Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway với "Nguyên lý tảng băng trôi", là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Giã từ vũ khí (1929); Chuông nguyện hồn ai (1940); Ông già và biển cả (1952).
Năm 1954 ông thắng Giải Nobel Văn Chương và để lại nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học Mỹ.
- Lê Huy Bắc dịch
Đối với tôi dường như chiến tranh luôn là mảnh đất hoang chưa được các nhà nghiên cứu tự nhiên quan sát. Chúng ta có những trang miêu tả đầy ấn tượng và hấp dẫn về hệ thực-động vật ở Patagonia trong ấn phẩm gần đây của W. H. Hudson, Đức giám mục Gilbert White đã kể rất hay về hành trình viếng thăm thưa thớt, không đều đặn của loài chim rìu đến Selborne, còn linh mục Stanley đã tặng chúng ta một quyển sách rất giá trị và không kém phần thông dụng, Lịch sử họ hàng của loài chim. Nhưng liệu chúng ta có thể hy vọng cung cấp cho độc giả những sự kiện thú vị và hiếm thấy về cái chết không? Tôi hy vọng là có thể.
Khi Mungo Park, vị du khách kiên nhẫn đang đi theo lộ trình của mình bỗng ngất đi giữa cái hoang vắng rợn người của hoang mạc châu Phi, trần trụi và cô độc, tin rằng thời gian còn sống của mình đã được đánh số, chẳng có gì xuất hiện để gợi trong gã khao khát sống ngoại trừ việc nằm xuống đợi chết thì một bông hoa rêu nhỏ đẹp tuyệt vời đập vào mắt gã. “Mặc dù toàn bộ cái cây kia”, gã nói, “chẳng nhỉnh hơn một ngón tay của ta nhưng ta không thể ngắm mà không ngưỡng mộ sự kiên định tuyệt vời của bộ rễ, lá và quả nang của nó. Liệu tạo hóa, người có thể gieo trồng, chăm tưới và nuôi dưỡng hoàn hảo trên vùng âm u của thế giới này một sinh thể quá ư nhỏ bé, trông như thể bị bỏ rơi trên mặt đất và phải chịu đựng những sinh vật ra đời sau nó không? Chắc chắn là không. Những cảnh tượng như thế này hẳn không cho phép ta tuyệt vọng; ta phải gượng dậy bất chấp cái bụng đói và cơn choáng váng, tiến về phía trước, với niềm tin rằng sự cứu rỗi sắp đến trong tầm tay, ta không được tuyệt vọng”.
Ở vào vị trí đáng để ngưỡng mộ và hoài nghi của kiểu tính cách này như Linh mục Stanley nói thì bất kỳ ngành nghiên cứu Lịch sử tự nhiên nào cũng có thể không tán dương sự kiên định, tình yêu và hy vọng mà mỗi một ai trong chúng ta cũng cần trong hành trình của riêng mình để vượt qua sự mông muội của cõi đời chăng? Vậy nên ta hãy cùng xem xét thứ cảm hứng nào mà ta có thể nhận được từ những cái chết.
Trong chiến tranh, giống đực của loài người thì luôn luôn chết mặc dù điều này không đúng với các loài vật, tôi thường thấy những con ngựa cái chết giữa đám ngựa nghẽo. Một khía cạnh thú vị nữa của chiến tranh, và là điều duy nhất mà các nhà nghiên cứu tự nhiên gặp may là kết quả rút ra qua việc quan sát cái chết của đám lừa. Suốt hai mươi năm theo dõi trong cuộc sống bình thường, tôi chưa hề nhìn thấy một con lừa chết và đã bắt đầu nảy sinh trong lòng mối nghi hoài rằng cái giống vật này chưa bao giờ chết thật cả. Đôi khi tôi cũng bắt gặp những cảnh tượng gợi trong đầu hình ảnh những chú lừa chết nhưng khi đến gần, những con vật ấy hãy còn sống, cái chết của chúng chỉ là sự phản hồi của quá trình thư giãn hoàn toàn. Nhưng trong chiến tranh những con vật ấy cũng chết hệt như cách lũ ngựa gục xuống hay giãy giụa trong cơn hấp hối.
Phần lớn những con lừa chết mà tôi nhìn thấy đều nằm dọc theo đường núi hay nằm dưới chân dốc nơi chúng bị đẩy xuống để tránh làm nghẽn con đường. Chúng dường như hài hòa trong cảnh quan rừng núi nơi mỗi con được người ta làm cho thích nghi với tình huống thực tại và lúc đó trông chúng ít phi lý hơn sau này ở Smyma, những người Hy Lạp đập gãy chân của những con vật thồ hàng của họ rồi đẩy chúng ra khỏi cầu cảng xuống vũng nước cạn cho chết đuối, số lượng lừa và ngựa chết đuối chỗ nước cạn đã kêu đòi Goya vẽ về chúng. Mặc dù nói theo nghĩa đen thì ta khó có thể nói chúng kêu đòi Goya bởi vì chỉ có một Goya duy nhất đã chết từ lâu, và người ta lại càng nghi ngờ hơn khi đám súc vật ấy lại có thể kêu đòi, tái hiện cảnh ngộ của chúng trong tranh nhưng rất có thể nếu chúng phát âm được rõ ràng thì ai đó hẳn sẽ nghe được tiếng nói ấy để làm nguôi ngoai phần nào thảm cảnh của chúng.
Đề cập đến giới tính của cái chết thì còn có điều này, con người ta quen nhìn tất cả các cái chết là của đàn ông còn khi thấy xác chết của một phụ nữ thì họ lại khá sửng sốt. Lần đầu tiên tôi chứng kiến sự đảo lộn cái chết thông thường là ở vụ nổ xưởng sản xuất đạn ở ngoại vi Milan, Italy. Chúng tôi lái xe tải đến khu vực thảm họa trên con đường phủ bóng bạch dương, men theo những con mương có nhiều sinh vật phù du mà tôi chẳng thể nào nhìn rõ bởi xe tải đang khuấy tung những đám bụi lớn. Đến khu vực trước đây là xưởng đạn, trong lúc vài đứa trong bọn tôi được phân đi kiểm tra mấy kho đạn lớn chưa nổ vì một lý do nào đó thì một toán được cử đi dập lửa lúc này đang lan sang cánh đồng lân cận; bọn tôi còn nhận thêm lệnh lập tức phải tìm kiếm xác chết trên cánh đồng và vùng phụ cận. Chúng tôi tìm thấy và mang đến nhà xác dã chiến một số lượng lớn những xác chết và tôi phải thẳng thắn thừa nhận rằng mình đã bị sốc khi thấy trong số tử thi ấy, xác của phụ nữ nhiều hơn xác đàn ông. Dạo ấy phụ nữ chưa có mốt cắt tóc ngắn như họ cắt mãi nhiều năm sau này ở châu Âu và Mỹ, nhưng lúc đó điều bực mình nhất, có lẽ tại vì quá lạ lẫm, là kiểu tóc và càng chướng tai gai mắt hơn khi nó xuất hiện trong thời tóc dài đang ngự trị này. Tôi nhớ sau khi gom hết các tử thi còn nguyên vẹn, chúng tôi bắt đầu nhặt nhạnh các mảnh vụn. Nhiều mảnh bám trên hàng rào dây thép gai dày bao xung quanh xưởng, từ những mẩu thịt bất động ấy chúng tôi có thể kéo lên cả chuỗi bầy nhầy, một sự kiểm nghiệm hữu hiệu cho sức công phá ghê gớm của loại thuốc nổ cực mạnh. Nhiều mẩu chúng tôi tìm thấy cách xa ngoài đồng, chúng bị đẩy đi xa hơn bởi độ nặng của chúng.
Trên đường quay trở lại Milan, tôi nhớ một hoặc hai người trong số chúng tôi tranh luận về điều vừa xảy ra và đồng ý rằng cái khung cảnh hoang tàn và thực trạng chẳng có ai bị thương hẳn đã làm giảm đi nhiều nỗi kinh hoàng của thảm họa mà lẽ ra chắc đã khủng khiếp hơn nhiều. Khung cảnh đó cũng cho thấy vụ nổ diễn ra rất đột ngột, vì thế xác chết vẫn không gây khó chịu lắm khi mang đi và việc làm đó như thể đang diễn ra trên chiến trận. Mặc dù bụi bặm nhưng cảm giác dễ chịu khi đánh xe đi qua nhiều miền quê Lombard xinh đẹp lại là sự bù đắp cho nhiệm vụ khó chịu vừa rồi và trên đường về, trong lúc luận bàn về cảm giác, cả bọn đồng ý rằng đấy là điều thực sự may mắn bởi ngọn lửa mới bùng lên ngay khi chúng tôi vừa đến đã nhanh chóng bị dập tắt trước lúc kịp lan đến mấy kho đạn khổng lồ còn sót lại. Bọn tôi cũng đồng ý rằng việc gom nhặt những mẩu tử thi là công việc kỳ lạ; nó gây nên sự kinh ngạc rằng thay vì nổ tung theo từng bộ phận thì cơ thể con người chẳng bị tung ra theo các đường mổ phẫu thuật thường làm mà bị cắt nát tùy hứng dưới sự tác động của loại đạn có sức công phá mạnh.
Một nhà nghiên cứu tự nhiên, muốn thu lượm độ chính xác thì có lẽ chỉ nên giới hạn sự quan sát của mình vào một giai đoạn và tôi trước tiên sẽ đưa anh ta đến với cuộc tấn công quân Áo vào tháng 6-1918 ở Italy. Bởi đấy là cuộc chiến mà cái chết đã hiện diện với số lượng khổng lồ nhất của nó, một cuộc rút lui bị chặn lại và một cuộc tấn công sau đó nhằm tái chiếm trận địa đã bị thất thủ để các vị trí sau khi trận đánh kết thúc cũng giống hệt như trước đó, ngoại trừ sự hiện diện xác chết. Kể cho đến khi người chết được chôn cất thì hình hài chúng mỗi ngày một thay đổi. Sắc da của các tộc người Cáp-ca từ trắng chuyển sang vàng, đến xanh vàng rồi đen kịt. Nếu bị để lâu dưới cái nóng thì da thịt chuyển sang dạng giống hệt nhựa than đá; đặc biệt là ở những chỗ bị bắn nát hay bị gãy vụn thì chúng phát ngũ sắc hệt như màu than đá. Xác chết trương lên hàng ngày mãi cho đến khi thỉnh thoảng chúng trở nên chật chội trong bộ quân phục, cứ nén chặt cho đến khi sắp nổ tung. Những xác chết riêng lẻ có thể trương phình đến một kích cỡ to lớn không thể nào tin được còn những khuôn mặt thì căng phồng tròn vạnh như mấy quả bóng. Điều kinh ngạc, tiếp theo sự to béo dị thường, là khối lượng giấy tờ vương vãi quanh xác chết. Vị trí sau cùng của chúng, trước lúc tử thi được chôn cất phụ thuộc vào vị trí mấy cái túi của bộ quân phục. Với quân Áo, những cái túi nằm phía sau quần và kẻ chết, sau một thời gian ngắn, tất cả đều nằm úp mặt xuống, hai cái túi bên hông bị lộn ra, giấy tờ chứa bên trong rải đều trên đám cỏ quanh chúng. Cái oi bức, ruồi và vị trí hiển thị của tử thi trên cỏ cùng với đám giấy tờ bao quanh để lại những ấn tượng mạnh trong ký ức của con người. Mùi chiến trận dưới tiết trời oi nồng là thứ mùi không thể nào quên. Bạn có thể nhớ rằng có một loại mùi như thế, nhưng sẽ chẳng có điều gì xảy ra với bạn để gợi lại thứ mùi ấy. Nó chẳng giống mùi trung đoàn mà bất thình lình sống lại trong bạn lúc đi trên ô-tô, bạn nhìn lại và phát hiện ra người đã mang mùi ấy đến cho bạn. Nhưng mùi vị kia sẽ biến mất hẳn khi bạn yêu; bạn nhớ nhiều điều đã xảy ra, nhưng còn cảm giác thì không thể nào nhớ lại được.
Ai đó hẳn sẽ hoài nghi trước những gì mà vị du khách nhẫn nại Mungo Park đã chứng kiến: cảnh chiến địa trong tiết trời nóng bức để củng cố lòng tin của mình. Vào độ cuối tháng Sáu và cả tháng Bảy, cây thuốc phiện thường mọc xen giữa đám lúa mì, cây dâu phủ đầy lá và bạn có thể nhìn thấy những lớp sóng nhiệt tỏa ra từ nòng mấy khẩu súng khi bị mặt trời chiếu trúng qua đám lá; quanh mép công sự mặt đất chuyển sang màu vàng chóe chỗ mấy băng đạn nằm trùi trũi. Xem những ngôi nhà bình thường bị sụp đổ thì dễ chịu hơn xem những ngôi nhà bị đạn bom phá nát, nhưng một vài du khách sẽ khoan khoái hít đầy lồng ngực bầu không khí chớm hạ trong lành đó và có những suy nghĩ giống Mungo Park về những hình ảnh họ tưởng tượng trong đầu.
Điều đầu tiên bạn khám phá được ở các xác chết là đây: bị giã thẳng cánh, họ chết như loài súc vật. Nhiều kẻ chết rất nhanh bởi những vết thương mà bạn nghĩ rằng đến thỏ cũng không chết vì những vết thương như thế. Họ chết bởi những vết thương rất nhỏ như đôi lúc lũ thỏ chết vì ba bốn mảnh đạn ghém mà hầu như khó có thể xuyên được qua da. Những kẻ khác thì chết như mèo, sọ bị xuyên thủng, mảnh đạn găm vào não, họ ngắc ngoải đúng hai ngày giống như lũ mèo lúc lần vào trong thùng than với một viên đạn trong đầu và sẽ không chết cho đến khi bạn cắt đầu chúng, có lẽ lúc ấy cái giống mèo vẫn chưa chết, người ta bảo chúng có chín kiếp, tôi không rõ lắm nhưng hầu hết con người ta đều chết như lũ súc vật, chẳng phải chỉ riêng đàn ông. Tôi chưa bao giờ chứng kiến cái gọi là cái chết tự nhiên vậy nên tôi đổ lỗi tất cả cho chiến tranh và cũng giống như kẻ lữ hành kiên nhẫn Mungo Park kia, người nhận biết còn có một điều gì khác nữa, điều luôn ẩn sau một điều khác, và khi ấy tôi đã chứng kiến.
Một kiểu chết tự nhiên duy nhất mà tôi đã nhìn thấy chẳng hề chảy tí máu nào, chảy máu thì tệ lắm, kiểu chết vì chứng cảm cúm Tây Ban Nha. Mắc phải bệnh này, bệnh nhân sổ mũi, ngạt thở và chắc bạn biết người bệnh chết như thế nào: vào giai đoạn cuối, bệnh nhân lại hóa thành trẻ nhỏ, mặc dù thể xác đã to đùng, nhưng hắn ta vẫn bĩnh ra khăn trải giường như đã từng bĩnh ra tã và cuối cùng chất dịch màu vàng cứ rỉ ra, nhỏ giọt sau khi tim ngừng đập. Vậy nên bây giờ tôi muốn trông thấy cái chết của bất kỳ kẻ tự xưng là nhà nhân văn chủ nghĩa nào, bởi lẽ vị du khách nhẫn nại như Mungo Park hay cả tôi vẫn đang sống và có lẽ sẽ sống để được thấy cái chết thực sự của những thành viên thuộc giới trí thức này và xem cái cách tồn tại cao thượng mà họ tạo ra. Trong lối suy nghĩ của một nhà nghiên cứu tự nhiên thì đối với tôi, hóa ra là trong lúc nghi lễ là tuyệt đối thì một ai đó cần phải không lịch sự nếu vấn đề chủng tộc được đặt ra. Bởi một khi những kẻ cầm quyền ra lệnh sinh đẻ thì thật là trái đạo lý, trái đạo lý quá mức và tôi cũng nghĩ rằng có lẽ đó là do nguồn gốc của những kẻ ấy, những người là hoặc đã là: con cái của những cuộc hôn phối hợp thức. Dầu nhìn thấy cái kết cục của đôi người và hình dung cái cách lũ giun, bọ cố tồn tại trong môi trường khô cằn cố hữu; nơi những cuốn sách kỳ quặc của họ tan thành cát bụi và tham vọng của họ được chú thích đầy bên dưới trang sách.
Có lẽ trong lúc các công dân tự nguyện ấy có mối quan hệ hợp pháp với lịch sử tự nhiên của cái chết, mặc dù sự tự nguyện đó có thể chẳng còn ý nghĩa gì khi cuốn sách này được xuất bản. Nhưng nó lại bất công với những cái chết khác, những người không chết trong sự lựa chọn ở tuổi trẻ của họ, những người chẳng có lấy cuốn tạp chí nào, và nhiều người trong số đó thì ta chẳng còn nghi ngờ gì về việc họ chưa từng mó đến một bài bình luận, nhưng lại được tìm thấy trong cái oi nồng của thời tiết với nửa đấu giòi bọ đang đục khoét tại nơi trước đây là miệng họ. Với cái chết, không phải lúc nào tiết trời cũng nóng, nhiều lúc trời mưa, nước mưa rửa sạch khi họ nằm trong mưa, nước mưa làm đất mềm khi họ được vùi xuống và đôi khi trời cứ mưa cho đến lúc đất hóa bùn, họ lại trồi lên và người ta lại chôn họ. Hoặc trong mùa đông trên núi, bạn lại vùi họ xuống tuyết rồi mùa xuân, khi tuyết tan thì người khác lại phải chôn họ. Họ có những nghĩa địa đẹp trên núi, chiến tranh ở vùng núi là loại chiến tranh đẹp nhất trong tất cả các loại chiến tranh và một lần trong số ấy, tại nơi có tên gọi là Pocol, người ta chôn vị tướng bị một tay bắn tỉa nã xuyên qua đầu. Đấy là nơi nhiều nhà văn nhầm lẫn, những người viết mấy cuốn sách có nhan đề Những vị tướng chết trên giường, bởi vị tướng ấy chết trong giao thông hào đào dưới tuyết, trên vùng núi cao; ngài đội chiếc mũ Alpini cắm lông chim ưng với một cái lỗ phía trước mà bạn không thể đút lọt ngón tay út và một cái lỗ phía sau bạn có thể đút lọt cả nắm tay vào nếu nắm tay ấy nhỏ và bạn muốn đút nó vào, ở đó máu vương tràn trên tuyết. Vị tướng ấy rất cừ và cả tướng Von Behr cũng thế. Ông chỉ huy lực lượng Alpenkorps Bavaria tại mặt trận Caporetto và bị giết trong xe chỉ huy của mình bởi lực lượng tập hậu Italy khi ông đang dẫn đầu đội quân của mình tiến vào Udine, và nhan đề của tất cả những cuốn sách như thế hẳn sẽ là Những vị tướng luôn luôn chết trên giường nếu chúng ta muốn diễn đạt một cách chính xác những chuyện như thế.
Cũng ở miền núi, đôi khi tuyết rơi trên những người chết bên ngoài trạm cấp cứu nằm bên phía rặng núi bảo vệ tránh đạn pháo. Người ta đưa họ vào cái hang khoét từ sườn núi, trước lúc mặt đất đóng băng. Trong hang có một người đầu bị vỡ như kiểu một lọ hoa có thể vỡ và được đính lại bằng màng nhầy và một lớp băng quấn rất kỹ thuật mà bây giờ đã thấm ướt và đông cứng, bộ não bị nhiều mảnh xương sọ làm xây xát nhưng người ấy vẫn còn thoi thóp suốt một ngày, một đêm rồi thêm một ngày nữa. Những người khênh cáng yêu cầu bác sĩ vào khám anh ta. Mỗi lần đưa cáng vào họ đều nhìn thấy anh ta và dẫu cho không nhìn thì họ vẫn nghe tiếng anh ta thở. Mắt bác sĩ đỏ quạch, mi mắt sưng phồng, gần như nhắm hẳn bởi hơi cay.
Ông khám qua anh ta hai lần; một lần vào ban ngày và một lần với cây đèn pin. Cảnh tượng ấy hẳn là hình mẫu tốt cho một bức họa khắc bằng axit của Goya, ý tôi muốn nói là cái lần bác sĩ khám bằng đèn pin ấy. Sau lần khám thứ hai, bác sĩ mới tin lời mấy người khênh cáng khi họ bảo anh ta vẫn còn sống.
“Các cậu muốn tôi phải làm gì bây giờ?” Ông hỏi.
Chẳng có gì để họ muốn cả. Nhưng chỉ lát sau họ xin phép đưa anh ta ra đặt bên cạnh những người bị thương nặng.
“Đừng. Đừng. Đừng!” Bác sĩ đang bận rộn nói. “Chuyện gì vậy? Các cậu sợ hắn ta à?”
“Bọn tôi không thích nghe hắn ở đó bên những người chết”.
“Thì đừng có nghe. Nếu các cậu đưa hắn ra thì tôi sẽ phải đưa hắn vào”.
“Bọn tôi không bận tâm đến điều đó, thưa đại úy bác sĩ”.
“Đừng”, bác sĩ nói. “Đừng. Các cậu không nghe tôi bảo đừng sao?”
“Tại sao ông không tiêm cho hắn một liều morphine cực mạnh?” Viên sĩ quan pháo binh, người đang đợi băng vết thương trên cánh tay, hỏi.
“Anh nghĩ đấy là trường hợp duy nhất tôi dùng morphine à? Anh có muốn tôi mổ mà không cần morphine sao? Anh có súng, hãy ra ngoài đó bắn chết hắn đi”.
“Hắn đã bị bắn rồi”, viên sĩ quan nói. “Nếu có ai trong số bác sĩ bọn anh bị thương thì hẳn các anh đã đối xử khác”.
“Cám ơn anh rất nhiều”, bác sĩ nói trong lúc vẫy cái kẹp trong không khí.
“Ngàn lần cảm ơn anh. Mắt bị sao vậy?” ông ta đưa kẹp chỉ vào. “Sao anh lại bị như thế?”
“Hơi cay. Nếu bị hơi cay, bọn tôi xem là may mắn”.
“Bởi các anh được rời khỏi tuyến đầu”, bác sĩ nói. “Bởi vì bọn anh có thể lợi dụng hơi cay để chuồn đến đây. Anh xát hành vào mắt thì có”.
“Ông hơi quá rồi đấy. Tôi không chấp những lời sỉ nhục của ông. Ông bị điên”.
Mấy người khênh cáng bước vào.
“Thưa đại úy bác sĩ”, một trong số họ nói.
“Ra khỏi đây ngay!” bác sĩ quát.
Họ bước ra.
“Tôi sẽ bắn anh chàng đáng thương ấy”, viên sĩ quan pháo binh nói. “Tôi nhân đạo. Tôi sẽ không để anh ta phải chịu đựng”.
“Vậy thì bắn hắn đi”, bác sĩ nói. “Cứ bắn hắn đi. Nhớ chịu trách nhiệm. Tôi sẽ viết báo cáo. Bị thương, bị giết bởi trung úy pháo binh tại trạm sơ cứu tiền tiêu. Bắn hắn đi. Cứ đi mà bắn hắn”.
“Ông là đồ vô nhân đạo”.
“Nhiệm vụ của ta là cứu chữa thương binh, không phải giết họ. Việc ấy dành cho các quý ngài pháo binh”.
“Vậy thì tại sao ông không cứu chữa cho hắn?”
“Ta đã làm như thế rồi. Ta đã làm tất cả những gì có thể làm”.
“Sao ông không chuyển hắn xuống dưới bằng tàu điện?”
“Anh là hạng người nào mà sao cứ tra vấn mãi thế? Anh là sĩ quan cấp trên của tôi chắc? Anh chỉ huy trạm sơ cứu này à? Trả lời tôi xem nào”.
Viên sĩ quan pháo binh nín thinh. Tất cả những người trong phòng là binh sĩ, chẳng có ai là sĩ quan.
“Trả lời tôi đi”, bác sĩ đang giữ cây kim trong kẹp. “Thử mở miệng ra đi”.
“Đ-mẹ mày”, viên sĩ quan pháo binh chửi.
“Thế đấy”, bác sĩ nói. “Thế đấy, mày nói như thế đấy. Được. Được. Mày sẽ biết”.
Viên sĩ quan pháo binh đứng dậy tiến về phía ông ta.
“Đ-mẹ mày, anh ta chửi. “Đ-mẹ mày. Đ-mẹ mày. Đ-cả đám chị em nhà mày nữa…!”
Bác sĩ tạt cả khay i-ốt đầy vào mặt anh ta. Viên sĩ quan vừa rờ rẫm tiến về phía ông ta vừa đưa tay rút súng. Bác sĩ lách mình bước ra sau anh ta vừa đưa chân gạt rồi khi anh ta ngã xuống, bác sĩ tống cho anh ta mấy đá rồi đoạt khẩu súng cầm trong đôi tay đi găng. Viên sĩ quan ngồi trên sàn dùng bàn tay lành dụi mắt.
“Tao sẽ giết mày!” anh ta nói. “Tao sẽ giết mày ngay khi có thể nhìn thấy”.
“Tao là chỉ huy,” bác sĩ nói. “Mọi chuyện sẽ được bỏ qua nếu mày biết tao là chỉ huy. Mày không thể giết tao vì tao đã tước súng của mày. Trung sĩ. Phụ tá! Phụ tá!”
“Phụ tá đang đi theo tàu điện”, viên trung sĩ nói.
“Dùng cồn pha nước rửa mắt ngài sĩ quan này đi. Hắn bị trúng i-ốt. Mang cho tôi cái chậu rửa tay. Tôi sẽ xem xét ngài sĩ quan này sau”.
“Mày đừng có hòng mà đụng vào người tao”.
“Giữ chặt lấy hắn. Hắn hơi khùng”.
Một trong mấy người khênh cáng bước vào.
“Thưa đại úy bác sĩ’.
“Cậu cần gì?”
“Cái người bị thương trong nhà xác…”.
“Ra khỏi đây ngay”.
“Đã chết rồi, thưa đại úy bác sĩ. Tôi nghĩ ông hẳn vui lòng khi biết tin này”.
"Thấy chưa, chàng trung úy tội nghiệp của tôi ơi? Chúng ta gây gổ nhau một cách ngớ ngẩn. Trong chiến tranh chúng ta cãi cọ nhau chẳng vì mục đích gì cả”.
“Đ-mẹ mày”, viên trung úy pháo binh nói. Anh ta vẫn chưa thể nhìn rõ. “Mày đã làm tao mù”.
“Chẳng sao đâu”, bác sĩ nói. “Mắt của anh sẽ ổn. Chẳng sao đâu. Đúng là rồ mới gây gổ nhau”.
“Ái! Ái! Ái!” viên trung úy bỗng nhiên hét lên. “Mày đã làm tao mù. Mày làm tao mù!”
“Giữ chặt lấy hắn”, bác sĩ nói. “Hắn đang đau lắm đấy. Giữ hắn thật chặt vào”.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com