Nhà văn Jack London (1876-1916)
Chân Dung Kẻ Sĩ: Luật Đời là truyện ngắn của nhà văn theo chủ nghĩa tự nhiên người Mỹ Jack London, xuất bản lần đầu trên Tạp chí McClure, Số 16, tháng 3 năm 1901. Năm 1902, truyện được in trong tuyển tập truyện của Jack London, The Children of Frost, của Nhà xuất bản Macmillan.
Nguyên tác: The Law of Life
Dịch giả: Lê Bá Kông và Võ Hà Lang
Lão Koskoosh chăm chú nghe hau háu. Tuy mắt lão đã mờ từ lâu, nhưng tai lão còn thính lắm, và một tiếng động khẽ cũng thấu tới cái trí thông minh suy kém vẫn còn nằm sau vầng trán khô héo, nhưng không còn để ý đến việc đời nữa. À! Đó là Sitcum-to-ha đang the thé nguyền rủa đàn chó mà nàng đánh đập và vỗ về để buộc vào dây cương. Sitcum-to-ha là cháu ngoại lão. Nhưng nàng quá bận nên chẳng thèm nghĩ tới ông ngoại già nua ngồi trơ trọi trên tuyết, tuyệt vọng và yếu đuối. Phải nhổ trại cho xong. Con đường dài đang chờ đợi trong khi những đoạn ngày ngắn ngủi không chịu chậm lại. Cuộc sống và những bổn phận của cuộc sống chứ không phải của cái chết, giục giã nàng. Mà bây giờ lão gần với cái chết lắm rồi.
Ý nghĩ đó làm lão già hoảng hốt trong một lúc. Lão đưa bàn tay tê liệt run rẩy sờ soạng đống củi khô nhỏ bé bên cạnh lão. Chắc chắn là đống củi nằm đó, bàn tay lão lại rụt về và nằm ẩn dưới những tấm da thú rách rưới bẩn thỉu, và lão lại chăm chú nghe ngóng. Tiếng sột soạt của những tấm da cho lão biết rằng căn lều bằng da hươu của viên chúa bộ lạc đã được dỡ xuống và đang được nén gọn lại cho dễ mang đi. Viên chúa tể là con lão, hắn cao lớn, lực lưỡng, cầm đầu bộ lạc và là một tay thiện xạ. Trong khi phụ nữ vất vả lo liệu hành trang của trại, giọng hắn vang lên, quở trách họ chậm chạp. Lão Koskoosh lằng tai. Đây là lần cuối cùng lão còn nghe giọng đó. Túp lều của Geehow đã dỡ rồi! Và nhà của Tusken cũng dỡ rồi! Bảy, tám, chín; chỉ còn lều của lão phù thủy còn đứng mà thôi. Kìa! Bây giờ họ dỡ đến túp lều đó rồi. Lão nghe thấy tiếng lão phù thủy cằn nhằn trong khi hắn xếp lều lên xe trượt tuyết. Một đứa nhỏ lè nhè khóc và một thiếu phụ cất tiếng hát ru trầm trầm trong họng để dỗ dành nó. Lão già nghĩ, thằng Koo-tee, một đứa bé hay quấy như vậy là vì nó không được khoẻ lắm. Có lẽ nó cũng chẳng sống được bao lâu nữa, người ta sẽ đốt lửa để khoét một cái hố trong tuyết và xếp đá lên trên để giữ cho chó sói khỏi bới xác ra. Chà, chuyện ấy có gì là quan hệ. Nhiều lắm thì nó cũng chỉ sống được ít năm nữa, mà bữa đói bữa no. Và rốt cuộc Tử Thần đã chực sẵn, luôn luôn đói và đói hơn ai hết, sẽ dang tay đón đợi.
Tiếng gì đó? À, mọi người đang buộc xe và gióng dây cương. Lão lắng nghe vì lão sẽ chẳng còn bao giờ được nghe nữa. Tiếng roi vun vút giáng xuống giữa đàn chó. Hãy lắng nghe chúng rít! Chúng ghét công việc nặng nhọc và những đoạn đường dài biết bao! Lần lượt, xe trượt tuyết chuyển động chậm chạp để rồi biến dần trong im lặng. Chúng đã đi hết. Chúng đã khuất khỏi đời lão, và lão đứng cô đơn trước giờ phút cay đắng cuối cùng của cuộc đời. Không. Tuyết lạo xạo dưới đôi giày da, một người đứng bên lão, một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên đầu lão. Con lão quả thực tử tế lắm mới đối xử như thế. Lão nhớ lại những ông lão khác mà con trai không chịu đợi nán lại sau khi bộ lạc đã đi hết. Nhưng con trai lão đã ở lại. Lão thả hồn về quá khứ, cho đến khi tiếng của chàng trai trẻ lôi kéo lão trở về hiện tại.
"Cha thấy bằng lòng chứ?" Chàng hỏi.
Lão trả lời: "Cha bằng lòng!"
"Bên cạnh cha có củi đó," chàng trai nói tiếp, "và lửa cháy mạnh. Buổi sáng trời u ám và đã bớt lạnh rồi. Tuyết sắp rơi. Ngay bây giờ tuyết cũng đang rơi rồi."
"Phải, ngay lúc này tuyết đang rơi!"
"Các người trong bộ lạc vội lắm. Hành lý của họ nặng nề mà bụng họ lại lép xẹp vì thiếu ăn. Đường dài nên họ phải đi cho mau. Thôi con đi đây. Cha bằng lòng chứ?"
"Bằng lòng. Cha như chiếc lá năm ngoái còn sót lại, dính vất vưởng một chút ở cuống. Làn gió đầu tiên thổi là cha rụng. Tiếng của cha giống như tiếng một bà lão. Mắt cha không còn dẫn đường cho chân cha đi, chân cha nặng nề, người cha mệt mỏi, cha bằng lòng."
Lão cúi đầu mãn nguyện cho đến khi tiếng tuyết lạo xạo biến hết trong không gian, và lão biết rằng con lão đã đi xa không còn gọi lại được nữa. Tay lão vội vàng quờ quạng sờ đống củi. Chỉ còn đống củi này đứng giữa lão và cõi vĩnh cửu đang há miệng chờ đón lão. Như vậy là đời lão chỉ còn đo bằng một mớ củi. Lần lượt từng thanh củi một sẽ tiếp thêm vào ngọn lửa, và cứ như thế, thần chết sẽ lần từng bước tiến tới lão. Khi thanh củi cuối cùng đã cháy hết, sương tuyết lạnh lẽo sẽ trở nên khốc liệt. Hai chân lão sẽ chịu khuất phục trước, rồi đến hai tay lão, và sự tê cứng sẽ dần dần chuyển từ ngoài vào đến giữa cơ thể lão. Đầu lão sẽ gục về phía trước, tỳ vào hai đầu gối, và lão sẽ nghỉ giấc ngàn thu, thật là dễ dàng. Người đời ai cũng chết một lần.
Lão không than vãn. Đó là lề lối của kiếp sống mà, có gì bất công đâu? Lão ra đời gần với đất, lão đã sống gần với đất, và luật lệ phát nguyên ở đó không có gì mới lạ đối với lão. Đó là luật lệ đối với tất cả mọi thể xác. Tạo hóa không nương tay với thể xác. Tạo hóa không hề chú ý tới cái vật cụ thể mà người ta mệnh danh là cá nhân. Tạo hóa chỉ chú ý tới chủng loại, tới nòi giống. Đó là điều trừu tượng sâu xa nhất mà đầu óc man rợ của lão Koskoosh có thể hiểu được, nhưng lão hiểu một cách thấu đáo. Lão đã trông thấy nó thể hiện trong mọi cuộc sống. Nhựa cây tràn ứa, màu xanh rờn của mầm liễu, lá vàng rụng - chỉ một sự kiện này cũng đủ để diễn tả tất cả lịch sử. Nhưng tạo hóa đều đặt cho cá nhân một nhiệm vụ. Nếu hắn không làm tròn nhiệm vụ đó, hắn sẽ chết. Mà nếu làm tròn nhiệm vụ đó, thì cũng vậy, hắn vẫn phải chết. Tạo hóa không hề quan tâm, có rất nhiều người đã tuân chịu và chính sự tuân chịu, - chứ không phải người tuân chịu - mới sống và sống mãi mãi. Bộ lạc của Koskoosh đã có từ lâu đời lắm rồi. Những ông già mà lão biết khi còn là một đứa trẻ, đã biết những ông già khác sinh trước họ. Như vậy, sự thực là bộ lạc đã tồn tại, bộ lạc là tượng trưng cho sự tuân chịu của tất cả những người thuộc bộ lạc, những người đã chìm sâu trong quá khứ và mồ mả không còn nhớ được ở đâu. Họ không đáng kể, họ là những giai đoạn. Họ khuất đi như những đám mây tan trong một chiều mùa Hạ. Lão cũng chỉ là một giai đoạn, và lão sẽ chết. Tạo hóa không đếm xỉa. Tạo hóa chỉ đặt ra một nhiệm vụ, ban ra một luật lệ cho kiếp sống. Nhiệm vụ của cuộc đời là vĩnh truyền nòi giống, và luật lệ của tạo hóa là chết. Một thiếu nữ là một sinh vật trông đẹp mắt, ngực căng phồng, thân thể mạnh mẽ, chân bước uyển chuyển, cặp mắt sáng trong. Những nhiệm vụ của nàng đang chờ đợi nàng. Tia sáng trong mắt nàng bừng lên, bước chân nàng nhanh nhẹn hơn. Lúc bạo dạn, lúc bẽn lẽn đối với các thanh niên, nàng làm cho họ lây sự bồn chồn của nàng. Nàng càng ngày càng đẹp hơn cho đến khi một chàng đi săn không còn tự kìm hãm được, đem nàng về lều của hắn để lo việc bếp nước, làm lụng cho hắn và để làm mẹ đàn con của hắn. Một khi có con cái, những vẻ duyên dáng rời bỏ nàng. Chân tay nàng chậm chạp và ngượng nghịu, mắt nàng mờ đi và chỉ còn những đứa trẻ là thấy sung sướng khi kề bên má người đàn bà da đỏ già nua bên ngọn lửa. Nhiệm vụ của nàng đã hoàn tất. Chỉ một thời gian sau, khi chớm có nạn đói hoặc phải đi xa, nàng sẽ bị bỏ lại, giống như lão đã bị bỏ lại, giữa cảnh tuyết phủ trắng xóa, với một đống củi nhỏ. Đó là luật lệ.
Lão cẩn thận đặt một thanh củi lên đống lửa và tiếp tục suy nghĩ. Đó là luật lệ chung cho tất cả mọi vật, mọi nơi. Muỗi biến đi hết khi giá đóng lần đầu. Con sóc nhỏ cũng bò đi để chết ở một nơi xa. Khi năm tháng đã đè nặng lên con thỏ, nó sẽ trở nên chậm chạp, nặng nề và không chạy thoát được móng vuốt của kẻ thù nữa. Cả gấu to lớn cũng trở thành vụng về, mù lòa và hay cáu kỉnh để đến nỗi sau cùng vài con chó cũng hạ được nó. Lão nhớ lại cảnh lão bỏ cha lão ở lại phía thượng ngạn sông Klondike vào mùa Đông, trước khi vị mục sư* tới với những cuốn sách kinh và chiếc hộp đựng thuốc men. Đã nhiều lần lão Koskoosh chép miệng khi nghĩ tới cái hộp đó, mặc dầu ngày nay lão không còn nước bọt để chép miệng nữa. Môn thuốc trừ đau đớn thật là hay. Nhưng rốt cuộc ông mục sư chỉ làm phiền cho họ vì ông ta chẳng mang lại chút thịt thà nào cho bộ lạc mà ăn lại khoẻ, nên các tay săn lên tiếng càu nhàu. Nhưng ông ta chết vì bệnh lạnh phổi ở chỗ đường ranh giới gần Mayo, và sau đàn chó đã lấy mõm bới những hòn đá ra để tranh cướp nắm xương tàn.
Koskoosh đặt một thanh củi khác vào đống lửa và thả hồn đi sâu hơn nữa về quá khứ. Có một thời trời làm đói kém, những ông già bụng lép xẹp nằm co quắp bên ngọn lửa và miệng thều thào kể lại những tục lệ ngày xưa khi miền Yukon bị bỏ hoang suốt ba mùa Đông, rồi lại bị tuyết phủ liền ba mùa Hạ. Lão đã mất bà mẹ trong nạn đói đó. Mùa Hè đó cá thu** không xuất hiện, bộ lạc ngóng chờ mùa Đông, mong mỏi hươu rừng sẽ tới. Nhưng tới mùa Đông hươu rừng cũng chẳng thấy. Đó là một tình trạng chưa hề bao giờ xảy ra và ngay những ông già bà cả cũng chưa gặp cảnh đó. Hươu rừng không tới, và năm đó là năm thứ bảy. Thỏ rừng không sinh sôi nẩy nở kịp và chó thì gầy gò chìa bộ xương ra. Suốt mùa Đông đen tối dài dặc, đám trẻ khóc lóc và lăn ra chết, rồi đến đàn bà, rồi đến những ông già, trong mười người ở bộ lạc không có lấy một người sống sót để đón ánh mặt trời khi nó trở lại vào mùa Xuân. Thật là một vụ đói kinh hồn.
Nhưng lão cũng đã thấy những thời dư dật, thịt thừa thãi đến nỗi thiu thối không kịp ăn, chó mập mà không buồn chạy nữa vì ăn quá nhiều - những thời mà người ta trông thấy thú vật cũng không buồn giết, phụ nữ đua nhau sinh đẻ, và những căn lều chật ních những tiếng trẻ con vừa trai vừa gái nằm dài ra đùa nghịch. Thế rồi đàn ông no cơm ấm cật lại gợi ra những cuộc tranh chấp xưa lên, họ vượt qua đường ranh giới về phía Nam để giết những người Pelly, và về phía Tây để được ngồi bên những ngọn lửa tàn của người Tanana. Lão nhớ lại thời lão còn nhỏ, trời cho dư dật, lão trông thấy một con hươu rừng bị đàn sói hạ. Zing-ha nằm trên tuyết với lão cùng xem cảnh đó - Zing-ha, mà sau này thành tay săn khôn ngoan nhất và sau cùng đã ngã vào một lỗ không khí ở Yukon***. Một tháng sau, người ta tìm thấy hắn trong dáng điệu đang bò được nửa chừng thì bị băng giá làm cóng lại.
Lại nói đến con hươu rừng. Hôm đó Zing-ha cùng lão bắt chước đi săn bắn theo lối người lớn. Ở lòng suối, chúng bắt gặp vết chân mới của một con hươu rừng cùng với vết chân của nhiều chó sói. "Một con hươu già", Zing-ha xem vết chân mau hơn và nói, "Một con hươu già, không theo kịp đàn. Đàn sói chặn nó rời khỏi những con khác và chúng sẽ theo riết đến cùng." Và đúng như vậy. Đó là đường lối của chúng. Suốt ngày đêm không lúc nào nghỉ, chúng sẽ theo sát gót, chặn đầu mũi, chúng sẽ theo liền con hươu cho đến cùng. Zing-ha và lão đã cảm thấy lòng ham muốn xem cảnh máu rơi rừng rực nổi lên. Lúc sói hạ sát hươu sẽ là một cảnh đáng xem lắm!
Hai người rảo bước theo vết chân. Vết chân rõ đến nỗi ngay Koskoosh, nhìn chậm và không thạo về gót chân, cũng có thể nhắm mắt theo được. Họ theo sát gót cuộc săn đuổi, mỗi bước lại đọc thêm cái thảm cảnh hung bạo mới vừa diễn ra. Bây giờ họ tới chỗ con hươu rừng đứng lại để chống cự; tuyết đã bị giày xéo và xáo trộn tứ phía, mỗi bề dài vào khoảng bề cao của ba người lớn. Ở giữa là những vết chân hằn sâu của con vật bị săn đuổi, và khắp chung quanh là dấu chân nông hơn của đàn sói. Trong khi những con khác lo giết, thì một vài con sói nằm nghiêng một bên để nghỉ. Mình chúng in hằn xuống tuyết trông rõ ràng như chúng mới nằm trước đó một chút. Một con sói đã bị con vật điên cuồng kia húc trúng và dẫm lên cho đến chết. Một vài cái xương nhẵn nhụi chứng tỏ điều đó.
Một lần nữa họ lại ngưng bước ở chỗ dừng lại thứ nhì. Tại đây con vật to lớn đã chiến đấu một cách tuyệt vọng. Nó đã bị vật ngã hai lần, như những vết trên tuyết cho họ thấy, và hai lần nó đã đánh tan được những con sói hung hăng, rồi gượng đứng lên. Nó đã hoàn tất nhiệm vụ từ lâu, nhưng vẫn còn thiết tha với cuộc sống. Zing-ha nói rằng một con hươu rừng đã gục ngã mà còn đứng lên được thì thật là lạ, nhưng rõ ràng con này đã đứng lên được. Nghe họ kể lại chuyện này chắc lão phù thủy sẽ nhìn thấy những triệu chứng và điềm kỳ lạ.
Đi nữa, họ tới chỗ con hươu rừng trèo lên bờ để toan thóat vào rừng cây. Nhưng kẻ thù của nó đã từ phía sau chồm tới, đến nỗi nó phải lùi lại và ngã ngửa lên chúng, đè lên hai con sâu xuống tuyết. Rõ ràng là sắp đến giờ phút hạ sát, vì những con khác đã bỏ mặc hai con kia lại không đụng tới. Họ đi qua hai chặng dừng lại nữa, hai chỗ rất gần nhau. Bây giờ dấu chân có pha màu đỏ và những vết chân đều đặn của con vật to lớn trông đã xiêu vẹo và ngắn hơn. Thế rồi họ nghe thấy những tiếng động đầu tiên của cuộc chiến đấu - không phải những tiếng tru dài của cuộc săn đuổi, mà những tiếng sủa ngắn nhát gừng báo hiệu một trận xáp lá cà và tiếng răng cắn vào thịt. Bò ngược chiều gió, Zing-ha nằm sát bụng xuống tuyết, và cùng với hắn là Koskoosh, người mà sau này làm chúa tể dân trong bộ lạc. Hai người cùng gạt những cành cây gỗ bách lòa xòa và nhìn về phía trước. Họ được chứng kiến cảnh cuối cùng.
Giống như tất cả những cảm tưởng của thời trẻ, cảnh tượng hãy còn rõ rệt trong trí nhớ lão, và cặp mắt mờ của lão nhìn cảnh cuối cùng hiện ra linh động như trong thời xa xưa ấy. Koskoosh ngạc nhiên về điều này; vì trong những ngày theo sau, khi lão là người lãnh đạo và đứng đầu hội đồng bộ lạc, lão đã thực hiện những thành tích lớn lao và đã làm cho người Pelly luôn miệng nguyền rủa tên lão, đó là chưa nói tới người da trắng kỳ dị**** mà lão đã giết trong một cuộc đấu công khai, mỗi người một con dao cầm tay.
Lão nghĩ một hồi lâu về thời trai trẻ của lão, cho đến khi ngọn lửa tàn xuống và khi cái lạnh cắt sâu hơn vào da lão. Lần này lão tiếp thêm hai thanh củi vào ngọn lửa và đo lại xem cuộc sống của lão còn được bao lâu với những thanh còn lại. Nếu Sitcum-to-ha chịu nhớ lời ông ngoại của nó và nhặt ôm củi lớn hơn, thì những giờ sống của lão sẽ dài hơn. Thật là một chuyện dễ dàng. Nhưng nó vẫn là một đứa bé vô tâm. Nó không nghĩ gì đến người tiền bối từ khi Hải Ly, cháu nội Zing-ha, bắt đầu để mắt tới nó. Chà, điều đó có gì quan trọng? Lúc còn trẻ trung, lão đã chẳng hành động như thế là gì? Có một lúc lão đã lắng nghe trong im lặng. Có thể con trai lão đã mềm lòng, và nó cùng đàn chó quay lại để đưa cha già của nó cùng với bộ lạc tới chỗ nhiều hươu nai béo mập.
Lão dỏng tai nghe ngóng, trí óc đang bối rối của lão lắng đi trong chốc lát. Không một tiếng động nhẹ. Không có gì cả. Một mình lão thở phì phào giữa cảnh êm lặng hoang vu. Thật là cô độc. Im nghe! Cái gì đó? Lão rùng mình. Tiếng rống dài quen thuộc phá vỡ khoảng không, và nó ở ngay kế bên. Thế rồi, trong cặp mắt tối sầm của lão hiện lên hình ảnh con hươu rừng - con hươu rừng già nua - sườn bị cắn nát và hai bên hông ròng máu, cái bờm bị xâu xé, và cặp sừng nhiều gạc cúi sát xuống đất còn cố húc cho tới cùng. Lão thấy những hình thù màu xám vụt qua vụt lại, những cặp mắt long lanh, những cái lưỡi thè lè, những hàm răng nhọn hoắt lòng ròng nước dãi. Lão thấy cái vòng tròn xáp gần lại cho đến khi chỉ còn là một chấm đen giữa đám tuyết bị dày xéo.
Một cái mõm lạnh chạm vào má lão làm đầu óc lão quay về hiện tại. Tay lão đưa vội vào đống lửa rút ra một thanh củi đang cháy. Bàng hoàng một lát vì cái sợ truyền thống đối với loài người, con vật kia lùi lại, hú lên một tiếng dài để gọi đồng bọn; những con này trả lời ngay, cho đến khi một vòng những con vật đầu xám, miệng rớt rãi, quây quần xung quanh. Lão lắng nghe những tiếng gầm gừ tiến lại gần; những con vật thở hổn hển không chịu tản đi. Bây giờ một con đưa ngực ra phía trước, rồi lết mình tới gần, đến con thứ hai, rồi đến con thứ ba, nhưng không con nào lùi lại cả. Lão còn bấu víu lấy cuộc đời làm gì? Lão tự hỏi, rồi bỏ thanh củi đang cháy xuống tuyết. Thanh củi lèo xèo tắt ngấm. Cái vòng tròn gầm gừ một cách bồn chồn nhưng vẫn giữ nguyên vị trí. Một lần nữa lão thấy chỗ đứng cuối cùng của con hươu già, và Koskoosh mệt mỏi gục đầu lên hai đầu gối. Nói cho cùng, sống chết có nghĩa lý gì? Đó chẳng phải là luật đời sao?
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com