chan_dung-ke_si

BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

21-11-2024

Lượt xem 1439

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Thị Châu Giang

BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "

Quán nằm chỗ bến sông dựng bằng lá tranh ẩm mốc. Sau lưng là con đường nhỏ dẫn về làng um tùm cây dại. Trước mặt là con sông không thấy bờ, nước lăn tăn như bạc vụn. Những hôm thuyền rời bến, nước đục lên một tí rồi lắng lại, trong leo lẻo, thấy từng viên sỏi nhỏ óng ánh dưới đáy nước. Trên bờ những cây gỗ mục nằm chất đống, chen lấn giữa đám cỏ gà cao nhồng.

Chủ nhân của quán cũng nhỏ bé và cô độc hơn giữa mênh mông trời đất. Nhiên có đôi mắt một mí buồn rượi, da thịt trắng xanh như bước ra từ liêu trai. Mái tóc dài để xõa che khuất gương mặt tròn và nụ cười buồn đầy quyến rũ. Mỗi buổi chiều thu dọn ghế xong ngồi tựa cửa, tranh thủ thêu những chiếc khăn lụa nhỏ có hình chim bay lượn bên nhau để kịp gửi xuống chợ bán. Nhiên đẹp như tranh Tố Nữ. Nắng vàng cuối chiều trườn nhẹ trên bờ cỏ, hắt lên má Nhiên mầu hồng ấm áp. Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... " Tiếng hát kéo dài qua những rặng cây ướt đẫm nước, rồi tan ra trước khi rơi xuống con sông đang chuyển dần sang mầu xám sẫm.

Khách của quán đa phần là dân chài da nâu bóng như hun đồng, tóc bám bụi từng mảng lớn, vô tư và ồn ã. Thảng hoặc mới có người trên huyện ghé tạt qua vì tiếng đồn cô chủ

quán xinh đẹp, quán có vẻ gì rất xưa cũ hơn là dừng chân uống nước. Họ đến từng người một nhưng ngồi lẫn trong đám dân chài, trầm ngâm nhìn Nhiên, xì xào bàn tán nhỏ tọ Mắt họ vẩn mây đục. Họ nhấp môi vài chén nước thấy đắng chát, tay chân rã rời mà không ngỏ được một lời nào. Họ đến rồi đi như lá bay, tuần tự, lũ lượt không để lại dấu ấn gì, cũng không trách móc gì. Như xem một bức tranh, nó đẹp quá nhưng không thể nào của riêng mình được. Vậy thì ngắm nghía đã được thỏa thích rồi.

Còn Nhiên, càng ngày càng thấy buồn, thấy quán thêm lạnh lẽo. Mỗi lúc nhìn thấy vợ con của những người thuyền chài ra đón chồng, lòng Nhiên lại chùng xuống. Có gì đâm nhoi nhói trong tim, ứa lên mắt những giọt nước trong suốt.

Tôi bảo: "Nhiên ơi, lấy chồng đi cho nó đỡ cô quạnh". Nhiên cười buồn bã "Lấy ai bây giờ. Bọn họ tầm thường lắm". Những ngón tay Nhiên đan vào nhau mảnh dẻ và bắt đầu ửng đỏ. "Họ có yêu mình đâu, chỉ toàn yêu vẻ ngoài của mình thôi". Tóc Nhiên xõa dài xuống bờ vai tròn lẳn. "Hồng nhan truân chuyên lắm Nhiên ạ!". Nhiên cũng nhủ, ừ hồng nhan lúc nào phận cũng bạc.

*

Người đó tọc tạch đi trên chiếc xe đạp rỉ sét, bàn đạp cứ rên lên ken két, sau lưng chằng buộc một hộp đồ lớn, đi từ hướng thị trấn về đến chỗ quán của Nhiên thì dừng lại, ngó quanh vài giây rồi chậm rãi bước vào. Hôm ấy trời lạnh, quán vắng khách. Người khách quỳ xuống bên bếp lửa. Ánh vàng hắt lên mặt anh lộ rõ đôi mắt sáng, vầng trán phẳng như tạc bằng đá và đôi môi mím chặt cương nghị. Cả người anh toát lên vẻ mạnh mẽ lẫn yếu đuối giữa những đường nét đối chọi nhau trên gương mặt. Anh quay lại bảo "Chị làm ơn cho tôi chén chè nóng". Anh không giật mình, không sững sờ, thậm chí không để ý đến vẻ đẹp của Nhiên. Điều đó làm Nhiên xúc động. Cô đặt trước mặt anh ấm chè và vài phong bánh, nhỏ nhẹ "Anh về làng chơi?". "Không, tôi không có người quen ở đây. Tôi đến vẽ bến sông này. Chị biết ở đây có ai cho thuê nhà?". "Tôi không biết. - Nhiên ngập ngừng. - Thôi anh cứ ở tạm quán tôi. Bến sông ngay dưới kia, anh tha hồ vẽ". "Được thế thì tốt quá". Anh bước thẳng xuống bến, không một lời cảm ơn. Nhiên không thấy buồn, thấy giận chỉ cảm giác người mình chòng chành, từng đợt sóng nhẹ nhàng trào dâng trong lòng. Nhiên bước ra cửa, mắt dõi xa xạ Bóng anh in nghiêng trên nền trời xám bạc, một lát đã lẫn vào làn sương mỏng tỏa trên mặt nước. Một vì sao đột nhiên vụt sáng cuối chân trời rồi cũng bay đi mất hút.

Buổi tối anh dặn dò kỹ lưỡng "Chị Nhiên ạ, sáng mai nhớ gọi tôi dậy sớm. Tôi chỉ có vài ngày ở đây, phải vẽ cho bằng được bình minh trên bến sông. Nó đẹp lắm phải không chị?". "Tôi thì thấy đẹp nhưng ở đây ai cũng bảo thường". Nhiên quay lại thấy anh đã nghẹo đầu ngủ ngon lành.

Nhiên nằm im lặng, lòng xốn xang không ngủ được. Nhiên bước ra ngoài. Đêm lạnh. Bến sông mờ mịt tối, in những bóng thuyền lờ nhờ như những chiếc lá khô nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Tiếng gió rền rĩ như tiếng thở than của những người đàn bà. Nhiên hỏi "Các chị buồn ự Hãy về đây nói chuyện với em. Đêm nay em khó ngủ quá". Nhiên gục mặt vào hai bàn tay, lòng tự nhiên bâng khuâng.

Mặt trời đã lên cao. Sương đã tan và những con thuyền đã rời bến. Nhiên nhìn anh ngủ, không muốn đánh thức dậy. Cô lặng lẽ làm mọi việc, gắng không gây tiếng động. Nhiên cảm thấy thương anh kỳ lạ.

Khoảng mười giờ anh bừng tỉnh hốt hoảng nhảy xuống giường. "Đã sáng rồi hả chị?". Nhiên cười "Đã trưa rồi". Anh vò đầu bứt tai "Trời ơi sao chị không gọi tôi. Thật là... ". Nhiên phân trần "Em thấy tội anh quá - Giọng Nhiên hơi nghẹn lại vì tự ái - Em xin lỗi". Anh xua tay "Thôi không sao, không sao!". Anh xách đồ nghề ra bến sông, ở suốt dưới đó cho đến tối mịt. Anh luôn miệng nhắc "Tôi chỉ có vài ngày làm việc ở đây, sợ không kịp mất". Vô tình anh làm Nhiên đâm sợ hãi thời gian.

Một buổi sớm thức giấc. Nhiên thấy đầu giường mình có hoa dại. Những bông hoa cánh mỏng tang phết mầu mật ong óng mượt. Vài giọt sương còn đậu trên cánh hoa, lóng lánh như ngọc. Nhiên hớt hải chạy ra bến sông "Anh ơi... " Tiếng cô lạc vào trong gió. Gió lùa vào cô lạnh buốt. Nhiên rũ xuống. Mặt sông cuộn lên như muốn dìm Nhiên mãi. "Nhiên!". Nhiên ngẩng phắt dậy. Anh đứng trước mặt nhìn Nhiên cười hiền lành, hai gò má tái nhợt vì lạnh. Nhiên nhào đến anh, bật khóc "Em tưởng anh đi rồi. Em nghĩ là anh đã đi rồi". "Anh làm sao đi được - Anh vuốt tóc Nhiên, dìu cô về nhà - Anh còn phải vẽ em nữa kia mà". "Em ử". "Phải, bé yêu". Anh đặt Nhiên nằm xuống giường, hôn cô âu yếm. Sóng trong người Nhiên trào lên cuồn cuộn rồi sôi chảy êm ái. Đến một lúc nó tan ra ngọt lừ. Nhiên thiếp đi miệng nở nụ cười sung sướng.

Mấy ngày sau quán vẫn mở nhưng tự nhiên chẳng ai đến. Bến nước thành ra buồn tênh. Nhiên ngồi cho anh vẽ, đắm chìm trong niềm hạnh phúc bất ngờ mình đang có trong tay, mắt đẫm nước. Nắng như tấm voan bằng vàng phủ lên tóc Nhiên, lên người Nhiên chạy thành một đường diềm trên ô cửa mở rộng. Anh luôn miệng xuýt xoa "Chao ôi, Nhiên ơi, đẹp quá đi mất. Em này, bến sông này, còn gì hơn nữa". Bức tranh hoàn thành vào buổi chiều cuối thu. Mưa phùn giăng kín ô cửa. Nhiên nhìn mình trong tranh, thốt lên ngạc nhiên "Em đẹp thế này sao?". "Còn hơn thế nữa. Nhưng anh không tả hết được. Thật khó lòng mà tả hết được em". Nhiên xấu hổ, dụi đầu vào ngực anh. Tiếng anh thì thầm "Một tháng rồi Nhiên nhỉ? Vậy mà anh chẳng muốn đi đâu hết".

Nhiên tỉnh dậy, nhìn quanh không thấy anh. Nhiên nghĩ chắc anh lại ra bến sông vẽ nên dọn hàng xong mới ra gọi anh. Nhiên gọi mãi, không thấy anh trả lời. Cô chạy dọc theo bến sông. Mưa bay tới tấp vào mặt. Bến sông lặng ngắt. Cây cỏ dúi vào nhau ướt sũng. Nhiên ráng gượng đứng lên quay về nhà. Cô hiểu thế là anh đã đi thật rồi. Đã đi xa khỏi cô thật rồi, không một lời từ biệt. Đáng lẽ thì không nên thế. Nếu anh phải đi thì cũng nên nói với cô một lời... Nhiên đưa tay vuốt khuôn mặt ướt đẫm nước mưa và nước mắt. Nhiên lặng lẽ ngồi xuống giường. Dưới gối có một tờ giấy nhỏ, chữ viết vội vàng "Nhiên yêu quý, rồi cũng phải đến ngày hôm nay. Anh rất yêu em nhưng công việc của anh bắt anh phải đi. Em thông cảm chờ anh. Hãy chờ anh nhé, bé yêu, hôn em!"

Nhiên gục xuống. Cô không khóc. Chỉ thấy mắt bỏng rát. Nước mắt chảy ngược hết vào trong như muối xát. Nhiên không còn khóc được nữa.

*

Thời gian thấm thoắt trôi qua. Những lùm cỏ dại bên sông ngày càng um tùm lút mất tầm mắt nhìn về bến. Đến mùa xuân, hoa dại lại nở vàng óng như những cánh bướm. Quán lại đông khách. Dân chài lẫn với người thị trấn lại đến uống nước vì trong quán có cô chủ quán xinh đẹp như thần tiên. Nhất là sau dạo mùa đông, nét đẹp ấy càng đằm lại, hanh hao như sương khói, như thể lúc nào cũng chực như tan biến mất.

Chiều khách vãn dần. Cô chủ quán lại ra ngồi tựa cửa, mắt dõi nhìn xuống bến sông, tay âu yếm xoa bụng. Tôi giục "Sao không lấy chồng đi cho đỡ cô quạnh?". Cô cười vô tư lự

"Mình phải đợi anh ấy về". Cô cúi xuống, tiếp tục cặm cụi thêu những con chim nhỏ trên khăn lụa kịp buổi chợ ngày mai, và hát "Ơi chàng ơi, chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em gối chiếc chăn đơn đợi chàng... ".

Cũng dạo ấy, trên những tờ báo lớn đều đưa tin "Lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải lớn Mỹ thuật quốc tế". Bức tranh Bến đợi chồng được đánh giá rất cao về mặt nghệ thuật. Kỹ thuật ánh sáng, đường nét hài hòa, chắt lọc. Mầu sắc lung linh. Nhìn vào, người ta có thể thấy những cảm xúc về tình yêu, hạnh phúc đã từng một lần trôi qua đời mà ít người nắm bắt được. Bên cạnh tấm ảnh chụp tác giả bức tranh đang tươi cười đứng bên người vợ tương lai, con một họa sĩ lão thành tiếng tăm và bức tranh Bến đợi chồng. Cô gái ngồi tựa cửa, thấp thoáng phía xa con sông rắc bạc vụn. Những chiếc thuyền đánh cá nâu sẫm nằm phơi lưng lên trời chen giữa đám gỗ mục và cỏ gà. Nắng viền đường diềm lên ô cửa, thả tấm voan khắp người cộ Tác giả của bài viết về bức tranh Bến đợi chồng kết luận: "Đôi mắt của cô ấy đẫm nước, lúc nào cũng như thầm thì "Em ở đây. Em đang đợi anh đây... ". Thật hạnh phúc cho người đàn ông nào được cô ấy yêu thương và chờ đợi"

Bài liên quan
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • LỬA CỦA KHOẢNH KHẮC – Truyện ngắn Trần Thùy Mai

    LỬA CỦA KHOẢNH KHẮC – Truyện ngắn Trần Thùy Mai

    Chân Dung Kẻ Sĩ: LỬA CỦA KHOẢNH KHẮC là truyện ngắn trong khoảng thời gian mười năm nhà văn Trần Thùy Mai đi đến các miền quê, các vùng văn hóa khác nhau để sưu tầm văn hóa dân gian. Tác phẩm sau đây được viết trong bối cảnh một làng bán sơn địa dưới chân Đèo Ngang.