Nhà văn Lưu Trọng Lư và các diễn viên. Là lãnh đạo Vụ nghệ thuật, gắn bó nhiều với giới biểu diễn, ông thường "xúi" các diễn viên làm thơ, viết văn. Kết quả là có ít nhất một diễn viên múa sau này đã trở thành nhà thơ nổi tiếng đó là nhà thơ Xuân Quỳnh.
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhắc tới Lưu Trọng Lư, người ta nghĩ đến ngay một nhà thơ tài hoa nổi tiếng với bài Tiếng Thu; Em không nghe rừng thu/ lá thu kêu xào xạc/ con nai vàng ngơ ngác/ đạp trên lá vàng khô? trong Thi nhân Việt Nam do Hoài Thanh và Hoài Chân biên soạn.
Hiểu biết về Lưu Trọng Lư chỉ thay đổi cho đến năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông nhờ công trình do Lại Nguyên Ân và Hoàng Minh sưu tầm, biên soạn. Các công bố cho thấy Lưu Trọng Lư có một gia tài văn xuôi đồ sộ, dù chưa sưu tầm đầy đủ nhưng cũng đã lên tới 60 tác phẩm.
Đánh giá về tác phẩm văn xuôi của Lưu Trọng Lư, đương thời, nhà văn Phan Khôi đã xếp truyện ngắn Người Sơn Nhân của Lưu Trọng Lư và Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, là hai tác phẩm hay nhất năm 1933.
Giáo sư Phong Lê, cựu viện trưởng Viện văn học thậm chí còn cho rằng văn xuôi của Lưu Trọng Lư sánh ngang hoặc vượt các cây bút tiêu biểu cùng thời như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Bùi Hiển…
Đoàn thám hiểm đi tìm mỏ ở trong núi Giăng Màn chỉ có ba người, một ông cố đạo, một con chiên và một người cu li. Ông cố đạo, người đã già mà sức vẫn còn hăng, không hề biết có sự mệt nhọc chán, nản và nguy hiểm. Đó, một phần là vì ông quá tin cậy ở cái lòng che chở của Đức Chúa Lời, một phần là vì ông quá say mê theo những sự vui thích của nghề nghiệp. Tuồng như ông cũng quên lửng đi rằng những khoáng sản và nguyên liệu của thế giới hiện nay đương ủng trệ ở trong những xưởng máy, mà chính ông đã phí công làm một việc vô ích.
Đoàn thám hiểm, dưới quyền chỉ huy của ông cố đạo, đi đã được ba hôm, ngày thì đi, đêm thì đốt lửa lên mà nằm nghỉ. Ngoài ngọn lửa ra, đoàn thám hiểm còn được hai khẩu súng để đề phòng nhàn (b) thú dữ.
Hôm thứ ba, đoàn thám hiểm đã bước được một bước dài về không gian, nhưng lại thụt lùi một bước rất dài về thời gian, hình như đã qua mấy trăm, mấy nghìn thế kỷ, mà trở lại cái thời cổ sơ. Bốn bề cây cối um tùm, lại thêm những tiếng vượn hót, chim kêu, cọp gầm, voi thét, hoà lẫn nhau thành một tiếng gọi thiêng liêng mà ghê gớm, tiếng gọi của Quả Đất gọi Loài Người, lúc được Thượng đế ghi tên ghi tuổi vào pho lịch sử của Vũ Trụ.
Ông cố đạo − Ở đây, như chúng ta được gần Thượng đế.
Con chiên − Riêng lòng con, thấy ngơm ngớp lo sợ.
Người cu li − Thưa cha, ở đây, con ngó rừng rú rậm rạp, e ngủ lại đây không tiện, chúng ta hẵng tiến vào đoạn nữa, quang đãng hơn, ta sẽ đốt lửa lên mà nghỉ chân vậy.
Rồi đoàn thám hiểm cứ tiến mãi. Bấy giờ, trời đã tối thẫm. Một tia lửa nhấp nhoáng ở đằng xa.
Con chiên − Hình như ta đã đến gần một ngôi chùa.
Cố đạo − Ở vùng này không có dân cư ở, làm sao lại có chùa được?
Con chiên − Thưa cha! Đạo Phật là đạo yếm thế. Tín đồ nhiều khi chỉ là muông chim, cây cỏ.
Cố đạo − Đạo kỳ quặc thay!
Đoàn thám hiểm bây giờ đã đứng trước một cái nhà lá. Dưới ngọn lửa thông(1) một ông cụ già tay chân vậm vạp đương ngồi vất đóc,[c] kéo điếu thuốc lào. Một làn khói xanh, toả ra, như mây mù buổi sáng.
Con chiên − Thưa cha! Khoan, khoan đã! Lão ấy là một tay giết người, là một tên cướp.
Cố đạo − Sao vậy?
Con chiên − Thưa cha, cha không trông ở vách kia kìa! Mác, dao, đọc, gươm, có cả cung tên nữa.
Người cu li − Xin cha đi ra, ta đừng đến gần họ nữa.
Cố đạo − Nếu họ là kẻ giết người thật, thì ta phải vào để bảo họ đừng có giết nữa. Này các con! Chúa bảo ta đến đây, không phải vì mỏ vàng mỏ bạc ở dưới tầm đất, mà chính là vì người ấy vậy.
Chửa dứt lời, ông cố đạo đã đẩy mạnh cánh cửa. Người "Sơn nhân" đứng chồm dậy, như con thú bị động, một tay đưa lên đỡ mắt, một tay quặt ra đằng sau, rút cây gươm ở vách.
Cố đạo − Chúng tôi là kẻ qua đường.
Người Sơn nhân − Qua đường, sao lại có súng ống?
Con chiên − Chúng tôi là kẻ tìm mỏ, đường xa phải có khí giới phòng giữ.
Người Sơn nhân − Thật vậy thì các ngài hãy đặt súng xuống mà ngồi nói chuyện.
Cố đạo − Sao người lại đến ở chỗ núi non cùng tịch này?
Người Sơn nhân giắt gươm lại chỗ cũ, rồi thủng thẳng nói:
− Các ngài đừng bắt tôi đáp vội, trước hết hãy để tôi xin lỗi các ngài. Tôi thường hay phải chống với thú dữ, cho nên lúc thình lình, tôi thường có cái thái độ bất nhã như các ngài trông thấy đó. Ở chỗ này, hễ thấy có cái gì kỳ lạ, thì tôi hay núm lấy gươm, để cho vững lòng, định trí. Trước khi đáp, các ngài cũng lại cho phép tôi tỏ dấu vui mừng, vui mừng vì được gặp lại cái giống người… Nếu các ngài vào cái nhà này, trước hai mươi năm, thì chắc không được tiếp đãi như thế này…
Cố đạo − Sao người lại nói như thế?
Người Sơn nhân − Không giấu các ngài, trước đây hai mươi năm, tôi sinh nhai về nghề giết người cướp của. Tôi là một con cọp dữ ở chỗ này.
Cố đạo − Chỗ này, chính là chỗ nào?
Người Sơn nhân − Đây là chính giữa đèo Mang Gia. Ngày trước người An Nam ở vùng này lên Lào, hay ở Lào về xứ, đều phải đi qua đây. Họ sợ hãi chúng tôi hơn là thú dữ. Bấy giờ tôi ở với hai người đồ đảng và một bầy chó.
Cố đạo − Hai người kia đâu?
Người Sơn nhân − Tôi không biết đích chúng đã mắc vào lưới pháp luật của loài người hay đã vào miệng cọp?
Con chiên − Còn bầy chó của người?
Người Sơn nhân − Có lẽ "chúng" đã nhập bọn với những đàn chó sói.
Cố đạo − Thôi, người hãy nói gấp cho nghe, tại sao người lại đến chỗ này mà làm cái nghề ác hại ấy?
Người Sơn nhân − Chuyện còn dài, xin các ngài hãy nằm nghỉ, để tôi đi làm cơm thết [c] các ngài.
Con chiên − Ăn cơm? Người cũng ăn cơm như chúng tôi à? Người nói đã lâu, người không thấy loài người?
Người Sơn nhân − Tôi là cái xã hội của tôi. Tôi cung cấp cho tôi mọi sự cần dùng.
Nói đến đây, người Sơn nhân mở cửa đi ra ngoài, tay cầm cái đọc. Một chốc, người ấy lại đi vào, tay xách một con chồn.
Cố đạo − Chứ người săn ở đâu mà mau thế?
Người Sơn nhân − Tôi có nuôi sẵn, chồn có, thỏ có, heo có, cọp có. Thế các ngài có ăn sống, ăn tái được không?
Cố đạo − Tuỳ ý người.
Người Sơn nhân quay cán đọc, đánh vào đầu con thú một cái rất mạnh, con thú ngã lăn ra chết tươi.
Cố đạo − Người làm vậy mà không đau lòng sao?
Người Sơn nhân − Nếu đau lòng thì ngày nào tôi cũng đau lòng hết, vì ngày nào, tôi cũng giết, cũng ăn.
Cố đạo − Tôi tưởng người nên giết một cách ít hung tợn hơn.
Người Sơn nhân − Làm vậy thì sợ khi ăn không được ngon…
Người Sơn nhân cạo lông, xẻ bụng rồi thái nhỏ. Ngọn dao lên xuống, cái tay lia lịa như anh hàng thịt. Một chốc người ấy đã làm xong đâu đấy, hoàn thành những miếng thịt nhỏ. Nhúng qua vào nước sôi, rồi gắp lên cái đĩa gỗ. Đấy là thịt tái của người Sơn nhân. Đoạn đi vào buồng trong, lấy ra một cái ống tre có vòi có quai tử tế. Đấy là bình rượu của người Sơn nhân.
Cố đạo − Người cũng nấu được rượu à?
Người Sơn nhân − Rượu này, tôi xin thú thực với các ngài, là tôi mua của mọi Cà Lơ. Tôi chỉ mua của họ rượu và muối.
Cố đạo − Thế người lấy tiền ở đâu?
Người Sơn nhân − Tôi không mua, tôi chỉ đổi. Lúc trở lại chỗ này, tôi có mang theo một ít nang mực, tôi gạt Cà Lơ rằng đấy là những cái bùa để làm giầu. Họ tin lắm. Trong một làng Mọi, cách đây một ngày đường, nhà nào cũng có giấu được một cái nang mực của tôi… À bây giờ, tôi còn phải thổi cơm nữa.
Cố đạo − Người đừng phiền nữa, chúng tôi đã có mang theo cơm nắm và bánh tây.
Rồi, khách chủ chia tay xúm lại ngồi ăn. Người Sơn nhân ăn một miếng, thì lại cúi dốc một búng rượu. Chừng chừng đã ngà ngà say, mới cất giọng nói tiếp:
− Tôi đây trước là một tên lính của ông Đề Trực. Bấy giờ vua Hàm Nghi ra trốn ở vùng Tuyên Hoá, trong miệt Thanh Lãng, cũng có tôi đi theo hầu chực. Có lúc, tôi theo Đề Trực về làng… giết đạo; một mình tôi đây, đã đốt hàng trăm cái nóc nhà mà cái tay bây giờ tuy gân sức đã yếu đuối, cũng đã từng xách cao hàng chục cái đầu lâu, già có trẻ có. Sự nghiệp bình sinh, tưởng ngó lên không hổ với Trời, ngó xuống cũng không tủi cùng Đất.
Cố đạo − Sự nghiệp bình sinh? Người giết kẻ có đạo? Lạy chúa tôi!
Người Sơn nhân − Từ khi vua Hàm Nghi bị bắt, thân sĩ tán loạn, thì tôi cùng hai người đồ đảng, rủ nhau lên chỗ này ở làm nghề cướp bóc.
Cố đạo − Sao người không trở về quê quán, lo việc làm ăn?
Người Sơn nhân − Chao ôi! Người bảo vậy sao được? Nếu tôi cũng về nơi quê cha đất tổ, thì tự mình bó tay mà hàng người còn chi là cái thân bay nhảy của trời đất? Ngài xem đây, xem ở cái má tay phải đây, một cái vết thương to tướng, nó đã làm cho tôi khác với mọi người. Đó là cái dấu hiệu riêng của kẻ hào kiệt anh hùng. Thưa ngài, tôi vẫn lấy đó làm tự kiêu với thiên hạ.
Con chiên − Trước khi kể hết cái lịch sử hiển hách của người, người hãy kể cho nghe cái lịch sử ly kỳ của cái vết thương to tướng ấy.
Người Sơn nhân − Các ngài hãy để yên. Tôi kể hết. Tôi trốn lên đây, với hai người đồ đảng lập nên cái trại này. Chúng tôi hàng ngày chẳng làm việc gì khác là đi thâu thuế, như mấy nhà đoan vậy. Những kẻ buôn bán qua lại ở Minh Cầm, Quy Đạt lên, thì phải đóng muối, nước mắm; ở Ta Zu, Ta He về thì đóng vải đóng nái; người nào đóng thì được thả cho đi, kẻ nào chống cự lại tất là nguy đến tính mệnh, vì các ngài cũng biết từ khi tôi dời vùng Thanh Lãng, Khe Nét mà vào đây, cái lưỡi gươm của tôi nghỉ không đã lâu lắm. Tôi vẫn "ngứa tay" cho nên có dịp chém giết được, là tôi chém giết cho đã sướng. Một hôm có một cặp vợ chồng An Nam ở Ta Zu về. Cũng như lệ thường, chúng tôi ra chắn đường lấy thuế. Người chồng chống cự lại thì được ngay một lát gươm vào tận cổ.
Cố đạo − Amen! Lạy Chúa tôi!
Người Sơn nhân − Ngài cho vậy là nhục nhã sao? Lưỡi gươm của tôi ba ngày sau, còn nức mùi máu thơm tho… Người chồng chết, người vợ ở lại làm vợ tôi. Vợ tôi là một bậc giai nhân tuyệt thế. Nhưng đẹp mà cũng có thể phạm đến những cái tội tầy trời. Cái khăn này (người Sơn nhân chỉ cái khăn bịt ở trên đầu) cái khăn này đây, người đàn bà ti tiện ấy dám đánh rơi xuống đất bụi. Các ngài thử tưởng tượng cái tội đáng bằm đáng chém biết là dường nào? Cái khăn này là để thờ trời, thờ vua, thờ ông bà tổ tiên, cái khăn ấy đã đánh rơi xuống đất, thì cái sự nghiệp hiển hách của tôi đã đến ngày tận rồi, còn chi nữa? Tôi toan rút gươm ra, thì vợ tôi sụp quỳ xuống, hai hàng lệ sa xuống như hai hàng thạch nhũ… Trước cái sắc đẹp, gươm tôi không còn uy lực gì nữa! Cuối cùng, tôi chỉ đuổi hắn đi. Tránh khỏi cái lưỡi gươm tôi, tôi chắc hắn cũng mắc vào bụng cọp, nào hay hắn còn sống sót để mà báo hại tôi!
Cố đạo − Dầu sao người đối với kẻ thiếu phụ ấy thật là quá nghiêm khắc.
Người Sơn nhân − Ngài đừng tưởng vậy mà nhầm. Kẻ thiếu phụ kia dầu là có vô ý mà đánh rơi cái khăn của tôi, cũng tỏ ra rằng: Quỷ sứ đã hiện vào trong mình hắn, đặng mà báo hại tôi vậy. Vợ tôi đi đặng năm hôm thì có một toán lính ở đồn Quy Đạt lên vây bắt tôi. Tôi phải cự, vì người như tôi không phải là một khúc gỗ, ai muốn lăn đâu cũng được. Với cái gươm này, tôi phải đứng lên mà bênh vực cho mấy trang lịch sử hiển hách của tôi. Rút cục, được một chiếc lưỡi lê thọc vào má tôi, lưu lại một cái vết thương để làm vinh dự cho tôi. Tôi nhìn cái máu tươi của tôi chảy ra loã luê [e] mà tôi quên cả sự đau đớn. Còn gì làm cho người ta đẹp mắt hơn là cái dòng máu tươi chảy? Thấy tôi bị thương quá nặng thì người ta giải tôi về ngay, sợ có nguy cấp đến tính mạng; cũng nhờ vậy mà người ta cũng để yên cho cái trại này, để yên cho hai người đồ đảng và bầy chó của tôi bấy giờ còn đương vào ngàn xanh săn bắn. Còn tôi, thì người ta kéo tôi về với xã hội để chịu những cái hình phạt ghê gớm. Ngày trước tôi lên với muông chim thì hớn hở chừng nào, ngày nay tôi trở lại với loài người, thì buồn rầu chừng nấy.
Bấy giờ ngồi ở trong ngục tối, có lúc tôi đã muốn tin tôi là người có tội, nhưng mà vẫn là cái tội của kẻ anh hùng… Giết người, nó dầu có đắc tội, nhưng đó là cái lòng ước muốn mà những kẻ tầm thường không thể có được.
Một hôm, tôi nằm ở trong ngục tối, cổ thì gông, chân thì cùm, tay thì xích. Trời lạnh, cái vết thương của tôi lại đau như dao cắt. Nhưng mà tôi vẫn không rên. Rên tức là cái khí phách anh hùng đã suy kém. Không rên, nhưng mà hình như tôi đã có ý hối hận những việc tôi đã làm… Tôi đương nằm nghĩ vẩn nghĩ vơ, nghĩ đến cái hình phạt ghê gớm đương đợi tôi, thì một con thằn lằn ở đâu đến, bò lên chân tôi rồi tiến lên bụng tôi. Ôi thằn lằn! Nếu mi mà biết tao trước kia là kẻ nghênh ngang một cõi đất giời, thì đâu mi dám tự tiện đi trên thịt tao như vậy… Mi chỉ thấy sự xiềng xích của tao mà thôi! Xiềng xích nhưng mà chí khí anh hùng nào có lung lay… ? Tôi đưa tay nắm lấy "nó", nghiến răng lại, ấn tay, tôi "chắt" hai… Con thằn lằn chết ngay đơ, còn để lại một vết máu tươi trên đầu ngón tay… Trong cái nơi cùng hẳm này, ngờ đâu lại có được cái nhịp mà thi hành cái thủ đoạn bình sinh? Mải nhìn thấy con thằn lằn phân ra hai mảnh, thì bỗng nghe một câu hỏi ở đâu đến, ghê gớm lắm, nghiêm khắc lắm: "Tại sao anh lại nỡ lòng giết con vật vô tội ấy?" Tôi đã từng xách cao những cái đầu lâu người mà có bao giờ tôi lại tự hỏi tôi như vậy… Sực nghĩ đến những việc tôi làm, thì hai hàng nước mắt bỗng dưng tuôn ra như xối… Tôi mà khóc, người như tôi mà lại khóc, trong đời ai có ngờ như thế mà sự thật thì tôi khóc ngon khóc lành… Tôi đương nằm xìu ra như vậy, thì chợt thấy ở trên trần, mấy con thằn lằn đương chộp muỗi, chộp một cách lẹ làng, con này rồi đến con khác mà chính những con muỗi kia hồi hôm đã đốt tôi đỏ cả tai cả mặt… Bấy giờ tôi ngồi phứt dậy, cái xiềng sắt kêu ót ét, như làm cho tôi ghê gớm rởn mình, nhưng trong lòng lại thấy vui thoả như đã tìm được một câu trả lời để binh vực cho cái sự nghiệp bình sinh. Tôi tự nghĩ rằng: "Cái vũ trụ đã thu lại trong một cái buồng tối tăm, giữa bốn bức vách nhỏ hẹp mà còn diễn ra cái tuồng giết hại lẫn nhau, thì trong cái vũ trụ bên ngoài, cái vũ trụ bao la bát ngát người ta cần phải giết chóc [g] nhau là lẽ tất nhiên vậy".
Rồi thì nghĩ đến những cái thủ đoạn bình sinh, tôi lấy làm tự kiêu lắm. Cái chí khí bình sinh cũng lại bừng bừng [h] bốc dậy. Nhưng cái tình cảnh của tôi lúc bấy giờ lại càng thêm khó chịu. Tâm trí tôi đã từng quen với những cảnh tượng lớn lao, tầm mắt tôi đã từng gửi nơi núi non bát ngát, những cái đại khối mù bay, sương phủ, bây giờ phải thu vào một nơi tối tăm cùng hẹp, thì tôi phải hung hăng bứt rứt như một con cọp sỉa hầm. Không cắn xé ai được, tôi tự cắn xé tôi. Xiềng xích, gông cùm như lại hùa thêm mà chọc tức cái khí phách anh hùng của tôi nữa… Tôi nghiến hai hàm răng lại, nghiến chặt lấy cái lưỡi tôi… Lưỡi hầu như đứt mà tôi không chết được. Tôi lại càng thêm khó chịu… Các ngài thử nghĩ coi, một người như tôi đã cướp của trời đất biết bao là tính mạng thế mà trong lúc này, hình như tôi không còn cách chi để đưa linh hồn ra khỏi bốn bức vách nhỏ hẹp này… Lìa xa cái vòng trần thế đặng cái chí khí anh hùng của tôi được ngang dọc dọc ngang nơi lạc thổ cũng như khi còn ở nơi ngàn xanh bát ngát… Ôi xiềng xích! Nó không cho tôi sống đã đành, mà cũng không còn cho tôi chết! Tôi bấy giờ lại như điên như dại; tôi gầm, tôi thét, tôi đập đầu vào tường đôm đốp, áo toe thịt nát mà tôi vẫn chưa hả lòng. Cái xác thịt của tôi không thấy đau đớn chút nào, chỉ có cái tâm hồn mãnh liệt của tôi, cái khí phách anh hùng của tôi là đau đớn mà thôi. Nhưng đau đớn mà không phải là vô ích. Ngỡ là bệnh điên, người ta bèn cởi xích cho tôi, và giải tôi qua nằm bệnh viện cho đốc-tờ khám nghiệm. Còn cái cơ hội nào tốt bằng cho tôi thoát ly khỏi cái cảnh tù tội khốc hại này! Đêm hôm, thừa khi mọi người đã yên giấc, tôi mới rón rén mở cánh cửa sổ, tôi nhảy ra ngoài. Khỏi cái phòng bệnh rồi tôi cố trèo qua một bức tường thấp, tôi đến một cái vườn hoa. Ấy là nhà quan đốc-tờ. Đi hết cái vườn hoa thì tôi đã đến cái ngõ chính. Ra đến đường cái, tôi chạy một mạch, tôi chẳng biết là chạy đi đâu, chỉ biết đã xa nơi tù tội. Trời tối, tôi lại phải chạy riết, kẻo sợ mất hết bóng tối. Tảng rạng thì tôi đã đến một đồng ruộng bát ngát mênh mông. Tôi gặp một chú tiều đi củi. Mượn cây rạ, tôi có bửa ngang cái gông mang nơi cổ. Thế là yên: tôi đã lẫn lộn với đám người thường… nhưng mà cái khí tiết anh hùng của tôi vẫn làm cho tôi khác hẳn với bọn họ. Từ đây, tôi phải luân lạc làng này qua làng khác, ngày thì nghỉ chân trong các rừng rú hiểm hóc, đêm thì làm những việc hành hung: tôi đập đánh người ta mà lấy của.
Cố đạo − Amen! Lạy Chúa tôi, đến bây giờ người vẫn chưa trở về với Chúa.
Người Sơn nhân − Ngài không hiểu rõ. Tôi chưa bao giờ biết có Chúa. Từ trước tôi là một kẻ anh hùng chí khí, lúc bấy giờ tôi vẫn là kẻ anh hùng chí khí, mà bây giờ đây cũng vẫn là kẻ anh hùng chí khí. Lưu lạc những mấy năm trời tôi mới về đến vùng Khe Nét, Thanh Lãng. Sực nhớ lại cái sơn trại của tôi thì một mình tôi bèn băng ngàn vượt suối để viếng lại cái nơi xưa chốn cũ ấy, từ khi vắng chủ đến giờ, nó đã "tang thương" những thế nào. Tôi bước vào cái nhà này, tôi không thấy xây xích gì hết. Cũng vẫn cái bộ ván này, cũng vẫn cái bàn kia, trên phên cũng vẫn giắt những cái mâu, cái mác, cái đọc, không nhận thấy có một cái dấu người vào đây, mà cả đến những muông thú cũng không dám viếng qua nữa. Tôi thấy vậy, lấy làm ngạc nhiên. Tôi yên trí rằng: cái nhà này dễ thường trời chỉ dành riêng cho tôi mà thôi, mà cũng dễ thường chỉ có tôi mới ở được tại chốn này. Tôi không thấy lại hai người đồ đảng của tôi, tôi không thấy lại cái bầy chó của tôi, nhưng cái chí khí anh hùng của tôi không vì thế mà nao núng. Thế là tôi nhất định ở lại. Ngày ngày tôi lên đỉnh núi đứng trông, thu cả một vùng non nước cỏ cây vào trong khoé mắt. Tôi xem con cọp con beo như người đời xem con ruồi con kiến… Tôi tưởng sao người ta rồi cũng không để yên cho tôi. Thế mà từ đấy những nay đã mười mấy năm trời mà tôi vẫn nghênh ngang riêng một thế giới.
Cố đạo − Thế mười mấy năm trời người vẫn cứ làm lại cái nghiệp cũ? Giết người lấy của?
Người Sơn nhân − Ngài tưởng còn người đâu nữa mà giết, còn của đâu nữa mà lấy? Từ khi đường giao thông tiện lợi, An Nam với Lào hình như thương lượng với nhau để bớt của tôi đi một món thuế. Nhưng vị tất họ đã tránh khỏi. Không gặp tôi thì cũng phải gặp người khác. Trong thiên hạ, có kẻ buôn nào mà không nộp thuế? Mười mấy năm trời, thảng hoặc chỉ có thấy được một vài người Mọi… Nhưng Mọi không phải là người. Mãi đến hôm nay mới gặp được các ngài. Mừng quá hoá quên cái lòng ước muốn ngày xưa…
Cố đạo − Nghĩa là giết người lấy của?
Người Sơn nhân − Chính vậy đó. Tôi không muốn giấu các ngài, trong mười mấy năm trời, tôi không được một dịp nào để thi hành cái thủ đoạn bình sinh.
Cố đạo − Thế người vẫn làm nghề gì?
Người Sơn nhân − Cách đây một dặm tôi có một cái hầm. Cái hầm ấy đào ra, từ ngày còn hai người đồ đảng. Ngày nào không có nai, có heo thì ít ra cũng được con chồn, con thỏ; ngày nào tôi cũng lên đấy, để giết để ăn.
Cố đạo − Người ăn làm sao hết được?
Người Sơn nhân − Không xa cái nhà này, tôi cũng lại có một cái chuồng thú. Hiện bây giờ đây, tôi được hai con cọp, ba con beo; những con thú ấy sẽ ăn… dùm cho tôi…
Cố đạo − Người nuôi những con thú ấy để làm gì vậy?
Người Sơn nhân − Những con thú ấy, hàng ngày tôi tập luyện quen nên đã biến thành những người đồ đảng của tôi rất trung thành. Không những giúp tôi trong những việc hàng ngày, mà trong khi có sự biến, những con thú ấy hẳn cũng không bỏ tôi…
Cố đạo − Sự biến? Người cũng có lòng lo sợ như vậy ư?
Người Sơn nhân − Tôi từ ngày trở lại chỗ này, bụng vẫn lo rằng một ngày kia, người ta còn lên bắt tôi một lần nữa, vì các ngài cũng biết đấy… tôi là một kẻ vượt ngục.
Cố đạo − Giả thử người ta lên, thì người sẽ làm thế nào?
Người Sơn nhân − Trong lúc thình lình tôi sẽ thả những "đồ đảng" của tôi ra, chúng sẽ liều mình mà cứu tôi.
Cố đạo − Tôi tưởng thời giờ đã làm cho loài người quên cái tội lỗi của người… Người nên kíp về nơi quê cha đất tổ mà lo việc làm ăn.
Người Sơn nhân − Không thể nào được. Tôi đã quen với những cái cảnh tượng lớn lao của trời đất; ở đây tôi đã làm chủ được muôn loài. Sống ở đây thì tôi cũng muốn chết ở đây, bên tiếng cọp gầm, voi thét…
Cố đạo − Sống xa loài người, thì chết người cũng xa Đức Chúa Lời… Với cái đầu bạc của người, người còn muốn ở lại đây mà làm thứ gì nữa?
Người Sơn nhân − Thưa ngài, ở đây tôi mới còn giữ được cái chí khí bình sinh… Tôi còn phải ở lại đây đặng mà … giết.
Cố đạo − Tôi xin mạn phép người. Người có cái khí tiết anh hùng của con beo, con cọp…
Nói đến đây người cố đạo sẽ nhìn chòng chọc lấy cái khẩu súng hai nòng của mình. Hai hàng lệ bỗng dưng tuôn ra như xối. Người cố đạo khóc, vì đến bây giờ mới nhận thấy rằng: mình là kẻ đầy những tư tưởng nhân đạo hoà bình, mà trong mình nào đã sạch hết máu giết người! Cái khẩu súng hai nòng kia tuy chưa hề dùng nó để mà giết ai, nhưng mà ví bằng Thượng đế thấy "nó" trong tay một kẻ truyền đạo thì tưởng cũng phải đau buồn cho cái thế giới mình đã tạo ra…
Cơm xong, người cố đạo, con chiên và tên cu li đứng dậy đi ra sân sụp quỳ xuống đất mà đọc kinh cầu nguyện. Thấy cái thái độ của đoàn thám hiểm, cái thái độ khép nép sợ sệt trước những cái to lớn của vũ trụ, thì người Sơn nhân chỉ mỉm cười… Cái mỉm cười ấy, ai biết nó là bạn nghịch [i] của sự hoà bình nhân loại?
● Nguồn:
Lưu Trọng Lư: Người sơn nhân // Người sơn nhân. Ngân Sơn tùng thư, Huế, 15/9/1933, tr. 1-23.
[a] Câu đề từ bằng chữ Hán: “Thiên hạ ô hồ định? Định vu nhất. Thục năng nhất chi? Bất thị sát nhân giả năng nhất chi.” Đây là rút gọn các lời hỏi đáp trong một đoạn đối thoại ở sách Mạnh Tử, thiên Lương Huệ Vương (thượng): “Mạnh Tử gặp Lương Tương Vương (con của Lương Huệ Vương), đi ra nói với mọi người: “Nhìn từ xa ông ta không có tướng một ông vua, đến gần không thấy vẻ uy nghi đáng sợ. Bỗng ông ấy hỏi ta “Làm sao mà yên định thiên hạ đang loạn lạc?”. Ta trả lời “Muốn yên định thì phải thống nhất thiên hạ”. Lại hỏi “Ai có tài năng thống nhất thiên hạ ?”. Ta trả lời “Người nào không ham giết người thì có thể thống nhất thiên hạ”. Lời ghi chú này là do nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn cung cấp; xin cảm ơn. (N.B.S.)
(b) phòng nhàn: gìn giữ, cấm ngăn (theo Huình Tịnh Paulus Của: Đại Nam quấc âm tự vị, 1895)
(1) Ngày trước ở các miền núi, không có dầu hoả chỉ đốt những thanh củi thông. (nguyên chú của tác giả)
[c] vất đóc: chưa rõ nghĩa (N.B.S.)
[d] Nguyên văn là thiết (H. T. Paulus Của xem đây là dạng không chuẩn của thết); ở đây sửa lại (N.B.S.)
[e] Nguyên văn là loã lê, là dạng không chuẩn; ở đây sửa là lõa luê, nghĩa như bộn bề (Huình Tịnh Paulus Của, sđd.)
[g] Nguyên văn là giết gióc, ở đây sửa lại (N.B. S.)
[h] Nguyên văn là bầng bầng, ở đây sửa lại (N.B.S.)
[i] Nguyên văn là bản nghịch, ở đây sửa lại là bạn nghịch (= làm giặc, làm loạn trong nước, - theo H.T. Paulus Của, sđd.)
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com