chan_dung-ke_si

CÁI KÍNH – Truyện ngắn Aziz Nesin

27-02-2024

Lượt xem 1886

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Aziz Nesin

CÁI KÍNH – Truyện ngắn Aziz Nesin

Aziz Nesin và nhà thơ Xuân Quỳnh - Ảnh chụp năm 1982

Chân Dung Kẻ Sĩ; Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin là tác giả của Những người thích đùa, người duy nhất ở đất nước hậu duệ của Đế chế Ottoman, sống được nhờ nhuận bút từ các cuốn sách của mình.

Một hôm, cách đây chừng bảy, tám tháng, có người bạn hỏi tôi:

- Tại sao anh không đeo kính?

- Làm sao tôi phải đeo?

- Tuổi anh bây giờ là phải đeo rồi chứ còn sao nữa. Không đeo, đến lúc mắt hỏng nặng, không nhìn thấy gì đâu!

Từ lúc người bạn đó ra về, mắt tôi tự dưng mờ hẳn. Nhìn gần nhìn xa đều không rõ nữa.

Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học! Nhưng cái mơ ước ấy của tôi không thực hiện được, vì tóc tôi mỗi ngày một dày thêm. Thế thì ít ra tôi cũng nên sắm cái kính mà đeo vậy. Ai nhìn thấy tôi, người ta phải bảo: bác học đấy!

Vậy là tôi đi khám đốc tờ. Khám xong, ông này bảo tôi: - Anh bị cận thị! 1,75 đi ốp! Theo đơn ông ta dặn, tôi sắm một cái kính. Nhưng cứ động đeo vào là tôi thấy mặt mày sa sầm, buồn nôn không chịu được. Thậm chí có lần, nói vô phép các bạn, tôi nôn thật! Nôn thốc nôn tháo, nôn ra cả mật xanh mật vàng. Không đeo thì không nhìn thấy gì, mà đeo thì tuy nhìn thấy được, nhưng lại bị cảm giác buồn nôn. Thật đúng là khổ!

Một ông bạn khác thương hại bảo tôi:

- Tôi có thể giới thiệu với anh một ông bác sĩ giỏi. Anh hãy đến ông ta khám xem! Ông bác sĩ này xem mắt tôi, rồi xem chiếc kính.

- Thằng cha lang băm nào cho anh đơn mua cái kính này thế? Có phải anh bị cận thị đâu!

- Thế tôi bị làm sao ạ?

- Viễn thị! 2 đi ốp!

Tôi lại mua kính mới. Ðeo chiếc kính này tôi không còn thấy chóng mặt buồn nôn nữa, nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Ðâm ra mắt tôi lúc nào cũng đỏ hoe; như khóc ai vậy. Tôi bị cái cảm giác thương xót rất lạ. Cặp kính này chỉ có đeo để đi đưa đám là hợp.

Một ông bạn thân tỏ vẻ ái ngại cho tôi:

- Thế này thì cậu đến mù mất! Cậu phải đi khám bệnh viện nhà nước xem sao! Ở đấy họ khám cẩn thận. Lại có giáo sư nhãn khoa nữa, chứ không như mấy ông bác sĩ tư!

Bệnh viện nhà nước quả là có khác thật: máy móc nhiều, mà dụng cụ cái gì cũng sáng nhoáng.

Tôi được một giáo sư khám. Tôi kể cho giáo sư nghe cái bất hạnh của tôi: - Người thì bảo tôi là cận thị, người thì bảo là viễn thị!

Giáo sư giận lắm:

- Quân ngu! Anh không phải cận thị, cũng không phải viễn thị, mà là loạn thị!

Theo đơn của giáo sư, tôi mua đôi kính khác. Cặp kính này tôi đeo vừa lắm, trông cái gì cũng rõ. Phải mỗi tội bây giờ cái gì như cũng lùi hẳn ra xa. Mấy bức tường trong căn buồng tôi sống hàng chục năm nay dường như bị lùi xa đến hàng ba chục thước. Tôi giơ tay chực bắt tay người quen, nhưng không sao với tới được. Ðịnh viết, giấy đã chạy xa khỏi tay đến hai thước. Nhìn vật gì cũng thấy bé tí xíu. Người thì chỉ bằng hạt đậu ván… Nhưng hại nhất là tôi không ăn uống gì được. Vì vừa ngồi vào bàn là đĩa thức ăn đã chạy đi xa hai chục thước rồi. Mùi súp nóng bốc ngay dưới mũi, nhưng cứ cầm thìa chực múc, thì bát súp đã ở cách xa hàng hai mét! Tôi không ăn uống cử động gì được nữa.

Một anh bạn phải dắt tay tôi đến một bác sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ về. Khám xét cẩn thận xong ông ta bảo tôi:

- Ðứa nào cho anh đơn mua cái kính này đây? Ðúng là đồ lang vườn dốt nát! Anh cứ kiện lên phòng công tố cho nó bỏ mẹ!

- Thôi! Cứ để thánh Allah trừng phạt hắn! - Tôi nói.

Tôi lại thay kính mới. Bây giờ mắt tôi nhìn cái gì cũng hoá hai. Nhà tôi đang bảy người, bỗng nhiên thành mười bốn. Mỗi người lại có một người giống hệt mình. Thật tôi chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy. Chả lẽ lại có những người giống nhau đến mức độ như thế hay sao? Vô lý quá! Nhìn xuống chân thì thấy bốn chiếc ủng, nhìn bàn tay thì thấy có mười ngón!

Tôi đến một ông bác sĩ khác. Ông này học ở Ðức về.

- Ai bảo anh đeo kính này?

- Làm sao ạ?

- Sai chứ còn sao nữa! Hóa ra một mắt tôi bị viễn, còn mắt kia thì cận. Vị danh y mới lại ghi cho tôi chiếc kính khác. Bây giờ tôi không phân biệt được sáng tối nữa. Xung quanh tôi tối như hũ nút.

- Ðứa dốt nào ghi cho anh chiếc kính này vậy hả? Mắt anh hoàn toàn bình thường, có làm sao đâu?

- Nhưng tôi không thấy gì cả! Tối cứ như bưng ấy!

- Thế là anh bị quáng gà thôi, chứ chẳng có làm sao hết!

Lại uống thuốc, lại tiêm, lại kính mới… Bây giờ các vật ở xa trông lại hoá gần. Chân đáng lẽ leo lên tàu thuỷ, thì lại bước ngay xuống biển… Vì tàu chưa cập bến, nhưng trông cứ như đã ngay sát bờ. Không còn viên bác sĩ nào trong tỉnh là tôi chưa mò đến! Ông này bảo mắt phải tôi cận, mắt trái viễn thì ông khác nói ngược lại. Ông trước kêu bị loạn thị thì ông sau phán là bị đục nhân mắt. Ðeo kính của cái ông bảo tôi bị đục nhân mắt, thì cái gì cũng ra màu xanh cả. Có ông còn đoán tôi bị chứng mù màu. Nhìn phía trước, nhìn sang bên, nhìn xa nhìn gần, cái gì cũng biến thành hai, màu sắc lẫn hết. Ði trên đường thẳng mà tôi có cảm giác như bước xuống cầu thang, mỗi bậc cách nhau hàng bốn năm chục phân. Tôi cứ soải bước từng bước dài như lạc đà vậy.

Một lần, đang đi trên cầu, thế quái nào tôi bước hụt một cái, ngã lăn quay xuống dưới. Vì cứ tưởng những bậc cầu thấp hơn đến một mét. Cái kính bị văng đi làm tôi không nhìn thấy gì nữa. Cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Người ta đỡ tôi dậy:

- Cái kính của tôi đâu rồi? - Tôi hỏi.

Họ tìm thấy kính đưa cho tôi. Tôi đeo kính vào thì… Thánh Allah ơi!… Mọi vật bỗng trở nên sáng sủa rõ ràng quá! Vật nào đúng vật nấy, rõ mồn một! Rõ như chưa bao giờ tôi có thể nhìn rõ vậy. Hay kính của người khác chăng? Không! Ðích thị kính của tôi đây mà! Ðúng gọng sừng to màu đen đây! Tôi sướng không sao tả được! Bây giờ thì đừng hòng tôi bước chân đến một anh bác sĩ mắt nào nhé! Tôi đã đọc được cả mấy dòng chữ nhỏ nhất trên báo và nhìn rõ cả tên chiếc tàu thuỷ đậu tít ngoài xa. Tôi đi về nhà, lòng vô cùng sung sướng.

- Kính của anh sao thế kia? - Vợ tôi hỏi.

- Làm sao? Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng!

Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết.

 

Thái Hà dịch

Bài liên quan
  • LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    Chân Dung Kẻ Sĩ:  Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway với "Nguyên lý tảng băng trôi", là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Giã từ vũ khí (1929); Chuông nguyện hồn ai (1940); Ông già và biển cả (1952). Năm 1954 ông thắng Giải Nobel Văn Chương và để lại nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học Mỹ.
  • HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

    HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Ivan Bunin đến với văn chương từ những bài thơ sáng tác năm 1981. Mãi đến năm 1894, ông mới xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên. Những năm sau đó, mặc dù các tác phẩm của ông được nhiều người khen ngợi nhưng phải đến năm 1910, khi cuốn Ngôi Làng ra mắt, ông mới trở nên thực sự nổi tiếng. Không những vậy, Ngôi Làng còn giúp ông trở thành nhà văn người Nga đầu tiên thắng Giải Nobel Văn Chương vào năm 1933.
  • CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

    CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Mikhail Sholokhov là tác giả của bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm, một trong những tác phẩm văn chương vĩ đại nhất của nước Nga. Tác phẩm này đã đưa ông tới chiến thắng mùa giải Nobel Văn Chương năm 1965.
  • RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

    RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Cố Thủ Tướng nước Anh Winston Churchill (1874-1965) người duy nhất là nguyên thủ một quốc gia từng thắng giải Nobel văn chương (năm 1953) với cuốn sách Hồi ức về Chiến tranh thế giới thứ hai (The Second World War, sáu tập, 1948-1953).
  • TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn người Clombia Gabriel José García Márquez là tác giả thắng Giải Nobel Văn chương năm 1982 với tác phẩm Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad, 1967). Ngoài ra, ông cũng rất nổi tiếng với tác phẩm Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera, 1985), viết sau khi ông thắng Giải Nobel và được công nhận là một trong 100 tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha hay nhất trong hàng chục năm qua. Tờ New York Times ca ngợi Tình yêu thời thổ tả là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là "tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim".
  • NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Heinrich Böll là nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 với tiểu thuyết Gruppenbild mit Dame (Bức chân dung tập thể với một quý bà). Ông được coi là hiện thân của văn chương Đức hậu chiến, một người bước ra từ chiến tranh.
  • CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Guy de Maupassant là tác giả viết truyện ngắn nổi tiếng người Pháp, với một sinh lực dồi dào nhưng có tâm trạng bi thảm. Trong khoảng mười một năm sáng tác, ông đã viết khoảng 300 truyện ngắn và 6 tiểu thuyết... trước khi mất ở tuổi 42.
  • HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse  là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    Chân Dung Kẻ Sĩ: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”, lời của Viện Hàn lâm Thụy Điển (tiến sĩ Anders Usterling) khi trao giải Nobel Văn chương tới nhà văn xuất chúng nhất nước Nhật từng sản sinh ra.