chan_dung-ke_si

ĐẦM MA - Truyện ngắn Trần Quang Vinh

20-09-2023

Lượt xem 1344

Đánh giá 4 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Truyện ngắn hay Trần Quang Vinh

ĐẦM MA - Truyện ngắn Trần Quang Vinh

Nhà văn Trần Quang Vinh

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Trần Quang Vinh sinh năm 1949, học chuyên toán nhưng lại gắn bó với nghiệp văn bằng truyện ngắn đầu tay “Đầm ma” in trên Báo Văn nghệ Hạ Long cuối năm 1989. Ngay lập tức, “Đầm ma” đã gây xôn xao dư luận vùng mỏ Quảng Ninh. Câu chuyện vừa thực vừa ảo nhưng lại phơi bày sự thật trần trụi về nhân vật lãnh đạo của một thị xã. Đầm Ma đã thành công và được độc giả yêu mến nhưng cũng khiến nhà văn phải chịu hệ lụy. Ông đã phải rời xa quê hương vào Vũng Tàu và đi tiếp con đường văn chương tại đây. 


 
Hơn trăm năm trước, vị trí trung tâm thị xã Thanh Hải bây giờ có vỉa than lộ thiên lớn. Người ta bảo đó là loại than don đặc biệt, lóng lánh như tinh thể kim cương, có sức nóng đốt chảy cả nồi đồng đỏ.
 
Trước khi triều đình Huế bán vùng mỏ cho nhà tư bản thực dân Bavie Sôphua, một ông chủ người Hoa tên là Lý Long khai thác mỏ than này. Trong một lần đào than phát hiện được năm chum vàng, Lý Long đầu độc cả tốp thợ, vùi xác họ xuống vỉa than, lấy vàng trốn về Trung Quốc. Từ đó người địa phương gọi vỉa lộ thiên ấy là Vỉa Vàng.
 
Công ty Pháp Mỏ than Bắc Kỳ thành lập, Vỉa Vàng bị tư bản Pháp khai thác với quy mô tốc độ lớn hơn người Hoa nhiều, chỉ gần hai năm họ đã khoét sâu tới 50 mét.
 
Cuối mùa hạ năm 1890 có trận mưa như thác ập xuống. Nước từ các triền núi ào ào đổ vào moong than Vỉa Vàng, dìm chết cả trăm thợ mỏ đang làm việc.
 
Không còn ai dám khai thác than ở Vỉa Vàng nữa. Thời gian trôi đi, mưa gió, cát bụi biến moong than Vỉa Vàng thành đầm lầy, chung quanh cây cối, cỏ dại um tùm. Những vụ giết người khủng khiếp thường diễn ra ở đây.
 
Đêm đêm những oan hồn vô thừa nhận quần tụ hàng thế kỷ kêu khóc thảm thiết; những đốm lửa lập loè, vật vờ trên mặt đầm. Biết bao câu chuyện ma quỷ rùng rợn gắn liền với cái tên Đầm Ma.
 
Thực dân Pháp rút đi, thị xã Thanh Hải được thành lập ở vùng mỏ. Trên triền đồi cạnh Đầm Ma những căn nhà xinh xắn của thợ mỏ mọc lên. Đã có đồ án san lấp Đầm Ma xây công viên. Nhưng rồi nó bị quên. Bước sang giai đoạn đổi mới mở cửa lại có quyết định chuyển năm ngàn mét vuông mặt bằng Đầm Ma thành khu cấp đất tự xây. Ở thị xã chật hẹp này, kiếm vạt đất làm nhà trên đồi hay trong khe núi đã quý, mặt bằng Đầm Ma nằm giữa thị xã quả là vị trí lý tưởng. Lúc bấy giờ hiếm người có trong tay một chỉ vàng, nhưng chỉ cần bán giấy cấp đất ở Đầm Ma là kiếm được hàng chục cây vàng.
 
MỘT.
 
Bí thư Thị uỷ Thanh Hải là Ngô Hoàng. Gần đến tuổi nghỉ hưu ông vẫn chưa có nhà riêng. Ông bảo, hai vợ chồng với một đứa con ở nhà chung cư của cơ quan cũng rộng chán.
 
Bà Loan, vợ bí thư luôn thúc ép ông kiếm đất làm nhà. Chiều ý vợ, Bí thư Ngô Hoàng xin được 300 mét vuông ở núi Cắt. Miếng đất vẫn bỏ cho cỏ mọc. Bà Loan bảo, người chứ không phải khỉ mà chui rúc xó rừng. Ông phải lấy một suất ở Đầm Ma. Bí thư Ngô Hoàng giải thích rằng mình đã xin đất rồi. Bà Loan cáu mắng chồng là đầu hai thứ tóc mà ngu lâu!
 
Theo yêu cầu của bà Loan, Giám đốc Công ty Công trình Đô thị Lê Hàm đem miếng đất núi Cắt cấp lại cho Trần Thắng, ưu tiên giáo viên trường Đảng. Tất nhiên Bí thư Ngô Hoàng có một suất đẹp nhất ở mặt bằng Đầm Ma.
 
Gần ba tháng sau toà biệt thự của Bí thư Ngô Hoàng sừng sững mọc lên. Một tốc độ xây dựng thần kỳ! Phải nói, đó là công lao của Lê Hàm và Công ty Xây dựng Ba. Một kỹ sư kinh tế nhận xét rằng theo thời giá hiện nay, để xây dựng tòa nhà này ít nhất phải bỏ ra hơn trăm cây vàng.
 
Rồi Giám đốc Lê Hàm bán căn nhà cũ xin đất Đầm Ma. Căn hộ giám đốc cạnh nhà bí thư. Tiếp đó là các căn hộ của chủ tịch thị xã, trưởng ban tổ chức thị uỷ và giám đốc các loại trên địa bàn. Tất cả đều xây hai, ba tầng, ốp đá mài theo lối kiến trúc mới nhất. Khu phố mới ở Đầm Ma đồ sộ, quý phái hơn cả dãy phố thương nhân trên đại lộ Bạch Đằng.
 
Bí thư Ngô Hoàng không muốn tổ chức ăn mừng nhà mới, nhưng bà Loan bảo, thời buổi này áo gấm đi đêm là dại. Bí thư bảo sợ bà không có tiền. Bà Loan ngồi tính rành rẽ, nếu mời hai trăm người, hai chục mâm, mỗi mâm năm mươi ngàn, vị chi là một triệu. Bí thư Ngô Hoàng trợn mắt hỏi, những một triệu?. Bà Loan bĩu môi bảo, cái ngữ lãnh đạo các ông chỉ quen múa mép! Nói đến tiền là run như cầy sấy. Chúng tôi khác, có ăn là có tiền. Khách ăn mời hai trăm người, tiền mừng ít nhất ba mươi ngàn một người, tiền thu về sáu triệu… chỉ có lãi !
 
Bí thư chọn ngày kỉ niệm truyền thống đấu tranh bất khuất của công nhân mỏ làm ngày tân gia. Ông bảo, đàn bà chỉ giỏi tính lời lãi! Ông là lãnh đạo, phải  giữ quan điểm lập trường. Vả lại, đại hội nhiệm kỳ đến nơi rồi, không cẩn thận những đứa độc miệng sẽ tung tin, dựng chuyện đả kích, mất phiếu như chơi …
 
Khách bà Loan được sắp xếp ăn buổi trưa. Gần đúng dự tính của bà, tất cả hai trăm linh một người. Họ gồm các loại cán bộ cấp dưới Bí thư Ngô Hoàng cùng đám buôn bán cỡ bự, những người thường phải nhờ cậy vợ bí thư.
 
Buổi tối, bà Loan đang ngồi đếm tiền mừng thì khách sộp đến hai xe Vonga đen. Bà Loan nói với dì Tám, cô em ruột goá chồng vẫn ở cùng bà, loại này thừa chất (!) dì đem dần từng món, vừa sang vừa tiết kiệm. Rồi bà  tiếp tục công việc. Hóa ra số tiền mừng vượt cả dự tính của bà. Phong bì cao nhất tới trăm ngàn, thấp nhất cũng bốn mươi ngàn. Tổng cộng mười lăm triệu bốn trăm linh ba ngàn. Tính thành vàng khoảng hơn chục cây. Bà Loan vẫn phân vân về chiếc phong bì bốn mươi ba ngàn đồng. Bà đọc tên: “Nguyễn Thị Quý, Công ty Du lịch…” A! con này bà giúp vào biên chế, chỉ nhận trăm ngàn tiền chè thuốc. Nó vẫn ơn bà, không lẽ chỉ đi bốn mươi ba ngàn?... Hay đứa nào móc trộm? Thảo nào, phong bì để ngỏ. Nhưng chỉ có dì Tám là đáng nghi! Chị em cũng không tin được! Vừa lúc dì Tám qua cửa, bà gọi: “Dì Tám vào tôi hỏi! Dì có biết ai vào buồng tôi không? Thoáng cái đã mất mấy chục ngàn bạc”. Dì Tám mếu máo: “Dạ em thề! Em mà có lòng gian thì em chết!”. Bà Loan bĩu môi: “Thề cá trê chui lỗ! Dễ nhà này có ma chắc?”
 
Dì Tám sụt sịt đi xuống bếp. Tuy là hai chị em ruột nhưng số kiếp dì đen bạc, đâu được như bà Loan. Ba mươi năm tuổi dì mới kiếm được tấm chồng là thợ lò, vợ con chết bom máy bay Mỹ. Ở với nhau được gần năm, người thợ lò qua đời vì bệnh ung thư phổi. Bà Loan hiếm người, bảo cô em goá chồng không con về ở cho vui. Dì Tám hiền lành, nhẫn nhục, nhận vai giúp việc bà chị gái giảo hoạt cũng hợp người, hợp cảnh.
 
Trong phòng khách bữa tiệc thượng hạng bắt đầu. Chủ tịch thị xã đứng dậy, nâng cốc bia đang sủi bọt trân trọng phát biểu, tôi xin mạn phép anh Ngô Hoàng, kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã không tiếc thời giờ vàng ngọc tới dự lễ tân gia nhà anh Hoàng, cũng là vinh dự cho thị xã Thanh Hải chúng tôi ! …
 
Tiếng nói cười chúc tụng hoan hỷ. Những hộp bia heiniken bật tanh tách. Quyền Chủ tịch Tỉnh Phạm Độ khen, năm nay thị xã các cậu làm ăn rất khá! Cần phải mạnh dạn đổi mới tư duy, phát động truyền thống anh dũng của công nhân mỏ chúng ta!
 
Bí thư Ngô Hoàng đứng dậy, phong cách nghiêm trang như trong các hội nghị lớn.
- Kính thưa anh Độ! Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh! Những lời huấn thị của các anh thật vô cùng quý giá...
 
Lại nâng cốc. Lại chúc tụng nhau. Bữa tiệc đang vui thì Bí thư Ngô Hoàng có điện gọi. Sở Công an báo tin, Ngô Hùng, con trai ông, bị bắt giữ vì  mua bán văn hóa phẩm đồi trụy,  hành hung nhân viên hải quan khi họ kiểm tra tàu.
 
Bí thư Ngô Hoàng khẽ chau mày tỏ vẻ khó chịu, rồi đến gần quyền Chủ tịch Phạm Độ lễ phép thưa, báo cáo anh! Cháu Hùng đi tàu viễn dương, nó còn trẻ, thanh niên tính, trót dại … công an họ làm dữ quá, hiện đang bị bắt giam.
 
Quyền Chủ tịch chống  đũa trên bàn, gật đầu bảo, thế à, các cậu công an thường mắc bệnh nghề nghiệp! Để tớ điện sang. Mai cậu lên đón cháu.
HAI
Dì Tám bưng mâm cơm đặt trước mặt Ngô Hùng bảo, anh  ăn cơm đi, rồi lên gác bố anh nói chuyện.
 
Hùng mệt mỏi bước tới bên tủ lạnh, nhón lấy một lon bia bật nắp tu cạn. Châm điếu thuốc ba số , rồi thủng thẳng lên gặp ông Hoàng. Anh ta vừa bước vào phòng Bí thư Ngô Hoàng đã ngồi bật dậy quát :
- Tại sao anh làm những chuyện sằng bậy ấy?
 
Ngô Hùng nhả khói thuốc thản nhiên bảo, bố cứ như trên trời rơi xuống, chuyện làm ăn mà. Ông Hoàng thấy nóng mặt, nhưng cố kìm chế lắc đầu bảo, anh bị nhiễm tư tưởng tư bản đế quốc rồi con ơi. Làm gì cũng phải nhớ anh là con bí thư thị uỷ, thường vụ tỉnh uỷ, hiểu chưa? Hùng cười nhạt giễu cợt : “Con ông trời cũng phải cần tiền(!)”.
 
Ông Hoàng đập bàn ra mệnh lệnh chỉ đạo: “Tao cấm mày giở giọng con buôn mất dạy ấy ra đây!” Ngô Hùng vụt đứng dậy, ném mẩu thuốc lá vào góc nhà xua tay xấc xược : “Thôi, thôi, ông hãy đem những lời giáo huấn ấy đến hội nghị mà dạy dỗ người ta. Ở nhà này chẳng lừa được ai đâu!” Rồi quay ngoắt người xuống phòng khách. Qua hành lang thấy con vẹt trong chiếc lồng đỏ đang ra rả cất tiếng kính chào quý khách, Hùng giơ nắm đấm đe nẹt : “Câm mồm ngay!”
 
Bí thư Ngô Hoàng giận dữ mở chai nước khoáng uống ừng ực, lấy cặp đi ra cổng. Cậu lái xe vẫn mở máy garăngti chờ bí thư. Sáng nay ông phải đi huấn thị ở một hội nghị quan trọng của ngành giáo dục thị xã.
 
Ngồi một mình trong phòng, Ngô Hùng uống một lúc hết chục lon bia. Anh ta vặn hết núm tăng âm chiếc máy radio cassette. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng la hét... ầm ầm đổ ra ngập ngụa căn phòng. Tiện tay Ngô Hùng nhấc cỗ bài Tây vừa mua ở Hồng Kông. Rồi anh ta ngả người trên chiếc đệm mút, ngắm nghía những tấm hình trên các cây bài. Các kiểu trai gái làm tình được phơi bày đến từng chi tiết.  Bỗng một làn hơi thở ấm nóng với mùi nước hoa phụ nữ phả gần bên tai. Hùng quay đầu lại, Thanh Hường đứng sau từ bao giờ. Cô ta mặc chiếc áo liền váy mỏng tang, khuôn ngực trắng ngần thõng thượt như mời gọi. Hùng không còn nhớ người đàn bà này là vợ Lê Hàm, thường vẫn gọi là cô xưng cháu. Anh ta đứng bật dậy quàng tay qua vai Thanh Hường ghì chặt, hôn lấy hôn để, rồi kéo tuột cả váy, bế thốc Thanh Hường vào phòng riêng. Thanh Hường mềm nhũn người run rẩy kêu khẽ, đừng đừng...
 
Cuộc hoan lạc diễn ra gần một tiếng đồng hồ. Thanh Hường mặc lại áo váy, mãn nguyện bảo, gớm, thuỷ thủ viễn dương có khác, gấp mấy sức lão Hàm!
 
Ra khỏi cổng Thanh Hường gặp dì Tám đang dắt con chó Tây về miệng càu nhàu chửi, tiên sư cái giống động cỡn! Ăn lắm thịt sữa vào, rửng mỡ! Sểnh một cái là đi tìm đực ngay.
 
BA
 
Giám đốc Lê Hàm vừa ở công ty về, vào ngay phòng ngủ, ngồi xuống cạnh vợ bảo, tối nay bác Loan tổ chức sinh nhật, mời nhà ta sang ăn cỗ đấy. Thanh Hường bĩu môi khinh bỉ, rõ trưởng giả học làm sang! Tôi liên hoan ở cơ quan rồi, uống tí bia Trung Quốc nhức cả đầu. Bố con anh thích, cứ đi! Lê Hàm cười cười bảo, tổ chức sinh nhật là cái cớ. Mình đi dự cũng là cái cớ. Em phải đưa cho anh tiền mừng chứ! Thanh Hường uể oải  nguýt chồng rồi kẻ cả bảo, định mua ghế thị uỷ viên chứ gì? Cái ngữ anh đừng có hòng! Đây, ba bố con mỗi người hai chục ngàn, vị chi sáu chục. Lê Hàm cầm tiền than, sáu chục ngàn, sẻn quá! Thanh Hường nằm vật xuống giường, buông thõng một câu: “Cỗ nhà mụ Loan như cho mèo ăn. Mụ ấy cậy thế chồng, chỉ quen đẽo!”
 
Bố con Lê Hàm líu ríu dắt nhau sang nhà Bí thư Ngô Hoàng. Đứa con gái bảo, nhà bác Loan thích thật! Ngày nào cũng ăn giỗ. Cu Tí ngọng nghịu cãi chị, ứ phải ăn dỗ đâu nhé! Ăn sinh tật đấy!
 
Từ trong hành lang con chó Tây xồ ra. Thấy người quen nó vươn cổ kêu ông ổng mấy tiếng mừng rỡ. Bà Loan đon đả gọi, ông Hoàng ơi! Bố con chú Hàm sang đây này. Lê Hàm nghiêng đầu ngắm bà Loan, nịnh một câu: “Ối! Trông bà chị hồi này cứ trẻ đẹp phây phây!”. Bà Loan nở mày nở mặt bảo, nỡm cái nhà chú này! Tôi năm nay đã năm tư tuổi đầu. Lê Hàm gật gù khen, tuổi Hợi, số bác là sướng hết ý! Chẳng cần làm cũng có ăn. Bà Loan than thở, ấy, theo tử vi thì tôi nhàn. Nhưng chú xem mọi việc ở cái nhà này tôi phải gánh vác hết! Lê Hàm cười hề hề bảo, là em nói vậy thôi, chứ mấy ai giỏi giang, tháo vát như bác.
 
... 18 giờ 30 phút, nhạc sập sình nổi lên. Đèn xanh, đỏ, vàng nhấp nháy. Mười mâm cỗ (dự tính gần trăm thực khách) đã sẵn sàng. Dì Tám nhăm nhăm chờ lệnh bưng mâm, nhưng số khách có mặt mới khoảng năm chục người. Bà Loan sốt ruột bảo chồng, thế này là thế nào hả ông? Chẳng lẽ chúng nó dám qua mặt ông hay sao mà không đứa nào thèm đến lễ sinh nhật tôi ? Bí thư Ngô Hoàng gắt, thì cứ bình tĩnh đã nào! Thời buổi này đừng có đem cái chức bí thư ra doạ người ta. Ngẫm nghĩ một lúc ông  ngần ngừ bảo, bà phải xử sự cho tế nhị chứ ! Vừa rồi có đứa viết thư lên tỉnh tố giác việc mình làm nhà, việc con mình đang học dở trung cấp mỏ lại được đi tàu viễn dương. Bà Loan vênh mặt sửng cồ, sao ông không vả vào mặt đứa nói láo! Tôi làm nhà là tiền tôi chứ có đào mả ông, mả cha chúng nó đâu mà chúng nó kiện! Tiên sư bọn vô ơn!
 
… Vào lúc tiệc sinh nhật đang diễn ra ồn ã ở nhà bí thư thì Thanh Hường vẫn nằm yên trên giường nghe nhạc. Bỗng cửa phòng kẹt mở, Ngô Hùng nhảy bổ vào, rối rít bảo, nhớ đằng ấy quá! Đằng ấy ngoài ba chục tuổi mà ăn đứt gái Tây, gái Nhật. Thanh Hường giang cánh tay trần ghì chặt đầu Hùng vào bộ ngực đồ sộ của mình. Họ quằn quại trên giường. Cả hai đều thèm khát xác thịt, đều dư thừa thể chất, ham muốn. Thanh Hường rên khẽ: “Cửa bu…ồng chưa kho…á, sợ lão v…ề!” Ngô Hùng nằm đè trên thân thể mềm mại nóng hổi của Thanh Hường bảo, lão ấy đang mê chân thị uỷ, mất vợ cũng chỉ là chuyện nhỏ (!)…
 
Gần 21 giờ, thấy Bí thư Ngô Hoàng không vui, Giám đốc Lê Hàm xin phép ra về. Nghe tiếng động lạ trong phòng ngủ, Lê Hàm xô cửa vào. Nhận ra con trai bí thư đang làm tình với vợ mình, Lê Hàm sững người …! Ngô Hùng nhỏm dậy, nhổ nước bọt, mặc quần áo, đẩy Lê Hàm sang một bên, thong thả đi ra ngoài.
 
Thanh Hường vẫn nằm yên trên giường, thân thể loã lồ, nhăn mặt bảo, làm mất cả hứng của người ta! Tiếc à? Cởi quần áo, lên giường đi! Nhưng nếu không đủ sức thì đừng có trách gái này !
Giáp Tết Nguyên Đán, Ngô Hùng cùng Thanh Hường vượt biên đi Hồng Kông. Không hiểu từ đâu, câu chuyện tình ướt át ly kỳ của họ loang ra. Dì Tám buồn, xin vợ chồng Bí thư Ngô Hoàng về quê ở với đứa cháu. Bà Loan ốm liệt giường ba ngày ba đêm. Chiều ngày thứ ba, bà trở dậy đi ra phố, lúc về mua rất nhiều hoa quả đặt lên bàn thờ thắp hương.
 
Chập tối, ông Hoàng ngồi ở bàn đọc báo, bà Loan đến gần thì thầm bảo, tôi vừa đi xem bói, thầy nói rằng đất này xưa nhiều người chết, dữ lắm! Nếu không có lễ, khó mà ở được. Ông Hoàng cáu: “Vớ vẩn! Bói ra ma! Từ rày cấm bà bói toán, mất mặt tôi”. Bà Loan rấm rẳn bảo, đất  có Thổ Công, sông có Hà Bá. Về nhà mới không thắp một nén hương. Chỉ vì ông cách mạng quá mới đến nông nỗi này! Ông Hoàng đứng dậy, chắp tay phía sau , đi đi, lại lại bảo, con hư là tại bà! Nuông chiều nó, để nó nhiễm độc tư sản, mất phẩm chất, mất lập trường, phản bội tổ quốc! Bà làm khổ tôi chứ ma nào ?
 
Bà Loan dẫm chân đành đạch la lối, ối giời đất ơi! Chẳng qua là vì chồng, vì con chứ cái thân tôi cần gì! Vậy mà ông nhiếc móc, sỉ vả tôi! Rồi bà hỉ mũi, rấm rứt khóc, bỏ lên buồng ngủ.
Bí thư Ngô Hoàng thở dài, mệt mỏi rã rời. Ông lấy tích pha ấm trà Thái, rút điếu thuốc châm lửa hút, mơ màng... Cửa phòng chợt mở, luồng gió lạnh buốt ùa vào khiến ông giật mình, sởn gai ốc. Ánh điện nê ông bỗng nhấp nháy chuyển sang màu đỏ quạch. Đang ngồi tựa ghế, ông cựa mình nhỏm dậy. Một người gày gò, rách rưới, mình bê bết máu đứng trước mặt ông. Bí thư Ngô Hoàng sợ hãi hỏi:
- Anh là ai mà tự tiện vào nhà tôi?
 
Người khách lạ đứng im, trừng mắt nhìn ông. Từ đâu đó rất xa xăm, một giọng nói thảng thốt vọng tới: : “... B … ùi Tâm …, anh kết nghĩa hồi làm nhau ở mỏ Tăngbua đơi … ây, quên anh rồi ư ?...” Ông Hoàng sững sờ hỏi lại :
- Nhưng... anh đã chết ?
 
Vẫn giọng nói rên rỉ yếu ớt xa xăm: “… Anh đã chết… từ khi nhường bữa cơm cuối cùng… cho em. Giờ làm quan …  quên tất cả anh em bè bạn … đến đây chiếm đất , xây nhà lầu … không thèm nói với anh em một câu! Anh … đau lắm … đau lắm…
 
Người khách lạ lướt nhẹ trên mặt đất tới  bên ông Hoàng. Quá khiếp sợ, ông muốn đứng dậy bỏ chạy, nhưng đôi chân tê cứng. Ông run rẩy bảo, cần xin gì … sẽ giải quyết … đừng, đừng giết tôi. Nhưng đôi bàn tay xương xẩu, lạnh buốt vẫn túm lấy đầu ông bóp mạnh làm hai bên thái dương đau buốt, ông kêu thét :
- Cứu, cứu với ! Cứu... tôi... !
 
Bà Loan từ trên gác hốt hoảng chạy xuống. Ông Hoàng choàng tỉnh ngơ ngác nhìn quanh. Người khách lạ đã biến mất, cửa phòng vẫn hé mở. Ông cảm thấy đầu đau giật từng cơn. Bà Loan hỏi, ông làm sao thế? Ông bảo, tôi đau đầu quá! Bà Loan đỡ ông đứng dậy nhăn nhó bảo, đi ngủ thôi! Khéo ông ốm mất! Mồ hôi vã ra đây này.
 
Nằm xuống giường, Bí thư Ngô Hoàng vẫn không thể nào ngủ được. Ông nhớ lại khuôn mặt người khách lạ..., đúng là Bùi Tâm, ân nhân của ông. Hồi ấy, bố mẹ ông chết sớm, để lại hai anh em trai. Anh ông là Ngô Trí, làm thợ lò nhưng hay rượu chè cờ bạc. Năm Nhật vào Đông Dương, Ngô Trí thua bạc, vỡ nợ trốn theo Nhật. Mười tuổi, Ngô Hoàng phải làm nhau, nhặt than ở mỏ Tăngbua. Giữa lúc bơ vơ thì Ngô Hoàng gặp Bùi Tâm, một thợ lò hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Bùi Tâm nhận Ngô Hoàng làm em, nuôi Ngô Hoàng ăn học.  Rồi Nhật đảo chính Pháp, chủ mỏ Tăngbua sợ bỏ chạy. Mất việc làm giữa thời buổi đói kém, trong nhà chỉ còn vài bơ gạo, Bùi Tâm để lại cho Ngô Hoàng ăn, còn mình nhịn đói về Thanh Hải kiếm việc. Anh hẹn vài ngày sau sẽ trở lại đón Ngô Hoàng. Nhưng Bùi Tâm đi mất tích. Có người bảo anh bị Nhật bắn chết. Sau này Ngô Hoàng gặp Phạm Độ là cán bộ cách mạng hoạt động ở vùng mỏ. Phạm Độ đã dìu dắt Ngô Hoàng, đưa Ngô Hoàng đi làm cách mạng. Quyền Chủ tịch Tỉnh Phạm Độ trở thành ân nhân của ông trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp. Ông đã quên Bùi Tâm từ lâu.
 
Bí thư Ngô Hoàng bồn chồn đặt tay lên trán thở dài. Đã mấy chục năm ông mới nhớ đến người đã cưu mang mình thủa hàn vi.
 
BỐN
 
Tin dữ đồn xa, dân thị xã Thanh Hải xôn xao chuyện ma hiện hình nhũng nhiễu phố Đầm Ma. Người ta kể rằng, buổi trưa hôm ấy ông chủ tịch thị xã ở nhà một mình, bỗng thấy một thiếu nữ trẻ đẹp, quần áo trắng toát bước vào phòng. Ông hoảng sợ định quát đuổi ra thì thiếu nữ thè chiếc lưỡi đỏ lòm, dài như đòn gánh, liếm một cái ngang mặt, ông sợ hãi ngã lăn đùng. Vừa lúc ấy vợ ông về, thiếu nữ vụt biến mất .
 
Một chuyện khác, vợ ông giám đốc thương nghiệp tối thứ bảy ra cổng, thấy một người đàn ông đứng đợi, vẫy tay rủ rê. Chị thấy người như mê muội, cứ thế theo người đàn ông đi loanh quanh gần hết đêm. Sau người nhà tìm thấy chị ngồi thơ thẩn dưới gầm cầu cạn. Đại loại là những chuyện như vậy. Một vài người đã tính bán nhà ở phố Đầm Ma. Số khác đang nộp đơn chạy chọt xin cấp đất vội rút đơn về.
 
Không biết những chuyện ma quỷ ấy có bao nhiêu phần trăm sự thật, lạ gì miệng thế gian. Nhưng mấy anh nhân viên thạo tin ở thị uỷ cam đoan chuyện ma ở nhà ông Ngô Hoàng là có thật.
 
Sau đại hội nhiệm kỳ, do không trúng chấp hành ông Ngô Hoàng được giải quyết nghỉ hưu. Làm bí thư một thị xã lớn, đương chức khách khứa nườm nượp, quyền thế ngất trời. Hết thời, nhà vắng teo. Đơn kiện tụng  tới tấp gửi khắp nơi. Họ tố cáo ông độc đoán chuyên quyền trù dập người tốt, tham nhũng, tư lợi, thiếu trung thực, chưa khai lý lịch chuyện anh ruột từng theo Nhật. Có tờ báo tỉnh còn đăng bài phanh phui việc ông chi tiêu ngoại tệ vô nguyên tắc trong những chuyến công tác nước ngoài. Nhưng ông chả sợ, những chuyện ông làm đều có bàn bạc trong tập thể thường vụ, có sự đồng ý của trên, những người còn đương chức, đương quyền. Ông thở dài lo lắng bảo, Đảng cho công khai dân chủ thế này, chỉ sợ bọn tay sai tư bản đế quốc lợi dụng, làm mất uy tín lãnh đạo. Bà Loan xì một tiếng bĩu môi lẩm bẩm, ông chỉ lo bò trắng răng! Lạ gì trò đời, giậu đổ bìm leo! Ông hãy cứ lo cái thân ông đi đã .
Rồi mọi chuyện cũng qua, chỉ còn sự khủng khiếp của nỗi cô đơn bất đắc chí hành hạ ông. Về hưu được ba tháng, ông Hoàng bỏ cả đọc báo, nghe đài, xem ti vi. Trước kia ông cần biết thời sự để nói chuyện ở các hội nghị. Bây giờ nghe tình hình chính trị sôi động ở BaLan, Hungari, Rumani hay Panama... ông vẫn dửng dưng. Đôi lúc cũng muốn đến gặp mấy người thân thiết, lại sợ họ hỏi han về những vụ việc đăng báo liên quan tới ông. Vả lại, đi chơi bây giờ cũng phiền phức lắm. Trước kia một bước xe con, tiền hô hậu hét, giờ đi bộ một mình lủi thủi, ông thấy trơ trẽn thế nào ấy! Đã có lần ông ra phố gặp thằng Hạnh, nguyên trưởng ban tuyên giáo thị uỷ, nó hét tướng lên: “Hôm nay bí thư đi bộ à?” Ông thẹn đỏ mặt. Thằng láo, nó châm chọc ông. Ngày trước thấy ông từ xa nó đã khép nép, cúi đầu chào hỏi từ tốn.
 
Ngồi mãi cũng chán, ông Hoàng muốn xuống bếp giúp vợ thổi cơm. Vừa loắng ngoắng vo gạo, bà Loan đã quát, người đâu mà đần, bỏ xuống ngay! Vương vãi hết gạo của người ta rồi! Ông thở dài đứng dậy buồn bã lên nhà.
 
Thế là hàng ngày ông chỉ còn biết thơ thẩn lượn tám căn phòng, ra đứng ngoài ban công, lên gác thượng, rồi trở về phòng ngủ. Toà nhà trở nên hoang vắng, lạnh lẽo, rùng rợn. Có lúc ông hốt hoảng tưởng mình đứng giữa bãi tha ma. Chiếc quạt Nhật biến thành bộ xương người vàng xỉn. Chiếc máy khâu dài ra như xác chết. Chiếc video cassette giống hệt cái đầu lâu khổng lồ. Hai bên gối  run lẩy bẩy, mắt ông hoa lên những quầng sáng vàng vọt. Thân thể ông ngày một gầy gò, tiều tụy. Đến bây giờ ông mới thấm thía nỗi kinh khủng của sự cô đơn. Mấy chục năm nay ông chỉ nghĩ đến quyền lực, ông dốc toàn bộ sức lực của mình vào đó. Quyền lực đã đem lại cho ông sự tuân phục của mọi người, ông tưởng đó là tài năng, trí tuệ của mình. Quyền lực đã trao cho ông của cải, vật chất, tình yêu và vinh dự. Tiếc thay quyền lực cũng chỉ là hữu hạn, đến rồi đi, mấy chục năm thoáng qua trong chốc lát, huyễn hoặc phù du.
 
Một buổi tối bà Loan vừa bật đèn ngủ màu xanh lục bỗng ông Hoàng rú lên, co mình quằn quại trên tấm đệm mút. Bà Loan rối rít lay gọi ông. Lúc sau ông Hoàng nhỏm dậy hai mắt lơ láo, sợ hãi hỏi, họ đâu cả rồi? Bà Loan bảo, làm gì có ai. Ông Hoàng lấy chai nước lọc, uống một hơi vẫn chưa  hoàn hồn. Ông vừa thấy Bùi Tâm cùng với nhiều người xông vào nhà đòi bắt ông đưa đi.
Bà Loan thắp nén hương rì rầm khấn vái , rồi bật đèn sáng trưng ngồi đó canh cho ông ngủ.
NĂM
Theo lời thầy bói Cẩm Hòa, rằm tháng ba bà Loan mua một đôi gà trống thiến, năm cân gạo nếp, hương hoa với các thứ đồ hàng mã như nhà lầu, xe hơi, ngựa, cá... để mời thầy làm lễ trừ tà.
Cô đồng Hoa ngồi xếp bằng tròn, đầu phủ khăn nhiễu điều, đội bát nhang, quay đảo vòng tròn theo nhịp chuông rung cầu hồn. Thầy phù thủy tuổi chưa đến bốn mươi, đội khăn xếp, áo dài đen, quần jeans, đi giày adidas, miệng lầm rầm cầu khấn trong khói hương đậm đặc.
Bỗng cô đồng ngừng đảo, thầy phù thủy thì thầm reo, hồn về! Bà Loan ngồi bên cạnh vái lia lịa: “Lạy hồn mớ bái! Nếu phải là vong linh bác Bùi Tâm xin  dạy bảo, lượng thứ cho vợ chồng em”. Đồng Hoa ném bát nhang, giật mạnh vuông khăn nhiễu, nhảy phắt lên bàn thờ vồ lấy con gà luộc nhai ngấu nghiến. Bà Loan quỳ rạp trên nền nhà không dám ngẩng đầu lên. Ăn xong đồng Hoa trợn mắt, chỉ mặt bà Loan hỏi, mày là thằng Hoàng phải không? Bà Loan lập cập thưa: “Dạ, em là Thị Loan, vợ anh Hoàng!” Đồng Hoa thét, nói láo! Chính mày là thằng Hoàng vong ơn bội nghĩa, cậy quyền cậy thế chiếm nhà của tao! Bà Loan kêu van : “Em lạy bác! Chúng em người trần mắt thịt, trót dại.” Đồng Hoa bảo, phá nhà, dọn đi nơi khác! Bà Loan khóc: “Em lạy bác! Bác rủ lòng thương, chúng em biết là tội lớn, nhưng từ nay  xin chừa, tuần rằm cúng bái lễ lạt đầy đủ ạ!”
Thầy phù thủy vung roi dâu bảo, không cần cầu xin, để ta ra tay trừng trị! Thầy bắt đầu quất roi vun vút, miệng hú liên hồi hô hoán âm binh. Mụ Đồng Hoa co rúm người, rú lên như bị đánh. Thầy phù thủy quát hỏi, biết ta là bộ tướng của Thanh Hải Thần Hoàng chưa? Lũ cô hồn các ngươi sống sao chết vậy, từ nay cấm không được bén mảng tới nhà này nữa! Đồng Hoa quỳ xuống xin tha mạng rồi lăn ra bất tỉnh. Lúc sau lại ngồi dậy cười nói như thường.
Thầy phù thủy cho yểm bùa từ cổng vào tám phòng. Tại phòng thứ tám tầng trên cùng lập điện thờ Thanh Hải Thần Hoàng.
Quá nửa đêm thầy phù thủy mới hoàn tất công việc trấn trị ma quỷ, xếp roi, rửa tay ung dung ngồi đánh chén. Bà Loan đếm tiền đặt trước thầy với cô Đồng Hoa, dè dặt hỏi, ông nhà tôi liệu có mệnh hệ gì không ạ? Thầy trừng mắt bảo, nếu không tin, khỏi trả tiền! Nói cho mà biết nhá, thờ Thanh Hải Thần Hoàng là hết sảy! Vừa dẹp được tà ma, vừa thăng quan tiến chức vù vù. Còn tiền thì đổ vào như nước (!)
 
KẾT
 
Sau lễ trừ tà, ông Hoàng ngủ liền một mạch hai ngày hai đêm. Lúc tỉnh dậy ông bảo bà Loan gọi xe thị ủy đón ông đi dự hội nghị. Bà Loan tủm tỉm cười bảo, rõ là đồ hâm! Nghỉ hưu rồi còn nghị nghiếc gì nữa. Ông Hoàng  chẳng nói chẳng rằng, thản nhiên mặc đồ, ung dung xách cặp đen ra cổng. Đến chỗ mấy người đang tụ tập mua bán bên vỉa hè, ông trịnh trọng đứng lên một bệ đá, giơ tay diễn thuyết. Ông nói say sưa hùng hồn giống như những lần xuất hiện ở các hội nghị lớn. Người qua đường vây lại mỗi lúc một đông, họ thích thú nghe ông nói rồi rôm rả vỗ tay dù không hiểu ông đang nói gì. Chỉ đến khi bà Loan khóc lóc kéo tay ông lôi về nhà đám đông mới chịu giải tán./.
 
Hòn Gay 1989
 
Trần Quang Vinh

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.