Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, những sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
Tôi đang phấn khích vì loạt phóng sự in liên tiếp trong mấy số báo gần đây bắt đầu có dư luận. Thư bạn đọc từ nhiều nơi gửi tới, yêu cầu đến chỗ họ để viết tiếp những sự thật bi đát của các nữ công nhân. Trong cuộc giao ban sớm nay tôi được các bạn đồng nghiệp đề nghị cơ quan tặng thưởng đột xuất một số tiền đích đáng, đủ để tôi có thể đi tiếp vài tuần nữa, viết thêm một số bài cũng về đề tài ấy. Chính vì có loạt phóng sự của tôi mà mấy số báo gần đây được phát hành ký nhận tăng lên hàng vạn bản. Tôi không ngờ công việc của mình lại có kết quả đáng kể thế. Thực ra cái chuyến đi đầy ngẫu hứng bắt đầu từ sự chán nản đang gặm nhấm tâm hồn tôi giữa lúc tôi bị anh Gù "bỏ rơi". Trong một cuộc ngồi uống nước quán anh Gù, tình cờ tôi nghe được câu chuyện, của một tốp nữ công nhân, hình như ở công ty vệ sinh. Họ kể về tâm trạng buồn nản của những người bạn họ trong nhà máy dệt, khi đã ngoài ba mươi tuổi mà chưa có một "tấm rẻ rách tình yêu". Và thế là tôi chợt nảy ra ý định xin đi công tác. Tôi hoàn toàn không muốn đi lấy tài liệu viết bài giống như những lần cơ quan cử xuống cơ sở, mà trước hết tôi tìm được lý do tự chạy trốn bản thân mình. Vết rò rỉ từ bên trong tiềm thức đang có nguy cơ đẩy tôi tới tình trạng sa lầy, nếu tôi không dũng cảm bứt ra cái môi trường đang sống. Đây là lần đầu tiên tôi được trong giới chú ý và tôi tính ngay tới chuyện thết anh Gù cùng ông tiến sĩ một bữa ra trò. Nhưng mấy bữa nay ông tiến sĩ không hiểu vì lý do gì không tới cơ quan, cũng không tới quán anh Gù. Anh Gù bảo tôi đi tìm ông, nhưng vì việc bận tôi chưa đi ngay được. Tôi không ngờ sự chậm trễ của tôi đã tạo nên cuộc viếng thăm kỳ lạ của bà Huệ, vợ ông. Bà đến đúng lúc tôi vừa ăn tối và tôi vội vã dẹp các thứ đồ đạc còn lộn xộn, hôi hám vào một góc, tiếp bà. Từ trước tới nay, chưa bao giờ bà tìm tôi, và tôi linh cảm nhà bà đang có điều gì đấy không bình thường.
- Tôi xin lỗi cậu vì cuộc đến thăm đường đột này, bà nói trong khi ngồi xuống cái ghế mây duy nhất trong phòng. Bà có vẻ không để ý đến sự ăn ở lộn xộn và chật chội của tôi. Bà lấy gói thuốc "ba số" từ trong cái bóp nhỏ ra mời tôi hút. Bà cầm thuốc thành thạo như những mệnh phụ phu nhân trong phim. Nó có cái gì đấy vừa trơ trẽn vừa kiêu ngạo không phải lối. Tôi đặt ly nước lọc lên bàn mời bà và ngồi xuống cái thùng lương khô đựng gạo, tỏ ý sẵn sàng chờ nghe bà nói. Tôi thầm mong câu chuyện đừng có điều gì xúc phạm đến người bạn già của mình.
- Tôi đã có ý định tìm cậu từ lâu, nhưng vì thực lòng, tôi chưa hiểu cậu thế nào. Điều duy nhất tôi biết về cậu là cậu rất thân với ông ấy. Lắm lúc tôi cứ nghĩ về cậu cũng giống như chồng tôi, cũng giống như tất cả lũ đàn ông đê tiện, chỉ biết hưởng thụ, chứ không biết sự thực cái mà các người đang hưởng thụ ấy do đâu mà có. Nhưng hôm nay thì tôi đánh liều bước vào căn phòng này, nơi bấy nay cậu đã từng chứa chấp kẻ chạy trốn...
Bà bỗng dừng lại, nghẹn ngào, cố nén cái điều đang bục ra từ vết rò rỉ âm thầm...
- Chị cứ bình tĩnh... Em nghe chị, tôi nói.
- May mà mới đây tôi đọc được loạt bài của cậu, khi thấy người ta bàn tán, tranh cãi. Té ra cậu không phải hạng người như tôi nghĩ. Té ra trong số đàn ông các người, lại vẫn có kẻ dám nhìn vào sự thật, nói lên sự thật và có lòng cảm thông với nữ giới chúng tôi có vẻ chân thành. Sở dĩ tôi nói thế không phải tôi đánh giá những bài báo của cậu là thế nào. Chính nó đã kích thích tôi đến đây tìm cậu một cách dứt khoát, và nó mách bảo tôi, phải phơi bày hết ra, những gì bấy nay tôi và ông ấy cố tình che đậy, né tránh. Cậu cũng biết đấy, dù sao tôi cũng là trí thức, được đào tạo hẳn hoi, được làm đúng việc và tôi rất yêu công việc của mình. Có thể nói, nếu nhìn từ bên ngoài vào, tôi là người được đủ mọi thứ...
- Nhưng đến bây giờ thì tôi mất tất cả. Mọi giá trị lâu nay đến với tôi đều là giả dối. Giả dối đến kinh tởm và tôi xin cậu đừng nghĩ rằng tôi đến đây để thanh minh cho lỗi lầm của mình. Tất cả lỗi lầm của tôi đều là sự thực, còn tất cả sự thực lại hóa ra giả dối. Mọi thứ đều đảo lộn. Thực ra không phải nó đảo lộn mà nó được trả về đúng chỗ. Cậu đừng hỏi tôi điều gì. Cứ để cho tôi nói. Tôi không yêu cầu cậu phải thông cảm với tôi. Hoàn toàn không. Nhưng ngược lại, tôi rất thông cảm với cậu. Giá như ngày ấy, tôi và ông ấy không vì những cái giả và dũng cảm nhìn thấy đúng sự thật, thì biết đâu chúng tôi còn giữ được ít nhiều những vẻ đẹp tình thần do tình yêu tạo ra. Cuộc chia tay của cậu và cô Thuỷ khiến nhiều người không hiểu, nhưng tôi dám chắc tôi có hiểu ít nhiều. Cô cậu đã biết dừng lại và...
Cái vực thẳm của ông bạn già tiến sĩ giờ đây đang hiện ra dần dần. Mới đầu là ánh sáng của hào quang mà hồi ấy họ gọi là tình yêu và hy vọng. Nó sẫm dần, sẫm dần cho đến khi biến thành một màu đen hun hút...
- Cậu có hình dung được, cách đây ba mươi năm, tôi là một cô gái quê, một cô Tấm xinh xẻo và ngon lành thế nào không? Tôi chỉ còn nhớ tôi được mẹ nuông chiều trong cảnh sống mẹ góa con côi ở thị trấn nghèo, yên ả. Sát cạnh nhà tôi có một con sông đào với những bè nứa nhỏ được chuyển từ sông Luộc tới. Người ta kéo nứa lên bãi, phân phát cho mọi nhà, và mẹ tôi cặm cụi suốt đêm ngày bóc nứa, đan thành những tấm cót dài bất tận, chỉ để đủ cho hai mẹ con cầm sổ gạo ra cửa hàng đong hàng tháng, thế đã lấy làm sung sướng lắm rồi. Tất nhiên tôi không phải làm gì, chỉ việc ăn rồi cắp sách tới trường. Tôi được mẹ cho ăn diện trội hơn tất cả các bạn trong lối phố. Giá như hồi ấy tôi hiểu mẹ tôi như bây giờ thì mẹ tôi đỡ khổ biết chừng nào. Cứ nghĩ tới mẹ là tôi phát cuồng lên vì ân hận. Tôi không biết cái thói ích kỷ từ đâu đã nhiễm vào tâm hồn thơ dại của tôi đến kinh khủng thế. Tôi đã vô tình hành hạ mẹ, đày ải cuộc đời góa bụa của mẹ đến khi đời mẹ tàn tạ thì tôi đã bay xa...
Bà cúi xuống lấy mùi xoa lau nước mắt.
- Hồi ấy mẹ tôi mới ngoài ba mươi tuổi. Mẹ đẹp và khỏe lắm cậu ạ, bà tiếp. Chính vì thế mà tôi suốt ngày cứ nơm nớp lo, nơm nớp cảm thấy cuộc sống của mình đang bị rình rập bởi khách khứa. Ngoài giờ học ở lớp, tôi về nhà, không rời mẹ nửa bước. Những buổi chiều mưa phùn gió bấc, người ta gọi mẹ tôi ra bãi nhận nứa, tôi cũng không chịu ở nhà. Rồi những đợt giao hàng, người ta cử mẹ tôi theo xe lên tỉnh, tôi thà bỏ học chứ không chịu cho mẹ tôi đi một mình. Đã nhiều lần vì quá giận, mẹ đánh tôi. Nhưng sau khi đánh, thế nào tối về mẹ cũng chong đèn ngồi khóc. Tôi còn cảm thấy mãn nguyện khi biết rằng mẹ khóc vì thương tôi và mẹ thua tôi. Tôi quyết không cho mẹ làm gì ngoài ý muốn của mình. Tôi căm thù cái người đàn ông góa vợ có hai con trai ở ủy ban huyện ấy. Tối nào ông ta cũng mò đến nhà tôi chẳng để làm gì. Cái đèn dầu vặn to hết cỡ để giữa bàn, hai cái bóng ngồi hai bên, thỉnh thoảng ông ta hút thuốc lào, còn nói chung là im lặng. Tôi nằm phủ phục trên giường học bài, nhưng thực ra luôn để mắt theo dõi họ. Chỉ cần có một cử chỉ nhỏ của ông ta là tôi đứng dậy, giả vờ xin mẹ ngụm nước hay nhờ mẹ lấy cái gì đó trong ngăn kéo. Thậm chí đến khi ông ta về, mẹ tôi tiễn, tôi cũng bám sát một cách trắng trợn. Mẹ là của tôi, không ai có thể chiếm đoạt được! Có lần mẹ kể rằng, "Bác Thuyết" (ông ta) là bạn thân nhất của bố, rằng chính "bác" đã lặn lội lên tận Điện Biên xin hài cốt bố về. Hồi đó bố mẹ lấy nhau chính là nhờ "bác" làm mối cho. Tất cả những điều ấy không gây cho tôi xúc động, thậm chí khiến tôi càng cảnh giác hơn. Tôi không cần biết gì ngoài chuyện bố tôi là liệt sĩ Điện Biên, tôi là con liệt sĩ, mọi người phải có trách nhiệm đối với tôi. ở trường, tôi luôn được thầy cô và bạn bè quan tâm. Tôi không bao giờ chịu thua thiệt điều gì. Nếu cảm thấy không vừa lòng là tôi dỗi, tôi khóc. Nước mắt đã trở thành vũ khí, kể cả khi bị điểm kém. Cũng may là vì tôi học không đến nỗi, nhưng nói chung tôi luôn có ý nghĩ đòi hỏi. Ngay cả tới khi vào Đại học, tôi vẫn giữ nguyên lối sống ích kỷ của mình. Tôi đã khóc đến khan cả cổ khi biết tin mẹ tôi đi bước nữa với ông ta. Rồi tôi đùng đùng về nhà, tuyên bố đòi mẹ, tuyên bố, nếu mẹ không nghe tôi thì tôi sẽ không bao giờ về nữa. Cậu không thể hình dung lúc ấy mẹ tôi đau khổ thế nào. Bà chắp tay van lạy tôi, nhưng không hiểu ma quỷ ở đâu đã nhập vào tôi khiến tôi bướng bỉnh nhỏ nhen đến thế. Tôi không chịu nghe ai. Thậm chí tôi còn sang nhà "ông ta" chửi bậy...
- Thôi, tôi không nhắc lại nữa, nhưng dù sao tôi cũng phải nói thêm với cậu rằng, chính tôi đã dẫn đến cái chết bi thảm của em tôi. Đó là những ngày hè nóng nực chưa từng thấy, tôi về với mẹ. Tôi rất căm tức khi thấy mẹ tôi có thai. Tôi còn thề độc địa rằng, nếu "ông ta" còn sang nhà tôi, tôi sẽ lấy giẻ lót tay dắt ra cửa! Và tôi đã thắng!
Tôi đưa mẹ vào bệnh viện sinh với một tâm trạng thù hằn ngu ngốc của trẻ thơ, mặc dù tôi đã gần hai mươi tuổi. Tôi biết mẹ rất khổ tâm, nhưng vì quen chịu đựng, mẹ âm thầm làm theo con gái. Và hẳn mẹ đang hy vọng, khi mà em tôi ra đời, vì tình máu mủ, tôi sẽ nguôi ngoai và em bé sẽ xóa đi cho mẹ mọi nhọc nhằn.
Nhưng trời đã không cho mẹ tôi được hưởng chút hạnh phúc nào. Em bé sinh ra sau ba ngày thì mất vì viêm nhiễm. Mẹ tôi chỉ còn là cái xác không hồn. Tôi ở bên mẹ suốt mùa hè và tôi đã quyết định thôi không ra Hà Nội học nữa. Mẹ khóc suốt một đêm ròng, khuyên tôi đi học tiếp. Tôi ương bướng ngồi nghe và cuối cùng buộc lòng phải chia tay mẹ.
- Mẹ đã khỏe rồi, mẹ lạy con, trăm ngàn lạy. Con mà bỏ học thì thà mẹ chết còn hơn. Mẹ đã thề với vong linh bố là mẹ sẽ nuôi con, cho con ăn học... Con thương mẹ thì con chịu khó, mai kia trưởng thành cho mẹ theo... Mẹ có lỗi với con, với bố. Nhưng bao giờ lớn thì con sẽ hiểu mẹ. Còn bây giờ thì hết rồi! Mẹ mãi mãi là của con, con cứ yên tâm. Những ngày này người ta không đến, tức là chẳng bao giờ đến nữa. Và nếu có tới đây... Mẹ cũng... đuổi...
Đôi vai người đàn bà run lên. Tôi cúi mặt giấu ngấn nước mắt và cố không để bà chạnh lòng. Một lúc sau, dường như đã lấy lại được bình tĩnh, bà châm thuốc hút. Tôi cũng lặng lẽ lấy một điếu.
- Cám ơn cậu, bà nói nhẹ nhàng. Đàn bà chúng tôi là thế. Dẫu có trăm lần nghĩ lại, thì cuối cùng chúng tôi cũng không thoát khỏi cái mà chúng tôi cho là sai lầm. Vì yêu mẹ quá mà tôi mù quáng, bất chấp mọi ý nghĩ, chỉ cần giành giật được tình yêu của mình. Vì yêu mẹ quá mà tôi tìm được điểm tựa để từ đó có đủ sức đánh bật kẻ tranh chấp. Còn ông ta? Tại sao ông ta lại lùi bước? Tại sao ông ta lại chịu thua một con bé ngu dại? Tôi không tin đó là tình yêu. Tình yêu không hề thấp kém thế...
Tôi mời bà uống nước và ý tứ đề nghị bà đừng quá xúc động. Tôi biết bà tới đây không phải để kể lể hoàn cảnh. Tình cảm chân thành của bà gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Tôi cảm thấy ân hận về sự vô tình của mình. Chúng tôi thân thiết với nhau đã lâu, vậy mà chưa bao giờ tôi chú ý tới bà, thậm chí đôi lúc tôi còn nghĩ sai lệch. Bà cầm ly nước xoay xoay trên tay với cái vẻ tự nhiên của người từng trải.
- Chị cho phép em được hỏi một câu có được không? Tôi từ tốn nói. Em cứ có cảm giác, hình như anh chị sống với nhau không được hạnh phúc lắm?
Bà cười nhạt, đặt ly nước xuống bàn, nói:
- Hạnh phúc còn tùy theo quan niệm của từng người cậu ạ. Kể ra ngày mới yêu nhau chúng tôi hạnh phúc lắm chứ. Nếu cậu không cảm thấy mất thì giờ thì tôi xin kể. Tôi biết kể ra chẳng giải quyết được gì, nhưng dẫu sao nó cũng nhẹ được phần nào.
Tôi lấy phin pha cà phê, cố tạo không khí thoải mái để dòng xúc cảm của bà không bị đứt đoạn. Cái vết rò rỉ bên trong tâm hồn bà hẳn đã phát ra từ lâu, nhưng vì cố kìm giữ để bây giờ có điều kiện, tự nó bung ra. Bà đã đánh đổi tuổi mười tám đôi mươi và cả khoảng dài tuổi trẻ của mình lấy tình yêu mà bà hy vọng được đền bù, chí ít cũng ngang bằng sự dâng hiến. Sự thực thì con người ta luôn có những đòi hỏi cao hơn cái mà ta có, chúng ta không tự biết. Ta luôn cảm thấy mình thiệt thòi. Mọi mâu thuẫn thường bắt nguồn từ đó. Một chàng trai đã ngoài ba mươi tuổi, đã từng có năm năm du học ở nước ngoài, đang làm luận án tiến sĩ và hiện là giảng viên xuất sắc của một trường đại học. Một cô sinh viên mười tám với những khát vọng lãng mạn và những đòi hỏi thiết thực cho nhu cầu đời sống đã gặp gỡ nhau. Họ gặp nhau không có gì khác biệt ngoài quan hệ thầy trò. ánh hào quang của vinh quang sớm đến và tương lai còn đi xa hơn ấy chiếu xuống bản tính ương bướng nhưng yếu mềm non dại của một cô gái quen được cưng chiều, sớm phải lo toan, tự lập. Không phải những ngày học của cô gái phải sống cô đơn. Không ít các bạn trai mời mọc, rủ rê, tặng quà và hứa hẹn. Nhưng sao cô không thấy họ có gì hấp dẫn. Cô sớm có vẻ ưu tư và cứng cỏi, không phải cô cố làm ra thế, mà chính hoàn cảnh đã tạo nên cá tính của cô. Cô không thích cái lối yêu nhau của các bạn sinh viên, nó vừa ngố, vừa hoa lá cành, nhanh kết, nhanh tan. Cô không thích các cuộc vui ồn ào, mặc dù cô biết bản tính bên trong cô rất mạnh mẽ. Đi đâu, làm bất cứ việc gì, cô cũng nghĩ tới mẹ. Nhiều tối, trong khi các bạn ríu rít rủ nhau đi xem, cô cuộn chăn nằm nhà một mình, chỉ để nhớ thương mẹ, viết thư cho mẹ và khóc. Sau những giờ lên lớp cô thường tha thẩn một mình, không thích nhập bọn cùng các bạn. Cô học khá, và các bạn gái, nhiều người cho rằng cô kiêu, cả về học lực lẫn về lý lịch. Nhưng họ không hiểu thực chất nỗi buồn, nỗi lo của cô thế nào. Cô đã ít nhất có một lần làm mẹ khổ đau. Và cái chết của em bé luôn ám ảnh trái tim dễ rung động của cô. Cô khao khát có một ngày nào đó sẽ đền bù mẹ. Càng ngày cô càng nhận ra, cô không thể để mẹ sống cô quạnh, suốt năm ra vào với nỗi niềm riêng, với những bó nứa và những dải cót dài bất tận. Cứ mỗi lần nghĩ tới mẹ là cô lại mong sao sớm chấm dứt cuộc đời sinh viên, sớm có một công việc và sớm có gia đình, cô sẽ đưa mẹ ra Hà Nội và chăm sóc quãng đời còn lại của mẹ. Sự đùa nghịch vô tư của các bạn nhiều khi khiến cô nổi cáu. Cô rất sợ sau giờ học phải chui vào căn phòng tập thể với những dãy giường tầng, với bóng điện lờ mờ, với mùi khai từ nhà vệ sinh hắt vào nơi cửa sổ, với tiếng hát ẽo ợt và tiếng đàn ghi ta bập bùng của những anh chàng lười học, ham chơi. Cô cảm thấy tủi thân khi thấy các bạn có người nhà lên chơi mang theo đủ thứ quà và đồ ăn thức uống. Cô không có ai để viết thư, ngoài mẹ. Còn các bạn thì tới tấp gửi đi và tới tấp nhận về. Cô không muốn tìm người san sẻ trong đám bạn nhốn nháo nhiều chuyện va chạm ấy. Cô thích vào thư viện học bài và đọc sách. Cô cho rằng đó là cách tốt nhất để cô trốn được sự ồn ào vô vị...
Vào một buổi sáng chủ nhật của năm thứ ba, cô lủi thủi đi trong sân trường. Thực ra cô cũng không biết mình sẽ đi đâu bây giờ. Cô nhẩn nha ra phố, rẽ vào chợ tìm mua cho mẹ một cái khăn len. Cô đang tần ngần trước hai chiếc khăn, một chiếc vừa với số tiền trong túi nhưng cô lại không thích lắm. Còn một chiếc cô rất thích thì giá lại quá đắt so với túi tiền của mình. Cô đang cò kè mặc cả thì có một bàn tay khẽ đặt lên vai cô. Cô giật mình co rúm người lại, né sang bên. Cô đỏ mặt và xấu hổ khi nhận ra thầy giáo của mình. Cô khẽ cất tiếng chào. Thầy giáo chỉ vào chiếc khăn cô đang mặc cả hỏi:
- Em mua khăn à?
- Vâng ạ.
- Chắc là mua tặng mẹ?
- Sao thầy biết ạ?
- Là thầy đoán thế. Loại khăn này chỉ dùng cho các bà mẹ.
Thầy nói rồi cười tự nhiên, rồi hỏi cô:
- Chắc em thiếu tiền phải không?
- Dạ thưa...
- Nếu em cần, thầy có thể cho mượn. Cô cảm thấy khó xử. Nhưng đã lâm vào tình thế này, biết làm thế nào khác được. Cô nói:
- Em cám ơn thầy. Mà sao thầy cũng nhận ra em ạ?
- Tất nhiên thầy không thể nhớ hết mặt sinh viên. Nhưng thầy cũng không thể quên tất cả.
Thầy nói và lấy tiền cho cô mượn.
- Bắt đầu là như thế, bà nói dịu dàng như chính tình cảm trong sáng thời sinh viên đang sống lại trong tâm hồn bà. Tôi xin địa chỉ chỗ ở của "thầy" và hẹn ngay chiều sẽ mang tiền lên trả. "Thầy" cười độ lượng và nói vui:
- Sòng phẳng đấy!
Chúng tôi yêu nhau, mới đầu còn giữ ý, nhưng đến khi tôi cảm thấy sự giữ ý không còn cần thiết nữa thì tôi hầu như ngày nào cũng lên căn phòng mười tám mét vuông ấy nấu nướng. Bạn bè nhìn tôi có vẻ khinh thị, họ cho rằng tôi quan hệ với thầy chẳng qua vì vài bữa ăn tươi với lại mấy bộ áo quần. Tôi không quan tâm đến những điều tiếng nhảm ấy. Không thể thanh minh cho những người chẳng hiểu chút gì về mình. Về phía thầy, người ta kháo nhau rằng, chẳng qua thầy chỉ là con tò vò, cúc cung kiếm mồi nuôi cho con nhện lớn. Xưa nay, cái chuyện thầy trò yêu nhau cũng nhiều, nhưng lấy được nhau đã có mấy đôi? Phần lớn là sau khi ra trường, các cô nhanh chóng phủi ngay mối tình ấy không luyến tiếc. Riêng đối với tôi thì lại khác. Tôi luôn nghĩ tới sự ổn định. Sau mấy năm học, tôi không thể hình dung được cái lúc tôi phải rời xa Hà Nội, rời xa thủ đô, thì cuộc sống của tôi và các con tôi sẽ thế nào. Tôi nói điều ấy với người yêu của mình và được an ủi ngay bằng những cái hôn. Cuộc sống không bao giờ dừng lại ở những chi tiết nhỏ. Tôi được toại nguyện nhờ sự giúp đỡ của bạn bè anh ấy kết hợp với cái lý lịch của tôi. Cho tới khi đã ổn định công ăn việc làm rồi, tôi đề nghị về quê thăm mẹ, sau đó sẽ cưới trước ngày anh ấy được đi nước ngoài bảo vệ luận án. Cho tới khi đó tôi vẫn chưa biết gì về người yêu của mình. Mặc dù có vài tiếng đồn là anh ta đã có một đời vợ. Rằng vì anh ta không có khả năng làm bố nên cô vợ anh ta đã ly dị. Tôi nửa tin, nửa ngờ. Tôi không thể hình dung được nếu tôi lấy người chồng bất lực. Và tôi đã hỏi thật. Anh ta cười nói: "Đối với đàn ông, sự nghiệp là tất cả. Đúng là anh đã có một người vợ, nhưng cô ta không giúp gì cho anh, lại còn.." Cậu thử tưởng tượng xem lúc ấy tôi đau khổ biết chừng nào. "Em đừng tin những kẻ phao tin", người yêu tôi nói. "Chúng ta là trí thức, không thể nghĩ tới chuyện tầm thường được". - "Tầm thường là thế nào?" - "Tầm thường là lúc nào cũng lo miếng cơm manh áo, là không có khao khát gì hơn, không có mơ ước gì hơn, ngoài sự tồn tại cho bản thân mình...". Anh ta nói tới lý tưởng, nói tới tương lai và kể về những cặp vợ chồng các vĩ nhân, khiến tôi phải ân hận về những suy nghĩ nông cạn của mình. Người chồng của tôi, một trí thức có tên tuổi, một nhà khoa học có những ý tưởng lớn lao, không phải tôi ngộ nhận, mà thực tế đã trả lời. Anh ấy liên tiếp được các trường đại học mời đi giảng, nhiều cơ quan lớn mời tới nói chuyện. Báo chí đã từng viết về anh như là một nhà khoa học mang nhiều ẩn số, mà chỉ có anh trong tương lai mới giải được. Khách khứa đến chơi với anh đều là các giáo sư, tiến sĩ. Họ nói tới những điều mà tôi không sao hiểu nổi. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được anh giới thiệu với các giáo sư, tiến sĩ rằng tôi sẽ là người giúp việc trong tương lai của anh. Rằng tôi là một cô bé thông minh tuyệt vời, thậm chí anh sẽ tạo điều kiện cho tôi đi học thêm ngoại ngữ. Không thể tin được một người như anh lại làm điều gì khuất tất, giả dối. Không hiểu cậu có tin tướng số, tử vi không, chứ tôi thì tin tuyệt đối. Trước đây tôi không bao giờ để ý tới thứ bói toán vớ vẩn ấy. Nhưng càng ngày càng tin. Người bạn của chồng tôi, một giáo sư tiến sĩ, giỏi kinh khủng. Ông ấy cầm lá số của tôi, đọc lên vanh vách cả về quá khứ lẫn tương lai, cứ như tôi là một quyển sách và ông ta thì cầm lên đọc vậy...
- Thế anh chị về thăm mẹ, chắc cụ mừng lắm? Tôi kéo bà trở về quá khứ.
- Hai chúng tôi về quê, mới đầu không ai nghĩ chúng tôi là vợ chồng, bởi sự chênh lệch tuổi. Anh ấy bốn mươi, còn tôi hai hai và mẹ tôi năm ba tuổi. Tôi cố gắng làm tất cả mọi sự để nhanh chóng xóa được đi sự chênh lệch đó. Tôi khoác tay anh ra phố, kéo anh tới nhà vài đứa bạn và thầy cô cũ. Tên tuổi anh đã được thầy cô và bạn bè tôi biết qua sách báo. Tôi biết trong lòng mẹ không vui, nhất là những cử chỉ xăng xái của tôi. Nhưng vì thương con nên mẹ phải vui vẻ. Người chồng tương lai của tôi cũng rất lúng túng khi phải nói chuyện với bà. Đó là điều không tránh khỏi và tôi rất cảm thông với anh. Chúng tôi ở nhà với mẹ gần một tuần lễ. Mãi tới trưa hôm trước ngày chia tay, mẹ nấu nước gội đầu cho tôi. Ngồi chải tóc cho con gái, mẹ mới nói:
- Mẹ đã khổ nhiều rồi nên mẹ biết, nếu con không nghe thì mẹ cũng cứ nói. Cái "ngữ ấy" có mà trói gà cũng không nổi...
Tôi cười phá lên, đấm vào lưng mẹ thùm thụp. Tôi đang mê đắm trong tình yêu và tôi nghĩ rằng mẹ chỉ nhìn bằng con mắt của người nhà quê, của người lao động chân tay. Người ta là tiến sĩ, tên tuổi ngời ngời, mẹ sao biết được.
- Mẹ nói là nói thế, chứ còn tùy con.
Mẹ tôi chữa lại.
Tôi ôm ngang lưng mẹ, nói:
- Mẹ đừng lo. Anh ấy tuyệt lắm. Mai kia con sẽ đưa mẹ ra Hà Nội...
- Mẹ thèm vào.
- Ơ sao mẹ lại nói thế.
- Mẹ chẳng thiết đi đâu!
- Với con mẹ cũng không thiết ư?
- Nhưng mẹ đã thề với vong linh thầy con rồi...
Tôi không hiểu lời thề ấy thế nào, nhưng tôi vẫn đinh ninh, bây giờ thì mẹ nói thế thôi... Mẹ không thể khác được khi tôi đã có con. Tôi biết, có cháu, dẫu không mời bà cũng phải ra Hà Nội.
Nhưng tôi đã lầm.
Không bao giờ chúng ta hiểu được lòng mẹ đâu cậu ạ. Khi mẹ qua đời rồi, chúng ta vẫn không thể hiểu hết, mặc dù chúng ta luôn ân hận và mặc dù chúng ta tự động viên mình rằng, chúng ta đã làm hết bổn phận. Chẳng bao giờ làm hết bổn phận với bố mẹ đâu...
Bà ngậm ngùi nói. Tôi chợt nhớ tới phin cà phê và vội vàng lấy đường ra pha cho bà. Bà nhấm một chút rồi tiếp:
- Chúng tôi cưới được ba tháng thì ông ấy đi nước ngoài. Xin lỗi cậu, nói ra thì nhục nhưng không nói ra thì nỗi nhục còn nặng nề hơn. Ông ấy tỏ ra là một người đàn ông mạnh mẽ nhưng sự mạnh mẽ ấy không hề đáp ứng được những đòi hỏi tinh thần vốn mang sẵn nghi ngờ từ trong sâu xa tình cảm tôi. Tôi trở thành thô bạo trong sinh hoạt, và ông ấy cũng không kém. Thật khốn nạn cho thói đạo đức giả, nó đã nhiễm sâu trong máu chúng tôi. Và tôi đã khóc sau mỗi cuộc làm tình kỳ quái. "Em không cho anh bình tĩnh...", ông ấy nói. Nếu tôi sớm nhận thức được cái bi kịch trong tương lai sẽ như thế nào, và chúng tôi không tự lừa dối mình, hẳn cuộc hôn nhân ấy đã chấm dứt.
- Anh đi nước ngoài mấy năm, chị? Tôi hỏi.
- Bốn năm. Khi ông ấy về thì cháu Xuân ba tuổi rưỡi.
Bà cầm ly cà phê lưỡng lự rồi tiếp: - Bây giờ thì mọi sự đã vỡ lở rồi, tôi không có ý định giấu sự thực nữa. Nhưng không giấu không có nghĩa là cứ phải nói toạc móng heo ra. Bố cháu Xuân là ông giáo sư, tiến sĩ, bạn thân nhất của ông ấy. Họ có biết không? Có. Nhưng vì tình bạn và vì chính danh dự của họ, nên họ đều làm như không biết. Thực ra tôi không yêu ông ta. Không yêu một tí nào hết. Sau khi chồng tôi đi nước ngoài rồi, ngày nào ông ta cũng tới. Mới đầu chỉ là hỏi thăm qua quít rồi đi. Sau nữa là tình cờ gặp bữa, nán lại ăn, nán lại uống nước xem chỉ tay, nói về chúng tôi, nói về tiền vận và hậu vận, tất cả đều tốt đẹp và cao quý cả. Tôi không tin các giáo sư, tiến sĩ đều không giống ông ta, nhưng tôi tin, họ là những con người thoát tục, họ không có cái thói tầm thường của người đời, thậm chí có lúc tôi còn nghĩ, mọi thứ đối với họ đều chỉ là vớ vẩn, chỉ có khoa học mới là cái đích mà họ cần tới. Ông ta nắm được tay tôi, sau khi nói đủ thứ về khoa học bói toán, và ông ta nghĩ rằng tôi dễ dàng dâng hiến. Tôi đã đạp ông ta xuống nền nhà, nhưng vì chính cái đạp ấy khiến tôi ân hận khi ngài giáo sư nói với tôi những lời xin lỗi thê thảm. Ông ta lủi thủi ra cửa và tôi đã giữ ông ta lại... Khuôn mặt bà bỗng trở nên tái nhợt.
- Cậu ạ, đàn ông các cậu có những năng lực kỳ quái mà đàn bà không bao giờ hiểu được, đó là đức tính kiên nhẫn. Họ có thể chịu đựng được mọi hoàn cảnh, một khi phía trước họ có một cái đích. Tôi viết thư sang ông ấy là tôi mang thai, ông ấy viết thư về chúc mừng tôi và yêu cầu tôi không được để lộ bất cứ điều gì, khiến ông ấy phải bỏ dở công trình. Ông ấy nhấn đi nhấn lại cái câu: "Con của chúng ta sẽ rất hãnh diện về bố mẹ, khi nó lớn lên, nó biết bố mẹ vất vả như thế nào để có được một gia đình. Hãy đón mẹ lên và anh sẽ gửi quà về hàng tháng. Anh không buôn bán được, nhưng tiết kiệm lương...".
Tôi không báo tin mẹ tôi mất cho chồng tôi. Sự đóng góp của những thùng hàng đã giúp mẹ con tôi đỡ vất vả. Tất nhiên ông giáo sư bố của cháu cũng có gửi quà, nhưng tôi kiên quyết không nhận. Thực ra sau khi sinh cháu, tôi khóc rất nhiều vì ân hận. Tôi thương chồng tôi và tôi căm thù kẻ đã lừa dối chúng tôi. Tôi muốn quên ông ta đi và tôi làm đúng lời thề trong lý trí của mình: cấm ông ta lui tới. Ông ta đã thực hiện đúng yêu cầu. Tôi muốn cháu Xuân là con của chồng tôi, nếu như chồng tôi không ruồng bỏ. Và ông ấy không những đã không ruồng bỏ, mà còn tỏ ra rất hạnh phúc. Ngay cả đối với tôi, ông ấy cũng không hề có cử chỉ hay lời nói nào gợi tới điều chỉ hai người biết. Hạnh phúc là như vậy đấy, cậu ạ. Tôi cứ nơm nớp chờ đợi sự bùng nổ, nhưng chồng tôi không phải là người tầm thường. Đúng là, ông ấy yêu con gái tới mức, nhiều khi chính tôi phải ghen lên. Thực ra tôi không phải tôi ghen ghét gì mà tôi cảm thấy sự giả dối từ bên trong của ông ấy, đã đạt tới đỉnh cao kỳ lạ. Mọi chuyện đối với ông ấy đều cứ như không. Cho tới lần ông ấy đi nước ngoài công tác. Trước ngày đi khoảng hai tuần, hầu như đêm nào ông ấy cũng đòi hỏi tôi. Tôi rất lấy làm lạ là lâu nay, ông ấy say mê công việc, say mê chăm sóc con hơn để ý đến tình ái. Vậy mà...
- "Nếu có con, anh đề nghị đặt tên là Thu..."
Ông ấy nói với một tình cảm chân thành và tự tin đến mức, tôi không còn dám nghĩ đến bệnh tình của ông ấy.
Bà ngừng để lấy thuốc hút. Bà hút những hơi dài với vẻ mặt của người bất cần. Rồi bà dụi điếu thuốc đang cháy vào gạt tàn.
- Cậu là người duy nhất mà tôi có thể tin cậy, bà nói. Tôi phải thú nhận với cậu là chồng tôi chưa bao giờ giúp tôi trở thành người vợ chân chính. Ông ấy đã dùng mọi kỹ thuật mà ông ấy học được ở đâu đâu, để sống với tôi. Nhưng cái chính thì ông ấy không thực hiện được. Mọi kỹ thuật trở nên thô bỉ, và tôi đã khao khát tìm người đàn ông đích thực, khi mà tôi không còn tự biết lỗi lầm của mình. Tôi yêu một người kém tôi năm tuổi. Cháu Thu chính là con anh ta. Tôi muốn phá tung tất cả để làm lại cuộc đời. Nhưng người tình của tôi không phải là một trí thức. Anh ta không có đức tính kiên trì, càng không có tí tư tưởng, tí văn hóa nào trong đầu thành thử anh ta xử sự với tôi rất thô bạo. "ở với chồng, ngủ với tình nhân, như thế mà em còn đòi hỏi cao hơn à? Vợ anh nó xé nát hết!...". Tôi cảm thấy ghê tởm và tôi đã cho hắn một cái guốc vào mặt. Tôi biết, cuối cùng mọi hậu quả tôi phải gánh chịu tất. Ông ấy nhà tôi đối với hai cháu không thể chê trách, nhưng thà cứ hắt hủi chúng còn hơn. Tôi không chịu được cái cảnh nuông chiều con vô lối của ông ấy. Các cháu ngày càng lớn, chúng đã vượt ra khỏi vòng tay của chúng tôi. Và tôi chứ không phải ai khác phải chịu cái cảnh cô đơn. Tôi căm thù ông ấy? Chỉ cần nghe tiếng dép lê lẹp xẹp của ông ấy là tôi đã lộn ruột lên. Lẽ ra ông ấy phải nhổ vào mặt tôi, tống cổ tôi đi khỏi cái vũng lầy mà người ta gọi là cái gia đình ấy, thì ngược lại, ông ấy cứ điềm nhiên như không. Lắm đêm chợt tỉnh, nhìn ông ấy ngủ, sao tôi thấy ghê tởm đến thế. Ông ấy ngáy hừng hực, rồi rên, rồi lảm nhảm nói mê. Thật hiếm có người đàn ông nào nhiều tật xấu như ông ấy. Tôi có cảm giác mỗi bữa ăn là một cực hình. Đã không biết làm gì ngoài việc nuông chiều con đến bữa ăn gắp gắp, bỏ bỏ, rồi chan, rồi húp xì xoạt. Nói thì bảo nói xấu, mà không nói thì cứ phải chịu đựng mãi, kinh khủng lắm cậu ạ. Tôi không còn tin có thứ khoa học nào lại có thể nạp vào cái đầu đần độn ấy được. Về tới nhà là cứ như con rối, bảo đâu ngồi đó. Đến tự là lấy bộ quần áo cũng không biết. Mang tiếng đi Tây đi Tầu, đã không mua sắm được gì, về nhà chỉ có phá. Đến sử dụng cái Xút von tơ (Survolteur-biến áp điện chỉnh tay) cũng ngớ nga ngớ ngẩn! Đúng là tôi tự đeo gông vào mình, tự chuốc lấy trăm nỗi bất hạnh. Tôi không hiểu người ta trả lương cho ông ta làm gì, để rồi cái công trình giời ơi đất hỡi của ông ta chẳng thấy tăm tích đâu. Ông ta bỏ của chạy lấy người, chuyển sang làm báo. Thế là thành ra anh tiến sĩ nửa mùa, anh nhà báo nửa mùa! Té ra bao nhiêu năm nay, tôi chỉ là cái máy nghiền thức ăn cho ông ta? Tôi đẻ con, nuôi con, chạy vạy đủ đường để có nhà, có gạo, để các người coi tôi là cái máy, là vật hy sinh? Chỉ có các người mới là người chắc? Tàn nhẫn nó vừa vừa chứ! Có cái lối đâu mà khinh nhau đến khốn nạn thế? Tôi hỏi cậu. Thà cứ vũ phu, nói toạc móng heo ra còn hơn cứ âm ỉ mãi...
Bà cúi gằm mặt xuống khóc. Tôi không ngờ bà phẫn nộ đến thế.
- Dù sao các cháu cũng đã lớn và anh chị cũng cao tuổi cả rồi, tôi nói. Chắc rằng anh nghĩ, tất cả là vì con mình chị ạ...
Bà lau nước mắt, nhìn thẳng vào tôi:
- Cậu không hiểu nổi chúng tôi đâu. Tôi khốn nạn vì chính cái lối suy tính ngu xuẩn ấy. Vì con! Nghe cũng hay ho đấy! Nhưng con nó có coi cái sự "vì" ấy là gì đâu. Thậm chí nó còn về hùa với ông ta làm nhục tôi nữa. Hôm chủ nhật vừa rồi, tôi bảo con lớn, có ăn diện gì cũng phải nhìn chị nhìn em, nhà nghèo mà con cứ nay mốt này, mai mốt nọ, mẹ lo sao xuể. Nó nói thế nào cậu có biết không? Nó bảo mẹ chỉ biết mẹ. Mẹ son phấn, mẹ hút thuốc lá, mẹ bồ bịch thì được, còn chúng con thì mẹ cấm. Tôi đã tát cho con bé một cái. Đây là lần đầu tiên tôi đánh con. Tôi bảo nó còn trẻ, còn đang tuổi lớn, việc gì phải son phấn. Son phấn là để cho người đứng tuổi. Thế là nó vênh mặt lên: "Bố cho con mua son chứ mẹ cho à?". Cậu chưa có con, cậu không thể hình dung được nỗi đau của người mẹ cảm thấy con mình đang vượt ra khỏi tầm tay mình nó đau đớn biết chừng nào...
Tôi không còn biết nên hiểu thế nào, nhưng quả tình tôi rất khó thông cảm với bà. Sự thực thì bà có thể dạy con. Nhưng vì bà quá phẫn với chính những nỗi trắc ẩn của đời mình, mà làm cái việc lẽ ra một người mẹ không nên làm chút nào. Bây giờ bà trở lại đúng với bà hơn. Nom bà có vẻ hung dữ và độc ác. Bà nói rằng ông ấy đúng là cái mắc áo, một bị thịt, một tiến sĩ giấy, một nhà báo nửa mùa, một trí thức dỏm, một tên đàn ông giả hiệu, đồ bất lực ti tiện, kẻ lừa dối tinh tế... Thế nhưng bà không có con đường nào khác là phải chung sống với một bóng ma. Mặc dù mọi việc làm của bà ông đều biết, nhưng ông không hề có một biểu hiện phản ứng. Giờ đây ông còn phản ứng gì được, khi đã sáu mươi tuổi rồi. Bao nhiêu sức lực ông đã tiêu vào cái gọi là công trình "giời ơi đất hỡi" để cho kẻ khác thăng quan tiến chức. Còn ông, người chủ công trình thì quá ư chán nản với sự nghiệp, đã "bỏ của chạy lấy người"! Té ra ông chuyển sang nhà báo tức là cuộc chạy trốn của ông bắt đầu. Cái vực thẳm đầy rắn rết, thú dữ của ông không phải là không có. Nó vẫn luôn há cái miệng đen ngòm đợi chờ ông trượt ngã. Có lẽ ông đã sa chân rồi, nhưng vì ông còn cố túm giữ lại được với chút công việc, chút bạn bè, chút triết lý mộng mơ của kẻ thất bại. Đó là nỗi buồn...
Tôi tiễn bà Huệ ra khỏi ngõ Lỗ Thủng. Bỗng tôi rợn tóc gáy khi thấy mấy cái bóng đen đang tựa vào tường, ngay cạnh đống rác ôm ấp nhau. Có lẽ cũng là những bóng ma không hơn, và cái lỗ thủng nham nhở kia đang nuốt vào trong bụng nó biết bao nhiêu số phận không hồn hôi hám và bệnh hoạn. Bà chào tôi rồi lên xe với nét mặt đến não lòng. Tôi đứng nhìn theo bóng bà, cứ cảm giác như bà cũng đang tìm lối thoát. Nhưng thoát làm sao nổi một khi bà vẫn còn đang huyễn hoặc mình trong mớ triết lý ích kỷ đầy hằn học ấy. Sự thực thì cái lỗ thủng không thể nào xây bít được.
Tôi không muốn quay về căn phòng cô độc của mình vào lúc này, phần vì bã bời do câu chuyện bà Huệ vừa kể, phần vì tôi muốn tránh sự dằn vặt vốn có trong lối sống của mình. Tôi thích được hít thở không khí trong lành và tránh xa những va chạm. Cái lỗ thủng giờ đây hấp dẫn tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không vào công viên nhất là buổi tối. Tôi sẽ đi hết một vòng quanh hồ, tìm sự thư giãn trong sự vận động cơ bắp, quyết không nghĩ ngợi gì. Cũng có thể tôi sẽ tạt vào sân khấu ngoài trời xem ca nhạc, hoặc là mua một ly nước chanh, ngồi quán gió một mình. Những ý định ấy hình thành rất nhanh trong đầu tôi và nó cũng bị xóa đi rất nhanh khi tôi vừa cúi xuống, định chui qua. Một bàn tay từ trong hốc tối túm lấy ngực tôi, ép vào tường. Tôi chỉ kịp kêu lên "ớ! ớ!" đã bị chặn đứng cổ nhưng cái bóng đen đã chững lại và bật ra một tiếng cười ngô ngố rồi đẩy tôi ngã bổ chửng ra đám cỏ sát mép tường phía trong công viên.
- Đ. mẹ anh giai, đi tìm phò phạch sao không nói với đàn em một tiếng?
Tôi nhận ra thằng Mỹ, liền trở mặt:
- Mẹ thằng Lỗ, mày định trấn ông hả?
Nó cười hiền lành:
- Em tưởng có con mồi nào, kiếm dăm hào uống rượu.
Tôi lấy bao "ba số" ném ra trước mặt thằng Mỹ. Nó cầm bao thuốc kêu lên:
- Dạo này ông anh "dằm" quá, thảo nào không tới quán anh Gù.
- Dằm gì, tôi nói. Người ta cho đấy.
Chúng tôi cùng hút thuốc.
- Lâu nay ông anh biến đi đâu mà mất mặt?
- Công tác.
- Anh Gù bảo ông anh chạy làng!
- Có gì mà phải chạy? Bận. Mày bỏ cái lối trấn vặt này đi, Mỹ ạ, tôi nói.
Thằng Mỹ đủng đỉnh trả lời:
- Ông anh Gù khiếp bỏ mẹ, nó tâm sự. Tối nào cũng bắt đàn em chầu ở đây chờ con Hạnh về.
- Để làm gì?
- Bố ai biết. Hình như đòi nợ.
- Nợ?
- Chứ gì nữa. Ông ấy sai đàn em lùng khắp nơi cả tháng nay rồi, nhưng lùng thế nào được con ấy.
- Chẳng lẽ nó không về? - Tôi hỏi cốt để gợi chuyện.
- Thế nên đàn em mới phải chầu ở đây đến mười rưỡi, thằng Ngọc đến mười một rưỡi, thằng Hà một giờ.
- Gì mà khiếp thế?
- Đã bảo là rất hệ trọng, miễn hỏi.
Tôi biết không thể khai thác gì thêm ở cái thằng Mỹ ngố này, đành rút ba điếu thuốc đưa cho nó.
- Anh gửi cho thằng Hà, thằng Ngọc mỗi đứa một điếu, tôi nói. Còn mày làm điếu nữa. Thằng Mỹ đứng dậy "cám ơn ông anh" rồi biến vào bóng tối. Tôi quyết định ra phố mua mấy chai bia về "khao" anh Gù, không chờ ông tiến sĩ nữa.
Anh Gù nằm còng queo trên giường đọc sách, mặc dù bên ngoài quán vẫn đông khách. Bà Hượu nói "Em nó bị ốm". Tôi chui vào nhà. Chung quanh anh bốn năm cuốn tiểu thuyết. Toàn sách viết về tình yêu. Té ra ông anh tương tư, đang nghiền ngẫm chuyện ái tình, tôi nói đùa. Anh lẳng lặng xếp mớ sách lại, bảo tôi đã có công mang bia tới thì cũng chịu khó ra phố mang chút mồi về. Tôi làm theo ý anh. Chúng tôi khép cửa, lẳng lặng ngồi trên giường uống. Nom anh có vẻ hốc hác, nét mặt không còn sáng và linh hoạt như mấy tháng trước. Hình như cũng đã lâu ông tiến sĩ không tới đây và anh cũng không có vẻ gì muốn nhắc tới ông nữa. Cuộc truy tìm chính tâm tư của mình đã buộc hai nhà triết học của tôi đang lùi vào bản ngã. Thực ra hai vết rò rỉ trong hai con tim ấy đã bục ra hết cỡ rồi, và nếu có tìm nhau, họ cũng chỉ còn lẳng lặng tự chiêm nghiệm. Cảm giác hưng phấn vì ý nghĩ ấy vừa nhen lên trong tôi, thì anh Gù đã dập tắt. Anh đang có nhu cầu tâm sự, bởi lẽ gần đây Hạnh lại "chơi" cho anh một vố nữa đau điếng: Cô dẫn về cho anh một "con bạn chỉ cần một tấm chồng". Cô đâu biết, anh không phải thứ đàn ông "chỉ cần một cô vợ". Hạnh định đem cô bạn béo ục ịch của mình cá cược với anh, với tình yêu theo lối mua bán chợ giời? Cô ta muốn anh trở về nguyên vẹn với một thằng Gù có đôi chân nhũn nhẹo như hai cái đuôi, đã khiến cô ta kinh hãi? Không! Giá như cô ta không giở trò yêu đương tình ái, đừng rỏ nước mắt khi nằm trong vòng tay của anh, thì mọi chuyện sẽ khác. Anh không phải không tự biết hoàn cảnh của mình. Nhưng Hạnh làm thế, nghĩa là cô ta chỉ coi anh là một con vật? Chỉ có những con vật mới đem con nọ thả vào chuồng con kia - Anh nói - Chứ còn anh thì khác! Anh chưa bao giờ dám nghĩ đến tình ái. Cô ta đã đem tình ái đến cho anh. Để rồi hạ nhục anh? Và thế là coi như xong, coi như phủi tay được à? Cô ta đã trốn anh, trốn tình yêu của anh một thời gian, sau cái đêm anh gọi là "thần tiên" ấy. Cuộc sống phải sòng phẳng, anh nhấn mạnh. Cô ta bỏ trốn anh thì có khó gì. Nhưng chạy trốn bản thân mình thì đừng có hòng? Anh đã từng chán nản sau bao đêm lê cái thân tàn ra cửa, ngồi dưới tán bàng chỉ mong được nhìn thấy bóng Hạnh. Nhưng càng ngóng chờ càng vô vọng, đến nỗi anh phải thốt lên những câu chửi thề tục tĩu, để rồi sau đó anh lại phải tự xỉ vả mình là đồ khờ dại. Lẽ ra anh phải biết dừng lại ở điềm gần tới đích - Đó là lời bình luận của ông tiến sĩ hôm nào. Nhưng anh đã không làm được điều ấy. Anh nhớ rất rõ khi bàn tay mềm của Hạnh ôm riết lấy cổ anh, rồi dần dần đưa xuống lưng với cảm giác khoái lạc. Hạnh ưỡn người lên, miệng há hốc, hớp hớp không khí. Tiếng rên của cô đẩy anh vào cõi mịt mùng. Anh quên hết cả. Anh dùng hết sức mạnh bản năng rướn người, đẩy cho tiếng rên lan vào vòng ngực đang cuộn trào của mình. Nếu chỉ có thế... Nếu anh đừng quá đam mê mà lật Hạnh chuyển lên, hẳn mọi sự sẽ diễn biến tốt lành, kết thúc tốt lành. Khốn thay, anh đã không nhớ cái điều đáng nhớ nhất: anh là thằng Gù. Anh là kẻ tật nguyền. Rằng hai cái chân nhũn nhẹo như hai cái đuôi ấy đã và sẽ còn là nguyên nhân gây nên những bất hạnh của đời anh. Anh gồng mình lên đón nhận sự dâng hiến, đồng thời cũng mong đem hết sức mình hiến dâng cho tình cảm của người tình. Trong cơn hào hứng, Hạnh co người, hai tay cô chợt nắm gọn hai cái chân nhũn nhẹo ấy, khiến cô thét lên hoảng loạn. Trong chớp nhoáng, cô đẩy anh ngã gọn xuống nền nhà, giữa đống bát đĩa còn ngổn ngang. Cô cuống cuồng mặc vội áo quần, tóc để xõa tung, nhào ra cửa. Hình như cô ngã dưới gốc bàng và bật dậy rất nhanh...
Hôm sau, cô biến khỏi ngõ Lỗ Thủng liền mấy tháng. Và cũng từ đó anh Gù chui vào bóng tối cõi lòng mình, lần mò tìm mãi không ra sự sợ hãi bản năng của cô gái chung chạ với mình. Giờ đây, lại thêm một lần nữa Hạnh bỏ chạy. Anh ân hận về cách xử sự của mình. Anh sai đàn em ra phố, tìm sách tình yêu về đọc, mong có chuyện nào phù hợp với anh, giải đáp cho anh cái điều kinh khủng ấy. Nhưng những cuốn sách dày cộp kia chẳng giúp cho anh điều gì. Đêm đêm, sau khi tàn quán, anh lại âm thầm ngồi dưới gốc bàng trông đợi. Anh đã thầm hứa, thầm thề với cô ta rằng, anh sẽ không nghĩ tới chuyện yêu với đương nữa. Tình yêu là cái gì đấy cao sang lắm. Nó chỉ dành cho những người khác. Chứ còn tật nguyền như anh làm sao có được? Nhưng nghĩ là nghĩ thế, nói là nói thế. Đó là quyền của anh. Còn cô ta. Cô ta không được phép coi anh là con vật? Sự hốt hoảng của cô ta không phải không có lý - dẫu sao đó cũng chỉ là cái lý của cô ta. Có phải bỗng quờ phải hai cái chân nhũn nhẹo của anh mà cô ta nhận ra kẻ ăn nằm với mình không phải là một con người? Giờ đây anh không còn thiết gì nữa, tình yêu với những cuộc hoan lạc vội vã. Nói đúng hơn, anh không đòi hỏi cô ta phải quay về để yêu anh. Nhưng anh quyết không để sự việc diễn ra có vẻ êm đềm, nếu cô ta cứ trốn, cứ nhìn nhận anh không phải là một con người. Anh không ngại gì tốn kém. Anh sẵn sàng bán hết những gì có thể bán được, chi cho bọn đàn em, để chúng ra công truy tìm cô. Anh chỉ cần cô quay về, chứng kiến sự tồn tại đàng hoàng của anh, không cần đến nỗi băn khoăn lo lắng, lòng thương hại của ai hết...
Tôi cầm cốc bia lên uống, cảm thấy vị đắng lan ra rất rõ trên ngực mình. Tôi muốn nói với anh những ý nghĩ bất chợt vừa lóe lên. Rằng sự thực đâu phải lúc nào cũng chiều theo ý muốn của con người. Và nếu ta không tỉnh táo mà cố dấn thân vào cõi u mê để đi tìm sự thực, thì chính ta phải chuốc lấy tai vạ không lường được. Chí ít ta cũng lâm vào tình cảnh bi hài. Anh không biết rằng, anh đang bị lún chìm trong vũng lầy tình ái. Chính nó đang nuôi dưỡng anh, níu giữ anh, cho anh được làm người. Nhưng cũng chính nó đang trêu ghẹo, thử sức anh, nếu anh không cam chịu để nó vây bủa và đẩy anh tới hoang mạc của nỗi cô đơn. Lòng tự trọng đã cứu rỗi tâm hồn u uất của anh...
- Anh phải tìm bằng được nó, anh Gù nói. Chỉ có nó mới trả lời được cho anh, chú ạ. Còn tất cả đều là cứt hết! Ông tiến sĩ bảo anh không biết dừng lại ở điểm cần dừng. Nhưng làm đếch gì có cái điểm dừng mơ mộng ấy? Con người ta hơn nhau ở chỗ biết lùi, biết dừng lại ở nơi cần dừng lại. Đó là sách vở thôi. Sách vở nói thì hay lắm. Còn cuộc sống hoàn toàn trái ngược. Cuộc sống bao giờ cũng cố đẩy con người tới điểm cuối cùng của nó? Đúng không? Hoặc là đỉnh cao, hoặc là vực thẳm, không có điểm dừng nào ở giữa cả! Không có! Anh không bao giờ tin vào thứ lý thuyết suông mộng mơ xuẩn ngốc ấy. Đó là cái bẫy được ngụy trang hết sức tài tình. Chỉ cần ta dừng lại, thế là nó chụp xuống đầu ta, không cho ta vùng vẫy nữa!
Anh uống cạn ly bia, mặt cúi gầm. Có lẽ tôi không nên bày tỏ ý nghĩ của mình với anh. Thực ra, chính anh đang mắc phải cái bẫy bùng nhùng kia mà anh không tự biết đấy thôi...
Không hiểu vì sao bỗng dưng tôi lại nghĩ tới cái lỗ thủng. Đó là một điểm sáng luôn luôn chiếu rọi vào cõi uẩn ức ê chề trong tâm tưởng tôi. Sự thực thì người ta không thể xây bít được nó, nếu như đám dân trong ngõ chúng tôi vẫn còn đây, vẫn phải sống những tháng ngày tiếp theo ngột ngạt trong cái hẻm bùn lầy này.
Tôi nhớ là tối hôm ấy, sau khi uống hết năm chai bia, anh Gù bảo mẹ lấy thêm cho chúng tôi chai rượu chanh xuất khẩu. Tôi bốc lên, rót rượu ra cốc, cụng với anh. Anh Gù càng uống càng lỳ. Còn tôi, tôi tự biết là thế nào mình cũng say. Say thì say! Tôi cho phép mình say để quên đi một buổi tối u ám. Một buổi tối tôi phải nghe hai câu chuyện bi thảm của hai người bạn thân mà bấy nay tôi vô tình không để ý. Lại nữa, tôi cảm thấy quá ngán ngẩm với cuộc sống cô độc của mình. Tôi rất sợ phải về căn phòng hôi hám và hoang trống ấy. Tôi rất sợ phải chui vào xó xỉnh của những ý nghĩ không đâu, để rồi sáng ra cắp cặp tới cơ quan, với nét mặt hốc hác của người mất ngủ.
Thế rồi không hiểu bằng cách nào, sau khi uống hết chai rượu, tôi cũng mò về được căn phòng của mình. Tôi lục tìm khắp các túi vẫn không thấy chìa khóa. Tôi còn đủ tỉnh táo để nhớ lại lúc thằng Mỹ đẩy tôi ngã bổ chửng phía trong lỗ thủng, hẳn chùm chìa khoá đã rơi ra ở đó, và tôi tiếp tục cuộc hành trình. Thường thì trong đầu những người say vẫn có một đốm sáng kỳ lạ. Tôi nhận rõ đốm sáng ấy đang chỉ dẫn tôi. Nó không chiếu rọi liên tục mà chỉ lóe lên. Rồi tắt ngấm. Rồi lại lóe lên. Tôi quên mất tôi đang đi tìm chìa khóa khi bước vào một vũng nước. Và không hiểu sao tôi lại hướng ra ngoài phố. Mấy thằng đàn em của anh Gù nhận ra tôi và chúng kéo tôi vào quán nhà lão Tía, ép tôi uống nữa. "Uống thì uống! Chúng mày địch thế nào với ông được!". Tôi cầm ly rượu, nói. Và ngửa cổ uống gọn. Tôi gục đầu vào vai thằng Mỹ cố trấn tĩnh. Không hiểu sao, tôi lại nhớ tới ông tiến sĩ, nhớ lời anh Gù dặn đi dặn lại là sáng mai tìm bằng được ông về. Cái ý định đi tìm ông lập tức choáng ngợp tôi. Và tôi ra lệnh: "Hà, mày gọi giúp tao cái xích lô!". "Để em dìu anh về!", thằng Mỹ nói. "Tao có say đâu mà dìu?". Tôi đứng lên, cố giữ thăng bằng. "Chúng... chúng... mày... mờ... mờ... mày... không giúp... thì ông...", tôi ngọng nghịu nói trong khi thằng Hà đã chặn được cái xích lô ghé vào cửa quán.
- Xin mời ông anh cứ việc tít mù!
Chúng nó vui vẻ khiêng tôi, ném vào lòng xe. Thế nhưng khi xe chuyển bánh không hiểu sao tôi lại tỉnh táo. Tôi bảo ông xích lô cứ đạp xe theo sự chỉ dẫn của tôi đừng hỏi vớ vẩn.
Thế là tôi đã đến được nơi tôi cần đến. Thực ra tôi phải lần mò mãi mới ra lối rẽ lên cầu thang có cửa sắt. Đứng trước cánh cửa, bất giác tôi nhận ra hình như đã khuya lắm rồi. Tôi đến nhà người ta vào giờ này để làm gì? Dẫu đó là nhà người bạn thân nhất của tôi. Đây còn là một gia đình. Các cô tiểu thư con ông sẽ hiểu về người bạn của bố thế nào? Và cả bà vợ đáo để của ông nữa...
Tôi đã định quay ra, nhưng hai bàn tay cứ níu lấy cánh cửa. Bỗng bóng điện hành lang bật sáng. Một người đàn bà mặc váy ngủ hiện ra trước khuôn cửa. Tôi không nhận ra ngay bà Huệ, nhưng bà rất nhanh nhận ra tôi. Bà tất bật mở khóa và ân cần dìu tôi vào nhà. Bà pha nước mơ, lấy đá trong tủ lạnh cho tôi uống. Tôi nhận biết hết mọi điều đang diễn ra đối với mình, nhưng không cưỡng được.
Tôi uống liền hai ly nước mơ lạnh, hy vọng sẽ giải say. Và tôi hỏi bà: "Ông tiến sĩ của tôi đâu rồi?". Tôi nhớ là tôi nhấn mạnh hai từ của tôi với cái vẻ công thần rất trẻ con. Bà Huệ dịu dàng ngồi xuống bên tôi: "Ông ấy và hai cháu về quê ăn giỗ.", bà nói và đặt trước mặt tôi bao ba số. "Quê nào?", tôi hỏi xấc xược. Bà nắm tay tôi: "Cõ lẽ cậu quá chén rồi đấy!".
Tôi cảm thấy ở nơi cổ đang đầy ứ lên: Buồn nôn quá. Tôi vội lấy cái bô đựng nước thải và bã trà, nôn thốc vào đó. Bà Huệ đỡ ngang người tôi. Rồi bà dùng hai ngón tay, day day thái dương cho tôi. Bà bắt tôi ngồi im và lấy khăn ướt lau mặt cho tôi. Tôi cảm thấy mình bé nhỏ trước tình cảm của bà. "Tôi không nghĩ cậu có thể lại uống say thế này!", "Xin lỗi chị" tôi nói và đứng lên. "Em về". Mọi vật quanh tôi đảo lộn, nhòe nhoẹt hết. Cả bà Huệ cũng đang đảo lộn, nhòe nhoẹt. Nhưng tôi vẫn đủ khả năng nhận biết mọi chuyện. Rằng tôi đang ở trong nhà của bạn tôi vào lúc khuya khoắt và chỉ có vợ của ông ở nhà. Tôi không thể ở lại. Tôi không được phép gây nên sự khó xử đối với bà và cái chính là tôi không có lý do gì nấn ná. "Em xin phép...", tôi định bước ra khỏi khuôn ghế thì bị bàn tay bà Huệ ấn xuống. Tôi lảo đảo ngã vào lòng ghế. "Cậu ngồi xuống đã!", bà nói như ra lệnh. "Cậu không về được đâu." - "Nhưng... em phải về", tôi nói và lại đứng lên. Bà Huệ nắm tay tôi kéo xuống. "Cậu đừng làm thế", bà nói và cúi đầu hút thuốc. Tôi ngượng nghịu như thể bị bắt quả tang những ý nghĩ ám muội. "Tôi cứ có linh cảm... thế nào... cậu cũng tới..." - "Không, không phải em tới tìm chị!", tôi phản ứng. Bà đặt bàn tay múp míp lên vai tôi: "Thế cậu tìm ai?" - "Còn ai nữa. Em tìm anh ấy", tôi khẳng định. "Khổ quá", bà níu vai tôi. "Chả lẽ cậu không biết ông ấy và hai cháu về quê?" - "Làm sao em biết được?". Bà cười nhạt: "Tình thân của anh em cậu nó cứ ẽo ợt thế nào ấy", bà bình luận. "Bao giờ anh ấy về?", tôi hỏi, và chạm phải đôi mắt dài dại nhìn tôi của người đàn bà. "Ba ngày nữa", bà nói và đứng lên, cầm cái bô đi vào toa lét. Tôi nhìn thấy cái bô, lập tức ruột quặn lên và tôi níu bà lại, gục xuống nôn tiếp. Có lẽ tôi đã ngã xuống sàn nhà và tôi không biết tôi đã được chăm sóc như thế nào. Mãi tới khi tỉnh, tôi mới nhận ra mình đang gối trên cánh tay bà Huệ và trên người tôi không còn một thứ gì. Mùi dầu thơm sặc sụa. Tôi cảm thấy rét run người và tôi không còn là tôi nữa. Bà Huệ chồm lên, ủ kín người tôi. Bà hôn tới tấp vào mặt, vào cổ tôi và kiên quyết luồn được lưỡi vào miệng tôi. Bộ ngực căng cứng của bà chà sát vào ngực khiến tôi ngạt thở. Không! Tôi cố vùng dậy nhưng không được. Bà kéo tay tôi luồn xuống dưới. Tôi vội nắm bàn tay lại vì chạm phải thứ nước lạnh nhớp trên đùi bà. Bà dựng tôi dậy, gục mặt vào phần dưới cơ thể tôi khiến tôi co rúm, không còn tự chủ được nữa. Tôi bật lên một tiếng rên cùng với sự tan ra trong cơ thể. Bà choàng tay qua cổ tôi, áp mặt vào ngực tôi khóc. Đầu tôi rỗng không. Hai cánh tay trần của bà xoa bóp vai và ngực tôi. Tôi riết bà vào lòng và dùng những ngón tay lau nước mắt cho bà. "Tôi xin lỗi cậu", bà thổn thức nói. Tôi gỡ tay bà ra và lại chạm vào đôi mắt của bà, một đôi mắt khao khát và thù hận. Tôi vừa định vùng dậy thì bà đã kịp ôm gọn tôi vào lòng: "Cậu không phải là người à?", bà nói qua kẽ răng, nhưng hai bàn tay nóng hổi của bà, nắm chắc hai bàn tay tôi. "Cậu cũng là một thằng đàn ông giả dối!" - "Sao chị lại nói thế?" - "Các người là một lũ giả dối, ti tiện", bà rít lên, siết chặt tôi. Tôi quyết gỡ tay bà ra: "Chị đừng làm thế..." - "Cậu khinh rẻ tôi! Từ giờ trở đi, cậu sẽ coi tôi là... con vật!...". Bà khóc nấc lên, ôm mặt chúi vào lòng tôi. "Cậu không coi tôi là gì cả! Tôi sẽ chết... chết trước mặt... cậu..." - "Xin chị bình tĩnh..." - "Không! Tôi không thiết sống nữa. Cậu sẽ khinh tôi suốt đời!". Bà bất ngờ vùng dậy điên loạn giật tung chăn màn, giật tung gối áo, tìm cái gì đó. Tôi nhào tới. "Đừng làm thế!", tôi nói nhẹ nhàng. Bà tuột ra khỏi tay tôi, lao tới ngăn thuốc gia đình treo gần đó. Tôi hất mạnh vào cánh tay bà, khi bà vừa vốc được một nắm thuốc. Những viên thuốc tung tóe khắp sàn nhà. Bà nhào tới giá sách, lấy con dao dọc giấy sắc nhọn. Tôi nắm chặt cổ tay bà, gỡ con đao và bế xốc bà lên. Hai cái thân hình lõa lồ ôm quặp lấy nhau, lần theo vết chân của quỷ sứ vào giường. "Cậu không còn nghĩ tới ông tiến sĩ của cậu nữa à?", bà ta hỏi với cái vẻ đắc thắng của đàn bà. Tôi muốn cào nát người đàn bà kỳ lạ này ra. Và tôi đã điên cuồng vật lộn, không để cho bà ta đủ lý trí để hỏi tôi những câu hỏi quỷ quái ấy nữa. Tôi tự cho phép mình buông thả, đến mức, bà Huệ chỉ còn biết tuân theo những ý định cuồng loạn của một thằng đàn ông với một con đàn bà bị dồn đến sát chân tường. "Anh là một con thú!", bà ta nói trong hơi thở. "Một con thú có ý thức". Chúng tôi hôn nhau như chưa bao giờ được hôn, nếu có thể gọi hai cái miệng ngập vào nhau là như vậy. Tôi không muốn để bà ta thốt lên bất cứ một lời nào. Nhưng bà Huệ không phải là người dễ dàng mất lý trí. "Anh có... thích không?", bà ta ngậm trong miệng mình cái tai của tôi. "Hả?", bà ta hỏi thêm và lật tôi xuống dưới. Tôi nghiến răng lật bà ta lại và dựng người đàn bà ngồi dậy. "Tại sao anh không yêu tôi mà...". Tôi bịt cái miệng luôn luôn nói những sự thật không nên nói ra ấy. Nhưng bà Huệ giật tay tôi ra, cười thích chí. Bà ta tiếp: "Tôi cho rằng, mọi tình yêu đều là giả dối. Chỉ có thế này mới là...thật!", bà riết tôi vào lòng, hôn lên khắp cơ thể tôi. Tôi không muốn tìm bất kỳ từ ngữ nào trong lúc này. Tôi chưa bao giờ có ý thức tìm hiểu cái gọi là kỹ thuật trong sinh hoạt tình dục. Nhưng trong đầu tôi đang hình thành một ý chí rất quyết liệt là, sẽ không để cho bà ta coi thường. Và thế là hai cái thân xác chứa đựng trong nó những ý nghĩ hận thù lại lồng lộn cào cấu nhau cho tới khi tôi cảm thấy tôi bị tan rã, không còn hình hài nữa...
Thế là tôi đã đánh mất tôi. Đánh mất tất cả! Cả ông tiến sĩ. Cả anh Gù. Cả bà Huệ và hai cô tiểu thư xinh đẹp của bà. Tôi đã tự tay xúc hết mọi thứ mà tôi gây dựng được, đổ xuống cái hố thẳm nhơ nhớp mà tôi không thể làm chủ? Tôi không đổ lỗi cho bà ta. Không! Tất cả là do cái thằng tôi và tôi phải trả giá! Tôi lủi thủi chui ra khỏi chăn, lủi thủi mặc áo quần trong khi bà Huệ vẫn để nguyên hiện trạng. Kéo cái vỏ chăn đắp hờ lên người. "Cậu đi đâu bây giờ?", bà hỏi và tôi không trả lời. Tôi chỉ muốn chạy trốn thật nhanh khỏi nơi này. Tôi cảm thấy ghê tởm chính bản thân tôi và cả người đàn bà kỳ dị đang co mình trong mớ vỏ chăn khóc. Tôi nghĩ rằng bà ta chưa thỏa mãn và muốn níu giữ tôi lại bằng những giọt nước mắt cá sấu. Nhưng tôi đã lầm. Khi tôi cau có giật tấm vỏ chăn ra thì bà lao tới, ôm ghì lấy tôi giọng rất chân thành: "Tôi biết, tôi đã làm một việc tởm lợm", bà run rẩy, quỳ xuống chân tôi. "Cậu tha lỗi cho tôi. Đã nhiều lần tôi muốn trốn khỏi nơi này. Nhưng... cậu cũng không hiểu được đâu. Tôi thương... các con tôi. Tôi thương ông ta. Nhưng tôi rất thù ông ta!". Tôi ngồi xuống nâng bà dậy, lấy áo váy mặc giúp bà. Đầu óc tôi đặc cứng. Tôi cố moi từ trong cái khối đen đặc ấy ra vài từ an ủi người đàn bà tội nghiệp, nhưng không tìm ra. Tôi trở nên trì độn..."Em không biết nói thế nào...", cuối cùng tôi ấp úng nói. "Cậu không cần phải nói.", bà đứng lên buộc lại tóc, nhìn tôi với đôi mắt bình thản. "Cậu cứ yên tâm", bà tiếp. "Tôi vẫn sống với ông ta..." - "Em không hiểu..." - "Hiểu làm gì!". Bà quay lại thu xếp giường chiếu rồi nhét bao thuốc vào túi áo tôi, nói dịu dàng: "Thôi cậu về đi."
Tôi lặng lẽ lách ra khỏi cánh cửa bà Huệ vừa mở cho, giống như kẻ chạy trốn. Tôi cảm thấy tôi vừa được giải thoát, sự giải thoát ê chề. Bà Huệ ra hành lang mở khóa cửa sắt. Tôi bước ra ngoài với một tâm trạng đê hèn không thể tả được. Chùm chìa khóa trong tay bà Huệ rơi xuống nền xi măng, giải thoát cho cuộc chia tay khốn khổ của chúng tôi.
Trời đã hưng hửng sáng. Tôi cắm cúi đi bộ. Tôi không biết bây giờ tôi sẽ về đâu. Tôi chỉ biết rằng tôi phải bước thật nhanh, cốt sao tránh khỏi những cuộc gặp gỡ tình cờ với bất cứ người quen nào. Ôi, cái ngõ Lỗ Thủng của tôi. Sự thực thì nó không thể xây bít được, một khi đám dân trong ngõ chúng tôi còn đó. Và cuối cùng tôi phải quay về điểm sáng ấy, nơi mà chùm chìa khóa của tôi có lẽ đã rơi ra, lẫn trong cỏ, khi tôi bị thằng Mỹ đẩy ngã bổ chửng...
Tôi bị lâm vào tình trạng cô đơn đến nỗi, lúc nào cũng thảng thốt, hoảng sợ. Cái màng đen trong trí não giờ đây lại trở về, phủ lên mặt tôi. Tôi luôn bị ám ảnh bởi những mặc cảm. Tôi muốn xóa đi những mệt mỏi bằng các cuộc dạo chơi ngoài giời và sau đó là những lần tắm gội công phu. Nhưng tất cả mọi biện pháp đều không xóa nổi dấu vết tăm tối trên nét mặt kẻ phạm tội. Tôi nơm nớp đợi chờ ông tiến sĩ tới. Cả anh Gù nữa. Nếu như anh Gù biết chuyện, thế nào anh cũng sai đàn em khiêng anh đến, đặt anh trên cái bàn viết của tôi. Anh sẽ cầm chai rượu, chỉ vào mặt tôi mà xỉ vả, thậm chí sai đàn em đấm đá. Anh sẽ xử tôi giống như anh đã từng làm thế đối với nhiều người. Hoặc có nhẹ hơn, cũng như thằng Minh hói để "dẹp loạn". Còn ông tiến sĩ. Ông sẽ lặng lẽ ngồi vào cái ghế mây duy nhất trong nhà với nét mặt tái nhợt và lạnh lùng đến tàn nhẫn. Ông nói nhỏ nhẹ :"Xin chào người anh em chí thiết! Biết thế, tôi cứ mời người anh em tới nhà ngay sau khi chúng mình quen biết nhau. Có lẽ sự việc đã diễn ra sớm hơn. Và tôi sẽ đối xử với người anh em giống như đối xử với ngài giáo sư tiến sĩ...". Cũng có thể ông sẽ gật gù nói từng câu: "Chúng ta đều là trí thức. Tôi có thể thông cảm cho chú mình, bởi vì chính tôi, nếu tôi không biết kìm chế, không tự tha thứ cho tôi, hẳn giờ đây tôi không còn là tôi nữa. Hãy bình tâm chú Bình ạ. Anh không hạ nhục chú đâu. Không bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ anh hạ nhục bất cứ ai. Đó là đức tính siêu phàm của các nhà học giả...". Tôi sẽ ứng xử thế nào? Chẳng lẽ tôi quỳ xuống chân ông mà xin lỗi? Không! Tôi không thể làm như vậy. Và tôi tin, nếu tôi làm thế thì sau đó, tôi vẫn không thoát khỏi mặc cảm lỗi lầm. Thà ông cứ hùng hổ túm ngực tôi, cho tôi mấy bạt tai rồi nhổ vào mặt tôi còn dễ chịu hơn sự im lặng của lòng vị tha giả dối. Đúng là giả dối nếu ông ta xử sự với tôi như vậy. Bởi tôi không tin có ai đó lại dễ dàng thông cảm với bạn, khi mà anh ta lén lút làm tình với vợ mình. Bà Huệ thù ông, không hẳn chỉ vì ông bất lực. Bà cay cú vì ông coi mọi chuyện như không, và đó chính là cách hạ nhục tàn bạo nhất. Tôi không ngờ tôi lại bị sa chân vào cái bẫy của thói đạo đức giả một cách ngon lành thế. Nhưng nếu tôi cứ bình thản sau cái chuyện khuất tất của mình, toan tính những lý lẽ nhằm rũ bỏ lỗi lầm, liệu có ai tin đó là thứ "đạo đức thật" không? Tôi quẩn quanh trong căn phòng khóa trái ngổn ngang báo chí và sách vở, ngổn ngang những ý nghĩ không làm sao thoát khỏi nỗi cô đơn của mình. Đã nhiều lúc tôi cố tĩnh trí tìm lối thoát. Nhưng quả thực tôi không thể cố gắng hơn, không thể nghĩ ra bất cứ sáng kiến nào để có thể cứu vớt nhân cách của mình. Tôi lủi thủi tới cơ quan với một tâm trạng sợ sệt. Nhưng cơ quan là nơi tôi không thể không đến. Tôi lảng tránh những cuộc trà lá tào lao, tránh xa những chỗ đông người. Có lần tôi thoáng thấy bóng ông tiến sĩ trong phòng hành chính, bằng bản năng tự vệ, tôi chui tọt vào nhà vệ sinh. Tôi cam đoan, nhà vệ sinh là nơi trú ẩn khá an toàn cho những kẻ chạy trốn, chí ít cũng được một quãng thời gian cần thiết. Tôi quyết định lên phòng ông Tổng biên tập xin nghỉ phép ít ngày với một lý do khá là sang trọng: vết thương cũ tái phát, cần được nghỉ ngơi. Và thế là tôi chuồn khỏi cơ quan, về với ngõ Lỗ Thủng của mình. Tôi vẫn không dám ra quán anh Gù. Tôi luôn chuẩn bị tinh thần khi ông tiến sĩ tới. Thế nào ông cũng đến. Tôi xác định cho mình, ông có quyền xử sự với tôi bằng bất cứ kiểu nào ông muốn. Tôi nơm nớp chờ đợi mặc dù tôi luôn hy vọng ông có việc gì đó bận, như ông đã từng bận mấy tuần nay. Tôi thảng thốt mỗi khi nghe có tiếng người nói phía ngoài cửa, và tôi luôn cảm thấy cái khóa của tôi đang được mở ra. Tôi thầm mong ông tới với nét mặt dữ dằn đầy nộ khí. Ông vả vào mặt tôi, nhổ vào mặt tôi rồi ném cái chìa khóa lên bàn, tuyên bố từ tôi. Chúng tôi cũng phải chịu sự mất sạch sành sanh mà cái gọi là tình bạn bấy nay gây dựng được. Thế là hết! Tôi mất ông và ông cũng mất tôi. Có thể sau đó tôi phải xin chuyển công tác. Chúng tôi không thể cùng tồn tại trong một cơ quan. Tôi nghĩ ngay tới một vài người bạn trong thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hy vọng họ sẽ giúp tôi tìm được một chỗ làm thích hợp. Cũng có thể giờ đây ông tiến sĩ vẫn chưa hề hay biết gì, điều ấy là một khả năng cao nhất. Nhưng ông chưa biết chứ không phải là ông không biết. Rồi đây ông sẽ biết và chắc chắn ông không thể không biết. Điều ấy càng khiến tôi không thể nguôi ngoai. Tôi không thể tưởng tượng được, rồi đây mất ông tôi sẽ sống thế nào - Cả anh Gù nữa : - Họ vừa là những người bạn tuyệt vời, vừa là những người thầy lớn của đời tôi....
Thế rồi vào buổi sáng của ngày thứ năm, kể từ sau cái đêm kinh hoàng ấy, tôi còn đang mụ mị trong trạng thái chập chờn của người mất ngủ, ông tiến sĩ lạch cạch mở khóa rồi đẩy cửa bước vào. Ông sững người khi thấy tôi nằm co trong đống chăn nhàu nát cùng với đủ thứ sách báo. "Ơ kìa?", ông ngạc nhiên kêu lên "Chú làm sao đấy?" ."Em ốm.", tôi nói và bủn rủn cả người. "ốm cũng phải dậy!", Ông quẳng tập báo trên bàn, ngồi xuống cái ghế mây, xòe diêm hút thuốc, rồi tiếp:"Dậy!", ông ra lệnh. "Có chuyện cần bàn!". Tôi tái mặt, cố tự kìm chế lồm cồm bò dậy. Ông lấy từ trong túi xách tay ra một cái phong bì, đặt lên bàn tay, vỗ đánh "bộp" một cái vào đùi tôi khi tôi vừa ngồi thõng chân xuống đất. Tôi giật nảy người, lắp bắp: "Em...em..." - "Đọc đi!", ông nói lạnh lùng đến sởn cả gai ốc. Tôi cầm cái phong bì lên tay, lén lút nhìn ông rồi vội vàng đọc. Tôi hoàn hồn khi nhận ra đó là công văn của Bộ trưởng triệu tập tôi lên gặp, trước khi được cử đi công tác nước ngoài. Cuộc đời có những phút giây kỳ lạ thế. Trong tích tắc tôi chuyển từ trạng thái đê hèn sang người có danh giá. Tôi ôm choàng lấy người bạn già tốt bụng của tôi, cố giấu cái run được pha trộn giữa sợ hãi và vui mừng. Ông tiến sĩ vẫn giữ nguyên nét mặt lạnh lùng, đẩy tôi ra, nói:"Đi lấy mấy chai bia về đây ngay! Không ai làm công không cho anh đâu...". Tôi trở nên hoạt bát và mạnh mẽ, nhanh nhảu mặc quần áo, nhưng ông đã ngăn lại, đặt chai vốt-ca Ba Lan lên bàn với cái vẻ kiêu ngạo thật đáng yêu. Ông tưng tửng hát: "Cuộc đời vẫn đẹp sao...Tình yêu vẫn đẹp sao...". Rồi ông lấy ra hai cái bánh mì kẹp thịt. "Hay em sang rước anh Gù?", tôi hỏi ông. Ông gạt ngay: "Thôi, để phần nó!".
Cầu Chúa, nếu như Người quả thật anh minh, hãy đừng bao giờ buộc tôi phải lặp lại lỗi lầm mà tôi đã mắc, để rồi lại đẩy tôi tới tình trạng phải ăn, phải uống, phải nói năng giả tạo đến nhường này!
Chúng tôi cụng ly, chúc mừng nhau, nói chuyện nước ngoài, nói chuyện nhân tình thế thái, đạo đức và nhân cách, trích dẫn đủ mặt các thiên tài, tự cho mình là thông thái và có lý...
Chúng tôi không biết rằng, đúng vào thời điểm ấy, ngoài kia, ông lão Tía đang chui vào cái quầy rách nát của mình cùng với can xăng và một bao diêm, tự kết thúc bằng một ngọn lửa chỉ vì mấy hôm nay mụ vợ ông chửi ông thậm tệ quá.
Thực ra, từ ngày lấy bà ta, lão chỉ toàn nghe chửi!
Tôi nhảy một bước vọt ra khỏi vũng lầy cô đơn bằng cuộc tiếp xúc với ông Bộ trưởng. Tôi không muốn nói tới sự ngạc nhiên của các đồng nghiệp, nhất là hai vị thủ trưởng. Người ta không kịp phản ứng gì trước khi tôi được thư ký riêng của Bộ trưởng đánh xe tới đón lên văn phòng. Tôi có cảm giác ông tiến sĩ mừng vui thái quá. Ông xăng xái đi lại, giải thích cho người này về sự sáng suốt của cấp trên đã chọn tôi đi công tác, người kia là "kẻ có công thì chồng chẳng phụ". Tôi cố giấu niềm vui và nỗi buồn của mình để tránh sự hiểu lầm.
Ông Bộ trưởng đón tôi từ cửa văn phòng và niềm nở bắt tay, vỗ vai tôi, như thể chúng tôi đã quen thân từ lâu. Điều ấy thật chẳng có gì khó hiểu. Nhưng tôi đã không đủ thông minh để nhận ngay ra lý do chính của chuyến công tác đột xuất này. "Mình mới nhận được lá thư nặc danh tố cáo cậu", ông Bộ trưởng cười cười nói. "Nhưng thời buổi bây giờ, thư nặc danh không có ý nghĩa gì đáng kể", ông tiếp. "Cậu cứ yên tâm".
Có lẽ lúc ấy nét mặt tôi tái đi và bộ điệu tôi thảm hại lắm, nên ông Bộ trưởng đã không ngần ngại giải thích thêm:"Không nên bận tâm vì những thứ rác rưởi ấy, ở đâu cũng có." Thực lòng, tôi rất muốn được xem lá thư, nhưng ông Bộ trưởng đã gạt một cách dứt khoát: "Tôi báo điều ấy để cậu hiểu cho, chúng tôi làm việc gì cũng có những trở ngại. Tuy nhiên chúng tôi đã lường trước những thắc mắc nhỏ nhặt của một số anh em, nên đã hỏi ý kiến đồng chí Tổng thư ký Hội nhà báo và các đồng chí bên Cục hợp tác Quốc tế về lao động. Tất cả đều nhất trí cử cậu đi, với một nhiệm vụ nặng nề, cần đến tài năng và tinh thần trách nhiệm...". Rồi ông kể về chuyến đi vừa qua của ông sang các nước Đông Âu, những vấn đề bức xúc của các nữ công nhân "ngành ta" trong các nhà máy bạn. Ông khen loạt phóng sự của tôi và ông kết luận, tôi không phải là nhà báo cấp tiến, nhưng cũng không thuộc loại bảo thủ. Rằng tôi là người tâm huyết, trung thực, rất cần cho công cuộc đổi mới. Ông khuyên tôi nên lấy tài liệu thật kỹ, cố gắng viết những bài báo hay, không vừa vừa, phải phải, khiến cho bản chất của sự việc bị méo mó. Nhưng cũng không nên viết trần trụi quá khiến người đọc kinh sợ. "Tóm lại phải biết liệu cơm gắp mắm..."
Tôi cảm thấy đầu óc cứ u u minh minh, không phân biệt được đâu là thật và đâu là giả. Tôi bắt đầu linh cảm thấy sự thật bên trong cõi mơ hồ của chuyến đi này. Tôi nhận tất cả những lời dặn dò của cấp trên và tôi bắt tay Bộ trưởng với một cảm giác kỳ quái khi tôi thoáng nhớ lại thời điểm chớp nhoáng Thuỷ lo chạy nhà, chính ông trực tiếp ký duyệt đơn, không qua các cơ quan chức năng. Và cái hôn của tay Bí thư chi bộ sau cánh cửa bếp. Tất cả đều là sự thật và tất cả đều trong mộng mị!
- Cậu không phải người kiểu cấp tiến - Ông Bộ trưởng nắm chặt tay tôi, khi đã ngồi vào xe - Nhưng cậu càng không phải người bảo thủ. Đó là tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống hiện nay. Chúng tôi hy vọng ở cậu.
Rồi ông ghé vào tai tôi nói nhỏ:
- Tôi hy vọng gặp cô ấy, cậu sẽ nối lại...
Tôi thầm cám ơn người tài xế đã giật cần số và tôi lấy thuốc mời anh. Tôi ngỏ ý mời anh vào quán cà phê "Cây Cọ" uống một ly. Anh vòng xe rất khéo vào đường chính rồi áp xe lên vỉa hè. Đã lâu lắm rồi, kể từ bữa chia tay ấy, hôm nay tôi mới trở lại cái quán cà phê này với một tâm trạng trống không. Nhưng sự thực thì không bao giờ trống không cả. Chị chủ quán tóc đã chớm bạc, còn cô bé con xinh xẻo của chị thì lại phổng phao lên, tươi rói đón mời khách.
- Chú Bình? Lâu quá rồi không thấy cô chú lại...
- Cám ơn chị, chị vẫn nhớ.
- Nhớ chứ. Cô ấy xinh xinh là... Có cháu chưa?
- Dạ...Dạ...
Tin tôi sắp được đi nước ngoài lan rất nhanh trong ngõ. Điều ấy thật không có gì đáng nói. Nhưng tôi không ngờ, sự kiện ấy lại trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm của cái ngõ hẻm tăm tối này. Tôi nghĩ bà con vừa làm đám tang lão Tía xong, mọi người chưa hết bàng hoàng, cái việc được đi nước ngoài của tôi chả nên rùm beng, càng không nên khoe mẽ. Thế nhưng khi tôi vừa về tới đầu ngõ đã thấy mấy đứa trẻ nhìn tôi có vẻ kính trọng. Chúng chỉ trỏ, kháo nhau: "Chú Bình sắp đi Tây!" - "Tao biết thừa, bố tao bảo chú ấy đi Mát, chứ đếch phải Tây." Tôi quay lại cười với chúng và cảm thấy vui vui. Tôi nảy ra ý định tới anh Gù, nhưng vừa thấy tôi về bà con đã xúm đến hỏi thăm chúc mừng. Bà Còng đon đả dẫn đầu một tốp các ông bà già tới, trịnh trọng bắt tay khiến tôi ngỡ ngàng. Sống với bà con đã lâu, đây là lần đầu tiên tôi rưng rưng nước mắt vì cảm động. Tôi vội vàng mở khóa cửa và đưa cho một cháu bé gái mấy ngàn, nhờ nó sang quán anh Gù lấy hộ ít chè, vài bao thuốc. Nhưng bà Còng đã lấy uy quyền của mình gạt phăng đi. Thế là căn phòng chật chội của tôi trở thành trung tâm của sự chú ý vui tươi. Bà Còng phân công người về nhà lấy phích nước người đem chè thuốc, điếu cày tới. Sự thực thì, đây là lần đầu tiên các ông, các bà, cô, dì, chú bác bước vào trong căn phòng hôi hám này. Mỗi người chỉ vào một tẹo rồi ra ngay, cho người khác vào, chỉ để "bắt tay chú Bình nhà ta" một cái. "Chuyến này làm cái phi-đe về chứ!" - "Chớ mua tivi Liên Xô về, chưa "nhiệt đới hóa", xem mấy tháng là thành ra cục sắt" - "Tôi khuyên chú đi chuyến này về kiếm lấy vài chỉ mà cưới vợ". "Chú mua cho tớ cái nồi hầm, về thanh toán sòng phẳng!".
Tôi không thể cứ đứng trơ mắt ếch giữa nhà nhận niềm vui của mọi người mà không có cái gì. Và thế là tôi quyết định "phá vòng vây", chạy ù sang quán anh Gù. Tôi không biết rằng mấy hôm nay, anh Gù và cánh đàn em của anh đèo nhau đi đâu. Bà Hượu rơm rớm nước mắt lấy rượu và thuốc cho tôi, mếu máo nói: "Cháu làm thế nào mà tìm nó về hộ bác...". Nhất định tôi phải đi tìm anh, gặp anh trước khi đi. Tôi hứa với bà.
Tôi xách can rượu, mấy bao thuốc và nhét đầy hai túi quần lạc rang về tới nhà thì vừa lúc ông tiến sĩ tới. Ông giúp tôi rót rượu ra chén mời từng người. Bà Còng giờ đây nhìn nhận sự có mặt của ông tiến sĩ như là một thành viên của cộng đồng. Bà vui vẻ bắt tay ông với cái vẻ đầy kính trọng.
Tôi không biết lý giải thế nào về cảm xúc của mình, sau khi bà con ý tứ rút lui, chỉ còn lại tôi và ông tiến sĩ. Tôi thông báo tin anh Gù và lũ đàn em của anh đã đi đâu mất mấy ngày nay. Ông tiến sĩ không những không ngạc nhiên mà bỗng cười ha hả, giải thích:
- Nó đang hạnh phúc: Hạnh phúc khi đã nắm được trong tay thì không còn gọi là hạnh phúc nữa. Chỉ khi nào, cái mà anh theo đuổi còn lởn vởn ở phía trước, anh cứ có cảm giác sắp sờ được. Chỉ cần cố gắng tí ti nữa thôi, thế nào cũng chộp được và thế là con người ta không còn biết trời đất là gì nữa, ngoài cái sự lởn vởn kia, cứ cắm đầu cắm cổ mà xông lên. Đấy, hạnh phúc là thế đấy! Chứ lại không? Khi đã có cái ta muốn trong lòng tay rồi thì còn gì để mà tìm nữa? Lúc ấy hạnh phúc lại chuyển sang một điểm sáng mới, một cuộc tìm kiếm mới...
Tôi cúi đầu tỏ ý nghe ông, nhưng thực ra tôi đang chú ý tới cái kẽ hở dưới chân tường, nơi ấy là cái ngách ra vào của lũ chuột. Bất giác tôi hình dung ra cái lỗ thủng ngoài kia. Cái lỗ thủng đã tạo nên cuộc sống lam lũ nhưng thật ấm áp này. Nếu không có nó, liệu tôi có nhận ra những gương mặt, những ánh mắt ưu ái của bà con? Bà Còng cũng như đám dân thiểu số của tôi có biết đâu rằng, tôi đang sống trong một cõi cô đơn đến rùng rợn giữa họ. Họ không biết rằng, đêm nay, cái đêm tôi sẽ thức trắng với những ý nghĩ kỳ cục mà lỗi lầm đã đẩy tôi tới, cũng như những suy tư rối bời của người bạn già, ngài tiến sĩ giấy, kẻ lừa dối tinh tế, tên đàn ông giả hiệu, thằng bất lực ti tiện, người thầy lớn của tôi! Và cả bà ta, cái con người thật thà ngu dốt, trong sáng và thông minh, độc ác và yếu đuối ấy...
- Nhà tôi bảo mời chú lại nhà liên hoan.
Tôi chợt ngửng lên, bất gặp đám tóc bạc trắng của ông và cảm thấy rờn rợn.
- Thôi, anh bảo chị đừng bày vẽ.
- Chả mấy khi có dịp bắt mụ ấy phục vụ anh em mình... Chú mày có điên không đấy?
- Em... Em muốn đi tìm anh Gù!
- Mặc nó ! Đã bảo là nó đang sung sướng. Không nên hoãn sự sung sướng của nó lại. Bà ấy đã bảo với tôi là cho chú vay vài chỉ vàng, mua sắm các thứ...
- ấy chết ! Em...
- Yên tâm, bà ấy mua và bà ấy viết thư cho bạn ở bên ấy bán, chú chỉ việc làm cái anh vận tải thôi!
- Nhưng...
- Không nhưng gì cả. Đây là lệnh! Chú nên nhớ, tôi là chủ gia đình kia mà.
Tôi không còn biết nói thế nào. Rõ ràng là cuộc sống luôn luôn tự nó dẫn dắt con người lâm vào các tình cảnh. Chứ con người nào có ra gì trước những nhịp điệu luôn luôn biến động? Không! Tôi sẽ không thả nổi nhân cách của mình? Tôi sẽ tìm cho mình lối thoát một khi tôi còn lý trí và tình cảm...
- Nếu không tìm được anh Gù, tôi nói dứt khoát. - Em sẽ không ra khỏi Hà Nội.
- Nó không cần đến sự quan tâm ngu ngốc của chú.
- Anh ấy không cần, nhưng em cần. Bà Hượu cần!
Ông tiến sĩ ngồi lặng một lúc, rồi chậm rãi nói :
- Một kẻ đi tìm tình yêu, còn một kẻ đi tìm kẻ si mê, sự đuổi bắt vô vọng... Nhưng thôi, tôi xin nhượng bộ. Để xem các bạn tìm được cái gì...
Ông đứng lên vẻ tần ngần rồi lặng lẽ bước ra khỏi cửa. Tiếng dép lê lẹp xẹp của ông xa dần. Tôi ngao ngán đóng cửa âm thầm theo dõi những sinh vật cùng sống trong phòng thập thò ngoài kẽ hở. Những chú chuột tinh khôn chỉ sống nhờ các kẽ hở của con người!...
* * *
Với tư thế nửa nằm, nửa ngồi, tôi chìm sâu vào cơn mộng mị từ lúc nào. Mới đầu là tiếng hát của cô ca sĩ người Anh :"No No No...No No No...". Sau đó là tiếng ù ù của động cơ máy bay. Tôi nhận ra anh Gù ngồi trong chiếc xe tay mà tôi mới mua tặng. Chiếc xe như một ngai vua từ từ nâng anh lên, lẫn trong sương rồi lượn rất khéo áp sát nách máy bay, chập chờn bên khuôn cửa sổ hình bầu dục. Anh cầm trên tay khẩu súng nhựa, bắn ra những tia lửa nhiều mầu. Tôi hoa mắt lên. Tôi nhìn thấy đâu đó hình như có bóng dáng cô Hạnh. Tôi reo lên khi thấy Hạnh như nàng tiên cá uốn lượn quanh chiếc xe tay của anh Gù. Hai người vừa bay vừa hát. "No! No! No!...No! No! No!". Rồi họ tụt lại dần sau thân máy bay. Ông tiến sĩ và bà Huệ xuất hiện. Hai người đang tranh cãi điều gì ghê gớm lắm. Bà Còng chống cây gậy trúc huơ huơ trong mây tới can ngăn hai người. Ông tiến sĩ nhào tới đuổi bắt bà Huệ. Bà Huệ tuột ra khỏi tay ông khi cánh máy bay nghiêng và cô ca sĩ người Anh lại xuất hiện. Cô gào lên trong không trung :"No! No! No!". Tôi giật mình khi thấy có một bàn tay nhỏ nhắn thò qua lớp kính máy bay, túm ngực tôi :"No! No! No!" Tôi nhận ra bàn tay Thuỷ. Cô giật tôi chúi vào cửa kính. Tôi nắm chặt bàn tay lạnh giá của Thuỷ. "No! No! No!" cô ca sĩ người Anh vẫn gào lên và Thuỷ ra sức giật tôi ngã chúi theo nhịp của bài hát "Sao lại không?". Tôi tự hỏi "Không không cái gì?” Chả lẽ sự giải thoát của cả nhân loại chỉ có mỗi cái từ ấy? Chả lẽ tôi đang bị cô ta cuốn vào bài hát với một nhịp điệu bão lốc dữ dằn ấy? Sao lại không? Sao lại chỉ có "Không!", "Không! Không! Không!... Không! Không!" Thuỷ cũng đang gào lên nhưng bàn tay cô lại níu chặt lấy tôi. Thế có nghĩa là thế nào? Tôi lo lắng trấn tĩnh và nhìn thấy cô ca sĩ người Anh không mệt mỏi gào thét. Trên tay cô ta bông cẩm chướng đỏ đang nở to dần, to dần. Và giọng hát thì khản đặc. Rõ ràng là cái giọng khản đặc ấy khiến ta càng phải chú ý tới tình cảm của người hát. Đúng là cô ta đang kêu cứu! Tôi cảm thấy toàn bộ cơ thể tôi đang lên cơn co giật và tôi cố hết sức gồng mình lên, co chân đạp thật lực vào cửa kính. "No! No! No!" Tiếng hát làm nhịp cho mỗi cú đá của tôi. Cửa máy bay bục ra. Thuỷ dắt tay tôi tới bên ông tiến sĩ và bà Huệ. "No! No!" Họ chào chúng tôi. Cô ca sĩ người Anh cao lêu đêu nắm tay bà Còng. Bà Còng nắm tay bà Huệ. Bà Huệ nắm tay tôi. Tôi nắm tay Thuỷ. Thuỷ nắm tay ông tiến sĩ. Ông tiến sĩ nắm tay anh Gù. Anh Gù nắm tay cô Hạnh. Cô Hạnh nắm tay cô ca sĩ người Anh : "No! No! No!...No! No! No!" "Không! Không! không! ...". Tất cả chúng tôi cùng hát. Bỗng chiếc máy bay rã ra từng mảng và tôi nhận thấy Thuỷ đang cầm sợi dây múa rất mềm. Bỗng sợi dây như có ma thuật tung lên, trói gọn ngài Bộ trưởng. "Không! Không! Không!...." Và tôi choàng tỉnh vì một tiếng nổ cực mạnh. Tôi hoảng hốt ôm đầu khi một loạt những tiếng nổ nữa dội xuống. Tôi nhận ra tôi đang nằm co quắp trên chiếc ghế mây, khi có tiếng la hét tiếng chửi tục phía ngoài cửa. Tôi vùng dậy, cố thoát khỏi cơn mộng mị và nhận ra trời vừa nhấp nhóa tối. Có cuộc ẩu đả nào đó vì kẻ nào ném đá lên các nóc nhà. "No! No! No! Không! Không! Không!..." Tiếng hát vẫn còn lởn vởn đâu đó và tôi lịm đi. Tôi thấy bà Còng dẫn đầu đoàn ca sĩ đang dắt tay nhau chui qua lỗ thủng. Cái lỗ thủng nham nhở cứ nở to dần ra. Và bóng thằng Hà, thằng Mỹ, thằng Minh đang đánh lộn nhau. Có công viên xanh mượt. Và gió. Gió đang thốc vào quán anh Gù. Gió đang thổi vào ngọn lửa tự thiêu của ông lão Tía. Gió hắt hơi nóng hừng hực vào người tôi. "No! No! No!...Không! Không! Không".
Tôi cố giằng tay ra khỏi đám người múa hát. Nhưng toàn thân tôi rủn ra. Họ quây chặt lấy tôi, gào lên cái từ "No, No!" dữ dằn ấy. Tôi hoảng hốt nhận thấy tôi đang bị sợi dây ma thuật đang bò từ tay Thuỷ, bò sang tôi như một con rắn màu đen bóng. Đúng là con rắn! Nó đang trườn qua ngài Bộ trưởng, trườn qua tay Bí thư chi bộ và nhanh chóng lao sang tôi, quấn gọn chúng tôi thành một bó. Tôi ưỡn người lên, cố vượt ra khỏi vòng quấn của con rắn. Nhưng không sao cựa quậy được. "Cậu là thủ phạm gây nên mọi điều xấu cho cô ấy!" tiếng ông Bộ trưởng. "Cậu gọi đó là tình yêu, còn cô ấy bảo đó là sự lừa dối ti tiện. Cậu phải trả giá!" Tôi run người lên: "Im!", tôi quát. "Chính ông là thủ phạm gây nên sự tan nát của chúng tôi!". Tôi bị con rắn quấn chặt cổ, nghẹn họng. Đâu đó có tiếng cười khinh mạn của Thuỷ, và tiếng tay Bí thư chi bộ: "Tôi không nghĩ tôi lừa dối các bạn. Chẳng qua tôi cũng là một thằng đàn ông. Tôi có lỗi và tôi xin lỗi các người. Thực ra Thuỷ không cho tôi hôn. Cô ấy bị tôi cưỡng ép. Nhưng vì... Biết nói thế nào nhỉ? Có lẽ vì anh quá ghen nên cô ấy đã tha thứ cho tôi và trừng phạt thói lăng mạ quá đáng của anh. Anh hèn lắm, anh Bình ạ...". Tôi rủn người ra vì con rắn thè cái lưỡi hồng mềm mại liêm liếm vào những giọt nước mắt trên má tôi. Thuỷ vuốt vuốt tóc và đặt tay lên vai tôi nói nhỏ nhẹ: "Lẽ ra chúng ta không nên quá bận tâm vì cuộc chia tay. Nhưng em thấy anh chẳng thể nguôi ngoai được. Và chính vì thế, em đã quyết định làm những điều mà anh cho là bẩn thỉu. Anh hãy sang đây với em, rồi anh sẽ hiểu...". Bỗng con rắn biến mất. Tôi cảm thấy tôi đang bị ai đó dẫn dắt chui vào lỗ thủng và tiếng hát gào thét của lũ người ma quỷ lại thúc vào tai tôi cái từ dữ dằn ấy: "No! No! No!" - "Không! Không! Không!". Họ hát, họ cười. Tiếng cười không phải xuất phát từ niềm vui mà là sự giải toả cho nỗi đau chứa chất chợt bung ra. Có phải đó là sự chối bỏ đến tận cùng của con người không? Hay đó chỉ là phút giây quằn quại, gào xé để rồi chính con người lại lặp lại nỗi đau muôn thuở của mình? Tôi bỗng căm ghét họ. Họ làm cái trò gì với nỗi đau của mình như thế ? Họ chối bỏ cái gì? Và họ sẽ chấp nhận cái gì?
- Im mồm!
Tôi thảng thốt nhận ra ông tiến sĩ đang sừng sững đứng trước mặt. Bà Huệ cầm tay ông, lôi ông ra. Rồi bà quay vào, nói với cái giọng bất cần đời:
- Nếu cậu không dám hòa đồng cùng chúng tôi, thì cậu im mẹ nó cái ý nghĩ chết giẫm ấy đi. Chẳng cao sang đẹp đẽ gì đâu mà đau với chả khổ. Xin đủ!
Bà Còng xuất hiện:
- Cháu đã đem niềm vui cho cả cái ngõ Thắng Lợi này, sao cháu không vui? Đừng cúi mặt như thế. Cháu tưởng bà sung sướng lắm à? Ra kia mà hát đi. Hát cái bài hát không còn hiểu ra làm sao nữa. ấy thế mà cũng vui đáo để.
Bà Còng biến mất. Anh Gù xuất hiện:
- A ha! Chú mày đấy à? Định đi Tây mua xe tay cho anh hả? Xin cám ơn lòng tốt của chú mày. Nhưng anh thèm vào cần. Từ bé tới giờ, lê cái ghế thành chân, lê cái chân thành đuôi, dở người dở ngợm nó quen đi rồi. Không thay đổi được đâu. Tao cũng chẳng cần cái lối ủy mị hèn mọn của giới trí thức chúng mày! Sống mà không biết mình là ai thì còn sống làm gì? Tao là Gù, hiểu chưa? Gù chứ không phải lành lặn. Tao đã thề rồi, dẫu có cái xe tay nổ máy phành phạch của chú mày thì cũng vẫn chỉ là Gù thôi, con ạ. Thích thì ra kia mà múa hát. Không thích hả? Không thích thì cho chú mày chết gục trong cõi âm u của lý tưởng đạo đức ngây ngô giữa biển người mạnh chân khỏe tay của chúng mày!
Ông tiến sĩ lại ló đầu vào:
"Nỗi buồn là cái đẹp muôn thuở của con người.
"Đó là tất cả những gì con người sáng tạo ra.
"Hạnh phúc chỉ là mỹ từ mua chuộc.
"Còn nỗi buồn là tính từ chỉ phẩm chất.
"Con người không có nỗi buồn, đó là con vật.
"Còn con vật biết buồn.
"Con vật thành ra con người.
"Tạo hóa không khoan nhượng.
"Tạo hóa lạnh lùng.
"Sự lạnh lùng nhân hậu.
"Tạo hóa là chủ còn muôn loài chỉ là muôn loài.
"Ngược đời thay con người.
"Con người dám trêu chọc tạo hóa.
"Im đi!
"Câm mõm lại!
"Im!
"Nếu không tạo hóa chỉ cần rùng mình
"Chỉ cần rùng mình
"Thế là con người lại nhao nhao lên đủ thứ
"Tình yêu với lại hôn nhân
"Đạo đức và nhân cách
"Những kẻ rao giảng đạo đức đầy rẫy khắp nơi
"Còn nhân cách thì giãy dụa
"Im đi!
"Hãy biết buồn đau
"Hãy cấp cứu nhân cách
"Không phải bằng sự im lặng
"Mà bằng bài ca chối từ.
"No! No! No!
"Đó là tất cả những gì đớn đau
"Đó là một cuộc cách mạng
"Im đi!
"Cách mạng không thuộc về kẻ ngu dốt
"Cách mạng là sự lột xác
"Bắt đầu là trí thức
"Hãy biết buồn đau
"Và chối từ.
"Im đi!
"Hoặc gào lên:
"No! No! No!
"No! No! No!
"Im đi!..."
Sao lại thế nhỉ? Tôi bàng hoàng nhìn ra kẽ hở. Rõ ràng cánh cửa vừa được khép lại. Rõ ràng ông tiến sĩ vẫn vừa ló đầu vào đọc bài thơ mới làm của ông cho tôi nghe. Dạo này thỉnh thoảng ông hay làm thơ. Toàn loại thơ không vần, khó hiểu. Con chuột thập thò dưới chân bàn rồi chồm hai chân trước lên mẩu bánh mì. Nó trố mắt nhìn tôi. Tôi chồm lên. Cái dép bay vèo vào gầm bàn. Con chuột biến mất. Lũ chuột chuyên sống bằng những kẽ hở của con người.
Tôi mở cửa.
Đêm tối đen đặc. Cả ngõ tôi ngủ từ lúc nào. Giờ này anh Gù có nhà thì hay biết mấy... Tôi tha thẩn ra khỏi nhà. Tự nhiên tôi lại nhớ tới cái lỗ thủng. Giờ này ra công viên hẳn sẽ được hít thở không khí trong lành. Tôi khao khát được sống yên lành, được bứt ra khỏi tâm trạng tù túng của mình quá. Lẽ ra tôi không nên tự giam hãm mình trong cõi u ẩn ê chề. Lẽ ra tôi phải biết tránh xa những cám dỗ. Lẽ ra tôi phải lấy vợ, đẻ con. Nếu như tôi và Thuỷ đã có con, hẳn tôi không đến nỗi sống vật vờ thế này. Tôi cảm thấy gáy mình lành lạnh. Rõ ràng phía sau tôi đang có một sự rình rập. Tôi dừng lại, nhưng không dám quay đầu. Có tiếng xì xầm từ trong nhà thằng Minh hói. Bấy lâu nay tôi ít để ý tới những sinh hoạt nhỏ nhặt của người trong ngõ, nhất là những cuộc cãi lộn. Thậm chí tôi luôn tìm cách né tránh. Tôi cho rằng bằng cách sống ấy tôi bớt được những phiền hà không cần thiết. Nhưng đêm nay thì khác. Đêm nay, cái tiếng xì xầm ấy bỗng dưng quyến rũ tôi. Tôi đứng tựa vào bức tường nham nhở bật lửa hút thuốc để tránh sự hiểu lầm nếu bất ngờ có người thấy tôi. Và tôi nghe ngóng "Đ. mẹ, con nói cho bố biết, sống ở đời phải tôn trọng nhau, đểu là phải giải quyết bằng luật đểu. Nó tưởng nó ghê lắm à? Nó dám khinh bố, bắt tay kiểu đểu..." - Tiếng thằng Minh hói bỗng bị ông bố nó, lão Hợi cắt ngang: "Đ. mẹ, tao ức là ức nó khinh tao không mời tao được chén rượu..." - "Ai bảo bố ngu sang nhà nó làm gì?" "Mụ Còng gọi chứ không việc gì tao phải sang". "Thôi ngủ đi!", tiếng mụ Hợi nhắc. "Con phải táng cho nó mấy củ đậu nữa, cho nó biết thế nào là lễ độ!" - "Thôi đủ rồi!" - "Đ. mẹ, nó tưởng nó dựa vào uy của thằng Gù, thằng Mỹ, muốn khinh ai thì khinh à? Nó tưởng nó được đi Tây là ghê lắm à?...".
Tôi rời bức tường, đi vội về nhà. Rõ ràng là thằng Minh hói đang tính chuyện xử tôi. Tôi tự kiểm điểm lại buổi tiếp đón khi chiều, đúng là tôi không còn nhớ được tôi đã bắt tay lão Hợi thế nào, không rõ là tôi có mời lão rượu không. Chắc tất cả những chi tiết nó vừa nói là có và tôi không ngờ lại gây nên những phẫn nộ ghê gớm thế. Lúc nãy chính là thằng Minh hói đá ném gạch lên mái nhà tôi. Té ra thế. Nó biết chắc anh Gù và lũ đàn em của anh không có nhà nên nó mới dám làm càn, giở thói anh hùng rơm nhất khoảnh. Tôi khóa trái cửa và tắt điện. Thế nào tí nữa nó cũng lại ném đá lên mái nhà lần nữa rồi mới đi ngủ. Tôi cảm thấy giận run người, nhưng cố kìm chế, nằm chờ đợi những "củ đậu bay" của thằng Minh sắp ném vào cánh cửa hoặc mái nhà. Nó chỉ đủ khả năng thù bằng cách ấy. Tôi vùng dậy lục trong tủ tìm khẩu súng ngắn. Từ ngày về ngõ Lỗ Thủng tôi không dám để lộ ra là tôi có súng. Nhưng hôm nay thì tôi sẽ lấy súng ra, nếu cần, tôi sẽ cho một phát chỉ thiên cảnh cáo thằng Minh hói. Khẩu súng này là kỷ niệm đời lính chiến của tôi, chỉ tôi biết. Thậm chí hồi lấy Thuỷ tôi cũng giấu cô. Tôi cầm khẩu súng trong đêm tối, cảm thấy ân hận vì những ý nghĩ cuồng loạn vừa rồi. Không! Khẩu súng anh Thường tặng tôi trước khi rời đơn vị không phải để dùng vào những chuyện thế này. Nó hoàn toàn chỉ đóng vai trò kỷ niệm, một khi tôi còn giữ được mình. Tôi cho khẩu súng vào bao và cất kỹ trong góc tủ, khóa lại và lên giường nằm. Tôi nhận thấy tôi đang trong trạng thái tâm thần. Người mắc bệnh tâm thần, liệu có tự biết là mình đang mắc chứng bệnh ấy không? Tôi chúi đầu vào đống chăn màn và cảm thấy mình mẩy ê ẩm. Con chuột lại rấm rích đâu đó. Giá như con chuột ấy đừng ngu xuẩn sợ hãi, hẳn tôi sẵn sàng nuôi nó. Nó sẽ được tự do hơn. Nhưng loài chuột vẫn chỉ là loài chuột. Làm sao loài chuột biết được những thiện ý của con người? Tôi nhớ hồi ở hang đá, anh Thường bị sốt rét. Anh ngồi phục trong xó tối, nhử chuột bằng những hạt gạo hiếm hoi. Mỗi ngày anh đập được hàng chục con chuột. Và chúng tôi xâu chuột vào cành le nướng, thịt chuột thơm lừng. Tôi kéo chăn đắp vì cảm thấy ớn lạnh, đầu nhức nhoi nhói: Chả lẽ tôi bị sốt rét. Mấy ngày hôm nay tôi hoạt động thất thường, vết thương trên bả vai giờ đây ê ẩm đau. Chả lẽ vết thương tái phát? Ngực tôi thở rất khó. Tôi không dám thở sâu vì đau mỗi lần hít thở mạnh. Có lẽ chuyển trời? Ngày rời đơn vị không phải tôi không kịp mà do tôi ham vui, lười đi giám định. Tôi không nghĩ cái thẻ thương binh sẽ giúp gì cho cuộc sống của tôi trong tương lai. Nhưng tôi đã lầm. Mấy năm sống trong thời bao cấp, cái thẻ thương binh thật có giá trị. Tôi không cưỡng được những ý nghĩ vớ vẩn khiến đầu tôi căng thẳng và càng nhức nhối. Tôi cuộn chặt chăn và nhẩm đếm. Đúng là lâu nay tôi mắc bệnh buồn ngủ nhưng không ngủ được. Thế có nghĩa là thần kinh tôi vẫn tốt, nhưng tâm thần tôi rối loạn. Tôi phải tập thiền, theo cách ông tiến sĩ mách. Mỗi ngày ngồi im thả cho cơ thể thư thái, không nghĩ ngợi gì chừng một tiếng. Tôi nằm duỗi chân, đặt tay lên bụng, lèn kỹ chăn, để hở mũi, thở đều. Không suy nghĩ gì cả! Không suy nghĩ gì cả! Hỡi lý trí và tình cảm, ta đang sống cho ta, ta không cần các ngươi! Không suy nghĩ gì cả? Không! Không! Không! Tất cả là không! Bài hát ấy lại đổ về và tôi quyết không nghĩ tới nó. Phải có ý chí lắm mới tạo được cho mình thói quen ấy, ông tiến sĩ bảo tôi thế. Không suy nghĩ gì cả! Hỡi lý trí, người phải biết rằng ta đang không muốn có người trong lúc này. Hãy cút xéo và hãy trở về khi ta cần đến! Đôi mắt anh Thường nhìn tôi nheo nheo cười! Khá đấy, anh khen. Khẩu súng ngắn này là phần thưởng của đại đội, dành cho chú mày. Hãy giữ lấy, như là một vật kỷ niệm. Một vật kỷ niệm cũng có tác dụng nhắc nhở chú mày, một khi chú mày cảm thấy cần phải dùng đến nó, thì chú mày nên nhớ rằng nó không phải để tiêu diệt ai hết mà chính là cho mình, hiểu không? Nhưng anh chỉ mong muốn chú mày được bình an, được sống mà không phải dùng đến nó! Hình như đó không phải là tiếng nói của anh Thường mà là tiếng anh Gù. Rõ ràng cái giọng ấy là giọng anh Gù. Anh ngồi chễm chệ trên bàn, tay cầm chai rượu, nói với tôi như nói với thằng Minh hói hôm nào:
- Làm thằng đàn ông như mày là hèn, hiểu chưa? Hèn! Không thể không hèn được à? Vậy thì còn nói với mày làm gì? Vớ va vớ vẩn! Trong đầu mày toàn những ý nghĩ vớ va vớ vẩn. Mày ngủ với người ta, rồi mày lại ân hận. Bỏ cái lối ân hận giả dối của cánh trí thức nửa mùa chúng mày đi! Có gan ăn cắp, có gan chịu đòn, hiểu chưa? Trí thức cũng thế mà dân đen chúng tao cũng thế. Ăn cắp còn mong được sống đàng hoàng, có mà thiên hạ mù hết, để cho chúng mày lừa đảo thỏa thích, ân hận thỏa thích à? Đừng hòng! Một lũ bịp bợm, học hành gì chúng mày? Đi Tây, đi Tầu về, lép xép cái mồm, động đến sự thực thì co rúm lại. Thật là vinh dự cho cái ngõ Thắng Lợi này, có mày và có thêm ông tiến sĩ già của mày. Chúng mày ăn cơm của ai? Chúng mày uống nước thở hít khí trời của ai mà cứ cố tình giả nhân giả nghĩa mãi thế? Đồ trí thức dỏm, hiểu chưa? Chúng mày có thể lừa được bà Còng, lừa được cả đám dân trong ngõ, nhưng tao thì không! Tao ý à? Tao chỉ có Hạnh. Tao tự hào đã ngủ được với Hạnh, hiểu chưa? Hạnh nó không làm điếm như chúng mày ghi trong từ điển của chúng mày đâu. Cái nghĩa ấy lẽ ra phải để chỉ cánh trí thức cơ hội, chỉ biết tụng ca cái gì đem lại cho lợi ích của mình. Còn ai sống thế nào cũng mặc. Mày tưởng mày được khen, được cất nhắc, thế là đủ để tự hào lắm à? Không bao giờ có chuyện cho không nhau đâu em ạ. Hãy cảnh giác! Hãy tự nhận thức! Từ trước đến giờ mày và ông tiến sĩ của mày đã đóng góp được bao nhiêu bài viết chân chính? Bao nhiêu? Vớ va vớ vẩn! Cái gì đã diễn ra ngay trước mũi mày, mày có biết không? Lẽ ra chúng mày phải biết xấu hổ, thì ngược lại, cứ nhơn nhơn, trăn với chả trở. Phải nhìn thẳng vào sự thật - đó là khẩu hiệu để chúng mày hô hay chúng mày làm? Loạt phóng sự của mày vừa rồi mới chỉ vừa chạm vào sự thật thôi, em ạ. Sự thật không phải chỉ là những hiện tượng mà sự thật cũng có gốc rễ con nó, hiểu chưa? Sự thật không bắt nguồn từ cái lối bắt chộp một hiện tượng bi ai hay tươi mát mà nó được hình thành từ sâu xa, gốc rễ của sự thật, thì chỉ là gãi ngứa, chỉ là lừa phỉnh, mị dân một cách chân thành thôi. Tốt hơn hết là phải biết sống cho trung thực. Mà trung thực không phải theo cái lối định nghĩa của chúng mày đâu, hiểu chưa? Trung thực nhất là sống đúng mình, làm việc đúng mình. Tao tưởng mày tử tế, hóa ra không phải. Mày được đi Tây và mày cho rằng đây là dịp tốt nhất cho mày chạy trốn khỏi những cái mày cho là lỗi lầm? Đừng hòng! Mà có chạy trốn cũng phải cho ra chạy trốn. Chạy bằng chân của người khác thì còn ra gì? Mày thừa biết chuyến đi này của mày là do cô Thuỷ ép bồ của cô ta lo cho mày, đúng không? Thuỷ có thể làm thế, nhưng mày thì không. Không là không. Bởi vì bấy lâu nay mày luôn tự cho mình là người trung thực. Xin ngả mũ kính chào lòng trung thực bắt đầu từ sự lừa dối, bịp bợm. Xin kính chào những con người có cái đầu khỏe mạnh, hai chân, hai tay khỏe mạnh cùng với muôn vàn luận thuyết đầy triết lý vặt để che giấu sự bẩn thỉu của mình. Xin kính chào các vị, các vị lừa dối bao nhiêu là con người cuồng tín, các vị lừa dối chính mình một cách ngon lành. Vớ va vớ vẩn. Biết điều thì im mẹ cái lối nghĩ ngợi mất dạy ấy đi, ra kia mà chửi nhau, nếu thấy cần thì đánh nhau nữa. Ra kia mà múa hát cùng mọi người, như vậy còn có ít nhiều ý nghĩa...
Pinh! Pinh! Pinh! Cộc cộc cộc cộc. Pinh! Pinh! Cộc cộc cộc...
Tôi choàng tỉnh vì tiếng đá ném vào cửa và ném lên mái nhà. Cám ơn thằng Minh hói đã lôi tôi ra khỏi cơn mộng mị. Tôi ôm đầu ngồi co trong góc giường. Người tôi nóng hầm hập. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Tôi sốt thật rồi. Cám ơn thằng Minh, mày cứ ném đá nữa đi! Hãy ném vào cánh cửa, như thế đỡ ảnh hưởng tới nhà khác và tiếng nổ nghe to hơn. May mà tao không có cửa kính. May mà tao đang sốt. May mà anh Gù không có nhà. May mà hôm nay ông tiến sĩ không nghỉ lại. May mà khẩu súng của tao không phải để dùng vào những việc trả thù vặt. May mà...
Hình như có tiếng ai đó chửi đổng. Hình như có tiếng bà Còng. Hình như có tiếng nhiều người lao xao. Hình như tôi đã vùng dậy, nhưng không dậy được. Tôi nằm co quắp, cố nhớ ra là mình đang ốm. Tôi cảm. Đúng là cảm. Tôi thấy ớn lạnh và hai tai u u. Giá bây giờ có ai đó giúp tôi lấy một ly nước lọc. Giá bây giờ tôi có một quả chanh hoặc bát cháo nóng, hoặc thật lạnh. Thật nóng hoặc thật lạnh, do bàn tay thân thiết đem lại. Giá thằng Minh biết tôi sốt, có lẽ nó sướng lắm, vì tôi đã làm nhục bố nó. Cũng có thể chính nó sang nấu cái gì đó nóng cho tôi húp. Im lặng. Sao lại đột ngột im lặng? Sao lại đột ngột im lặng? Sao mày không ném đá nữa đi, Minh? Sáng mai tôi sẽ phải sang nhà lão Hợi xin lỗi. Đúng thế. Tôi có lỗi với lão. Và tôi hy vọng lão sẽ mời tôi một ly rượu do chính tay lão nấu. Và tôi sẽ lại được nghe, đúng hơn, được xem thằng Minh dạy con "Đ. mẹ con mẹ mày? Khoanh tay chào bác đi!". Lập tức thằng bé khoanh tay chào tôi và bố nó cười hỉ hả. Thế nào nó cũng tung thằng bé lên, hôn hít khắp người thằng bé, và sau đó là bắt thằng bé biểu diễn võ thuật. Tôi cảm thấy ớn đến tận xương sống mỗi lần thằng Minh phát đít thằng bé, khi nó không làm đúng động tác. Tôi càng ớn hơn khi thấy thằng bé được khen: "Đ. mẹ. Giỏi! Giỏi!", bởi vì, sau mỗi lần "giỏi" là một cú tung lên, rơi xuống hai cánh tay khẳng khiu của bố nó. ấy thế mà thằng bé lại cười sằng sặc. Thôi, mặc mày, thằng Minh ạ. Không hơi sức đâu mà cứ miên man hết chuyện nọ, xọ chuyện kia mãi. Nhưng mà đầu tôi nhức quá. Tôi không có một viên thuốc nào và cũng không thể gọi ai trong lúc này. Tôi cảm thấy ớn ớn trong họng. Không hiểu sao tôi lại nhớ tới cái bô nhà bà Huệ và tôi co người nôn thốc xuống tờ báo rơi dưới nền nhà. Tôi móc tay vào họng cho nôn hết. Tôi cảm thấy sờ sợ, nhưng không biết là mình đang sợ gì. Tôi cuộn chặt mình trong chăn, cố tĩnh tâm. Không nghĩ ngợi gì cả! Không nghĩ ngợi gì cả? Nếu có nghĩ ngợi, hãy nghĩ tới tình yêu. Tôi có yêu Thuỷ không nhỉ? Nếu tình yêu chỉ có thế thì việc gì anh Gù phải bỏ nhà, bỏ mẹ mà đi tìm Hạnh? Vớ vẩn cái nhà anh Gù! Có lẽ vì đọc lắm sách tình yêu rẻ tiền mà anh Gù mê muội? Ai không biết chẳng đời nào Hạnh lại lấy anh. Chính anh cũng biết, chính anh cũng đã nhiều lần nói thế. Đã biết, đã nói ra thế, ấy vậy mà vẫn cứ đi tìm, si tình như bị bùa bị ngải, chẳng còn ra làm sao nữa. Nó là một con điếm, một gái làm tiền, nay thằng này, mai thằng nọ, thế mà cũng cứ lao vào. Thật không còn biết thế nào là tự trọng...
- Thưa anh...
Tôi nghe tiếng ai như tiếng cô Hạnh. Đúng là tiếng cô ta, từ đâu đó...
- Thưa anh. Chắc anh chưa hiểu em. Nhưng em hiểu anh. Chúng ta làm cùng một nghề đấy, anh ạ. Em cũng chỉ vì không có công ăn việc làm, xin mãi, tìm mãi chả ra. Em chỉ vì lười học, lười làm, lại thích ăn diện nên phải chọn cái nghề này. Mới đầu cũng sợ, cũng ghê tởm lắm, nhưng giờ thì quen rồi. Giờ thì có của ăn của để mà vẫn ham làm anh ạ. Em làm hợp đồng cho khách sạn du lịch, nhân viên mát-xa đấy. Anh đang cảm, giá có em ở nhà, em giúp anh ngay. Tiếc gì anh. Thậm chí cả giúp anh thực hiện cái "cung đoạn ba" cũng được. Chẳng là cái đinh gì. Cũng giống như anh viết bài báo theo yêu cầu của cơ quan, của thủ trưởng, thậm chí viết giúp cơ sở, ca ngợi ông A, ông B liêm khiết, nhà máy A, xí nghiệp B biết cách làm ăn, nâng cao đời sống nhân dân, cán bộ. Thế thôi. Đầu gối anh củ lạc, anh yêu như con mèo hen, em xoa bóp, em khen anh đẹp, khoẻ, khen anh "xấu dây, tốt củ", thế là anh vui. Cái nghề làm vui lòng người mà anh. Càng khen càng có lãi, càng được lòng, càng có cái ăn. Thế thì việc gì mà chê, mà nói thật? Thậm chí có ông bụng to, xoa lên cái bụng to nây nẩy ấy, em khen: "Bụng chú còn lẳng ghê", thế là chú vui, chú cho em năm bảy hào. Hôm qua em được khách, phục vụ ba ông liền. Tính ra em được nửa chỉ. Trưa nay tới thăm con béo, thấy nó đói quá, em cho nó một nửa, còn lại thì ăn chơi xả láng. Em mới có con bạn, nhà nó nghèo, nghèo kiết xác ngoài bờ sông. Em rủ nó theo em, nó sợ mất đạo đức. Em cũng thèm có đạo đức quá đi mất. Thèm được còn đạo đức mà giữ gìn quá đi mất. Có phải đạo đức là cái "ấy" không hở anh? Hay đạo đức là phải có tiền mua thuốc khi mẹ ốm? Em ít học nên em không giải thích được. Em thấy các anh có lương, có biên chế, hình như các anh có đạo đức, có nhân cách hơn bọn em thì phải. Vâng, thế thì em chịu, em không dám mơ đến đạo đức của các anh. Buồn cười, có thằng oắt con mười bảy mười tám tuổi cũng vào mát-xa, cũng đòi "làm việc", em ghê ghê là. Chỉ muốn nhổ vào mặt nó. Nhưng nó lại nhét vào bụng em một tệp tiền, có tới năm bảy chục ngàn, thế là em quên hết. Vì dù sao mình cùng là người phục vụ cho khách. Vì dù sao nó muốn "mua" thì mình "bán", bán cái thứ không mất mà vẫn được tiền thì ngại gì. Nó khinh mình, mình khinh nó, sợ đếch gì? Phải không anh? Nghe nói ông anh sắp được đi Tây? Sướng thế? Em cũng đã phục vụ Tây rồi nhé. Em cứ tưởng người Tây hào phóng, thế mà lại nhầm anh ạ. Càng Tây càng tính toán, càng ki bo, thỉnh thoảng mới có thằng ga-lăng thôi. Lúc nào em có tiền nhiều, em cũng phải làm chuyến du lịch sang Tây cho bõ. Chả dại gì. Anh bảo anh có ý định xin nhường cho người khác à? Có mà rồ? Anh đã gặp ngài Bộ trưởng sáng nay rồi còn gì? Cứ đi, rồi lần sau nhường cho người khác, anh ạ. Đừng giả dối! Thích run lên còn điệu bộ. Em tính là em cố làm hợp đồng, bao giờ hết cái tuổi "hăm" thì cũng đi được một chuyến, mua được cái nhà con con, rồi xem có thằng cha vơ chú váo nào ưng thì lấy, nhưng em không lấy anh Gù nhà anh đâu. Vớ vẩn! Em sợ hai cái đuôi của anh ấy lắm. Em sợ con em lại cũng giống bố thì em chết! Vớ vẩn! Yêu với chả đương. Làm gì có tình yêu? Có phải tình yêu là giống như anh với chị Thuỷ hồi trước không? Hay như ông tiến sĩ với bà Huệ? Hay như bà Huệ với anh? Hay cùng lắm là như anh Gù yêu em? Đếch phải ông anh ạ. Theo em, tình yêu là cái từ mà các nhà trí thức, chữ nghĩa các anh phịa ra, để tán gái. Một thứ từ ngữ bịp bợm đầy cám dỗ. Em đã bị nó lừa nên em biết. Nói chung con người thì ai rồi cũng phải qua cái cầu ấy. Nó đẹp như trong mộng và nó cũng hấp dẫn ghê, nhưng mà nó là cái bẫy. Cái bẫy đấy! Anh đã mắc bẫy một lần rồi à? Nếu anh tiếp tục đi tìm, thế nào rồi cũng thấy nó và thế nào nó cũng hấp dẫn, và tất nhiên, anh sẽ cũng lại mắc bẫy, dứt khoát thế. Eo ôi, em sợ lắm. Em chỉ thích lấy chồng. Có chồng, có con là sướng nhất đời. Em mà có chồng ý à, em sẽ lo hết mọi việc chứ không như chị Thuỷ nhà anh đâu. Bình với chả đẳng. Bình đẳng là chồng là đàn ông, có việc của đàn ông. Còn vợ là đàn bà, có việc của đàn bà. Ai làm việc của người ấy, thế là bình đẳng. Chứ còn gì nữa? Rách việc! Lắm thứ lý luận linh tinh, cứ dựa vào nó, cơm chả ra cơm, cháo chả ra cháo, cuối cùng là ra li dị. Anh xem thằng Minh đấy, nó có biết giặt giũ là gì đâu, thế mà rồi con vợ nó cũng cứ nghe răm rắp. Thỉnh thoảng ghen lên, cào cấu chồng, túm chồng, chửi cả bố mẹ chồng, thế nhưng rồi việc nhà cái gì cũng nó. Em thấy xã hội bây giờ đổi mới tư duy hay hay là. Các anh các chị "xả láng tư duy", "xả láng tình cảm", đến như em thấy mà còn lợm giọng, huống hồ trí thức các anh. Các anh có thể đạo đức, còn chúng em thì có thể bụi đời. Hai cái thể ấy đặt lên cân, chắc mặt ông cầm cân nom buồn cười lắm nhỉ. Tất nhiên là cân sẽ lệch sang phía các anh rồi. Nhưng mà... Nhưng mà, em chả ngại. Thỉnh thoảng em nhún cho một cái, thế là cân lại rung rinh. ít ra thì cân cũng phải rung rinh, chứ lại không à. Ví dụ bây giờ anh đang ốm, em mà tới chăm sóc thì cực-văn-kỳ. Em bảo đảm chắc chắn, em làm vợ nhất định hơn chị Thuỷ nhà anh. Hơn cả bà Huệ của ông tiến sĩ. Bởi vì trong chương trình học của các anh các chị không có bài nào giống về nghệ thuật chiều chồng. Vui lên! Đừng có nghe cái triết lý đại nhảm của ngài tiến sĩ. Đó là một thứ triết lý yếm thế và bịp bợm. Con người ta được gọi là người không phải chỉ có nỗi buồn. Nó phải có tất cả mọi trạng thái. Hạnh phúc cũng thế. Hạnh phúc là khi khát nước được uống nước. Hạnh phúc là khi đói thì có cái mà ăn, khi buồn có bạn, khi vui có bạn. Bạn của anh đâu rồi? Thôi chào ông anh, nói chuyện với ông anh chán bỏ mẹ. Ông anh cứ làm như ông anh ghê lắm. Không là cái đinh gỉ gì đối với cuộc đời đâu...
Không là cái đinh gỉ gì giữa cuộc đời đâu! Tôi hoảng hốt vùng dậy khi nhận ra tiếng nói từ trong mộng mị trở nên méo mó như trong cuốn băng nhão. Tại sao tôi lại cứ tự dằn vặt, tự hành hạ mình thế? Tại sao tôi không đạp tung cánh cửa, vượt ra khỏi những bế tắc do chính tôi tạo ra? Tại sao tôi cứ quẩn quanh trong căn phòng hôi hám, chật chội, đánh vật với những ý nghĩ rồ dại? Tôi là ai? Tôi là ai? Tôi phải trả lời được câu hỏi ấy ư? Có đúng là anh Gù và ông tiến sĩ cũng đang cuống cuồng lên, lúc chui vào trong mớ giẻ triết lý, khi vùng lên chạy trốn, lúc lại hào hển đuổi bắt những ý tưởng cao siêu vô hình mà không tự biết mình là ai! Có đúng là ta không biết là ai không? Bài ca chối bỏ của lũ người trong cơn mộng mị ấy có phải là tiếng kêu cứu của mỗi con người...
"No! No! No!
"Không! Không! Không!...
Hình như lũ người kia đang dắt díu nhau đi trong đêm tối. Và tự dưng tôi bỗng thấy chính tôi lại đóng đinh câu rút. Cái đinh đóng vào thái dương và sợi dây nhỏ tí xâu vào nó, rút tôi lên giữa khoảng không. Tôi cảm thấy đầu nóng rừng rực, tuồng như có cục than đang đỏ dần lên. Và lũ người ma quỷ quây chặt lấy tôi, hét lên trong khói lửa cái bài hát chỉ có một từ ấy "No! No! No!..."
Sợi dây đứt. Tôi bị rơi xuống một vực thẳm đầy rắn rết. Tôi hét lên một tiếng, có lẽ là rùng rợn lắm, khiến khi tỉnh, chính tôi cũng không còn biết đầu đuôi thế nào. Tôi chỉ biết là tôi đang lên cơn sốt và có lẽ tôi phải đi bệnh viện.
Từ nhỏ tới giờ, kể cả khi bi thương ở chiến trường, tôi chưa nằm viện bao giờ.
Người phá cửa căn phòng tăm tối của tôi, ngay sáng sớm hôm sau là ông tiến sĩ. Thực ra tôi đã tỉnh táo, khi nghe tiếng ông gọi, nhưng không muốn trả lời. Tôi cố tình nằm cuộn mình trong chăn. Mặc cho ông ta gọi, gọi chán rồi thế nào cũng bỏ đi. Tôi cảm thấy chán ông, chán tất cả. Tôi chỉ muốn được yên ổn. Nhưng ông tiến sĩ vẫn còn đủ sức mạnh đẩy bật chốt cửa xộc vào. Tôi cố ngồi dậy khi nghe tiếng cánh cửa rung lên và tôi hốt hoảng khi thấy người bạn già của mình đầu tóc rũ rượi như một hồn ma hiện hình. Ông thở hổn hển ngồi run rẩy trong cái ghế mây, đôi mắt trắng dã. Có chuyện gì diễn ra đêm qua? Tôi tung chăn, vùng dậy đóng cửa và ngồi xuống nền nhà, đặt tay lên đôi vai gầy guộc, ướt đẫm của ông. Ông từ từ ngửng lên nhìn tôi, cái nhìn khiến tôi rợn tóc gáy. Có lẽ ông đã biết chuyện tôi với bà Huệ và giờ đây ông đến để xử tôi? Khổng hiểu sao, tôi bỗng trở nên cứng cỏi lạ thường. Tôi sẵn sàng đón nhận mọi biện pháp xử phạt của ông, không một ý định xin xỏ. Nếu ông đánh tôi, tôi sẽ để cho ông đánh. Nếu ông xỉ vả tôi, lăng mạ tôi, tôi nguyện ngồi cắm mặt nghe. Tôi nghĩ tới khẩu súng. Lẽ ra khi đêm, lúc cầm nó trên tay, lúc nhớ tới lời dặn của anh Thường, tôi làm cái việc mà anh ấy cho phép có lẽ giờ đây mọi sự đã qua rồi, và người bạn già của tôi sẽ không phải bận tâm mà tới đây với những ý định điên rồ của ông. Ông gục đầu vào vai tôi, nấc lên như thể ông sẽ chết trong tay tôi, nếu có thể chết ngay lúc này. Tôi dìu ông vào giường và quỳ dưới chân ông, hỏi:
- Anh cần gì ở em?
- Không, tôi không cần gì cả.
- Anh không được giả dối, tôi nói gay gắt.
- Cậu bảo tôi giả dối à? Bây giờ tôi không còn phân biệt được thế nào là thực, thế nào là giả dối nữa. Đêm hôm qua, bà ấy về rất khuya, với một thằng xe máy, tôi hỏi đi đâu về, bà ấy đùng đùng nhiếc móc, chửi bới với cái giọng chợ giời kinh khủng lắm. Bà ấy cũng bảo tôi là thằng lừa phỉnh, giả dối...
Ông cúi xuống, như muốn đỡ tôi ngồi dậy.
- Bà ấy bảo, bà ấy đã kể hết những gì cần kể, nói hết những gì cần nói với cậu rồi. Tôi không ngờ cậu lại giấu tôi. Lẽ ra ít nhất cậu cũng phải thông báo cho tôi để tôi biết cách ứng xử. Tôi không nghĩ là tôi lừa mị bà ấy. Tôi đã cố gắng tự kìm chế những chuyện khuất tất lâu nay, để gìn giữ gia đình, gìn giữ cuộc sống bình thường cho con trẻ, nhưng giờ đây thì muộn rồi cậu ạ. Tôi không còn biết tôi là người thế nào. Tôi không còn đủ bản lĩnh để hiểu sự bất lực của tôi nữa. Mấy chục năm sống với nhau, mỗi ngày một chồng chất lên nhau những bất hạnh mà cứ tưởng là mình chịu đựng được, rồi thời gian sẽ giúp mình nguôi ngoai. Tôi cứ luôn hy vọng tuổi già có lẽ sẽ giúp chúng tôi bình tâm hơn, thông cảm với nhau hơn, và thương lấy nhau. Không ai mong tuổi già như tôi...
Tôi nắm bàn tay gầy guộc run lẩy bẩy của ông. Sự thực thì tôi cũng không thể khuyên ông điều gì. Lẽ ra tôi phải vùng ra khỏi bàn tay múp míp của bà ta. Lẽ ra tôi phải nhổ vào đôi mắt khao khát đến điên rồ ấy, hẳn giờ đây tôi xứng đáng được người bạn già của tôi tin cậy...
- Tôi sẽ không bao giờ trở về căn nhà ấy nữa, ông nói. Suốt đêm qua, tôi đi lang thang trong công viên, có lúc muốn đâm đầu xuống hồ, nhưng tôi không thể làm cái việc nhục nhã ấy. Tôi đã về đây mấy lần, gọi cậu mà cậu không dậy. Tôi cứ nghĩ, có lẽ cậu đang có bạn gái nên tôi lại bỏ ra đường. Không ai để ý đến tôi. Người ta nhìn tôi như nhìn một thằng điên. Có lẽ tôi điên thật. Hoặc đúng hơn, tôi đang bị tâm thần. Kể ra cuộc sống của những người điên thực sự không đến nỗi tồi tệ như ta nghĩ. Tôi thèm được điên, thèm được mất hết lý trí. Tôi thèm được như thằng Gù. Nó đang điên vì tình. Nó khao khát được yêu và nếu không được yêu, nó khao khát trả thù. Tôi biết, nó không đến nỗi hèn hạ tìm cách trả thù cô Hạnh. Nhưng nó sẽ làm điều gì đó, chính nó cũng như chúng ta không lường được. Đúng lúc vào chuyện thì có tiếng gõ cửa. Tôi buông một câu bực bội:
- Cứ vào!
Tôi sững người nhận ra bà Huệ. Ông tiến sĩ gần như không ngửng mặt lên. Tôi lắp bắp mời bà ngồi, nhưng bà cứ đứng đó với cái vẻ nanh ác, xỉa xói người bạn già của tôi:
- Tôi thừa biết, thế nào ông cũng mò tới đây. Đồ đê tiện! Tôi cứ tưởng hôm qua ông sẽ phải xông ra, hay ít nhất ông cũng phải tỏ rõ ít nhiều tư chất của một con người, nhưng tôi lại thất vọng. Đến cái đận này thì quá lắm. Tôi xin nói thật ông là thằng đê tiện. Ông làm hỏng cả cuộc đời tôi! Ông còn muốn gì nữa không? Muốn gì? Tại sao ông không ghen lên một tí? Tại sao ông chỉ hỏi tôi đi đâu mà về khuya? Tôi muốn ông khác. Đồ hèn!...
- Câm! - Ông tiến sĩ chồm lên.
Tôi ấn ông ngồi xuống. Bà Huệ quay ngoắt ra. Tôi giữ bà lại:
- Chị nóng quá.
Không ngờ bà nhổ vào mặt tôi, rồi nói:
- Một lũ gián!
Tôi lau vết bọt trên mặt, ngồi gục xuống ghế. Thế là cả tôi và ông tiến sĩ đều bị người đàn bà hung dữ ấy nhổ vào mặt.
- Một lũ gián đê tiện! Quân Chí Phèo đời chót? Đời chót!
Bà chửi xong rồi bước ra cửa. Có tiếng xe máy nổ và tôi không kìm được, ngước lên nhìn. Chiếc xe máy chở bà Huệ vọt đi. Một đám người đã bu ngay trước nhà và tôi vội vã đóng ập cửa lại.
Chúng tôi ngồi như hai con cóc trong phòng có lẽ lâu lắm. Mặc cho tiếng người ta bàn tán bên ngoài. Mặc cho tiếng chửi tục và thậm chí, có người trêu tức ném đá vào cánh cửa. Mặc mọi diễn biến bên ngoài! Chúng tôi không biết ngỏ với nhau điều gì. Còn biết nói với nhau điều gì nữa? Tôi thèm có anh Gù ở nhà quá. Tôi thèm được sống như anh, được yêu như anh quá. Giá giờ này chúng tôi cũng có một cái gì đó lung linh phía trước như anh, để mà khắc khoải, để mà hy vọng, để mà đuổi bắt, để mà sống. Bất giác tôi giận run lên khi thấy người bạn già gục mặt vào tường khóc. Mặc cho ông ta khóc! Tôi lặng lẽ mở tủ lấy khẩu súng ngắn. Nếu cứ sống như thế này thì còn sống làm gì nữa, hỡi những kẻ cam chịu ti tiện! Chúng mày ăn cơm, uống nước, thở hít khí trời của ai? Ai cho chúng mày được học hành để chúng mày trở nên ngu muội khốn cùng thế? Chúng mày là ai? Hãy trả lời đi! Chúng mày là ai?... Một lũ gián, quân Chí Phèo đời chót? Đúng không?...
Ông tiến sĩ quay lại nhìn tôi trừng trừng. Ông lắp bắp nói lời trăn trối:
- Cậu... Cậu... Bì...Bình...Cậu...Cậu có biết tôi thế nào không? Tôi... Tôi...Thực ra chỉ... chỉ học hết lớp Ba... Ba... thôi cậu ạ...
Khẩu súng rơi khỏi tay tôi, nổ lên một tiếng. Thế là ngay cả cái việc cần làm nhất tôi cũng không làm nổi. Dân ngõ ập vào, lôi chúng tôi ra ánh sáng...
Hà Nội tháng 2.1990
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com