chan_dung-ke_si

TÌNH GIÀ – Truyện ngắn Dương Duy Ngữ

03-11-2023

Lượt xem 1005

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Dương Duy Ngữ

TÌNH GIÀ – Truyện ngắn Dương Duy Ngữ

 

Hạ ập tới nhà tôi như cơn gió lốc. Mạnh mẽ và quyết liệt.

- Mình lấy chồng. Bạn ủng hộ nhé - Hạ thông báo

Tôi sững sờ. Hạ bảo:

- Bất ngờ lắm à?

Tôi gật đầu, xác nhận.

- Bất ngờ.

Hạ cười tít. Nụ cười của người đàn bà đang ngập tràn hạnh phúc. Mấy chục năm nay, tôi mới gặp nụ cười tươi bưởi, rực rỡ trên gương mặt Hạ. Tuy vậy tôi vẫn hỏi:

- Hạ nói thật hay đùa?

Hạ cười tươi, da mặt dậy đỏ:

- Thật.

Tôi vẫn chưa hết nghi ngờ, hỏi:

- Hạ đi một mình à?

Hạ cười tít:

- Đi hai người.

- Thế bạn đâu? Xe đâu?

- Ở ngoài kia.

- Sao không mời anh ấy vào đây.

- Anh ấy ngượng.

- Ngượng gì. Để mình ra mời anh ấy vậy.

- Này, đừng.

- Sao vậy?

- Chẳng sao cả. Kệ anh ấy.

- Anh ấy bao tuổi rồi?

- Ngoài sáu mươi.

- Là sáu mấy?

- Sáu bảy sáu tám gì đấy.

- Hơn Hạ gần mười tuổi.

- Quãng ấy. Nhưng còn khỏe lắm.

- Thế cơ à? Quê anh ấy ở đâu.

- Bình Định.

- Võ Bình Định là khiếp lắm đấy.

Mặt hạ rực đỏ.

- Ừ, khiếp lắm

- Vợ con anh ấy thế nào?

- Chả thế nào cả. Chị ấy người thị xã. Con gái duy nhất nhà tư sản bên phố Ngô Quyền. Anh ấy người miền Nam tập kết. Ở gửi rể. Mấy năm gần đây nhà nước mở cửa, chị ấy mới đổ vàng ra làm nhà và chia cho các con. Chị ấy thật khổ. Cái số không được ở nhà cao, cửa rộng. Nhà làm xong ngày nào, chị ấy lăn ra ốm ngày ấy. Khánh thành nhà buổi sáng, buổi chiều chị ấy bị cấp cứu. Sống luôn trong bệnh viện, đến lúc cái chết đã gần kề, con cái vội đón về nhà được dăm hôm thì đi.

Hạ rơm rớm nước mắt.

- Thân phận người đàn bà khổ thế. Vàng một đống vẫn thắt lưng buộc bụng, chắt bóp từng xu, từng đồng vì chồng vì con. Làm nhà gần xong thì chia đất, chia nhà, chia vàng cho các con phân minh, sòng phẳng. Nhưng không để lại một chỉ nào cho chồng.

- Tại sao thế?

- Biết đâu được với nhà người ta. Anh ấy bảo, đó là tài sản thừa kế của chị ấy. Nếu chị ấy không phải con nhà tư sản, chắc chắn chị ấy chả thèm lấy anh ấy. Lúc còn thanh nữ, nhà chị ấy luôn luôn có một tiểu đội đàn ông xếp hàng.

Tôi tấm tắc:

- Ghê nhỉ? Chắc chị ấy đẹp lắm.

- Đẹp. Đẹp nhất thị xã.

Tôi đã ngờ ngợ nhận ra ai. Bởi tôi đã có ba năm học ở trường cấp III thị xã. Tháng tháng xách tương vác gạo đi bộ hai mươi nhăm kilômét từ quê lên thị xã. Chẳng lẽ người đẹp nhất thị xã là Quế Hoa, cũng trạc tuổi tôi và Hạ, cùng học lớp 8B với chúng tôi. Quế Hoa đẹp kiêu sa, lộng lẫy. Tính tình kín đáo, tế nhị. Đi đứng ung dung. Nói năng nhỏ nhẹ. Bạn bè cùng khối 8, các anh ở khối 9, khối 10, rồi cả các thầy giáo trẻ nữa, vo ve quanh Quế Hoa hàng đàn. Học hết năm lớp 8, Quế Hoa biến mất. Không ai rõ Quế Hoa đi đâu. Những năm gần đây, họp trường, họp lớp hàng năm Quế Hoa cũng không có mặt. Và cũng chẳng thấy ai nhắc đến Quế Hoa. Ở thời chúng tôi, con gái đẹp nổi tiếng thị xã chỉ có Quế Hoa.

Tôi hỏi Hạ:

- Quế Hoa à?

Hạ gật đầu.

- Sao Hoa im hơi kín tiếng thế?

Hạ nói:

- Mình sống ở thị xã, sinh con đẻ cái, nuôi dạy các cháu khôn lớn, mấy chục năm trời ngay bên phố Cửa Hậu mà có giáp mặt nó bao giờ đâu.

- Vậy sao biết Quế Hoa?

- Thế mới lạ. Quả đất quay vòng. Con người ta có duyên kỳ ngộ thì trước sau rồi vẫn gặp nhau. Chả là khi thân với mình, anh ý cứ tha thiết mời đến nhà chơi. Hơn nữa, mình cũng muốn đến xem gia cảnh anh ấy thế nào. Thường ngày anh ấy đưa đón đứa cháu ngoại đi lớp mẫu giáo. Còn mình đưa đón thằng cu nhà hàng xóm. Vì bọn thằng Hiến, cái Hiền đem hết con cái chúng nó sang Séc rồi. Trong khi đó mình ở nhà chơi mãi cũng buồn. Cô đơn lắm.

Vợ chồng con bé hàng xóm lại bận tối mắt. Chồng nó học cùng với cái Hiền. Nó thấy mình nhàn rỗi nên sang vật nài mình đưa đón con hộ nó. Mình nhìn hoàn cảnh nó cũng thương. Bố mẹ đôi bên sớm khuất núi cả. Chả nhờ cậy được ai. Nên mình nhận lời. Thằng cu con nhà nó lại học cùng lớp với đứa cháu anh ấy. Duyên trời run rủi ông bà đưa đón cháu gặp nhau, trước chào hỏi, sau kiếm đôi ba câu chuyện làm quà. Rồi mời nhau vào quán. Anh ấy tâm sự, vợ anh mất đã đoạn tang. Cải cát rồi.

Hạ bảo, đứng trước bàn thờ vợ anh ấy, Hạ sững người, lạnh toát cả chân tay. Bức ảnh chân dung trên bàn thờ trông quen quá. Một chút khóe môi, một đôi mắt đẹp nhưng sao lạnh lùng, khinh bạc thế. Ảnh chụp thời còn trẻ, chừng mười tám, đôi mươi. Hạ nhận ra ngay Quế Hoa. Hạ hỏi:

- Chị ấy không có bức ảnh nào chụp gần đây hở anh?

- Bức ảnh này là cuối cùng. Cô ấy rất ghét chụp ảnh

- Sao lại thế?

- Tính cô ấy thế. May mà bố mẹ cô ấy còn có gian nhà mặt phố, còn tích lũy, giấu giếm được tí ti vàng, buôn bán lặt vặt thêm vại dưa, quả cà đắp đổi qua ngày...

- Anh biết gia đình chị ấy tư sản rồi, sao còn lấy?

Anh ấy kể:

- Anh đã có vợ con trong quê. Ra Bắc không chịu nổi cô quạnh, ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân nên anh quyết tâm lấy vợ. Thấy cô ấy đẹp quá, đoan trang, hiền dịu quá mà anh nào cũng sợ, đến lại đi, thì anh lao vào. Lấy được vợ thì mất chức vụ, chuyển ngành làm công nhân vệ sinh thị xã. Thỉnh thoảng anh ức đời, uống rượu, về nhà dồn cả lời nói, cả cẳng chân, cẳng tay vào cô ấy. Bây giờ nghĩ lại anh rất ân hận. Đời đã dồn đuổi cô ấy phải làm vợ một thằng như anh.

Hạ an ủi:

- Anh đừng tự giày vò mình nữa. Dẫu sao đã qua một thời, một kiếp người.

Hạ hỏi tiếp:

- Còn vợ con anh trong quê thế nào?

Giọng rầu rầu, anh ấy bảo:

- Vợ lấy sĩ quan ngụy. Con đi lính ngụy chết trận ở Đắk Lắc. Anh chỉ còn gia đình ở ngoài này.

Hạ ngậm ngùi thương anh. Anh vào cửa nhà này là trái cách. Dường như anh là chủ vừa không phải là chủ.

Hạ đứng lặng trước bàn thờ nhìn Quế Hoa một lúc lâu. Ôi Quế Hoa, người bạn học, một thời ngồi cùng bàn với Hạ. Nó kín như bưng. Chẳng bao giờ tâm sự, cười đùa với ai. Cái sự kín đáo, lạnh lùng càng khiến Quế Hoa đẹp một cách đoan trang cao quý. Hạ rút ba nén hương ở thẻ khác. Châm tiếp. Hạ nhắm mắt thầm thì: "Quế Hoa ơi, bạn biệt vô âm tín từ bấy đến nay suốt mấy chục năm trời. Nay âm dương đôi ngả mới lại thấy nhau!". Khi Hạ mở mắt vái từ biệt Quế Hoa thì cả ba nén nhang đều tắt tự lúc nào. Hạ bảo:

- Chắc cái Hoa không đồng ý cho mình lấy chồng nó, không muốn cho mình bước vào cửa nhà nó.

Tôi gật đầu:

- Có thể.

Hạ đỏ mặt bảo:

- Nó không muốn mình làm bạn với chồng nó còn có lý. Chứ không muốn cho mình bước vào cửa nhà nó thì vô lý quá. Chắc gì mình đã đến nhà nó để phải hầu chồng, hầu con cháu nó. Rồi cả hương khói thường ngày hầu nó nữa, còn lâu nhé.

Tôi hỏi:

- Thế Hạ có xin phép Quế Hoa để được làm vợ chồng nó không?

Gương mặt Hạ chợt đỏ gay gắt tới mang tai:

- Ơ hay. Việc gì mình phải xin nó chứ. Mình thương nó, kính trọng cốt cách nó chứ mình không phải lụy nó, đúng không?

Tôi gật đầu. Một lát sau mới nói:

- Nhưng với thằng Hiến và cái Hiền, Hạ phải hỏi ý các con đấy.

Hạ bảo:

- Mình đang phân vân. Sợ chúng nó đi lại tốn kém, mất thời gian. Viết thư hoặc gọi điện cho chúng nó có được không?

- Không được. Phải gọi chúng nó về. Việc lớn như thế, không thể qua loa được.

- Mình sẽ nghe bạn gọi chúng nó về. Còn bạn có ủng hộ mình không?

- Mình có ủng hộ một ngàn lần cũng chẳng có nghĩa lý gì. Phải có ý kiến của thằng Hiến.

- Được. Mình về đây. Bạn đừng tiễn nhé. Sợ anh ấy ngượng.

Tôi định bảo, lão vờ vịt đấy. Đã ngoại thất thập rồi còn ngượng cái gì. Sau chợt thấy mình thực sỗ sàng. Tình yêu dù trẻ hay già đều giống nhau cả. Tôi lặng lẽ tiễn Hạ ra cổng ngõ.

Hạ đi rồi, tôi bâng khuâng ở mảnh sân nhỏ nhà mình một hồi lâu. Tôi vốn cảm phục Hạ. Bây giờ lại thấy thương Hạ nhiều. Hạ không đẹp nhưng nền nã, thẳng thắn. Hạ yêu sớm. Yêu mỗi anh người cùng làng, cao to đẹp trai như phi công. Anh học trên Hạ hai lớp. Hết lớp 10 Hạ cưới luôn. Cưới giữa mùa hè nóng nực. Ở quê nhà chưa có điện, ai nấy nhễ nhại mồ hôi.

Bố Hạ bảo, con gái học thế là cao rồi. Lấy chồng đi để yên bề gia thất. Gia đình nhà chồng xin cho Hạ vào làm kế toán ở cửa hàng bách hóa thị xã. Hạ cưới mùa hè năm trước, tháng giêng năm sau đã có con đầu lòng. Một năm sau lại đẻ tiếp. Ngoài hai mươi tuổi đã con bế con bồng. Cực nhọc, vất vả, nhưng vui. Hết mẹ chồng đến mẹ đẻ thay nhau trông cháu. Khi đi kèm theo nào gạo ngon, nào rau dưa. Do vậy Hạ cũng đỡ phần vất vả.

Chồng Hạ học hết đại học về công tác ở Hải Phòng. Anh chàng léng phéng luôn với một cô cùng cơ quan, con ông giám đốc. Cô ta xinh đẹp hơn Hạ nhiều. Nàng ta ở cữ Hạ mới biết tin. Hạ sôi sục căm hờn. Tức giận, căm hờn đến lú lẫn, Hạ xách theo can xăng ba lít, bọc vào bao tải dứa. Hạ đi tàu suốt đêm. Sáng bảnh mắt thì đến Hải Phòng.

Thành phố trong chiến tranh xơ xác những bụi là bụi. Hạ đưa địa chỉ cần đến cho bác xích lô già. Ông lão xem xong, bảo, được được, tôi đưa cô đến tận nơi.

Thằng ngô đã nhanh chân trốn đi đâu mất, hoặc lúc ấy không có nhà. Cô ả nhanh trí, khôn ngoan đến mức Hạ không tưởng tượng nổi. Dường như linh cảm thấy chuyện chẳng lành, ả đang nằm với con, vội vùng dậy hỏi:

- Chị hỏi ai?

Nhìn thấy ả, Hạ uất tận cổ. Hạ muốn túm lấy tóc ả dầm đầu ả xuống mà đánh mà xé rồi đổ xăng đốt cho hả cơn giận, cơn đau. Tiếc thay, vẫn thiếu mất thằng chồng phản bội. Mặt lạnh tanh, Hạ hỏi:

- Chồng cô đâu?

- Để tôi đi gọi.

Miệng nói chân bước, thoắt một cái, ả đã biến mất tăm. Hạ ngồi chờ. Chờ mãi. Con bé thức dậy tè một bãi, khóc ngằn ngặt. Hạ ôm lấy nó, nhét vú vào mồm nó, nó không bú. Nó cứ uốn cong người khóc tím tái da thịt.

Hạ núng thế, sợ con gái đất Cảng. Người ta bảo: "Hải Phòng là đất giang hồ/ Có sông thì lấp, có đồ thì sơn" thật chẳng sai. Hạ bế con sang hàng xóm tìm mẹ nó. Đi liền cả mấy nhà không thấy. Hạ xấu hổ muốn chui xuống đất. Một bà béo, thấp bằng ba cái phích, bảo:

- Cô đưa con bé đây cho tôi. Cô ngược Hà Nội đi kẻo lỡ tàu. Cô còn ở đây thì đến đêm nó cũng chẳng dám về.

Hạ đưa con bé cho bà béo, xách can xăng ra đường đổ xuống rãnh. Rồi vứt luôn cả can, cả tải. Mỗi lần nhớ lại Hạ vẫn buồn cười, thấy mình giận quá mất khôn. Thoắt cái đã hơn bốn mươi năm. Hơn bốn mươi năm, Hạ ly dị chồng, ai can khuyên, Hạ đều không nghe.

Bốn mươi năm vò võ nuôi hai con khôn lớn, học hành đến nơi, đến chốn. Rồi dựng vợ, gả chồng cho chúng. Rồi nuôi dạy các cháu. Chả hề có điều tiếng gì. Làm người phụ nữ không chồng đang thì sinh nở thật khó, thật khổ.

Hạ đã tưởng mình giữ được danh tiết đến trọn đời. Bà con hàng phố thường lấy Hạ làm tấm gương răn dạy con cháu. Nào ngờ...

Từ khi vướng vào anh ấy, Hạ không dám ngẩng mặt nhìn ai. Vợ chồng nhà Toàn không khiến Hạ đưa, đón con nó nữa. Người hàng phố thường tránh Hạ. Hạ thấy ê chề quá. Nhiều lần Hạ đuổi anh ấy về. Hạ van xin anh ấy đừng đến nhà Hạ nữa.

Anh ấy không nghe. Anh ấy quỳ xuống xin cầu hôn với Hạ. Anh ấy bảo, họ định kiến thôi. Chúng ta chả có gì xấu. Chúng ta là người tự do, người cô đơn. Chúng ta có quyền được yêu nhau, lấy nhau. Hạ cứ nhận lời lấy anh là xong hết. Là xóa hết tất cả cái đám khói hơi cay khiến Hạ sổ mũi hắt hơi, đỏ mắt, bực mình. Hạ bảo, nói như anh. Sự đời đâu có đơn giản thế. Nhưng suy cho cùng việc đã đến nước này, Hạ đành nhắm mắt đưa chân vậy...

Cuộc họp của ba mẹ con Hạ diễn ra ngay sau khi các con vừa ở sân bay Nội Bài về đến nhà.

Thằng Hiến hỏi luôn:

- Mẹ định lấy chồng à?

Con Hiền ôm lấy mẹ nức nở:

- Mẹ ơi, gần trọn kiếp người mẹ đã hy sinh vì chúng con. Bây giờ còn một chút cuối đời, ý mẹ muốn thế nào anh em con đều theo ý mẹ.

Thằng Hiến ngồi chết lặng. Hai dòng nước mắt chảy trên gò má. Một lát sau mới nói:

- Suốt đời mẹ đói khổ, vất vả vì chúng con. Mẹ không phải làm ôsin cao cấp cho ai nữa. Mẹ muốn yêu ai, kết bạn với ai chúng con cũng đồng ý. Mẹ có thể mời họ về nhà mình ở cho vui, cho đỡ cô đơn.

Hạ nghẹn ngào:

- Mẹ cảm ơn các con đã cảm thông với mẹ. Sống như Hiến nói, mẹ sợ người ta dị nghị, khinh bỉ

Hiến đứng phắt dạy, lấy tay áo quệt khô hai dòng nước mắt. Giọng Hiến đanh lại:

- Mẹ đừng tưởng mẹ lấy chồng thì không còn bị dị nghị nữa. Mẹ lầm rồi. Mẹ không phải lo nghĩ nhiều. Mẹ không phải sợ ai, vì ai nữa. Mẹ hãy sống vì mẹ, cho mẹ.

Đột ngột cái Hiền òa lên, nói trong tiếng nấc

- Mẹ hãy sống vì mẹ đi.

Nhà sáng tác Đại Lải

25/3/2000

Cùng tác giả:

DẢI LỤA - Truyện ngắn Dương Duy Ngữ

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.