31-10-2024
Lượt xem 2217
Đánh giá 3 lượt đánh giá
Chân dung nhà văn Nikolai Vasilyevich Gogol (1809-1852) của Otto Friedrich Theodor von Möller (đầu những năm 1840)
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. Theo xu hướng của những nhận xét này, có thể xem "Chiếc áo choàng" (tiếng Nga: Шине́ль -1842) là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nikolai Gogol, khi nó thể hiện thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất trong viết lách của Gogol, mà nếu muốn tóm gọn lại, thì không ai nói chính xác hơn nhà ngoại giao, phê bình văn học người Pháp Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910). Ông nói (thường bị nhầm lẫn là do Fyodor Dostoevsky nói) : "Tất cả chúng ta đều chui ra từ Chiếc áo khoác của Gogol".
Người dịch Phạm Thủy Ba
Tại Vụ... nhưng thôi, tốt hơn là đừng nêu tên Vụ đó ra làm gì. Vì chẳng ai dễ phật ý hơn là các vị ở các vụ, các binh đoàn, các văn phòng, tóm lại là tất cả các giới công chức. Vào thời buổi này, người nào cũng cho rằng ai xúc phạm mình là xúc phạm toàn bộ xã hội vậy. Người ta kể chuyện rằng, cách đây ít lâu, có một ông cảnh sát trưởng chẳng biết là của thành phố nào đó, đã đệ trình một bản báo cáo nêu rõ là tất cả những pháp chế của nhà nước đang bị lâm nguy, và người ta đã tự tiện sử dụng tên tuổi của ông một cách rất bừa bãi. Để có chứng cớ, ông ta đính theo bản báo cáo một cuốn sách đồ sộ, một cuốn tiểu thuyết, trong đó cứ mỗi trang lại xuất hiện một viên cảnh sát trưởng, nhiều lúc thậm chí say bí tỉ nữa. Vậy, để tránh mọi điều phiền phức lôi thôi, lúc nói đến cái vụ kể trên, ta hãy nói: một Vụ kia.
Vậy thì, tại một Vụ kia, có một viên chức, một viên chức cũng chẳng có gì là đặc biệt cả: thân hình nhỏ bé, mặt hơi rỗ, tóc hơi hung hung, mắt lại cận thị, trán hơi hói, má đã hằn nhiều nếp nhăn, và có nước da mà người ta gọi là của kẻ bị bệnh “trĩ”.
Biết làm sao được? Chỉ tại cái khí hậu Peterburg nó sinh ra thế đấy!
Còn như cái chức tước (mà ở nước ta, trước tiên phải chỉ rõ chức tước ra đã) đó là cái mà người ta gọi là cố vấn danh hiệu vĩnh viễn, một nhân vật mà, như ai cũng biết, một số văn sĩ có cái thói đáng khen là cứ nhằm những người nào không thể cắn lại được, mà tha hồ chế giễu.
Viên chức nọ thuộc họ Basmakin. Tên đó rõ ràng do chữ “basmac”* mà ra; nhưng cái họ ấy được thiết lập ở đâu, khi nào và như thế nào, chẳng ai biết gì hết. Bố, ông, cả đến em rể của nhân vật chúng ta nữa, nói tóm lại, tất cả họ Basmakin đều mang ủng, mà hàng năm họ phải thay đế đến ba lần.
Tên bác là Acaki Acakievitr. Độc giả có lẽ thấy cái tên đó lạ lùng và hơi cầu kỳ; nhưng có thể cam đoan là người ta chẳng mảy may cố ý tìm tòi, mà do nhiều hoàn cảnh tự nó phối hợp dằng dịt với nhau, đến nước không thể đặt cho bác ta một cái tên nào khác. Sự tích đã xẩy ra như thế này.
Nếu trí nhớ không đánh lừa tôi, thì bác Acaki Acakievitr sinh vào đêm 23 tháng Ba. Mẹ bác này đã quá cố, là vợ một viên chức, có nhiều đức tính rất tốt, bà dự tính làm lễ đặt tên cho con. Lúc đó bà còn đương nằm trên chiếc giường đặt đối diện với cánh cửa; bên phải là ông bố đỡ đầu của đứa bé - ông Ivan Ivanovitr Jerokin - một người hết sức tốt, làm chức trưởng phòng ở Thượng nghị viện - và bà mẹ đỡ đầu, tên là Arina Xemionovna Bielobriuxcova, vợ một ông sĩ quan cảnh sát, một người có những đức tính hiếm thấy.
Người ta đề nghị với bà mẹ chọn một trong ba tên Moki, Xoxy và Khozdozat tử vì đạo.
“Tên gì mà ngộ thế! - Người sản phụ nghĩ thầm trong bụng. - Tôi chẳng ưng!”
Để bà được vui lòng, người ta lại giở cuốn lịch sang trang khác rồi đọc ba tên nữa: Trifili, Dula, và Varakhixi.
“Thật là trời hành tội! - Bà nói. - Tên với tuổi! Chưa bao giờ tôi nghe thấy những tên như thế. Chẳng thà là Varadat hay Varuich còn khả dĩ! Đàng này lại Trifili với Varakhixi!...”
Người ta lại giở sang trang khác: Pavxicaki và Vatixi. “Thôi, - bà mẹ thốt lên - tôi biết rồi! Cái số phận nó thế đấy thôi! Nhưng nếu đã vậy thì tên bố nó làm sao, cứ gọi nó như vậy. Bố là Acaki thì con cũng là Acaki”.
Ấy, nguồn gốc cái tên Acaki Acakievitr của bác ta là như vậy. Người ta làm lễ đặt tên cho đứa bé; nó bèn khóc và nhăn mặt lại như thể do linh cảm thấy trước rằng sau này nó sẽ làm ký lục ở tòa vậy. Đấy, sự việc xảy ra như thế đấy.
Chúng tôi phải thuật lại câu chuyện trên để độc giả có thể tự mình thấy rõ rằng mọi việc đều liên quan với nhau một cách tự nhiên, không tài nào đặt một cái tên khác được.
Bác ta vào làm ở vụ này hồi nào, như thế nào, cũng như ai đưa bác ta vào làm, chẳng một ai nhớ cả.
Các ông giám đốc, các ông chủ sự đã thay đổi nhiều lần, nhưng người ta thấy bác bao giờ cũng vẫn ngồi ở nguyên một chỗ, giữ nguyên một tư thế, một chức vụ, bao giờ cũng làm cái việc sao chép; đến nỗi lâu dần người ta tin chắc rằng bác sinh ra đã mặc chế phục và đã hói trán, sẵn sàng bắt tay vào công việc. Ở vụ, không ai coi bác ta ra gì cả. Bọn gác cổng, lúc bác ta đi qua, chẳng những không đứng dậy chào mà còn không buồn nhìn đến bác, hình như đấy chỉ là một con ruồi bay ngang qua phòng tiếp khách. Các ông chánh, phó thì đối xử với bác lạnh lùng và độc đoán. Một ông phó phòng nào đó dí vào tận mũi bác một bức công văn, mà cũng chẳng buồn nói với bác: “Chép lại đi!” hoặc “Đây là một tài liệu khá hay!” hoặc một câu nhã nhặn nào khác như theo lệ thường trong những công sở, nơi mà mọi người đều biết phép xử thế. Nhưng ai đưa gì bác cũng nhận tất, chỉ nhìn qua một tí gọi là, mà cũng chả nhìn xem ai trao công việc cho mình và họ có quyền trao hay không. Bác nhận lấy tài liệu và bắt tay vào chép ngay.
Đám viên chức trẻ tuổi vẫn chế nhạo và giễu cợt bác hết mức với tất cả cái lối trào phúng ở bàn giấy. Trước mặt bác, họ kể ra đủ thứ chuyện bịa đặt về bác, khẳng định rằng mụ chủ nhà của bác - một mụ già bảy mươi tuổi - đã đánh bác; họ lại hỏi khi nào thì “anh chị” tổ chức hôn lễ; họ rắc lên đầu bác những mảnh giấy trắng vụn giả làm tuyết rơi. Nhưng Acaki Acakievitr không hề nói lại nửa lời, như thể bên cạnh bác chả có ai cả. Những lời chế nhạo ấy thậm chí chẳng hề cản trở được công việc của bác, và làm việc giữa tất cả những lời chế nhạo ấy mà bác vẫn không hề phạm một chút nhầm lẫn. Chỉ khi nào những lời nhạo báng quá quắt lắm, khi người ta hích cả khuỷu tay khiến bác không làm việc được, thì lúc đó bác mới nói: “Các anh hãy để tôi yên! Sao các anh lại cứ làm khổ tôi thế?”. Và có cái gì rất lạ lùng trong những lời nói ấy. Trong cái giọng nói của bác lúc đó, người ta nhận thấy cái giọng quá thảm hại, đến nỗi một anh nhân viên trẻ tuổi mới vào làm việc ở vụ chưa được bao lâu và do theo đòi chúng bạn, cũng dám chế giễu bác, bỗng nín bặt lại như bị nhói ở tim; rồi từ đó, đối với anh ta, mọi sự đều thay đổi và có một vẻ khác. Một thứ sức mạnh siêu nhiên tách anh ta ra khỏi đám bạn bè mà trước kia anh ta đã làm quen, lầm tin rằng họ là những người lịch thiệp và có giáo dục. Và mãi về sau, giữa những lúc tâm hồn rộn lên những ý nghĩ vui vẻ nhất, anh ta đột nhiên lại thấy hiện ra hình ảnh cái bác viên chức nhỏ bé, trán hói, lại nghe văng vẳng bên tai những lời nói thấm thía của bác: “Để tôi yên nào! Tại sao các anh cứ làm khổ tôi thế?”.
Nhưng qua câu nói đó, anh ta còn nhận ra những lời nói khác: “Tôi với các anh là anh em kia mà!”. Và thế là anh chàng thanh niên đáng thương nọ lấy hai tay ôm mặt!
Rồi về sau, biết bao nhiêu lần anh ta lấy làm khủng khiếp khi nhận thấy ở đời, con người sao mà tàn nhẫn! Và, ngay cả những con người mà, than ôi, trước mắt thiên hạ thì có vẻ cao thượng và lương thiện, thực ra cũng che giấu dưới một cái vỏ lịch sự tinh tế, cả một cái tâm địa thô bạo độc ác biết dường nào!
Thực khó tìm đâu ra được một con người hoàn toàn tận tụy với công việc như bác ta. Nói rằng bác làm việc một cách sốt sắng cũng chưa đủ! Không, bác làm công việc với một lòng ham say thì đúng hơn. Trong cái công việc sao chép này, bác hé thấy cả một thế giới muôn hình muôn vẻ và hấp dẫn. Nỗi thích thú lộ rõ trên gương mặt bác. Trong những chữ bác viết, có những chữ bác nâng niu vào bậc nhất, và hễ cây bút bác gặp nó thì hình như bác không kiềm chế được mình nữa: bác cười lặng lẽ, nháy nháy con mắt và mấp máy đôi môi; đến nỗi nhìn mặt bác, người ta gần như có thể đọc được từng chữ cây bút bác đang vạch ra. Nếu tấm lòng sốt sắng mà bác dốc ra làm việc được khen thưởng một cách tương xứng thì có lẽ bác đã leo lên một cấp bậc khiến ngay chính bác cũng phải sửng sốt, là cấp bậc cố vấn Quốc gia rồi cũng nên. Nhưng như cái bọn hay chớt nhả, đồng nghiệp của bác, thường nói: về phần thưởng, bác vẻn vẹn chỉ lĩnh được “những cơn đau quặn ở thắt lưng và những nốt mụn ở mặt” mà thôi.
Tuy nhiên, cũng không thể nói được rằng chẳng bao giờ lòng sốt sắng của bác được chú ý tới. Một ông giám đốc, một con người hiền hậu, từng có lần muốn thưởng cho bác vì đã làm việc lâu năm trong nghề, nên đã ra lệnh giao cho bác một công việc nào đó quan trọng hơn là công việc sao chép đơn giản. Người ta phân công cho bác dựa vào một bản báo cáo để thảo ra một bức thư gửi một cơ quan khác; để làm việc này, bác chỉ cần thay cái tên đề gửi của bản báo cáo và chuyển một số động từ sang ngôi thứ ba là đủ. Nhưng công việc này đòi hỏi bác phải dốc hơi, dốc sức đến nỗi mồ hôi bác vã ra như tắm; và hai tay bóp trán, mãi sau, bác đành nói:
- Thưa... tôi chịu việc này, xin cứ cho tôi một cái gì để chép thôi.
Từ đó, người ta để mặc bác làm công việc sao chép.
Ngoài công việc đó ra, đối với bác hình như chẳng còn gì nữa hết. Bác không hề nghĩ đến chuyện áo quần; bộ chế phục của bác từ màu xanh lá cây trước kia, giờ đã ngả sang màu hung lấm tấm trắng. Cổ áo thì quá hẹp, quá thấp khiến cho cổ bác tuy chẳng lấy gì làm dài, thế mà trông cũng cao lêu nghêu đến lạ kỳ, chẳng khác cổ những con mèo bằng thạch cao, có cái đầu lắc lắc mà đám người Nga giả danh nước ngoài thường mang bán hàng tá. Và bao giờ cũng có một cọng rác, một sợi chỉ dính vào bộ chế phục của bác. Hơn nữa, lúc bước dọc đường phố, bác có cái tài nghệ đặc biệt đi ngay dưới cửa sổ đúng cái lúc người ta vất ra đủ thứ rác rưởi và do đó trên mũ bác lúc nào cũng dính những vỏ dưa hấu, dưa gang và các thứ vỏ khác nữa.
Chưa bao giờ bác để ý đến những chuyện hàng ngày xảy ra ngoài phố, những chuyện như ai nấy đều rõ, lại có những người thường hết sức quan tâm là các bạn đồng nghiệp của bác, những viên chức trẻ tuổi tinh mắt, quan sát được ở tầm rất xa, đến nỗi họ nhận thấy cả một chiếc tất sổ thò xuống dưới quần người đi ở phía vệ đường bên kia khiến họ nhoẻn một nụ cười ranh mãnh. Còn như bác Acaki Acakievitr, mặt bác có nhìn một đồ vật nào thì bác cũng chỉ thấy những dòng chữ rõ ràng, đều đặn bác viết ra; và chỉ lúc nào đầu một con ngựa, từ đâu ló ra chả biết, bất thình lình kề lên vai bác thở phả vào mặt bác cả một luồng hơi như bão táp, chỉ lúc đó bác mới nhận ra là mình không phải đang ở giữa trang giấy, mà là đang ở giữa đường phố.
Về đến nhà, bác ngồi ngay vào bàn, nuốt vội món xúp bắp cải và một miếng thịt tẩm hành, chả để ý xem mùi vị ra sao, ngốn luôn cả những con ruồi và mọi thứ khác mà tùy theo thời tiết, Chúa đã gia vị thêm vào món ăn của bác. Khi cảm thấy dạ dày đã đầy, bác đứng dậy, với lấy lọ mực và bắt đầu chép những giấy tờ bác đã đem ở Vụ về. Khi không có công việc đó để làm thì bác chép cho vui một số tài liệu bác thấy đặc biệt hay, hay không phải vì lời văn hoa mỹ mà vì tài liệu đó được gửi đến một nhân vật cao cấp hoặc một nhân vật mới được bổ nhiệm nào đó.
Rồi, cả khi bầu trời xám của Peterburg đã nhòa tối, vào những giờ mà tất cả đám viên chức được nghỉ ngơi, sau khi đã dùng bữa ăn chiều, tùy theo đồng lương và khẩu vị của mình; lúc tất cả mọi người nghỉ ngơi, sau bao giờ ngồi cạo giấy, sau khi đã chạy hết đó đây và làm việc vì kẻ khác và vì mình, đã hoàn thành tất cả công việc mà họ tự buộc mình phải nhận, một cách tự nguyện và thậm chí còn quá mức cần thiết nữa; vào những giờ mà cánh công chức vội vã lăn vào vui chơi, thì bác Acaki Acakievitr, một con người hay lo lắng, chẳng thiết tìm một thú tiêu khiển nào hết.
Những kẻ hăng hái nhất nhanh chân đến các rạp hát; người thì đi các phố, mải miết đuổi theo những cô nàng mặt mũi xinh đẹp; kẻ khác đi dự dạ hội, tiêu phí thì giờ vào việc tán tỉnh một cô nàng mặn mà nào đó, hoa khôi của một giới công chức không đông đảo; sau rốt, số đông hơn tụ tập nhau ở nhà một người bạn, trên gác tư hay gác năm trong hai căn buồng nhỏ có kèm theo phòng ngoài và nhà bếp, đồ đạc cố bầy biện cho thật hợp thời trang, một cây đèn hay một vật gì khác, đã đòi hỏi nhiều hy sinh mới mua được và vì nó, người ta đã phải nhịn ăn nhịn chơi. Còn như bác Acaki Acakievitr thì chưa ai có thể nói đã thấy bác có mặt ở một buổi dạ hội nào.
Trong lúc cánh viên chức tụ họp ở nhà nhau để chơi bài uixt, vừa nhấm nháp chén trà với bánh bích quy rẻ tiền, vừa rít những dọc tẩu dài ngoẵng, và trong lúc người chia bài làm việc, họ kể cho nhau nghe một giai thoại nào đó đã nghe được về một nhân vật nào đấy trong xã hội thượng lưu - điều mà một người Nga không hề từ chối bất cứ lúc nào và trong hoàn cảnh nào - hoặc giả nếu không có đề tài nào khác họ xài lại câu chuyện cũ rích về một ông quan tư được người ta báo cho biết là có kẻ đã xén mất đuôi ngựa của Fancone**. Trong những lúc đó thì riêng bác Acaki Acakievitr, sau khi đã viết thỏa thích, đi nằm, mỉm cười nghĩ đến ngày mai: “Chúa sẽ giao cho chép gì đây?”
Cuộc sống yên lành của con người ấy sẽ cứ ngày tháng trôi qua đi như thế, với số lương bốn trăm rúp một năm, nhưng biết sống an phận; và bác sẽ sống trọn đời như vậy, nếu không có những tai ương rải rác trên con đường đi, không những của các ông cố vấn thực thụ mà cả của những vị cố vấn trong triều, các vị cố vấn cơ mật hoặc ngay cả của những vị chẳng cố, chẳng vấn với ai hết. Ở Peterburg có một kẻ thù tàn nhẫn của tất cả những ai lĩnh bốn trăm rúp tiền lương hằng năm hay gần gần thế. Kẻ thù đó, chẳng phải ai khác: cái rét Bắc cực của chúng ta, tuy người ta vẫn nói rằng nó cần cho sức khỏe.
Vào quãng chín giờ sáng, đúng lúc đường phố đông nghịt những công chức đi đến sở làm việc, thì khí lạnh bắt đầu phả như búng mạnh vào tất cả những cái mũi, không phân biệt, mạnh đến nỗi các vị công chức tội nghiệp thật không còn biết giấu chúng vào đâu. Vào cái giờ gió buốt như cấu xé mặt mũi ấy, ngay những viên chức cao cấp cũng phải giàn giụa nước mắt, thì các thầy ký, thầy thông khốn khổ kia, thực đôi khi không biết chống rét làm sao. Lối thoát duy nhất của họ là khoác những chiếc áo khoác mỏng dính, ù chạy cho nhanh qua năm hay sáu phố, và khi đến Vụ thì dẫm chân thình thịch cho ấm người lên, kỳ cho đến lúc những giác quan cần thiết làm tròn những chức vụ hành chính của mình được hồi phục.
Được một lúc thì bác Acaki Acakievitr cảm thấy như có cái gì cắn xé hết sức đau đớn ở vai và lưng, mặc dầu bác đã cố chạy hết sức nhanh để vượt qua cái chặng đường đã quen. Sau bác mới nghĩ ra hẳn áo bị rách ở chỗ nào đó? Về nhà sau khi đã xem đi xét lại, bác khám phá thấy có hai ba chỗ, đúng ở lưng và vai, chỉ còn như thứ vải mỏng vậy: vải đã sờn đến nom thấy rõ cả bên kia và lần vải lót, cứ động đến là xơ ra.
Phải nói rằng chiếc áo khoác của bác Acaki Acakievitr cũng là đối tượng cho đám viên chức chế giễu; thậm chí họ không công nhận cái tên cao quý áo khoác của nó mà chỉ gọi nó là áo bạt. Mà thật, trông nó đến kỳ dị: cổ áo thì cứ mỗi năm một hẹp dần vì dùng để sửa chữa lại những bộ phận khác của chiếc áo. Những chỗ sửa chữa chẳng đem lại vinh dự gì lắm cho tài nghệ của bác thợ may mà thực tế trông lại vụng về xấu xí.
Nhận thấy cơ sự đã ra như vậy, bác Acaki Acakievitr quyết định mang áo lại nhà Petrovitr, một lão thợ may ở đâu đấy, tận tầng gác thứ năm mà muốn vào phải leo cái cầu thang đằng sau. Mặc dầu chột mắt và mặt rỗ, Petrovitr vẫn khá thạo việc vá víu những quần, những áo đuôi én kiểu viên chức hay những kiểu khác cố nhiên là vào lúc lão không say và đầu óc lão không ấp ủ những kế hoạch nào khác. Tất nhiên, cũng có thể không cần lan man dài dòng về lão thợ may này, nhưng vì trong những chuyện kể, được phép nói rõ cái tính cách của mỗi nhân vật, thì đành phải giới thiệu với các bạn lão Petrovitr vậy.
Đã có một thời, người ta chỉ gọi lão là Grigori: hồi đó lão còn là một nông nô của một viên quý tộc nào đó. Lão bắt đầu được gọi là Petrovitr chỉ từ ngày được giải phóng, từ ngày gặp hội hè là lão uống rượu. Thoạt tiên, lão chỉ uống say vào những dịp hội lớn, rồi sau đó, chẳng còn phân biệt nữa, tất cả những ngày lễ của giáo hội, ngày nào có đánh dấu thập ở trên lịch lão cũng say. Về phương diện ấy, quả là lão tôn trọng những tục lệ của tổ tiên, và lúc tranh cãi với vợ về vấn đề đó, lão gọi mụ là “con mẹ Đức” và đồ “bỏ đạo”.
Vì đã nói đến mụ vợ, chúng ta cũng phải có vài lời về mụ. Nhưng tiếc là người ta biết về mụ chẳng được nhiều nhặn gì, ngoài việc Petrovitr có một mụ vợ, mụ ta đội mũ trùm chứ không bịt khăn choàng; nhưng hình như mụ ta chẳng có thể khoe xinh, khoe giòn được với ai; dù sao cũng chỉ có những chú lính gác lúc gặp mụ ngoài phố là đưa mắt liếc nhìn phía dưới mũ trùm của mụ, ria mép rung rinh, và miệng thốt ra một cái giọng thật đặc biệt.
Bác Acaki Acakievitr vừa leo cầu thang dẫn tới buồng Petrovitr - một chiếc cầu thang phải nói rõ là ngập ngụa những vũng nước, những thứ rác rưởi; không khí thì nồng nặc cái thứ mùi hắc khó chịu khiến mắt phải cay xè, và như ai nấy đều biết, tràn ngập trong tất cả những cầu thang sau các ngôi nhà ở Peterburg - vừa nghĩ đến số tiền công lão Petrovitr sẽ đòi; bác định bụng nhất định sẽ chỉ trả hai rúp.
Cửa vẫn mở vì mụ vợ Petrovitr chả biết là đang rán cá hay làm gì, để khói bốc um lên, dày đặc không còn nom thấy rõ cả lũ gián nữa. Bác Acaki Acakievitr tạt qua nhà bếp, chẳng ai nom thấy, và cuối cùng, bước vào căn buồng của lão Petrovitr, thấy lão ta đang ngồi trên một cái bàn gỗ rộng không sơn, chân xếp bằng, theo kiểu những Pasa*** Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tập quán của thợ may khi làm việc lão không đi tất, do đó người ta để ý trước tiên đến ngón chân cái của lão, vốn rất quen thuộc đối với bác Acaki Acakievitr, có một cái móng méo mó, cứng và dày như cái mai rùa vậy. Lão Petrovitr đeo ở cổ một cuộn tơ và có một chiếc áo cũ trải trên đầu gối. Lão cố xỏ kim đã ba phút rồi nhưng mãi không xong, vì thế lão rất bực mình với bóng tối, với cả cuộn chỉ nữa, lão khẽ lầu bầu: “Đồ khốn nạn, không chịu vào cho! Mày làm ông toát mồ hôi ra rồi đấy!”.
Bác Acaki Acakievitr lấy làm bực mình vì đã đến đúng vào lúc lão Petrovitr đang cáu kỉnh. Bác muốn nói chuyện với Petrovitr vào lúc lão ta hơi ngà ngà say, lúc mà như mụ vợ lão vẫn nói: “Đồ quỷ sứ chột mắt, ních rượu mạnh say mèm ra”. Những lúc như vậy thì thường thường ai bảo gì lão cũng sẵn sàng gật ngay, ưng tuốt mà lại còn cúi rạp xuống cảm ơn khách. Sau đó, quả có đôi khi, mụ vợ lão đến mếu máo kêu ca với khách rằng vì say nên chồng mụ mới lấy giá hạ quá thế. Nhưng chỉ cần giúi cho mụ mười copec là câu chuyện êm thấm.
Lần này Petrovitr không có vẻ say, vậy lão sẽ làm phách lắm, ít chịu nhân nhượng và sẵn sàng đòi chẳng biết đến giá nào. Bác Acaki Acakievitr đã cảm thấy điều đó nên tính bài rút lui, nhưng không kịp. Con mắt độc nhất của lão Petrovitr đã nhìn chằm chằm vào bác, bác đành miễn cưỡng:
- Chào ông Petrovitr!
- Không dám, xin chào ông, - lão thợ may vừa nói vừa liếc mắt nhìn tay Acaki Acakievitr xem bác mang lại cho lão món quà gì.
- Ấy, bác Petrovitr này, tôi đến đây... để... một điều.
Phải nói rằng bác Acaki Acakievitr thường phát biểu những ý kiến của mình bằng những giới từ, những trạng từ và những tiếng hoàn toàn vô nghĩa. Và khi vấn đề có chút khó khăn thì bác có thói quen nói không hết câu, đến nỗi vừa bắt đầu: “Quả thật là hoàn toàn... điều...” thì bác đã thôi không nói được một tiếng nào nữa và tưởng đã nói xong đâu vào đấy rồi.
- Cái gì vậy? - Lão Petrovitr vừa hỏi, vừa đưa con mắt độc nhất lướt trên bộ chế phục của Acaki Acakievitr, lão nhìn từ cổ đến thân áo, không bỏ qua ống tay, lưng và hàng khuy. Lão biết thừa những cái đó vì chính nó là công trình của lão! Nhưng thói quen của thợ may là như vậy, hễ thấy ai thì trước tiên họ nhìn một lượt cái áo của người đó đã.
- Đấy, bác Petrovitr... chiếc áo khoác đã... bác thấy không, dạ chỗ nào cũng còn bền... nó có hơi bắt bụi và trông thì cũ chứ còn mới lắm; nhưng chỗ này, chỉ ở đây thôi này, nó có... điều… một tí ở lưng, rồi ở vai nữa, hơi sờn một tí tẹo, và ở vai này nữa, hơi... một tí, bác thấy chưa? Đấy, tất cả chỉ có thế; chả mất công là bao.
Petrovitr cầm lấy chiếc “áo bạt”, thoạt tiên trải nó ra trên bàn, xem đi xem lại rất lâu, lắc lắc cái đầu, rồi giơ tay về phía cửa sổ với lấy một hộp thuốc tròn có vẽ chân dung chả biết một vị tướng nào, chỗ mắt bị ngón tay chọc thủng và sau đó được dán kín bằng một mẩu giấy. Hít thuốc xong, lão Petrovitr lấy tay giăng chỗ vải áo ra, giơ soi lên ánh sáng, rồi lại lắc lắc đầu. Tiếp đó, lão lật xem phía trong áo, nhìn vải lót và lại lắc lắc đầu một lần nữa, rồi lão lại mở hộp thuốc có bức chân dung thủng mắt, và sau khi đã nhét thuốc đầy hai lỗ mũi, lão đậy nắp hộp lại, để sang bên, và cuối cùng trịnh trọng nói:
- Chịu thôi! Không tài nào chữa lại được nữa! Cũ quá rồi.
Nghe nói, bác Acaki Acakievitr cảm thấy đau nhói ở tim.
- Không được ư? Sao lại thế, ông Petrovitr? - Bác nói, giọng năn nỉ van lơn của một đứa trẻ. - Nó chỉ hơi sờn ở vai thôi mà, bác thế nào chả có ít mụn vải nho nhỏ.
- Mụn thì kiếm được thôi. Mụn thì chắc chắn tôi sẽ xoay được, nhưng không tài nào giữ được những miếng vá ở trên áo; tất cả đã mục nát rồi; khẽ chọc kim vào là nó sổ tung cả ra.
- Không can chi! Bác cứ đắp ngay vào cho một mảnh.
- Nhưng đắp vào đâu mới được? Nó không thể đính vào được; sợi ngang chẳng còn bền bao nhiêu. Tiếng gọi là dạ thật đấy, nhưng chỉ khẽ thổi là đã tung cả ra.
- Thôi, thì cứ bắt nó đính vào. Liệu có thể... điều...
- Không! - Lão Petrovitr nói dứt khoát - chẳng làm quái gì được nữa đâu. Áo này chỉ có vứt đi. Nếu ông muốn thì để mùa lạnh, xé nó ra làm băng quấn chân: mang tất chả ấm đâu, chính bọn Đức nó vẽ vời ra thứ đó để kiếm nhiều tiền (tiện dịp, lão Petrovitr không từ bỏ cái thích thú được đả kích người Đức). Còn cái áo khoác, thì ông phải đặt may một chiếc mới.
Nghe lão nói tiếng mới, bác Acaki Acakievitr hoa cả mắt và mọi vật trong buồng bắt đầu quay tròn quanh bác. Bác chỉ cố lắm mới nhìn thấy rõ cái ông tướng có khuôn mặt che lấp sau mảnh giấy vuông vẽ trên hộp thuốc của lão Petrovitr.
- Một chiếc áo khoác mới? Sao? - Bác thốt ra như trong giấc mơ. - Nhưng tôi làm gì có tiền?
- Đúng, mới - lão Petrovitr nhắc lại với cái vẻ thản nhiên tàn nhẫn.
- Nếu phải may mới, thì... điều?
- Ông định hỏi mất bao nhiêu tiền chứ gì?
- Vâng.
- Phải bỏ vào đấy hơn một trăm năm mươi rúp. - Lão Petrovitr nói, hai môi mím chặt lại một cách có ý vị lắm. Lão thích khách hàng đột nhiên phải bối rối lên đã, rồi tiếp đó lão mới liếc nhìn xem khách hàng đờ mặt ra làm sao!
- Một cái áo khoác mà một trăm năm mươi rúp ư? - Bác Acaki Acakievitr tội nghiệp kêu lên. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời bác đã kêu lên vì xưa nay tiếng bác nói vẫn yếu ớt.
- Đúng thế đấy, - lão Petrovitr nói - mà cũng còn tùy áo nữa kia, và nếu lót cổ áo với da áo, và lót mũ áo bằng vải xa tanh thì lên đến hai trăm như bỡn.
- Ông Petrovitr ơi! Tôi van ông! - Bác Acaki Acakievitr không nghe, và cố không nghe thấy những câu lão Petrovitr nói lòe. - Ông muốn sửa làm sao thì tùy ông, quý hồ nó còn dùng tạm được trong ít lâu nữa.
- Không, sẽ công cốc và mất tiền toi. - Lão Petrovitr nói.
Bác Acaki Acakievitr từ giã lão ra về, người choáng váng.
Còn lại một mình, lão Petrovitr, đôi môi mím chặt một cách ý nhị, cứ đứng đấy một lúc, chưa bắt tay lại vào việc, rất khoái trá vì đã giữ vững uy tín của mình và cũng đã bảo vệ được tài nghệ của một người thợ may.
Ra đến ngoài phố, bác Acaki Acakievitr cứ thẳng trước mặt bước đi như trong một giấc mơ. “Thế này mới rầy rà! - Bác nghĩ. - Quả tình mình đâu có tưởng rằng...”. Bác lặng im một lúc rồi thêm: “Sự việc thế đấy! Đến nông nỗi ấy đấy! Quả thật mình có nghĩ đâu rằng công việc lại xoay ra như thế?” Sau một lần im lặng nữa bác lại nói: “Đấy, thế đấy, thật tình mình không ngờ rằng... không thể ngờ đến điều đó... Mới rầy rà làm sao!”
Trong bụng vừa nghĩ như thế và đáng lẽ phải về nhà, chân bác lại rẽ về một hướng khác mà không hay. Đang đi, bác bị một người thợ cạo ống khói đụng phải và quần áo bẩn thỉu của y đã làm cho cả cái vai áo bác bị nhem nhuốc; rồi cả một tảng vữa hồ từ trên một ngôi nhà cao đang xây, trút ào xuống đầu bác. Tất cả những cái đó, bác không hay biết gì hết và chỉ lúc bác đâm bổ thẳng vào một chú lính gác - gã này vừa đặt chiếc kích xuống bên cạnh, và đang gõ nõ điếu vào nắm tay sần sùi cho tàn rơi xuống, - đến lúc đó bác mới sực tỉnh mà cũng là sau khi chú lính gác đã hỏi bác:
- Sao lại đi đâm quàng cả vào người ta như vậy, hả? Vệ đường không đủ chỗ phỏng?
Việc này buộc bác phải sực tỉnh lại và bác quay trở về nhà.
Về đến nhà, bác mới bình tâm thấy rõ tình cảnh thực của mình, và lúc này bác nói chuyện với mình không phải bằng những câu nhát gừng mà rất có lý lẽ, thẳng thắn, chẳng khác lúc người ta đàm đạo với một người bạn sáng suốt về một câu chuyện tâm tình thầm kín.
- Không, - bác Acaki Acakievitr tự nhủ, - lúc này không tài nào cãi lẽ với cái lão Petrovitr được: lão ta cũng... điều... Chắc hẳn lão ta vừa bị mụ vợ đánh. Ta để đến một buổi sáng chủ nhật nào đó đến thăm lão thì hay hơn. Sau buổi tối thứ bảy lão sẽ còn ngái ngủ và sẽ không tỉnh táo lắm, lão cần tợp một ít để tỉnh táo con người; vợ lão sẽ không cho lão tiền; lúc ấy mình giúi ngay cho lão mười copec và... thế là... lão sẽ trở nên dễ dãi hơn, và chiếc áo khoác có thể... cái....
Suy luận như vậy bác thấy can đảm lên và ngay hôm chủ nhật sau, từ xa, nhìn kỹ thấy mụ vợ lão Petrovitr bước ra khỏi cửa, bác liền đến thẳng nhà lão. Sau buổi tối thứ bảy, quả thật là lão ta hấp hiếng con mắt dữ lắm, đầu cứ gục xuống và trông như ngái ngủ tợn. Tuy vậy, lúc đã hiểu ra câu chuyện gì rồi, lão liền lồng lên như bị quỷ xúi:
- Không tài nào được - lão nói. - Xin ông đặt may một cái áo mới.
Bác Acaki Acakievitr liền giúi cho lão mười copec.
- Xin cám ơn ông, tôi sẽ xin uống một cốc để chúc mừng sức khỏe của ông. Còn chiếc áo, ông đừng nghĩ đến nữa: nó chẳng còn dùng làm gì được nữa đâu. Tôi sẽ may cho ông một chiếc mới, thật xứng đáng. Chúng tôi rất coi trọng tiếng tăm của mình!
Bác Acaki Acakievitr còn cố nói đến việc sửa chữa một lần nữa, nhưng lão Petrovitr nhất định không chịu nghe.
- Tôi sẽ may cho ông một chiếc áo khoác rõ đẹp. Ông có thể tin vào tôi, tôi sẽ hết lòng may rõ cẩn thận. Có thể giấu cả những lỗ khuyết áo dưới những dải bạc cài áo nho nhỏ, đúng như mốt hiện thời.
Chỉ đến lúc đó, bác Acaki Acakievitr cuối cùng mới hiểu là thực sự bác không thể nào không may một chiếc áo mới, và tức thì bác rủn cả người. Thật vậy, biết làm sao đây? Đào đâu ra số tiền cần thiết? Cố nhiên là có thể, trong chừng mực nào đấy, trông vào những món tiền thưởng sắp có, nhưng tiền đó thì đã được phân phối vào những món phải tiêu khác rồi: phải may mấy chiếc quần mới, trả món nợ cũ cho lão thợ giầy tiền công thay lại đế đôi ủng cũ, rồi phải đặt mua của chị hàng tấm ba chiếc sơ mi và vài thứ thuộc vào cái loại quần áo không được phép nêu tên ra trong văn chương. Tóm lại, cả cái món tiền ấy cũng đã có chỗ sử dụng đâu vào đấy rồi, và ngay cả nếu ông giám đốc có rộng lòng ban cho, không phải bốn mươi lăm mà là năm mươi rúp chăng nữa, thì số tiền còn lại cũng chả thấm tháp gì, đem so với số tiền chiếc áo khoác thì vẫn chỉ là muối bỏ bể.
Tuy vậy, bác biết rõ là lão Petrovitr đôi khi ngộ lên đòi bừa hết sức cao giá, đến cái mức ngay cả mụ vợ lão cũng không thể không kêu toáng lên: “Điên hay sao, hả đồ ngốc? Lúc thì như làm không công, lúc như ma xui quỷ khiến hay sao lại tính cho người ta quá quắt thế!”
Bác biết là rồi lão Petrovitr cũng sẽ đòi rút xuống tám mươi rúp. Nhưng tám mươi rúp ấy, đào đâu ra? Giỏi lắm thì có thể kiếm được một nửa, ừ, như vậy cũng có thể được... có lẽ được hơn thế một chút. Nhưng còn lại một nửa, đào đâu ra?
Nhưng trước hết độc giả cần biết nửa số tiền đầu tiên ấy ở đâu ra đã. Cứ tiêu một rúp thì bác Acaki Acakievitr có thói quen dành ra một copec mà bác bỏ vào trong cái hộp nhỏ, khóa cẩn thận, nắp hộp có một khe hở để nhét tiền vào. Một năm hai lần, bác Acaki Acakievitr dốc mớ tiền lẻ ra đếm và đem đổi lấy bạc đồng thế vào. Đấy, bác đã dè sẻn như vậy từ lâu, và đã dành dụm được hơn bốn mươi rúp. Vậy là bác đã có được nửa số tiền cần thiết, nhưng còn nửa kia, đào đâu ra?
Bác Acaki Acakievitr suy nghĩ rất lâu và cuối cùng quyết định rút bớt những món chi tiêu thông thường, ít ra là trong một năm: bác định bỏ cái khoản trà buổi tối, không thắp nến nữa, và lúc cần thì vào làm việc ở nhà mụ chủ nhà, lợi dụng cây nến của mụ ta, khi đi ngoài phố, bác sẽ bước hết sức nhẹ nhàng gần như nhón chân đi, để cho đế giầy đỡ chóng mòn; đưa giặt quần áo thưa lượt hơn; và để quần áo lâu rách, cứ về đến nhà là cởi tuột ngay nó ra, chỉ đánh chiếc áo ngủ bằng vải đã quá cũ còn giữ lại được.
Thật tình mà nói, lúc ban đầu bác cũng thấy chật vật để quen với những dè sẻn kiểu đó; nhưng sau bác cũng quen dần đi và mọi việc đều trôi chảy cả; ngay cả việc tập nhịn bữa ăn tối nữa! Bù lại, bác đã có một món ăn tinh thần: hình ảnh chiếc áo khoác tương lai luôn luôn có trong tâm trí bác. Từ đấy, thậm chí cuộc sống của bác lại như có phần đầy đủ hơn: bác sống như không đơn độc nữa, như bác đã lấy vợ, và có một người bạn gái dễ thương đã vui lòng kề vai cùng đi trên quãng đường đời và người bạn gái đó chẳng ai khác là chiếc áo khoác, đệm bông ấm, có vải lót bền, không sao sờn hỏng được. Thậm chí bác Acaki Acakievitr còn trở nên linh hợi hơn, cương quyết hơn, như một con người đã tự đặt được cho mình một mục tiêu chính xác. Trên khuôn mặt, trong cử chỉ của bác, cái vẻ nghi ngờ, lưỡng lự quen thuộc xưa nay đã biến mất. Một ngọn lửa nhiệt tình hoàn toàn mới đôi khi rực lên trong đôi mắt bác, và trong đầu óc bác nảy ra những ý nghĩ táo tợn nhất, điên cuồng nhất: “Ừ nhỉ? Liệu có thể lót cổ áo bằng da cáo không nhỉ?”.
Những mơ tưởng đó đã khiến cho bác nhiều phen đãng trí. Một hôm, trong lúc sao chép, bác suýt phạm một lỗi, đến nỗi thiếu chút nữa bác đã kêu lên “ối” và làm dấu.
Hàng tháng, ít ra bác cũng đến nhà lão Petrovitr một lần để chuyện trò với lão về chiếc áo khoác: mua da ở đâu? Giá bao nhiêu? Chọn màu gì? Tuy khá bận lo lắng, nhưng cứ về nhà là bao giờ bác cũng tỏ ra hoan hỉ nghĩ rằng cuối cùng, sẽ đến lúc bác có áo và một ngày kia, chiếc áo khoác sẽ may xong.
Công việc lại được thu xếp nhanh hơn dự kiến. Quá ý mong chờ, ông giám đốc ban cho bác Acaki Acakievitr một món tiền thưởng không phải là bốn mươi, hay bốn mươi lăm rúp mà những sáu mươi rúp. Ông ta đã đoán được bác Acaki Acakievitr phải đặt may một chiếc áo khoác chăng? Hay chỉ là không hẹn mà lên? Muốn gì thì gì, bác Acaki Acakievitr nghiễm nhiên đã có thêm hai mươi rúp trong tay. Trường hợp này thúc đẩy sự việc tiến nhanh hơn. Thôi, chỉ còn phải nhịn đói nhịn khát hai ba tháng nữa và thế là bác Acaki Acakievitr đã có thể nắm chắc khoảng gần tám mươi rúp. Trái tim bác ngày thường rất bình tĩnh giờ đây bắt đầu đập rộn lên.
Khi đã có đủ tiền, bác cùng lão Petrovitr đi đến các cửa hiệu. Hai người mua thứ dạ thượng hảo hạng, cái đó dễ hiểu thôi: từ sáu tháng nay, không lúc nào bác không nghĩ đến điều đó và không tháng nào bác không vào các cửa hàng hỏi thăm giá cả. Bởi thế, Petrovitr bảo không đâu có thứ dạ tốt hơn. Còn vải lót, hai người chọn vải chúc bâu, một thứ chúc bâu rất bền, rất đẹp, đến nỗi, theo lão Petrovitr, nó còn tốt hơn lụa, thậm chí trông lại còn lịch sự hơn, bóng láng hơn. Hai người không mua da cáo, vì thật tình nó đắt quá, nhưng họ thay bằng da mèo, loại đẹp nhất trong hiệu, loại da mèo mà trông từ xa người ta cứ tưởng là da cáo.
Petrovitr loay hoay với chiếc áo khoác mất hai tuần lễ ròng rã, vì phải chần, phải lót, lôi thôi lắm; nếu không thì đã có thể xong sớm hơn nhiều. Lão Petrovitr lấy mười hai rúp tiền công; kém hơn thì không may được, vì hoàn toàn khâu bằng chỉ tơ, mà lại khâu đúp hai đường, và ở mỗi đường may còn hằn lại dấu răng của lão Petrovitr thành những hình thù khác nhau.
Vào một... thật khó mà nói được chính xác cái ngày mà, cuối cùng, lão Petrovitr mang chiếc áo khoác đến; nhưng dầu sao thì đó cũng là ngày long trọng nhất trong đời bác Acaki Acakievitr. Lão Petrovitr mang áo đến vào buổi sáng đúng lúc bác chuẩn bị đến Vụ. Thật không bao giờ chiếc áo khoác lại đến đúng lúc như vậy, vì trời đã bắt đầu giá rét và có cơ trời còn lạnh tê buốt hơn nữa. Petrovitr đến với chiếc áo khoác trên tay, đúng cách của một người thợ may cừ. Khuôn mặt lão ánh lên cái vẻ trịnh trọng mà bác Acaki Acakievitr chưa từng thấy. Hình như lão lấy làm kiêu hãnh vì lão vừa hoàn thành một công việc ra trò và đã đánh dấu cái vực thẳm ngăn cách bọn thợ may chỉ biết sửa chữa lằng nhằng với những người biết may những bộ quần áo mới.
Lão cởi lấy chiếc áo bọc trong khăn mùi xoa ra (chiếc khăn tay mới lấy ở nhà chị thợ giặt về, lão cuốn nó lại và bỏ vào túi để dùng khi cần đến). Trải chiếc áo khoác ra xong, lão cứ ngắm nghía nó mãi, vẻ tự phụ lắm; rồi đưa hai tay đỡ lấy chiếc áo, lão khéo léo choàng nó lên vai bác Acaki Acakievitr, kéo kéo phía sau áo cho thẳng nếp rồi, ung dung, duyên dáng, lão mặc hẳn vào cho bác. Vì đã có tuổi nên bác Acaki Acakievitr muốn thử đôi tay áo; lão Petrovitr lại giúp bác xỏ tay vào thì tay áo cũng vừa. Tóm lại áo may vừa vặn hết chỗ nói.
Lão Petrovitr không bỏ lỡ cơ hội, nói rằng sở dĩ lão ta lấy công hạ thế chính vì lão ở một phố nhỏ, không có biển hàng và hơn nữa lại là chỗ quen thân với bác Acaki Acakievitr từ lâu rồi, chứ ở đại lộ Nevxki chắc chắn người ta sẽ cưa đến bảy mươi lăm rúp, chỉ riêng công may thôi. Bác Acaki Acakievitr không muốn tranh cãi về điều đó làm chi; vả chăng, bác vốn sợ hết hồn mỗi khi nghe nói đến những món tiền kếch xù mà lão Petrovitr thích đem ra trộ khách hàng.
Bác Acaki Acakievitr trả tiền, cám ơn lão, mặc chiếc áo khoác vào và lên đường đi đến Vụ. Lão Petrovitr đi theo sau bác, chốc chốc dừng lại để ngắm công trình của lão từ đằng xa; tiếp đó, lão chạy rẽ tắt qua một phố hẻm, vượt lên trước Acaki Acakievitr, đi ngược lại để ngắm nghía chiếc áo khoác một lần nữa, từ phía trước.
Bác Acaki bước đi, trong lòng vui hớn hở. Lúc nào bác cũng có cái cảm giác râm ran của chiếc áo khoác mới trên đôi vai và mấy lần bác bật cười khoái trá. Thật vậy, nó có hai cái lợi: vừa ấm lại vừa đẹp.
Bác không để ý đến đường đi nên đến sở lúc nào không biết; bác vào phòng áo cởi chiếc áo khoác dạ ra, lật đi lật lại để xem xét, rồi giao cho người gác cổng dặn giữ gìn cẩn thận.
Không hiểu sao mà chẳng mấy chốc đã bay lan khắp các phòng cái tiếng đồn bác Acaki Acakievitr có chiếc áo khoác mới và chiếc áo choàng cũ không còn nữa. Người ta chạy xô vào phòng gửi áo để ngắm nghía chiếc áo khoác mới. Người ta chúc mừng bác, chào hỏi bác hết lời, đến nỗi lúc đầu bác còn mỉm cười hớn hở nhưng về sau bác đâm xấu hổ. Đến khi các bạn đồng nghiệp vây quanh bác, đòi bác phải ăn mừng chiếc áo mới và ít ra cũng tổ chức một tối vui, thì bác Acaki Acakievitr mới đờ người ra, không còn biết ăn nói làm sao, đối đáp làm sao để tránh cho thoát. Mặt đỏ dừ đến mấy phút, bác cam đoan một cách khá ngây thơ rằng chiếc áo khoác này của bác hoàn toàn không phải là áo mới, nó chỉ là chiếc áo khoác cũ đấy thôi. Cuối cùng, một người trong đám viên chức, một ông phó phòng nào đó, chắc hẳn muốn tỏ ra ta đây chẳng hề lên mặt với ai và chơi thân cả với cấp dưới, đã đứng ra nói:
- Thôi vậy! Để tôi thay bác Acaki Acakievitr tổ chức một tối vui. Vậy, tôi có lời mời các bác tối nay đến nhà tôi xơi trà, nhất là hôm nay cũng chính là sinh nhật của tôi.
Cố nhiên là đám viên chức lập tức hoan nghênh ông phó phòng và rất vui lòng nhận lời mời. Còn bác Acaki Acakievitr thì lúc đầu từ chối, nhưng anh em trách bác như thế là thiếu lễ độ, đáng xấu hổ là đằng khác, nên bác buộc phải nhận lời. Vả lại, được mời, bác cũng thích thú, khi nghĩ rằng như thế là bác lại có dịp, ngay tối hôm đó, diện chiếc áo khoác một lần nữa.
Cả ngày hôm ấy đối với bác Acaki Acakievitr là một ngày hội long trọng nhất. Trở về nhà, tâm trí bác rất vui vẻ; bác cởi chiếc áo khoác ra và treo lên tường, sau khi đã ngắm nghía một lần nữa dạ và vải lót; để so sánh, bác cố ý lôi chiếc áo khoác cũ rách tả tơi ra; nhìn nó, bác bật cười: thật khác nhau một trời, một vực! Và suốt bữa ăn, nhiều lần, bác cứ cười thầm khi nghĩ đến cái tình trạng thảm hại của chiếc áo cũ. Bác ăn vui vẻ lắm và ăn xong bác không sao chép gì hết mà lăn ra nằm kềnh trên giường, cho đến tận tối. Rồi chẳng chần chừ gì hết, bác ăn vận rất nhanh, vắt chiếc áo khoác lên vai, ra phố.
Thực tiếc vô cùng, chúng tôi không thể chỉ được chính xác chỗ ở của ông phó phòng đã mời bác Acaki Acakievitr đến dự dạ hội: trí nhớ chúng tôi bắt đầu kém lắm rồi, mà nhà cửa, phố xá Peterburg lẫn lộn trong đầu óc, khiến chúng tôi không tài nào lần cho ra được đích xác. Dầu sao cũng có một điều biết chắc chắn là ông phó phòng nọ ở tại một trong những khu phố đẹp đẽ và có lẽ rất xa khu phố bác Acaki Acakievitr ở.
Trước tiên, bác phải vượt qua mấy khu phố rất lờ mờ ánh đèn, nhưng càng gần đến nơi thì phố xá càng nhộn nhịp, vui hơn và đèn thắp sáng sủa hơn nhiều. Khách qua đường đông hơn, người ta gặp những bà ăn mặc lịch sự, những ông đeo cổ áo bằng da hải ly; những chiếc xe trượt tuyết nhỏ bằng gỗ, đan mắt cáo, đóng đinh, giờ đây ít thấy, thay vào đấy là những cỗ xe đẹp đẽ: những chiếc xe trượt tuyết đánh vecni, bọc da thuộc lông gấu, với những tay xà ích đội mũ trùm bằng nhung, mầu dâu chín. Những chiếc xe tứ mã trang bị sang trọng qua lại vun vút, bánh xe lăn lạo xạo trên tuyết.
Bác Acaki Acakievitr nhìn những thứ đó như mới thấy lần đầu: đã bao năm nay bác không ra phố vào buổi tối. Bác dừng chân trước chiếc tủ kính có đèn chiếu sáng của một cửa hiệu, thích thú ngắm nghía bức tranh vẽ một người phụ nữ xinh đẹp đang tháo giầy để lộ ra bắp chân khá tròn trịa, trong lúc đó, qua cánh cửa hé mở, thò ra cái đầu của một ông có ria mép và chòm râu dưới môi đẹp đẽ.
Bác Acaki Acakievitr gật gù cái đầu, mỉm cười và lại tiếp tục đi.
Sao bác lại mỉm cười? Phải chăng vì bác đã đứng trước một điều từ xưa bác không biết, nhưng mỗi người còn giữ lại một thứ bản năng về nó trong mình? Hoặc giả bác thầm nhủ, như bao nhiêu vị công chức khác: “Chà! Cái bọn Pháp này! Chẳng còn phải nói... Chúng mà thích cái gì… thì đúng là cái... điều ấy...”. Mà cũng có thể bác chẳng mảy may nghĩ cái gì giống như vậy: đi sâu làm sao được vào đầu óc người ta để biết đích xác những cái đang diễn ra trong đó.
Cuối cùng, bác đã tới nhà ông phó phòng. Ông này sống rất đường hoàng một căn buồng ở tầng hai, chỗ cầu thang có một ngọn đèn soi sáng. Ở phòng ngoài, bác Acaki Acakievitr thấy trên sàn nhà từng dãy giày, ở giữa, sừng sững một chiếc ấm xamovar đang phì hơi kêu lục sục. Dọc các bức tường có treo những áo lót bông và áo khoác, một số có cổ lót bằng da cáo hay có ve lót nhung. Qua bức vách, văng vẳng tiếng chuyện trò rì rầm, đột nhiên tiếng vang to lên khi cửa mở và một người hầu phòng bước ra, tay bưng một cái khay đầy những cốc không, một lọ kem và một làn đầy bích quy. Đám viên chức đã đến đây từ lâu và họ đã uống cạn cốc trà đầu tiên.
Tự tay treo xong chiếc áo khoác, bác Acaki Acakievitr bước vào phòng; mắt bác thấy nào nến, nào tẩu, nào bàn đánh bài, tai bác tràn ngập những tiếng nói chuyện rào rào dâng lên xung quanh mình, tiếng ghế xê đi xích lại. Bác đứng giữa phòng còn đang lúng túng chưa biết nên làm gì thì mọi người đã trông thấy bác, người ta hoan hô bác và tất cả đâm bổ ra phòng ngoài để ngắm nghía chiếc áo khoác của bác một lần nữa. Bác Acaki Acakievitr tuy cảm thấy hơi thẹn, nhưng vốn chất phác, bác cũng không thể không vui thích khi nghe những lời tán tụng. Sau đó, cố nhiên tất cả mọi người bỏ mặc bác với chiếc áo khoác và theo thói quen, họ quây lại quanh những chiếc bàn đánh bài. Những tiếng ồn ào, những câu chuyện trò qua lại, đám người xung quanh, tất cả đập vào bác một cách kỳ lạ. Thật tình, bác thấy mình như thừa, chả biết đặt chân đặt tay vào đâu. Cuối cùng, bác đành ngồi xuống bên cạnh những người chơi bài, cố theo dõi họ chơi, chăm chú hết nhìn người này đến người khác. Được một lúc, bác đã bắt đầu ngáp, và cảm thấy chán, nhất là vì mọi hôm, vào giờ này, bác đã quen cái lệ đi ngủ từ lâu rồi.
Bác muốn cáo từ chủ nhân nhưng người ta giữ bác lại, cố nài bác uống sâm banh để mừng chiếc áo khoác mới của bác. Một giờ sau, bữa ăn tối dọn ra gồm món rau xà lách, thịt cừu quay ướp lạnh, pa tê, bánh ngọt các loại, rượu sâm banh. Người ta ép bác Acaki Acakievitr uống cạn hai cốc, và sau đó bác thấy khoái hoạt hẳn lên, nhưng dầu sao bác cũng không thể quên là đã nửa đêm và phải đi về. Sợ chủ nhà còn giữ lại, bác lẳng lặng chuồn ra khỏi phòng, lấy áo khoác, nhưng bác hoảng hồn khi thấy chiếc áo đã rơi xuống đất; bác giũ giũ, thận trọng nhặt mấy cái vỏ trái cây dính vào áo, mặc nó vào và xuống cầu thang đi ra phố.
Đường phố còn sáng đèn. Vài hiệu tạp hóa nhỏ, một thứ câu lạc bộ của đám gia nhân đầy tớ không bao giờ vợi người, hãy còn mở cửa. Có những hiệu khác tuy đã đóng cửa, nhưng vẫn còn để lọt ra ngoài qua khe cửa, một vệt sáng dài, chứng tỏ các cô hầu phòng và những chú nhỏ chưa chấm dứt chuyện con cà con kê, mặc cho các ông chủ bà chủ ngơ ngác, nghĩ bụng chả biết bọn họ đã biến mất vào xó xỉnh nào.
Bác Acaki Acakievitr bước đi, lòng hết sức hoan hỉ; thốt nhiên chẳng hiểu tại sao bác lại còn lao theo một bà vừa đi lướt qua nhanh chẳng khác một tia chớp, những bộ phận trên thân mình người ấy rung chuyển một cách kỳ lạ. Nhưng rồi, bác cũng dừng lại ngay, chậm rãi bước như cũ, tự hỏi chẳng biết vì đâu mà vừa rồi bác lại hứng lên như vậy được.
Chẳng mấy chốc bác đi lọt vào những phố vắng vẻ, ngay cả ban ngày cũng kém vui hơn nhiều, giờ đây trông lại càng buồn tẻ hơn, ảm đạm hơn. Đèn treo thưa thớt dần: cố nhiên là người ta tiết kiệm dầu. Rồi những ngôi nhà bằng gỗ, những bờ giậu dài; không một bóng người trên đường đi, chỉ thấy lấp lánh ánh tuyết và hai bên là hai dãy tối sầm của những ngôi nhà nhỏ bé đang ngủ im lìm. Cửa sổ đóng kín.
Bác Acaki Acakievitr đi tới một dãy phố chạy ra cái bãi rộng mênh mông, ở phía bên kia bãi, lờ mờ hiện ra vài ngôi nhà, quang cảnh trông chẳng khác một bãi sa mạc khủng khiếp. Đằng xa, xa lắm, một chút ánh sáng lấp lánh xa xăm như ở đâu tận thẳm cùng thế giới. Đến đây niềm vui của bác Acaki Acakievitr thỉu đi rõ rệt. Bước vào bãi, lòng bác không khỏi nơm nớp chút lo sợ, dường như bác linh cảm thấy trước một tai họa. Bác liếc nhìn xung quanh: chẳng khác nào một biển cả tối mò. “Thôi, - bác nghĩ - tốt nhất là đừng nhìn” và bác nhắm mắt lại, bước đi. Lúc bác mở mắt để xem cho kỹ đoạn đường còn phải vượt qua thì, đột nhiên, ngay trước mặt bác, hầu như gần sát kề mũi, bác thấy mấy người ria mép xồm xoàm. Họ là ai bác không thể nhận ra được. Mắt bác hoa lên, tim bác đập thình thình nặng nề.
- Chiếc áo khoác này là của tớ! - Một tên trong bọn vừa kêu lên, tiếng như lệnh vỡ, vừa túm lấy cổ áo bác.
Bác Acaki Acakievitr mở miệng định kêu: “Ối! Kẻ trộm!” nhưng một tên đã dí nắm tay vào tận mũi bác, một nắm tay to bằng cái đầu một tên viên chức, hắn dọa:
- Thử kêu đi xem nào!
Bác Acaki Acakievitr chỉ cảm thấy bị chúng lột mất chiếc áo, rồi chúng bồi cho bác một phát đá khiến bác ngã sấp úp mặt xuống tuyết; rồi thế là bác ngất đi bất tỉnh nhân sự. Mấy phút sau, khi hồi tỉnh, bác đứng dậy thì chẳng còn ai nữa. Bác cảm thấy trời lạnh, chiếc áo khoác không còn phủ trên vai nữa, bác liền kêu lên. Nhưng tiếng bác hình như mất hút trên cánh đồng. Hớt hơ hớt hải, miệng kêu la, bác chạy thục mạng qua bãi, đâm thẳng đến chỗ cái chòi canh có người lính gác đang đứng cạnh đấy: tay chống ngọn kích, hắn ta trố mắt tò mò nhìn như tự hỏi: Quái thật! Không hiểu có chuyện gì mà cái lão này vừa chạy vừa hét như thế kia.
Đến chỗ người lính gác, bác Acaki Acakievitr vừa thở hổn hển vừa hét lên, trách hắn là chỉ ngủ, không nhìn thấy chuyện gì xảy ra xung quanh, trong lúc có kẻ cướp giật lột áo của khách qua đường. Người lính gác trả lời là hắn ta chẳng thấy gì hết, lúc nãy hắn thấy có hai người cùng bác đứng lại ở giữa bãi, nhưng hắn lại tưởng là bạn bè gặp nhau và hắn nói thêm là bác đừng có đứng đấy mà réo chửi nữa, ngày mai đến mà kêu với ông cảnh sát khu phố: ông ta sẽ tìm ra kẻ trộm.
Bác Acaki Acakievitr cuống cuồng chạy về nhà. Mấy sợi tóc còn điểm trên thái dương và gáy bác rối bù lên. Cạnh sườn và quần bác, tuyết bám đầy. Nghe tiếng đấm cửa, mụ chủ nhà nhảy bổ từ trên giường xuống, chỉ vừa kịp xỏ một chiếc giày chạy ra mở cửa vừa thẹn thùng kéo vạt áo lót che ngực. Nhưng vừa mở cửa xong thì mụ hãi hùng lùi ngay lại khi nhìn thấy bác Acaki Acakievitr bộ dạng kinh khủng quá.
Nghe bác kể xong câu chuyện vừa xảy ra, mụ bèn chắp tay lại và khuyên bác là phải đi thẳng đến ông quận trưởng vì đi kêu với viên cảnh sát khu phố thì chỉ tổ thêm thất vọng: hắn chỉ được cái hứa nhiều nhưng chẳng làm gì sất. Vậy tốt hơn hết là kêu thẳng với ông quận trưởng; vả chăng mụ có biết ông ta; con Anna người Phần Lan đầu bếp cũ của mụ hiện vào làm vú em nhà ông ta; chính mụ vẫn trông thấy ông ta luôn, lúc ông ta đi qua trước nhà mụ hoặc lúc ông ta ở nhà thờ; chủ nhật nào ông cũng đến đấy, vừa cầu kinh vừa vui vẻ nhìn xung quanh: cái đó đủ tỏ ông ta phải là con người tốt bụng lắm.
Nghe xong lời khuyên của mụ, bác Acaki Acakievitr buồn bã lê mình về phòng. Đêm ấy giấc ngủ bác ra sao, xin nhường để những ai có thể ít nhiều hình dung được cảnh ngộ của người khác thử nghĩ xem.
Hôm sau, sáng sớm, bác đi đến nhà ông quận trưởng nhưng người ta nói cho bác hay rằng ông ta còn ngủ. Nửa giờ sau bác trở lại. Người ta vẫn trả lời ông còn đang ngủ. Mười một giờ bác đến thì người ta bảo: “Ông ấy đi vắng!”. Đến giờ ăn chiều, bác trở lại, nhưng bọn thư ký ở phòng ngoài không để cho bác vào, họ nhất thiết muốn biết bác đến vì mục đích gì, muốn yêu cầu gì, đã gặp phải chuyện gì, đến nỗi, lần đầu tiên và lần chót trong đời, bác Acaki Acakievitr phải tỏ ra cứng rắn: bác tuyên bố rõ rằng bác cần phải được gặp chính ông quận trưởng, người ta không có quyền ngăn cản không để bác vào, rằng bác ở Bộ đến vì một việc quan trọng, mà nếu để bác kiện lên trên, họ sẽ chịu mọi hậu quả. Nghe nói như vậy, bọn thư ký không còn dám ho he gì nữa, và một anh vào ngay báo cáo với ông quận.
Lão quận trưởng đón nghe câu chuyện mất trộm một cách rất lạ lùng; đáng lẽ chú ý đến điểm cốt yếu của câu chuyện, lão ta lại đi hỏi bác Acaki Acakievitr sao tối hôm đó bác lại về muộn thế? Phải chăng bác đã đến một nơi ám muội nào? Lão hỏi vặn vẹo nhiều thứ khiến Acaki Acakievitr cảm thấy thẹn đỏ mặt và ra về, trong bụng nghĩ chẳng biết câu chuyện trình mất chiếc áo khoác của bác có đi đến đâu không.
Hôm đó, bác không đến sở (và đây là lần đầu tiên trong đời bác). Ngày hôm sau bác đến làm, mặt xanh nhợt nhạt, mặc chiếc áo khoác cũ giờ đây trông càng thảm hại hơn trước.
Nghe chuyện bác Acaki Acakievitr bị cướp hầu hết mọi người đều xúc động; tuy vậy, vẫn còn vài tay, ngay trong trường hợp này, vẫn không bỏ lỡ dịp chế giễu bác. Liền ngay đó người ta quyết định mở một cuộc lạc quyên ủng hộ bác, nhưng chẳng góp nhặt được bao nhiêu, vì tất cả đám viên chức đã cạn túi; quả thật, họ đã buộc phải góp tiền mua bức chân dung ông bộ trưởng và một cuốn sách gì đó, theo lời yêu cầu của ông trưởng phòng, bạn với tác giả. Bác Acaki Acakievitr chỉ nhận được một số tiền chẳng thấm vào đâu; nhưng một người bạn đồng nghiệp, động lòng trắc ẩn, cũng muốn giúp bác một lời khuyên, bảo bác đừng phí công mà đi kêu với tên sĩ quan cảnh sát khu, bởi vì dù cho viên đó muốn được lòng cấp trên, mà tìm thấy ra được chiếc áo khoác của bác thì người ta cũng không thể đem nó giao lại cho bác, chừng nào bác chưa có đủ chứng cớ rõ ràng chiếc áo ấy là của bác. Tốt nhất là hãy tìm đến kêu với một nhân vật quan trọng nào đó. Ông ta sẽ liên hệ với những người có trách nhiệm và có thể làm cho việc này tiến hành một cách có lợi cho bác hơn.
Cực chẳng đã, bác Acaki Acakievitr đành phải tìm đến kêu với một nhân vật quan trọng.
Nhân vật đó giữ chức gì, nhiệm vụ của ông ta ra sao, cho đến nay chẳng ai biết gì hết. Có điều, phải nói rõ rằng nhân vật ấy trở nên quan trọng mới chỉ có từ ít lâu nay thôi; vả chăng, chức vị của ông ta không được xem là quan trọng lắm nếu so sánh với những chức vị khác quan trọng hơn nữa. Nhưng thói đời bao giờ cũng thế, có một số người cứ xem là quan trọng hết sức cái mà người khác cho là chẳng quan trọng chút nào. Hơn nữa, ngay bản thân người ấy cũng cố làm nổi bật điều quan trọng đó bằng nhiều cách. Chẳng hạn, ông ta buộc nhân viên cấp dưới, lúc ông ta bước chân tới sở làm việc, phải sắp hàng ra đón và không một ai được tự tiện trình bày trực tiếp với ông, vì như thế là phạm vào cái trật tự nghiêm ngặt đã được quy định; viên thư ký học viện phải báo cáo lên thư ký hàng tỉnh, thư ký tỉnh phải đệ trình lên viên hội thẩm thực thụ, hay một viên chức nào khác và cứ thế, lần lượt qua các thứ bậc mà lên đến ông ta. Ấy, sự việc diễn ra trong nước Nga thần thánh của chúng ta là thế đấy: ai cũng làm thủ trưởng và ai cũng rập khuôn bắt chước cấp trên của mình.
Người ta còn kể lại rằng có một viên hội thẩm thực thụ nào đó vừa mới được đề bạt đứng đầu một văn phòng không lớn lắm, thì chẳng vội vàng làm việc gì khác hơn là ngồi vào một cái buồng nhỏ mà y đặt tên là “phòng hội đồng”, ở ngoài cửa phòng là một số đầy tớ đeo lon, cổ áo đỏ, chỉ làm cái việc mở toang cánh cửa khi có người tới, mặc dầu cái “phòng hội đồng” nói trên nhỏ bé đến nỗi khó khăn lắm mới đặt được một cái bàn viết vào đấy.
Thái độ, dáng điệu của nhân vật quan trọng nọ thì trịnh trọng, lối ăn nói ngắn gọn. Nguyên tắc làm việc của ông rất đơn giản thôi, dựa trên sự nghiêm khắc.
“Phải nghiêm khắc, nghiêm khắc và nghiêm khắc!” - Ông luôn miệng nói như vậy và nói xong, ông nhìn người hầu chuyện với một cái nhìn hết sức có ý nghĩa tuy chả cần thiết chút nào vì toàn thể nhân viên trong văn phòng, gồm vẻn vẹn có mười người mà ai cũng đã sợ ông quá rồi: thấy ông đến tự đằng xa, họ đã vội bỏ ngay công việc đấy chạy ra đứng thẳng trước mặt ông như lính gác trong tư thế bồng súng chào. Ông nói với nhân viên dưới quyền rặt bằng một giọng gắt gỏng. Câu chuyện giữa ông với họ chỉ tóm lại trong có ba câu: “Sao anh dám cả gan thế hả? Anh có biết anh đang nói với ai đây không? Anh có hiểu ai đang đứng trước mặt anh đây không?”.
Tuy vậy, ông cũng không phải là một người xấu, ác, ông sẵn lòng giúp đỡ người khác, đối với bạn bè thì rất tốt: nhưng cái danh Cụ lớn đã khiến ông hoàn toàn loạn óc.
Từ khi nhận chức, ông đâm ra như người mất trí và không còn biết nên đối xử như thế nào cho phải. Lúc ở giữa đám người ngang hàng, ông cư xử rất chi là đúng đắn, như một con người có giáo dục, một con người chẳng ngu xuẩn tí nào, về nhiều phương diện. Nhưng nếu nhỡ lọt vào đám những người bề dưới, dầu chỉ dưới ông một cấp thôi, thì thật là tệ hại: ông cứ ngồi lặng câm như hến và thậm chí bộ dạng còn đáng thương nữa, bởi vì tự ông cũng cảm thấy là đáng lý ra ông có thể được thoải mái hơn nhiều. Cặp mắt ông, thỉnh thoảng thấy ánh lên cái ý muốn ao ước được dự vào câu chuyện chung, gia nhập vào một nhóm nào đó mà ông thấy thích, nhưng ngay tức thì ông như bị chặn lại vì sợ làm thế là đi quá trớn, sợ mình dễ dãi, người ta đâm ra suồng sã và do đó xúc phạm đến địa vị của ông. Thế là ông cứ lúc nào cũng ngồi lặng thinh, thỉnh thoảng mới thốt ra vài ba tiếng nhát gừng, bâng quơ, tự tạo cho mình cái tiếng là con người khó chịu nhất đời.
Vậy là Acaki Acakievitr đã đến nhà nhân vật quan trọng nọ, mà đến hết sức không đúng lúc: không đúng lúc đối với chính bác nhưng lại rất đúng lúc đối với nhân vật quan trọng kia. Ông ta đang ngồi trong phòng làm việc và đang vui vẻ chuyện trò với một người bạn cũ, một người bạn lúc thiếu thời đã bao năm xa cách không gặp nhau mới đến Peterburg được ít lâu nay. Đang lúc có khách thì người nhà vào báo với ông là có Basmakin nào đó yêu cầu được gặp.
- Ai thế? - Ông hỏi cộc lốc.
- Thưa, một viên chức.
- Chà, bảo hắn cứ đợi đấy; giờ chưa phải lúc, - nhân vật quan trọng nói.
Phải nói rằng trong trường hợp này nhân vật quan trọng nọ đã nói dối: ông chẳng mảy may bận bịu gì hết, câu chuyện trao đổi giữa hai người đã cạn, họ đã cứ phải ngừng lại từng hồi dài để vỗ vào đùi nhau, nhắc đi nhắc lại “Đúng, đúng thế, bác Ivan Abramovitr ạ! - Thì đúng thế chứ còn gì, bác Xtefan Vaclamovitr ạ!”. Thế mà ông vẫn cứ ra lệnh bắt bác Acaki Acakievitr phải đợi, để tỏ cho ông bạn của ông biết, (chả là ông bạn này đã về hưu từ lâu và hiện đang ở thôn quê) cái cảnh công chức phải quỵ lụy chầu chực ở phòng ngoài nhà ông như thế nào.
Cuối cùng, sau khi đã nói chuyện và nhất là đã ngồi im chán chê, sau khi đã hút hết mấy điếu xì gà ngon, đã ngồi đủ thoải mái trong chiếc ghế bành có lưng tựa quay được, đột nhiên ông làm ra vẻ nhớ đến một điều gì đó và bảo với viên thư ký khệ nệ ôm đống hồ sơ vào báo cáo:
- Này, hình như ở ngoài có một gã công chức nào đang chờ thì phải? Anh bảo cho y vào!
Thấy cái bộ dạng khúm núm và bộ chế phục cũ kỹ của bác Acaki Acakievitr, ông ngoảnh phắt lại phía bác và hỏi: “Anh muốn gì?” - giọng cộc lốc, sát phạt mà ông đã luyện từ một tuần trước lúc được bổ nhiệm vào cương vị này ở trong phòng riêng trước một tấm gương.
Sợ quá bác Acaki Acakievitr hơi luống cuống; tuy vậy, bác cũng cố hết sức trình bày trong chừng mực cố nén xúc động được và điểm xuyết bài diễn văn của mình nhiều hơn bao giờ hết bằng những từ ngữ cái điều... cái ấy... v.v... rằng hôm trước bác có một chiếc áo khoác mới, và có kẻ đã cướp mất một cách vô nhân đạo, rằng bác đến kêu với cụ lớn mong cụ lớn can thiệp cho như thế nào đó, bằng cách viết cho ông cảnh sát trưởng mấy chữ hoặc cho một vị nào khác để họ tìm kiếm ráo riết cho.
Chẳng biết tại sao, đối với nhân vật quan trọng nọ, lời thỉnh cầu này của bác lại như quá suồng sã.
- Thế nào? - Ông nói với cái giọng oai vệ. - Thế ra anh không biết các thủ tục à?... Anh ở đâu? Anh không biết thể thức công việc phải tiến hành thế nào à? Trước hết, anh phải đệ đơn lên văn phòng, văn phòng sẽ chuyển lên ông trưởng phòng, từ trưởng phòng lên ông cục trưởng rồi ông cục trưởng sẽ chuyển qua thư ký của ta và cuối cùng viên thư ký mới đệ trình lên cho ta, anh biết không?
- Nhưng, bẩm Cụ lớn, - bác Acaki Acakievitr cố hết sức thu thập tất cả can đảm lại nói, đến nỗi toát cả mồ hôi, - con mạo muội đường đột đến quấy rầy Cụ lớn chỉ vì các ông thư ký,... dạ, thưa không thể trông cậy gì vào các ông ấy được ạ!
- Thế nào? Ngươi nói thế nào? - Nhân vật quan trọng quát lên. - Anh học cái thói lếu láo ấy ở đâu thế hả? Anh moi những ý kiến đó ở đâu ra thế hả? À, cái đầu óc nổi loạn trong đám bọn trẻ xúi giục chúng chống lại cấp trên, chống lại chính quyền đấy, phải không?
Nhân vật quan trọng nọ như không nhận thấy rằng bác Acaki Acakievitr đã quá ngũ tuần và do đó chỉ có thể gọi bác là thanh niên một cách tương đối thôi, khi so với một ông già bảy mươi.
- Anh có biết anh đang nói với ai cái điều đó không? Anh có hiểu anh đang đứng trước ai đây không? Điều đó anh có hiểu không? Có hiểu không, nói ta nghe nào?
Đến đây, ông giậm chân và lớn tiếng, cao giọng lên đến nỗi người khác còn kinh hoảng nữa là bác Acaki Acakievitr. Bác Acaki Acakievitr thì sợ lạnh toát người ra, run lẩy bẩy, bác không tài nào đứng vững được nữa, và chắc chắn là sẽ ngã sóng soài ra nếu bọn lính gác cửa không chạy tới xốc lấy bác. Họ lôi bác đi, người bác đã gần như không còn cử động gì được nữa.
Nhân vật quan trọng nọ rất khoái chí khi thấy hiệu quả vượt quá cả những dự tính của mình; hoàn toàn say sưa với ý nghĩ rằng lời nói của mình đã khiến cho một con người phải bất tỉnh nhân sự, ông liếc nhìn người bạn để xem chuyện vừa xảy ra đã gây cho bạn một ấn tượng như thế nào; và ông không phải là không cảm thấy ít nhiều khoái chí, khi nhận thấy người bạn trông bộ cũng bối rối và bắt đầu tỏ ra sợ hãi nữa.
Bác Acaki Acakievitr chẳng hề nhớ rằng mình bước xuống cầu thang như thế nào, và làm thế nào để ra được đến ngoài phố. Chân tay bác rã rời. Đây là lần đầu tiên trong đời bác bị một ông thủ trưởng mắng nặng lời, mà hơn nữa lại là một ông thủ trưởng thuộc một công sở khác. Chân đi loạng choạng, mồm há hốc, bác bước trong cơn gió bấc đang gào rít ngoài đường phố. Theo lẽ thường ở Peterburg, gió thổi dồn tới tấp vào bác, từ các ngả, cùng một lúc, gió từ tất cả các phố nhỏ thổi lại. Chẳng mấy chốc bác bị viêm cuống họng; lê về được đến nhà, bác đi nằm ngay, cổ họng sưng tấy lên, bác không nói được một lời. Đấy, một đôi lời quở trách gây hậu quả như thế đấy. Ngay ngày hôm sau, bác lên cơn sốt nặng.
Nhờ cái khí hậu của Peterburg tận tình giúp sức vào, bệnh tình bác phát triển mau hơn người ta tưởng, và lúc thầy thuốc đến, bắt mạch cho bác xong, ông ta chẳng còn biết làm gì khác là kê đơn đắp thuốc dấu cho bác, cũng chỉ là để cho bệnh nhân khỏi bị thiệt thòi không được hưởng sự giúp đỡ hiệu nghiệm của y học mà thôi. Thật ra ông đã báo trước rằng trong hai ngày nữa, nhất định bác sẽ chết. Và ngoảnh lại phía bà chủ nhà, ông bảo:
- Bà cụ ơi, bà cụ đừng mất thì giờ vô ích! Ngay hôm nay, bà cụ hãy đi đặt cho bác ấy một cỗ áo quan bằng gỗ bách vì đối với bác ta, gỗ sồi đắt quá.
Bác Acaki Acakievitr có nghe thấy những lời ghê sợ ấy không? Mà nếu nghe được thì bác có xúc động không? Bác có luyến tiếc cái cuộc đời đáng thương của bác không? Điều ấy chẳng ai hiểu, vì suốt thời gian đó bác mê man. Bao nhiêu việc, việc nọ kỳ lạ hơn việc kia, bỗng hiện ra trước mắt bác: khi thì bác trông thấy lão Petrovitr và đặt lão may một chiếc áo khoác có đính bẫy để bắt bọn kẻ trộm mà ở đâu bác cũng nhìn thấy, ngay cả tận dưới gậm giường nhà bác, đến nỗi, chốc chốc bác phải gọi mụ chủ nhà lôi một đứa ở dưới chăn ra; khi thì bác hỏi tại sao chiếc áo khoác cũ vẫn còn treo ở tường, trong khi bác đã có một chiếc áo mới? Khi thì bác tưởng tượng mình đứng trước một ông thủ trưởng đang mắng bác thậm tệ, còn bác thì chỉ đáp: “Mong Cụ lớn tha tội cho con!”; khi thì bác chửi, thét lên những tiếng kinh khủng đến nỗi mụ chủ nhà chưa từng nghe những tiếng như thế thốt ra từ miệng bác bao giờ, nên mụ hoảng sợ, đưa tay làm dấu, nhất là những tiếng chửi bới đó lại đi kèm ngay sau những tiếng: “Dạ, thưa Cụ lớn”. Cuối cùng, bác nói những câu chẳng đâu vào đâu, không ai hiểu được tí gì; tuy vậy, có điều hiển nhiên là tất cả những ý nghĩ lộn xộn của bác đều xoay quanh chiếc áo khoác. Cuối cùng, bác Acaki Acakievitr đáng thương chết. Người ta chẳng niêm phong đồ đạc của bác, cũng chẳng niêm phong căn buồng của bác nữa, trước hết vì bác không có người thừa kế, và sau nữa, bác hầu như chẳng để lại tí gì: một nắm cây bút lông ngỗng, một tập giấy của nhà nước, ba đôi bít tất, hai hay ba chiếc khuy quần cộc cùng với chiếc áo khoác cũ kỹ rất quen thuộc với độc giả. Ai sẽ thừa hưởng những thứ đó? Có trời biết! Tác giả câu chuyện này thú thật là không để tâm đến điều ấy.
Người ta mang bác Acaki Acakievitr đi, chôn cất bác. Và thế là Peterburg từ đây sẽ vắng bóng bác Acaki Acakievitr, như thể trên đời này chưa hề có bác. Con người ấy mất đi, con người không có ai che chở, không ai thương mến, chẳng ai quan tâm; một con người không khiến được nhà bác học để ý đến, mặc dầu ông ta là người không bỏ lỡ một dịp nào để quan sát qua ống kính hiển vi từ con ruồi nhỏ bé nhất. Đã mất đi một con người nhẫn nhục chịu đựng những lời chế giễu của các bạn đồng nghiệp, một con người xuống mồ rồi mà chưa làm được một chuyện gì đặc biệt, nhưng dầu sao đối với con người đó, trong những ngày cuối cùng cuộc đời mình, cũng đã xuất hiện dưới hình dáng một chiếc áo khoác mới, một ảo ảnh chói lọi đã soi sáng cuộc đời đau thương của bác ta trong khoảnh khắc; mà tiếp sau, tai ương dồn dập chà đạp con người đó, như đôi lúc nó đã từng chà đạp lên những kẻ quyền thế ở thế gian này.
Bác mất được vài ngày sau thì có người lính gác của Vụ đến tìm để đưa cho bác cái lệnh buộc bác phải đi làm việc ngay lập tức: thủ trưởng có lệnh đòi. Nhưng người lính gác phải quay về không hoàn thành được sứ mệnh và báo là Acaki Acakievitr sẽ không bao giờ tới Vụ nữa. Khi người ta hỏi: “Tại sao?” thì y trả lời: “Vì bác ấy đã chết rồi; người ta đã chôn bác ấy cách đây bốn ngày”. Người ta hay tin về cái chết của bác Acaki Acakievitr như thế đấy; ngay ngày hôm sau, một viên chức mới ngồi vào chỗ của bác; vóc người y to lớn hơn, chữ y viết dài hơn, ngả hơn.
Nhưng ai lại có thể ngờ rằng câu chuyện của bác Acaki Acakievitr đến đây chưa chấm dứt, và sau khi bác chết, số phận còn cho bác sống trong vài ba ngày một cuộc sống ồn ào như để đền bù lại cái cuộc sống âm thầm của bác trước kia? Chính vì thế mà cái câu chuyện nghèo nàn này của chúng tôi đột nhiên lại có một đoạn kết huyền hoặc.
Tiếng đồn bay lan ra ở Peterburg rằng có một con ma cứ đêm đêm xuất hiện ở quanh cầu Calinin, đội lốt một viên chức... đi tìm chiếc áo khoác bị cướp mất và vin vào cớ ấy, nó lột áo khoác của khách qua đường, không phân biệt họ ở cấp bậc nào, không kể áo như thế nào - đệm bông hay bằng bông, cổ da mèo hay cổ hải ly, áo khoác bằng da cáo hay da gấu, tóm lại, tất cả những thứ áo lông và tất cả những thứ da mà con người đã tìm ra để che bộ da của mình. Một viên chức đã đích mắt trông thấy con ma kia và nhận ngay được ra là Acaki Acakievitr; hắn ta sợ hết hồn, ba chân bốn cẳng chạy trốn ngay. Vậy là hắn ta không được nhìn nó tận nơi, nhưng dầu sao cũng thấy con ma giơ ngón tay ra hăm dọa mình.
Từ khắp nơi, đơn khiếu nại ùn ùn gửi tới. Chẳng thà chỉ có lưng và vai các ông cố vấn thực thụ bị, nó đi một nhẽ; nhưng ngay đến những vị cố vấn triều đình cũng bị nhiễm lạnh vì mất áo. Lệnh được ban ra cho sở cảnh sát phải bắt cho kỳ được con ma đó, không kể bắt sống hay giết chết, rồi nghiêm trị để làm gương cho kẻ khác. Suýt nữa thì người ta thành công. Thực vậy, một người lính gác thuộc khu nào đó đã túm được cổ áo con ma ấy ở ngõ Kiaruxkin, đúng ngay lúc nó định giật chiếc áo khoác của một nhạc sĩ trước kia từng thổi sáo rất hay.
Vừa nắm lấy cổ áo nó, người lính gác vừa gọi hai người bạn đồng nghiệp đến giúp sức; y dặn họ nắm chặt lấy con ma, còn mình thò tay vào ủng, tìm hộp thuốc lá để rít vài hơi cho khoái cái mũi đã từng bị lạnh cóng có đến sáu lần trong đời rồi. Nhưng ý hẳn mùi thuốc lá mạnh quá đến nỗi ngay cả con ma cũng không chịu được. Người lính gác vừa lấy ngón tay bịt lỗ mũi bên trái lại và bắt đầu hít một nửa điếu thuốc lá thì con ma hắt hơi dữ dội đến nỗi nước mũi bắn tung tóe lên cả mặt ba người lính gác khiến họ tối tăm mặt mũi lại. Trong lúc họ dụi mắt thì con ma biến ngay, không để lại vết tích gì, đến nỗi họ ngơ ngác hỏi nhau chẳng biết có thực là họ vừa tóm được con ma hay không.
Từ đó, lính gác sợ ma đến nỗi họ đâm ngại không dám bắt cả những người sống, có chuyện gì đành cứ đứng từ đằng xa mà hét: “Ơ, cái anh kia, đằng kia kìa! Đi đi chứ!”. Còn con ma nọ lại dám bạo gan xuất hiện cả ở phía bên kia cầu Calinin, làm cho bọn nhát gan kinh hãi.
Nhưng, chúng ta đã hoàn toàn bỏ rơi nhân vật quan trọng, mà nói cho đúng ra chính là nguyên nhân khiến câu chuyện thật này lại có vẻ hoang đường.
Vì lòng vô tư, chúng tôi buộc phải nói rằng: khi bác Acaki Acakievitr tội nghiệp kia bị ông ta mắng nhiếc một cách tàn nhẫn, vừa đi khỏi, thì nhân vật quan trọng ấy cảm thấy có cái gì như nỗi ân hận; lòng trắc ẩn vốn đối với ông không phải là xa lạ, trái tim ông còn có thể rung động trước những tình cảm tốt, mặc dầu chức vị của ông ngăn cản không cho ông bộc lộ ra, sau khi người bạn từ giã ra về thì ông nghĩ đến bác Acaki Acakievitr. Rồi từ đó, gần như ngày nào ông cũng hình dung trông thấy cái người viên chức xanh xao không chịu đựng được cơn thịnh nộ của ông.
Cuối cùng ý nghĩ đó đã khiến ông lo lắng đến nỗi một tuần lễ sau ông quyết định phái một viên chức đến hỏi tin tức bác Acaki Acakievitr, và tìm hiểu xem liệu có thể giúp được bác ta bằng cách nào. Nhưng khi người ta báo cáo với ông rằng bác Acaki Acakievitr đã bị chết đột ngột vì một cơn sốt thì ông sửng sốt và bị lương tâm trách móc, suốt ngày tỏ ra không vui.
Cảm thấy cần phải giải trí một chút và quên cái ấn tượng nặng nề ấy đi, ông đến nhà người bạn dự buổi dạ hội, ở đây, ông gặp toàn những người trong xã hội thượng lưu; hơn nữa những người gặp ở đây hầu hết là ngang cấp với ông: nên chả có gì mà ông phải ngại ngùng. Trường hợp này đã có tác dụng hết sức tốt đến tâm trí ông. Ông vui vẻ hớn hở, tỏ ra nhã nhặn, được mọi người chú ý, như vậy ông đã vui suốt buổi. Đến bữa ăn tối, ông còn dùng hai cốc sâm banh, một phương tiện mua vui hiệu nghiệm mà ai cũng biết. Uống sâm banh vào, ông thấy nẩy ra chút cao hứng, ông quyết định không về thẳng nhà mà rẽ đi thăm một vị phu nhân, có lẽ nguồn gốc người Đức, mệnh danh Carolina Ivanova, là người mà ông vốn có những mối quan hệ bạn bè.
Phải nói rằng nhân vật quan trọng nọ là một người chồng tốt, một người cha đáng kính và chẳng còn trẻ trung gì nữa. Hai cậu con - một cậu đã là viên chức - và một cô con gái nhỏ xinh xắn, mười sáu tuổi, mũi hơi hếch nhưng lại có duyên; sáng sáng cô con gái đến hôn tay bố và nói: Bonjour, papa*. Vợ ông, một người đàn bà còn tươi tắn, cũng chẳng xấu chút nào, thoạt tiên đưa tay cho chồng hôn rồi mới đến lượt bà hôn tay chồng. Tuy đã hoàn toàn mãn nguyện với những thú vui trong cuộc sống gia đình, ông vẫn thấy không có gì là đáng trách trong việc ông đi lại thân mật với một người đàn bà dễ thương ở khu phố khác, người bạn gái này chẳng mảy may đẹp hơn hoặc trẻ hơn vợ ông ở nhà: nhưng sự đời nó vẫn thường diễn ra như thế, và chúng tôi chẳng có gì để bình luận về điểm này cả.
Vậy là nhân vật quan trọng nọ bước xuống cầu thang lên xe và ra lệnh cho người đánh xe: “Đến nhà bà Carolina Ivanova”. Thu mình trong chiếc áo khoác dày dặn, ông cảm thấy thật khoan khoái, mối khoái cảm mà người dân Nga thèm muốn nhất là không phải khó nhọc nghĩ ngợi gì hết mà những ý nghĩ dễ chịu nhất cứ vẫn đến trong đầu óc, chẳng phải nhọc công săn tìm. Hoàn toàn sung sướng, ông ngồi nhớ lại những quãng vui nhất trong buổi dạ hội ông vừa dự, nhớ lại tất cả những lời ý nhị ông đã nói khiến cho đám bạn bè phải rũ ra cười; ông khẽ lẩm bẩm nhắc lại một số những câu đó và thấy nó vẫn thú vị làm ông cứ mỉm cười thầm.
Tuy nhiên, những sự mơ màng êm ái ấy thỉnh thoảng lại bị những trận gió chẳng biết từ đâu thổi tới cắt quãng, gió quất vào mặt mũi nhân vật quan trọng, ném từng vốc tuyết vào mặt ông, hoặc lùa vào thổi phồng chiếc áo khoác lên như một cánh buồm hoặc đột nhiên thổi xoắn vào đầu, khiến ông cứ luýnh quýnh ngồi không yên.
Bỗng nhiên nhân vật quan trọng nọ cảm thấy như có ai túm chặt lấy cổ áo. Quay đầu lại, ông thấy một người thân hình bé nhỏ, bận một bộ chế phục đã cũ, ông kinh hoảng nhận ngay ra đó là bác Acaki Acakievitr. Mặt ông xám nhạt như tuyết, trông như ma vậy. Nhưng nỗi kinh hoảng của nhân vật quan trọng nọ thực không còn giới hạn khi con ma há hoác mồm ra, vừa thổi vào mặt ông một luồng tử khí vừa thốt ra những lời như sau:
- A! Té ra là mày đây! Mãi tới giờ tao mới tóm được... điều... cổ áo mày. Tao cần lấy chính cái áo khoác của mày. Mày đã không sai người tìm lấy lại áo khoác cho tao, lại còn quở mắng tao nữa! Thôi! Bây giờ thì đưa áo của mày đây cho tao!
Nhân vật quan trọng nọ sợ quá suýt chết ngất đi mặc dầu ở công sở và nói chung là đối với cấp dưới, ông ta vẫn tỏ ra rất cứng rắn, và mặc dầu cứ nhìn cái dáng hùng dũng của ông, ai cũng phải kêu lên ngay: “Ồ! Ồ! Thật là con người có bản lĩnh!” thế mà trong trường hợp này, cũng giống bao nhiêu kẻ có cái vẻ ngoài một dũng sĩ, ông cảm thấy kinh hãi, mà không phải là không có lý do, ông bắt đầu sợ như sợ một cơn bệnh vậy.
Ông lột nhanh chiếc áo khoác khỏi vai vứt vội ra xa và hét vào tai người đánh xe, giọng lạc hẳn đi.
- Về nhà! Phóng thật nhanh lên!
Nghe tiếng chủ thốt ra với một giọng thường người ta chỉ dùng trong những giờ phút quyết định của đời mình, thậm chí còn kèm theo những cử chỉ cuống cuồng rất rõ nữa, người đánh xe rụt cổ lại đề phòng chuyện bất trắc và ra roi quất ngựa phi như tên bắn.
Mười phút sau, nhân vật quan trọng đã ở trước thềm nhà rồi. Mặt tái mét, chân tay run rẩy, không còn chiếc áo khoác mà ông định mặc để đi đến nhà bà Carolina Ivanova, ông trở về nhà, lê mình vào trong buồng, trằn trọc suốt đêm, đến nỗi ngày hôm sau, vào bữa trà sáng, cô con gái nhìn gương mặt bố, sửng sốt hỏi:
- Ba ạ, hôm nay nom ba xanh quá.
Nhưng chỉ nín lặng, ông chẳng kể lại cho ai nghe sự việc đã xảy ra cùng việc ông đã đi đâu và định đi đến nhà ai.
Chuyện xảy ra gây cho ông một ấn tượng rất mạnh. Từ đó những câu như: “Sao anh dám cả gan thế? Anh có biết anh đang đứng trước ai đây không?” ngày ngày thấy ông thưa nói đi nhiều. Và khi có thốt ra như vậy, thì trước đó, ít ra ông cũng đã phải hiểu là về vấn đề gì.
Nhưng có điều đặc biệt là từ đó trở đi, những chuyện con ma viên chức hiện hình chấm dứt hẳn: hẳn chiếc áo khoác của Cụ lớn hợp với nó lắm. Dầu sao thì người ta cũng không còn thấy nghe nói đến chuyện áo khoác bị cướp nữa. Vậy mà có khối người cả ngờ vẫn còn cứ rối cả lên và quả quyết rằng con ma vẫn thấy xuất hiện ở những khu phố hẻo lánh nào đấy.
Quả thế thật: một chú lính gác khu Colomna đích mắt đã trông thấy con ma bất thình lình hiện ra ở đằng sau một ngôi nhà, nhưng vì chú ta vóc người hơi yếu đến nỗi có lần, một con lợn sữa sổng khỏi sân đã húc chú ngã lăn kềnh khiến bọn đánh xe cười ồ lên và sau đó chú bắt họ nộp phạt một gói thuốc lá, - vâng, vì yếu ớt nên chú cứ men bóng tối mà theo nó cho đến lúc con ma quay trở lại hỏi: “Mày muốn gì nào?” và nó giơ quả đấm lên... một quả đấm to một cách dị thường đến người sống cũng khó mà có được. Chú lính gác đáp: “Tôi chẳng muốn gì hết!” và quay lại ngay.
Tuy nhiên, lần này bóng con ma cao lớn hơn nhiều, ria mép xồm xoàm, hình như nó rẽ về phía cầu Obukhov, rồi biến mất vào bóng đêm.
*. Tiếng Nga có nghĩa là “giầy dép”, còn hàm ý chịu đè nén, nhẫn nhục theo một thành ngữ Nga “ở dưới gót giầy”.
Chân Dung Kẻ Sĩ chú thích thêm: Ở bản dịch của dịch giả người Anh Constance Garnett, tên nhân vật là Bashmachkin, nguyên văn tiếng Anh như sau: His family name was Bashmachkin. This name is evidently derived from “bashmak” (shoe);
Họ của ông là Bashmachkin. Tên này rõ ràng có nguồn gốc từ chữ “bashmak” (giày) mà ra;
**. Tượng Pie Đại đế cưỡi ngựa, một công trình của nhà điêu khắc Pháp, Fancone (1716-1791), dựng ở Peterburg năm 1782.
***. Pasa: chúa tỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com