chan_dung-ke_si

RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

23-09-2024

Lượt xem 1550

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Winston Churchill

RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

Nhà văn Winston Churchill (1874–1965)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Cố Thủ Tướng nước Anh Winston Churchill (1874-1965) người duy nhất là nguyên thủ một quốc gia từng thắng giải Nobel văn chương (năm 1953) với cuốn sách Hồi ức về Chiến tranh thế giới thứ hai (The Second World War, sáu tập, 1948-1953).

Lúc hơn chín giờ rưỡi một chút người đàn ông đó té xuống biển. Con tàu chở thư ấy đang vội vã vượt Biển Đỏ để bù lại quãng thời gian tàu bị trôi dạt vì những dòng hải lưu ngoài Ấn Độ Dương.

Đêm trong veo, tuy rằng mặt trăng bị khuất sau những đám mây. Bầu không khí đầy những hơi ẩm. Mặt nước biển chỉ bị xao động theo đường con tàu vừa chạy qua, từ hai bên hông tàu, những gợn sóng dạt ra như những cái lông gắn ở đuôi mũi tên, những bọt sóng ở đuôi tàu chỗ cánh quạt cứ sủi lên vạch một đường hẹp dài chạy tới cuối chân trời đen sẫm.

Trên tàu đang có một buổi hoà nhạc. Hành khách vốn quá chán với sinh hoạt đơn điệu của chuyến hành trình đã tụ tập quanh chiếc dương cầm ở phòng hội. Các boong tàu vắng hoe. Người đàn ông đã nghe nhạc và hát theo những bản đàn, nhưng căn phòng quá nóng và ông muốn ra ngoài hút một điếu thuốc, hứng chút gió do tốc độ con tàu mang lại. Đó là luồng gió duy nhất trên Biển Đỏ này đêm nay.

Chiếc thang dây bên hông tàu người ta đã không gỡ ra từ khi rời cảng Aden và ông ta bước ra ngoài như bước ra một bao lơn. Ông tựa lưng vào lan can và trầm tư nhả từng ngụm khói vào không khí.

Chiếc dương cầm trỗi một nhịp điệu sống động và một giọng hát cất lên những câu đầu của bài “The Rowdy Dowdy Boys”. Tiếng quay của chân vịt tàu bị chìm đi nhưng vẫn còn nghe đều đặn theo tiếng nhạc. Ông ta biết bản nhạc này, nó đã từng làm mưa gió ở mọi nhà hát hồi ông rời quê nhà sang Ấn Độ bảy năm trước. Nó khiến ông nhớ lại những đường phố đông đúc và tươi vui đã lâu rồi không gặp nhưng sắp được thấy lại. Ông đang định hát theo bản nhạc thì thanh lan can, do không được bắt vít chặt, bất ngờ tuột ra và ông té ngửa xuống mặt nước ấm áp phía dưới làm nước bắn tung lên.

Trong giây lát đầu tiên ông ta quá ngạc nhiên không nghĩ được gì cả. Rồi ông nhận ra mình phải gào lên, thế là ông gào lên trước khi kịp trồi lên tới mặt nước. Nên chỉ phát ra một tiếng kêu bị bóp nghẹt, khản đặc, không thành lời gì cả. Trí óc kinh hoàng của ông bật ra chữ “Cứu tôi với” và ông gào nó lên một cách mê hoảng liên tiếp sáu bảy lần. Rồi ông lắng nghe.

Nào! Nào! Tránh đường ra.

Cho bọn trai du thủ du thực nào.

Đoạn điệp khúc đồng ca bay la đà trên mặt nước tới chỗ của ông vì con tàu đã vượt qua hẳn chỗ ấy. Tai nghe nhạc nhưng một nỗi kinh hoàng vô hạn đâm suốt trái tim ông. Bây giờ ý thức ông mới nhận ra rằng có thể chẳng ai biết mà vớt ông lên được.

Tiếng hát lại tiếp tục:

Rồi… tao… nói… Mấy nhóc,

Trời sinh những cuộc chơi cho ai?

Rum... tum... tidli... um...

Thằng nào dám uống với tao đây?

- Cứu tôi với! Cứu tôi với! - Ông ta gào lên, lần này thì với nỗi kinh hoàng đến tuyệt vọng.

Lâu lâu lại thèm một cốc

Lại thèm chốn la lối chơi

Ê! Ê! Tránh đường coi

Cho cái lũ du côn đây!

Những lời hát cuối kéo dài và nhỏ dần đến tắt hẳn. Con tàu vẫn lao tới trước. Lời ca đoạn hai bắt đầu nghe thấp thoáng và rời rạc với khoảng cách lúc mỗi xa. Cái khối sắt đen ngòm ấy cứ mờ dần đi, ánh đèn ở đuôi tàu ngày càng héo hắt.

Ông khởi sự bơi theo nó với tất cả sức lực, độ mươi sải tay thì dừng lại gào rú lên điên dại. Mặt biển chao sóng vì con tàu chạy qua đã bắt đầu yên lại, những đợt sóng lan ra chỉ còn lại gợn lăn tăn. Tiếng chân vịt quẫy động xình xịch loang dần lên cao rồi tan mất. Âm thanh của chuyển động của cuộc sống và âm nhạc tắt hẳn.

Con tàu chỉ còn là một đốm sáng mờ lẻ loi tàn dần trong tối đen của biển. Bóng lờ mờ của nó in trên nền trời xám đục.

Rồi sau cùng, ông ta cũng nhận thức ra và ngừng bơi.

Chỉ còn một mình - bị bỏ rơi. Khi hiểu ra thì trí óc bắt đầu quay điên cuồng. Ông lại bắt đầu bơi, có điều thay vì thỉnh thoảng gào lên thì ông cầu nguyện, những lời cầu rối loạn, rời rạc, những lời lẽ cứ trộn lẫn vào nhau.

Đột nhiên một tia sáng loé lên và sáng dần ở xa xa. Một nỗi vui mừng và hy vọng cuồn cuộn chạy qua trí óc. Họ đã dừng lại, quay mũi tàu và đi ngược lại. Cùng với hy vọng là lòng tạ ơn. Lời cầu nguyện của ông đã được đáp ứng. Những câu tạ ơn lắp bắp tràn qua đôi môi. Ông ngừng bơi và nhìn chăm chăm đốm sáng - linh hồn để cả trong con mắt. Trong khi đó ánh sáng cứ nhỏ dần đi một cách từ tốn nhưng chắc chắn. Rồi ông hiểu ra số phận mình đã được định đoạt. Sự tuyệt vọng thay thế niềm hy vọng, câu nguyền rủa thay cho lời tạ ơn, quạt cánh tay đập vào mặt nước, ông gào lên bất lực. Những câu chửi thề điên khùng nhất bật ra, cũng rối loạn rời rạc y như những lời nguyện cầu lúc nãy, và cũng không hề được đoái hoài.

Cơn mê loạn qua đi, càng bị thúc qua mau vì cảm giác mệt mỏi mỗi lúc càng tăng. Ông trở nên im lặng - im lặng như mặt biển, vì ngay cả những gợn sóng lăn tăn giờ cũng khuất hẳn và trở thành một bể mặt phẳng lì loang loáng. Ông bơi một cách máy móc theo hướng tàu chạy, lặng lẽ khóc thầm trong nỗi bi thảm của sự sợ hãi. Ngọn đèn sau lái tàu chỉ còn là một đốm vàng vọt chẳng lớn hơn mấy vì sao rải rác đâu đó sau màn mây trên trời.

Gần hai mươi phút sau, sự mệt mỏi biến thành kiệt quệ. Ý thức về điều tất yếu, điều không thể tránh khỏi đè lên ông. Trong nỗi rã rời đó lại có cảm giác thoải mái kỳ lạ - ông chẳng việc gì phải cố bơi cho tới kênh Suez cả.

Có một con đường khác. Cái chết, ông sẽ lui ra khỏi cõi tồn sinh này một khi ông đã bị bỏ rơi như thế. Ông bất giác giơ hai tay lên và chìm xuống.

Ông chìm xuống, xuống nữa trong khối nước ấm áp. Cái chết tóm lấy ông, ông bước vào cái chết đuối. Nỗi đau đớn vì cú tóm dã man ấy khiến ông nóng máu. Ông điên cuồng chống lại nó. Vung đạp chân tay, ông tìm đường trở lại với khí trời. Đó là một cuộc chiến gian nan, nhưng ông đắc thắng, thoát được và trồi lên tới mặt nước. Trên đó, nỗi tuyệt vọng đã chờ sẵn. Mệt mỏi quạt đôi tay qua lại ông rên lên trong nỗi bi thảm đắng cay:

- “Không được rồi... Tôi phải chết. Chúa ơi! Hãy để tôi chết.”

Vầng trăng lưỡi liềm chui ra khỏi những đám mây vây bủa, rọi một ánh nhợt nhạt dịu dàng xuống mặt biển. Dựng thẳng đứng trên mặt nước, cách chỗ ông chừng năm mươi thước là một vật tam giác đen bóng. Đó là cái vây lưng. Nó chậm rãi tiến về phía ông ta.

Lời kêu cầu sau cùng của ông đã được lắng nghe tới.

PHẠM VIÊM PHUƠNG dịch

Bài liên quan
  • LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    Chân Dung Kẻ Sĩ:  Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway với "Nguyên lý tảng băng trôi", là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Giã từ vũ khí (1929); Chuông nguyện hồn ai (1940); Ông già và biển cả (1952). Năm 1954 ông thắng Giải Nobel Văn Chương và để lại nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học Mỹ.
  • HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

    HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Ivan Bunin đến với văn chương từ những bài thơ sáng tác năm 1981. Mãi đến năm 1894, ông mới xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên. Những năm sau đó, mặc dù các tác phẩm của ông được nhiều người khen ngợi nhưng phải đến năm 1910, khi cuốn Ngôi Làng ra mắt, ông mới trở nên thực sự nổi tiếng. Không những vậy, Ngôi Làng còn giúp ông trở thành nhà văn người Nga đầu tiên thắng Giải Nobel Văn Chương vào năm 1933.
  • CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

    CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Mikhail Sholokhov là tác giả của bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm, một trong những tác phẩm văn chương vĩ đại nhất của nước Nga. Tác phẩm này đã đưa ông tới chiến thắng mùa giải Nobel Văn Chương năm 1965.
  • TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn người Clombia Gabriel José García Márquez là tác giả thắng Giải Nobel Văn chương năm 1982 với tác phẩm Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad, 1967). Ngoài ra, ông cũng rất nổi tiếng với tác phẩm Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera, 1985), viết sau khi ông thắng Giải Nobel và được công nhận là một trong 100 tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha hay nhất trong hàng chục năm qua. Tờ New York Times ca ngợi Tình yêu thời thổ tả là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là "tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim".
  • NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Heinrich Böll là nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 với tiểu thuyết Gruppenbild mit Dame (Bức chân dung tập thể với một quý bà). Ông được coi là hiện thân của văn chương Đức hậu chiến, một người bước ra từ chiến tranh.
  • CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Guy de Maupassant là tác giả viết truyện ngắn nổi tiếng người Pháp, với một sinh lực dồi dào nhưng có tâm trạng bi thảm. Trong khoảng mười một năm sáng tác, ông đã viết khoảng 300 truyện ngắn và 6 tiểu thuyết... trước khi mất ở tuổi 42.
  • HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse  là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    Chân Dung Kẻ Sĩ: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”, lời của Viện Hàn lâm Thụy Điển (tiến sĩ Anders Usterling) khi trao giải Nobel Văn chương tới nhà văn xuất chúng nhất nước Nhật từng sản sinh ra.
  • CĂN NHÀ CỦA MAPUHI – Truyện ngắn Jack London

    CĂN NHÀ CỦA MAPUHI – Truyện ngắn Jack London

    Chân Dung Kẻ Sĩ: CĂN NHÀ CỦA MAPUHI được xem là truyện ngắn hay nhất trong tuyển tập truyện ngắn Truyện Biển Nam của nhà văn Jack London, xuất bản năm 1911. Ông khuyên một người bạn muốn viết văn: “Trong óc anh chưa có gì đáng kể lại đâu. Đi nhiều đi và học trong đời như tôi đã học. Bất kì ai cũng có thể viết đúng ngữ pháp được nhưng điều cốt yếu là phải biết diễn tả linh động (…) Tôi cam đoan với anh rằng tôi không khi nào thiếu đề tài để viết (…). Những cảnh đời ta đã trải, dù ghê tởm đến đâu cũng có cái đẹp của nó”. Ở đây, CĂN NHÀ CỦA MAPUHI, nhà văn đã cho độc giả thấy một cảnh tượng đúng như lời ông nói bên trên. Câu chuyện, mô tả thứ mà các nước thực dân đem đến cho những người bản địa ở nơi mà họ đem "ánh sáng" tới, thực chất là ngoài giới hạn chịu đựng của con người.