chan_dung-ke_si

HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

23-09-2024

Lượt xem 1527

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Ivan Bunin

HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

Nhà văn  Ivan Bunin (1870-1953)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Ivan Bunin đến với văn chương từ những bài thơ sáng tác năm 1981. Mãi đến năm 1894, ông mới xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên. Những năm sau đó, mặc dù các tác phẩm của ông được nhiều người khen ngợi nhưng phải đến năm 1910, khi cuốn Ngôi Làng ra mắt, ông mới trở nên thực sự nổi tiếng. Không những vậy, Ngôi Làng còn giúp ông trở thành nhà văn người Nga đầu tiên thắng Giải Nobel Văn Chương vào năm 1933.

Ngoài nghĩa địa, trên nấm mộ còn tươi màu đất sét có cắm cây thánh giá mới bằng gỗ sồi, trông nặng nề, phẳng phiu và chắc chắn.

Những ngày tháng tư, trời u ám; từ xa qua những hàng cây trơ cành trụi lá đã có thể nhìn thấy những lăng xây trong nghĩa trang thoáng đãng của một phố huyện, và gió lạnh réo lên từng hồi dài qua vòng hoa sứ đặt bên chân cây thánh giá.

Gần với cây thánh giá là một tấm mêđaigiông khá to bằng sứ nổi vồng lên, hiện rõ ảnh chân dung một nữ học sinh với đôi mắt đầy vui sướng và vô cùng linh lợi. Đó là Ôlia Mêserxkaia.

Khi còn nhỏ, cô bé Ôlia chẳng có gì nổi bật giữa đám nữ sinh mặc đồng phục màu nâu; có thể nói gì về cô, ngoài điều rằng cô thuộc loại xinh xắn, con nhà giàu có, sung sướng, rằng cô học khá, nhưng tinh nghịch và rất vô tâm trước những lời chỉ bảo mà bà giáo chủ nhiệm lớp đã nói với cô. Ít lâu sau cô bỗng đẹp rực rỡ như đoá hoa nở rộ đổi thay không phải từng ngày mà là từng giờ.

Năm mười bốn tuổi Ôlia đã có hình dáng thon thả, đôi chân thẳng, ngực tròn căng, cô đã có những đường nét mà vẻ đắm đuối của chúng xưa nay ngôn ngữ loài người chưa bao giờ diễn tả được; năm mười lăm tuổi, Ôlia đã nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp. Mấy đứa bạn gái của Ôlia thì lúc nào cũng chải chuốt kỹ càng, ăn vận sạch sẽ, chăm chút cho từng cử chỉ dáng điệu đầy ý tứ của mình! Còn Ôlia thì chẳng kiêng dè gì cả, cô không sợ các vết mực dính vào ngón tay, không sợ để má mình ửng đỏ, đầu tóc rối tung hay đầu gối lộ trần ra khi bị ngã. Chẳng cần cô phải quan tâm, cố gắng gì, những điều làm cô nổi bật lên trong trường hai năm gần đây cũng tự nhiên đến với cô – đó là vẻ yêu kiều, đỏm dáng, uyển chuyển khoan thai và ánh mắt sáng long lanh…

Trong các buổi vũ hội không ai nhảy đẹp như Ôlia, không ai trượt băng nhanh như cô, không ai được nhiều người theo đuổi tán tỉnh trong các dạ hội như cô, không hiểu vì sao bọn học trò các lớp dưới cũng ngưỡng mộ cô nhiều nhất. Ôlia trở thành thiếu nữ tự lúc nào không hay, và không biết từ bao giờ ánh hào quang đã bao quanh tên cô trong trường học. Người ta đã đồn đại rằng tính tình cô nông nổi, cô không thể sống thiếu người ngưỡng mộ, rằng cậu học trò Sensin phải lòng Ôlia đến mất trí, rằng hình như cô cũng yêu cậu ấy, nhưng cách đối xử của cô thay đổi luôn luôn, khiến cậu ta đã mấy lần tính kế quyên sinh…

Vào mùa thu cuối cùng của mình, như người ta bàn tán trong trường, Ôlia đã hoàn toàn phát điên lên vì vui sướng. Đó là một mùa đông lạnh giá, tuyết rơi nhiều, mà chói chang ánh nắng; mặt trời khuất sớm sau tán cây vân sam cao mọc trong vườn trường phủ đầy tuyết, mặt trời trong sáng loé lên muôn vàn tia nắng báo hiệu một ngày mai giá rét, chan hoà ánh sáng, hứa hẹn cuộc dạo chơi trên phố Nhà Thờ; trượt băng trong công viên thành phố, vào buổi tối hồng hồng, khi tiếng nhạc nổi lên, giữa đám người đang lướt nhẹ trên sân băng, Ôlia sẽ nổi bật như là người thanh thoát nhất, hạnh phúc nhất.

Có lần, vào giờ nghỉ dài giữa hai tiết học, khi Ôlia đang chạy như bay trong hội trường dựng lên bằng cách lắp ghép, đằng sau cô là đám nữ sinh lớp một vừa đuổi theo, vừa hò reo vui vẻ, thì người ta bất ngờ cho gọi cô lên gặp bà hiệu trưởng. Ôlia đang chạy, đứng sững lại, thở vào một cái rất sâu, rồi bằng một động tác nhanh nhẹn quen thuộc của người phụ nữ, cô sửa lại mái tóc, kéo dải áo yếm lên vai và chạy vội lên gác, mắt sáng long lanh. Bà hiệu trưởng gương mặt trông còn trẻ hơn tuổi thật, nhưng mái đầu đã bạc, bà điềm nhiên ngồi sau chiếc bàn viết đặt dưới tấm ảnh Sa hoàng, tay cầm cuộn len đan.

- Chào m-lle Ôlia, – bà ta nói bằng tiếng Pháp, mắt vẫn không rời mũi đan. – Rất tiếc là không phải lần đầu tôi phải cho gọi cô tới đây để nói về cách ứng xử của cô.

- Em nghe đây, thưa madame, – Ôlia trả lời, bước lại gần bàn, đưa cặp mắt sáng linh lợi nhìn lên bà hiệu trưởng, gương mặt cô bình thản như không. Tiếp đó cô ngồi xuống một cách nhẹ nhàng và yểu điệu như thể chỉ mình cô biết cách ngồi như thế.

- Cô sẽ bỏ ngoài tai những lời tôi nói, rất tiếc là tôi phải tin như vậy, – bà hiệu trưởng nói, tay kéo sợi đan làm cuộn len lăn đi trên nền gỗ bóng nhẵn, nơi Ôlia đang nhìn xuống đấy với vẻ tò mò; bà đưa mắt nhìn lên và nói tiếp: – Tôi sẽ không nói lại, sẽ không nói nhiều.

Ôlia rất thích căn phòng rộng rãi và sạch như lau như ly này, nơi vào những ngày băng giá, chiếc lò sưởi kiểu Hoà Lan vẫn toả hơi ấm áp và thoang thoảng hương hoa linh lan đặt trên bàn. Ôlia nhìn lên chân dung nhà vua trẻ tuổi được vẽ toàn thân giữa một gian phòng bóng loáng; nhìn lên đường ngôi đều đặn trên mái tóc trắng màu sữa được uốn rất khéo của bà hiệu trưởng và im lặng chờ đợi.

- Cô không còn bé bỏng nữa đâu, – bà hiệu trưởng nói bóng gió xa xôi, trong lòng đã bắt đầu cảm thấy bực bội.

- Vâng, thưa madame, – Ôlia đáp lại một cách thản nhiên, gần như là vui vẻ nữa.

- Nhưng cũng chưa phải là đàn bà, – bà hiệu trưởng nói tiếp với ngụ ý xa xôi hơn nữa, gương mặt trắng nhờ nhờ của bà hơi ửng đỏ. – Điều trước tiên, – cô chải đầu kiểu gì vậy? Đó là kiểu tóc của đàn bà!

- Thưa madame, em không có lỗi gì, nếu em có bộ tóc đẹp, – Ôlia trả lời và hai bàn tay cô khẽ chạm vào mái đầu chải rất đẹp của mình.

- À ra thế, cô không có lỗi hả! – Bà hiệu trưởng nói. – Cô không có lỗi khi để đầu tóc như vậy, không có lỗi khi dùng những thứ lược đắt tiền, không có lỗi khi làm cha mẹ khánh kiệt vì phải sắm cho cô thứ giày cao gót giá những hai mươi rúp! Nhưng, tôi nhắc lại cho cô, cô đã hoàn toàn bỏ qua điều rằng cô đang là nữ học sinh…

Liền đó, Ôlia không còn giữ được vẻ giản dị và bình thản nữa, cô bất ngờ lịch sự ngắt lời bà hiệu trưởng:

- Xin lỗi madame, bà nhầm rồi: Em đã là đàn bà rồi. Ai có lỗi trong chuyện này – bà có biết không? Người đó là bạn, là hàng xóm của ba em và là em trai của bà: ông Alếchxây Mikhailôvích Maliuchin. Chuyện này xảy ra mùa hè năm ngoái ở làng quê…

Một tháng sau lần nói chuyện đó, một viên sĩ quan kazắc xấu xí, chẳng có chút gì là mã thượng phong lưu, chẳng có chút gì tương đồng với môi trường của Ôlia, viên sĩ quan ấy đã bắn chết cô trên sân ga, giữa đám người đông đúc – khi tàu vừa đến. Và cái điều Ôlia tự thú vừa khó tin, vừa đã từng làm bà hiệu trưởng kinh ngạc, đã hoàn toàn được xác nhận: viên sĩ quan thông báo với viên dự thẩm của toà án rằng Ôlia đã quyến rũ y, chung sống với y, đã hứa sẽ làm vợ y, thế mà ở ngoài ga, vào hôm xảy ra vụ án mạng, khi tiễn y đi Nôvôtrerơcát, cô đã bất ngờ nói rằng cô chưa hề bao giờ nghĩ tới chuyện yêu y cả, rằng tất cả những lời lẽ về chuyện hôn nhân chẳng qua chỉ là sự giễu cợt của cô đối với y. Tiếp đó Ôlia đã đưa cho Maliuchin đọc trang nhật ký ghi về y.

- Tôi liếc mắt xem mấy dòng ấy và liền sau đấy, ngay trên sân ga, nơi cô ta đang đi dạo chờ tôi đọc xong, tôi đã bắn cô ta, – viên sĩ quan nói. – Đây, xin mời ông xem, những gì đã được viết trong nhật ký ghi ngày mười tháng Bảy năm ngoái.

Trong nhật ký có ghi những dòng sau:

“Bây giờ là hai giờ đêm. Tôi đã thiếp đi, nhưng một lúc sau thì tỉnh lại… Giờ thì tôi đã thành đàn bà rồi! Ba, mẹ và Tôlia, tất cả đều vào thành phố, có mình tôi ở lại. Tôi đã cảm thấy thật hạnh phúc, khi còn lại một mình! Buổi sáng tôi dạo chơi trong vườn, ngoài đồng, tôi vào rừng, có cảm tưởng rằng trong cả thế giới này chỉ có một mình tôi, tôi cảm thấy đầu óc mình sảng khoái như chưa từng bao giờ gặp thế trong đời. Tôi ngồi ăn một mình, sau đó chơi đàn suốt một giờ liền, trong tiếng nhạc, tôi có cảm giác rằng mình sẽ được sống mãi mãi, sẽ được hạnh phúc hơn hết thảy mọi người. Sau đó tôi ngủ thiếp đi trong phòng làm việc của ba, nhưng đến bốn giờ thì Kachia đánh thức tôi dậy và báo rằng có ông Maliuchin đến. Tôi rất mừng thấy ông tới chơi, tôi cảm thấy khoan khoái khi được tiếp, chuyện trò đầy thú vị với ông.

Ông đến bằng cỗ xe song mã của mình, hai chú ngựa nom rất đẹp, chúng cứ đứng cạnh thềm mãi, còn ông thì lưu lại chưa về ngay được vì trời mưa, ông ấy mong sao cho tới chập tối thì tạnh. Ông tiếc không gặp được ba, tỏ ra rất hoạt bát, đối xử với tôi như một hiệp sĩ, nói đùa nhiều lần rằng từ lâu ông đã phải lòng tôi. Trước lúc uống trà, chúng tôi dạo chơi trong vườn, thời tiết lại tuyệt vời, ánh mặt trời lấp loáng qua khu vườn còn đọng nước mưa. Tuy khí trời đã rất lạnh nhưng ông vẫn khoác tay tôi đi dạo và nói rằng ông là Phaoxtơ đi bên nàng Macgarít. Ông đã năm mươi sáu tuổi, nhưng còn rất đẹp và ăn vận lúc nào cũng chỉn chu – tôi chỉ không thích một điều là khi tới đây, ông đã mặc chiếc áo khoác ngoài rộng thùng thình, – người toả ra mùi nước hoa Anh Cát Lợi, còn cặp mắt đen thì trông rất trẻ, bộ râu mềm mại tách ra thành hai phần dài và đã hoàn toàn bạc trắng. Chúng tôi ngồi uống trà ở ngoài hiên có kính ngăn, tôi cảm thấy mình hình như không được khoẻ và nằm xuống chiếc đivăng, còn ông thì hút thuốc, sau đó ngồi sang chỗ gần tôi, bắt đầu nói những lời êm ái, ngắm nghía rồi hôn lên tay tôi. Tôi lấy chiếc khăn lụa che mặt, còn ông thì mấy lần hôn vào môi tôi qua lần khăn ấy… Tôi không hiểu sao điều ấy lại có thể xảy ra, tôi điên mất rồi, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình lại như thế! Bây giờ tôi chỉ còn một lối thoát… Tôi cảm thấy ghê tởm ông ta đến mức không thể nào chịu nổi điều này!…”

Vào những ngày tháng tư ấy, thành phố trở nên khô ráo sạch sẽ, những phiến đá lát đường như trắng ra, đi trên đất thật nhẹ nhàng và dễ chịu. Mỗi chủ nhật, sau lễ cầu kinh buổi sáng, dọc theo phố Nhà Thờ dẫn ra ngoài thị trấn, thường thấy một người phụ nữ nhỏ nhắn đang đi, bà vận đồ tang, đi găng tay da mềm màu đen, cầm chiếc ô làm từ gỗ mun. Bà đi qua quảng trường bẩn thỉu, nơi có nhiều lò rèn ám khói và không khí trong mát ngoài đồng thổi về; tiếp đó bà đi giữa nam tu viện và nhà lao, mây trắng bay ngang trời và cánh đồng mùa xuân ngả màu xanh xám, sau đó khi đi qua những vũng nước dưới chân tu viện và rẽ sang trái, bà thấy trước mắt hiện ra một khu vườn khá rộng, cây cối thấp có hàng rào màu trắng bao quanh,  phía trên cổng vào đấy có đề dòng chữ Đức thánh tạ thế. Người phụ nữ nhỏ nhắn vội làm dấu rồi theo thói quen đi tiếp trên con đường chính giữa hai hàng cây xanh. Tới bên chiếc ghế đối diện với cây thánh giá làm bằng gỗ sồi, bà ngồi xuống trong gió lạnh mùa xuân chừng một hai giờ, cho tới lúc đôi chân đi giày mỏng và tay đeo găng da chật nhỏ cảm thấy tê cóng. Lắng nghe chim mùa xuân hót ngọt ngào cả giữa trời giá rét, nghe tiếng gió reo qua chiếc vòng sứ, có lúc bà nghĩ rằng bà sẵn lòng hiến nửa cuộc đời mình chỉ để sao cho khỏi thấy trước mắt cái vòng hoa chết chóc này. Cái vòng hoa này, nấm đất này, cây thánh giá gỗ sồi này! Có thể nào tin được rằng dưới đó là cô gái bất tử sáng long lanh từ tấm ảnh, trong chiếc mêđaigiông bằng sứ gắn vào cây thánh giá? Làm sao có thể nhập hoà làm một ánh mắt trong sáng ấy với cái điều khủng khiếp từ giờ đã gắn với tên tuổi Ôlia? - Nhưng tự trong đáy lòng, người phụ nữ nhỏ nhắn thấy mình hạnh phúc, như tất cả những người trung thành với ước mơ nồng cháy của mình.

Người phụ nữ này là bà chủ nhiệm lớp của Ôlia, một cô gái quá lứa, từ lâu sống bằng những thần tượng thay thế cho cuộc đời thực. Dạo đầu thần tượng đó là người anh trai của bà, một viên hạ sĩ quan nghèo xác chẳng có gì nổi bật , - bà gắn bó cả tâm hồn mình với anh trai, với tương lai của anh mà không biết vì sao bà lại hình dung là xuất chúng. Khi anh bị giết ở gần Mukđen, bà tự coi mình là một viên chức có đầu óc tiên tiến. Cái chết của Ôlia thu hút ám ảnh bà bởi một niềm mơ ước mới. Giờ đây Ôlia trở thành đối tượng cho những suy nghĩ và tình cảm triền miên không dứt của bà. Ngày nghỉ nào bà cũng ra thăm mộ cô, ngắm nhìn hàng giờ liền cây thánh giá gỗ sồi, nhớ lại gương mặt nhợt nhạt của Ôlia nằm trong quan tài, giữa những vòng hoa. Bà nhớ lại có lần bà đã nghe lỏm được, có lần, vào giờ nghỉ giữa hai tiết học, khi đi dạo trong vườn trường, Ôlia đã nói rất nhanh với Xupôchina, cô bạn gái thân cao to, đẫy đà:

- Tớ đọc được trong một cuốn sách của ba tớ, - ba tớ có nhiều sách cổ buồn cười lắm cơ, - phụ nữ phải có vẻ đẹp thế nào... Cậu biết không, trong sách ấy nói nhiều điều đến nỗi chẳng nhớ hết được đâu:  này nhé, tất nhiên là cặp mắt phải đen, sôi lên như nhựa, - có trời biết được trong sách viết như thế: sôi lên như nhựa! - lông mi phải đen như trời đêm, má mịn màng phơn phớt hồng, eo lưng thon thả, cánh tay dài hơn bình thường - cậu hiểu không, phải dài hơn bình thường! - chân nhỏ nhắn, ngực đầy đặn vừa phải, bắp chân tròn đều, đầu gối màu vỏ hến, vai hơi xuôi xuống, - tớ gần như thuộc lòng nhiều điều lắm nhé, điều nào cũng đúng cả! - nhưng cái chính, cậu biết là gì không? - Là phải có hơi thở nhẹ! Tớ cũng có cái đó đấy, - cậu nghe xem tớ thở thế nào nhé, - đúng là tớ có phải không?

Giờ đây hơi thở nhẹ ấy lại lan tỏa đi trong thế giới này, dưới bầu trời đầy mây, trong gió xuân lành lạnh.

Phan Hồng Giang dịch

Bài liên quan
  • LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    Chân Dung Kẻ Sĩ:  Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway với "Nguyên lý tảng băng trôi", là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Giã từ vũ khí (1929); Chuông nguyện hồn ai (1940); Ông già và biển cả (1952). Năm 1954 ông thắng Giải Nobel Văn Chương và để lại nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học Mỹ.
  • CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

    CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Mikhail Sholokhov là tác giả của bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm, một trong những tác phẩm văn chương vĩ đại nhất của nước Nga. Tác phẩm này đã đưa ông tới chiến thắng mùa giải Nobel Văn Chương năm 1965.
  • RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

    RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Cố Thủ Tướng nước Anh Winston Churchill (1874-1965) người duy nhất là nguyên thủ một quốc gia từng thắng giải Nobel văn chương (năm 1953) với cuốn sách Hồi ức về Chiến tranh thế giới thứ hai (The Second World War, sáu tập, 1948-1953).
  • TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn người Clombia Gabriel José García Márquez là tác giả thắng Giải Nobel Văn chương năm 1982 với tác phẩm Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad, 1967). Ngoài ra, ông cũng rất nổi tiếng với tác phẩm Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera, 1985), viết sau khi ông thắng Giải Nobel và được công nhận là một trong 100 tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha hay nhất trong hàng chục năm qua. Tờ New York Times ca ngợi Tình yêu thời thổ tả là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là "tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim".
  • NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Heinrich Böll là nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 với tiểu thuyết Gruppenbild mit Dame (Bức chân dung tập thể với một quý bà). Ông được coi là hiện thân của văn chương Đức hậu chiến, một người bước ra từ chiến tranh.
  • CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Guy de Maupassant là tác giả viết truyện ngắn nổi tiếng người Pháp, với một sinh lực dồi dào nhưng có tâm trạng bi thảm. Trong khoảng mười một năm sáng tác, ông đã viết khoảng 300 truyện ngắn và 6 tiểu thuyết... trước khi mất ở tuổi 42.
  • HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse  là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    Chân Dung Kẻ Sĩ: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”, lời của Viện Hàn lâm Thụy Điển (tiến sĩ Anders Usterling) khi trao giải Nobel Văn chương tới nhà văn xuất chúng nhất nước Nhật từng sản sinh ra.
  • CĂN NHÀ CỦA MAPUHI – Truyện ngắn Jack London

    CĂN NHÀ CỦA MAPUHI – Truyện ngắn Jack London

    Chân Dung Kẻ Sĩ: CĂN NHÀ CỦA MAPUHI được xem là truyện ngắn hay nhất trong tuyển tập truyện ngắn Truyện Biển Nam của nhà văn Jack London, xuất bản năm 1911. Ông khuyên một người bạn muốn viết văn: “Trong óc anh chưa có gì đáng kể lại đâu. Đi nhiều đi và học trong đời như tôi đã học. Bất kì ai cũng có thể viết đúng ngữ pháp được nhưng điều cốt yếu là phải biết diễn tả linh động (…) Tôi cam đoan với anh rằng tôi không khi nào thiếu đề tài để viết (…). Những cảnh đời ta đã trải, dù ghê tởm đến đâu cũng có cái đẹp của nó”. Ở đây, CĂN NHÀ CỦA MAPUHI, nhà văn đã cho độc giả thấy một cảnh tượng đúng như lời ông nói bên trên. Câu chuyện, mô tả thứ mà các nước thực dân đem đến cho những người bản địa ở nơi mà họ đem "ánh sáng" tới, thực chất là ngoài giới hạn chịu đựng của con người.