Nhà văn Nguyễn Tuân năm 1942 - Ảnh Atelier, trong cuốn Nhà văn hiện đại quyển III của Vũ Ngọc Phan
Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
III. Mưỡu cuối
Quê Tương, mùa xuân một năm tuổi
Kính gởi sư thầy Tuệ Không
Chùa Từ H…
Kẻ không đi tu này, muốn bạch cùng sư thầy Tuệ Không một vài điều để cùng luận với Nhà Chùa một thái độ về đời sống. Trước khi hầu chuyện Nhà Chùa, sư thầy cho phép chúng tôi nói chuyện với những độc giả cũ thân mến và trung thành của chúng tôi về thiên truyện bỏ dở đã.
Nhà Chùa cứ thỉnh xong hồi chuông chiều một trăm linh tám tiếng ấy đi thì chúng tôi sẽ trở lại với Nhà Chùa đấy.
Vậy là tôi đã đọc xong "TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC" trong một bụi lau cao, rừng tù kéo lê thê cái bóng chiều hôm thượng du. Tôi đọc chỉ có một hơi, say sưa đau khổ với người trong đoản thiên. Trong lúc đọc, có một người lính tập cầm súng bên, tầm mắt dán xuống một giải đường đỏ lượn dưới núi để xem hễ có Tây quản trại xộc lên khám công việc, thì ra hiệu cho tôi biết. Tôi đọc hết "TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC" thì kèn đồng trên lô-cốt đồn cũng nổi một hồi rôm-bê. Tôi phủi đất ở quần áo, đứng lên, lần về trại giam. Tôi thất thểu trên dốc núi, khuôn cái lòng mình vào tâm người trong tập đoản thiên giắt trong túi dết. Hình như chân tôi đang bước hộ ai đâu đây, theo một cái đà đi của người trong nhật kí. Phải, "TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC" chỉ là một tập nhật kí mặc dầu người viết nó không dùng ngôi thứ nhất lúc tự thuật, không ghi niên hiệu của biến cố và đã đổi hết tên người tên đất. Dưới tập vở viết, chỉ chua: "Georges Philippar, 1932". Tức là… Lịnh viết trên một con tàu bể chạy đường Cực Đông, sau khi bỏ ấp, xuất dương, làm bồi tần sống cuộc đời công nhân và truy tuỳ Cách Mệnh ở ngoài xứ. Chính chiếc tàu to lớn này, kì hạ thuỷ chạy đường Viễn Đông Thượng Hải đã tải rất nhiều khí giới của đế quốc gởi sang Thượng Hải để đàn áp Cách Mệnh Trung Hoa và chuyến về đã bị đốt cháy ở giữa Hồng Hải. Tôi ngờ Lịnh có dính vào chuyện Georges Philippar phát hoả, làm chết một nhà báo tâm huyết Albert Londres và suýt chết luôn một ông quan xứ ta đi đón một ông vua Bảo Đại về nước nhận ngôi. Tôi nhớ rằng nhiều lần Lịnh đã giảng kĩ cho tôi về các công tác phá hoại.
"TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC" đích là một quãng thiếu thời của Lịnh lúc còn mê man o bế cái sống cá nhân của mình. Trái với lời rào đón khiêm tốn của tác giả nói về phép hành văn, tập nhật kí diễn theo một lối thuật hoài đặc biệt đã đem đến cho tôi nhiều rung động hiếm có. Ra khi người ta đã có một cái tâm sự và lại thiết tha và lại chân thành khi gởi nó vào giấy mực, thì người ta chấp được cả sự tưởng tượng của ngòi bút lành nghề. Và Lịnh, nếu chỉ cứ chuyên nhất vào cuộc đời chính trị, văn nghệ bị thiệt thòi hẳn đi về nhiều nỗi.
Đi theo tốp lính áp giải về trại, đầu tôi còn ê ẩm vì không khí một cái ấp nuôi tằm trong nhật kí. Đấy là một cái ngục tối. Ấp Mê Thảo là một cảnh địa ngục mà lính canh là rượu, là hát, là kỉ niệm, là sự nhớ tiếc một người vợ chết. Ở tù, còn có thể vượt ngục được. Chứ đã ở đến cái ấp Mê Thảo ấy, có đủ tiền, có thừa rượu và sự chiều chuộng của đời sống dư nhàn thì chỉ còn có chết oan uổng ở đây thôi, chứ còn thoát li thế nào được. Vậy mà Lịnh đã xổng ra được. Để mà đang là một con số 2910 đi bước một xuống dốc núi, trước mặt tôi.
Tôi nhìn Lãnh Út - Lịnh - 2910 mà rờn rợn cho một cuộc đời. Tôi nhìn Lịnh như một người đã bị thần trùng bắt đi, tra khảo mãi không xưng mà rồi lại còn được trả về đời sống. Ghê thật! Một người đã được cuộc sống phong lưu bỏ tù vào cái vỏ cá nhân tự cưng dưỡng mình, một người đã chìm nổi về rượu suýt chết vì rượu và đã làm chết lây người khác bằng đàn hát sở thích, một người đã trối ngấy lên vì rượu vì nhạc dầm dề cơ thể, một người đã ốm những trận thập tử nhất sinh vì những cảm giác ma tuý ấy, người ấy có quyền nói câu này mà tôi nhớ mãi: "Nay tôi không sợ bắt bớ tù tội và tất cả sự đàn áp của kẻ thù mà tôi chỉ sợ người mời uống và rủ đi nghe hát." Tôi tin được câu nói ấy của Lịnh.
Lịnh đã đem những tuổi hoa niên cầm cố cho ma men, đã uống một bữa rượu dài ba bốn năm ròng, - mặt giời mặt giăng chỉ có kế tiếp triền miên mà rọi vào một cái cốc quen thuộc của con người ấy. Lịnh ngồi im sững trong không và thời gian đến nỗi bóng mình tụ thành vệt lên vách vôi, đã từng nghe người ta vừa hát vừa khóc và nghe người ta đàn đến cái mực hộc máu ra mà gục chết dưới gốc nhạc khí, đối với một người sa đoạ và sám hối như thế, cuộc đời còn nỡ đủ tàn ác và bất cố liêm sỉ để mời người ấy nghe lại một khổ đàn hoặc cầm một cái cốc nữa không? Nghe hát đến chết người, uống rượu đến suýt chết cả mình, đích là cái quá khứ Lịnh chứ còn là của ai vào đấy nữa!
Không phải là Lịnh thù oán gì tửu và nhạc đâu. Lịnh chỉ đổi đi cái đối tượng của mê mải - người Lịnh lúc nào cũng chứa nỗi say đắm một cái gì -và hướng dục vọng mình vào một phía mới nào nó rộng rãi và đúng nghĩa hơn. Lịnh vẫn là một người say cái Đẹp, say cái Say. Nhưng sau cái thời kì hỗn loạn của ấp Mê Thảo, giờ Lịnh là người tình nhân của Cách Mệnh, Lịnh chỉ nhận có những chén mà công cuộc trao cho, thưởng cho mỗi lúc phá một cái gì để dựng lại một cái gì. Những chén ấy, thường Lịnh uống cả cấn. Lịnh vẫn say như ngày xưa, nhưng không cần mượn đến cái thứ rượu tầm thường ta vẫn nhắp vào lúc vui lúc buồn hằng ngày. Trận say thứ hai này trong đời Lịnh - 2910, có lẽ đến lúc tắt nghỉ, Lịnh cũng không thèm tỉnh lại. Với cuộc Cách Mệnh Thường Trực của cuộc đời chênh vênh lạc nền tảng này, ai đã dám nói một câu chót?
Đêm ấy ở trại an trí, tôi châm đèn thức khuya hơn để đọc lại tập nhật kí của Lịnh. Mãi đến hai ngày sau, tôi mới trả Lịnh với một câu: "Dẫn rượu của đời sống vào cuộc đời bút mực đến một chốn hãi hùng như thế, chừng như cũng mới chỉ có anh. Bởi vì cái tâm sự của anh cũng dị thường lắm. Tôi muốn xin phép anh, mượn anh những tài liệu sống đó để sau này xây một chút không khí gì cho một thứ văn phẩm nào của đời tôi nghèo hẹp, anh có vui lòng không?" Không cần suy nghĩ, Lịnh dúi ngay tập bản thảo đó vào túi dết tôi: "2910 biếu luôn anh cả cái bản thảo rách bẩn này. Anh giữ lấy làm cái kỉ niệm của một lần gặp nhau. Anh muốn dùng nó làm gì thì làm… "TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC" sang tay anh cũng là phải. Vì xem chừng như anh cũng là nòi rượu, thích đàn hát và ưa bay nhảy lắm thì phải. Đời tôi đời anh, nếu tôi đoán không nhầm thì hình như cũng đã có nhiều đoạn đường song hành."
❖
Bạch sư thầy Tuệ Không,
Bây giờ tôi mới được hầu chuyện sư thầy về cái nghĩa sự sống sự chết trong đời người. Và tôi muốn cho một nhân vật trong "TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC" được đối chất ngay với sư thầy.
Ấy là Cô Tơ.
Và Cô Tơ, chính là sư thầy lúc này đó.
Cô Tơ, Tuệ Không, chỉ là một.
Cũng như Lãnh Út - Lịnh - 2910.
Nhà chùa không được chối, bởi vì Phật của Nhà Chùa bảo thế. Sư thầy bỏ Chùa Đàn, sư thầy tìm ra quét lá ăn mày sư tổ ngoài tỉnh Đông. Rồi sư thầy gởi mình ở Quỳnh Lâm, Dật Yên, ở Chùa Keo, chùa Dận, Yên Tử, Chùa Cói. Sư thầy tu, kể cũng đã tốn nhiều chùa! Đi tù về, tôi bận lòng về một tập nhật kí đem theo xuống núi và tôi đã cố dò tìm hỏi han về hành tung của sư thầy. Bằng cách gì? Đó là cái công phu riêng của người nghệ sĩ muốn tìm lại một cái kiểu mẫu người sống để đối chiếu mẫu cũ với một sự sáng tạo hiện nhiên của nghệ thuật. Nhà Chùa không thể hiểu được! Sư thầy chỉ cần biết rằng tôi đã bắt mối được với cuộc đời tiêu cực của Nhà Chùa. Sư thầy hãy gấp cuốn Kinh Hoa Nghiêm lại. Và ăn bớt của Phật một vài tuần nhang thắp, để cái thời giờ đó mà luận định lại một thái độ tư tưởng, - cùng với kẻ vô đạo này.
Vậy là trước khi đi tu để chối đời sống, sư thầy đã là con hát của một cuộc đời sông hồ. Và ở cái lãnh thổ này đang cần đi gấp đến sự thực hiện hoàn toàn của lịch sử và chưa qua được giai đoạn quốc gia, sư thầy không thể đùn cho ai mà không nhận lấy cái dĩ vãng ngày nọ của sư thầy, nguyên chỉ là một thái độ người thương nữ của bến Tần Hoài. Và ra điều rằng mặc mãi gấm vóc tơ lụa rồi thì bây giờ mặc sang vải cứng nhuộm nâu chăng? Ra điều rằng chán nơi tử các phồn tạp thì lại đi tìm cái mộc mạc lặng lẽ ngày nay để làm đối lập cho cái xán lạn ồn ào ngày trước, mà sư thầy đã quên quê hương sinh trưởng, quên tên thật tuổi thật, sư thầy đã vỗ đời sống để đem đổi tất cả thành ra một cái đạo hiệu? hoặc đi hát hoặc đi tu, riêng trong hai việc mặc và ở dẫn ra đó, có lúc nào sư thầy nghĩ đến những người đã cung cấp cho sư thầy những điều cần dùng hằng ngày ấy cho thể xác không? Có lúc nào sư thầy nghĩ đến một người thợ dệt - dệt tơ cũng thế dệt vải cũng thế, - một người thợ mộc một người thợ nề? - xây nhà gác cũng thế mà làm đình làm chùa thì cũng thế. Để trả để đáp đền lại cái công phu của bấy nhiêu con người ấy, sư thầy trước kia đã gõ một cỗ phách và bây giờ đang gõ một cái mõ. Trước là một tiếng trúc của con người không chịu cảm thông với thời thế, giờ là một tiếng gõ của con người đi trốn sống. Tôi không dám bảo rằng thanh âm không có giá trị trong công việc đổi chất của nhu cầu hằng ngày. Vì cho đến bây giờ, cái tiếng gõ của một đồng xu một đồng bạc, không những vẫn có chân giá trị của nó mà lại còn rất nhiều thế lực ở đời trao đổi nữa. Nhưng ở thị trường của đời sống, cái tiếng gõ mõ của Nhà Chùa quả đã vượt ra ngoài mọi ước lệ của giao dịch. Và cho rằng đã lập dị được trong sự ăn chay thì con người ta có quyền bắt đời sống tiêu cái thứ tiền giả đó sao? Thà sư thầy lại cứ là "cái Cô Tơ" ấy mà gõ cái tiếng tre đực như xưa, cuộc đời còn thấy thái độ ấy là có nghĩa hơn.
Nhân nhắc lại tên Cô Tơ mà tôi lại ngẫm thêm về cuộc đời của nhân vật ấy trong kí sự. Tất cả giá trị cả Cô Tơ ấy trong "TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC" là đã làm cho Lãnh Út tái sinh lại qua cái chết của Bá Nhỡ. Qua cái huỷ thể của một người đánh đàn, Cô Tơ đã là một cái cớ thiêng liêng để Lãnh Út thác sinh lần nữa vào cuộc sống. Cùng một lúc, làm chết một người đàn ông nhạc sĩ này để làm sống lại một người đàn ông nghệ sĩ khác đang li bì dìm mình trong nước độc, rồi cô ta lần đến một ngôi Chùa Đàn để mà tự tử dần - hay nói là đi tu thì cũng thế. Sao lại có thể vô lí như thế được? Vụ tự tử câu dầm lâu ngày ấy chưa đến đoạn chót hoàn toàn tắt thở. Vì cho đến lúc này, sư thầy vẫn còn ngồi ở dìa đời sống để nhai cái hạt lúa của cuộc đời tạo ra và để đánh dấu cho sự có mặt mập mờ của sư thầy ở cuộc đời, ngày nào sư thầy cũng nện mạnh một cục gỗ vào hai lúc lặn và mọc của mặt trời. Trước khi chết hẳn mà chữ Nhà Chùa gọi là tịch, về chỗ thanh toán một cái nợ áo và cơm - sư thầy tưởng ăn cơm không có thịt và mặc áo vải là không chịu không nợ chung quanh hay sao? - của cuộc đời, đời sống muốn sư thầy trả cho bằng những tiếng gì không phải là thanh âm mõ.
Bạch sư thầy Tuệ Không - nhất danh nữa là Cô Tơ.
Đối với đời sống cần phải sòng phẳng, thái độ của sư thầy là một chuyện đánh bạc gian và cái thời khắc biểu của Nhà Chùa chỉ là những ngày tháng của một bệnh nhân trầm trệ. Sự hô hấp của tăng già chỉ toàn có thán khí thôi, lúc hít vào cũng như là lúc thở ra.
Ông Phật bảo rằng muốn là khổ. Và muốn không khổ thì chúng ta nên giết chết những cái muốn đi bằng cái việc ta tự tử ta và cổ động điều đó thành một phong trào có hội sở hương khói ngày ngày, hồ bóp nén con người tình cảm chúng ta cho nó ngạt chết hẳn đi.
Lí trí của những người lành mạnh, trong nhân loại lại dạy rằng chúng ta còn khổ mãi thế này là vì chúng ta chưa thành đạt trong cái ý nguyện làm người của người đời. Chữ muốn, ta phải viết hoa nó lên. Cái Muốn ấy tức là Khoa Học, là những khoa học và rồi nó sẽ là cái thành công của Cách Mệnh.
Còn có dục vọng nào chính đáng sâu sắc rộng đẹp bằng ý thức của Cách Mệnh! Cái Muốn trong chủ định đi tới chỗ thành Con Người hoàn toàn ấy sẽ đặt ngay Nát Bàn ở giữa cuộc đời thật tại này để ta có thể dờ mó được. Vậy mà có những pho sách gỗ in đã bảo sư thầy nên diệt hết những dục vọng cao quý ấy đi để chạy theo một bóng hạnh phúc ở mãi chỗ huyền ảo nào. Ấy thế rồi sư thầy mặc áo thật của cuộc đời, ăn hạt gạo thật của cuộc đời để phản ngay đời sống bằng cái sống lộn sòng như thế đấy. Không thừa nhận đời sống để mà nắn chuốt lại đời sống theo những phép tắc xây dựng của thực tế, vỗ tuột công ơn của đời sống bằng một cái thái độ tiêu cực ấy, chừng như cũng chỉ có những người cũng một nhãn hiệu tư tưởng với sư thầy mới làm nổi được việc ngỗ ngược bất công đó thôi.
Bạch sư thầy Tuệ Không.
Đời sống là do chúng ta làm ra cả. Bây giờ nó còn hỗn độn, nó còn lệch vẹo. Nhưng một ngày tới, nó sẽ đẹp, nó phải đẹp, nó sẽ không là bể nước mắt như bây giờ mà nó sẽ là những công trường của vui cười. Để tới cái tương lai ấy, chúng ta có mặt ở cuộc đời để mà dính vào cái phần kiến trúc riêng của mình vào công việc xây dựng khổng lồ chung kia. Đằng này sư thầy trốn chạy cuộc sống bỏ đi ngồi riêng ra một chỗ để chuyên soi mói đến cái phần không hay của nhân loại và định tốt đẹp riêng lấy một mình. Đáng lẽ phải là một người thợ thì sư thầy lại đã đi tu. Đáng lẽ phải ngồi ở một cái nhà máy, thì sư thầy đã tìm một mái chùa. Niềm giác ngộ ấy, nếu có thành quả, thì lại càng đày sư thầy vào một tội vị kỉ. Nói theo giọng Nhà Chùa nữa, thì chúng sinh thế giới còn chìm đắm đông như cát sông Hồng Hà, sư thầy Tuệ Không định thành Phật với những ai? Một mình chăng? Trong "TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC", đã có một Cậu Lãnh Út biến cải thành một con số 2910. Để đăng đối với Lãnh Út - 2910, sao lại chỉ là Cô Tơ - Tuệ Không? Sư thầy có thấy thiếu hẳn sự cân đối giữa hai nhân vật chính ấy của CHÙA ĐÀN không? một đằng là sôi nổi sức sống, một đằng là dằng dặc những ám khí. Một bên là đường đưa vào dương gian, một bên là lối dẫn về cõi chết. Phải, sư thầy đang tự tử đó. Viết đến đây, bất giác tôi lại nhớ đến một cái tin vặt nhật báo nọ.
Số là có một thiếu phụ đã gặp điều bất mãn giữa cuộc sống mâu thuẫn này. Thiếu phụ đó đã bỏ cái nhà mình đến ở một cái nhà của ông Phật để trở nên một ni cô, nghĩa là trở nên một người ăn cắp gạo và vải của cuộc đời. Đời sống chưa kịp đưa sổ đến hỏi nợ ni cô về chỗ ăn mặc trong suốt một thời kì lẩn lút đời sống đó thì đùng một cái, không rõ vì lí do tình cảm gì, ni cô đã chấm dấu chót cho cuộc tự tử dần bằng một nhát dao. Tờ báo đã nêu việc ấy lên dưới cái đề: "Ni cô Mỗ đã quyên sinh!".
A Di Đà Phật, tôi đọc tờ báo mà muốn cười. Vì rằng chẳng cần đến cái mũi dao kia mà thiếu phụ ấy đã tự an táng mình khi đổi mình ra thành một ni cô rồi kia mà. Cái chết gây nên bởi mũi dao này, là một vụ tự tử lần thứ hai và nếu có đả động đến vụ quyên sinh ấy của người tu hành, có lẽ tờ báo kia nên thêm vào hai chữ lập phương nữa thì mới phải.
Sư thầy,
Tại sao tôi cứ đòi chen lấn vào những trang kinh nhật tụng của Nhà Chùa và giở lại những tờ dĩ vãng của Nhà Chùa? Đối với sư thầy thì Cô Tơ ấy đã được sư thầy mai táng và tụng kinh sám hối cho rồi kia mà!
Không, Cô Tơ ấy phải sống - nghĩa là sư thầy cũng phải tái sinh ngay lại vào cuộc đời thực tại này. Không cần phải đợi cho tóc mọc lại - vì cần kíp lắm rồi - sư thầy Tuệ Không hãy trở ngay vào cuộc đời đi. Hãy trả lại cho mái chùa cũ những câu kệ ngâm đã bao lâu nay. Hãy vứt lại cái mõ, cầm ngay lấy đoạn trúc xưa mà hát lên một bài cho xứ sở rung thêm lên nữa với công cuộc đang sinh thành. Trước mắt, quanh ta, Cô há chẳng thấy công cuộc đang tưng bừng đi tới. Và trên xứ sở này đang ngổn ngang những công trình xây dựng mới, có rất nhiều người thợ vấp ngã vì run rẩy vì bồng bột vì mệt nhọc vì vội vàng. Hãy hát lên, Cô Tơ! Cầm ngay trúc ra mà nhịp đi. Bắt cao giọng nữa lên. Cái lâu đài của Thị Trấn Ngày Mai chót vót mấy mươi từng, đỉnh đụng mây cao thế kia mà!
Cô hát lên những đau khổ những gian nan những lẩy bẩy những thí nghiệm những oan uổng bất đắc dĩ của Con Người và những cố gắng những hy vọng của cả hiệp thợ. Không việc gì mà dụt dè, Trước là một việc, giờ là một chuyện khác. Trước hát cho dăm bảy kẻ nghe trong một khung cảnh ích kỉ ốm yếu. Giờ hát cho cả một quê hương đang vi vu gió mới và lồng lộng một trời cao rộng chói loà.
Lịch sử đang chép những thanh âm của Cô đấy và đánh giá tiếng hát Cô ngang hàng với những tiếng nhát búa, nhát bay tiếng gặt hái của tất cả một thời.
Cô hát nhiều nữa lên. Lời đã có thời đại đặt hộ. Điệu cũng thế.
Cho tới ngày nay, chưa có cuộc Cách Mệnh nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát, Cô Tơ ạ.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com