chan_dung-ke_si

CÕI CHẾT – Truyện ngắn James Joyce

19-12-2023

Lượt xem 2321

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

CÕI CHẾT – Truyện ngắn James Joyce

Nhà văn James Joyce (1882-1941)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn người Ireland James Joyce được đánh giá là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông phải kể đến là Ulysses. Nó chứa tham vọng chưa từng có trong việc đổi mới, đến nỗi khiến những người trong Hiệp hội chống đồi bại New York gây áp lực buộc Bưu điện Mỹ tịch thu và tiêu hủy các số The Little Review, tạp chí đã đăng nhiều kỳ Ulysses.

Truyện ngắn "The Dead" dưới đây được nhà văn James Joyce viết trong thời kỳ người Ireland đang bị đế quốc Anh đô hộ và cũng được nhiều người coi là truyện ngắn hay nhất của ông.

 

Lily, cô con gái của người quản gia tiếp khách không ngớt. Treo nón mũ và áo choàng của người này chưa xong chuông cửa đã reo, cô phải vội chạy ra mở cửa cho một người khách khác. Cũng may Lily không phải lo tiếp các bà. Dì Kate và dì Julia đã cho biến cải một phòng tắm trên gác làm chỗ để nón mũ cho phái nữ và lo luôn việc tiếp khách. Dì Kate và dì Julia cười nói tíu tít với khách, thỉnh thoảng ngoái cổ xuống thang hỏi Lily ai vừa tới.

Dạ vũ hằng năm của nhà họ Morkan là một dịp vui lớn trong vùng. Ai cũng đến tham dự. Họ hàng bà con ở xa về, bạn bè thân thiết, thành viên trong ca đoàn của dì Julia, học trò lớn tuổi của dì Kate và có cả học trò nhỏ tuổi hơn của Mary Jane, cháu cưng của hai bà. Ðêm dạ vũ năm nào cũng rất thành công, mỗi năm một kiểu cách riêng, ngay cả sau khi Pat, người em trai độc nhất của hai bà chết, Kate và Julia bỏ ngôi nhà xinh xắn ở Stoney Batter dọn về một ngôi nhà nhỏ hơn trên đảo Usher thuê của ông Fulham để nuôi Mary Jane. Tính ra cũng gần 30 năm, khi Mary Jane còn là một cô gái thích mặc váy ngắn nổi tiếng trong vùng nhờ tài chơi đàn ống ở nhà thờ. Tốt nghiệp trường mỹ thuật, Mary Jane mở lớp dạy nhạc. Học trò của cô thuộc các gia đình quý phái trong vùng như Kingstown và Dalkey. Tuy đã lớn tuổi hai người cô của Mary Jane cũng được mọi người chú ý nhờ hát hay và giỏi âm nhạc. Julia dẫn đầu giọng cao trong ban nhạc Adam và Eve. Kate, sức khỏe kém hơn dạy piano cho những người mới học trong một phòng nhỏ phía sau nhà. Lily lo việc nhà cửa và nấu nướng. Ba cô cháu sống không phô trương nhưng biết chọn món ăn và hơi cầu kỳ một chút: thịt thăn bò hảo hạng, trà ướp hoa lài và bia đen đựng trong chai. Lily biết ý chọn thức ăn cẩn thận nên hợp tính với ba cô chủ. Nói chung ba cô chủ cũng dễ chìu, miễn là đừng có thói cãi lại tay đôi với chủ.

Ðêm dạ vũ ba cô chủ có khó tính đòi hỏi này nọ một chút cũng dễ hiểu. Hơn mười giờ rồi mà chưa thấy vợ chồng Gabriel đến. Còn Freddy Malins, sợ nhất là uống rượu đâu ngà ngà say mới đến. Mấy bà chủ ngại học trò của Mary Jane thấy Freddy Malins lúc chàng say, lúc say chàng ta ăn nói rất bừa bãi. Freddy Malins thường đến trễ, nhưng không biết sao hôm nay Gabriel cũng trễ. Cách hai ba phút hoặc Kate, hoặc Julia ngoái cổ xuống lầu hỏi Lily Gabriel hay Freddy đã tới chưa.

- Chào ông Conroy, Lily vừa mở cửa vừa chào Gabriel, dì Kate dì Julia tưởng ông bà không tới được, và xin chào bà Conroy.

- Tôi cũng tưởng không tới được, Gabriel hóm hỉnh nhìn vợ trả lời, mấy dì đâu có biết bà vợ tôi sửa soạn sắc đẹp mất ba giờ đồng hồ.

Gabriel đứng nơi ngưỡng cửa phủi tuyết dính vào giày, trong khi Lily dẫn bà vợ đến chân cầu thang nói vọng lên trên.

- Dì Kate, bà Conroy đã đến.

Kate và Julia vội chạy xuống thang lầu hôn bà Conroy rối rít, nói tưởng bà ta bị tuyết chôn rồi và hỏi Gabriel có đến không.

- Tôi đến có trễ lắm đâu, dì Kate. Dì lên trước đi, tôi sẽ theo ngay, vừa nói bà Conroy vừa gọi Gabriel nhanh lên.

Gabriel tiếp tục phủi tuyết dính trên vai áo choàng và mũi giày trong khi ba người phụ nữ bước lên phòng cất áo mũ, vừa cười vừa nói oang oang. Gió lạnh buốt lùa vào phòng qua khe cửa vừa đóng.

- Tuyết lại rơi phải không, thưa ông Conroy? Lily hỏi.

Cô đi trước vào phòng nhỏ bên cạnh dùng để vắt áo mũ, sẵn sàng giúp Gabriel cởi chiếc áo choàng. Gabriel mỉm cười cung cách xưng hô của Lily, chàng ngước nhìn cô gái duyên dáng. Lily thon nhỏ, đang độ nẩy nở, tóc vàng, nước da ngăm ngăm. Ánh sáng bập bùng nơi lò sưởi tỏa ra làm nước da cô ngăm hơn. Gabriel biết Lily từ hồi cô còn là một cô bé tí xíu hay ngồi dựa vào bậc thang gác gỗ chơi búp bê.

- Vâng, cô Lily, tuyết lại xuống, ít nhất suốt đêm nay. Gabriel ngước nhìn trần nhà rung rinh theo bước chân trên sàn phòng nhảy trên lầu, lắng nghe tiếng đàn piano một lúc rồi quay nhìn Lily đang xếp áo choàng của chàng đặt lên kệ gỗ.

- Cô còn đi học không Lily? Gabriel thân mật hỏi.

- Thưa ông, không. Năm nay tôi đã nghỉ học.

- Gabriel vui vẻ, vậy chúng tôi sắp được ăn cưới của cô với người thanh niên trẻ tuổi đó rồi.

Lily ngoái nhìn Gabriel, trả lời giọng không vui.

- Ðàn ông bây giờ chỉ biết ba hoa để chiếm đoạt thôi, thưa ông.

Gabriel biết mình lỡ lời. Chàng tránh đôi mắt của Lily, cúi xuống dùng chiếc khăn quàng cổ đập mạnh vào đôi giày da còn bám tuyết.

Gabriel còn trẻ, nước da như sạm nắng, lưỡng quyền cao nhô ra thi đua với chiếc trán vồ điểm những vết đỏ không hình dáng. Ðôi mắt sáng như thấu suốt mọi chi tiết chung quanh ẩn dưới đôi kính gọng vàng lóng lánh. Mái tóc đen dày chải lật ra sau, nằm hai bên một đường ngôi ở giữa, uốn cong lên dưới vành mũ.

Phủi đôi giày thật bóng xong, Gabriel đứng lên kéo thẳng chiếc áo gi-lê trên thân hình đẫy đà, xong lấy trong túi một đồng dúi vào tay Lily.

- Cô Lily, tôi có chút ít này, mùa Giáng sinh đến rồi, vừa nói vừa rảo bước đến bậc thang dẫn lên lầu.

- Lily vừa chạy theo Gabriel vừa nói, không, thưa ông, tôi không nhận đâu.

- Gabriel đi như muốn chạy vừa khoác tay ra sau vừa bảo, mùa Giáng sinh, mùa Giáng sinh mà cô Lily.

Thấy Gabriel đã bước lên mấy bậc thang Lily đành nói với theo.

- Cám ơn ông vậy.

Bản đàn khiêu vũ chưa dứt, Gabriel đứng đợi ngoài cửa lắng tai nghe tiếng động nhè nhẹ trên sàn. Gabriel còn áy náy về thái độ của Lily lúc nãy, hai tay sửa áo và nơ cổ để cố quên. Chàng rút trong túi áo gi-lê một mảnh giấy ghi đại ý những gì chàng sẽ phát biểu trong bữa cơm hôm nay. Chàng ghi vài ý của Robert Browning nhưng do dự không biết có nên dùng không, sợ cử tọa không hiểu. Nhắc đến Shakespeare hay Melodies chắc ai cũng biết. Nghe tiếng chân nhảy trên sàn, Gabriel đoán biết đa số khách không thuộc lớp tuổi và giáo dục của ông. Ðem văn thơ nói chuyện với họ là một sự lố bịch và họ có thể nghĩ ông muốn khoe sự hiểu biết của ông. Ông sẽ thất bại với giới trẻ như câu hỏi vô ý tứ vừa rồi với Lily. Ông nghĩ những gì đã soạn sẵn không dùng được.

Vừa lúc đó các dì và vợ anh từ phòng thay đồ nữ bước ra. Hai dì của anh nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị. Dì Julia cao hơn dì Kate mấy phân, tóc bạc phủ xuống quá vành tai, da mặt trắng, sậm hơn tóc, vết nhăn trông rõ trên khuôn mặt rộng. Dì còn khỏe, lưng thẳng, nhưng đôi mắt không nhanh nhẹn, đôi môi trề làm cho dì có dáng dấp của một phụ nữ không biết mình đang ở đâu và làm gì. Dì Kate tuy không khỏe bằng nhưng sắc sảo hơn. Khuôn mặt còn đầy sức sống dù có những vết nhăn, mái tóc vẫn còn giữ được màu nâu của tuổi trẻ, quấn theo kiểu phụ nữ lớn tuổi.

Hai bà vui mừng hôn Gabriel. Gabriel là cháu cưng của hai bà, con trai của chị Ellen đã qua đời. Bà Ellen làm dâu dòng họ Conroy giàu có ở Port & Docks.

- Gretta nói với dì hôm nay cháu sẽ không dùng xe ngựa về khách sạn phải không, dì Kate hỏi.

- Dạ phải, Gabriel vừa đáp vừa nhìn vợ, nhớ năm trước ngán quá phải không em? Chắc dì còn nhớ Gretta đã bị lạnh như thế nào. Cửa xe kêu lạch cạch suốt đoạn đường, và sau khi qua khỏi Merrion gió đông lùa vào xe lạnh không chịu được. Vui thì có vui, nhưng Gretta sau đó bị cảm cúm.

Dì Kate vừa nghe vừa gật gù.

- Gabriel, nhưng cũng vậy thôi. Cẩn thận là tốt, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng cẩn thận được. Dì Kate nói.

- Nhưng với Gretta, Gabriel nói, nếu để tùy ý thì trời tuyết cũng vẫn muốn đi bộ thôi.

Gretta cười, tiếp lời Gabriel.

- Dì Kate, đừng để ý những gì Anh ấy nói. Anh ấy rất nhiều chuyện. Anh ấy bắt Tom đeo kính mầu lục ban đêm, tập tạ và bắt Eve ăn cháo bắp trộn sữa. Tội nghiệp Eva, thấy cháo đã muốn ói nói gì đến ăn. Chưa hết, nếu dì đoán được Anh ấy muốn cháu ăn mặc như thế nào. Anh ấy bảo cháu mang ủng mỏng bọc ngoài đôi giày. Anh ấy nói trời tuyết trên lục địa ai cũng dùng. Mang ủng mỏng bọc giày thì còn gì là đôi chân của phụ nữ. Hôm nay Anh ấy bắt cháu mang, cháu nhất định không mang. Cứ đà này Anh ấy sẽ mua cho cháu một bộ đồ thợ lặn để dùng khi trời mưa.

Vừa nói Gretta vừa cười ngất nhìn chồng đang nhìn nàng đắm đuối từ trang phục đến khuôn mặt, mái tóc. Hai bà dì cũng cười thích thú với lối nói diễu cợt của Gretta.

- Gretta, dì Kate bỗng hỏi, mấy đứa nhỏ ở nhà một mình cháu có lo không?

- Dạ, một đêm thì không sao. Hơn nữa còn có Bessie coi tụi nó.

- Dì hỏi để yên bụng thôi, dì Kate nói. Không gì tốt bằng có một người giúp việc tin cậy. Ở đây dì có Lily. Có điều gần đây không biết vì sao cô ta hơi đổi tính.

Gabriel định hỏi thêm chuyện đó, bỗng thấy dì Kate ngừng nói ngoái cổ xuống cầu thang nhìn Julia đang chạy xuống lầu. Dì hỏi, Julia, Julia em đi đâu vậy. Cái gì đó?

Julia bước lên, không vội vã, trả lời:

- Freddy tới

Vào lúc đó có tiếng vỗ tay vọng ra từ phòng khiêu vũ. Tiếng đàn piano kết thúc bản nhạc vanxơ. Cửa phòng dạ vũ mở, nhiều cặp nam nữ bước ra. Dì Kate kéo Gabriel ra một bên ghé vào tai dặn dò:

- Gabriel, cháu giúp dì xuống tiếp Freddy. Nếu thấy hắn say đừng cho hắn lên, phiền lắm. Dì chắc hắn say.

Gabriel đứng trên bậc thang nghiêng tai vào tay vịn cầu thang để nghe cho rõ. Có tiếng hai người đang nói chuyện với nhau dưới lầu. Nhận ra tiếng cười của Freddy Malins, Gabriel vội vã chạy xuống, đế giày ròn rã trên bậc thang.

- Có Gabriel ở đây dì yên tâm, bà Kate nói với Gretta. Quay sang Julia, Kate nói, cô Daly và cô Power đang khát nước. Cám ơn Daly, cô đàn bản vanxơ hay quá. Cô làm cho buổi dạ vũ thêm phần giá trị.

Một người đàn ông cao lớn da mặt nhăn, ngăm ngăm đen, bộ râu cứng đã ngả màu, từ phòng dạ vũ bước ra với một người phụ nữ, nói với dì Kate.

- Bà Morkan, chúng tôi có thể dùng nước giải khát không?

- Dì Kate nói với Julia, đây là ông Browne và cô Furlong. Em đưa họ và các cô Daly, Power vào phòng giải khát luôn.

- Tôi là người đàn ông của phụ nữ, ông Browne nói, môi mím chặt làm bộ râu dựng lên như bàn chải, cười toe toét làm nổi bật thêm các vết nhăn trên mặt. Bà Morkan, bà có biết tại sao phụ nữ thích tôi không?

Chưa nói hết câu ông Browne thấy dì Kate bỏ đi chỗ khác, ông vội đưa ba người phụ nữ vào phòng giải khát. Giữa phòng có hai bàn hình vuông kê sát nhau. Dì Julia và người quản gia đang trải và vuốt thẳng tấm khăn bàn. Góc phòng có một bàn nhỏ để một chồng đĩa, li, dao, muỗng, nỉa. Trên cây đàn piano sát tường có thịt nguội và thức uống, rượu li-cơ, rượu vang, nước ngọt và bánh. Gần đó hai người trẻ tuổi đứng uống nước ngọt trước một bàn nhỏ khác.

Ông Browne đưa ba người phụ nữ đến chỗ để nước uống và rượu. Ba người phụ nữ nói không uống được rượu, ông Browne mở ba chai nước chanh lịch sự mời. Xong tự rót đầy một ly whiskey, nhắp nhắp thử rượu rồi nốc cạn ly. Hai người trẻ tuổi nhìn ông Browne ra vẻ thán phục.

- Xin đừng lấy làm lạ, ông vừa cười vừa nói, bác sĩ bảo whiskey là thuốc của tôi.

Ba người phụ nữ ngặt nghẹo cười theo ra chiều khoái trá. Một cô bạo dạn hỏi:

- Này ông Browne, ông nói vậy chớ chẳng có bác sĩ nào viết toa như vậy phải không?

- Chưa chắc, cũng tùy bác sĩ thôi, ông Browne trả lời.

Ông Browne vừa nói vừa dí mặt nóng hổi gần mặt mấy người phụ nữ trẻ tuổi, giọng nói thuộc giới hạ lưu Dublin làm ba người phụ nữ thấy chột dạ không ai muốn trả lời. Cô Furlong, một người học trò của Mary Jane hỏi cô Daly bản nhạc vanxơ cô vừa đàn là bản gì, và ông Browne cảm thấy bị bỏ rơi quay sang nói chuyện với hai thanh niên trẻ tuổi.

Một phụ nữ hồng hào, mặc một chiếc áo ngắn sặc sỡ bước vào phòng vỗ tay nói lớn:

- Ai muốn nhảy quadri, ai muốn nhảy quadri?

- Chúng ta cần hai nam và ba nữ, Mary Jane. Dì Kate theo sau dặn với.

- Ðây rồi, ông Bergin và ông Kerrigan, Mary Jane vui mừng nói, ông Kerrigen, ông nhảy với cô Power nhé? Còn cô Furlong, tôi giới thiệu cô nhảy với ông Bergin, như vậy tạm đủ rồi.

- Chưa đủ Mary Jane, cần ba nữ lận.

Trong khi Bergin và Kerrigan mời cô Power và Furlong vào phòng khiêu vũ, Mary Jane hỏi cô Daly.

- Cô Daly, cô đã đánh hai bản đàn mệt rồi tôi không dám mời, nhưng hôm nay thiếu phụ nữ, cô nhảy quadri nhé?

- Không sao đâu, tôi còn sức mà, cô Morkan.

- Tôi có một bạn nhảy lý tưởng cho cô, ông Bartell D'Arcy, người hát giọng cao trong ban nhạc. Nhưng ông ta sẽ hát sau. Cả thành phố Dublin này đang nói về ông ta.

- Giọng của ông D'Arcy thì tuyệt, dì Kate phụ họa.

Nghe piano trổi nhạc Mary Jane dẫn mọi người bước nhanh ra khỏi phòng. Họ vừa ra dì Julia bước vào, vừa đi vừa ngoái nhìn phía thang lầu.

- Gì vậy Julia? Dì Kate hỏi có vẻ lo lắng. Ai vậy?

Julia, hai tay ôm một chồng giấy lau tay, quay nhìn dì Kate, hơi ngạc nhiên về câu hỏi của chị.

- Có gì đâu Kate. Freddy tới và Gabriel đang mời ông ta lên.

Ngay lúc đó Gabriel và Freddy Malins bước vào. Freddy Malins, trạc bốn mươi, thân hình chắc chắn như Gabriel, đôi vai gọn. Mặt đầy, da hơi tái, mũi thấp nằm giữa hai trái tai đỏ ửng. Dáng dấp hơi thô, trán cong núp sau đôi lông mày rậm, môi mọng hơi trề. Mí mắt lớn che một phần đôi mắt và bộ tóc thưa lộn xộn làm cho ông ta như người buồn ngủ. Freddy đang khoái chí cười kể một câu chuyện gì đó cho Gabriel, vừa dùng lưng bàn tay trái dụi mắt.

- Chào Freddy, dì Julia nói.

Freddy Malins đáp lễ dì Julia cho có lệ vì giọng vốn khó nghe, bước nhanh băng qua phòng đến nơi ông Browne đang đứng, nhìn ông ta vừa cười, vừa kể lại câu chuyện vui vừa kể cho Gabriel nghe.

- Hôm nay Freddy không say lắm phải không? Dì Kate hỏi Gabriel.

- Chút chút thôi, Gabriel trả lời.

- Không đến nổi gì đâu, dì Kate nói tiếp. Trước ngày đầu năm vừa rồi mẹ anh đã bắt anh thề không uống rượu. Nhưng thôi, Gabriel mình vào phòng nhảy đi cháu.

Trước khi rời phòng với Gabriel, dì Kate nhíu mày ra hiệu cho ông Browne và đưa ngón tay qua lại. Ông Browne hiểu ý gật đầu. Dì Kate vừa ra khỏi ông Browne quay sang nói với Freddy.

- Tôi sẽ mời anh uống một li nước chanh cho khỏe.

Freddy khoát tay từ chối, muốn kể tiếp câu chuyện đang kể, trong khi ông Browne nhắc Freddy sửa lại vạt áo gi-lê vừa rót đưa tận tay Freddy một ly nước chanh đầy. Không tỏ ý quan tâm, Freddy đưa tay trái cầm ly nước chanh, tay phải sửa lại vạt áo cho ngay. Ông Browne tự rót cho mình một ly whiskey trong khi Freddy Malins đặt vội ly nước chanh đầy chưa đụng môi xuống bàn đưa lưng bàn tay dụi mắt, giọng khàn khàn cười thích thú kết thúc câu chuyện.

Phòng dạ vũ chật ních. Gabriel không chú ý thưởng thức bản đàn Academy Mary Jane đang dạo, từng đoạn từng khúc như lên thác xuống ghềnh. Gabriel thích âm nhạc, nhưng bản Academy không mang lại cho ông một giai điệu gợi nhớ nào, và ông ta nghĩ thính giả trong phòng cũng vậy, mặc dù chính họ đã yêu cầu Mary Jane dạo một bản đàn. Bốn người trẻ tuổi bên phòng giải khát đi sang, dừng lại nghe tiếng đàn, rồi sau vài phút chia nhau từng cặp tiến ra sàn nhảy. Hình như không ai để ý đến nhạc ngoại trừ Mary Jane đôi bàn tay thoăn thoắt trên phím đàn và dì Kate đứng bên cạnh lật từng trang nhạc cho Mary Jane.

Tránh ánh sáng phản chiếu xuống sàn bóng nhoáng từ chùm đèn treo trên trần nhà Gabriel ngước mắt nhìn mấy bức tranh lông treo phía trên cây đàn piano. Một bức minh họa Juliet đứng trên bao lơn tình tự với Romeo tả trong cuốn Romeo và Juliet treo bên cạnh một bức khác minh họa hai vị hoàng tử bị giết trong cuốn Tower, cả hai do dì Julia thực hiện bằng len mầu đỏ, xanh và nâu lúc dì còn là một cô gái. Có lẽ vào thời đó ở trường người ta dạy các nữ sinh thực hiện những tác phẩm như vậy, vì có một năm nhân sinh nhật mẹ chàng làm cho chàng một chiếc áo gi-lê bằng nhung tím, trên có mấy đầu chồn bằng lông nho nhỏ viền bằêng sa-tanh màu nâu, đơm nút mầu xanh lá dâu. Gabriel lấy làm lạ không hiểu sao mẹ chàng không có khiếu âm nhạc vẫn được dì Kate xem là người thừa kế tinh hoa của nhà họ Morkan. Dì Kate và dì Julia lúc nào cũng tự hào về người chị nghiêm khắc của mình. Gabriel nhìn kỹ bức hình của mẹ gắn trên một khung gỗ bóng nhoáng treo gần đó. Bà ngồi một tay đỡ một cuốn sách mở trên đầu gối, tay kia chỉ một cái gì trên trang giấy cho Constantine mặc quân phục đang quỳ bên cạnh chăm chú nhìn. Bà đích thân chọn tên cho các con vì bà rất quan tâm đến truyền thống của dòng họ. Nhờ bà Constantine trở thành phó mục sư địa hạt Balbriggan và Gabriel tốt nghiệp được tại đại học Hoàng gia. Một kỷ niệm không vui khi Gabriel nhớ lại sự phản đối của mẹ đối với hôn nhân của chàng. Những lời mẹ nói về Gretta chàng vẫn còn nhớ. Có lần bà cho Gretta chỉ là một cô gái quê nhí nhảnh đa tình, và đến nay Gabriel vẫn khó đồng ý với mẹ. Chính Gretta là người đã tận tụy chăm sóc bà trong những ngày tháng dài bà nằm trên giường bệnh tại nhà ở Monktown trước khi qua đời.

Gabriel biết bản đàn sắp dứt, Mary Jane đang dạo lại đoạn mở đầu, lòng chàng dịu lại. Mary Jane kết thúc bản đàn, cung điệu vút lên cao đột nhiên xuống thấp rồi tắt hẳn. Tiếng vỗ tay vang dội trong khi Mary Jane thoải mái đậy nắp đàn đứng dậy bước ra khỏi phòng. Mấy người trẻ tuổi nãy giờ ở bên phòng giải khát vừa trở lại phụ họa vỗ tay ròn rã nhất.

Bản nhạc tới Gabriel được xếp nhảy với cô Ivors. Ivors là một phụ nữ trẻ tuổi ăn nói tự nhiên đến độ không giữ gìn, mặt tàn nhang và đôi mắt nâu sắc sảo. Cô không mặc áo ngắn phủ lên trên chiếc áo đầm như các phụ nữ khác làm hiện rõ một con bướm nhựa to tướng gắn trước cổ áo.

Ðiệu vũ vừa bắt đầu Ivors đột ngột nói với Gabriel.

- Tôi có một câu đố cho anh.

- Cho tôi? Gabriel hỏi.

Cô Ivors gật đầu một cách quan trọng.

- Gì vậy? Gabriel nhìn Ivors cười, nghiêm nghị

- Ai là G.C.? Ivors trả lời, nhìn thẳng vào mắt Gabriel.

Gabriel hơi nóng mặt, cau mày định tỏ ý không hiểu câu hỏi của Ivors thì Ivors nói một hơi.

- Ông Amy ngây thơ ơi! Tôi biết tỏng anh viết cho tờ Daily Express. Anh không thấy ngượng sao?

- Tại sao tôi phải ngượng, Gabriel hỏi, mắt chớp nhanh, cố gắng giữ nụ cười trên môi.

- Vâng. Tôi thì rất ngượng cho anh, cô Ivors thẳng thừng trả lời. Anh mà lại viết cho một tờ báo lá cải như vậy. Tôi không thể nghĩ anh là người Ái nhĩ lan.

Vẻ lúng túng hiện trên nét mặt Gabriel. Ðúng, chàng có phụ trách mục văn học mỗi ngày Thứ tư cho tờ The Daily New, mỗi kỳ mười lăm bản Anh. Nhưng không vì vậy mà chàng không phải là người Ái nhĩ lan. Sách tòa báo gửi đến cho chàng để phê bình giá trị hơn mười lăm đồng mỗi kỳ nhiều. Chàng không quên cảm giác khoái trá khi nhìn những chiếc bìa sách mới tinh và lật những trang chữ còn thơm mùi giấy ở nhà in. Hằng ngày sau giờ dạy học, Gabriel hay tạt qua mấy tiệm sách cũ bên bờ sông từ tiệm Hickey's trên đường Bachelor's Walk, tiệm Webb's, tiệm Massey's cho đến tiệm O'Clohussey nằm một con đường nhỏ khác. Gabriel không biết nên trả lời Ivors sao. Gabriel muốn nói văn học trên chính trị. Nhưng hai người vốn là bạn lâu năm, từ những ngày học ở đại học, nay cùng đi dạy, Gabriel không muốn dùng lời lẽ quan trọng với Ivors. Gabriel tiếp tục chớp mắt, giữ nụ cười vô thưởng vô phạt và trả lời đại khái chàng không thấy có gì là chính trị khi phụ trách một mục phê bình văn học.

Ðến lúc cần xoay mình theo điệu vũ, Gabriel vẫn còn bối rối. Cô Ivors vội nắm chặt bàn tay của Gabriel nói một cách thân mật.

- Tôi chỉ nói đùa thôi. Nào hãy chuẩn bị.

Xoay xong, Ivors kể chuyện bàn tán ở trường đại học và tại sao cô biết chuyện viết phê bình văn học của Gabriel làm Gabriel thấy dễ chịu. Một người bạn cho cô xem một bài nhận định về thơ Browning và cô đoán biết ngay ai là tác giả. Ivors nói cô thích bài phê bình đó. Bỗng cô Ivors đổi đề tài.

- Này anh Connor. Mùa hè này có ra mũi Aran chơi không? Chúng tôi ra nghỉ hè ở đó một tháng. Mùa hè Ðại tây dương đẹp lắm. Anh nên đi. Ông Clancy cũng đến, và các ông Kilkelly, Kathleen Kearney. Nếu Gretta cùng đi với anh thì tuyệt. Gretta người vùng Galway phải không?

- Hình như vậy, Gabriel đáp gọn lỏn.

- Ðến nghe, hứa đi, vừa nói Ivors vừa đặt bàn tay ấm áp của cô trên cánh tay của Gabriel để thuyết phục.

- Rất tiếc, tôi đã có một chương trình nghỉ hè.

- Anh đi đâu? Ivors hỏi.

- Cô biết năm nào tôi và một số bạn cũng đi một vòng du lịch bằng xe đạp.

- Nhưng đi đâu? Ivors nhắc lại câu hỏi.

- Thường chúng tôi đi Pháp, Bĩ hay Ðức, Gabriel miễn cưỡng trả lời.

- Tại sao anh đi Pháp và Bỉ, cô Ivors nói, trong khi nước mình có biết bao chỗ đáng xem.

- Ðúng vậy, Gabriel trả lời, nhưng một phần để học thêm ngoại ngữ, một phần để thay đổi không khí.

- Còn tiếng Ái nhĩ lan, ngôn ngữ của chúng ta thì sao, cũng cần được trau dồi vậy? Ivors hỏi.

- Ồ, Gabriel đáp, nếu lý luận như cô thì tôi phải thành thật nói rằng tiếng Ái nhĩ lan không phải là ngôn ngữ của tôi.

Nhận thấy những người đang nhảy bên cạnh chú ý đến câu chuyện giữa hai người Gabriel lúng túng nhìn chung quanh, cố giữ thái độ bình thản mặc dù trán ông bừng nóng.

- Anh cũng có một quê hương, Ivors tiếp tục tấn công, một dân tộc, một xứ sở mà anh chưa biết được nhiều.

- Nói thật với cô, Gabriel trở nên khó chịu, tôi chán quê hương của tôi lắm rồi, chán lắm.

- Tại sao? Ivors hỏi

Gabriel không trả lời, người nóng ran.

- Tại sao? Ivors gặng hỏi

Thấy Gabriel không muốn trả lời, cô Ivors nói, giọng làm hòa

- Lẽ dĩ nhiên, anh không có câu trả lời thỏa đáng.

Không muốn Ivors thấy mình bực mình, Gabriel giả vờ chú ý nghe nhạc và nhảy một cách thích thú, tránh đôi mắt soi mói của Ivors. Khi điệu nhạc đổi đoàn người khiêu vũ nắm tay nhau thành một vòng tròn Ivors nắm chặt bàn tay Gabriel và nhìn chàng đấu dịu cho đến khi Gabriel hiểu ý mỉm cười. Nhạc lại đổi, vòng tròn trở thành từng cặp trên sàn, Ivors nhón chân nói nhỏ vào tai Gabriel

- Anh chỉ là một người Anh trên đất Ái nhĩ lan!

Bản nhạc dứt, Gabriel bước đến nói chuyện với mẹ Freddy Malins đang ngồi ở một góc phòng. Bà đã già, người nhỏ con, thân hình chắc chắn, mái tóc trắng như tuyết. Khi bà nói, lời chập vào nhau giọng khàn khàn như Freddy. Có người cho bà biết hôm nay Freddy có mặt và không say lắm. Gabriel hỏi thăm bà đi qua eo biển có say sóng không. Bà ở với gia đình cô con gái tại Glasgow, mỗi năm về Dublin thăm một lần. Bà nói biển đẹp và ông thuyền trưởng đối đãi rất lịch sự với bà. Bà tả ngôi nhà xinh đẹp của con gái ở Glagow và các bạn của con bà. Bà vui miệng kể chuyện này sang chuyện khác không ngừng làm Gabriel thấy vui lây quên sự bực mình với cô Ivors mấy phút trước. Ivors vốn là một phụ nữ dễ thương, nhưng cái gì cũng có lúc. Gabriel nghĩ, đáng ra chàng không nên trả lời cô như vậy. Nhưng cô ta đâu có quyền xem mình là "một người Anh trên đất Ái nhĩ lan" trước mặt người khác dù là nói đùa. Cô không coi mình ra gì, cật vấn và nhìn mình bằng đôi mắt soi mói.

Gabriel thấy vợ lách giữa mấy cặp đang nhảy vanxơ tiến về phía chàng. Ðến gần nàng nói khẽ.

- Gabriel, dì Kate hỏi anh có muốn cắt thịt ngỗng như thường lệ không. Cô Daly cắt đùi thịt lợn ướp khô, còn em cắt bánh put-đinh.

- Ðược, được, Gabriel trả lời.

- Sau bản vanxơ này dì Kate sẽ nhờ mấy người trẻ tuổi chuẩn bị phòng ăn.

- Em có nhảy không? Gabriel hỏi

- Có. Anh không thấy em nhảy sao? Anh trao đổi gì có vẻ gay cấn với Molly Ivors vậy?

- Có gì gay cấn đâu. Sao em hỏi vậy? Ivors có nói gì với em hả?

- Ðại ý như vậy, Gretta lảng sang chuyện khác, em đang thuyết phục ông D'Arcy hát. Em nghĩ ông ta quá tự hào giọng hát của mình.

- Anh không tranh luận gì với cô ta cả, Gabriel trở lại câu chuyện, cô ta mời chúng ta về miền tây Ái nhĩ lan chơi và anh cho biết anh không đi được.

Gretta vỗ tay thích thú.

- Ði đi anh. Em muốn có dịp về thăm Galway.

- Em muốn đi thì đi, anh không đi được, Gabriel lạnh nhạt trả lời

Gretta nhìn chồng một giây, rồi quay qua nói với bà Malins

- Thôi, tôi xin để ông chồng yêu quí của tôi hầu chuyện bà.

Nói xong Gretta lách qua sàn nhảy đầy người bước ra khỏi phòng. Bà Marlins không tỏ ý quan tâm đến Gretta, tiếp tục nói về cảnh đẹp ở Scotland cho Gabriel nghe. Năm nào con rể bà cũng mời gia đình bà lên Scotland nghỉ hè và đi câu cá. Rễ bà câu cá rất giỏi. Có hôm Anh ấy câu được một con cá lớn mấy người đàn ông ở cùng khách sạn đã nấu một bữa ăn rất ngon.

Gabriel chỉ nghe bà nói cho có chuyện. Khách sắp dùng cơm tối, chàng nghĩ đến bài nói chuyện, nói gì và trích dẫn gì. Thấy Freddy Malins đến nói chuyện với mẹ Gabriel nhường ghế cho Freddy, bước đến khung cửa sổ, nhìn ra bên ngoài. Sàn nhảy đã vắng, một số khách nhảy đã thấm mệt đứng thành từng nhóm nói chuyện với nhau. Phòng giải khát bên cạnh đang được dọn dẹp, tiếng bát đĩa dao nghe lách cách sau lưng. Gabriel đưa ngón tay gõ gõ vào kính cửa sổ. Bên ngoài trời lạnh, yên tĩnh, thật nên thơ. Ước gì lúc này được tự do thả bộ dọc bờ sông, ra phía công viên nhìn tuyết phủ trên cành cây và nhìn chiếc mũ tuyết trắng lớn trên pho tượng tướng Wellington. Ðược ở ngoài đó lúc này thích hơn ở đây ăn cơm nhiều.

Gabriel nghĩ đến mấy điểm chính của bài nói chuyện: tính hiếu khách của người Ái nhĩ lan, những kỷ niệm đau buồn của đất nước, trích dẫn Browning... Gabriel lẩm bẩm câu văn chàng viết trong mục phê bình văn học mới đây: "Ðọc thơ ông như nghe một điệu nhạc bi hùng làm tâm hồn người nghe trăn trở." Ivors khen hay. Cô ta khen thật không? Ivors có một đời sống cho riêng cô không hay chỉ sống để rao giảng điều cô ta tin tưởng? Giữa hai người chưa hề có chuyện bất hòa cho đến hôm nay. Gabriel thấy khó chịu khi nghĩ đến chốc nữa đây Ivors sẽ nhìn chàng chòng chọc với đôi mắt nghi ngờ khi chàng nói. Có thể cô ta mong chàng làm cho cử tọa thất vọng. Một ý nghĩ thoáng qua làm Gabriel can đảm. Chàng sẽ gián tiếp nhắc đến dì Kate và dì Julia, thí dụ như : Thưa quý vị, không phải thế hệ trước chúng ta lúc nào cũng hoàn hảo nhưng theo tôi họ có một số đức tính như hiếu khách, trào phúng và nhân bản mà thế hệ trẻ chúng ta hôm nay thiếu. Câu đó dành cho Ivors, nghĩ đến đó Gabriel thấy khoái trá, chàng không quan tâm đến việc hai bà dì của chàng chỉ là hai người đàn bà tầm thường thôi.

Gabriel chú ý đến tiếng rì rào quanh mình. Ông Browne đang đưa dì Julia bước vào phòng. Tay dì dựa vào cánh tay của ông Browne, miệng mỉm cười, đầu ngẩng cao tự tin. Cử tọa vỗ tay khuyến khích cho đến khi dì Julia đến gần bên cây đàn piano. Mary Jane ngồi vào chiếc ghế trước cây đàn, dì Julia nghiêm trang quay về phía cử tọa bắt đầu thử giọng trong khi tiếng rì rào trong phòng tắt dần chờ đợi. Gabriel nhận ra điệu nhạc. Ðó là bài Arrayed for the Bridal rất ưa thích của dì Julia. Giọng hát của dì âm vang trong căn phòng mang sức sống đến cho bài hát ngay từ lúc bắt đầu với giọng hát mạnh mẽ trong trẻo, và mặc dù dì hát nhanh dì không nuốt một âm nhỏ nào. Không nhìn dì, chỉ nghe giọng hát người nghe có cảm tưởng như đang bay bổng giữa từng mây một cách an toàn đầy khoái cảm. Gabriel nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng cùng với cử tọa khi bài hát vừa dứt. Từ phòng giải khát tiếng vỗ tay tiếp sức nổ như pháo ran. Sự tán thưởng của cử tọa làm khuôn mặt dì Julia ửng hồng khi dì cúi xuống khép tập nhạc bìa da đã cũ trên có khắc hai chữ đầu tên dì. Freddy Malins nghiêng nghiêng đầu thưởng thức khi nghe hát vẫn còn vỗ tay một mình khi tiếng vỗ tay trong phòng đã tắt vừa bày tỏ sự thán phục với mẹ trong khi bà Malins gật gật đầu đồng ý. Sau cùng, Freddy thôi vỗ tay tiến đến bên dì Julia hai tay cầm đôi tay dì và lắp bắp nói không thành lời.

- Tôi vừa nói với mẹ tôi tôi chưa bao giờ nghe dì hát hay như hôm nay, chưa bao giờ! Dì có tin tôi không? Ðó là sự thật. Tôi nói với danh dư,ĩ đó là sự thật. Tôi chưa bao giờ nghe giọng của dì có hồn và trong trẻo như hôm nay, chưa bao giờ!

- Dì Julia cười thỏa mãn, nói vài lời cám ơn và rút đôi bàn tay ra khỏi đôi bàn tay của Freddy. Ông Browne đến gần dì Julia, khoác cánh tay phải qua lưng dì như cung cách của một người trình hàng cho khách.

- Xin giới thiệu, Julia Morkan, một khám phá mới của tôi.

Nói xong, ông Browne thích thú cười một mình. Freddy ngoảnh nhìn ông Browne nói,

- Anh Browne, công bình mà nói khám phá của anh không có gì đặc sắc. Từ trước đến nay tôi chưa nghe dì Julia hát hay bằng một nửa hôm nay. Và đó là một sự thật không ai có thể chối cãi.

- Tôi đồng ý, ông Browne nói, giọng hát của dì Julia càng ngày càng có sức lôi hút.

Dì Julia nhún vai, nói một cách tự hào

- Nếu nói về giọng hát, ba mươi năm trước cũng chưa có ai chê giọng tôi.

- Tôi thường nói với Julia, dì Kate lên tiếng một cách dứt khoát, Julia đã phí phạm quá nhiều thì giờ với ca đoàn.

Dì Kate nhìn mọi người tìm sự đồng tình trong khi dì Julia nhìn phía trước một cách bâng quơ, môi hé cười như nhớ lại những năm tháng cũ.

- Dì Kate nói tiếp, đáng ra người ta không nên khai thác Julia như vậy, hát cho ca đoàn ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác. Ngày lễ Giáng sinh hát từ sáu giờ sáng. Và để làm gì?

- Không phải để vinh danh Chúa sao Cô Kate? Mary Jane hỏi, quay mình trên chiếc ghế đang ngồi, nhỏ nhẹ mỉm cười.

- Cô biết vì nhân danh Chúa, nhưng cô thấy phụ nữ hát suốt đời sau cùng đức Giáo hoàng vẫn trọng phái nam hơn. Cứ cho rằng đức Giáo hoàng làm theo luật giáo hội, nhưng không công bằng, Mary Jane, không đúng.

Dì Kate còn muốn bênh em vì đó là chuyện dì ấm ức từ lâu, nhưng Mary Jane dịu dàng nói lảng sang chuyện khác khi thấy mấy người vừa nhảy xong bước vào phòng.

- Dì Kate, dì có biết dì làm phật lòng ông Browne không? Ông ta tin khác.

Dì Kate quay lại nhìn ông Browne đang cười ngất vì nghe người ta bàn đến cách tổ chức tôn giáo của mình, vội vàng nói

- Tôi không muốn nói đức Giáo hoàng sai. Tôi là một phụ nữ tầm thường không có quyền nghĩ vậy. Nhưng trong đời sự biết ơn và sự lịch sự tối thiểu là điều cần phải giữ. Nếu tôi là Julia tôi sẽ nói thẳng với các Cha như vậy.

- Thôi, dì Kate! Mary Jane nói, ai cũng đang đói bụng, và khi đói người ta dễ nổi cáu.

- Và khi khát người ta cũng dễ nổi cáu như đói, ông Browne chêm vào.

- Vậy nên đi ăn cái đã, Mary Jane nói, sau sẽ tranh luận tiếp.

Trước cửa phòng giải khát đã dọn thành phòng ăn Gabriel thấy vợ và Mary Jane đang thuyết phục cô Ivors ở lại dùng cơm. Nhưng Ivors đã đội mũ và đang gài nút áo choàng không muốn ở lại. Cô không thấy đói và đã trễ đối với cô.

- Chỉ mười phút thôi, Molly, bà Conroy nói, không trễ giờ của cô đâu.

- Ăn một cái gì đi, Mary Jane nói, sau khi đã nhảy nhiều như vậy.

- Tôi xin lỗi, cô Ivors nói, tôi không ở lại được.

- Tôi nghĩ cô không được vui hôm nay, Mary Jane nói một cách thất vọng.

- Vui hơn thường lệ là đằng khác, Ivors nói, nhưng tôi phải đi thôi.

- Nhưng cô về bằng gì? Bà Conroy hỏi.

- Chỉ đi hai bước dọc bờ sông là tới.

Do dự một chút, Gabriel nói,

- Cô Ivors, nếu cô phải về, tôi xin phép được đưa cô về nhà.

- Xem như tôi không nghe đề nghị của anh, Ivors nói lớn, nửa đùa nửa nghiêm trang. Xin quý vị dùng cơm ngon miệng và đừng quan tâm tới tôi. Tôi tự lo được.

- Cô thật là một người phụ nữ khó hiểu, Molly, bà Conroy thẳng thắn nói.

- Xin chào tất cả mọi người, cô Ivors bật cười thốt lên lời chào bằng tiếng Ái nhĩ lan và chạy nhanh xuống thang lầu.

Mary Jane nhìn theo Ivors hơi thắc mắc, trong khi bà Conroy nghiêng mình trên tay dựa cầu thang chờ nghe tiếng cửa mở. Gabriel tự hỏi không biết có phải vì chàng đề nghị đưa về mà Ivors vội vàng như vậy. Nhưng Ivors không tỏ vẻ bực mình, cô cười vui vẻ khi ra về đôi mắt nhìn thẳng vào các bậc thang như chẳng bận tâm điều gì.

Vào lúc đó đì Kate từ phòng ăn bước ra khoát tay hỏi một cách vội vàng.

- Gabriel đâu rồi? Thực khách chờ mà không thấy ai cắt ngỗng cả.

- Tôi đây! Gabriel hăng hái lên tiếng tưởng chừng sẵn sàng cắt bao nhiêu con ngỗng cũng được. Nói xong, Gabriel nhanh nhẹn bước vào phòng ăn.

Một con ngỗng nướng vàng rực nằm ở một đầu bàn, đầu kia một đùi lợn muối đã bóc da, phía dưới còn dính giấy đặt trên một cái rá, trên rắc rau thơm, hạt tiêu nghiền nhỏ và các mẫu bánh mì giòn, bên cạnh là một đĩa lớn thịt bò ướp cay hình tròn đã được cắt thành từng lát. Trên bàn giữa hai thức ăn chính là các thức phụ: hai tảng thạch, một đỏ một vàng đúc hình dáng một tu viện, một đĩa lớn đựng nhiều miếng bánh fờ-lăng, một hũ mứt mầu đỏ, một đĩa hình lá cây mầu xanh trên có nhiều chùm nho tím và hột hạnh đào lột vỏ.

Gabriel mạnh dạn ngồi xuống ở đầu bàn, một tay đặt lưỡi dao đúng vị trí, tay kia đẩy mạnh nĩa để giữ con ngỗng quay không di chuyển được, và cắt từng lát thịt thơm phức. Gabriel thấy hứng thú làm một việc chàng quen làm, trước chiếc bàn đầy thức ăn và mọi người đang chờ đợi.

- Cô Furlong, Gabriel hỏi, cô muốn cánh hay thân.

- Cho tôi một lát nhỏ nơi thân.

- Còn cô Higgins?

- Cám ơn ông Conroy, tôi không ăn thịt ngỗng.

Trong khi Gabriel và Daly chuyền cho khách các đĩa thịt ngỗng quay, đùi heo ướp muối, thịt bò ướp cay, Lily đi từ người này đến người khác mời khoai tây nghiền nát còn nóng hỗi đặt trên một cái mâm nhỏ lót giấy trắng. Món ăn này do ý của Mary Jane. Lúc đầu Mary Jane định mời khách ăn thịt ngỗng với nước lèo làm bằng táo nghiền, nhưng dì Kate nói ăn ngỗng quay không cũng ngon chán. Mary Jane săn sóc mấy người học trò, trong khi dì Kate và Julia mở bia và nước suối mời khách. Ðàn ông uống bia, các bà các cô uống nước suối. Trong phòng ăn tiếng cười tiếng nói chen lẫn lời mời mọc lẫn nhau, xin thức này thức khác, tiếng dao nĩa chạm nhau, tiếng mở nút chai nhộn nhịp. Gabriel vẫn chưa ăn, bắt đầu cắt vòng thứ hai. Một số người yêu cầu chàng ăn cái gì trước khi cắt tiếp. Gabriel chưa muốn ăn, nhưng chiều ý mọi người, chàng chỉ nốc một ngụm bia cho đã khát. Mary Jane yên lặng ngồi ăn, nhưng dì Kate và Julia vẫn đi từ bàn này sang bàn khác mời khách, thỉnh thoảng bảo nhau làm những điều không cần thiết. Ông Browne và Gabriel khẩn khoản mời hai dì ăn, nhưng hai dì nói còn nhiều thì giờ. Freddy Malins không chịu được đứng dậy nhẹ nhàng kéo dì Kate đến một chiếc ghế trống ấn dì ngồi xuống làm mọi người cười ồ.

Khi ai nấy đã no, Gabriel cười hỏi:

- Ai thích ăn các thức nhồi bụng ngỗng cho tôi biết.

Nhiều người lên tiếng yêu cầu Gabriel ăn đi đừng lo cho khách nữa, và cô Lily mang đến cho Gabriel ba củ khoai tây cô để dành cho chàng.

- Cám ơn quý vị, Gabriel giọng thân mật, bây giờ xin quý vị quên tôi đi trong một chốc lát.

Gabriel ngồi ăn ở một chỗ trống Lily vừa dọn, trong khi câu chuyện về buổi nhạc kịch ở rạp hát hoàng gia đang được bàn cãi sôi nổi. Bartell D'Arcy, người hát giọng cao trong buổi dạ vũ hôm nay, một thanh niên da ngăm đen, có một bộ râu tỉa gọn gàng, hết lời khen ngợi người nữ ca sĩ giọng trầm, nhưng cô Furlong cho rằng cô ấy hát cũng thường thôi. Freddy Malins khen người ca sĩ da đen đóng vai tù trưởng có một giọng tuyệt vời ông chưa từng nghe.

- Anh nghe hắn hát bao giờ chưa? Malins hỏi Bartell D'Arcy ngồi đối diện qua chiếc bàn ăn.

- Chưa, ông Bartell D'Arcy trả lời không chút do dự.

- Tôi hỏi, Malins giải thích, vì tôi muốn biết ý của anh đối với giọng hát của hắn. Giọng của hắn thật là hay.

- Ai cũng muốn tìm cái hay và cái đẹp, ông Browne nói, giọng làm hòa.

- Tại sao hắn không thể hát hay, Freddy Malins cao giọng hỏi, hay chỉ vì hắn là người da đen duy nhất trong buổi nhạc kịch?

Không ai trả lời câu hỏi của Malins, và Mary Jane xoay trọng tâm cuộc thảo luận về đề tài nhạc kịch. Một người học trò gửi cho cô một vé xem vở nhạc kịch Mignon. Vỡ nhạc kịch thật hay làm cô nhớ đến Georgina Burns. Ông Browne kể chuyện xa hơn về các đoàn nhạc kịch người Ý trước kia thường đến trình diễn ở Dublin như Tietjens, Ilma de Murzka, Campanini, the Great Trebella, Giulini, Ravella và Aramburo. Ông ta nói nếu nói ca hát thì những ngày xa xưa đó mới thật có ca hát ở thành phố này. Ông Browne kể rằng hồi đó tối nào rạp hát Old Royal cũng chật ních người, và có một đêm một nam ca sĩ Ý hát năm lần bản Let Me Like a Soldier Fall mà đến lần thứ năm khán giả vẫn còn vỗ tay, và nhiều buổi nhạc kịch hấp dẫn đến nổi mấy người thanh niên coi trật tự nhà hát thay ngựa đích thân kéo đào hát chính về khách sạn. Tại sao bây giờ người ta không diễn các tuồng đại nhạc kịch như Dinorah, Lucrezia Borgia nữa? Ôâng Browne hỏi, và tự trả lời, vì không có ai có giọng tốt như ngày đó.

- Cũng không chắc lắm, ông Bartell D'Arcy nói, tôi thấy bây giờ vẫn có nhiều ca sĩ có tài.

- Ở đâu? Ông Browne hỏi một cách thách thức.

- Ở Luân Ðôn, Ba Lê, Milan, ông Bartell D'Arcy từ tốn nói. Thí dụ ca sĩ Caruso, giỏi đấy chứ, nếu không muốn nói giỏi hơn các ca sĩ trước đây.

- Có thể, ông Browne trả lời, nhưng tôi nghi lắm.

- Trả giá nào để nghe Caruso hát tôi cũng trả, Mary Jane chen vào.

- Ðối với tôi, dì Kate nói, tay với lấy một chiếc xương ngỗng còn dính tí thịt, bây giờ chỉ có một giọng cao đáng gọi là giọng chuông vàng, nhưng chắc chưa ai nghe đâu.

- Ai đó bà Morkan? Bartell D'Arcy lễ phép hỏi.

- Tên ông ta là Parkinson, dì Kate nói. Lúc còn trẻ ông Parkinson có một giọng hát thiên phú.

- Cũng lạ, Bartell D'Arcy nói, tôi chưa hề nghe danh ông ta.

- Vâng, vâng, bà Morkan nói đúng, Browne phụ họa, tôi có nghe Parkinson hát khi ông đã già, đối với tôi ông thuộc thế hệ trước.

- Ðó mới là giọng tươi vui , trong sáng, ngọt lịm của người Anh, dì Kate nói một cách phấn khởi.

Gabriel ăn xong, đĩa bánh put-đinh được mang qua bàn chính, tiếng nĩa muỗng lẻng kẻng chạm nhau. Gretta nhanh nhẹn xén bánh ra đĩa đẩy ra đầu bàn, Mary Jane bỏ thêm vào dĩa hoặc trái mâm xôi hoặc thạch hoặc bánh fơ-lăng và mứt trái cây rồi mời từng người khách. Bánh put-đinh dì Julia làm, và thực khách khen không tiếc lời. Dì nói nếu vàng chút nữa thì ngon hơn.

Gabriel cữ ngọt, lấy một đĩa cần tây. Freedy Malins ăn cần tây với bánh put-đinh. Malins đang chữa bệnh và người ta nói ăn cần tây bổ máu. Mẹ của Malins, nãy giờ im lặng, nói tuần tới con trai bà đi chơi núi Mellray, và mọi người quay qua nói về núi Malleray, nào không khí trong lành, các tu sĩ tin lành hiếu khách, cho đủ thứ mà không bao giờ xin đóng góp.

- Quý vị có nghĩ rằng, Browne lên tiếng, bất cứ ai cũng có thể đến tu viện đó như đến một khách sạn, xài cho đã rồi đi không trả một xu nào sao?

- Ô, không, ai cũng có tặng một số tiền nào đó cho tu viện trước khi về, Mary Jane nói

- Ước gì Giáo hội chúng ta có một cơ sở như vậy. Ông Browne nói một cách thành thật.

Nghe nói chuyện dòng đó tu câm không được nói, tối ngủ trong quan tài gỗ và hai giờ sáng phải thức dậy ông Browne rất ngạc nhiên, hỏi làm vậy để làm gì?

- Ðó là luật của dòng tu, dì Kate trả lời không thắc mắc.

- Vâng, nhưng tại sao? Ôâng Browne hỏi.

Dì Kate lặp lại rằng đó là luật, thế thôi. Thấy ông Browne còn ấm ức Freddy Malins giải thích thêm rằng các tu sĩ tu khổ hạnh để chịu tội thay cho người khác ở ngoài đời. Lời giải thích có lẽ không ổn đối với ông Browne nên ông ta cười nói.

- Chịu tội thay người khác là một hảo ý, nhưng ngủ trên giường hay ngủ trong quan tài thì khác nhau ở chỗ nào?

- Cái quan tài, Mary Jane nói, nhắc người tu sĩ nhớ đến ngày chết.

Bàn ăn im lặng vì câu chuyện vừa tế nhị vừa u ám. Mọi người nghe rõ tiếng bà Malins thì thầm vào tai của người bạn ngồi cạnh.

- Mấy người tu sĩ đó tốt lắm, họ dâng tất cả cho Chúa.

Nho, hạnh đào, sung, táo, cam, chô cô la và kẹo được dọn ra, và dì Julia hỏi thực khách dùng rượu póc-tô gốc Bồ Ðào Nha hay rượu sê-ri gốc Tây Ban Nha. Ông Bartell D'Arcy định từ chối vì không uống được hai thứ đó, một người ngồi bên cạnh thúc cùi chỏ vào hông D'Arcy, rồi nghiêng mình nói nhỏ gì đó, ông Bartell D'Arcy đổi ý đưa li lấy một li đầy. Li rượu chót vừa được rót đầy, mọi người ngừng nói chuyện im lặng chờ đợi. Chỉ còn vài tiếng ho dè dặt và tiếng động chân ghế sửa lại thế ngồi. Ba thanh niên ngồi cạnh nhau bên phải Gabriel gõ tay vào bàn ra hiệu. Căn phòng im bặt tiếng. Gabriel đẩy ghế ra sau lưng đứng dậy. Dựa mười ngón tay trên tấm vải bàn, Gabriel mỉm cười vẻ lo âu. Thấy bao nhiêu con mắt đổ vào mình Gabriel lảng nhìn cây đèn treo giữa trần nhà. Có tiếng đàn piano điệu vanxơ, và Gabriel nghe tiếng chân dìu nhau nhè nhẹ trên sàn phòng bên cạnh. Chàng tưởng tượng có người đang đứng bên bờ sông đầy tuyết nhìn lên chiếc cửa sổ có ánh sáng bên trong, lắng tai nghe điệu nhạc valse. Không khí ngoài kia quá trong lành. Xa xa là công viên cành cây tuyết trĩu nặng bên cạnh bức tượng Wellington chóp mũ phủ đầy tuyết hiên ngang đưa tay chỉ cánh đồng trắng xóa trước mắt phía trời tây.

Gabriel bắt đầu:

- Thưa quý vị,

- Hôm nay đến phiên tôi nói, một vinh dự, nhưng thật khó cho tôi vì tôi không có tài ăn nói.

- Không đúng đâu, không đúng đâu, ông Browne nói.

- Tôi chỉ xin quý vị rộng lượng để tôi được trình bày cảm tưởng của tôi.

- Thưa quý vị. Ðây không phải là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau dưới mái nhà mạnh thường quân này. Cũng không phải đây là lần đầu tiên chúng ta được hưởng - hay nói cách khác là nạn nhân - tính hiếu khách của mấy bà chủ nhà này.

Gabriel chấm dứt câu mở đầu bằng một vòng tay khoát trước cử tọa. Mọi người cười tán đồng. Dì Kate, Julia và Mary Jane mặt ửng hồng e lệ. Thêm can đảm Gabriel tiếp:

- Thời gian càng trôi qua tôi càng cảm thấy rõ rằng tính hiếu khách là tính mang lại cho đất nước chúng ta nhiều vinh dự và là đức tính chúng ta trân trọng giữ gìn nhất. Truyền thống đó đặc biệt cho đất nước chúng ta trong số các nước văn minh lân cận, ít nhất với kinh nghiệm cá nhân của tôi qua nhiều chuyến du lịch nước ngoài. Có thể có một số người cho rằng tính hiếu khách chỉ để bị lợi dụng. Dù vậy đi nữa, tôi vẫn nghĩ đó là một tính cao thượng, quý báu và chúng ta vẫn muốn duy trì. Với tôi đó là một chân lý. Chừng nào còn mái nhà này, còn mấy người phụ nữ đáng kính kia - và tôi hy vọng còn kéo dài nhiều năm nữa - cái truyền thống hiếu khách, lịch sự, trải lòng ra sống với người khác của người Ái nhĩ lan mà cha ông chúng ta để lại và chúng ta sẽ truyền lại cho con cháu vẫn còn mãi mãi.

Có tiếng rì rầm tán thưởng trong cử tọa. Gabriel thoáng nghĩ tiếc cô Ivors không có mặt, cô đã bỏ về trước một cách thiếu xã giao khó hiểu, và chàng tiếp một cách tự tin:

- Thưa quý vi.

- Một thế hệ mới đang lên trong chúng ta với những tư duy và nguyên tắc mới. Một chuyển biến tự nhiên, đứng đắn và đáng khích lệ. Nhưng chúng ta đang sống trong một thời đại mà giới trẻ trăn trở và ngờ vực mọi giá trị, và tôi lo ngại rằng thế hệ mới này với bằng cao học, tiến sĩ, thạc sĩ trong tay không còn giữ các giá trị nhân bản, thương người và tính khôi hài của thế hệ trước. Lúc nãy nghe quý vị nói đến các nghệ sĩ và ca sĩ nổi danh ngày trước tôi thú thật rằng tôi có cảm tưởng không gian chúng ta sống như bị thu hẹp lại. Nói không sợ quá lời, những ngày qua là những ngày phóng khoáng: và nếu thời gian đi qua không kéo lại được chúng ta cũng hy vọng rằng qua những buổi gặp gỡ như hôm nay chúng ta có cơ hội nhắc đến chúng với tự hào và trìu mến, và ghi trong tâm khảm những người đã khuất mà tên tuổi thế giới không hề quên.

- Tuyệt! Tuyệt! Ông Browne kêu lên.

- Nhưng, Gabriel tiếp, giọng trầm xuống dịu dàng, trong những buổi gặp gỡ nhau như thế này chúng ta không khỏi thấy buồn khi nhớ lại quá khứ, tuổi trẻ, những biến đổi, và những khuôn mặt một thời quen thuộc. Ðời sống mỗi người đều có những kỷ niệm buồn, nhưng chúng ta có nên đắm chìm trong những suy tư đó để quên bổn phận đối với những người chung quanh hôm nay không? Chúng ta có bổn phận với những người chung quanh và đòi hỏi sự hăng hái của chúng ta.

- Vì vậy, tôi sẽ không nói nhiều về quá khứ. Tôi sẽ không làm quý vị nản lòng. Hôm nay chúng ta gặp nhau giữa dòng đời bận rộn. Chúng ta gặp nhau như bạn, trong tinh thần bằng hữu, như những người đồng sự, và như những người khách của - tôi tạm gọi - của ba người phụ nữ kiều diễm của thế giới âm nhạc Dublin.

Tiếng vỗ tay lẫn tiếng cười vang dội cả phòng. Dì Julia nghiêng mình hỏi cô cháu ngồi bên cạnh Gabriel vừa nói gì.

- Gabriel nói chúng ta là ba người phụ nữ kiều diễm, Mary Jane trả lời.

Dì Julia không hiểu rõ câu trả lời, nhưng vẫn ngước mắt nhìn Gabriel mỉm cười. Thấy dì Kate nước mắt như muốn tuôn ra trên khóe mắt Gabriel biết đã đến lúc cần kết thúc. Nâng cao ly rượu póc-tô - làm mọi người tự động nâng theo - Gabriel nói lớn:

- Xin cùng chúc mừng cả ba. Xin cạn ly cho sức khỏe, cho sự sung túc, tuổi thọ, hạnh phúc và chúc cả ba tiếp tục duy trì vị trí đáng kính tự hào trong nghề nghiệp và sự quý mến của chúng ta.

Cử tọa đồng loạt đứng dậy, tay nâng li, hướng về phía Kate, Julia và Mary Jane ngồi, đồng thanh hát theo nhịp tay của ông Browne:

Hãy hát tặng những người chủ nhà khả ái.

Hãy hát tặng những người chủ nhà khả ái.

Dì Kate lấy khăn bỏ túi lau nước mắt. Dì Julia cố kiềm chế xúc động. Freddy Malins dùng nĩa đánh nhịp. Thực khách hướng vào nhau hai người một vừa cạn li vừa hát:

Ngoại trừ anh tự gạt mình.

Ngoại trừ anh tự gạt mình.

Rồi hướng về hai dì và Mary Jane cao giọng:

Những người chủ nhà khả ái.

Những người chủ nhà khả ái.

Tiếng vỗ tay vang dội từ phòng ăn qua phòng bên cạnh, và lặp đi lặp lại nhiều lần theo nhịp nĩa cầm tay của Freddy Malins.

Trời sắp sáng. Khí lạnh tạt vào cửa chính nơi nhiều người khách đang đứng chuẩn bị ra về nên dì Kate bảo:

- Ai đứng gần đóng cửa giúp. Bà Malins có thể bị cảm lạnh đó.

- Ông Browne đang ở ngoài, Kate, Mary Jane nói

- Ông Browne ở đâu cũng có mặt, dì Kate thấp giọng.

Mary Jane cười trước giọng e dè của dì Kate.

- Ðúng vậy, Mary Jane bóng bẩy, ông ta lo cho mọi người.

- Vẫn thấp giọng dì Kate nói, mùa Giáng sinh trước ông ta cũng không lúc nào vắng mặt ở đây.

Dì cười một cách tự nhiên điểm chú khôi hài, rồi nói nhanh:

- Nói ông ta đi vào đi Mary Jane, hy vọng ông ta không nghe những gì Cô nói.

Vừa lúc cửa phòng mở ông Browne bước vào miệng cười toe toét. Ông mặc áo khoác nỉ dài đến đầu gối, cổ choàng khăn, đầu đội nón chống tuyết. Chỉ bờ sông đầy tuyết lạnh lẫn tiếng còi xe inh ỏi, ông Browne nói:

- Freddy đang cho gọi hết xe của thành phố Dublin lại đây.

Gabriel từ phòng để áo bước ra, khoác áo choàng vào người, nhìn quanh phòng hỏi

- Gretta chưa xuống nhỉ?

- Gretta đang lấy áo mũ Gabriel, dì Kate nói.

- Ai đánh đàn trên đó?

- Không ai cả, mọi người về cả rồi.

- Không cô Kate! Mary Jane nói, Bartell D'Arcy và cô O'Callaghan còn trên đó.

- Có ai đánh đàn piano, Gabriel nói.

Mary Jane nhìn Gabriel và ông Browne, rùng mình như lạnh nói:

- Thấy hai anh ăn mặc cách đó tôi cũng thấy lạnh lây. Giờ này nếu phải về chắc tôi không đi nổi.

- Tôi thích đi giữa trời tuyết, ông Browne nói, hơn tản bộ giữa một bầu trời mát mẻ hay dạo xe ngựa dưới trời mưa.

- Chúng tôi từng có một con ngựa rất đẹp mã mà không cưỡi đi đâu được, dì Julia nói như tiếc của.

- Ồ Johnny, Mary Jane cười nói.

Dì Kate và Gabriel đều cười:

- Sao! Có gì đặc biệt về Johnny? Ông Browne hỏi.

- Ông ngoại tôi, Patrick Morkan, Gabriel giải thích, vốn là một người sản xuất hồ bột. Ông có một con ngựa tên Johnny thật đẹp hằng ngày chỉ có việc chạy vòng tròn kéo máy xay bột làm hồ. Johnny là một con ngựa cần mẫn ai cũng thương, cho đến một hôm. Hôm đó ông tôi muốn cưỡi ngựa tham dự một buổi diễn hành quân sự cổ truyền trong thành phố.

- Xin Chúa hãy thương linh hồn của Johnny, Dì Kate nói, giọng thương tiếc.

- Gabriel tiếp, ông tôi dùng một chiếc yên ngựa đẹp nhất, đóng bộ đồ lớn, mũ rộng, viền cổ cao và quất ngựa ra khỏi tòa nhà cũ của tổ tiên gần Back Lane mà ông rất tự hào.

Ai cũng cười với lối nói và dáng điệu của Gabriel, ngay cả bà Malins, và dì Kate nói:

- Gabriel, ông ngoại không ở Back Lane, nhà máy làm hồ bột ở đó thôi.

- Vâng, Gabriel tiếp, cố nhịn cười, ông ngoại cỡi ngựa ra đi. Ðến gần công viên bỗng Johnny thấy tượng vua Billy hùng dũng trên lưng một con ngựa cái bằng đá. Không biết vì Johnny mê ngựa của vua Billy hay tưởng pho tượng là cái máy xay nên cứ chạy quanh pho tượng không chịu đi.

Gabriel vừa nói vừa giả bộ con Johnny đi quanh làm mọi người không nhịn được cười.

- Johnny đi hết vòng này đến vòng khác, Gabriel tiếp, ông tôi ra lệnh gì cũng không nghe làm ông già phát khùng. Ông hét lên: Johnny, Johnny, làm trò khỉ gì vậy? Tao không thể hiểu mày được.

Tràng cười theo sự pha trò của Gabriel bỗng dứt vì có tiếng đập mạnh vào cửa. Mary Jane vội ra mở. Freddy Malins lách cửa bước vào, chiếc mũ treo nơi cổ lật ra sau lưng, thở phì phì, xát hai bàn tay vào nhau nói không thành tiếng.

- Tôi chỉ kiếm được một cỗ xe.

- Không sao, chúng tôi sẽ kiếm xe khác.

- Phải, dì Kate nói, không nên để bà Malins chờ lâu.

Malins và Browne giúp dìu bà Malins bước xuống mấy bậc tam cấp trước nhà và sau mấy lần chuyển dịch đưa được bà lên xe. Freddy Malins bước theo lên xe giúp bà ngồi, ông Browne đứng ngoài góp ý. Sau khi bà Malins yên vị Freddy Malins mời ông Browne lên xe. Nhường qua nhường lại một hồi cuối cùng Browne bước lên xe. Người đánh xe kéo tấm chăn phủ lên đầu gối xong nghiêng mình ra ngoài hỏi địa chỉ. Freddy Malins và Browne thò đầu ra hai bên cửa sổ người chỉ lối này kẻ chỉ đường kia làm người đánh xe không quất ngựa lên đường được. Vấn đề là ngừng nơi nào để Browne xuống cho tiện. Ðứng trong cửa dì Kate, Julia và Mary Jane ai cũng tranh nhau chỉ đường giữa tiếng cười tiếng nói. Freddy Malins cười ngất nhoai đầu ra thụt đầu vào làm chiếc mũ chỉ muốn rơi xuống đất, giải thích cho mẹ biết mọi người đang bàn cãi gì, sau cùng ông Browne nói lớn với người đánh xe át hẳn giọng nói và tiếng cười của mọi người.

- Anh có biết đại học Trinity không?

- Thưa ông tôi biết, người đánh xe trả lời

- Anh chạy đến cổng trường đại học Trinity rồi tôi sẽ chỉ tiếp.

- Vâng.

- Hãy chạy thẳng đến đó.

Không trả lời, người đánh xe quất roi vào lưng ngựa. Chiếc xe chuyển bánh chạy dọc bờ sông giữa tiếng cười và lời từ biệt rộn rã.

Gabriel không ra cửa tiển bà Malins. Chàng đứng phía trong phòng khách nơi ít ánh sáng nhìn lên thang gác. Một người phụ nữ đứng đầu kia thang gác cũng trong ánh sáng lờ mờ. Chàng không thấy rõ mặt, chỉ thấy chiếc váy màu đất nung trên đan những đường chỉ lớn hình chữ nhật mầu hồng trong ánh sáng nhạt trông như đen trắng. Ðó là Gretta. Vợ chàng đứng tựa vào cầu thang đang chăm chú nghe một cái gì. Gabriel ngạc nhiên thấy vợ đứng yên như vậy nên cũng lắng tai nghe. Nhưng chàng chẳng nghe được gì ngoài tiếng cười nói ngoài cửa và một vài nốt nhạc piano nhè nhẹ hòa điệu với tiếng hát rất nhỏ của một thanh niên. Gabriel đứng yên ráng tìm trong trí nhớ xem điệu nhạc gì, nhìn vợ và không để ý đến giọng hát. Cách đứng và nghe của nàng có một cái gì vừa quý phái vừa là lạ như gợi một hình ảnh gì. Chàng tự hỏi, một người phụ nữ đứng trong bóng tối trên một cầu thang lắng nghe một điệu nhạc xa xa là hình ảnh gì. Nếu chàng là hoạ sĩ chàng sẽ vẽ một bức tranh vợ chàng trong dáng điệu đó. Chiếc mũ nỉ mầu xanh làm nổi bật mái tóc vàng, những viền hình chữ nhật nổi bật trên chiếc váy sậm mầu hơn, và chàng sẽ đặt tên bức tranh là Nhạc Xa.

Có tiếng đóng cửa, dì Kate, Julia và Mary Jane vẫn chưa hết cười bước vào phía trong.

- Thật tếu, Mary Jane nói, anh chàng Freddy thật là tếu.

Gabriel im lặng chỉ lên đầu cầu thang nơi vợ chàng đang đứng. Bây giờ cửa ngoài đã đóng, tiếng đàn và tiếng hát có thể nghe rõ hơn. Gabriel đưa hai tay ra hiệu hãy im để nghe. Hình như là điệu nhạc của một bài hát cổ Ái nhĩ lan, nhưng không thể nhận ra giọng ai hát. Lời thật buồn, giọng không thanh, văng vẳng từ xa nghe như tha thiết, như khẩn cầu:

Mưa rơi nặng trĩu trên mái tóc tôi

Sương đêm thấm ướt da tôi

Lòng tôi lạnh cóng ....

- Mary Jane nói lớn, Bartell D'Arcy đang hát đó. Ðêm nay anh ấy chưa hát. Tôi phải yêu cầu Anh ấy hát một bài trước khi về.

- Phải, phải, Mary Jane, dì Kate nói

- Mary Jane gạt mọi người bước tới thang gác, nhưng chân chưa tới đầu thang tiếng hát lẫn tiếng đàn im bặt.

- Thật là tiếc, Mary Jane nói, xong hỏi vọng lên, Bartell D'Arcy đang đi xuống phải không Gretta?

Gabriel nghe vợ trả lời phải và nàng bước chầm chậm xuống thang. Theo sau là Bartell D'Arcy và cô O'Callaghan.

- Này ông D'Arcy, Mary Jane nói như thét, ông có biết ông ác lắm không, bỏ ngang bài hát trong khi mọi người đang chăm chú lắng nghe.

- Cả buổi tối, cô O' Callaghan nói, tôi và bà Conroy ép mãi mà Anh ấy không chịu hát nói bị cảm cúm mất giọng.

- Ông D'Arcy, dì Kate nói, bây giờ thì ông hết chối rồi phải không?

- Dì không thấy giọng tôi khan sao? D'Arcy không nể nang đốp chát.

Nói xong D'Arcy bước vội vào phòng lấy áo choàng khoác vào người. Thấy D'Arcy nổi cáu không ai nói gì nữa. Dì Kate đưa mắt ra hiệu mọi người bỏ chuyện đó đi. D'Arcy vừa dùng khăn quàng kín cổ vừa cau mày.

- Sau một giây, dì Julia nói như than, thời tiết xấu quá.

- Vâng. Ai cũng bị cảm lạnh, dì Kate hứng lời, không trừ ai cả.

- Người ta nói, Mary Jane lên tiếng, ba mươi năm qua chưa bao giờ tuyết xuống dày đặt như năm nay, và báo sáng nay tôi đọc cho biết tuyết phủ kín Ái nhĩ lan.

- Tôi thích nhìn thấy tuyết, dì Julia trầm giọng nói.

- Tôi cũng vậy, cô O'Callaghan tiếp lời, tôi nghĩ lễ Giáng sinh không còn là lễ Giáng sinh nếu không có tuyết phủ kín mặt đất.

- Nhưng ông bạn D'Arcy của chúng ta không thích tuyết, dì Kate vừa nói vừa mỉm cười.

D'Arcy bước ra phòng khách, nai nịt đầy đủ, trở nên vui vẻ kể cho mọi người nghe câu chuyện cảm cúm của ông. Ai cũng lo cho ông, người khuyên thế này kẻ khuyên thế khác, nhất là đừng hít khí trời lạnh ban đêm. Gabriel nhìn vợ. Nàng đứng cạnh lò sưởi, không để ý đến câu chuyện của D'Arcy với những người chung quanh, ánh lửa bập bùng chiếu lên mái tóc vàng xinh đẹp mà Gabriel nhớ thấy vợ sấy mấy ngày trước bên cạnh lò sưởi ở nhà. Nàng đứng yên, một thái độ như cách biệt với thế giới bên ngoài. Sau cùng nàng quay nhìn mọi người, Gabriel thấy má vợ ửng hồng, ánh mắt ngời lên sung sướng.

- Ông D'Arcy, nàng hỏi, bài ông vừa hát tên gì nhỉ?

- "The Lass of Aughrim," D'Arcy trả lời, nhưng tôi không chắc lắm. Tại sao? Cô biết bài đó hả?

- The Lass of Aughrim, Gretta lặp lại, tôi từng nghe hát bài đó nhưng không biết tên.

- Bài hát thật hay, Mary Jane nói, tôi tiếc hôm nay ông mất giọng.

- Này Mary Jane, dì Kate nói, đừng làm ông D'Arcy mất vui. Cô không muốn ai làm ông ta mất vui.

Thấy đã đến lúc, dì Kate mời khách ra cửa.

- Xin chào quý vị, dì Kate nói, và cám ơn đã làm cho cuộc vui hôm nay thành công.

- Chia tay nhé, Gabriel, Gretta!

- Xin chia tay, dì Kate, xin cám ơn. Và xin chia tay dì Julia.

- Xin chia tay Gretta, chắc còn lâu lắm dì mới gặp lại cháu.

- Xin chia tay ông D'Arcy, xin chia tay cô O'Callaghan.

- Xin chia tay, bà Morkan

- Một lần nữa, xin chia tay

- Xin chia tay tất cả. Và chúc mọi người về an toàn.

- Xin chào, xin chào

Trời chưa sáng hẳn. Một thứ ánh sáng vàng nhợt phủ trên mặt sông và nhà cửa chung quanh, bầu trời như thấp xuống. Tuyết đang tan ướt nhẹp dưới chân, chỉ còn lại những vệt dài và những mảng tuyết nhỏ còn bám trên mái nhà, trên bức tường chắn kè sông, trên các con đường sắt chạy ngang dọc trên bờ sông. Ðèn đường còn sáng đỏ ngầu trong bầu không khí tranh tối tranh sáng. Bên kia sông tòa lâu đài Four Courts đứng sừng sững như đe dọa dưới bầu trời nặng trĩu.

Chưa có xe, mọi người đi bộ. Gretta đi trước với Bartell D'Arcy. Ðôi giày cuốn trong bọc giấy mầu nâu kẹp dưới nách, hai tay nâng tà váy để khỏi chạm tuyết đang tan. Dáng điệu nàng lúc này không có gì quý phái nhưng đôi mắt Gabriel sáng lên vì sung sướng. Máu chảy mạnh trong huyết quản chàng với bao nhiêu ý tưởng dồn dập trong đầu, thích thú, dịu dàng và khoái cảm.

Gretta đi trước thái độ ung dung thoải mái làm cho Gabriel chỉ muốn rón rén chạy tới, kéo vai nàng và nói nhỏ vào tai những lời âu yếm. Nàng có vẻ yểu điệu như đang cần che chở để chàng chiếm đoạt lấy một mình. Những giây phút thần tiên hương lửa vụt sống lại trong trí nhớ chàng như ánh sao băng. Gabriel muốn nhắc lại cho Gretta những giây phút đó để quên đi những lúc nhọc nhằn nhàm chán của cuộc sống.

Thời gian không làm cho Gabriel thấy Gretta bớt hấp dẫn, trái lại là khác. Sinh con đẻ cái, việc sáng tác của chàng, việc bếp núc nhà cửa hằng ngày của nàng không làm cho ngọn lửa yêu đương của chàng giảm cường độ. Có một lần khi đi xa Gabriel viết cho Gretta, "tại sao những lời ân ái anh viết trên trang giấy này vẫn nhạt nhẽo vô duyên? Bởi vì không một lời nào êm ái bằng tên em"

Những câu chàng viết cho Gretta hiện trở lại với chàng như một điệu nhạc quen thuộc thời thơ ấu, như thúc bách Gabriel chỉ muốn có nàng và chỉ nàng thôi trong lúc này. Sẽ không còn ai chung quanh khi về tới khách sạn, chỉ có nhau, chàng sẽ âu yếm gọi nàng:

- Gretta em,

Có thể nàng đang thay áo quần không nghe chàng gọi. Rồi đồng khí tương cầu nàng nghe tiếng chàng và nhìn chàng ...

Ðến góc đường Wine Tavern bốn người gặp một chiếc xe. Gabriel thấy dễ chịu vì tiếng vó ngựa làm ngưng các ý tưởng vẩn vơ của chàng. Lên xe, Gretta nhìn bâng quơ ra cửa sổ dáng mệt mỏi. Bartell D'Arcy và O'Callaghan không nói gì nhiều đưa tay chỉ đường cho người đánh xe. Con ngựa nặng nề cất bước, chuyển sang nước kiệu, kéo cỗ xe lăn xào xạc trên tuyết đang tan. Gabriel ngồi cạnh Gretta không gợi chuyện.

Khi xe chạy qua cầu O'Connell, cô O'Callaghan nói:

- Người ta nói không ai qua cầu O'Connel mà không thấy một con ngựa trắng.

- Lần này tôi thấy một người mặc đồ trắng, Gabriel nói.

- Ở đâu vậy? Bartell D'Arcy hỏi.

Gabriel chỉ pho tượng tuyết trắng phủ chưa tan, vẫy chào và nói mấy lời thân mật như nói với một người sống.

- Chào anh Dan.

Xe đến khách sạn, Gabriel nhảy xuống, trả tiền xe, mặc cho Bartell D'Arcy quầy quậy bảo đừng. Gabriel cho người đánh xe thêm mấy đồng tiền típ. Người đánh xe cám ơn:

- Xin chúc ông năm mới phát tài.

- Tôi cũng xin chúc ông như vậy. Gabriel thân mật đáp lễ.

Gretta dựa vào đôi cánh tay của Gabriel khi Gabriel đỡ nàng xuống xe. Ðứng trên lề đường Gretta chào tạm biệt và chúc mọi người về nhà ngủ ngon giấc. Nàng tựa nhẹ đầu vào cánh tay Gabriel, nhẹ như lúc nãy trên sàn nhảy. Khi khiêu vũ chàng cảm thấy sung sướng, hãnh diện với cung cách mềm mại yêu kiều của vợ. Và lúc này, đụng chạm da thịt nàng sau khi trí tưởng tượng của chàng đầy ắp kỷ niệm yêu đương, chàng cảm thấy bức xúc thèm muốn xác thịt. Thấy nàng im lặng, Gabriel cầm cánh tay Gretta ép sát vào người; và khi hai người đứng trước cửa khách sạn, Gabriel có cảm tưởng cả hai đang chạy trốn cuộc sống và công việc hằng ngày, trốn nhà trốn cửa, trốn bạn trốn bè, lòng rộn ràng lăn mình vào một cuộc mạo hiểm hoang dại.

Người gác dan già đang ngủ gật trong phòng đợi. Ông chợt tỉnh đứng dậy thắp đĩa đèn cầy dẫn hai người lên thang gác. Gabriel và Gretta im lặng theo ông lão, chân bước nhẹ trên các bậc thang lót thảm dày rất mềm. Ðầu Gretta hơi cúi xuống, đôi vai mệt nhọc, chiếc váy quấn sát bắp chân theo nhịp bước. Gabriel muốn bước tới dùng đôi bàn tay mạnh khỏe của chàng ôm ngang lưng nàng không cho cử động. Chàng ấn móng tay vào bàn tay để tự kiềm chế. Người gác dan dừng lại đầu cầu thang sửa lại chiếc đèn cầy cho thẳng. Gabriel và vợ đứng dưới một bậc thang chờ. Trong im lặng Gabriel nghe rõ tiếng sáp chảy xuống trên chiếc dĩa và tiếng tim chàng đập thùm thụp trong lồng ngực. Người gác dan dẫn hai vợ chồng đi theo một hành lang, mở cửa một phòng bên phải, cẩn thận đặt dĩa đèn cầy trên bàn đêm rồi hỏi ngày mai muốn đánh thức mấy giờ.

- Tám giờ, Gabriel nói.

Người gác dan đưa tay chỉ cho Gabriel công tắc đèn định xin lỗi cáo từ thì Gabriel vội nói.

- Chúng tôi không cần đèn. Ðèn từ ngoài đường chiếu vào đủ lắm rồi. Và,vừa nói vừa chỉ cây đèn cầy, ông đem cây đèn đó đi luôn thì rất tốt. Người gác dan chậm rãi nhấc đĩa đèn cầy, ngạc nhiên về ý muốn ngộ nghĩnh của khách. Ông chúc khách ngủ ngon rồi ra khỏi phòng. Gabriel khóa cửa.

Một vệt sáng lờ mờ từ bóng đèn đường chiếu qua cửa sổ đập vào chiếc cửa ra vào. Gabriel quẳng áo choàng và mũ trên chiếc đi văng rồi bước lại cửa sổ. Chàng nhìn xuống đường như tìm kiếm cái gì giúp chàng kiềm chế bức xúc của cơ thể. Rồi Gabriel xoay người lại tựa lưng vào chiếc tủ bên cạnh. Vợ chàng đã cởi mũ và áo choàng, đang đứng trước một tấm gương lớn hai tay cởi nịt. Gabriel nhìn vợ một giây rồi gọi:

- Gretta

Nàng xoay mình rồi tiến về phía chàng, vệt ánh sáng mờ ôm trọn thân nàng. Thấy nàng mệt, nét mặt nghiêm trang, Gabriel biết chưa phải lúc mặc dù lời ân ái chực sẵn trên môi.

- Em mệt lắm phải không, chàng hỏi

- Vâng, em hơi mệt, nàng đáp.

- Em không cảm thấy bị bệnh chứ?

- Không, chỉ mệt thôi.

Nàng bước đến cửa sổ, dừng lại, nhìn ra ngoài. Gabriel yên lặng chờ đợi, rồi bỗng ngại sự thiếu tự tin sẽ chinh phục mình, Gabriel bất thần lên tiếng:

- Này, Gretta!

- Gì vậy anh?

- Em có biết ông bạn Malins không?

- Chuyện gì vậy?

- Ông ta không đến nỗi tệ, Gabriel nói, đổi giọng làm như chàng chú ý đến chuyện đang nói lắm. Ông ta vừa trả nợ cho anh, một món nợ anh tưởng ông sẽ không bao giờ trả. Tội nghiệp, người ta xem ông không hơn ông Browne, nhưng thật ra ông ta có tư cách hơn nhiều.

Gabriel thấy khó chịu. Tại sao Gretta lơ đãng như vậy? Chàng không biết nên hỏi thế nào. Hay Gretta đang ưu tư một chuyện gì? Ước gì bây giờ Gretta đến sà vào lòng chàng. Bước đến ôm Gretta vào lòng lúc này chàng cảm thấy không được thanh nhã. Không, chàng chỉ làm như vậy khi chàng ghi nhận được lửa yêu đương bừng cháy trong đôi mắt nàng. Chàng không hề bắt nhầm ánh mắt đó.

- Anh cho ông Malins vay tiền hồi nào? Một lúc lâu, Gretta hỏi.

Gabriel cố kiềm chế để khỏi phát nên lời không đẹp đối với anh chàng Malins nghiện rượu, vì điều duy nhất chàng muốn lúc này là hét lên, ghì chặt thân thể nàng, khuất phục nàng. Và chàng nói:

- Vào dịp lễ Giáng sinh khi anh ta mở tiệm bán thiệp trên đường Henry.

Trong ánh sáng lờ mờ Gabriel không nhận ra ngay Gretta đang đi về phía chàng. Nàng đứng trước Gabriel, chăm chú nhìn chàng như người chưa quen. Bỗng nàng khoác đôi tay lên vai chàng, nhón chân hôn vào môi chàng.

- Anh thật là một người rộng lượng, Gretta nói.

Gabriel run lên sung sướng vì cái hôn bất ngờ và lời khen lạ lùng của Gretta, chàng đưa đôi bàn tay vuốt tóc nàng rồi nhẹ vuốt lưng nàng. Tim chàng rộn ràng đập trong lồng ngực. Còn gì hạnh phúc bằng đúng lúc chàng muốn ân ái thì nàng đến với chàng. Có thể nàng đọc được ý nghĩ của chàng. Có thể vì nàng cảm thấy sự rạo rực của chàng nên nàng cũng rạo rực lây. Giờ đây nàng đang ở trong đôi cánh tay chàng, chàng tự hỏi sao lúc nãy mình thiếu tự tin như vậy.

Chàng đứng yên, hai bàn tay ôm đầu Gretta. Bỗng chàng luồn một cánh tay ra sau lưng Gretta kéo thân nàng vào sát thân mình âu yếm hỏi:

- Em yêu của anh, em đang suy nghĩ gì vậy.

Nàng không trả lời, thân thể như cưỡng lại cánh tay của chàng. Vẫn giọng âu yếm Gabriel hỏi lại:

- Nói đi, Gretta, cái gì vậy. Chắc anh cũng biết chứ. Anh cũng biết phải không?

- Nàng không trả lời ngay. Thoáng một giây, Gretta trả lời qua nước mắt.

- Em đang nghĩ đến bài hát The Last of Aughrim.

Nàng vuột khỏi cánh tay của chàng chạy đến giường ngủ hai bàn tay che mặt gục trên giường khóc nức nở. Vừa xúc động vừa ngạc nhiên, Gabriel bất động một lúc rồi đi đến gần nàng. Ði qua chiếc gương đứng Gabriel thấy trọn hình mình trong gương, chiếc áo sơ mi rộng, khuôn mặt sần sùi chính chàng cũng thấy có cái gì lạ lạ mỗi lần nhìn trong gương với đôi kính đeo mắt gọng vàng óng ánh. Gabriel dừng lại cách Gretta vài bước và hỏi:

- Bài hát đó có gì lạ? Và tại sao nó làm em khóc.

Gretta ngẩng đầu khỏi đôi bàn tay, dùng lưng bàn tay chùi nước mắt như một đứa bé. Bằng một giọng cố thật dịu dàng Gabriel hỏi:

- Tại sao vậy Gretta?

- Em đang nhớ đến một người hát bài hát đó đã lâu rồi?

- Và người đó là ai? Gabriel hỏi, mỉm cười.

- Một người em quen ở Galway lúc em sống ở đó với bà ngoại. Gretta đáp.

Nụ cười biến mất trên môi Gabriel. Chàng thấy bực mình và sự ham muốn làm tình với nàng biến thành cơn giận bừng bừng trong huyết quản.

- Một người em đã yêu? Gabriel mỉa mai hỏi.

- Ðó là một thanh niên trẻ tuổi bạn của em, nàng đáp, tên là Michael Furey. Michael thường hát bài The Lass of Aughrim. Anh ấy là một người rất tế nhị.
Gabriel không nói gì thêm, chàng không muốn Gretta nghĩ chàng quan tâm đến người thanh niên tế nhị đó.
- Em tưởng tượng như đang thấy anh ấy trước mắt, Gretta nói sau một giây yên lặng. Không thể nào quên đôi mắt to đen nháy của anh. Như chứa cả nỗi lòng - một nỗi lòng.

- Và em yêu anh ấy? Gabriel nói

- Em thường dạo chơi với Anh ấy, nàng nói, khi em ở Galway.

Một ý nghĩ thoáng qua trí Gabriel.

- Vì vậy em muốn đi Galway với cô Ivors, Gabriel lạnh lùng hỏi.

Gretta nhìn thẳng vào mắt Gabriel và hỏi lại một cách ngạc nhiên:

- Ðể làm gì?

Ðôi mắt của Gretta làm Gabriel lúng túng. Chàng nhún vai trả lời:

- Anh làm sao biết được. Ðể thăm anh ta chẳng hạn.

Gretta tránh đôi mắt của Gabriel, im lặng, mắt nhìn ra cửa sổ theo vệt ánh sáng lờ mờ.

- Một lúc sau, Gretta chậm rãi nói, anh ấy chết rồi. Anh ấy chết năm mười bảy tuổi. Thật là một điều khủng khiếp khi chết yểu như vậy phải không anh?

- Hồi đó anh ta làm gì? Gabriel hỏi, vẫn chưa hết mỉa mai.

- Anh ấy làm cho sở cung cấp khí đốt, nàng nói.

Gabriel cảm thấy bị khinh thường vì Gretta không để tâm đến giọng nói mỉa mai của chàng, và vì hình ảnh từ cõi chết của người thanh niên trẻ tuổi nhân công của hãng cung cấp khí đốt. Trong khi chàng nhớ đến kỷ niệm xưa, nhớ những phút âu yếm bên nhau lòng đầy ham muốn thì vợ chàng so sánh chàng với một hình ảnh khác chôn chặt tận đáy lòng. Gabriel bỗng thấy mình chẳng là gì cả, lố bịch, chỉ biết tiêu tiền của mấy bà dì, một người giả bộ giàu tình cảm nhưng bản chất nóng nảy, ưa diễn thuyết cho những kẻ trưởng giả học làm sang, lý tưởng hóa tài tình tính đam mê nhục dục, một anh chàng ngờ nghệch đáng thương như chàng vừa thấy trong chiếc gương. Như một bản năng Gabriel quay lưng thêm về phía ánh sáng để dấu sự sượng sùng chỉ chực làm nổ tung vừng trán của chàng.

Gabriel muốn gay gắt hỏi thêm nhưng không thể được, giọng chàng trở nên vô thưởng vô phạt.

- Gretta, anh đoán em đã yêu Michael Furey, Gabriel nói.

- Em đã trải qua một thời gian rất đẹp rất thú vị với anh ấy, Gretta trả lời.

Nghe giọng buồn diệu vợi, nửa kín nửa hở của Gretta, Gabriel biết hỏi nữa vô ích, chàng vuốt ve bàn tay của Gretta buồn buồn nói.

- Sao anh ấy chết sớm vậy, Gretta? Bệnh lao hã?

- Em nghĩ anh ấy chết vì em, Gretta trả lời.

Câu trả lời của Gretta làm Gabriel thảng thốt. Lúc chàng tưởng mình đã thắng thì một hình bóng từ cõi vô hình hiện đến đe dọa chàng. Chàng cố chế ngự sự sợ hãi, vuốt mạnh hơn bàn tay của Gretta, không hỏi gì thêm sợ nàng sẽ nói những gì chàng không muốn nghe. Bàn tay Gretta ẩm và ấm, không đáp ứng sự vuốt ve của chàng, nhưng chàng vẫn tiếp tục vuốt ve như chàng vuốt ve lá thư đầu tiên nàng gửi chàng nhận được vào một buổi sáng mùa xuân năm nào.

- Chuyện xảy ra vào một buổi sáng mùa đông, nàng nói, đầu mùa đông khi em sắp từ biệt bà ngoại lên đây để vào tu viện. Anh ấy đang bệnh nằm tại nhà ở Galway và người ta không cho anh ra ngoài. Sở làm đã viết thư thông báo cho thân nhân của anh ấy ở Oughterard, cho biết sức khỏe của anh ấy suy giảm trầm trọng, đại khái như vậy, em không biết rõ lắm.

Ngừng một giây, Gretta thở dài.

- Thật tội nghiệp, nàng nói, anh ấy thật đáng thương và rất mến em. Anh và em thường đi bộ dạo chơi bên nhau như thói quen nam nữ ở thôn quê. Anh ấy định học hát cho khỏe người, giọng anh ấy thật tốt.

- Rồi thì sao? Gabriel hỏi.

- Vào lúc em sắp rời Galway để vào tu viện bệnh của anh ấy trở nặng và bà ngoại không cho em đến thăm anh ấy nên em viết cho anh ấy một lá thư ngắn cho biết em sắp đi Dublin hẹn mùa hè tới sẽ trở về và chúc anh ấy chóng bình phục.

Nàng ngừng một lúc để kiềm chế xúc động, rồi tiếp:

- Ðêm cuối cùng trước khi lên đường trong khi em đang xếp đồ đạc vào va li ở nhà bà ngoại ở đảo Nun bỗng em nghe tiếng sạn ai ném vào khung cửa sổ. Kính cửa sổ mờ không thấy được bên ngoài em vội chạy xuống cầu thang mở cửa ra vườn thì thấy anh ấy đang đứng ở góc vườn người run cầm cập vì lạnh.

- Em có bảo anh ấy trở về không? Gabriel hỏi.

- Em van anh ấy hãy trở về nhà ngay, nếu không sẽ chết trong mưa. Nhưng anh ấy nói anh ấy chẳng thiết sống. Mắt anh ấy sâu thăm thẳm. Anh ấy đứng đó cạnh bức tường dưới một thân cây, giọt mưa rơi lã chã.

- Rồi anh ấy có đi về không? Gabriel hỏi.

- Vâng, anh ấy về. Vào tu viện một tuần em được tin anh ấy chết và thân nhân mang về an táng ở Oughterard, quê anh ấy. Lúc em được tin anh ấy đã ra người thiên cổ.

Nàng ngừng nói, nấc lên. Gục đầu trên chiếc chăn bông nàng nức nở khóc. Gabriel cầm tay nàng một lúc, rồi như cảm thấy xúc phạm nỗi niềm riêng tư của vợ chàng nhẹ đặt bàn tay vợ xuống bước lại cửa sở nhìn mông lung xuống đường.

Nàng đắm chìm vào giấc ngủ.

Gabriel, tựa mình trên cùi tay, quên hết giận hờn, nhìn nàng, mớ tóc rối, miệng hé mở, hơi thở điều hòa. Thì ra nàng có một tâm sự u sầu: một thanh niên đã chết vì nàng. Mình là chồng mà như đi bên cạnh cuộc đời nàng. Chàng bình thản nhìn nàng ngủ như hai người chưa bao giờ sống với nhau như vợ với chồng. Ðôi mắt tò mò của Gabriel dừng lại trên khuôn mặt và mớ tóc nàng, mường tượng khuôn mặt xinh đẹp của nàng ở tuổi dậy thì và thấy thương nàng vô hạn. Chàng không muốn xác nhận với chính mình khuôn mặt bây giờ của nàng không còn đẹp như xưa nhưng chắc chắc không phải là khuôn mặt vì nó Michael Furey chết.

Có thể nàng không nói hết câu chuyện. Chàng nhìn chiếc ghế trên đó Gretta để áo nàng vừa cởi còn ngổn ngang. Một sợi dây lưng thòng xuống đất, đôi giày chiếc đứng chiếc nằm. Chàng tự hỏi cái gì một giờ trước đây làm chàng khao khát Gretta như vậy? Vì bữa cơm thịnh soạn ở nhà mấy bà dì, vì bài diễn văn hơi điệu của chàng, vì rượu vang và khiêu vũ, vì không khí tươi vui khi tiễn biệt nhau, vì đi bên cạnh nàng bên bờ sông dưới tuyết lạnh?

Gabriel cảm thấy đôi vai lành lạnh. Chàng nhè nhè lách mình dưới tấm chăn vải nằm xuống cạnh vợ. Nghĩ đến cuộc đời như một giấc chiêm bao. Chẳng thà chết trong vinh quang hay chết bởi đam mê còn hơn chết già héo hắt. Chàng nghĩ làm sao người đàn bà đang nằm cạnh chàng đây bao nhiêu năm có thể dấu kín trong tim đôi mắt sâu thẳm của người yêu nàng khi anh ta nói với nàng anh không thiết sống.

Nước mắt làm ướt má Gabriel. Chàng chưa bao giờ xúc cảm mãnh liệt như vậy đối với một phụ nữ nào, nhưng chàng biết đó là tình yêu chân thật. Nước mắt tuôn xuống má, trong ánh sáng lờ mờ chàng thấy hình bóng một thanh niên trẻ tuổi ẩn hiện dưới một thân cây giọt mưa đang đổ xuống. Cạnh đó là một thế giới khác, thế giới của người chết. Chàng còn tỉnh nhưng không phân biệt nổi thực và ảo. Chàng thấy mình chìm ngập trong bầu không gian xám ngắt không sờ mó được: thế giới vô hình dành cho người chết như thu nhỏ lại rồi biến mất.

Có tiếng động nhẹ trên ô kính, Gabriel nhìn ra cửa sổ. Tuyết lại xuống. Chàng nhìn hoa tuyết trắng tinh rơi nghiêng nghiêng qua chiếc cột đèn đường. Chàng nghĩ đến con đường trở về nhà. Báo chí tiên đoán đúng, tuyết rơi trên toàn đảo Ái nhĩ lan. Rơi trên đồng bằng miền trung du, trên các ngọn đồi trọc, rơi trên vùng Bog of Allen, và xa hơn về phía tây trên các ngọn sóng của biển Shannon. Tuyết đang rơi trên nghĩa địa nơi đó Michael Furey đang yên nghỉ, trên các tấm mộ bia, trên các cây thánh giá bơ vơ, trên các bụi gai trụi lá. Chàng lịm đi nghe tuyết nhè nhẹ rơi trong vũ trụ, như rơi lần cuối cùng, xuống trên người sống và cả những người trong cõi chết.

Dịch giả Trần Bình Nam

Bài liên quan
  • QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Oe Kenzaburo (1935 - 2023) là nhà văn người Nhật thắng giải thưởng Nobel văn chương cao quý của Viện hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994. Chiến thắng của ông, cùng với chiến thắng của nhà văn Kawabata Yasunari năm 1968, đã giúp Nhật trở thành nước duy nhất ở Châu Á có hai nhà văn thắng giải Nobel văn chương*. Là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật, ông đã có hơn 60 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.
  • TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Franz Kafka là nhà văn người Bohemia gốc Do Thái, nay là Cộng hòa Séc. Ngày nay, mặc dù Franz Kafka được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chỉ còn có riêng một tính từ mang tên ông kafkaesque, tức "kiểu Kafka", nhưng khi còn sống, chỉ vài tác phẩm của ông được xuất bản. Phần lớn các tác phẩm của Franz Kafka được xuất bản sau khi ông chết, do bạn ông là Max Brod thực hiện, bất chấp di nguyện của ông là phải tiêu hủy tất cả các bản thảo.
  • MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    Chân Dung Kẻ Sĩ: James Joyce là nhà văn người Ireland, tác giả của tiểu thuyết Ulysses xuất bản năm 1922. Ông được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, còn Ulysses được xem như một kiệt tác, đến nỗi người ta còn lập ra một lễ tưởng niệm thường niên vào ngày 16 tháng 6 (Bloomsday), là ngày diễn ra các các sự kiện trong tiểu thuyết Ulysses của ông.
  • BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Graham Greene là nhà văn người Anh, tác giả của Người Mỹ trầm lặng, cuốn tiểu thuyết rất ăn khách trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt là tại Anh. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ vào năm 1956, nó đã khiến độc giả Mỹ bị sốc do tác phẩm của nhà văn người Anh đã mô tả người Mỹ là những kẻ giết người, một sự thật mà người Mỹ khó có thể chấp nhận. Cuốn sách của ông đã giúp độc giả thế giới nói chung và độc giả phương tây nói riêng, hiểu được tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ, những kẻ xâm lược với đội quân hùng mạnh nhất hành tinh tới từ bên kia đại dương.
  • CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. Theo xu hướng của những nhận xét này, có thể xem "Chiếc áo choàng" (tiếng Nga: Шине́ль -1842) là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nikolai Gogol, khi nó thể hiện thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất trong viết lách của Gogol, mà nếu muốn tóm gọn lại, thì không ai nói chính xác hơn nhà ngoại giao, phê bình văn học người Pháp Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910). Ông nói (thường bị nhầm lẫn là do Fyodor Dostoevsky nói) : "Tất cả chúng ta đều chui ra từ Chiếc áo khoác của Gogol".
  • NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người trong bao (The Man in a Case) là phần đầu, cùng với lần lượt hai truyện ngắn tiếp theo gồm "Gooseberries" và "About Love", thuộc một tác phẩm mà sau này được người ta gọi là “tiểu bộ ba”* của nhà văn vĩ đại nước Nga Anton Chekhov. Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946).
  • NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Anton Chekhov được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dù ban đầu, Chekhov theo học ngành y tại Đại học y khoa Moscow và trở thành một bác sĩ, nhưng cuối cùng ông lại là một nhà văn xuất chúng, với những sáng tạo đã làm thay đổi tiến trình phát triển của truyện ngắn hiện đại.
    Nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov (1899-1977), tác giả của cuốn tiểu thuyết Lolita in năm 1955, xếp thứ tư trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 vào năm 2007 của nhà xuất bản Mỹ Modern Library, đã chê tác phẩm của Chekhov nhưng cũng khen nức nở rằng, "nhưng tác phẩm của ông ấy là thứ tôi sẽ mang theo nếu phải đi tới hành tinh khác". Ông còn gọi truyện Người đàn bà và con chó nhỏ là "một trong những truyện ngắn vĩ đại nhất từng được viết nên".
    Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946). Bà là dịch giả người Anh đầu tiên dịch nhiều tác phẩm của Anton Chekhov sang tiếng Anh. Tổng cộng, bà đã dịch 71 tập văn học Nga, bao gồm các tác phẩm của các nhà văn Nga nổi tiếng như Ivan Turgenev, Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Ivan Goncharov, Alexander Ostrovsky và Alexander Herzen. Nhiều tập trong số đó vẫn còn được in cho đến ngày nay.
  • NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO là truyện ngắn trong tập truyện ngắn Trẻ em cũng là thường dân (Children Are Civilians Too) của nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 Heinrich Böll. Tập truyện minh họa cho cách kể chuyện tinh tế và sắc thái của Heinrich Boll ở mức tuyệt vời nhất, vẽ ra những bức chân dung tuyệt đẹp về những con người bình thường trong những năm tháng đen tối ở nước Đức sau chiến tranh.
  • ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ảo Hóa là một câu chuyện trong tiểu thuyết Trò chơi ngọc pha lê (The Glass Bead Game) tác phẩm lớn cuối cùng của nhà văn, nhà thơ Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 Hermann Hesse. Với tư tưởng chống phát xít, từ nửa cuối thập niên 1930, không một nhà xuất bản hay tờ báo nào ở Đức dám đăng các tác phẩm của Hermann Hesse nữa. Và vì thế ông đã viết Trò chơi ngọc pha lê giữa những tin tức khủng khiếp của Chiến tranh thế giới Thứ Hai và xuất bản tác phẩm ở Thụy Sĩ năm 1943.
  • ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đốt Lửa của nhà văn Jack London có hai phiên bản được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau, một ở năm 1902 và bản còn lại ở năm 1908. Mặc dù có cấu trúc và cốt truyện gần tương tự nhau, nhưng phiên bản năm 1908 khủng khiếp hơn nhiều, và vì thế, nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn người Mỹ, thường xuyên có mặt trong các tuyển tập văn chương.