chan_dung-ke_si

ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

17-11-2024

Lượt xem 1734

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Xuân Quỳnh

ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh (1942-1988)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên Xuân Quỳnh nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.

Từ bé đến giờ Minh chỉ biết có ông nội, chưa bao giờ Minh gặp ông ngoại cả. Ông ngoại ở xa lắm, đâu như tận Sài Gòn kia.

“Nội là trong, ngoại là ngoài – Có lần bà Viện hàng xóm giảng cho Minh như thế – Ông nội đẻ ra bố còn ông ngoại thì đẻ ra mẹ, bố bao giờ cũng gần hơn mẹ, bởi thế ông nội gần hơn ông ngoại”.

Bà Viện nói thế mà có vẻ đúng. Ông ngoại thì ở xa tít tắp, mà nếu có ở gần chắc ông ngoại cũng không yêu Minh bằng ông nội.

Ông nội lúc nào cũng gần gũi Minh. Những buổi tối ngồi uống trà, ông ôm Minh ngồi trên lòng và kể cho Minh nghe bao nhiêu là chuyện. Ông hay kể về thành phố Hà Nội trước kia. Hà Nội khi ông còn là “anh vệ quốc” trong trung đoàn Thủ đô, khác Hà Nội bây giờ nhiều.

Ông yêu thành phố Hà Nội lắm, ông bảo, “ở trong nhà lâu lại nhớ phố”, bởi vậy ông rất thích đi chơi chỗ này, chỗ kia trong thành phố, thường là ông dẫn Minh đi theo. Ông kể cho Minh nghe những chuyện xảy ra trong các phố và nhắc lại những tên phố cũ ngày xưa, không chỉ đi chơi suông đâu, mỗi lần đi chơi ông đều cho Minh ăn kem. Cái món kem dừa ở bờ hồ là Minh thích nhất, vừa thơm vừa mát lạnh. Ông nội bảo khi Minh còn bé hơn nữa, lúc ba tuổi ấy, Minh ăn kem thấy khói, tưởng kem nóng, nên cứ ra công mà thổi. Nghĩ lại buồn cười.

Cứ mỗi lần đi công tác về, ông lại mua cho Minh bao nhiêu thứ: kẹo, bánh, đồ chơi, có khi ông còn nhặt cho Minh cả những vỏ ốc biển nữa.

Vừa nhận những món quà ông cho, Minh vừa hỏi chuyện ông dồn dập:

- Biển có xa không ông?

- Xa lắm.

- Có rộng không ông?

- Rộng lắm.

- Thế có bơi được không?

- Không, vì biển chỉ thấy có một bờ thôi, bờ bên kia không trông thấy đâu cả.

- Thôi Minh – bố Minh đưa mắt nhìn Minh và mắng – Con để ông nghỉ ngơi đã nào! – Rồi bố quay ra nói với ông:

- Ông mặc nó, ông cứ đi nghỉ đi cho khỏe, ông chiều nó quá rồi nó hư ra đấy.

- Thôi đi, tôi không mệt, anh mặc ông cháu tôi. – Ông kéo Minh vào lòng, xoa xoa lên cái đầu húi cua của Minh và cười vui vẻ – Cháu đích tôn của tôi đấy! Khi nào cháu lớn cháu nuôi ông nhỉ?

Những lúc như thế Minh thấy gần gũi ông nội hơn cả bố. Minh yêu ông lắm, mà không biết làm thế nào cho ông biết điều đó. Thấy ông âu yếm quá, Minh vừa cảm động lại vừa ngượng. Minh bèn lùa những ngón tay nhỏ xíu lên mái tóc ông và nói:

- Cháu nhổ tóc sâu cho ông nhé…

Ông ngoại hẳn không thể yêu Minh bằng ông nội được. Cả nhà không ai biết ông ngoại là người như thế nào. Ngay cả mẹ Minh cũng không rõ về ông ngoại lắm. Vì ông ngoại đi từ ngày mẹ Minh còn rất bé. Lúc bấy giờ mẹ Minh ở với cụ ngoại. Ông bảo đi vào Nam một thời gian làm ăn, có tiền rồi lại ra với mẹ Minh. Thế rồi đất nước chia cắt, ông ngoại không về nữa. Bây giờ mỗi lần kể về ông ngoại, mẹ Minh chỉ còn nhớ là ông có hai cái răng khểnh trước cửa. Người ông cao lớn lắm. Bao nhiêu năm trời mẹ không hề nhận được tin tức gì về ông. Mãi tới khi Sài Gòn giải phóng, có người vào Nam ra, cầm thư của ông ngoại đến cho mẹ, mẹ mới biết là ông còn ở Sài Gòn. Mẹ đọc thư ông mà cứ khóc rưng rức. Không hiểu có chuyện gì đã xảy ra với ông ngoại. Minh cứ quanh quẩn bên mẹ và lo lắng:

- Mẹ ơi, thư ông ngoại buồn lắm à?

- Không, vui lắm con ạ!

“À, ra vui mà mẹ cũng khóc! Mẹ giống như cái kem lạnh mà lại bốc khói”. – Minh nghĩ vậy lại thấy buồn cười.

Hè năm nay Minh được mẹ đưa vào thăm ông ngoại. Trước khi lên đường, ông nội mua cho Minh bao nhiêu là bánh kẹo để dự trữ ăn dọc đường. Ông sắp vào túi của Minh cả mấy quyển truyện mà Minh vẫn thích đọc. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, ông còn chạy theo đưa cho Minh một cái kem và dặn Minh:

- Cháu vào thăm ông ngoại rồi mau về với ông, ông nhớ cháu lắm đấy. Cháu về bất cứ lúc nào cũng có ông ở nhà sẵn sàng đợi cháu.

Ông giơ cao tay vẫy Minh mãi. Minh cũng vẫy ông, vừa vẫy vừa quay lại nhìn về phía sân ga, bóng ông nội nhỏ dần và khuất sau một dãy nhà cao. Cổ Minh nghẹn lại, cứ như là nước mắt ở trong cổ đang trào ra ấy! Muốn khóc quá!

Đường đi thăm ông ngoại xa thăm thẳm, qua bao nhiêu cầu phà, rừng núi, qua bao nhiêu bờ biển, làng, phố. Nơi nào Minh cũng thấy như đã quen biết từ trước rồi, vì ông nội ở nhà vẫn thường kể cho Minh nghe về những miền đất như thế.

Xe dừng lại ở Huế một ngày. Dòng sông Hương xanh trong vắt, đúng như ông nội kể – và gió cầu Tràng Tiền thì mát ơi là mát. Có điều những nơi vua chúa ở ngày xưa thì không đẹp và lớn như Minh vẫn thường nghĩ. Cung điện gì mà còn thấp và xấu hơn cái cung thiếu nhi ở Hà Nội. Minh muốn chạy về ngay để nói cho ông nội nghe nhận xét đó của Minh. Nhưng ông nội đã xa quá rồi!

- Mẹ ơi, bao giờ mẹ với con lại về Hà Nội?

- Thăm ông ngoại xong thì về.

- Con chả muốn thăm ông ngoại nữa đâu, con muốn về ngay kia.

- Ấy chết, đừng nói thế con, con không thương nhớ ông à? Con không biết là ông đang mong gặp con à?

- Ông đã yêu con bao giờ đâu, ông đã biết con bao giờ đâu mà ông mong gặp con.

- Có chứ, ông biết con và rất yêu con, vì con là con của mẹ.

Nghe mẹ nói thế Minh không cãi lại nữa, nhưng Minh vẫn thấy như có điều gì vô lý ở bên trong. Tại sao Minh và ông ngoại không hề quen biết nhau lại có thể nhớ và thương yêu nhau được. Rốt cuộc, Minh vẫn chỉ thấy yêu và nhớ có ông nội.

Xe lại chạy, qua đèo Hải Vân. Mây ùa cả vào cửa xe. Xe chạy qua vùng Tháp Chàm cũ. Hẳn những Tháp Chàm ấy đã có từ lâu lắm rồi (theo như lời ông nội kể). Lâu lắm mà vẫn đứng đấy, nhìn về bốn phía, Minh vẫn có cảm giác những Tháp Chàm kia vẫn ngó theo…

Giá như có ông nội đi cùng, ông nội đã kể cho Minh nghe bao nhiêu chuyện ở dọc đường.

Xe tới Sài Gòn vào một buổi chiều nắng gay gắt.

Nhà ông ngoại hẹp và kẹt giữa hai ngôi nhà to cao. Đứng xa, trông như một cái răng kẹ bị ép giữa hai cái răng bàn cuốc. Mẹ Minh rụt rè bấm chuông, còn Minh thì ghé mắt nhìn qua khe cửa, thấy một ông cụ tóc bạc phơ, người gầy đét, lòng khòng ra mở cửa. Mẹ ôm choàng lấy ông và nghẹn ngào:

- Bố ơi, con đây!

- Mẹ con thằng Minh vào với ông đấy à? Ông nắm lấy vai mẹ lẩy bẩy, mái tóc ông rung lên và lưng ông như còng xuống. Ông cười và nước mắt cứ giàn dụa – Tao nhận được thư, lúc nào tao cũng mong mẹ con mày vào.

Ông nắm lấy tay Minh và kéo Minh lại gần ông, Minh thấy hơi sờ sợ. Trông ông mỏng manh như một cái bóng chứ không phải là người thật. Ông chẳng to lớn như mẹ kể chút nào. Nếu như ông không có hai cái răng khểnh trước cửa thì chắc chắn là Minh không đoán ra ông. Ông nói lơ lớ giọng miền Nam, ông dùng nhiều chữ mà Minh không hiểu. Sau Minh phải nhờ mẹ cắt nghĩa mới hiểu hết được. Ví dụ: bệnh viện thì ông gọi là nhà thương; bác sĩ ông gọi là đốc-tờ; bồi dưỡng ông gọi là tẩm bổ; người tốt ông gọi là người có đức hạnh v.v…

Mẹ bảo những từ ấy là những từ cổ, ở Hà Nội không ai còn dùng nữa, nhưng vì ông đi vào trong này đã lâu rồi nên không biết những từ mới ở ngoài Bắc đã thay đổi…

Dầu sao thì Minh vẫn thấy xa cách với ông ngoại, mặc dù ông vẫn chăm sóc và chiều chuộng Minh từng tí một. Minh thoáng cần cái gì là ông làm ngay cho Minh, thấy Minh nhìn vào cái cốc là ông đi lấy nước cho Minh uống, thấy Minh cứ lì xì không nói và nhìn ra đường phố là ông vội vàng chống ba-toong dẫn Minh đi chơi… đi chơi nhưng mà không có ăn kem đâu, chỉ loanh quanh ngoài phố rồi lại về, gặp ai quen ông chỉ vào Minh và giới thiệu: “Thằng cháu tôi đấy”, ông cứ làm như gặp được người quen thì Minh vui ấy, ông không nhớ ra là những người quen đó chỉ có quen với ông thôi. Còn đối với Minh thì ai cũng lạ, cái gì cũng lạ. Minh thấy chán quá, lại càng nhớ Hà Nội. Lại nói đến cái món đồ chơi của ông ngoại cho nữa chứ. Đó là cái xe giép (jeep) bằng sắt, có hai súng máy lắp đá lửa ở trên xe, khi vặn khóa rồi thả cho xe chạy, thì hai khẩu súng bắn ra những tia lửa nhỏ xíu. Minh cũng thích chiếc xe này đấy, nhưng giả thử nó mới thì thích hơn nhiều. Đằng này xe lại cũ quá rồi, lắm chỗ đã bong lớp mạ trắng và bắt đầu rỉ.

- Sao ông bảo yêu con mà lại cho con một cái xe cũ như thế nhỉ? – Có lần Minh hỏi mẹ như vậy với một giọng trách móc ông ngoại.

- Này con đừng có nói thế, ông không yêu con sao ông toàn nhường thịt, cá cho con ăn thôi.

- Ông chả bảo với mẹ là ông thích ăn cà. Với lại ông bảo ông thích ăn đầu cá vì bao nhiêu mắm muối nó ngấm cả vào đó là gì.

- Con chả hiểu gì về ông cả.

Thấy mẹ nói như trách móc, vả lại Minh trông mắt mẹ hoe hoe đỏ, Minh không gây thêm chuyện nữa. Bữa cơm ăn chỉ có ông và mẹ nói chuyện với nhau còn Minh thì ngồi nghe và im lặng, không như những bữa cơm ở Hà Nội, cứ mỗi lần ông nội nói ra câu nào là cả nhà lại cười vui vẻ. Ông ngoại hỏi mẹ về những phố, những làng mà bây giờ không còn tên như thế nữa, chẳng hạn như:

“Cái phố mụ đầm Đờ-măng bây giờ có vui không? Làng La Khê ta vẫn còn dệt vân, dệt the chứ? Chợ Đơ bây giờ thế nào? v.v…”.

Ông còn hỏi về nhiều người ông quen biết, có những người ngay cả mẹ Minh cũng không biết nữa. Mẹ Minh kể cho ông nghe những đổi thay của Hà Nội, của làng quê ông đã ở, về những người sống kẻ chết ông đã quen.

Ban đêm ông bảo Minh nằm với ông cho vui. Giường ông rộng, nhưng miếng đệm mút lại hẹp và mỏng chỉ trải vừa một người nằm, ông gối một bọc quần áo rách. Chăn màn ông vàng khè và hôi hám. Ông để Minh nằm lên miếng đệm, còn ông nằm ra ngoài chiếu, sát trong tường.

- Sao ông không nằm đệm? – Minh rụt rè hỏi.

- À, vì ông thích nằm chiếu cho mát. Khí hậu trong này nóng bức lắm. Cháu ngủ đi.

Ông nói vậy rồi hai ông cháu im lặng. Hình như ông cũng không ngủ được…

Đã sắp hết một tháng kể từ ngày mẹ con Minh vào thăm ông ngoại. Mẹ bảo sắp hết phép, phải về. Minh cũng thấy nhơ nhớ ông ngoại.

Ông ngoại tiễn mẹ con Minh ra bến xe, trước khi mẹ con Minh lên xe, ông rút cái bút máy trong túi áo ra đưa cho Minh và nói:

- Ông chỉ còn cái bút này quý nhất ông cho cháu, cháu giữ lấy để viết thư cho ông. Ông già rồi, chả biết chết lúc nào, dùng cái bút này nó phí đi!

Đó là cái bút Pilôt nắp mạ vàng, bút đã cũ lắm rồi, màu nắp đã bạc và xây xước cả.

Ông ngoại còn nói theo;

- Cái xe giép ông cho cháu ấy, ông cũng đã dành từ lâu rồi, từ khi nghe tin mẹ cháu đẻ con trai, ông đã mua cái xe ấy, nhưng chả biết nhờ ai gửi cho cháu được, ông vẫn để chờ cháu đấy.

Bây giờ Minh mới hiểu ra là tại sao cái xe giép ấy nó lại cũ. Minh còn hiểu thêm là ông rất nghèo. Trước kia ông làm người giữ sách ở thư viện Sài Gòn, nhưng rồi sau ông bị ho lao, ba năm trời nằm trong bệnh viện làm phúc, chả có ai chăm sóc. Bây giờ ông già yếu quá rồi, chỉ quanh quẩn bán dần đồ đạc trong nhà để sống tạm.

Ông sống có một mình, bà dì ghẻ của mẹ Minh đã bỏ ông khi ông ốm đau…

Khi xe sắp chạy, cả mẹ và ông đều rân rấn nước mắt. Mẹ bảo:

- Thôi ông về, trời sắp mưa rồi kìa. Sang năm con lại cho cháu vào thăm ông.

Nhưng ông ngoại vẫn đứng đó: xe bắt đầu chuyển bánh, trời đổ cơn mưa. Minh thấy ông giương cái ô đen. Ông đứng lẫn giữa bao nhiêu người và xe cộ. Xe chạy xa dần, rồi quặt vào một góc phố. Minh chỉ còn thấy chiếc ô đen giơ lên cao rồi khuất hẳn. Minh quay sang nhìn mẹ: Mẹ im lặng, nước mắt giàn dụa. Minh cũng nghẹn ngào muốn khóc. Thương ông ngoại quá đi mất! Bây giờ ông lại về một mình với căn phòng hẹp, với chăn màn cũ, vá. Minh thấy thương cả cái ô đen vừa khuất sau góc phố.

- Mẹ ơi, thế bây giờ ai nuôi ông?

- Bác con, bác con sắp chuyển công tác vào trong này để nuôi ông ngoại.

- Bao giờ con lớn con cũng nuôi ông ngoại. – Minh nói đến đây rồi rúc đầu vào lòng mẹ khóc thút thít.

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • LỬA CỦA KHOẢNH KHẮC – Truyện ngắn Trần Thùy Mai

    LỬA CỦA KHOẢNH KHẮC – Truyện ngắn Trần Thùy Mai

    Chân Dung Kẻ Sĩ: LỬA CỦA KHOẢNH KHẮC là truyện ngắn trong khoảng thời gian mười năm nhà văn Trần Thùy Mai đi đến các miền quê, các vùng văn hóa khác nhau để sưu tầm văn hóa dân gian. Tác phẩm sau đây được viết trong bối cảnh một làng bán sơn địa dưới chân Đèo Ngang.