chan_dung-ke_si

Nắng đã lên cao - Truyện ngắn Nguyễn Đức Bình

18-05-2023

Lượt xem 8020

Đánh giá 5 lượt đánh giá

Chia sẻ

Nắng đã lên cao - Truyện ngắn Nguyễn Đức Bình

nha-van-nguyen-duc-binh

Từ trái qua; Nhà thơ Phan Trung Thành, Nhà thơ Phan Hoàng, Nhà văn biên kịch Nguyễn Đức Bình, hai nhà thơ nữ, cùng Hội nhà văn TP.HCM thăm Mẹ Việt Nam Anh Hùng ở Củ Chi năm 2012

Mười hai giờ đêm. Đường phố Sài Gòn sắp mùa Noel lạnh tanh. Những cơn gió rủ nhau đi về phía biển khiến hàng cây bơ vơ đành im lìm ôm màn đêm lặng ngắt. Lam đứng trên ban công nhìn xuống vỡ vụn kí ức. Cô nhắm mắt cố tưởng tượng một gương mặt khác anh. Nhỏ Huyền! Kí ức Lam trống rỗng. Nhỏ Như! Lam lẩm bẩm. Bóng Như nhoang nhoáng, nghiêng ngả, chớp tắt đáy mắt Lam rồi đột nhiên biến thành những mảnh vụn ngổn ngang, rơi lắc rắc như những hạt phấn hoa trinh nữ dưới trời đầy gió. Những ngọn gió hồn nhiên, khúc khích chở kí ức của Lam bay mãi rồi mất hút phía sau một bức tường sừng sững nghiêng ngả chờ đổ vỡ. Lam cố chống đỡ, bức tường lô nhô những vết nứt, lô nhô những giận hờn tưới thẫm những giọt đa đoan. Lam thõng tay. Bức tường rùng rùng sụp xuống. Muôn ngàn hạt phấn hoa lao xao, bóng một người đàn ông rõ dần. Anh. Lam khép hai tay hứng những giọt nước tuôn xối xả từ vòi sen chảy qua chiếc van đã gạt sang vạch đỏ. Những giọt nước nóng ấm nhưng sao lạnh như nước trong một cơn mưa dầm dề? Lam vốc từng vốc nước hất lên mặt. Phòng tắm bốc đầy hơi nóng mà toàn thân Lam run lên vì lạnh. Những dòng nước uốn éo chảy dọc người Lam, vuốt ve những tri giác đã đông cứng của Lam. Lam nhìn vào tấm gương trước mặt lấm tấm những hạt nước li ti. Cô thấy rõ một cô gái đầy khêu gợi, trần truồng, đang vui đùa với những giọt nước bốc hơi nghi ngút. Lam thấy rõ những làn khói mỏng vây quanh cô gái mờ ảo như một màn sương chiều. Lam cố gạt ra khỏi đầu hình bóng của anh. Lam mở to mắt, nhìn trừng trừng vào không gian trước mặt. Khắp nơi, chỗ nào Lam cũng nhìn thấy anh đang đứng quay nhìn về phía xa xăm như đang chối bỏ cô.

Đồ bội bạc, tại sao anh bỏ đi? Lam hét lên thật to, anh lay động rồi vụt biến mất khiến Lam hoảng hốt. Lam nhắm mắt. Lam cố tưởng tượng ra anh. Những mảnh ghép rơi loảng xoảng trong mắt Lam. Lam bật khóc nức nở. Lam gọi điện hẹn nhỏ Huyền ra cà phê Highland chào tạm biệt. Mày đi đâu? Tao đi xa, rất xa, một nơi xa lạ, một nơi mà tao đang cất giữ những giấc mơ. Khùng, làm gì có nơi nào có thể cất giữ được giấc mơ? Tao có. Nó ở đâu? Hà Nội. Đồ điên, mày lại nhớ ổng chứ gì? Lam im lặng bỏ chiếc điện thoại xuống bàn. Giọng Huyền vẫn nheo nhéo phát ra từ chiếc điện thoại. Lam không nghe thấy gì nữa. Mày mới là đồ điên. Tao đi đây. Huyền vội vàng bước vào quán cà phê Highland sau năm phút, cô đưa mắt tìm kiếm. Huyền lấy điện thoại ra gọi. Tiếng chuông điện thoại quen thuộc của Lam reo vang giai điệu của bài Love Story. Huyền thở phào bước tới nhưng cô không thấy Lam. Mày đi thiệt hả con khùng? Huyền ngồi phịch xuống ghế vẻ mặt thẫn thờ. Cô gái ấy nói thiệt lạ kì, cổ nói đi đòi lại giấc mơ và để chiếc điện thoại lại đây cho một cô gái tên Huyền. Cổ cũng nói, Huyền sẽ tới không trễ hơn năm phút. Cô ấy đi được đúng năm phút, vậy cô là Huyền? Huyền ngước mắt lên nhìn người phục vụ, mắt cô đẫm nước. Dạ, là tôi... mà không phải, Huyền có lẽ là anh, Huyền đứng dậy bỏ đi, anh phục vụ tròn mắt nhìn theo lạ lẫm. Ga Hà Nội bốn giờ sáng. Lam bước xuống sân ga. Những toa tàu đen xì nằm bất động trốn giá rét. Đoàn người mệt mỏi, hối hả, hân hoan, vội vã bước xuống từ con tàu vừa chạy suốt cuộc hành trình gần hai ngàn cây số. Từng người nối theo nhau bước ra khỏi cổng soát vé. Vài anh tài xế taxi cuống cuồng chào mời. Lam đứng im, dựa lưng vào cây cột đèn, bất động. Một anh tài xế taxi kiên nhẫn cuối cùng cũng phải bỏ đi khỏi Lam. Đúng là con điên. Trời rét cắt da thế này mà mặc có mỗi một cái áo đứng câm như hến, anh tài xế vừa đi vừa lầm bầm, thỉnh thoảng vẫn ngoái lại nhìn Lam. Cô định đi đâu? tiếng một người đàn ông ngay sau lưng Lam. Lam đứng im lìm. Cô run lên bần bật, từng cơn gió lạnh như những cây kim nhọn xuyên qua chiếc áo mỏng manh của Lam.

Cô định đi đâu? lại tiếng người đàn ông nhẫn nại. Tôi sẽ không đi nếu cô không trả lời. Lam vẫn im lặng. Cô định đi đâu? giọng người đàn ông lại cất lên sau mười phút. Tôi đi tìm anh. Tìm tôi? Không tôi đi tìm anh, anh của tôi, không phải anh. Cô đang bị rét đấy, nếu không tìm một căn phòng ấm, cô sẽ bị cảm mất. Mặc tôi, Lam bặm môi. Lại thêm hàng ngàn chiếc kim nhọn xuyên qua chiếc áo mỏng manh của Lam. Cô sẽ bị cảm lạnh đấy. Không tôi miễn nhiễm với cảm lạnh. Một cô gái như cô? Hình như cô là người ở trong Nam, Sài Gòn? Lam im lặng. Cô dũng cảm đấy. Hiếm có cô gái Sài Gòn nào chịu được cái rét ghê gớm như thế này, với chỉ một chiếc áo mỏng manh. Anh cũng nói tôi như vậy. Tôi sao? Không, anh của tôi. Anh của cô nói gì? Anh nói tôi sẽ không chịu được cái rét của Miền Bắc, nói tôi chỉ quen với nắng. Thế rồi cô nói gì? Tôi thú nhận với anh là anh nói đúng. Thế sao? Lam lại lặng im, những giọt nước mắt tràn ra từ hai bờ mi khép chặt. Lam run bần bật. Tôi sẽ đi tìm anh. Cô biết anh ở đâu sao, anh của cô ấy? Không. Vậy làm sao cô tìm được? Tôi phải tìm được. Lam đã sống qua một mùa đông Hà Nội, để tìm anh. Cuối cùng thì giấc mơ đã trở về với Lam. Lam không còn phải nhắm mắt xua đi bóng anh, không còn phải đứng hứng nước vòi sen. Anh cứ xa dần, nhạt nhòa, dù Lam vẫn cố kiếm tìm, cố đuổi bắt. Người đàn ông Lam gặp ở sân ga thường tới chở Lam đi dọc Hồ Tây vào mỗi buổi sớm, suốt mùa đông. Lam thích cái giá rét của Hồ Tây thời khắc ấy, thích những cơn mưa phùn rắc trắng mái tóc, thích cảm giác điếng người khi gõ ngón tay nhẹ nhẹ vào nhau. Lam chẳng nhớ gì về mùa xuân Hà Nội, dù người đàn ông Lam gặp ở sân ga vẫn thường tới chở Lam đi suốt mùa xuân. Lam thức dậy, một tia nắng chéo chói chang xuyên qua khe hở của tấm rèm cửa sổ nơi Lam nằm. Lam khoác ba lô đi một mình dưới bóng hàng sấu già. Nắng vẫn xiên chói chang. Lam ngước mặt đắm đuối nhìn lên tán lá. Cô nhắm mắt tưởng tượng nhưng chỉ thấy một màn đêm tĩnh lặng. Lam mở mắt. Nắng đã lên cao sáng bừng mùa hạ, bỏ lại tán lá sấu đang tinh nghịch thả vào mắt Lam những giọt cười long lanh.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.