chan_dung-ke_si

HAI KHUNG CỬA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Bình

19-05-2023

Lượt xem 2940

Đánh giá 12 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Đức Bình

HAI KHUNG CỬA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Bình

Nhà văn Nguyễn Đức Bình

Vanvn- Lão quắc mắt, vợ lão co rúm. Chưa bao giờ vợ lão dám cãi chồng, dù chỉ một câu. Vợ lão là tổ trưởng khu phố đã hai nhiệm kỳ, rất hoạt bát, năng nổ. Lão nhếch mép, gành cái cổ họng, khè khè như rắn phun nọc độc. Cứ mỗi lần lão làm thế, vợ lão lại rúm ró như chiếc nón bị xe cán, biến dạng.

Lần này cũng vậy, lão tính toán với vợ, bắt mẹ vợ phải sang tên căn nhà góc hai mặt tiền cho lão. Bà già sắp chết đến nơi, không sang tên sớm rồi xảy mấy cái tranh giành, rồi đâm chém nhau, phiền phức ra. Lão nói vậy.

Nhà vợ lão, chỉ còn mỗi bà chị gái đang định cư bên Mỹ.

Nhưng lần này thế quái nào lại không một mảy tác dụng. Vợ lão vẫn rúm ró, vẫn biến dạng, nhưng nhất quyết nói không.

Cũng hơi quá đáng nhỉ? Hay là thôi, cho mụ vợ đứng tên cùng không lại mang tiếng ác. Nghĩ vậy, lão thầm thì, những tiếng yêu thương ngày nào thời trai trẻ, thuyết phục. Lão nhè nhẹ, bả chỉ có mỗi cái miếng đất này thôi, ngày xưa xin nhau còn được. Tui với bà mới là người canh giữ, dựng nhà dựng cửa… rồi mới được như bây giờ. Bà chị của bà cút mẹ qua nước ngoài rồi… Chứ bà nghĩ coi ngoài tui với bà ra… thì ai chăm lo mẹ bà đây, ai giữ đất đai, ai xây nhà hả? Đến cái nịt cũng không còn chứ ở đó mà đòi hỏi tranh giành cái khỉ mốc. Thế nên bà già sang tên cho tui với bà là hợp mọi lẽ, nghe chưa. Lão nói thế, nhưng cũng không tự tin cho lắm là vợ lão sẽ đồng ý. Đồng ý thế quái nào được, khi đất là của mẹ vợ lão, còn tiền xây nhà thì của chị vợ lão gửi về cho. Vợ lão còn phải chạy vạy vay chỗ này chỗ kia nữa mới đủ tiền xây nhà.

Hừm, nhưng không đồng ý mà được. Hễ nhìn thấy mặt vợ, lão lại phun khè khè.

Đúng thế thật, sau đấy vợ lão đã đồng ý bắt mẹ sang tên ngôi nhà cho vợ chồng lão. Lão nói với vợ, đằng nào thì ngôi nhà cũng vẫn còn đấy, mẹ vợ lão có mang đi đâu được đâu. Với lại, lão còn cho vợ đứng tên chung nữa. Lạ, tài sản của nhà người ta, thế mà lão nghênh như đang ban ơn.

Hai vợ chồng lão sống dựa vào quán cà phê mở tại nhà. Vì góc hai mặt tiền thoáng đãng và rộng rãi, lại có bóng mát của cây nên khách quen trong xóm cũng nhiều. Vợ lão lại khéo vun vén và giao tiếp, nên đã xoay xở trả được hết nợ.

Từ trên quận về, lão hớn hở cầm bìa hồng qua khoe lão Quyết, thằng em trai đụt của lão ở ngay bên kia đường. Ông thấy chưa, cuối cùng ngôi nhà đã thuộc về tui rồi nhé. Toàn xương với máu của tui đấy, tưởng ở đâu mà nhảy về đòi cướp của tui mà được. Ai cướp của anh đâu mà sợ? Con mẹ chị vợ tui chứ còn ai. Thằng Béo nó nghe lỏm được hai chị em mụ vợ tui âm mưu vậy đó. Chỉ đang ở nước ngoài, còn cho ông thêm tiền xây nhà mà cướp với bóc con khỉ gì? Ông cứ nói quá. Lão Quyết khẩy một tiếng bên mép. Nó gọi nhau qua mạng, thời nào rồi mà cần phải ở cạnh nhau mới âm mưu được. Mẹ, đúng thằng đụt làm tao mất cả hứng. Lão hậm hực, gành cái cổ họng bỏ về.

Lão Quyết đã nghỉ hưu. Không có việc gì làm nên chỉ quanh quẩn trên lầu tưới tắm chăm sóc cho dàn dây leo với mấy cây kiểng rất hay héo úa. Vợ lão Quyết thì thì bận tối mặt mũi. Suốt ngày hàng này mối nọ bên khu chợ bán quần áo. Một tay vợ lão Quyết gầy dựng nên cơ ngơi này, căn nhà mặt tiền có bề ngang mười hai mét. Vợ lão Quyết chia căn nhà làm đôi, cho thuê mỗi tháng tổng được hơn ba mươi triệu. Vợ chồng lão với hai thằng con trai sinh hoạt trên lầu. Lão Quyết bảo vợ bớt bớt lăn lộn với đời, sống an nhàn đi cho khỏe, nhưng vợ lão Quyết nhất định không chịu. Hừ thôi thì kệ, sướng không biết hưởng thì ráng mà chịu.

Nhờ buôn bán sỉ quần áo, vợ lão Quyết kiếm được khá nhiều tiền, dư dả lướt lát đất đai. Vì thế, nhà lão Quyết giàu nhanh có số trong xóm. Hàng xóm gặp lão Quyết ai cũng tấm tắc khen lão có cô vợ giỏi giang. Người ta bảo, lão Quyết số nhàn.  Lão Quyết thì chả thấy khác gì mấy, vẫn ngày ăn ba bữa, rảnh rỗi vẫn khi trà, lúc cà phê, nhưng đưa đón con đi học thì ngày càng bận hơn. Học quái gì mà ngày học đêm học. Đưa rước hai đứa con thôi mà nhiều khi lão Quyết phải bỏ dở ly cà phê vừa kêu, vì con trai lão gọi gấp.

Giờ anh ngon rồi làm gì làm lắm. Sang mẹ quán cà phê cho thằng Béo đi. Cho nó kiếm chút cháo nuôi vợ con. Tiền cho nó thuê là đủ sống rồi. Nghĩ cảnh vợ mình, lão Quyết càm ràm ông anh trai.

Thằng Đụt bữa nay tính khôn ghê mày. Lão tự nhủ. Nghĩ sao mà tao lại tính sau mày một nước hả thằng Đụt. Giờ tao đã đứng tên bìa hồng rồi, bán nhà luôn cũng được, cho thuê nhằm nhò gì chứ. Lão gành cổ, nhưng không khè khè phun nọc độc, mà cố nhịn tiếng cười khoái trá.

Ba ngày sau, lão sang quán cho thằng Béo thật. Lão bảo lão tính rẻ, lấy mười tám triệu một tháng, cho trả góp trong hai năm. Tao nể thằng Đụt nó nói, với dầu sao mày cũng là cháu tao, tao mới sang cho mày giá này. Mặt bằng của tao đây cho thuê không thôi cũng mười lăm triệu một tháng. Khách có sẵn, đuổi đi không hết… bàn ghế ly tách đầy đủ, chỉ việc vào bán. Tao mà sang quán, giá không dưới ba trăm triệu. Lại còn thu đủ mỗi tháng mười lăm triệu tiền thuê mặt bằng nữa. Tao sang cho mày thêm có ba triệu một tháng nhân với hai năm… tính ra có bảy mươi hai triệu. Có ai sướng như mày không? Dạ… dạ con biết ông là người tốt mà. Con không để ông thiệt đâu. Thằng Béo cười hềnh hệch. Mẹ e… có lợi thế thì ông sang mẹ cho người ta đi. Thằng Béo vền vện một cục tức trong họng, nhịn. Ba thằng Béo là em út, sống dưới quê, đẻ được mỗi mình thằng Béo. Lão Út chết sớm, thằng Béo lên Sài Gòn vật vờ nay chỗ này mai chỗ nọ, mãi mới lấy được vợ nhờ lão Quyết cho tiền cưới.

Thằng Béo sang quán được vài tháng thì toàn thành phố đóng cửa. Miệng nó méo như con thờn bơn.

Trong lúc cách ly, các em trai dân phòng áo xanh đã chọn quán của thằng Béo làm chốt đóng quân. Họ thay nhau ăn, ngủ túc trực suốt ngày đêm tại vỉa hè này. Cũng vì thế, lão và thằng Béo, những nhà hàng xóm xung quanh dễ thở hơn đôi chút trong việc nhờ các em trai mua dùm miếng rau miếng thịt. Thằng Béo thì giúp mấy em dân phòng khi thì ca nước, lúc thì nấu dùm tô mì… Những người trong cơn bi kịch chưa từng thấy của đời người đã nương tựa vào nhau mà vượt qua bão tố.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

Chiếc xe cứu thương lặng lẽ chạy tới, dừng trước cửa nhà lão. Vài nhà hàng xóm hé cửa. Bốn năm nhân viên y tế trùm đồ bảo hộ kín mít bước xuống. Họ lặng lẽ xịt khử cồn sát khuẩn bảy mươi độ, rồi lặng lẽ khâm niệm mẹ vợ lão.

Chiếc xe cứu thương câm lặng, lui lủi lăn bánh.

Trước đó chỉ một tuần, vợ lão cũng lặng lẽ ra đi ở đâu đó trong khu cách ly, chẳng thấy mặt cũng không thấy hình. Bà cụ không dương tính nên được ở nhà, nhưng do thương xót con gái nên không còn ham sống nữa. Trang sách của hai mẹ con vợ lão đã khép lại, không một nén nhang, không một lời than khóc, cũng không một người thân đưa tiễn. Em trai lão cùng hai đứa con cũng chỉ biết đứng bên kia đường vái vọng.

Lão bị bỏ lại bơ vơ.

Quán cà phê của thằng Béo mở lại đầu tiên trong khu phố trong khi mấy quán khác vẫn đóng im ỉm. Các chủ quán phần đã trả mặt bằng, phần đã về quê. Thêm nữa, dù có lệnh hết cách ly nhưng phường vẫn chưa cho hàng quán mở lại.

Thằng Béo do có công giúp mấy em dân phòng nên được xí xóa.

Từ lúc chị dâu không còn, lão Quyết hay qua uống trà với anh trai, bỏ mặc mấy cái cây hay héo, làm chúng chết khô.

Tối. Con mẹ nó… tui tưởng ông giàu lắm hóa ra giờ mới lộ cái mặt chuột ra là vay nợ tứ tung. Lão càm ràm. Không ngậm nổi miệng, lão chửi, mẹ đúng thằng Đụt. Lão Quyết nghe chửi nhưng nín thinh.

Bây giờ tính làm sao?

Tính gì nữa mà tính. Đất cát chỗ này chỗ nọ sau dịch bán chả ma nào mua. Bán đổ bán tháo cũng trả vay nóng lãi cắt cổ hết cha rồi. Con vợ tui mấy nay vì vậy mà nằm bẹp. Thế mà nó vẫn bảo còn nợ chưa trả hết. Tui điên lắm.

Lão rót trà, rồi nhìn bâng quơ sang cửa sổ nhà lão Quyết, thằng con trai lớn của lão Quyết đang dòm dòm. Lão Quyết cũng thấy con, lừ mắt. Thằng con trai lão chui tụt sau khung cửa sổ. Lão Quyết đứng phắt dậy, bỏ về.

Chưa đầy ba mươi giây sau, căn nhà lão Quyết vang lên tiếng la hét. Lão ra sát vỉa hè, ngó lên ban công nhà lão Quyết. Thằng con trai lớn của lão Quyết chạy ra ban công, bám vào lan can kêu cứu. Ba ơi đừng giết con… bà con ơi… bác Hai ơi cứu con. Ba con bóp cổ con… Lão hoảng. Lão hồng hộc chạy lên lầu. Hàng xóm tới mỗi lúc một đông.

Lão buồn rầu, nằm vật ra giường. Lão lôi cuốn bìa hồng ra ngắm nghía, cười khằng khặc, nhưng lại nghe như tiếng con mèo hen kêu. Ây, ông đưa đây con giữ cho. Vợ chẳng còn, con thì không… bây giờ con là người thừa kế của ông đấy. Thằng Béo đột nhiên ở đâu mọc ra ngay đầu giường, lệnh. Lão bỗng bủn rủn chân tay. Thằng Béo khẽ gỡ tay lão, cầm bìa hồng, nháy mắt. Ông già rồi, giữ lỡ mất mệt lắm. Để con giữ cho ông nghe không. Lão cứng như đá, trân trân nhìn thằng Béo, bất lực.

Bạn bè lão hay tin, thậm thụt tới bàn cách hóa giải tai họa cho lão. Thằng Béo đuổi hết, chửi om xòm khu phố. Ông à… con hỏi ông, sau này ông muốn chết không ai cúng kiếng… làm con ma lang không? Lão rúm ró, còn hơn cả vợ lão rúm ró trước lão ngày trước. Lão sợ, gọi điện van xin bạn bè đừng tới quậy lão nữa, để lão được yên. Nản, ngay cả người bạn thân nhất của lão, cũng đành bỏ cuộc. Hàng xóm râm ran, ai cũng chửi lão ngu. Lúc lão và lão Quyết nhận ra đã cưu mang một con ong, đã muộn.

Từ hôm ấy, lão lủi thủi, câm lặng, như mảnh chén vỡ nơi góc vườn.

Chiều. Con vợ tui vừa phát hiện ung thư giai đoạn cuối nằm viện mấy hôm nay. Kiểu này chắc phải bán nhà thôi. Lão Quyết leo lên lầu, thăm anh trai. Đã mấy ngày lão Quyết không thấy anh mình. Thì kệ ông, liên quan gì tui… Lão Quyết lạnh mắt. Chưa kịp nói gì thêm thì nghe tiếng còi hụ inh ỏi.

Lão Quyết ra khung cửa nhìn xuống, chiếc xe cứu thương đậu ngay cửa nhà lão Quyết. Bỏ mẹ, vụ gì đây? Lão hồng hộc chạy xuống.

Xuống tới nơi, lão Quyết đã thấy mấy anh nhà hòm đã đợi sẵn. Ba… mẹ chết rồi. Thằng con trai lớn của lão Quyết đầy nước mắt. Mặt lão Quyết rắn như đá. Tao biết rồi… cho xe đưa về quê luôn đi. Ba nói gì kỳ vậy. Nhà mẹ ở đây, sao lại đưa về quê? Tao nói về quê là về quê. Đưa ngay! Không… thằng con trai lão gào lên vỡ cả khu phố. Nó lao vào cấu xé lão Quyết trong nước mắt. Ông làm gì được cho cái nhà này hả… một tay mẹ tui lo hết. Nhà này cũng là mẹ tui mua… ông có quyền gì hả. A… thì ra thế. Cả xóm đã hiểu hôm nọ vì sao lão Quyết muốn bóp cổ thằng con trai. Gọi công an đi. Có ai đó hối hả giục nhau. Đừng! Lão Quyết van xin. Được rồi được rồi… quàn mẹ mày ở đây đi.

Khung cửa trên cao, lão âm thầm quan sát sự tình. Này, mai tui đưa ông về quê nhé. Chứ ở đây gặp mấy cái cảnh này buồn chết sớm. Lão giật mình quay lại. Thằng Béo không biết đứng đấy từ bao giờ. Lão gành cái họng, nhưng là để cố thở cho ra hơi. Tui bảo bác Quyết là đừng cho để xác ở đấy mà không nghe. Nhà có người chết rồi kêu bán ai dám mua? Thằng Béo lầu bầu, chưa dứt tiếng, đã biến mất hút dưới cầu thang.

Lão Quyết làm tang cho vợ đúng một đêm. Sáng sớm, chiếc xe cứu thương đã tới chở xác vợ lão Quyết đi. Chỉ có hai thằng con trai lão Quyết đi cùng. Bà con chòm xóm chưa kịp tới viếng đã thấy nhà hòm gỡ bạt, thu dọn bàn ghế, ngơ ngác.

Thằng Béo sau đấy đưa bác nó đi đâu không ai biết. Từ một người sang quán cà phê, giờ bỗng dưng nó làm chủ nhà. Nó sang lại quán cho người khác được một cục lớn, lại thu thêm mười ba triệu một tháng tiền thuê. Nhiêu đấy tiền là đủ ấm cho nó đủ rảnh, tìm cách chiếm đoạt căn nhà của bác nó.

Chưa đầy một tháng sau, lão Quyết bán căn nhà hơn mười tỷ chỉ với bảy tỷ tròn. Những công nợ của vợ mà lão biết kèm bằng chứng là hai tỷ, lão trả hết. Còn hơn một tỷ, vợ lão Quyết vay miệng anh chị em trong nhà thì lão Quyết không chi, dù chỉ một đồng. Còn lại năm tỷ, lão lấy một nửa. Nửa còn lại, tòa phân làm năm phần, lão một phần, hai thằng con lão hai phần. Hai phần còn lại chia cho hai bên nội ngoại tụi nhỏ. Hai bên nội ngoại đều không lấy, cho tụi nhỏ hết. Thằng con trai lớn lão Quyết dắt díu thằng em mới mười ba tuổi, thuê nhà ở. Nó khẳng khái, sẽ thay mẹ trả hết nợ cho cô gì chú bác của nó.

Ở đâu đó, thằng Béo, cầm bìa hồng ôm vào lòng, cười khằng khặc. Có người đã tới coi nhà và trả nó mười ba tỷ. Nó vẫn tưởng sẽ chiếm được căn nhà, một mình.

Ngày cuối cùng năm 2022

NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Theo Vanvn.vn Hội nhà văn Việt Nam

Cùng tác giả: 

Cô gái vẽ mây - Truyện ngắn Nguyễn Đức Bình

Báo Hiếu – Truyện ngắn Nguyễn Đức Bình

Nắng đã lên cao - Truyện ngắn Nguyễn Đức Bình

MÙA HÈ KHÔNG HOA PHƯỢNG -Truyện ngắn tuổi mới lớn Nguyễn Đức Bình

Bài liên quan
  • XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    XÓM CHUỒNG NGỰA – Truyện ngắn Nguyễn Đức Sơn

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đức Sơn (bút danh Sao Trên Rừng - 1937-2020), một trong ba kỳ nhân của làng văn, tức ba người có cá tính kỳ dị bậc nhất làng văn, gồm Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. Về tài năng, giới văn chương xếp Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên là tứ trụ thi ca miền Nam. Đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Đức Sơn nghỉ ngang và tuyên bố: "Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu." Năm 1979, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Trên quả đồi do nhà sư Nhất Hạnh tặng, ông trải qua bốn mươi năm cùng vợ con sống như những sơn nhân. Năm 2020, ông ra đi và để lại cho Bảo Lộc một đồi thông Phương Bối tuyệt đẹp rộng 15ha do chính tay ông trồng, canh giữ, và thậm chí đổ máu để bảo vệ.
  • NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Truyện ngắn Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngôi đền và ông già câm là truyện ngắn trong tập truyện Khuyển Đế của nhà văn Trần Tâm xuất bản năm 2017.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    SỐNG NHỜ - Mạnh Phú Tư

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Sống Nhờ là tác phẩm của nhà văn Mạnh Phú Tư in trên Phổ Thông Bán Nguyệt San năm 1942. Giữa những nhà văn hiện thực xuất sắc khác trước năm 1945, Mạnh Phú Tư tạo ra một thế giới riêng với các tác phẩm cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ các lề thói cũ, ông dùng cây cọ văn chương, đưa những nét vẽ, rồi ở đấy, trong thế giới của ông, đã để lại những nhân vật, những cảnh đời đẫm máu và nước mắt.
  • TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    TÔI KÉO XE - Phóng sự Tam Lang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tôi kéo xe là thiên phóng sự mẫu mực của nhà báo Tam Lang, in lần đầu trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1932. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, giá trị văn học của tác phẩm vẫn nóng hổi cho tới tận ngày nay, thời mà truyền thông, mạng xã hội bùng nổ chưa từng thấy. "Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường" - Tam Lang.
  • MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    MŨI TỔ - Truyện ngắn Lý Văn Sâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Trong suốt năm mươi năm cầm bút, nhà văn tài hoa của Miền Đông Lý Văn Sâm đã để lại một số lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Sau dãy Trường Sơn,... Năm 2007, nhà văn Lý Văn Sâm được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm; Sau dãy Trường Sơn, tập truyện ngắn Sương gió biên thùy và Toàn tập Lý Văn Sâm.
  • CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    CHUỒNG NUÔI NGỰA – Truyện ngắn Như Phong

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuồng nuôi ngựa là truyện ngắn của nhà văn Như Phong in trên Báo Mới số 2 (ngày 15-5-1939) và số 3 (ngày 1-6-1939). Nhà văn Như Phong được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 Năm 2007.
  • NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    NGƯỜI THÀY THUỐC - Truyện ngắn Thanh Châu

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Người Thày Thuốc là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Thanh Châu, Tân Dân xuất bản năm 1938. Ông chính là tác giả của truyện ngắn Hoa Ti-gôn, vốn là khởi đầu cho một cuộc tranh luận bất tận cho tới tận ngày nay về bài thơ  “Hai sắc hoa Ti-gôn”, của nhà thơ “bí ẩn” T.T.Kh.
  • ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    ÔNG CẢN NGŨ – Truyện ngắn Kim Lân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Từ lời khuyên của nhà văn đàn anh Vũ Bằng: “Ông viết về nông thôn không bằng cụ Tố (Ngô Tất Tố), Nam Cao, ông nên viết về nông thôn kiểu Đôi Chim Thành.", nhà văn Kim Lân đã viết một loạt truyện ngắn phóng sự rất thành công in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy về nông thôn,  Ông Cản Ngũ, như loạt truyện khác của ông, đã lưu giữ cho đời sau biết được rằng; vào thời bị thực dân Pháp cai trị, dân ta dù bị áp bức bóc lột, vẫn có những hoạt động văn hóa, những kiến thức dân gian vô cùng sâu sắc.
  • ĐOẠN TUYỆT - Nhất Linh - Phần cuối

    ĐOẠN TUYỆT - Nhất Linh - Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Đoạn Tuyệt là truyện của nhà văn Nhất Linh, ra mắt vào năm 1934, đúng năm văn đoàn nổi tiếng nhất thời bấy giờ do chính ông thành lập là Tự Lực Văn Đoàn ra mắt. Đây là tác phẩm không chỉ đóng đinh về một tài năng văn chương Nhất Linh, nó còn tiêu biểu cho cả văn đoàn mà ông là chủ soái.