Chân Dung Kẻ Sĩ: Đá Dế là truyện ngắn của nhà văn người Mỹ Robert Olen Burtler, in trong Hương thơm về núi lạ năm 1992, tập truyện đã giúp ông thắng giải Pulitzer một năm sau đó, khiến ông là người thứ hai có một tập truyện ngắn được trao giải Pulitzer trong lịch sử văn chương Mỹ.
Vị giáo sư khoa Văn ở Đại học McNeese đã từng qua Việt Nam từ 1969 đến 1972. Thời gian ở Việt Nam, ông đã miệt mài học Tiếng Việt để tránh bị điều ra mặt trận, sau cùng ông được phái sang Tình báo Lục quân. Thời gian làm tình báo tại Sài Gòn, ông mặc thường phục, đeo súng ngắn, len lỏi vào các hẻm hóc, để rồi khi quay lại Việt Nam vào những năm của thập niên 90, ông phát hiện rằng:
"Lần trở lại năm 1995, tôi đã tìm ra được căng tin mà mình thường lui tới giải khát năm xưa và biết rằng chỗ ấy từng là bản doanh của một đơn vị Việt Cộng. Hóa ra tôi đã chỉ là một sĩ quan Tình báo Lục quân hạng bét."
Dịch giả: Thiên Nhất Phương
Ở sở người ta gọi tôi là Ted và họ đã gọi tôi như thế đã hơn mười năm nay, điều này vẫn còn làm tôi khó chịu, mặc dầu tôi cũng chẳng thích gì cái tên thật của tôi, vì nó trùng tên với cái tên của cựu tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa hồi xưa. Thiệu không phải là một cái tên hiếm có ở quê hương tôi, và mẹ tôi không có tên gì khác để đặt cho tôi ngoài tên một ông bác đã qua đời từ lâu. Nhưng ở vùng Lake Charles, Louisiana, tôi là Ted. Tôi đoán rằng ông Thiệu kia chắc cũng đã mang được khá nhiều vàng ra khỏi Việt Nam, nên khi lưu trú tại Luân Đôn, một nơi mà có lẽ ông đội mũ quả dưa, tay cầm dù, nơi mà không ai gọi ông tên gì khác ngoài "Ông Thiệu".
Đôi khi tôi tự nghe mình nói và giọng nói của tôi đượm vẻ chua chát, tôi đoán thế. Nhưng tôi không biểu lộ sự chua chát đó tại xưởng lọc dầu, nơi đó người ta coi tôi là kỹ sư hóa học giỏi nhất mà họ mướn được và lâu lâu lại xác nhận như vậy. Thật thế, họ cũng là những người có lòng tốt. Tôi đã tranh đấu quá nhiều trong đời tôi. Khi Saigon sụp đổ tôi mới 18 tuổi đầu, vừa nhập ngũ. Khi đơn vị tôi tan rã, mọi người tẩu thoát, tôi trút bỏ quân phục, mặc lại thường phục, tôi ném đá vào các xe tăng Bắc Việt khi thấy chúng lăn bánh trên đường phố. Rất ít người làm như thế. Tôi đứng ở đầu các ngõ hẻm để dễ đường chạy rồi quay lại ném đá thêm, nhưng tôi thấy tôi hành động đơn độc, với cử chỉ thuần xúc động nên các xạ thủ trên xe thiết giáp chẳng thèm lưu ý. Nhưng tôi bất chấp sự khinh khi của bọn họ. Ít nhất cánh tay phải của tôi đã vung lên đả đảo bọn họ.
Thế rồi đến vụ hải tặc Thái Lan ở biển Nam Hải, và mấy tên ngu quản trị các trung tâm tị nạn, nhiều kẻ dốt nữa điều hành các cơ quan Hoa Kỳ để tìm nơi định cư cho tôi và vợ mới cưới của tôi, người đã can đảm cùng tôi tẩu thoát bằng thuyền lúc nửa đêm, chống chọi với biển cả khủng khiếp và mọi thử thách cho đến cuối cùng. Cuối cùng chúng tôi đã đặt chân lên đây, trong miền đồng lầy bằng phẳng của Louisiana, nơi có nhiều ruộng lúa, nơi mà biển cả và đất liền giao hợp với nhau trong một thế rất quân bình, thật giống miền châu thổ sông Cửu Long, nơi tôi đã trưởng thành. Những người làm việc quanh tôi đều có lòng tốt, có thể họ gọi tôi là Ted vì họ muốn coi tôi như một người trong bọn, tuy đôi lúc tôi ngán ngẩm khi thấy họ to lớn hơn tôi nhiều. Tôi có kích thước của một người đàn bà xứ này. Còn các tên đàn ông Mỹ thì đều to lớn kềnh càng, nói năng chậm rãi, kể cả khi họ nói chuyện với nhau, mặc dù Anh Ngữ là tiếng mẹ đẻ của họ. Tôi đã nghe dân New York nói trên truyền hình và tôi cũng nói nhanh như họ.
Con trai tôi bắt đầu nói như mọi cư dân Louisiana. Nó mới 10 tuổi, sản phẩm của hai vợ chồng tôi trong đêm đầu tiên ở Lake Charles, tại một khách sạn rẻ tiền, nhìn ra ngoài bầu trời đỏ rực vì ánh sáng của xưởng lọc dầu. Nó hãnh diện vì ra đời tại Mỹ, và vào buổi sáng khi chào chúng tôi trước khi đi bộ đến trường Công Giáo, nó nói "Chúc bố mẹ một ngày vui!" Thỉnh thoảng tôi từ biệt nó bằng tiếng Việt thì mũi nó chun lại với tiếng trả lời, "ừa bố" , làm như tôi vừa thốt ra một câu đùa vô duyên. Nó không nói được một chút tiếng Việt nào, và vợ tôi thì lại bảo đừng lo gì chuyện đó. Nó là Mỹ mà !
Nhưng tôi cứ âu lo về chuyện đó, mặc dầu tôi hiểu tại sao tôi phải bằng lòng như vậy. Chả là 10 năm trước đây tôi đã hiểu rõ hoàn cảnh, cho nên tôi mới đồng ý với nhà tôi đặt tên Mỹ cho đứa con trai. Tên nó là Bill.
Thằng Bill và bố Ted. Nhưng hè vừa qua, tôi thấy thằng con tôi đi vơ vẩn quanh nhà buồn chán, vào khoảng giữa trưa mùa hè, và tôi bỗng trở thành bố Thiệu của thằng bé với một sáng kiến tuyệt diệu cho nó. Ý tưởng cứ lởn vởn trở về vào mỗi tuần lễ đầu tiên của tháng 2 kể từ khi chúng tôi đến cư ngụ tại vùng Lake Charles, bởi vì đó là lúc các chú dế mèn thường khởi đầu ca hát tại đây. Khu vực này có rất nhiều dế, khiến tôi thường nhớ lại thời thơ ấu ở Việt Nam. Nhưng tôi chưa hề nói gì với con tôi về chuyện này cho tới mùa hè năm sau.
Vào một ngày chủ nhật, tôi quan sát nó đi lang thang trong sân, cạo rêu đóng trên những cành thấp lè tè của cây sồi cổ thụ, rồi ném đá vào tấm bảng STOP ở góc đường gần nhà chúng tôi. Tôi lại gần hỏi nó:
"Con có muốn chơi một trò gì vui không ?"
"Muốn chứ, bố," , nó đáp, mặc dầu giọng nó đượm vẻ nghi ngờ, làm như nó không tin là tôi lại có thể bàn về chuyện chơi đùa với nó. Nó liệng ngay tất cả những cục đá còn lại trong lòng tay vào tấm bảng STOP làm tấm bảng rung chuyển khi bị đụng mạnh.
Tôi nói, "Nếu con cứ làm như thế, người ta sẽ bắt bố về tội phá hoại tài sản thành phố, rồi họ sẽ trục xuất cả nhà mình ra khỏi xứ này."
Con tôi nghe thế bật cười. Dĩ nhiên tôi cũng hiểu thằng nhóc biết là tôi muốn bịp nó. Tôi không muốn quá nghiêm khắc với con tôi vì những hành vi trẻ con mà chính tôi khi còn trẻ đã lấy làm thích thú, nhất là lúc này đây tôi đang sắp sửa chia sẻ với nó một trò chơi thời thơ ấu của tôi.
"Trò chơi gì bố?" con tôi hỏi.
"Dế chọi" , tôi trả lời.
"Cái gì bố?"
Giờ đây con trai tôi chẳng khác gì những đứa trẻ ở lứa tuổi lên mười, rất mê thích các siêu anh hùng cũng như những vụ đụng độ nảy lửa giữa thiện và ác được lồng khuôn vào những hình thức kỹ thuật cao của các phim hoạt họa được chiếu mỗi sáng thứ bảy. Muốn chắc để thằng nhỏ biết suy tưởng đúng cách, tôi giải thích bằng vỏn vẹn một chữ "Người dế" và nghĩ rằng đó là chiến lược khá công hiệu. Thằng nhỏ nghếch đầu lên tỏ vẻ chú ý, tôi bèn đưa nó ra cửa bên hông nhà, bảo nó ngồi xuống và bắt đầu giải thích.
Tôi kể với nó là hồi tôi còn nhỏ, các bạn tôi và tôi thường bới đất để bắt dế nhốt chúng vào những hộp diêm. Chúng tôi nuôi dế bằng lá cây, dưa hấu cắt nhỏ và giá sống, huấn luyện chúng đá nhau bằng cách thổi phù phù vào chúng khiến chúng bị kích động, rồi dùng chút gỗ mỏng dính khều nhẹ vào râu dế. Như thế mỗi đứa đều có một chuồng dế và dế được chia ra hai loai..
Tới đây, con tôi hơi vặn mình, hướng mắt nhìn ra ngoài sân. Tôi biết thế là màn dế mèn của tôi bắt đầu tiến hành. Tôi cố tự kiềm chế không so sánh môn chơi này với các trò chơi khác của con tôi. Tại sao các cuộc giao tranh cứng nhắc điên khùng của các nhân vật hoạt họa lại làm cho nó mê mẩn, trong khi canh đụng độ tự nhiên giữa sự sống và sự chết hàng ngày lại không lôi cuốn được nó ?
Tôi thấy là tôi phải vào đề ngay, như người ta thường nói trên truyền hình. "Chúng nó đá nhau chết thôi" , tôi cố nói bằng một giọng thật nghiêm trọng, làm như tôi là James Earl Jones vậy.
Lời tuyên bố đó khiến thằng bé liếc nhanh về phía tôi, mày hơi cau lai.. Tôi hơi hoảng vì chưa nói cho nó rõ về hai loại dế và tôi chợt hiểu đó là một phần thật quan trọng cho tôi. Tôi cố tránh không để lộ nỗi thất vọng về tầm hiểu biết của nó, tôi đặt bàn tay lên vai nó, xoay mặt nó về phía tôi và nói: "Nghe đây con" , tôi nói, "Con cần phải hiểu điều này nếu con muốn có dế chọi. Có hai loại dế và mỗi đứa trẻ chơi dế đều có vài con cho mỗi loại. Một loại gọi là dế than. Dế này rất to và khỏe, nhưng lại chậm, có thể dễ bị mất tinh thần. Còn loại kia nhỏ, màu nâu được gọi là dế lửa. Nó không khỏe bằng dế than, nhưng rất khôn và lanh lẹn."
"Vậy thì loại nào thắng?" con tôi hỏi.
"Khi thì loại này, khi thì loại kia. Cuộc chơi dế kéo dài rất lâu và đầy thử thách gay cấn. Bố và các bạn làm một con đường hầm nhỏ bằng giấy, nhét chút cíu gỗ dưới vỏ đầu dế khiến dế điên tiết, rồi cầm râu nó quay tròn, xong rồi mỗi đứa thả dế vào đường hầm ở hai đầu đối diện. Ở bên trong, dế xáp lại và chúng bắt đầu đá nhau, cả bọn chỉ việc nhấc nắp hầm giấy lên để coi."
"Có vẻ hay đấy" , con tôi lên tiếng, mặc dù sự hăng hái của nó cũng chỉ tới mức trung bình. Tôi biết là tôi phải hành động cấp thời.
Hai bố con tôi bèn lấy một hộp đựng giầy và bắt đầu đi bắt dế. Chờ đến tối thì tốt hơn, nhưng tôi biết chắc sự thích thú của con tôi không kéo dài được lâu. Nhà chúng tôi xây bằng gạch lốc, vì mực nước so với mặt đất lại hơi cao trong thành phố. Hai bố con tôi bò dọc theo sườn nhà, kéo từng đám cỏ lớn sát xuống mặt đất, lật từng cục đá lên. Chúng tôi kiếm được mấy con dế đầu tiên, rồi một con khác, vứt chúng vào hộp giầy. Tôi cảm thấy hơi thất vọng, lý do chính không phải vì rõ ràng là con tôi không muốn sờ vào côn trùng, nhưng vì cả hai con đều thuộc loại dế đen to, giống dế than. Chúng tôi tiếp tục bò và bắt được một con khác trong bụi cỏ; một con khác nữa đang đậu trong vũng bùn hơi tối bên hông nhà phía sau vòi nước, rồi chúng tôi lại tóm được hai con nữa dưới bụi hoa đỗ quyên.
"Đủ chưa bố?" con tôi hỏi. "Mình cần độ bao nhiêu con nữa ?"
Tôi ngồi dựa lưng vào nhà, để hộp giầy trên lòng; con tôi ngồi cạnh tôi, vươn đầu ra nhìn vào trong hộp.
Cảm tưởng của tôi lúc này không còn mơ hồ nữa. Bây giờ tôi cảm thấy thật là rã rời thất vọng, sáu con đều thuộc giống dế than, to xác và đờ đẫn, chỉ nhìn quanh quẩn, không hiểu sự gì lộn xộn đã xảy ra.
"Trời ơi!" con tôi bỗng kêu thất thanh, trong giây phút tôi tưởng nó đã đọc hết ý nghĩ và cùng chia xẻ cảm tưởng với tôi, nhưng khi tôi nhìn nó thì nó đang chỉ vào mũi giày cao su trắng của nó. "Giày Reebok của con hư hết rồi," nó khóc và tôi thấy trên mũi mỗi chiếc giày là một nhúm cỏ bám vào.
Tôi nhìn lại vào trong hộp giầy thì thấy lũ dế vẫn không cục cựa, còn con tôi thì đang chăm chú nhìn đôi giày của nó. "Nghe đây con," tôi nói với thằng bé, "thật là một sự lầm lẫn tai hại. Thôi con muốn làm gì thì làm đi. "Nó nhảy cẫng lên. "Bố nghĩ xem mẹ có thể cọ sạch giày cho con không ?" nó hỏi.
"Được chứ," tôi đáp. "Được chứ."
Nó bỏ đi ngay lập tức, cánh cửa hông đóng sập lại và tôi đặt hộp dế lên cỏ. Nhưng tôi không vào nhà. Tôi bò lê quanh nhà, lật từng hòn đá trong sân, đào chung quanh các gốc cây. Có lẽ tôi bắt được hơn hai tá dế nữa, nhưng toàn một loại. Ở Louisiana có ruộng lúa và một vài lưu vực giống như miền châu thổ, có nhiều thứ chim muông khác nhau, tại sao lại không có các loại sâu bọ khác nhau ? Dù sao đây cũng là một nước khác. Thật là thích thú về loại dế lửa. Trẻ con chúng tôi đều cổ súy nó, dù có phải dùng dế than để thay thế. Dế lửa rất quý và đáng được khen ngợi.
Sáng hôm sau, con tôi đứng trước mặt tôi khi tôi vừa ăn điểm tâm xong, và khi đã được tôi chú ý, nó nhìn xuống chân nó khiến mắt tôi cũng nhìn theo. "Bố thấy chưa," nó nói. "Mẹ cọ sạch cho con rồi."
Rồi nó chạy ra cửa và tôi chạy với theo, "Chiều gặp lại con, nghe không Bill?"
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com