chan_dung-ke_si

HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

19-11-2024

Lượt xem 1688

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Khái Hưng

HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.

Tôi có nhiều bạn cùng mang cái tên ấy thế mà không hiểu sao, tôi đoán ngay được là ai, khi anh Đạt đến chơi báo cho tôi biết tin Phúc đã chết. Và tôi hỏi:

- Phúc phán già, phải không?

Phúc phán già, trong đám anh em bạn học về thời tôi, còn ai không biết tiếng! Nhưng nhất nhờ về câu chuyện thù hằn mà tên anh không sao phai được trong ký ức chúng tôi, dù đã hơn hai mươi năm nay, nhiều người trong bọn chúng tôi chỉ gặp mặt anh chừng vài ba lần.

Cái thù hơn hai mươi năm! Mà kẻ thù lại chính là người bạn thân nhất của anh, anh Tảo.

Tôi quên hẳn vì sao tôi quen anh Phúc và anh Tảo. Chỉ nhớ rằng hai anh thường đến chơi chỗ chúng tôi trọ. Có lẽ hai anh ấy trước kia có học cùng trường Bảo hộ với anh tôi. Nhưng chúng tôi không khỏi lấy làm lạ rằng cũng như chúng tôi, Tảo và Phúc đều nể sợ anh tôi, đầu tuổi các anh ấy suýt soát, có lẽ hơn tuổi anh tôi.

Tảo và Phúc đều làm công trong một nhà buôn của một người Pháp. Tôi không bao giờ tò mò hỏi nhà buôn ấy là nhà nào. Nhưng đoán chừng công việc cũng không lấy gì làm bề bộn, khó khăn vì thấy anh Phúc hay nói chuyện đi hát ả đào và anh Tảo còn đủ thời giờ trông coi giúp việc sổ sách cho cửa hàng thịt bò của một người bà con.

Nhờ cái công việc phụ ấy của anh Tảo chúng tôi mua được thịt bò giá rẻ. Hôm nào anh Tảo cũng chọn cho miếng thịt ngon nhất, còn xương nấu súp thì anh cho rất hậu tuy mỗi hôm trong sổ chúng tôi chỉ biên có một hào. Mãi sau này tôi mới biết cửa hàng thịt bò là của người bà con anh Tảo, chứ ngày xưa tôi vẫn yên trí rằng chính anh Tảo là chủ. Không phải vì tháng tháng thấy anh Tảo đến thu tiền sổ, mà vì nhìn thân hình béo tốt, lực lưỡng, ngắm cái mặt hồng hào đầy đặn của anh, tôi không thể gán cho một nghề khác là nghề bán thịt bò được.

Hơn một năm gần đây, một hôm tôi đã lại gặp anh. Tôi thấy anh không thay đổi chút nào. Vẫn cái tầm vóc to béo, vẫn cái mặt đỏ gay như quả lựu rám nắng hồng, da căng thẳng và bóng loáng, trong đó hai con mắt xếch và một mí long lanh đưa đi đưa lại rất nhanh và cái miệng rộng luôn luôn mở ra hoặc để nói hay để cười. Tất cả cái hình ảnh rất quen, rất thân mật thời xưa còn giữ được nguyên vẹn. Nguyên vẹn, cả cử chỉ và ngôn ngữ.

Chợt thấy tôi anh cười ha hả, vui mừng đến nắm lấy tay tôi mà nói, nói không ngừng như không cần tôi đáp lại:

- Lâu lắm mới lại gặp cậu. Thế nào cậu có được mạnh không? Nghe nói bây giờ cậu viết văn, phải không?

Thì ra cái thời gian ngoài hai mươi năm anh Tảo không thèm kể vào đâu: anh vẫn coi tôi là một “cậu” em bé mặc quần ngắn cắp sách đi nhà trường. Cả tác phẩm của tôi, anh cũng không cần đọc: nghe người ta đồn là đủ rồi. Những lời nói bô bô của anh làm tôi hơi ngượng, vì lúc ấy chúng tôi đương ở giữa một nơi hội họp có tới gần nghìn người. Nhưng dù bao nhiêu con mắt tò mò nhìn chúng tôi, dù tôi muốn bỏ chạy biến đi nơi khác, tôi vẫn không thể rời được người bạn xưa: mắt tôi như dán vào cái mặt đỏ mà bao giờ tôi cũng đoán thấy đầy thành thực, đầy thẳng thắn, đầy khảng khái, cái mặt của Quan Vân Trường nếu có bộ râu dài.

Sự thực, tôi mới biết hai tính nết của con người kỳ dị ấy. Là tính vui vẻ, dễ dãi và tính nóng nảy, giận dữ.

Cái tính nết thứ nhất đã biểu lộ ra rõ rệt trong một buổi ăn mà chúng tôi mời anh Tảo đến dự. Hôm ấy anh bán thịt bò cho chúng tôi bằng một giá rất rẻ, có thể nói bán một, cho một.

Rồi buổi chiều mới gần năm giờ anh đã đến và chẳng nói chẳng rằng, anh cởi áo dài ra, bỏ khăn xếp vứt xuống bàn. Đoạn anh chạy thẳng vào bếp. Mãi sau chúng tôi mới biết anh đi làm các món ăn, vì anh thạo về khoa nấu nướng. Bữa cơm ấy chúng tôi ăn ngon lắm, một phần nhờ về các món nấu khéo nhưng nhất là vì cái tính dễ dãi của anh Tảo đã làm cho chúng tôi cảm động và sung sướng.

Tính nóng nảy của anh thì ai cùng phải ghê sợ. Một lần tôi được mục kích anh đánh người kéo xe và tôi đã phải rùng mình. Anh mặc cả năm xu, người xe bằng lòng, nhưng khi đến nơi lại giữ giọng vòi vĩnh đòi bảy xu. Anh Tảo mặt đã đỏ càng đỏ thêm. Mắt anh đã xếch càng xếch quá. Hai hàm răng anh nghiến lại. Rồi anh nắm tay quai mạnh một cái. Người xe ngã khuỵu và gục đầu vào ngực. Tức thì anh Tảo như bừng tỉnh cơn mê, cúi xuống đỡ người phu xe dạy, xoa vuốt nắn bóp cho tới khi người ấy hoàn hồn. Rồi anh ấn hai hào vào bàn tay người ấy và giục: “Đi, đi ngay không lại khổ bây giờ!”

Còn người bạn thân của anh? Còn anh Phúc?

Đem so sánh với anh, thì đó thực là một cái trái ngược, trái ngược từ hình thể cho chí tinh thần.

Về hình thể, nếu Tảo là ông ác thì Phúc là ông thiện. Một người mặt đỏ như lúc nào cũng say rượu, một người mặt tái như mắc bệnh thiếu máu. Trong gương mặt nhợt nhạt ấy cái gì cũng chậm chạp, lười biếng: hai con mắt lim dim hấp háy như buồn ngủ; cái trán rộng và cao, yên lặng và thư thái, người ta đoán cho những tư tưởng, những ý nghĩ cũng yên lặng và thư thái, âm ỷ như lửa âm ỷ cháy trong đống trấu phủ kín tro tàn. Trên cái mặt uể oải lạnh lùng ấy chỉ có cái miệng là hoạt động, tuy hoạt động một cách cũng uể oải, lạnh lùng. Trong khi Phúc ngồi nghe chuyện, tất cả mắt trán, tai anh như để ở đâu đâu. Duy có cái miệng là tỏ rằng anh đương chú ý đến câu chuyện: vì luôn luôn nó nhếch ra, nó mủm mỉm, nó hơi hé để hàm răng không đều và trắng bệch.

Chính nhờ về cái miệng có duyên ấy mà Phúc đã được anh em tặng cho cái biệt hiệu “phán già” ngay từ thời anh còn theo học năm thứ nhất tại trường Bảo hộ. Người ta cho anh nói khéo như một ông phán già.

Sự thực, những câu trả lời đúng chỗ của anh rất nhanh, rất ngắn, nhưng rất ngộ nghĩnh rất buồn cười có khi rất chua chát nữa. Nhờ thế mà anh đã khét tiếng ở các nhà cô đào và ai ai cũng phải gờm, phải sợ anh.

Nhưng cái miệng anh không những chỉ có tài châm chọc, nó lại có cả tài kể chuyện.

Tôi yêu anh, thích anh cũng vì cái tài ấy. Những câu chuyện cổ tích, hay tiếu lâm cũ rích mà ai ai cũng đã nghe thuật đi thuật lại hằng chục lần, những câu chuyện ấy ở miệng anh kể lại, vẫn làm cho mọi người phá lên cười vui sướng. Hình như anh Phúc đã nhận được hết cả những bí thuật của khoa kể chuyện. Chỉ hơi lên giọng, xuống giọng, chỉ ngừng lại một vài giây, anh cũng đủ làm tôn giá trị những ý tưởng tầm thường và ở người khác, có lẽ nhạt nhẽo nữa.

Tôi mê nhất những chuyện chiếu bóng của anh. Anh kể thong thả, từ từ, khiến người nghe như trông thấy đương lần ra trên màn bạc, như được ngắm các nhân vật cử động, nói cười, tuy thời ấy chưa có chiếu bóng nói. Những chuyện từng hồi, anh cũng kể từng hồi. Tới chỗ nghỉ, nghĩa là chỗ khiến người ta hồi hộp, sợ hãi, mong ngóng đoạn tiếp, anh ngừng lại hoặc để đánh diêm hút thuốc lá, hoặc để nằm im một lúc lâu như đã ngủ. Anh chỉ kể chuyện ban đêm, những đêm anh ở lại ngủ cùng giường với chúng tôi.

Ngoài cái thú kể chuyện, anh Phúc còn có cái thú làm thơ. Thơ anh tôi không nhớ có hay không, nhưng hình như buồn lắm và ác lắm. Anh Phúc ưa những tư tưởng chán đời và trào phúng. Nghe đâu nhiều lần anh đã xướng họa với thi sĩ Tản Đà trong những tiệc rượu say sưa. Tôi thì tôi không phục tài làm thơ của anh bằng cái tài thuộc thơ người khác. Thơ Xuân Hương, thơ Yên Đổ, thơ của khắp các thi sĩ cổ, kim, anh đọc vanh vách, không vấp một câu, mà anh đọc với cái giọng trầm trầm rất dễ yêu.

Người ta nói nhờ về cái tài kể chuyện và cái điệu thơ sầu êm ái, Phúc đã chiếm được nhiều trái tim lãng mạn đa tình, đa tứ. Mà chính Phúc cũng tự phụ khoe khoang rằng chưa hề mất tiền cho tình nhân cô đầu bao giờ. Có lẽ anh không khoác lác đâu, vì chính trong bọn chúng tôi, ít người đã thoát khỏi sức hút của cái duyên thầm kín ấy.

Và tôi đoán chưa chắc cái duyên thầm kín đã không giúp một phần lớn trong sự đắc thắng trên đường đời của Phúc: Tay trắng Phúc đã trở nên có bạc vạn, làm chủ hai ba tòa nhà ở Hà thành. Đó không phải là một viên thư ký nhà buôn cần cù như Tảo. Vì thế, để Tảo mài đũng quần trên ghế làm công, anh bỏ ra kinh doanh các việc to tát và nguy hiểm. Ngày nay Tảo vẫn còn làm công, và nghe chừng cũng để ra được cái vốn dăm bảy nghìn.

Cái chi của hai người bạn cũng như cái tài của họ cách nhau là thế, một đằng nghìn, một đằng vạn. Mà trí thức và tính tình họ còn cách nhau xa hơn nữa. Chúng tôi vẫn không hiểu tại sao hai người lại thân nhau được, lại yêu nhau được. Tôi đoán chừng, nhưng đó chỉ là đoán phỏng, hai người hợp nhau ở chỗ cùng tôn trọng luân lý Á Đông. Thực vậy tình bằng hữu của họ giống như tình bằng hữu của Lưu, Quan, Trương. Họ săn sóc đến nhau, coi gia quyến bạn như gia quyến mình. Một hôm lại chơi hai người - họ thuê nhà cùng ở với nhau - tôi đã cảm động ngắm họ thu xếp hành lý cho con gái một người bạn ở trọ nhà họ, tới hè về Nam Định với cha mẹ. Họ không quên một vật nhỏ, dặn đi dặn lại mãi những điều thông thường mà người con gái mười lăm tuổi kia hẳn phải biết.

Nhưng hai người bạn ấy bỗng giận nhau, thù nhau. Còn ai hiểu tại sao. Chúng tôi cũng không biết họ giận nhau bao giờ. Một hôm gặp Phúc tôi hỏi thăm tin tức của Tảo. Phúc lạnh lùng đáp: “Không biết”. Nhưng Tảo thì thật thà và sôi nổi hơn. Tôi vừa đọc tới tên Phúc, anh đã xua tay gạt liền: “Cậu đừng nói đến thằng ấy với tôi nữa. Tôi đã thề không nhìn mặt nó!”

Sự thù ghét đến thế ư? Và chắc hẳn nó có một nguyên nhân sâu xa, quan hệ. Trong hơn hai mươi năm nay những người quen biết Tảo và Phúc gặp nhau thường bàn tán về cái thù gần góc thế kỷ ấy. Họ nêu ra nhiều thuyết lắm. Họ dựng thành hẳn từng thiên tiểu thuyết. Có kẻ cho rằng vì tình, có kẻ đoán rằng vì luân lý. Lại cỏ kẻ tin chắc rằng vì chính trị. Nhưng sự thực vẫn không ai biết. Sự thực vẫn chôn sâu trong óc trong tim hai người bạn xưa đã trở nên hai cừu địch trứ danh.

Có điều này quân tử trong cái thù kinh niên của hai người. Là họ không từng nói xấu nhau một câu. Họ chỉ yên lặng ghét nhau, yên lặng khinh nhau, yên lặng tránh nhau. Gặp nhau ngoài phố và không kịp lảng, thế nào một người cũng vào một cửa hàng vờ mua thức gì để chờ cho người kia đi qua. Nếu không có cửa hàng thì họ gõ cửa vào chơi liều một nhà không quen biết.

Lại điều này nữa, cái thù của hai người không tiến mà cũng không lui. Trong bao năm lúc nào cùng thản nhiên, thoáng qua, nhưng sự thực, chúng tôi biết, nó vẫn nung đốt hai tâm hồn khổ sở.

Cách đây ba bốn tháng, Đạt gặp Tảo. Và chính Tảo báo cho Đạt biết cái tin buồn: Phúc vừa chết độ mười hôm. Tảo tiếp:

- Nghĩa tử là nghĩa tận, cậu ạ. Tôi cũng có mang vàng hương đến viếng nó. Nhưng giữ lời thề, tôi không nhìn mặt nó, tôi không nhìn cả cái áo quan đựng nó nữa.

Đạt ngần ngừ nói:

- Câu chuyện thù hằn của hai anh, lâu nay tôi không dám hỏi đến, sợ ở trong có điều bí mật phạm tới danh dự hai anh. Nhưng nay anh Phúc đã từ trần rồi thì anh có thể cho tôi biết cái duyên cớ đã khiến hai anh giận ghét nhau không?

Anh Tảo ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời:

- Được, nay nó chết rồi thì tôi có thể kể lại đầu đuôi câu chuyện với cậu lắm. Hôm ấy tôi và nó đương ngồi ở phòng giấy thì chủ vào đưa cho nó một tập giấy dầy và bảo nó: “Anh làm việc này, Tuyên làm việc này, còn thừa bao nhiêu việc khác giao tất cả cho Tảo”. Cậu có biết nó trả lời thế nào với chủ không? Nó nói gọn thon lỏn: “Mais monsieur, je suis sur que Tảo en est incapable”. [15]Đấy câu Pháp văn của nó đấy, tôi không thêm, không bớt một chữ. Cậu tính có điếng anh em không? Hót chủ rằng mình “incapable” mà lại hót chủ ngay trước mặt mình. Lúc bấy giờ tôi đương bận viết bức thư về thăm thầy tôi ốm. (Chừng Tảo cho rằng đó là một bổn phận thiêng liêng nên càng giận bạn). Tôi liền gấp tờ giấy lại, đứng phắt lên nói với chủ: “Confiez moi toutes ces affaires et vous verrez dans une heure si je suis capable ou non”. [16]Đó cũng là, theo lời Tảo, câu đáp nguyên văn của anh trong khi anh tức giận.

Thế là từ hôm ấy, từ giờ ấy, từ phút ấy, hai người bạn không nói với nhau một lời, không nhìn tới mặt nhau nữa.

Nghe Đạt thuật xong chuyện, tôi kinh hoảng bảo anh:

- Trời ơi! Nếu quả thế thì hai người đã giận oan nhau trong gần một phần tư thế kỷ nay rồi. Lỗi chỉ ở câu tiếng Pháp. Vì tôi chắc không có lý gì anh Phúc lại hót chủ để phản bạn ngay trước mặt bạn. Và câu Pháp văn của anh chỉ có nghĩa: “Thưa ông, nếu ông giao tất cả công việc cho Tảo thì Tảo nó không thể làm xuể được đâu”. Sự thực. Phúc chỉ có lòng tốt bạn.

Đạt cười đáp:

- Ừ, nhưng sao Phúc cũng giận, cũng thù Tảo?

- Lại cũng vì câu trả lời tiếng Pháp của Tảo. Phúc cho là Tảo nói xược mình, khinh bỉ mình ở trước mặt một người Pháp. Thế rồi hai người chôn sâu trong lòng những điều uất ức, không đem ra phân trần, bày tỏ với ai một người vì tính nết thâm trầm, một người vì tâm hồn khảng khái.

Đạt mỉm cười suy nghĩ rồi kết luận bằng một câu triết lý:

- Biết đâu những thù hằn sâu xa, to tát của người ta lại không có toàn những nguyên nhân nông nổi, vô lý như thế cả.

---------------------------

Bài liên quan
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.
  • ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Từ lời khuyên của nhà văn đàn anh Vũ Bằng: “Ông viết về nông thôn không bằng cụ Tố (Ngô Tất Tố), Nam Cao, ông nên viết về nông thôn kiểu Đôi Chim Thành.", nhà văn Kim Lân đã viết một loạt truyện ngắn phóng sự rất thành công in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy về nông thôn,  Ông Cản Ngũ, như loạt truyện khác của ông, đã lưu giữ cho đời sau biết được rằng; vào thời bị thực dân Pháp cai trị, dân ta dù bị áp bức bóc lột, vẫn có những hoạt động văn hóa, những kiến thức dân gian vô cùng sâu sắc.
  • ĐOẠN TUYỆT - Nhất Linh - Phần cuối

    ĐOẠN TUYỆT - Nhất Linh - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đoạn Tuyệt là truyện của nhà văn Nhất Linh, ra mắt vào năm 1934, đúng năm văn đoàn nổi tiếng nhất thời bấy giờ do chính ông thành lập là Tự Lực Văn Đoàn ra mắt. Đây là tác phẩm không chỉ đóng đinh về một tài năng văn chương Nhất Linh, nó còn tiêu biểu cho cả văn đoàn mà ông là chủ soái.