giả của tiểu thuyết Ulysses xuất bản năm 1922. Ông được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, còn Ulysses được xem như một kiệt tác, đến nỗi người ta còn lập ra một lễ tưởng niệm thường niên vào ngày 16 tháng 6 (Bloomsday), là ngày diễn ra các các sự kiện trong tiểu thuyết Ulysses của ông.
  • BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Graham Greene là nhà văn người Anh, tác giả của Người Mỹ trầm lặng, cuốn tiểu thuyết rất ăn khách trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt là tại Anh. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ vào năm 1956, nó đã khiến độc giả Mỹ bị sốc do tác phẩm của nhà văn người Anh đã mô tả người Mỹ là những kẻ giết người, một sự thật mà người Mỹ khó có thể chấp nhận. Cuốn sách của ông đã giúp độc giả thế giới nói chung và độc giả phương tây nói riêng, hiểu được tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ, những kẻ xâm lược với đội quân hùng mạnh nhất hành tinh tới từ bên kia đại dương.
  • CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. Theo xu hướng của những nhận xét này, có thể xem "Chiếc áo choàng" (tiếng Nga: Шине́ль -1842) là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nikolai Gogol, khi nó thể hiện thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất trong viết lách của Gogol, mà nếu muốn tóm gọn lại, thì không ai nói chính xác hơn nhà ngoại giao, phê bình văn học người Pháp Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910). Ông nói (thường bị nhầm lẫn là do Fyodor Dostoevsky nói) : "Tất cả chúng ta đều chui ra từ Chiếc áo khoác của Gogol".
  • NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người trong bao (The Man in a Case) là phần đầu, cùng với lần lượt hai truyện ngắn tiếp theo gồm "Gooseberries" và "About Love", thuộc một tác phẩm mà sau này được người ta gọi là “tiểu bộ ba”* của nhà văn vĩ đại nước Nga Anton Chekhov. Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946).
  • NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Anton Chekhov được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dù ban đầu, Chekhov theo học ngành y tại Đại học y khoa Moscow và trở thành một bác sĩ, nhưng cuối cùng ông lại là một nhà văn xuất chúng, với những sáng tạo đã làm thay đổi tiến trình phát triển của truyện ngắn hiện đại.
    Nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov (1899-1977), tác giả của cuốn tiểu thuyết Lolita in năm 1955, xếp thứ tư trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 vào năm 2007 của nhà xuất bản Mỹ Modern Library, đã chê tác phẩm của Chekhov nhưng cũng khen nức nở rằng, "nhưng tác phẩm của ông ấy là thứ tôi sẽ mang theo nếu phải đi tới hành tinh khác". Ông còn gọi truyện Người đàn bà và con chó nhỏ là "một trong những truyện ngắn vĩ đại nhất từng được viết nên".
    Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946). Bà là dịch giả người Anh đầu tiên dịch nhiều tác phẩm của Anton Chekhov sang tiếng Anh. Tổng cộng, bà đã dịch 71 tập văn học Nga, bao gồm các tác phẩm của các nhà văn Nga nổi tiếng như Ivan Turgenev, Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Ivan Goncharov, Alexander Ostrovsky và Alexander Herzen. Nhiều tập trong số đó vẫn còn được in cho đến ngày nay.
  • NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO là truyện ngắn trong tập truyện ngắn Trẻ em cũng là thường dân (Children Are Civilians Too) của nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 Heinrich Böll. Tập truyện minh họa cho cách kể chuyện tinh tế và sắc thái của Heinrich Boll ở mức tuyệt vời nhất, vẽ ra những bức chân dung tuyệt đẹp về những con người bình thường trong những năm tháng đen tối ở nước Đức sau chiến tranh.
  • ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ảo Hóa là một câu chuyện trong tiểu thuyết Trò chơi ngọc pha lê (The Glass Bead Game) tác phẩm lớn cuối cùng của nhà văn, nhà thơ Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 Hermann Hesse. Với tư tưởng chống phát xít, từ nửa cuối thập niên 1930, không một nhà xuất bản hay tờ báo nào ở Đức dám đăng các tác phẩm của Hermann Hesse nữa. Và vì thế ông đã viết Trò chơi ngọc pha lê giữa những tin tức khủng khiếp của Chiến tranh thế giới Thứ Hai và xuất bản tác phẩm ở Thụy Sĩ năm 1943.
  • ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đốt Lửa của nhà văn Jack London có hai phiên bản được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau, một ở năm 1902 và bản còn lại ở năm 1908. Mặc dù có cấu trúc và cốt truyện gần tương tự nhau, nhưng phiên bản năm 1908 khủng khiếp hơn nhiều, và vì thế, nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn người Mỹ, thường xuyên có mặt trong các tuyển tập văn chương.
  • LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    Chân Dung Kẻ Sĩ:  Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway với "Nguyên lý tảng băng trôi", là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Giã từ vũ khí (1929); Chuông nguyện hồn ai (1940); Ông già và biển cả (1952). Năm 1954 ông thắng Giải Nobel Văn Chương và để lại nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học Mỹ.