Nàng geisha Komako trong phim điện ảnh Yukiguni - Xứ Tuyết, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Yasunari Kawabata
Chân Dung Kẻ Sĩ: Xứ Tuyết được đăng nhiều kỳ trên báo từ năm 1935 đến năm 1937, trước khi được xuất bản thành sách năm 1947. Cuốn tiểu thuyết sau đó trở thành tác phẩm bất hủ mang về Giải Nobel Văn Chương cho nhà văn Nhật Kawabata Yasunari vào năm 1968.
Khởi nguồn của tác phẩm là một nàng Geisha ở lữ quán Takaha 800 năm tuổi, nơi nhà văn bắt đầu đi lại nhiều năm để viết nên tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình.
Phần 1
Qua một đường hầm dài giữa hai vùng đất và thế là đã tới xứ tuyết. Chân trời trắng mờ dưới bóng đêm.
Đoàn tàu chạy chậm dần rồi dừng lại ở một ga xép.
Cô gái ngồi phía bên kia hành lang đứng lên mở ô cửa sổ trước mắt Shimamura. Cái lạnh của tuyết ùa vào toa tàu. Cúi người nhô ra ngoài đến hết cỡ, cô gái gọi rõ to ông trưởng ga.
Ông trưởng ga tới gần, thong thả giẫm chân trên tuyết, tay xách đèn; một chiếc khăn quàng cổ được kéo lên đến tận mắt và hai dải mũ lông che kín đôi tai.
- Lạnh đến thế rồi cơ à? - Shimamura tự nhủ, anh nhìn ra cửa sổ và không trông thấy gì khác ngoài mấy cái lán lúp xúp dưới chân núi, ở đó màu trắng của tuyết đã biến mất trong màn đêm. Chắc hẳn đó là nơi ở của các nhân viên đường sắt.
- Tôi đây mà, bác trưởng ga ơi, bác có khỏe không?
- Ồ! Cô Yoko đây à... Cô đã về rồi sao?... Thời tiết lại lạnh quá!
- Theo như tôi biết thì em trai tôi đã tìm được việc làm ở đây. Tôi muốn cám ơn bác đã giúp đỡ nó.
- Ở cái xó hẻo lánh này chắc rồi cậu ấy sẽ buồn lắm.
- Em tôi hãy còn trẻ dại. Tôi có thể hy vọng bác sẽ bảo ban nó những điều cần thiết, được chứ?
- Cô yên tâm! Cậu ấy xoay sở rất giỏi, cô có thể tin tôi. Vả lại, tuyết dày và bao nhiêu công việc nữa,sắp tới cứ gọi là làm không xuể. Năm ngoái, tuyết rơi nhiều đến nỗi các đoàn tàu luôn bị những khối tuyết lở chặn lại, mọi người ở đây phải liên tục nấu ăn cho các hành khách.
- Bác mặc có vẻ ấm lắm. Vậy mà trong lá thư vừa rồi, em tôi viết rằng nó còn chưa dùng đến áo săng đai.
- Tôi thì phải mặc bốn lần áo mới đủ ấm. Nhưng cánh trẻ ấy à, hễ rét là họ uống rượu... Rồi họ nằm cả ở đằng kia kìa. - Ông vừa nói vừa đưa bàn tay cầm đèn về phía mấy cái lán, họ bị cảm lạnh mà! Bao giờ cũng vậy.
- Em tôi cũng uống rượu hả bác? - Yoko lo lắng.
- Theo tôi biết thì không.
- Mà bác đi đâu vào giờ này? - Nàng ngạc nhiên.
- À tôi phải đến gặp ông bác sĩ... Không có gì nghiêm trọng đâu. Một vết thương nhỏ thôi.
- Bác phải cẩn thận đấy!
Người đàn ông rụt cổ trong chiếc áo choàng to xù đã đi xa dần, ông có vẻ rét và rõ ràng đang vội về nhà.
- Cô cũng hãy giữ gìn sức khỏe. - ông ta ngoái lại nói.
Vẫn đưa mắt nhìn dọc khắp sân ga phủ đầy tuyết, Yoko nói thêm:
- Bác tưởng ga! Liệu tình cờ em tôi có đang làm gì ở quanh đây không? Bác thử nhìn giúp tôi xem.Giọng nàng sao mà tuyệt diệu thế, nó vang cao và rung lên lướt như một tiếng vọng trên tuyết và trong màn đêm; nó có một vẻ quyến rũ cảm động đến nỗi làm cho trái tim người ta man mác buồn. Người đàn bà trẻ vẫn cúi người ra cửa sổ khi đoàn tàu đã lại bắt đầu chuyển bánh.
- Bác nhắn giúp em tôi là hôm nào được nghỉ thì về nhà.
Giọng nói rất trong trẻo của nàng hướng tới ông trưởng ga đang đi dọc đường sắt khi toa của nàng đến ngang tầm ông đứng.
- Được rồi. - ông trưởng ga đáp.
Nàng vặn kính cửa sổ lên, áp chặt hai bàn tay vào đôi má ửng hồng vì lạnh trước khi ngồi vào chỗ.
Trên sườn núi, ngay ở quãng này, có ba chiếc xe dọn tuyết sẵn sàng hoạt động khi có tuyết lở. Ngoài ra còn có một hệ thống báo động bằng điện để lập tức phát tín hiệu khi tuyết làm nghẽn đường. Lại có năm nghìn người chờ ở đó để thông đường, đó là chưa kể một đội tình nguyện của lính công binh và cứu hỏa gồm hai nghìn thanh niên.
"...Cái ga xép này đang bị tuyết đe dọa... Và đây là nơi làm việc của cậu em trai cô gái có tên là Yoko..." - Shimamura nghĩ thế và anh bỗng quan tâm đến cô gái. Tự nhiên anh nghĩ về nàng như nghĩ về một thiếu nữ. Nhưng sở dĩ như vậy chỉ vì ở nàng có một nét gì đó mách bảo nàng đang đi cùng với một người đàn ông và Shimamura không có cách nào biết được người đó có thể là gì với nàng. Thoạt nhìn thì họ xử sự với nhau như vợ chồng. Tuy nhiên, người đàn ông hình như ốm rất nặng, mà bệnh tật lại luôn siết chặt mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Có cô gái nào chăm sóc dịu dàng một người đàn ông lớn tuổi hơn cô nhiều, mà lại không khiến cho những người ngoài có cảm giác cô là vợ của người đó? Bao giờ cũng vậy. Và sự chăm sóc đó càng chu đáo, đôi ấy lại càng có vẻ là một cặp vợ chồng...
Shimamura cũng nghĩ thế, nhưng anh lại tách người đàn ông ra để chỉ chú ý đến cô gái. Từ lúc anh ngắm nàng, trong anh đầy những ấn tượng riêng, những phản ứng chủ quan khá đậm và hơi kỳ lạ.
Trước đó khoảng ba giờ đồng hồ, trong lúc buồn chán, Shimamura lơ đãng nhìn mu bàn tay trái, anh cựa quậy các ngón tay và tự nhủ rằng chỉ có bàn tay này, sự vuốt ve của các ngón tay ở bàn tay này là còn giữ lại được kỉ niệm tinh tế và sống động, ký ức nóng hổi và đầy nhục cảm về người đàn bà mà anh sắp tới gặp.
Bởi lẽ cô đã lẩn tránh khỏi trí nhớ của anh, đã biến mất khi anh cố nhớ lại và không để lại một cái gì để anh có thể níu giữ. Trong tình trạng mơ hồ, duy nhất có bàn tay trái với kỉ niệm rõ nét và mối tiếp xúc như còn tươi mới là giúp được Shimamura hồi tưởng lại quá khứ. Ngạc nhiên vì bỗng cảm thấy cái nóng hổi ấy dưới bàn tay, gần như ngượng nghịu bởi sự hiện hữu kỳ lạ đó và có thể hơi bị quyến rũ, Shimamura đưa bàn tay đến gần mặt. Giơ thẳng một ngón tay, anh vạch nhanh một đường trên mặt kính cửa sổ mờ hơi nước, thì bỗng thấy ở đó xuất hiện một con mắt phụ nữ. Sững sờ, suýt nữa anh kêu lên một tiếng. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ trong giấc mơ của anh và khi trấn tĩnh lại, anh thấy đó là bóng cô gái ngồi ở phía bên kia phản chiếu trên mặt kính. Bên ngoài trời tối om; đèn trong tàu đã bật, cho nên kính cửa sổ chẳng khác gì một tấm gương. Hơi nước vẫn phủ mờ mặt kính, chỉ khi ngón tay anh vạch một vạch trên đó, mới có hiện tượng như thế.
Con mắt mà Shimamura trông thấy có vẻ đẹp kỳ lạ, anh giả vờ như đang buồn chán vì chuyến đi, uể oải đưa tay lau hết hơi nước rồi đưa mặt lại gần cửa sổ ra vẻ như để ngắm nhìn phong cảnh buổi tối ở bên ngoài.
Cô gái cúi người về phía trước, chăm chú trông nom người ở trước mặt. Nhìn vẻ căng thẳng ở quãng đôi vai nàng, Shimamura hiểu rằng đó cũng chính là sự căng thẳng ở con mắt đăm đăm của nàng, với hai hàng mi sững lặng. Người đàn ông nằm dài, đầu tì vào cửa sổ, hai chân duỗi ra, bàn chân đặt trên chỗ ngồi của cô gái. Đây là toa hạng ba. Cô gái và người bạn đường ở phía bên kia của toa tàu, ở sau Shimamura một hàng ghế, nên qua kính cửa sổ anh chỉ nhìn thấy hình trông nghiêng của người đàn ông ở quãng mang tai.
Còn người đàn bà trẻ ngồi đối diện anh theo đường chéo, thì anh nhìn rất rõ. Nhưng ban nãy, lúc họ lên tàu, anh chỉ mới thoáng nhìn đã phải cụp ngay mắt xuống vì quá sửng sốt trước sắc đẹp của nàng và vẻ lạnh lùng xa cách của nàng khiến anh e ngại. Anh chỉ đủ thời gian trông thấy những ngón tay nhợt nhạt xam xám của người ốm bám vào nàng. Shimamura quay đi và không rõ vì sao, anh không dám nhìn về phía họ nữa.
Những gì bây giờ anh trông thấy ở gương mặt người đàn ông, cái vẻ yên tâm thoải mái của anh ta, Shimamura có cảm giác anh ta được như thế là nhờ ánh mắt anh ta nhìn thẳng vào ngực người đàn bà trẻ và nghỉ ngơi ở đó. Shimamura thấy ở hình ảnh cặp trai gái này một sự hài hòa nào đó qua vẻ dịu dàng và cân bằng giữa hai hình bóng dường như yếu ớt. Người đàn ông gối lên một đầu khăn quàng, đầu kia của khăn được kéo lên má và che khuất miệng anh ta như một chiếc mặt nạ. Tấm khăn quàng có lúc xô lên mũi anh ta hoặc tuột xuống dưới, nhưng trước khi anh ta kịp làm gì người đàn bà trẻ đã ân cần cúi xuống chu đáo sửa lại. Chuyện ấy cứ lặp đi lặp lại trước mắt Shimamura một cách tự động, khiến anh thấy sốt ruột. Hoặc lúc vạt chiếc áo choàng bọc chân người ốm bị tuột ra lại được cô gái quấn lại ngay cũng vậy. Tất cả những động tác rất tự nhiên: hình như hai con người kia chẳng hề quan tâm gì đến thời gian và không gian, họ đang theo đuổi một cuộc hành trình vô cùng vô tận. Có lẽ chính vì vậy Shimamura không hề cảm thấy trắc ẩn hoặc buồn rầu trước cảnh đau khổ ấy: anh nhìn tất cả những cái đó mà không cảm động, như thể đó là trò diễn trong một giấc mơ. Chắc hẳn anh có cảm giác ấy vì anh nhìn sự việc phản chiếu trong một tấm kính.
Tít xa lướt qua phong cảnh buổi tối giống như cái nền di động ở đáy tấm gương; hình bóng hai con người anh đang suy ngẫm thì rõ nét hơn và chẳng khác gì anh xem một cuốn phim lồng ghép. Tất nhiên, không có mối liên hệ nào giữa những hình ảnh phong cảnh lướt qua phía sau và hình ảnh rõ hơn của hai nhân vật, nhưng chúng lại hòa nhập vào nhau thành một thể thống nhất kỳ lạ. Cái phi vật chất trong suốt của hai hình người dường như tương ứng và trộn lẫn vào bóng tối mờ ảo của phong cảnh trong màn đêm để tạo nên một vũ trụ duy nhất, một thứ thế giới siêu nhiên và tượng trưng không phải của thời gian này. Một thế giới đẹp khôn tả mà Shimamura cảm thấy thấm tận vào tim anh, anh bàng hoàng khi một ánh lửa tít xa trong núi bỗng lóe sáng ở giữa gương mặt đẹp của người đàn bà trẻ, khiến cho vẻ đẹp không thể nào tả xiết ấy đạt tới đỉnh điểm.
Trong bầu trời đêm, phía trên những quả núi, hoàng hôn còn để lại vài vệt đỏ sậm muộn màng và ở tít xa, trên đường chân trời, còn có thể nhận ra được mấy ngọn núi tách biệt. Nhưng ở đây, gần hơn, lướt qua vẫn chỉ một phong cảnh núi non bây giờ đã tối và chẳng còn màu sắc gì. Và chẳng còn cái gì để nhìn. Tất cả cứ lướt qua như một lớp sóng mờ ảo, đơn điệu và nhạt nhẽo dưới những đường nét của người đàn bà trẻ. Và gương mặt xinh đẹp cảm động ấy như thể hất tất cả ra cái buồn tẻ âm u xung quanh. Hình ảnh gương mặt đó có vẻ phi thực và nếu vậy cũng phải trong suốt. Để biết có đúng thế không, Shimamura thử nhìn kĩ phong cảnh, nhưng các hình ảnh lướt qua quá nhanh làm anh không thể kiểm tra được ấn tượng ấy.
Đèn trong toa tàu không sáng nên những gì Shimamura nhìn thấy không thể rõ như trong một tấm gương thật. Bởi vậy anh quên mất rằng anh đang ngắm hình ảnh phản chiếu trong một tấm kính, và dần dần anh tưởng như đang nhìn một khuôn mặt phụ nữ ở bên ngoài bồng bềnh trên nền phong cảnh quái dị và tối om lướt qua nhanh không dứt.
Bỗng một ánh sáng tít xa lóe lên giữa khuôn mặt ấy. Trong những lấp lóa, hình ảnh khuôn mặt không đủ đậm để che khuất được ánh sáng kia, nhưng cũng không nhạt đến nỗi phải biến mất hẳn. Shimamura nhìn dõi theo ánh sáng từ từ dịch chuyển trên khuôn mặt mà không làm mờ nó, đó là một đốm lửa lạnh lẽo thấp thoáng rất xa. Và khi nó rơi vào đúng đồng tử của người đàn bà trẻ, khi ánh mắt và ánh lửa trùng khít nhau, thì đó là một vẻ đẹp huyền diệu lạ kỳ, con mắt rực sáng như lênh đênh trên đại dương đêm tối và trên những cơn sóng xô nhanh của các núi non.
Yoko biết sao được rằng có người nhìn nàng. Tất cả sự chú ý của nàng tập trung vào người đàn ông đau ốm. Vả lại, dù có ngước mắt nhìn Shimamura, chắc nàng cũng không thể thấy bóng mình trong tấm kính, không bao giờ nàng nghĩ đến chuyện nghi ngờ người hành khách đang nhìn ra cửa sổ kia.
Còn Shimamura, anh không phút nào nghĩ rằng anh bất nhã khi anh chăm chăm nhìn cô gái ấy, bởi anh như đang mê đi trước bức tranh vừa không thực lại vừa siêu nhiên, anh bị quyến rũ bởi sắc đẹp kỳ lạ của khuôn mặt đang lướt trên nền phong cảnh ban đêm. Anh quên cả bản thân anh, anh hoàn toàn bị cuốn hút vào những điều thần diệu ấy và không biết mình mơ hay tỉnh nữa.
Do vậy, khi anh thấy nàng đứng dậy, lúc tàu đỗ, để ra gọi người trưởng ga, dáng vẻ vẫn nghiêm trang và quý phái, cảm giác đầu tiên của anh làm anh ít nghĩ tới chính nàng mà lại nghĩ nhiều tới một nhân vật nào đó xa xưa, tới một con người lý tưởng nào đó của thế giới huyền thoại.
Bóng đêm và tất cả phong cảnh ban đêm đã chiếm lĩnh ngoài cửa sổ, tấm kính đã mất hết sức quyến rũ của một chiếc gương khi đoàn tàu dừng bánh. Cái lạnh lùng ở Yoko, mặc dù nàng vẫn nhiệt tình chăm sóc người ốm, như đã thấm vào Shimamura và làm anh nản lòng. Cho nên khi đoàn tàu lại chuyển bánh, anh không lau hơi nước trên kính cửa sổ nữa.
Anh ngạc nhiên xiết bao khi nửa giờ sau đó anh thấy người đàn bà trẻ cùng người bạn đường của nàng xuống cùng ga với anh. Anh không ngăn được mình ngoái cổ lại nhìn họ, như để cố tin rằng sự trùng hợp kỳ lạ này chẳng hề liên quan đến anh. Nhưng vừa đặt chân xuống ga, làn không khí lạnh buốt đã đánh thức lương tâm anh và anh ta hổ thẹn về cách xử sự bất nhã của anh lúc ở trên tàu. Không nhìn lại đằng sau một lần nào nữa, anh vượt đường sắt và đi qua trước đầu tàu.
Bám vào vai cô gái, người ốm định bước xuống phía trái thì một nhân viên nhà ga giơ tay ngăn lại.
Một đoàn tàu hàng dài dằng dặc xuất hiện từ trong bóng tối chầm chậm chạy qua khiến Shimamura không trông thấy họ nữa.
Với chiếc mũ che kín tai và đôi ủng cao bằng cao su ấm áp, bác nhân viên của yadoya 1 nơi Shimamura sắp dừng chân, trông giống như một người lính cứu hỏa. Từ phòng đợi, một phụ nữ mặc áo xanh, đầu trùm mũ, đứng đón khách xuống tàu.
Thời tiết lạnh đến thế sao? Vừa ra khỏi toa tàu ấm áp, Shimamura chưa thể biết rõ. Vì đây là lần đầu tiên anh tới nếm thử mùa đông ở xứ tuyết, nên anh thấy lạ mắt trước cách ăn mặc của những người dân xứ này.
- Đã lạnh lắm rồi hả bác? - Anh hỏi bác nhân viên nhà trọ.
- Bây giờ đã là ngưỡng cửa mùa đông rồi, thưa ông. Và khi bầu trời trong trẻo sau một đợt tuyết rơi, thì tiếp đó sẽ là một đêm rất rét. Ông có thể tin chắc đêm nay nhiệt độ sẽ xuống dưới không độ.
- Dưới không độ thật sao?
Trong khi lên xe taxi với bác ta, Shimamura thoáng đưa mắt nhìn những lớp băng mỏng viền quanh mái chìa. Trong màu trắng của tuyết, phần lùi sâu của các cửa ra vào hình như càng sâu hơn một cách lặng lẽ.
Tất cả đều như đắm chìm vào sự câm lặng của đất.
- Mà cái lạnh ở đây không giống ở những nơi khác. Sờ vào vật gì, ta cũng thấy nó lạnh khác lắm.
- Năm ngoái, nhiệt độ ở đây xuống đến hơn hai mươi độ âm, thưa ông.
- Thế có nhiều tuyết không?
- Thường tuyết dày hai, ba mét, đôi khi đến hơn bốn mét.
- Bây giờ tuyết sắp rơi nhiều phải không?
- Mới chỉ vừa mới bắt đầu, thưa ông. Tuyết đã dày khoảng ba mươi centimet, nhưng đã tan kha khá.
- Bây giờ mà tuyết tan được sao?
- Vâng, nhưng ngày mai có thể tuyết sẽ rơi nhiều lắm.
Tháng mười hai vừa mới bắt đầu được vài ngày.
Shimamura ngạt mũi vì mấy hôm nay anh vẫn bị cảm lạnh, nhưng không khí lạnh đã làm anh hết ngạt.
Anh hỉ mũi một cái rõ mạnh như để gột hết những gì vướng víu từ trước tới nay.
- Cô gái ở nhà bà dạy nhạc vẫn ở đây chứ? - Anh hỏi.
- Vâng, chính cô chờ ở ga đó, ông không trông thấy sao? Cô ấy mặc chiếc áo choàng xanh...
- À! Cô ấy đấy à? Tôi không để ý. Nhưng có thể mời cô ấy đến được chứ?
- Ngay tối nay ấy ạ?
- Vâng.
- Tôi nghe nói con trai bà dạy nhạc sẽ về đây cùng chuyến với ông. Cô ấy ra ga là để đón anh ta.
Con trai bà dạy nhạc! Người đàn ông đau ốm mà anh đã nhìn trong tấm gương của anh ban đêm, người cùng đi với Yoko chính là con trai bà dạy nhạc, nơi ở trọ của cô gái anh sắp đến gặp lại. Shimamura cảm thấy như bị nhiễm điện, nhưng anh không kinh ngạc về sự trùng hợp kỳ lạ đó, mà anh ngạc nhiên vì không hiểu tại sao anh lại ít ngạc nhiên thế.
Một câu hỏi nảy sinh trong anh và anh đọc rõ như được viết ra vậy: đã có điều gì và sẽ có điều gì giữa anh với cô gái, mà bàn tay anh hãy còn giữ lại những kỉ niệm nóng hổi với cô, mà con mắt sáng rực lên bởi ánh lửa trong vùng núi xa xôi? Nhưng cũng có thể anh còn chưa thoát được ra khỏi những sự thần diệu của tấm gương đêm tối và sự quyến rũ của phong cảnh làm nền phía sau... Anh chỉ nên coi đó là biểu tượng sinh động của dòng thời gian thì hơn chăng.
Ở quán trọ suối nước nóng, trong mấy tuần lễ trước mùa trượt tuyết khách chưa đông. Đi tắm về, Shimamura thấy trong nhà tất cả như đang ngủ. Anh đi dọc dãy hành lang dài, mỗi bước chân anh trên lớp sàn gỗ cũ kĩ làm kính ở các cánh cửa ra vào rung lên.
Ngoài ra, không có gì khác. Nhưng đến cuối hành lang, anh rẽ qua bên thì thấy một phụ nữ đứng trong văn phòng của nhà trọ. Cô ta người mảnh dẻ, mặc chiếc áo dài trải những nếp gấp lạnh lẽo trên sàn gỗ đánh xi bóng loáng sẫm màu.
Shimamura giật mình khi từ cô ta mặc áo kimono dài. Rốt cuộc; cô đã trở thành một geisha 2 rồi sao? Người đàn bà trẻ không tiến về phía anh và không có một dấu hiệu gì chứng tỏ đã nhận ra anh. Cô bất động và lặng lẽ, Shimamura nghĩ cô đang nghiêm trang tập trung vào một điều gì. Nhanh nhẹn, anh lại gần cô, không nói một lời. Cô thoáng mỉm cười, quay về phía anh, gương mặt đánh phấn đậm theo kiểm geisha và hầu như lập tức gương mặt đầm đìa nước mắt. Không nói gì, họ đi về phía phòng anh.
Tuy giữa hai người đã có nhiều điều, anh vẫn không viết thư cho cô. Anh cũng không đến thăm cô và anh không gửi cho cô những tài liệu về kĩ thuật múa như anh đã hứa. Cô có đủ mọi lý do để tin rằng anh quan hệ với cô chỉ nhằm giải trí và anh đã quên cô. Vậy Shimamura phải xin lỗi cô và anh là người phải nói trước. Nhưng trong lúc họ cùng đi như thế, không ai nói năng gì, anh hiểu rằng chẳng những cô không giận anh, cô còn rất vui vẻ và vô cùng sung sướng được gặp lại anh. Nói cũng chẳng làm gì, mà chỉ nhấn mạnh thêm những thiếu sót của anh. Và đã cảm thấy mê say, Shimamura tiến vào một thế giới chỉ có niềm hạnh phúc êm dịu. Đến chân cầu thang, anh xòe bàn tay trái giơ ra trước mặt cô:
- Bàn tay này vẫn giữ những kỉ niệm tốt đẹp nhất về em.
- Thật ư? - Cô nói và xiết chặt bàn tay ấy trong cô như cô muốn kéo Shimamura lên trên.
Cô chỉ buông tay anh khi hai người đã đến giữa căn phòng, trước kotatsu 3. Mặt người đàn bà trẻ dưới lớp phấn đột nhiên đỏ bừng và chắc hẳn để che giấu sự bối rối của mình, cô lại cầm lấy tay Shimamura:
- Bàn tay này vẫn nhớ em phải không? - Cô hỏi.
- Không, bàn tay này cơ! - Anh giơ ra bàn tay trái mở rộng và luồn tay phải vào kotatsu để sưởi.
- Em biết, - cô nói và mỉm cười ý tứ. Rồi cô âu yếm dùng cả hai bàn tay Shimamura áp vào má cô rất dịu dàng.
- Vẫn nhớ em phải không? - Cô thì thầm, như mơ mộng nói với bàn tay.
- Ồ! Lạnh quá! - Shimamura kêu lên khi tay anh chạm vào mái tóc chải cao lên của cô: lần đầu tiên anh đặt tay vào một mái tóc lạnh thế này.
- Ở Tokyo còn chưa có tuyết hả anh? - Cô hỏi.
- Điều em nói hồi nọ là không đúng rồi nhé, - Shimamura nói. - Nếu không, ai lại đến cái xó này vào lúc cuối năm để mà chịu rét cóng?
Lần ấy- đó là lúc mở đầu mùa leo núi, khi không còn nguy cơ tuyết lở nữa; khi núi cao lại có một màu xanh mới và ngào ngạt những hương thơm tuyệt diệu của mùa xuân. Khi những loại măng non akebi, một món ăn sắp thiếu vắng trên các bàn ăn...
Quá tài tử và lông bông vì nhàn rỗi, đôi khi Shimamura cố tìm lại bản thân mình. Điều anh thích thú hồi ấy là đi một mình đến vùng núi. Một mình thôi. Thế là một buổi chiều, anh tới trạm suối nước nóng sau một tuần lễ đi khắp dãy núi Ba Tỉnh. Anh nhờ gọi cho anh một geisha. Nhưng bà phục vụ bảo hôm khánh thành một con đường mới, buổi lễ rất quan trọng, đến mức người ta phải mở cả nhà kho thỉnh thoảng vẫn được dùng làm rạp hát. Tất cả mười hai, mười ba cô geisha được huy động hết vẫn chẳng thấm vào đâu Nhưng cô gái trọ ở nhà bà dạy nhạc có thể bằng lòng đến.
Đôi lần cô ta cũng có dự các buổi lễ, nhưng không bao giờ cô ở lại đến cuối buổi. Chỉ nhảy vài ba bài là cô về nhà.
Vì Shimamura hỏi một số điều về cô ta, nên bà phục vụ nói thêm. Đó không phải là một geisha thực sự, không phải. Mà đó là một cô gái ở trọ nhà bà dạy nhạc, một bà giáo dạy múa và dạy đàn samisen 4. Nhưng đôi khi người ta mời cô và cô không từ chối. Vì các geisha ở đây không ai được dạy nghề múa và tất cả đều không thích múa, họ sợ họ không còn trẻ trung, mà cô gái kia lại múa đẹp, nên cô rất được quý. Không bao giờ cô nhận lời một mình đến giải trí cho một người khách nào. Tuy cô không chuyên nghiệp, người ta không thể coi cô là chỉ làm việc theo kiểu tài tử, cũng không coi cô là một geisha tài tử.
Thật là một chuyện lạ? Shimamura tự nhủ trước khi nghĩ sang việc khác. Nhưng kìa, khoảng một tiếng đồng hồ sau, cô hầu đã dẫn về "cô gái ở trọ nhà bà dạy nhạc". Shimamura sững sờ đứng dậy vì ngạc nhiên.
Cô hầu định đi ra, nhưng cô gái gọi cô ta, bảo cô ta ở lại.
Cô gái gây cho Shimamura một cảm giác tuyệt vời bởi vẻ sạch sẽ và tươi mát của cô. Trong giây lát anh nghĩ rằng toàn bộ thân thể cô chắc phải sạch sẽ lắm lắm, sạch đến tận chân tơ kẽ tóc, thậm chí anh tự hỏi sự tinh khiết ấy phải chăng là ảo ảnh vì mắt anh hãy còn bị chói bởi ánh sáng rực rỡ của mùa hè vừa chớm đến vùng núi.
Cô không mặc áo kimono dài quết đất, nhưng cách ăn mặc của cô vẫn có nét gì giống một geisha. Cô mặc khá nghiêm chỉnh một chiếc kimono mùa hè không có lớp lót; nhưng dải lưng của cô lại quá lộng lẫy, không hài hòa với áo. Không hiểu sao điều đó làm anh hơi buồn...
Cô hầu thấy họ đã thích thú nói chuyện với nhau về vùng núi, nên khéo léo đi ra ngoài. Thế là họ chỉ còn lại một mình, nhưng vì cô cũng không biết rõ tên những ngọn núi mà họ trông thấy qua cửa sổ, nên câu chuyện của họ cũng chấm dứt. Shimamura lại không muốn uống rượu. Cô gái bèn kể cho anh nghe về quá khứ của cô, cô kể bằng một giọng thoải mái và hết sức cởi mở.
Sinh ra ở xứ tuyết, cô đã ra Tokyo làm geisha và mau chóng tìm được một người bảo trợ, ông này trả hết các khoản nợ cho cô và chuẩn bị sắp xếp cho cô một chỗ dạy múa, thì không may mười tám tháng sau ông ta chết. Nhưng về quãng đời từ đó đến nay, cô kể ít hơn nhiều. Cô cảm thấy không muốn nói về quãng đời chắc hẳn là sóng gió nhất ấy của cô, cô bảo cô mười chín tuổi, nhưng nhìn cô, Shimamura đoán cô phải hai mươi mốt, hai mươi hai.
Không có lý do gì nghi ngờ sự thành thật của cô, nên khi biết tuổi cô và thấy cô có vẻ già dặn hơn tuổi Shimamura có cảm giác nhẹ nhõm, và anh lại thấy một sự thoải mái anh vẫn mong muốn khi ngồi với một geisha thật sự. Câu chuyện chuyển sang đề tài kịch Kabuki 5, anh ngạc nhiên thấy cô biết nhiều hơn anh về các diễn viên và các phong cách của loại kịch này. Cô nói nhiều hơn và nói có vẻ vội vã như một người đã lâu không có ai để trò chuyện. Sự dè dặt của cô chẳng mấy chốc đã biến mất, cô tỏ ra tin cậy, dễ dãi một cách thoải mái, như một phụ nữ đã được dạy dỗ đầy đủ và đã có ít nhiều kinh nghiệm về tâm trạng đàn ông. Nhưng Shimamura cảm thấy ngay rằng không thể xếp cô vào hạng geisha chuyên nghiệp. Anh thấy cô chính là người đàn bà mà suốt bảy ngày một mình lang thang trên núi cao anh vẫn muốn có để bầu bạn. Cô gái trước mặt anh gợi trong anh những tình cảm bạn bè trong sạch, chẳng những thế anh còn sung sướng thấy cô xứng đáng được anh chia sẻ sự hứng khởi cao quý và sự thanh thản mà anh có được ở vùng núi cao này.
Chiều hôm sau, đến tắm ở trạm nước nóng của quán trọ, cô gái đã để các thứ quần áo của cô ở ngoài hành lang và vào trò chuyện với Shimamura.
Cô chưa kịp ngồi, anh đã nhờ cô gọi cho anh một geisha.
- Gọi một geisha? Cho ông?
- Vâng...Cô hiểu rất rõ tôi muốn nói gì?
- Tôi đến gặp ông không phải để nghe một lời yêu cầu như thế. Cô phản đối, mặt đỏ bừng. Bằng một động tác nóng nảy, cô ra đứng trước cửa sổ nhìn về phía các ngọn núi.
- Ở đây không có loại phụ nữ ấy, - không ngoảnh lại, cô nói.
- Cô đừng nói vớ vẩn.
- Nhưng thật thế đấy.
Lần này cô xoay người đối diện anh, nửa đứng nửa ngồi trên bệ cửa sổ.
- Ở đây các geisha đều tự do, không ai có thể bắt buộc họ làm những gì họ không muốn làm. Quán trọ cũng không đảm nhận việc ấy. Nhưng không ai ngăn cản ông gọi một geisha đến và tự thu xếp với cô ta, nếu ông rất muốn như vậy.
- Không, không? Tôi nhờ cô làm việc đó cho tôi kia.
- Tại sao ông tin rằng tôi sẽ nhận làm việc đó?
- Vì theo tôi, cô là một người bạn và tôi muốn chúng ta là bè bạn của nhau. Nếu không, tôi đã xử sự khác.
- Vì có tình bạn tốt đẹp nên ông mới xử sự như vậy sao? - Cô nói với vẻ gay gắt tự nhiên và dễ thương như một đứa trẻ.
Nhưng chỉ lát sau cô lại giận dữ nói:
- Sao ông lại nghĩ đến chuyện nhờ tôi một việc như thế được nhỉ! Hừ! Hay thật! Hay thật đấy.
- Không có gì đáng để cô phải tức giận, - Shimamura nói. - Tôi vừa sống qua cả một tuần lễ trên núi cao và có lẽ tôi cảm thấy mình còn dồi dào nguồn sống. Với những ý tưởng linh tinh trong đầu tôi không thể bình tâm ngồi trò chuyện với cô trong căn phòng này như tôi thích được.
Hai mắt cụp xuống, người đàn bà trẻ không nói một lời.
Shimamura biết anh trơ trẽn thú nhận những đòi hỏi đàn ông như vừa rồi là vô sỉ. Nhưng anh tự nhủ chắc cô phải biết khá rõ những chuyện đó nên cô sẽ không khó chịu về sự thú nhận của anh. Anh quan sát mặt cô và thấy ở đó một vẻ gợi tình đằm thắm, có lẽ tại hai hàng mi dài và dày của cô, mà đôi mắt cụp xuống càng tôn thêm giá trị.
Mặt vẫn còn ửng hồng, cô khẽ lắc đầu nói:
- Vậy thì ông cứ cho gọi geisha nào ông chọn.
- Đó chẳng phải là việc tôi nhờ cô sao? Tôi chưa đến đây bao giờ, làm sao tôi biết cô nào thú vị nhất?- Thú vị nhất? Cụ thể là thế nào?
- Còn trẻ chẳng hạn. Tuổi trẻ khiến ta ít khi bị nhầm lẫn khi nhìn bên ngoài. Và không nói quá nhiều,nhưng sạch sẽ và không quá khôn ngoan. Nếu tôi muốn trò chuyện, tôi sẽ gọi cô, gọi chính cô.
- Tôi sẽ không bao giờ đến nữa.
- Kìa, đừng ngốc nghếch thế.
- Ông sẽ không gặp lại tôi nữa đâu. Tại sao tôi lại phải đến cơ chứ?
- Đơn giản thôi, vì tôi muốn chúng ta là bạn bè. Tôi vừa giải thích cho cô xong, rằng đó là lý do khiến tôi xử sự như ban nãy.
- Ồ! Đủ rồi đấy?
- Giả sử tôi cứ để tôi cùng với cô đi. Điều gì sẽ xảy ra? Chắc hẳn ngay từ mai, tôi sẽ không muốn trò chuyện với cô nữa và chỉ trông thấy cô, tôi cũng đã khó chịu. Tôi đến vùng núi này là nhằm tìm lại nhu cầu trò chuyện với mọi người, cô hiểu chứ? Để có thể trao đổi chuyện này chuyện nọ với cô, để chúng ta có thể cùng trò chuyện với nhau, nên tôi không động đến cô. Vả lại, cũng phải nghĩ đến cô một chút chứ? Tôi có cảm giác cô không thận trọng lắm với các khách du lịch... Họ chỉ ở đây một vài hôm rồi lại đi thôi mà.
- Vâng, đúng thế.
- Cho nên, cô hãy nghĩ đến bản thân cô. Nếu cô geisha đến với tôi là người đáng chê trách thì về sau,chính cô sẽ không muốn gặp tôi nữa đâu. Không, không, tốt nhất là cô hãy chọn cho tôi.
- Đủ rồi!Tôi không nghe ông nữa. - Cô nói và quay ngoắt đi.
Nhưng sau một chút suy nghĩ, cô nói tiếp:
- Có lẽ ông nói cũng hơi có lý.
- Chuyện chốc lát thôi mà, cô hiểu đấy. Hoàn toàn không có gì khác thường... Không quan trọng và không có ngày mai.
- Vâng, chắc thế. Tất cả những người đến đây đều nghĩ như vậy. Cũng như ở bến cảng, nơi tôi sinh ra.
Nói cho cùng thì đây chỉ là một trạm nước suối nóng: khách đến một, hai ngày rồi lại đi thôi.
Đột nhiên cảm thấy hoàn toàn thoải mái, thật bất ngờ, nên giọng nói và thái độ của cô lại hồn nhiên như lúc nãy:
- Phần lớn người tới đây chỉ là khách du lịch. Tuy tôi ít tuổi, nhưng cứ nghe mọi người nói, tôi cũng biết khối chuyện. Vị khách nào không nói gì với ta, nhưng lại có cảm tình với ta không có lý do gì rõ rệt, vị khách nào không thú thật là cảm mến ta, nhưng ta lại thấy được lòng cảm mến ấy, thì người đó bao giờ cũng để lại kỉ niệm đẹp đẽ nhất. Sau khi khách đã đi rất lâu, ta vẫn còn nghĩ tới người ấy với niềm vui sướng. Và nếu có ai viết thư cho ta, thì chính là người khách ấy.
Cô nhẹ nhàng nhảy khỏi bệ cửa sổ để ngồi xuống chiếc chiếu dưới chân. Cô như đắm mình vào quá khứ, nhưng Shimamura lại cảm thấy cô gần gũi hơn bao giờ hết. Nghe cô nói, anh thấy giọng cô sao mà ngây thơ trong trắng khiến lòng anh bối rối: anh cảm thấy hơi có lỗi, vì đã chinh phục được cô quá dễ dàng, gần như trái với ý muốn của anh.
Tuy nhiên, anh không hề nói dối cô. Quả thật, anh không thể coi cô như một geisha chuyên nghiệp và việc anh muốn một người đàn bà chẳng qua chỉ là một ham muốn cần được thỏa mãn, chứ còn gì khác và không cần gì nữa. Anh không muốn dùng cô vào việc đó. Anh muốn đó chỉ là chuyện chốc lát và không ràng buộc gì anh. Anh thấy cô quá trong trắng. Vừa nhìn cô, anh đã thấy không thể lẫn cô với các cô gái khác.
Thêm nữa, đang nghĩ đến kỳ nghỉ hè sắp tới và tự hỏi mình sẽ đi nghỉ ở đâu cùng với gia đình để tránh cái nóng bức của mùa hè, Shimamura đã tính sẽ quay trở lại vùng núi này. Anh thấy thật may mắn vì cô gái này lại không phải geisha chuyên nghiệp, do đó cô có thể là một bạn gái tuyệt vời cho vợ anh. Và tại sao anh lại không nhờ cô dạy vợ anh học múa, để vợ anh đỡ buồn nhỉ? Anh suy tính chuyện này rất nghiêm túc. Nếu anh chỉ có tình bạn với cô, thì đó là anh có những lý do của anh để chỉ đứng trên bờ, chứ không lao xuống nước.
Nhưng giờ đây đằng sau tất cả những cái đó lại còn có sự ám ảnh quyến rũ và huyền diệu khá gần gũi của cô gái trong toa tàu, trước tấm gương có nền là phong cảnh ban đêm. Có lẽ Shimamura sợ những rắc rối anh sẽ gặp nếu anh quan hệ với một người đàn bà trẻ, thân phận không rõ ràng. Nhưng chủ yếu là tại anh vẫn còn chịu tác động của cái cảm giác phi thực trong suốt kỳ lạ, rất gần với chất thơ của hình phản chiếu ở tấm kính cửa sổ toa tàu: một khuôn mặt gợi cảm đầy nữ tính và tuổi trẻ bồng bềnh trước phong cảnh lướt qua của hoàng hôn và ban đêm.
Nói cho cùng, cũng chính với cái cảm giác phi thực mà Shimamura say mê nghệ thuật biên đạo múa phương Tây. Anh sinh ra và lớn lên trong khu buôn bán lớn của Tokyo, ở đó từ nhỏ anh đã biết khá nhiều về kịch Kabuki. Thời sinh viên, anh đặc biệt say mê môn vũ đạo và kịch câm. Chưa thỏa mãn với hiểu biết của mình, anh nghiên cứu cả những tư liệu cổ nhất, đặt những mối liên hệ thân ái với những bậc thầy nổi tiếng của trường phái truyền thống cũng như với những nghệ sĩ đại diện cho các khuynh hướng mới. Anh viết các bài nghiên cứu và phê bình. Nhưng với kiến thức phong phú, chỉ ít lâu sau anh đã cảm thấy đôi chút đắng cay về sự suy tàn của một truyền thống quá già cỗi nên trở thành cũ kĩ, nhưng anh cũng không thể đồng ý với các mưu toan không thể chấp nhận của những nhà cách tân giả hiệu, mà các sáng kiến của họ chỉ cốt để chiều lòng người xem. Anh đang ở cái thời điểm phải đối phó và can thiệp vào tất cả những điều đó và các nhân vật nổi tiếng trẻ nhất của giới nghiên cứu nghệ thuật múa cũng khẩn khoản yêu cầu anh thì đột nhiên hứng thú của anh chuyển hướng, anh hoàn toàn chuyên tâm vào balê phương Tây. Anh không muốn xem các điệu múa Nhật Bản nữa. Ngược lại, anh bắt đầu thu thập các công trình nghiên cứu và các tài liệu, các ảnh chụp và bài báo, tất cả những gì giúp anh tìm được thông tin về nghệ thuật múa phương Tây và những biểu hiện khác nhau trong nghệ thuật biên đạo múa. Anh sưu tầm cẩn thận những tờ chương trình và áp phích mà anh đặt mua ở nước ngoài, bất chấp vô vàn khó khăn rắc rối. Thật ra, trong niềm say mê với đối với một điều lạ lẫm và xa xôi này của anh không chỉ vì tính tò mò, mà đó là do Shimamura cảm thấy một niềm vui thích tinh khiết hơn và những thú vị tuyệt đỉnh vì anh không thể trực tiếp xem các buổi biểu diễn, cũng như không được tận mắt nhìn các nghệ sĩ phương Tây múa balê. Không bao giờ anh muốn xem bất kỳ buổi diễn balê nào của người Nhật: Đối với anh, không gì thú vị hơn là viết về balê và bàn luận về nghệ thuật biên đạo múa mà lại chỉ hoàn toàn dựa vào sự uyên bác sách vở. Nghệ thuật múa balê anh không bao giờ xem, trở thành giấc mơ về một thế giới khác, thiên đường của sự hài hòa và sự hoàn hảo tột đỉnh, chiến thắng của mỹ học thuần túy. Nhưng các công trình nghiên cứu và tìm tòi chỉ là lớp vỏ, chứ thật ra giấc mơ mà Shimamura theo đuổi ở tận bên trên những hình ảnh và sách báo phương Tây. Tại sao phải liều lĩnh húc vào các buổi trình diễn gây nên nỗi thất vọng, phải đương đầu với nghệ thuật balê đã được cụ thể hóa thành các màn múa, trong khi trí tưởng tượng của anh cống hiến cho anh những màn diễn vô song và vô tận của loại hình múa anh hằng mơ ước? Anh được hưởng mãi không hết những khoái cảm tột độ của một người tình lý tưởng, yêu một cách cao quý và thuần khiết dù chưa hề bao giờ gặp người mình yêu nồng cháy. Nhưng đó còn chưa phải là tất cả những thú vị Shimamura được hưởng trong tâm trạng đặc biệt này, vì nếu cần nói hết, thì phải nói rằng vốn ưa nhàn rỗi, anh cũng thấy thích khi được bước vào giới văn học, mặc dù anh không coi trọng thực sự cả những công trình nghiên cứu thỉnh thoảng anh công bố, cả tác giả của chúng.
Nàng geisha Matsuei năm 18 tuổi tại lữ quán Takahan, nguyên mẫu của nhân vật trong tiểu thuyết Xứ Tuyết của nhà văn Kawabata Yasunari
Có lẽ từ lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên kiến thức của anh được đem dùng có hiệu quả vào một việc gì đó, bởi vì trong lúc trò chuyện, những kiến thức đã giúp anh gợi được tình cảm thân mật của cô gái anh vừa quen. Nhưng có lẽ chính Shimamura không hề biết rằng anh nhìn nhận cô cũng dưới một góc độ như anh nhìn nhận môn balê phương Tây vậy.
Thấy cô quá cảm động khi anh nói những lời khinh suất của một khách du lịch chỉ ngày mai đã rời khỏi đây, Shimamura hơi hổ thẹn, như thể anh đã lạm dụng sự trong trắng ngây thơ của cô hoặc anh đã đùa bỡn một trái tim sâu sắc và chân thành. Nhưng không để lộ điều đó ra, anh nói tiếp:
- Có thể tôi sẽ đến đây cùng với gia đình và tất cả chúng ta sẽ là bạn của nhau.
- Vâng, vâng, tôi hiểu, - cô nói bằng một giọng dịu hơn, môi cô thoáng một nụ cười để lộ đôi chút tính vui vẻ hồn nhiên của một geisha. - Tôi rất thích như thế. Tình bạn bao giờ cũng bền chặt hơn.
- Vậy cô đi tìm cho tôi một người chứ?
- Ngay bây giờ?
- Đúng thế.
- Nhưng giữa ban ngày ban mặt, ông có thể kể gì với một người đàn bà?
- Chờ đến tối thì có khi chỉ còn một cô gái chẳng ai thèm.
- Thế ra ông coi trạm suối nước nóng này là một trong những nơi tầm thường? Tôi cứ tưởng chỉ nhìn qua ngôi làng này, ông đã thấy sự khác biệt, - cô nói bằng một giọng vẫn còn chút chua chát và với một vẻ nghiêm trang chứng tỏ cô cảm thấy rất bị xúc phạm.
Khi cô khẳng định lại, vẫn kiên quyết như lần trước, rằng các geisha ở đây không phải là những người đàn bà như anh tưởng, Shimamura đã tỏ ý nghi ngờ. Thấy vậy, cô lại tức giận, nhưng rồi cô dằn lòng được. Dù sao, cô bảo anh, cô geisha mới là người quyết định có ở lại qua đêm hay không. Nếu cô ta tự nguyện ở lại, thì một mình cô ta chịu trách nhiệm. Nhưng nếu cô ta ở lại mà được nhà chủ của cô cho phép, thì có chuyện gì xảy ra nhà chủ sẽ chịu hết trách nhiệm. Đó là sự khác nhau.
- Trách nhiệm gì? - Shimamura hỏi.
- Về những hậu quả có thể xảy ra... Có thai hoặc bất trắc về sức khỏe chẳng hạn.
Thấy mình hỏi ngớ ngẩn quá, Shimamura mỉm cười ngượng nghịu. Kể ra, ở cái xó xỉnh vùng núi này, sự sắp xếp giữa các geisha và chủ nhà rõ ràng cũng khá tiện...
Với sự nhạy cảm của một kẻ nhàn cư tự cho mình là trung tâm, có lẽ Shimamura có một thứ bản năng khiến anh hiểu được rõ hơn nhiều người bản chất sâu sắc của những nơi anh đến. Không quá căn cứ vào bề ngoài, anh thường đoán được thực chất sâu kín không phải bao giờ cũng dễ thấy. Do đó khi từ trên núi xuống, anh tự nhủ tuy ngôi làng này có vẻ đơn sơ kiểu nông thôn, nhưng chắc là thú vị và tiện nghi lắm. Anh đã không lầm, vì ở nhà trọ chỉ lát sau anh đã được biết đây là một trong những làng phồn vinh nhất của xứ tuyết khắc nghiệt này. Trước khi có tuyến đường sắt mới được mở cách đây chưa lâu, khu suối nước nóng chỉ có những người ở lân cận đến để tắm chữa bệnh. Bởi thế, đằng sau tấm biển phai màu, ngôi nhà có một cô geisha nào đó, thường là một phòng trà hoặc một quán ăn chắc hẳn rất hiếm khách đến, nếu căn cứ vào những cánh cửa đẩy kiểu cũ và vào những lớp giấy tẩm dầu đen xỉn bởi thời gian. Có thể cả cửa hàng nhỏ bán đủ các thứ linh tinh, cả cửa hàng bánh cũng đều có geisha riêng, nhưng chủ cửa hàng còn phải có một trang trại nhỏ ở gần đó, ngoài cửa hàng và cô geisha. Do vậy, không một cô geisha nào bất bình khi thỉnh thoảng có một cô gái khác, không có hợp đồng, tham gia vào các tối vui; chưa kể cô gái khác này trọ ở nhà bà vẫn dạy nhạc cho họ.
- Họ có bao nhiêu người tất cả? - Anh hỏi.
- Các geisha ạ? À, khoảng mười hai, mười ba người.
- Cô khuyên tôi chọn cô nào? - Shimamura gặng hỏi và đứng dậy để bấm chuông gọi cô hầu.
- Xin hãy tha lỗi cho tôi, - cô nói, - và nếu ông cho phép, tôi xin được cáo lui.
- Không được, - Shimamura phản đối.
- Nhưng tôi không thể ở lại, - cô thở dài như cố gắng để không cảm thấy bị sỉ nhục. - Tôi đi đây. Nhưng không sao. Tôi không tức giận đâu. Tôi sẽ quay lại.
Tuy nhiên, khi cô hầu tới, cô lại ngồi xuống chiếu và coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng cô hầu hỏi mấy lần là phải đi gọi ai, cô gái vẫn không nói ra một cái tên nào.
Cô geisha tới sau đó một lát khoảng mười bảy hay mười tám tuổi. Vừa thoạt nhìn cô ta, Shimamura đã thấy lòng ham muốn của anh tắt ngấm. Hai cánh tay cô ta thanh mảnh. Cái hõm nách tối sẫm càng cho thấy cô ta mới ở độ tuổi thiếu niên. Toàn bộ con người cô ta nói lên rằng cô ta là một bé gái xinh xắn chưa trưởng thành. Tìm mọi cách che giấu nỗi thất vọng, Shimamura xử sự một cách vừa phải, nhưng anh vẫn không rời mắt khỏi những cây cỏ đang đâm chồi nảy lộc xanh tươi trên sườn núi qua ô cửa sổ phía sau cô gái. Trò chuyện với cô bé này ư? Nói với cô geisha miền núi điển hình này ư? Không, không thể được. Buồn tẻ, ngột ngạt và nặng nề xiết bao là sự im lặng giữa họ. Và khi cô gái trước đã rời khỏi đó, chắc vì muốn tỏ ra tế nhị, anh và cô geisha mới đến lại càng khó trò chuyện. Mặc dầu vậy, Shimamura vẫn ngồi được khoảng một tiếng đồng hồ với cô này. Anh đang tìm một cái cớ để giũ bỏ cô ta, thì anh nhớ ra rằng chắc hẳn đã có tiền gửi đến cho anh từ Tokyo qua đường bưu điện.
- Tôi phải ra bưu điện có chút việc trước khi ở đó đóng cửa, - anh giải thích cho cô ta, sau đó, hai người chỉ còn một việc là rời khỏi căn phòng.
Shimamura vừa bước qua ngưỡng cửa nhà trọ, thì núi non và làn không khí ngát hương thơm của cành non lá mới đã cuốn ngay anh đi. Anh lên sườn núi, cười như một gã điên không biết vì sao, và anh leo trèo mải miết.
Thở hổn hển, cảm thấy chân tay rời rã một cách dễ chịu, anh đột ngột dừng lại, quay trở lại, giắt phần dưới áo kimono vào thắt lưng rồi trèo nhanh xuống thẳng trước mặt. Mắt anh dõi theo đường bay loạn xạ của hai con bướm vàng óng xuất hiện phía dưới anh và chẳng mấy chốc chúng trở thành màu trắng khi chúng bay lên cao và anh đối mặt với bầu trời, chúng bay xoay tròn ở tít xa, rất cao, mé trên đường viền các đỉnh núi.
- Có chuyện gì xảy ra với ông thế? Chắc ông sung sướng lắm nên mới cười vang lên như vậy. Đó là tiếng người đàn bà trẻ đứng dưới bóng những cây bá hương to lớn.
- Tôi nghĩ lại rồi! - Shimamura nói và lại muốn cười vang lên. - Tôi đã nghĩ lại rồi!
- Thật sao?
Người đàn bà trẻ quay người thong thả đi sâu vào đám cây.
Shimamura theo sau, không nói một lời. Khu rừng bá hương này thuộc một ngôi đền nhỏ. Người đàn bà buông mình xuống một phiến đá phẳng, dưới cái mõm đầy rêu của những con chó đá canh giữ trước cửa đền.
- Ở đây lúc nào cũng mát mẻ. Ngay giữa mùa hè cũng có gió hiu hiu.
- Chả lẽ tất cả các cô geisha đều giống cô ban nãy.
- Vâng, đại khái thế. Trong số những cô gái không trẻ quá như vậy, có thể có hai hoặc ba cô khá quyến rũ. Nhưng vì ông không thích lứa tuổi ấy...
Cô nói lạnh nhạt, đầu cúi gằm, mắt nhìn chằm chằm xuống đất. Màu tối của bá hương như phản chiếu xuống gáy cô.
Shimamura ngước mắt lên các cành cao, tâm sự với cô:
- Thật kỳ lạ, nhưng quả là tôi không còn một chút ham muốn nào. Tôi như nguội hẳn đi.
Thân của những cây bá hương ở đằng sau phiến đá cô ngồi vút lên thẳng tắp, cao đến nỗi anh phải ngửa người ra, tựa lưng vào phiến đá, mới dõi mắt được đến tận ngọn cây. Bầu trời bị che khuất bởi một lớp gần như màu đen những hàng cây mọc sít, những cành và những lá kim xanh thẫm dầy đặc. Yên tĩnh và thanh bình như vang lên thành một bài thánh ca. Với một cảm giác kỳ lạ, Shimamura thấy mình tựa lưng vào cái cây già nhất, một thân cây không hiểu tại sao ở mé phương Bắc chỉ toàn cành chết và cành gãy, chúng tua tủa suốt dọc thân cây thành một dãy kinh khiếp với những mỏm cụt đầy khiêu khích và lắm cành nhọn hoắt, chẳng khác gì một thứ vũ khí gớm guốc trong tay một thần linh.
- Đó là một sai lầm của tôi, - anh thú thật với một tiếng cười nhẹ. - Và tôi gặp cô ngay khi tôi vừa ở trên núi cao xuống nên tôi cứ tưởng tất cả các geisha ở đây đều như cô. Biết đâu cái ấn tượng kỳ lạ rất tươi mát và cực kỳ sạch sẽ mà cô gây ra cho anh, Shimamura tự nhủ trong khi nói, lại chẳng là nguồn gốc sự ham muốn đột ngột của anh, cốt để trút thật nhanh số sức lực dư thừa tích tụ trong tám ngày anh một mình đi chơi trên núi?
Người đàn bà trẻ nhìn làn nước con thác chảy ở xa xa trong ánh mặt trời đã bắt đầu xuống dần.
Shimamura tự thấy bớt kiêu hãnh về mình.
- Ồ! Tôi quên mất, - cô bỗng nói với vẻ tự nhiên giả tạo, - tôi có cầm theo thuốc lá của ông đây. Bannãy, quay trở lại phòng ông, ông đã đi đâu rồi, tôi đang băn khoăn thì nhìn qua cửa sổ, tôi thấy ông trèo núi thoăn thoắt. Chà! Trông đến là buồn cười... Bao thuốc lá, ông lại để ở trong phòng. Tôi đem lên cho ông đây.
Cô lấy thuốc lá từ tay áo kimono ra và đánh một que diêm cho anh.
- Tôi đã không tử tế lắm với cô gái khốn khổ đó.
- Nói cho cùng, khách là người quyết định để geisha ra về lúc nào.
Trong cảnh yên tĩnh thanh bình này, tiếng nước rào rào chảy trên sỏi của dòng thác xa xa vọng tới như một bản nhạc êm dịu. Ở đằng xa, trên sườn núi dốc đứng mà họ trông thấy từng quãng rất đẹp giữa các cành bá hương, bóng tối sẫm dần trong các hõm núi.
- Trừ phi cô ta cũng được như cô, chứ nếu không, thế nào tôi cũng thất vọng ngay khi lại gặp cô.
- Thôi ông đừng nói chuyện ấy nữa, - cô nói dứt khoát. - Tất cả chỉ là ở chỗ ông không muốn công nhận sai lầm của ông.
Giọng cô hơi khinh thường, nhưng một mối dây liên hệ mới như đã gắn bó hai người, họ đã có vẻ quyến luyến nhau.
Đối với Shimamura, rõ ràng ngay từ đầu anh chỉ muốn có một mình cô, nhưng cũng như mọi khi, anh tìm kiếm hàng nghìn con đường vòng vo rắc rối để khỏi phải thú thật bằng lời. Và càng tự ghê tởm mình bao nhiêu, anh càng thấy cô gái đẹp đẽ bấy nhiêu.
Ngay lúc cô đứng dưới bóng cây bá hương gọi anh, sự hiện diện của cô đã như một hơi thở tươi mát thấm vào tận tâm can anh.
Mũi cô thanh tú và cao, vẻ côi cút trên gương mặt khiến anh cảm động và gợi một chút buồn, nhưng đôi môi cô thì giống như một nụ hoa lúc chụm lúc nở, nồng nàn, sống động và khát khao.
Ngay cả khi cô không nói gì, đôi môi cô cũng rất linh hoạt và hình như tự nó luôn chuyển động. Nếu bị nứt nẻ hoặc nhăn nheo, hoặc chỉ nhợt nhạt thôi, đôi môi có thể trông sẽ hơi khó chịu, nhưng đằng này, môi cô lại mịn màng đỏ mọng dồi dào sức sống. Hàng mi của cô không cong, cũng không hướng lên phía trên, cắt ngang mí mắt thành một đường thẳng đến nỗi trông có vẻ kỳ dị, thậm chí buồn cười, nếu nó không được bao bọc một cách tế nhị bởi hàng lông mày rậm, cong và mượt như tơ lụa. Mặt cô rất tròn và hai gò má hơi cao kể ra thì không có gì đáng chú ý. Nhưng với nước da hồng hào mịn màng, với cái cổ trinh bạch và đôi vai mảnh dẻ còn sắp đầy lên chút nữa, cô gợi một ấn tượng tươi mát, trong sạch đến nỗi cô có tất cả vẻ đẹp quyến rũ của một sắc đẹp, cho dù cô không đẹp hoàn hảo. Đối với một phụ nữ thường thắt khăn lưng rộng như các geisha, cô có một bộ ngực khá nở nang.
- Muỗi đã bắt đầu ra rồi, - cô vừa nói vừa đập đập tay vào vạt áo kimono để xua.
Chìm đắm vào sự yên tĩnh sâu thẳm của nơi đây, họ không thấy có điều gì lắm để nói với nhau.
Tối hôm ấy, có lẽ khoảng mười giờ, cô gái gọi Shimamura rất to ở ngoài hành lang. Rồi sau đó, chuệnh choạng như bị ai đẩy, cô vào phòng anh và ngã xuống chỗ trước cái bàn. Tay cô quờ quạng làm đổ tất cả các thứ ở trước mặt. Cô tự rót đầy một cốc nước và uống ừng ực.
Cô bảo cô vừa đi chơi với mấy người khách mới ở trên núi xuống chiều nay: cô quen họ từ năm ngoái, trong mùa trượt tuyết. Những người này đã mời cô ra quán, cùng với mấy cô geisha tham gia buổi tối ồn ào của họ và họ đã chuốc rượu cho cô say mềm.
Đầu cô lơ mơ lắc lư, cô cất tiếng nói liên tục như không bao giờ ngừng. Đột nhiên cô tỉnh táo lại và nói:
- Tôi sẽ quay lại. Lẽ ra tôi không nên tới đây, họ sẽ đi tìm tôi. Lát nữa tôi sẽ quay lại.
Rồi cô lảo đảo bước ra.
Khoảng gần một giờ đồng hồ sau đó, Shimamura nghe thấy những bước chân như chuệnh choạng đang tiến một cách nặng nhọc dọc theo hành lang: đó là bước chân của một người đang lảo đảo đi xiêu vẹo từ vách tường này sang vách tường kia, vấp ngã dúi dụi rồi lại đi tiếp.
- Shimamura? Shimamura? - Tôi không trông rõ gì nữa cả, - cô gọi. - Shimamura. Đó là một tiếng gọi đã lột bỏ hết sự giả tạo, là một tiếng kêu thực sự của trái tim, là lời cầu cứu của một người đàn bà đối với người đàn ông của mình, hoàn toàn tự nhiên, nó mộc mạc và rõ ràng đến nỗi Shimamura thấy cực kỳ cảm động. Anh vội vã đứng dậy. Không còn nghi ngờ gì nữa, tiếng gọi như thất thanh ấy phải vang khắp quán trọ.
Các ngón tay cô chọc qua lớp giấy khi cô bám vào nẹp cửa, rồi cô ngã nhào vào anh.
- À, ông đây rồi...
Cô không đứng dậy mà cô ôm lấy anh, xiết chặt anh vào người, miệng vẫn nói:
- Tôi không say đâu. Không, tôi không say, thật đấy. Nhưng tôi khó chịu quá, ôi, khó chịu lắm. Giá tôi đừng khó chịu thế này!...Tôi biết rõ những gì tôi làm. Hãy cho tôi uống nước. Nước, tôi cần nước. Tại tôi uống mấy thứ rượu pha lẫn với nhau. Nên đầu tôi mới nhức thế này. Lẽ ra tôi không nên uống các thứ rượu pha lẫn thì phải. Tại tôi uống, nên rượu bốc ngay lên đầu làm tôi, khó chịu quá ôi, cái đầu khốn khổ của tôi... Họ có một chai whisky loại tồi.Làm sao tôi biết được đó là loại Whisky rẻ tiền?...
Hai bàn tay nắm lại, cô siết chặt lấy trán.
Bên ngoài, bỗng có tiếng mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt.
Để giữ cô khỏi ngã, Shimamura phải ôm lấy cô, anh phải ôm chặt đến mức búi tóc cao của cô bị bẹp hẳn trên má anh. Chỉ nới tay một chút, anh đã cảm thấy cô chực ngã xuống đất. Trong khi ôm chặt cô, anh âu yếm luồn một bàn tay vào trong cổ áo cô.
Cô không ngăn lại những lấn tới của anh, cô khoanh tay để ngăn không cho bàn tay của Shimamura lần đến vú cô. Bỗng nhiên cô tức giận với cánh tay của chính cô vì nó đã không làm điều cô muốn, cô chửi rủa nó và cắn nó một cách độc ác.
- Thế là thế nào? Tao sẽ dạy cho mày một bài học! Đồ lười biếng! Đồ vô tích sự? Mày sẽ biết tay tao.
Shimamura sững sờ kinh ngạc. Anh trông thấy vết răng hằn sâu trên tay cô gái. Nhưng lúc này cô đã thôi không tự vệ nữa và cô dùng đầu ngón tay để viết các chữ: cô bảo cô sẽ nói cho anh biết cô đã yêu những ai. Thoạt tiên là tên khoảng hai mươi hoặc ba mươi diễn viên, rồi đến tên Shimamura, lại tên Shimamura, tên Shimamura cứ được cô viết đi viết lại không thôi.
Dưới bàn tay Shimamura, đôi vú cô căng phồng ấm áp tuyệt diệu.
Bằng một giong vỗ về, anh dịu dàng nhắc đi nhắc lại với cô:
"Kìa! Thôi mà? Ổn cả rồi. Bây giờ thì ổn cả rồi..." Anh thấy một cảm giác âu yếm đối với cô, như đối với một đứa trẻ.
Nhưng rồi cái đầu tội nghiệp của cô lại nhức như búa bổ. Cô quằn quại đau đớn, rồi oằn người ngã vật xuống chân tường rên rỉ:
- Không xong đâu... không đâu, ối, tôi đau đầu quá... tôi muốn về nhà. Về nhà tôi.
- Cô không thể đi xa như vậy được đâu. Vả lại, trời đang mưa to.
- Dù có đi đất, có phải bò, tôi cũng về. Tôi phải về nhà.
- Cô không thấy thế là liều lĩnh à? Tôi sẽ đưa cô về, nếu nhất thiết cô phải về.
Đường từ quán trọ xuống làng chạy qua một sườn núi dốc đứng.
- Cô nới lỏng dây lưng để nghỉ một chút được không? Tôi tin cô sẽ mau chóng dễ chịu và đủ sức để về nhà.
- Không, không. Tôi biết phải làm gì rồi. Có phải lần đầu tiên tôi bị thế này đâu.
Cô ngồi thẳng người dậy, ưỡn ngực hít không khí vào đầy phổi, rõ ràng cô phải cố gắng và đau đớn. Cô thú thật với Shimamura rằng cô hơi khó chịu ở tim, rồi cô mở cửa sổ ở đằng sau, cô cúi người ra ngoài
định nôn, nhưng không được. Cô đấu tranh một cách tuyệt vọng để khỏi ngã lăn ra đất, để khỏi quỵ hẳn. Và mỗi lần gượng lại được một chút, cô đều nhắc đi nhắc lại: "Tôi về đây! Tôi cần phải về," Và sự việc cứ như vậy cho đến hơn hai giờ sáng.
- Ông đi ngủ đi! Tôi bảo là ông hãy đi ngủ đi mà! - Cô nằn nì.
- Còn cô, cô sẽ làm gì? - Shimamura hỏi.
- Tôi sẽ cứ thế này. Ngay khi cảm thấy khá hơn một chút, tôi sẽ về nhà. Tôi sẽ về nhà trước khi trời sáng.
Cô bò tới chỗ anh, kéo áo anh.
- Ông đi nằm đi! Đừng bận tâm đến tôi. Ông cứ ngủ yên đi.
Shimamura về giường. Trong lúc đó, cô gái cúi người xuống bàn uống một cốc nước nữa.
- Ông đứng lên! - Cô tới trước giường, ra lệnh. - Tôi bảo ông đứng lên kia mà!
Shimamura hỏi đúng ra là cô muốn anh làm gì.
- Tôi đã nói thế nào rồi? Ông chỉ có việc ngủ đi thôi.
- Cô không tỏ ra biết điều lắm đâu. - Shimamura nói và kéo cô lại. Nằm xuống bên anh, lúc đầu cô quay mặt đi. Lát sau, cô đột ngột quay lại chìa môi cho anh.
Rồi như trong cơn mê sảng, muốn bộc lộ cùng anh tất cả nỗi khổ sở của mình, cô nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần vẫn những lời - Không, ồ, không!... Anh chả vẫn bảo chúng ta chỉ nên là bạn thôi đó sao?
Giọng cô nghiêm trang quá, thống thiết quá, làm nhụt hẳn lòng ham muốn của anh, đến mức anh đã nghĩ đến chuyện giữ lời hứa khi anh thấy vẻ căng thẳng của cô, thấy vầng trán cô nhăn lại vì cô phải cố gắng một cách tuyệt vọng để bình tĩnh lại, để tự chủ lại.
- Với em, - cô thì thầm, - em không hối tiếc gì. Chẳng bao giờ em hối tiếc gì. Nhưng em đâu phải là một người đàn bà như thế... Một cuộc phiêu lưu không ngày mai...và không thể lâu dài... chính anh nói với em như vậy, đúng không?
Cô hãy còn hơi bồng bềnh trong hơi rượu.
- Không phải lỗi ở em. Mà lỗi ở anh. Anh đã chơi và đã thua... Anh là kẻ yếu đuối. Chứ không phải em.
Trong phút chốc, cô như mất hồn. Cô điên cuồng cắn lấy cắn để tay áo như còn cố đấu tranh chống lại niềm hạnh phúc, cố chối bỏ niềm sung sướng lớn lao.
Một lúc lâu, cô không nói nữa, cô thoải mái và thư thái như thể người cô trống rỗng chẳng còn tình cảm gì. Rồi như chợt nhớ ra một điều từ nơi sâu thẳm của ký ức, cô nói:
- Anh đang cười em, phải không? Anh cười em!
- Không.
- Ở tận đáy trái tim, tít dưới đáy ấy, anh đang cười em. Và nếu bây giờ anh chưa cười em, thì sau này anh sẽ cười em.
Đôi mắt cô đẫm lệ, cô quay đi để vùi mặt vào gối. Tiếng nức nở của cô dịu dần và chẳng bao lâu, trong một sự thân thiết dịu dàng muốn trao gửi cho anh thêm nữa, không giấu giếm gì, cô lại kể về cô cho anh nghe. Hình như cô đã quên những đau nhức ở đầu. Về những gì vừa xảy ra, cô không nói một lời.
- Ồ, thời gian qua đến là nhanh! Em cứ nói mãi nói hoài nên chẳng để ý gì đến giờ giấc, - cô xin lỗi với một nụ cười e lệ. - Trời hãy còn tối, nhưng em phải về trước khi trời sáng. Ở xứ này người ta dậy sớm lắm. Nhiều lần cô đứng lên để ngó ra cửa sổ.
- Em hãy còn thời giờ. Trời còn tối, không ai nhìn thấy được em. Lại mưa nữa. Sáng nay chắc không aira đồng đâu.
Cô không muốn về. Đến tận lúc các đỉnh núi dưới mưa đã lờ mờ hiện ra và đã có thể thấy được những mái nhà trên sườn núi, giữa các cây cối cô vẫn còn dùng dằng chưa quyết định hẳn. Cuối cùng, đã đến lúc có những tiếng động đầu tiên ở quán trọ, khi những người phục vụ đã dậy và bắt đầu làm việc. Nhanh nhẹn, cô sửa sang lại đầu tóc một chút rồi lẻn ngay ra ngoài, gần như tan biến mất. Cô nhất định không cho Shimamura tiễn ra cô cửa như anh muốn. Cô không thích ai trông thấy hai người với nhau.
Ngay hôm đó, Shimamura về Tokyo.
-...
Điều em nói hồi nọ là không đúng rồi nhé. Nếu không, ai lại đến cái xó này vào lúc cuối năm để mà chịu rét cóng? Không, anh không cười em đâu.
Người đàn bà trẻ ngẩng đầu. Má cô hơi hồng hồng, ở phía dưới đôi mắt, nơi cô vừa áp tay Shimamura vào, màu hồng vẫn lộ rõ bất chấp lớp phấn trắng thoa khắp mặt cô. Shimamura nghĩ tới xú tuyết, nghĩ tới cái lạnh ở đây. Nhưng anh thấy xứ này cũng có chút gì ấm áp, chắc hẳn vì màu đen sâu thẳm của mái tóc cô.
Cô mỉm cười hiền dịu, như dưới một ánh sáng chói lọi. Và có lẽ với nụ cười đó cô đã nghĩ đến "hồi nọ", vì anh thấy mặt cô đỏ dần, như toàn bộ cơ thể cô mỗi lúc một nóng rực lên theo những lời lẽ nồng cháy anh nói với cô. Vì cô cúi người về phía trước, đầu nghiêng một chút và vươn thẳng, nên anh có thể trông thấy lưng cô đỏ ửng dưới áo kimono hơi hở ra. Gáy cô và làn da ở đó trông thật khêu gợi và khi tương phản với mái tóc đen sẫm, da thịt cô chỗ ấy càng làm anh thèm muốn. Trong cơn thèm khát rạo rực cháy bỏng, anh tưởng như cô đang khỏa thân trước mặt anh. Còn mái tóc cô?
Không, thực ra thì tóc cô không dày lắm, có lẽ nó đẹp là bởi sức sống của nó, bởi tóc cô cứng gần như tóc đàn ông nên cô có thể chải cao lên một cách hoàn hảo, cách điệu hóa theo mốt cổ xưa, bóng như sơn, khiến trông như cô đội một tác phẩm điêu khắc chắc nịch bằng đá đen.
Shimamura ngắm mái tóc ấy mà ngạc nhiên. Anh tự hỏi phải chăng cái lạnh làm anh sửng sốt khi chạm vào đó không phải là hiệu lực của mùa đông ở xứ tuyết này, mà là một tính chất riêng của mái tóc? Trong lúc đó, người đàn bà trẻ đếm gì đó trên đầu ngón tay, mãi chưa xong.
- Em đếm gì vậy? - Anh hỏi.
Nhưng cô vẫn cứ đếm tiếp.
- Đó là hôm hai mươi ba, tháng năm, - cuối cùng cô nói.
- Em tính tổng số ngày à? - Shimamura đùa, chắc anh đã đoán ra ý cô. - Tháng bảy và tháng tám là hai tháng liền có ba mươi mốt ngày đấy nhé, em đừng quên.
- Hôm nay là ngày thứ một trăm chín mươi chín. Chính xác là một trăm chín mươi chín ngày.
- Em nhớ đúng ngày tháng chứ? Sao em nhớ hôm đó là ngày hai mươi ba, tháng năm?
- Em chỉ cần nhìn qua những gì em ghi trong nhật ký. Ở đó có tất cả.
- Em ghi nhật ký đấy à?
- Vâng. Vì đọc lại nhật ký cũ bao giờ cũng rất buồn cười. Chỉ có điều em không giấu giếm gì cả nên đôi khi em tự xấu hổ về em.
- Em bắt đầu ghi nhật ký từ bao giờ?
- Từ ngày em đi Tokyo để học nghề. Em không có tiền, nên chỉ mua một cuốn sổ bốn xu, em ghi kín từ trang đầu đến trang cuối, thành những cột sít vào nhau. Em có một chiếc bút chì gọt rất nhọn vì những cột chữ phân cách nhau bằng những nét mảnh kẻ bằng thước. Về sau, khi em đã có thể mua được một cuốn sổ hẳn hoi để ghi nhật ký, thì em không ghi như thế nữa. Em viết phí phạm các trang giấy lắm. Về chữ viết cũng vậy. Hồi đầu, em viết nháp trên giấy báo đã rồi mới chép lại vào sổ, chứ bây giờ, em viết thẳng luôn vào giấy tốt, chẳng cần nghĩ ngợi gì cả.
- Em ghi nhật ký đều đặn, không bao giờ gián đoạn?
- Có chứ. Năm em mười sáu tuổi và năm nay là những năm tuyệt diệu nhất. Em có thói quen ghi trước khi đi ngủ, đôi khi em ngủ thiếp đi khi đang viết, đọc lại những quãng, em nhận ra ngay... cũng có những hôm em không ghi gì cả. Không, em ghi không đều. Vì ở vùng núi này, sinh hoạt nhiều ngày cứ hao hao giống nhau cả, có gì mà ghi? Nhưng năm nay, em đã mua một quyển sổ mỗi trang đề sẵn một ngày và em đã lầm. Một trang không đủ, vì hễ đặt bút viết là em không thể dừng lại được nữa.
Shimamura đã ngạc nhiên khi biết cô ghi nhật ký, anh càng ngạc nhiên hơn khi biết từ năm mười lăm hoặc mười sáu tuổi cô ghi chép đều đặn tất cả những gì cô đã đọc và hiện giờ cô đã có mười quyển sổ ghi kín.
- Em viết cả những ý kiến phê bình của em nữa? - Anh hỏi.
- Ồ không, em không đủ năng lực làm việc ấy, - cô đáp. - Em chỉ ghi tên tác giả, các nhân vật và quan hệ giữa họ. Thế thôi.
- Nhưng em cố gắng viết như vậy để làm gì? Em rút ra được ích lợi gì đó?
- Không. Không được gì cả.
- Thế em chỉ tốn công vô ích thôi à?
- Vâng, hoàn toàn vô ích. - Cô thú nhận một cách nhẹ nhàng và có vẻ như coi điều ấy không đáng giá gì. Nhưng mắt cô đăm đăm nhìn Shimamura.
Tất cả cố gắng đều vô ích! Trong chuyện này có đôi điều Shimamura muốn hỏi thêm chút ít. Nhưng vì anh đang cúi người về phía cô, nên trong anh bỗng tràn ngập một cảm giác thanh thản, một sự thoải mái tột độ chẳng khác gì anh đã để cho tiếng tuyết rơi lặng lẽ nói thay anh. Tuy nhiên, ở nơi cô, đó không phải là một cố gắng hoàn toàn vô ích, anh thấy rõ như vậy. Sự kiên trì của cô dù sao cũng có một nét gì đó tinh khiết. Và cả toàn bộ cuộc đời cô nữa, nhờ vậy cũng được rọi sáng.
Cô nói với anh về các cuốn tiểu thuyết cô đã đọc, nhưng câu chuyện của cô lại không liên quan gì mấy với cái mà người ta vẫn thường gọi là "văn học". Các quan hệ của cô về mặt này với những người ở đây chỉ giới hạn ở việc trao đổi các tập sách mỏng và các tạp chí phụ nữ. Còn cô phải trau dồi sự ham thích đọc sách báo của cô, được chăng hay chớ và không hề phân biệt, không lựa chọn, không hề bận tâm đến văn chương, cô tự kiếm lấy cả những sách báo mà khách có thể để lại trong phòng của họ. Những tác giả cô kể tên, Shimamura hoàn toàn không biết. Thành thử khi nghe cô, có lúc anh tưởng như cô đang nói về một nền văn học nào đó ở tận đâu đâu. Tuy cô nói rất sống động, nhưng ở tít sâu lại có một vẻ góa bụa không thể vượt qua, một vẻ cô đơn nhức nhối cam chịu, như một người ăn mày đã dửng dưng với mọi chuyện, như một kẻ trong lòng mọi ham muốn đều đã chết. Và trong khi nghe cô nói, Shimamura bắt đầu nghĩ rằng với những mơ mộng của anh về balê phương Tây, anh cũng khá giống cô ở vài phương diện. Anh cũng đọc linh tinh những tác phẩm kỳ quặc, cũng khoái chí với những từ xa lạ, những tấm ảnh miền đất khác, những hình bóng mờ ảo và những lý thuyết trừu tượng mà anh dùng để tự ru ngủ. Giờ đây, say mê và nhiệt tình, chẳng phải cô cũng đang nói với anh về những bộ phim hoặc những vở kịch cô chưa hề xem đó sao?
Không còn nghi ngờ gì nữa, suốt cả mùa hè chắc cô vẫn thèm có một ai đó biết lắng nghe cô nói. Nhưng liệu cô có còn nhớ rằng, đúng một trăm chín mươi chín ngày trước đây, chính một cuộc trò chuyện loại này đã tạo nên một sức hút đưa cô đến với Shimamura? Bởi vì bây giờ cô lại say sưa nói và toàn bộ cơ thể lại rừng rực lên trong niềm say sưa ấy.
Nỗi luyến tiếc của cô đối với thành phố thật ra không còn đượm những đắng cay của kẻ xa xứ. Đó chỉ còn là một giấc mơ xa xăm, không nung nấu, cũng không tuyệt vọng, một mơ mộng dịu dàng, cam chịu một cách khiêm nhường. Trong chuyện này, bản thân cô cũng có vẻ không buồn rầu gì và có lẽ đó chính là điều làm cho Shimamura bối rối sâu sắc nhất. Trong tâm trạng xúc động, anh thấm thía cái cảm giác cố gắng vô ích, cái cảm giác nhọc nhằn uổng công, đến mức chỉ một chút nữa thôi là anh thấy cuộc đời anh cũng cằn cỗi vô bổ. May sao, anh lại được trông thấy trước mắt anh gương mặt sống động và tươi tắn của người đàn bà trẻ, với sức khỏe tràn trề và làn da hồng hào mà cô có được là nhờ khí hậu khắc nghiệt ở vùng cao.
Dù sao, anh cũng không còn nhìn cô bằng con mắt như xưa. Anh ngạc nhiên hiểu rằng bây giờ, khi cô là một geisha, cách xử sự của anh không thoải mái hơn, cũng chẳng tự do hơn...
Tối đầu tiên cô đã say mềm khi cô cắn một cách độc ác vào cánh tay tê dại đến ba phần tư của cô, cô đã đột nhiên tức điên lên vì mãi nó không chịu nghe lời cô. "Tao sẽ dạy cho mày một bài học! Đồ lười biếng'
Đồ vô tích sự! Mày sẽ biết tay tao"
Về sau, không thể cưỡng lại được bản thân và trạng thái say rượu của mình, cô lăn lộn trên giường: "Sẽ không bao giờ em hối tiếc gì... Nhưng em không phải là một người đàn bà như thế đâu! Em không phải là một người đàn bà thuộc hạng ấy đâu!"...
- Đó là tàu đêm đi Tokyo đấy, - cô nói.
Có thể cô đã thấy sự lưỡng lự của anh nên cô nói chỉ để gạt anh ra. Khi có tiếng còi tàu, anh thấy cô đứng phắt dậy đi thẳng tới, mở cửa sổ và cúi người ra ngoài. Với một âm thanh tắt lịm như tiếng rít của làn gió đêm, con tàu biến mất nơi xa. Không khí giá buốt tràn ngập căn phòng.
- Em thật là điên! - Shimamura nói và cũng đến bên cửa sổ.
Màn đêm bất động, sững lặng, không một ngọn gió và phong cảnh bao trùm một vẻ khắc nghiệt khô khan. Dường như có tiếng ầm ì trong lòng đất đáp lại tiếng lạo xạo của tuyết đóng thành băng ở khắp mọi nơi. Trời không có trăng. Nhưng các ngôi sao lại quá nhiều, đến nỗi không biết chúng có thật không, chúng lấp lánh ngay gần, tới mức tưởng như có thể trông thấy chúng lao vút vào trong khoảng không. Bầu trời lui về phía sau như sâu thêm mãi và xa thêm mãi, về phía những nguồn tối của ban đêm...Các đỉnh của dãy núi cao chồng lẫn vào nhau thành một đường gấp khúc oai nghiêm đối mặt với bầu trời sao, tạo nên một đường chân trời lớn lao và đen sẫm, gợi cảm giác lo âu. Tuy nhiên, ngự trị trên toàn bộ phong cảnh lại là một sự hài hòa cực kỳ trong sáng và vô cùng êm ả.
Cảm thấy Shimamura tới gần, người đàn bà trẻ cúi thêm chút nữa xuống bệ cửa sổ, tì hai vú lên. Đó không phải là một tư thế buông thả mà ngược lại: trước bóng đêm, cô có vẻ cứng rắn và kiên quyết hơn bao giờ hết. "Vẫn lại cái lớp áo giáp mà ta phải xuyên thủng", Shimamura tự nhủ.
Các quả núi đen sẫm nhưng vẫn rực sáng ánh tuyết. Và đối với Shimamura, lúc này chúng có vẻ trong suốt một cách kỳ lạ và toát lên một nỗi buồn không tên: sự cân bằng hài hòa giữa bầu trời và đường gấp khúc tối sẫm của các đỉnh núi đã bị phá vỡ.
- Em bị lạnh đấy. Da em lạnh buốt rồi này, - Shimamura vừa nói vừa đặt tay lên cổ người đàn bà trẻ để kéo cô lui lại. Nhưng cô bám chặt vào bệ cửa sổ.
- Em về nhà đây, - cô bướng bỉnh nói, giọng cô hãy còn bối rối.
- Được thôi. Vậy em về đi.
- Một chút xíu nữa. Em muốn đứng yên như thế này...
- Anh xuống tắm đây, - Shimamura nói.
- Không, không, ở lại với em...
- Nếu em đóng cửa sổ lại!
- Một chút xíu nữa thôi... Em thích được cứ như thế này một lát. Đám cây ở ngôi đền che khuất nửa làng. Các ngọn đèn ở nhà ga (cách đó chưa đầy mười phút taxi) lấp lánh xa xa như cái lạnh làm chúng nổ lép bép.
Mái tóc người đàn bà trẻ, cửa sổ, ống tay áo kimono của cô: tất cả mọi thứ Shimamura đặt lên tay đều lạnh buốt, nhưng chúng lạnh buốt như thể cái lạnh từ trong chúng toát ra, một cái lạnh chưa từng bao giờ anh được biết. Ngay cái lạnh ở chiếc chiếu dưới chân anh hình như cũng từ đó tỏa ra.
Shimamura quyết định cứ xuống tắm dưới kia.
- Chờ em với! Em sẽ đi cùng anh, - cô nói. Và cô khiêm nhường theo anh.
Ở dưới phòng tắm, khi cô đang thu xếp lại những thứ quần áo Shimamura để bừa bãi dưới đất đằng trước cửa, thì có người vào.
Đó là một người khách khác của quán trọ. Một người đàn ông. Cúi rất thấp xuống, cô giấu mặt đi.
- Ồ! Xin lỗi! - Người mới đến nói và làm ra vẻ như chực quay ra.
- Không sao, ông cứ vào, - Shimamura vội nói. - Chúng tôi sang phòng bên cạnh cũng được.
Anh lấy quần áo và đi sang phòng tắm bên cạnh dành cho phụ nữ, còn cô theo anh như họ là hai vợ chồng. Shimamura thả người vào bồn nước ấm, không hề nhìn về phía cô. Anh cảm thấy muốn cười vang lên khi nghĩ rằng cô đang ở đây với anh. Nhanh nhẹn, anh đưa đầu vào dưới yuguchi 6 và súc miệng òng ọc.
Sau đó họ lại về phòng trọ. Cô hơi nhấc đầu lên khỏi gối, rồi đưa ngón tay út lên tai sửa lại một món tóc vừa bị xổ ra.
- Em rất buồn, - cô nói. Rồi không nói gì thêm nữa. Trong một lúc, Shimamura tưởng hai mắt cô hé mở,nhưng rồi anh hiểu rằng hàng mi dày đã tạo cho anh ảo giác đó.
Bồn chồn, căng thẳng, suốt đêm cô không chợp mắt được chút nào.
Shimamura thức giấc có lẽ vì một tiếng sột soạt nhẹ. Anh mở mắt thì ta cô đang thắt đai lưng.
- Em xin lỗi. Em không định đánh thức anh, - cô nói. - Trời còn tối. Anh nhìn xem: anh có trông thấy em được không?
Cô tắt đèn.
- Anh không trông thấy em, đúng không? Đúng không nào?
- Ừ, vẫn còn đang đêm mà.
- Không phải. Anh nhìn kĩ hơn một chút xem. Nào? Có nhìn thấy em không? Còn bây giờ? - Cô nói và mở toang cửa sổ. - thấy em rồi chứ? Thôi, em về đây.
Shimamura cảm từ cái lạnh của buổi sáng, anh lại ngạc nhiên từ sao lạnh đến thế, anh khẽ nhấc đầu lên khỏi gối. Bầu trời hãy còn sắc màu ban đêm, nhưng trên các ngọn núi đằng kia đã là buổi sáng.
- Mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nông dân không bận rộn lắm vào mùa này. Cho nên không ai ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Có chăng chỉ có ai đó đi chơi núi...Anh nghĩ sao?
Cô nói nhưng không chờ anh trả lời, cô đi đi lại lại trong phòng, kéo lê đằng sau dải đai lưng mới thắt được một nửa.
Thường không có người khách nào tới quán trọ vào chuyến tàu năm giờ. Những người phục vụ ở đây còn lâu mới dậy.
Dải đai lưng của cô giờ đây đã thắt xong, nhưng cô vẫn còn loanh quanh trong phòng, lúc đứng lên, lúc lại quỳ xuống đất, rồi lại đứng lên, mắt luôn liếc nhìn về phía cửa sổ. Cô có vẻ đang bị căng thẳng tột độ, hoảng hốt và bực bội như một con thú đêm sợ buổi sáng sắp tới. Cô như bị ám ảnh, bị xáo động bởi một bản năng thần bí và hoang dã nào đó, dưới tác động của một bùa mê ma quái nào đó.
Ánh sáng trong phòng giờ đây đã đủ để Shimamura có thể trông thấy vẻ thắm tươi của má cô, một màu đỏ hồng tươi tắn và rực rỡ khiến anh bị hớp hồn.
- Má em hồng rực như một khối lửa. Chắc trời lạnh lắm.
- Không phải tại trời lạnh đâu, mà tại em lau phấn đi đây. Chỉ cần em chui vào giường là một phút sau em ấm ngay. Ấm khắp mọi chỗ, ấm đến tận đầu các ngón chân.
Quỳ đằng trước tấm gương ở cạnh giường, cô vẫn còn nói rằng trời đã sáng rõ và cô phải về thôi.
Shimamura đưa mắt nhìn về phía cô, nhưng bằng một cử chỉ đột ngột, anh lại đặt đầu xuống gối: cái màu trắng ở tít sâu trong gương, đó là màu tuyết, ở giữa đỏ rực lên màu đỏ của đôi má người đàn bà trẻ. Vẻ đẹp của sự tương phản ấy cực kỳ trong sạch, nó vô cùng dữ dội vì nó sắc nhọn và sống động.
Shimamura tự hỏi không biết mặt trời đã mọc chưa, vì tuyết bỗng sáng rực thêm nữa trong gương,
chẳng khác gì ở đó có một đám cháy băng giá. Bị sấp bóng, màu đen của mái tóc người đàn bà trẻ hình như không sâu như trước, mà lại ẩn hiện những sắc thái của màu tím.
Có lẽ để tránh bị tuyết làm tắc, nước ở các phòng tắm được tháo đi theo một đường rãnh chạy sát tường quán trọ. Ở đằng trước lối vào nước chảy loang ra thành một vũng rộng giống như một cái ao nhỏ. Trên những tấm lát dẫn đến cửa, một con chó đen to đang uống nước. Một dãy những thanh trượt tuyết chắc hẳn vừa được lấy ở kho ra hong đang chờ khách mượn. Ở đó thoang thoảng mùi mốc, mùi này rất dịu và như hơi ngọt bởi làn hơi ở vũng nước nóng bốc lên. Những đám tuyết từ trên các cành bá hương rơi xuống mái nhà tắm tạo thành những khối bẹt chẳng ra hình thù gì, gần như di động, gần như ấm áp.
Khoảng cuối năm, con đường biến mất hẳn dưới tuyết, ngập lút trong các đống tuyết. Để đến được các buổi dạ hội, cô phải đi một đôi ủng cao bằng cao su, phải mặc ở ngoài kimono một chiếc "quần miền núi" xấu xí và thêm một tấm áo choàng nặng nề, lại còn phải trùm khăn để bảo vệ mặt. Lúc này, tuyết đã dày hơn ba mét và suốt mùa đông sẽ vẫn như thế. Cô đã nói với anh tất cả những điều đó và Shimamura nhớ lại những lời khi anh đi xuống làng theo con đường ban sáng, lúc trời mới rạng, cô đã chăm chú nhìn từ cửa sổ căn phòng quán trọ.
Có những chiếc khăn phơi trên sợi dây chăng cao bên lề đường.
Phía dưới, anh trông thấy toàn cảnh núi non và ở xa xa, những đỉnh núi đầy tuyết lấp lóa dịu dàng trong ánh sáng. Những cây tỏi trong vườn vẫn chưa bị tuyết vùi lấp hẳn.
Bọn trẻ trong làng đang chơi trượt tuyết trên cánh đồng.
Khi con đường đi vào khoảng giữa các ngôi nhà, Shimamura nghe như có tiếng mưa lâm thâm và anh trông thấy những que băng sáng bóng viền quanh các mái chìa, như những hình thêu tinh tế lóng lánh.
- Này, - một giọng nói cất lên đằng sau anh, - nhân thể ông quét hộ cả mái nhà tôi được không?
Đó là một người đàn bà đi tắm về, khăn mặt buộc trên đầu, đang ngước đôi mắt chói nắng để nói với người đàn ông quét tuyết trên một mái nhà. Shimamura đoán đây là một người phục vụ về làng trước để chuẩn bị cho mùa trượt tuyết. Lối vào bên cạnh là một quán cà phê 7: một ngôi nhà cũ, mái đã trĩu xuống, với một cửa sổ sơn đã bong vì mưa nắng.
Phần lớn lợp bằng gỗ, có chẹn đá, các mái nhà trông như những dãy giống nhau, các hòn đá song song với con đường: những hòn đá to tròn và nhẵn, trắng xóa những tuyết ở phía bóng râm và sáng loáng ở phía có nắng, đen như mực, chúng bóng loáng không hẳn vì ướt, mà chủ yếu vì chúng được bào nhẵn bởi băng giá, gió mưa.
Những mái chìa kéo dài gần tới mặt đất biểu thị tâm hồn các xứ sở phương Bắc có lẽ còn hơn cả những hòn đá trên mái.
Bọn trẻ chơi đùa ở rãnh nước, chúng đập vỡ băng ở đó ném ra đường, có lẽ chúng thích thú vì các mảnh băng vụn tung tóe lên lấp lánh trong nắng. Shimamura đứng ở chỗ có nắng ấm nhìn chúng chơi một lúc lâu, anh không ngờ băng lại dày đến thế.
Dựa lưng vào tường đá, một con bé chừng mười hai, mười ba tuổi đứng đan, tách biệt khỏi những đứa khác. Phía dưới chiếc "quần miền núi" rộng thùng thình bằng vải thô, anh thấy chân nó đi guốc, không có tất, da chân nó đỏ tím và nứt nẻ vì lạnh. Cạnh nó, ngồi ngoan ngoãn trên đống củi là một bé gái khoảng hai tuổi đang mắm môi, mắm lợi đưa hai cánh tay bé xíu ra căng mớ len xám xỉn, sợi len như có màu tươi hơn và ấm hơn ở quãng giữa cánh tay của đứa nhỏ và bàn tay của đứa lớn.
Dưới đó bảy, tám nhà anh nghe thấy tiếng bào của bác thợ mộc đang làm việc ở xưởng làm các thanh trượt tuyết. Bên kia đường có dám sáu cô geisha đang tán gẫu ở tít sâu dưới mái chìa. "Chắc thế nào cũng có Komako trong đám kia", Shimamura nghĩ. Anh biết tên người đàn bà trẻ sáng nay, do một bà phục vụ ở quán trọ nói.
Đúng là Komako có ở đó thật. Cô cũng nhận ra anh từ xa: mặt cô lập tức nghiêm lại, khác hẳn các cô khác. "Cô sắp đỏ bừng mặt đây", Shimamura tự nhủ trong khi chân vẫn bước, "chắc chắn mặt cô sắp đỏ kinh khủng lắm, nếu không làm được ra vẻ như không có chuyện gì..." Vừa nghĩ tới đó, anh đã thấy đúng là cô đỏ bừng mặt thật. Giá cô quay đi thì phải, nhưng cô lại nhìn theo anh như cô không thể cưỡng lại bản thân cô, mặc dù mắt cô ngượng nghịu cụp xuống đầy khó nhọc.
Shimamura cũng cảm thấy nóng ran hai má. Anh rảo bước chân và Komako lập tức theo gót anh. - Lẽ ra anh đừng... Anh đi qua vào giờ này thật khó xử cho em quá.
- Khó xử cho ai? Em không thấy anh cũng rất khó xử khi bọn em giăng hàng để tóm lấy anh trên đường? Làm sao anh đi tiếp được? Bọn em bao giờ cũng làm như thế à?
- Vâng, có lẽ thế... Cứ vào các buổi chiều.
- Em đỏ mặt lên và chạy theo anh, anh thấy như vậy còn khó xử hơn.
- Ồ không! Có gì mà khó xử hơn?
Cô nói rõ ràng, nhưng mặt cô lại đỏ bừng lần nữa. Cô dừng lại, đưa tay ôm lấy thân cây hồng bên lề đường.
- Em nghĩ em có thể mời anh đến nhà em; nên em mới chạy theo anh.
- Nhà em ở gần đây?
- Vâng, gần lắm.
- Anh đồng ý, nếu em cho anh đọc nhật ký của em.
- Em định sẽ đốt đi trước khi em chết đấy.
- Mà này, trong nhà em có một người ốm phải không?
- Sao anh biết?
- Hôm qua, em ra ga đón ông ta, em choàng một cái áo xanh, đúng không? Anh đi cùng chuyến với ông ta, gần như đối diện với ông ta trên tàu. Người đàn bà trẻ cùng đi với ông ta, chăm sóc ông ta vô cùng trìu mến, vô cùng dịu dàng... có phải vợ ông ta không? Hay đó là một cô nào ở đây đi đưa ông ta về? Hay đó là một người ở Tokyo? Sự chăm sóc chu đáo của cô ấy... Đối với ông ta, cô ấy như một người mẹ. Điều đó gây cho anh một ấn tượng mạnh.
- Tại sao tối qua anh không nói gì? Tại sao anh kín đáo thế?- Komako hỏi với một vẻ xúc động đột ngột.
- Đó là vợ ông ta?
Cô chưa nghĩ đến chuyện trả lời, vì cô còn đang bận tâm với câu hỏi của chính cô.
- Nhưng tại sao hôm qua anh lại không nói nhỉ?... Tính nết anh lạ thật đấy.
Cái giọng thô bạo ấy ở một người đàn bà khiến Shimamura không ưng chút nào. Cả trong hoàn cảnh, cả trong những việc anh làm đều không có điều gì biện bạch được cho giọng điệu ấy của cô. Đó là một nét trong bản chất sâu sắc của cô mà cô để lộ ra chăng? Tuy nhiên, anh cũng phải công nhận rằng câu hỏi lặp lại của cô đã động chạm tới một điểm nhạy cảm trong ánh sáng này, hình ảnh Komako trong gương, màu đỏ của má cô trên nền tuyết trắng rõ ràng đã làm anh nghĩ tới hình ảnh người đàn bà trẻ trên tàu, hình phản chiếu của nàng trong tấm kính cửa sổ toa tàu. Tại sao anh lại không nói gì về chuyện ấy nhỉ?
Trong lúc đó họ vẫn bước tiếp.
- Có một người ốm ở nhà em cũng không sao, vì không ai vào phòng em bao giờ, - vừa nói, Komako vừa đi vào lối qua một bờ tường thấp.
Ở bên phải là một khu vườn nhỏ phủ tuyết, bên trái là một dãy cây hồng ven bức tường ngăn. Đằng trước nhà có lẽ là một vườn cảnh và trong cái ao sen nhỏ trên bờ xếp những mảnh băng đã bị đập vỡ có những con cá to màu đỏ tung tăng bơi lội. Ngôi nhà trông cũng cũ kĩ và nứt nẻ, như cái thân rỗng của một cây dâu già. Tuyết đọng từng mảng trên mái nhà bị gồ lên bởi những thanh xà cong queo khiến phần mái che như được trang trí.
Chỗ lối vào bằng đất nên lạnh cóng. Shimamura được dẫn tới chân một cái thang trước khi mắt anh quen với bóng tối đột ngột. Một cái thang thật, đưa lên một căn phòng áp mái thực sự.
- Đây là phòng nuôi tằm, - Komako giải thích. - Anh có ngạc nhiên không?
- Lên cái thang này, em say rượu luôn mà chưa ngã gãy cổ lần nào là may lắm đấy!
- Em bị ngã rồi. Nhưng nói chung, hôm nào uống rượu quá nhiều, em chui vào kotatsu dưới nhà và ngủ luôn ở đó.
Vừa nói cô vừa luồn tay vào kotatsu của cô xem đủ ấm không, rồi cô lập tức xuống dưới kiếm lửa. Shimamura tò mò, quan sát căn phòng, anh thấy chỉ có một cửa sổ nhỏ ở hướng nam, nhưng giấy bịt ở cửa sổ khá mới, nên nắng vẫn lọt vào phòng được. Các mặt vách đều được dán rất khéo khiến căn phòng giống như một chiếc hòm cũ bằng giấy. Phía trên đầu là mái, không có trần và mái nhà dốc tuột xuống ngang cửa sổ gây một cảm giác buồn bã cô đơn. Bất giác Shimamura tự hỏi không biết bên kia lớp vách của căn phòng bé xíu, chót vót giữa không trung này là cái gì và anh cảm thấy khó chịu như thể anh đang ở trên một cái ban công kín mít lơ lửng giữa trời. Sàn gỗ và các vách ngăn tuy cũ kĩ nhưng cực kỳ sạch sẽ.
Và bỗng anh buồn cười khi nghĩ rằng ánh sáng xuyên thấu vào cơ thể sống động của Komako trong căn phòng nuôi tằm này cũng như nó xuyên thấu vào thân những con tằm trong và mờ.
Tấm phủ lò sưởi kotatsu cũng được làm bằng loại vải bông kẻ sọc dùng để may những chiếc "quần miền núi". Cái tủ nhiều ngăn khá đẹp, đóng bằng gỗ quý, có vân và nhẵn bóng, anh nghĩ có lẽ đó là một thứ đồ kỉ niệm những năm cô ở Tokyo. Ngược lại, chiếc bàn trang điểm tầm thường lại tương phản hẳn, rất quê kệch, trong khi cái hộp đựng đồ khâu vá của cô lại màu đỏ lộng lẫy, toát lên vẻ sâu thẳm và ấm áp đầy quyến rũ của những đồ sơn mài cao cấp. Trên vách, có một cái giá gồm nhiều ngăn nhỏ chồng lên nhau ở tấm rèm mỏng bằng vải len nhẹ, chắc cô dùng để đựng sách.
Chiếc kimono cô mặc tối qua treo trên vách, hai tà áo mở ra để lộ lớp lụa đỏ tươi của áo trong.
Komako nhanh nhẹn trèo lên thang, đem theo một xẻng than nóng.
- Than này lấy ở phòng người ốm đây, - cô nói. - Nhưng anh yên tâm: người ta bảo lửa diệt hết các loại vi trùng.
Cô cúi xuống cời than hồng, cô cúi thấp đến nỗi mái tóc vừa được cô chải lại cẩn thận gần như quét vào lò sưởi kotatsu. "Đó là con bà dạy nhạc, anh ta bị lao ruột, - cô giải thích, - anh ta về nhà chỉ cốt để chết!". Nhưng anh ta không sinh ra ở đây. Nói đúng hơn, đây là nhà của mẹ anh ta. Bà tiếp tục dạy múa ở vùng biển ngay cả khi bà đã thôi làm geisha. Nhưng khoảng năm bốn mươi tuổi, bà bị liệt và chính là để chừa bệnh mà bà trở về khu suối nước nóng. Con trai bà vốn say mê máy móc từ nhỏ, đã ở lại học việc tại nhà một người chữa đồng hồ. Về sau, anh ta lên tận Tokyo để vừa làm vừa học buổi tối, nhưng do quá vất vả, nên sức khỏe anh ta suy sụp.
Anh ta mới tròn hai mươi lăm tuổi.
Những điều này Komako đã nói hết cho Shimamura không chút ngập ngừng. Nhưng tại sao cô lại không nói một lời về cô gái cùng đi với người ốm? Và tại sao cô không hề giải thích về sự có mặt của chính cô trong ngôi nhà này.
Dẫu sao, nghe cô nói, Shimamura vẫn cứ cảm thấy ngượng nghịu. Anh có cảm giác từ trên cái ban công chơi vơi của cô, cô nói vang ra khắp bốn phương.
Lúc đang bước ra cửa, anh thoáng thấy màu trắng mờ của một vật mà trước khi bước vào ban nãy anh không để ý, đó là cái hộp đựng đàn samisen có kích thước rất lạ. Nó rõ ràng là rộng hơn và dài hơn bình thường, anh khó tưởng tượng nổi Komako lại đem một thứ cồng kềnh thế này đến các buổi dạ hội. Vừa lúc, có ai đó đẩy cánh cửa sẫm màu dẫn vào phía trong.
- Komako, em bước qua hộp đàn được không?
Một giọng nói cất lên hỏi, đó là một giọng cảm động, có âm sắc trong và đẹp đến não lòng: giọng của Yoko, không thể nào quên đối với Shimamura kể từ khi anh nghe thấy nàng gọi ông trưởng ga, trong đêm tối ở nhà ga lúc tàu dừng lại khi vừa ra khỏi đường hầm.
- Được em cứ tự nhiên!
Nhẹ nhàng, Yoko bước qua hộp đàn và ra cửa ngoài, tay cầm một cái bô bằng thủy tinh. Nàng thoáng liếc xéo Shimamura rồi lập tức đi ngay với những bước chân êm nhẹ trên nền đất.
Về chuyện nàng là một cô gái của xứ tuyết này, anh không phải nghi ngờ gì nữa: anh chỉ cần nhìn cái cách thức nàng mặc chiếc quần bakama 8 miền núi hoặc nhớ lại giọng thân mật của nàng với ông trưởng ga là anh đã biết chắc: nhưng mẫu hình trang nhã ở đai lưng của nàng chỉ lộ ra một nửa ở phía trên chiếc quần rộng xẻ ống như rọi sáng những đường kẻ nâu và kẻ đen xấu xí ở vải quần, đồng thời làm cho hai ống tay dài ở áo kimono bằng len của nàng có vẻ quyến rũ hơn. Ngay cả chiếc quần bakama tuy xẻ ở dưới đầu gối và phồng lên một cách nặng nề hai bên hông cũng gợi một cảm giác mềm mại và dịu dàng, trông cũng rất thanh thoát mặc dù loại vải thô ấy dày và cứng như mo nang.
Ngay cả khi đã rời khỏi ngôi nhà đó, Shimamura vẫn còn bị ám ảnh bởi ánh mắt liếc xéo kia, nó như để lại một vết bỏng giữa trán anh. Và anh nhớ lại vẻ đẹp tinh khiết, khó tả nên lời của đốm lửa lạnh lẽo ở xa kia, vẻ thần tiên của điểm sáng khi nó chuyển dịch qua khuôn mặt người đàn bà trẻ mà dưới đó là phong cảnh ban đêm chạy về phía sau, trong cánh cửa kính của toa tàu, ánh sáng ấy trong một lúc đã rọi chiếu đầy vẻ siêu nhiên cái nhìn của nàng. Sự đắm say tuyệt diệu và bí ẩn của cái nhìn ấy đã được trái tim
Shimamura đáp lại tối hôm ấy bằng cách nó đập gấp gáp hơn và rồi sáng nay nó lại hòa trộn vào sự thần kỳ trong tấm gương khi đôi má đỏ hồng của Komako rực lên trên nền tuyết trắng.
Anh rảo bước thêm. Không phải vì chân anh săn chắc, ngược lại, chân anh hơi bị béo quá là khác. Nhưng chính anh cũng không rõ tại sao lại thấy một cảm giác hân hoan và hào hứng mới mẻ khi nhìn thấy những ngọn núi yêu quý. Và trong tâm trạng ngất ngây mơ mộng, anh dễ dàng quên mất thế giới con người đã tác động vào trò chơi những phản chiếu bồng bềnh và những hình ảnh kỳ lạ đã làm anh say mê. Không, cửa kính của toa tàu mà màn đêm đã biến thành một tấm gương hay cái gương tràn ngập màu trắng của tuyết không còn là sản phẩm của bàn tay con người nữa: một nửa chúng thuộc về chính thiên nhiên, nửa kia thuộc về một thế giới xa xôi nào đó. Một vũ trụ tồn tại ở nơi khác, gồm cả căn phòng anh vừa ra khỏi.
Đắm chìm trong ý nghĩ ấy, Shimamura giật mình, anh cảm thấy cần phải trở về với thế giới thực tại. Anh gọi bà tẩm quất mù ở đỉnh một quãng dốc đứng, để hỏi xem bà có thể đến tẩm quất cho anh được không.
- Xem mấy giờ rồi đã nào, - bà ta nói rồi cắp gậy vào nách để lấy từ đai lưng ra chiếc đồng hồ bỏ túi, bà ta mở nắp, dùng các ngón tay của bàn tay trái rờ rẫm mặt đồng hồ. - Hai giờ ba mươi lăm phút. Tôi có một cuộc hẹn lúc ba giờ rưỡi. Chỗ ở quá nhà ga một chút, nhưng nếu tôi đến chậm, tôi nghĩ cũng không sao.
- Bà đọc được giờ kể cũng giỏi thật, - Shimamura nhận xét.
- Đồng hồ không có mặt kính nên tôi sờ luôn vào hai kim.
- Còn các con số?
- Không, không cần, bà ta nói và lại rút đồng hồ ra để mở nắp.
Đó là một chiếc đồng hồ bằng bạc, hơi nhỉnh hơn loại đồng hồ nữ một chút. Với ba ngón tay đặt lên các chấm mười hai, chín và ba như đánh dấu, bà ta giải thích:
- Tôi có thể nói giờ khá chính xác và nếu tôi không lầm, thì tôi chỉ nói chệch một phút. Dù thế nào đi nữa, cũng chưa bao giờ tôi nói chệch quá hai phút.
- Quãng đường này đối với bà có dốc quá không? - Shimamura hỏi.
- Hôm nào mưa, con gái tôi tới đón tôi ở làng để đưa tôi lên đây, còn buổi tối, bao giờ tôi cũng chỉ làm việc ở làng. Tôi không leo lên đây. Thậm chí đó là một đề tài đùa bỡn của đám phụ nữ phục vụ ở quán trọ: họ bảo rằng đó là tại chồng tôi không muốn để tôi đi đâu khỏi nhà.
- Bà có các con lớn rồi chứ?
- Con gái lớn của tôi mười hai tuổi.
Cứ chuyện gẫu như vậy, họ đã tới phòng của Shimamura và chuyện ngừng lại khi bà mù bắt đầu tẩm quất. Trong cảnh yên tĩnh, từ xa vọng tới tiếng đàn samisen.
- Ai đánh đàn ấy nhỉ? - Bà mù nói và lắng nghe.
- Chỉ cần nghe, bà cũng luôn biết được là cô geisha nào đánh đàn chứ?
- Vài cô thì tôi biết, chứ không biết được tất cả. Thân thể ông là của một người không phải lao động.
Ông có cảm thấy các bắp thịt đều mềm mại và thư giãn không?
- Không chỗ nào bị co cứng chứ?
- Chỉ có một chỗ nhỏ ở dưới gáy này này. Nhưng ông rất chuẩn, không béo, cũng không gầy. Ông
không uống rượu phải không?
- Bà đoán được cả điều ấy?
- Tôi có ba ông khách quen cũng có thân hình như ông.
- Điều có gì khác thường đâu.
- Có lẽ thế, nhưng nếu ông không uống rượu, ông mất một cái thú lớn lao: quên hết đi, đó là một niềm vui sướng thật sự!
- Chồng bà có uống rượu không?
- Ông ấy uống quá nhiều!
- Ta hãy trở lại chuyện cô gái đánh đàn samisen, dù là cô nào chăng nữa, thì tiếng đàn của cô ta nghe cũng xoàng lắm!
- Vâng, đúng thế.
- Bà có biết đánh đàn không?
- Có, khi tôi còn trẻ, khoảng mười tám, mười chín tuổi. Nhưng từ hồi lấy chồng cách đây mười lăm năm, tôi không chơi đàn nữa.
Nghe bà mù nói tuổi của bà ta, Shimamura tự hỏi không biết có phải những người mù bao giờ trông cũng trẻ hơn tuổi của họ không. Nhưng anh nói tiếp ngay:
- Ai đã biết đánh đàn thời còn trẻ, thì không thể quên được nữa.
- Làm nghề này, bàn tay tôi không còn như xưa. Nhưng tai nhạc của tôi vẫn sành, nên nghe họ đánh đàn, tôi ngán lắm. Tuy nhiên, cách chơi đàn của tôi hồi trẻ, tôi cũng không còn vừa lòng nữa.
Trong một lúc, bà ta lắng nghe.
- Có lẽ đó là cô Fumi ở quán Izutsya. Những cô đàn hay nhất và những cô đàn dở nhất bao giờ cũng dễ nhận ra hơn cả.
- Có những cô đàn hay thật hả bà?
- Vâng, Komako chơi hay tuyệt. Tuy còn trẻ, nhưng thời gian gần đây cô chịu khó tập luyện lắm.
- Komako? Thật không?
- Ông biết cô ấy rồi phải không? Vâng, tôi thấy cô đánh đàn tuyệt hay. Nhưng ông cũng không nên quên rằng ở vùng núi này mọi người không kĩ tính lắm!
- Tôi chỉ biết cô ấy sơ sơ thôi, - Shimamura giải thích. - Hôm qua, tôi về đây cũng cùng chuyến tàu với anh con trai bà dạy nhạc.
- Anh ta có khá lên không?
- Hình như không.
- Thế ư? Tội nghiệp, anh ta bị ốm ở Tokyo lâu rồi thì phải. Người ta còn bảo rằng để có thể trả một
phần tiền chữa bệnh cho anh ta thì mùa hè vừa rồi, Komako đã quyết định làm geisha chuyên nghiệp. Chả hiểu có ăn thua gì không?...
- Chuyện thế nào hả bà? Komako ấy ạ?
- Họ mới đính hôn thôi. Nhưng chắc cô ấy cảm thấy thanh thản hơn, khi cô ấy làm tất cả những gì có thể làm, ít ra về sau cô cũng không có điều gì có thể tự chê trách.
- Cô ấy đã đính hôn với anh ta?
- Người ta nói thế, tôi cũng không rõ hẳn. Những chuyện này, người ta thường biết qua đồn đại thôi.
Còn gì tầm thường hơn là nghe bà tẩm quất ở một trạm suối nước nóng chuyện phiếm về các cô geisha? Nhưng chính vì thế, các thông tin lại khiến Shimamura kinh ngạc và anh thấy chúng có vẻ khác thường hơn, khó tin hơn. Thế nào nhỉ? Vậy là Komako đi làm geisha để cứu chồng chưa cưới? Hay thật! Kể ra cũng quá là hợp với cốt truyện cũ kĩ nhất của loại kịch lâm li mùi mẫn rẻ tiền nhất. Anh không tin nổi. Nếu xem xét sự việc theo quan niệm của anh, anh cũng khó chấp nhận, sẽ thích hợp hơn với anh, nếu một cô gái tự dùng quyền của mình để bán thân làm geisha? Tóm lại, bây giờ anh rất muốn lôi toàn bộ câu chuyện này ra ánh sáng một chút và muốn biết nhiều hơn. Nhưng bà tẩm quất đã xong việc.
Lật đi lật lại câu chuyện trong đầu, bao giờ anh cũng quay về ý tưởng "tốn công vô ích" mà anh đã nghĩ khi nói tới nhật ký của Komako. Bởi lẽ nếu quả thật Komako là vợ chưa cưới của người đàn ông kia và Yoko là người yêu mới của anh ta, còn chính anh ta lại sắp chết, thì tất cả những cái đó chẳng phải là tuyệt đối vô ích, là hoàn toàn mất hết hay sao? Có thể nào nghĩ khác được, nếu Komako đi đến mức phải bán mình để giữ lời cam kết và để trả chi phí chữa bệnh? Tốn công vô ích. Cố gắng vô ích. Mất hết tất cả. Lần gặp tới, Shimamura sẽ nói với cô như vậy. Anh sẽ nói cho cô biết anh nhìn nhận mọi chuyện thế nào. Anh sẽ cố thuyết phục cô.
Nhưng đồng thời, anh không thể không nghĩ rằng sau khi anh vừa biết thêm một quãng đời của cô, anh thấy cô càng trong sáng hơn, trong sáng như pha lê vậy.
Sự nghi ngờ của anh, cảm giác của anh về một sự trống rỗng và hão huyền trong tất cả chuyện này, đó là một điều mơ hồ, lộn xộn đến nỗi anh khó tin quá, như thể nó chứa đựng một nguy cơ chưa được nói ra. Sau khi bà tẩm quất mù đã về một lúc lâu, Shimamura hãy còn tìm cách xác định rõ chuyện ấy và rốt cuộc, anh cảm thấy lạnh buốt đến tận ruột gan. Nhưng một phần cũng vì các cửa sổ ở phòng anh đều mở toang.
Ở đáy thung lũng, nơi thường tối sớm, đã bắt đầu tối. Nhô cao ở bên ngoài vùng tối, các ngọn núi ở đằng kia rực rỡ nắng chiều, chúng như gần hơn bởi chúng tương phản với những hõm tối và màu trắng của chúng như ánh lân quang dưới bầu trời đỏ ối. Ở đây, ngay kề bên, rừng bá hương trên bờ thác nước phía dưới bãi trượt tuyết đã trải một mảng đen xung quanh ngôi đền.
Shimamura cảm thấy mỗi lúc một buồn, mỗi lúc một khổ sở, ngột ngạt bởi ý nghĩ về sự vô ích và trống rỗng. Thành thử khi Komako bước vào, anh thấy cô như một tia sáng ấm áp trong đêm trường của anh.
Ở quán trọ có một cuộc họp để thông qua chương trình mùa trượt tuyết tại địa phương, và cô được mời đến buổi dạ hội tiếp đó, cô vừa nói với anh như vậy vừa nhanh nhẹn luồn hai tay vào lò sưởi kotatsu. Lát sau, cô vuốt má anh một cách tế nhị.
- Chiều nay anh xanh xao quá!... Lạ thật!...
Cô dùng hai ngón tay khẽ véo má anh rồi kéo làn da mềm mại ở má anh như thể để lột một chiếc mặt nạ khỏi mặt anh.
- Đừng có ngốc thế anh! Anh đang phiền muộn thì phải...
Shimamura nghĩ rằng cô đã hơi say.
Nhưng khi cô quay lại sau buổi dạ hội, thì đó là để ngồi xệp xuống trước gương với một vẻ gần như cô diễn tả sự say rượu, dưới một hình thức châm biếm.
- Em không hiểu gì cả. Hoàn toàn không hiểu gì cả... Ối! Cái đầu của em... Cái đầu khốn khổ của em!
Em đau quá... Đau như búa bổ ấy. Em phải uống nước. Kìa! Cho em một cốc nước.
Cô áp chặt hai tay vào thái dương day lấy day để, mặc kệ mái tóc chải cao lên rất nghệ thuật. Rồi cô đứng dậy và với những động tác nhẹ nhưng chính xác, cô dùng kem tẩy xoa bóp mặt để lau sạch lớp phấn trắng dày. Má cô đỏ rực. Tuy nhiên, bây giờ Komako hình như lại vui thích với chính cô khiến Shimamura vô cùng kinh ngạc, không thể tin rằng trạng thái say rượu lại tan biến nhanh thế. Anh thấy cô rùng mình vì lạnh.
Bình tĩnh, không chút xúc động, cô thú thật với anh rằng suốt cả tháng tám, cô khổ sở vì thần kinh cô bị suy sụp nặng.
- Em tưởng em phát điên lên mất! Em phiền muộn, em nghiền ngẫm những ý nghĩ đen tối mà không biết tại sao. Thật kinh khủng. Em không chợp mắt được và chỉ khi sắp đi đâu, em mới trấn tĩnh lại. Em nằm mơ đủ mọi chuyện. Em ăn không thấy ngon. Em có thể ngồi một chỗ hàng tiếng đồng hồ, lấy tay gõ gõ xuống đất mãi không thôi, mà đó là vào lúc nóng bức nhất trong ngày.
- Em bắt đầu làm geisha từ bao giờ?
- Từ tháng sáu. Có lúc, em đã tưởng em sẽ đi Hamamatsu.
- Với một anh chồng?
Cô gật đầu. Người đàn ông rất muốn lấy cô, nhưng cô không làm sao thích được anh ta. Quyết định của cô khiến cô vô cùng khổ tâm.
- Nếu em không thích anh ta, việc gì em phải do dự, khổ tâm?
- Chuyện không dễ dàng lắm... Và cũng không đơn giản đâu.
- Hôn nhân có sức hấp dẫn đến thế sao?
- Anh đừng châm biếm chua chát thế? Một người đàn bà có thể mong có một nơi là nhà mình, để mà giữ cho mọi thứ ngăn nắp và sạch sẽ lắm chứ.
Shimamura đáp lại bằng một tiếng ầm ừ.
- Anh nói chuyện chẳng nghiêm túc gì cả.
- Giữa người đàn ông ở Hamamatsu và em có chuyện gì không?
Câu trả lời bật ra ngay:
- Nếu có chuyện gì, anh nghĩ là em còn phải lưỡng lự sao? Không hề có, nhưng anh ta bảo sẽ không để em lấy ai khác, chừng nào em còn ở đây. Anh ta dọa anh ta sẽ làm tất cả để ngăn cản.
- Nhưng Hamamatsu xa lắm, liệu anh ta có thể làm được gì? Vậy mà em vẫn sợ?
Như tận hưởng hơi ấm êm dịu của cơ thể mình, Komako nằm một lúc lâu, có vẻ khoan khoái lắm. Và khi trả lời, cô nói bằng một giọng đã hoàn toàn bình thường:
- Hồi đó em tưởng em có mang - cô phì cười. - Lố quá phải không anh?
Nắm hai bàn tay lại đặt lên cổ áo kimono, cô nằm cuộn tròn như một đứa bé muốn ngủ. Một lần nữa Shimamura lại nhầm vì hàng mi rậm và mượt của cô, anh cứ tưởng mắt cô hãy còn hé mở.
Sáng hôm sau, khi thức giấc, Shimamura thấy Komako chống khuỷu tay trên lò sưởi kotatsu đang vẽ linh tinh trên bìa một tờ tạp chí cũ.
- Em không thể về được, - cô bảo anh. - Em thức giấc khi cô hầu đem than hồng vào lò sưởi. Trời đã sáng rõ, ánh nắng đã rực rỡ ở cửa. Tối qua em uống hơi nhiều quá nên em ngủ say như chết.
- Mấy giờ rồi?
- Đã tám giờ.
- Tốt, chúng ta đi tắm đi, - Shimamura nói và nhảy khỏi giường.
- Em không đi đâu: ai đó có thể trông thấy em ở lối vào.
Thái độ của cô hết sức nhún nhường, cả giọng nói của cô cũng vậy.
Đi tắm về, Shimamura thấy cô đang chăm chú dọn dẹp trong phòng, một chiếc khăn buộc rất duyên dáng trên mái tóc. Cô tỉ mẩn lau bụi ở các chân bàn và gờ lò sưởi hibachi 9 rồi bằng bàn tay luôn khéo léo và nhẹ nhàng của mình, cô cời cho than cháy hồng lên.
Shimamura ngồi thoải mái, hai chân trong lò sưởi kotatsu và hút thuốc một cách uể oải. Khi tàn thuốc lá rơi xuống, Komako lấy một chiếc khăn tay gom hết lại và đem cho anh một cái gạt tàn.
Anh cười vang, tiếng cười vui vẻ buổi sớm mai. Komako cười theo.
- Nếu em có một người chồng, - anh bảo cô, - em sẽ luôn theo sau anh ta để mà chê trách.
- Ồ! Không! Nhưng anh ta rất có thể sẽ chế giễu em khi thấy em gấp gọn cả quần áo bẩn của em. Em không thể làm khác: bản tính em nó thế.
- Hình như ta có thể biết tất cả về một người đàn bà nếu nhìn vào ngăn tủ quần áo của người đó.
Họ ăn sáng khi ánh nắng tươi vui rọi vào căn phòng.
- Ngày hôm nay đẹp quá. - Cô thốt lên. - Lẽ ra em phải về nhà để đánh đàn samisen mới đúng: thời tiết thế này, tiếng đàn nghe hay tuyệt.
Cô ngước mắt nhìn bầu trời trong veo như pha lê. Xa xa, trên các ngọn núi, tuyết trông như một lớp kem mềm mại được bao phủ một làn khói nhẹ.
Shimamura, sau những điều anh đã được bà tẩm quất cho biết, liền yêu cầu cô chơi đàn luôn ở đây, trong căn phòng của anh.
Komako lập tức gọi điện về nhà bảo đem cho cô các bản nhạc, cây đàn và vài thứ quần áo để thay.
Vậy là ngôi nhà cũ trông thấy hôm qua có cả điện thoại, Shimamura lười nhác nghĩ. Và trong tâm
tưởng, anh lại như thấy đôi mắt, cái nhìn của một cô gái khác: cô Yoko trẻ trung.
- Cô gái sẽ mang đến đây cho em những thứ em cần?
- Rất có thể.
- Còn con trai bà dạy nhạc, đó là chồng chưa cưới của em?
- Trời? Anh nghe nói bao giờ vậy?
- Hôm qua.
- Anh kỳ lạ thật... Biết từ hôm qua, mà sao anh không nói gì với em?
Hôm qua gần như cô cũng nói những lời ấy, nhưng hôm nay, giọng cô không còn khiêu khích nữa, ngược hẳn lại, giọng cô chuyển sang thoải mái, lại thêm một nụ cười rất tươi trên môi cô nữa.
- Nếu ít bận tâm về việc tôn trọng em, anh nói những chuyện đó sẽ dễ dàng hơn, - Shimamura nói.
- Còn em, em lại muốn biết tận cùng ý nghĩ của anh. À! Đó chính là lý do vì sao em không thích những người ở Tokyo.
- Em đừng đổi đề tài câu chuyện. Em chưa trả lời câu hỏi của anh.
- Em không định lảng tránh trả lời. Anh tin những điều người ta nói với anh?
- Ừ.
- Anh lại nói dối rồi. Anh không tin, có phải không?
- Nói đúng ra, anh không tin hoàn toàn. Tuy nhiên, câu chuyện khẳng định em đi làm geisha để có tiền trả chi phí chữa bệnh.
- Y hệt trong một cuối tiểu thuyết rẻ tiền. Nhưng không phải thế đâu. Chưa bao giờ em là vợ chưa cưới của anh ấy, mặc dù hình như mọi người muốn tin như vậy. Em làm geisha cũng không phải để giúp đỡ bất kỳ ai. Nhưng em chịu ơn mẹ anh ấy rất nhiều, nên đương nhiên em làm tất cả những gì em có thể làm.
- Em nói khó hiểu quá.
- Thôi được, để em kể đầu đuôi câu chuyện anh nghe. Không có gì khó hiểu cả. Đúng là có một dạo bà mẹ anh ấy cho rằng giá bọn em lấy nhau thì tốt. Nhưng đó chỉ là một ý nghĩ mà chưa bao giờ bà nói ra một lời nào. Em và anh ấy cũng đoán già đoán non về ý nghĩ ấy của bà và rốt cuộc toàn bộ câu chuyện dừng lại ở đó. Không có gì khác nữa. Đầu đuôi là thế.
- Tóm lại, đó là một tình bạn tuổi thơ.
- Đúng vậy. Thêm nữa, bọn em sống mỗi người một nơi. Tuy nhiên, anh ấy là người duy nhất tiễn em ra ga khi em lên Tokyo học nghề geisha. Em có ghi sự việc này ở trang đầu cuốn nhật ký đầu tiên của em.
- Nhưng nếu cuộc sống không tách hai người ra, anh tin chắc là hai người đã lấy nhau.
- Chưa chắc đâu anh ạ.
- Chắc quá đi chứ.
- Về phía anh ấy, anh chẳng phải lo. Anh ấy còn sống được mấy nữa đâu.
- Theo em, em không ngủ ở nhà có phải là một sai lầm không?
- Sai lầm chính là anh đã hỏi em câu ấy. Vả lại, một người sắp chết ngăn sao được em hành động như em thích?
Shimamura không biết trả lời thế nào. Nhưng tại sao Komako lại hoàn toàn không nói gì đến Yoko? Yoko mà anh đã trông thấy trên tàu luôn chăm sóc người ốm như mẹ chăm con; tình cảm của nàng ra sao nhỉ, nếu chính nàng là người đem tới cho Komako một chiếc kimono và cây đàn cùng các bản nhạc, trong khi Komako lại có những mối liên hệ nào đó với người đàn ông mà nàng đưa về đây.
Như đã nhiều lần, Shimamura lại bâng khuâng trong những ý nghĩ mơ hồ.
- Komako! Komako!
Trầm, sâu, nhưng lại trong trẻo, đó là giọng nói rất tuyệt của Yoko.
- Cám ơn em, rất cám ơn em! - Komako nói và ra ngay phòng ngoài. - Em đem các thứ này đến một mình thôi à? Chắc nặng lắm nhỉ.
Không chờ đợi, Yoko quay người đi ngay.
Khi Komako ôm đàn lên thử gẩy một hợp âm, sợi dây thanh bị đứt luôn. Chỉ cần nhìn cô thay dây và chỉnh âm, Shimamura đã thấy rõ cô sử dụng cây đàn rất thành thạo. Cô mở trên lò sưởi kotatsu một gói lớn bên trong có các bản nhạc: những tập bài hát in theo lối phổ thông, bên cạnh là khoảng hai mươi tập phương pháp cổ xưa của Kineya Yashichi và những bản đàn bè hiện đại để tự học, mà Shimamura tò mò cầm lên xem.
- Em học đàn theo những tài liệu này à?
- Biết làm cách nào khác được? Ở đây chẳng ai có thể dạy em chơi đàn samisen.
- Bà dạy nhạc chủ nhà em ở thì sao?
- Bà ấy bị liệt.
- Bà có thể hướng dẫn em bằng lời nói được chứ?
- Bà không nói được. Chỉ có bàn tay trái là bà ấy còn dùng được đôi chút để sửa cho các học sinh học múa. Bà rất khổ sở khi nghe người khác đánh đàn samisen sai mà không làm gì được.
- Đúng là em đành phải học đàn samisen theo những phương pháp viết ra đi này à?
- Em đọc nhạc giỏi lắm.
- Quả thật anh tin rằng người xuất bản những khúc nhạc này sẽ vô cùng sung sướng khi biết một geisha thực sự - chứ không phải một kẻ tài tử - lại học đàn theo sách của ông ta để hành nghề ở vùng núi này.
- Ở Tokyo lẽ ra em trở thành vũ nữ, cho nên em phải học múa rất nhiều: nào tập, nào nghe giảng, đủthứ. Còn đàn samisen, em chỉ học một chút, thêm thắt thôi. Và nếu em có quên những kiến thức sơ đẳng đó, thì ở đây cũng không ai đủ năng lực dạy lại cho em. Bởi vậy em mới có những tài liệu này.
- Còn các bài hát?
- Em không thích hát chút nào. Tất nhiên em có học được vài làn điệu truyền thống khi em tập múa và em hát cũng tàm tạm, nhưng còn những bài hát mới, em phải theo những gì em nghe được áng chừng ở đài, cho nên chắc không đúng lắm. À, mà nếu anh nghe em hát, thể nào anh cũng chế giễu em. Thêm nữa, khi em hát cho người quen thân, bao giờ em hát cũng hỏng. Giọng em tốt hơn nhiều nếu em hát trước những người lạ: nó sẽ vững hơn và vang hơn.
Cô thoáng do dự, cụp mắt xuống hơi ngượng ngùng, rồi ngẩng lên, ánh mắt chờ đợi, như cô muốn nói với anh rằng cô đã sẵn sàng và anh chỉ còn một việc là hát bài gì anh muốn.
Shimamura vô cùng bối rối vì khốn thay, anh hoàn toàn không biết hát. Là người chuyên về sân khấu và nghệ thuật múa, anh rất sành về nhạc Naganta và thuộc lòng gần hết các vở kịch diễn ở Tokyo. Nhưng chưa bao giờ anh học hát và theo quan niệm của anh, lối hát ê a "các bài thơ dài" thuộc về sự ngân nga theo nhịp của sân khấu và phù hợp với diễn xuất của các diễn viên hơn là với nghệ thuật thân mật để giải trí của geisha.
- Ông khách của tôi khó tính lắm phải không? - Komako nửa đùa nửa thật, môi cô hơi bĩu ra trông thật dễ thương trong lúc cô ôm cây đàn vào lòng, rồi với cái nhìn nghiêm trang, trong phút chốc cô như biến thành người khác, mắt cô chỉ chăm chăm vào bản nhạc ở trước mặt.
- Đây là bài em tập từ mùa thu, - cô nói.
Rồi cô bắt đầu chơi, đó là tác phẩm của Kanjincho.
Lập tức Shimamura cảm thấy như bị nhiễm điện, anh rùng mình và nổi da gà lên đến tận má. Anh tưởng như những nốt nhạc đầu tiên đã khoét một cái hốc trong ruột gan anh, tạo ở đó một khoảng trống cho tiếng đàn tinh khiết và trong sáng âm vang. Đó là một cái gì cao hơn sự ngạc nhiên, đó là sự sững sờ như anh bị một cú đòn giáng trúng đầu. Bị cuốn theo một cảm giác gần như sùng kính, gần như bị ngập chìm trong biển cả những luyến tiếc, cảm động, hụt hẫng, không thể chống cự, anh chỉ còn một cách là để mặc cho sức mạnh cuốn đi, một cách vui sướng, theo ý Komako. Cô có thể muốn làm gì anh thì làm.
Thế là thế nào nhỉ? Và nói cho cùng, đây chỉ là một cô geisha miền núi, một phụ nữ còn chưa đầy hai mươi tuổi, lẽ nào cô lại có tài đến thế? Căn phòng này không lớn, nhưng phải chăng cô chơi đàn đầy kiêu hãnh như cô đang ở một sân khấu lớn? Vẫn còn chịu tác động mạnh của chất thơ quyến rũ của vùng núi, Shimamura thả hồn mơ mộng. Komako tiếp tục cho dây đàn ngân nga, đoạn thì khoan thai kĩ lưỡng, đoạn thì lướt nhanh dồn dập mà những chỗ khó chơi chỉ có vẻ tẻ nhạt lúc ban đầu. Nhưng dần dần, chính cô cũng chìm đắm trong mê say thần diệu. Tiếng hát bạo dạn của cô khiến Shimamura chóng mặt, anh cố cưỡng lại vì không biết tiếng nhạc sẽ kéo anh đến tận đâu, thành thử anh đành làm ra vẻ dửng dưng, uể oải, tựa đầu lên một bàn tay.
Khi Komako hát xong, ý nghĩ của anh mới lại được tự do. "Cô yêu ta. Người phụ nữ này phải lòng ta".
Nhưng nghĩ vậy, anh thấy ngượng ngùng.
Komako đã ngước mắt lên nhìn bầu trời trong trẻo ở phía trên tuyết trắng. "Khi thời tiết thế này, tiếng đàn nghe khác hẳn". Độ âm vang phong phú, sức hòa âm mạnh mẽ, quả thật đúng như lời cô nói. Và còn nhiều cái đặc biệt nữa, bởi khung cảnh, trong sự cô đơn thân mật này, xa những nhốn nháo của thành phố, xa những xảo thuật của sân khấu, không có những bức tường của nhà hát, không có công chúng, ở giữa lòng buổi sáng mùa đông quang đãng này, ở giữa sự trong suốt như pha lê mà ở đó, chất pha lê của âm nhạc hình như tung tiếng hát rung cảm và tinh khiết của nó đến tận những đỉnh núi đầy tuyết ở tít xa, tận đường chân trời. Tự mình tập đàn hát ở vùng núi hẻo lánh này, phải chăng Komako đã được thấm đẫm những nguồn thần diệu, những sức mạnh huyền bí và những đức hạnh của thiên nhiên ở đây mà có lẽ cô không biết? Đó là thiên nhiên hùng vĩ và hoang dã của vùng cao núi non và thung lũng. Hay là ngay trong sự cô đơn, cô cũng tìm được sức mạnh chiến thắng của ý chí ghê gớm trong cô, nó giúp cô chế ngự được cả những khó khăn của bản thân? Vì cho dù có được học chút ít kiến thức sơ đẳng nhưng chỉ tập theo sách mà chơi được những bản nhạc khó, lại chịu luyện đàn đến mức thuộc lòng cả bài, thì rõ ràng đó là một chiến thắng lớn lao của ý chí.
Dù sao, cô sống như hiện giờ thì công sức của cô cũng là uổng phí. Nghị lực của cô cũng bỏ đi. Cố gắng của cô cũng vô ích.
Shimamura nghĩ thế, nhưng từ đáy lòng, từ tận cùng của sự buồn rầu này, anh nghe từ một tiếng gọi dài lặng lẽ đòi hỏi cảm tình của anh. Tuy nhiên, lối sống của cô và cả con người cô nữa, nhờ tiếng đàn samisen nên không kém phần thánh thiện và có phẩm cách vời vợi.
Mẫn cảm với xúc động âm nhạc và không biết gì về những tinh tế của kĩ thuật thuần túy, có lẽ vì thế Shimamura là thính giả lý tưởng đối với Komako.
Dù thế nào, bây giờ cô cũng đang chơi bản thứ ba, bản Miyakadori. Và Shimamura chắc hẳn chịu tác động êm ái của tiếng đàn gợi cảm, dịu dàng ấy; Shimamura mà cảm giác rùng mình đã bớt đi để một dòng nóng ấm tuyệt diệu chảy tràn trong anh. Shimamura đang cảm thấy sâu sắc sự gần gũi xác thịt Shimamura ngước nhìn Komako và ngắm nghía gương mặt cô.
Cái mũi cao thanh tú kia, với chút ít vẻ côi cút như bình thường, hôm nay trông tươi tỉnh hẳn nhờ màu sắc sinh động và ấm áp của đôi má. "Cũng có cả tôi nữa đây" - nó như muốn nói thế. Trên cặp môi mọng khép lại ngon lành thành một nụ hoa tế nhị, rạng lên một ánh sáng nhảy nhót; và khi cặp môi ấy hé mở để vang ra tiếng hát, là chỉ một khoảnh khắc thôi, rồi lại mau chóng khép lại thành một nụ hoa. Cử động của chúng thật quyến rũ và chúng căng lên chỉ cốt để sau đó giãn ra buông thả hơn, duyên dáng hơn - đó cũng là biểu lộ của toàn bộ thân thể cô, căng lên giây lát để rồi lả lơi hơn đầy nữ tính trong sự trẻ trung đẹp đẽ của cô. Ánh mắt cô ướt và sáng một cách ngây thơ, lại càng non trẻ; đôi mắt cô vẫn là đôi mắt của một thiếu nữ mới lớn, gần như của một đứa bé, với màu da tự nhiên khỏe khoắn của một cô gái miền núi xiết bao trong trắng dưới gương mặt mịn màng bóng bẩy của một geisha thị thành. Làn da cô khiến ta nhớ tới cái nhẵn của một củ hành tươi bóc vỏ hoặc hơn thế nữa, của một củ huệ, nhưng với một chút ửng hồng tỏa xuống tận hõm ngực.
Một hương thơm của sự sạch sẽ thoang thoảng quanh cô.
Người thẳng ra trong một tư thế khiến cô lại càng trẻ trung hơn bao giờ hết, giờ đây Komako vừa nhìn bản nhạc vừa chơi đàn một bài cô còn chưa thuộc lòng hẳn. Chơi xong, bằng một cử chỉ cũng đầy ý nghĩa như sự im lặng, cô gài miếng gẩy vào giữa các dây đàn.
Lập tức thái độ của cô lại dịu dàng dễ thương, với một chút buông lơi khiến cô xiết bao quyến rũ.
Shimamura tìm mãi lời để nói mà tìm không ra, nhưng hình như Komako không quan tâm lắm đến việc biết nhận xét của anh về cách thức cô chơi đàn. Một cách thành thật, cô tỏ ra hài lòng về bản thân, không hề khiêm tốn giả tạo.
- Nghe tiếng đàn samisen, em có thể nhận ra ngay đó là tiếng đàn của cô geisha nào không?
- Dễ thôi anh ạ, vì ở đây chỉ có khoảng hai mươi geisha. Nhưng còn tùy đó là bản nhạc nào. Phong cách một số bản nhạc giúp ta xác định được người chơi đàn rõ hơn.
Để đùa vui, cô lại cầm đàn, dịch chân sang một bên rồi đặt đàn cho nó kẹp cứng trên mặt sau bắp chân.
Hồi nhỏ, em cầm đàn như thế này này, cô giải thích và cúi xuống cây đàn như cô còn bé xíu. "Tó-ó~óc đe-e-n huyền...!" Cô hát bằng giọng lảnh lót và do dự như một đứa trẻ.
- Đó là bài hát đầu tiên em học đấy à?
- Vưng - vưng, - cô tiếp tục theo đuổi trò chơi, rõ ràng cô bắt chước rất giống cô bé con là cô xưa kia, ở lứa tuổi mà cô còn chưa biết cách cầm đúng cây đàn ba dây.
Từ đó, khi qua đêm ở phòng Shimamura, Komako không còn cố ra về từ lúc sớm tinh mơ nữa. Một giọng trẻ con thường gọi cô: "Komako! Komako!" nghe như hát: đó là đứa con gái của chủ nhà trọ, mới khoảng hai tuổi. Komako vẫn cùng nó chơi đùa trong ngăn lò sưởi kotatsu rồi cho nó cùng đi tắm vào buổi trưa.
Sáng hôm ấy, trong lúc đang chải đầu cho nó trong phòng, Komako nói:
- Mỗi lần trông thấy một geisha, nó lại gọi "Komako" bằng cái giọng lảnh lót nghe rất buồn cười của nó. Và khi nó trông thấy bức tranh nào có hình một người đàn bà bới tóc cao theo kiểu truyền thống, đó cũng là một Komako. Trẻ con chúng không lầm đâu: chúng biết ai yêu quý chúng! "Đến đây nhanh lên, Kimi, chúng mình đến nhà Komako chơi đi".
Cô đã sắp về và bước ra khỏi lò sưởi kotatsu, nhưng với dáng điệu uể oải cô dừng lại ở hàng hiên nhìn ra ngoài.
- Mấy người Tokyo kia đúng là điên! Đã đi trượt tuyết rồi.
Căn phòng hướng nam, nên trông thấy được những bãi tuyết rộng ở sườn núi phía Bắc.
Vẫn ở trong ngăn sưởi, Shimamura quay đầu để nhìn: những mảng tuyết nằm áp chặt vào sườn núi, dăm sáu hình người đen đen mắc quần áo trượt tuyết đang trượt theo đường gấp khúc từ độ cao này sang độ cao kia trên sườn dốc thoải của những thửa ruộng bậc thang mà các bờ ngăn còn lộ rõ vì tuyết ở đó mỏng hơn. Trông họ như mấy đồ chơi kỳ cục.
- Hôm nay chủ nhật hay sao ấy nhỉ? Chắc đó là những sinh viên, - anh nhận xét. Anh tự hỏi không hiểu họ trượt tuyết có thích thú không...
- Dù sao, đó cũng không phải là những người mới tập trượt tuyết - Komako bình luận như tự nói với bản thân. - Các ông khách du lịch của chúng ta luôn ngạc nhiên khi một cô geisha chào họ ở trên bãi trượt tuyết: da cô bị sạm đen, nên họ không nhận ra được. Buổi tối, họ chỉ trông thấy bọn em đánh phấn trắng.
- Em vẫn mặc quần áo trượt tuyết?
- Không, em chỉ mặc loại quần rộng của miền núi thôi. Nhưng mùa trượt tuyết bao giờ cũng đến là nhọc nhằn. Những khách hàng gặp bọn em buổi tối ở nhà trọ thường luôn muốn gặp lại bọn em hôm sau để cùng trượt tuyết. Em nghĩ có lẽ mùa đông này em sẽ không trượt tuyết nữa... Thôi, em về đây. Kimi, có đến nhà cô không? Trời lạnh thế này, có thể tối nay sẽ có tuyết. Đêm trước hôm có tuyết bao giờ cũng lạnh.
Shimamura ra hiên nhìn Komako đang dắt bé Kimi đi xuống con đường dốc phía dưới các bãi tuyết.
Mây kéo đầy trời, phía sau mấy ngọn núi đã tối, những ngọn núi khác hãy còn trong vầng sáng ánh sáng và bóng tối như đùa giỡn nhau liên tục vẽ nên một phong cảnh băng giá và rồi bóng tối đã trùm lên các sườn dốc dành cho những người trượt tuyết. Các que băng ở dưới rìa mái nhà hãy còn có nước rỏ giọt, nhưng nhìn xuống Shimamura thấy những giọt nước đã đông lại trên các đóa hoa cúc héo rũ vì lạnh, ngay dưới cửa sổ phòng anh.
Tối chưa có tuyết. Nhưng mưa đá rơi rào rào trong gió lớn, rồi một trận mưa dài và lạnh xối xả đổ xuống.
Buổi tối trước hôm lên đường, Shimamura cho mời Komako đến. Đó là một đêm sáng trăng, rét buốt.
Nhưng khoảng mười một giờ, Komako nài nỉ anh đi dạo rồi kiên quyết kéo chân anh ra khỏi ngăn sưởi.
Mặt đường rắn đanh dưới lớp băng giá và ngôi làng đã ngủ dưới bầu trời lạnh. Komako kéo chiếc áo kimono dài lượt thượt lên giắt vào đai lưng. Mảnh trăng màu xanh ánh thép như một lưỡi dao gắn vào một tảng băng.
- Chúng ta đi đến tận ga nhé, - Komako hào hứng đề nghị.
- Em điên à? Từ đây tới đó gần hai cây số chứ ít đâu!
- Nhưng anh sắp về Tokyo rồi, đúng không? - Cô khăng khăng. - Chúng ta cũng nên ra nhìn qua nhà ga một chút.
Họ bước đi và Shimamura thấy rét từ đầu đến chân.
Vừa về đến phòng, Komako đã tuyệt vọng buông mình ngồi phịch xuống, không nói một lời, đầu rũ ra, hai tay thọc sâu vào ngăn sưởi. Và cô từ chối không theo Shimamura đi tắm. Khi về, anh thấy cô đang buồn rầu khổ sở ngồi bên chiếc giường có tấm nệm đặt chân trải ở trong ngăn ấm của lò sưởi kotatsu. Cô im lặng.
- Có chuyện gì thế?
- Em về đây.
- Đừng có vớ vẩn thế?
- Anh đi nằm đi. Em ngồi đây một lát.
- Nhưng tại sao em lại muốn về?
- Em không về nữa. Em sẽ ngồi như thế này đến sáng.
- Đừng phức tạp quá thế!
- Em không phức tạp, không phức tạp chút nào, không, không.
- Vậy tại sao?
- Tại vì... em không được khỏe.
Shimamura cười.
- Toàn bộ vấn đề chỉ có thế? Vậy em sẽ ngủ ngon thôi.
- Không, em không muốn.
- Thế mà ban nãy lại còn đi hết nơi nọ đến nơi kia!
- Thôi... Em về đây.
- Sao lại về mới được chứ.
- Em không thể nói là mọi chuyện dễ dàng đối với em. Anh phải về Tokyo. Chuyện đó thật không dễ dàng đối với em! - Cô buột miệng nói, đầu rũ xuống lò sưởi.
Liệu có phải là nỗi buồn chăng khi cô cảm thấy bị lôi cuốn và gắn bó quá sâu đậm với một người khách du lịch chỉ lưu lại ít ngày? Hay ngược lại, lẽ ra cô nên ghìm mình, không nói ra lời thú nhận vào lúc tế nhị nhất này? Dù sao tâm trạng cô cũng đã là như thế. Shimamura nghĩ và anh cũng im lặng.
- Em xin anh: anh hãy trở về Tokyo đi!
- Đúng là anh định ngày mai sẽ lên tàu thật.
- Sao cơ? Không!... Anh không đi, anh không có lý do gì để đi cả, phải không? Cô chồm dậy như một người thức giấc đột ngột, với vẻ ngạc nhiên hơi hốt hoảng trong đôi mắt.
- Dù ở đây thêm vài ngày, anh cũng có làm gì hơn được cho em đâu?
Komako nhìn anh khá lâu, rồi đột nhiên cô bật ra:
- Anh không thể nói thế được! Không! Sao anh lại nói với em như thế?
Những lời lẽ lộn xộn chen lấn nhau trên môi cô khi cô lao xuống nằm cạnh anh và trong lúc xúc động cô quên bẵng cái "không được khỏe" mà cô nói tới ban nãy. Lát sau, cô lại mở mắt ra và tặng anh một cái nhìn đẫm lệ và nóng hổi.
Như một cái máy, cô nhặt những sợi tóc cô để vương trên giường.
- Thôi, mai anh về đi, - cô nói.
Giọng cô bình tĩnh và hiền lành.
Hôm sau, Shimamura chuẩn bị đi chuyến tàu ba giờ. Quãng buổi trưa, anh đang thay quần áo để ra ga, thì bà chủ nhà trọ gọi Komako ra hành lang.
"...Được rồi!...Cứ tính là mười một tiếng đồng hồ cũng không sao".
Đó là tiếng Komako và anh hiểu rằng hai người đang nói về tiến thù lao geisha của cô. Thực ra phải tính mười sáu hay mười bảy tiếng đồng hồ mới đúng, nhưng rõ ràng bà ta cho rằng như thế là quá nhiều. Dù sao, ở đây người ta luôn chỉ tính theo giờ: "rời nhà trọ lúc năm giờ" hoặc "rời nhà trọ lúc mười hai giờ đêm" mà không tính thêm khi geisha ngủ lại qua đêm.
Choàng một chiếc áo và trùm một tấm khăn trắng, Komako tiễn anh ta ga.
Sau khi anh đã mua mấy món quà nhỏ để đem về Tokyo, anh còn dư khoảng hai mươi phút. Anh cùng Komako đi dạo trên khoảng đất nhỏ trước nhà ga. Shimamura vừa nhìn ngắm cảnh vật vừa nghĩ đến sự chật hẹp của cái thung lũng bé xíu bị ép chặt giữa những ngọn núi tuyết phủ dày. Nơi đây chẳng khác gì một cái túi tối om, một cái hốc xiết bao đơn độc ở giữa lòng núi hẻo lánh này!
Và mái tóc đen sẫm của Komako trên nền cảnh vật ấy gây một cảm giác xúc động và hơi buồn.
Mặt trời hắt một ánh nắng nhợt nhạt lên sườn núi ở đằng kia, phía có dòng thác chảy xa xa.
- Tuyết đã tan kha khá kể từ hôm anh đến đây, - Shimamura nhận xét, - mắt anh nhìn đăm đăm về phía các ngọn núi.
- Ồ! Ở đây tuyết chỉ rơi hai ngày là đã dày hai mét. Rồi tuyết cứ rơi thêm mãi và chẳng bao lâu những ngọn đèn anh trông thấy kia sẽ bị ngập lút. Khi ấy, em sẽ tới đi dạo ở đây và nghĩ đến anh, rồi người ta sẽ tìm thấy xác em treo lơ lửng ở một sợi dây kia.
- Ở đây nhiều tuyết thế cơ à?
Nghe nói ở những trường học thị trấn cạnh đây, trên tuyến xe lửa, bọn trẻ vẫn trần truồng nhảy từ phòng ngủ của chúng ở trên gác xuống và chúng đi trong tuyết, không ai trông thấy được, như chúng lặn dưới nước vậy. Kìa, một xe gạt tuyết kìa!
- Anh thích xem tuyết sâu thế lắm, - Shimamura thú thật, - nhưng anh nghĩ chắc nhà trọ không còn phòng trống nữa, vả lại, đường sắt có thể bị nghẽn vì tuyết lở.
- Tiền bạc không thành vấn đề đối với anh phải không? Anh luôn có thể tiêu pha nhiều thế này sao? Cô hỏi và dừng lại để nhìn mặt anh. - Tại sao anh không để ria?
- Anh đã nghĩ tới chuyện đó, - Shimamura nói và đưa tay lên chỗ xanh xanh râu mới cạo, hai nếp nhăn chạy dọc môi khiến đôi má anh trông thật mềm mại. Anh tự nhủ liệu có phải vì thế mà Komako thấy anh quyến rũ chăng? Anh đùa:
- Em cũng vậy, khi em lau phấn đi, trông em cũng như mới cạo râu ấy.
- Anh nghe này, có tiếng quạ kêu 10...Bi thảm quá...Chúng ở đâu ấy nhỉ. Chà, rét thật?...
Cô rùng mình và so vai, đưa mắt tìm kiếm trên bầu trời.
- Ta vào sưởi trong phòng đợi đi, em nhé? - Shimamura đề nghị, khi họ trông thấy một bóng người mặc quần ống rộng chạy trên con đường nối đường lớn với nhà ga.
- Komako! Yukio... Komako! - Yoko thở hổn hển bám chặt vào Komako như một đứa trẻ sợ hãi bámvào mẹ. - Komako! Nhanh lên, về nhà nhanh lên! Về ngay đi! Yukio nguy kịch lắm! Nhanh lên!
Komako nhắm mắt lại khi Yoko lao vào cô, bíu chặt hai vai cô và có lẽ đã làm cô đau. Mặt cô tái đi.
Tuy nhiên, với một sự vững vàng đáng kinh ngạc, cô lắc đầu và nói:
- Chị không thể về. Không được đâu. Chị đang bận với khách.
Shimamura bàng hoàng.
- Em không cần ở lại đến lúc tàu chuyển bánh đâu, - anh nói.
- Nhưng anh sắp xa em và ai biết bao giờ em mới gặp lại anh?
- Anh sẽ trở lại, chắc chắn thế. Anh sẽ trở lại. Anh hứa.
Yoko không nghe thấy hai người nói gì hết, nàng cuống cuồng giải thích.
- Em vừa gọi điện tới nhà trọ. Ở đó họ bảo chị đang ở ga nên em chạy một mạch ra đây, hết cả hơi.Yukio muốn gặp chị. Anh cứ hỏi chị đâu, - nàng nài nỉ và vẫn bám chặt lấy Komako, còn Komako lại đẩy nàng ra bằng một cử chỉ sốt ruột.
- Em hãy để chị được yên!
Nhưng chính cô lại lảo đảo và cô bỗng nấc lên dữ dội, cô phải mím chặt môi để cố ghìm. Mắt cô đẫm
lệ. Hai má cô nổi da gà.
Yoko đứng yên, người căng ra, chăm chăm nhìn Komako. Mặt nàng sững lặng như một cái mặt nạ, vẻ nghiêm nghị đến nỗi không biết nàng kinh ngạc, khiếp sợ hay giận dữ. Một gương mặt mà Shimamura thấy trong trắng và giản dị khác thường.
Không một chút thay đổi vẻ mặt, Yoko xoay người bíu lấy Shimamura:
- Xin ông tha lỗi cho tôi, nhưng ông hãy để chị ấy về nhà, được không ạ? - Nàng nói bằng một giọng tắc nghẹn, gần như chói tai. - Ông hãy để chị ấy về.
- Tất nhiên rồi! - Shimamura kêu lên. - Komako? Bây giờ em phải về nhà đi. Em thật ngốc nghếch quá! - Việc gì đến anh cơ chứ? - Komako nói và gạt mạnh Yoko lúc vẫn bíu chặt tay Shimamura.
Có một xe taxi ở bến đằng trước nhà ga, Shimamura toan vẫy bác lái xe, nhưng Yoko nắm cánh tay anh chặt đến nỗi các ngón tay anh bị tê.
- Xe taxi sẽ đưa cô ấy về, - anh bảo Yoko. - Cô cứ ra trước đi có được không? Mọi người đang nhìn chúng ta kia kìa.
Yoko gật đầu, không nói một lời; rồi nàng bước đi rất nhanh, để Shimamura đứng đó sửng sốt tự hỏi tại sao bao giờ nàng cũng biết điều đến thế, nghiêm túc đến thế, anh lại còn tự trách mình đã có những ý nghĩ như vậy trong lúc này.
Anh có cảm giác như trong tai anh luôn văng vẳng giọng nói, một giọng nói đẹp đến nao lòng, chẳng khác gì một tiếng vang sống động của những ngọn núi xa xôi đầy tuyết phủ.
- Anh làm gì thế? Anh đi đâu thế? - Komako hỏi và giữ lấy Shimamura khi anh vừa mới vẫy taxi và đang định tới chỗ chiếc xe. - Không, không? Em không muốn! Vô ích thôi, em không về nhà đâu.
Shimamura tức giận và trong một khoảnh khắc anh cảm thấy ghê tởm cô gái này.
- Anh không biết có chuyện gì giữa ba người bọn em, nhưng lúc này có lẽ người đàn ông kia đang hấp hối. Chẳng phải cô gái này đến tìm em vì anh ta muốn được gặp em đó sao? Vậy em hãy về đi. Em nghĩ mà xem, có thể rồi em sẽ ân hận suốt đời vì không về. Anh ta có thể chết trong lúc em ở lại đây... Thôi, em đừng bướng bỉnh nữa. Hãy quên đi mọi chuyện và hãy tha thứ cho anh ta.
- "Hãy quên đi và hãy tha thứ?" Anh tưởng anh hiểu lắm à? Anh không hiểu đâu. Anh không hiểu gì hết.
- Thôi được. Nhưng em đi Tokyo, anh ta là người duy nhất tiễn em ra ga. Chẳng phải em đã kể như vậy với anh sao? Và liệu có phải là tốt không, khi em từ chối một lời vĩnh biệt cuối cùng đối với một người có tên được ghi ở trang đầu tiên trong cuốn nhật ký đầu tiên của em, như em đã kể với anh hôm qua? Với anh ta, bây giờ là những dòng cuối cùng trên trang đời cuối cùng của anh ta.
- Vâng, nhưng em không muốn trông thấy anh ấy. Em không muốn trông thấy một người hấp hối.
Sự lạnh lùng khô cằn của trái tim hay ngược lại, sự say mê thái quá? Giữa hai cách giải thích, Shimamura không biết chọn cách nào.
- Từ nay, em sẽ không thể ghi nhật ký được nữa, em chỉ còn một cách là đốt nó đi. - Cô nói gần như thì thầm, như cô tự nhủ với một mình bản thân cô. Rồi mặt đỏ bừng, cô nói: - Anh là một người nhân hậu đúng không? Một người bản chất tốt và đơn giản, đúng không? Và nếu quả thật anh là người như thế, em sẽ không ngần ngại gửi toàn bộ nhật ký của em cho anh. Nhưng anh đừng cười em... không, em tin chắc anh có một trái tim trung thực, độ lượng, không hề giả dối.
Shimamura mủi lòng, bản thân anh cũng không xác định rõ ràng được sự cảm động đang tràn ngập trong anh. Không một phút nào anh nghi ngờ sự thẳng thắn tột độ của trái tim cực kỳ quảng đại của anh. Trong con mắt của chính anh, hiển nhiên anh thấy anh là hiện thân của danh dự và anh chỉ có thể là người tốt nhất trên thế giới này. Nỗi băn khoăn về việc thuyết phục Komako, anh đã quên. Về chuyện nhất thiết cô phải về nhà cô, anh không còn bận tâm. Phần mình, Komako cũng không nói gì nữa.
Một người đến báo cho họ biết là họ có thể vào sân ga.
Trong sân ga có bốn hoặc năm người dân nông thôn mặc những bộ quần áo mùa đông tối màu và buồn vừa xuống tàu hoặc sắp lên tàu.
- Em không tiễn anh ở sân ga đâu. Tạm biệt anh!
Và Komako đứng lại đó, nhìn qua cửa kính đóng kín của phòng đợi. Qua lớp kính của buồng toa, trông cô giống như một trái cây của xứ lạ không hiểu tại sao lại được đem bày trong tủ kính bẩn thỉu của một cửa hàng thảm hại nào đó ở nông thôn. Và khi đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh, một ánh phản chiếu thoáng hắt vào ô cửa sổ phòng đợi: khuôn mặt Komako chợt xuất hiện ở đó như một khoảng nhỏ để rồi biến mất ngay. Màu đỏ của má cô đã trở nên phi thực, cũng bừng lên như màu đỏ rực giữa nền tuyết chói mắt trong tấm gương buổi sáng hôm xưa. Đối với Shimamura, một lần nữa đó là màu sắc nói lên lời vĩnh biệt thế giới thực.
HẾT PHẦN I
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com