Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,...
Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
1.
Vùng đất Hố Nai vốn là một miền rừng rậm nằm cheo leo bên quan lộ nối liền những thủ phủ Trung Nam Bắc của nước Việt Nam.
Khu Sâm Lâm [1] biệt lập này có tiếng là nhiều nai và gấm [2]. Đêm đến, tiếng cọp gầm nghe như khít vách nhà. Cuộc đất hết nghiêng xuống lại trườn lên thành hình vuông treo. Dưới những trũng sâu, trên “nệm” lá tre mục, xao xác dấu chân nai. Cái tên “Hố Nai” vì đó mà có. Chiều nào, người trong xóm cũng nghe nai “chém lộn”; những cặp gạt cứng hơn gỗ chạm vào nhau nghe côm cốp như có một cuộc thao dượt của hai tay “trường côn”.
Người trong xóm đồ chừng bầy nai đang đùa giỡn bên lạch nước. Sự ức đoán của họ không mấy khi sai do nhiều năm kinh nghiệm ở rừng. Bầy nai ở vùng này dạn lắm. Người ta thuật lại rằng: Sáng nào trên con đường mòn dẫn ra quan lộ, khách lộ hành cũng gặp nai đón đường. Có nhiều con nai cái mới sinh, dẫn cả đứa con còn măng ra đón khách. Thường thì người trong xóm phải tránh giống vật này, chứ chúng không chịu tránh họ bao giờ. Chúng coi loài người như những kẻ khách lạ tới trú ngụ trong “lãnh thổ” của chúng nó vậy. Thế nên, chúng không kiêng nể ai hết.
Chẳng những có sự đón đường táo bạo mà thôi, thỉnh thoảng chúng lại rượt nhau chạy vào xóm làm sập nhiều giàn bầu, giẫm nát nhiều luống rau và bí. Người trong xóm phần đông là bọn tiều phu sống bằng lâm sản. Mùa nắng thì họ đốn củi, lượm chai, ăn ong hoặc gài bẫy gà rừng; mùa mưa thì họ thành ra những bác “ngư ông”, chẻ tre đan đó, hoặc làm đăng bắt cá. Mùa nào họ cũng trúng nên ít ai muốn bỏ chỗ ấy mà đi mặc dầu bên mình họ mọi sự hiểm nguy đang rình rập.
Mãi về sau bị nai quấy phá, nhiều người đâm ra sợ hãi, giở nhà đi ở chỗ khác, thành ra nhà trong xóm thưa dần chỉ còn những người vì đã “ăn chịu” với vùng lam chướng này, liều mạng cắm rễ ở lại.
Mỗi chiều, khi sương lạnh đọng lại thành những miếng khói mỏng, giăng mắc từ ngọn cây già đến đoạn cây non, nhà nhà đóng cửa, im lặng nghe rừng thiêng lên tiếng. Một tiếng động nhỏ cũng không dám làm. Gia đình nào cũng đem nhau leo lên “giàn tre” đóng sát mái nhà, trông cho giấc ngủ lại sớm để quên một đêm dài kinh khủng.
Đêm dài kinh khủng thật!
Từng cơn gió lạnh như hơi thở của mụ chằn tinh lùa vào tàn cây rậm. Ngàn lá héo chưa kịp rụng lúc ban chiều run lên bây bẩy. Trong những hốc tối, những tấm lá buông và lá kè đập vào nhau bạch bạch như hai tiếng cánh của một loài chim “linh điểu” vô hình chỉ xuất hiện về buổi tối. Từ xa đến gần rồi từ cao xuống thấp, những tiếng chim lạ cứ rên lên từng hồi ảo não khiến những kẻ gan dạ nhất cũng thấy lòng mình xao xuyến. Lắng nghe như có tiếng người nói chuyện và bẻ cành cây khô. Trên con đường ra giếng, thấp thoáng như có một bóng người lù khù hết tới lại lui. Không biết “ông thầy” [3] tới hồi nào mà nghe đánh “chác” một cái, một con gà đã biến mất, hoặc con chó trung thành đã hóa kiếp...
Bọn người ở xóm này lẳng lặng trông cho hừng đông mau đến với họ để họ lại nhang đèn cúng vái cầu sự yên lành. Nhưng đêm đêm những trò “khiếp đảm” ấy cứ diễn ra mãi.
Từ khi có ông Cả Tiễn về ở xóm này, thì cục diện vùng Hố Nai đổi khác. Chỉ trong vòng nửa năm loài dã thú đã xa lần. Dân cư lần hồi đông đảo, có phần lại hơn trước.
Còn nhớ hôm ấy là một buổi chiều cuối mùa trăng non. Trời đã nhá nhem rồi mà một người khách lữ hành không biết tự phương nào tới, lại đến muộn giữa lúc mọi người sắp sửa lên sàn tre. Người khách lạ đen trui trủi như Mọi nhưng lại nói sành tiếng Nam:
- Bà con không nên tìm biết tung tích tôi làm gì vô ích; mà có muốn truy ra... cũng không phải dễ gì!
Mắt người khách ánh lên dưới ngọn lửa đang rung phần phật. Người khách trông hãy còn trẻ lắm, mà râu đã lún phún khắp mép và cằm. Có lẽ người ấy già vì gian lao hơn là tuổi tác.
Sau khi thấm giọng một ngụm nước chè rừng, người khách nói như chỉ để một mình nghe:
- Cách đây vài năm, có một cuộc khởi nghĩa trên một bến đò khiến nhiều dân lành vì quá mê say hai chữ tự do mà để máu mình nhuộm đỏ dòng sông xanh. Biết bao nhiêu nhân tài gục dưới cuộc đàn áp mạnh và chớp nhoáng như cuồng phong. Thế rồi, ngọn cờ vừa mới dựng lên giữa vùng cỏ xanh đã tan tác trên dòng máu đỏ. Tiếng kêu ai oán của một dân tộc vừa bùng lên như ngòi lửa của một hòn Hỏa diệm bỗng phải tắt ngấm vì thiếu sự ủng hộ của kẻ đồng chung sắc máu, màu da! Hỡi ôi! Ta chưa thấy cuộc chết chóc thê thảm nào bằng!...
Mắt người khách nheo lại, giữa sự kinh ngạc của đám tiều phu mộc mạc. Họ ngơ ngác hết nhìn nhau lại đến nhìn nét mặt căm hờn của người khách lạ. Nhắp một miếng nước, người ấy dịu giọng:
- Phải, các người làm sao hiểu được tôi! Các người còn đang mê ngủ. Nhưng tôi ao ước chỉ trong nay, mai các người mở mắt và chúng ta sống dưới bầu trời này không phải chỉ để phụng sự cho những đòi hỏi tầm thường là cơm, áo. Chúng ta còn phải nghĩ cách nào hơn để cởi cái ách đang tròng lên cổ của một giống người yếu đuối... Hỡi ôi! Sau lần áo mỏng này, có một trái tim thanh niên đầy nhiệt huyết đang nhảy vì hơi thở của dân tộc. Các người làm sao thấy được! Ba năm nay, ta trốn tránh loài người, sống giữa hoang vu như loài muông thú. Ta rất sợ ánh đèn cám dỗ. Ta ghê tởm lòng man trá của đồng bào. Ta chỉ muốn được tự do nên ta đã sống ngoài thế tục. Hành lý của kẻ bộ hành phiêu lãng mãi đến chiều nay không còn gì! Khí giới của một kẻ chiến bại không ngoài món tri kỷ này!
Người khách vùng đứng lên, cầm ngang tay một chiếc ná mà nãy giờ đã lót trên mặt đất, để lấy chỗ ngồi. Khách đưa cùi chỏ vào cung ná, ngáng mạnh ra. Sợi dây ná giãn nhanh và mắc vào cò. Đồng thời khách rút một mũi tên nhọn giắt trên ống lồ ô, giữa bó tên khua xóc xách trên vai. Khách lẹ làng đặt tên vào “mương” ná...
Cả bọn người có mặt chiều hôm ấy chưa kịp hỏi han một lời trong khi người khách đã “xạ tiễn” bắn rụng ba con đom đóm đang bay giữa trời.
Từ đó tài thiện xạ của “ông Cả Tiễn” khét tiếng một vùng. Người ta cho người ấy cái danh hiệu “ông Cả Tiễn” để tỏ lòng tôn sùng của mình. Thật ra “ông Cả Tiễn” không phải là một vị lão thành và không cai trị một thôn ấp nào hết.
Ông Cả Tiễn hợp cùng bọn tiều phu xây một cái hàng rào bằng tre vây quanh xóm thành hình chữ nhật; bốn góc rào đặt bốn cái chòi canh. Đêm đêm, một đống lửa lớn bốc ánh sáng lên tận những tàn cây cổ thụ. Những trò chơi tiêu khiển diễn ra quanh ngọn lửa ồn lên như những cuộc lửa trại.
Loài linh điểu im tiếng. Bầy dã thú xa lần, lòng người ấm lại bên ngọn lửa hồng.
Đám nai tinh nghịch ngày xưa không dám bén mảng ra đường nữa. Mỗi khi ông Cả Tiễn cấp ná, ngự trên mình con ngựa kim lần ra quan lộ tiêu sầu, con bạch lộc là chúa tể đàn nai, cúi đầu khép nép bên dòng suối nhỏ.
Ông Cả Tiễn mỉm cười bằng lòng với sự đắc thắng của mình giữa vùng thảo dã tắm ánh nắng tự do. Ông ngửa mặt lên trời cười dài. Ông giương ná bắn vào một trái guồi xanh đang nằm lắc lẻo trên dây như một cái lục lạc nhỏ. Mũi tên xuyên qua đúng giữa trái guồi, mắc lại ở “bánh lái”. Một dòng mủ trắng theo mũi tên nhọn nhỏ ròng ròng xuống mặt cỏ.
Ông Cả Tiễn gò cương ngựa đứng hẳn lại. Mắt ông ngùi ngùi. Trong tâm hồn phẳng lặng như mặt nước ao tù của ông bỗng như có một ngọn gió từ xa, từ quá khứ thổi lại.
Ông nghe như có muôn ngọn sóng náo nức réo trong đầu. Dòng mủ trắng nhỏ ra tự mũi tên nhọn kia khiến ông liên tưởng tới dòng máu của bọn đồng chí của ông đã nhuộm ướt một cõi sơn hà vì chí nguyện. Trái tim ông Cả Tiễn như trái guồi kia mang một vết thương đau nhói, vết thương ấy đến nay vẫn chưa lành trong lòng kẻ chiến bại.
Cả Tiễn nghiến răng:
- Cả Tiễn ơi! Ác tà hôm nay để thấy ngày mai lại rạng khắp cõi sơn hà. Đời mình chưa tắt sao để ngọn lửa lòng dập tắt? Không! Cả Tiễn chưa già. Ba mươi tuổi... Người con trai ba mươi tuổi chưa phải là già!
Cả Tiễn giục ngựa phi mau trên con đường gập ghềnh và bò lần xuống triền nổng, quanh co như mình rắn uốn khúc. Bên tai Cả Tiễn gió rít mạnh như tiếng quân hò.
2.
Năm hai mươi bốn tuổi là năm mà lòng tôi thật đã não nề thế sự. Tôi tìm về với thiên nhiên để chữa những vết thương quá khứ.
Tôi biết và quen, rồi thân ngay với ông Cả Tiễn. Xưa nay những kẻ thanh khí thường rất dễ yêu nhau. Ông Cả Tiễn và tôi thương nhau hơn những cặp tình nhân. Yêu nhau như thế mà chúng tôi hãy còn tiếc rằng chúng tôi gặp nhau rất muộn. Chỉ trong mười lăm hôm, chúng tôi đã bộc lộ hết can trường của nhau.
Cả Tiễn đẽo cho tôi một cây ná thật tốt và chỉ vẽ nghề bắn cho tôi.
- Tôi chỉ sợ sau khi tôi mất rồi, không còn người xử nổi cây ná của tôi.
Tôi hiểu câu nói chìm nghĩa của bạn, nên tươi cười nói với Cả Tiễn:
- Anh cả đừng lo! Sau anh sẽ có em thay thế. Không những em sẽ thay anh làm một tay thiện xạ mà thôi đâu! Em sẽ thay anh thực hiện cái chí nguyện mà anh tâm niệm hằng ngày. Chắc anh phải bằng lòng lắm.
Cả Tiễn sung sướng, ngạo nghễ vuốt má tôi và nghiêm giọng:
- Chú thông minh lắm, tôi tin rằng chỉ trong vòng một năm, tài “thiện xạ” của chú sẽ không nhường tôi nữa...
Rồi gã lại hạ thấp giọng:
- Chỉ trừ mũi Tổ!
Tôi tò mò:
- Mũi Tổ là mũi... thế nào?
- Người cầm ná kiêng nhất là mũi Tổ. Không một tay thiện xạ nào dám phạm tới mũi Tổ. Đã phạm tới mũi Tổ ắt phải mang tật suốt đời...
Sợ tôi chưa hiểu, Cả Tiễn giảng tiếp:
- Thường, những khi nhắm bắn “con mồi” trước mắt, người ta cố hết sức tránh mũi tên đừng lọt vào tròng mắt con mồi ấy. Nếu ta bắn trúng con mắt thú, tức là phạm tới “mũi Tổ” rồi vậy. Không bao lâu mắt ta tự dưng mù hẳn. Thế là suốt đời mang tật...
Tôi tỏ vẻ không tin trách bạn:
- Anh cả mà cũng “dị đoan” nữa sao?
Cả Tiễn nhìn thẳng vào mặt tôi có ý không bằng lòng. Nhưng giọng nói của Cả Tiễn không tỏ ra hờn dỗi:
- Có nhiều sự “dị đoan” mà chính mình cũng phải chịu, không hiểu nổi. Tôi đã thấy một người phạm vào mũi Tổ và đã mang tật mù lòa suốt bảy năm trường. Chúng mình không nên tin dị đoan, nhưng cũng cố tránh, đừng phạm đến mũi Tổ...
Tôi im lặng. Cả Tiễn cũng im lặng. Hai quả tim chúng tôi nhảy cùng một nhịp.
Tôi tha thiết yêu cầu Cả Tiễn:
- Anh cả ơi! Sao anh lại giấu tung tích anh kỹ vậy? Anh không tin lòng em sao?
Cả Tiễn khoát tay:
- Đừng! Đừng! Tôi xin chú chớ đá động đến chuyện ấy. Tôi đã thường nói với chú rằng tôi không có gia đình và quyến thuộc. Gia đình tôi là Tổ Quốc Việt Nam của chúng ta. Thân quyến tôi là những đồng bào đau khổ. Chú chưa hiểu nữa sao?
Tháng 9 năm ấy tôi về thọ tang phụ thân tôi, rồi bị sinh kế lôi cuốn tôi trở lại với gió bụi kinh thành.
Một hôm, tôi soạn lại chồng báo cũ, thấy có đăng hình một tay lãnh tụ lợi hại đã chống lại với chính phủ bảo hộ và đang bị truy nã. Cái tên “Cả Tiễn” là một cái tên bịa của một con người đang trốn lánh pháp luật kia vậy.
3.
Tháng Tám năm Ất Dậu...
Là một công dân Việt Nam nên tôi tham gia vào phong trào chống xâm lăng. Trong một cuộc hành binh quan trọng, chúng tôi bị cắt đứt liên lạc.
Quân Anh - Ấn đánh thẳng một đường ra Phan Thiết và thiết lập một “ổ canh phòng” giữa quan lộ. Một tên lính Ấn, đứng núp sau một ụ đất chĩa súng vào rừng. Nếu muốn trừ tên Ấn da đen ấy cũng không khó gì, nhưng một tiếng súng nổ sẽ làm hỏng đại cuộc.
Người ta nghĩ ngay tới Cả Tiễn và yêu cầu nhà thiện xạ “thanh toán” giùm. Cả Tiễn lúc bấy giờ đã bước vào hàng ngũ kháng chiến. Anh ta ngắm nghía một chút rồi nhìn thẳng vào tôi, buồn rầu nói:
- Tôi sẽ phạm vào mũi Tổ vì tên lính da đen kia chỉ cho ta thấy đôi mắt trắng dã của gã mà thôi! Đây có lẽ là mũi tên cuối cùng, chấm dứt cái tài thiện xạ của tôi. Nhưng, tôi không ngần ngại gì mà không hy sinh cho đại cuộc. Vâng! Tôi đã dành một mũi tên cho Tổ Quốc. Nay là lúc tôi dùng nó vậy!...
Một phát tên của Cả Tiễn buông ra, trúng ngay vào giữa mắt tên lính Ấn...
Ngay buổi chiều hôm ấy, cả đoàn chúng tôi đều bị bắt. Tôi nghe một người bạn kể chuyện:
- Cả Tiễn bị bắt được và bị đánh mù cả đôi mắt. Tội nghiệp.
Tôi nghe xương tủy mình ớn lạnh. Tôi lẩm nhẩm một mình:
- Mũi Tổ!
4.
Một năm sau tôi được trả tự do.
Một buổi chiều mưa gió năm kia, tôi đã đứng ngóng đò ở một bãi bến xa lạ. Không có thuyển sang ngang. Chỉ có một chiếc xuồng nhỏ xuôi dòng nước chảy. Tôi kêu gọi lòng “nhân đạo” của gã lái thuyền. Gã thuận cho tôi xuôi dòng nhưng yêu cầu tôi không được chui vào trong mui, vì trong mui đang có một người đàn ông bệnh hoạn.
Nhưng đầu giờ Tuất đêm ấy, mưa xuống như trút nước. Người đàn ông nằm trong mui thuyền gọi tôi:
- Quý khách ơi! Vào trong này mà tránh mưa. Tội
quá...
Tôi chui mình vào trong. Bóng tối đen như mực.
Tôi hỏi:
- Đèn đâu?
Gã đàn ông bệnh hoạn đáp:
- Đèn đóm mà làm gì? Từ hai năm nay tôi đã mất hẳn ánh sáng...
- Ông mù?
- Mù!
Tôi chợt nhớ ra một giọng nói quen thuộc. Tôi rung giọng hỏi liều:
- Có phải ông là... Cả Tiễn không?
Im lặng. Mãi mới nghe gã đàn ông đáp nhỏ:
- Không, tôi không phải là Cả Tiễn, tôi chỉ là một kẻ đui mù, từ hai năm nay, sống lẩn lút như loài vật...
- Tôi quẹt đèn lên, nghe!
Người đàn ông nguây nguẩy:
- Đừng! Đừng!
Nửa đêm hôm ấy, tôi lên bộ và theo dõi ánh trăng đi về hướng Tây bắc. Lòng tôi buồn hơn cả lúc nào. Chính tôi, tôi cũng không muốn rằng người khách mù trong thuyền kia là Cả Tiễn. Vì như thế, lòng tôi cũng sẽ đau xót lắm.
Tôi muốn níu thuyền trở lại và nhất quyết quẹt đèn lên để nhìn mặt người khách kỳ quái kia. Nhưng trên sông rộng lúc bấy giờ chỉ có bóng sao mờ...
- Cả Tiễn ơi! Có phải em mới vừa gặp anh đó không?
Chung quanh tôi, bốn bề im phăng phắc. Làng mạc như chìm trong giấc ngủ không bao giờ tỉnh lại.
Chú thích:
[1] Rừng rậm (LVS).
[2] Beo, báo.
[3] Cọp (LVS).
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com