chan_dung-ke_si

Báo Hiếu – Truyện ngắn Nguyễn Đức Bình

07-01-2023

Lượt xem 9012

Đánh giá 4 lượt đánh giá

Chia sẻ

Báo Hiếu – Truyện ngắn Nguyễn Đức Bình

Hắn năm nay dễ khoảng ba mươi tuổi. Người ta nhìn mặt mà đoán thế, chứ kì thực gặp mặt hắn, người già không nỡ gọi hắn bằng cháu, người trẻ lại chẳng dám gọi hắn bằng anh. Thành ra, không ai lạ khi thấy hắn bàn chuyện với mấy bác cao niên, cũng chẳng ai thấy bất bình thường khi thấy hắn chén chú chén anh cùng đám lau nhau mới lớn. Giá như ông trời ban cho người như hắn một cái danh xưng. Như thằng ăn cướp có danh là thằng ăn cướp, kẻ giết người có danh là kẻ giết người, … thì hẳn hắn sẽ hạnh phúc và biết ơn ông trời lắm. Đến kẻ ăn mày còn có tên mà hắn thì lại không có thì đúng là ông trời ăn ở với hắn bất nhẫn thật.

Trời phú cho hắn một cái dáng người nửa quê mùa nửa thành thị, nửa anh dân cày nửa gã thư sinh. Thế là với cái dáng người ấy hắn sẵn sàng nhường cho vợ chiếc tay ga kiêu kì, còn hắn thì đóng thùng rồi cưỡi lên chiếc xe còn xưa hơn thời ông Diệm lượn nhong nhong khắp phố.

Hắn biết đeo kính cận nữa.

Cặp kiếng toen hoen ngự trên cái mặt toen hoẻn, mà vốn người ta nói giống cái thớt hàng thịt của hắn làm cho khối kẻ gật đầu chào. Đi đâu hắn cũng dắt cây bút vào túi áo. Thường thì nó chẳng có tác dụng gì vì không viết được.

May mà hắn còn biết đọc.

Nhà hắn nuôi một con chó bẹc-giê. Nó oai phong đến nỗi chẳng ai dám bén mảng tới cổng nhà hắn. Tên trộm lân cư đã mấy lần tìm cách thuốc nó mà không được. Gã trộm chó không biết hắn đã huấn luyện chó Tây thành chó Ta giống đến độ nó trọc hết cả lông. Ngoài việc dọn vệ sinh cho thằng bé nhà hắn còn sạch hơn cả loài chó cỏ thì con bec-giê chỉ biết với cái chân sau lên gãi bành bạch …

Ngoài chừng ấy nhân khẩu, hắn còn nuôi thêm bố mẹ hắn nữa. Hắn đón bố mẹ về từ ngày cô Út chết, đã gần một năm nay, nhưng so với con bẹc-giê thì muộn hơn nhiều.

Không biết hẳn thỉnh ở đâu về được một bức hoành phi, trên ấy uy nghi ngự một cái đại tự bằng chữ Tàu. Cũng vì cái đại tự ấy mà hắn được ngẩng cao đầu mỗi khi ra đường.

Bằng vẻ uyên thâm không thua vị cao đồ nho học nào, hắn giảng: Đấy bao gồm hai chữ. Nhìn nhé gồm chữ Lão ở trên, Lão nghĩa là ông già. Chữ Tử, nghĩa là người con, ở dưới. Tử cõng Lão, con cõng cha, cho nên đây là chữ Hiếu.

Đúng là người Tàu thâm thuý thật.

Chữ Hiếu được hắn thờ giữa nhà với tua rua vàng đỏ. Hắn còn tỏ ra là người hiện đại khi viền quanh đấy dàn đèn nhấp nháy. Đêm đến, ánh sáng lập loè của dàn đèn khiến hắn ngây người nhìn. Đêm nay cũng vậy, hắn vẫn ngây người mà nhìn. Cái lão già đang lơ ngơ đeo lưng còng kia là bố hắn. Còn thằng con mập mạp đang gò người cõng kia thì còn ai ngoài hắn nữa? Hắn hể hả thưởng cho cái miệng đang ngoác ra của hắn ly rượu tướng vì đã có liên tưởng diệu kỳ. 

Ngoài sân, một cặp vợ chồng già cứ lúi húi mãi ở nách cổng. Ông già vớ ở đâu được cái đùi gà vàng ươm. Lão kê cái đùi gà lên cái thớt dùng để chặt xương cho con bẹc-giê ăn rồi hươi tay chặt. 

Bập! 

Miếng đùi gà kia bắn tót đi đâu mất, chỉ còn có một nửa. Dưới ánh đèn cổng vàng vọt, miếng đùi gà gỉ ra một thứ nước đỏ như máu. Con bẹc-giê từ đâu bỗng hẩy hẩy cái mũi đẩy trả vợ chồng lão miếng đùi gà tưởng đã mất.

Nó ngồi chồm hỗm nhìn hai người đã sinh ra chủ nó. Nó không với cái chân lên gãi bành bạch … mà cứ thế ngồi chồm hỗm ngây nhìn, mặc cho đám ve rận lúc nhúc ở lỗ tai cắn râm ran.

Từ lúc hắn đón bố mẹ về, con bẹc-giê gầy hẳn vì thiếu ăn.

Nó cứ ngồi chồm hỗm như thế ngây nhìn, như chủ nó chồm hỗm trên sa lông nhìn vào thằng con cõng ông già … . Cho đến khi hai người già nhấm nháp chiếc đùi gà, nó mới lắc mạnh đầu rồi với chân lên gãi bành bạch … .

Hắn mải mê chiêm ngưỡng tác phẩm đại tự diệu kỳ. Hắn ngồi chồm hỗm lắc lư cái đầu. Đột nhiên hắn thấy cái chữ sưng lên, lắc lư chao đảo. Ngoài cổng có tiếng xủng xoảng, tiếng vợ hắn la lên kinh hãi. Sau đấy, mọi sự lại yên lặng. Chỉ có tiếng âm âm … u u … cựa quậy của cái chữ và tiếng bành bạch … bành bạch...

Hắn mơ mơ bước ra sân ngó nghiêng. Hai người già như hai cái cây cỗi rụng lá nằm đấy.

Lay mạnh.

Không nhúc nhích.

Sững người.

Bố mẹ hắn đã chết từ bao giờ.

Vợ hắn là Loan, một bác sĩ thú y. Mọi ngày Loan thường đi làm về trước khi trời tối. Hôm nay cô có việc và về không đúng giờ.

Hắn tưng hửng.

Vẫn sững sờ.

Hình như hắn lẩm bẩm. Mẹ bà chúng mày, không cho ông báo hiếu.

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.