Nhà văn Trung Trung Đỉnh trong một con ngõ ở đâu đó của Hà Nội
KHÚC DẠO ĐẦU
Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
Tôi không có ý định làm văn chương ở những cái ghi chép nhỏ về những chuyện tình trong ngõ Lỗ Thủng này. Bởi bấy lâu nay, giới văn chương nước nhà dấy lên một cuộc cãi lộn khá sôi nổi, về nhân cách của nhà văn. Một bên khen ông Nguyễn Huy Thiệp là viết hay, viết sắc sảo và trung thực. Còn một bên chửi ông Thiệp là đồ bịp bợm, ăn nói văng mạng, tục tĩu đểu cáng. Thậm chí có người, để chứng tỏ chính kiến của mình, đã tuyên bố rất hùng hồn rằng, loại văn sĩ như Nguyễn Huy Thiệp thì không có cách xử lý nào hơn là đem chém!
Tôi phải xin lỗi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, vì tôi chưa có dịp được gặp ông lần nào, cũng chỉ là mới đọc truyện của ông thôi. Truyện nào của ông được in ra tôi cũng tìm đọc. Và càng đọc, tôi càng phục ông. Thế mới biết cái sự khen chê ở đời lắm điều phức tạp. Nhưng cũng nên nghĩ cho nhẹ nhàng, cho giản dị, thì đó chẳng qua chỉ là quan niệm của mỗi người. Đến như ông Vũ Trọng Phụng hồi xưa, trung thực, sắc sảo là thế, vẫn có người tìm ra điều để mà chê, để mà trách nữa là.
Cái truyện mới nhất của ông Thiệp mà tôi được đọc là truyện "Cún". Tôi cứ hình dung chàng "Cún" của ông đang tồn tại trong ngõ Lỗ Thủng chúng tôi. Tôi sống ở ngõ Lỗ Thủng này có tới hơn chục năm rồi. Kỳ thực thì, nếu làm cuộc phỏng vấn, hẳn chẳng ai muốn mình phải sinh ra và lớn lên trong cái ngõ Lỗ Thủng tối tăm bùn lầy ấy. Thế nhưng, số kiếp con người ta nó cứ khác nhau. Khác nhau một cách ngang ngược, khiến cho bản thân chúng tôi, những người sống trong ngõ, lại không bao giờ tự đặt ra câu hỏi để mà trả lời. Có lẽ cũng vì vậy mà người ta mới cần đến thứ văn chương trần trụi, đời thường. ở ngõ Lỗ Thủng chúng tôi sống, toàn dân tứ chiếng giang hồ, sau ngày giải phóng Thủ đô, dạt tới đây, tụ lại đây trên một khu rác rưởi và lần mò kiếm sống. Công bằng mà nói, chính là nhờ có công trình xây dựng Thủ đô, cái công viên này mới được xây dựng. Có công viên lên rồi thì ngõ Lỗ Thủng chúng tôi mới được hình thành.
Có lẽ chỉ vì đời sống quá lam lũ, nên đám dân trong ngõ chúng tôi ít có dịp đặt vấn đề văn hóa ấy là nói lối sống văn hóa, chứ còn học chữ thì cũng có. Trẻ con trong ngõ thường cũng phải học hết lớp năm, lớp bảy rồi mới thôi. Cũng có người đi đại học, thành kỹ sư, bác sĩ, thành thầy giáo rồi. Nhưng những người thành đạt ấy thường nhanh chóng tìm cách thoát khỏi cộng đồng. Và lối sống trong ngõ thì vẫn dữ, ngày càng dữ, chưa hề có dấu hiệu gì khả quan. Ngay bây giờ tôi có thể dẫn bạn đi ngang qua một dãy nhà, ba phút, bạn có thể nghe rõ không dưới ba câu chửi tục. Rất tục. Tục tới mức không thể tục hơn thế. Nếu bạn tới đây lần đầu, hẳn bạn sẽ rất ghê tởm. Còn nếu bạn phải buộc ở đây một ngày, bạn sẽ rất kinh hoàng, chỉ vì phải chứng kiến những cảnh sống "không còn biết thế nào." Ai lại bố nói với con: " ...Mẹ mày?"- (tôi bỏ cái chữ đầu đi để bạn đỡ ngượng khi phải đọc nó, chứ còn tôi thì nghe quen rồi). "Mày là thằng mất dạy!" Con trả lời bố: "... Mẹ! Có ông mất dạy thì có. Có đứa... nào dạy tôi đâu?"- "A! thằng này khốn lạn, mày cãi lại ông hả?" - “Thì tôi hỏi ông, ông không mất dạy, sao lại đẻ ra tôi là thằng mất dạy?... Mẹ!" - Bà mẹ xen vào: "...Tổ mẹ cái thằng mặt... Ai bảo mày đem bán cái quạt có hai chục ngàn để lấy tiền uống rượu? Còn bai cái mồm ra cãi nhau với con!" - ấy là bà vợ mắng ông chồng chứ không phải chửi con đâu nhé! Cứ tưởng như họ sắp giết nhau không bằng. Kỳ thực chỉ là hơi bực nhau tí thôi. Mà cái sự bực nhau kiểu ấy có mà suốt ngày, hai bốn trên hai bốn, nếu như ngần ấy thời gian họ cùng có nhau ở nhà! Xin bạn chớ vội lo ngại, bởi vì bạn cũng sẽ được chứng kiến những cảnh tươi mát, ví như ngoài xã hội có cái gì, thì trong ngõ chúng tôi cũng không đến nỗi kém cạnh. Không phải chúng tôi không biết sống hoa lá cành đâu nhá. Có cả đấy! Có cả mừng sinh nhật các cháu bằng hoa hồng, bánh ga tô, mừng đám hỏi, đám cưới trầu cau. Nghi lễ, hương khói ngày rằm, mùng một, vòng hoa khi chết, nâng li, cụng chén đến nơi đến chốn vào dịp tết nhất, hội hè, lễ lạt. Tóm lại là có đủ, nhưng theo cái lối tiến hành riêng, cái cách biểu hiện riêng, cách thẩm định riêng. Và vì thế, chia buồn, chia vui cũng đặc sắc, âu yếm hay tức giận, không nhất thiết theo một lề thói nào. Tôi sống được ở đây không phải tôi tài giỏi gì. Là một anh nhà báo quèn, lại làm việc ở một tòa báo ngành, chẳng mấy ai để ý đến tờ báo lá cải ấy. Thêm nữa, tên tuổi tôi cũng chưa có gì đặc biệt nổi lên trong giới, và tôi được sống tự nhiên, ít ai để ý. Tôi sống độc thân, thỉnh thoảng mới về nhà. Mà cái nhà tôi mua lại là do anh Gù mách mối, thành thử chẳng ai dám đụng chạm tới tôi. Uy danh của anh Gù trong ngõ có thể xếp vào bảng A. Thật cũng khôi hài, một thằng lành lặn, khoẻ mạnh, có công ăn việc làm, đi Nam, về Bắc, ra sống, vào chết, lại phải núp dưới cái bóng của thằng Gù! Đây là lời bình luận của ông tiến sĩ, thư ký tòa soạn, người bạn già tốt bụng của tôi. Một hôm, vì có chuyện gì đó không vui với ông Tổng biên tập, tiến sĩ tới, nằm vật trên giường, vẻ ủ dột. Trời chệnh choạng tối, lại mất điện, lại cuối tháng, cả hai anh em cùng rỗng túi, tôi bèn rủ ông ra quán anh Gù ăn cái bánh rán, uống nước chè ghi nợ, tán chuyện tào lao. Cũng vì chán đời nên nhà trí thức thân yêu của tôi mới chịu nhận lời mời. Vừa thấy mặt tôi, anh Gù đã: "...Mẹ! Đi đâu mất mặt cả tháng?" - Tôi: "Đi cứt đâu? Đói!" - "...Mẹ! Mày khinh anh mày thì có!" - Tôi cười hì hì, kéo tay ông tiến sĩ ngồi xuống, giới thiệu với anh. Mới nghe mấy câu đối thoại thân tình của tôi với anh Gù mà ông tiến sĩ đã đỏ mặt. Chả biết ông đứng lên, ngồi xuống thế nào, động vào tay cô gái đang bưng chén rượu. Chén rượu rơi xuống chân cô ta. "... Mẹ thằng già!", cô ta chửi bốp vào mặt tiến sĩ. "Đồ vô văn hóa!", cô ta tiếp. "ấy chết! ấy chết! Tôi... tôi ... xin... xin lỗi!", tiến sĩ cuống quít. "Xin lỗi cái lỗ... Có rót đền người ta không? Đồ mất trí khôn, vô học thức!". Cả tốp mấy chàng trai cùng cười rộ lên. Tôi nhận ra Hạnh, cô láng giềng đáo để, liền quay lại vỗ đánh "bộp" một cái thật mạnh vào mông cô, chửi: "...Mẹ mày, thầy tao đấy". Hạnh quay lại, véo tai tôi: "Không lể anh, em cho lão cái tát!" Anh Gù ra lệnh: "Câm mõm?". Các chàng trai im bặt. Hạnh nhận chén rượu từ tay anh Gù, quay sang ông tiến sĩ: "Con mời bố!", cô nói từ tốn. Ông tiến sĩ của tôi nghệt mặt ra, không biết xử sự thế nào. Rồi ông đưa mắt cầu cứu tôi. Tôi cầm chén rượu, nói: "Rượu bất khả từ, xin ông anh chớ ngại. Cô ấy đã mời thì ta có bụng!". Tôi san chén rượu đưa cho ông một nửa: "Xin cụng chén chúc cô Hạnh ăn nên làm ra!" Hạnh cụng cùng chúng tôi, ngửa cổ uống hết. Ông tiến sĩ cũng nhăn mặt uống. Thế là tôi vào cuộc, còn ông tiến sĩ ngồi nói chuyện với anh Gù, ăn bánh rán, bánh mì phết bơ, hút thuốc lào vặt.
Sau bữa ăn uống hú hồn hú vía ấy, tiến sĩ bảo tôi: "Tớ phục cậu!" - "Phục gì?"- "Cậu bụi thật đấy!" - "Nhập gia tùy tục, không thế không được". Rồi tôi phải phân tích thêm cho ông tiến sĩ của tôi hay rằng, ông là đồ "vô văn hóa", đồ "vô học thức" một trăm phần trăm. Bởi vì ở chốn này, chúng tôi đang tồn tại một nền văn hóa riêng, nền văn hóa "Ngõ Lỗ Thủng". Nếu như tôi lỡ đánh đổ chén rượu của cô Hạnh, chắc chắn tôi xử sự khác: "...Mẹ mày cái con vô duyên, đi với chả đứng!" Hoặc: "... Mẹ con mặt..., đi với đứng thế hả?". Như thế mới là có văn hóa! Và chỉ có một cách ấy, Hạnh mới nhận ra bản chất của giới tính mình, cô ta sẽ lủi thủi nhặt cái ly lên, lủi thủi rót ly khác, và tự cô nhận ra lỗi thuộc về ai. Ở đây không có chuyện động cái là cám ơn với lại xin lỗi. Tất cả những thứ ấy đều trở nên lố bịch. Không ai xài thứ xa xỉ phẩm bừa phứa thế được. "ừ, cũng có lý...", ông tiến sĩ khen tôi triết luận khá là lôgich.
Sự thực thì đâu có phải như vậy. Cái thứ triết lý vặt của tôi đâu có đủ sức thuyết phục lẽ đời. Ông bạn tiến sĩ già của tôi thật thà và cả tin, nhưng ông không tự biết rằng, chính ông đang chết dần, chết mòn trong cái sự cả tin của mình ấy.
KHÚC MỘT
Trong văn chương nghệ thuật đã có nhiều người viết truyện, vẽ tranh, mô tả các anh Gù. Điều ấy tôi biết. Có lẽ các anh Gù được sinh ra ở trên đời này không phải chỉ để cho người ta kinh sợ. Tất cả những người bị tật nguyền đều có một cái gì đó đặc biệt tinh anh. Tôi đã thấy có một anh Gù trong rạp xiếc. Anh này rất lấy làm viên mãn sau mỗi lần diễn trò cùng chú khỉ. Và càng viên mãn hơn khi bàn tay to (thật hiếm có bàn tay nào to như thế) nắm được một nắm tiền lẻ mà khán giả hâm mộ ném tặng. Con khỉ thì coi đồng tiền cũng như cái rác, thành thử nó cúc cung tận tụy lượm tiền giúp anh. Trong số khán giả vô tư, chỉ cốt mua vui, có một người hét lên: "Ngu như khỉ! Ranh như Gù!" khiến anh Gù rạp xiếc bỗng dưng tự ái. Và thế là anh ta nằm co con tôm trên chiếc ghế đẩu, ông chủ rạp phải ra dỗ mãi anh Gù mới đồng ý diễn trò tiếp. Người ta kể rằng: anh Gù rạp xiếc nuôi được cả bố mẹ anh, cũng như nuôi cả rạp xiếc ấy, bằng cái sự gù của mình. Trong chương trình mà thiếu tiết mục của anh, khách vơi đi già nửa.
Số tiền bố thí của khán giả, anh Gù có quyền sử dụng, nếu bị tước đoạt, anh liền đình công! Tất nhiên anh cũng nhớ tới chú khỉ. Anh mười thì khỉ ta cũng được một phần.
Tôi cũng có dịp làm quen với một anh gù đi Honda, chạy mánh giữa Sài Gòn hồi mới giải phóng. Những bao cát tiền Bắc trong tay anh ta, như có phép màu giữa Bến Thành, chuyển giao cho đàn em, trong chừng hai tiếng rưỡi đồng hồ, tụ về nơi quán nhậu thành ra những bao cát tiền Nam. Rồi số tiền ấy lại được biến thành búp bê, khung xe đạp mà các chiến sĩ giải phóng coi như món quà nhất thiết phải có trước khi về quê. Anh Gù chở một xe Hon Đa búp bê nhấp nháy tới tận cổng doanh trại... Nhà anh ta là một biệt thự khiêm nhường trong xiệc. Cô vợ mặt hoa da phấn cùng ba đứa con, hai trai, một gái, chẳng đứa nào giống đứa nào. Cô cưng chiều anh ta tới mức lạ lùng. Cô đón anh ta từ ngõ, dắt xe vô nhà, dẫn anh ta vào buồng tắm, tắm cho anh, rồi đặt anh vào salon, với ly cà phê pha theo lối Pháp. Ba đứa con cùng cô vợ xinh đẹp rối rít tít mù quanh anh ta phục vụ, hỏi chuyện, và xoa bóp. Đó là lúc cuộc đời dưới mắt anh Gù sung mãn diệu kỳ.
Tôi có thể kể ra đây hàng chục anh Gù mà tôi được gặp, được quen. Quả tình tôi cũng không còn nhớ vì lý do gì mà tới đâu tôi cũng để ý thu lượm những mẩu chuyện chung quanh các anh Gù. Ví như chuyến công tác lên Điện Biên vừa rồi, dọc đường thấy có cái quán, mà người chủ quán là một anh Gù, tôi liền lưu lại. Anh Gù này cũng có một cô vợ khá múp míp, xinh xẻo, hai đứa con, một đứa tinh anh sắc sảo lạ lùng, nhưng tiếc thay, nó cũng bị gù. Còn đứa thứ hai thì chậm chạp, nhưng không thấy giống anh Gù tí nào. Anh ngồi đan rổ rá, giần sàng, nhanh thoăn thoắt, nhưng còn một cái tinh nhạy nữa, là anh có tài thẩm định vàng. Anh sống bằng nghề ấy từ khi có phong trào đào vàng trên miền ngược. Người ta đem vàng tới cho anh xác nhận. Anh chỉ nhìn qua, rồi phát luôn: Vàng chín sáu! Vàng chín tám! Đưa đây hai đồng (tức hai ngàn). Một ngày anh thử vàng ít nhất cho năm bảy người. Thế là cô vợ anh cứ việc xách làn đỏ chót xuống chợ mua sắm đồ ăn, thức uống...
Càng đi càng gặp lắm các anh Gù, sao tôi cứ thấy thương cho hoàn cảnh anh Gù trong ngõ mình. Trời đã sinh ra anh, cũng một con người, sao Trời không cho anh đôi chân để đi? Đã thế anh lại phải làm con ông lão Hượu không rõ quê quán mình ở đâu. Con người ta đến quê hương mà cũng mù tịt thì hỏi còn làm nên trò trống gì? Ông lão Hượu xích lô chắc thời trai trẻ cũng là tay bán trời không văn tự. Người ta kể rằng, ngày ngõ chúng tôi chưa được gọi là ngõ Lỗ Thủng như bây giờ, ông Hượu đạp cái xích lô, chở bà vợ ông cùng anh cả Gù, đổ xuống đống rác dưới gốc bàng, lấy chiếu manh, cành bàng dựng nên túp lều. ấy thế mà cũng thành ra một gia đình. Chiều chiều cái gia đình ấy cũng đỏ lửa nấu nướng, xì xụp ăn uống. Rồi ông Hượu cùng cái xích lô của ông đi kiếm ăn. Bà Hượu vùi con vào đống giẻ rách âm thầm ra hồ nước rửa ráy, rồi biến luôn vào bóng tối, bán thân kiếm sống. Sáng ra, cả hai người cùng phờ phạc trở về, cùng mở hầu bao tính toán. Bà Hượu đi chợ mua gạo, mua rau, nấu cơm nấu nước hầu chồng con. Ông Hượu ôm anh cả Gù đánh một giấc tới xế chiều. Rồi lại như thế, như thế... ngày qua ngày, cho tới cái đận Nhà nước hô hào lấp hồ, san bãi rác làm công viên, những gia đình kiểu như gia đình ông Hượu được gom lại, lấy cây bàng làm tâm, xây cho mỗi gia đình một gian.
Cái dãy nhà từ thiện chéo theo tường công viên hình thành. Nhà ông Hượu hóa ra đẹp nhất ngõ. Bà Hượu quay ra bán ốc luộc, cái thứ hàng một vốn bốn lời ấy đã cứu bà ra khỏi cảnh đi đêm. Và ông Hượu cũng được mở mày mở mặt. Chiều chiều trước bữa, có chén rượu với đĩa ốc. Sáng về ăn một bụng cơm rồi lăn ra ngủ. Sướng nhất đời rồi còn gì? Ông Huợu té ra cũng là người có chữ. Ông dạy thằng con ông học chữ hẳn hoi. Ăn ốc ăn khoai mà thằng Gù nhà ông sáng dạ ra trò. Ông dạy chữ nào là thằng Gù cũng thuộc ngay tắp lự. Đâu có vài tháng là cậu cả Gù đọc được sách. Ông kiếm Tam quốc diễn nghĩa về, cứ mỗi tối bắt Gù phải đọc cho ông nghe một hồi, trước khi đi làm. Gù ta thuộc lòng cả bộ Tam quốc chí. Rồi Thủy Hử. Rồi Tây Du. Vốn chữ trong đầu Gù phong phú. Gù có tài kể chuyện. Kể chuyện Tam Quốc ăn tiền. Mỗi hồi một hào. Đám dân trong ngõ, ai muốn nghe thì tới ăn ốc, uống rượu nghe Gù kể chuyện. Gù ngồi trên cái ghế con, một tay làm trụ, nghiêng người, xoay cái ghế một cái, ấy là Gù nhích lên rồi đấy. Gù đi bằng hai tay trên chiếc ghế. Chính vì vậy mà hai khối u trên hai vai Gù mỗi ngày một đầy lên. Nhưng mà hai cánh tay, bộ ngực của Gù thì thật là cường tráng. Gù có khuôn mặt trái xoan rất dễ ưa, thêm nữa, trên khuôn mặt ấy, đôi mắt Gù mở to, đẹp đến lạ lùng. Hàm răng, mái tóc là góc con người. Khuôn mặt Gù, hàm răng Gù, mái tóc Gù y hệt là của mẹ truyền cho. Khóe miệng hơi rộng với hàm răng đều tăm tắp. Cái trán hơi dô với bộ tóc đen như mun, mai trổ dài xuống, nom cứ như Lã Bố. Gù rất có ý thức về vẻ đẹp của mình. Không biết ai đã cho Gù mảnh gương, thỉnh thoảng vắng người, Gù lẳng lặng soi gương, tự ngắm mình. Ông bà Hượu có ý đặt cho Gù cái tên khác: Hùng hay Hoành hay Huy, nhưng Gù không chịu. Nếu đặt tên khác mà lành lặn được thì Gù cũng vui lòng. Đằng này, cái tên không cứu được Gù thoát khỏi hai khối u và nhất là hai cái chân nhũn nhẽo như hai cái đuôi trong ống quần thùng thình. Mẹ kiếp, không có nó thì thiên hạ bảo mình không có chân. Mà có nó, chỉ làm mình thêm khó chịu! Cái tên thì làm đếch gì. Hồi Gù còn bé, sao không đặt tên cho Gù là Hùng hay Huy đi? Con người ta không tự túm tóc mình nhấc lên khỏi mặt đất được. Thế thì cái tên chỉ là cái để mà gọi. Gù hay Hùng đã chắc gì hơn nhau. Gù cũng được. Thằng nào chê, con nào chê bố thì cút xéo. Ông Khổng Minh ông ấy dạy rằng: trong thiên hạ kẻ ngu lắm hơn người hiền. Mà đã ngu thì là ác, hay cũng gần kề với ác. Đã ác thì tâm không sáng. Tâm không sáng tức là hành động sẽ ám muội. Cái lõi của con người ta là ở trong cái tâm ấy vậy! Chứ còn cái tên, muốn gọi là gì mà không được? Gù thì cứ gọi là Gù không thể Gù mà gọi là Ngay hay Thẳng được!
Gù ta hay lý sự cùn như thế đấy!
Nhà ông lão Hượu hồi ấy làm ăn phát đạt hơn cả. Có điều không hiểu vì sao, bà Hượu cứ sinh con trai, đứa nào tới 5 tuổi cũng lại bỗng dưng bị chết! Trời không có mắt hay sao hả Trời? Có tới hơn 10 năm sau khi đẻ ra thằng Gù, mỗi lần nghĩ tới sinh đẻ là bà rợn tóc gáy. Con ơi là con, sao con lại thế này? Nhưng mà con là con mẹ. Các cụ đã dạy rồi: có đầu có tai, nuôi dai cũng lớn. Con lớn lên cũng thành thằng người? Cái thằng người kỳ quái khôn ranh... Cái thằng người kỳ quái cướp hết cả phần khôn của các em! Ôi chao là số kiếp con người? Thằng Hùng, em Gù bị chết vì ngã xuống hố vôi trước cửa nhà. Gù trông thấy mà không làm sao kêu lên dược. Miệng lưỡi cứng lại như có cái khóa, khóa chặt cả xương hàm, cho tới khi em Hùng chìm xuống! Rồi đến thằng Huy, cái thằng mới 5 tuổi đầu đã leo trèo như ranh. Không biết bằng cách nào nó leo được lên cây bàng, để rơi nhào cổ xuống, chết ngay trước mặt Gù! Mẹ lại sinh em Hy. Em Hy lớn lên, đẹp như một hoàng tử. Không thể có đứa trẻ nào đẹp hơn nó. Cái gì đẹp của bố mẹ là nó lọc lấy hết. Gù suốt ngày quanh quẩn cùng em, không cho nó đi chơi, không cho bước ra khỏi cửa. Cái năm em Hy lên năm tuổi, cả nhà cứ nơm nớp lo. Bà Hượu đi đâu một tý cũng phải dặn dò Gù trông em thế này, nhắc em thế kia. Mùa đông mưa phùn gió bấc, Gù ôm em Hy trên giường, kể chuyện tam anh chiến Lã Bố cho nó nghe. Kể thế nào mà rồi anh thì ngủ tịt, em mò dậy chơi. Cái bếp điện của nhà bị đứt dây, thằng bé mò xuống nghịch. Tiếng kêu của thằng bé dựng Gù dậy. Nhưng mà không kịp nữa rồi. Cái dây điện quấn vào người thằng bé, xòe ra những tia lửa. Gù lăn xuống đất, nhưng không nhích được lên vì cái ghế Gù để trên giường!
Đến khi hàng xóm biết, mẹ Gù về thì thằng bé đã được đặt lên giường, không ai hiểu bằng cách nào Gù đưa được em lên. Chính Gù cũng không còn nhớ được chi tiết của sự việc. Gù chui trong gầm bàn, nằm sâu trong xó tối. Người ta lôi Gù ra xỉ vả nó như một tên tội phạm. "Thằng Gù khốn lạn! Thằng Gù giết em!". Rồi ông Hượu về. Ông về vào lúc nửa đêm về sáng. Ông đang đạp xích lô, chở hai bà buôn, hàng hóa chất đầy, và họ trả ông hậu hĩnh, nhưng không hiểu sao, đạp được nửa chừng thì chân ông cứng lại. Ông thở không ra hơi. Có cái gì đấy cứ níu ông lại, không cho cơ thể ông hoạt động. Và ông đành phải gọi một anh xích lô đang ngủ trên hè phố, cho anh ta chở khách. Chính ông cũng không nhớ bằng cách nào ông đủ sức đạp xe về được tới gốc bàng. Người ông đổ xuống như một bao tải gạo, hất ra khỏi cái xe. Người ta xúm vào khiêng ông, đặt ông vào giường. Trong tiếng khóc khản đặc thảm thiết của bà Hượu, ông như kẻ mất hồn. Ông chồm dậy, cầm con dao phay, tìm thằng Gù. Ba bốn thanh niên ôm ghì ông lại. Người ta bế Gù trốn sang nhà cô Hạnh. Gù bị nhốt trong buồng như một con chó dại. Suốt một đêm, một ngày nữa, không ai để ý đến Gù. Người ta xúm xít lại lo cho đám tang em Hy. Gù trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, rồi lịm đi vì đói. Những ngày u ám ấy thật khủng khiếp, nếu như Hạnh không bất chợt bước vào buồng trút bộ quần áo bê bết bùn đất vừa ở nghĩa địa về. Cô thét lên một tiếng rợn người khi bàn chân vừa giẫm phải một vật gì nhùn nhũn: Gù nằm ngay sát cửa ra vào căn buồng bề ngang ba mét, bề dài bốn mét tối tăm, sặc mùi son phấn của Hạnh. Cô bế anh lên giường, lặng lẽ mua phở về đổ cho anh. Gù tỉnh dần và nhận ra mình đang ở đâu. Anh òa khóc. Đây là lần đầu tiên trong đời Gù khóc. Trong ánh sáng mập mờ của bóng điện bị chạm mát, tiếng khóc ư ử của Gù tạo nên cảm giác rờn rợn, khiến cô Hạnh không chịu nổi. "Khóc cái đéo gì" - cô nói, điếu thuốc thơm lập lòe trên môi. "Bố anh chết rồi!". Điếu thuốc vẫn lập lòe nguyên một chỗ. Gù không tin vào tai mình. Anh nhào xuống đất, hai tay cào cào vào không khí: "Cái gì cơ... Hạnh ơi!", anh nói, giọng lặng đi. Hạnh bắt chéo chân, hẩy hẩy tàn thuốc, nói: "Ông ấy treo cổ lên cây bàng, đêm hôm kia, khiếp bỏ mẹ!". Cô đứng dậy, xốc nách Gù, đặt anh lên giường. "Cho tao về,... mẹ chúng mày!", anh nấc lên.
Người ta bế Gù về, đặt lên cái ghế của anh, trong căn nhà nghẹt mùi hương khói. Mẹ anh chít khăn tang, đi lại như cái bóng. Gù ngồi ủ rũ trong xó tối, đầu óc mụ mị đi vì cái chết của em Hy và của bố. Sao lại có thể nhanh như thế được nhỉ? Bỗng anh chồm lên, lăn lộn trên nền nhà, gào la thảm thiết: "Ôi giời ơi là giời! Sao lại thế nhỉ? Hả? Sao bố tôi không giết tôi đi rồi hãy chết? Bố ơi là bố ơi! Bố bỏ con hay sao bố ơi...".
Người ta lại bế Gù lên giường. Mẹ anh ngồi bên anh, vuốt vuốt lại mớ tóc rối bù của anh. Anh ôm ngang lưng mẹ, ấm ức khóc. Đã lâu lắm rồi, mẹ chỉ quan tâm đến các em, vuốt ve các em, còn đối với Gù, chưa kịp gì mẹ đã mắng rồi. "Mày có cất quyển sách đi không, Gù!" - "Mày để mặt thằng bé thế này mà nom được à, Gù?". ấy thế mà đêm nay ngoài hai mươi tuổi đầu rồi, Gù lại được mẹ âu yếm, được mẹ vuốt ve. Bàn tay mẹ như có phép màu đưa Gù vào giấc ngủ...
Phải qua 49 ngày ông Hượu và em Hy, mẹ con Gù mới trở lại cuộc sống bình thường. Bà Hượu thôi không bán ốc nữa. Bà không thể bán ốc mà thiếu thằng Hy đòi mút những con ốc còi. Bà không thể bán ốc mà thiếu đĩa ốc để lên cái ghế đẩu, cạnh xích lô, nơi ông Hượu thường ngồi luôn trong lòng xe, nhấm nháp chén rượu, mút ốc, nghe thằng Gù đọc truyện. Nhưng chiều chiều, bà vẫn luộc ốc, cúng ông. Vốn liếng của bà cũng đã cạn rồi. Có được đồng nào bà đổ hết ra, lo hai cái tang cùng một ngày. Sớm sớm chiều chiều, bà lẩn thẩn chui qua lỗ thủng, nhận mua cá mè câu trộm của mấy người hàng xóm, đem ra chợ bán, lấy lời. Từ ngày ông Huợu và con chết, bà luôn nhận được sự giúp đỡ của mọi người, kể cả "mụ Còng phù thủy". Những ngày sau cái chết của chồng con bà, tối nào bà Còng, nhóm trưởng, cũng tới ăn trầu, nói chuyện nhà quê cho mẹ con bà khuây khỏa. Hình như có sự phân công nào đó của bà Còng, cứ tối tối, hôm nay nhà này, hôm mai nhà khác, cử người tới chơi, khiến bà quên hết mọi cuộc cãi vã đã từng diễn ra trong suốt mấy chục năm trời. Chưa bao giờ bà gắn bó với cái ngõ nhà mình như những ngày này.
Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra dễ thương như vậy.
Vào một buổi tối, bà Còng sang chơi, không phải với tư cách cá nhân như mọi bận, mà là, với tư cách của người cán bộ.
- Tôi đến để báo cho đồng chí từ mai chấm dứt việc buôn bán lậu cá mè, tiếp tay cho bọn ăn cắp.
Bà Hượu còn đang ngơ ngác chưa hiểu đầu đuôi ra thế nào, thì bà Còng đã nói luôn một mạch:
- Các đồng chí ở trên phường đã nhắc nhở nhiều lần rồi, ai còn câu trộm cá, buôn bán cá công viên, người ấy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Anh em nhà thằng Dũng Hào chúng tôi đã nhắc nhở nhiều lần, không nghe buộc tổ chức phải bắt đi cải tạo. Cả bố con nhà anh Lương nữa. Cái lỗ thủng ra công viên nay mai trên sẽ cho xây lại. Chẳng ở đâu như cái ngõ nhà mình, người ta đã đặt cho cái tên là ngõ Thắng Lợi rồi, không ai chịu gọi, cứ tự bôi xấu vào mặt mình, gọi là ngõ Lỗ Thủng. Thật chả còn hiểu ra làm sao cả.
Nói rồi, bà Còng quay ra không để cho bà Hượu kịp phản ứng gì.
Và sáng hôm sau, cả ngõ lặng đi vì cái dáng tất bật của bà Còng. Chính vì cái dáng tất bật ấy mà bao nhiêu người phải ra tù, vào tội... Cái biệt danh "mụ Còng phù thủy" được dân trong ngõ đặt cho không phải không có ý nghĩa. Tôi cam đoan với bạn đọc rằng, nếu làm cuộc điều tra: ai yêu, ai ghét bà Còng, chắc chắn số ghi ghét sẽ đạt tới mức mà nhà kiểm phiếu phải kêu lên: tuyệt đại đa số! Thế nhưng, trong các cuộc bầu cử người đại diện cho mình để làm việc với Phường, thì bà Còng luôn được bầu với số phiếu cao nhất!
Âu đó cũng là một điều lạ lùng, khó giải thích trong đời sống của chúng ta vậy.
KHÚC HAI
Từ sau cái hôm ra quán anh Gù uống nước chè ghi nợ về, ông già tiến sĩ của tôi nhìn nhận cuộc sống có vẻ thoáng hơn. Ông không quá ngạc nhiên trước những chuyện thường ngày trong ngõ nữa. Thậm chí ông có vẻ mê anh Gù. Số báo nào ra ông cũng đem tặng anh Gù ngay, và anh Gù cũng đón nhận một cách khá trân trọng. Sự thân tình giữa hai người đã tạo nên những bước ngoặt đáng kể về nhận thức. Ông tiến sĩ cho rằng giới trí thức nước nhà bấy nay trở nên u trệ, tù đọng, chính là vì mọi nhận thức đều chiếu theo những công thức có sẵn. Rằng ánh sáng của đời sống đã tới lúc đủ sức chiếu thẳng những tia cực mạnh vào trong cõi thâm nghiêm. Chính những tia sáng sắc nhọn ấy đã đánh thức các học giả, khiến họ có đủ bản lĩnh rũ bỏ bộ áo công chức yên phận. Tôi đã quá quen với lập luận hùng hồn ấy, và tôi im lặng. Sự im lặng của tôi đã kích thích ông. Ông đem tới cho anh Gù những bản dịch về triết học phương Tây, những luận điểm về cõi vô thức của Phrớt. Anh Gù tự biết mình không kham nổi những mớ kiến thức siêu phàm, nhưng anh rất lấy làm tự hào có một người bạn chân tình và uyên bác. Anh say mê nghiền ngẫm Sử ký Tư Mã Thiên và anh cho rằng tư tưởng "bất cơ" của Ngài đã giúp Ngài gần gũi thần dân, thấu hiểu nỗi bất hạnh của người đời.
Những cuộc đàm luận giữa anh Gù và ông tiến sĩ thường diễn ra bên chén rượu và đĩa lạc khi khách đã vãn, dưới gốc bàng. Ông tiến sĩ có ý gợi mở để anh Gù kể những chuyện vặt hàng ngày trong ngõ Lỗ Thủng. Quán nước anh Gù là nơi tụ điểm của mọi đầu mối éo le. Chuyện nhà ai anh Gù cũng thành thạo. Đây là vùng đất mới mà ông tiến sĩ của tôi nhập vào không phải khó khăn như trước đây ông vẫn hình dung. Và thế là ông bảo tôi đánh riêng cho ông cái chìa khóa, để ông có thể chủ động về trú ngụ lúc nào tùy thích. Tôi vui vẻ chiều ông. Sự thức tỉnh trong con người ông có thể nói bắt đầu từ chén rượu hôm nào cô Hạnh "mời bố" cùng với những cuộc tiếp xúc tiếp theo, ngày càng trở nên sinh động và hấp dẫn. Gương mặt ông trở nên sáng rỡ, và đặc biệt mỗi lần tới cơ quan, những định kiến vốn dĩ nặng nề trong cõi lòng bấy lâu dường như đã được gột rửa. Ông trở nên bớt cực đoan trong ứng xử: mềm mại và vị tha hơn đối với thói hách dịch vô lối của ông tổng biên tập mới, một người không có chuyên môn, vừa được bổ về tòa báo theo con đường tổ chức. Thực ra tổ chức bao giờ cũng chơi những quả bất ngờ đối với sự không ổn của dư luận quần chúng. Chẳng là dư luận thì luôn luôn hướng tới những mong muốn của đám đông. Người ta cứ ồn lên rằng, tiến sĩ sẽ được bổ nhiệm làm tổng biên tập thay cho ông tổng biên tập (cũ) sắp về hưu. Rằng, tiến sĩ là người nhân hậu, giỏi nghề, lại năng động. Rằng, thời nay đổi mới tư duy rồi, việc tiến cử những người chủ trì các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên môn, thế nào cấp trên cũng cho bầu tổng biên tập. Rằng các ứng cử viên phải trình bày các chương trình, kế hoạch của mình với sự bảo đảm bằng những biện pháp tiến hành cụ thể, nhằm đưa cơ quan tiến lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Vân vân. Mấy tổ phóng viên đều khấp khởi mừng, thậm chí chúng tôi còn "cố vấn" cho ứng cử viên của mình khá nhiều những chương trình kế hoạch mạnh mẽ và quyết liệt. Ông tiến sĩ của tôi cũng có vẻ hăng hái và tự tin. ấy vậy mà, đánh đùng một cái, ông Sĩ, tổng biên tập mới được điều về. Cơ quan tôi như một quả bóng bay bơm quá căng, xì một cái! Ông Sĩ vốn là phó ban thi đua của tổ chức công đoàn ngành, lâu nay là cộng tác viên loại ba của tòa báo. Thực ra cộng tác viên loại mấy, đối với cánh phóng viên chúng tôi cũng thế thôi, cái chính là anh ta có gửi tin, gửi bài, qua bàn tay nhào nặn của biên tập viên, thế là thành ra chữ ti-pô kêu ngân lên với những con số và chất lượng nhưng việc phân loại vẫn cứ là phân loại, phân loại để biết khả năng của từng cộng tác viên, từng khu vực đề tài, và phân công từng tổ nắm vững. Chính tôi đã đôi lần nhận biên tập tin, bài của ông Sĩ, nên tôi biết. Thực chất chưa bao giờ ông ta viết được một bài báo cho ra bài báo, thậm chí câu chữ cũng chưa chuẩn! ấy vậy mà ông ta ngồi trong cái xe con màu mận chín mang nhãn hiệu LADA của công đoàn, đỗ xịch trước cổng cơ quan, đầu đội mũ phớt, tay ôm cái cặp to bự, với cái dáng khá đẹp mã tới bắt tay lần lượt từng người. Hai ứng cử viên của chúng tôi, tiến sĩ Thái và phó tổng biên tập Sửu trở thành hai anh hề dẫn lối cho ông ta tới từng phòng để làm quen. Vì giận cái lối xun xoe cam chịu của hai ứng cử viên một phần, phần nữa, cũng do cái giọng rè rè, the thé của ông Sĩ cùng với cái bắt tay trịch thượng hững hờ của ông ta, khi tới phòng tôi, mà tôi trở nên thô bạo. "Cậu ở ban phòng nào?", ông ta hỏi. Và tôi trả lời xách mé: "Báo cáo tổng biên tập mới, tôi ở tổ chuyên biên tập bài và tin cho các cộng tác viên loại ba. "Nét mặt ông Sĩ thoáng biến đổi, nhưng chỉ là thoáng thôi. Ông ta vỗ vai tôi: "Xin bắt tay người lính chuyển ngành". Ông ta bắt lại tay tôi rất chặt, và tiếp: "Tớ cũng là lính."
Trưa hôm ấy tôi được đồng nghiệp đãi một chầu bia hơi với lý do : "Nổ phát súng đầu tiên!". Thực ra tôi đâu có ý định làm việc ấy, chẳng qua tôi là thành viên của cái cộng đồng lam lũ mà bấy nay người ta vẫn gọi là ngõ Lỗ Thủng. Quả tình thì, cuộc sống ở nơi này có ít nhiều ảnh hưởng tới tính cách của tôi...
* * *
Ngôi quán anh Gù, nhìn chếch sang trái khoảng bóng mát của cây bàng gió hun hút thổi, cứ như cái quạt tự nhiên, thốc từ góc công viên sang. Chiều chiều đám dân trong ngõ hết thảy đều ra đây, qua cái lỗ thủng để tiến hành những phi vụ của mình. Người câu trộm cá, hái trộm hoa, bưng trộm cây cảnh, hái trộm củi, cắt cỏ. Người bê mẹt ô mai, thuốc lá, kẹo cao su, bán cho các đôi nam nữ ngồi ghế đá. Lại cũng có người chờ cho nhá nhem tối, vào đó hành nghề son phấn. Cái lỗ thủng chính là cửa ngõ mở ra với thế giới bên ngoài. Nó chấp chới xuềnh xoàng, nó nham nhở, hôi hám vì cái rãnh nước chạy dọc theo tường công viên đen ngòm bốn mùa, uế tạp bốn mùa. ấy vậy mà nó linh thiêng, linh thiêng tới mức, giờ đây nó được tồn tại như một vật thiêng liêng của cộng đồng, tựa như cây duối, cây đa cùng với những huyền thoại về con rắn hói đầu, con ma đói lập lòe trong đống rác của làng xã. Chiều hôm về khuya, trăng sáng, tôi tựa gốc bàng, giả như đang lắng tai nghe những câu chuyện tâm tình của hai nhà triết học (tôi gọi ông tiến sĩ và anh Gù như thế). Nhưng thực ra, tâm tưởng của tôi lại để ở nơi khác. Tôi nhớ những ngày chiến đấu cam go ở thành cổ Quảng Trị. Cũng chỉ có mỗi cái lỗ thủng - có thể ví như thế - mỗi cái lỗ thủng. Vậy mà từ đó toát lên bao nhiêu ý nghĩa lớn lao của cả một chiến dịch chiến lược, tài trí của người chỉ huy cùng binh sĩ cả hai bên đối đầu. Lính ngụy chết dưới chân nó không biết bao nhiêu mà kể. Chiến sĩ ta hy sinh vì cái lỗ thủng ấy không biết bao nhiêu mà kể. Tướng tá ngụy rớt lon, các cấp chỉ huy ta cũng có người mất sao, mất gạch, chỉ vì nó, cái lỗ thủng! Cái lỗ thủng, nếu không có nó, liệu đám dân trong ngõ chúng tôi tồn tại bằng cách nào? "Nó sẽ bục ra một lỗ thủng khác!", đó là lời ông tiến sĩ. Và tôi cho rằng ông nhận định đúng.
Mấy chục năm nay, cái lỗ thủng của ngõ chúng tôi được che khuất khách đi đường bằng lùm găng và đống rác lúc nào cũng chất ngang thắt lưng người. Sự bố trí ngẫu nhiên ấy, tạo nên cảm giác yên tâm cho nhà chức trách, nhất là đồn công an phía bên kia đường cái, chếch hướng tay phải quán anh Gù. Thực ra chung quanh công viên, không phải chỉ có mỗi cái lỗ thủng. Nhưng cái lỗ thủng của chúng tôi mang một ý nghĩa khác. Nó chỉ được tạo nên, dành riêng cho "khách quen". Tất nhiên, lượng "khách quen" mỗi ngày một đông. Và các mâu thuẫn chính là bắt nguồn từ cái sự tăng nhanh ấy! Đã không biết bao nhiêu lần người ta yêu cầu bà Còng chỉ huy dân ngõ, xây bít cái lỗ thủng. Tất nhiên, nguyên vật liệu được Phường chi kinh phí được phường cấp. Nhưng sự chỉ huy của bà Còng đối với cái ngõ toàn dân thất cơ lỡ vận này, chỉ là để cho có hình thức.
"Bà Còng chỉ huy công trường
"Gạch đem làm bếp
"Xây tường bằng xỉ
"Bà Còng ngồi khóc tỉ ti
"Gạch ơi gạch hỡi gạch đi đường nào...
Cũng tự nhiên như mỗi lần xây bít, mỗi lần chọc thủng, lũ trẻ trong ngõ nhanh chóng có một câu vè, bài hát để nắm tay nhau diễu qua nhà bà Còng mà trêu chọc.
"Gạch cho không
"biếu không!
"Công trường đã mở đây rồi.
"Gạch cho không
"biếu không!
"Biếu không thì ta cùng đi
" Tí ti ti ti ti tì...
Hoặc:
"Mụ Còng phù thủy
"Dạy khỉ xây tường
"bắc loa ễnh ương
"Bắc giường ra ngủ
"Bắc củ ra ăn
"Ôm chăn mà đắp
"ù à ù ập...
ù à ù ập. Đó là kết quả ai cũng biết trước, kể cả cán bộ trên Phường, mỗi lần ký quyết định xây bít lỗ thủng. Nhưng đó là công việc của chính quyền địa phương, là trách nhiệm và nghĩa vụ. Thực ra, việc này không phải chỉ có bà Còng chỉ huy. Đối với dân ngõ, ai chỉ huy cũng thế. Đã một vài lần Phường cử lực lượng về canh giữ hăm bốn trên hăm bốn. Sau khi tường khô, còn cử hai đồng chí công an, tay cầm dùi cui, đi đi lại lại thêm một thời gian nữa. Nhưng chả lẽ phải cử người đặc cách trông coi cái lỗ thủng? Không được! Làm thế chả hóa nhân dân không biết làm chủ, không biết bảo vệ của công? Nhất định đồng chí Còng phải cử thanh niên hoặc giao trách nhiệm cho mỗi gia đình trông coi một vài ngày! Oái oăm thay, cứ có các đồng chí công an gác, bức tường nghiêm ngắn ấy trở nên nghiêm ngắn khác thường. Nhưng chỉ cần sơ suất một tí, thế là những viên gạch cứ như có phép thần, bỗng dưng bục ra một lỗ nhỏ. Rồi một viên, hai viên, cứ từ từ bục ra, khiêm tốn và quyết liệt. Một ngày, hai ngày, loáng một cái, hình thù cái lỗ thủng lại trở về như cũ. Không to hơn, nhưng cũng không nhỏ hơn. Và thế là luồng gió hút trong công viên không còn phải vất vả trườn qua tường mà cứ việc thốc thẳng một đường chéo qua quán anh Gù!
"Ve vẻ vè ve
"Cái vè xây lỗ
"Xây rồi lại đổ
"Đổ rồi lại xây
"Thách cả thằng Tây
"Thách thêm thằng Nhật
"Biện pháp bí mật
"Biện pháp công khai
"Hết đêm lại ngày
"Hết ngày lại tháng
"Rộng bằng cái háng
"Cao bằng cái đầu
"Nhìn trước nhìn sau
"ù à ù ập...
Ngày tôi về đây, quán anh Gù đã có rồi. Nhưng nó còn sơ sài lắm. Vài ba cái bàn con, ghế con bằng gỗ tạp, ly tách loại xoàng, mặt hàng chủ yếu là chè chén, lạc rang và các loại kẹo màu, bánh rán, bánh mỳ, bánh xu xê, bánh gai, các loại thuốc lá, thuốc lào. ấy thế mà khách đông. Quán nghèo, khách cũng tuyền khách nghèo. Chủ yếu là đám người trong ngõ, cánh sinh viên của một trường đại học về quê, ghé chờ xe ngoài phố. Cả các bác thợ mộc bên xưởng gỗ, cánh công nhân vệ sinh, bọn thanh niên đầu trộm, đuôi cướp tụ tập nhau đánh bài ăn thuốc lá ba số... Bà Hượu già nua, lẩm cẩm, nhưng được cái sạch sẽ. Bà cặm cụi lau rửa các thứ suốt ngày. Từ khi ông Hượu chết theo các con, bà thôi bán ốc, chuyển sang buôn bán cá mè câu trộm của mấy người lối ngõ. Rồi dịch vụ buôn bán cá mè ranh ấy cũng không còn thích hợp được với tuổi cao sức yếu. Không thích hợp với sự nhắc nhở thường xuyên của bà Còng, bà quay ra bán khoai lang, khoai sọ luộc. Hồi đó, chưa tính ra chuyện làm ăn, Gù ta nằm khan ở nhà, đọc sách tạp nham. Anh không chịu nổi cái cảnh cứ chiều chiều, mẹ anh thắp hương, lầm rầm cúng khấn. Không khí căn nhà u ám, nặng nề với mùi hương rẻ tiền, lòng anh rầu rĩ vô cùng. Bỗng một hôm, anh nằm trên cái xích lô, tài sản lớn nhất của bố anh để lại, nhìn lên đám lá bàng xòe tán sum sê, màu xanh ngùn ngụt, Gù cảm thấy phấn khích. ý nghĩ bán cái xích lô lập quán nước bắt đầu từ đó. Những ngày tiếp sau, anh thường ngồi trên bực cửa nhìn chéo sang phía bên kia đường, nơi ấy là quán nước nhà hàng phố, càng kích thích anh. Anh nhẩm tính số lượng người ra vào phía cổng trường đại học, phía đồn công an, những tốp công nhân nghèo bên xưởng gỗ cùng với mấy chị công nhân vệ sinh thỉnh thoảng lại ghé vô ngõ hẻm xin nước uống. Rồi cả thằng Nghẽo vác cái đầu to tướng trên cái cổ mềm oặt, trên cả cái thân hình mềm oặt, đẩy chiếc xe bốn bánh con con, chở hai thùng nước, ngày ngày ẽo ọt diễu qua cửa, sang bán cho cô Hạnh, bán cho những nhà lỡ không lấy được nước ngoài vòi công cộng, kích thích Gù. Đến cái thằng Nghẽo mà cũng kiếm ra nghề để sống! Gù tự nhiên thấy mình còn khá hơn nó. Hơn nó là cái chắc! Hơn ai chứ hơn thằng Nghẽo khốn khó ấy, đâu phải là niềm tự hào của anh. Nghe đâu thằng ấy cũng chỉ còn hai bố con. Bố già, con thì tàn tật! Thằng anh cả nó Gù biết. Chỉ được cái xác to khỏe nhưng lại ngu đần, lấy phải con vợ đành hanh, hai đứa đánh bạc thua chổng vó, bỏ bố già mù lòa cùng thằng em Nghẽo chạy ăn ngoài chợ giời, thành thử thằng Nghẽo phải nuôi bố. Nó còn nuôi được bố nó nữa là mình! Mấy năm trước đây, chưa bao giờ cây bàng trước cửa nhà anh tươi tốt như thế này. Nhìn lên cây bàng, nhiều lúc Gù hốt hoảng nhớ tới cái chết của em Huy, cái chết của bố. Những cành bàng chĩa ra nhức nhối, nhung nhúc những con sâu róm năm nào, gợi cho Gù cảm giác rờn rợn. Hình như Gù có đọc được ở đâu đó người ta nói: trồng cây, nuôi thú thích hợp với tuổi già thanh cao, nhưng cũng lại rất ngại cho người làm ăn, buôn bán. Cứ nhìn cây là biết vận hạn nhà mình. Cây tươi tốt thì phải tranh thủ mà tiến tới. Khi cây héo, thú ốm, tức thì trong nhà không ổn. Có lẽ cái vận hạn xúi quẩy nhà mình đã qua rồi, thành thử cây bàng mới tốt trội lên thế. Gù âm thầm nuôi chí, chờ ngày giỗ bố, anh bảo mẹ sắm một mâm cỗ thịnh soạn đặt lên bàn thờ, thắp hương dưới gốc bàng, ngoài hố vôi, rồi mời bà Còng, cô Hạnh sang dự. Chuyến này anh quyết ra tay, làm lại cuộc đời. Những nén hương cong vút, đều tăm tắp, báo có điềm lành, khiến anh càng tự tin. Cô Hạnh, bà Còng, hai người vốn rất ghét nhau, nhưng cả hai người không thể thiếu trong ý định của anh. Và anh cứ thản nhiên mời. Hai người được mời không thể từ chối. Họ cùng ăn mặc trang trọng, nền nã sang nhà Gù. Cô Hạnh đặt lên bàn thờ một đĩa hoa cùng với tờ bạc năm ngàn. Cô lặng lẽ thắp hương, đứng chắp tay cúng rất lâu, rất thạo. Ba nén hương của Hạnh cũng cháy đều, cong vút. Rồi đến bà Còng. Bà cũng mang hương hoa, trầu cau đặt lên bàn thờ, trịnh trọng sửa áo, trịnh trọng bật diêm, thắp hương. Bà chắp tay khấn, rồi quỳ thụp trước anh linh của người đã chết. Bà lầm rầm cầu khấn cho tới khi ba nén hương của bà Còng cũng cong vút. Chuyến này ắt bố và các em sẽ phù hộ cho mẹ con Gù. Cả nhà hạ cỗ, cùng ăn uống vui vẻ. Gù và cô Hạnh uống rượu còn bà Hượu và bà Còng móm mém nhai các món ăn, gắp cho nhau, chị chị em em ấm cúng và thân thiết. Chẳng mấy khi có dịp sum họp ngồi với nhau cởi mở thế này. Bà Còng và cô Hạnh hôm nay đều tỏ ra đại lượng, quên những chuyện vặt vãnh thường ngay. Hạnh mời bà Còng rất lễ phép. Cô gọi bà, xưng con, như thể bấy nay hai bà con chẳng có chuyện gì. Bà Còng cũng không gọi Hạnh là "đồng chí" nữa. Chỉ riêng có bà Hượu là cứ thui thủi, vui là vui gượng, nét mặt bà vẫn cứ u ám âu sầu.
Cỗ tàn, hai bà già ngồi ăn trầu, Gù và Hạnh vẫn cứ ngồi uống rượu. Câu chuyện lần về quá khứ đau thương buồn thảm của hai bà già đã khiến cô Hạnh mất hết cái hung hăng thường có. Hai khóe mắt Hạnh đỏ hoe, rơm rớm nước. Bà Còng kể rằng ngày xưa bố cô Hạnh là người phúc đức, chỉ thích giúp người. Cứ động thấy ai có việc gì là ông sà vào giúp. Giúp xong, tịnh không tơ hào của ai nửa đồng xu. Đố ai mời được ông chén nước, điếu thuốc. ấy thế mà rồi cái số khổ vẫn hoàn khổ. Ba mươi bảy tuổi đầu đã mắc chứng bệnh ung thư, lại muộn vợ, muộn con, cả ngõ đưa tang ông cụ đều khóc. Rồi cái đận mẹ Hạnh đi bước nữa, gặp phải người không ra sao, lại bỏ về ngõ, rồi lại đi thêm bước nữa, lôi con bé con theo cái kiếp hồng nhan bạc mệnh của mình chán rồi lại quay về... Rồi chết!
ở với nhau mãi mà hôm nay anh Gù mới tỏ tường hoàn cảnh Hạnh, người con gái lâu nay chỉ toàn phải mang trăm thứ tiếng tăm. Nhưng thôi. Miệng lưỡi người đời đã bao giờ sạch sẽ đâu! Con người ta được sinh ra, ai cũng cần sống cả. Và đã sống tất phải có sĩ diện của bản thân. Thế nên, ai cũng cố tìm ra cái để mà trông đợi, để mà tự hào. Hoàn cảnh càng éo le, người đời càng chú ý, càng bình luận, bình phẩm. Nhưng khốn thay thói đời vẫn thế, người ta có cần gì biết đến nỗi chua xót sâu xa của kẻ khó. Con người ta sống được là phải biết bơ cái sự bình phẩm ác mồm, ác miệng ấy đi. Người ta tồn tại được, trước hết phải vì chính con người mình. Biết đâu cái thằng Nghẽo khốn nạn, dở người, dở ngợm kia, nó cũng có cái vinh cái nhục của nó. Nếu không, suốt ngày nó cứ vác cái đầu to tổ bố ấy, nghễu nghện đẩy cái xe nước tới từng nhà để làm gì? Nếu chỉ cần có miếng ăn không thôi thì thà chết đi còn hơn. Đúng thế. Rõ ràng là thế. Cả cái ngõ này, ai cũng thương hại nó, và ai cũng ngợi khen nó. Nó còn nuôi được bố, huống hồ...
Nghe tiếng khóc thút thít của Hạnh, anh Gù cảm thấy hãnh diện, niềm hãnh diện ngấm ngầm, man mác một nỗi buồn. Hạnh âm thầm thu dọn mâm bát cùng bà Hượu. Bà Còng ngồi nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng đưa vạt áo lau nước mắt. Gù pha ấm trà thật ngon, đu người lên cái ghế tựa của mình, sát bên bà Còng. Đợi cho mẹ và cô Hạnh từ trong bếp bước ra, anh mới bắt đầu nói ý định của mình:
- Hôm nay cháu có mấy nhời muốn nói với bà. Hoàn cảnh nhà cháu chả phải nói bà cũng biết rồi. Cháu cứ nghĩ mãi mà vẫn chưa dám làm. Nay nhân ngày giỗ bố và em cháu, cháu định đem ra bàn, xin bà cho cháu được coi bà là người thân cận.
Bà Còng đủng đỉnh nói:
- Anh cứ việc phát biểu.
Gù hắng giọng tiếp.
- Cháu muốn bán cái xích lô của bố cháu để lại, lấy vốn làm ăn.
- Anh hỏi ý kiến bà lão chưa?
- Dạ chưa.
- Thế anh định lấy vốn làm gì?
- Cháu lập quán nước.
- ấy chết - bà Còng giãy nảy lên - Quán xá ở đây thế nào được? Phường đang phát động phong trào làm sạch đẹp đường phố, cấm ngặt các gia đình lập quán vỉa hè, anh không biết à?
- Nhưng cháu lập quán tại gia, với lại hoàn cảnh nhà cháu thế này...
Bà Còng gật gù:
- Chỉ có ba đối tượng ưu tiên: gia đình liệt sĩ, thương binh, cán bộ già cả về hưu. Nhà anh lại không có trong diện ấy.
Hạnh xen vào:
- Bà nói ngang bỏ mẹ, anh Gù thế này làm sao đi bộ đội để có được cái tiêu chuẩn ưu tiên của bà?
Bà Còng thõng chân xuống đất, quơ quơ đôi dép, nói:
- Đồng chí bảo ai nói ngang?
- Tôi bảo bà nói ngang đấy - Hạnh trở nên đanh đá - Bà tưởng bà ghê lắm đấy à? Nghe bà thì có mà chết đói!
Bà Còng không vừa;
- Mày đừng già mồm, bà thì bà nói cho cái ngữ nhà mày biết, trong sổ đen có tên hết những đứa bán trôn nuôi miệng, nay mai rồi đi cải tạo mọt gông, đừng trách bà!
- Tôi thách bà đấy!
Anh Gù nháy mắt ra hiệu cho Hạnh thôi không nói. Rồi anh nắm tay bà Còng lễ phép:
- Cháu tưởng hôm nay vui, hóa ra lại buồn. Bà và cô Hạnh đều nóng tính quá. Cháu nghĩ thế nào bà cũng ủng hộ mẹ con cháu. Chí ít bà cũng làm ngơ. Chỉ cần bà làm ngơ thôi... Mọi sai trái với phường cháu xin bà cho cháu nhận.
Bà Còng nói, giọng rầu rầu:
- Tôi mà không nghĩ tới cái tình cũ nghĩa xưa, thì ở đây ối đứa vào tù. Thời buổi bây giờ, nứt mắt non ra đã láo toét, vuốt mặt không nể mũi.
Anh Gù lại phải nhăn mặt ra hiệu cho Hạnh im. Rồi ngọt nhạt:
- ở cái ngõ Thắng Lợi này, không có bà thì có mà loạn. Cháu biết thế nên cháu mới phải hỏi ý kiến bà trước. Bà cho thì cháu được nhờ. Bà không cho cháu cũng phải chịu. Cháu chỉ làm cái quán nhỏ thôi, bán vài chén nước chè, dăm ba điếu thuốc, nói thật với bà, trông còn đẹp hơn mẹ cháu bê mẹt khoai lang với lại ngô luộc ra cửa...
- Thôi được anh để tôi hỏi các đồng chí trên phường đã.
- Phường là bà chứ còn ai ở cái ngõ Thắng Lợi nhà mình nữa. Bà phúc đức cho con cháu nhờ.
Bà Còng được Gù gọi mình là phường, lại nhắc tới cái tên ngõ Thắng Lợi thì lấy làm vừa lòng lắm. Tuy nhiên không phải bà ủng hộ ngay. Bà đứng dậy, cái lưng bà gập xuống, lọm cọm bước ra cửa, nói:
- Thôi chào bà lão, tôi về. Anh làm gì thì làm, nhưng chớ có ầm ĩ quá, trăm tội tôi lại phải chịu...
Bà Còng đi rồi, Hạnh bĩu môi một cái rõ dài, nói với anh Gù:
- Việc đếch gì phải lịnh mụ Còng phù thủy. Em không ngờ anh mà cũng hèn thế. Em nói thật, phường chứ quận em cũng không sợ. Anh muốn kiểu gì em cũng chiều.
- Em bảo anh lập quán có xứng đáng không?
- Có thế mà cũng phải bàn. Anh làm đơn đi, mai ngồi vào xích lô, em chở lên phường xin thủ tục, chỉ trong nháy mắt. Rồi anh em mình ra thẳng chợ giời sắm các thứ, gọi khách về đẩy cái xích lô nhà anh đi.
- Phải đẩy xích-lô trước mới có vốn chứ.
- Em cho anh mượn.
- Làm thủ tục nhiêu khê bỏ mẹ, đâu phải chuyện dễ.
- Chứ lại chả dễ! Thằng cha Tửu chủ tịch, con dê cụ ấy cứ thỉnh thoảng lại mò đến em, ẽo à ẽo ợt như thằng chết rồi mà còn máu. Em cho "tuột xích" tại trận, méo mặt!
- Thôi đang chuyện nọ xọ chuyện kia!
- Thế ai bảo anh muốn biết?
Gù đớ mặt nhìn Hạnh. Trong lòng anh cảm thấy giận, giận đến run lên, nhưng giận Hạnh hay giận cái thằng cha Tửu dê cụ nào đó thì anh không phân rõ được. Hạnh cười rúc rích, hình như nhận ra rõ ràng trong đầu Gù đang nghĩ gì. Cô nhìn trước nhìn sau, không thấy bà Hượu đâu, liền cúi xuống, ôm ghì đầu Gù, áp vào ngực mình. Gù bàng hoàng luồn tay lên ngực cô. Hạnh nâng mặt anh lên, nói tỉnh khô:
- Không được mất trật tự!
Rồi cũng nhanh như động tác ôm đầu Gù, cô hôn ập vào môi anh, lút lưỡi.
Gù run rẩy chặt cổ Hạnh. Nhưng Hạnh đã kịp buông anh ra, chí vào trán một cái:
- Thôi em phải về đây, sáng mai cứ thế nhá.
Gù thẫn thờ một lúc, đến khi xoay được người thì không còn trông thấy Hạnh đâu nữa.
* * *
Lần đầu tiên trong đời Gù cảm thấy cuộc đời có nhiều cái hấp dẫn đến bàng hoàng cả người. Sự kiện bất ngờ tối nay khiến anh trằn trọc mãi không ngủ được. Anh thả mình xuống ghế, nhích dần, nhích dần ra cửa. Mẹ anh đã ngủ rồi. Cả cái ngõ Thắng Lợi hay Lỗ Thủng này cũng đã ngủ mê ngủ mệt rồi. Ngủ làm gì nhỉ? Mình sẽ thức suốt đêm nay, chờ sáng. Sáng mai Hạnh sẽ đến, hai đứa sẽ lên phường. Mới chỉ nghĩ tới đó Gù đã cảm thấy sung sướng lắm rồi. Anh ngồi im phăng phắc, he hé cánh cửa, lắng nghe tiếng động tĩnh phía cuối dãy, nơi ấy có một căn phòng sực nức mùi đàn bà, con gái. Hạnh đang làm gì? Chắc gì cô ấy đã ngủ được. Có khi Hạnh cũng đang nghĩ tới anh. Nhưng nếu không ngủ được thì cũng phải đi ra, đi vào, hoặc có tiếng động chứ. Đằng này cứ im như tờ! Gù cố xích ghế lên, trườn ra tận gốc bàng, đến khi nhìn được tới phía ấy, anh mới dừng lại. Không có ánh đèn, chắc là ngủ rồi. Mà đêm nay lạnh, mình hoạt động nhiều nên mới thấy nóng người lên thôi. Anh ngồi sát gốc bàng, nhìn chò chõ vào bóng đêm. Có hai con chó nhà nào động tình phóng ầm ầm qua, rồi lại phóng trở lại. Một cơn gió thốc vào ngực Gù. Anh khẽ rùng mình, áp má vào thân cây. Trời xao xác trên tán lá. Bắt đầu mưa phùn rồi. Anh hậm hực quay ghế, nhích dần, nhích dần vào nhà. Từ bé tới giờ, Gù vẫn coi ban đêm chỉ dành cho giấc ngủ. Chưa bao giờ anh thức khuya thế này. Té ra ban đêm mới thực là cái dành cho con người. Chỉ những kẻ hèn mọn, ngu dốt mới không biết đến vẻ đẹp của đêm đen. Anh hình dung ra quán nước nhà anh vào dịp Tết này, khách ra vào tíu tít. Hạnh sẽ lo hết mọi bề cho anh, anh chỉ việc ngồi trên ghế bán hàng, chuyện phiếm với khách. Gù cảm thấy thoang thoảng đâu đây mùi son phấn. Đúng rồi, chứ còn gì nữa. Anh đưa tay vuốt mặt, rồi liếm môi, cái vị đắng của son sao mà hấp dẫn, hấp dẫn đến nao lòng Gù. Nó như là một khối vật chất mang hình người con gái ấy, lại cũng như hư ảo, chỉ là hư ảo. Gù phát cuồng lên vì hạnh phúc. Cái thằng Nghẽo có mà suốt đời cũng không được hưởng phút giây kỳ diệu ấy. Chẳng có con đàn bà nào lại dám ghé vào đôi môi dày của nó, bố thí cho nó một cái hôn. Thế thì còn sống làm gì kia chứ! Sống ở trên đời mà cứ phải vác cái đầu to tổ bố trên cái cổ mềm oặt ra, trên cái thân hình cũng mềm oặt ra, với đôi chân rệu rọ, phải tựa vào thành xe để đẩy, ấy thế mà cũng có lúc thấy nó toác miệng ra cười hềnh hệch. Cứ tưởng mình đã nhục, vậy mà còn khối thằng nhục hơn. Nhưng nhục thì nhục, con người vẫn tìm ra được cái gì để thích thú, để vui cười! Vinh với chả nhục thì làm gì, nếu không được hôn, như Hạnh hôn Gù! Làm chủ tịch phường hẳn hoi, cứ tưởng thế đã oai à?
Ơ, nhưng tại sao mình lại nghĩ tới thằng Nghẽo với lại thằng dê cụ ấy nhỉ? Mình việc gì phải đem so sánh mình với thứ dở người dở ngợm ấy? Chúng nó thì đáng gì để so? Nay mai quán của Gù sẽ được hình thành, cái lộc của bố làm vốn, thế mà cứ nằm ềnh ra đây, mãi tới bây giờ mình mới phát hiện ra. Nhưng việc gì cũng phải có thời cơ, đến cái lúc của nó. Cái lúc Gù ra tay đã đến rồi. Lại có Hạnh ở bên thì thách các con nhé! Cuộc đời sao lại chuyển xoay nhanh thế nhỉ.
Lâu nay Gù chả hề nghĩ gì đến Hạnh, ấy là nói nghĩ đến chuyện yêu đương kia. Chứ còn Hạnh sống thế nào, cả cái ngõ này, ai còn lạ gì. Hạnh có tài đan len vừa đan vừa nói chuyện. Hạnh có tài may cắt, chỉ tội nhà không có máy khâu, nhưng cô khâu tay không kém gì may máy. Hạnh có tài trang điểm cô dâu, cắt sửa tóc, ai cần thì Hạnh giúp, chả thèm đòi cảm ơn. Hạnh kiếm ra tiền bằng cái nghề nửa công khai, nửa bí mật của mình. Thỉnh thoảng lại có "anh bạn" từ miền Nam ra, ở lại trong nhà vài ngày, sắm cho Hạnh vài bộ quần áo, thậm chí mua cho Hạnh cả cái xe mi pha. Có hôm hai ba anh, đem cả "vợ" tới, họ mua hàng thùng, hàng thùng bia lon, những chai rượu Tây giá nửa chỉ vàng về nhậu. Nhậu suốt ngày, suốt đêm, khiến đám dân trong ngõ đi qua, ai cũng dè bỉu, thậm chí có người nhổ phì phì. Mặc! Đó là việc của họ. Bà Còng đích thân đến: "Đồng chí Hạnh, yêu cầu đồng chí...?" - "Bà muốn gì? Tôi cho bà xem cái giấy của Chủ tịch phường, bạn của anh ấy đấy!". Thế là bà Còng tiu nghỉu ra về. Bà ta ra về, mang theo một lô một lốc những chuyện nhảm về cô Hạnh. Cô Hạnh qua cái miệng độc ác ấy hóa ra một con điếm, bán trôn nuôi miệng! Khiếp quá. Cũng chỉ tại thói đời ghen ăn, ghét ở mà sinh ra cả. Đã có hồi Hạnh là công nhân nhà máy dệt, nhưng vì làm mãi không xin được vào biên chế, cô mới về nhà đan len. Cả cái ngõ này đều mặc áo len do Hạnh đan giúp. Việc gì cũng giúp, cứ y như tính ông cụ ngày xưa. Hạnh có cần gì đâu, tiền Hạnh có, nhà Hạnh có. Nhiều người khuyên cô lấy chồng, cô chỉ nói một câu là hết khuyên ngay: "Đàn ông là con vật!" Chẳng biết vì lý do gì mà Hạnh thù đàn ông, ghê tởm đàn ông, chơi đàn ông đến thế! Nhưng với Gù thì khác. Gù là đàn ông, nhưng không phải thứ đàn ông để cho cô ấy khinh. Khinh thế nào được Gù. Chẳng thế mà bỗng dưng ôm lấy người ta, hôn lấy hôn để, rồi chạy. Chẳng thế mà cái ngày gặp nạn, cô ta đã đưa Gù vào đúng căn buồng của mình, để rồi lo cho tang lễ nhà Gù đến nơi đến chốn. Cái ơn ấy biết bao giờ mẹ con Gù mới trả được. Lại thêm cái ơn nữa! Cái ơn mà chỉ Gù mới có quyền được ghi, ấy là nụ hôn vội vàng của tình yêu! Chỉ có tình yêu mới thế. Sự thực thì Gù cũng chưa bao giờ để công suy nghĩ về tình yêu, thậm chí, cái sự khao khát ấy đối với Gù là quá tầm, quá cao xa nên Gù không nghĩ tới. Nhưng giờ đây Gù đã thành con người khác, thành ra đối tượng của tình yêu, hà cớ gì không nghĩ, không tự chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm trên chính tình yêu mình có, chứ còn thứ tình yêu trong tiểu thuyết bấy lâu Gù đọc, nhạt thếch!
Gù cảm thấy lạnh. Lạnh thấm vào người anh nhanh quá khiến anh run lên. Gù hậm hực nhích ghế quay vào. Mẹ anh nghe tiếng động vội nhỏm dậy. Thấy Gù đang xích ghế, bà không hiểu anh đang muốn gì, liền hỏi:
- Con tìm gì thế, Gù?
Gù không trả lời. Bà mẹ vén màn, bật điện. Gù tự dưng nổi cáu:
- Mẹ ngủ đi! Vớ vẩn!
Bà mẹ âm thầm nằm xuống, buông một tiếng thở dài.
- Mẹ có tắt điện đi không?
Như một cái máy, bà mẹ trở dậy tắt điện.
Gù lặng lẽ tới chân bàn, tìm cái rương. Trong cái rương ấy là những bộ quần áo cũ của bố anh. Trong cái rương ấy, có một chiếc áo len gai chắp nối nhiều màu, do chính tay Hạnh đan hộ năm nào. Gù sẽ lấy chiếc áo ấy ra mặc. Rồi Gù sẽ lại lần ra cửa nghe ngóng. Tay Gù chạm phải chai gì trong khe, giữa cái rương và bức tường ẩm mốc. Đúng rồi, chai rượu Gù và Hạnh uống mới hết già nửa. Bây giờ Gù sẽ uống. Uống hết, cho ấm người lên. Uống đế lấy sức mà thức, mà lần ra cửa, nhìn sang bên ấy. Biết đâu Hạnh thức dậy...
Và thế là Gù ngửa cổ tu. Tu một hơi hết phần rượu còn lại. Rồi anh mở rương, mặc áo len vào. Cái áo len lâu ngày được đem ra mặc, cái mùi gì mông mốc, lại cũng tựa như có cả mùi bàn tay người ấy còn vương lại. Anh cúi xuống vạch áo ra tìm. Chỉ có bàn tay Hạnh mới đan được những mẩu len vụn ấy thành ra cái áo. Bây giờ mà gặp Hạnh, anh sẽ bày tỏ tình yêu của mình. Có đúng là Hạnh yêu anh không? Không yêu sao lại ôm ghì đầu anh, áp vào ngực? Cái cảm giác ấm và mềm của đôi vú ấy khiến anh run lên...
Gù đã nhích ra khỏi cửa, anh lại tới bên gốc bàng, chõ mắt vào đêm tối. Vẫn yên tĩnh. Vẫn mưa phùn. Mặc! Anh bắt đầu nhích lên, hướng về phía ấy. Anh sẽ sang tận nơi, gọi cửa và chỉ cần trông thấy Hạnh. Chỉ cần trông thấy qua khe cửa sổ thôi cũng được. Gù phải sang, để Hạnh biết rằng, anh không phải loại người chỉ biết chờ, mà anh cũng biết tìm. Anh đi tìm tình yêu của anh. Nếu Hạnh đang ngủ, anh sẽ đu người lên cửa sổ, nhìn qua khe, thế là đủ lắm rồi. Và sáng mai, anh sẽ kể cho Hạnh nghe cuộc hành trình đến cái đích ấy...
Anh bặm môi, nghiêng người bên nọ, nghiêng người bên kia một cách quyết liệt. Từ bé tới giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên anh di chuyển một cách quyết liệt thế.
Và anh đã tới đích.
Qua ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn trên chái khu nhà, anh nhận ra cửa nhà Hạnh khóa. Hạnh đi đâu? Gù cảm thấy máu dồn lên mặt. Anh nhích lên. Nhích lên nữa, tới sát bên cửa sổ, loay hoay mãi vẫn không tìm được cách nhoi lên, đành vơ hòn gạch vỡ. Anh đã toan ném thẳng vào cánh cửa. Nhưng tự trong lòng anh, có một tiếng nói, một lời khuyên. Lời khuyên ấy bảo rằng, chớ có làm thế. Đêm nay Hạnh không có nhà, chính là vì anh. Biết đâu Hạnh đi tìm thằng cha dê cụ ấy, làm việc trước với hắn. Hoặc giả Hạnh đến nhà cô bạn nào đó, mượn tiền giúp cho anh lập quán ngày mai. Cái gì cũng phải bình tĩnh. Mà liệu chắc gì Hạnh đã yêu anh. Hạnh đi với một thằng cha nào đó, ở đâu đó, cũng là vì cần một món tiền cho anh mượn...
Gù không biết rằng, cái động tác kéo ghì đầu anh vào ngực mình, và vội vàng hôn của Hạnh hoàn toàn không phải động tác của tình yêu. Đối với Hạnh, hôn hít chẳng có nghĩa như thế. Và tất cả những động tác ấy chỉ là vì tối nay, cô đã có hẹn với một đám khách mới, cô không thể lỡ hẹn với người ta.
Và cái giờ hẹn ấy đã sắp đến rồi...
Sáng hôm sau Hạnh xuất hiện với bộ quần bò mốc mới toanh, nom cô như một nữ hoàng! Gù run rẩy mời Hạnh vào nhà "uống nước cái đã". Hạnh như người vô tình, cô không hề để ý tới nét mặt đầy xúc động và những động tác thiếu tự nhiên của Gù. Mặt Gù tái mét, đôi môi mấp máy, hai cánh tay lực lưỡng của anh xoay đi xoay lại trên ghế một cách tội nghiệp. Bà Hượu bê tô phở từ trong bếp ra, đặt trên giường mời Hạnh. Cô cười khi khí rồi rút bao thuốc "ba số" từ túi áo ngực ra, đưa cho Gù. Gù lấy một điếu. Hạnh lại móc túi lấy bật lửa ga, xòe lửa cho anh. Cô cũng lấy một điếu ra hút.
- Bà ăn đi, cháu không ăn đâu - cô nói rồi ngồi nghiêng cổ hút thuốc.
Bà mẹ ngồi xuống bên Hạnh, nói nhỏ nhẹ:
- Cháu ăn phở đi, rồi hôm nay giúp anh...
Gù cảm thấy khó chịu vì sự có mặt của mẹ. Anh nói giọng cắn cảu:
- Thôi mẹ cất đi! Vớ va vớ vẩn.
Bà Huợu nhẫn nhục cúi xuống bê bát phở, lặng lẽ vào bếp. Tự dưng óc Gù trì độn tới mức, anh không biết phải nói với Hạnh và xử sự với cô thế nào.
- Tám giờ có khách tới bắt xích lô, anh cứ đòi hai chỉ, Hạnh nói. Anh đưa đơn đây, em lên phường một mình cũng được.
- Ơ hay... Gù lúng túng.
- Thôi được, - Hạnh ngắt lời anh - đơn từ rách việc, để em nói miệng cũng xong. Anh chờ em về rồi đi mua các thứ.
Gù không kịp phản ứng thì Hạnh đã đứng dậy, lách ra khỏi cửa. Đầu óc Gù vẫn u trệ đến thảng thốt. Phải tới vài phút anh mới tỉnh. Chỉ có thế thôi ư? Vậy mà suốt đêm qua Gù thao thức, Gù trông mong chờ đợi, để đến cái phút gặp nhau, anh lại trở nên ngớ nga ngớ ngẩn! Anh tự xỉ vả mình tự cảm thấy vì tất cả những ý nghĩ vô duyên mà suốt đêm mà anh cho là sáng suốt và minh mẫn.
Gù hậm hực xích dần, xích dần ra cửa. Rồi không hiểu sao, anh lại lụi cụi quay trở vào.
Khuôn ngực cường tráng của anh dồn ứ lên. Và hai giọt nước mắt đậm dần, rồi chảy thành hai vệt dài trên má.
Gù khóc.
KHÚC BA
Sự bí mật trong tâm tưởng con người thật khó mà lường được. Tuy nhiên, bên trong cõi riêng tư, tưởng chừng kìm giữ được kia, sự rò rỉ ngấm ngầm tạo nên cái cớ cho con người trì hoãn và ngỡ rằng nó cao sang, nó mới đích thực là bản thân mình, và thế là ta chui vào cái bọc triết lý cằn cỗi ấy, để rồi một ngày kia, chính ta bị cái mớ bòng bong triết luận cũ mèm, tưởng như là mới mẻ trói buộc ta, trước những biến động của cuộc sống.
Từ ngày ông tiến sĩ và anh Gù trở nên thân thiết, tôi thành ra kẻ chầu rìa. Nhiều lúc tôi bị họ bỏ rơi một cách không thương tiếc, ấy là nói về phương diện tình bạn thôi, chứ thực ra họ vẫn quý tôi. Tôi có cảm giác, hình như suốt mấy chục năm qua, hai con người này sống được, trải qua bao nhiêu nhọc nhằn được, chính là vì họ hy vọng ở phía trước cuộc sống, đang có một người chờ mình. Và cái người ấy giờ đây đã tìm được rồi. Đến khi tìm được nhau, quên ngay cái duyên cớ mà cuộc sống tạo cho họ. Họ coi trong thế giới này chỉ có hai người, và có lẽ chính vì thế, hai vết rò rỉ trong cõi tâm tư họ cùng lúc xổ tung và họ trở nên những người hạnh phúc.
Còn tôi thành ra kẻ cô độc!
Tôi không giận họ nhưng cảm giác buồn bực ngày càng tăng. Tôi không phải là người thích phân tích sự việc thành thử tôi cũng không để ý nỗi buồn bực ấy bắt nguồn từ họ hay từ bản thân mình.
Và điều ấy thực ra cũng chẳng quan trọng gì.
Mãi tới một hôm, đã khuya lắm rồi, trời lại nóng, tôi cởi trần nằm lơ mơ dưới nền nhà, hai cái quạt con cóc ra sức quay, chĩa vào hai đầu cơ thể. Đầu tôi mang máng nhức. Ranh giới của sự buồn ngủ và không ngủ được cứ chập chờn ẩn hiện, khiến tôi vật vã. Tôi cảm thấy hình như trong óc tôi đang có một cái bọc gì nhầy nhụa lắm. Cái bọc ấy đang tiết ra một thứ nước màu xam xám, rồi loang mãi, loang mãi trên mặt tôi. Tôi đưa tay vuốt mạnh, lập tức thứ nước nhờn ấy chuyển rất nhanh thành màng mỏng, u tối và tù đọng. Tôi không thể vượt qua cái màng mỏng ấy để tiếp cận với chính những ý nghĩ đang quằn quại trong bản thân mình. Câu chuyện hôm qua nghe được về mối tình đầu đơn phương của anh Gù, khi anh tâm sự với ông tiến sĩ, càng chạnh lòng tôi. Tôi luôn mang sẵn trong lòng cái mặc cảm u tối của một kẻ đã một lần cưới vợ, một lần chia tay. Đã nhiều lúc tôi gồng mình lên, muốn bung ra khỏi bức màn xám của nỗi cô đơn bằng những lời tuyên bố, rằng tôi sẽ chẳng bao giờ lấy vợ, rằng đàn bà vừa là quỷ sứ vừa là thiên thần, nhưng cái phần thiên thần thì ít mà ma quỷ thì nhiều. Rằng tự do muôn năm! Tất cả những lời sáo mòn ấy không che lấp được tâm trạng tôi, nhất là từ khi về cái ngõ Lỗ Thủng này. Tôi đã nhiều lần bị ông tiến sĩ bắt quả tang giữa lúc tôi đang buồn nản và phẫn chí. Ông khuyên giải tôi với những lời cũ mèm, cổ lỗ, nhưng chân tình. Theo ông thì con người ta không nên đòi hỏi những gì hoàn hảo, rằng sự hoàn hảo bao giờ cũng bóp nghẹt bản năng sáng tạo của giới trí thức. Rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, sự hoàn hảo trong mỗi con người phải dùng thước đo của sự chịu đựng và vị tha. Rằng trong mỗi gia đình, tưởng như rất hạnh phúc kia, bên trong nó chứa đựng biết bao nhiêu điều bi kịch. Rằng cái gọi là hạnh phúc gia đình thực ra chỉ là một khái niệm. Tôi biết lời khuyên của ông không phải chỉ dành riêng cho tôi, mà nó còn là lời an ủi chính bản thân mình. Bà vợ ông là một người tháo vát đảm đang, tuổi ngoài bốn mươi, nhưng ở bà toát lên cái sức mạnh lộ liễu của đàn bà. Tôi chỉ tới nhà ông vào ngày Tết, và ông cũng chỉ mời tôi đúng vào thời điểm ấy. Gần như đó là một thứ luật định ngầm của nghĩa vụ mà chúng tôi cùng không tránh khỏi. Bà tiếp đón tôi rất niềm nở, hỏi han đủ thứ về đời tư, và cả hai cô con gái mới bước vào tuổi trưởng thành của bà cũng ríu rít quanh mâm cỗ. Cả năm, đó là cái bữa mà tôi được quan tâm, được trở thành nhân vật chính trong bối cảnh sinh hoạt của một gia đình. Ông tiến sĩ lẳng lặng ngồi bên tôi với cái vẻ kiêu hãnh đặc biệt, không phải đối với tôi, mà là đối với bà vợ và hai cô con gái xinh đẹp. Ôi gia đình! Hạnh phúc thay cho cuộc sống gia đình! Bởi vì bên trong của nó là tất cả những gì con người có thể phơi bày. Bởi vì bên trong của nó, người ta không cần đậy điệm. Và bởi vì những bông hoa trên bàn, lời ca trong đĩa hát, đá trong tủ lạnh, và cả những lời ca trên những đôi môi tươi thắm của các cô các bà, cùng những món ăn cầu kỳ đều chỉ là thực phẩm. Sự chăm sóc thái quá trong những dịp tiệc tùng trước khách khứa, bạn bè cũng là thực phẩm, thứ thực phẩm chắt chiu, hiếm hoi chỉ dành vào dịp ấy. Ông tiến sĩ đã có lần thốt lên rằng bữa ăn ngon nhất trong năm, yên lành nhất trong năm của ông, chính là cái bữa mùng hai tết có tôi ở đây!
Tình bạn, cái cao quý nhất của tình bạn là sự cảm thông, hãy đừng khuyên răn nhau, hãy để cho nhau yên, và nếu có được thì tốt nhất, hãy lặng lẽ rút lui khỏi những ham muốn giúp đỡ, cải thiện trực tiếp!
Tôi không thể hiểu được, vì sao ông lại có thể sống trong một gia đình, mà vợ ông chỉ là vợ trên danh nghĩa. Còn sự thực thì lại khác. Cái vết rò rỉ trong tâm tưởng ông đã tự nó bục ra ngày càng to, từ khi ông gặp người bạn tâm đắc của mình, đó là anh Gù. Chưa bao giờ ông nói với tôi, nhưng mà anh Gù thì ông lại nói. Và tôi biết được điều đó cũng chính vào cái đêm hai người ngồi bên nhau rủ rỉ tâm sự.
Ông rất yếu về "cái khoản ấy"!
Ông không có con.
Tôi chợt giật mình buông bút và đọc lại những trang vừa viết. Tôi lấy cái quyền gì mà tự dưng đem kể cái chuyện lẽ ra không nên kể chút nào, đối với hoàn cảnh của những người bạn mà tôi hằng yêu mến. Còn tôi? Sao tôi lại có thể dấu biệt cái vết rò rỉ bấy nay âm thầm trong cõi lòng mình. Thực ra anh có thể kể, nếu anh không tự cho mình là người có quyền phán quyết mọi chuyện, thì cái vết rò rỉ ấy ít ra cũng vơi bớt cho ta nỗi buồn. Bởi vì, con người ta không thể chạy trốn bản thân mình. Và nếu như càng tìm cách chạy trốn, thì cuộc đời sẽ vây bủa ta, đẩy ta tới đoạn đầu đài của sự thực.
Chính tôi đã bị đẩy lên đoạn đầu đài ấy.
Thời gian gần đây tôi ít về nhà. Tôi rất sợ những buổi chiều, khoảng từ bốn giờ rưỡi tới chín giờ tối, đối với tôi thật khủng khiếp. Chiều hôm tôi lẩn thẩn đạp xe khắp các phố đông người, chui vào các cửa hàng bách hóa, tôi muốn quần cho cái thể xác của tôi mệt lả, để đến khi đặt lưng xuống là có thể ngủ được. Nhưng tôi đã lầm. Tôi bị mất ngủ không phải vì thể xác. Thể xác chẳng qua chỉ là cái vỏ bọc vật chất không hơn không kém. Nó là con người khi biết tuân theo sự chi phối của trí não. Có hôm tôi tìm bạn đánh cờ. Tôi có thể chơi cờ suốt ngày đêm, nhưng bạn cờ của tôi không ai bỏ công ra chiều tôi. Các con cờ luôn luôn nhảy nhót trong ý nghĩ sau những cuộc ngồi lỳ giết thời gian ấy. Tôi tìm sách đọc. Nhưng chỉ đọc được một lúc, các con cờ và hình ảnh người vợ cũ cứ xen kẽ nhau hiện lên, và tôi không còn biết tôi đang đọc gì. Có phải tôi bị tâm thần không? Không! Tôi rất tỉnh táo, ngay cả khi các quân cờ lâm vào thế bí. Ngay cả khi đạp xe trên đường mà không biết cái đích mình phải đi đâu về đâu. Ngay cả khi đang đọc sách, những ý nghĩ cứ xuyên qua, tách rời các con chữ. Tôi nhìn thấy quân xe của tôi đang dìu quân tốt sang sông, rồi bỗng dưng đôi mã giao chân của đối phương chớp nhoáng nhào xuống, khiến ông tướng của tôi phải chệch sang bên. Và thế là cả xe và tốt đều mắc bẫy. Tôi cố gắng lập lại trật tự cho thế cờ. Khuôn mặt cô ấy lại hiện lên nhìn tôi giận dữ. Cái hôn của cô Hạnh khiến anh Gù ngạt thở cùng với cái hôn của cô ta với tay Bí thư chi bộ, đang dìu dắt cô ta vào Đảng! Họ hôn nhau ở dưới bếp trong khi tôi đang sửa cái pê đan xe đạp cho cô ta trước hiên nhà. Cô Hạnh không coi hôn là biểu hiện của tình yêu. Anh Gù coi cái hôn là tất cả những gì tuyệt diệu nhất mà con người sáng tạo ra. Ôi, những cái hôn. Có những cái hôn làm nên vẻ đẹp không gì sánh được của bản tính con người. Lại có những cái hôn xé nát tất cả. Anh Gù vô tình kể chuyện ấy với ông tiến sĩ và tôi cũng vô tình nghe được. Tôi biết anh đang buồn, nhưng là cái buồn đầy hạnh phúc. Còn tôi, tôi như bị một cái roi bất ngờ quật vào mặt. Cô ấy đã khóc khi tôi nói rằng tôi đã nhìn thấy họ hôn nhau. Chúng tôi cùng ký vào đơn ly dị một cách miễn cưỡng, nhưng lại rất quả quyết. Tôi xách vali ra khỏi căn nhà mới được phân với một tâm trạng trống không. Tôi vừa ngồi lên xích lô thì cô ấy chặn lại: "Anh quay về tôi cần nói một câu thôi." - "Thế thì nói đi, việc gì phải quay về?". Cô ấy đưa cho ông già xích lô tờ năm trăm và bảo ông thông cảm đi tìm khách khác. Tôi lẳng lặng xách vali vào nhà. "Tôi yêu cầu anh ở lại nhà khoảng một tháng nữa!", cô ta nói lạnh lùng. "Để làm gì?" - "Tôi không muốn chuyện này vỡ lở...". Tôi biết cô ta không muốn chuyện ly hôn diễn ra trước ngày xét kết nạp. Và tôi đồng ý. Nhưng bữa cơm chỉ có tiếng khua bát đũa và tiếng nhai, những buổi tối xem truyền hình không có lời bình và những đêm dài hai cái xác nằm bên nhau diễn ra không phải một tháng, mà là hai. Cái tháng thứ hai trì hoãn ấy là vì cô ta đang làm thủ tục đi nghiên cứu sinh. Và tôi cũng đồng ý. Thực ra cuộc ly hôn của chúng tôi không phải chỉ vì cái hôn vội vàng của họ. Nó chỉ là cái cớ để cả hai tự giải phóng. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi cứ có cảm giác như màn kịch ấy chính cô ta là đạo diễn. Cô ta muốn chấm dứt cuộc hôn nhân nhạt nhẽo bằng cái hôn, và điểm "tháo nút" là ngày giấy báo gọi cô đi học. Tất cả đều suôn sẻ và gọn gàng. Cô ta được vào Đảng. Cô ta được đi học và mọi thủ tục ở tòa án, cô ta lo. Tôi chỉ việc nhận quyết định. Thêm nữa, tôi sững sờ khi cô ấy trao cho tôi năm chỉ vàng: "Tôi đã bán nhà, đây là phần của anh." - "Tôi đã đồng ý để nhà cho cô kia mà." - "Anh cũng cần phải sống" cô ấy nói.
Tôi không hiểu vì sao lúc ấy tôi lại cầm. Con người ta có lúc hành động mà không tự biết mình đang làm gì. Cái nhà có được, chính là do công lao chạy chọt của cô ta. Tuy nhiên, nếu không có cuộc hôn nhân thì cũng chẳng bao giờ có nhà cả. Và tôi yên tâm với lập luận ấy. Tôi cứ tưởng cô ấy sẽ nhanh quên tôi. Nhưng sau khi đã tới Xôphia, cô có gửi cho tôi một lá thư ngắn. Thực tình là tôi có bị bất ngờ. Tôi không muốn đọc. Tôi đã vò lá thư ấy ném vào sọt rác, nhưng cuối cùng vẫn không cưỡng được trí tò mò, và tôi lượm lên, đọc: "Anh Bình! Tôi không hiểu vì sao hồi ấy chúng la lại lấy nhau. Càng ngày tôi càng cảm thấy hình như có một lực lượng thần bí sắp xếp cho từng số phận con người. Cũng may là chúng ta sớm tỉnh táo nên không vội có con. Và cuộc chia tay cũng không đến nỗi thiếu văn hóa. Tôi biết anh là người rất tốt. Và tôi cũng tin, anh không nghĩ xấu về tôi. Những người tốt không phải vì thế mà sống được với nhau. Tôi tin rằng anh sẽ gặp được người bạn đời xứng đáng. Không hiểu anh có buồn không. Còn tôi, tôi chả thấy lúc nào được vui cả. Chán lắm. Nếu anh có khó khăn gì (về vật chất) cứ viết thư cho tôi, tôi có thể giúp đỡ. Dù sao tôi cũng có lỗi nhiều hơn và tôi rất biết ơn anh. Chúc may mắn. Chào anh."
Tôi nằm dài thượt trên giường suy nghĩ về cô ấy. Có lẽ từ ngày lấy nhau đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi bình tĩnh nhìn nhận lại cuộc hôn nhân vội vã của mình. Tôi được tòa báo phân công tới Viện khoa học, viết bài về cô, một phó tiến sĩ trẻ nhất của ngành, lại là nữ. Chúng tôi gặp nhau ở văn phòng viện và sau đó là tiệm cà phê "Cây Cọ". Trong những cuộc tiếp xúc, cô nói là chính. Tôi cố gắng tập trung tư tưởng lắng nghe, ghi nhận về công trình cô làm chủ nhiệm. Đây là một cô gái thông minh nhất mà tôi được gặp, hồi ấy tôi nghĩ thế. Cô cầm cái thìa cà phê, gõ nhịp cho câu chuyện của mình. Đôi mắt kính cận to trên khuôn mặt hơi dài nhưng rất sáng và linh hoạt. Cô không cố tình làm dáng cho cái vẻ trí thức của mình. Tôi có cảm giác, mọi động tác và lời nói của cô đều rất tự nhiên và thoải mái. Cô nói tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga khi buộc phải nói tới trong các chi tiết của công trình. Và tôi cảm thấy mình nhỏ bé trước con người này. Cô kém tôi một tuổi, nhưng hiểu biết thì không biết gấp tôi đến mấy lần. Lần đầu tiên trong nghề làm báo, tôi chăm chỉ đi "lấy tài liệu" nhất, nhưng cũng là lần đầu tiên tôi không viết được bài. Tôi bị choáng ngợp trước đối tượng và tôi không xác minh được sự choáng ngợp ấy là vì tôi quá coi trọng bài báo hay coi trọng bản thân công trình mà người làm ra nó quá thông minh sắc sảo. Thực ra tôi có viết, nhưng không đưa in. Tôi đưa cho cô đọc và cô nhận xét: "Anh không phải là nhà báo". Cô không hề có ý hạ thấp tôi, ngay cả khi tôi chìa cho cô xem cái thẻ phóng viên của mình. Cô cười và giải thích cho tôi rằng, theo quan niệm của cô, mảnh bằng và cái thẻ không có ý nghĩa gì trong việc đánh giá tài năng và nhân cách. Tôi im lặng. Cô khẽ khàng đặt bàn tay nhỏ nhắn của mình vào bàn tay tôi và nói: "Anh đã chọn sai nghề. Chỉ cần đọc một đoạn trong bài của anh, người ta có thể tin rằng, nếu anh đi sâu tìm hiểu vào văn học nghệ thuật, có thể anh sẽ trở thành nhà văn không đến nỗi tồi". Tôi cảm thấy như mình được nâng lên và tôi bối rối thực sự. Sau này tôi mới nhận ra, cô nói như vậy cốt chữa lại câu nhận xét quá đáng. Chúng tôi yêu nhau từ cái hôm hai bàn tay đặt vào nhau ấy, và hôn lễ cũng được tổ chức nhẹ nhàng. Ngay từ cái đêm gọi là tân hôn, câu đầu tiên cô đã đề nghị, chúng ta là trí thức, việc sinh đẻ không thể "vô nguyên tắc được". Tôi đồng ý. Thế là tôi có vợ. Dần dà tôi nhận ra cô ấy chưa hề được chuẩn bị để làm vợ bao giờ. Và chúng tôi làm bất cứ việc gì cũng phải thỏa thuận với nhau trước. Đề đảm bảo cho công trình của cô không bị cản trở, tôi nhận công việc đi chợ và cơm nước, thậm chí cả giặt giũ. Cũng phải nói thêm rằng, cô là con út của một gia đình trí thức có tên tuổi. Và hiện nay cô là niềm hy vọng thiêng liêng của cả nhà. Tôi không thể làm nội trợ cho cô ở trong căn phòng của ngôi biệt thự xinh đẹp ấy, mặc dù cả nhà đều rất quý tôi. Cô nhận ra điều đó và nói rằng nay mai chúng tôi sẽ được phân một căn hộ riêng ở khu nhà sắp xây xong của bộ. Cái ngày nhận nhà mới đến với tôi nhanh ngoài sức tưởng tượng. Công việc của cô ngày càng bận và cô ít khi ở nhà. Giá như có phép màu nào biến tôi thành đàn bà và cô thành đàn ông thì chúng tôi sung sướng biết bao! Nhưng hôn nhân và gia đình không làm được việc ấy. Nó chỉ tạo nên điều kiện để mỗi người tự biểu hiện khả năng giới tính của mình. Tôi không cổ hủ tới mức coi công việc nội trợ là chỉ có đàn bà mới làm được, nhưng tôi cũng không mới mẻ tới mức, tự biến mình thành ra người nội trợ. Chúng tôi không đủ sức thuê người giúp việc, bởi lương chúng tôi còn không đủ trang trải cho hai người. Chúng tôi sống được là nhờ sự trợ giúp của gia đình cô. Thực ra vợ tôi không phải là người không biết điều. Đôi khi cô cũng dành thời gian chăm sóc tôi vào những ngày lễ hiếm hoi hoặc chủ nhật. Cô kể cho tôi về tiến trình công việc và đôi lúc cô nói đùa với tôi về cái thẻ Đảng. Rằng nếu cô cũng có cái thẻ ấy, hẳn công việc của cô không bị cản trở. Rằng nếu như anh có thể cho em cái thẻ của anh, thì đỡ mệt biết bao!
Và cuối cùng vợ tôi cũng vào Đảng...
Giờ đây chúng tôi đã trở thành ra hai ngả. Tôi biết cô ấy sẽ thành công trong công tác. Cô sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ ngay trên công trình của mình. Cô sẽ tới cái đích mà cô mong muốn. Không biết rồi đây cô có còn đặt ra cho mình một cái đích khác, cao hơn nữa hay không...
Cuộc ly hôn của chúng tôi có gây nên chút ít dư luận vì nó diễn ra nhanh chóng và bất ngờ. Chúng tôi còn tới quán "Cây Cọ" lần cuối, tuy cả hai đều chỉ ngồi nghe nhạc, tịnh không ai nói câu nào: Đó là lần uống cà phê kỳ lạ nhất đời tôi. Nó vừa rất thật, lại cũng mang theo trong đó sự giả dối.
Thế rồi một hôm tình cờ tôi tới quán anh Gù. Tôi không nhớ hôm ấy tôi đi đâu về và cũng không nhớ tôi ngồi tựa gốc bàng để làm gì. Tôi có nhu cầu ngồi và ngắm nhìn người ta qua lại. Tôi sững sờ nhận ra người chủ quán đẹp là thế mà lại phải di chuyển trên cái ghế. Tôi tự cho phép mình ngồi lâu hơn và từ đó, ngày nào ít nhất tôi cũng tới quán anh một lần. Tôi vốn không phải người tò mò muốn biết chuyện mua bán, đổi chác của đám khách lam lũ của anh Gù. Nhưng có một lần, tôi thấy anh Gù tỏ ra nóng tính khác thường với một tay khách đi xe máy. Hình như họ không thỏa thuận với nhau được về một món hàng nào đó. Người khách cưỡi lên xe "hẹn khi khác" và anh Gù văng ngay một câu rất tục. Tôi quay lại anh Gù xòe bàn tay có vẻ giận dữ, nói: "Có ba chỉ mà đòi mua nhà. Cút mẹ nó đi cho rảnh!". Tôi hỏi anh: "Thế độ bao nhiêu thì mua được căn phòng nho nhỏ, xuềnh xoàng, anh?" - "Có một căn phòng chín mét, người ta đòi năm chỉ lại còn cò kè, chê không có chỗ để xe.", anh Gù vẫn nói về tay khách. "Tiền ít mà đòi nhà rộng, ngu bỏ mẹ."
Nghe anh Gù nói thế, tự dưng trong óc tôi lóe lên một ý định mà từ trước tới nay tôi không dám nghĩ đến. Đó là mua một căn phòng. Cuộc sống của tôi có thể sẽ xoay chuyển nếu đây là dịp may hiếm có. Tôi hỏi anh Gù: "Căn phòng ấy ở phố nào, anh?" - "Kia kìa", anh chỉ cho tôi và tôi lặng lẽ tới đó ngắm nghía. Chính vì cái sự thoi loi của căn phòng ấy mà nhiều người không ưa. Còn tôi, tôi lại thích. Nó không dính vào tường nhà ai, tôi có thể ngăn cái cạnh tiếp xúc phía sau ngôi nhà của dãy khác, thành ra cái bếp. Được! Thế này là hợp với tôi rồi. Tôi quay lại hỏi thêm về chủ của căn phòng, anh Gù bảo đó là của một ông già mới chết, nhưng chết ở bệnh viện. Nhà ông ta có căn mười tám mét và căn phòng chín mét ấy. Thằng con lớn của ông ta chuyên đánh quả chợ Giời, mới phất nên bán cái phòng chín mét gửi tiết kiệm cho thằng út bị tật có tiền ăn hàng tháng.
Tôi trình bày hoàn cảnh và chìa cái thẻ nhà báo. Anh Gù nhìn tôi rồi nói rất nhanh: "Nhà báo ở đây thế nào được, ồn bỏ mẹ." - "Được", tôi nói: "Vấn đề là liệu có vui vẻ an toàn không?". Anh Gù cười: "Người ta ăn thịt ông à?" - "Nghe nói xóm này dữ lắm", tôi nói. "Dữ với người dữ", anh Gù cười. "Nếu chú mua, anh lấy danh dự bảo lãnh cho".
Tôi bắt tay anh và hứa ngày mai sẽ "làm việc". Thấy anh Gù nhăn trán tôi đứng dậy, nói: "Nếu có thể được, ngay bây giờ".Anh Gù nhìn tôi: "Máu thế?" - "Máu!" "Máu thì về lấy đỏ đi, rồi lại đây làm việc."
Tôi vội vã đạp xe về cơ quan, lấy năm chỉ vàng rồi lại hộc tốc đạp xe tới quán anh Gù. Tôi thấy có ba thanh niên mặt rất dữ ngồi uống rượu suông, đã chột dạ. Anh Gù vẫy lại khi thấy tôi có vẻ nghi ngại: "Chiến hữu nhà báo, lại đây!" Tôi trấn tĩnh đưa xe vào gốc bàng rồi ngồi xuống cạnh anh. Anh giới thiệu tôi với ba người khách, rồi nói: "Chú có thể tự lo các thủ tục được không?". "Gồm những khoản gì, anh?" - "Hộ khẩu chẳng hạn". Tôi lưỡng lự. Anh Gù hỏi: "Hộ khẩu chú ở đâu?" - "ở cơ quan.". "Thôi được, hai bên làm giấy tờ mua bán đi, rồi mai tôi cho quân lên quận đóng dấu."
Chính sự thật thà, cả tin và dứt khoát của tôi đã chiếm được tình cảm của anh Gù. Tôi chỉ việc đưa cho anh năm chỉ vàng và sau đó là đến ở.
Mãi tới sau này thân nhau rồi, anh Gù mới cho tôi biết, thực ra căn phòng người ta bán bốn chỉ rưỡi. Anh nhận công chỉ trỏ nửa chỉ. Nhưng vì thấy tôi thật thà nên nửa chỉ ấy, anh chi cho đàn em lo giấy tờ, thủ tục.
Tôi cũng không biết vì sao lúc ấy tôi lại lao vào việc mua bán một cách mù mịt như vậy. Té ra sự mù mịt không phải lúc nào cũng dẫn người ta đến chỗ đen tối.
Và thế là tôi trở thành thành viên của cộng đồng ngõ Lỗ Thủng, dưới sự chỉ huy của bà Còng và núp dưới bóng bảo lãnh thân thiện của Gù.
Tôi cho rằng tôi gặp may.
KHÚC BỐN
Câu chuyện của anh Gù và cô Hạnh được diễn ra kín đáo, không phải chỉ đám dân trong ngõ, mà ngay cả đối với tôi. Nếu như không có ông tiến sĩ, hẳn tôi cứ nhìn anh như người dị tật. Ông tiến sĩ chính là duyên cớ rò rỉ bên trong tâm hồn anh Gù bục ra. Sự "bục ra" trào dâng trong cái giọng đầy phấn khích của anh. Nó được tiếp nhận cũng bởi người nghe nó với tình cảm chân thành, chứa đựng cảm hứng sâu sắc. Anh Gù cầm chén rượu, nâng lên ngang mặt, ngước nhìn vầng trăng, tựa như người sắp được bay lên cõi tiên bồng. Còn ông tiến sĩ thì bỗng nhiên hất ngược mớ tóc xõa trước trán, cũng cầm ly rượu, cũng nâng lên phụ họa người bạn tri ki của mình. Tôi ngồi tựa lưng vào gốc bàng, gác chân lên chiếc ghế đẩu, lơ mơ hình dung thấy bóng cô Hạnh đang từ từ cúi xuống rồi đột nhiên riết chặt lấy cổ anh Gù. Anh Gù cảm thấy mình bỗng dưng bị tan ra, không còn là mình nữa. Anh biết rằng Hạnh không thể lấy anh. Nhưng lấy nhau không phải là biểu hiện của tình yêu. Tình yêu là cái gì đấy cao sang hơn nhiều. Ông tiến sĩ thỉnh thoảng xen vào câu chuyện bằng những ý niệm đầy triết lý nhưng mơ mộng và cực đoan. Rằng con người không chỉ sống được bằng niềm vui mà chính vì những nỗi buồn. Nỗi buồn càng sâu xa, tâm hồn con người càng được nâng lên, và vẻ đẹp của nó tạo nên cái chất người đích thực. Rằng chỉ có con người mới được thượng đế ban cho cái quý giá nhất, sang trọng nhất, đó là nỗi buồn. Ông ca ngợi nỗi buồn do tình yêu tạo nên và ông định nghĩa tình yêu đích thực, hạnh phúc đích thực lại chính là nỗi buồn của thất bại chứ không phải sự thành công viên mãn. Ông nói thêm rằng, sự thành công viên mãn khi đã đạt tới độ cao nhất, nó tạo nên một vực thẳm khôn cùng và tạo hóa khi ấy lại chìa bàn tay tàn nhẫn nhưng độ lượng ra, đẩy thêm một lực siêu phàm vào cái thành công ấy, khiến con người ngã nhoài xuống hố thẳm. Chỉ tới khi nằm gọn trong tay tạo hoá con người mới lại hiện ra đúng với bản tính Người của mình. Đó là nỗi buồn...
Tôi có cảm giác hai nhà triết học của tôi đang sống một cõi thoát tục và họ đang làm chủ cái cõi mênh mang với những vẻ đẹp huyền bí mà họ tạo ra. Đã khuya lắm rồi. Trăng trên tán bàng không còn bị tiếng động và bụi bậm của dương gian làm vẩn đục. Không biết đêm nay là đêm thứ bao nhiêu, tôi ngồi tựa gốc bàng, khoanh tay trước ngực lắng nghe bản xô nát âm thầm dạo trên cái nền mong manh biến ảo của tình yêu. Hai giọng ca trầm đục thay nhau xướng lên những giai điệu hồn nhiên và bi thiết. Sự có mặt của tôi không gây cản trở cho cảm hứng của họ. Lắm khi tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, giá như anh Gù có đôi chân khỏe mạnh như những người bình thường khác, thì anh sẽ thế nào. Câu hỏi ngớ ngẩn ấy ám ảnh tôi. Nó như một lỗ thủng hun hút ngày càng xói sâu trong trí não. Câu chuyện vừa kể của anh Gù vô tình đã giải cho tôi câu hỏi ấy. Chính anh đã thốt lên rằng, nếu anh không bị tàn tật, thì chắc chắn Hạnh sẽ chẳng đoái hoài tới anh làm gì. Cũng giống như thằng Cường, thằng Mỹ, thằng Minh hói trong ngõ. Hạnh là người ham việc, thích giúp người khác, nhưng không phải ai cô cũng sẵn sàng cả. Cô cần sự vui vẻ và biết điều. Cái ngày mới lập quán của anh, Hạnh bỏ ra cả tuần lễ mua bán các thứ, hướng dẫn anh pha trà, hướng dẫn bà Hượu nhóm lò nấu nước và hết thảy mọi việc. Cô làm một cách vô tư nhưng vẫn giữ cái khoảng cách thân thiết của người lối ngõ, không sàm sỡ nhưng cũng không quá lạnh nhạt. Cô tính toán vốn lãi, chi thu sít sao và sòng phẳng. Theo cô, tháng đầu cố gắng giữ hòa, hoặc có lãi cũng không đáng kể. Vấn đề là lôi được khách và giữ được một lượng khách quen đáng kể. Cô bắt mối nguồn chè ngon, thuốc thật và kẹo lạc, kẹo vừng với giá vừa phải. Cô dẫn khách về và tuyên truyền khả năng kể chuyện kỳ lạ của anh Gù. Thật khó có thể hình dung được, chỉ nửa tháng sau, cuộc kinh doanh chè thuốc của anh đã đạt kết quả, theo Hạnh là "hết!". Anh Gù làm theo yêu cầu của Hạnh, vừa bán hàng vừa kể chuyện Thủy Hử, Tam Quốc và nhất là các thiên liệt truyện trong sử ký Tư Mã Thiên. Nhiều người khách ra tay giúp đỡ anh Gù những việc như xách nước từ ngoài xe đẩy của thằng Nghẽo vào thùng phuy, hoặc nắm than, bổ củi.
Khi công việc đã vào nền nếp, ở trong ngõ, bà Còng cũng không lui tới với cái vẻ uy quyền và nhắc nhở nữa, anh Gù tự cho phép mình mở tiệc chiêu đãi người sáng lập quán. Bà Hượu lại làm một mâm cỗ thịnh soạn, đặt lên bàn thờ. Hạnh nhận lời mời tự nhiên bình thản. Thực ra mới đầu anh hoàn toàn không có ý gì, nhưng đến giờ hẹn rồi mà sao Hạnh vẫn chưa sang. Anh bảo mẹ sang tìm. Nhà Hạnh khóa cửa. Trời mưa lâm thâm, rét ngọt. Hai mẹ con ngồi chờ Hạnh, nhưng mãi không thấy cô về. Anh bảo mẹ ăn cơm trước rồi đi ngủ.
Anh xích ghế ra cửa ngồi ngóng chờ. Sự ngóng chờ tạo nên ý nghĩ căng thẳng. Anh cảm thấy đau đớn khi hình dung Hạnh đang vui với đám người xa lạ. Tại sao Hạnh tháo vát là thế, giỏi giang là thế mà không tự kiếm được cho mình một việc làm thích hợp? Tại sao Hạnh không sợ những tai tiếng của dư luận? Cái toán khách hôm nọ Hạnh dẫn về mang theo bia lon, rượu Tây, thịt quay ngồi nhậu để "khuếch trương" cho quán của anh, có phải tay đeo kính mặt nhăn nhở đầy thỏa mãn ấy là "bồ" của Hạnh? Và cả đám đàn em của hắn nữa, lúc nào cũng "chị chị, em em", đối với Hạnh là thế nào? Tóm lại, cuộc sống phóng túng của Hạnh làm sao anh hiểu nổi. Mà hiểu làm gì? Hiểu thế nào được lòng người! Tối nay Hạnh mà về, nhất định anh sẽ nói với cô, với tư cách của một người anh. Anh tự biết mình không thể với tới cô, cũng như không thể làm cho đôi chân của anh lành lặn được. Nhưng anh cứ nói. Nhất định anh sẽ nói. Cũng may là anh sớm tỉnh táo, sớm tự kiềm chế những tình cảm ngấm ngầm, để cái tháng lập quán vừa qua, Hạnh không có điều gì phật ý. Đã có lúc, sau khi tính toán lời lãi, anh định cầm một ít tiền đưa cho cô, gọi là tỏ lòng biết ơn. Nhưng rồi anh không đủ can đảm làm việc ấy. Anh thừa biết, nếu có đưa Hạnh cũng không nhận, thậm chí Hạnh sẽ phản ứng ngay. Hay anh mua cái gì đó tặng Hạnh cho có ý nghĩa? ý nghĩ tặng quà bỗng dâng lên. Lẽ ra anh sớm nghĩ được điều ấy! Nhưng tặng cái gì? Đó là một câu hỏi thông minh nhưng quá muộn màng!
Anh hậm hụi xích ghế quay vào. Mâm cỗ trên chiếu đậy lồng bàn thật lạnh lẽo. Anh cầm chai rượu, rót một chén. Anh uống chờ Hạnh. Nếu như tối nay Hạnh không về thì anh cũng chẳng thiết ăn gì. Giá như Hạnh yêu anh, lấy anh làm chồng, thì cuộc đời anh không có gì phải ân hận. Nhưng điều ấy làm sao có thể diễn ra. Anh tự biết anh thế nào và càng biết, Hạnh không phải tự dưng bỏ cả đời hiến dâng cho kẻ tàn tật như anh! Không bao giờ! Hạnh đẹp gái nhất trong số những cô gái ít ỏi trong ngõ Lỗ Thủng này. Hạnh sống một mình, tự lập từ ngày mười lăm tuổi, nhưng chưa khi nào thấy cô sống lam lũ, khổ sở. Tiền đối với Hạnh không là con vi trùng gì! Mỗi lần bà Còng hô hào dân ngõ đóng góp công quỹ, Hạnh thường đóng gấp đôi, gấp ba các nhà khác. Ngày tết Hạnh mừng tuổi trẻ con những đồng tiền mới, cũng nhiều gấp năm mười lần kẻ khác. Hạnh làm gì mà lắm tiền thế? Lắm tiền mà trong nhà chẳng chịu sắm sửa gì? Rất ít khi thấy Hạnh nấu ăn ở nhà, trừ hôm có khách. Thậm chí có khách Hạnh cũng dẫn ra quán. Hạnh khoe với anh dạo này Hạnh làm hợp đồng ở công ty du lịch. Rằng cô đang học tiếng Anh. Rằng cô thường phải đi nhảy với khách Tây. Tóm lại là công việc của cô sang lắm, nhiều tiền lắm! Hạnh còn bảo ít nữa Hạnh sẽ mua nhà, hoặc nếu có thể, cô đập căn phòng của cô, xây lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!. Cái tính xởi lởi, thích khoe mẽ của Hạnh thật dễ gần. Dân lối ngõ nhiều người ghét Hạnh vì cô hay ngông ngáo khoe khoang. Nhưng cứ có đám ma, đám cưới là Hạnh trở nên người được trọng vọng. Cô rất nhanh trở thành chỉ huy, miệng năm, tay mười, cả bà Còng cũng phải lui ra cho cô chỉ đạo. Và những ngày ấy, dân trong ngõ không ai không nhìn Hạnh bằng con mắt khác. Hạnh trở nên người con, người cháu, người chị, người em gần gũi của mọi nhà...
Anh âm thầm rót thêm một chén nữa.
Anh uống một hơi hết chén rượu rồi hậm hụi xích ghế quay ra cửa. Muộn rồi còn gì? Sao Hạnh vẫn chưa về? Đã nhận lời sang mà sao vô tình thế? Hạnh có biết giờ này anh vẫn còn đang ngồi bên cánh cửa, he hé ngóng chờ cô? Hay lại quên bẵng ngay sau khi nhận lời? Hạnh thì thiết gì ăn uống ở nhà anh? Nhưng đã không thiết thì còn nhận lời làm gì? Hạnh có quyền gì mà cư xử với anh quá đáng thế?
Bỗng có tiếng chân chạy huỳnh huỵch vội vã và quyết liệt, hướng ra phía Lỗ Thủng. Anh Gù mở cửa hẳn. Có tiếng hô hoán, chửi bới ngậu xị. Rồi lại tiếng chân chạy rầm rập. Cửa các nhà cùng lúc mở. Người ta chưa rõ chuyện gì, nhưng ai cũng có vũ khí trong tay. Sự cảnh giác ấy vô ích khi người ta nhận ra cuộc ẩu đả không phải của ai xa lạ, mà là cha con, vợ chồng lão Hợi quần nhau. Ngày nào nhà ấy chả có vài cuộc cãi lộn. Cãi lộn, đấm đá, chửi bới trong nhà với nhau chán, khuya khoắt thế này lôi nhau ra gào thét, thối bỏ mẹ! Thế rồi người nào chui vào nhà nấy, chỉ còn lại mình anh Gù với đám choai choai tò mò là vẫn theo dõi. Mụ Hợi hu hu khóc, vừa khóc vừa chửi "quân khốn lạn, đồ loạn luân!"
Thì ra thằng Minh hói lợi dụng lúc vợ đi làm ca đêm, lôi gái công viên về nhà. Nhưng khốn cho thằng ngố ấy, vợ nó về bất ngờ bắt được. Thế là bù lu bù loa. Mụ Hợi bênh con giai, lão Hợi bênh con dâu, thế là to chuyện. Thằng con ôm ông bố quẳng đánh phịch xuống vũng nước, lóp ngóp mãi lão Hợi mới mò lên được, trong khi vợ thằng Minh túm tóc con bé kia hành hạ. Thằng Minh đánh vợ giải vây cho gái công viên, nhưng lão Hợi đã kịp xông lên, cầm dao đuổi theo. Thằng Minh tưởng vợ mình bị mấy "chưởng" rồi, không dám đánh ghen nữa, ai dè nó tát cho thằng Minh một cái, đổ máu mũi. Mụ Hợi xông vào đánh con dâu, nhưng chị kia kịp chạy ra phía lỗ thủng đuổi theo tình địch. Giá đừng đuổi theo người ta thì không việc gì, đằng này mụ Hợi hăng máu vừa chửi vừa đuổi, bị con dâu quay lại túm tóc, quật ngã...
Mấy thằng choai choai tường thuật lại cho anh nghe, cứ như chúng vừa xem phim chưởng về. Anh đang chán nản, không thiết để ý, định xích ghế quay vào nhà thì có một chiếc "cúp" từ phía cuối dãy ào tới, đỗ kít ngay sát gốc bàng. Hạnh nhảy xuống và chiếc xe máy lại vọt đi không kịp nhìn rõ mặt người. Anh Gù cảm thấy nơi cổ có cục gì chặn ngang. Lũ choai choai lại chạy theo đám cãi lộn. Ngoài ấy tiếng khóc, tiếng chửi còn rôm rả lắm. Hạnh ôm một bọc quà lách vào nhà anh tự nhiên. Cô bỏ ra một chai rượu Tây, rồi thịt quay, giò chả. Anh Gù lịch kịch chuyển người trên ghế, không nói gì.
Tiếng la ó, chửi bới bên ngoài nghe chừng càng quyết liệt hơn, nhưng đã chuyển về đúng căn nhà lão Hợi. Hạnh cởi áo ngoài, ngồi xuống chiếu, hỏi anh Gù.
- Chuyện gì mà ầm ĩ thế anh?
- Đánh ghen!
- Anh giận em à?
Gù nhìn Hạnh, nói run rẩy:
- Giận gì...
Bỗng có tiếng la hét thất thanh sát ngay cửa. Hạnh nhào ra, cô vợ thằng Minh nằm sõng sượt dưới gốc bàng, chân tay giãy đành đạch, miệng chửi rủa, khóc lóc. Hạnh nâng chị ta dậy, dìu về nhà. Mụ Hợi lại xông vào đòi "xé xác con đĩ", lão Hợi xông lên chửi vợ như đàn bà.
Bà Còng tới.
Bà đứng ngoài đe gọi công an giải quyết. Sự đe dọa của bà không có kết quả. Cuộc chửi bới càng dữ dội. Anh Gù ức quá. Không biết anh ức vì cuộc cãi lộn đã hút Hạnh vào đó hay vì anh đã uống rượu vào rồi. Anh cầm con dao phay xích ra cửa. Có hai thằng choai choai đang tranh nhau kể cho nhau nghe chuyện lão Hợi bị vợ túm đánh kêu rống lên. Anh bảo hai thằng choai choai khiêng anh, đặt vào giữa nhà lão Hợi, để anh dẹp loạn.
Lúc ấy dân trong ngõ đã thức dậy. Họ đứng vòng trong vòng ngoài xem cuộc ẩu đả không phân thắng bại của nhà lão Hợi. Bỗng họ đứng dạt ra khi thấy hai chú nhóc khiêng anh Gù tới. Cả nhà lão Hợi không rõ chuyện gì, cùng lúc im thít. Người ta khiêng chiếc bàn to ra giữa nhà, đặt anh Gù và chai rượu lên.
- Ô hô! Kể chuyện Tam Quốc đi!
- Ông Khổng Minh hiện về đấy! Đếch phải rượu đâu, xăng đấy!
Thế là người ta xô nhau dãn ra. Gù cầm chai rượu huơ huơ lên, chửi rất tục, rồi tuyên bố:
- Ông nói cho chúng mày biết, chúng mày không sợ công an, không sợ bà Còng, nhưng chúng mày cũng phải biết điều, hiểu chưa? Đánh chửi nhau suốt ngày, đêm hôm cũng phải cho người ta ngủ. Chúng mày định làm loạn ở đây hẳn. Từ rày thằng nào con nào còn làm ầm ầm lên giữa đêm, ông sai đàn em tới đốt nhà đừng trách. Vớ va vớ vẩn!
Rồi anh dốc ngược chai rượu, uống một ngụm, tiếp:
- Thằng Minh đâu? Anh dõng dạc gọi.
Minh hói thực ra không kém anh Gù mấy tuổi, nhưng vì sợ cái uy của anh, khúm núm bước ra. Anh Gù chỉ tay vào mặt nó, quát:
- Đàn ông như mày là đồ hèn, hiểu không? Ăn vụng phải biết chùi mép, ngu thế. Hiểu không? Lại còn đánh nhau với bố, để vợ nó tát cho là hèn, hiểu không? Thôi, cho lui!
Anh quay sang chỉ vào mặt vợ chồng ông Hợi:
- Tôi nói cho ông bà biết, bới cứt ra thì tự mà ngửi lấy, đừng bắt người khác phải vấy bẩn, hiểu chưa? Nhà dột từ nóc, vớ va vớ vẩn, hiểu chưa? Mẹ kiếp, đất có thổ công, sông có hà bá, Gù này chưa ra tay đấy, hiểu chưa?
Anh ngoắc mấy thanh niên vào. Thằng Mỹ sướng lắm, nó bê cái ghế nhấc anh Gù lên, đưa ra cửa. Đám đông reo hò kéo nhau về, bàn tán sôi nổi. Không ai ngờ anh Gù lại ra tay một cách kỳ lạ thế.
Anh bảo Hạnh giữ toán thanh niên lại, cho uống rượu. Họ vui vẻ kéo nhau vào nhà, mở lồng bàn, ngồi quanh mâm. Hạnh đưa chìa khóa cho bà Hượu, bảo sang bên cô ngủ, chút cô về, ở đây thanh niên ăn uống, sợ kéo dài, mệt xác.
Bà Hượu được Mỹ đưa ra cửa.
* * *
Đêm ấy là cái đêm thần tiên nhất của đời Gù. Toán thanh niên được giữ lại ăn nhậu "mừng quán anh Gù" đã lấy làm sung sướng lắm rồi. ở cái ngõ Lỗ Thủng nghèo đói này, đã bao giờ chúng được ai đãi rượu Tây, lại gà luộc cả con, giò chả chất lên đĩa có ngọn, lại măng miến, thuốc "ba số", uống hút không phải dè sẻn. Cái quan trọng hơn nữa là chúng được anh Gù đánh giá cao. Bữa nay anh nào anh nấy đều có vẻ ăn chơi sành sỏi. Hạnh mở rượu rót vào ly. Thằng Mỹ xăng xái yêu cầu: "trăm phần trăm". Anh Gù đĩnh đạc giảng giải:
- Rượu vào lời ra, chúng mày cho phép anh được nói trước. Kể ra quán anh thành lập cũng cả tháng rồi nhưng nay mới có dịp họp mặt anh em. Cũng là tình cờ chứ không phải có ý định trước - anh hắng giọng nhìn Hạnh, rồi tiếp - Sự tình cờ ấy các cụ gọi là duyên. Anh em mình sống với nhau ở đây, thằng nào cũng khốn nạn cả. Có điều, nếu biết thương nhau thì đâu vào đấy hết. Thằng nào cũng có nghề của mình, biết bảo ban hỗ trợ cho nhau, anh nói thật, chuyện gì cũng có thể vui vẻ. Bây giờ mở đầu, xin mời cô Hạnh uống trước, trăm phần trăm. Từ chén sau tùy tửu lượng mà dùng!
Cái cách ăn nói khúc chiết trang trọng của anh khiến mâm cỗ có vẻ sang lên. Hạnh cầm chén mời. Tất cả hua húa cụng ly. Hạnh ngửa cổ uống hết rồi dốc ngược chén, nói:
- Chúc mọi người uống say!
Bắt đầu từ bữa ấy, thằng Ngọc, thằng Mỹ, thằng Hà trở thành "quân" của anh Gù. Thực ra làm "tướng" đối với đám thanh niên trong ngõ thật khó, nhưng đối với anh Gù thì lại khác. Thỉnh thoảng có tiền, anh chi cho chúng nó bữa nhậu ra trò. Anh thừa biết, có mấy nhà lập quán, chỉ vì không biết đối xử với cánh phá bĩnh ấy, thành ra phá sản. Con người ta, dù làm gì, ở đâu cũng cần được người đời biết đến, cần sự tôn trọng tối thiểu. Xưa nay chúng nó có được ai coi là gì. Thằng Ngọc câu cá trộm công viên nổi tiếng. Nó còn được dân trong ngõ gọi là Ngọc mè. Nó hành nghề câu cá trộm từ năm lên mười. Nhà có ba anh em trai, hai thằng anh còn đang nằm trong hoả lò vì tội ăn cắp dây điện ngoài công viên. Còn nó, nó coi cái hồ công viên là nguồn sống, là niềm vui, nỗi buồn của mình. Quanh năm suốt tháng, người ta thấy nó suốt ngày chỉ đánh cái quần đùi, thơ thẩn quanh bờ hồ. Thực ra nó chỉ cần đứng câu chừng nửa tiếng ban ngày, nửa tiếng ban đêm là coi như đủ tiền đong gạo cho cả nhà. Có hồi người ta canh gác quá, các bạn câu chuồn sạch, chỉ còn mình nó. Nó kiên trì ngồi đợi, thay đổi cách câu, suốt ngày suốt đêm cũng được đôi ba khoảng trống của sự canh giữ, để kiếm sống. Đã gọi là đi câu, nhất thiết phải gan lỳ. Đằng này câu trộm, sự gan lỳ cần gấp lên nhiều lần. Nhưng làm gì cũng phải có tài. Nó rất tự hào về cái tài phát hiện luồng cá. Nó chỉ cần nằm nghiêng cổ một lúc trên bờ hồ, dóng tai nghe ngóng, giương mắt nhìn mặt nước, thế là nhận ra luồng cá đang hoạt động. Tất nhiên cái kinh nghiệm của nó, nó giấu kín, chẳng ai học được. Cũng cầm cần câu ra hồ mà nó cứ giựt liên tục, còn người khác chỉ là hú họa, chỉ là ăn may. Thực ra nó cũng đã từng bị công an tóm cổ, ném vào nhà giam hai ngày, nhưng không phải là tội câu cá trộm. Nó bị bắt oan trong vụ thằng Mạnh lùn chém sạt vai anh công an. Đó là vụ ăn cắp lợn của trạm cấp thoát nước bị lộ. Cánh thằng Mạnh ăn tham, đã khiêng được con lợn ra ngõ rồi, lại còn quay vào, định nẫng thêm mấy con gà công nghiệp. Số không may gặp phải cặp trai gái đang tằng tịu trong bếp kêu toáng lên. Thế là cả bọn bỏ của chạy lấy người. Cái người chạy đuổi theo chính là anh công an đang ôm người yêu hay bồ bịch gì đó. Thằng Ngọc đang câu cá trộm ngoài công viên, nghe tiếng đuổi nhau, chẳng biết chuyện gì, cũng bỏ cần câu trong bụi, chạy theo. Anh công an túm được vạt áo thằng Mạnh lùn, giật lại, sẵn có dao trong tay thằng Mạnh chém một phát. Thằng Ngọc cũng vừa có mặt ở đó. Đồn công an bên kia đường cho người vây, bắt được cả bọn, trong đó có Ngọc mè...
Còn thằng Mỹ, cái thằng to cao, tóc tai quần áo xù ra, nom như tướng cướp. Ngực, tay và vai nó xăm trổ những là công quạ, rồng phượng, cung tên tùm lum nom khiếp lắm. Thế nhưng nó lại là thằng hiền, suốt đời chỉ làm quân, chưa bao giờ tự nó nghĩ ra điều gì để hành động cả. Có thời gian nó làm quân thằng Mạnh lùn, nhưng chậm chạp quá, thằng Mạnh khinh, hai đứa đánh nhau một trận nên thân, rồi nó "chuyển ngành". Mỹ đã trải qua không biết bao nhiêu là nghề, tuyền nghề nặng nhọc: bổ củi, đào hố móng, xây dựng (thực ra là đánh vữa), cưa trộm ống nước ngoài công viên, đánh trộm cây cảnh bán cho nhà buôn ngoài phố Huế, xẻ gỗ làm củi... Thế nhưng khi người ta phát hiện ra nó có sức khoẻ và liều, thì công việc chính của nó mỗi lần có chuyện xây bít lỗ là vác xà beng ra rình. Chỉ cần sơ hở một tẹo, nó liền tiến công. Mỗi lần nó đục lỗ, thế nào cũng được khao. Thậm chí người ta còn quyên góp tiền, thuê nó. Nó làm bất cứ việc gì, miễn nhanh có tiền, không phải nghĩ ngợi. Mỹ chỉ mong người ta hô hào xây bít lỗ, nó sẽ có công ăn việc làm. Xây cũng nó mà phá cũng là nó. Cả hai kiểu làm đều có lương, lại được vênh vang với lối ngõ. Dân lối ngõ gọi nó là Lỗ Trí Thâm. Thực ra nó chẳng biết Lỗ Trí Thâm thế nào nên mới đầu nó cũng tức sôi gan. Nhưng đến khi nghe anh Gù kể chuyện ấy thì nó sướng lắm. Thằng Mỹ đã có vợ, nhưng vợ nó bỏ theo bọn chợ giời. Thành ra nó lại quay về ở với bà cô ruột. Bà cô độc thân, nó cũng độc thân. Bố mẹ nó chết sớm, cô có công nuôi, công dưỡng, thành ra thằng Mỹ biết ơn cô lắm, làm được đồng nào đều về nộp cô. Ai cần việc gì, tâng bốc nó một tí là nó giúp cật lực, không tiếc sức. Trêu nó thì hãy coi chừng. Tóm lại, nó là đứa ngang ngược, nhưng dễ bảo.
Còn thằng Hà choắt, nom cứ như ông cụ non. Củ mỉ, cù mì, nhưng đến khi có việc thì nhanh phải biết. Hà choắt sống bằng nghề lấy củi trộm trong công viên. Nó có thể leo cây suốt ngày, thậm chí ngủ trên cây. Chỉ cần một con dao rựa, nó có thể kiếm một ngày ba bốn bó củi. Ngày nào cũng thế, nó nộp cho mẹ nó hai bó, còn bao nhiêu nó hưởng. Cũng đã có lần cu cậu bị công an chộp, cho đi cải tạo mấy tháng. Hà choắt cho là lần ấy nó bị lừa. Chả là hôm ấy đang lúc giữa trưa, ngồi trên cây nhìn xuống thấy có một đôi trai gái đang say nhau tít trong bụi. Cái xe đạp để ngay dưới gốc cây. Hà ta liền từ từ tụt xuống, thấy xe không khóa cu cậu nhảy lên, phóng như điên về hướng ngõ Lỗ Thủng. Thật rủi cho nó, đôi trai gái chợt tỉnh, thằng con trai vừa hô hoán vừa đuổi theo. Đến chỗ Lỗ Thủng thì xe tuột xích. Mấy anh công an đi đâu về, thấy người kêu mất xe, ra ngó. Họ chộp được Hà dễ dàng... Hà choắt được tha về, sợ cảnh đi cải tạo quá, nó đã tự thề không lấy cắp của ai nữa. Nhưng lấy trộm củi thì nó vẫn theo đuổi. Đó là nghề chuyên nghiệp, nó không thể bỏ. Nó lấy củi, bó ngay trên ngọn cây, tối mới hạ xuống, khuân về. Tài tình đến thế là cùng. Và nó rất yên tâm với cái nghề, bao giờ hết cây thì nó mới hết việc!
Anh Gù rót rượu mời từng đứa, cụng chén với từng đứa, sau khi chúng kể chuyện mình. Và anh bình phẩm thêm, góp ý sơ sơ cho chúng nó. Hạnh uống được ba lần "trăm phần trăm!" nữa với từng đứa thì say quá. Cô đã uống từ chập tối trên khách sạn rồi. Và giờ đây Hạnh ngồi tựa thành giường, ngoẹo đầu ngủ ngon lành. Anh Gù bảo Mỹ đánh thức Hạnh dậy, mời cô uống nữa. Cô từ chối, đứng dậy, lên giường nằm.
Ngoài kia hình như trời đã tạnh. Gió xào xạc khua trên mái nhà. Mấy chàng trai cơm no rượu say có vẻ đã mệt mỏi. Anh gù bảo thằng Mỹ đánh thức Hạnh dậy, đưa cô về nhà. Nhưng Hạnh không dậy. Cô chửi vào mặt thằng Mỹ một câu rồi lại nằm xuống. Đến lượt thằng Hà, thằng Ngọc gọi cũng bị mắng. Thế là chúng nó kéo nhau ra đi.
Và thế là cái đêm ấy, một đêm thần tiên, kỳ diệu nhất đời anh...
Anh cảm thấy trong người rạo rực, tự dưng run bắn lên. Anh cố trấn tĩnh, nhưng càng trấn tĩnh nhịp độ run càng tăng. Sao lại thế nhỉ? Không phải rét, càng không phải sợ. Có gì mà sợ? Anh nghiến răng, lấy một điếu thuốc hút. Anh cố nuốt khói vào trong lòng, nhưng run vẫn hoàn run! Bỗng cánh cửa bật mở. Thằng Mỹ lảo đảo bước vào. Nó gục đầu vào vai anh xin tha lỗi vì tội hôm nọ nghe "chúng nó xúi giục" suýt nữa thì cầm đơn tố cáo anh lập quán trái phép lên phường. Gù không ngờ lại có chuyện bậy bạ như vậy. Thằng nào con nào kiện anh? Anh gạn hỏi mãi thằng Mỹ cứ một mực xin anh đừng bắt nó khai. Tuy nhiên nó hứa, nếu bọn kia còn giở trò kiện tụng nữa, nó sẽ ra tay "cho chúng nó một trận". Anh đồng ý để cho nó về.
Anh lần ra chốt cửa rồi quay lại. Thằng Mỹ vào đã giải cơn run cho anh. Nhưng chuyện nó vừa thú khiến anh khó chịu. Anh không sợ, không có gì phải sợ cả. Thân anh thế này, người ta không thể hoạnh họe gì được anh. Anh lần tới mép giường, đu người lên, nhưng tay chân thế nào lại hụt một cái, ngã phịch xuống đất. Hạnh giật mình ngồi dậy. Cô ngơ ngác nhìn quanh rồi thản nhiên buông tóc. Anh lại đu lên giường, lần tới ngồi bên Hạnh. Anh không còn biết anh đang nghĩ gì. Bao nhiêu ý nghĩ trước đó định nói với Hạnh giờ đây bay sạch. Anh nhìn Hạnh, có lẽ cái nhìn ấy chứa đựng toàn bộ ham muốn trong lòng anh, khiến Hạnh hơi cúi xuống. Rồi cô tụt nhanh xuống giường, nói:
- Em về đây.
- Ơ...
- Em đang có chuyện không vui, - Hạnh nói và khoác áo vào người - Anh thông cảm.
Gù cảm thấy bất lực. Đầu anh rũ xuống. Hạnh đã ra tới cửa, nhưng không biết cô nghĩ thế nào, lại quay vào. Cô ngồi xuống giường, sát bên anh. Anh vẫn ngồi cúi gằm đầu xuống ngực, cố nén nỗi uất ức. Mãi sau anh mới nói được một câu:
- Hạnh khinh anh lắm à?
Không ngờ Hạnh bỗng trở nên một con người khác. Cô lặng lẽ đứng dậy vắt áo lên thành giường rồi tắt điện.
- Em không dám khinh anh... Nhưng...
- Thôi Hạnh đừng nói nữa, - Anh nói run rẩy và chồm lên ôm ngang người cô, dụi đầu vào ngực cô.
- Em...đừng... nói...
Hạnh luồn tay vào tóc anh, xoa ngực anh và kéo mặt anh lên hôn tới tấp...
Đêm ấy là đêm thần tiên nhất đời anh, anh nhắc đi nhắc lại. Nhưng cái đêm ấy, cũng là cái đêm khiến anh vừa chạm tới đỉnh cao đã sa chân vào hố thẳm...
Anh được làm thằng đàn ông với Hạnh. Hạnh cũng không ngờ thằng đàn ông trong anh Gù lại dữ dằn và quyết liệt thế. Cô đã tiếp xúc với đủ loại đàn ông, nhưng chúng nó đều là giả dối. Chúng nó chiều chuộng cô, mơn trớn, nịnh bợ, ton hót cô, để rồi chúng coi cô như con vật. Cô khao khát một tình yêu. Cô cũng đã từng đi tìm tình yêu, nhưng rốt cuộc tình yêu làm gì có. Đứa nào nói tới tình yêu nhiều nhất đối với cô, đứa ấy là thằng đểu giả, lừa lọc nhất. Cô không nhớ rõ nét mặt một thằng đàn ông nào. Tất cả chúng nó đều có chung một nét mặt. Chính thằng lái xe cho một ông Bộ trưởng yêu cô, rước cô đi Nam về Bắc, nó hứa với cô đủ điều, rằng nó sẽ xin cho cô việc, rằng Bộ trưởng nó là một người tài hoa, chịu chơi, sẵn sàng giúp đỡ. Cô có cần gì lắm đâu, một chân bán dịch vụ hay nhân viên nhà khách, một chân bán vé rạp hát hoặc việc gì đó nhàn nhàn. Cô tự biết mình không đòi hỏi hơn thế, vậy mà nó vẫn lừa. Nó hứa lên hứa xuống. Nó khuyên cô phải biết "chiều chú ấy". Rồi nó bố trí cho cô gặp "chú" trong khách sạn. Thì ra chúng nó đồng lõa với nhau lừa lọc cô, đẩy cô vào con đường mà giờ đây không thể khác.
- Đừng nói nữa, Hạnh ạ... Anh... Anh yêu em...
- Anh câm mồm đi, đồ đểu!
Hạnh bỗng vùng dậy, rũ người xuống. Cô bưng mặt khóc. Gù không dám nói gì thêm. Thực ra anh cũng không nghĩ thêm được điều gì để nói. Anh ôm ngang người Hạnh, dụi đầu vào ngực cô. Hạnh cúi xuống sát mặt anh, nói nhỏ:
- Em... cũng yêu...
- Thật không? Em mà cũng yêu anh à?
Hạnh không nói gì, ngả người xuống. Gù tháo hết áo quần trên người cô.
- Nếu tất cả chỉ có thế thì cái đêm hôm ấy hoàn hảo biết bao, và tôi không có gì ân hận - Anh Gù vừa rót rượu ra ly, vừa âu sầu nói. Nhưng tôi đã không kìm được sự sung sướng. Đúng như anh nói, khi người ta đã đạt tới đỉnh cao rồi, nếu không bình tĩnh mà nhìn lại, nếu không tự biết khả năng mình chỉ leo được tới đó, mà cứ dấn tới một cách điên rồ, thì tất sẽ bị sa hố!
Ông tiến sĩ ngồi ngả người lên thành ghế, một tay cầm ]y rượu, tay kia tư lự đặt lên cằm, mái tóc chớm bạc xõa xuống.
- Nhưng cái hố thẳm mà chú sa xuống toàn hoa lá... Còn tôi... cái hố thẳm của tôi đầy rắn rết và thú dữ...
Ông tiến sĩ nói, trong khi ông vẫn ngồi im phăng phắc...
- Cứt! Anh Gù nói với cái vẻ đầy cay cú, - Đã sa xuống hố thì toàn là cứt thôi! Hoa lá làm bằng cứt!
Tôi không ngờ anh Gù bỗng dưng phản ứng người bạn thân thiết của mình thô tục thế. Anh còn nói về cái hố thẳm cứt đái mà ông tiến sĩ vẽ ra đầy huyễn hoặc ấy một thôi một hồi. Rồi anh gục xuống trong trạng thái say. Anh nói, không phải nói với ông tiến sĩ nữa. Càng không phải nói với tôi, mà anh đang tự thú trước tấn bi kịch của đời mình.
- Nó vừa nói tình yêu giả dối, là lọc lừa, là đểu cáng, là trăm thứ bẩn thỉu. Nhưng chính nó cũng đang thối rữa từ bên trong. Nó bảo nó yêu tôi vậy sao trong khi đang làm tình với nhau, chỉ vì nó sờ phải hai cái chân nhũn nhẹo này, nó lại ré lên hoảng loạn, rồi vội vã mặc quần áo bỏ chạy?...
Tôi rời chỗ ngồi khuất lấp của mình, tới bên hai người bạn. Họ hình như không nhận ra tôi. Và tôi lẳng lặng ngồi xuống.
Mọi thứ quanh chúng tôi trở nên mờ ảo khi mặt trăng luồn vào một đám mây.
Mất điện.
Còn tiếp...
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com