chan_dung-ke_si

LẦM THAN - Truyện dài Lan Khai Phần 1

30-09-2023

Lượt xem 1721

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lan Khai

LẦM THAN - Truyện dài Lan Khai Phần 1

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải sinh ra tại Tuyên Quang nhưng thuộc dòng dõi nhà nho ở Huế. Cha của nhà văn là cụ Nguyễn Đình Chức cùng hai người anh từ Huế ra bắc hưởng ứng Chiếu Cần Vương và tham gia khởi nghĩa Hương Khê Hà Tĩnh. Khởi nghĩa thất bại, cụ Nguyễn Đình Chức cùng các anh lưu lạc lên vùng Tuyên Quang.

Lan Khai thông minh, học rất giỏi Hán văn, Pháp văn, làm thơ viết văn từ 12 tuổi. Năm 1924, ông về Hà Nội học trường Bưởi, đến năm học thứ ba thì ông bị đuổi học do tham gia bãi khóa đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Châu Trinh. Bị đuổi học, ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thuộc lớp sau của các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Bạch Yến, Lê Thị Diệu. Học hết hai năm, ông bỏ về Tuyên Quang dạy học, dịch sách, viết văn, do bị mật thám theo dõi. Sau đó, từ Việt Bắc, ông hành trình tới Tây Nguyên và các tỉnh Nam Kỳ để vẽ tranh phong cảnh và sưu tầm văn học dân gian.

Năm 1930, Lan Khai bị thực dân Pháp bắt và tuyên án tử hình, bị nhốt tại Hỏa Lò do tham gia phong trào yêu nước kháng Pháp. Gia đình ông phải bán hết gia sản để chuộc tội ông mới được tha.

Năm 1938, nhà văn Lan Khai đã vượt qua bộ máy kiểm duyệt của thực dân Pháp để xuất bản cuốn tiểu thuyết Lầm Than. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về đề tài công nhân của Việt Nam. Trong tác phẩm, Lan Khai đã mô tả đời sống lầm than cơ cực và chết chóc của những người thợ do sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp.

Cuối năm 1939, lần thứ hai Lan Khai bị thực dân Pháp bắt giam. Lần này là vì tội viết cuốn Lầm Than, đã vạch mặt những tội ác của người Pháp tại Việt Nam. Tới tận năm 1943 ông mới được chúng thả.

Chân Dung Kẻ Sĩ trân trọng giới thiệu, Lầm Than của nhà văn Lan Khai, TÂN DÂN xuất bản 1938.




I

Một hồi còi rúc lên trong đêm tối mờ... Thuật vừa nuốt xong miếng cơm cuối cùng với một gắp dưa chua, bèn chiêu vội hơi nước vối, đoạn mở cửa chạy ra ngoài. Cùng lúc ấy, hàng trăm người khác cũng từ các túp nhà tranh lụp xụp ở xóm culi hiện ra lố nhố, chạy hấp tấp như đàn vật bị dồn đuổi...

Giữa khoảng mù mịt của một buổi sớm tinh sương ngày tháng chạp mưa phùn gió bấc, họ kéo nhau lũ lượt trên những con đường nhỏ lầy lội đi về phía nhà máy hiện lù lù trên đồi cao, như con quái vật nham hiểm có hàng trăm con mắt vuông đỏ đòng đọc, mở gườm gườm nhìn xuống chân đồi. Con quái vật đang gầm gừ chờ đợi đám mồi ngon của nó.

Trên dải đường lầy lội, bọn culi mỏ vẫn đi thấp thoáng như lũ tù dây hay một đàn quỷ đói: Hàng trăm ngọn đèn dầu sở họ cầm vung văng ở tay bị gió lạnh lập lòe như những ánh ma trơi. Dưới gót chân họ, bùn nước láp nháp lạnh như băng, khiến họ tê cóng... Những giọng nói kè nhè ngái ngủ nổi lên thành một mớ tiếng ồn ào gồm có những câu oán trời oán đất, nguyền rủa vu vơ hoặc chửi bới lẫn nhau tỏ ra rằng các linh hồn khốn nạn đó lúc nào cũng chứa đầy những uất ức, những khổ não không biết rõ nguyên cớ từ đâu.

Đi tới chân đồi, bọn culi nhà máy cùng nhau trèo dốc; bọn phu than thì tản vào các lối nhỏ chạy về phía các cửa lò.

Thuật ở trong bọn phu lò này. Tối hôm qua bố hắn, lão cu Tị, một tay thợ mỏ làm với mỏ đã lâu năm, đã đưa hắn lại nhà ông cai Tứ để xin việc cho hắn và buổi làm này tức là buổi đầu tiên nó mở đầu cuộc đời phu mỏ của Thuật.

Thuật là một anh con trai nhà quê mới mười chín hai mươi tuổi. Người anh ta cả ngang vì thân thể to lớn ngực nở, bắp tay bắp chân rắn như sắt, Thuật nói năng và cử chỉ chậm chạp nhưng chắc chắn, hiền lành nhưng hay cục mà lúc Thuật đã cục thì liều lĩnh vô cùng... Trước kia, Thuật vẫn ở nhà quê tận vùng Nam Định để trông coi mấy sào ruộng cho bố. Nhưng từ khi lão cu Tị thua cờ bạc và bán mấy sào ruộng ấy đi rồi thì Thuật không còn biết làm công việc gì nữa, lão cu Tị bèn đánh giấy gọi Thuật lên để xin cho Thuật một chân phu kíp. Thế là đội quân ốm đói của mỏ lại thêm một tên nữa và trong lũ mồi ngon của Cực Khổ lại thêm được một linh hồn.

Thuật nghĩ mà buồn. Hắn nhớ lại những việc lôi thôi xảy ra hàng ngày giữa cha và mẹ hắn từ hôm hắn lên đây. Cha hắn là một tay thợ giỏi nên kiếm cũng ra tiền; nhưng kiếm được đồng nào lão cu Tị lại uống rượu và đánh xóc đĩa nhẵn cả. Mỗi tháng lão chỉ đưa cho vợ được ít nhiều, có khi không đủ trả tiền gạo tiền thức ăn và củi nước, ấy thế mà cứ say rượu vào là lão hạch sách hết điều này, đến điều khác, lão chửi bới và còn đánh vợ là khác nữa. Hình như chính cuộc đời của lão khiến lão khổ sở như quanh năm suốt tháng phải mang vác nặng trên lưng, lão uất ức mà không hiểu rõ nỗi uất ức của mình tự đâu mà có nên lão càng uất ức. Rồi, giận cá chém thớt, lão còn cách gì tỏ được cái sầu muộn trong lòng nên đành trút cả lên đầu vợ. Mụ già thực là cái bung xung của chồng. Cuộc đời của mụ là một cuộc đời lặng lẽ và tăm tối, lúc nào cũng đợi chờ sự đánh đập và những câu chửi bới. Thân thể mụ bị gò gập dưới công việc và sự hành hạ quá đáng nên cử động thường rụt rè như lo sợ va chạm phải cái gì. Trên gương mặt mà đau khổ đã vạch những nét nhăn sâu, lờ đờ hai con mắt hiền từ, nghĩ ngợi... Một vết sẹo dài ngang trán khiến cho vẻ nhẫn nhục của mụ già cang thêm thảm đạm. Thuật từ bé vẫn quen sống ở những khoảng rộng với những công việc tuy nặng nề mà khỏe người nay lạc vào một không khí tối mù những bụi than đã làm khó thở lại thêm hằng ngày phải lặng lẽ chứng kiến những việc lôi thôi trong gia đình, Thuật cảm thấy tấm lòng lúc nào cũng như thắt lại. Thuật rất thương mẹ nhưng anh không dám nói gì cha. Anh cho rằng tính cha như thế và số của mẹ là phải vất vả thì dù anh có muốn cũng chẳng làm khác được. Đã vậy, anh quyết đi làm để kiếm tiền thêm mang về giúp mẹ. Anh không thích làm mỏ nhưng ngoài cái việc ấy ra, Thuật cũng không làm cách nào để kiếm tiền.

Định bụng thế rồi, Thuật chờ lúc ông bố không say, không gắt bèn khẽ ngỏ ý mình. Lão cu Tị bằng lòng bảo Thuật:

- Ừ, mày cũng nên làm việc gì để giúp thêm vào sự ăn tiêu trong nhà, kẻo tao bây giờ già yếu rồi, kiếm không đủ.

Thuật biết rằng câu ấy nếu chẳng là một câu nói dối thì cũng chỉ là lời nói làm vẻ của một người cha mà thôi. Sự thực thì số lương của lão cu Tị có thể đủ cho sự ăn tiêu trong nhà nếu lão đừng đánh bạc và uống rượu. Không phải là Thuật trách cha ham mê cờ bạc rượu chè đâu. Thuật chưa thể trông thấy cái hại của hai thứ ham mê ấy như một nhà luân lý. Thuật cũng không hiểu mà ngay chính những người uống rượu và đánh bạc cũng không hiểu rõ cái nguyên nhân của hai sự ham mê ấy chỉ là cái đời vất vả, tẻ ngắt mà họ phải sống như một lũ tù khổ sai.

Thực thế, những nhọc mệt kế tiếp ngày này sang ngày khác làm cho thân thể họ rã rời, ăn không biết ngon miệng nữa. Thế là họ phải uống rượu để cho các bộ phận trong mình hăng lên họa may còn thấy đói và còn tiêu hóa được. Cái kết quả ấy làm họ tưởng nhầm cái hiệu lực của rượu và đổ sự mệt mỏi cho thủy thổ miền rừng. Nhưng đi làm quần quật suốt ngày về ăn miếng cơm, uống hớp rượu xong rồi chẳng nhẽ lại chúi đầu đi ngủ? Cái u ám, cái tẻ ngắt của đời bọn người lao động xấu số ấy đem lại cho linh hồn họ một cái buồn vu vơ mà rất ám ảnh. Họ phải tiêu sầu. Họ phải đánh bạc vì ngoài cái hiệu lực giải trí, đánh bạc còn đem cho họ cái hy vọng thoát khỏi sự túng bấn khổ sở hằng ngày. Thuật chỉ thấy quanh mình anh ta phần nhiều ai cũng đánh bạc, cũng nghiện rượu hết và Thuật cho rằng đó chỉ là sự ngẫu nhiên không tránh được.

Buổi tối hôm ấy khi cơm nước xong, lão cu Tị đưa Thuật lại nhà ông cai Tứ.

Trời gió rét lại thêm mưa phùn lăn tăn hắt vào mặt như trăm nghìn mũi kim lạnh buốt. Thuật theo ông bố đi qua những con đường nhớp nháp chạy ngoắt ngoéo trong đêm tối. Anh ta có cảm giác như người vào sâu một cái hang không có lối ra.

Lão cu Tị dẫn Thuật vào nhà cai Tứ giữa lúc lão này đang cười nói oang oang bên một chai rượu, trước mặt một đám cu-li rách rưới.

Cai Tứ là một người đàn ông thấp và gầy, tuổi độ bốn nhăm, năm mươi. Mặt lão vuông nhưng hai má hóp lại. Dưới cặp lông mày lởm chởm trên gò xương, lấp lánh đôi mắt gian hùng. Mũi lão gồ sống mương nhòm xuống bộ ria mép lúc nào cũng hình như giấu giếm đậy điệm cái mồm toe toét tối om như cái cửa hang, trong đó, đỏm đang mấy chiếc răng vàng hợm của.

Khi nào lão mặc ta, đầu đội khăn xếp, chân đi giày gia định, bít tất trắng thì người ta có thể nhầm lão với một tay lại già thâm hiểm. Còn những khi lão đi đâu như đi ăn khách hay xuống trọ cô đầu, lão hay đi hát lắm vì lão tự đắc rằng chơi sành và cô đầu vẫn say lão như điếu đổ, cai Tứ hay diện tây, mũ rộng vành, quần vòi voi, áo cũn cỡn, thì ai thoạt nhìn cũng biết ngay là một tay thầu mỏ hay hợm của và khôi hài một cách thảm đạm.

Đối với gái, lão vung tiền qua cửa sổ để chuốc lấy một tiếng hào phóng vụng về nhưng với cu-li dưới quyền lão, với những kẻ khốn khổ hàng ngày vẫn làm giàu cho lão thì cai Tứ trái lại rất nghiệt ngã. Ra chỗ xã giao lão huếch hoác khiến người ta cười thầm bao nhiêu thì ở chỗ công việc lão ậm ọe ta đây khiến bọn đàn em bực mình bấy nhiêu. Lão hay cúp công, hay bắt nạt nên không ai ưa lão mà hết thảy đều ghét lão.

Tuy vậy, lão vẫn thường vui tính đáo để, những lúc ấy là lúc lão say rượu. Lão cười sằng sặc, lão to tiếng bỡn cợt với bất cứ ai một khi trong chai còn có rượu.

Thoạt thấy lão cu Tị, Tứ cười và làm như bắt được của:

- Kìa, bố già! Đi đâu đấy?

- Không dám, lạy ông.

- Lên đây, tiên sinh.

Lão cu Tị ghé ngồi vào một góc giường trong khi Thuật khoanh tay đứng dựa cột.

Cai Tứ hỏi:

- Chén rồi chứ?

Lão cu Tị giảng:

- Tôi đã vô phép cơm ông rồi.

- Thế nghĩa là chưa rượu chứ gì? Tốt lắm!

Quay lại phía sau, cai Tứ gọi:

- Lấy thêm cốc đây, mày!

Một tên phu đưa cốc.

Cai Tứ rót rượu mời khách:

- Này, cụ làm một cốc chơi cho đỡ lạnh.

Giơ hai tay đón cốc rượu, lão cu Tị lúng túng đáp:

- Vâng, ông để mặc tôi!

- Thì chén đi cho vui. Thế nào? Dạo này không đánh chác gì à?

- Thua mãi! Đen như chó mực thì còn đánh chác gì được!

- Lại đây chơi hay cụ có muốn hỏi gì nữa không?

- À, tôi muốn thưa với ông cho thằng cháu một chân làm than.

- Đẩy goòng hay xuống lò?

- Xuống lò làm khoán ạ.

- Được! Thế cụ định hôm nào cho bác ấy đi làm?

- Nếu có thể được thì mai cháu đến.

Cai Tứ nhìn Thuật lấy giọng kẻ cả:

- Anh ấy kia phỏng? Được! Mai sớm hễ còi thì ra trực sẵn ở cửa lò rồi tôi cắt việc cho mà làm.

Thuật lễ phép:

- Thưa vâng.

Cai Tứ tiếp:

- Làm ở dưới lò thì tôi cứ khoán cho từng bọn một. Mỗi ngày phải đủ cho tôi mười goòng than. Bảo nhau mà làm. Công thì min-nơ ăn công nhất rồi đến tay nào làm khỏe được công nhì, công ba, công tư. Anh, tôi xem dáng khỏe mạnh thế kia, có thể làm tốt được. Nếu chịu khó, tôi sẽ cho ăn công nhì ngay.

- Cảm ơn ông.

Tứ là một tay cai khoán thông thạo nhất, lại hẩu với chủ nên hắn rất phát tài. Lão cứ nhận mỗi tháng làm cho chủ mấy trăm goòng than, mỗi goòng tám chín hào chẳng hạn thế rồi lão mộ phu làm, tính cho phu mỗi goòng độ bốn hào nếu lò ở xa và khó lấy, hai hào rưỡi nếu lò ở gần và dễ lấy. Sống bằng mồ hôi nước mắt của bọn phu, lão phát tài lắm. Một mình lão có đến bốn vợ, cứ thay phiên nhau lên ở với lão mỗi người dăm tháng, hết phiên lại về nhà quê. Người ta bảo ở quê lão, ruộng nương lão tậu mỗi ngày một nhiều, nhà ngói cây mít đủ cả. Vợ cả lão mỗi tháng mò lên một chuyến thăm chồng, khi về lại mang theo vài ba trăm bạc, ấy là chưa kể những tiền lão tiêu riêng khi đánh xóc đĩa và cho cô đầu là khác.

Sự bóc lột kẻ nghèo ấy, bọn phu phen hình như quen rồi nên không lấy làm tức giận. Đôi khi cũng có người phàn nàn nhưng là nói giấu mà thôi. Bị áp chế đã quen đi, bọn người khốn nạn ấy không còn có nhân cách và tinh thần phấn đấu nữa. Họ chỉ đổ liều cho số phận. Họ lại còn sợ một điều tai vách mạch rừng, nói ra không khéo đến tai kẻ có tiền có thế thì lôi thôi cho họ, có khi mất việc làm cơm ăn nữa. Ngay họ với nhau cũng không dám tin nhau.

Trong sự giao thiệp hàng ngày của chính bọn phu ấy vẫn có sự lừa lọc, phản trắc, cày bẫy, khuynh hại lẫn nhau rồi. Sự ngu dốt khiến cho họ nhiều khi phạm vào những tội ác một cách vô lý.

Vì những lẽ kể trên mà bọn phu lao động, dù bị hà hiếp đến đâu họ cũng đành cắn răng cam chịu. Họ tự nhủ lòng:

- Cái số mình vất vả thì thôi đành cứ làm tôi ngay ăn mày thật, chẳng ca thán làm quái gì cho thêm lôi thôi.

Rồi họ cứ cắm đầu cắm cổ làm và làm, làm để ngày kiếm lấy vài lưng cơm hẩm, để còn thừa đồng nào thì uống rượu, hút thuốc phiện hoặc đánh bạc, lấy các thứ ấy mà khuây sự phẫn uất nó ám ảnh trong lòng. Cuộc đời của họ cứ như thế cho đến lúc chết. Nó cũng chẳng khác gì cái cuộc đời của những con trâu con bò hay con ngựa thồ.

Lão cu Tị thấy cai Tứ giảng giải mãi vội ngắt lời, như tỏ ra rằng gì chứ đến những việc làm trong mỏ thì ta đây không cần ai dạy bảo thêm điều nào nữa:

- Thưa ông, các điều ấy tôi đã giảng cho cháu biết cả.

- À, nếu vậy lại càng hay lắm!

Quay lại Thuật, cai Tứ nói tiếp:

- Thế anh đã có xẻng cuốc và đèn chưa? Nếu chưa có thì mai ra làm sẽ lĩnh của sở rồi cuối tháng sẽ trừ vào lương của anh cũng thế.

- Vâng.

- Vả lại có đi đâu mà thiệt. Nó là những khí dụng cần thiết cho mình cơ mà. Không có bột sao gột nên hồ được! Sau này, khi nào mình không muốn làm với mỏ nữa thì mình bán lại cho anh em.

Lão cu Tị cười:

- Ông tính những thứ đồ dùng ấy lúc đem bán lại thì ma nào nó mua, mà phỏng thử có người mua thì bán được là bao!

- Ấy là nói chuyện thế!

- Vả lại, cháu nó hầu hạ ông đây cũng mong về lâu về dài chứ thời buổi kinh tế này, tôi xem công việc khó khăn lắm, không dễ mà kiếm được miếng cơm manh áo.

- Phải, cái nghề người khôn của khó... Đến ngay như tôi, không phải nói khoác chứ, có thể làm hái ra tiền, thế mà bây giờ cố lắm cũng chỉ vắt mũi đủ đút miệng là khá.

Lão cu Tị biết anh chàng nói dối, nhưng cũng ậm à cho xong việc.

Cai Tứ ăn xong, gọi lấy bàn đèn rồi giữ lão cu Tị lại hút thuốc phiện. Tứ kể lể mãi cho ông già nghe cái lai lịch và mánh khoé làm tiền của hắn khi hắn còn làm ở các mỏ khác như Phấn Mễ, Uông Bí hoặc Vàng Danh.

Thuật chán tai, xin phép bố về trước lấy cớ mai còn dậy để đi làm.

 

II

Thuật ra tới cửa lò thì cai Tứ đã có đấy rồi, đang cắt đặt cho người phu làm.

Nhận xẻng cuốc và đèn xong, Thuật cùng năm người phu khác chung một lò cùng đứng cả vào trong lô ri, một thứ thùng gỗ vuông bề cao chừng 80 phân tây và trên miệng có dây sắt buộc liền vào máy trục, nom y như dây quàng vậy. Máy bắt đầu chạy, lô ri từ từ bị nhấc bổng rồi từ từ bị thả sâu xuốnglò. Tới đất, sáu người vác xẻng cuốc leo ra ngoài, đoạn vào một cái hầm vuông ăn sâu vào trong lòng một ngọn gò đất sỏi. Chiều cao cái hầm độ thước tám, rộng chừng hai thước có nhiều khúc gỗ chống cho đất khỏi sụt.

Tuy mỗi người tay đều cầm một chiếc đèn mà thoạt đầu Thuật cũng choáng váng, thấy mình vụt như bị mù cả hai mắt, không nhìn ra vật gì nữa. Thuật thoáng nhớ lại những chuyện ghê gớm, thật là nhiều tấn thảm kịch, mà anh ta nhiều lần nghe nói xẩy ra ở trong lò. Nào là cái hơi ghi- du nổ dữ như trái phá. Nó không có một dấu hiệu gì báo trước cho người ta khả dĩ biết mà phòng bị. Nó là cái hơi bốc ở than ra hễ bắt lửa là nổ liền. Có một lần, chính Thuật đã được xem các bị nạn, bọn phu mỏ đang cuốc than thì một tiếng nổ vụt bùng ra như sét làm cho than, đá bắn vung lên... Tất cả bọn phu đều chết không những bởi các mảnh than vụn, đá vụn bắn vào người như mảnh phá mà còn bởi cái hơi ghi-du thui chín nhừ. Lúc người ta lôi được các nạn nhân ra thì anh nào anh nấy quần áo đã cháy hết, thân thể trương to lên, nứt toác và đen thui lại như lợn nhà cháy, không còn phép tiên nào chữa được nữa. Nào cái nạn sụt lò. Những khúc gỗ chêm nếu không thay mới luôn thì thường bị mục nát, không đủ sức chống đỡ sự đè ép của ngọn gò ở trên thành thử cái nạn sụt lò xẩy ra, cũng ghê gớm chẳng kém gì cái nạn ghi-du nổ. Nhiều bận phu lò đang cuốc than thì đất sụt, đè họ bẹp dí như chuột bị cạm hoặc sụt ở phía ngoài, lấp hẳn lối ra khiến bọn phu phải ngạt thở. Nào cái nạn bị ngập lò, ở dưới đất thường có những túi nước ngầm không ai biết. Phu mỏ cuốc than nhỡ cuốc phải túi nước thế là cả lò bị ngập trong nháy mắt, bọn người lao động chết đuối hết vì không ai chạy kịp.

Những tai nạn như thế không phải là chuyện hiếm và tuy cuộc đời họ chẳng có gì bảo đảm cho, bọn phu vẫn cứ phải lăn lưng vào mà làm.

Loài người chẳng thường bị đói rét nó hãm vào một tình cảnh trái ngược: vào chỗ chết để giữ lấy sự sống đó ru?

Thuật sợ lắm, chỉ muốn lên ngay trên mặt đất ra khỏi cái địa ngục tối om này nhưng Thuật tự nói:

- Ra về rồi làm gì?

Những cảnh thiếu thốn, khổ sở trong gia đình, những nông nỗi mẹ chàng ngấm ngầm lo sợ vì quanh năm suốt tháng luôn luôn cứ phải xoay xở với một số tiền lương chẳng bao giờ đủ lại hiện ra trước mắt Thuật với những lời hạch sách quát tháo, chửi bới của ông bố Thuật văng vẳng bên tai anh chàng.Thuật không dám nghĩ ngợi do dự nữa. Anh quả quyết theo bọn phu vào lò...

Lần theo ánh sáng của chiếc đèn dầu sở. Thuật bước vào con đường ẩm ướt...Vừa vào chừng độ mười thước tây, Thuật đã khó thở, cảm thấy trên ngực như có một vác nặng gì nó đè ép. Là vì không khí trong lò phần hâm hấp nóng và đầy những hơi nước, phần sặc sụa những mùi khói đèn, mùi phân của bọn cu-li túng bí phóng bừa cả ra hai bên lối đi. Ba bề bốn bên, thành lò đều rỉ ra một thứ nước đen tong tỏng, nhớp nháp, ghê tởm quá chừng. Sức lực điền như Thuật mà chỉ trong vòng mươi lăm phút, toàn thân đã mệt mỏi rã rời, đầu nặng như đội cối đá, hơi thở nặng nhọc, hai chân tê buốt cóng hẳn đi... Thuật còn nhớ người ta nói rằng những người nào yếu vào lò thường ngất đi vì không thở được...

Đang lúc Thuật phân vân thì một tiếng còi bỗng như xé bầu không khí hôi thối ẩm ướt... Bọn phu lò nhảy giạt cả sang hai bên, ép mình vào thành lò như mấy con nhái bén. Thuật hoảng kinh, cũng làm theo chúng bạn nhưng vẫn chưa hiểu rõ đầu đuôi tại sao thì rầm rầm, rầm rầm, một chuỗi goòng sắt chạy lướt qua như bão táp... Thuật quáng mắt, váng đầu. Anh sợ nhủn người vì nếu chỉ chậm chân một phút nữa thì anh đã bị goòng đè gãy xương nát thịt rồi!...

Từ lúc ấy, Thuật luôn luôn để tai nghe ngóng. Hơi một tiếng động khác thường cũng làm cho Thuật hoảng hốt nhảy rạp vào bên đường. Chúng bạn khúc khích cười và chế giễu:

- Nhát như con gái ấy thì ở nhà mà nấu cơm, gánh nước có hơn không?

Thuật thẹn, cúi đầu không nói.

Đến chỗ làm. Ai nấy treo đèn rồi bắt đầu vào việc.

Người khỏe nhất và thạo nhất trong đám đứng lên trước, vừa cuốc vừa dò mạch than. Các người khác chia nhau từng khoảng, hẹn phải cố làm cho được việc.

Thuật ra sức cuốc, cố làm để được nhiều tiền vì cùng một công làm. Toàn thân anh ta nóng bừng lên, lại thêm không khí trong lò nóng sừng sực, khiến anh phải cởi bỏ cả áo mới chịu được.

Thấy Thuật làm khỏe, người min-nơ quay lại bảo một anh trong bọn:

- Anh Nhỡ đâu, súc than vào goòng đi, để anh Thuật cuốc. Làm như thế thì ăn công nhì mới đáng chứ làm như gãi ngứa thì than đá nó buồn gì!

Nhỡ, một anh phu gầy còm, cử động lẩy bẩy, lặng lẽ cầm xẻng xúc than đổ vào goòng. Anh ta không nói gì nhưng cứ cái liếc trộm của anh về phía người bạn mới, Thuật cũng đủ hiểu là anh ta không bằng lòng.

Thuật cảm thấy một sự buồn thương và ngượng nghịu. Anh đoán trước kia Nhỡ cũng đã khỏe mạnh lắm; ngực cũng nở như ngực anh; bắp chân, bắp tay cũng to và rắn như bắp chân, bắp tay của anh. Nhưng vì lâu ngày làm vất vả quá mà ăn uống không đủ vì số lương của anh còn phải dùng để nuôi gia đình anh nữa. Vì thế mà người anh mỗi ngày một gầy mòn, ốm yếu đi như thế. Thuật phàn nàn cho Nhỡ rồi lại vơ vẩn nghĩ đến mình. ừ, một ngày kia, mà cái ngày ấy thì chắc chắn thế nào cũng tới, Thuật sẽ lại như Nhỡ bây giờ chứ không khỏi được. Người ta có phải là sắt đá đâu. Ngay đến sắt đá cũng mòn nữa là!

Thuật dừng tay, bảo Nhỡ:

- Tôi cũng nghèo khổ như anh em mới phải đem thân đi làm vất vả thế này, chứ còn nước non gì mà bảo tranh hơn tranh kém.

Thuật nói thế là cốt để Nhỡ khỏi nghĩ khác. Thuật không muốn cùng một tụi với nhau lại còn có sự bất hòa. Nhưng, anh chàng Nhỡ, đang lúc bực mình, đâm ra hiểu lầm ý tốt của Thuật:

- Anh tranh thế đếch nào được! Việc anh, anh làm; việc tôi, tôi làm. Anh làm nhiều thì anh ăn nhiều; tôi làm ít thì tôi ăn ít. Tôi không thèm tranh đua với anh.

- Ô hay! anh này mới nóng nảy chứ? Tôi nói thế không phải à?

Thấy hai bên có ý lôi thôi, min-nơ hét:

- Cãi nhau cái con khỉ! Không làm đi cho xong mà về à? Ông cho đến giờ mà không đủ than, cai nó lại không phạt cho bỏ mẹ ra ấy!...

Thuật nín lặng và lại cầm cuốc làm việc. Trong khi ấy, Nhỡ cũng xúc than vào goòng nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nói những gì không rõ.

Goòng than đã đầy, Nhỡ và một người nữa đẩy ra ngoài cửa lò để máy trục lên mặt đất.

Người min-nơ giục:

- Làm đi! Làm rấn đi, còn những sáu goòng nữa kia đấy! Hôm nào cũng cố sức làm cho chóng xong để về chứ vùi đầu trong xó tối này khổ lắm!

Min-nơ vừa dứt lời thì một anh trong bọn vội vàng vứt cuốc chạy phá ra một chỗ như ma bắt.

- Thông! Đi đâu đấy?

Thông vừa chạy vừa đáp:

- Xin phép bác, em tự nhiên đau bụng quá!

Thế là, mấy phút sau, không khí trong lò lại thêm nồng nặc một mùi ghê gớm.

Min-nơ nhổ toẹt một bãi và lẩm bẩm chửi bâng quơ:

- Tiên sư khỉ!... Cứ đau bụng với đau bão mãi thì đến bố người ta cũng phải chết!

Thuật bật cười, tuy tình thế chẳng có gì đáng cười cả.

Min-nơ phát cáu, quay lại hỏi vặn:

- Anh cười cái gì?

Thuật lúng túng:

- Tôi buồn cười anh chàng Nhỡ hay cáu...

- Cáu sằng thì làm đếch gì cái tính ấy! Làm đã chẳng được, thấy người ta làm lại đâm ghen hão!.

- Anh ta trước hình như cũng sức lực lắm thì phải.

Min-nơ vừa cuốc vừa trả lời:

- Phải, trước kia Nhỡ cũng sức vóc như anh. Nó làm ít ai theo kịp nhưng từ khi vợ nó bị goòng đè chết, nó buồn đâm ra rượu chè hút sách nên người nó mới gầy mòn đi như thế!...

Lặng im một phút, min-nơ tiếp theo:

- Vợ nó lại đang chửa gần đến tháng đẻ mới thảm chứ!

- Chị ta nặng nề thì nghỉ nhà có hơn không?

- Hứ! Nghỉ nhà thì lấy gì mà ăn!

- Lương anh ta lại không đủ cho hai vợ chồng hay sao?

Min-nơ chống cuốc.

- Anh làm như người ta ở lỗ nẻ chui lên không bằng! Còn cha mẹ ở nhà quê nữa chứ? Còn họ hàng làng nước, còn sưu thuế tạp dịch dễ thường ì ra được đấy!

Thuật nín lặng. Vì chính những lẽ mà bác min-nơ viện ra ấy nó cũng đương hành hạ anh và bó buộc anh phải đâm đầu vào cái hầm ẩm thấp tối đen này.

Min-nơ nhìn Thuật đoạn khẽ thở dài:

- Chẳng qua vợ Nhỡ số nó phải chết thảm chết hại như thế! Người ta rút đến số thì không nói mạnh được!

Câu ấy Thuật đã nghe thấy người ta nói nhiều lần và chính Thuật cũng nói đến nhiều lần. Nhưng có lẽ vì câu chuyện thương tâm kia nên Thuật lần này nghe min-nơ nói đến số, anh ta không thấy làm thỏa, cảm thấy trong lòng tức tối, khó chịu thế nào ấy:

Thuật lẩm bẩm:

- Số hệ con chó gì lại số hệ như thế!

- Bác không tin à? Tôi thì tôi tin người ta hay dở đều do số hệ cả!

- Nhưng số gì lại phân ra kẻ giàu người nghèo? Kẻ giàu thì ăn không hết, tha hồ vung tay quá trán; kẻ nghèo thì thiếu cơm thiếu áo, suốt đời khổ cực...

- Đó tôi tưởng cũng do một lẽ tiền định. Vả lại tôi thấy người ta nói rằng kẻ nào kiếp trước ăn ở phúc hậu thì kiếp này được sung sướng. Kẻ nào kiếp này ác nghiệp thì kiếp sau phải khổ sở. Điều ấy có thể tin được.

Thuật lắc đầu.

- Nói thì vẫn thế nhưng câu chuyện nó vẫn mơ hồ thế nào ấy. Tôi chẳng thấy chán vạn đứa ác như hùm mà vẫn sung sướng đó ư? Tôi thì tôi cho rằng...

Thuật lúng túng không biết nói hết câu như thế nào vì các tư tưởng của anh ta đều lộn xộn không có chút thống hệ nào hết. Anh ta không nói được nhưng anh ta vẫn tấm tức khó chịu vì một ý tưởng gì nó sạo sục trong đầu anh.

Một lão già nói chen một câu buông thõng:

- Tôi thì tôi chẳng tin số lý gì hết. Tôi cho ở đời này hễ thằng nào khôn và khỏe là thằng ấy được, thằng nào khù khờ, hèn yếu là thằng ấy chết!

Min nơ hỏi đùa người phu già:

- Thế cụ khôn hay dại?

- Chẳng dại, chẳng hèn lại phải rúc vào đây làm như con chuột cống ấy!

Cả bọn phá lên cười.

Chiếc xe goòng vào ra đã bốn lượt.

Min nơ đắc chí reo:

- Bốn goòng rồi! còn ba goòng nữa là các bố ăn xu!... Mau lên anh em!...

Những nhát cuốc trở nên hăng hái; mảnh than bắn tung tành...

Giữa lúc ấy, cai Tứ xuống lò xem công việc.

Ai nấy dừng tay và cất tiếng chào:

- Lạy ông ạ!

Không đáp, Tứ hỏi:

- Được bao nhiêu rồi?

Min nơ đáp thay cho mọi người:

- Thưa ông, xe ra bốn goòng rồi. Còn chỗ này cũng được độ goòng rưỡi nữa.

- Còn goòng rưỡi nữa là xong công việc, giỏi đấy!

- Thưa ông bây giờ độ mấy giờ?

- Lúc tôi xuống đây thì vừa đúng một giờ.

- Vậy chỉ ba giờ là chúng con xong việc.

- Phải, cũng chỉ độ thế. À, Thuật đâu?

- Dạ.

- Min nơ, Thuật làm khá không?

- Bẩm, anh ta cuốc khỏe và khéo lắm!

- Thế à? Thế thì cho Thuật ăn công nhì.

Thuật sung sướng:

- Cảm ơn ông.

Cai Tứ quay trở ra.

Min nơ lẩm bẩm:

- Thằng còng làm cho thằng ngay ăn! Ấy thế mà nó có thí bỏ cho mình một chút thì mình đã phải cảm ơn, cảm huệ rối rít!...

Lão phu già nói:

- Thế cho nên lão cho rằng chẳng có số lý cóc khô gì hết! Anh nào láu cá là anh ấy được phần hơn.

Thuật lắng nghe. Tuy anh không thích hai tiếng láu cá mà câu nói của lão già anh vẫn chịu có một phần đúng, nó làm cho sự bực tức trong người anh như nhẹ được vài phần.

- Phải, cụ nói phải. Mình cũng biết thế đấy nhưng làm quái gì được!

Lão già khẽ thấp giọng xuống như người nói một chuyện bí mật, hai mắt liếc ra phía cửa lò:

- Bây giờ lão ta rích lắm! Tậu bao nhiêu ruộng ở nhà quê, lại những bốn cô vợ!

 

III

Mặt trời đã chênh chếch về tây...

Những cửa kính nhà máy tựa hồ cháy lên thành lửa đỏ. Da trời xanh trong không gợn vệt mây tạp sắc nào. Những chòm cây to nhuộm nắng trông như màu ngọc bích. Mặt đất, xám đen những sạn than, loang lổ những vệt bóng liền bên những vệt ánh nắng tha thướt. Trên gò cao, khu nhà máy cùng những ống khói cao vút in lên nền phong cảnh một nét sỗ sàng, bẩn thỉu.

Bọn phu khoán làm xong công việc cứ lần lượt từng tốp chui ở dưới lò lên, tản ra các đường đi như một lũ quỷ sứ. Là bởi quần áo anh nào anh ấy ướt sũng, lấm bê bết, cả mặt và hai tay cũng nhọ thui.

Họ đi nghênh ngang trên đường, cười ha hả, nhăn những bộ răng trắng như răng tây đen, và nói oang oang những câu tục tĩu: Công việc khổ sai đã xong, họ đã được vài giờ để nghỉ ngơi cái xác thịt.

Lẫn trong đám người nom chẳng khác tụi ngoáo ộp ấy, Thuật lặng lẽ đi nhanh để về nhà, ở luôn mười mấy tiếng đồng hồ dưới lòng đất, anh ta lúc này có cái cảm giác của một người mù chợt lại thấy ánh sáng, hơn nữa, anh có cái cảm giác của một người đã bị đem chôn sống rồi lại được moi lên.

Khoan khoái, Thuật chào cảnh thiên nhiên, chào ánh sáng mà anh thấy rực rỡ hơn mọi ngày bằng một nụ cười. Anh hít không khí vào đầy phổi và tưởng như linh hồn anh vừa được gột rửa sạch hết những cái nhơ nhớp nó đã thấm vào anh luôn trong mười mấy tiếng đồng hồ.

Thuật nhìn chúng bạn thấy họ cũng một vẻ vui sướng như mình. Anh nghĩ thầm và nhận thấy cái vui sướng của những người nghèo khổ như anh thực rẻ quá!

Đương vẩn vơ. Thuật bỗng nghe có tiếng người kêu oai oái, nhìn ra thì là mấy anh phu lò đương ghẹo mấy chị con gái làm ở máy sàng. Họ đứng chắn đường bọn con gái, giơ ra những bàn tay bẩn như tay gấu để chực bóp vú; mặt họ nhăn lại; mắt họ trợn lên; răng họ nhe ra như quỷ sứ nhà trời.

- Nhà tôi đi đâu thế này?

- A! Cô Tép!... Trời ơi! vú đâu mà nhọn hoắt như sừng trâu thế! Cho tớ bóp cái nào!

- Phải gió cái nhà anh này! Có tránh ra cho người ta đi không?

- Hẵng cho bóp vú cái đã!

- Bóp cái con khỉ!

- Thì chính bóp cái con khỉ chốc!

Thế là cả bọn phá lên cười.

Rồi, sau khi đám con gái đi khỏi, họ kháo nhau:

- Con ấy mà anh em được một chầu thì phải biết!

- Chắc nịch như bánh chưng tày!

- Nhất là hai con mắt, lẳng quá!

- Chưa lẳng bằng cái miệng! Cắn một cái thì phải biết.

Thuật khó chịu quá về những câu thô bỉ nọ. Anh ta thấy lờ mờ rằng ở chỗ mỏ mẻ này tình yêu hình như cũng bị nhơ nhớp bởi mùi than đá và dầu máy. Rồi, do liên tưởng, anh chợt nhớ đến những chuyện gặp gỡ của anh với các cô con gái nhà quê. Thực khác nhau biết chừng nào!

Ở đây, trai gái tỏ tình với nhau sỗ sàng, thô bỉ bao nhiêu thì ở chỗ đồng ruộng kín đáo, thanh nhã bấy nhiêu. Gặp nhau, họ không có cái thói chớt nhả. Chỉ một cái liếc mắt, chỉ một cái mỉm cười, chỉ một đôi gò má đỏ ửng như hai bông hoa phù dung là đủ cho hai bên rõ tình ý của nhau. Lại còn những cuộc hát quan họ với nhau trên cánh đồng trăng tỏ, trước làn gió sực nức mùi hương lúa...

Bỗng, một anh con trai đi cạnh anh Thuật nói:

- Mẹ đếch! Cái con Tép người thế mà đểu chúng mày ạ!

Cả bọn nhao nhao ngay lên:

- Thế nào? Con Tép đểu thế nào hở Đức?

- Nó ngủ với Tây chủ!

- Thế à? Thảo nào độ nó mới đến đây rách rưới như con ăn mày thế mà bây giờ đã ra phết lắm!

Một anh khác hoài nghi hơn:

- Chúng mày chỉ nói nhảm!

- Nhảm à? Có mày mù mới không trông thấy sự thực.

- Thằng Đức nó nói phải đấy. Tôi cũng biết chuyện.

Đức hỏi lại kẻ đã chia cái danh dự biết chuyện của mình:

- Mày biết thế nào hay lại nghe bóng nói mò đấy?

- Không, chính tao biết rõ mà lại. Hôm ấy mẹ con Tép ốm. Nó lên nhà cai Tứ hỏi vay công để cân thuốc cho mẹ nó uống. Nó gặp Tây chủ ở nhà cai Tứ thế rồi...

Một anh chêm ngay:

- Thế rồi a la văng mát chứ gì?

- Chính thế!

- Đểu thật!...

- Thảo nào mà nó được vào làm ngay ở trong nhà máy sàng! Thảo nào hai mẹ con nó bây giờ có tiền cho vay lãi!...

- An Nam mình rồi mai kia có lẽ lai Tây hết!...

- Có mà lai cái... Những đồ nhà thổ ấy thì nói làm đếch gì!

Thuật cúi đầu thở dài. Những lời của bọn con trai nói tự nhiên khiến anh ta đau đớn và buồn vô hạn. Trước kia, khi còn ở nhà quê, nhiều lúc anh cũng ao ước được sống cái đời mỏ mẻ hái ra tiền như nhiều người vẫn khoe. Nay anh thấy cái đời ở đây chỉ hoàn toàn là sự cực khổ. Cực khổ đến nỗi một người con gái xinh đẹp như Tép mà phải đem thân làm đĩ mới kiếm nổi được thang thuốc cho mẹ uống và miếng cơm cho hai mẹ con ăn đỡ đói lòng!

Không như bọn kia, Thuật không khinh bỉ Tép, không chửi Tép là đồ nhà thổ. Trái lại, Thuật cảm thấy một thương xót vẩn vơ đối với cô gái mà người ta đương dè bỉu như một vật cực kỳ ghê tởm. Và cái tấm tức anh vẫn mang trong lòng lại bắt đầu sạo sục hơn mọi khi làm cho Thuật rất khó chịu.

Lão min-nơ bỗng vỗ vai Thuật:

- Này, về nhà tớ chén cơm.

- Thôi, bác để cho khi khác.

- Không, tớ đã nhất định rồi! Và bọn anh em cùng lò cũng đã nhận lời rồi.

Không muốn mất lòng người bạn, Thuật đành nhận lời:

- Vâng, thế cũng được nhưng trước hết tôi phải về qua nhà thay áo và rửa ráy chân tay mặt mũi đã chứ.

- Ừ, lại ngay nhé?

- Tôi lại ngay.

Min-nơ dặn với:

- Đừng bắt anh em chờ đấy!

Anh chàng cố ý mời Thuật vì anh ta muốn cho bọn thêm người. Bọn culi vẫn thường họp bọn nhau như thế. Cuộc đời tẻ ngắt của họ đè lên vai họ như những gánh nặng vô cùng. Họ cần phải được giải trí, họ cần uống rượu, đánh chén, cần hút thuốc phiện, cần quây lại với nhau để tán gẫu. Nhưng lương tháng của họ đem chi vào việc ăn uống, mặc và ở, khéo lắm chỉ còn thừa được tí chút. Họ làm cách nào để giải trí được nếu họ không họp nhau thành bọn để gánh vác đỡ nhau những chi phí cần cho họ cũng chẳng kém gì những tiền mua gạo và củi ấy.

Thuật về nhà khi ông bố hãy còn ở trên nhà máy vì giờ làm mãi đến sáu rưỡi mới hết.

Mẹ Thuật đương ngồi nhặt thóc ở mẹt gạo trên hè bếp.

Thấy con đi làm về, bà lão mừng rỡ đứng dậy hỏi han săn đón:

- Kìa, con đã về!.. Thế nào, công việc có dễ chịu không?

- Chà, khổ quá bu ạ! Trong hầm thế nào mà nó thối tha ẩm ướt quá!...

Bà lão dịu dàng:

- Thôi, chịu khó một tí con ạ. Rồi nó cũng quen đi...

Phải, rồi nó cũng quen đi! Thói quen thường giúp cho người ta, nhất là cho bọn nghèo khổ lao động quên được những đau đớn cực nhục mà đời bắt họ phải chịu. Dần dần họ từ địa vị người rơi xuống địa vị súc vật mà không tự biết. Họ làm như đàn vật, chơi như đàn vật, ăn uống như đàn vật, ở chui rúc như đàn vật. Đời họ chỉ có mấy cái lo là đói, rét, bị đánh đập, bị chửi rủa và có mấy thú tiêu khiển là uống rượu cồn, hút sái thuốc phiện và đánh xóc đĩa. Họ không biết cái gì là no ấm, không biết cái gì là sung túc, không biết cái gì là đẹp nữa. Cả đến cái địa vị của họ trong sự tiến bộ của loài người, cả đến cái quyền của họ được đãi như những kẻ sống bằng mồ hôi nước mắt của họ, họ cũng không biết nữa. Họ được học hành gì đâu, họ có được ai săn sóc đến họ đâu! Người ta còn cấm họ không được biết sự thực và bỏ tù họ nếu họ đem sự thực nói toang ra nữa.

Cuộc đời giống như Sehopenhauer đã nói, gồm có hai hạng: một bọn chó sói nhai xương uống máu đồng loại và một bọn giun đất bị giày xéo suốt đời.

Thuật vừa rửa tay rửa mặt vừa khoe với mẹ:

- À con được ăn công nhì rồi!

Bà lão sung sướng hiện ra sắc mặt:

- Ồ! Ông cai tử tế quá nhỉ?...

Thuật nghe mẹ nói lại chợt nhớ đến lời lão phu già đã nói ở dưới lò, khi cai Tứ vừa đi khỏi. Anh ta bắt đầu hiểu thấm thía sự đời, thấy toàn những cái đáng tức cả.

Trong ngày hôm ấy Thuật sáng mắt ra, kinh nghiệm được nhiều hơn một năm khi anh còn ở nhà quê.

Thuật không đáp, bà lão lại nhắc:

- Ông cai tử tế quá, con nhỉ? Con mới đi làm mà ông ấy đã cho ăn ngay công nhì! Thôi, từ nay bu cũng đỡ lo chứ cả như ngày nay về trước thì bu khổ quá. Thầy mày làm được đồng nào chỉ nốc rượu, đánh bạc cả. Mỗi tháng thì thí cho bu được độ mươi đồng, không đủ đong gạo và trả tiền nhà thế mà ông ấy còn nay hạch, mai hạch...

Thuật nhìn mẹ. Anh ta cảm thương mẹ không biết chừng nào. Bà đã phải thở than, dù chỉ thở than với anh như thế tức là bà đã cực khổ lắm rồi. Thuật nghĩ đến cái đời của mẹ suốt từ khi anh khôn nhớn đến giờ, thực chẳng lúc nào anh thấy mẹ anh được vui cười sung sướng. Lúc nào mẹ anh cũng âm thầm, lặng lẽ, lúc nào bà cũng lo đăm lo chiêu. Trên môi bà chỉ thoáng nở nụ cười khi bà nhìn Thuật hoặc nghe Thuật nói chuyện. Giá có ai hỏi bà lão ấy rằng bà ta sống để làm gì thì chắc bà sẽ trả lời là để làm việc và để bị chửi bới. Bà có biết gì không? Có lẽ bà chỉ biết sự lo lắng và sợ hãi. Đời bà khi còn con gái ra sao chắc bà cũng không nhớ nữa!...

Thuật an ủi mẹ:

- Thôi bu đừng lo. Con sẽ hết sức đi làm để giúp đỡ bu. Bố con tính nết như thế thì bu cứ mặc kệ là xong, ông ấy nói chán mỏi mồm rồi ông ấy khắc nín.

- Chả mặc kệ thì nào bu có dám nói gì! Ông ấy muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, bu có dám hé răng bảo sao đâu? Đến ngay như cái việc ông ấy bán ruộng ở quê nhà bu cũng phải câm miệng đấy!

Rồi bà kể lể:

- Ai lại như thế bao giờ? Sống ở làng, sang ở nước. Mình có một tí của mồ hôi nước mắt của ông cha để lại cho mà đem bán đi ráo thì rồi ra ông ấy định ăn đâu, ở đâu chẳng biết! Hay ông ấy định chết già ở cái xó mỏ than này, mang tiếng là người bỏ làng, bỏ cả mồ cha mả ông? Thực đến thằng mõ nó cũng không nỡ như thế. Bu khổ sở quá, muốn can mà không dám, đành chỉ khóc ngấm khóc ngầm một mình...

Thuật thở dài, anh lại nhớ đến quê hương bản quán, nhớ đến mấy sào ruộng mà mấy đời người đã tưới mồ hôi xuống đó, nhớ đến mồ mả tổ tiên, nhớ đến bao nhiêu điều lặt vặt tha thiết với lòng anh. Cuộc đời dĩ vãng của anh, chẳng khác một cuốn phim quay chậm, lại hiện ra trong trí nhớ anh, gợi ra cho lòng anh bao nhiêu tiếc hận não nùng.

- Bu đừng nói đến chuyện ấy nữa, phiền lắm!

Thuật vào trong nhà thay quần áo. Anh chọn cái áo cánh cộc trắng tươm nhất mặc ra ngoài tuy lúc ấy chẳng phải là mùa nực.

Mẹ anh thấy anh sắm sửa, ngạc nhiên hỏi:

- Chớ con đi đâu vậy?

- Ông min-nơ và bọn anh em cùng lò bảo con đi ăn cơm. Con từ chối mãi không được.

Bà lão nhìn con như nghĩ ngợi điều gì mãi sau mới nói:

- Ừ thôi, người ta đã bảo thì con đi một tý kẻo lại mất lòng mất bề thêm khó ra. Vả làm nghề gì mà không phải có bạn.

- Bu ở nhà nhé! Chốc bố có về bu nói hộ con với.

- Ừ.

Thuật đi ra cổng...

Bà lão nhìn theo con, lẩm bẩm:

- Người ta mời thì rồi mình lại phải mời giả lại. Chú khi ni, mi khi khác, chứ ăn không của người ta được à? Khốn lắm, không cho nó đi cũng không được mà cho nó đi một lần chỉ sợ lại dắt dây mãi, rồi cũng đâm ra rượu chè be bét thì khổ.

Bà thở dài, lo lắng. Nhưng sau bà cũng đành. Xưa nay, sự gì ở đời đối với bà lão ấy cũng đều là dĩ nhiên không thể tránh được. Bà chỉ khẽ chùi hai giọt nước mắt lặng lẽ do sự lo sợ ngầm ngấm tự trong đáy lòng bà chảy ra, đáy lòng một người mẹ thương con nhưng người mẹ ấy lại cũng chính là một người đàn bà suốt đời bị đè nén mãi thành ra hoàn toàn nhẫn nhục.

Trong khi ấy thì Thuật cúi đầu rảo bước trên đường cái trí nghĩ vẫn vơ đến Tép, cô con gái mà chúng bạn anh ta vừa chê cười một cách độc ác lúc ban nãy. Anh không hiểu tại sao cứ nghĩ mãi đến Tép, cứ thương xót người con gái ấy như ta thương một đứa em gái xấu số vậy. Rồi, khi bước chân vào cổng nhà bác min-nơ, Thuật bỗng mỉm cười, trong lòng phơi phới như vui mừng vì đã quyết định xong một việc tuy chính anh chưa biết rõ việc ấy là việc gì...

 

IV

Thuật vào nhà Dương min-nơ thì năm người kia đã ngồi cả ở trên giường.

Lão già Mẫn reo:

- Đây rồi, thế chứ lại!

Thuật cười hỏi cả bọn:

- Anh em chờ đã lâu chưa?

- Chúng tớ cũng vừa đến.

Dương min-nơ khệ nệ bưng mâm rượu ra đặt lên giường đoạn quay lại gọi Thuật:

- Lên đây! Chúng ta ngồi sát cánh nhau cho ấm.

Thuật thấy mọi người đối với mình, tuy còn mới mẻ, mà đã thân mật như vậy cũng lấy làm vui thích. Từ khi Thuật lên đây, lần này là lần thứ nhất anh giao du với những người ở mỏ. Theo Dương min-nơ chỉ chỗ, Thuật ngồi lọt vào giữa lão già Mẫn và Dương. Từ lúc bắt đầu làm với họ, Thuật mãi bây giờ mới có dịp ngắm nghía mọi người.

Thuật thấy Dương min-nơ là người thẳng thắn vui vẻ và dễ yêu.

Dương trước đã ra lính chào mào và đã từng qua Pháp nên anh ta có vẻ thông thạo hơn cả.

Tầm vóc cao lớn, đầu tròn, tóc búi ca rê, mắt lồi và hung hung, mũi đỏ nổi một núm tròn như quả quýt đặt trên bộ ria mép khum khum kiểu ghi đông xe đạp. Giọng nói của anh ta bình tĩnh êm ái và khi nói hay nhìn thẳng vào mặt người nghe, nhìn một cách chân thực và vui vẻ, một tia sáng lấp lánh trong mắt làm cho anh lúc nào cũng như có vẻ bông lơn dễ yêu lạ.

Ngồi bên tay trái Dương là Nhỡ, anh chàng gầy còm, lúc nào cũng có dáng một con gà rét mướt đáng thương.

Trái hẳn Nhỡ, Thông hình như một vế câu đối mà vế kia tức là Nhỡ vậy. Một đằng xo ro, khúm núm bao nhiêu thì một đằng tươi cười, nghịch ngợm bấy nhiêu. Thông nói chuyện có duyên nên mỗi lần anh ta mở miệng nói là một lần mọi người phá lên cười.

Không hay cười, duy chỉ có lão già Mẫn. Lão ngồi xổm, hai tay bó gối hình như lúc nào cũng muốn che khuất một nửa cái mặt dài ngoẵng như mặt ngựa mà chiếc mũ chào mào bằng dạ mầu phân ngựa đội xụp xuống đến gần lông mày vẫn không làm ngắn bớt đi được. Thỉnh thoảng lão mới nói bằng một giọng rấm rẳn nhưng đã nói câu nào là chắc như cua gạch vì lão nhiều tuổi lại đã lịch duyệt nhiều.

Không biết vì tình cờ hay ai cố ý đặt lão ngồi bên một anh con trai béo như cái chút chít và đen như cái cột nhà cháy. Lộc, tên anh chàng đó, cũng ít nói nhưng rất hay cựa. Anh ta xoay xỏa luôn, nhiều khi làm sóng cả chén rượu của lão già Mẫn hoặc làm rơi cả miếng thịt mà lão gắp đã đưa lên gần đến miệng. Sự vô ý ấy thường làm cho hai người vặc nhau như đôi vợ chồng xung khắc.

Khi ai nấy đã ngồi yên chỗ rồi thì Dương bắt đầu rót rượu; lão già Mẫn so đũa. Thuật nhanh nhảu cũng giàn bát ra trước mặt mọi người.

Dương nói:

- Hôm nay vì thêm có anh Thuật vào bọn với chúng ta, nên tôi có chén rượu gọi là mừng thất hiền.

Thông vội bẻ:

- Đâu ra thất hiền? Bố mày chưa uống mà đã trông một hóa hai rồi! Phải nói là: Có chén rượu nhạt gọi là mừng lục súc!

Một chuỗi cười giòn nổi lên.

Lão già Mẫn chép miệng:

- Anh Thông nói thế mà đúng! Lục xúc... Phải, sáu anh em mình đây tuy kể tuổi có hơn kém nhau mà cùng chung một cái đời vất vả như đời của súc vật vậy.

Câu nói chán chường ấy làm cho mọi người im lặng. Ai nấy đều trở nên nghĩ ngợi vì trong lòng mỗi người đều có một uất ức mà chẳng ai biết nói ra làm sao cho hả được. Câu chuyện quanh mâm rượu bị cắt quãng một lúc lâu. Những chén rượu nhấc lên đặt xuống đã vài lượt, có cái đã cạn hẳn mà cả bọn vẫn hình như lạc nẻo không biết tiếp câu gì.

Họ đành lặng lẽ uống, uống và cầm đũa gắp từng miếng thịt đưa lên miệng nhấm nháp...

Kiến thức thấp thỏi lại không được trông nhiều thấy rộng, suốt đời chỉ chũi mũi vào công việc mưu sinh, họ lấy đâu ra cho nhiều tài liệu để nói. Gặp nhau nhiều khi họ ngồi nhìn nhau hằng trống canh mà chẳng biết nói với nhau câu gì.

Mãi sau, Thuật hình như khó chịu vì cái im lặng kéo dài, bèn lên tiếng:

- Sớm ngày, mới xuống lò lần thứ nhất, tôi sợ quá!

Câu chuyện làm ăn là câu chuyện họ dễ kéo dài được nhất. Nên câu chuyện của Thuật hình như một lời thần chú làm cho sáu cái lưỡi kia tự nhiên mềm ra.

Dương làm mặt thông thạo:

- Có thế mà đã sợ! Chả bù với tôi khi bắt đầu đi làm, vớ ngay phải mỏ Vàng Danh, có những cửa lò sâu hàng mười thước tây một ấy! Ghê quá đến bây giờ mà nghĩ lại hãy còn hốt!...

Tợp một hơi rượu, nhắm một miếng thịt, Dương hình như chờ đợi cái hiệu lực của câu mình nói rồi mới lại tiếp theo:

- Các bác phải biết sâu lắm kia! Anh nào không quen, cứ cúi nhòm xuống những cái giếng hun hút như ăn thông tới âm ti ấy cũng đủ chóng mặt. ấy là chưa kể phần nhiều lò có hơi ngạt, người yếu xuống là ngất đi ngay...

Thuật hỏi:

- Thế thì làm thế nào được?

- Những lò như thế thường phải bỏ một độ lâu hay bắc quạt máy xuống cho thoáng. Tuy vậy, mỗi tốp thợ xuống làm cũng chỉ chịu được mươi mười lăm phút là đã phải thay tốp khác. Đã có lần chính mắt tôi trông thấy, có một lò nhiều hơi ngạt quá. Bọn phu xuống làm không biết nên ngã cả. Anh sau cùng thấy biến vội leo thang lên mà lúc tới mặt đất còn lả đi, cứu mãi mới tỉnh...

- Làm thế nào để phòng được?

- Chính Tây cũng chưa có cách gì. Nhưng người nào làm lâu năm đã thông thạo thì thoáng thấy khác là biết ngay. Có lò thế này mới ghê chứ! Chung quanh thành lò, hơi độc cứ xì ra kêu vo vo như tiếng dế. Thò ánh đèn vào khi nào tắt là nổ.

Dương cầm cốc rượu, liếc mắt nhìn mọi người thấy trên gương mặt nào cũng có vẻ kinh hãi, anh ta lấy làm bằng lòng và buông sõng một câu:

- Mẹ kiếp! Mình đã thề hễ có con thì lúc chết giối lại cho nó rằng nếu có nghèo đói thì đi ăn mày chứ đừng có theo cái nghề làm mỏ mà có ngày mất xác.

Thiết thực, lão già Mẫn hỏi:

- Làm khó khăn thế thì lương lậu hẳn khá?

- Nếu khá thì đây đã chẳng phải nhả! Bọn cai nó đểu lắm kia! Nó đặt ra cái lối lưu công. Ví dụ sáu anh em mình mỗi người mỗi tháng làm được mười lăm đồng chẳng hạn. Nhưng lúc lĩnh tiền, cai nó chỉ phát cho độ mười một hay mười hai đồng, còn bao nhiêu nó nắm tuốt, bảo để giữ hộ cho mình làm vốn.

Thuật thật thà đáp.

- Như thế chẳng phải hay. Có đưa cho mình thì mình cũng đến đánh xóc đĩa hết.

Dương nói như gắt bẳn:

- Ấy thà đem đánh xóc đĩa thua bố cả nó đi lại còn sướng tay. Đằng này bị nó lưu công nên mười anh, nhất là những anh có vợ có con, đều túng thiếu xo rụi cả vì không đủ chi các món. Số tiền của mình nó lưu lúc ấy nó mới đem cho mình vay lãi bốn mươi phân hoặc đong gạo bán ngữ cho mình ăn để lấy lãi. Như thế có phải nó làm giàu bằng chính ngay đồng tiền của mình không?

Nhỡ tức tối:

- Tiên sư chó!

Thông hăng lên:

- Sao không thưa chủ?

Dưỡng bĩu môi và nhìn Thông bằng cặp mắt thương hại:

- Thế mới biết chú chưa hiểu sự đời là cái cóc khô gì cả! Chú thưa chủ à? Nhưng bọn cai nó lại thân với chủ như con với bố, nó lại làm ma cô dắt gái cho chủ, và nó lại đấm mõm cho chủ hoặc dâng ngay vợ nó cho chủ thì cái ngữ một thằng cu-li muỗi tép như chú, chủ nào nó thèm đếm xỉa tới?

- Thế thì thôi mẹ nó đi chứ làm làm gì?

- Nói dễ lắm! Thôi! Thế chú có phải ăn không? Chú có thể nhịn đói được không?

Thông nín lặng.

Thuật bất bình quá:

- Một mình kêu chủ không xét thì xúm nhau năm bảy mươi thằng lại mà kêu không có thì giã cho bọn cai chết mất mạng đi cho có được không!

- Nói dễ nghe nhỉ? Làm thế à, làm thế thì có mà bỏ mẹ ngay!

Thuật ngây thơ hỏi:

- Tại sao?

Dương cười mũi:

- Hứ! Lại còn hỏi tại sao!... Anh mà làm thế thì nó gọi ngay dây nói về đồn lấy lính xuống, đổ cho anh là muốn làm cộng sản rồi nó gô cổ anh lại, tống anh vào nhà pha, đày anh đi Côn Đảo hay nó phơ cho anh chết sặc ngay chứ còn làm sao nữa!...

Một sự im lặng nặng nề tiếp theo câu Dương nói. Thuật thở dài lẩm bẩm như tự hỏi mình:

- Thế thì còn gì là công bình nữa!...

Dương khẽ vỗ vai bạn:

- Công bằng? Ra đời mà chú lại cứ tin ở sự công bằng của người ta thì anh lo cho chú lắm! Chẳng có gì là công bằng hết!...

Lão già Mẫn lấy tay quệt mũi đoạn cũng họa theo lời Dương:

- Phải, chỉ một trò cá lớn nuốt cá bé, thằng khỏe hiếp thằng hèn, chứ làm chó gì có công bằng.

Nhìn khắp mọi người một lượt, lão già Mẫn thở dài một cách vô cùng chán nản, vô cùng uất ức, đoạn tự rót luôn cho mình hai ba chén rượu mà chén nào lão cũng chỉ tợp một hơi là hết. Mặt lão đỏ gay gắt như gạch nung. Mắt lão sáng quắc lên một cách dữ tợn, hằn học:

- Lắm lúc nghĩ mà giận không biết chừng nào. Người ta đối với nhau, độc ác tàn nhẫn quá! Các loài hổ báo đối với nhau không bằng người ta đối với nhau. Cơn hung lên, hổ báo cắn xé nhau nhưng chúng nó không biết rằng làm như thế là không tốt. Người ta biết rõ rằng cùng một loài mà hại nhau là xấu mà vẫn hại nhau như thường, có khi không phải là vì tức giận mới ghê chứ!

Dương gật gù ra dáng thưởng thức câu nói của lão già Mẫn lắm:

- Chính thế đấy!

Lời tán thưởng ấy chẳng khác chi một gáo dầu tưới vào đống lửa cháy đương hăng. Lão già Mẫn tợp một hơi rượu, giơ chai lên cho mọi người thấy rằng rượu đã hết.

Dương vội an ủi mọi người:

- Đừng lo! Đây, còn chai bố nữa kia mà! Anh em cứ uống đi.

Quay lại lão già Mẫn:

- Uống đi có say bí tỉ mới vui!

- Vui thì vị tất đã vui, nhưng ít nhất cũng khuây được buồn.

Lão thở dài ầm ĩ tỏ ra lão buồn lắm đoạn thủng thẳng nói:

- Cái lý đâu lại đời cha ăn mặn đời con khát nước bao giờ!

Cả bọn nhao nhao:

- Đời con nó được chấm mút đếch gì mà bắt nó phải khát nước!

- Ấy thế mới chó chứ! Anh em thấy tôi thế này chắc anh em không ngờ đâu rằng đời tôi cũng có thời được học hành tử tế và ông cha nhà tôi cũng đã mấy đời khoa bảng hẳn hoi, lại giàu có là khác nữa.

Ấy thế mà bây giờ tôi phải đem thân lên chỗ xó rừng này, làm một thằng phu mỏ thì anh em nghĩ có cực không?

- Thế đầu đuôi tại sao mà lại như thế?

- Tôi cũng chẳng biết nữa! Nghe đâu khi tây mới sang đây, các cụ nhà nho ta có họp thành một đảng phản đối và cha tôi hình như cũng ở đảng ấy. Rồi về sau chẳng rõ cha tôi có phản đảng phản điếc gì không mà dân làng nó xúm vào nó mỉa mai chửi rủa tôi rất là khổ sở. Tôi lúc ấy mới lớn có biết cóc khô gì. Một hôm tôi đi qua một đám năm bảy thằng đang ngồi chơi với nhau ở hè nhà phó lý. Thấy tôi, một thằng trong bọn liền nói xỏ: "- Đấy, con ông văn thân phản quốc đấy!" Rồi cả bọn chúng nó cùng cười ầm lên. Tôi bị những câu mỉa mai như thế đã nhiều, những người giao du với tôi cũng im lặng tránh xa tôi khiến cho tôi uất ức quá. Nay chợt lại bị chế giễu trước mặt mọi người, tôi điên ngay lên, mặt nóng như chàm lửa, xông thẳng lại trước đám đông và sừng sộ hỏi: "- Đứa nào vừa nói gì?". Phó lý đứng lên với một nụ cười khiêu khích: "Tao!" Hắn vừa dứt lời, tôi đấm ngay vào giữa mặt hắn một cái thật mạnh làm cho hắn ngã bất tỉnh nhân sự. Thế là chúng nó xúm lại quanh mình tôi, kêu rầm lên rằng tôi lăng mạ và hành hung với hương chức, đoạn bắt giải tôi lên quan. Giá như người ta cho tôi báo tin để thầy tôi biết thì lão huyện cũng chẳng làm gì nổi nhưng tôi đã bị đau đớn bởi thầy tôi, tôi không muốn mang tiếng là cậy thế cha nữa. Tôi tự mình theo kiện với phó lý. Bên phe nó cả làng, bên tôi chỉ có một mình, lại bị lão phủ ghét nên sau vụ kiện ấy, tôi mất hết cả gia tài, điền sản. Biết rằng có ở làng nữa thì rồi cũng không yên thân được với chúng nó, tôi nghĩ giận hờn vơ vẩn; nhất định đi. Lang thang khắp đây đó, tôi chìm nổi bao nhiêu lần, đói khát bao nhiêu lần lại nào vợ chết, con chết, cái thân chơ vơ đất khách quê người nay giạt vào đây...

Lão nhấc chén uống một hơi rồi kết luận:

- Anh em thử xem cái thân tôi có đáng khổ sở như thế không? Tôi làm gì nên tội? Mà như thế thì loài người có ác không, hử?

Mẫn giằn giọng hử một tiếng, hai hàm răng nghiến lại, mắt trợn lên đoạn nắm tay đấm xuống giường thình thình.

- Lắm lúc nghĩ đến cái đời mình, nghĩ đến những kẻ nó gây tai vạ cho mình một cách vô lý, tôi tức điên ruột lên...

Giọng nói của lão già rít lên rất ghê rợn. Năm người kia lặng lẽ nhìn nhau vừa như sợ hãi vừa như não nùng...

Thông phá ngang:

- Thôi, không nói chuyện ấy nữa, buồn lắm! Ta họp nhau để vui chứ có để buồn đâu!

Nhỡ cũng lên tiếng:

- Này anh em, cái Tép trông hẩu đấy chứ?

Dương cười khẩy:

- Trông bộ như con cò bị bão ấy mà lại hay chấp chới.

Lộc từ nãy vẫn ngồi im bây giờ mới nói theo Dương:

- Mấy lại nước mẹ gì kia chứ? Trêu vào bà chủ, khéo chẳng lại tù sớm!

Thuật đỏ mặt ngắt lời Lộc:

- Anh Lộc hình như quên câu chuyện của ông già Mẫn rồi!

Mọi người nhìn Thuật, không ai hiểu ý anh ta nói ra sao cả.

- Phải, chắc anh Lộc đã quên rằng một lời mai mỉa, một câu chế giễu có khi lại làm hại cả đời người ta...

- Nhưng sự thực như thế chứ nào ai có điêu cho ai...

- Sự thực!... Ở đời này, tôi thì tôi không dám thế nào là đích thực, nếu chính mắt tôi chưa nom thấy...

Lộc bướng bỉnh:

- Thì chính mắt tôi nom thấy mà lại!

- Cho thế nữa thì cũng chẳng nên nói ra làm gì. Tôi tưởng một người con gái ở thời buổi Tây Tầu này, nhất là người con gái ấy lại nghèo khổ như Tép...

- Chán vạn người khác người ta chẳng nghèo hay sao!

- Mình ở ngoài cuộc thì vẫn dễ nói lắm. Tôi hẵng hỏi ngay như anh, nếu bây giờ anh không có việc làm, trong nhà anh một đồng xu không có, một hột gạo cũng không mà giữa lúc ấy thì vợ hoặc con hoặc mẹ già anh ốm nặng thì phỏng anh có đâm ra trộm cắp dễ dàng không? Ấy là nói một người đàn ông sức dài vai rộng đấy...

Thuật càng nói càng hăng hái quên cả rằng Dương từ nãy vẫn cứ rót mãi rượu cho mình thành ra lúc anh dứt tiếng thì anh cũng vừa say khướt.

Thông thấy Thuật hết sức cãi cho Tép, thì tủm tỉm cười, nhìn Thuật bằng một vẻ ranh mãnh:

- Anh Thuật nói giỏi lắm! Và chịu khó cãi cho cô Tép quá đi mất.

Mọi người cười ồ...

Thuật đỏ mặt, mắng Thông:

- Anh này hay nói lởn vởn lắm. Người ta nói ngay thẳng thì anh lại bẻ queo ra để chế giễu như thế là cái quái gì?

- Không, tôi có chế giễu gì đâu. Tôi chỉ khen anh chịu khó cãi cho cô Tép mà thôi.

Lão già Mẫn nói:

- Người ta cãi cho kẻ vắng mặt là phải lắm.

Lộc gật gù:

- Phải lắm! Bênh nhau thì phải cố cãi cho nhau chứ!

Mọi người lại cười.

Nhỡ chêm:

- Các bác cũng lôi thôi lắm! Người ta bênh nhau thì đã làm sao!

Thuật đứng dậy:

- Chẳng nói với các anh nữa! Đi về đây.

Dương vội giữ:

- Ấy kìa, Thuật ở lại chơi đã!

- Bác cho em uống say quá rồi. Phải về ngủ để mai còn dậy sớm đi làm!

Cả mọi người cùng gọi:

- Thuật! Ở lại hút vài điếu đã rồi hãy về.

- Gì chứ phiện thì tớ chịu!

Dương bảo anh em:

- Thôi, hắn say rồi, để cho hắn về.

Nói đoạn, Dương đưa Thuật ra tận cổng và lúc chia tay nhau, Dương âu yếm vỗ lên vai Thuật:

- Anh Thuật! Tôi cảm ơn anh lắm!

Thuật ngơ ngác nhìn Dương.

- Anh đã bênh Tép, anh đã bênh một đứa con gái đáng thương!

Rồi, cảm động, Dương nói thật nhanh:

- Tép nó là em họ xa của tôi.

 

V

Lần ấy là lần đầu anh ta say rượu nên đi hết quãng đường từ nhà Dương về tới nhà mình, Thuật khó chịu quá.

Thuật chuệnh choạng bước vào trong nhà đoạn nằm vật ngay ra giường. Anh lạ một cái là tinh thần vẫn rất tỉnh táo nhưng thân thể thì mềm nhũn, lơ lửng như người đi không tới đất và cử chỉ ra hẳn ngoài ý muốn của anh.

Thấy mẹ lại gần với một vẻ mặt lo lắng, anh xấu hổ quá nhưng miệng vẫn kêu lảm nhảm:

- Hừ!... Anh Dương nói thế mà phải... chỉ có anh ta... lão già Mẫn... biết điều... Khát! Tôi khát quá!... cho tôi ngụm nước...

Mẹ Thuật bưng lại cho con một bát nước chè tươi nóng. Anh uống một hơi hết sạch và thấy khoan khoái trong người.

Bà lão cầm khăn mặt ướt lau trán và lấy vôi bôi vào gan bàn chân cho con. Bà lẩm bẩm:

- Bố đã say như chết, giờ lại đến lượt con!

Thuật nghe câu ấy lấy làm xấu hổ và hối hận quá. Anh cố nói như để tạ lỗi:

- Anh em họ ép mãi... Bận sau con không dám uống rượu nữa!

Trong đầu anh bao nhiêu ý nghĩ quay lộn, đảo điên, không có mạch lạc, không có thứ tự gì cả. Anh muốn ngồi dậy, muốn đi lại hoặc cất nhắc một việc gì nhưng đầu anh nặng như cối đá, chân tay thì rời rạc không sao thực hành ý muốn được.

- Quái! Họ uống thì không sao mà mình uống thì say ghê thế!... Bận sau xin chịu!...

Thuật lợm giọng rồi nôn thốc nôn tháo một chập. Cơm, rượu, thịt oặc ra đầy nhà, mùi bốc lên nồng nặc.

- Say sưa thế đã sướng chưa, con?

- Bu cho tôi bát nước.

Thuật xúc miệng, nhổ toẹt ra đất rồi nằm đờ ra. Bà lão vào bếp xúc tro và lấy chổi lên quét. Tiếng bà văng vẳng bên tai Thuật như từ một nơi xa vẳng lại:

- Nếu con lại cũng rượu chè như bố con thì u còn mong gì!

Thuật thương mẹ quá, nhớ lại cái ý định của mình đi làm mỏ chỉ cốt để giúp đỡ cho mẹ khỏi khổ không ngờ chính ngay hôm anh bắt đầu đi làm lại là hôm anh say rượu để phiền lòng mẹ

Hai mắt lim dim, Thuật nói:

- Thôi bu cứ để đấy rồi mai sớm con quét dọn. Bu đi ngủ đi, bận sau con không dám uống rượu nữa.

Tuy Thuật nói thế mà bà lão vẫn cứ lặng lẽ quét dọn...

Lúc bà làm xong việc thì Thuật ngủ đã từ bao giờ. Anh ngáy như kéo gỗ và làm một giấc đến khi còi nhà máy kêu lần thứ nhất, mẹ anh gọi anh dậy để ăn cơm rồi ra lò.

Thuật tỉnh ngủ và ngơ ngác như người vừa qua một giấc chiêm bao. Đầu nặng và nhức như búa bổ, miệng đắng, cổ họng khô, chân tay rời rạc. Anh chỉ uống nước chứ không nuốt được miếng cơm nào cả.

Thuật ngượng nghịu khi trông thấy bà mẹ lúi húi dọn cơm. Anh ta ao ước giá câu chuyện say sưa của anh chỉ là một giấc mơ vô nghĩa. Nhưng, vừa thấy con, bà lão đã nói:

- Gớm, hôm qua thế nào mà cả hai bố con cùng say khướt cò bợ.

- Kìa, bố cũng say à bu?

- Phải! Ông ấy đi làm về liền giở rượu ra nốc hết cốc ấy đến cốc khác, chửi bới quát tháo om nhà rồi lăn ra ngủ. Ông ấy vừa nằm thì mày về.

- Anh em người ta ép quá thành ra con say lúc nào không biết. Nhưng bận sau con không uống nữa!

- Cái ấy tùy mày đấy. Tao nói thì rồi mày lại bảo là tao giữ.

Thuật cúi đầu trước câu nói hơi có ý dằn dỗi của mẹ.

Anh ân hận quá, ân hận vì một đêm hôm qua, anh đã vô tình làm đau lòng mẹ lúc mẹ anh đương khổ sở vì bố anh. Anh liếc nhìn mẹ, muốn nói một câu gì cho mẹ vui lòng nhưng anh thẹn quá vả cũng chẳng biết nói câu gì.

- Ăn cơm đi rồi còn đi làm chứ. Còi một lượt rồi!.

- Thôi, con chả ăn đâu. Mồm miệng nó bã bà ra thế này thì ăn uống gì được.

- Thế mới thực là sung sướng!

Thuật đi rửa mặt, thay áo. Trong khi ấy thì bà lão đã nắm xong nắm cơm và gói vào trong mảnh lá chuối với một dúm muối vừng.

- Đây, con cầm gói cơm đi rồi lúc nào đói thì ăn.

... Hồi còi thứ hai bắt đầu vang trong sương lạnh.

Thuật cầm gói cơm, xách đèn ra đường. Anh gặp ngay bọn Dương và lão già Mẫn.

- Thế nào, hôm qua ngủ bằng chết chứ?

Thuật mỉm cười:

- Ai lại các bố đổ rượu cho tôi say thế bao giờ! Tôi có uống được đâu.

Dương giễu Thuật:

- Thế thì có mà giải hồi! Sách có chữ nam vô tửu như kỳ vô phong kia mà!...

- Cái sách ấy thì đem mà đốt đi! A, các bác hôm qua mấy giờ mới về ngủ?

- Ai ngủ? Chẳng ai ngủ hết! Cả năm chúng tớ cùng thức đến sáng và lại vừa làm hết một cây bố nữa.

Thuật lắc đầu lè lưỡi:

- Thế thì chịu các ông thật!

Lão già Mẫn có vẻ kiêu hãnh.

- Chịu hẳn đi chứ lại! Ai người ta như anh ấy!

Dương ôn tồn:

- Nói đùa chứ danh giá quái gì cái uống rượu ấy! Chẳng qua buồn thì uống cho khuây thế thôi. Anh tính sống cái đời của chúng mình mà thỉnh thoảng không mượn chén rượu cho nó say tít cung thang đi thì có mà chết vì buồn, vì khổ, vì uất ức được!

- Nhưng mà rượu vào mà chả chết à? Đằng này mới say thế mà bây giờ chỉ còn thiếu có ốm đấy.

- Đằng nào thì cũng chết. Chẳng thà say mà chết nó lại còn hơn vì chết giữa cơn say rượu thì còn ai biết gì nữa!

Ba người đã đi tới chân đồi nhà máy.

Bỗng một tiếng ai chào:

- Anh Dương đi làm đấy à?

Thuật ngẩng đầu, mặt anh ta bỗng nóng bừng lên, trống ngực bỗng đập thình thịch.

Dương đáp:

- Kìa cô Tép! Phải, tôi đi làm đây.

Tép nhìn Thuật đoạn hỏi Dương:

- Bác Thuật cũng làm một lò với anh à?

Dương cười:

- Phải, bác ấy vừa nhập bọn với chúng tôi hôm qua. Nhưng này, thế nào đã biết được tên người anh em tôi ngay thế?

- Làm gì mà chẳng biết! Anh làm như tên người ta là một thứ có thể giấu kín được ấy!

- Phải, tôi chịu cô!... À này, bác Thuật tử tế lắm đấy nhé! Tử tế với cô Tép ra phết.

Dương và lão Mẫn cười phá lên khiến chú Thuật từ nãy đã thẹn lại càng thêm lúng túng. Anh ta cúi gằm mặt xuống, bước nhanh để Tép khỏi trông thấy sự ngượng nghịu của mình.

Lúc hai bên đi đã xa nhau, Dương nói đùa Thuật:

- Người đâu mà nhát như cáy thế? Con gái nó lại không cười cho thối óc!

Thuật cãi:

- Nhưng đầu đuôi cũng tại anh trêu ghẹo chứ không thì tôi việc gì!

Dương nhại:

- Trêu ghẹo!... Nói thế mà tốt đấy!

Lão già Mẫn chêm:

- Phải, cu cậu thích mê đi rồi lại còn cứ làm gái!

Ba người đến cửa lò thì bọn Thông, Nhỡ và Lộc cũng vừa tới.

Thông nhăn mặt:

- Đã say rượu lại còn say thuốc phiện thành ra trong người rạo rực khó chịu quá!

- Mấy điếu ranh mà đã kêu ầm mãi lên. Bận sau không cho phiện nữa.

Thông cười híp mắt:

- Ấy chớ! Cái ấy thì xin các ông! Cháu còn đương định kết làm anh em với bác Nhỡ cháu đấy!

Nhỡ tủm tỉm:

- Chỉ láo! Anh tưởng đây nghiện hẳn? Nghiện được còn là khó.

Lộc nhìn Nhỡ:

- Phải, bác Nhỡ nghiện thế nào được! Chỉ mới thực thụ thì có.

Cả bọn cười vang, đoạn cùng nhảy đứng cả vào lô ri. Máy trục bắt đầu thả dây. Sáu anh phu lò lại rơi xuống cái âm phủ tối như hũ nút trong một thời gian ít nhất là mười tiếng đồng hồ.

Rồi ngày nào cũng như thế. Ngày nọ qua, ngày kia tới, cuộc đời của họ như một dòng nước bùn phẳng lặng chảy, từ từ chảy về cái hố chết cũng tối tăm và lạnh lẽo như cái lò than đá họ cuốc vậy.

Buổi sáng hôm nay, sáu người làm việc cùng uể oải không được như hôm qua. Là vì anh nào anh ấy hãy còn say mềm cả, lại suốt đêm không ngủ. Bao giờ cũng vậy, cứ hễ hôm nào mà đêm trước bọn họ họp nhau đánh chén để tán gẫu thì y như họ làm việc kém hẳn đi như một lũ người ốm dở. Họ cũng biết vậy là có hại và thường khi cùng nhau phàn nàn tỏ ý hối hận. Nhưng lúc nhọc mệt quá và khi đã ngủ luôn hai ba đêm trong người đã hơi tỉnh tỉnh thì họ lại thấy buồn vơ buồn vẩn và lại phải gặp nhau để chè chén hút sách và bông đùa. Họ cứ như một đàn chuột chạy quanh trong một cái lồng tròn. Lúc nào mệt thì đứng lại để rồi lại chạy và cứ thế mãi cho tới khi nào hết hơi, kiệt sức không thể chạy được nữa.

Trong cả bọn sáu người, dáng thờ thẫn hơn cả là Thuật. Cái đó không lạ vì anh ta không những mệt mỏi về phần xác thịt mà còn bận bịu cả linh hồn nữa. Trong cái mờ mờ sáng của mấy ngọn đèn dầu sở, Thuật nhìn chỗ nào cũng thấy phảng phất nụ cười của Tép nó khiến anh trở nên mơ màng như một nhà làm thơ!...

 

VI

"- À này, bác Thuật tử tế với cô Tép đáo để!...".

Câu Dương nói đùa không hiểu tại sao cứ văng vẳng bên tai Tép. Nó hình như chen lẫn trong tiếng máy chuyển sình sình, tiếng sắt va lủng củng và tiếng các chị em nói cười như chợ vỡ ở quanh mình thiếu nữ.

Cô thẫn thờ làm việc, mắt nhiều khi nhìn bâng khuâng hàng giờ lâu đằng trước như theo dõi một hình ảnh nào.

- Bác Thuật tử tế với cô Tép đáo để!...

Tép lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại câu nói ấy hai ba lượt và, mỗi lần như thế, cô càng tỏ ra vẻ nghĩ ngợi vô cùng.

Trạc độ tuổi mười bảy mười tám, Tép là một cô gái quê xinh xắn, với một gương mặt trái xoan màu da trắng hồng, một cặp mắt trong, cái miệng nhỏ và tươi như cái nụ hoa tầm xuân và cái dáng người tầm thước.

Cha mẹ cô nghèo khổ nên Tép đã phải làm lụng vất vả ngay từ ngày bé. Nhưng, ngay từ ngày bé, cô đã nghiệm thấy rằng ngoài cha mẹ cô ra, chẳng có ai tử tế với cô hết. Nhất là từ khi xảy ra câu chuyện ấy, Tép càng thấy ở quanh mình nhiều tiếng mỉa mai cay độc, nhiều cái nhìn trộm cay độc, nhiều cái mỉm cười xỏ xiên của chúng bạn. Bọn phu con trai đối với cô lại càng thô tục hơn, hình như họ cho rằng đối với một người con gái đã bị hà hiếp thì họ có quyền đểu giả thế nào cũng được. Sống ở giữa sự bất công thô tục ấy, Tép yên chí một cách ngây thơ rằng người ta đã hẹn nhau để ác nghiệt và tàn nhẫn với cô nên Tép vẫn hết sức thu mình lại, lủi như con cuốc để họa may người ta có quên Tép đi chăng. Nhưng bao giờ sự hà hiếp độc ác lại có thể quên đi được một người con gái yếu mềm, không ai che chở và không có cả cách tự vệ nữa!

Mà câu chuyện xảy ra có phải lỗi tại Tép đâu. Cô bị nhem nhuốc mà thực ra không phải tự cô đã làm ố mình cô.

Nguyên từ sau khi cha cô bị lò sập đè chết, ông chủ đền mạng cho được dăm đồng vừa đủ mua cỗ săng gạo và cái nhà táng thì cảnh nhà cô lại càng túng bấn khổ sở. Tuy cô vẫn có việc, vẫn đi làm mà tiền công ít ỏi, không đủ nuôi mẹ già. Đã thế, mẹ cô lại thường hay ốm đau luôn. Ngoài tiền gạo, tiền thức ăn, tiền dầu đèn, cô còn phải lo tiền thuốc cho mẹ nữa. Một hôm, mẹ cô thốt nhiên bị ốm nặng, mà trong nhà thì không còn một đồng một chữ nào nữa. Cô lo quá, chẳng biết làm thế nào, sau đành lại nhà cai Tứ, là người cô vẫn tránh mặt vì thấy lão xưa nay không chính đính, để van nài lão cho vay đồng bạc.

Cũng là không may cho cô mà cô gặp ngay lão chủ ở đấy. Lúc vào, cô vô tình nhưng khi nhìn rõ trong nhà cai Tứ có chủ, cô sợ hãi muốn lui ra thì đã không kịp. Cô luống cuống chắp tay vái chào ông chủ thì thấy ông này cười mủm mỉm và đáp lại bằng tiếng An Nam:

- Không dám, chào cô!

Sự lễ phép không ngờ ấy làm cho Tép hơi yên lòng. Cô nhìn cai Tứ đoạn lấy một vẻ mặt khốn khó và một giọng nói van nài, bảo với hắn:

- Thưa ông cai, cháu muốn nhờ ông một việc. Cai Tứ hách dịch hỏi:

- Việc gì?

- Bu cháu bị ốm nặng, cháu lại nhờ ông cho cháu vay đồng bạc để về mua thuốc cho bu cháu rồi cuối tháng này ông trừ vào công cháu cũng được.

Cai Tứ nhìn Tép từ đầu đến chân và nhại:

- Cuối tháng trừ vào công cháu cũng được!... Cô nói mới dễ nghe làm sao!

Tép nước mắt chạy quanh, vừa lo lắng vừa hổ thẹn:

- Ông làm phúc cho cháu...

- Hừ! Làm phúc!... Nếu tất cả ngót nghìn phu cùng bắt tôi làm phúc cho họ thì tôi bán thần xác tôi đi sớm!...

- Cháu chưa dám vay lần nào...

- Mặc chứ!

Tép uất lên tận cổ; đành lủi thủi bước ra vì cô biết nếu cô nói nữa thì thế nào cô cũng bật tiếng khóc.

Trong này, ông chủ ghé tai bảo thầm cai Tứ mấy câu. Bỗng, hắn mỉm cười, đầu gật gật, miệng uẩy rối rít đoạn to tiếng gọi:

- Này, chị Tép!

Tép quay lại.

- Vào đây mà lấy tiền!

Tép ngờ rằng ông chủ động lòng thương bắt cai Tứ phải cho vay nên mừng rỡ vội quay trở lại. Tứ vờ móc ví, rút ra một tờ giấy năm đồng.

- Lại không có giấy lẻ thì làm thế nào bây giờ?

Đoạn, quay lại người Tây, hắn lễ phép hỏi:

- Quan lớn có tiền giấy một đồng làm ơn đổi cho...

Người Tây lắc đầu:

- Làm gì có!

Tứ càu nhàu:

- Thế mới lại rắc rối nữa!

Và, chân bước ra cửa, hắn bảo Tép:

- Chờ đấy, tôi đi đổi đã.

Tép gọi với:

- Ông cai, hay là cháu đi theo ông...

Cai Tứ gắt:

- Thì chờ đấy không được à? Ai nợ nần gì nhà chị!

Trong lúc ấy, người Tây đã đứng chắn ở cửa, cái thân hình to lớn không để hở một tí nào cho Tép có thể chui lọt mà ra ngoài được.

Ngoài sân, cai Tứ chạy như ma bắt. Khi hắn đã khuất sau một búi lan, người Tây bèn quay trở vào và khép cửa lại.

Tép lo lắng như con thỏ bị sa vào cạm. Trống ngực cô đánh như trống hộ đê. Toàn thân cô run cầm cập.

Người Tây lại gần Tép, hỏi đến hai bận cô mới nghe rõ:

- Mẹ cô ốm nặng à?

- Bẩm quan lớn, vâng!

- Cô làm ở đâu?

- Con gánh đất thuê cho ông cai.

- Công mỗi ngày được bao nhiêu?

- Bẩm, hào rưỡi một ngày. Hôm nào nghỉ thì bị trừ tiền.

- Hào rưỡi một ngày!... Đủ sống làm sao được?

- Bẩm, chúng con ai cũng chỉ được như thế.

- Tôi sẽ cho cô vào làm trong nhà máy sàng, công việc vừa nhẹ lương lại được mỗi ngày những hai hào rưỡi.

Thấy ông chủ ngọt ngào và tử tế, Tép mừng rỡ vội nói:

- Con cảm ơn ông chủ. Ông chủ tốt lắm!

Người Tây cười:

- Thì ông chủ bao giờ cũng tốt, bố cu tốt, ông chủ yêu cô lắm!

Tép đỏ mặt và nóng ran cả người.

- Ông chủ yêu cô... Cô đẹp lắm!...

Vừa nói người người Tây vừa ôm choàng lấy Tép và dúi vào tay cô một tờ giấy năm đồng. Tép hoảng kinh giãy giụa nhưng hai cánh tay ông chủ đã khép lại cứng như sắt, miệng ông ta ngoạm lấy cặp môi cô với một hơi thở gấp và bỏng như hơi lửa. Tép muốn kêu thì một bàn tay đã gắn chặt lấy miệng. Cô bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất và bị dằn ngửa xuống mặt cái giường tre gần đấy. Quanh mình cô mọi vật như đảo lộn, như quay cuồng. Cô bàng hoàng tức thở, hổ thẹn, uất ức mà không làm thế nào được. Cùng lúc ấy, cô bỗng có một cảm giác như bị xé ruột, nó làm cho toàn thân cô quằn quại lên như đỉa phải vôi... Người Tây thở càng mạnh ôm càng chặt... đau đớn của cô pha lẫn một cảm giác mới lạ, lờ mờ nó tràn lấn khắp cơ thể cô như một vết bùn lan rộng mãi ra...

Rồi một lát sau, Tép thấy mình ở ngoài đường. Cô cũng chẳng nhớ ra làm sao nữa. Cả những việc vừa xảy ra cũng lộn xộn, lờ mờ trong trí cô chẳng khác nào một cơn mê sảng hãi hùng. Duy có một cái nó làm cho Tép không chối sự thực là tờ giấy bạc nhàu nát cô cầm ở trong tay và cái cảm giác nhơ nhớp đầy trên mình cô...

Một dịp cười nổi lên gần đâu đó.

Tép ngẩng đầu và thấy một bọn phu vừa con trai vừa con gái đang nhìn mình. Cô nóng bừng cả mặt, vội cúi đầu rảo bước đi. Hai bên tai cô những câu nói xa xôi, mát mẻ văng vẳng theo sau càng làm cho Tép luống cuống...

Cái cảm giác lạ lùng trong mấy phút Tép nằm gọn trong lòng người Tây vẫn làm cho máu trong người cô như sôi lên. Cô bàng hoàng, ngây ngất và không khỏi tò mò cố nhớ lại... Đó là một ý muốn ở bên ngoài ý muốn của cô.

Tép vẫn biết cái việc vừa rồi là một việc xấu xa, bẩn thỉu và hổ thẹn vì đời mình sẽ mãi mãi phải mang cái vết nhơ ấy mà không hiểu tại sao Tép vẫn cứ vẩn vơ nghĩ đến nó như thường. Là vì cái bí mật nam nữ bấy lâu cô chỉ lờ mờ chưa hiểu nay đã xé rách thân thể cô, thấm vào mạch máu cô, khiến cô không thể dễ dàng quên ngay được.

Thế là từ hôm ấy quanh mình Tép bỗng nổi lên biết bao nhiêu câu bàn tán, mỉa mai, cạnh khóe nó làm cho Tép không một phút nào dám ngẩng mặt nhìn trời, cái khổ cực của cô là mấy giờ phải có mặt ở nhà máy, giữa đám đông những kẻ lấy sự đau đớn của cô làm một thứ giải trí để vui cười. Cái sợ hãi nhất của cô là quãng đường từ nhà tới sở và từ sở về nhà. Trên quãng đường ấy, cô đã hàng ngày phải gặp và phải chịu đựng biết bao điều lăng nhục.

Có những đứa, chính Tép biết rõ những sự đĩ thõa, những việc đê tiện của chúng cũng như có lắm thằng con trai trộm cắp, đểu giả ai cũng chẳng còn lạ gì thế mà bây giờ cũng đua nhau chửi Tép, lên mặt ta đây trong sạch, đứng đắn để nhiếc cô là đồ nhà thổ!

Đứng trước đám người nhâu nhâu lên như một đàn chó dại, chỉ cốt lấy cái xấu của kẻ khác để che đậy cái xấu của mình, Tép đành chịu không thể nào phân trần được. Cô náu mình vào trong thái độ hoàn toàn im lặng và lắm lúc thấy mình cô độc không biết chừng nào. Nhưng sự im lặng của cô, Tép thường phải mất nhiều tủi cực và phẫn uất mới đổi lấy được. Nhất là mỗi khi gặp bọn phu con trai ở đường, Tép phải chúng đùa nhả, cô càng bối rối không biết chừng nào. Cự chúng ư? Chúng sẽ chửi ngay rằng đã làm đĩ còn giữ giá! Mà im đi ư? Chúng sẽ không còn kiêng nể gì nữa. Bởi vậy, mỗi khi ra đường, Tép hết sức lẩn tránh những lối thường qua lại mà chỉ đi trên lối rẽ. Có lắm lúc cô buồn chán quá, định thôi không làm mỏ nữa, đem mẹ đi nơi khác. Nhưng, tiền không có, tựa nương không, thân gái bơ vơ, biết rồi ra thế nào? Biết đâu tránh thằng đánh đau lại phải thằng mau đánh thì quanh quẩn cũng như truyện ấy.

Ngay lúc ấy thì câu nói đùa của Dương bỗng phát sinh trong lòng cô một cái gì nó êm đềm như một hy vọng.

- Anh Thuật tử tế với cô Tép đáo để!

Tép nhắc lại câu ấy không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần nhắc lại, nó lại gieo trong tâm hồn cô một âm hưởng vô cùng êm ái... Cô đâm ra mong ước vẩn vơ, chờ đợi một cái gì chẳng biết nhưng nếu có. Cô chắc tâm hồn cô sẽ được an ủi một cách dịu dàng. Tuy vậy, Tép vẫn ngạc nhiên rồi ngờ vực câu Dương nói. Cô chắc Dương có ý gì giễu cợt cô mặc dầu hai bên đối với nhau có ít nhiều thân thích. Phải, chắc chỉ thế chứ người ta, cô thừa biết. Vì cô đã đem cả sự trinh bạch của cô đổi lấy bài học ấy. Có bao giờ lại thực bụng tử tế với nhau bao giờ, nhất là với một đứa con gái nghèo hèn như cô.

Thế thì Tép đừng nên nghĩ ngợi gì nữa, đừng mong chờ gì nữa là hơn vì biết đâu sự nghĩ ngợi mong chờ hão ấy chẳng đem lại thêm cho cô một sự bẽ bàng.

Để thực hành ý định khôn ngoan ấy, Tép cắm cúi làm việc. Nhưng rồi cái hình ảnh của Thuật, của anh chàng trai trẻ hiền lành và ít nói tuy gặp cô đã nhiều lần mà chưa bao giờ chòng ghẹo ấy vẫn cứ hiện ra trước mắt cô với những nét rất từ tốn, rất lương thiện, rất đáng yêu, chẳng khác cái hình ảnh một người anh cả...

Tép cúi đầu, lòng phơi phới rung động và cảm thấy lờ mờ một sự hối hận; cô hối hận vì đã ngờ tấm lòng của Thuật, coi anh ta cũng như phần nhiều đứa khinh bạc khác.

- Anh Thuật tử tế với cô Tép đáo để!

Câu ấy, lúc này không còn cái nghĩa đùa cợt của nó nữa. Nó trở thành một câu đầy hứa hẹn, đầy ý nghĩa kín đáo, một câu mà Tép có thể gạn ở trong đó ra cả một cái mộng đẹp về mai sau...

Tép rùng mình, chợt nhớ tới sự nhơ nhớp của cô, sự nhơ nhớp nó làm cho cô như tấm lụa vấy bùn.

Thân em như tấm lụa đào

Còn nguyên hay đã xé vuông nào cho ai...?

Tấm lụa đào kia đã bị xé lẻ. Tuy đó không phải lỗi tại cô; Tuy kẻ quyền thế đã lạm quyền xé lẻ của cô, tấm lụa cũng đã bị xé rồi, chẳng còn nguyên nữa!

Tép cúi đầu trước hình ảnh Thuật như mỗi khi nhìn lên mặt trời mà chói mắt. Nhưng, cái hình ảnh kia vẫn thản nhiên không hề có vẻ trách móc và khinh bỉ. Trái lại tia mắt nhân từ và nụ cười hồn hậu của Thuật hình như còn hứa cho cô một sự tha thứ êm đềm nó cũng cần cho linh hồn cô như giọt sương đêm cần cho bông hoa úa nắng.

- Câu chuyện xấu xa của ta, Thuật làm gì không biết. Thế thì câu anh Dương nói là nghĩa làm sao? Chắc chỉ có một nghĩa là Thuật tuy biết rõ hết mà anh không lấy thế làm khinh ta chứ gì? Anh Thuật không khinh ta thế nghĩa là anh hiểu thấu cái cảnh của ta, hiểu thấu cho ta không phải là một kẻ xằng bậy và đem lòng thương xót. Phải, chắc chỉ là thế!

Tép định sẽ hỏi dò Dương về việc này. Đã là anh em, Dương chắc sẽ không giấu. Vả, nếu Dương định giấu thì anh còn hở câu chuyện cho Tép biết làm gì?

Tép cảm động say sưa với một hy vọng êm vui.

- Có lẽ ta sẽ gặp Thuật ở nhà anh Dương không biết chừng!...

 

VII

Dương vừa rửa mặt xong thì Tép đến.

- Đi đâu thế, cô Tép?

Tép cười:

- Lâu ngày lại thăm anh xem có được mạnh khỏe không?

- Gớm, chờ được cô đến hỏi thăm thì vừa! May nhờ trời, trâu bò vẫn ăn cỏ... bà vẫn bình an chứ?

- Cám ơn anh; bu em không biết làm sao cứ đau yếu luôn, chẳng mấy ngày khỏe hẳn.

- Tạng bà thế, nói mạnh thế nào được!

- Ấy vì bu em cứ yếu luôn nên em làm được đồng nào cũng chỉ chi vào thuốc men cơm cháo, có khi còn không đủ.

Rồi Tép buồn rầu nói tiếp:

- Một mình em xoay xỏa, lắm lúc cùng quẫn quá!

- Làm thế nào được! Cha mẹ chỉ nhờ con những lúc già yếu, bệnh tật chứ còn biết trông vào ai.

- Vâng, em cũng biết như thế và có dám phàn nàn gì đâu! Em chỉ lo lắng một nỗi sức mình làm chẳng đủ tiêu, quần quật suốt năm cùng tháng mà rút cục vắt mũi vẫn chả đủ đút miệng. Giá trời cho em mạnh khỏe thì nó còn đỡ khổ...

Mắt Tép dơm dớm ướt, hai gò má cô đỏ bừng:

- Đằng này lo ăn lo mặc chưa xong, mẹ lại cứ ốm... Em thật cũng chỉ vì thế mà mang tai, mang tiếng...

Cảm động, Dương quay lại gần Tép và ngọt ngào an ủi:

- Tai tiếng ở đời này thì ai mà tránh hết được!

Tép thổn thức:

- Nhưng cũng năm, bảy đường tai tiếng, anh ạ! Em, em khổ không biết chừng nào!

Dương thở dài:

- Tôi cũng biết lắm! Nhưng cô cũng đừng nghĩ ngợi quá làm gì: Cô Kiều khi xưa bán mình chuộc tội cho cha, người đời chẳng vẫn khen là có hiếu đó ư?

- Ngày xưa khác, ngày nay khác. Ngày xưa người ta khen ngợi và thương xót cô Kiều; ngày nay người ta độc ác lắm, người ta chửi bới những kẻ muốn làm cô Kiều hay bị hãm vào cái cảnh gần giống như cô Kiều.

Dương khuyên giải:

- Cô nghĩ thế đấy! Tôi có nghe ai nói gì đâu.

Dương có ý ngượng vì đã nói dối. Anh nhìn đi nơi khác và nhớ lại những lời của bọn Thông, Lộc hôm nào...

- Có anh chẳng hay đi đâu nên không biết, chứ họ tệ lắm! Họ chế giễu, họ mỉa mai, họ chửi cạnh chửi khóe, họ chòng ghẹo, thôi thì đủ thứ! Giá như anh đàn ông có sức lực, đứa nào đám láo với anh, anh choảng ngay cho một trận thế là yên, bận sau cứ cho ăn kẹo chúng nó cũng không dám trêu vào anh nữa. Đằng này ác cái em lại chỉ là một đứa con gái hèn yếu, không ai bênh vực nên chúng nó càng dễ bắt nạt, càng dễ làm già.

Trong lúc Tép nói, Dương lắng nghe và để ý nhìn thì thấy Tép nhu mì, mềm mỏng như một con chim sẻ non nớt bị lạc loài giữa cơn gió bão. Dương lại nghĩ đến lão già Mẫn. Ấy là một người đàn ông, sức dài vai rộng hẳn hoi đấy chẳng nói chi Tép nữa.

Trước sự độc ác, trước sự bất công của người ta nó theo đuổi lão già Mẫn như bóng theo hình. Mẫn đã phản động như thế nào? Mẫn đã thua một cách tai hại, mặc dầu Mẫn là đàn ông! Mẫn như một con lợn độc ác cùng đường đã quay lại đàn chó săn mà giơ nanh ra, mà đứng dựng lên, mà đánh thục mạng. Đàn chó lẵng nhẵng quả đã có con bị thương nhưng càng thế chúng càng theo riết, càng dai như đỉa đói, càng nhâu nhâu lên ghê gớm không biết chừng nào, đến nỗi Mẫn đành bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vườn, bỏ ruộng, bỏ làng mạc, bỏ mồ mả tổ tiên, phiêu bạt đến một xó rừng hẻo lánh, đem cuộc đời vùi trong hầm mỏ đen tối và thối tha...

Thế thì Tép?...

Dương lo cho Tép lắm, chẳng biết rồi Tép sẽ ra làm sao trước hàng trăm cái mõm há ra như trăm cái hốc cống từ trong đó phun ra những lời phỉ báng, những câu mỉa mai, đặt để, thù ghét, nó có thể làm cho người ta váng đầu, chóng mặt phát ốm lên được, cũng như mùi nước cống nồng nặc.

Dương thấy rằng Tép cần phải có ai bênh vực cho, che chở cho. Dương nghĩ ngay đến Thuật. Phải, Thuật sẽ là người che chở cho Tép đươc. Vả lại, chính Thuật hôm vừa rồi chẳng đã hết sức bênh vực Tép trong khi mọi người đều chế giễu Tép đó ư?

- Cho dù thế nào đi nữa thì đối với cô không phải ai cũng bất công như cô vẫn tưởng đâu. Trong số ấy, tôi biết có người rất tốt...

Tép nhìn chòng chọc vào mặt Dương, ngực cô đánh thình thịch, hơi thở cô như ngừng hẳn lại, toàn thân cô tựa hồ hướng cả về phía trước...

- Người ấy đã bênh vực cô trong khi hết thảy đều nhiếc móc cô, nguời ấy đã đối đầu với sự kéo bè, kéo đảng của hết thảy và không những thế người ấy còn hết sức cãi cho cô, cố làm cho chính những đứa thù ghét cô phải cảm động và thương xót...

Tép chớp nhanh hai mắt để cho mấy giọt nước khỏi trào ra. Cô khẽ hỏi, tuy cô đã đoán biết người ấy là ai rồi:

- Người nào mà tốt bụng thế, anh Dương?

- Thuật.

- Anh Thuật?

- Phải.

Tép sung sướng, thở dài một tiếng và thấy nhẹ nhõm cả tấm lòng. Một cảm giác mới lạ tràn ngập trong tâm hồn Tép như một thứ hơi nắng xuân đầm ấm... Có thế chứ lại! Trái tim cô đã chẳng đánh lừa cô. Tép đã cố sức tin ở Thuật trước khi biết rõ tấm lòng tốt của anh chàng. Tép lấy làm tự hào rằng mình cũng biết người biết của. Giá mà Tép đã ngờ vực Thuật, đã chỉ coi Thuật bất quá như mọi người con trai khác thì lúc này có lẽ Tép hối hận và hổ thẹn lắm.

Tép ngần ngại hai, ba lượt rồi mới hỏi Dương bằng một giọng thấp:

- Anh có thể nhắc lại cho em biết anh Thuật đã nói gì để... bênh vực em không?

Dương tủm tỉm cười vì hiểu ý Tép. Anh ta đem lòng thương hại cho Tép, biết rằng cô như một kẻ gần rơi xuống vực đang cố nắm lấy một túm rễ cây. Nhưng, bản tính hay nghịch ngầm, Dương không chịu nói ngay, thủng thỉnh đáp:

- Những câu Thuật đã nói để bênh vực cô ấy à?...

- Vâng, anh nhắc lại cho em nghe thì hay quá!...

- Ai nhắc được!

Tép van nài:

- Em lạy anh nữa!... Anh Dương, chóng đi...

- Hừ! Người ta dỗ dành tôi, làm tôi như một đứa bé con ấy!

Tép cười:

- Không, làm anh như một ông anh chứ lại!...

- Nhưng mà ông anh quên hết rồi. Thuật nó nói dài lắm vì tính thằng cha ấy dai như đỉa.

Dương quay đi chỗ khác để giấu một nụ cười vì chàng vừa bịa một câu chuyện để nói đùa Thuật.

- Gớm anh ỡm ờ quá! Em đi về vậy.

- À, thế ra cô đến đây chẳng phải cốt để thăm tôi như cô vừa nói mà chỉ cốt để nghe chuyện Thuật đấy phỏng?

Tép đỏ bừng sắc mặt.

- Quyền của anh, anh muốn nói thế nào chẳng được!...

Dương lúc đó đã không cười cợt nữa. Vẻ mặt anh ta trở nên nghiêm trang và ngụ một nét buồn thương nó làm cho anh thành một người anh hoàn toàn đáng tin cậy và đáng yêu kính.

- Anh nói đùa cô đó thôi! Ý cô muốn biết những lời Thuật đã nói là một ý rất phải. Người ta cần biết kẻ thù của mình nghĩ về mình thế nào thì lại càng nên biết bạn mình có những ý nghĩ gì về mình. Cô ngồi xuống đây anh nhắc lại cho mà nghe vì thực ra, anh còn muốn một điều này nữa...

Dương nhìn Tép một cách thương mến và khẽ tủm tỉm cười làm cho Tép phải cúi đầu bẽn lẽn.

- Cái điều anh muốn nó hơi tự truyện một tí vì trước hết anh phải hỏi ý cô đã.

- Nhưng điều gì mới được chứ! Anh cứ đắn đo mãi thế thì em biết ra làm sao?...

- Để anh nhắc lại lời Thuật cho cô nghe đã...

- Anh nói đi, em chỉ chờ anh...

- Ở đời, tôi đã nghiệm thấy rằng người ta có một thói đáng ghét là cái thói chỉ bới xấu kẻ khác. Mà cái số này lại rất nhiều. Mặt đất đầy những kẻ chỉ lấy sự bới xấu đồng loại làm một cái thích, một cách tiêu khiển độc ác vô cùng. Những kẻ đó phần nhiều lại có tài nói một cách hóm hỉnh nên thường làm cho công chúng bật cười... Sự nói xấu không những làm cho những ai bị nói xấu phải đau đớn mà còn làm cho kẻ lắng nghe phải nhầm lẫn nữa. Một bức tranh khôi hài có phải là một bức truyền thần đâu.

"Họ làm cho người nghe họ quen với những cái xấu của đồng loại rồi tin rằng ở đời chỉ thuần những cái xấu mà thôi. Ví như câu chuyện của cô. Ngay từ khi mới thoạt nghe đồn, anh đã không tin vì anh biết chắc bên trong thế nào cũng còn có một uẩn khúc. Anh em mình tuy nghèo khổ nhưng đó không phải là một cớ để họ tin mình có thể làm những việc không hay một cách dễ dàng được. Mà chính những kẻ nghèo đói như mình lại càng ít khi làm những việc bẩn thỉu, có điều anh không thể nào cãi với những lời nói thiên lệch kia được. Vì biết đâu họ chẳng bảo rằng chúng ta có họ với nhau nên anh cố bênh cô? Hôm vừa rồi, nhân anh Thuật mới vào làm, mà lại làm ở cùng một lò với anh nên anh có làm một bữa rượu để anh em cùng mua vui và để giúp cho cái tình bạn thêm khăng khít. Trong khi uống rượu, họ nói chuyện lăng nhăng rồi sau cùng lại đả động đến chuyện cô. Họ nói tới cô chẳng qua cũng là để cho có chuyện và những câu nhảm nhí chẳng qua cũng chỉ là những câu họ đã nghe và nhắc lại mà không tự biết chứ bản thân họ vị tất đã xấu. Nhưng vừa nghe bọn họ đả động tới cô, Thuật đã đỏ bừng ngay sắc mặt và nói như gắt với hết thảy:

"- Tôi không thích nghe những câu ấy vì những câu chế giễu bản tâm chỉ cốt nói đùa thôi nhiều khi có thể làm hại cả một đời người ta. Và, cho dù câu chuyện các anh nói có là đích thực chăng nữa thì ai mũ lệch xấu người ấy việc gì cứ phải bàn ra tán vào? Mà mỗi việc của người ta làm biết đâu nó đã thực đáng chê trách. Còn nhiều lý do ngấm ngầm biết đâu? Chẳng nói chi một người con gái yếu hèn, không ai là chỗ tựa nương, không ai che chở, lại còn phải tự lực nuôi thân và nuôi mẹ già, hãy cứ lấy ngay một người trong bọn mình đây, thực là đàn ông sức dài vai rộng hẳn hoi đấy, nếu bây giờ tôi hay anh chẳng hạn không có công ăn việc làm, không có một đồng tiền, một hạt gạo mà, cùng lúc ấy, cha già, mẹ già hay con thơ ốm yếu gần chết thì liệu cùng đường đâm ra trộm cắp hay cứ khoanh tay mà ngồi nhìn? Huống hồ cô Tép đã chắc đâu tự mình làm việc nọ? Chắc đâu cô không bị người ta dọa nạt ép uổng?... ".

Tép lẳng lặng lắng nghe Dương nhắc lại những lời Thuật nói. Hơn thế, ta phải nói là Tép uống từng câu ấy vào linh hồn như bông hoa bị phơi nắng suốt ngày uống những giọt sương trong mát...

Cô cảm động quá. Trong ngực phập phồng một mớ tình cảm dạt dào nó mơn trớn trái tim non nớt đã sứt sở nhiều vết thương đau... Cô dơm dớm nước mắt và, sau cùng, thở dài như cất một gánh nặng.

Cô cảm ơn Thuật không biết chừng nào. Trời! Giá Tép hiểu rõ lòng Thuật từ lâu thì việc gì Tép còn phải đau đớn như cô đã từng âm thầm đau đớn bấy nhiêu lâu? Nếu cô đã biết rằng trên đời còn có người chịu khó hiểu rõ nỗi khổ tâm cho cô và đem lòng thương hại cô như Thuật thì cô dám bất chấp tất cả sự độc ác của những kẻ xấu bụng.

Cô nhắm mắt lại, yên tĩnh giờ lâu để cho những lời êm ái thấm thía vào tận cùng đáy linh hồn... Cô như người bị thương nặng bỗng có một bàn tay nhân từ bó vết thương lại bằng một thứ thuốc thần diệu. Cô cần phải lắng nghe cái sung sướng sau cơn đau...

Cùng lúc ấy, hình ảnh Thuật lại hiện ra trước mắt cô với tất cả mọi vẻ đáng yêu, đáng mến. Đối với cô, hình ảnh ấy ví như mặt trời xuân đối với cảnh giá rét của mùa đông...

Trời ơi! Cớ sao đời cô đã bị lấm lem, đau đớn ở trong hai cánh tay của người Tây nọ. Cớ sao trên con đường đời, người thứ nhất chiếm được sự trong sạch của cô lại chẳng là Thuật, cái anh con trai thực thà và phúc hậu ấy?

Tép đứng lên, lòng ngao ngán tiếc hận giữa khi một hy vọng vừa lờ mờ hiện ra.

- Anh Dương, lúc nào anh cảm ơn anh Thuật hộ em mấy câu nhé?

- Chờ cô dặn thì vừa! Tôi đã nói ngay từ hôm ấy.

Tép nhìn Dương bằng cặp mắt đầy sự yêu mến và biết ơn.

- Thế thì em cảm ơn anh lắm!...

 

VIII

Sớm hôm sau, vừa gặp Thuật, Dương đã mỉm cười đoạn vỗ vai Thuật:

- Anh có lời mừng cho chú nhé. Chả trách người ta vẫn nói: "Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân!1

Thuật nhìn Dương, không hiểu.

Dương cười ha hả và càng làm ra dáng bí mật bảo bạn rằng:

- Chú nó còn cứ vờ mãi! Thà nói phăng ra để anh em mừng cho...

- Anh này mới lạ chứ!... Chiêm bao hay dở người đấy chả biết?...

- Không chiêm bao mà cũng chẳng dở người tí nào cả.

- Thế thì anh là người khó hiểu nhất đời!

- Khó hiểu mà cũng dễ hiểu nhất đời!

Thuật tò mò hết sức. Anh đoán chắc có câu chuyện gì khác thường và toan cố gặng hỏi thì đã đến giờ làm việc, máy trục đã đưa lô-ri từ dưới lòng đất lên. Thuật, Dương và bốn người kia cùng xuống lò. Thấy đông đủ, Thuật ngượng không dám gạn hỏi Dương nữa.

Trong cái lò than tối mịt, sáu người cắm đầu cắm cổ làm vệc dưới sáu ngọn đèn dầu sở lung lay nhiều khói hơn ánh sáng. Họ ra sức làm, cố nạo ở lòng đất lấy đủ cơm ăn áo mặc. Công việc khổ sai ấy họ phải làm mà kỳ thực họ chán nản không biết chừng nào, chán nản hơn hết trong số sáu người ấy là Thuật. Câu chuyện úp mở của Dương làm anh chàng luôn luôn bồn chồn như phải kiến đốt. Anh khó chịu lắm, càng khó chịu càng nóng biết câu chuyện của Dương. Thuật bứt rứt lắm, những nhát cuốc anh ta bổ vào thành lò như dằn dỗi, như nóng nẩy vì trong lúc ấy trí anh làm việc rất dữ. Anh hết đoán thế này lại đoán thế khác vì anh hiểu lờ mờ ngay từ lúc đầu rằng chuyện này có liên can đến Tép.

Trong hơn mười tiếng đồng hồ, Thuật tuy làm việc một cách chán nản, không chăm chỉ và hăng hái hơn mọi khi mà thực ra anh mệt nhọc nhiều lắm. Bởi thế nên goòng than thứ bảy vừa xúc đầy xong, anh quăng chiếc cuốc chim, thở mạnh một cách khoan khoái chẳng khác chi người tù được mãn hạn.

Thế rồi cả bọn kéo nhau ra khỏi lò, trèo cả vào lô-ri. Thế rồi họ cùng nhau tản ra mặt đất, được trả lại ánh sáng, trả lại sự nghỉ ngơi.

Thuật nhân lúc Dương đi tách ra một nơi bèn lại gần Dương và khẽ hỏi:

- Thế nào? Câu chuyện sáng nay anh có thể nói cho tôi rõ được không hay là anh nhất định cứ úp mở như thế?

Dương vờ ngớ ngẩn:

- Kìa thế đằng ấy chưa biết thật à?

- Biết thế nào được? Ai nói cho mà biết. Có anh, anh chẳng bảo thì thôi chứ...

- Nói đùa đấy! Tớ định trêu cu cậu để xem có nóng ruột không thì tớ cười chơi đó thôi.

- Anh thế mà ác!

- À, đã bảo ác thì đây ác vậy!

- Không... Không! Lành lắm!...

- Ừ có thế chứ! Câu chuyện hay lắm kia. Hôm qua ấy mà, Tép nó lại chơi đằng tôi...

Thuật dỏng tai.

- Tép lại chơi đằng tôi và hỏi mãi về chú...

Thuật đỏ mặt.

- Ừ ừ!...

- Nói thật đấy. Nó nhắc lại câu tôi nói hôm nọ...

- Anh nói câu gì?

- Hôm chúng ta đi làm gặp nó ấy mà. Hôm ấy tôi chẳng nói đùa một câu: "A, này, Thuật tử tế với cô Tép đáo để!" Mình cũng là vui miệng nói chơi, ai ngờ cô ả để ý. Thì ra xưa nay, Tép bị người ta ghét bỏ nhiều quá nên khi nói có người tử tế với nó, hình như nó không dám tin.

Nó không dám tin chứ không phải là nó không tin hẳn, chú nghe chưa? Vì nó còn để tâm đến câu nói ấy và cật vấn tôi mãi...

Cảm động, Thuật khẽ giấu một tiếng thở dài...

- Nó hỏi săn hỏi đón mãi rằng câu tôi nói hôm ấy là nghĩa thế nào? Tôi thương hại bèn cắt nghĩa cho nó nghe và nhắc lại tất cả những câu anh đã nói hôm chúng ta uống rượu ở nhà tôi.

Dương ngừng một lát.

Thuật vẫn nín lặng, không dám hỏi...

Nghe xong, nó bùi ngùi như muốn khóc. Phải, ai chả thế! Khi hết thảy cùng độc ác bất công với mình mà chợt nghe trong số các người mình vẫn sợ hãi, ngờ vực và lẩn tránh ấy có một người không những không a dua khinh ghét mình lại còn cố hiểu thấu nỗi khổ của mình và xót thương cho mình nữa thì ngay đến tôi, tôi cũng phải ứa nước mắt. Nó tần ngần một lúc lâu, ra ý cảm động quá. Sau cùng nó đứng dậy và khi sắp ra về, nó khẩn khoản dặn tôi một câu...

- Tép dặn anh câu gì?

- Nó dặn tôi hễ có gặp anh thì cảm ơn anh hộ nó.

Thuật cúi đầu, cảm thấy vừa não nùng vừa sung sướng. Thương xót vẫn là một cảm tình vị tha nhưng xưa nay vẫn thế: Mình thương người bao giờ cũng cảm thấy một sự êm ái. Nếu tình thương ấy chính là người được thương lại hiểu rõ sự êm ái càng thấm thía không biết chừng nào.

Thuật không phải là một nhà tâm lý để hiểu rằng từ lúc biết được anh ta thương, Tép vui sướng lắm; nỗi đau của Tép chắc đỡ được nhiều. Thuật lại tự lấy làm thỏa lòng rằng tình thương của mình đã làm cho người con gái cô đơn ấy được an ủi, vỗ về. Thuật nhắc lại cái tư tưởng mà anh chợt có hôm nào: "Khốn nạn! Cái vui, cái sướng của bọn nghèo khổ trơ trọi thực chẳng đắt đỏ là bao!...".

Thế rồi tình thương trai gái bao giờ cũng mở đầu cho tình yêu, Thuật nghĩ liên miên đến Tép với nhiều sự sắp đặt êm ái ở trong lòng.

Dương từ nãy vẫn liếc nhìn Thuật. Thấy bạn nín thinh mãi, Dương khẽ vỗ vai bạn, cười và nói:

- Thế nào? Cả anh nữa sao cũng thừ người ra thế?

Thuật tỉnh giấc mơ, lúng túng cãi:

- Không, tôi có việc gì đâu? Tính tôi không hay nói nhiều thì có!...

- Thôi đừng bịt mắt ông quỷ cốc này nữa đi! Đây biết tỏng cả rồi! Lại nghĩ đến cô nó chứ gì?

Thuật xấu hổ cãi lại:

- Anh chỉ được cái nói nhảm!

- Hừ! Anh mà lại nói nhảm!... Biết điều thì cứ nói thật cùng anh, công việc lại dễ mười phần vì thực lòng anh cũng muốn cho hai đứa lấy nhau.

Mặt đỏ như gấc chín, Thuật đáp lại nửa đùa nửa thực:

- Nếu thế thì hay quá. Chỉ sợ anh không có bụng vun vào cho mà thôi...

- Sợ như thế là sợ thừa! Có anh còn e chú thì có!

- Sao anh lại còn e tôi?

- E hẳn chứ lại? Này nhé, thương một người con gái bị ghét bỏ, rẻ rúng dù sao vẫn còn là một việc mà phàm ai có lòng tốt cũng làm được. Chứ như người con gái bị đeo tai mắc tiếng thì anh xem chừng khó lắm!

- Chẳng khó gì cả! Người ta vẫn thường lấy đĩ về làm vợ chứ...

Biết mình nói nhỡ lời, Thuật vội chữa:

- Huống hồ Tép chỉ là một cô con gái bị hà hiếp một cách đáng thương. Vả lại mình lấy vợ cho mình chứ lấy vợ cho ai mà sợ?

- Ừ, nếu nghĩ được vậy thì khá lắm. Tuy thế tôi cũng vẫn còn e ông bà cụ ở nhà.

- Đấy lại là chuyện khác. Miễn là anh cứ sẵn lòng giúp cho.

- Cái này thì chú cứ tin ở anh!

Đến chỗ rẽ về nhà Thuật, hai người từ biệt nhau bằng hai nụ cười.

Thuật bước chậm lại; đầu cúi về đằng trước như nặng những ý nghĩ. Mà Thuật nghĩ ngợi lung lắm. Thuật nghĩ về câu chuyện nhân duyên của mình, bày ra rồi xóa đi trong tưởng tượng mộc mạc không biết bao nhiêu cảnh êm đềm về tương lai.

Thoạt đầu, Thuật nghĩ đến cha mẹ, cũng lấy làm lo. Ừ, lấy một người con gái đã mang tai mắc tiếng như Tép, Thuật chắc hẳn cha mẹ anh sẽ không ưng cho nào. Người ta ai chả thế! Tha thứ một điều lỗi, dù điều lỗi đó chỉ là một điều lỗi tưởng tượng cho kẻ khác bao giờ cũng vẫn khó. Cha mẹ anh sẽ viện điều này lẽ khác đẽ từ chối, sẽ mỉa mai khinh bỉ Tép bằng những lời nói sâu cay cũng không biết chừng. Thuật lo lắm. Nhưng rồi sau Thuật lại nghĩ rằng nếu anh hết sức biện bạch cho Tép thì cha mẹ anh rồi cũng nghe ra. Anh đã bênh vực Tép trước một đám bạn bè. Anh sẽ bênh vực Tép trước cha mẹ anh. Mà cái việc này mới thật là một việc đáng quý. Tuy anh không rõ hẳn mà anh cũng cảm lờ mờ thấy cái giá trị cao quý của việc anh sẽ làm. Vả lại, anh cho rằng như thế thì anh mới tỏ ra được một cách đầy đủ cái tình yêu của anh đối với Tép.

Nghĩ đến tiếng yêu, Thuật thấy lòng phơi phới cảm động... Phải, anh đã yêu Tép từ lâu mà không tự biết. Anh yêu Tép ngay từ cái hôm thấy bọn con trai thô tục nó chửi bới Tép ở trên đường.

Tuổi trẻ bao giờ cũng sẵn sàng tin cậy ở tương lai. Thuật nhận biết lòng mình yêu Tép thì anh tin ngay rằng không có một sự ngăn trở gì trên đời lại có thể chia rẽ anh với Tép được. Cha mẹ anh sẽ hiểu rõ cái khổ sở của Tép, sẽ thương xót và phàn nàn cho Tép, sẽ cho hai người tự do lấy nhau. Thuật sẽ yêu mến Tép hết lòng, sẽ che chở cho Tép, và vô phúc đứa nào dám đả động đến Tép, Thuật sẽ đánh cho sặc máu ra đằng mồm cho nó biết đừng nên trêu vào Tép nữa.

Yên chí như thế, Thuật cho là công việc đã xong xuôi đâu đó như ý muốn rồi. Anh thảnh thơi bày đặt ra trong tưởng tượng cái cảnh êm đềm của cuộc đời anh và Tép về mai sau. Cái cảnh ấy, anh cho là có thể thực hiện được, không khó khăn gì hết vì dù nó là một hạnh phúc, cái hạnh phúc của hai người, nghèo khó, thấp hèn, chẳng có chi là cầu kỳ cả.

Vậy hai người cứ sống chung với nhau dưới một nóc nhà tranh. Thuật sẽ đi làm để lấy tiền chi vào cuộc sống của gia đình, cũng như Tép. Ông bố Thuật lúc ấy có thể cứ rượu chè cờ bạc hết cái số tiền ông ấy kiếm được. Mẹ anh sẽ không phiền muộn gì nữa vì bà đã có con hiếu dâu hiền giúp đỡ lại có một bà thông gia để bạn bè với nhau trong các việc lặt vặt hằng ngày ở nhà.

Thuật cam đoan sẽ hết sức chăm chỉ làm ăn, không chơi bời như ông bố anh vì anh không muốn làm cho mẹ và vợ anh phải khổ sở.

Thế là, ngày ngày hai vợ chồng đi làm từ sớm, sớm hơn bây giờ vì anh muốn sẽ tự anh đưa vợ đến tận nhà máy rồi mới ra lò. Chiều tối về, anh và vợ sẽ giúp đỡ hai bà mẹ làm cơm nước để chờ cha anh. Ăn xong, Tép ngồi đấm lưng cho mẹ anh hoặc cho mẹ vợ anh. Còn Thuật thì Thuật sẽ kể lại những chuyện làm ăn, nói những mưu tính và bàn về những việc nhà việc cửa.

Ấy, cái cảnh gia đình mà có lẽ nhiều người chê là mộc mạc quá ấy, Thuật phác ra trong tưởng tượng rồi tin chắc rằng nó sẽ đem lại cho tất cả nhà anh không biết bao nhiêu là vui thú.

Thuật mỉm cười sung sướng bước lên hè. Bà mẹ hỏi:

- Con có gì mà cười thế?

Thuật luống cuống:

- Không con mải nghĩ một câu chuyện buồn cười ở ngoài lò chứ có gì đâu!

Vào đến trong nhà, Thuật lấy làm lạ khi anh thấy trên giường để chén nước chè tươi và lại cả âu trầu nữa. Nhà anh ta xưa nay ít có khách, nhất là khách đàn bà. Mẹ Thuật chừng nhận rõ ý ấy nên thủng thẳng bảo Thuật:

- Bà chùm Tuất vừa lại chơi đây, nói chuyện với bu mãi.

Thuật xúc động mạnh: Bà chùm tức là mẹ Tép.

- Bà ấy đến chơi có việc gì thế, bu?

- Chẳng có việc gì cả. Bà ấy đi qua, thấy bu ngồi ở hè nên tạt vào chơi. À này, nghĩ lại thương hại cho bà ta quá!

- Tại sao hở bu?

- Có độc một đứa con gái thì lại mang tai mang tiếng lôi thôi như thế coi khéo chẳng mà ế chồng.

- Việc gì người ta ế?

- Con gái mà mắc tiếng như thế thì ế hẳn chứ lại!

- Mắc tiếng!... Mắc tiếng là cái quái gì!... Bu còn lạ gì miệng lưỡi thiên hạ nữa! Yêu ai thì chưa hay chúng đã bốc lên mây xanh. Ghét ai thì chúng đặt để ra chuyện này chuyện khác để hại người ta!...

- Cái ấy cũng có. Nhưng mà đằng này hình như câu chuyện có thực mới chết chứ!

- Hình như! Ấy người ta chỉ mới nghe mang máng hình như là thế chứ mấy ai dám quả quyết...

Không ngờ lại có dịp cãi cho Tép ở trước mặt mẹ. Thuật nói một cách hăng hái đến nỗi bà lão phải ngạc nhiên, mà chính anh ta cũng lấy làm lạ cho mình vì xưa nay anh không cãi lý trước mặt mẹ bao giờ.

- Con thì việc gì cứ mắt con trông thấy, con mới nói. Ở đời này, một việc dù nhỏ mọn tầm thường đến đâu thực ra cũng rắc rối lắm kia... Phải trái khó lòng mà phân biệt được.

- Chính thế đấy.

- Bu bảo cô Tép có gì đáng chê cười? Cô ta nghèo, mẹ cô ta ốm. Trong nhà không có tiền, cô ta phải đi xoay tiền về để chạy chữa cho mẹ. Như thế thì kẻ có tiền dù có nài ép cô ta sự kia khác chăng nữa thì cái tình cô ta, con tưởng chỉ đáng thương mà thôi là vì cô ta đã quên mình trong lúc óc chỉ nhớ đến sự nguy khốn của mẹ.

- Ừ, mà con nói cũng phải. Con bé nghĩ đáng thương thật. Nó có hiếu lắm đấy chứ! Chính bà chùm cũng vừa khoe với mẹ. Bà ta nói rằng trận ốm vừa rồi nếu không có cái Tép nó xoay xỏa chạy chữa cho thì bà ta chết đã tám hoánh rồi!...

Thuật quay đi để giấu một nụ cười sung sướng. Anh ra sân múc nước rửa mặt, rửa chân tay.

- Thế là qua được một cái khó! Còn ông bố nữa! Lần này mới thực là khó nhưng rồi cũng phải xong

--------------------------------

1 Ông trời không phụ người có lòng tốt (BT). Cũng là tên một truyện ngắn của Nguyễn Chánh Sắt.

 

IX

Trời đã chập choạng tối mà lão cu Tị vẫn chưa thấy về. Bà lão và Thuật hết quanh ra lại quanh vào, mong ngóng chờ đợi mãi. Mâm cơm đã nguội tanh.

- Quái, hay ông ấy lại sa vào đám nào rồi?...

- Chẳng có lẽ!

- Thế tại sao mãi bây giờ chưa về?

- Hay là hôm nay ngoài nhà máy thêm giờ làm? Chắc chỉ có thế vì mọi bận hễ đi chơi đâu bố vẫn bảo chứ có bắt chờ cơm bao giờ.

Hai mẹ con bàn tán mãi. Bà lão ra ý nóng ruột, loanh quanh như không ngồi yên chỗ. Sau cùng bà bảo Thuật:

- Hay con chạy đi xem?...

- Vâng.

Thuật ra cửa thì vừa lúc ấy ông lão ở ngoài về, mặt đỏ tía hắt, giọng nói oang oang như lệnh vỡ:

- Bố chúng nó chứ! Chỉ quen bắt nạt!...

Thuật nói:

- Mời bố về xơi cơm. Cái gì thế bố?

- Một bọn oe ba lạt chúng nó láo quá, tao vừa đánh cho chạy bỏ mẹ cả.

Bà lão hấp tấp ra hè, lo lắng:

- Nhưng mà cái gì thế?

- Có cái gì đâu, tôi ở nhà máy ra về thì gặp ngay mấy thằng oe con mất dạy đang xúm nhau lại chọc ghẹo con bé Tép. Chúng nó nghịch ngợm như một bọn xỏ lá ấy. Con bé kêu van thế nào chúng cũng không nghe. Cùng kế, con bé phải cáu nói sẵng thế là chúng nó nhâu nhâu ngay lên như đàn chó đói chửi bới người ta những là làm đĩ với làm điếm cùng thế nọ với thế kia! Mình thấy ngang tai trái mắt vào can thiệp và nói mấy lời phải chăng, chúng nó đã không nghe thì chớ lại dám nói láo. Tôi điên tiết vớ ngay một thanh gỗ phang vung mạng thế là chúng nó chạy cả. Mẹ kiếp! Không nhanh chân ông cho có đứa vỡ đầu!...

Ông lão nói một hơi bằng cái giọng hằn học, tỏ ra ông vẫn còn bất bình lắm...

Thuật nghiến răng, hai mắt anh ta sáng quắc lên. Anh ấy làm tiếc rằng lúc Tép bị làm nhục anh không có đấy để bênh vực cho Tép.

Cởi áo xong, lão cu Tị lên giường ngồi, tay cầm lọ rượu thuốc rót đầy một cốc đoạn ngửa cổ làm một hơi cạn. Vuốt lại bộ ria mép, lão hung hăng nói tiếp:

- Mình già ngần này tuổi đầu, có khi còn hơn tuổi bố chúng nó vậy mà bảo một lũ ranh con không được!...

Bà lão ngọt ngào can:

- Thì chúng nó đã sợ chạy cả rồi mà! Ông hãy uống rượu đi rồi còn ăn cơm kẻo ôi cả!

- Những của trời đánh không chết ấy thì chúng nó còn sợ cóc gì ai!... Lần sau có gặp con bé, chắc chúng nó lại cứ thế.

- Mặc chúng nó!

- Mặc thì còn nói gì nữa! Thấy kẻ vô cố bị bắt nạt, mình yên lòng sao được! Nếu mình lại nhắm mắt bước qua thì, ở đời này, còn ai là người tốt bụng nữa?...

Thuật lắng nghe cha nói, trong lòng cảm phục và sung suớng. Thì ra cha anh cũng nghĩ như anh, cũng đem lòng thương Tép.

Lão cu Tị vừa gặm một mẩu sườn vừa nói:

- Hừ! Thời buổi Tây Tàu bây giờ ra nhốn nháo cả! Trẻ không kính già, con cóc sợ bố... Hỏng!... Đốn!... ông cho thì đốn hết!...

Rồi ông ngậm ngùi:

- Nghĩ thương hại cho con bé!... Thực ở đời chẳng gì bằng cái tội nghèo! Nghèo khổ, đói rách, đem thân đi làm kiếm tiền nuôi thân mà nào có được yên đâu!...

Quay lại phía bà lão nói như để hả cơn uất ức:

- Bà tính con bé đáng thương quá! Thực là chăm chỉ, thực là nết na, thực là hiếu hạnh. Ấy thế mà nó bị người ta làm cho nhem nhuốc làm cho xấu xa, người ta bôi tro trát trấu lên mặt nó rồi người ta lại xúm nhau lại mà chửi bới mỉa mai nó thì có ức tình không chứ?

Nâng cốc, ông già Tị tợp một hơi, há miệng thở đánh khà một tiếng đoạn đưa bát cho vợ xới cơm.

Trong khi ấy Thuật vui sướng vô cùng. Anh ta cảm thấy ở trong linh hồn anh như có cả một đàn chim đang kêu hót ríu rít. Anh vẫn lo lắng cái ý định hôn nhân của anh gặp một sự cản trở lớn là cái tính cố chấp của bố anh nhưng giữa lúc ấy thì một sự tình cờ bỗng xảy ra khiến cho ông già tự nhiên khuynh hướng về Tép. Cái trở lực mà Thuật vẫn lo bấy giờ đã tan đi rồi.

Thuật mừng thì mừng song vẫn coi những việc may mắn đó như là sự tất nhiên. Anh vẫn yên trí cái mộng của anh sẽ thực hiện như ý anh muốn. Phải, anh có lừa đảo hay làm thiệt hại gì cho ai? Anh lương thiện làm ăn và thương xót một người con gái thì không có sự gì tự nhiên lại ngăn trở không cho anh và người con gái nọ yêu nhau được!

- Cái thân người con gái lắm lúc nghĩ cũng chơ vơ cực khổ thật!... Đã thế, chúng nó lại đè nén con bé thì tao sẽ bênh nó cho những đồ mất dạy kia xem, tao sẽ là một người bố của con Tép, tao sẽ thương nó như con... Nào, xem nào!...

Ông già Tị vừa nói xong thì bà chùm và Tép vào.

- Lạy ông bà ạ! Bác cả ngồi chơi.

Ông già đon đả:

- Ấy kìa bà chùm! Lỗi cơm bà nhé?

- Không dám, xin mời ông bà, cháu đã vô phép...

- Bà lại chơi có việc gì thế?

Bà lão xuýt xoa nói:

- Bẩm ông, tôi lại hầu ông về việc con bé cháu... Ông có lòng thương che chở cho cháu, tôi thực cảm ơn ông lắm!

- Có gì mà bà phải nói ơn với huệ! Chẳng qua thấy việc trái mắt, tôi không nhẽ lại chớp mắt bỏ qua cũng không đành lòng.

Bà lão cảm động rơm rớm nước mắt:

- Cháu nghĩ cũng khổ quá! Thực là hai mẹ con chẳng dám chòng ảnh, hoặc sinh sự gì với ai bao giờ, cũng biết thân biết phận mẹ góa con côi nhưng mà nào họ có để yên lành đâu!...

- Những quân đểu ấy thì chỉ cứ đánh què chúng nó đi là ngắn chuyện hơn cả. Còn cái giảng giải nghĩa lý với nó thì thực là đem đàn gảy tai trâu!

- Không biết họ thù ghét gì nhà cháu mà họ xúm nhau lại để mà chèn lấn, mà đè lèn, mà bắt nạt... Mà cháu xem họ cũng chẳng hay hớm gì mà bảo họ lên mặt xuống chân. Cháu biết có vô số đứa thực, nói khí vô phép ông bà chứ, ăn dơ không biết thối thế mà chúng nó cũng giậu đổ bìm bịp leo được!

- Bà không lo. Tôi vừa nói với mẹ cháu xong chúng nó đã khỏe bắt nạt thế thì tôi, tôi sẽ bênh vực con bé cháu, tôi sẽ coi nó như con tôi!...

Câu nói vô tình ấy làm cho Thuật và Tép cùng cúi đầu đỏ mặt. Tép thẹn quá, cố thu hình vào bên cái cột gỗ. Còn Thuật thì và vội miếng cơm đoạn len lét biến xuống dưới nhà.

- Vâng thì trăm sự nhờ ông rủ lòng thương cháu. Thầy cháu không may mất sớm, nay cháu xin làm con ông...

- Cảm ơn bà. Ấy tôi cũng vừa có ý ấy đấy. May sao bà lại nói ra thế cũng là tiện cho tôi.

Bà chùm sung sướng nở nang nét mặt.

- Vâng, ông dạy cho như thế nào thì mẹ con tôi cũng được nhờ ông phận ấy.

- Nghĩa là ta làm thông gia với nhau.

Ông già vừa nói vừa cười ha hả. Bà lão Tị quay lại nhìn Tép thì cô ả đã lủi ra hè tự lúc nào.

- Vâng, nếu ông lại nghĩ thương thầy cháu, thương tôi được như thế thì còn nói gì!

- Con cháu năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?

- Cháu tuổi Tuất đấy ạ. Tiếc rằng có lớn nhưng cháu hãy còn dại dột lắm.

- Không, con cháu tôi xem ý ngoan đấy chứ!

Vừa nói, ông già vừa xòe năm ngón tay ra mà tính:

- Tuất... Ngọ... Mùi, Thân, Dậu, Tuất... ừ, hai tuổi này hợp đây!... Thằng cháu nhà tôi tuổi Ngọ, con cháu tuổi Tuất. Ngọ mình thủy, Tuất mình kim, tốt!

Bà chùm xuýt xoa:

- Nếu vậy thì thực là việc Trời định!

Ông già Tị cười ha hả:

- Thiên thành hẳn chứ lại!

Trong khi người lớn nói chuyện ở trong nhà thì Tép ngồi ngoài bậc cửa vẫn lắng tai nghe. Câu chuyện càng may mắn tốt đẹp bao nhiêu, tấm lòng cô càng nở nang vui sướng bấy nhiêu. Trái tim cô đập thình thịch. Cô bâng khuâng như người chiêm bao. Ừ, có lẽ thế chứ trong cuộc đời u ám, khổ não của cô sao lại có thể có được một sự thay đổi lạ lùng như vậy? Trước cái hạnh phúc đột ngột, Tép giống như người đương ở hang sâu chợt ra chỗ sáng. Cảm giác đầu tiên của cô là một cảm giác chói lòa nó tràn lan khắp tâm trí cô làm cho cô choáng váng một cách êm đềm. Tép lơ mơ như say sưa, Tép chưa thể có được một ý niệm xác thực gì về những sự xảy ra ở quanh mình cô lúc ấy. Những tiếng cười nói của ông già, những câu của mẹ Tép, cô vẫn thấy, vẫn hiểu mà vẫn tưởng chừng ở tận đâu xa xôi lắm...

Một bóng người thoáng qua trước mắt làm cho Tép sực tỉnh. Cô nhìn ra thì chính là Thuật. Cô run lên, trống ngực đổ hồi, vừa thẹn, vừa mừng...

- Anh Thuật đấy à?

Thuật dừng bước.

- Phải, tôi đây. Ai thế?

- Em, Tép đây mà.

- Ồ, cô Tép! Sao không vào trong nhà lại ra đấy?

- Ra để chờ anh...

Tép ngạc nhiên sao mình lại nói được một câu bạo dạn như thế. Cô e Thuật sẽ hiểu lầm ý mình chăng nên vội nói:

- Vì em vẫn định có dịp nào thì cảm ơn anh về những lời anh đã nói ở nhà anh Dương.

Thuật lúng túng nói lảng:

- À, câu chuyện vừa lúc chập tối đầu đuôi ra sao thế?

Anh hỏi Tép cho có chuyện chứ thực ra anh đã biết cả rồi vì vậy anh cũng không nghe Tép kể lại câu chuyện, tâm trí để cả vào những câu ông già Tị đương nói như lệnh vỡ ở trong nhà.

- Có gì đâu! Lại vẫn những thằng hôm nọ nó đón đường để trêu ghẹo em. Nó làm quá quắt, may ông nhà ta qua đấy, sấn vào can rồi đánh chúng nó chạy tán loạn như đàn vịt.

Tiếng ông già Tị văng vẳng:

- Bà không lo! Tôi bằng lòng, bà cháu bằng lòng là được. Vả lại thằng cháu nhà tôi tuy thế chứ cũng biết vâng lời bố mẹ lắm. Cháu sẽ theo ý tôi. Không phải nói khoe chứ thằng cháu nhà tôi không đời nào lại như những đứa con trai khác bằng tuổi nó.

Thuật khẽ nói:

- Ừ! Ông bố tôi nói tốt cho con trai quá! Chừng ông sợ con trai ông không có ai người ta bằng lòng lấy chứ gì!

Tép cười khúc khích:

- Cái anh này!... Ông nhà nói chả phải là gì!

- Ồ! Lại cô nữa!...

- Chứ không ư?

- Thế thì may quá!... bây giờ ra nhiều người thích nói tốt cho tôi...

Tiếng ông già Tị:

- Phải! Chắc thế! Chắc nó sẽ bằng lòng...

Thuật khẽ đệm:

- Bố tôi làm như đã đi guốc vào bụng tôi rồi ấy!...

Tép ghé lại gần Thuật, giọng hơi run run:

- Thế anh nghĩ sao?... Chắc anh chả bằng lòng vì anh cũng khinh...

Thuật vội ngắt lời Tép:

- Chỉ nói nhảm!... Tôi cũng phải nói thế một tí chứ lại!...

Vừa nói, Thuật vừa êm ái nắm lấy bàn tay Tép. Sự dụng chạm lần này đem cho thiếu nữ một cảm giác say sưa ngây ngất nó chạy khắp thân thể cô như một luồng điện nhẹ...

Cô khẽ hỏi Thuật qua một hơi thở não nùng:

- Anh Thuật! Anh có yêu em không?...

Thuật bóp mạnh bàn tay Tép.

- Sao lại không!...

Trong nhà, lại tiếng ông già Tị:

- Vâng, thế xin bà cứ lại nhà cho. Công việc của ta có thể coi là xong được một nửa...

Thuật cười bảo Tép:

- Các cụ làm thật là nhanh như điện!...

Tép vội chạy vào trong nhà chào vợ chồng ông già Tị còn Thuật cũng lảng xuống bếp.

Bà chùm sung sướng đứng lên:

- Thôi thế để cháu xin phép ông bà...

- Vâng, kính bà lại nhà...

Quay lại Tép, bà chùm bảo:

- Kìa con, chào ông bà đi rồi về.

Tép đỏ mặt luống cuống nói chẳng ra hơi.

- Lạy ông bà ạ.

Ông già Tị cười ha hả:

- Rồi còn được thẹn con ạ!... Thầy dữ đòn lắm kia đấy nhé!

Cả nhà cười.

Ra đường, bà chùm bảo con:

- Ông bà Tị thực là phúc đức quá con nhỉ?

Tép cúi đầu yên lặng.

- Con được về làm dâu nhà ấy thực là một cái may lớn. Vả cũng là tại thầy bu ăn hiền ở lành nên trời mới cho con được như thế!... Giá cứ như nông nỗi của mẹ con mình thì bu thực không còn dám trông mong gì nữa!...

Tép cúi đầu, cảm động thấm thía. Hai giọt nước nóng hổi đọng dần lại trong khóe mắt cô rồi lặng lẽ lăn xuống hai gò má nhẵn như ngà...

 

X

- Này, chúng mày ạ! Thằng Thuật con lão già Tị sắp lấy con Tép đấy!

- Ồ! Lại có sự thật ấy nữa?

- Tao nói thật mà lại!

- Nhưng mày nghe tin ấy ở đâu?

- Chính mẹ con Tép nói ra.

- Thằng Thuật mà lại đâm đầu lấy vợ thừa à?

- Thế mới khỉ?

- Sái bao càng tốt chứ sao!

- Câu chuyện này tao chắc cũng tại bố thằng Thuật. Lão già ấy bướng lắm kia! Chắc lão thấy chúng mày bắt nạt cái Tép quá nên lão ấy thương nó chứ gì?

- Thương đếch gì lại bắt con phải ăn bã mía bao giờ!

- Cứ kể ra thì tao tưởng cái Tép cũng chẳng làm gì nên tội. Mẹ nó ốm, nó đi chạy tiền về để thuốc men cho mẹ nó nên mới bị lão chủ nài ép chứ thực ra có phải là nó đĩ thõa đâu.

- Hứ! Bị nài ép!... Thế nó không nghe dễ thường không được cả đấy?

Nghe Tuất nói, cả bọn cùng nhâu nhâu lên:

- Ừ, nếu nó cứ nhất định không nghe thì đã ai giết được nó chửa?

- Chúng mày đừng làm nhặng lên thế! Chúng mày chỉ được cái mạnh bạo ở miệng thôi! Ông thấy chính ngay cái thằng Tuất kia một hôm lảng vảng qua nhà chủ làm gì chẳng biết phải nó gọi ngay vào bắt quét chuồng xí mất gần một buổi mới được về. Lúc ấy chẳng bướng đi. Ấy là nói thằng Tuất là con trai con lứa hẳn hoi đấy chứ đừng nói con Tép là con gái nữa!...

Cả bọn cùng nín lặng.

Tuất cố cãi:

- Nhưng tao khác!

- Phải, mày khác Tép ở chỗ mày là con trai chứ gì?...

Ai nấy cười ồ...

- Mày bắt nạt cái Tép dữ quá, đến tao còn phải tức không nói gì ông già Tị nữa! Ai lại cứ đón đường triệt lộ người ta, chòng ghẹo người ta một cách đểu giả quá!...

- Ừ, thằng Tuất chơi cũng đểu thật!...

Thế là chính những anh con trai vừa về phe với Tuất, vừa chửi Tép là đồ đĩ lúc này lại quay trở lại bênh vực Tép để mắng Tuất là nhả nhớt, xấu chơi. Tâm lý họ như thế. Họ phần nhiều không có học hành hiểu biết gì cả nên hành vi của họ thoạt đầu là do theo tình cảm nông nổi và do theo cái thói đua đàn như chuyện đàn cừu của lão Panurge. Nhưng một khi có người chịu khó giảng giải lẽ phải cho họ nghe thì họ lại tỉnh ngộ và trở nên công bình thẳng thắn ngay, câu chuyện nói về Thuật, Tép kéo dài mãi đến hết buổi làm.

- Ông già Tị cư xử như thế thực là người gan dạ đáng khen!

- Bênh vực một người giữa khi người ấy bị hết thảy khinh ghét là làm một việc đáng khen chứ lại.

- Cu Thuật nó lấy được vợ như Tép, thú đấy chứ?

- Cái ấy đã đành. Cô ta ngoan ngoãn và có hiếu đáo để. Câu chuyện xảy ra cho Tép chẳng cũng vì mẹ cô ta là gì?

Còi tan, làm trong nhà máy cắt đứt những lời bàn tán của bọn phu con trai.

Họ rửa tay chân rồi kéo nhau tản ra các con đường và gặp ngay Tép.

Được bênh vực quá lòng mong mỏi, Tép bây giờ không nhút nhát nữa. Cô đường hoàng đi trên đường cái tuy không làm ra dáng khiêu khích ai cả. Cô không may đã bị kẻ quyền thế làm nhục nhưng lòng yêu của Thuật đã gội rửa sự nhục nhã cho cô rồi. Cô có cái cảm giác của một người bị vấy bùn vừa được tắm nước trong. Cô nhìn ánh sáng, nhìn người ta không thấy ngượng nghịu trong lòng như trước.

Bởi thế nên sáng hôm ấy, sau khi tan tầm, Tép đi đường cái về nhà chứ không theo lối tắt như mọi khi.

Gặp bọn con trai, cô cũng không sợ sệt nữa. Cô cứ thản nhiên đi, mắt nhìn thẳng chờ xem họ sẽ làm gì.

Thì vừa lúc ấy một tiếng anh con trai cất to:

- Chào chị Tép!

Câu chào không tiếp theo bởi những tiếng cười khúch khích tỏ ra bên địch đã đổi thay thái độ.

Vui vẻ, Tép dịu dàng đáp lại:

- Không dám, chào anh Tuất.

- Tôi mọi khi nghịch ngợm láo lếu quá, chị bỏ đi đừng giận tôi nhé?

Tép làm dáng rất thản nhiên:

- Không, em có giận gì các bác đâu?

Rồi cô bông lơn:

- Giá em là đàn ông thì em cũng nghịch chẳng kém gì các bác tí nào hết!

Cả bọn cùng cười một dịp thẳng thắn.

- Tiếc quá nhỉ!...

Tép cũng cười:

- Tiếc thật chứ lại! Làm đàn ông bao giờ cũng hơn chứ?

Tuất đáp:

- Hơn cái nước mẹ gì! Chỉ được cái nghề ăn tục nói khoác thì có!...

Một anh tiếp:

- Xin mừng chị Tép nhé!

Tép sung sướng nhưng vờ hỏi:

- Mừng cái gì kia ạ?

- Mừng chị sắp lấy chồng... sắp lấy anh Thuật.

Kiêu hãnh, Tép nhoẻn miệng cười rất tươi.

- Cảm ơn các bác có lòng mừng cho, nhưng đã chắc đâu anh Thuật có lòng thương đến em?

- Thương hẳn chứ lại! Nói chị bỏ lỗi, chị thì ai mà không phải thương.

Tép đỏ mặt.

- Anh chị lấy nhau tốt đôi quá! Anh Thuật là người đứng đắn chúng tôi vẫn phục.

Tép cảm thấy một sự say sưa, như người uống rượu. Cô sung sướng không những vì nghe bọn kia nói tốt cho Thuật mà còn bởi cô thấy bọn kẻ thù của mình bỗng trở nên tử tế khác hẳn trước.

Cuộc đời của Tép từ đêm hôm kia đến giờ thay đổi một cách lạ lùng tưởng đâu như có phép thần tiên giúp vậy.

Quanh mình cô lúc này có lẽ không còn bóng một sự thù ghét, một sự ghen tuông, một lời mai mỉa nào nữa. Bây giờ chỉ còn tuyền những nụ cười vui vẻ, những câu ân cần, những vẻ mặt thân thiết với ánh nắng rực rỡ, với hoa cỏ tốt tươi và những công việc ồn ào nhộn nhịp.

Tép nhớ lại những truyện cổ tích mà hồi còn bé Tép vẫn được bà nội kể cho nghe, những chuyện cô Tấm cô Cám, những chuyện ngây thơ trong đó phàm người nào ăn hiền ở lành ngay thực cũng được Trời, Phật rủ lòng thương mà phù hộ cho được sung sướng mặc dầu trước kia đã phải nhiều bước gian truân.

Tép mỉm cười, cho rằng mình cũng là một cô Tấm nào đó và đang được Phật phù hộ cho qua khỏi những ngày bĩ cực. Cô nhớ lại tất cả những nỗi gian nan khổ cực của mình như nhớ lại một giấc chiêm bao dữ. Cô không oán giận ai hết vì những người tệ cùng cô lúc này cũng thôi không tệ nữa và còn mừng cho cô gặp sự may mắn sung sướng hơn người.

- Cái nghề anh hùng gian nan, hồng nhan hay vất vả lận đận.

Tép nhắc lại một câu mà cô vẫn nghe thấy người ta nói nhưng cô lại mỉm cười và tự nhủ:

- Nhưng mà mình thì có gì gọi là hồng nhan được!

Bỗng tiếng Dương nói làm cho Tép giật mình:

- Cô em tôi thích chí cái gì mà cười một mình thế?

Đỏ mặt vì thẹn, Tép vội nói chữa:

- Em nghĩ đến bọn anh Tuất mà em buồn cười.

- Sao?

- Hôm nay gặp em, các anh ấy tử tế quá!

- Phải thế chứ! Chúng nó lôi thôi nữa thì đừng có mất xác.

Tép mỉm cười:

- Gớm! Ông anh tôi độ này sao lại dữ thế?

- Không, tôi thì làm quái gì được nhưng ông già Tị thì ghê lắm!.. À này?... Cái việc cô với anh Thuật xong rồi chứ?

Tép cúi đầu khẽ đáp:

- Em cũng chẳng biết các cụ tính toán với nhau ra làm sao, nên hay chăng thế nào chẳng rõ.

- Cô khéo giấu lắm! Nên đứt đi rồi chứ còn nghi hoặc gì nữa. Ông già Tị đã nói câu nào thì cứ bằng đanh đóng vào cột. Anh cũng mừng cho cô. Thực là một sự may mắn tốt đẹp. Chính anh trước cũng vẫn có ý ấy vì anh quý Thuật lắm nhưng anh chỉ mới kịp ngỏ qua với Thuật để dò ý hắn chứ không ngờ đâu mà việc lại xoay ra một cách chóng vánh đến như thế được!

- Chính em cũng không ngờ anh ạ. Sở dĩ được như vậy cũng nhờ một chuyện xảy ra...

- Có, Thuật đã nói rõ cho tôi biết. Anh ta còn cười bảo với tôi rằng bọn thằng Tuất không ngờ lại thành ra làm ơn cho hai người.

- Em cũng nghĩ thế nên vừa rồi gặp họ, thấy họ chào hỏi vui vẻ, em cũng đáp lại như đối với bạn thân vậy.

- Phải, mình thù oán làm gì. Người ta ở đời phải có lượng mới được!

Tép không thấy Thuật, băn khoăn mãi nhưng không tiện hỏi. Dương nhận biết ý ấy, nói rằng:

- Anh Thuật nghỉ buổi làm hôm nay vì nghe đâu ông cụ bố anh ta bị mệt.

Tép lo lắng:

- Thế à, anh? Ông cụ mệt ra sao, anh có biết không?

- Tôi cũng không rõ nữa. Chỉ thấy nói ông cụ mệt mà thôi. Cô thử lại thăm xem thế nào?

- Vâng.

Tép về nhà, nói chuyện cho bà mẹ rõ đoạn xuống bếp làm vội cơm để khi ăn xong mẹ cô lại thăm ông bố Thuật.

- Bu đi trước rồi con lại sau thì tiện hơn.

- Phải.

Ngồi trước cửa bếp, Tép nhìn ngọn lửa với một vẻ tư lự âm thầm. Cô không biết ông thân Thuật mệt ra làm sao nên cô bồn chồn lo lắng lắm. Cô nghĩ ngợi bày ra trong tưởng tượng những bất trắc có thể xảy đến mà kinh sợ. Rồi cô buồn, coi ông cụ già cũng như bố đẻ vậy. Thực tế, một người đã bênh vực cô, đã thương xót cô, đã mang lại cho đời cô một cái hạnh phúc mà tự cô không bao giờ cô dám ước vọng đến, một người như thế thì khác gì một người cha?

Bữa cơm sáng hôm ấy, Tép chỉ ăn có một lưng rồi thôi không thể nuốt được nữa. Những xúc cảm trái ngược hẳn nhau làm cho cô mất ngon mặc dầu cô làm suốt buổi đã mệt và đói lắm.

Từng quen với sự khổ não và cuộc đời chỉ dành luôn cho những không may, Tép đối với việc gì cũng dễ có tư tưởng bi quan. Cô vừa nghe tin ông lão Tị ốm, cô đã nghĩ ngay đến những bệnh não ghê gớm, những cảnh tang tóc não nùng như mắt cô thấy đã nhiều... Cô ngậm ngùi cho cô, thương hại cho Thuật rồi cô phàn nàn những lúc này cô lại không có thể ở luôn luôn bên mình ông già Tị để hầu hạ, chăm chút và nâng giấc cho ông như một người con gái út hiền thảo.

Bà chùm vừa ăn xong, cô đã nằn nì xin mẹ sang thăm ông già Tị. Và, từ lúc bà cắp nón ra cửa, Tép luôn luôn chạy ra chạy vào mong ngóng. Cô chỉ ước ông già Tị nhắn bà chùm bảo cô sang hầu ông thì hay quá. Cha cô chết một cách ảm đạm ngay từ khi cô còn thơ ngây thành thử cô không được hầu hạ ngày nào lại cũng chưa được biết cái êm ái của tình cha con.

Sự tình cờ đã cho cô gặp ông Tị, đã đặt cô dưới sự che chở, thương xót của ông, đã cho cô cái ảo tưởng của tình cha con mà tấm lòng đau khổ của cô rất cần phải có. Cô không yêu kính ông già thẳng thắn, hào hiệp ấy sao được?...

Bởi thế nên độ một giờ sau, Tép vừa thấy bà chùm về đã xoắn lấy để hỏi:

- Thế nào bu?

Bà chùm hơi có vẻ lo lắng. Bà trả lời con bằng một giọng khẽ:

- Ông cụ xem chừng mệt nặng.

- Nhưng mẹ có biết phải bệnh gì không?

- Cứ lời anh Thuật kể lại thì ra ông bị rượu say rồi cảm gió nên bệnh tình nặng ngay.

- Khổ quá! Chẳng biết rượu thì ngon gì mà đàn ông hay uống thế chả biết! Thầy con ngày xưa cũng nghiện rượu.

Câu nói vô tình khiến hai mẹ con chợt lại nhớ đến người quá khứ...

Mấy phút im lặng qua...

- Bu nhỉ, thế bên ấy đã đón ông lang về chưa?

- Đã. Nghe nói ông lang này mát tay lắm nhưng không biết tại sao thuốc uống đã hai ba thang rồi mà bệnh vẫn chưa thấy chuyển.

- Thế sao bu không bảo thay tay đi có được không?

- Ấy tao cũng đã nói rồi đấy nhưng bên nhà còn bảo để chờ hết một ngày đêm hôm nay xem đã!

- Chờ thế có khi nguy.

- Con sang bên ấy bảo anh nó vậy. Mình liệu sớm đi thì hơn.

- Vâng, con đi đây.

- Liệu sơm sớm mà đi làm kẻo trễ.

Tép ra cửa lẳng lặng không nói gì nhưng định bụng nếu có cần thì cô sẽ nghỉ buổi làm chiều hôm âý.

Thuật đương ngồi sắc thuốc, thoạt thấy Tép vào, anh tươi ngay vẻ mặt.

Tép tuy đã được bà chùm nói cho biết bệnh tình ông già Tị nhưng cũng hỏi Thuật:

- Thế nào, anh? Ông nhà làm sao?

- Thầy ngộ rượu đấy mà!

Cái tiếng "thầy" thân mật gieo trong lòng Tép một xúc động êm đềm...

- Khổ quá! Tôi biết rằng thầy uống rượu nhiều có hại nhưng không uống thì cũng chẳng có cách gì để giải buồn được!

Tiếng ông già rền rĩ.

Tép vén vạt áo ngồi xuống trước hỏa lò.

- Anh vào xem thầy, để em coi siêu thuốc cho.


 LẦM THAN - Truyện dài Lan Khai Phần 2

 

Cùng tác giả:

TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG - Tập truyện Lan Khai Phần 1

TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG - Tập truyện Lan Khai Phần 2

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.