chan_dung-ke_si

BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

02-11-2024

Lượt xem 2168

Đánh giá 3 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Graham Greene

BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

Nhà văn Graham Greene (1904-1991) năm 1975

Chân Dung Kẻ Sĩ: Graham Greene là nhà văn người Anh, tác giả của Người Mỹ trầm lặng, cuốn tiểu thuyết rất ăn khách trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt là tại Anh. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ vào năm 1956, nó đã khiến độc giả Mỹ bị sốc do tác phẩm của nhà văn người Anh đã mô tả người Mỹ là những kẻ giết người, một sự thật mà người Mỹ khó có thể chấp nhận. Cuốn sách của ông đã giúp độc giả thế giới nói chung và độc giả phương tây nói riêng, hiểu được tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ, những kẻ xâm lược với đội quân hùng mạnh nhất hành tinh tới từ bên kia đại dương.

Philipp nghĩ đến cuộc sống gia đình êm ả và thanh bình xiết bao khi mà rốt cuộc ở lứa tuổi bốn mươi hai, anh kết hôn chính thức. Anh còn thích cả buổi hôn lễ, cho tới lúc anh đỡ tay Julia ra khỏi bàn thờ và trông thấy Josephine lau nước mắt. Quan hệ giữa anh và Josephine vẫn thân ái, nên cô ta vẫn đến dự lễ cưới của anh. Với Julia, anh không giấu giếm một điều gì, anh kể cặn kẽ cho nàng biết về mười năm khổ sở anh sống với Josephine, về thói ghen tuông quá quắt của cô ta, về những cơn tam bành của cô ta, nhiều khi chẳng hợp lúc chút nào.

- Tất cả chỉ tại tình trạng bấp bênh của chị ấy - Julia bênh Josephine với thái độ thông cảm. Nàng tin rằng sau một thời gian nào đó nàng sẽ có thể kết thân với Josephine.

- Em yêu, anh nghi ngờ điều đó lắm!

- Tại sao? Chả lẽ em lại có thể không yêu con người đã từng yêu anh?

- Tình yêu của cô ta khá là tàn nhẫn.

- Có lẽ đó là vào thời kỳ cuối, khi chị ấy hiểu ra rằng chị ấy sắp mất anh? Nhưng hãy thú thật đi, anh yêu, hai người đã từng có những ngày hạnh phúc, đúng không?

- Đúng.

Nhưng anh không muốn tin rằng đã có một dạo anh yêu ai đó trước Julia.

Sự độ lượng của nàng khiến anh kinh ngạc. Ngày thứ bảy của tháng trăng mật, khi hai người uống rượu tại một quán nhỏ trên bờ biển cạnh mũi đất Sunion, anh lỡ rút trong túi ra bức ảnh của Josephine. Anh nhận được nó từ hôm qua, nhưng anh giấu, sợ làm Julia buồn phiền. Đúng là Josephine: cô ta không thể để anh yên ngay cả trong tuần trăng mật ngắn ngủi của anh! Nét chữ cô ta, giờ đây anh thấy đáng ghét - đều và nhỏ li ti, còn mực thì đen như màu tóc cô ta. Tóc Julia màu sáng như bạch kim. Lẽ nào xưa kia đã có lúc anh cho rằng tóc đen là đẹp? Và đã có lúc anh nóng lòng sốt ruột mở ngay những bức thư viết tay bằng mực đen?

- Thư ai đấy, anh yêu? Em không biết là anh nhận được thư đấy.

- Thư của Josephine. Anh nhận được từ hôm qua.

- Vậy mà anh vẫn chưa bóc? - nàng kêu lên, không trách anh một lời về chuyện anh giấu bức thư.

- Anh không muốn nghĩ đến cô ta.

- Anh yêu, nhỡ chị ấy bị ốm thì sao?

- Cô ta thì không ốm được đâu!

- Hoặc chị ấy không còn xu nào để tiêu...

- Cô ta vẽ mẫu quần áo kiếm được nhiều tiền hơn nhiều so với anh viết truyện ngắn!

- Anh yêu, chúng ta cần phải độ lượng. Chúng ta có thể tự cho phép mình như vậy. Anh nghĩ mà xem, chúng ta hạnh phúc xiết bao.

Anh bóc thư - một bức thư dịu dàng, không hề trách móc, và đọc với vẻ ghê tởm.

“Anh Philipp yêu quý, em không muốn là kẻ khóc lóc ở lễ cưới, cho nên em ra về mà không chào anh và cô ấy, và không chúc hai người hạnh phúc. Theo em, Julia trông thật đáng yêu và rất trẻ trung, trẻ trung lắm lắm. Anh phải chăm sóc cô ấy mới được. Anh yêu, em biết là anh chăm sóc rất giỏi. Khi trông thấy cô ấy, em vô cùng ngạc nhiên không hiểu nổi tại sao anh lại để lâu thế mới quyết định bỏ em. Anh ngốc quá đi thôi! Một ca mổ nhanh bao giờ cũng đỡ đau đớn hơn nhiều...

Em không nghĩ bây giờ anh còn quan tâm đến công việc của em, nhưng nếu lỡ anh có lo lắng chút ít về em - chính anh cũng biết rằng anh luôn tự nghĩ ra nhiều cái cớ để mà lo lắng - thì em xin thông báo rằng em đang làm việc rất nhiều, và em đang làm gì anh biết không? Em đang vẽ cả một série cho tờ “Vogue” của Pháp. Họ trả em cả một tài sản bằng franc Pháp, cho nên em không còn thời gian mà nghĩ đến nỗi đau khổ của mình nữa. Em có ghé vào - em hy vọng anh không tức giận - căn hộ của chúng ta (em xin lỗi, lẽ ra phải nói là căn hộ cũ của chúng ta) để tìm một bản thảo bị mất! Em đã tìm thấy nó ở ngăn kéo của chúng ta - cái chỗ lưu giữ các ý đồ sáng tác của chúng ta ấy, anh nhớ chứ? Em tưởng em đã lấy hết các thứ của em ở đấy rồi, nhưng bản phác thảo lại nằm trong tập bản thảo truyện ngắn của anh, cái truyện anh bắt đầu viết trong mùa hè tuyệt diệu ở Napoule ấy rồi anh vẫn bỏ dở. Em nói linh tinh quá nhỉ, nhưng thật ra, em chỉ muốn chúc hai người hạnh phúc.

Yêu anh

Josephine”

Philipp đưa thư cho Julia.

- Cô ta viết cũng không có gì tệ.

- Nhưng liệu chị ấy có thích nếu em đọc thư của chị ấy?

- Bức thư này là để cả hai chúng ta đọc cơ mà.

Và anh lại nghĩ rằng thật dễ chịu vì bây giờ anh không phải giấu giếm điều gì. Suốt mười năm vừa rồi anh phải giấu giếm bao nhiêu điều, kể cả những điều vô hại, vì anh sợ bị hiểu lầm, sợ Josephine tức giận và không nói chuyện với anh nữa. Bây giờ anh không sợ gì cả, bây giờ anh có thể thú nhận với Julia tế nhị và vị tha cả một lỗi lầm nghiêm trọng.

- Anh thật là ngốc vì hôm qua đã không đưa ngay bức thư cho em, - anh nói. - Sẽ không bao giờ anh xử sự như thế nữa.

Anh nhớ tới một vần thơ của Spener: “Bến cảng thanh bình sau bão tố biển khơi”.

Đọc xong bức thư, Julia nói:

- Theo em, chị ấy là một người phụ nữ tuyệt diệu. Chị ấy viết thư cho anh thế này thật là dễ thương. Anh biết không, không phải lúc nào em cũng cảm thấy yên tâm... Em thì không bao giờ muốn mất anh, nếu em đã sống với anh những mười năm!

Khi họ đi tắc-xi về Athenes, nàng hỏi:

- Lúc ở Napoule, anh và chị ấy hạnh phúc lắm phải không?

- Ừ. Có lẽ thế. Anh không nhớ. Không như với em.

Linh cảm người đang yêu báo cho anh biết rằng nàng hơi nhích ra khỏi anh, mặc dù anh vẫn cảm thấy bờ vai nàng. Mặt trời chiếu chói chang con đường, ở phía trước, chờ đợi họ là những giờ phút nghỉ ngơi mơ mơ màng màng đầy âu yếm và thư thái sau bữa trưa, vậy mà...

- Em yêu, em giận anh đấy à?

- Không... nhưng... - Em có cảm giác đến một lúc nào đó anh sẽ nói về Athenes cũng như anh vừa nói về Napoule: “Anh không nhớ. Không như với em”.

- Em chỉ được cái hay nghĩ vớ vẩn! - anh nói và hôn nàng. Họ đùa nghịch một chút trong xe, và khi nhìn ra bên ngoài thấy xe đã đang lướt qua những ngôi nhà thành phố, Julia ngồi nghiêm chỉnh lại và đưa tay lên sửa mái tóc.

- Không anh không nhẫn tâm đến thế, - nàng công nhận, và anh hiểu rằng cuộc sống lại tươi sáng. Chỉ tại Josephine nên giữa hai người mới có một con mèo chạy qua đó thôi.

Khi họ trở dậy sau lúc nghỉ ngơi để ăn tối, nàng nói:

- Phải viết thư trả lời Josephine anh ạ.

- Không, không nên!

- Anh yêu, em hiểu anh, nhưng anh phải công nhận rằng chị ấy viết thư cho anh một bức thư tuyệt vời đấy chứ!

- Thôi được, gửi cho cô ta một tấm bưu ảnh vậy.

Họ thỏa thuận như vậy.

 

Khi họ trở về London, ở đó là mùa thu, nếu không nói là mùa đông: mưa lạnh rơi xối xả xuống đường băng của sân bay và lúc ngồi trên xe đi ngang qua những tấm biển quảng cáo lưỡi dao cạo, bia và bánh kiều mạch, họ buồn rầu nghĩ đến chuyện về nhà phải bật lò sưởi sớm và họ cảm thấy nhớ hàng cột màu sáng ở điện Parthenon.

- Về tới nhà là chúng ta bật luôn tất cả các lò sưởi, - Philip nói, - và chúng ta sẽ ấm áp ngay thôi.

Nhưng khi mở cửa, họ thấy các lò sưởi đều đã đỏ rực. Trong phòng khách và phòng ngủ mờ tối, ánh lửa chập chờn như niềm nở chào đón họ.

- Có một nàng tiên nào đó đã chăm lo cho chúng ta!

- Tiên gì mà tiên chứ! - Philipp nói. Anh đã thấy ở trên mặt lò sưởi có một chiếc phong bì mang dòng chữ viết bằng mực đen Gửi bà Philipp.

Julia đọc thành tiếng:

“Julia thân mến, tôi hy vọng cô không phản đối việc tôi gọi cô đơn giản là Julia thôi chứ? Bởi lẽ chúng ta có chung một điều lớn lao: chúng ta cùng yêu một người. Hôm nay trời rét đến mức tôi hình dung ngay ra cái cảnh cô cùng Philipp từ miền nắng chói chang trở về căn nhà lạnh cóng. (Tôi thì tôi biết rõ căn hộ này lạnh lắm. Đâu phải ngẫu nhiên mà năm nào cũng vậy, khi tôi và Philipp từ miền nam nước Pháp trở về, lần nào tôi cũng bị ốm). Bởi vậy tôi tự cho phép mình một hành động tự tiện: tôi đến đây, bật sẵn các lò sưởi, nhưng để tỏ rõ tôi làm chuyện này là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, tôi để lại chiếc chìa khóa tôi vẫn còn giữ ở dưới tấm thảm chùi chân bên ngoài. Còn nếu nhỡ ra máy bay của cô chưa cất cánh được ở Rome hoặc bị mắc lại ở một nơi nào đó? Tôi sẽ gọi điện tới sân bay và nếu hôm nay cô chưa về, tôi sẽ quay trở lại đây tắt các lò sưởi đi (thiếu gì chuyện có thể xảy ra, vả lại, giá tiền điện bây giờ đắt lắm!) chúc cô một buổi tối ở nơi mới này được ấm áp và thoải mái.

Thân mến

Josephine

Tôi thấy trong nhà không có cà phê, nên tôi để lại một gói “núi xanh” ở trong bếp. Anh Philipp thích loại cà phê này lắm”.

- Trời, chị ấy quan tâm đến tất cả mọi chuyện! - Julia cười.

- Tốt nhất là cô ta để chúng ta yên, - Philipp cằn nhằn.

- Nếu thế chúng ra sẽ bị rét và sáng mai chúng ta sẽ không có cà phê uống.

- Nhưng lúc nào anh cũng có cảm giác như cô ta nấp ở đâu đây và sẻ nhảy xổ ra đúng lúc anh hôn em. - Anh hôn Julia và dè chừng nhìn ra cửa.

- Anh nghĩ xấu về chị ấy quá. Chị ấy đã để lại chìa khóa dưới tấm thảm rồi còn gì.

- Biết đâu cô ta đánh một chiếc chìa khóa khác.

Nàng bịt miệng anh bằng một cái hôn.

- Em có thấy rằng sau khi xuống máy bay, chúng ta muốn sớm được ngả lưng không?

- Có.

- Chắc tại máy bay rung.

- Vậy chúng ta hãy nằm nghỉ thoải mái đi.

- Để anh lật tấm thảm lên xem đã. Phải kiểm tra kỹ, nhỡ cô ta nói dối.

Cuộc sống gia đình đem lại niềm vui cho anh. Thậm chí anh tự mắng mỏ mình đã không lấy vợ sớm hơn, mà quên mất rằng nếu thế thì vợ anh đã là Josephine. Tuyệt diệu biết bao, Julia không có công việc gì cả nên nàng luôn ở bên anh! Họ lại không mướn người giúp việc, nên không cần thu xếp cuộc sống của họ cho hợp với lề thói của ai. Và bởi vì đi đâu họ cũng đi với nhau - dù là đến nhà hàng, đi ăn tiệc hoặc đi dự một tối vui nào đó, - nên ánh mắt của họ chỉ cần gặp nhau là đủ... Về Julia, chẳng bao lâu mọi người đã xầm xì rằng sức khỏe nàng kém - nàng mau mệt và thường rời khỏi các tối vui khi mới ở đó chưa đầy mười lăm phút, còn trong các bữa tiệc, khi cà phê được bưng ra, nàng thường than phiền: “Xin lỗi, tôi bị nhức đầu quá. Thật đáng tiếc... Philipp, không cần anh phải đưa em về đâu...” “Không, tất nhiên anh sẽ về cùng với em!”

Một lần, họ suýt bị bắt quả tang - họ đang ôm bụng cười ở ngoài cầu thang thì bà chủ nhà ra theo họ để nhờ họ bỏ hộ một bức thư ở bưu điện. Julia vội làm ra vẻ như đang bị một cơn hoảng loạn...

Vài tuần lễ qua đi. Cuộc hôn nhân quả thật là hạnh phúc. Họ thích bàn luận về hạnh phúc của họ và khen lẫn nhau.

- Hễ cứ nghĩ rằng hồi nọ anh có thể lấy Josephine là em lại.... Nhưng rốt cuộc tại sao anh không lấy chị ấy nhỉ?

- Theo anh, tại vì trong thâm tâm, cả anh và cô ta đều biết rằng quan hệ giữa hai người không bền vững.

- Thế quan hệ giữa anh và em có bền vững không?

- Tất nhiên rồi, còn gì có thể bền vững hơn nữa?

Ít hôm sau, nhân một lúc rảnh rỗi, anh định ngó qua ngăn kéo nơi trước kia anh vẫn lưu giữ các bản nháp truyện ngắn, cũng là nơi Josephine thường cất các bản phác thảo. Vừa mở ngăn kéo, anh đã trông thấy ngay bức thư của cô ta. Anh đọc bức thư mà vô cùng kinh tởm.

“Anh yêu, không ngờ em lại thấy ở đây, đúng không? Nhưng sau mười năm chung sống, ít ra thỉnh thoảng em cũng có thể nói với anh “chúc anh ngủ ngon”, hoặc “chào anh buổi sáng tốt lành”, hoặc “anh có khỏe không, anh yêu?” được chứ. Cầu trời cho anh mạnh khỏe. Tha thiết yêu anh (với tất cả tấm lòng).

Josephine của anh”

Mấy tiếng “ít ra, thỉnh thoảng” như hàm chứa một sự đe dọa không che đậy. Anh đóng sập ngăn kéo và chửi rủa to đến nỗi Julia phải ngó vào.

- Có chuyện gì thế, anh yêu?

- Lại cái cô Josephine này!

- Em hiểu rằng chị ấy phải đau khổ lắm. Tội nghiệp. Chả lẽ anh lại định xé bức thư đi?

- Theo em, anh phải làm thế nào? Phải giữ lại thành bộ sưu tập đầy đủ các bức thư của cô ta chắc?

- Anh ạ, làm thế thật tàn nhẫn.

- Anh tàn nhẫn với cô ta? Julia, em không thể tưởng tượng nổi cô ta đã bày ra các trò gì trong những năm vừa rồi đâu. Anh có thể cho em xem mấy vết sẹo - khi tức giận, cô ta có thể gí điếu thuốc lá đang cháy vào bất cứ đâu.

- Chắc hẳn vì cảm thấy đang mất anh, nên chị ấy không còn giữ được bình tĩnh. Về thực chất, những vết sẹo kia là lỗi ở em, ở em tất cả.

Anh thấy mắt nàng long lanh, dịu dàng và vui vẻ.

Chỉ hai hôm sau lại xảy ra chuyện nữa.

Buổi sáng, khi họ dậy, Julia nói:

- Phải lật tấm đệm lại anh ạ. Đệm luôn luôn bị trũng dần ở giữa.

- Thế à.

- Bình thường người ta phải lật đệm mỗi tuần một lần.

- Phải rồi, Josephine bao giờ cũng làm thế.

Họ lật khăn trải giường ra rồi cuộn tấm đệm. Ở trên lớp lò xo giường có một bức thư gửi Julia. Philipp định lén hất bức thư xuống sàn, nhưng Julia nhìn thấy.

- Gì thế anh?

- Tất nhiên là thư của Josephine rồi. Chẳng bao lâu chúng sẽ đủ đóng thành một tập. Và đem xuất bản được, như thư từ của George Eliot 2.

- Anh yêu, bức thư này gửi cho em. Anh định làm gì với nó thế?

- Định lén xé nó đi.

- Em có cảm giác chúng ta không giấu nhau điều gì.

- Anh cũng vậy. Nhưng anh quên mất rằng trên đời này còn có Josephine.

Lần này, nàng bóc thư có vẻ miễn cưỡng.

- Lạ nhỉ, bức thư lại nằm ở đây... Anh nghĩ sao, nó lọt vào đây bằng cách ngẫu nhiên à?

- Anh không nghĩ gì cả. Sao nó nằm ở đây nhỉ?

Đọc xong thư, nàng đưa cho Philipp và thở phào nhẹ nhõm nói:

- Trong này chị ấy giải thích tại sao bức thư lại nằm ở đây.

Thật may mắn không có gì lạ cả.

Anh đọc:

“Julia thân mến!

Tôi hy vọng cô đang được ấm áp dưới ánh nắng thực sự ở Hy Lạp. Cô đừng nói điều này với Philipp nhé (mặc dù giữa cô và anh ấy còn chưa có chuyện gì giấu giếm nhau), nhưng quả thật chưa bao giờ tôi thích miền nam nước Pháp. Ở đó lúc nào cũng có gió Mitral 3 nên da luôn bị khô. Thật may mắn ở Hy Lạp cô không bị khổ sở vì thứ gió ấy. Tôi và anh Philipp cứ định đến Hy Lạp cơ đấy, nhưng chưa có dịp, bởi vậy tôi nghĩ chắc bây giờ anh ấy đang hài lòng lắm. Hôm nay tôi đến đây lấy bản phác thảo của tôi, tôi nhớ ra rằng tấm đệm chưa được lật lại đã hai tuần lễ rồi, có khi còn lâu hơn. Cô biết đấy trong thời gian chúng tôi chung sống, tôi và Philipp không được hòa hợp lắm. Nhưng tôi không thể yên tâm khi nghĩ rằng lúc cô và anh ấy từ những hòn đảo lãng quên trở về nhà, ngay trong đêm đầu tiên lại cảm thấy giường nằm mấp mô mấp mô chỗ gồ chỗ trũng, cho nên tôi đã lật tấm đệm. Tôi khuyên cô nên lật đệm mỗi tuần một lần, kẻo đệm hay bị trũng ở giữa lắm. À, tôi đã treo tấm rèm mùa đông rồi đấy, còn rèm mùa hè, tôi đã đưa đi giặt. Địa chỉ hiệu giặt: phố Bromton, 153.

Chào cô

Josephine”

- Em có nhớ cô ta viết cho anh rằng Napoule đúng là thiên đường không? - Philipp nói. - Vậy mà ở đây cô ta lại viết thế.

- Này, anh lạnh lùng quá đấy, - Julia nói. - Anh yêu, chẳng qua chị ấy cố gắng giúp đỡ chúng ta đó thôi. Nếu không, làm sao em biết được chuyện rèm cửa với chả đệm giường?

- Có lẽ em định viết trả lời cô ta một bức thư dài đầy ân ái và trao đổi ý kiến về cách chăm nom nhà cửa chăng?

- Chị ấy đợi thư trả lời đã vài tuần lễ rồi. Vì bức thư này nằm đây đã lâu lắm.

- Này, không biết có bao nhiêu bức thư như thế này nữa nằm ở đây từ lâu rồi nhỉ? Anh phải lục lọi khắp nơi để tìm mới được.

- Anh làm to chuyện quá đấy. Khiến em có thể nghĩ rằng anh sợ Josephine.

- Làm quái gì anh phải sợ cô ta!

Julia quay ngoắt đi. Cũng trong hôm ấy, giữa họ còn xảy ra một va chạm nữa, không có gì nghiêm trọng, nhưng dù sao anh vẫn cảm thấy không vui. Lúc đi tìm số điện thoại để liên lạc ra nước ngoài, anh thấy trong tập danh bạ đầu tiên là bản liệt kê dài các số điện thoại theo thứ tự abc, do Josephine đánh ở chiếc máy có chữ “o” bị nhảy. Ở đây ghi tất cả những số điện thoại anh có thể cần. Số điện thoại của Hughes, bạn cũ của anh, được ghi bên cạnh số điện thoại của cửa hàng bách hóa Herrods; liền đó là số điện thoại của bến tac-xi gần nhất, của hiệu thuốc, cửa hàng thịt, ngân hàng, hiệu giặt, cửa hàng rau quả, phòng mỹ phẩm của Elizabeth Arden, hiệu làm đầu (có ghi tên trong ngoặc đơn: “Dành cho J: xin lưu ý rằng hiệu này rất lịch sự, giá cả phải chăng”). Lần đầu tiên Philipp nhận thấy hai người phụ nữ của anh đều có cái tên với chữ cái đầu tiên là J.

- Chị ấy đúng là một thiên thần, - Julia nói. - Chúng ta sẽ dán tờ giấy này ở phía trên máy điện thoại. Ở đây đúng là có tất cả những số điện thoại cần thiết.

- Coi chừng cô ta có ý đồ gì đây.

- Tại sao anh bất công với Josephine thế?... Bất kỳ sự giúp đỡ nào của chị ấy, anh cũng sẵn sàng lý giải theo nghĩa xấu.

- Em gọi đây là sự giúp đỡ?

- Xem ra hình như anh có vẻ ân hận thì phải.

Anh bắt tay vào lục lọi thực sự. Anh rà soát mọi thứ: hộp đựng thuốc lá, các ngăn kéo, hộp đựng các tấm phiếu ghi tên danh sách, túi trong túi ngoài những bộ com-lê anh không đem theo đi Hy Lạp, anh mở tấm đằng sau máy thu hình, nhấc nắp thùng nước ở toa-lét, thậm chí thay luôn cả cuộn giấy vệ sinh (như vậy nhanh hơn là tở ra rồi quấn lại cuộn cũ). Julia nhìn anh “lao động”, nhưng trong ánh mắt cô không có sự dịu dàng âu yếm như mọi khi. Anh đổ quần áo bẩn ra khỏi giỏ, để xem Josephine có giấu gì ở dưới đáy không. Anh bò lồm cồm trong bếp ghé nhìn từng ngóc ngách. Có tiếng nhân viên bưu điện bỏ thư báo vào hòm thư cạnh cửa, và Julia từ phòng ngoài hỏi anh:

- Tuyệt quá! Nhưng tại sao anh không nói với em là anh đặt mua tạp chí “Vogue”?

- Anh có đặt mua đâu.

- Ở đây có cả tờ giấy gì như thiếp chúc mừng nữa này. À, không phải, chị Josephine đặt mua tạp chí “Vogue” cho chúng ta đây mà. Chị ấy thật dễ thương.

- Cô ta vẽ cho tạp chí đó. Anh không muốn trông thấy những hình vẽ ấy.

- Anh yêu, đừng trẻ con thế! Có lẽ anh sẽ yêu cầu chị ấy không được đọc các cuốn sách của anh?

- Anh chỉ yêu cầu Josephine hãy để cho chúng ta yên. Ít ra là vài tuần. Anh đòi hỏi như thế có gì là nhiều.

- Dù sao anh cũng ích kỷ lắm, anh yêu ạ.

Anh cảm thấy mệt mỏi, nhưng đồng thời cũng nhẹ cả người. Anh đã lục lọi kỹ khắp mọi chỗ.

Thế là rốt cuộc, hai vợ chồng Philipp đã được hưởng những giây phút thảnh thơi của buổi tối. Họ cảm thấy sung sướng trong cảnh êm đềm. Người tình mới phải gấp gáp tranh thủ, chứ những người đã là vợ chồng thì chẳng làm gì phải vội.

- “Hôm nay ta thảnh thơi như tuổi già”, anh ngâm nga.

- Ai nói thế?

- Browning.4

- Em không biết Browning lắm. Anh hãy đọc thơ của ông ấy cho em nghe đi.

Anh thích đọc thành tiếng thơ của Browning - anh tốt giọng, cho nên anh sẵn sàng mơn trớn thói hiếu danh vô hại của anh.

- Em muốn nghe anh đọc thật à?

- Vâng.

- Hồi nọ anh vẫn đọc cho Josephine nghe đấy, - anh ngừa trước.

- Thì có sao? - Dù muốn hay không ta vẫn phải làm những việc ta đã làm với nhiều người khác, đúng không anh yêu?

- Đây là một bài thơ chưa bao giờ anh đọc cho Josephine. Anh đã từng yêu cô ta, nhưng cả khi ấy, anh vẫn có cảm giác nếu đọc thì thơ này nghe sẽ gượng gạo. Trong quan hệ giữa anh với cô ấy không có... sự vững chắc.

Chính anh cũng thích những vần thơ anh đọc. Hình như chưa lúc nào anh yêu Julia như lúc này. Thế là giờ đây anh đã có một tổ ấm thực sự.

Anh sẽ thích hơn nếu để Julia đọc, nhưng khi đó, nàng không thể nghe giọng anh với sự chăm chú dịu dàng nhường kia.

Anh lật trang sách thì thấy ở đó kẹp một tờ giấy chi chít những chữ viết bằng mực đen:

“Philipp yêu quý! Từ những trang thơ cuốn sách yêu quí của anh, và cả của em nữa, em chỉ muốn chúc anh một giấc ngủ ngon mà thôi. Thật hạnh phúc vì chúng ta đã chia tay nhau một cách êm đẹp. Các kỷ niệm chung sẽ luôn luôn gắn bó đôi ta.

Yêu anh

Josephine”

Anh vứt cuốn sách và bức thư xuống sàn.

- Đồ quỷ! Đúng là đồ quỷ!

- Em không cho phép anh nói như thế về chị ấy! - Julia bỗng quát anh. Nàng nhặt lá thư lên và đọc - Chị ấy viết thế này có gì là xấu? - Nàng hỏi. - Anh ghét các kỷ niệm lắm à? Thế các kỷ niệm của chúng ta, nay mai sẽ ra sao?

- Nhưng em không thấy cô ta chơi cái trò gì à? Em không hiểu cô ta nhằm tới mục tiêu gì à? Chả lẽ em ngốc đến thế?

Đêm ấy hai người nằm xa nhau ra, không chạm cả chân vào nhau. Đó là đêm đầu tiên họ như thế sau khi về nhà. Cả hai đều ngủ không ngon. Sáng hôm sau Philipp tìm được một bức thư ở một chỗ khá dễ thấy mà không hiểu tại sao anh lại không nghĩ đến: ở giữa những tờ giấy kẻ ngang anh vẫn dùng để viết truyện ngắn. Bức thư mở đầu như sau:

“Anh yêu! Em tin anh sẽ không giận em khi em gọi anh như em vẫn luôn luôn gọi anh hồi xưa...”

 

Vũ Đình Bình dịch

Bài liên quan
  • CÁI MŨI - Truyện ngắn Nikolai V Gogol

    CÁI MŨI - Truyện ngắn Nikolai V Gogol

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. 
  • QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Oe Kenzaburo (1935 - 2023) là nhà văn người Nhật thắng giải thưởng Nobel văn chương cao quý của Viện hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994. Chiến thắng của ông, cùng với chiến thắng của nhà văn Kawabata Yasunari năm 1968, đã giúp Nhật trở thành nước duy nhất ở Châu Á có hai nhà văn thắng giải Nobel văn chương*. Là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật, ông đã có hơn 60 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.
  • TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Franz Kafka là nhà văn người Bohemia gốc Do Thái, nay là Cộng hòa Séc. Ngày nay, mặc dù Franz Kafka được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chỉ còn có riêng một tính từ mang tên ông kafkaesque, tức "kiểu Kafka", nhưng khi còn sống, chỉ vài tác phẩm của ông được xuất bản. Phần lớn các tác phẩm của Franz Kafka được xuất bản sau khi ông chết, do bạn ông là Max Brod thực hiện, bất chấp di nguyện của ông là phải tiêu hủy tất cả các bản thảo.
  • MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    Chân Dung Kẻ Sĩ: James Joyce là nhà văn người Ireland, tác giả của tiểu thuyết Ulysses xuất bản năm 1922. Ông được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, còn Ulysses được xem như một kiệt tác, đến nỗi người ta còn lập ra một lễ tưởng niệm thường niên vào ngày 16 tháng 6 (Bloomsday), là ngày diễn ra các các sự kiện trong tiểu thuyết Ulysses của ông.
  • CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. Theo xu hướng của những nhận xét này, có thể xem "Chiếc áo choàng" (tiếng Nga: Шине́ль -1842) là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nikolai Gogol, khi nó thể hiện thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất trong viết lách của Gogol, mà nếu muốn tóm gọn lại, thì không ai nói chính xác hơn nhà ngoại giao, phê bình văn học người Pháp Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910). Ông nói (thường bị nhầm lẫn là do Fyodor Dostoevsky nói) : "Tất cả chúng ta đều chui ra từ Chiếc áo khoác của Gogol".
  • NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người trong bao (The Man in a Case) là phần đầu, cùng với lần lượt hai truyện ngắn tiếp theo gồm "Gooseberries" và "About Love", thuộc một tác phẩm mà sau này được người ta gọi là “tiểu bộ ba”* của nhà văn vĩ đại nước Nga Anton Chekhov. Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946).
  • NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Anton Chekhov được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dù ban đầu, Chekhov theo học ngành y tại Đại học y khoa Moscow và trở thành một bác sĩ, nhưng cuối cùng ông lại là một nhà văn xuất chúng, với những sáng tạo đã làm thay đổi tiến trình phát triển của truyện ngắn hiện đại.
    Nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov (1899-1977), tác giả của cuốn tiểu thuyết Lolita in năm 1955, xếp thứ tư trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 vào năm 2007 của nhà xuất bản Mỹ Modern Library, đã chê tác phẩm của Chekhov nhưng cũng khen nức nở rằng, "nhưng tác phẩm của ông ấy là thứ tôi sẽ mang theo nếu phải đi tới hành tinh khác". Ông còn gọi truyện Người đàn bà và con chó nhỏ là "một trong những truyện ngắn vĩ đại nhất từng được viết nên".
    Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946). Bà là dịch giả người Anh đầu tiên dịch nhiều tác phẩm của Anton Chekhov sang tiếng Anh. Tổng cộng, bà đã dịch 71 tập văn học Nga, bao gồm các tác phẩm của các nhà văn Nga nổi tiếng như Ivan Turgenev, Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Ivan Goncharov, Alexander Ostrovsky và Alexander Herzen. Nhiều tập trong số đó vẫn còn được in cho đến ngày nay.
  • NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO là truyện ngắn trong tập truyện ngắn Trẻ em cũng là thường dân (Children Are Civilians Too) của nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 Heinrich Böll. Tập truyện minh họa cho cách kể chuyện tinh tế và sắc thái của Heinrich Boll ở mức tuyệt vời nhất, vẽ ra những bức chân dung tuyệt đẹp về những con người bình thường trong những năm tháng đen tối ở nước Đức sau chiến tranh.
  • ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ảo Hóa là một câu chuyện trong tiểu thuyết Trò chơi ngọc pha lê (The Glass Bead Game) tác phẩm lớn cuối cùng của nhà văn, nhà thơ Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 Hermann Hesse. Với tư tưởng chống phát xít, từ nửa cuối thập niên 1930, không một nhà xuất bản hay tờ báo nào ở Đức dám đăng các tác phẩm của Hermann Hesse nữa. Và vì thế ông đã viết Trò chơi ngọc pha lê giữa những tin tức khủng khiếp của Chiến tranh thế giới Thứ Hai và xuất bản tác phẩm ở Thụy Sĩ năm 1943.
  • ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đốt Lửa của nhà văn Jack London có hai phiên bản được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau, một ở năm 1902 và bản còn lại ở năm 1908. Mặc dù có cấu trúc và cốt truyện gần tương tự nhau, nhưng phiên bản năm 1908 khủng khiếp hơn nhiều, và vì thế, nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn người Mỹ, thường xuyên có mặt trong các tuyển tập văn chương.