chan_dung-ke_si

CHÉN RƯỢU HỒNG ĐÀO - Truyện ngắn Trịnh Ðình Khôi

02-02-2023

Lượt xem 2738

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

CHÉN RƯỢU HỒNG ĐÀO - Truyện ngắn Trịnh Ðình Khôi

 

Chandungkesi.com    Thầy đồ Từ Tiên và họa sĩ dân gian Thuận Thành là hai người ở cùng phố. Cái phố phủ Từ ngắn ngủn, đi bộ từ đầu đến cuối phố chỉ mất mươi phút, vài chục nóc nhà tranh xen lẫn ngói. Các cửa hiệu đều treo biển đơn sơ. Mấy chữ đại tự "Từ tiên thư quán" có chua thêm chữ quốc ngữ ở bên cạnh. Cửa hàng tranh của ông thợ vẽ không đề chữ nào mà chỉ dán hai bức tranh gà lợn ngoài cánh gỗ. Ông đồ dáng vẻ nho nhã ngồi giữa sập bên cạnh là một cái án thư có nhiều tập sách chữ nho và nghiên mực. Ông vừa dạy học vừa viết câu đối bán vào những dịp Tết. Ông thợ vẽ quê đâu cũng chẳng ai biết, ông không vợ không con, sống một mình với đứa con nuôi. Khoảng đầu tháng chạp, trong gian hàng của ông giấy dó, mầu điệp than xoan chất đầy. Những bức tranh chưa ráo mực, treo la liệt trên tường. Ngoài tranh dân gian truyền thống còn có những bức tranh hoa rất đẹp. Những bông cúc, bông hồng rung rinh sống động như hoa thật. Ngày thường người ta mua hoa về chúc thọ, mừng đám cưới. Ngày Tết ông vẽ hoa đào, hoa mai. Những cánh bích đào mầu hồng sẫm, cánh mai trắng như tuyết hiện ra mơn mởn non tơ. Bên cạnh bức tranh, ghi những chữ Hán rất đẹp nhưng không bao giờ ông viết chữ đại tự. Hai người bạn thường qua lại đọc cho nhau nghe một bài thơ, một đôi câu đối và nhấp chén trà sen.

 

   Năm nào cũng vậy cứ sáng mùng hai tết thầy đồ Từ Tiên lại sang chúc Tết thợ vẽ Thuận Thành, cả buổi sáng hôm ấy họ dành cho nhau. Hai người nhắm rượu thưởng xuân trò chuyện với nhau rất tâm đắc. Ông đồ đông con nên gia cảnh khó khăn hơn. Tết nào ông thợ vẽ cũng dành một khoản tiền kha khá gọi là mừng tuổi bạn vào sáng mồng hai, mong giúp ông đồ trang trải một phần cái Tết. Những năm trước, câu đối bán được nhiều. Tết đến ông đồ cũng đỡ gieo neo, nhưng càng về sau chữ nho thầy đồ càng ế ẩm. Học trò trước còn vài chục đứa dần dần thưa thớt còn dăm bảy đứa. Lộc thầy không còn được bao nhiêu. Trong khi đó tranh của ông thợ vẽ vẫn bán được. Tết đến nhà nào mà chả cần tranh cần pháo. Người ta cưới hỏi chúc thọ quanh năm nên vẫn cần đến tranh hoa. Sáng mồng hai Tết, vẫn như thường năm, ông thợ vẽ lại chuẩn bị tiệc rượu đón bạn. Vẫn bánh chưng xanh thịt mỡ, dưa hành thêm khẩu giò, nem quả buộc lạt cánh sen và rượu hồng đào. Những chuyện cổ kim đông tây ông đồ đọc từ ngày xửa ngày xưa hoặc trong năm được đem ra ngâm ngợi. Ông đồ là người uyên thâm chăm đọc sách giỏi chữ nghĩa. Khách vừa bước vào chủ đã nhận ra vẻ mặt không vui của bạn. Từ tốn ông thợ vẽ hỏi:

 

   - Anh có chuyện gì buồn phải không? Nói tôi nghe đi.

 

   Cạn chén trà, ông đồ mới kể.

 

   - Tay đồ tể ở cuối phố đặt tôi nghĩ cho câu đối treo Tết, nó yêu cầu phải có chữ thịt, gan, xương, ruột. Tôi đã dùng chữ cốt nhục, can tràng nhưng nó không nghe lại còn chê chữ mình xấu như hoa phù. Nó muốn nói toạc cái nghề của nó ra kia. Nhưng mình nghĩ câu đối chứ đâu có phải viết quảng cáo thuê cho nó. Bọn ngu đua nhau học làm sang. Ðịnh trả lại tiền cho nó, nhưng nhà tôi đã trót sắm Tết hết rồi. Biết thế nào cũng được anh mừng tuổi, nên tôi hẹn nó chiều nay. Nghe xong câu chuyện của bạn, ông thợ vẽ bực mình bảo:

 

   - Chiều nay nó tới anh cho gọi tôi nhé.

 

   Ðúng hẹn gã đồ tể mò đến với bộ mặt đỏ gay, hắn nói như quát:

 

   - Ông đồ gàn, ông đã đủ tiền trả tôi chưa?

 

   Ông thợ vẽ đứng phắt dậy và ra hiệu cho anh con nuôi.

 

   - Thưa ông hàng thịt chúng tôi đang đợi ông đây.

 

   Nói rồi ông giơ hai câu đối lên, một viết bằng chữ quốc ngữ, một viết bằng chữ Hán rất đẹp, khiến ông đồ cũng phải ngạc nhiên. Ông chỉ vào chữ thịt xương gan ruột trong câu đối viết bằng chữ quốc ngữ, hỏi:

 

   - Trông đây có thịt, xương, gan, ruột chưa?

 

   Gã hàng thịt trông nét mặt giận giữ của ông và anh con trai lực lưỡng đang đứng bên cạnh, đã thấy chột dạ. Gã chưa kịp mở miệng thì ông thợ vẽ lại chỉ vào đôi câu đối chữ hán viết bằng mực nho trên giấy hồng điều, đẹp như bức tranh  nhị bình, hỏi:

 

   - Anh bảo chữ này xấu hay đẹp?

 

   - Dạ, đẹp lắm ạ.

 

   - Thế đôi câu đối kia đâu? Mang đây tôi đổi cho.

 

   Ông thợ vẽ dằn từng tiếng:

 

   - Nói đi, anh để đôi câu đối của bạn ta đâu?

 

   Gã hàng thịt run như cầy sấy.

 

   - Dạ, cháu treo ở nhà.

 

   - Sao còn đòi tiền người ta. Nhất tự nhất lệ đấy, anh  tưởng... đồng bạc của anh to lắm à. Hãy xéo đi cho khuất mắt, không thằng con trai tôi nó mở hàng cho anh một chiêu bây giờ.

 

   Gã hàng thịt lủi thủi biến mất.

 

   Hàng chục cái tết qua đi nhuộm trắng đầu đôi bạn. Ông thợ vẽ sống cô đơn không gia đình nên gầy yếu lại mắc bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y. Mải mê với những bức vẽ đến quá sức bệnh tình ông ngày một nặng. Dường như ông muốn để lại một cái gì nên cố vắt hết tàn lực ra để vẽ để viết, ông sợ mình sẽ mang đi những cái quý báu còn ẩn chứa trong đầu. Ông đồ qua lại chăm sóc thuốc thang cho bạn thường xuyên. Dần dần bệnh tình có thuyên giảm chút ít. Hăm ba tháng chạp năm đó, ông thợ vẽ cho mời bạn đến uống chén rượu mừng. Ông đồ nắm lấy bàn tay của bạn lắng nghe những lời tâm sự.

 

   - Ông bạn già của tôi đã đến đây rồi, mừng quá.

 

    Hai tay run run ông thợ vẽ nâng chén rượu.

 

   - Anh Từ Tiên ơi! Năm nay Tết đến sớm, đã qua ngày lập xuân rồi. Tôi mừng tuổi anh trước nhưng không phải bằng tiền đâu. Anh thử đoán xem tôi định mở hàng cho anh thứ gì nào.

 

   - Tôi chịu.

 

   Ông Từ Tiên lắc đầu.

 

   - Tôi có cái này mở hàng cho anh đây. Anh hãy nhận lấy bản khắc in tranh và cả những bức đại tự tôi viết. Ông nói và chỉ vào đống đồ nghề, giấy tờ ngổn ngang trên bàn. Ông đồ ứa nước mắt nhìn bạn rồi lại nhìn những chữ đại tự như rồng bay phượng múa. Bấy giờ ông mới nhận ra rằng chữ của bạn ông còn đẹp hơn chữ của ông nhiều. Lâu nay sao anh ấy lại không viết câu đối bán tết. Vì mình chăng? Ông đồ băn khoăn.

 

   - Thuận Thành, anh nói thật đi, anh là ai vậy?

 

   - Tôi ư? Chả giấu anh làm gì nữa, tôi là con cụ Nghè Bắc, thầy học của anh ngày xưa. Tôi đã đỗ đầu xứ nhưng đi lang bạt làm nghề dạy trẻ và viết thuê kiếm sống. Khi đến phố này biết anh cũng làm cái nghề ấy mà lại đông các cháu nên tôi chuyển sang nghề khác.

 

   Ông đồ Từ Tiên lặng đi hồi lâu, hai tay ôm lấy thân thể gày còm của bạn, nước mắt chảy ròng ròng. Họa sĩ Thuận Thành dùng hết nhãn lực nhìn bạn cái nhìn kỳ lạ. Từ đôi mắt hai giọt nước long lanh lăn xuống gò má hốc hác.

 

   Mới sáng mồng một Tết, không hiểu vì sao ông Từ Tiên cứ nóng ruột không yên. Ông lo sợ có điều gì đang đến. Linh tính mách bảo. Ðúng rồi, cái nhìn nói lời vĩnh biệt, không đợi đến sáng mồng hai, ông lật đật chuẩn bị khăn áo và nói với vợ:

 

   - Mình ơi, tôi sang chúc Tết bác Thuận Thành, trưa mới về.

 

   Vợ ông ngạc nhiên nhìn chồng không biết nói sao. Ông đến nhà bạn thì đã cửa đóng then cài. Ðôi mắt lặng im nhìn những cánh mai gày yếu rơi lả tả trước thềm. Tết những năm sau đó ông đồ không được mở hàng mừng tuổi, nhưng ông có còn khó khăn như trước nữa đâu. Những chữ của bạn để lại đã giúp ông viết đẹp hơn hay hơn, nên câu đối Tết của ông viết ra bán rất chạy. Ngoài ra ông còn có nghề vẽ tranh in tranh nên cũng sống được. Sáng mồng hai tết hằng năm ông vẫn ra khỏi nhà cho đến đúng ngọ mới về.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.