chan_dung-ke_si

CÁI CÂN NHÀ HỌ BALEK – Truyện ngắn Heinrich Böll

01-03-2024

Lượt xem 1496

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Heinrich Böll

CÁI CÂN NHÀ HỌ BALEK – Truyện ngắn Heinrich Böll

Nhà văn Heinrich Böll (1917-1985)

Ở quê ông tôi, phần đông người ta sống bằng nghề dần gai. Từ năm thế hệ nay, họ phải hít bụi tỏa ra từ những thân gai vỡ nát, những dòng họ nhẫn nại, vui tươi, hễ tới bữa thì ăn phó-mát dê, khoai tây, thỉnh thoảng mới làm thịt một con thỏ; tối đến, họ kéo sợi, đan len trong phòng, uống trà bạc hà, và như thế là họ đã hạnh phúc. Ban ngày, họ dần gai trong những máy cũ kỹ, phó mặc mình cho bụi bặm và hơi nóng bốc ra từ những lò sấy. Phòng họ chỉ có một giường duy nhất hình dạng giống cái tủ, dành riêng cho cha mẹ, còn con cái thì ngủ trên những ghế dài để quanh đó. Buổi sáng, mùi xúp đặc tỏa khắp phòng họ; chủ nhật thì có pút-đing [1], và trong những ngày thật trọng thể, mặt các đứa bé đỏ hồng lên vì vui sướng khi màu cà phê hạt sồi [2] cứ nhạt dần theo lượng sữa mẹ chúng tươi cười rót vào tô của chúng.

Cha mẹ đi làm sớm, giao việc nhà cho con cái; chúng quét phòng, dọn dẹp, rửa chén và gọt khoai tây, những củ khoai vàng nhạt thật quý nên chúng phải cho cha mẹ xem đống vỏ mỏng để khỏi bị nghi ngờ là phung phí hay khờ dại.

Đi học về, trẻ con phải vào rừng kiếm nấm, dược thảo tùy theo mùa: xa diệp thảo và bách lý hương, thì là và bạc hà hay cả mao địa hoàng nữa. Mùa hè, sau khi gặt cỏ khô trên những cánh đồng thưa, chúng đi kiếm cúc bất tử. Mỗi kí lô cúc bất tử được một xu, trong khi ở ngoài phố, nhà thuốc bán cho mấy bà căng thẳng thần kinh với giá hai mươi xu mỗi kí. Quý hơn, là nấm: mỗi kí lô được hai mươi xu, còn giá bán ở các cửa hàng ngoài phố tới một mác hai mươi. Mùa thu trời ấm, nấm mọc nhiều, trẻ con mò đến tận rừng sâu để kiếm, và gần như gia đình nào cũng có những chỗ hái nấm riêng, những chỗ được rỉ tai từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Các khu rừng đều thuộc họ Balek những máy dần gai cũng vậy, và họ Balek có một lâu đài ở quê ông tôi. Vợ người gia trưởng có một phòng nhỏ gần chỗ nấu sữa để cân và trả tiền nấm, dược thảo, cúc bất tử. Trên cái bàn ở phòng ấy, họ Balek để một cái cân lớn cổ xưa, trang trí rườm rà, sơn màu đồng đỏ. Hồi nhỏ, ông bà cố của tôi đã từng đứng trước nó, và với những giỏ nấm con, những bao cúc bất tử trong đôi tay lấm đất, họ chăm chú xem bà Balek phải ném bao nhiêu quả cân lên dĩa, cây kim dao động mới dừng đúng trên cái vạch đen, cái vạch mỏng manh của sự công bằng ấy hàng năm đều phải kẻ lại. Rồi bà Balek lấy quyển sổ lớn có gáy da nâu ra ghi trọng lượng và trả mấy xu hay mấy hào, năm thuở mười thì mới được một mác. Và lúc ông tôi còn nhỏ, ở đó có cái lọ lớn đựng loại kẹo chua giá mỗi kí một mác, và những khi vui vẻ, bà Balek ngự trị cái phòng nhỏ ấy thò tay vào lọ lấy cho mỗi đứa một viên kẹo, và mặt chúng đỏ ửng lên vì vui sướng như trong những ngày thật trọng thể, mẹ chúng rót sữa vào tô cà phê, màu cà phê cứ nhạt dần theo lượng sữa cho tới lúc vàng hoe như bím tóc con gái.

Một trong những luật họ Balek đặt ra cho dân làng là: không ai được phép giữ một cái cân ở nhà. Luật ấy xưa đến nỗi chẳng ai nghĩ nó xuất hiện lúc nào và vì lý do gì, nhưng nó phải được tuân theo, vì người phạm luật sẽ mất việc dần gai, sẽ không được phép cung cấp nấm, bách lý hương, cúc bất tử nữa, và quyền lực của họ Balek lớn đến nỗi ở những làng lân cận cũng không ai dám mướn người phạm luật hay mua dược thảo người ấy hái được trong rừng. Nhưng từ khi ông bà sơ tôi còn là những đứa trẻ đi kiếm nấm cho nhà bếp của những người Praha giàu có để làm tăng hương vị món rán hay bánh pa-tê, từ khi ấy, không ai nghĩ tới việc phạm luật: bởi vì bột thì có cốc đo thể tích, trứng có thể đếm, sợi tính được bằng mã Đức, vả chăng cái cân cổ trang trí bằng đồng đỏ ấy không hề gây ấn tượng là nó không đúng, và năm thế hệ đã tin tưởng ở cây kim đen, giao phó những gì họ thu nhặt được trong rừng với lòng nhiệt thành của tuổi thơ.

Dù rằng trong số những người trầm lặng ấy cũng có kẻ coi thường luật lệ, đó là đám săn bắn trái phép, trong một đêm lại muốn kiếm nhiều tiền hơn cả tháng lương ở nhà máy dần gai, nhưng ngay cả đám này cũng không dám nghĩ tới việc mua hay lắp ráp lấy một cái cân. Ông tôi là người đầu tiên có đủ can đảm để kiểm tra sự công bằng của họ Balek, những kẻ sống trong lâu đài, đi xe hai ngựa, thường xuyên cấp tiền cho một cậu bé trong làng học thần học ở chủng viện Pra-ha, những kẻ mà thứ tư nào linh mục cũng tới nhà chơi ta-rô [3] và cứ đầu năm thì đại úy quận trưởng tới thăm bằng xe ngựa mang huy hiệu hoàng đế, những kẻ được hoàng đế phong danh hiệu quý tộc đầu năm 1900.

Ông tôi vừa chăm chỉ lại vừa khôn ngoan: ông chui vào rừng xa hơn mọi đứa trẻ khác trong họ, ông tới cả bụi rậm, nơi truyền thuyết cho là chỗ ở của Bilgan, tên khổng lồ canh giữ kho tàng người Balder. Nhưng ông tôi không sợ Bilgan: ngay từ nhỏ, ông tôi đã tiến sâu vào bụi rậm vơ một lượng nấm lớn về nhà, ông tìm được cả nấm củ, loại nấm bà Balek tính tới ba mươi xu một cân. Ông tôi ghi lại tất cả những gì ông mang tới nhà họ Balek vào mặt sau một tờ lịch: từng cân nấm, từng gram bách lý hương, và với nét chữ trẻ con, ông ghi ngay bên phải số tiền nhận được; ông viết nguệch ngoạc từng xu con suốt từ lúc bảy tuổi cho tới khi lên mười hai. Khi ông lên mười hai, khi ấy năm 1900, họ Balek được hoàng đế phong tước nên tặng mỗi gia đình trong làng một phần tư cân cà phê thật, loại nhập từ Brésil; ngoài ra còn có bia và thuốc lá miễn phí cho các ông, và người ta mở tiệc lớn trong lâu đài; nhiều cỗ xe đậu trên đường viền cây bạch dương dẫn từ cổng tới lâu đài.

Nhưng hôm trước ngày lễ, người ta đã phát cà phê tại căn phòng nhỏ, nơi để cái cân của họ Balek gần một trăm năm nay, họ bây giờ được gọi là Balek von Bilgan [4] vì theo truyền thuyết, tên khổng lồ Bilgan có một lâu đài nằm ngay chỗ các tòa nhà của họ.

Ông tôi thường kể cho tôi nghe chuyện ông đến đó sau buổi học để lấy cà phê cho bốn gia đình: gia đình họ Cech, họ Weidler, họ Vohla và gia đình họ Brăcher của ông. Lúc ấy, vào buổi chiều trước giao thừa: phải trang hoàng phòng, phải làm bánh, và người ta không muốn cho tới bốn đứa con trai đến lâu đài để lấy mỗi đứa một phần tư cân cà phê cho gia đình mình.

Thế rồi ông tôi ngồi trên băng gỗ nhỏ hẹp, trong khi chị giúp việc tên Gertrud đếm mấy gói cà phê để sẵn, bốn gói, mỗi gói một phần tám kí lô, và ông tôi nhìn cái cân còn để quả cân nửa kí trên dĩa trái; bà Balek von Bilgan vắng mặt vì bận việc chuẩn bị buổi lễ. Và khi chị Gertrud định thò tay vào lọ kẹo chua lấy một viên cho ông tôi, chị thấy hết kẹo: mỗi năm một lần phải đổ thêm vào lọ một kí lô kẹo giá một mác.

Chị Gertrud cười, bảo:

- Đợi một chút, chị đi lấy kẹo mới.

Một mình với bốn phần tám kí lô cà phê đã được gói kỹ ngay tại hãng buôn, trước cái cân còn để quả cân nửa kí, ông tôi lấy bốn gói cà phê nhỏ để trên cái dĩa trống, và tim ông đập thình thịch khi cây kim đen của sự công bằng dừng lại bên trái cái vạch, dĩa có quả cân nửa kí nằm phía dưới, còn nửa kí cà phê thì lơ lửng bên trên; lúc ấy, giả như đang nằm sau bụi cây trong rừng để chờ tên khổng lồ Bilgan, tim ông cũng không đập mạnh như thế. Và ông tìm những viên sỏi lúc nào ông cũng mang trong người để lắp ná bắn mấy con chim sẻ khi chúng mổ bậy rau cải mẹ ông trồng - phải để ba, bốn, năm viên sỏi cạnh bốn gói cà phê, dĩa có quả cân nửa kí mới được nâng lên và cuối cùng, cây kim nằm đúng trên cái vạch đen. Ông tôi lấy cà phê xuống, gói mấy viên sỏi vào mùi soa, và khi chị Gertrud trở lại với cái bao lớn chứa một kí lô kẹo chua, số kẹo vừa đủ để màu hồng vui sướng lại hiện trên mặt các đứa trẻ trong cả năm trời, khi chị Gertrud đổ kẹo lách cách vào lọ, cậu bé xanh xao đứng đó, và dường như không có gì thay đổi cả. Ông tôi chỉ lấy ba gói nhỏ, và chị Gertrud kinh ngạc khi cậu bé ném viên kẹo xuống đất đạp nát rồi nói:

- Em muốn nói chuyện với bà Balek.

- Bà Balek von Bilgan, nghe!

Chị Gertrud bảo:

- Dạ, bà Balek von Bilgan.

Nhưng chị Gertrud cười nhạo ông, và ông trở về trong bóng đêm, đem cà phê đến nhà họ Cech, họ Weidler, họ Vohla và nói tháo là ông còn phải tới linh mục nữa.

Nhưng ông đi vào bóng đêm với năm viên sỏi trong mùi soa. Ông phải đi thật xa mới tìm ra người có cân, hay đúng hơn, người được phép có cân; ở các làng Blaugau và Bernau không ai có, ông biết vậy nên không dừng bước ở hai làng ấy, và ông đi suốt hai tiếng đồng hồ cho tới phố nhỏ Dielheim, nơi dược sĩ Honig ở. Từ trong nhà có mùi bánh rán bay ra, và khi ông Honig mở cửa cho cậu bé lạnh cóng vào, hơi thở ông có mùi rượu punch [5], điếu xì gà ướt ngậm giữa cặp môi mỏng.

- Sao, phổi ba cháu nặng hơn phải không?

- Dạ không, cháu tới đây không phải để lấy thuốc, cháu muốn...

Ông tôi mở cái mùi soa lấy năm viên sỏi đưa cho ông Honig và nói :

- Cháu muốn nhờ bác cân giùm cái này.

Ông tôi sợ sệt nhìn ông Honig, nhưng thấy ông ấy không nói gì, không giận dữ mà cũng chẳng hỏi gì thêm, ông mới nói:

- Đó là cái còn thiếu cho sự công bằng.

Và bây giờ vào phòng ấm, ông tôi mới cảm thấy chân mình ướt như thế nào. Tuyết đã lọt vào đôi giày tồi tàn, và cành lá trong rừng trút tuyết xuống người ông, giờ tuyết tan ra, ông thấy đói và mệt, rồi ông bật khóc vì nghĩ đến bao nhiêu nấm, hoa, dược thảo đã được cân bởi cái cân thiếu công bằng tới năm viên sỏi ấy. Khi ông Honig lắc đầu nhìn năm viên sỏi trong tay và gọi vợ ra, ông tôi nghĩ đến bao thế hệ ông bà, cha mẹ, ai cũng phải để cái cân ấy cân nấm, hoa mình kiếm được, rồi như bị làn sóng bất công ập xuống người, ông tôi bắt đầu khóc dữ hơn, và dù không ai bảo, ông cũng ngồi xuống ghế, không thấy chiếc bánh rán và tách cà phê nóng bà Honig mập mạp tốt bụng dọn ra cho ông. Ông chỉ ngừng khóc lúc ông Honig trở lại, lắc lắc mấy viên sỏi trong tay, nói với vợ:

- Đúng năm đê-ca-gram rưỡi.

Ông tôi lại đi xuyên rừng hai tiếng đồng hồ. Ở nhà bị đòn, ông lặng im, không trả lời câu hỏi cà phê ở đâu, cả buổi tối ông không nói một tiếng, cứ tính đi tính lại từ mảnh giấy ghi tất cả những gì ông cung cấp cho bà Balek von Bilgan, và đúng nửa đêm, pháo nổ ở lâu đài, cả làng dậy tiếng hò reo, những con quay gỗ kêu đôm đốp và cả gia đình ôm nhau hôn, ông tôi nói vào sự tĩnh mịch của đầu năm mới:

- Họ Balek nợ tôi mười tám mác ba mươi xu.

Và ông lại nghĩ đến bao trẻ em trong làng, đến anh Fritz là người kiếm được nhiều nấm, đến chị Ludmilla của ông, đến hàng trăm đứa trẻ, đứa nào cũng thu nhặt nấm, hoa và dược thảo cho họ Balek, và lần này, ông không khóc nữa mà kể khám phá của mình cho cha mẹ, anh chị nghe.

Ngày đầu năm, khi họ Balek đến dự lễ lớn ở nhà thờ trong chiếc xe mang huy hiệu mới - một tên khổng lồ ngồi chồm hỗm dưới gốc cây vân sam - màu xanh lam và vàng kim, họ thấy những gương mặt cứng rắn của dân làng, những cặp mắt nhìn họ trân trối. Họ chờ đợi những tràng hoa trong làng, khúc nhạc chào mừng ban sớm, tiếng hoan hô vạn tuế, nhưng cả làng như hoang vắng khi xe họ chạy qua. Trong nhà thờ, những gương mặt xanh xao quay lại nhìn họ, câm lặng và thù nghịch, và khi linh mục lên tòa giảng để thuyết giáo, ông cảm thấy vẻ lạnh lùng trên những gương mặt thường ngày vẫn bình thản, hiền lành ấy, và ông giảng lấp láp cho xong rồi trở lại bàn thờ, mình đẫm mồ hôi. Sau lễ nhận thánh thể, họ Balek rời nhà thờ, đi giữa hai hàng người câm lặng với những gương mặt xanh xao. Nhưng bà Balek von Bilgan còn ở lại phía trước, gần các băng dành cho trẻ em để tìm ông tôi, lúc ấy là cậu Franz Brăcher xanh xao, và hỏi ông:

- Sao mày không lấy cà phê cho mẹ mày?

Ông tôi đứng dậy trả lời:

- Vì bà nợ tôi số tiền lớn hơn năm kí cà phê.

Rồi ông móc năm viên sỏi ra cho người thiếu phụ xem và nói:

- Bà công bằng như thế đó, mỗi cân thiếu năm đê-ca-gram rưỡi.

Trước khi thiếu phụ ấy nói điều gì, các ông bà trong nhà thờ đã bắt giọng hát bài: “Lạy Chúa, lẽ công bằng dưới trần thế đã giết Chúa...”

Giữa lúc họ Balek đang ở nhà thờ, tay săn bắn trái phép Wilhelm Vohla vào căn phòng nhỏ trộm cái cân và cuốn sổ dầy bọc da ghi từng kí lô nấm, từng cân cúc bất tử bà Balek đã mua của dân làng. Suốt buổi chiều ngày đầu năm, các ông trong làng ngồi tính toán ở phòng cố tôi, tính một phần mười những gì họ Balek đã mua của họ - nhưng lúc họ tính tới mấy ngàn tha-lơ [6] mà vẫn chưa xong, sen đầm của đại úy quận trưởng xông vào phòng cố tôi, vừa bắn vừa đâm những người ở đó, giành lấy cái cân và cuốn sách bằng bạo lực. Lúc ấy, bà cô tôi tức cô bé Ludmilla bị giết, vài ông bị thương và một tên sen đầm bị tay săn bắn trái phép Wilhelm Vohla đâm chết.

Không chỉ làng tôi mới nổi loạn, cả Blaugau và Bernau cũng vậy, và các nhà máy dần gai đình công gần một tuần lễ. Nhưng rồi rất nhiều sen đầm đến, người ta dọa sẽ bỏ tù các ông bà, và họ Balek bắt linh mục phải biểu diễn cái cân ở nơi công cộng để chứng minh cây kim công bằng chỉ đúng. Và các ông bà trở lại nhà máy dần gai - nhưng không tới trường học để xem linh mục: ông ta đứng đó một mình, buồn bã và không biết làm gì với cái cân, mấy quả cân và mấy bao cà phê.

Trẻ em lại thu nhặt nấm và hoa, thu nhặt bách lý thảo và mao địa hoàng, nhưng mỗi chủ nhật, khi họ Balek vừa bước vào nhà thờ, người ta liền bắt giọng hát bài: “Lạy Chúa, lẽ công bằng dưới trần thế đã giết Chúa”, cho tới khi đại úy quận trưởng cho đánh trống ở khắp mọi làng, công bố cấm hát bài ấy.

Các cụ cố tôi phải rời làng, để lại nấm mồ chưa xanh cỏ của đứa con gái nhỏ; họ trở thành người đan giỏ, không ở đâu lâu dài vì nơi nào họ cũng đau lòng nhận thấy quả lắc của sự công bằng đứng sai chỗ. Sau chiếc xe chậm chạp bò trên đường trường, họ kéo theo một con dê, và khi đi ngang qua xe họ, người ta thỉnh thoảng nghe bên trong có tiếng hát: “Lạy Chúa, lẽ công bằng dưới trần thế đã giết Chúa”. Và nếu muốn, người ta có thể nghe kể chuyện họ Balek đã thiếu một phần mười sự công bằng như thế nào. Nhưng gần như không ai muốn nghe họ kể.

Chú thích:

[1] Món đồ ngọt làm bằng sữa, đường và bột pút-đinh (tinh bột trộn với chất màu và hương liệu). Tiếng Anh: pudding.

[2] Cà phê làm bằng bột hạt sồi rang; cà phê của người nghèo.

[3] Trò chơi bài với những lá bài đặc biệt dành cho ba người chơi.

[4] Ở Đức, người được phong danh hiệu quý tộc có thêm chữ “von” giữa tên và họ (thí dụ như Wolfgang von Goethe).

[5] Tiếng Anh. Punch là thứ rượu pha trộn gồm rượu hay a-rắc và nước hoặc trà, có thể thêm rượu vang và đường, thường được uống nóng.

[6] Đồng tiền Đức được dùng tới thế kỷ 18, có giá trị bằng ba mác.

Bài liên quan
  • QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Oe Kenzaburo (1935 - 2023) là nhà văn người Nhật thắng giải thưởng Nobel văn chương cao quý của Viện hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994. Chiến thắng của ông, cùng với chiến thắng của nhà văn Kawabata Yasunari năm 1968, đã giúp Nhật trở thành nước duy nhất ở Châu Á có hai nhà văn thắng giải Nobel văn chương*. Là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật, ông đã có hơn 60 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.
  • TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Franz Kafka là nhà văn người Bohemia gốc Do Thái, nay là Cộng hòa Séc. Ngày nay, mặc dù Franz Kafka được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chỉ còn có riêng một tính từ mang tên ông kafkaesque, tức "kiểu Kafka", nhưng khi còn sống, chỉ vài tác phẩm của ông được xuất bản. Phần lớn các tác phẩm của Franz Kafka được xuất bản sau khi ông chết, do bạn ông là Max Brod thực hiện, bất chấp di nguyện của ông là phải tiêu hủy tất cả các bản thảo.
  • MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    Chân Dung Kẻ Sĩ: James Joyce là nhà văn người Ireland, tác giả của tiểu thuyết Ulysses xuất bản năm 1922. Ông được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, còn Ulysses được xem như một kiệt tác, đến nỗi người ta còn lập ra một lễ tưởng niệm thường niên vào ngày 16 tháng 6 (Bloomsday), là ngày diễn ra các các sự kiện trong tiểu thuyết Ulysses của ông.
  • BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Graham Greene là nhà văn người Anh, tác giả của Người Mỹ trầm lặng, cuốn tiểu thuyết rất ăn khách trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt là tại Anh. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ vào năm 1956, nó đã khiến độc giả Mỹ bị sốc do tác phẩm của nhà văn người Anh đã mô tả người Mỹ là những kẻ giết người, một sự thật mà người Mỹ khó có thể chấp nhận. Cuốn sách của ông đã giúp độc giả thế giới nói chung và độc giả phương tây nói riêng, hiểu được tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ, những kẻ xâm lược với đội quân hùng mạnh nhất hành tinh tới từ bên kia đại dương.
  • CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. Theo xu hướng của những nhận xét này, có thể xem "Chiếc áo choàng" (tiếng Nga: Шине́ль -1842) là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nikolai Gogol, khi nó thể hiện thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất trong viết lách của Gogol, mà nếu muốn tóm gọn lại, thì không ai nói chính xác hơn nhà ngoại giao, phê bình văn học người Pháp Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910). Ông nói (thường bị nhầm lẫn là do Fyodor Dostoevsky nói) : "Tất cả chúng ta đều chui ra từ Chiếc áo khoác của Gogol".
  • NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người trong bao (The Man in a Case) là phần đầu, cùng với lần lượt hai truyện ngắn tiếp theo gồm "Gooseberries" và "About Love", thuộc một tác phẩm mà sau này được người ta gọi là “tiểu bộ ba”* của nhà văn vĩ đại nước Nga Anton Chekhov. Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946).
  • NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Anton Chekhov được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dù ban đầu, Chekhov theo học ngành y tại Đại học y khoa Moscow và trở thành một bác sĩ, nhưng cuối cùng ông lại là một nhà văn xuất chúng, với những sáng tạo đã làm thay đổi tiến trình phát triển của truyện ngắn hiện đại.
    Nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov (1899-1977), tác giả của cuốn tiểu thuyết Lolita in năm 1955, xếp thứ tư trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 vào năm 2007 của nhà xuất bản Mỹ Modern Library, đã chê tác phẩm của Chekhov nhưng cũng khen nức nở rằng, "nhưng tác phẩm của ông ấy là thứ tôi sẽ mang theo nếu phải đi tới hành tinh khác". Ông còn gọi truyện Người đàn bà và con chó nhỏ là "một trong những truyện ngắn vĩ đại nhất từng được viết nên".
    Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946). Bà là dịch giả người Anh đầu tiên dịch nhiều tác phẩm của Anton Chekhov sang tiếng Anh. Tổng cộng, bà đã dịch 71 tập văn học Nga, bao gồm các tác phẩm của các nhà văn Nga nổi tiếng như Ivan Turgenev, Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Ivan Goncharov, Alexander Ostrovsky và Alexander Herzen. Nhiều tập trong số đó vẫn còn được in cho đến ngày nay.
  • NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO là truyện ngắn trong tập truyện ngắn Trẻ em cũng là thường dân (Children Are Civilians Too) của nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 Heinrich Böll. Tập truyện minh họa cho cách kể chuyện tinh tế và sắc thái của Heinrich Boll ở mức tuyệt vời nhất, vẽ ra những bức chân dung tuyệt đẹp về những con người bình thường trong những năm tháng đen tối ở nước Đức sau chiến tranh.
  • ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ảo Hóa là một câu chuyện trong tiểu thuyết Trò chơi ngọc pha lê (The Glass Bead Game) tác phẩm lớn cuối cùng của nhà văn, nhà thơ Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 Hermann Hesse. Với tư tưởng chống phát xít, từ nửa cuối thập niên 1930, không một nhà xuất bản hay tờ báo nào ở Đức dám đăng các tác phẩm của Hermann Hesse nữa. Và vì thế ông đã viết Trò chơi ngọc pha lê giữa những tin tức khủng khiếp của Chiến tranh thế giới Thứ Hai và xuất bản tác phẩm ở Thụy Sĩ năm 1943.
  • ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đốt Lửa của nhà văn Jack London có hai phiên bản được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau, một ở năm 1902 và bản còn lại ở năm 1908. Mặc dù có cấu trúc và cốt truyện gần tương tự nhau, nhưng phiên bản năm 1908 khủng khiếp hơn nhiều, và vì thế, nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn người Mỹ, thường xuyên có mặt trong các tuyển tập văn chương.