chan_dung-ke_si

CHO ESMÉ - VỚI TÌNH YÊU VÀ NỖI KHỐN CÙNG – Truyện ngắn J.D. Salinger

01-01-2024

Lượt xem 2359

Đánh giá 8 lượt đánh giá

Chia sẻ

  J.D. Salinger

CHO ESMÉ - VỚI TÌNH YÊU VÀ NỖI KHỐN CÙNG – Truyện ngắn J.D. Salinger

Nhà văn J.D. Salinger (1919-2010)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn người Mỹ J.D. Salinger nổi tiếng ngay từ tiểu thuyết đầu tay viết về tuổi mới lớn Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye) xuất bản năm 1951. Bắt trẻ đồng xanh được xem là tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ, đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ lớn và trung bình mỗi năm nó được in 250 ngàn bản cho tới nay. Nó cũng được tờ Times đưa vào danh sách 100 tác phẩm văn học hay nhất viết bằng tiếng Anh từ năm 1923.

Truyện ngắn Cho esmé - với tình yêu và nỗi khốn cùng của J.D. Salinger dưới đây xuất bản lần đầu trên tờ The New Yorker vào ngày 8 tháng 4 năm 1950. Ngay sau khi được xuất bản, tác phẩm "đã nhận được nhiều thư phản hồi nhiều hơn bất kỳ câu chuyện nào của ông trước đó". Theo người viết tiểu sử Kenneth Slawenski, Cho esmé - với tình yêu và nỗi khốn cùng "được nhiều người coi là một trong những tác phẩm văn học hay nhất về Thế chiến thứ hai". Còn tác giả Paul Alexander gọi nó là một "tiểu kiệt tác".

Trước đó, vào năm 1949, J.D. Salinger gửi bản thảo Cho esmé - với tình yêu và nỗi khốn cùng tới tờ The New Yorker nhưng bị trả lại. Sau đó ông đã sửa chữa bản thảo để gửi lại cho tờ báo và nó trở thành truyện ngắn được ca ngợi như chúng ta biết ngày nay. 

Vào tháng 4 năm 1944, tôi nằm trong số 60 người Mỹ tham gia một khóa đào tạo đặc biệt của cơ quan mật vụ Anh ở Devon, Anh Quốc. Và khi nhìn lại, với tôi, dường như hồi ấy cả 60 người chúng tôi đều khá lạ đời. Tất cả đều thuộc loại nghiện viết thư. Ngoài các vấn đề về phận sự, việc trò chuyện giữa chúng tôi thường chỉ là để hỏi một ai đó xem anh ta có còn chút ít mực viết nào chưa dùng đến hay không. Những khi không dự lớp và không viết thư, mỗi người chúng tôi có những cách thức riêng để giết thời gian. Riêng tôi, tôi đi lang thang khắp vùng trong những ngày trời đẹp, và vào những ngày mưa gió, tôi thường tìm một nơi khô ráo để ngồi đọc sách.

Khóa học kéo dài 3 tuần lễ, kết thúc vào một ngày thứ Bảy mưa dầm. Tôi nhớ hôm đó tôi đã đứng bên cửa sổ một lúc lâu, nhìn ra màn mưa ảm đạm. Rồi đột ngột, không có một ý định gì đặc biệt trong đầu, tôi rời cửa sổ, khoác vào người chiếc áo mưa, chiếc khăn len quàng cổ, đôi bao tay bằng dạ và đi xuống phố. Tôi đi xuôi theo con dốc đồi hướng về thị trấn, không thèm đếm xỉa đến những tia chớp giật loang loáng phủ xung quanh.

Ở trung tâm thị trấn, có lẽ cũng là nơi ẩm ướt nhất trong vùng, tôi dừng lại trước một nhà thờ để đọc một tấm bảng thông báo, chủ yếu là vì những con số viết bằng phấn trắng trên nền đen đã thu hút sự chú ý của tôi, nhưng cũng có phần vì sau ba năm trong quân ngũ, tôi đã trở nên nghiện cái thú đọc các tấm bảng thông báo. Tấm bảng ghi rằng vào lúc ba giờ rưỡi sẽ có một cuộc thực tập hát đồng ca thiếu nhi. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, rồi lại nhìn lên bảng. Trên đó có dán một tấm giấy ghi tên của các em thiếu nhi dự cuộc thực tập này. Tôi đứng trong mưa, đọc hết tất cả những cái tên, rồi đi vào nhà thờ.

Trong nhà thờ có khoảng mươi người lớn. Tôi đi qua họ, rồi ngồi xuống ở hàng ghế đầu. Trên chiếc bục cao có ba hàng ghế với khoảng hai mươi đứa bé, phần đông là bé gái trong lứa tuổi từ bảy đến mười ba đang ngồi. Ngay lúc đó, cô giáo dạy đồng ca yêu cầu chúng há miệng to hơn khi hát. Có ai đã từng nghe một chú chim non dám hót khúc nhạc líu lo của nó mà trước hết không há mỏ ra cho thật to, thật to, thật to không nào ? – Cô ta hỏi. Chắc chắn là không có ai đã từng nghe. Cô ta tiếp tục nói rằng cô ta muốn tất cả mọi học viên phải tập trung vào ý nghĩa của những ca từ, chứ không phải chỉ hát những câu đó như các chú vẹt ngốc nghếch.

Rồi cô ta thổi vào chiếc sáo bắt giọng một nốt nhạc, và tất cả các em bé, như những vận động viên cử tạ chưa đủ tuổi, cùng giơ cao những quyển sách ký âm.

Chúng hát mà không có tiếng nhạc đệm - hay nói chính xác hơn, trong trường hợp này, không có một mối gây trở ngại nào. Vừa lắng nghe, tôi vừa nhìn lướt qua gương mặt của từng em bé, tôi nhìn chăm chú hơn một bé gái ngồi gần tôi nhất, ở chiếc ghế cuối của hàng ghế trên cùng. Cô bé trạc mười ba tuổi, có một mái tóc thẳng mượt màu vàng pha xám tro và đôi mắt xanh thật đẹp. Giọng hát của cô bé vút lên khỏi giọng của những em bé khác không chỉ vì cô bé ngồi gần chỗ tôi nhất. Nó có một cử giọng cao hơn, ngọt ngào êm ái hơn, và tự động trở thành giọng hát dẫn đầu ban đồng ca. Tuy nhiên, cô bé gái dường như chán ngán với khả năng ca hát của mình, hay có lẽ chỉ là chán ngán cái thời gian và không gian lúc ấy. Hai lần, giữa những câu hát, tôi bắt gặp cô bé ngáp dài. Ðó là một cái ngáp kiểu cách của một mệnh phụ phu nhân, một cái ngáp kín đáo không hở đôi môi, nhưng bạn không thể không nhận thấy.

Giờ tập hát thánh ca chấm dứt. Người giáo viên bắt đầu nhận xét về những cô bé cậu bé hay động đậy đôi chân và lép nhép đôi môi trong khi vị mục sư đang thuyết giáo. Tôi đoán là phần tập hát của buổi tổng dượt đã hết, và trước khi giọng nói chói tai của cô giáo viên kịp làm phai nhòa dư âm tiếng hát của đàn em nhỏ, tôi đứng lên rời khỏi nhà thờ.

Trời mưa thậm chí còn nặng hạt hơn khi nãy. Tôi băng qua đường, bước vào một quán trà vắng tanh vắng ngắt không có ai ngoài người phụ nữ phục vụ tuổi trạc trung niên. Bà ta nhìn tôi như thể bà ta thích có một người khách khoác một chiếc áo mưa khô ráo hơn. Tôi máng chiếc áo mưa lên giá treo, một cách nhã nhặn hết mức trong phạm vi có thể, rồi ngồi vào một cái bàn, yêu cầu trà cùng một chiếc bánh mì nướng.

Trong khi tôi còn chưa uống hết tách trà thứ nhất, cô bé gái tôi đã nhìn và nghe hát trong dàn đồng ca bước vào quán. Mái tóc cô bé ướt đẫm, để lộ ra hai vành tai. Cô bé đi cùng một đứa bé trai nhỏ xíu, chắc chắn là em của cô ta. Với hai ngón tay, cô bé nhấc chiếc mũ ra khỏi đầu thằng bé, như thể chiếc mũ là một khí cụ trong phòng thí nghiệm. Tháp tùng cả hai là một người phụ nữ dễ nhìn, đội một chiếc mũ mềm vành rũ, mà tôi đoán là cô bảo mẫu của chúng. Cô bé vừa đi vừa cởi chiếc áo khoác ra, rồi chọn một chiếc bàn, một chỗ thật khá, theo ý tôi, vì nó nằm ngay phía trước mặt tôi, cách chỉ chừng bảy tám bước chân. Cô bé và người bảo mẫu ngồi xuống. Chú nhóc con, chừng năm tuổi, chưa muốn ngồi vào vội. Nó lui tới lăng xăng một cách có phương pháp, chọc tức người bảo mẫu bằng cách vừa kéo tới kéo lui chiếc ghế của mình, vừa nhìn vào mặt bà ta. Người bảo mẫu hai ba lần yêu cầu nó ngồi xuống và hãy thôi làm trò khỉ bằng một giọng khẽ khàng, nhưng chỉ đến khi chị của nó lên tiếng, nó mới chịu ngồi xuống, tựa cái lưng bé xíu của nó vào lưng ghế.

Ngay lập tức, nó vớ lấy tấm khăn ăn đặt lên trên đầu. Người chị lấy chiếc khăn xuống, mở ra và trải lên lòng nó.

Vừa khi trà được mang tới, cô bé bắt gặp tôi đang nhìn về phía của mình. Cô bé nhìn lại tôi, rồi đột ngột gửi tới tôi một nụ cười mỉm e dè. Nụ cười tỏa sáng một cách lạ lùng, tương tự những nụ cười mỉm thỉnh thoảng ta có thể gặp trong đời. Tôi mỉm cười đáp lại. Ðiều kế tiếp tôi biết, là cô bé đứng bên chiếc bàn của tôi. Cô bé mặc một chiếc váy sọc ô vuông kiểu Campell, tôi cho là vậy. Hình như với tôi đó là một chiếc váy thật tuyệt diệu cho một cô bé mặc trong một ngày mưa quá đỗi mưa.

"Cháu nghĩ là người Mỹ không ưa trà", cô bé nói.

Tôi đáp rằng có một số trong chúng tôi chỉ toàn uống trà không thôi. Rồi tôi hỏi cô bé xem cô có thể ngồi với tôi không.

"Cám ơn," cô bé nói, "Nhưng có lẽ chỉ một chút xíu thôi."

Tôi đứng lên kéo một chiếc ghế ở phía đối diện cho cô bé. Cô ngồi xuống, trên một phần tư trước của chiếc ghế, giữ cho lưng thật thẳng và thật đẹp một cách dễ dàng. Tôi trở về chỗ chiếc ghế của mình, hầu như hơi vội vã. Tuy nhiên, sau khi ngồi xuống, tôi không nghĩ ra được chuyện gì để nói. Tôi lại mỉm cười. Rồi tôi nhận xét rằng hôm nay thật là một ngày kinh khủng để đi ra ngoài.

"Vâng, đúng là như vậy", người khách của tôi đáp bằng một giọng trong trẻo. Cô bé đặt những ngón tay lên cạnh bàn, rồi gần như ngay lúc đó, nắm hai bàn tay lại. Cô đeo một chiếc đồng hồ quân sự, kiểu đồng hồ của một thủy quân. Mặt chiếc đồng hồ quá to lớn so với chiếc cổ tay thanh mảnh của cô. "Chú đã ngồi xem tập hát trong nhà thờ", cô bé nói với giọng khẳng định, "cháu đã nhìn thấy chú."

Tôi đáp rằng đúng thế, rằng tôi đã nghe thấy giọng ca của cô tách biệt khỏi giọng ca của những em bé khác. Rằng tôi nghĩ cô có một giọng hát rất tuyệt vời.

Cô bé gật đầu. "Cháu biết. Cháu sẽ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp."

"Thật thế à? Một ca sĩ opera ?"

"Ồ không. Cháu sẽ hát nhạc jazz trên đài phát thanh và sẽ kiếm được khối tiền. Rồi khi cháu được ba mươi tuổi, cháu sẽ thôi ca hát và tới sống trong một trang trại ở Ohio." Cô bé chà lòng bàn tay lên đỉnh đầu đẫm ướt của mình. "Chú có biết Ohio không? Cô bé hỏi.

Tôi đáp rằng tôi đã từng đi qua nơi đó trên những chuyến tàu hoả vài lần, nhưng chưa thật sự biết về nơi đó. Rồi tôi mời cô bé một miếng bánh mì.

"Không, cám ơn chú." Cô bé nói. "Thật ra, cháu ăn ít như một con chim vậy."

Tôi cắn một mẫu bánh và nhận định rằng ở Ohio có một vài vùng khá khó khăn.

"Cháu biết. Một người Mỹ cháu gặp đã bảo vậy. Chú là người Mỹ thứ mười một mà cháu gặp."

Người bảo mẫu lúc này đang khẩn trương ra dấu cho cô bé quay lại bàn để thôi không làm phiền tôi nữa. Tuy nhiên, vị khách của tôi bình thản dời chiếc ghế đi khoảng vài chục phân, bằng cách đó quay lưng lại phía chiếc bàn của mình, chấm dứt mọi sự liên lạc nào khác nếu có. "Chú đến học tại cái trường dạy mật vụ trên đồi, phải không chú?" Cô bé hỏi với vẻ thờ ơ.

Tôi đáp rằng tôi đến vùng Devonshire để nghỉ dưỡng sức.

"Thế sao," cô bé nói, "Cháu đâu có phải mới ra đời ngày hôm qua hở chú."

Tôi đáp rằng tôi cuộc là cô bé không phải mới sinh hôm qua thật.

"Có vẻ như chú khá thông minh so với một người Mỹ" Vị khách của tôi nói.

Tôi bảo cô bé rằng nói một điều như thế thật là lố bịch và hợm hĩnh, nếu suy nghĩ một chút về ý nghĩa của nó, rằng tôi mong rằng cô bé không phải là người như thế.

"Chà," Cô bé đáp, "phần lớn những người Mỹ cháu gặp cư xử như thú vật. Chú có biết một trong bọn họ đã làm điều gì không?"

Tôi lắc đầu.

"Một trong số họ đã quẳng một cái chai đựng rượu whisky rỗng qua cửa sổ nhà cô cháu. May là cửa sổ mở. Nhưng chú thấy như thế có thật thông minh không?"

Ðiều đó thật bình thường. Nhưng tôi không nói như thế. Tôi bảo rằng nhiều người lính, trên khắp thế giới này, sống rất xa quê nhà của họ, và rất ít người trong số họ thật sự có được những thuận lợi trong đời sống. Tôi bảo rằng rất nhiều người có thể hiểu ra được điều này.

"Có thể," vị khách của tôi nói, không chắc chắn lắm. Cô bé lại giơ tay lên vuốt đầu. "Tóc cháu bị ướt," cô bé nói. "Trông cháu tệ hơn mọi ngày." Cô bé nhìn tôi. "Cháu có một mái tóc gợn sóng khi nó khô."

" Tôi có thể thấy, tôi có thể thấy là cháu có mái tóc gợn sóng."

"Không thật sự xoăn, mà gợn sóng," cô bé nói, "Chú có vợ chưa?"

Tôi đáp là tôi đã có.

Cô bé gật đầu. "Chú có rất yêu vợ chú hay không. Hay là cháu quá tọc mạch chuyện riêng của chú."

Tôi bảo là tôi sẽ bảo cho cô bé biết khi nào tôi cảm thấy như thế.

Cô bé duỗi hai bàn tay và cổ tay ra xa hơn trên mặt bàn, và tôi nhớ lúc ấy tôi đã muốn nói một điều gì đó về cái đồng hồ có mặt khổng lồ mà cô bé đang đeo - có lẽ là một lời đề nghị cô bé thử đeo nó vòng quanh eo của mình.

"Thường thì cháu không ưa giao du lắm đâu", cô bé nói, và nhìn tôi như để xem tôi có nắm được ý nghĩa của câu nói không. Tôi không tỏ vẻ gì khác lạ. "Cháu chỉ tới với chú vì cháu nghĩ chú trông cực kỳ 1 cô độc. Chú có một khuôn mặt cực kỳ nhạy cảm."

Tôi đáp rằng cô bé nói đúng, rằng tôi đã cảm thấy cô đơn quá đỗi, và rằng tôi đã rất mừng vì cô tới.

"Cháu đang tự tập luyện để có thể cảm thông nhiều hơn. Cô của cháu nói cháu là một người cực kỳ lãnh đạm," cô bé nói, và lại sờ tay lên đầu. "Cháu sống với cô cháu. Cô là một người cực kỳ tốt bụng. Từ khi mẹ cháu mất, cô cháu đã làm mọi việc trong khả năng để cháu và Charles được thoải mái."

"Tôi rất mừng vì điều đó."

"Mẹ cháu là một người cực kỳ thông minh". Cô bé nhìn tôi với một vẻ tinh nhanh tươi tắn. "Chú có thấy là cháu lãnh đạm không?"

Tôi bảo rằng tuyệt đối không phải vậy, mà rất trái lại là đằng khác. Tôi nói cho cô bé biết tên tôi và hỏi tên của cô.

Cô bé ngần ngừ. "Tên của cháu là Esmé. Cháu không nghĩ là cháu sẽ cho chú biết đầy đủ họ tên vào lúc này. Cháu có một tước vị và chú có thể sẽ bị ấn tượng vì các tước hiệu. Những người Mỹ thường là vậy, chú biết mà".

Tôi đáp rằng tôi không nghĩ là tôi sẽ như thế.

Ngay khi ấy, tôi cảm thấy hơi thở ấm áp của một ai đó phà lên sau gáy của tôi. Tôi quay lại và suýt chút nữa đã mũi chạm mũi với chú nhóc nhỏ xíu em của Esmé. Không thèm đếm xỉa đến tôi, nó nói với người chị: "Cô Megley bảo chị phải về bàn và uống hết trà của mình đi!" Nói xong, nó lui về phía chiếc ghế tôi giữa tôi và chị nó, ở phía tay phải của tôi. Tôi nhìn nó với cảm giác thích thú. Trông nó thật dễ thương với chiếc quần soóc Shetland màu nâu, chiếc áo nịt len màu xanh biển, chiếc áo sơ mi trắng và sợi dây cà-vạt sọc vằn. Nó nhìn lại tôi với đôi mắt xanh lá nhạt to tướng. "Tại sao những người trong phim lại nghiêng đầu khi hôn ?" Nó hỏi.

"Nghiêng đầu khi hôn?" Tôi nói. Ðó chính là vấn đề đã làm tôi nhức đầu thắc mắc hồi còn bé. Tôi bảo rằng tôi đoán là bởi vì chiếc mũi của các diễn viên quá to để có thể hôn lên trán nhau.

"Nó tên là Charles," Esmé nói. "Nó cực kỳ thông minh ở lứa tuổi của nó."

"Cậu bé có một đôi mắt thật là xanh. Ðúng không, Charles?"

Charles đáp lại lời tôi bằng một cái nhìn nghi ngại mà câu hỏi của tôi xứng đáng nhận được, rồi tuột về phía trước trên chiếc ghế cho tới khi cả thân hình nó khuất sau chiếc bàn ngoại trừ cái đầu. "Chúng có màu cam," nó nói bằng một giọng mất tự nhiên, chỉ lên trần nhà. Rồi nó kéo một góc khăn bàn lên che lấy mặt.

"Ðôi lúc nó thật thông minh, đôi lúc lại thật ngốc nghếch," Esmé nói. "Charles, ngồi thẳng lên nào!"

Charles vẫn ngồi y nguyên như trước. Dường như nó đang bận duy trì hơi thở.

"Nó rất nhớ cha của chúng cháu. Cha cháu bị giết chết ở Bắc Phi."

Tôi bày tỏ lòng thương tiếc khi nghe điều đó.

Esmé gật đầu. "Cha cháu rất thương nó. Nó trông giống mẹ cháu lắm, còn cháu thì lại giống cha."

Tôi chờ đợi một cách chú tâm để nghe thêm thông tin về chuyện đó, nhưng không có. Tôi nhìn xuống Charles, lúc này nó đang tựa một bên mặt lên chiếc ghế. Khi nhận thấy tôi đang nhìn nó, nó nhắm mắt lại, làm ra vẻ buồn ngủ, làm ra vẻ một thiên thần, rồi thè lưỡi ra.

"Thôi đi," Esmé nói, rõ ràng không lạ lẫm chút nào với các trò của đứa em trai. "Nó trông thấy một người Mỹ làm như thế trong một đám xếp hàng mua cá và khoai, và bây giờ mỗi khi nó chán nó lại làm vậy đó. Ngưng ngay nhé, nếu không chị sẽ mang em lại cho cô Megley."

Charles mở đôi mắt to của nó ra, như để ra dấu rằng nó nghe thấy lời đe dọa của bà chị, rồi lại nhắm mắt, tiếp tục tựa một bên mặt vào lưng ghế.

"Charles nhớ cha chúng cháu ghê lắm," Esmé nói, sau một lúc, "Ông là một người đáng yêu lắm. Ông cũng cực kỳ đẹp trai nữa."

Tôi gật đầu. Tôi bảo tôi có thể hình dung ra cha của cô bé là một người đặc biệt thế nào.

"Ồ, vâng, đúng là như vậy." Esmé nói.

Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy một cú đấm nhẹ lên cánh tay tôi từ phía Charles. Tôi quay sang chú bé. Giờ đây, nó ngồi với một tư thế khá đàng hoàng trên ghế, ngoại trừ việc một bên đầu gối của nó co lại. "Bức tường này nói với bức tường kia cái gì?" Nó the thé hỏi. "Ðó là một câu đố."

Tôi xoay cặp mắt ra vẻ suy tư hướng lên trần nhà, lớn tiếng lặp lại câu đố. Rồi tôi nhìn Charles với vẻ ngạc nhiên bối rối và bảo rằng tôi chịu không đoán được.

"Hẹn gặp bạn ở góc nhà." Nó nói và nhìn tôi với đôi mắt lóng lánh niềm vui và tự hào của một kẻ biết vài câu đố cực kỳ rắc rối.

"Cháu có thể hỏi chú từng làm việc gì trước khi vào quân đội không?" Esmé hỏi tôi.

Tôi đáp rằng tôi chưa từng làm việc cho ai bao giờ, rằng tôi chỉ mới tốt nghiệp đại học được một năm nhưng tôi thích tự xem mình là một nhà văn viết truyện ngắn chuyên nghiệp.

Cô bé gật đầu một cách lịch thiệp rồi hỏi, "Ðã xuất bản chưa ạ?"

Ðó là một câu hỏi quen thuộc nhưng luôn luôn gây tự ái, và là một câu hỏi mà tôi không thể trả lời ngay tắp lự được bao giờ. Tôi giải thích cho cô bé nghe đa số những biên tập viên ở Mỹ đã kết bè kết phái ra sao.

"Cha cháu viết tuyệt lắm," Esmé cắt ngang lời tôi. "Cháu sẽ để dành những lá thư của cha cho các con cháu về sau."

Tôi bảo đó là một ý kiến hay. Tôi lại nhìn vào chiếc đồng hồ có mặt khổng lồ như một máy đo giờ quân sự. Tôi hỏi rằng có phải trước kia nó là của cha cô bé.

Cô bé nhìn xuống chiếc đồng hồ. "Vâng ạ." Cô nói. "Cha cho cháu ngay trước lúc cháu và Charles đi di tản." Cô rụt tay khỏi bàn, nói một cách ngượng ngùng, "Cháu sẽ cực kỳ hãnh diện nếu như một ngày nào đó chú viết một truyện ngắn tặng riêng cho cháu. Cháu là một độc giả mê đọc lắm."

Tôi bảo cô bé rằng tôi sẽ viết nếu như có thể. Rằng tôi viết cũng không hay ho gì cho lắm.

"Không nhất thiết phải hay khủng khiếp đâu chú ạ! Chỉ cần nó đừng quá trẻ con và ngốc nghếch." Cô bé đáp. "Cháu thích những truyện nói về nỗi khốn cùng."

"Về cái gì?" Tôi hỏi, nghiêng người về phía trước.

"Về sự khốn cùng, cháu cực kỳ quan tâm đến sự khốn cùng."

Tôi định đề nghị cô bé nói cặn kẽ chi tiết hơn, nhưng tôi cảm thấy Charles đang véo mạnh vào cánh tay tôi. Tôi quay sang chú bé. Nó đang đứng ngay bên cạnh tôi. "Bức tường này nói với bức tường kia cái gì?" Nó hỏi, một cách thân mật.

"Em đã hỏi câu này rồi," Esmé nói. "Giờ thì thôi đi."

Charles phớt lờ bà chị, dẫm một chân lên chân tôi, nó lặp lại câu đố. Tôi nhận thấy cà-vạt của nó nằm xiên xẹo nên đưa tay chỉnh lại cho ngay ngắn, rồi nhìn vào mắt nó, tôi nói, " Hãy gặp tôi ở góc nhà."

Ngay khoảnh khắc ấy, tôi ước gì tôi đã không trả lời câu đố. Miệng của Charles há hốc ra. Tôi có cảm tưởng như nó há ra là do tôi đánh vào. Nó bước ra khỏi chân tôi, và với niềm kiêu hãnh còn nóng bỏng, nó bỏ đi về bàn của nó, không thèm ngoái đầu nhìn lại.

"Nó nổi giận rồi," Esmé nói, " Tính cách nó rất hung hăng."

Tôi nhìn sang Charles lúc này đã ngồi xuống và bắt đầu uống trà, bưng cái tách với cả hai tay của nó. Tôi hy vọng là nó sẽ quay lại, nhưng nó không quay lại. Esmé đứng lên. "Il faut que je parle aussi," (Cháu phải chia tay với chú), cô bé nói, với một tiếng thở dài. "Chú có biết tiếng Pháp không?"

Tôi đứng lên khỏi ghế, với một cảm giác vừa tiếc nuối vừa bối rối. Esmé bắt tay tôi, tôi bảo với cô bé, bằng tiếng Anh, rằng tôi rất sung sướng được quen biết với cô.

Cô bé gật đầu. "Cháu nghĩ là chú sẽ vui, cháu nói khá nhiều chuyện so với lứa tuổi của cháu. Cô bé lại đưa tay lên kiểm nghiệm mái tóc. "Cháu rất tiếc về mái tóc của cháu," cô bé nói. "Chắc trông cháu xấu xí kinh khủng."

"Không phải vậy đâu. Thật tình, tôi cho là đã có một số chùm tóc bắt đầu gợn sóng trở lại rồi."

Cô bé lại sờ nhanh lên mái tóc. "Chú có nghĩ là chú sẽ quay trở lại đây vào một ngày thật gần không?" Cô bé hỏi. "Chúng cháu tới đây vào mỗi thứ Bảy, sau giờ tập hát."

Tôi đáp rằng tôi không mong muốn gì hơn thế, nhưng không may là tôi chắc chắn sẽ không thể nào tới nữa.

"Nói cách khác là chú không thể bàn luận về những cuộc hành quân?" Esmé nói. Rồi nhìn tôi một cách đột ngột. "Chú có muốn cháu viết thư cho chú không?" Cô bé hỏi, với một chút ửng hồng trên đôi má.

"Tôi rất thích." Tôi rút cây bút chì và một mảnh giấy ra, viết tên, cấp bậc và địa chỉ của tôi.

"Cháu sẽ viết cho chú trước," cô bé nói, nhận mảnh giấy. "Chào chú. Cháu hy vọng chú sẽ trở về sau chiến tranh với tất cả các tính năng còn nguyên vẹn."

Cô cất mảnh giấy vào túi áo rồi quay lại bàn của mình.

Tôi gọi thêm một ấm trà và ngồi ngắm hai đứa bé cho đến khi chúng và cô Migley đứng lên ra về. Charles đi đầu, khập khiễng lê đôi chân như một người có chân này ngắn hơn chân kia vài cen-ti-mét. Nó không thèm nhìn tôi. Cô Wigley đi kế tiếp, rồi tới Esmé, cô bé vẫy tay chào tôi. Tôi vẫy chào đáp lại, hơi nhổm người trên ghế. Ðó là một khoảnh khắc xúc động lạ lùng đối với tôi.

° ° °

Ðây là phần khốn khổ, hoặc thương tâm, của câu truyện, trong đó các bối cảnh đã đổi thay. Nhân vật cũng đổi thay. Tôi vẫn còn đâu đó, nhưng từ đoạn này trở đi, vì một số lý do, tôi sẽ tự ngụy trang một cách gian xảo đến nỗi ngay cả một độc giả thông minh nhất cũng sẽ không nhận ra tôi.

Ðó là vào khoảng mười giờ ba mươi phút đêm ở Bavaria. Viên trung sĩ tham mưu X đang ở trong phòng của anh trên tầng hai của toà nhà dân sự trong đó anh và chín người lính Mỹ khác trú đóng. Anh ngồi trên một chiếc ghế dạ trước một cái bàn viết nhỏ, với một quyển tiểu thuyết nước ngoài mở ra trước mặt, mà anh đang đọc với sự khó khăn to lớn. Suốt hơn một giờ qua anh chỉ đọc được vài ba đoạn. Anh đột nhiên gấp quyển sách lại, không buồn đánh dấu trang. Rồi anh rút ra một điếu thuốc từ gói thuốc đặt trên bàn và châm lửa với những ngón tay đang lẩy bẩy chạm vào nhau. Rồi đột nhiên, một cách quen thuộc và như thường lệ, không có một dấu hiệu gì báo trước, anh cảm thấy tâm trí của mình lạc đi đâu mất, chênh vênh không điểm tựa. Anh vội thực hiện một điều mà anh đã làm trong những tuần qua để lấy lại cân bằng; anh sát mạnh hai bàn tay lên thái dương mình.

Cánh cửa phòng mở bung ra. X ngẩng đầu, quay lại, và trông thấy viên hạ sỹ Z đang đứng ở cửa.

X mở một gói thuốc mới rồi nói: "Vào đi, Clay." Clay bước vào, nhìn X đang cố châm điếu thuốc. "Chúa ơi," anh ta nói, với sự nhiệt tình của một khán giả, "anh phải nhìn lại đôi bàn tay của anh kìa. Bạn ơi, tay anh run quá. Anh có biết không?"

X đã đốt cháy điếu thuốc, gật đầu, và bảo rằng Clay đúng là có một con mắt quan sát tinh tường. Rồi cả hai ngồi im lặng trong giây lát.

Clay đột nhiên nhìn X với một cái nhìn mới mẻ, chăm chú hơn lúc nãy. "Nè," anh ta nói. "Anh có biết một bên mặt anh đang co giật lung tung không?"

X đáp rằng anh biết hết, rồi giơ bàn tay che chỗ co giật lại.

X chợt cảm thấy khó ở trong người, anh lắc lư người trên chiếc ghế rồi chộp lấy chiếc giỏ đựng rác - vừa kịp lúc.

Khi anh ngồi thẳng lên và quay sang người khách trở lại, anh bắt gặp anh ta đang đứng với vẻ lúng túng ở chỗ giữa chiếc giường và cửa ra vào. X tính xin lỗi, nhưng thay đổi ý định và cầm lấy điếu thuốc.

Clay chậm rãi bước thêm vài bước về phía cửa. "Chút nữa tôi sẽ lái xe xuống Ehstadt," anh ta nói. " Họ tổ chức khiêu vũ. Có thể sẽ kéo dài đến hai giờ sáng. Anh đi không?"

"Không, cám ơn... Tôi có thể tập vài bước trong phòng."

"Thôi được, xin chào!" Cánh cửa đóng sập lại, rồi lại được mở ra ngay lập tức, và Clay nói: "Anh có biết mẹ tôi viết gì cho tôi không? Bà viết rằng bà rất vui mừng vì anh và tôi ở chung với nhau trong cuộc chiến. Bà bảo mấy lá thư của tôi có vẻ văn hoa hơn từ lúc chúng ta ở gần nhau."

X ngẩng lên nhìn anh ta, rồi nói, với một nỗ lực to lớn, " Cám ơn. Gửi lời cám ơn bác ấy giùm tôi."

"Tôi sẽ nói. Xin chào" Cánh cửa đóng lại, lần này thì đóng hẳn.

X ngồi nhìn vào cánh cửa ra vào một hồi lâu, rồi quay chiếc ghế sang phía bàn viết, nhấc chiếc máy đánh chữ xách tay nằm dưới sàn nhà lên. Anh dọn chỗ để đặt nó lên bàn, gạt sang bên đống thư từ chưa mở và những gói bưu kiện. Anh nghĩ nếu anh viết một lá thư cho một người bạn cũ ở New York, có lẽ anh sẽ tìm được một liệu pháp tâm lý tạm thời, tương đối cho mình, nhưng anh không thể đút tờ giấy vào cái trục cuốn của máy đánh chữ, những ngón tay của anh lúc này đang run rất mạnh. Anh đặt hai tay xuống hông một lúc, rồi thử lại, nhưng cuối cùng vò nát tờ giấy trong tay.

Anh nhận thức rằng anh phải mang chiếc giỏ đựng rác ra khỏi phòng, nhưng thay vì làm việc đó, anh đặt hai cánh tay lên chiếc máy đánh chữ và tựa đầu lên đó, nhắm đôi mắt lại.

Một vài phút sau, khi mở mắt ra, anh thấy mình đang nhìn vào một một gói bưu kiện nhỏ chưa mở, màu xanh. Có lẽ nó đã trượt khỏi đống thư từ khi anh dọn chỗ cho chiếc máy đánh chữ. Anh nhận thấy nó đã được gửi đi gửi lại nhiều lần. Anh có thể thấy, từ một phía của gói bưu phẩm, ít nhất có ba lá thư ghi địa chỉ cũ của anh.

Anh mở gói bưu phẩm ra một cách thờ ơ, thậm chí không nhìn vào địa chỉ của người gửi tới. Anh đốt một que diêm rồi đốt sợi dây ràng. Anh thích việc nhìn sợi dây bốc cháy hơn là việc mở chiếc gói, nhưng cuối cùng anh cũng mở nó ra.

Phía trong chiếc hộp, có một tờ ghi chú viết bằng mực, nằm bên trên một gói nhỏ được bao lại bằng giấy lụa. Anh cầm tờ ghi chú lên và đọc.

17 Ðường_______Devon, ngày 7/7/1944

Trung sĩ X thân mến,

Cháu hy vọng chú sẽ tha lỗi cho cháu vì đã để đến 38 ngày mới bắt đầu việc thư từ liên lạc với chú, nhưng cháu đã vô cùng bận rộn. Tuy nhiên, cháu thường nghĩ đến chú và đến buổi chiều cực kỳ thú vị mà chúng ta đã trải qua cùng nhau, vào ngày 30/4/1944, khoảng giữa 3:45 và 4:15, trong trường hợp chú đã quên khuấy ngày giờ.

Cháu muốn giành quyền tự do định đoạt và gửi kèm theo đây chiếc đồng hồ mà chú có thể giữ làm sở hữu trong thời gian chinh chiến. Cháu chắc rằng chú sẽ cần dùng nó trong những ngày khó khăn này hơn là cháu và chú sẽ nhận nó như là một món quà phù trợ nhiều may mắn.

Xin trả lời cho cháu càng nhanh càng tốt. Gửi lời thăm nồng ấm nhất đến vợ của chú.

Thân ái, Esmé

Tái bút: Charles, người mà cháu đang dạy đọc, viết và người mà cháu nhận thấy là một chú bé cực kỳ thông minh muốn viết thêm vài chữ.

XIN CHÀO XIN CHÀO XIN CHÀO

YÊU VÀ HÔN CHÚ

CHARLES

Một lúc thật lâu sau X mới có thể đặt tờ ghi chú sang bên, nhấc lấy chiếc đồng hồ của cha Esmé ra khỏi hộp. Khi nó đã hoàn toàn rời khỏi chiếc hộp, anh thấy rằng mặt kính của nó đã bị vỡ. Anh tự hỏi không biết nó còn bị hư hỏng gì khác nữa không, nhưng anh không có đủ can đảm để lên giây cót và tìm hiểu thêm. Anh chỉ ngồi đó, cầm nó trên tay trong một lúc lâu. Rồi đột nhiên anh cảm thấy buồn ngủ.

Cháu đã gặp một gã sầu héo, ngáy ngủ, Esmé, và hắn ta luôn luôn tìm một cơ may để lại có thể trở thành một con người với tất cả các t-í-n-h n-ă-n-g còn nguyên vẹn.

 

Nguyễn Thành Nhân dịch - 10/2003

--------------------------------
1
Nguyên văn tiếng Anh: "extremely". Tác giả cho nhân vật Esmé sử dụng từ này một cách đặc trưng, khi đối thoại cô bé sử dụng nó rất nhiều lần, thường xuyên.

 

Bài liên quan
  • QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    QUÁI VẬT TRÊN KHÔNG – Truyện ngắn Oe Kenzaburo

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Oe Kenzaburo (1935 - 2023) là nhà văn người Nhật thắng giải thưởng Nobel văn chương cao quý của Viện hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994. Chiến thắng của ông, cùng với chiến thắng của nhà văn Kawabata Yasunari năm 1968, đã giúp Nhật trở thành nước duy nhất ở Châu Á có hai nhà văn thắng giải Nobel văn chương*. Là một trong những nhà văn lớn nhất của Nhật, ông đã có hơn 60 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài.
  • TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    TRẠI LAO CẢI – Truyện ngắn Franz Kafka

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Franz Kafka là nhà văn người Bohemia gốc Do Thái, nay là Cộng hòa Séc. Ngày nay, mặc dù Franz Kafka được xem là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới, thậm chỉ còn có riêng một tính từ mang tên ông kafkaesque, tức "kiểu Kafka", nhưng khi còn sống, chỉ vài tác phẩm của ông được xuất bản. Phần lớn các tác phẩm của Franz Kafka được xuất bản sau khi ông chết, do bạn ông là Max Brod thực hiện, bất chấp di nguyện của ông là phải tiêu hủy tất cả các bản thảo.
  • MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    MỘT ĐÁM MÂY NHỎ - Truyện ngắn James Joyce

    Chân Dung Kẻ Sĩ: James Joyce là nhà văn người Ireland, tác giả của tiểu thuyết Ulysses xuất bản năm 1922. Ông được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, còn Ulysses được xem như một kiệt tác, đến nỗi người ta còn lập ra một lễ tưởng niệm thường niên vào ngày 16 tháng 6 (Bloomsday), là ngày diễn ra các các sự kiện trong tiểu thuyết Ulysses của ông.
  • BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    BÁM ĐẾN CÙNG – Truyện ngắn Graham Greene

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Graham Greene là nhà văn người Anh, tác giả của Người Mỹ trầm lặng, cuốn tiểu thuyết rất ăn khách trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt là tại Anh. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ vào năm 1956, nó đã khiến độc giả Mỹ bị sốc do tác phẩm của nhà văn người Anh đã mô tả người Mỹ là những kẻ giết người, một sự thật mà người Mỹ khó có thể chấp nhận. Cuốn sách của ông đã giúp độc giả thế giới nói chung và độc giả phương tây nói riêng, hiểu được tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ, những kẻ xâm lược với đội quân hùng mạnh nhất hành tinh tới từ bên kia đại dương.
  • CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    CHIẾC ÁO KHOÁC - Truyện ngắn Nikolai Vasilyevich Gogol

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nikolai Vasilyevich Gogol là một nhà văn xuất chúng của Đế quốc Nga gốc Ukraine, người đã có nhiều sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà ở đấy, lần lượt những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội Nga đã được lên tiếng. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đã công nhận ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với nền văn học Nga, Ukraine và thế giới. Theo xu hướng của những nhận xét này, có thể xem "Chiếc áo choàng" (tiếng Nga: Шине́ль -1842) là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nikolai Gogol, khi nó thể hiện thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất trong viết lách của Gogol, mà nếu muốn tóm gọn lại, thì không ai nói chính xác hơn nhà ngoại giao, phê bình văn học người Pháp Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910). Ông nói (thường bị nhầm lẫn là do Fyodor Dostoevsky nói) : "Tất cả chúng ta đều chui ra từ Chiếc áo khoác của Gogol".
  • NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    NGƯỜI TRONG BAO - Truyện ngắn Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người trong bao (The Man in a Case) là phần đầu, cùng với lần lượt hai truyện ngắn tiếp theo gồm "Gooseberries" và "About Love", thuộc một tác phẩm mà sau này được người ta gọi là “tiểu bộ ba”* của nhà văn vĩ đại nước Nga Anton Chekhov. Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946).
  • NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ CON CHÓ NHỎ - Truyện ngắn Anton Chekhov

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Anton Chekhov được xem là một trong những nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dù ban đầu, Chekhov theo học ngành y tại Đại học y khoa Moscow và trở thành một bác sĩ, nhưng cuối cùng ông lại là một nhà văn xuất chúng, với những sáng tạo đã làm thay đổi tiến trình phát triển của truyện ngắn hiện đại.
    Nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov (1899-1977), tác giả của cuốn tiểu thuyết Lolita in năm 1955, xếp thứ tư trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 vào năm 2007 của nhà xuất bản Mỹ Modern Library, đã chê tác phẩm của Chekhov nhưng cũng khen nức nở rằng, "nhưng tác phẩm của ông ấy là thứ tôi sẽ mang theo nếu phải đi tới hành tinh khác". Ông còn gọi truyện Người đàn bà và con chó nhỏ là "một trong những truyện ngắn vĩ đại nhất từng được viết nên".
    Bản dịch dưới đây, để bạn đọc tiện tra cứu, Chân Dung Kẻ Sĩ đã hiệu chỉnh các tên riêng theo bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh của dịch giả người Anh Constance Garnett (1861-1946). Bà là dịch giả người Anh đầu tiên dịch nhiều tác phẩm của Anton Chekhov sang tiếng Anh. Tổng cộng, bà đã dịch 71 tập văn học Nga, bao gồm các tác phẩm của các nhà văn Nga nổi tiếng như Ivan Turgenev, Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Ivan Goncharov, Alexander Ostrovsky và Alexander Herzen. Nhiều tập trong số đó vẫn còn được in cho đến ngày nay.
  • NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO – Truyện ngắn Heinrich Böll

    Chân Dung Kẻ Sĩ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG CHƠI DAO là truyện ngắn trong tập truyện ngắn Trẻ em cũng là thường dân (Children Are Civilians Too) của nhà văn người Đức thắng Giải Nobel Văn chương năm 1972 Heinrich Böll. Tập truyện minh họa cho cách kể chuyện tinh tế và sắc thái của Heinrich Boll ở mức tuyệt vời nhất, vẽ ra những bức chân dung tuyệt đẹp về những con người bình thường trong những năm tháng đen tối ở nước Đức sau chiến tranh.
  • ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    ẢO HÓA – Truyện ngắn Hermann Hesse 

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ảo Hóa là một câu chuyện trong tiểu thuyết Trò chơi ngọc pha lê (The Glass Bead Game) tác phẩm lớn cuối cùng của nhà văn, nhà thơ Đức thắng giải Nobel Văn chương năm 1946 Hermann Hesse. Với tư tưởng chống phát xít, từ nửa cuối thập niên 1930, không một nhà xuất bản hay tờ báo nào ở Đức dám đăng các tác phẩm của Hermann Hesse nữa. Và vì thế ông đã viết Trò chơi ngọc pha lê giữa những tin tức khủng khiếp của Chiến tranh thế giới Thứ Hai và xuất bản tác phẩm ở Thụy Sĩ năm 1943.
  • ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    ÐỐT LỬA -  Truyện ngắn JACK  LONDON

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đốt Lửa của nhà văn Jack London có hai phiên bản được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau, một ở năm 1902 và bản còn lại ở năm 1908. Mặc dù có cấu trúc và cốt truyện gần tương tự nhau, nhưng phiên bản năm 1908 khủng khiếp hơn nhiều, và vì thế, nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của nhà văn người Mỹ, thường xuyên có mặt trong các tuyển tập văn chương.