chan_dung-ke_si

CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

23-09-2024

Lượt xem 1489

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Mikhail Sholokhov

CHÚ NGỰA CON – Truyện ngắn Mikhail Sholokhov

Nhà văn Mikhail Sholokhov (1905-1984)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Mikhail Sholokhov là tác giả của bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm, một trong những tác phẩm văn chương vĩ đại nhất của nước Nga. Tác phẩm này đã đưa ông tới chiến thắng mùa giải Nobel Văn Chương năm 1965.

- Triệu Phong dịch

Mikhail Aleksandrovich Sholokhov sinh năm 1905, tại Veshenskaya, thời đế quốc Nga Hoàng, trên miền đất của người Cossacks. Ông trở thành nhà văn trong thời Liên Bang Xô Viết và được giải Nobel văn chương năm 1965. Ông mất năm 1984, cũng tại nơi sinh quán.

Cha ông thuộc thành phần bán trung lưu, làm đủ nghề từ nông dân, mua bán trâu bò, đến chủ lò xay bột. Mẹ xuất thân từ gia đình nông dân Ukraine, bị mù chữ cho đến lúc cảm thấy cần phải biết đọc biết viết để tương xứng với con trai mình.

Sholokhov bắt đầu viết văn lúc 17 tuổi. Tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Vết Chàm. Năm 1922, ông dọn lên Moscow ở để trở thành phóng viên, nhưng ông phải tự mưu sinh bằng đủ nghề lao động như phu bốc vác, thợ nề và thư ký kế toán. Trong thời gian đó ông thỉnh thoảng tham dự các buổi hội thảo của các nhà văn. Tác phẩm đầu tiên được xuất bản là một bài xã luận trào phúng Bài Sát Hạch (1923). Năm 1924, Sholokhov trở về quê nhà, dành hết tâm huyết để viết văn. Cùng năm đó ông cưới vợ. Họ có với nhau được hai gái và hai trai.

Cuốn sách đầu tiên Những Câu Chuyện Dòng Sông Don, xuất bản năm 1926, gồm những chuyện kể về vùng quê quán của ông trong thời Thế Chiến I và cuộc Nội Chiến Nga, phần lớn dựa theo kinh nghiệm cá nhân. Câu chuyện Nakhalyonok, một phần dựa theo thời thơ ấu, về sau trở thành cuốn phim rất được ưa thích.

Vào cùng năm ông bắt đầu viết cuốn Dòng Sông Don Êm Ðềm, là cuốn mà ông được Giải Stalin, và ông phải mất mười bốn năm mới viết xong (1926-1940). Cuốn này trở thành tác phẩm được đọc nhiều nhất trong số những tiểu thuyết của văn học Xô Viết và cũng mang lại cho ông giải Nobel Văn Chương năm 1965.

Sholokhov bị tố đạo văn cuốn Dòng Sông Don Êm Ðềm, điều khiến ông nổi danh trên trường quốc tế. Kẻ gièm pha cho rằng ông cóp truyện của Fyodor Kryukov. Một cuộc điều tra sau đó vào cuối thập niên 1920 công nhận ông chính là tác giả.

***

Chú vật lộn khó khăn để lọt khỏi lòng mẹ giữa ban ngày, đầu ra trước. Hai chân trước khẳng khiu vói ra gần đống phân đầy ruồi nhặng bay kêu vù vù. Ðiều đầu tiên chú trông thấy là luồng khói màu xám pha nhẹ sắc hồng hoặc xanh của các mảnh đạn nóng chảy phụt ra, tạo nên từ sức đẩy của trái phá nổ ngay trên đầu. Tiếng ré của một trái đạn đại bác xé toạc không khí, hất cái thân ướt nhẹp rơi tõm xuống giữa mấy cẳng chân của mẹ chú. Kinh khiếp là cảm giác đầu tiên chú cảm nhận được trên trái đất này.

Một loạt bi sắt mang theo mùi khó chịu bắn như mưa rào lên mái ngói chuồng ngựa, đổ ào xuống nền đất ở bên dưới. Mẹ chú kinh hãi bật đứng dậy và rớt phịch ngay xuống, kèm theo một tiếng rít nghe chói tai, mạn sườn ướt đẫm mồ hôi của mẹ chú ngã dựa lên đống phân.

Mẹ chú chính là con ngựa cái của anh lính trơn Trofim.

Trong cái yên lặng ngột ngạt ngay sau đó, tiếng vo ve của bầy ruồi nay có thể nghe rõ hơn. Một chú gà trống, do quá sợ tiếng súng không dám vọt lên hàng rào, đứng vỗ cánh liên hồi đâu đó dưới sự che chở an toàn của mấy bụi cây, và cất tiếng gáy một cách vô tư. Từ túp lều vọng ra tiếng rên nấc nghẹn của một người xạ thủ đại liên bị thương. Gã kêu gào từng chặp bằng một âm thanh sắc buốt nhưng khàn đi, và tiếng kêu la của gã lại pha lẫn với tiếng nguyền rủa tức tối. Ong bay vo ve trên mấy đóa anh túc mềm mại như lụa, mọc trong thửa vườn nhỏ. Bên kia làng, một cây đại liên vừa khạc xong băng đạn, trong khoảnh khắc yên tĩnh giữa hai tiếng đạn trái phá, ngựa mẹ đưa lưỡi liếm hài nhi mới chào đời. Chú ngựa con khum mình dưới bầu vú căng đầy sữa của ngựa mẹ, cảm nhận lần đầu tiên cái toàn bích của sự sống, lẫn cái ngọt ngào không thể quên được nơi sự âu yếm của ngựa mẹ.

Sau trái đạn thứ hai rớt đâu đó đằng sau vựa thóc, Trofim từ căn lều bước ra, đóng sầm cửa lại rồi đi về phía chuồng ngựa. Gã bước ngang qua đống phân bò, tay che ánh mặt trời. Chợt trông thấy chú ngựa con đang bú sữa mẹ, gã sững điếng người. Bàn tay run rẩy, gã lục lọi tìm bịch thuốc vấn. Cuộn xong một điếu rồi gã mới lấy lại phong độ để cất tiếng:

– Thì ra mày đi kiếm chỗ đẻ! Mày chọn đúng lúc quá nhỉ. Lời nhận xét của gã âm vang một nỗi xót xa.

Cỏ bẩn và cứt bò đóng khô dính trên mạn sườn xác xơ, ngựa cái trông gầy rạc hẳn ra nhưng đôi mắt lại ngời lên niềm hân hoan pha lẫn vẻ mệt mỏi, và chiếc môi trên trề lên thành nụ cười. Hay ít nhất Trofim cũng nghĩ như vậy. Gã dẫn ngựa mẹ đi vào chuồng. Nó hít khịt khịt khi lắc túi thóc gã treo trên đầu. Trofim đứng tựa vào khung cửa, cáu kỉnh nhìn về phía chú ngựa con và cộc lốc hỏi ngựa mẹ:

– Bây giờ tao biết làm quái gì với nó đây?

Âm thanh của tiếng thóc bị nghiền nát có thể nghe rõ trong khung cảnh lờ mờ và tĩnh lặng của chuồng ngựa. Một tia nắng chiếu vênh trông như một cột trụ bằng bụi vàng, rọi xuyên qua khe hở của cánh cửa đóng kín, làm sáng lên gò má của Trofim. Chòm ria và bộ râu quai của gã nhuốm một sắc độ đỏ hồng. Ðường viền quanh miệng gã cong lên thành những đường đứt gãy sẫm màu. Chú ngựa con đứng trên mấy chiếc cẳng khẳng khiu đầy lông tơ trông như con ngựa đồ chơi bằng gỗ.

– Tao có cần phải giết phứt nó đi không? Trofim nói, ngón tay ố màu thuốc lá của gã chỉ về phía chú ngựa mới đẻ.

Ngựa mẹ đảo đôi mắt đỏ ngầu, chớp chớp và liếc xéo về phía chủ của nó vẻ chế giễu.

Chiều hôm ấy, trong căn phòng tốt nhất của căn lều, Trofim bàn bạc với đội trưởng đội kỵ binh:

– … Tôi không biết rằng con ngựa cái của tôi nó mắc đẻ, nó chạy không nổi, cho phi nước kiệu chậm lại cũng không được, và miệng nó cứ thở dốc liên hồi. Tôi để ra một ngày để coi sóc nó, hóa ra nó đẻ. Sếp biết không, con ngựa con có màu lông của ngựa hồng. Do đó… Trofim vừa kể vừa ngập ngừng trước mỗi chi tiết.

Ðội Trưởng nắm chặt cái ca đồng đựng trà như đang nắm chặt chuôi kiếm trước khi xông trận, đôi mắt mệt mỏi nhìn không rời ngọn đèn dầu. Bên trên ngọn lửa vàng vọt, mấy con thiêu thân bay lượn điên cuồng. Chúng từ cửa sổ để hở bay vào và lần lượt tự thiêu sống nơi cái ống khói bằng thủy tinh của cây đèn. Ðội Trưởng phán:

– Hồng hay đen chẳng có gì khác cả, ngựa nào cũng như nhau. Bắn bỏ hết! Ðể ngựa con đi lẽo đẽo theo, chúng ta trông chẳng khác gì đám du cư, còn gì là đội kỵ binh nữa.

Trofim làu bàu cái gì đó không nghe rõ.

– Mày nói sao?… Tao nói vậy đó, giống như đám du cư. Nếu sếp lớn xuống đây thì biết ăn nói làm sao? Cứ nghĩ coi đi, ổng đang duyệt hàng quân thì bỗng đâu nó nghênh ngang bước ra, đuôi dựng lên trời coi có được không… Toàn thể Hồng Quân chắc phải nhục nhã vì xấu hổ. Trofim, tao không thể hiểu được sao mày có thể chấp nhận được một việc như thế. Chúng ta đang ở vào thời kỳ chiến tranh Nội Chiến khốc liệt nhất, và bỗng đâu lại có chuyện như vầy xảy ra. Sao vậy, thật là hoàn toàn ô nhục! Truyền nghiêm lịnh cho tụi nài không được để ngựa con tới gần mẹ nó.

Sáng hôm sau, Trofim bước ra khỏi lều tay cầm khẩu súng trường. Mặt trời vẫn chưa lên hẳn. Cỏ lấp lánh những hạt sương màu hồng thẫm. Dấu giày trận in đầy khắp cánh đồng và những đụn đất dư sau khi đào giao thông hào, gợi lại hình ảnh u sầu lấm đầy nước mắt của một cô gái. Người lính hỏa đầu lăng xăng trong căn bếp dã chiến. Ðội Trưởng mặc áo lót, ngồi dưới mái hiên của căn lều, đang gọt gỗ thành hình một cái môi. Mấy ngón tay của ông, vốn đã quen với cái thép lạnh của khẩu súng sáu, nay trở nên vụng về với công việc này. Cái xúc giác lẫn mùi hương của gỗ ẩm đưa ông về với cuộc sống làng quê đã quên lãng từ lâu.

Khi Tromfin đi ngang qua, gã chú ý hỏi:

– Sếp tính làm cái môi à?

Đội Trưởng đã làm xong phần cán và trả lời qua kẽ răng:

– Gì chứ ba cái thứ này lúc trước tao rành lắm nhưng sao bây giờ tao làm không giống ai.

Tromfin cãi lại:

– Ngược lại thì có sếp à, tôi thấy nó trông được lắm.

Ðội Trưởng phủi mạt gỗ khỏi đầu gối và hỏi Tromfin:

– Mầy đi bắn con ngựa à?

Tromfin làm cử chỉ khoác tay nhưng không nói gì. Ngừng một lúc, gã tiến thẳng về phía chuồng.

Ðầu cúi xuống, Ðội Trưởng ngồi chờ nghe tiếng súng nổ. Một phút trôi qua, rồi thêm một phút khác ông vẫn không nghe gì cả. Trofim lại hiện ra từ phía xó chuồng ngựa, mặt trông có vẻ băn khoăn.

– Sao rồi?

– Cái cơ bẩm có vấn đề rồi sếp ơi, bóp cò hoài mà súng vẫn không kích hỏa.

– Ðưa tao xem nào.

Trofim miễn cưỡng trao cây súng. Ðội Trưởng kéo cây cần lên xuống, và nheo mắt nhìn.

– Súng mày không có đạn.

Trofim kêu lên:

– Không lẽ nào!

– Tao đã bảo mày là nòng súng trống trơn.

– Chắc tôi làm rớt đâu đó rồi… có thể sau chuồng ngựa cũng không chừng.

Ðội Trưởng để cây súng qua một bên rồi trở lại với cái môi đang làm dở. Mùi gỗ ẩm nồng đến độ mũi ông bắt được cả mùi hoa của cây dương tía, và cả mùi đất mới xới lên. Ông miên man nghĩ về công việc nặng nhọc trước đây mà nay ông đã hoàn toàn quên hẳn sau biết bao lần xông pha chiến trận.

– Thôi được rồi! Quỷ bắt nó đi! Cho nó được gần mẹ nó. Bây giờ thì tạm cho nó sống… rồi sẽ tính sau. Khi hết chiến tranh nó có thể dùng được vào việc gì đó, kéo cày chẳng hạn… Nếu xui lỡ sếp lớn có thấy chắc sếp cũng hiểu là nó đang cần sữa và cho phép nó bú… sếp cũng từng phải bú vậy… chúng ta cũng thế thôi… vì đó là lẽ tự nhiên của trời đất, cứ để mặc như thế! Nhưng súng của mày thì hoàn toàn chẳng có vấn đề gì cả.

Một tháng sau, đội kỵ binh của Trofim đụng trận với một đại đội quân Cossack ở làng Ust-Khopersk. Hai bên bắn nhau khi nhá nhem tối. Trời tối đen khi họ xua ngựa lên tấn công, gươm tuốt trần. Ðang tiến nửa chừng, Trofim bổng rơi về phía sau trung đội của mình. Chẳng phải do gã giật cương hay quất roi quá mạnh mà miệng của ngựa mẹ bị chảy máu, khiến nó không còn có thể phi nước đại được nữa. Ðầu ngước lên, ngựa mẹ cất tiếng hí khàn đục, vó giậm lên nền đất cho đến khi chú ngựa con, đuôi ve vẩy, đuổi kịp đến. Trofim nhảy xuống khỏi yên, tra gươm vào vỏ, mặt choắt lại giận dữ, đưa tay đỡ khẩu súng trên vai xuống. Mấy người đàn ông ở sườn phải đang đánh cận chiến với quân thù. Gần một vách đá, một đám chiến binh chạy tới chạy lui như bị một trận cuồng phong thổi mạnh làm cho dao động. Họ khua gươm trong yên lặng. Chỉ tiếng vó ngựa giậm nghe huỳnh huỵch là có thể nghe thấy. Trofim ngoái nhìn về phía họ một giây, rồi quay súng nhắm vào chiếc đầu nhỏ hẹp của chú ngựa con. Tay gã có thể run run do quá cáu tiết, hay có thể vì lý do nào khác, khiến gã bắn trật. Sau phát súng, chú ngựa con hí lên một tiếng nho nhỏ, cẳng đá gót lên một cách ngu ngốc, làm bắn lên từng mảng đất xam xám. Chú chạy lòng vòng rồi đứng yên cách đó một khoảng. Trofim bắn thêm nhiều phát về phía con quỷ nhỏ. Biết có bắn cũng không làm chết hay trầy xước được nó, gã nhảy lên yên ngựa mẹ trở lại, miệng chửi rủa điên cuồng, và phi nước kiệu về phía bọn Cossack mặt đỏ, râu ria xồm xoàm, đang dồn Ðội Trưởng của gã và ba người lính Hồng Quân về phía một khe nước.

Ðội kỵ binh đêm ấy đóng quân ở đồng cỏ, cạnh một khe nước nông. Mấy người đàn ông hút một ít thuốc. Họ không tháo yên khỏi lưng ngựa. Người lính thám sát từ hướng sông Don trở lại, báo cáo nhìn thấy một lực lượng địch đáng kể, đang tập trung để ngăn không cho Hồng Quân vượt sông.

Trofim nằm ngủ, hai chân bọc trong lớp gấp của chiếc áo choàng cao su, gã không ngừng nghĩ về những gì xảy ra trong ngày.

Trước rạng đông, Ðội Trưởng bước đến, ngồi xổm xuống cạnh gã trong bóng tối.

– Tromfim, mày đang ngủ à?

– Chỉ thiu thiu thôi.

Ngước lên nhìn những vì sao mờ nhạt, Ðội Trưởng nói:

– Trừ phức con ngựa con chết tiệt đó đi. Nó chỉ gây cản trở khi chiến đấu. Nhìn nó là tay tao run bần bật lên rồi… Tao không xài gươm với nó được. Vì làm vậy khiến mình đâm ra nhớ nhà… Chúng ta không làm vậy trong chiến tranh… Nó làm cho trái tim của người chiến binh từ đá biến thành miếng giẻ rách. Hơn nữa khi mấy lũ ngựa khác đang tấn công thì con khốn nạn nầy lủi theo giữa cẳng chúng, trong khi chúng không rảnh để cho bú được.

Ðội Trưởng im một lúc rồi cười buồn bã. Trofim không trông thấy nụ cười ấy.

– Mày hiểu tao nói chứ Trofim? Ðuôi nó… mày thấy chứ… cái cách nó vểnh lên trên lưng, vó thì đá ngược… đuôi nó trông như cái ấy của con chồn…. Thực là cái đuôi kỳ lạ…

Trofim vẫn im lặng. Gã kéo áo lên trùm lấy đầu, run rẩy trong cái ẩm của sương đêm, nhanh chóng đi vào giấc ngủ.

Ở chỗ đối diện với một tu viện, dòng sông Don ập vào một vách đá dựng đứng, rồi tuôn qua với sức nhanh thô bạo. Tại khúc quanh, nước tạo thành những vòng xoáy nhỏ, và những đợt sóng nước màu xanh lục bạc đầu, do cơn lũ mùa Xuân, vỗ mạnh vào mấy tảng đá vôi nằm đây đó trên sông.

Ðịch chiếm lấy bờ sông phía hữu ngạn, ở đoạn dòng chảy yếu đi và con sông rộng và êm hơn. Từ vị trí thuận lợi, họ tập trung hỏa lực vào phía chân đồi ở bờ bên kia. Ðể tránh lằn đạn, Ðội Trưởng không còn chọn lựa nào khác hơn là cho con cái mình băng qua ở chỗ đối diện với tu viện, nơi nước chảy xiết. Dẫn đường vượt qua sông, Ðội Trưởng cho ngựa tiến xuống từ bờ cát bên dưới vách đá. Cả đạo quân nối đuôi theo, nước bắn tóe lên nghe như sấm rền – có đến một trăm tám mươi tay bơi, nửa thân mình trần trụi, cộng thêm với ngần ấy con ngựa đủ màu sắc khác nhau. Yên cương chúng chất lên ba chiếc xuồng. Trofim chèo một trong ba chiếc ấy. Gã giao phó ngựa mẹ cho người trung đội trưởng tên Nechepurenko. Từ giữa dòng, Trofim trông thấy bầy ngựa đi trước bì bõm dưới nước sâu, mồm bị uống ngụm liên hồi, còn các kỵ mã thì không ngừng giục chúng tiến tới. Trong không đầy một phút, mặt nước lốm đốm đầy những đầu ngựa, mồm chúng thở phì phò thành đủ thứ âm thanh. Mấy người đàn ông bơi theo cạnh bên, tay nắm chặt vào bờm, áo quần, còn ba-lô thì buộc vào súng và được đưa lên cao quá đầu.

Thẩy mái chèo vào trong xuồng, Trofim vươn người lên, mắt nheo ngược hướng nắng, bồn chồn kiếm chiếc đầu của ngựa cái trong số bầy ngựa đang bơi. Ðội kỵ binh trông giống như bầy ngỗng bay tản mác trên trời vì bị thợ săn bắn. Kìa đằng trước là con ngựa của Ðội Trưởng, tấm lưng láng bóng của nó có thể thấy nổi cao lên khỏi mặt nước. Theo sau là một khối đen điu những con vật, và cuối cùng, bị bỏ rơi sau hẳn những con khác mà Trofim có thể nhận ra được, là chiếc đầu tóc lởm chởm như rễ tre của trung đội trưởng Nechepurenko, ngựa cái của Trofim xuất hiện với đôi tai vểnh ở bên trái. Cố nhướng mắt nhìn, Trofim cũng thoạt thấy bóng dáng của chú ngựa con. Chú đang bơi với những tia nước bắn vọt lên không, rồi lại biến mất cho đến khi có thể trông thấy trở lại chiếc mũi của chú.

Một cơn gió thổi qua sông Don, đưa lại bên tai Trofim một tiếng hí ai oán, mong manh như tơ nhện.

Tiếng kêu vẳng lên trên mặt nước nghe sắc và nhói như mũi gươm, xoáy vào tận trái tim của Trofim. Một điều gì đó bất thường xảy đến với người đàn ông này: gã từng xông pha chiến trận suốt năm năm, cái chết diễn ra lập đi lập lại dưới mắt gã như một trò đùa, còn gì là nghĩa lý đối với gã nữa. Nhưng giờ đây khuôn mặt bên dưới bộ râu rậm rạp đỏ tía của gã bạc nhợt hẳn đi, mang một màu xám của tro than. Vồ lấy mái chèo, gã chèo vội ngược dòng, về hướng chú ngựa con đang đuối sức trong cơn nước xoáy. Cách đó chừng hai mươi mét, Nechepurenko đang vật lộn với ngựa mẹ nhưng vẫn không thể kéo nó trở lại được. Ngựa mẹ đang bơi về phía dòng nước xoáy, cất lên tiếng hí nghe não lòng. Bạn của Trofim, Steshka Yefremov, ngồi trên đống yên nơi một chiếc xuồng khác hét về phía gã:

– Chớ có làm liều. Bơi vào bờ đi. Coi chừng! Bọn Cossack kìa!

– Tao sẽ bắn nó!

Trofim gào lên trong hơi thở nặng nề, tay giật lấy cái đai súng.

Dòng nước đưa chú ngựa con trôi ngang chỗ đội kỵ binh đang băng qua. Xoáy nước nhỏ đưa chú xoay quanh đều đặn, những đợt sóng bạc đầu màu xanh lục vỗ lên người chú. Trofim chèo lấy chèo để trong khi chiếc xuồng lắc lư dữ dội, gã nhìn thấy bọn Cossack từ khe nước ở bờ hữu ngạn đang túa ra. Một cây đại liên Maxim đang nổ dồn dập. Ðạn rít lên khi xuyên vào làn nước. Một sĩ quan địch trong chiếc áo vải bạt rách bươm tay vung vẩy cây súng, miệng la điều gì đó.

Chú ngựa con càng lúc càng hí lên những tiếng kêu ngắn và sắc, yếu dần và yếu dần. Tiếng kêu thanh âm như của một đứa trẻ, mang lại cho người nghe cảm giác lạnh buốt kinh hoàng.

Nechepurenko bỏ mặc ngựa cái, bơi trở lại phía bờ tả ngạn một cách dễ dàng. Run rẩy, Trofim chộp súng lên bắn, nhắm ngay vào bên dưới chiếc đầu nho nhỏ đang bị dòng xoáy kéo xuống. Gã chợt tống đôi giày trận ra, tay giang rộng rồi nhảy bổ vào dòng nước, miệng rên khe khẽ.

Bên bờ hữu, người sĩ quan mặc chiếc áo vải bạt rống lên:

– Ngưng bắn!

Trofim bơi đến gần được chú ngựa con trong năm phút. Với tay trái, gã đỡ lấy tấm thân lạnh buốt của chú ngựa con đang thở dốc và ho từng cơn, bơi về phía tả ngạn. Từ bờ bên kia không có một viên đạn nào bắn sang.

Bầu trời, cánh rừng, bãi cát – tất cả ngời lên ánh xanh lục và trong suốt… Với nỗ lực cuối cùng, Trofim cảm thấy chân chạm được đất ở bên dưới. Gã kéo tấm thân trơn tru của chú ngựa con lên bờ, rồi sụt sùi khóc, miệng khạc ra thứ nước xanh, trong khi tay mò mẫm trên mặt cát. Từ khu rừng ở phía bên kia sông Don vẳng lại âm thanh rời rạc của đội kỵ binh đã vượt qua được. Ðâu đó bên kia bờ cát ở phía đối diện súng nổ vang rền. Ngựa mẹ đứng cạnh Trofim, khẽ rùng mình và liếm lên thân hình chú ngựa con. Từ đuôi ngựa mẹ, một dòng nước ngời ánh cầu vồng, nhỏ giọt xuống đất, tạo thành những lỗ nhỏ trên cát.

Khẽ cựa mình, Trofim đứng dậy, bước đi vài bước, rồi giật bắn lên không và gục xuống bên mạn sườn. Gã cảm thấy như có một mũi tên nóng hổi đi xuyên qua lồng ngực. Gã ngã xuống cùng lúc khi nghe tiếng súng, một viên đạn duy nhất trúng lưng gã, từ bờ bên kia bắn sang. Nơi đó, người sĩ quan mặc chiếc áo vải bạt rách bươm đang kéo súng lách cách, tống vỏ đạn đang còn bốc khói ra, trong khi trên bãi cát ở bờ bên này, Trofim co rúm người và cặp môi xù xì xanh ngắt, mà đã năm năm chưa hề được hôn một đứa trẻ con, khẽ mỉm cười lần cuối cùng.

(1926)

Bài liên quan
  • LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    LỊCH SỬ TỰ NHIÊN CỦA CÁI CHẾT – Truyện ngắn Ernest Hemingway

    Chân Dung Kẻ Sĩ:  Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway với "Nguyên lý tảng băng trôi", là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Giã từ vũ khí (1929); Chuông nguyện hồn ai (1940); Ông già và biển cả (1952). Năm 1954 ông thắng Giải Nobel Văn Chương và để lại nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học Mỹ.
  • HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

    HƠI THỞ NHẸ - Truyện ngắn Ivan Bunin

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Ivan Bunin đến với văn chương từ những bài thơ sáng tác năm 1981. Mãi đến năm 1894, ông mới xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên. Những năm sau đó, mặc dù các tác phẩm của ông được nhiều người khen ngợi nhưng phải đến năm 1910, khi cuốn Ngôi Làng ra mắt, ông mới trở nên thực sự nổi tiếng. Không những vậy, Ngôi Làng còn giúp ông trở thành nhà văn người Nga đầu tiên thắng Giải Nobel Văn Chương vào năm 1933.
  • RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

    RƠI XUỐNG BIỂN – Truyện ngắn Winston Churchill

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Cố Thủ Tướng nước Anh Winston Churchill (1874-1965) người duy nhất là nguyên thủ một quốc gia từng thắng giải Nobel văn chương (năm 1953) với cuốn sách Hồi ức về Chiến tranh thế giới thứ hai (The Second World War, sáu tập, 1948-1953).
  • TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    TÔI CHỈ MUỐN GỌI ĐIỆN THOẠI THÔI – Truyện ngắn Gabriel García Márquez

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn người Clombia Gabriel José García Márquez là tác giả thắng Giải Nobel Văn chương năm 1982 với tác phẩm Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad, 1967). Ngoài ra, ông cũng rất nổi tiếng với tác phẩm Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera, 1985), viết sau khi ông thắng Giải Nobel và được công nhận là một trong 100 tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha hay nhất trong hàng chục năm qua. Tờ New York Times ca ngợi Tình yêu thời thổ tả là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là "tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim".
  • NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    NHƯ CƠN MỘNG DỮ - Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Heinrich Böll là nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 với tiểu thuyết Gruppenbild mit Dame (Bức chân dung tập thể với một quý bà). Ông được coi là hiện thân của văn chương Đức hậu chiến, một người bước ra từ chiến tranh.
  • CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    CHUYỆN CHÀNG AUGUSTUS - Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    CON QUỶ - Truyện ngắn Guy de Maupassant

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Guy de Maupassant là tác giả viết truyện ngắn nổi tiếng người Pháp, với một sinh lực dồi dào nhưng có tâm trạng bi thảm. Trong khoảng mười một năm sáng tác, ông đã viết khoảng 300 truyện ngắn và 6 tiểu thuyết... trước khi mất ở tuổi 42.
  • HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    HUỆ TÍM – Truyện ngắn Hermann Hesse

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hermann Hesse  là nhà văn người Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 với tác phẩm nổi tiếng Sói Đồng Hoang. Ông là nhà văn Đức được dịch và đọc nhiều nhất ở nước ngoài.
  • TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    TIẾNG GIEO XÚC XẮC BAN KHUYA - Truyện ngắn Yasunari Kawabata

    Chân Dung Kẻ Sĩ: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”, lời của Viện Hàn lâm Thụy Điển (tiến sĩ Anders Usterling) khi trao giải Nobel Văn chương tới nhà văn xuất chúng nhất nước Nhật từng sản sinh ra.
  • CĂN NHÀ CỦA MAPUHI – Truyện ngắn Jack London

    CĂN NHÀ CỦA MAPUHI – Truyện ngắn Jack London

    Chân Dung Kẻ Sĩ: CĂN NHÀ CỦA MAPUHI được xem là truyện ngắn hay nhất trong tuyển tập truyện ngắn Truyện Biển Nam của nhà văn Jack London, xuất bản năm 1911. Ông khuyên một người bạn muốn viết văn: “Trong óc anh chưa có gì đáng kể lại đâu. Đi nhiều đi và học trong đời như tôi đã học. Bất kì ai cũng có thể viết đúng ngữ pháp được nhưng điều cốt yếu là phải biết diễn tả linh động (…) Tôi cam đoan với anh rằng tôi không khi nào thiếu đề tài để viết (…). Những cảnh đời ta đã trải, dù ghê tởm đến đâu cũng có cái đẹp của nó”. Ở đây, CĂN NHÀ CỦA MAPUHI, nhà văn đã cho độc giả thấy một cảnh tượng đúng như lời ông nói bên trên. Câu chuyện, mô tả thứ mà các nước thực dân đem đến cho những người bản địa ở nơi mà họ đem "ánh sáng" tới, thực chất là ngoài giới hạn chịu đựng của con người.