chan_dung-ke_si

HOA CÚC – Truyện ngắn John Steinbeck

16-01-2024

Lượt xem 2475

Đánh giá 6 lượt đánh giá

Chia sẻ

  John Steinbeck

HOA CÚC – Truyện ngắn John Steinbeck

Nhà văn John Steinbeck (1902-1968)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Cây hoa cúc (The Chrysanthemums) là truyện ngắn của nhà văn người Mỹ thắng giải Nobel văn chương năm 1962 John Steinbeck. Truyện xuất bản lần đầu tiên năm 1937 và được đưa vào tập The Long Valley một năm sau đó.

Nhà văn John Steinbeck bắt đầu nổi tiếng với tiểu thuyết được nhiều người khen ngợi Thị trấn Tortilla Flat (Tortilla Flat, 1935). Năm 1937, ông xuất bản Của chuột và người (Of Mice and Men), năm 1939, ông có thêm Chùm nho uất hận (The Grapes of Wrath). Đây là hai tác phẩm đã giúp ông thắng giải Nobel văn chương năm 1962.

Bên cạnh tiểu thuyết, John Steinbeck cũng viết các truyện ngắn rất xuất sắc. Truyện ngắn dưới đây, Hoa cúc – hay – Elisa, là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông và nó xứng đáng là biểu tượng cho các truyện ngắn của tượng đài văn chương Mỹ John Steinbeck, do những suy ngẫm đầy tính ẩn dụ mà nó mang tới.

 

Dịch giả Nguyễn Đức Bình

 

Thảm sương mù dày đặc xám xịt của mùa đông đã đóng nắp thung lũng Salinas khỏi bầu trời và tất cả phần còn lại của thế giới. Khắp bốn bề, nó úp xuống những ngọn núi và biến thung lũng lớn thành một cái chậu kín bưng.

Trên cánh đồng rộng bao la và bằng phẳng, người nông dân cày đất và để lại trên nền đất đen những vết sáng bóng như kim loại nơi lưỡi cày xới qua. Trên những trang trại chân đồi bên kia sông Salinas, những cánh đồng rơm rạ vàng óng dường như đang tắm trong ánh nắng nhạt lạnh lẽo, nhưng thật ra ở thời điểm này của năm, vào tháng Mười hai, thung lũng sẽ không có tia nắng nào cả. Những bụi liễu dày đặc ven sông rực lên những chiếc lá vàng xinh đẹp và sắc nhọn.

Đó là thời gian của tĩnh lặng và đợi chờ. Không khí lạnh và dễ chịu. Một cơn gió nhẹ từ hướng Tây Nam thổi tới khiến những người nông dân có chút hy vọng về một cơn mưa sẽ sớm xảy ra; nhưng thực tế thì sương mù và mưa không bao giờ xảy ra cùng lúc.

Bên kia sông, có rất ít việc phải làm tại trang trại dưới chân đồi của Henry Allen, vì cỏ khô đã được cắt và cất giữ, còn các vườn cây ăn quả đã được xới tơi lên để đất thấm được nhiều nước khi mưa lớn về. Ở trên các sườn dốc cao hơn, lông bọn gia súc trở nên xù xì và lởm chởm.

Elisa Allen, đang làm việc trong vườn hoa của nàng, nhìn xuống sân và thấy Henry, chồng nàng, đang nói chuyện với hai người đàn ông mặc vest. Ba người đứng ở nhà kho máy kéo, mỗi người đặt một chân lên bên chiếc máy kéo Fordson nhỏ. Họ vừa hút thuốc vừa bàn về máy móc trong câu chuyện.

Elisa quan sát họ một lúc rồi quay lại với công việc của mình. Nàng đã ba mươi lăm tuổi. Khuôn mặt nàng xương gầy mà rắn rỏi và đôi mắt trong veo như làn nước. Dáng người nàng trông nặng nề và cứng nhắc trong bộ trang phục làm vườn, chiếc mũ đen của đàn ông kéo sụp xuống che mắt, đôi giày đế bè, chiếc váy in họa tiết gần như bị chiếc tạp dề che kín, một chiếc tạp dề lớn bằng vải nhung có bốn túi lớn để đựng dao cắt, chiếc bay, và cái cào, những hạt giống và con dao mà nàng vẫn thường dùng. Nàng đeo găng tay da dày chắc để bảo vệ bàn tay mình khi làm việc.

Nàng đang cắt những cành hoa cúc già bằng một chiếc kéo ngắn và khỏe. Thỉnh thoảng nàng nhìn xuống những người đàn ông ở nhà kho máy kéo. Khuôn mặt nàng vừa hăm hở vừa thành thục và đẹp, cái đẹp kiểu đàn ông; ngay cả động tác của nàng với chiếc kéo cũng quá hăm hở, quá mạnh mẽ. Những cành hoa cúc dường như chỉ là chuyện vặt và quá dễ dàng so với năng lượng tràn trề của nàng.

Nàng gạt mái tóc lòa xòa ra khỏi mắt bằng mặt sau của chiếc găng tay và để lại một vệt đất trên má khi làm vậy. Sau chỗ nàng đứng là ngôi nông trang màu trắng gọn gàng có những cây phong lữ màu đỏ cao ngang cửa sổ bao quanh. Đó là một ngôi nhà nhỏ trông có vẻ được chăm chút quét tước, có cửa sổ được lau chùi nhẵn bóng, và có tấm thảm chùi chân trước thềm nhà.

Elisa liếc nhìn về phía nhà kho máy kéo. Những người khách lạ đang bước lên chiếc Ford hai cửa của họ. Nàng tháo chiếc găng tay ra và thọc những ngón tay rắn chắc của mình xuống một rừng những mầm cúc xanh mới mọc xung quanh những gốc cây già. Nàng vạch tán lá và săm soi những thân cây mọc san sát nhau. Không có rệp vừng ở đó, không có rận gỗ, ốc sên hay sâu đục thân. Những ngón tay thính như chó săn của nàng đã tiêu diệt những loài gây hại kể trên trước khi bọn chúng kịp bắt đầu sinh sôi.

Elisa giật mình khi nghe thấy giọng nói của chồng mình. Anh đã lặng im đến gần đấy từ bao giờ và nhoài người qua hàng rào kẽm dùng để bảo vệ vườn hoa của nàng khỏi gia súc, chó và gà.

“Lại là nó nữa à,” anh nói. “Em sắp có một vụ mùa mới bội thu đấy nhỉ.”

Elisa đứng thẳng lên và đeo lại chiếc găng tay làm vườn.

"Vâng. Qua năm mới là chúng sẽ lớn phổng lên.” Trong giọng điệu và trên khuôn mặt nàng ánh lên chút tự hào.

“Em thật có khiếu trồng trọt,” Henry nhận xét. “Một số bông cúc vàng trong vụ cúc em trồng năm nay phải to đến mười inch (khoảng hai mươi lăm centimet). Anh ước sao em biết cách nào đấy để trồng táo có quả to như vậy.”

Đôi mắt nàng sắc lại. “Có lẽ em cũng có thể trồng táo đấy. Em có khiếu trồng trọt cơ mà, rồi rồi. Mẹ em cũng đã có cái khiếu ấy. Bà ấy có thể cắm bất cứ thứ gì xuống đất và làm cho nó mọc lên. Bà nói là nhờ vào bàn tay của những người trồng cây biết cách làm thế nào để thực hiện nó.”

“Chà, chắc rồi, biết cách với hoa hoét chứ gì” anh nói.

“Henry, những người đàn ông mà anh đang nói chuyện là ai vậy?”

“À, vì chuyện đó mà anh tới để nói với em này. Họ đến từ Công ty Thịt Miền Tây. Ba mươi con bò ba tuổi đó, anh đã bán cho họ rồi. Giá cao gần bằng giá anh mong muốn.”

“Tuyệt quá,” nàng nói. "Anh làm rất tuyệt.”

“Anh đang nghĩ,” anh tiếp tục, “anh nghĩ hôm nay là chiều thứ Bảy, chúng ta có thể đến Salinas để ăn tối ở một nhà hàng, rồi đi xem phim - để ăn mừng, được chứ.”

“Thật tuyệt,” nàng lặp lại. “Em đồng ý. Vậy thì còn gì bằng.”

Henry chuyển sang giọng điệu đùa cợt. “Tối nay sẽ có mấy trận đánh nhau. Em có muốn tới trận đấu không?”

“Ối, không,” nàng hổn hển nói. “Không, em không thích đánh nhau.”

“Chỉ đùa thôi, Elisa. Chúng ta sẽ đi xem phim. Để xem nào. Bây giờ là hai giờ. Anh sẽ gọi Scotty đi lùa đàn bò từ trên đồi xuống. Có lẽ bọn anh sẽ mất khoảng hai giờ. Khoảng năm giờ chúng ta sẽ vào thị trấn và ăn tối ở khách sạn Cominos. Chịu không?”

“Tất nhiên là em chịu. Thật vui khi được ăn ở đâu đó không phải ở nhà”.

"Vậy được rồi. Anh đi thắng yên cặp ngựa đây.”

Nàng nói, “Thế thì em đoán là em sẽ có nhiều thời gian để chiết đống cây này rồi”

Nàng nghe thấy chồng mình gọi Scotty ở phía nhà kho. Và một lúc sau nàng thấy hai người đàn ông cưỡi ngựa lên sườn đồi màu vàng nhạt đi tìm bò.

Có một vuông cát nhỏ được dùng để ươm cây cúc con. Nàng dùng cái xẻng xới tới lui lớp đất, cán phẳng và vỗ nhẹ cho lớp đất chắc lại. Sau đó nàng đào 10 cái rãnh song song để ươm cây. Trở lại luống hoa cúc, nàng nhổ những chồi non tươi tắn, dùng kéo tỉa bớt lá của từng cây rồi đặt thành một xấp nhỏ ngay ngắn.

Tiếng bánh xe cót két và tiếng vó ngựa nặng nề vang lên từ mặt đường. Elisa nhìn lên. Trên con đường quê chạy dọc ven sông có đôi hàng liễu và rặng cây bông vải rậm rạp, một chiếc xe kỳ lạ và những con vật kéo xe lạ kỳ xuất hiện. Đó là một chiếc xe ngựa cũ có đệm lò xo giảm sóc, có mui hình tròn bằng vải bạt giống như mái che của một chiếc xe du mục miền đồng cỏ. Nó được kéo bởi một con ngựa khoang già và một con lừa nhỏ màu xám trắng. Một người đàn ông to con đầy râu ria ngồi dưới mái che và cầm cương bọn thú kéo xe. Bên dưới gầm xe, giữa hai bánh sau, một con chó lai gầy nhẳng đang bước đi bình thản. Những nét chữ vụng về, nguệch ngoạc sơn trên tấm bạt xe. “Nồi, chảo, dao, kéo, dụng cụ cắt cỏ, Sửa hết.” Chúng chia thành hai dòng, và chữ “Sửa hết” ở dòng dưới như một lời xác tín. Lớp sơn đen đã chảy xuống thành những gai nhọn bên dưới mỗi chữ cái.

Elisa, ngồi xổm trên mặt đất, nhìn theo chiếc xe ngựa kỳ quái và xộc xệch như răng bà lão chờ nó đi qua. Nhưng nó lại không đi qua mà rẽ vào con đường nông trại trước nhà nàng, với những chiếc bánh xe cũ xiêu vẹo kêu cót két. Chú chó gầy nhẳng lao ra từ giữa các bánh xe và chạy lên trước. Ngay lập tức hai chú chó chăn cừu (chó becgie) của nông trại lao tới chỗ nó. Sau đó cả ba đều dừng lại, những cái đuôi của chúng dựng đứng rung rinh, những đôi chân thẳng đơ, với dáng vẻ tôn nghiêm của những sứ giả, chúng từ từ đi vòng quanh nhau, khụt khịt mũi. Đoàn lữ hành tiến đến hàng rào dây thép của Elisa và dừng lại. Con chó gầy nhẳng đến sau chót, cảm thấy bị áp đảo quân số, nó cụp đuôi xuống, lông dựng đứng và nhe hàm răng lủi vào gầm xe.

Người đàn ông ngồi trên ghế xe kêu lên, “Đồ chó hư thích gây sự”

Elisa cười lớn. “Tôi thấy cậu ta đúng là kẻ gây sự thật đấy. Thường thì bao lâu cậu ta lại làm thế?”

Người đàn ông chụp ngay cơ hội khi nàng cười và chân thành cười đáp lại. “Có khi nó không gây trong hàng nhiều tuần lễ” ông ta nói. Ông ta khó nhọc trèo xuống qua bánh xe. Con ngựa và con lừa rũ xuống như những bông hoa héo.

Elisa thấy ông ta có tướng người rất to cao. Dù tóc và râu đã chuyển màu xám tro nhưng trông ông ta không có vẻ gì là già. Bộ vest đen sờn cũ của ông ta nhăn nheo và lem dầu mỡ. Nụ cười vụt tắt trên khuôn mặt và đôi mắt ông ta ngay khi giọng cười ông ta dừng lại. Đôi mắt ông ta màu đen, và đầy sự chất chứa suy tư thường thấy trong mắt của những kiếp người đánh xe và thủy thủ. Đôi bàn tay chai sạn của ông ta vịn vào kẽ hở trên hàng rào dây kẽm rồi bỏ chiếc mũ rách nát xuống.

“Tôi đang đi sai đường, thưa cô,” ông ta nói. “Con đường đất này có cắt qua sông tới đường cái đi Los Angeles không?”

Elisa đứng dậy và nhét chiếc kéo dày vào túi chiếc tạp dề. “Ồ vâng, đúng là như vậy, nhưng phải đi vòng vèo một hồi rồi mới tới chỗ cạn qua sông. Nhưng tôi không nghĩ bọn thú kéo xe của ông có thể đi qua được bùn cát đâu.”

Ông ta trả lời với vẻ hơi cộc cằn, "Có thể cô sẽ ngạc nhiên về những gì mà những con thú đó có thể làm được đấy."

“Chúng đã đi qua bùn cát khi nào?” nàng hỏi.

Ông ta mỉm cười trong một giây. "À vâng. Lúc chúng vượt qua thì sẽ biết ngay thôi.”

“Chà,” Elisa nói, “Tôi nghĩ ông sẽ tiết kiệm được thời gian nếu quay lại đường Salinas và rẽ vào đường cái ở đó.”

Ông ta gảy một ngón tay vào dây hàng rào khiến nó ngân vang. “Tôi chả có gì phải vội, thưa cô. Tôi đi từ Seattle đến San Diego và quay lại hàng năm. Hết trọn một năm của tôi. Khoảng sáu tháng mỗi chiều. Mục đích của tôi là theo chân thời tiết đẹp.”

Elisa tháo găng tay và nhét chúng vào túi tạp dề chung với chiếc kéo. Nàng chạm vào mép dưới chiếc mũ đàn ông của mình, vuốt những sợi tóc rụng. “Cuộc sống của ông nghe có vẻ hay ho đấy nhỉ,” nàng nói.

Ông ta tự tin vịn vào hàng rào. “Có lẽ cô đã thấy mấy chữ viết trên cỗ xe của tôi. Tôi vá nồi niêu, mài dao kéo. Cô có cần việc gì trong số đó không?

“Ồ, không,” nàng nói nhanh. "Không có món đồ nào như thế để sửa cả." Đôi mắt nàng đanh lại vẻ đề phòng.

“Kéo là thứ tệ nhất,” ông ta giải thích. “Hầu hết mọi người đều phá hỏng chiếc kéo của họ khi cố gắng mài sắc chúng, nhưng tôi thì biết cách làm đấy. Tôi có một công cụ đặc biệt. Một thứ kiểu như sáng chế và có thêm một chút bí quyết trong đó.”

"KHÔNG. Những cái kéo của tôi đều sắc bén.”

"Được rồi. Lấy một cái chậu đi,” ông ta tiếp tục một cách nghiêm túc, “một cái chậu méo, hoặc một cái chậu thủng. Tôi có thể sửa nó như mới nên cô không cần phải mua cái mới. Nó sẽ tiết kiệm cho cô.

“Không,” nàng nói ngắn gọn. “Tôi đã nói với ông là tôi không có những thứ như thế để ông sửa.”

Khuôn mặt ông ta hiện lên một nỗi buồn quá đỗi. Giọng nói ông ta cất lên rên rỉ. “Hôm nay tôi không có việc gì để làm cả. Có lẽ tối nay tôi sẽ không ăn tối. Cô thấy đấy, tôi đang đi sai con đường mọi khi tôi vẫn đi. Tôi biết nhiều người trên đường cái từ Seattle đến San Diego. Họ để dành dao kéo của họ để tôi mài sắc vì họ biết tôi làm việc đó rất giỏi và giúp họ tiết kiệm tiền.

“Tôi xin lỗi,” Elisa cáu kỉnh nói. “Tôi không có việc gì cho ông làm.”

Mắt ông ta rời khỏi gương mặt nàng và nhìn xuống đất tìm tòi. Cặp mắt ông ta ngó nghiêng loanh quanh cho đến khi thấy luống hoa cúc nơi nàng đang làm việc. “Chúng là cây gì vậy, thưa cô?”

Sự khó chịu và phản kháng tan biến trên khuôn mặt Elisa. “Ồ, đó là hoa cúc, cúc trắng và cúc vàng khổng lồ. Tôi trồng chúng mỗi năm, chúng to hơn hoa của bất kỳ ai trong vùng.”

“Một loại hoa có thân dài? Trông giống như một làn khói màu lả lướt?” ông ta hỏi.

"Là nó đấy. Thật là nên thơ khi mô tả chúng theo cách như vậy.”

“Chúng có mùi khá khó chịu cho đến khi ta quen với chúng,” ông ta nói.

“Đó là một mùi đắng dễ chịu,” nàng đáp, “không khó chịu chút nào.”

Ông ta đổi ngay giọng. “Bản thân tôi cũng thích mùi này.”

Nàng nói: “Năm nay tôi đã có hoa nở được mười inch đấy.”

Người đàn ông nhoài người xa hơn qua hàng rào. "Tôi kể cô nghe này. Tôi biết một người phụ nữ trên một đoạn đường tôi đi qua có khu vườn đẹp nhất mà cô từng thấy. Nó có gần như mọi loại hoa nhưng không có hoa cúc. Lần trước khi tôi sửa một cái chậu rửa mặt đáy đồng cho cô ấy (việc đó khó nhằn đấy nhưng tôi làm đẹp tuốt), cô ấy nói với tôi: 'Nếu ông có dịp đi ngang qua mấy bông hoa cúc đẹp thì tôi ước gì ông có thể kiếm cho tôi một ít hạt giống.' Cô ấy đã nhờ tôi vậy đấy.”

Đôi mắt của Elisa trở nên vừa cảnh giác vừa hăng hái. “Có lẽ cô ấy không biết nhiều về hoa cúc. Ông có thể ươm chúng từ hạt giống, nhưng nhổ những cây con ở vườn cúc nào đó mà ông thấy đem về trồng sẽ dễ dàng hơn nhiều.”

“Ồ,” ông ta nói. “Vậy xem như tôi không thể mang gì về cho cô ấy được rồi.”

“Sao cơ, ông mang được mà,” Elisa kêu lên. “Tôi có thể bỏ ít cây con vào cát ẩm và ông có thể mang chúng theo bên mình. Chúng sẽ bén rễ trong chậu nếu ông giữ ẩm. Và sau đó cô ấy có thể cấy chúng.”

“Thưa cô, vậy thì cô ấy chắc chắn muốn vài cây rồi. Cô nói chúng là những cây hoa đẹp đúng không?”

“Đẹp,” nàng nói. "Rất xinh đẹp." Đôi mắt nàng sáng lên. Nàng bỏ chiếc mũ nhàu nhĩ ra và xõa mái tóc đen xinh đẹp của mình. “Tôi sẽ đặt chúng vào một chậu hoa và ông có thể mang chúng theo bên mình. Ông vào sân đi.”

Trong khi người đàn ông đi qua hàng cọc rào, Elisa xăng xái chạy trên con đường hoa phong lữ dẫn ra phía sau nhà. Và nàng quay lại mang theo một chậu hoa lớn màu đỏ. Giờ đây, nàng đã quên béng mang găng tay. Nàng quỳ xuống đất cạnh vuông cát ươm cúc, dùng ngón tay xới đất cát rồi múc vào chậu hoa mới sáng bóng. Rồi nàng nhặt đống chồi nhỏ mà nàng đã chuẩn bị lên. Với những ngón tay khỏe khoắn, nàng ấn chúng xuống cát và gập các khớp ngón tay lại để nén chặt cát xung quanh những chồi cây. Người đàn ông đứng cạnh nàng. “Tôi sẽ cho ông biết phải làm gì,” nàng nói. “Ông nhớ kỹ để nói lại với quý cô của ông.”

“Vâng, tôi sẽ cố nhớ.”

"Nào, xem này. Chúng sẽ bén rễ trong khoảng một tháng. Sau đó cô ấy phải tách chúng ra, cách nhau khoảng một bước chân ở chỗ đất tốt như thế này, thấy không?” Nàng bốc một nắm đất đen lên cho ông ta xem. “Chúng sẽ lớn nhanh và cao. Còn bây giờ thì nhớ điều này. Vào tháng Bảy, bảo cô ấy cắt chúng đi, cách mặt đất khoảng tám inch.”

“Trước khi chúng nở hoa à?” ông ta hỏi.

“Vâng, trước khi chúng nở hoa.” Khuôn mặt nàng căng ra vì háo hức. “Chúng sẽ mọc lại thôi. Khoảng cuối tháng Chín chúng sẽ bắt đầu nảy chồi.”

Nàng dừng lại và có vẻ bối rối. “Đó là giai đoạn mọc mầm cần được chăm sóc nhiều nhất,” nàng ngập ngừng nói. “Tôi không biết phải nói với ông thế nào.” Nàng nhìn sâu vào mắt ông ta, dò xét. Nàng he hé miệng và dường như đang lắng nghe. “Tôi sẽ cố gắng nói ông nghe,” nàng nói. “Ông đã bao giờ nghe nói đến việc tay trồng cây chưa?”

“Không thể nói là có, thưa cô.”

“Chà, tôi chỉ có thể nói cho ông biết cảm giác đó như thế nào. Đó là lúc ông hái những nụ mà ông không muốn. Mọi thứ đều nằm ngay trong tầm tay ông. Ông xem ngón tay mình làm việc. Chúng tự mình làm điều đó. Ông có thể cảm nhận nó ra làm sao. Chúng chọn và hái những cái chồi. Chúng không bao giờ phạm sai lầm. Chúng đang hòa vào với cái cây. Ông thấy không? Ngón tay của ông và cái cây. Ông có thể cảm nhận được điều đó, ngay trên tay ông. Chúng biết. Chúng không bao giờ phạm sai lầm. Ông có thể cảm thấy nó. Khi ông được như vậy ông sẽ không thể làm gì sai. Ông có thấy điều đó không? Ông có thể hiểu được điều đó không?”

Nàng quỳ dưới đất nhìn ông ta. Ngực nàng căng lên đầy quyến rũ, khiêu khích.

Đôi mắt của người đàn ông nheo lại. Ông ta tự giác nhìn đi nơi khác. “Có lẽ tôi biết,” ông ta nói. “Đôi khi vào ban đêm trong cỗ xe đó…”

Giọng Elisa chợt khàn đặc. Nàng đã vỡ vụn vào ông ta. “Tôi chưa bao giờ sống như ông, nhưng tôi hiểu ý ông. Khi màn đêm buông xuống—ôi tại sao, những ngôi sao lại tỏa cánh, sáng lên trong tĩnh mịch cô đơn. Tại sao, ta vươn lên, và bay lên! Mọi cánh sao trôi vào cơ thể ta. Như thế đó. Nóng bỏng, chói chang mà rất – yêu kiều.”

Elisa vẫn quỳ dưới đất, tay nàng đưa về phía đôi chân trong chiếc quần đen nhờn dầu mỡ của ông ta. Những ngón tay ngại ngùng của nàng gần như chạm vào ống quần ông ta. Sau đó tay nàng rơi thõng xuống đất. Nàng phủ phục xuống như một chú chó đang vẫy đuôi mừng chủ.

“Thật tuyệt vời, đúng như cô nói. Chỉ khi nào ôm cái bụng rỗng thì mới không tuyệt thôi”, ông ta nói:

Lúc này Elisa đã đứng dậy, rất thẳng, khuôn mặt thẹn thùng. Nàng cầm chậu hoa và nhẹ nhàng đặt nó vào tay ông ta. "Đây. Để nó lên cỗ xe của ông, trên ghế, chỗ ông có thể để ý nó. Có lẽ tôi có thể tìm được việc gì đó cho ông làm đấy.”

Nàng ra sau nhà bới đống đồ cũ và tìm thấy hai cái ấm đun nước bằng nhôm cũ méo mó. Nàng mang chúng lại đưa cho ông ta. “Đây, chắc ông có thể sửa được những thứ này.”

Bộ dạng ông ta liền đổi khác, vẻ đầy chuyên nghiệp. “Tôi có thể sửa chúng tốt như mới.” Ông ta đặt một cái đe nhỏ ở phía sau xe ngựa và bới hộp dụng cụ dính đầy dầu, lấy ra một chiếc búa nhỏ. Elisa bước ra ngoài cổng để quan sát trong khi ông ta gò những vết lõm trên ấm nước. Khuôn miệng ông ta trở nên đầy tự tin và thành thục. Mỗi lúc tới chỗ khó ông ta lại bặm môi lại.

“Ông ngủ trong xe luôn à?” Elisa hỏi.

“Vâng, ngay trong xe, thưa cô. Nắng hay mưa tôi cũng chả hề hấn gì ở trong đó.”

“Chắc là tuyệt đây,” nàng nói. “Chắc chắn là thế. Tôi ước gì phụ nữ cũng làm được những điều như vậy”.

“Đó không phải là kiểu sống phù hợp với một người phụ nữ.”

Elisa nhếch môi, để lộ hàm răng. "Sao ông biết được? Sao ông có thể nói thế chứ?”.

“Tôi không biết, thưa cô,” ông ta phủ nhận. “Tất nhiên là tôi không biết. Giờ thì xong rồi, ấm nước của cô đây. Cô không cần phải sắm một cái mới nữa nhé.”

"Bao nhiêu tiền?"

“À, tôi lấy năm mươi xu thôi. Tôi lấy tiền công thấp mà lại sửa rất ngon lành. Đó là lý do tại sao mọi khách hàng dọc đường đều hài lòng với tôi”

Elisa vào nhà lấy ra một đồng năm mươi xu và thả nó vào tay ông ta. “Ông có thể ngạc nhiên khi gặp một đối thủ cho mà xem. Tôi cũng có thể mài kéo đấy. Tôi còn có thể thổi bay những vết lõm trên những chiếc chậu nhỏ. Tôi có thể cho ông thấy một người đàn bà có thể làm gì.”

Ông ta đặt chiếc búa lại vào chiếc hộp dính đầy dầu mỡ và đẩy chiếc đe nhỏ khuất đi. “Với một người phụ nữ thì nó sẽ là một cuộc sống rất cô đơn, thưa cô, và đáng sợ nữa, với những con vật bò trườn dưới gầm xe suốt đêm.” Ông ta trèo qua gióng ngang của cỗ xe, bám một tay vào cái mông trắng của con lừa để giữ thăng bằng. Ông ta ngồi xuống ghế, cầm dây cương. “Cảm ơn lòng tốt của cô, thưa cô,” ông ta nói. “Tôi sẽ làm như cô đã bảo; Tôi sẽ quay ngược lại và rẽ theo đường Salinas.”

“Nhớ đấy,” nàng nói, “nếu đường đến đó xa quá, giữ cho cát luôn ẩm đấy.”

“Cát, là sao thưa cô? .. Cát à? À à, tất nhiên rồi. Ý cô là dặn về chậu cúc. Chắc chắn tôi sẽ chăm sóc nó.” Ông ta chặc lưỡi. Những con thú kéo xe rướn người trong chiếc vòng cổ của chúng. Con chó lai trở lại chỗ của nó giữa hai bánh sau. Chiếc xe quay đầu bò ra khỏi con đường vào nông trang rồi quay lại con đường nó vừa đi qua, dọc theo con sông.

Elisa đứng trước hàng rào dây thép dõi theo đoàn lữ hành chậm rãi rời đi. Nàng vươn thẳng vai, đầu ngửa ra sau, đôi mắt lim dim khiến cảnh tượng trước mắt hiện ra mơ màng. Môi nàng ấy mấp máy, thốt nhiên nó phát ra tiếng chào “Tạm-biệt—tạm-biệt-nhé.” Rồi nàng thì thầm: “Chân trời đó thật tươi sáng. Ánh sáng ở nơi đó thật rực rỡ.” Tiếng thì thầm của nàng khiến chính nàng giật mình. Nàng rùng mình trở về thực tại và nhìn quanh xem có ai đang nghe không. Chỉ có lũ chó mới nghe thấy. Chúng ngẩng cái đầu đang ngủ vùi trong bụi đất về phía nàng, rồi nghếch mõm và lại ngủ tiếp. Elisa quay người chạy vội vào nhà.

Elisa vào căn bếp, nàng đưa tay ra phía sau bếp lò và sờ thử thùng nước. Nó đầy ắp nước nóng từ bữa nấu ban trưa. Nàng vào phòng tắm, xé toạc bộ quần áo bẩn thỉu trên người và ném vào một xó. Rồi Elisa dùng một cục đá bọt biển nhỏ chà xát khắp mình, ở chân và đùi, thắt lưng, bầu ngực và cánh tay, cho đến khi da nàng bị trầy xước và đỏ ửng. Nàng lau khô người, đến đứng trước gương trong phòng ngủ và ngắm nhìn cơ thể mình. Nàng hóp chặt bụng và ưỡn ngực. Nàng quay đầu lại và ngoái qua vai để ngắm nghía tấm lưng mình.

Một lúc sau Elisa bắt đầu mặc quần áo, chậm rãi. Nàng bận bộ đồ lót mới nhất, đôi tất đẹp nhất và chiếc váy, vốn là một tượng trưng mỹ lệ của nàng. Nàng cẩn thận chải tóc, kẻ lông mày và tô son môi.

Trong lúc ấy, nàng nghe thấy tiếng vó ngựa rền vang và tiếng la hét của Henry và người trợ tá đang lùa những con bò vàng vào chuồng. Nàng nghe thấy tiếng cổng đóng sầm và chuẩn bị sẵn cho sự xuất hiện của Henry.

Tiếng bước chân của anh vang lên trước hiên nhà. Anh bước vào trong nhà và gọi, "Elisa, em đâu rồi?"

“Em ở trong phòng, thay quần áo chưa xong. Có nước nóng anh tắm đấy. Nhanh lên. Sắp muộn rồi.”

Khi Elisa nghe thấy tiếng chồng khuấy nước trong bồn tắm, nàng để bộ đồ tối màu của chồng lên giường, cùng với áo sơ mi, tất và cà vạt ở bên cạnh. Nàng đặt đôi giày bóng loáng của chồng xuống sàn cạnh giường. Xong rồi nàng ra hiên nhà và ngồi xuống, với vẻ nghiêm trang và đơ như tượng. Nàng nhìn về phía con đường ven sông, nơi hàng liễu vẫn sáng lên nhờ những chiếc lá vàng dẫu đã bị phủ sương, dưới làn sương mù dày đặc xám xịt, rặng liễu trông như một dải nắng mỏng. Đây là thứ duy nhất có màu sắc trong một buổi chiều âm u. Nàng ngồi bất động một lúc lâu, đôi mắt nhìn trân trân.

Henry lao ra cửa, nhét cà vạt vào trong áo vest khi tới chỗ vợ. Elisa đông cứng và gương mặt nàng căng ra. Henry sững lại và nhìn vợ. “Ôi chao, Elisa. Em trông đẹp quá!”

"Đẹp ư? Anh nghĩ em trông đẹp à? Anh có ý gì khi nói ‘đẹp’?”

Henry phạm sai lầm khi tiếp rằng. "Anh không biết. Ý anh là em trông khác lắm, mạnh mẽ và hạnh phúc.”

"Em mạnh mẽ à? Vâng, mạnh mẽ. Anh có ý gì khi nói ‘mạnh mẽ’?”

Henry ngơ ngác. “Em đang chơi trò gì đấy với anh à,” anh bất lực nói. “Kiểu như một màn kịch hả. Trông em mạnh mẽ đến nỗi có thể dùng đầu gối bẻ đôi một con bê, hạnh phúc đến nỗi có thể ăn nó như ăn một quả dưa hấu ấy”.

Elisa thoáng đánh mất sự cứng cỏi trong tích tắc. “Henry! Đừng nói chuyện kiểu ấy. Anh không biết anh đang nói gì đâu. Nàng đã cứng cỏi trở lại. “Em rất mạnh mẽ,” nàng tự hào. “Trước đây em chưa bao giờ biết mình lại mạnh mẽ đến thế.”

Henry nhìn xuống nhà kho máy kéo, và khi anh đưa mắt nhìn lại nàng, cặp mắt anh lấy lại sự bình tĩnh vốn có. “Anh đi lấy xe đây. Em mặc áo khoác vào trong khi anh đi nổ máy xe nhé.”

Elisa quay vào trong nhà. Nàng nghe thấy anh lái xe ra cổng và nổ máy cầm chừng, và sau đó phải mất một lúc lâu thì nàng mới đội được chiếc mũ lên đầu. Nàng đặt nó lên chỗ này, ấn nó xuống chỗ nọ. Khi Henry tắt máy xe, nàng mặc áo khoác và bước ra ngoài.

Chiếc xe mui trần nhỏ chạy dọc theo con đường đất ven sông, khiến lũ chim bay lên tán loạn và xua lũ thỏ trốn vào bụi rậm. Hai con sếu đập cánh phành phạch bay qua rặng liễu rồi buông mình xuống lòng sông.

Xa xa phía trước, Elisa nhìn thấy một vệt đất đen thẫm. Và nàng biết chuyện gì đã xảy ra.

Elisa cố không nhìn khi chiếc xe đi ngang qua vệt đất, nhưng mắt nàng không chịu nghe lời. Nàng buồn rầu tự thì thầm với chính mình: “Có thể ông ta đã vứt chúng xuống đường. Việc đó có khó gì, chẳng mấy khó. Nhưng ông ta sẽ giữ cái chậu,” nàng tự an ủi. “Ông ta phải giữ cái chậu. Đó là lý do tại sao ông ta không thể hắt hết đất ra khỏi đường.”

Chiếc xe ô tô rẽ vào một khúc cua và nàng nhìn thấy đoàn lữ hành ở phía trước. Nàng quay hẳn người sang chồng để khỏi nhìn thấy cỗ xe nhỏ có mái che và đội hình cộc lệch của nó khi chiếc xe mui trần chạy vượt qua.

Sự việc kết thúc chóng vánh. Nó đã trôi qua. Nàng không ngoái nhìn lại.

Nàng nói to, át tiếng xe, "Tối nay sẽ vui lắm đây, một bữa tối ngon lành."

“Sao bây giờ em lại thay đổi rồi,” Henry phàn nàn. Anh bỏ một tay ra khỏi vô lăng và vỗ nhẹ vào đùi nàng. “Anh nên đưa em đi ăn tối thường xuyên hơn. Nó sẽ giúp ích cho cả hai chúng ta. Ở nông trại mãi sẽ làm chúng ta thấy rất nặng nề.

“Henry,” nàng hỏi, “chúng ta có thể uống rượu vào bữa tối được không?”

“Được chứ. Anh nói! Ý hay đấy.”

Nàng im lặng một lúc; rồi nói, “Henry, tại những trận đấu lấy tiền thưởng đó, bọn đàn ông có đánh nhau tới gây thương tích nhiều không?”

“Thỉnh thoảng cũng bị thương một chút, nhưng không thường xảy ra. Mà sao?"

“À thì, tại em đọc được rằng họ đã bị gãy mũi và máu chảy đầm đìa xuống ngực như thế nào. Găng tay chiến đấu của họ đã trĩu nặng và sũng máu ra sao.”

Anh nhìn chòng chọc nàng. “Có chuyện gì thế, Elisa? Anh không biết là em đọc những thứ như thế đấy.” Anh cho xe dừng lại rồi rẽ phải qua cầu sông Salinas.

“Có phụ nữ nào từng đi xem đánh nhau không?” nàng hỏi.

“Ồ, chắc rồi, vài người. Có chuyện gì thế, Elisa? Em có muốn đi xem không? Anh không nghĩ em sẽ thích xem, nhưng anh sẽ đưa em đi nếu em thực sự muốn.

Nàng buông lỏng người trên ghế. "Ôi không. Không. Em không muốn đi. Em chắc chắn là thế.” Nàng quay mặt lảng đi khỏi anh. “Chỉ cần chúng ta có rượu là đủ rồi. Dư luôn ấy.” Nàng kéo cổ áo khoác lên để che không cho anh nhìn thấy nàng đang yếu đuối khóc - như một bà cô già.

 

 

Bài liên quan
  • LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    Chân Dung Kẻ Sĩ:  Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway với "Nguyên lý tảng băng trôi", là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Giã từ vũ khí (1929); Chuông nguyện hồn ai (1940); Ông già và biển cả (1952). Năm 1954 ông thắng Giải Nobel Văn Chương và để lại nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học Mỹ.
  • HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

    HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Ivan Bunin đến với văn chương từ những bài thơ sáng tác năm 1981. Mãi đến năm 1894, ông mới xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên. Những năm sau đó, mặc dù các tác phẩm của ông được nhiều người khen ngợi nhưng phải đến năm 1910, khi cuốn Ngôi Làng ra mắt, ông mới trở nên thực sự nổi tiếng. Không những vậy, Ngôi Làng còn giúp ông trở thành nhà văn người Nga đầu tiên thắng Giải Nobel Văn Chương vào năm 1933.
  • CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

    CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Mikhail Sholokhov là tác giả của bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm, một trong những tác phẩm văn chương vĩ đại nhất của nước Nga. Tác phẩm này đã đưa ông tới chiến thắng mùa giải Nobel Văn Chương năm 1965.
  • RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

    RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Cố Thủ Tướng nước Anh Winston Churchill (1874-1965) người duy nhất là nguyên thủ một quốc gia từng thắng giải Nobel văn chương (năm 1953) với cuốn sách Hồi ức về Chiến tranh thế giới thứ hai (The Second World War, sáu tập, 1948-1953).
  • TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn người Clombia Gabriel José García Márquez là tác giả thắng Giải Nobel Văn chương năm 1982 với tác phẩm Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad, 1967). Ngoài ra, ông cũng rất nổi tiếng với tác phẩm Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera, 1985), viết sau khi ông thắng Giải Nobel và được công nhận là một trong 100 tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha hay nhất trong hàng chục năm qua. Tờ New York Times ca ngợi Tình yêu thời thổ tả là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là "tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim".
  • NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Heinrich Böll là nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 với tiểu thuyết Gruppenbild mit Dame (Bức chân dung tập thể với một quý bà). Ông được coi là hiện thân của văn chương Đức hậu chiến, một người bước ra từ chiến tranh.
  • CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Guy de Maupassant là tác giả viết truyện ngắn nổi tiếng người Pháp, với một sinh lực dồi dào nhưng có tâm trạng bi thảm. Trong khoảng mười một năm sáng tác, ông đã viết khoảng 300 truyện ngắn và 6 tiểu thuyết... trước khi mất ở tuổi 42.
  • HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse  là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    Chân Dung Kẻ Sĩ: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”, lời của Viện Hàn lâm Thụy Điển (tiến sĩ Anders Usterling) khi trao giải Nobel Văn chương tới nhà văn xuất chúng nhất nước Nhật từng sản sinh ra.