chan_dung-ke_si

PHẤN THÔNG VÀNG - Truyện ngắn Xuân Diệu

24-10-2023

Lượt xem 2105

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Xuân Diệu

PHẤN THÔNG VÀNG - Truyện ngắn Xuân Diệu

Nhà thơ Xuân Diệu

Chân Dung Kẻ Sĩ: Phấn Thông Vàng là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên xuất bản năm 1939 của nhà thơ Xuân Diệu.

Họa sĩ đến đó, trong giờ đẹp nhất của buổi chiều. Trưa đã đi, ngày chưa ngả, sắc nắng ở giữa mầu vàng héo và mầu đỏ tươi.

Ấy là một buổi chiều hè, khi nắng chín muồi nhưng còn lâu chưa rụng, ngày như đứng sững để cho sắc vàng đừng trôi chảy hay đổ xiêu; một sắc vàng không rực rỡ nhưng nguy nga, tưởng đã yếu nhưng thực mạnh thầm, lâu dài ngâm nga ở trong không khí.

Họa sĩ mê mẩn làm sao! Rừng thông to lớn, chân cây vững trồng, tiếp nhau không hết. Buổi chiều vàng, có lẽ ở đâu thì chỉ xinh đẹp; ở đây rừng thông, chiều lại thêm lực lưỡng; sự sống không phô bày rõ rệt quá như trong buổi sáng hay buổi trưa, nên thịnh vượng mà có duyên.

Dừng chân đã được một chốc, nhìn lên trời và ngắm chung quanh, họa sĩ nghe trong lòng thơ thới. Linh hồn chàng nở dãn, lập tức cái giá đặt xuống đất khung vải để vừa tầm, và hộp màu mở ra. Chàng bắt đầu họa.

Chiều với rừng lặng lẽ; nhưng sắc vàng phảng phất âm thanh, nắng là một sự hiển hiện rõ rệt và đều hòa, tưởng có thể gõ vào không khí ở trên đầu để nghe sự lặng im rung rinh, xao xuyến. Có lẽ ai nấy cũng đã gặp chàng họa sĩ tóc đen ấy chứ; nếu không thì hãy tưởng tượng đi, và luôn tiện, hãy hình dung cảnh rừng thông. Cảnh có lẽ ở bên Tàu, và người có lẽ ở bên Tây, nhưng chuyện này không cốt nơi chỗ ở, hay cốt chỉ có một chỗ ở: lòng người.

Chàng trai trẻ đứng quệt những màu lên vải, đôi mày nhíu lại chăm chú vào tranh.

Nhưng chàng không thể không cô đơn, khi thấy rừng đẹp, hình thông bóng nắng sẵn sàng làm khung cho một cảnh tự tình. Và lần này, chàng lại buồn rầu thêm một lần nữa.

Chàng không xóa được trong lòng chàng một hình ảnh. Ba hình ảnh thì đúng hơn; nhất là hình sau cùng, nõn nà mà đau độc. Thanh niên của chàng quá xấu số với tình yêu; ba cuộc tình duyên chỉ để lại cho chàng những cay đắng.

Lần đầu, người chàng yêu chỉ coi chàng như một người bạn, thua nữa, như một người anh. Lần thứ hai người ta lãnh đạm hẳn với chàng. Giá ai đâu gặp cảnh ấy, họ sẽ thôi yêu là xong. Chàng, chàng vẫn dõi theo, không chịu thả. Chàng nghĩ rằng hễ yêu thì sẽ được yêu lại, đâu biết rằng sự cố nhiên của lòng mình không cố nhiên chút nào cả, đối với đời.

Và mất bao nhiêu thì giờ, những mơ ước hão, những nhớ thương hoài, những sự gây dựng không đâu của tình yêu bất mãn. Rồi có ngày cũng phải hết: người ta đi lấy chồng.

Đến lần thứ ba. Sau khi đau khổ ê chề, lòng trẻ lại thử sống lại với mùa xuân, bởi vì mỗi khi đi vẽ ngoài đồng, họa sĩ nghiệm rằng lá non mũm mĩm quá. Chàng lại thấy tình yêu mượn hình một người tuyệt sắc, một nữ thần có tóc óng dài và thân hình như tượng xưa.

Người yêu mới cũng yêu chàng. Khi nàng ấy vừa mỉm cười đầu tiên, chàng nói: đời chàng đã tới đích; và khi nàng mở lời dịu ngọt, chàng biết tình yêu của mình đã trọn vẹn về người này. Họa sĩ mê đắm quá; nàng mới tỏ ý cùng yêu mà chàng liền tưởng đó là lời hẹn đời kiếp với nhau.

Thực chàng chỉ đợi một chút yêu trả lại để tung cả linh hồn bị nén bấy lâu, huống chi vị nữ thần của chàng "cũng yêu chàng lắm". Hai lần thất bại, chàng họa sĩ đa tình - một thi sĩ không làm thơ - đâm đầu vào tình yêu, không thể đo đắn gì, cũng như kẻ bị nhử nhiều lần, bèn quyết xông vào cướp lấy bánh.

Kẻ khác đời không khi nào giao thiệp với người thường và khỏi chếch mếch, nhất là trong chuyện tình. Họ ở cao quá chăng? Có lẽ...

"Và sắc đẹp chỉ làm bằng cẩm thạch", câu ấy dường như đúng với người giai nhân. Sau bao phen ráng hợp nhau, chàng họa sĩ phải ngậm ngùi rời nàng, không muốn kéo dài sự sai lạc của bản đàn nữa. Hai người rất muốn chung hợp, song đã không ăn ý, thì thà rời nhau để còn có thể nhớ lại mà thương nhau. Nếu cố gắn, e rồi đến ghét nhau mất.

Và chàng đi, hết chốn nọ đến chốn kia, dạo nỗi bất mãn của mình qua nghìn sông núi. Chàng tự nói đi tìm danh sơn thắng cảnh, nhưng thực chỉ đem nỗi thất vọng cùng đi giữa thế giới của cảnh và của người. Chàng thấy mệt rồi, lòng mệt mỏi và trống không như một tòa lầu bị cướp.

Chàng đã trút bao nhiêu âu yếm còn lại - còn lại nhưng vẫn nhiều lắm - cho vị nữ thần của chàng, và chàng phải thấy rằng có khi linh hồn không đi đôi với nhan sắc. Lòng chàng mệt mỏi: ba lần cho, ba lần mất, dốc cạn hết cả nhụy lòng. Những kỳ hương dị sắc của tình chàng đã trút vào đâu đâu, bay đi trong một luồng gió rủi, để chàng thất tình như một người triệu phú bỗng dưng chỉ còn hai bàn tay không.

Và chàng đi, và chàng đi, vì mỉa mai thay, chàng vẫn còn khá tiền để trả những chuyến tầu. Và may sao chàng đa tình kia lại là một họa sĩ.

Những tranh chàng vẽ, dầu rằng đẹp, song không có tinh thần sự sống, sắc mầu không hồi hộp niềm yêu. Khi người ta quá lên cao, người ta càng xuống thấp: chàng đã tin lắm, nên bây giờ chàng thấy hết, hết rồi. Chỉ còn đôi bàn tay chúng tô hình sắc một cánh thờ ơ.

Có đổi khung cảnh, mà sầu tình vẫn không thay: ba lần thất vọng! Chàng đã có tài phục sinh, nhưng còn gì đâu, sau lần mà chàng đã quyết là cuối cùng? Và những người chàng gặp trên con đường phiêu lưu vạn dặm phong trần chỉ làm chàng ghê sợ.

Hai, ba năm rồi, họa sĩ thất thơ như vậy. Và ngày ấy, đến một chỗ trong xứ lạ, chàng nghe nói có rừng thông ở kia, bền vững đã lâu đời. Mùa hè rực rỡ, chàng bèn tìm đến vẽ tranh.

Nhưng vẫn thấy lòng chàng đã hết rồi, - hay là chàng tưởng thế.

Bởi vì chiều nay, lòng chàng lại tái phục sau ba năm giả vờ chết.

Bởi vì trí ta ảnh hưởng đến lòng ta, làm sai sự thực rất sâu kín; chàng trai trẻ nghĩ rằng lòng chàng phải hết, nên lòng chàng tuy vẫn thầm còn, mà không lộ được kho sống giấu chôn.

Bởi vì chiều nay, rừng thông vừa chín, và sự tình cờ xui chàng đến đó, và cũng sự tình cờ xui ngọn gió đến đây.

Họa sĩ đương thờ thẫn kính sự lặng im của rừng thì bỗng đâu veo veo những tiếng trùng trùng điệp điệp. Gió đổ qua muôn ngọn thông, tai họa sĩ nghe muôn tiếng một lần, gồm thành một tiếng rậm và nhiều, rào rào êm ái. Và ly kỳ thay! Phấn vàng ở đâu nhẹ tuôn bay xuống, quả là một trận mưa phấn vàng, vì tiếng thông reo đã giống sẵn tiếng mưa.

Bấy giờ họa sĩ mới hiểu, nhớ lại những bài cách trí nói về màu hoa thông chín, gió tải nhị vàng đem đi, khiến dân núi gọi là mưa lưu huỳnh. Không gian đã thành một điệu vàng mênh mông: nắng vàng nhuộm vàng những cây, và phấn thông vàng lẫn vàng trong nắng.

Nhị vàng của thông. ồ! Tình yêu của thông đó chăng? Gió hơi se, rừng thông rún rẩy, tiếng ngân hữu ý, khi trời thành một sự đổi trao: muôn cây chắc đương khoái lạc vì đương sống việc ái tình, đó là nhị thông thoát hoa đực bay tìm hoa cái. Rừng thông sung sướng, ái tình tản mạn ôm ấp không gian: ấy là rừng thông đang yêu...

Tình yêu dồi dào gấp mấy của loài người! Phấn thông vàng không đi có chỗ có nơi, mà khởi hành một cuộc viễn du vô hạn. Gió chở đi qua trời rộng, nhị của thông đầu rừng lại đến gặp thông cuối rừng, và tất cả nhị của thông rừng này đi đến một rừng thông nào khác. Họa sĩ bất giác nghĩ đến những quả bắp nếp khi nhỏ chàng ăn, miệng vừa nhai, trí vừa không hiểu sao ở giữa những hàng hạt trắng tinh lại có lổ đổ những hạt đỏ khác màu. Có gì lạ? Nhị hoa bắp tẻ đã bay đến trong vườn bắp nếp. Tuy nhiên vườn nhà bên cạnh không có một cây bắp tẻ, có lẽ suốt cả làng cũng không có một vườn bắp tẻ nào, nhưng ở xa, rất xa xôi, thế nào cũng có những bắp tẻ đã cho nhị phiêu lưu, trải dặm ngàn để đến thành những hạt ngọc vàng nạm giữa những hàng ngọc trắng.

Tình yêu của loài cây xa xôi, viễn vọng như thế, không tính toán gần gũi như của loài người. Hoa thông để nhị vàng chảy ra tự trong lòng, và chỉ biết chừng nấy. Có một việc, là yêu, là gửi đi, là cho. Phấn thông sẽ đến, sẽ không đến? Kể làm chi!

Nhị vàng mênh mông tràn đầy, dư dật, cùng nhau cùng nhau viễn hành, rắc vàng khắp nơi. Phấn thông vàng đi đến sự vu vơ. Có lẽ ở đằng chân trời, một rừng thông chưa chín hoa, đang đứng chờ nhị của rừng thông này đến. Cũng có lẽ bên kia trời, chỉ có sự vô địch của một làn mây.

Gió đem đến giữa lòng ấm áp hoa cái, thì nhị sẽ thành những quả vĩnh viễn đời đời, mà gió đem vào sự trống rỗng hay vào chốn bùn lầy, cái ấy tùy lòng gió.

Vả lại, tình yêu có bao giờ mất! Phấn thông vàng không gặp hoa cái chăng, thì phấn cũng đã làm lộng lẫy không gian trong một buổi chiều nọ. Sự phung phí đã thành mỹ thuật. Trời đã thêm xinh đẹp, phấn thông vàng không hề uổng công.

Và chàng họa sĩ đã ngửng đầu hứng lấy bao nhiêu nhị vàng từ trên tỏa xuống trên mái tóc đen, và chàng đã mở lòng nhận lấy bài học ngụ trong bài thơ của phấn thông vàng. ờ, sao chàng không phung phí như thông? Sao chàng nghĩ chi đến sự thiên hạ nhận? Chàng yêu, không đủ sao? Thấp thỏi gì hơn sự chọn lựa, tính toan, yêu để mà được! Những tâm hồn như chàng phải chỉ thấy có tình yêu và không nệ đến người yêu. Chàng không xấu, không già, tuổi trẻ và sắc đẹp của chàng xứng đáng với tình yêu lắm, và lòng chàng: một suối ngọt, một vườn thơm.

Miễn lòng chàng yêu; miễn tình chàng đẹp. Gặp lòng một tri kỷ, tình chàng sẽ ấm áp, gặp sự vô tri của một người lãnh đạm, tình chàng sẽ lạnh lùng. Nhưng có bao giờ hết đẹp đâu! Sao chàng lấy cớ thất bại để giảm mất thú yêu, để làm sai lạc tình cảm? Đến hay không, đó là công việc của gió; đời là một cuộc đánh đố, thì ái tình cũng là một sự rủi may.

Mà rừng thông kia có bao giờ không trái? Hoa đã gặp hoa, tình đã gặp tình. Nhờ phấn thông rắc nhiều, nhiều quá sự cần thiết. Nếu phấn ít thì sự mất mát sẽ thua thiệt, nhưng phấn hằng hà sa số, thì vẫn có một phần khá lớn đến nơi.

Chàng thất bại ba lần: lần thứ tư sao lại chẳng là một lần thắng cuộc? Sao chàng không thử mười lần, một trăm lần nữa? Mười phen yêu, ít nữa cũng hai phen gặp, một trăm phen yêu đã cho ta hai mươi phen gặp rồi. Và vẫn cứ còn đủ một trăm tình yêu.

Chỉ sợ ta nghèo, không đủ tình để phung phí. Ta không thèm nghĩ sự thiên hạ cho lại, nhưng ta cứ cho, tự khắc thiên hạ cũng đem đến cho ta. Mà nếu thiên hạ không cho, thì đã sao chứ? Phấn thông vàng đã làm đẹp không gian, tình của ta sẽ thêu mộng cho tấm vải xoàng xĩnh của cuộc đời, bầu trời sẽ vang rộng những tiếng đàn hát, những phấn vàng của lòng yêu; và cuộc đời, nhờ bọn đa tình, sẽ kém bề hững hờ nhạt tẻ...

Trời ơi, chàng họa sĩ sung sướng quá khi nghĩ xong những điều đó, vội vàng chạy về quán trọ để rồi tìm lại cuộc đời, lăn vào sự sống mà yêu, yêu... mà cho, cho tất cả lòng tươi thắm của chàng, ba năm ròng chàng tưởng đã cạn rồi, nhưng kỳ thực vẫn là một nguồn vô tận...

Và khi những bước hồi hộp của chàng trai chạy đến cuối rừng, chàng suýt mê ngã trên cỏ xanh, vì thấy trên trời bao la, phấn thông vàng đương bay lan trong tám hướng của cõi đời.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.