chan_dung-ke_si

KHI NGƯỜI TA TRẺ - Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

03-05-2023

Lượt xem 2352

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hayPhan Thị Vàng Anh

KHI NGƯỜI TA TRẺ - Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

Phan Thị Vàng Anh

1

Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi như một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn...

Cô tự tử bằng thuốc ngủ. Không ai cứu được vì cô là sinh viên y và lại hay đọc tiểu thuyết, nên cô dùng thuốc với liều chết thật chắc chắn, ở một nơi không ai có thể can thiệp được. Còn lại mình bà sống trong căn nhà rộng, hàng ngày đốt nhang cho hai bàn thờ của ông và của cô.

Ba tôi bảo với mẹ: "Ðể con Hoàn về với bà". Mẹ tôi không vui nhưng biết sao! Công việc hàng ngày của tôi là đi học, đi chợ, làm vài việc vặt. Bà tôi nấu ăn, nuôi gà, tưới phong lan và gắng giữ sao cho cả một ngày dài lúc nào hương cũng lập lòe trên bàn thờ.

2

Cô là một người đầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ dư luận: ăn nói ác độc, kiêu căng mà lại rất tự ti, chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều. Cô nhiều bạn nhưng chỉ thích tiếp bạn ngoài quán cà phê, là một người không bao giờ làm được việc gì đến nơi đến chốn, trong ngăn kéo còn lại vô số những bản tự cam kết: Sẽ không... Nếu không... Trong tủ đầy những mảnh vải thêu cắt dở dang, những cuốn tiểu thuyết gập góc ở những trang gần cuối. Thích đấy rồi chán đấy, cô làm khối kẻ điên tiết...

3

Rồi cô cũng dừng chân lại. Người cô yêu (hơn là người yêu cô) cả tính tình lẫn dáng vẻ đều còn rất trẻ con. Tôi gọi Vỹ bằng thằng vì nó bằng tuổi tôi, nghĩa là thua cô hai tuổi. Sau lưng, cô cũng gọi bằng thằng - thằng Vỹ. Hẹn nó không đến, cô chửi: "Ðồ khốn nạn!". Nó đến, cô lại ngỏn nghẻn đi chơi, không hề dám giận. Mười một giờ đêm cô về, có bữa vui vẻ kể đủ chuyện, có bữa lặng lẽ lên giường ngủ thẳng. Bố tôi bảo: "Coi chừng!". Bà tôi chỉ cười: "Nó thì nó làm ngược lại. Thôi kệ!".

4

Kệ! Cô tôi vẫn đi đi về về cùng Vỹ dù rằng anh "công tử Bạc Liêu" này đã có một kẻ già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên. Hàng tháng, từ Sài Gòn, anh chàng phóng như bay trên cái xe đẹp nhất trường về tỉnh, mặc kệ điểm danh thực tập, mặc kệ những buổi học giảng đường, mặc kệ cô tôi ở lại trơ trơ váo váo. Dăm bữa sau anh chàng lên với tiền đầy túi không rõ từ đâu, với những bộ quần áo thật môden. Cô hỏi: "Về làm gì?". "Hết tiền!". "Có gặp Ngân không? Vui không?". "Không, chán rồi! Nó cà chớn lắm!". Cô tôi tự lừa mình mà vui được ít ngày, để rồi sau đó tự an ủi: "Nó còn nói thật là còn yêu!". Khi Vỹ nhịn không được, liền kể cho cô về một căn nhà ở dưới đó, trong một đường hẻm có bán cơm tấm thật ngon, Ngân và Vỹ nằm dài tán dóc. "Mệt lắm, chẳng muốn tý nào!". Cái câu than thở này thật chẳng thích hợp tý nào với khuôn mặt rạng rỡ của Vỹ.

Mẹ tôi hỏi: "Sao em lại có thể chịu đựng được cảnh một gà hai mề thế hả Xuyên?". Cô ngồi băm thịt như chém vào mặt thớt, cười nhạt: "Nó có phải là chồng em đâu, chơi cho vui vậy thôi. Ði với ai cũng được, ngủ với ai cũng được, em không quan tâm!". Mẹ tôi lí nhí: "Ðừng có đùa, em! Rồi khó dứt ra lắm!".

Khó dứt thật, cô tôi ngày ấy thật khó trở lại với những quán cà phê khiêm tốn, với những buổi đi chơi "chay" ít xu. Thế giới sách vở của cô thu lại bé tí, cô làm những bài thơ tình quanh quẩn chẳng ai thèm đăng, cô viết những trang nhật ký u uẩn chỉ ba nhân vật: cô, Vỹ, Ngân. Cô không dám đề nghị một sự lựa chọn thẳng thừng ở Vỹ, sợ rồi Vỹ sẽ thẳng thừng chọn Ngân khi bị dồn vào chân tường.

5

Hồi ấy tôi hay sang chơi với bà, phụ bà hái xoài, vú sữa, thông ống máng, hay xách nước khi cúp điện... là những công việc không bao giờ cô làm. Cô ngồi ở cái bàn gần cửa sổ có cây hồng xiêm thò cành lá vào, vui thì ra chơi với hai bà cháu, buồn thì mở nhạc, ngồi viết nhật ký, thư từ, ai đụng đến cũng quạu quọ. Bà bảo tính cô thất thường như ông. Có điều ông không mê chơi, phù phiếm như cô. Bà bảo cô dễ tủi thân, buồn bã nhưng uất quá đến nỗi không khóc được, mặt chỉ lì ra, u ám. Tôi đã từng chứng kiến và hoảng hồn trước bộ mặt này khi cô đợi Vỹ trễ hẹn. Nó dữ tợn và tang tóc. Tôi kể lại, mẹ tôi bảo: "Mày chỉ khéo tưởng tượng!".

6

Bạn bè xa cô dần. Những anh học trò nghèo hiền lành. Những anh văn nghệ sĩ nửa mùa đang say sưa với cái nghèo tài tử chợt giật mình khi thấy cô đánh đổi tất cả để đến với Vỹ. Họ phân tích bằng cách này hay cách khác, xa hay gần, cho cô thấy rằng Vỹ chỉ là "thằng Vỹ" mà thôi. Một thằng Vỹ  ít nói vì không biết gì để nói, một thằng nhà giầu ích kỷ, chơi bời và tàn bạo. Mặc kệ, cô gọi những cái ấy là đàn ông, là amateur. Cứ như vậy, giảng đường trở nên xa lạ đối với cô và Vỹ. Cúp học liên miên. Thi lại cũng liên miên. Trong ngăn tủ lại  thêm rất nhiều những mẩu giấy kể từ mai phải học, phải... nếu không...

7

... Rồi những tháng hè đến. Cậu Vỹ thì biến đâu mất. Cô tôi càng lầm lì, bỏ cà phê, ca nhạc... Hàng ngày cô vẫn ngồi bên cái bàn cạnh cây hồng xiêm, học bài và viết những trang giấy nhỏ bé như bàn tay. Bà hỏi:"Con chưa nghỉ hè à?" "Thi lại!". Ðây là chuyện cơm bữa, bà tôi cũng chẳng nói gì, lại nhờ tôi làm giúp các việc vặt để cho cô nấu sử sôi kinh.

Sinh nhật cô, không mưa sụt sùi, không nắng chói chang nhưng cũng chẳng ma nào đến ngoài hai bạn gái cùng lớp khệ nệ mang đến một bó hoa với vài cục xà bông. Cô tôi cắm hoa vào cái ly cũ không cần sửa sang, rồi đặt vào một góc bàn. Ngày ấy, tôi mang quà của bố mẹ tôi sang và nấu cho cô tôi nồi chè. Cô nằm trong màn không thức, không ngủ. Tôi hỏi:"Cô đi uống cà phê với cháu không?". Cô bật dậy ngay: "Ði, ở nhà mệt quá!". Tôi dẫn cô ra quán cà phê Phi Vân là nơi tôi hay uống. Cô ngơ ngáo nhìn đường mới, nhìn xe qua lại, không nói năng gì. Rồi cô hỏi: "Hoàn, cháu có bồ chưa?" "Bạn thôi cô!". Tôi hạnh phúc và ngượng ngùng khi cô hỏi đến "người" của tôi. Cô hỏi: "Làm gì? Có tốt không?" "Học cùng với cháu. Hiền lắm, nông dân lắm, tốt lắm!". Cô cau mày: "Nông dân lắm là sao?" "Là thật lắm, cháu đùa sao cũng tin là thật!". Cô cười một cái cười xanh xao, đôi mắt u ám chợt trở nên buồn và trong veo kỳ lạ. Tôi "lịch sự" hỏi lại: "Tối chú Vỹ mới đến hả cô?" Cô sa sầm: "Không, chẳng ai đến cả. Cô bây giờ ít bạn lắm rồi!". ít bạn lắm rồi, có thế, vào cái ngày này tôi mới được ngồi với cô ở đây chứ!

8

Bà tôi nhớ lại, trước khi chết vài ngày, cô tôi vui vẻ lại, đi uống cà phê, mua quà bánh, chở bà đi chơi lung tung: "Con thi xong hết rồi!". Rồi như các tiểu thuyết vẫn có mà chẳng ai ngờ, cô xin đi Long Hải hai ngày. Ðể ít ngày sau, bà tôi nhận xác cô từ một khách sạn ở Vũng Tàu. Không một cái thư tạ lỗi như người ta hay làm, không trách móc ai, bên cạnh cũng không có ảnh của ai, chữ của ai. Chỉ có cô và vỉ thuốc trống rỗng.

Bà tôi mặc cho cô cái áo mầu rêu cô hay mặc, cái quần thùng thình cô hay diện đi chơi, chải cho cô cái đầu bụi đời. Cô út đã cho bà một đòn nặng. Cô đi không để lại lý do làm cho mọi người đâm áy náy, mọi người đều kiểm tra xem đã có chuyện gì để cô tôi - cái người hay hờn dỗi ấy - tủi thân không?

Ðám tang cô không có "chú Vỹ". Nghe đâu "chú" đi Quy Nhơn chưa về. ở ngoài ấy, tôi chỉ mong sao sóng cuốn phăng nó đi!

9

... Hai năm rồi, chẳng còn ai nhớ về cô rõ ràng nữa, ngoài bà. Nếu biết điều này hẳn cô đã chẳng tự tử làm gì cho mất công! Bố tôi kết luận: "Con điên! Ðiên như nó không chết trước cũng chết sau!". Mẹ tôi bảo: "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!". Có hay không chẳng ai biết được. Nhật ký cô để lại không ghi cái gì cụ thể, chỉ thấy u ám. Mưa hay nắng cũng u ám, đi chơi cũng u ám, đi học cũng u ám. Cái gì cũng có vẻ như không lối thoát. Ðến nỗi đọc xong, tôi có cảm giác: "Chết đi là vừa!". Với cái đầu tò mò và ấm ớ, tôi thử làm một bản tổng kết và quy ra rằng cô tôi đã đổi tất cả để rồi Vỹ ta cao chạy xa bay; rằng cô đã không chịu nổi cảm giác ở lại thêm một năm học để bị bạn cười thương hại. Mẹ tôi lại bảo: "Vớ vẩn, có đáng gì đâu". Có đáng gì đâu?

Ðáng lắm chứ. Tôi bám vào cánh cửa, ngoài vườn mưa như giông. Nếu mẹ tôi hiểu, ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ! Khi chết, hẳn cô đã tưởng tượng ra mọi người khóc lóc, Vỹ hoảng sợ, hối hận, ôm lấy quan tài như muốn xuống mồ theo... Than ôi, ngày đám tang cô, Vỹ ta tắm biển. Vui lắm và nắng lắm!

Cùng tác giả: KỊCH CÂM

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.