chan_dung-ke_si

Những Rặng Núi Lớn – Truyện ngắn John Steinbeck 

17-02-2024

Lượt xem 1078

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  John Steinbeck 

Những Rặng Núi Lớn – Truyện ngắn John Steinbeck 

Nhà văn John Steinbeck (1902-1968)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Những rặng núi lớn là Chương thứ hai trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1937, The Red Pony, chỉ dày hơn một trăm trang của nhà văn thắng giải Nobel văn chương John Steinbeck (1962).

Trong cuốn tiểu thuyết, cậu bé Rody tự hỏi phía sau những rặng núi ấy, tận bờ biển của Thái Bình Dương, nơi thế hệ ông ngoại của cậu dừng chân sau khi xâm chiếm và tiêu diệt mọi thứ của Người Da Đỏ, là gì? Tại sao phải dừng chân, tại sao không đóng thuyền vượt biển? Chương truyện, viết cách đây gần 90 năm về một cậu bé tò mò người Mỹ, phần nào giải thích cho chúng ta biết những gì chúng ta thấy ngày nay, vì sao người Mỹ đã không dừng lại ở bờ biển Thái Bình Dương.

Về mùa này những trái đồi đã khô cạn và cỏ dại đã vàng úa, nhưng tại chỗ mà ống dẫn nước suối chảy vào cái bể tròn làm đầy tràn bể, người ta thấy có một khoảng cỏ non tươi dày mượt và ẩm ướt. Jody lấy nước ở bể đầy rêu ra uống và nằm ngửa trên cỏ rồi nhìn lên những đám mây hè cuồn cuộn như bông. Nhắm một mắt lại để hết phân biệt được phối cảnh, nó kéo mây gần lại để có thể giơ ngón tay lên mà vuốt ve. Nó giúp cho gió đẩy mây đi về phía chân trời, nó thấy hình như nhờ nó giúp mà mây đi mau hơn. Nó đẩy một đám mây trắng dày cho tới mỏm núi rồi đẩy hẳn sang bên kia để không nhìn thấy nữa. Jody tự hỏi lúc đó đám mây kia sẽ nhìn thấy gì. Nó ngồi dậy để nhìn cho rõ hơn những rặng núi lớn, nơi những ngọn núi chồng chất lên nhau, trở nên tối tăm và hoang dại hơn cho đến lúc cùng hết là một dãy núi nhọn như răng cưa nằm án ngữ về phía Tây. Thật là những rặng núi bí mật và kỳ lạ: nó nghĩ tới sự hiểu biết ít ỏi của nó về rặng núi đó.

"Ở bên kia núi có gì?" Có lần nó hỏi cha nó như thế.

- Ba nghĩ rằng còn nhiều núi khác nữa. Tại sao con lại hỏi thế?

- Thế đằng sau những núi khác đó còn có gì nữa?

- Lại còn nhiều núi khác nữa. Tại sao con lại hỏi như vậy?

- Cứ còn thêm núi mãi như thế ư?

- Không đâu. Sau cùng là đến biển.

- Nhưng ở trong núi có gì?

- Có vách đá bụi cây, tảng đá và cảnh khô cạn.

- Ba đã đến đó bao giờ chưa?

- Chưa.

- Đã có ai tới đó chưa?

- Chắc có vài người đã đến đó rồi. Nguy hiểm lắm vì có vách đá và nhiều thứ khác nữa. Ba đọc sách thấy nói rằng trong những ngọn núi miền Monterey này có nhiều đất hoang chưa ai thám hiểm hơn tất cả các miền khác tại Mỹ Quốc. – Cha nó có vẻ lấy làm hãnh diện về điều đó.

- Sau cùng đến biển hả ba?

- Phải rồi, sau cùng đến biển.

- Nhưng, thằng bé lại hỏi thêm, giữa đó và biển có gì? Không ai biết ư?

- Ồ, ba chắc cũng có một vài người biết. Nhưng ở đó không kiếm được vật gì đâu. Có ít nước lắm. Chỉ có đá và vách đá với cây dại. Sao con hỏi vậy?

- Nếu đi xem được chắc là hay lắm.

- Đi làm gì? Ở đấy chả có gì hết.

Jody biết chắc ở đó phải có một cái gì, một cái gì hay và lạ lắm vì chưa ai biết, một cái gì bí mật và đầy huyền bí. Tự nó cảm thấy như vậy. Nó hỏi mẹ nó: "Mẹ có biết có gì ở trong những rặng núi lớn không?"

Mẹ nó nhìn nó rồi lại nhìn rặng núi man rợ rồi nói: "Mẹ chắc ở đó chỉ có con gấu".

- Con gấu nào?

- Thì con gấu nó trèo núi để xem có gì không, chứ còn con gấu nào nữa!

Jody hỏi Billy Buck, một người tá điền trong trại, về việc có thể có những đô thị cổ xưa bị chôn vùi trong núi, nhưng Billy cũng nói như ba Jody.

Billy nói, "Không thể có được. Vì chẳng có gì để ăn, trừ phi có giống người ăn được đá sống ở đó."

Đó là tất cả những điều mà Jody biết và những điều ấy làm cho những núi đá có sức cám dỗ hơn đối với nó, nhưng cũng đáng sợ nữa. Nó hay tưởng tượng tới hàng bao nhiêu dặm hết đỉnh núi nọ qua đỉnh núi kia cho tới khi đến tận biển. Khi những mỏm núi ửng hồng trong nắng sớm, thì chúng có vẻ như mời mọc nó tới, nhưng khi mặt trời đã lặn sau đỉnh núi về buổi chiều và núi trở thành một màu tím tuyệt vọng thì lúc ấy Jody lại sợ chúng; chúng trở nên vô nhân tình và xa cách khiến cho ngay cả cái vẻ trơ trơ thản nhiên của chúng cũng đầy đe dọa.

Bây giờ nó quay đầu về những dãy núi ở phía đông là dãy Gabilans. Những ngọn núi ấy thật vui tươi, có những nông trại ở trong thung lũng và những cây thông mọc trên đỉnh núi. Có người sống ở đó và trên sườn núi đã từng có những trận đánh nhau với người Mễ-tây-cơ. Nó quay nhìn lại những ngọn núi lớn một lát và hơi rùng mình vì thấy một sự tương phản rõ rệt. Chân núi như lòng chén ở nơi nông trại phía dưới nó, đầy ánh sáng và thanh bình. Ngôi nhà đó sáng lên trong ánh nắng màu trắng và chuồng bò thì màu nâu và ấm áp. Những con bò màu đỏ trên đồi xa đang vừa gặm cỏ vừa tiến dần về hướng bắc. Ngay đến cây trắc bá thẫm màu bên cạnh gian nhà ngủ trông cũng có vẻ quen mắt và thanh bình. Những con gà nhỏ đang bới đất tung lên trong sân bước những bước mau như bước theo điệu nhảy luân vũ.

Lúc đó, một bóng người đang chuyển động làm Jody chú y. Một người đàn ông đang bước chậm rãi trên đỉnh đồi, trên đường từ Salinas tới, và đang tiến về phía nhà ở. Jody đứng dậy và cũng chạy về nhà vì nó muốn về để coi xem ai tới. Khi thằng bé đã về tới nhà, người đàn ông mới đi được nửa đường, người này chống gậy nhưng vai rất thẳng. Jody đoán được người đó già vì gót giày người ấy nện xuống đất nghe thình thịch. Khi người lạ tới gần hơn, Jody nhận thấy người ấy mặc quần ống bó bằng vải màu xanh và áo cũng bằng vải đó. Người ấy đi giầy cục mịch và một đội một cái mũ đã cũ kiểu Stetson vành dẹt. Trên vai người ấy vác một cái túi bằng vải gai, đầy chặt và không ra hình thù gì. Một lúc sau người ấy đã lên tới gần để người ta có thể nhìn rõ mặt. Mặt người ấy đen như miếng thịt bò khô. Một bộ ria có màu trắng xanh nổi bật trên nước da đen sậm và nằm lơ lửng trên miệng và mớ tóc lộ ra ở người ấy cũng màu trắng. Da mặt người ấy nhăn nheo lại sát vào xương sọ làm cho xương lồi ra và khiến cho mũi và cằm chìa ra và có vẻ mảnh dẻ. Đôi mắt rất lớn, sâu và thẫm màu và bị mí mắt trùm lên trên. Lòng đen và con ngươi cũng màu đen sậm nhưng lòng trắng thì lại màu nâu. Trên mặt không hề có vết nhăn. Ông lão mặc áo ngoài bằng vải xanh rất thô và cài kín ở cổ bằng khuy đồng, theo kiểu của những người không mặc áo lót bên trong. Hai cánh tay áo để lộ ra hai cổ tay mạnh mẽ và xương xẩu và hai bàn tay xương xẩu, sù sì và rắn như cành đào. Các móng tay đều dẹt cùn và bóng.

Ông lão tiến tới gần cửa rồi bỏ chiếc túi xuống khi ông tới trước mặt Jody. Môi ông mấp máy một chút rồi phát ra một giọng nói nhỏ nhẹ và không có hồn:

- Em ở đây hả?

Jody cảm thấy bỡ ngỡ. Nó quay nhìn về phía căn nhà rồi lại quay nhìn về phía chuồng bò, là chỗ ba nó và Billy đứng, và sau khi không thấy ai giúp gì nó cả, nó liền trả lời "Vâng".

Ông lão nói: "Ta đã trở về đây. Ta là Gitano và ta đã trở về đây."

Jody tự thấy không thể nhận lấy trách nhiệm này được. Nó quay ngoắt lại và chạy vào nhà để tìm người giúp nó và đóng sập cửa lại. Mẹ nó ở trong bếp, đang lấy kim cài tóc chọc cho thông cái rá lọc đồ ăn, và mím môi có vẻ căm chú lắm.

"Có một ông lão tới, Jody kêu lên bằng một giọng đầy xúc động. "Có một lão tá điền già và ông ta bảo ông ta đã trở về".

Mẹ nó đặt cái rá lọc xuống và gài kim vào sau cái bàn rửa bát đĩa. Bà hỏi bằng một giọng đầy kiên nhẫn:

- Gì thế con?

- Có một ông lão ở ngoài kia. Mẹ ra mà coi.

- "Hừm, thế ông ta cần gì?" Mẹ nó cởi dây buộc yếm ra và lấy ngón tay vuốt tóc cho mượt.

- Con không biết. Ông ta đi bộ tới.

Mẹ nó vuốt lại áo rồi bước ra và Jody đi theo. Gitano vẫn còn đứng đó.

- Ông cần gì? Bà Tiflin hỏi.

Lão già Gitano cất chiếc mũ cũ đen ra và cầm nó trước ngực bằng cả hai tay. Lão nhắc lại. "Tôi là Gitano, nay tôi đã trở về."

- Trở về? Trở về đâu?

Cả tấm thân cứng nhắc của Gitano ngả về phía trước một chút. Ông lão lấy tay phải chỉ vòng quanh những đồi, núi, những thửa ruộng trên sườn dốc thoai thoải rồi lại đưa tay trở về cầm lấy chiếc mũ. "Trở về trại này. Tôi sinh trưởng ở nơi này, cả cha tôi cũng vậy."

Nhưng rồi ông chỉ về ngọn núi phía tây và nói:

- Không phải, ở đằng kia cơ. Ở về phía bên kia, ở một ngôi nhà hiện nay không còn nữa.

Sau cùng, bà hiểu ý ông lão. – "Có phải ở trong căn nhà cũ bằng đất đã bị trôi đi gần hết không?"

- Phải rồi thưa bà, sau khi trại bị phân tán không ai quét vôi nhà đó nữa, và mưa làm cho căn nhà bị trôi đi hết.

Mẹ thằng Jody yên lặng một lát và những tư tưởng nhớ nhà kỳ lạ vụt qua óc bà ta, nhưng rồi bà trấn tĩnh lại.

- Bây giờ ông muốn gì ở đây, hả ông Gitano?

Ông lão bình tĩnh nói:

- Tôi sẽ ở lại đây cho tới khi tôi chết.

- Nhưng ở đây chúng tôi không cần thêm người giúp việc đâu.

- Thưa bà, tôi cũng chẳng còn làm được việc gì nặng nhọc nữa. Tôi có thể vắt sữa bò, cho gà ăn, bổ một ít củi, thế thôi. Tôi sẽ ở lại đây. Đây là đồ của tôi. Ông lão vừa nói vừa chỉ vào cái túi ở dưới đất bên chân ông.

Bà ta quay lại bảo Jody: "Con chạy xuống chuồng bò gọi ba lên đi."

Jody vụt chạy đi, và lúc trở lại có ông Carl Tiflin và Billy Buck theo sau. Lão già hãy còn đứng như trước nhưng bây giờ ông có điệu bộ nghỉ ngơi. Tất cả thân hình ông ta đã sụm xuống thành một thế nghỉ ngơi lâu dài.

"Gì đó?". Ông Carl Tiflin hỏi. "Có việc gì làm thằng Jody xúc động đến thế?"

Bà Tiflin chỉ vào ông lão:

- Ông ấy muốn ở lại đây. Ông ấy muốn xin làm ít việc để được ở lại đây.

- "Nhưng chúng ta không thể mướn ông ấy được. Chúng ta không cần thêm người nữa. Ông ấy già quá rồi. Cần gì đã có Billy làm". Hai vợ chồng nói chuyện về lão già như thể không có mặt ông ta ở đó, rồi bỗng nhiên, cả hai đều ngập ngừng rồi nhìn Gitano và đều có vẻ ngượng ngập.

Lão già đằng hắng rồi nói: "Tôi già quá nên không làm được việc gì. Nay tôi trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của tôi."

Carl nói bằng giọng gay gắt:

- Ông có sinh trưởng ở đây đâu?

- Không phải ở đây. Ở cái nhà bằng đất bên kia đồi ấy. Trước đây tất cả đều thuộc chung về một trại, trước khi ông tới đây.

- Ở căn nhà bằng đất bị nước làm rữa hết đó ư?

- Đúng vậy. Tôi và cả cha tôi nữa. Bây giờ tôi muốn ở lại trại này.

"Tôi nói cho ông biết, ông không ở lại được đâu." Carl nói một cách giận dữ: "Tôi không cần tới một ông già. Trại này không lớn lao gì. Tôi không đủ tiền nuôi và trả tiền thầy thuốc cho một ông già. Chắc ông còn có thân nhân và bạn hữu. Ông đi tìm họ đi. Đến cầu khẩn người lạ chẳng khác nào đi ăn xin vậy."

"Tôi sinh trưởng ở đây" Gintano nói với giọng kiên nhẫn, nhưng cương quyết.

Carl Tiflin không muốn tỏ ra tàn nhẫn nhưng ông cảm thấy bắt buộc phải như vậy. Ông nói; "Ông có thể ăn tại đây tối nay. Rồi ông có thể ngủ ở căn trong buồng nhỏ ở gian nhà ngủ được. Sáng mai chúng tôi lại cho ông ăn bữa sáng nữa, rồi ông phải đi. Ông đi kiếm bạn bè đi. Đừng tới nhà người lạ mà chết ở nhà người ta."

Gitano đội chiếc mũ đen lên đầu và cúi xuống nhặt cái túi. Ông nói: "Đây là đồ lề của tôi."

Carl quay bước đi. "Đi đi, Billy, chúng ta đi làm xong việc ở chuồng bò đi. Jody, con chỉ cho ông lão cái phòng nhỏ ở căn nhà ngủ đi." Carl Tiflin và Billy quay trở lại chuồng bò. Bà Tiflin đi vào nhà rồi nói trở lại, "Tôi sẽ đưa vài cái mền xuống đó cho."

Gitano nhìn Jody như muốn hỏi, Jody nói: "Tôi sẽ chỉ cho ông phòng đó."

Trong phòng nhỏ của nhà ngủ có một cái giường nhỏ có đệm nhồi vỏ đậu, một cái thùng đựng táo cũ trên có một cái đèn bằng kẽm và một cái ghế đu đưa không có lưng dựa. Gitano cẩn thận đặt cái túi xuống sàn và ngồi xuống giường. Jody còn bẽn lẽn đứng trong buồng ngần ngại chưa muốn đi. Sau cùng nó nói:

- Có phải ông từ rặng núi lớn tới đây không?

Gintano lắc đầu chậm chạp: "Không, lão làm việc ở dưới thung lũng Salinas."

Jody vẫn chưa quên ý nghĩ lúc ban chiều nên nó không dứt mà ra đi được. "Ông đã tới những ngọn núi lớn đằng sau kia chưa?"

Đôi mắt già thẫm màu trở nên chăm chú và tia sáng của đôi mắt như chiếu vào bên trong, vào những năm tháng vẫn còn lại trong đầu óc Gitano. – "Có một lần- khi lão còn nhỏ. Lão có đi với cha lão."

- Đi mãi vào sau kia, vào hẳn trong miền núi à?

- Đúng rồi.

Jody kêu lên:

- Có gì ở đó? Ông có nhìn thấy ai không? Có nhà cửa gì không?

- Không.

- Vậy thì có gì?

Đôi mắt của Gitano vẫn còn đăm chiêu. Một vết nhăn xuất hiện trên trán ông lão.

Jody nhắc lại:

- Ông thấy gì ở đó?

- Lão không biết. Lão không còn nhớ gì cả.

- Quang cảnh rất đáng sợ và khó khăn lắm phải không?

- Lão không nhớ nữa.

Vì quá xúc động, Jody quên cả bẽn lẽn. "Ông không còn nhớ gì sao?"

Gitano mở miệng muốn nói, và cứ há miệng như vậy trong khi óc ông ta tìm câu nói. "Lão nghĩ rằng ở đó yên lặng lắm - ở đó đẹp lắm."

Đôi mắt Gitano hình như đã tìm ra được một cái gì trong dĩ vãng, vì thấy đôi mắt đó dịu lại và có ánh vui tươi.

Jody gặn hỏi:

- Sau đó không bao giờ ông trở lại núi nữa sao?

- Không.

- Không bao giờ ông muốn trở lại sao?

Nhưng bấy giờ nét mặt Gitano đã tỏ vẻ bực bội, "Không" Ông lão nói bằng một giọng khiến cho Jody biết rằng ông không muốn nói tới chuyện đó nữa. Thằng bé bị mê hoặc một cách kỳ lạ. Nó không muốn rời lão Gitano. Nó lại cảm thấy bẽn lẽn.

Nó hỏi: "Ông có muốn xuống chuồng bò coi súc vật không?"

Gitano đứng dậy, đội mũ và sắp sửa đi theo.

Lúc đó trời đã gần tối. Họ đứng gần chỗ máng uống nước trong khi những con ngựa từ trên đồi thủng thẳng đi về uống nước. Gitano để đôi bàn tay xù xì của ông lên đà ngang trên chốc hàng rào. Năm con ngựa chạy tới uống nước, rồi đứng quanh đó, lấy mõm gặm mặt đất hay cọ mình vào gỗ nhẵn trên hàng rào. Sau khi những con này uống xong đã lâu, thì một con ngựa già xuất hiện trên đỉnh đồi và nặng nhọc bước xuống. Răng nó dài và vàng, móng nó dẹt và và sắc như cái xẻng và xương sườn xương hông của nó lồi ra ở dưới làn da. Nó khập khễnh bước tới máng nước và uống nước sùm sụp.

Jody giải thích: "Đó là con Easter già. Đó là con ngựa đầu tiên của ba tôi. Nó được 30 tuổi rồi."

Jody ngửng lên nhìn vào đôi mắt già của Gitano xem có phản ứng gì không.

"Không còn được việc gì nữa." Gitano nói. Ba thằng Jody và Billy ở chuồng bò ra và bước lại gần. Gitano nhắc lại: "Già quá không làm được việc gì nữa. Chỉ ăn thôi, rồi chả bao lâu nữa sẽ chết."

Carl Tiflin nghe lọt mấy tiếng sau cùng. Ông thù ghét sự tàn nhẫn của chính mình đối với ông lão Gitano, và vì thế ông lại tỏ ra tàn nhẫn thêm nữa.

Ông nói: "Đáng lẽ phải đem con Easter ra mà bắn chết đi. Để cho nó hết đau và hết bệnh tê thấp". Ông lén nhìn Gitano để xem lão có để ý gì tới lời nói bóng gió đó không, nhưng những bàn tay xương xẩu của lão vẫn không cử động, và mắt lão vẫn chăm chú nhìn con ngựa. Ba của Jody lại nói tiếp: "Nên làm cho những con vật già hết đau khổ đi. Một phát súng, một tiếng nổ vang, có lẽ đau nhói ở trong đầu rồi, thế là hết. Như vậy còn hơn là bị khổ sở vì mình mẩy đau cứng và đau răng."

Billy Buck nói chen vào: "Chúng nó có quyền nghỉ ngơi sau khi đã làm việc suốt đời. Có lẽ chúng chỉ thích đi quanh quẩn đây thôi."

Carl vẫn đang chăm chú nhìn con ngựa gầy. Ông nhẹ nhàng: "Anh không thể tưởng tượng được ngày trước con Easter như thế nào. Cổ cao, ngực nở, mình thon. Nó có thể nhảy vọt qua một cổng có 5 đà ngang dễ như chơi. Nhờ nó tôi được giải nhất trong một cuộc đua ngựa hồi tôi mới 15 tuổi. Hồi đó có thể bán nó với giá 200 đô-la bất cứ lúc nào. Anh không thể tưởng tượng được ngày trước nó đẹp nhường nào." Ông ta lại tự kiềm chế, vì ông không thích tỏ ra mềm yếu. "Nhưng bây giờ nên bắn cho nó chết đi là phải."

"Nó có quyền được nghỉ ngơi." Billy Buck nhấn mạnh thêm.

Ba thằng Jody có một ý nghĩ khôi hài. Ông quay lại lão Gitano và nói: "Nếu trứng và thịt heo muối mọc ở bên sườn đồi thì tôi sẽ cho ông ra đấy mà gặm ăn như ngựa. Nhưng tôi không thể thả cho ông ăn ở trong bếp nhà tôi được."

Ông ta cười nói với Billy Buck về câu pha trò đó trong khi hai người đi về phía ngôi nhà. "Thật là một điều hay cho tất cả chúng ta nếu trứng và thịt heo muối được mọc ở đồi bên."

Jody biết ba nó đang tìm cách chọc tức Gitano. Nó cũng đã từng bị như vậy. Ba nó biết cách chọc tức nó lắm.

"Ba tôi chỉ nói vậy thôi." Jody nói. "Ông không có ý định bắn Easter đâu. Ông mến con Easter lắm. Nó là con ngựa đầu tiên của ông."

Trong khi hai người còn đứng đó, mặt trời lặn sau những ngọn núi cao và trại trở lại yên lặng. Gitano cảm thấy tự nhiên hơn khi chiều xuống. Lão chép miệng và môi lão phát ra một âm thanh kỳ lạ và lão đưa bàn tay lên trên hàng rào. Con Easter già lập cập tiến lại gần lão, và Gitano xoa vào cái cổ gầy chỗ dưới bờm của con ngựa.

Jody dịu dàng hỏi:

- Ông thích nó à?

- Ừ, nhưng nó chẳng còn tốt gì nữa.

Có tiếng kẻng vang lên trong nhà, Jody kêu lên: "Đến giờ ăn rồi. Đi lên ăn cơm đi."

Trong khi hai người đi lên nhà, Jody lại nhận thấy rằng thân hình Gitano thẳng như thân hình trai trẻ. Chỉ có điệu bộ lập cập và cặp gót giầy lết cho biết là lão đã già thôi.

Mấy con gà tây nặng nề bay vào những cành thấp của cây trắc-bá cạnh gian nhà ngủ. Một con mèo béo lông mượt bước qua đường, miệng tha một con chuột lớn đến nỗi đuôi quét lê trên mặt đất. Mấy con chim cút ở đồi bên vẫn còn đang gọi nhau đi uống nước.

Jody và Gitano bước tới bực thềm sau và bà Tiflin đứng trong nhà nhìn ra phía hai người qua cửa lưới.

"Mau lên Jody. Ông Gitano, vào ăn cơm đi." Carl và Billy Buck đã bắt đầu ăn tại chiếc bàn dài trên có trải khăn vải dầu. Jody ngồi lọt vào ghế của nó mà không cần phải kéo ghế, nhưng Gitano vẫn đứng tay cầm mũ cho tới khi Carl ngửng lên và nói: "Ngồi xuống đi. Ngồi xuống đi. Ông nên ăn cho no bụng trước khi đi." Carl sợ rằng mình sẽ xiêu lòng mà cho phép lão già ở lại, và vì vậy ông cứ phải tự nhắc luôn luôn là không thể như thế được.

Gitano đặt mũ trên sàn và ngượng nghịu ngồi xuống. Lão không muốn thò tay lấy thức ăn, Carl phải đưa đồ ăn cho lão. "Đồ ăn đây, ăn cho no đi." Gitano ăn rất chậm, cắt những miếng thịt rất nhỏ và đắp nhiều tảng khoai nghiền nhỏ trên đĩa.

Tình trạng này vẫn làm cho Carl Tiflin băn khoăn. Ông hỏi: "Ông không có họ hàng thân thích gì ở đây sao?"

Gitano trả lời vẻ hơi tự hào: "Anh rể tôi ở Monterey. Tôi cũng có anh em họ ở đó nữa."

- Vậy thì ông có thể đến đó ở được.

- "Nhưng mà tôi sinh trưởng ở đây". Gitano nhẹ nhàng phản đối như vậy. Mẹ thằng Jody ở bếp ra, bưng một tô lớn bánh bu-đinh nấu bằng bột sắn.

Carl cười hỏi vợ: "Tôi đã nói cho bà biết điều mà tôi nói với lão chưa nhỉ? Tôi bảo rằng nếu trứng và thịt heo muối mọc ở đồi bên, thì tôi sẽ thả lão ra cho lão gặm ăn, hệt như con Easter già vậy."

Gitano nhìn trừng trừng vào đĩa đồ ăn của lão và không tỏ vẻ gì xúc động.

Bà Tiflin nói:

- Thật đáng tiếc là lão không ở đây được.

Carl Tiflin giận dữ nói:

- Bà lại muốn sinh sự hử?

Khi ăn xong, Carl và Billy Buck cùng Jody vào phòng khách ngồi một lát, còn Gitano đi thẳng qua bếp ra cửa sau, không nói lấy một lời cám ơn hay từ biệt. Jody ngồi và quan sát ba nó. Nó biết ba nó tự cảm thấy mình bần tiện biết bao.

Carl nói với Billy Buck: "Vùng này đầy rẫy những bọn tá điền như vậy."

Billy bênh vực họ: "Họ là những người rất đắc lực. Họ có thể làm việc được tới tuổi già hơn người da trắng. Tôi đã thấy một người già tới 105 tuổi mà còn đi ngựa được. Ông không kiếm được một người da trắng nào già như Gitano mà đi bộ được hàng hai ba chục dặm."

Carl biểu đồng tình: "Ồ, họ khỏe thật, tôi đồng ý. Nhưng này, anh cũng bênh lão ư?’ Và ông giải thích: "Billy, anh hãy nghe tôi nói đây. Tôi giữ được trang trại này khỏi mất về tay bọn Ngân-hàng Ý-đại-Lợi cũng nhọc lắm rồi, chưa kể phải nuôi báo cô ai. Điều đó anh biết lắm chứ, Billy."

- Phải, tôi biết lắm. Nếu ông giàu, lẽ tất nhiên lại khác.

- Phải rồi, mà hình như không phải lão không có có bà con họ hàng gì để nhờ vả. Anh rể và anh em họ lão ở ngay tại Monterey. Việc gì phải bận tâm lo cho lão nữa?

Jody ngồi yên nghe, và hình như nó vẫn nghe thấy tiếng nói nhẹ nhàng của Gitano và câu nói của lão. "Nhưng tôi sinh trưởng ở đây mà không ai biết trả lời ra sao. Gitano cũng bí mật như những rặng núi kia. Có những rặng ở tận chân trời xa tít, nhưng đằng sau rặng cuối cùng ở tận chân trời vẫn còn có một miền xa lạ. Gitano chỉ là một ông lão già thôi, và chỉ khi người ta nhìn thấy đôi mắt đen và lờ đờ của lão. Đằng sau đôi mắt này có một điều gì bí ẩn. Không bao giờ lão nói gì nhiều để cho người ta đoán biết có gì ở bên trong, ở đằng sau đôi mắt đó. Jody tự cảm thấy không cưỡng lại được tính tò mò muốn đến thăm gian nhà ngủ. Nó tụt xuống ghế trong khi ba nó đang nói chuyện rồi nó lẻn ra cửa không một tiếng động.

Trời tối lắm và những tiếng động từ xa vang lại nghe rõ mồn một. Tiếng nhạc ngựa của một bọn thợ làm rừng vang lại từ con đường làng phía xa xa sau đồi. Jody lần mò đi qua sân tối. Nó trông thấy ánh đèn qua cửa sổ của phòng nhỏ trong nhà ngủ. Vì không sợ lộ trong đêm tối, nó lẳng lặng đi tới cửa sổ và nhòm vào. Gitano đang ngồi trên cái ghế đu đưa và quay lưng ra cửa sổ. Cánh tay phải của lão đưa qua đưa lại chậm chậm trước mặt lão. Jody đẩy cửa bước vào. Gitano phát nhỏm dậy và vớ một tấm da hươu định che vật để trong lòng lão, nhưng tấm da tuột đi mất. Jody đứng ngẩn mặt nhìn vật đang nằm trong tay Gitano, đó là một thanh kiếm nhọn, thon, rất đẹp, có một cái cán vàng có bao tay.

Lưỡi kiếm giống như một vệt ánh sáng mỏng. Cán kiếm có chạm trổ thật tinh vi.

Jody hỏi: "Cái gì đó?"

Gitano chỉ nhìn nó bằng đôi mắt oán hận, và lão nhặt tấm da hươu lên rồi quấn chặt lưỡi kiếm đẹp vào trong.

Jody giơ tay ra. "Cho tôi xem được không?" Đôi mắt Gitano bừng bừng giận dữ và lão lắc đầu.

"Ông lấy kiếm đó ở đâu vậy? Kiếm đó ở đâu ra?" Bây giờ Gitano lại nhìn nó một cách thâm trầm, như thể đang suy nghĩ.

- Tôi lấy của cha tôi đó.

- Vậy cha ông lấy ở đâu ra?

Gitano cúi nhìn gói da hươu dài trong tay lão và nói:

- Lão không biết.

- Cha ông không bao giờ nói cho ông biết sao?

- Không.

- Ông dùng dao đó để làm gì?

Gitano có vẻ như hơi ngạc nhiên.

- Chẳng làm gì cả. Lão giữ chơi vậy thôi.

- Cho tôi xem nữa được không?

Lão già chậm chạp mở gói lấy lưỡi kiếm bóng loáng ra và để cho ánh đèn chiếu lên trong chốc lát. Rồi lão gói lại. "Bây giờ em đi đi. Lão muốn đi ngủ bây giờ đây." Lão thổi thắt đèn gần như ngay trước khi Jody kịp đóng cửa lại.

Trong khi trở về nhà, Jody biết rõ một điều, hơn hết tất cả những gì mà nó đã biết từ trước tới nay. Nó không bao giờ được nói cho ai hay biết gì về lưỡi kiếm. Thật là một điều đáng sợ nếu đem nói cho ai hay biết chuyện đó, vì làm như vậy là làm tiêu tan mất một sự thật mong manh. Đó là một sự thật có thể bị tan vỡ nếu đem nói cho một người khác biết.

Trên đường qua sân tối, Jody gặp Billy Buck.

Billy nói: " ba má đang hỏi chú đi đâu đó. Jody lén trở về phòng khách và ba nó quay lại hỏi:

- Con đi đâu về đó?

- Con đi coi cái bẫy mới của con có bắt được con chuột nào không.

- Con đi ngủ đi là vừa rồi.

Sáng hôm sau, Jody ra ngồi bàn ăn sáng trước tiên, rồi ba nó vào, sau cùng đến Billy Buck. Bà Tiflin ở trong bếp ngó ra hỏi:

- Lão già đâu hả, Billy?

- Chắc lão đi ra ngoài rồi. Tôi nhìn vào buồng và không thấy lão ở đó.

Carl Tiflin nói: "Có lẽ lão đi Monterey từ sớm rồi. Đi bộ từ đây đến đó xa lắm."

"Không đâu" Billy giải thích. "Túi của lão hãy còn ở trong phòng mà."

Ăn sáng xong, Jody đi xuống nhà ngủ. Mấy con ruồi đang bay loang loáng trong ánh nắng. Sáng nay, trại có vẻ yên lặng đặc biệt. Khi nó chắc không có ai nhìn nó, Jody lén vào phòng nhỏ và nhòm vào trong cái túi của Gitano. Nó thấy có dư một bộ quần áo lót bằng vải bông, một cái quần bó thừa và ba đôi tất đã cũ. Ngoài ta chẳng có gì nữa. Jody đột nhiên cảm thấy quá bơ vơ. Nó chậm chạp quay bước lên nhà trên. Ba nó đang đứng nói chuyện với mẹ nó ở bực cửa.

Ba nó nói: " Chắc con Easter già lần này chết thật rồi. Tôi không thấy nó xuống uống nước với mấy con ngựa kia."

Vào giữa buổi sáng Jess Taylor ở trại trên đỉnh núi đi ngựa xuống. Jess hỏi:

- Có phải anh đã bán con ngựa xám già đáng làm mồi cho quạ ăn đó không, anh Carl?

- Không, đời nào. Tại sao anh hỏi vậy?

- À, sáng nay tôi ra khỏi nhà rất sớm và tôi thấy một cảnh tức cười. Tôi thấy một ông lão cưỡi một con ngựa già, không yên, chỉ có một đoạn dây thừng làm cương. Lão không đi trên đường cái đâu. Lão đi ngược thẳng lên núi xuyên qua những bụi cây. Tôi tưởng lão có súng. Tôi có trông thấy một vật gì sáng loáng trong tay lão.

Carl Tiflin nói:

- "Lão già Gitano đó. Tôi đi xem tôi có bị mất khẩu súng nào không." Ông bước vào trong nhà một lát rồi trở ra nói: "Không sao, đủ cả. Lão đi lối nào đó, anh Jess?"

- Hừ, thực tức cười. Lão đi thẳng vào núi.

Carl cười và nói: "Bọn chúng già tới đâu cũng vẫn còn ăn cắp, chắc lão ăn trộm con ngựa già Easter rồi."

- Muốn đuổi theo lão không, anh Carl?

- Thôi thôi, như vậy là tôi khỏi phải chôn con ngựa đó. Không hiểu lão lấy súng ở đâu. Không biết lão muốn tới đó làm gì?

Jody đi ngược lên qua các luống rau tới hàng bụi cây. Nó chăm chú nhìn những dãy núi cao ngất, dãy nọ nối tiếp dãy kia, trùng trùng điệp điệp cho mãi tới đại dương. Trong chốc lát, nó tưởng như nó nhìn thấy được một chấm đen đang bò lên đỉnh núi xa nhất. Jody nghĩ tới lưỡi kiếm và Gitano. Rồi nó nghĩ tới những ngọn núi lớn. Một niềm khao khát như mơn trớn nó rồi trở nên mãnh liệt đến đỗi, nó muốn khóc oà lên để được thoải mái hơn. Nó nằm xuống cỏ xanh cạnh bể nước tròn ở chỗ hàng bụi cây: Nó khoanh tay che mắt và nằm đó rất lâu, lòng tràn đầy một nỗi buồn man mác.

Dịch giả Lê Bá Kông

Cùng tác giả:

HOA CÚC – Truyện ngắn John Steinbeck

Bài liên quan
  • QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Oe Kenzaburo (1935 - 2023) là nhà văn người Nhật thắng giải thưởng Nobel văn chương cao quý của Viện hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994. Chiến thắng của ông, cùng với chiến thắng của nhà văn Kawabata Yasunari năm 1968, đã giúp Nhật trở thành nước duy nhất ở Châu Á có hai nhà văn thắng giải Nobel văn chương*. Là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật, ông đã có hơn 60 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.
  • TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Franz Kafka là nhà văn người Bohemia gốc Do Thái, nay là Cộng hòa Séc. Ngày nay, mặc dù Franz Kafka được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chỉ còn có riêng một tính từ mang tên ông kafkaesque, tức "kiểu Kafka", nhưng khi còn sống, chỉ vài tác phẩm của ông được xuất bản. Phần lớn các tác phẩm của Franz Kafka được xuất bản sau khi ông chết, do bạn ông là Max Brod thực hiện, bất chấp di nguyện của ông là phải tiêu hủy tất cả các bản thảo.
  • MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    Chân Dung Kẻ Sĩ: James Joyce là nhà văn người Ireland, tác giả của tiểu thuyết Ulysses xuất bản năm 1922. Ông được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, còn Ulysses được xem như một kiệt tác, đến nỗi người ta còn lập ra một lễ tưởng niệm thường niên vào ngày 16 tháng 6 (Bloomsday), là ngày diễn ra các các sự kiện trong tiểu thuyết Ulysses của ông.
  • BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Graham Greene là nhà văn người Anh, tác giả của Người Mỹ trầm lặng, cuốn tiểu thuyết rất ăn khách trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt là tại Anh. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ vào năm 1956, nó đã khiến độc giả Mỹ bị sốc do tác phẩm của nhà văn người Anh đã mô tả người Mỹ là những kẻ giết người, một sự thật mà người Mỹ khó có thể chấp nhận. Cuốn sách của ông đã giúp độc giả thế giới nói chung và độc giả phương tây nói riêng, hiểu được tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ, những kẻ xâm lược với đội quân hùng mạnh nhất hành tinh tới từ bên kia đại dương.
  • CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. Theo xu hướng của những nhận xét này, có thể xem "Chiếc áo choàng" (tiếng Nga: Шине́ль -1842) là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nikolai Gogol, khi nó thể hiện thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất trong viết lách của Gogol, mà nếu muốn tóm gọn lại, thì không ai nói chính xác hơn nhà ngoại giao, phê bình văn học người Pháp Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910). Ông nói (thường bị nhầm lẫn là do Fyodor Dostoevsky nói) : "Tất cả chúng ta đều chui ra từ Chiếc áo khoác của Gogol".
  • NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người trong bao (The Man in a Case) là phần đầu, cùng với lần lượt hai truyện ngắn tiếp theo gồm "Gooseberries" và "About Love", thuộc một tác phẩm mà sau này được người ta gọi là “tiểu bộ ba”* của nhà văn vĩ đại nước Nga Anton Chekhov. Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946).
  • NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Anton Chekhov được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dù ban đầu, Chekhov theo học ngành y tại Đại học y khoa Moscow và trở thành một bác sĩ, nhưng cuối cùng ông lại là một nhà văn xuất chúng, với những sáng tạo đã làm thay đổi tiến trình phát triển của truyện ngắn hiện đại.
    Nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov (1899-1977), tác giả của cuốn tiểu thuyết Lolita in năm 1955, xếp thứ tư trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 vào năm 2007 của nhà xuất bản Mỹ Modern Library, đã chê tác phẩm của Chekhov nhưng cũng khen nức nở rằng, "nhưng tác phẩm của ông ấy là thứ tôi sẽ mang theo nếu phải đi tới hành tinh khác". Ông còn gọi truyện Người đàn bà và con chó nhỏ là "một trong những truyện ngắn vĩ đại nhất từng được viết nên".
    Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946). Bà là dịch giả người Anh đầu tiên dịch nhiều tác phẩm của Anton Chekhov sang tiếng Anh. Tổng cộng, bà đã dịch 71 tập văn học Nga, bao gồm các tác phẩm của các nhà văn Nga nổi tiếng như Ivan Turgenev, Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Ivan Goncharov, Alexander Ostrovsky và Alexander Herzen. Nhiều tập trong số đó vẫn còn được in cho đến ngày nay.
  • NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO là truyện ngắn trong tập truyện ngắn Trẻ em cũng là thường dân (Children Are Civilians Too) của nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 Heinrich Böll. Tập truyện minh họa cho cách kể chuyện tinh tế và sắc thái của Heinrich Boll ở mức tuyệt vời nhất, vẽ ra những bức chân dung tuyệt đẹp về những con người bình thường trong những năm tháng đen tối ở nước Đức sau chiến tranh.
  • ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ảo Hóa là một câu chuyện trong tiểu thuyết Trò chơi ngọc pha lê (The Glass Bead Game) tác phẩm lớn cuối cùng của nhà văn, nhà thơ Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 Hermann Hesse. Với tư tưởng chống phát xít, từ nửa cuối thập niên 1930, không một nhà xuất bản hay tờ báo nào ở Đức dám đăng các tác phẩm của Hermann Hesse nữa. Và vì thế ông đã viết Trò chơi ngọc pha lê giữa những tin tức khủng khiếp của Chiến tranh thế giới Thứ Hai và xuất bản tác phẩm ở Thụy Sĩ năm 1943.
  • ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đốt Lửa của nhà văn Jack London có hai phiên bản được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau, một ở năm 1902 và bản còn lại ở năm 1908. Mặc dù có cấu trúc và cốt truyện gần tương tự nhau, nhưng phiên bản năm 1908 khủng khiếp hơn nhiều, và vì thế, nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn người Mỹ, thường xuyên có mặt trong các tuyển tập văn chương.