chan_dung-ke_si

CÂU CHUYỆN MỘT CHIỀU THỨ BẢY - Truyện ngắn Trần Thanh Giao

29-01-2023

Lượt xem 2182

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

CÂU CHUYỆN MỘT CHIỀU THỨ BẢY - Truyện ngắn Trần Thanh Giao

 Trần Thanh Giao

 

   Một chiều thứ bảy, bọn chúng tôi dắt nhau ra bờ sông Hồng chơi. Bấy giờ đã là cuối mùa thu rồi. Nước sông rút xuống và lặng lẽ trôi xuôi, cuốn theo vô số phù sa mầu gạch non đùng đục. Chúng tôi trèo lên một đống gỗ ngồi nhìn xuống lòng sông. Chẳng bao lâu mà mặt trời tắt hẳn. Trăng mồng mười treo trên cao. Gió lạnh làm sông Hồng nhăn mặt. Thỉnh thoảng mấy gợn sóng con con sáng lên, lấp lánh như những lưỡi búa vàng.

 

   Cảnh sông thật đẹp nên chuyện cứ nở như gạo rang. Chúng tôi đi từ chuyện cá mè, tép bạc sang chuyện rươi đúc trứng, chuyện tôm tả-pi-lù... Mỗi người mỗi miền đều tranh nhau nói. "Danh cua" với giọng Nam Bộ hòa hợp giọng bắc, đang sôi nổi tán về món sò huyết nướng than hồng, bỏ vào một tý muối tiêu. Danh ngồi chồm chỗm trên khúc gỗ, tay giả vờ vắt một múi chanh vào con sò huyết tưởng tượng, đưa lên miệng húp một cái rồi trệu trạo nuốt làm cả bọn chúng tôi đứa nào cũng phải nuốt nước bọt theo một cách ngon lành.

 

   Từ chuyện sò, chúng tôi bắt sang chuyện ngao, chuyện hến... Danh chợt quay sang một anh bạn miền bắc:

 

   - Ngao à? Trong nam gọi ngao là vọp. Có một lần mình ăn vọp. Năm ấy cách đây vừa đúng bảy năm...

 

   Danh bỗng trầm hẳn xuống rè rè như đang có vật gì mắc ở cổ họng:

 

   - Bảy năm qua rồi mà mình không sao quên được...

 

   Tôi bảo thầm trong bụng: Lại sắp có chuyện đây. Nhìn nét mặt Danh đang thừ ra nghĩ ngợi, nhìn đôi mắt Danh đang mơ màng trông xa xa, tôi đoán có lẽ là một chuyện tình. Các anh em khác chẳng ai bảo ai mà cũng đều ngồi yên chờ đợi. Một lúc, sốt ruột quá, tôi giục:

 

   - Kể đi! Kể chuyện ăn vọp đi!

 

   Danh "ừ" một tiếng, cho tay vào túi áo ngoài, moi moi  khoắng khoắng cả hai bên chẳng biết là tìm bao thuốc hay là lục lại vật gì cũ kỹ. Tôi vội đưa cho anh chàng điếu thuốc và đánh diêm. Danh hít một hơi ngon lành, thở khói ra dày đặc, rồi lấy tay khoát nhè nhẹ như đang vén lên một bức màn:

 

   "Câu chuyện này cũng bắt đầu bằng một chiều thứ bảy cuối thu. Lúc ấy cả phân xưởng mình đang đổ dồn vào một công việc đột xuất là đúc lựu đạn. Anh em thay phiên làm quần quật suốt ngày đêm không nghỉ để cho kịp chiến dịch. Trong hoàn cảnh ấy, lại hết củi để nấu cơm, làm bếp. Kể thì cũng nhỏ mọn thôi. Nhưng nguyên tắc bảo mật tuyệt đối cấm kiếm củi ở vùng gần xưởng. Bọn này thường phải đi xuống Vàm Ðầm, xa vài mươi cây số. Sau một bữa cơm nửa sống nửa chín-mà có anh mặt nhăn như bị, cô Miên, cấp dưỡng của bọn này, mới quyết định tự mình đi lấy củi. Ðó là một việc nặng. Mà để cho cô đi xa thì bọn này cũng không yên tâm. Ðịnh cắt một người cùng đi với cô. Nhưng anh em không ai rứt việc ra được. Miên xin cho mình đi theo. Mọi người quay lại nhìn mình. Hồi ấy mình vừa rời ghế nhà trường đi xuống miền tây kháng chiến, công việc trong xưởng cũng mới biết ti toe nên rỗi hơn anh em, hôm sau chủ nhật mình lại được nghỉ, nhưng mà công tác lao động có thể nói là mình dốt đặc cán mai. Tuy vậy, không thể để anh em chờ lâu, mình "xung phong" đi ngay với cô Miên. Xung phong thì cũng có nhiều lý do. Trước tiên nghĩ rằng "cả làng" người ta đang làm cật lực chẳng lẽ mình cứ "cà nhổng chống xâm lăng", "phất phơ làm cách mạng". Hai là thường ngày mình cứ nói vanh vách nào là yêu nước, nào là chủ nghĩa xã hội, nói chuyện Liên-xô kiến thiết cái này, xây dựng cái kia mà bây giờ không đi thì mang tiếng lý thuyết suông, để người ta chê mình là "lạc hậu" thì còn gì giá trị con người của  mình nữa. Ba là một mình đi vào rừng với cô Miên thì cũng hay hay. Các cậu cười à? Cái đồ quỷ, cứ nghĩ tầm bậy! Hay, hay là thế này: Lúc bấy  giờ mình nghĩ ngay đến cảnh rừng cây mọc vút cao, ánh nắng xuyên qua kẽ lá như rẻ quạt, sóc trên cành nhảy lon ton, có một đôi thanh niên nam nữ vừa đẵn gỗ vừa hát... ấy đại loại hay hay là như thế vậy."

 

   Trong bọn tôi, bật ra những tiếng cười thú vị y như khi xem xiếc thấy anh chàng đi dây rất "chúa" mà lại giả vờ trượt ngã. Thật vậy, "Danh cua" thì ghê lắm! Ông ấy việc gì cũng sành và là tay tiện cừ nhất bọn trẻ trong kíp và cả trong xưởng chúng tôi. Nếu ai mới đi lao động công trường mà thấy Danh cứ xắn hai nhát mai một hòn đất và dạy rạch ròi cho anh em đổ nền, bện sọt thì lại tưởng Danh là nông dân chính cống. Danh năm nay chưa đầy ba mươi tuổi, nghĩa là "còn xoan", người tầm thước, đầu cắt "cua" nên được gọi là "Danh cua". Mà Danh là "cua" cũng vì có đôi tay chắc nịch, sờ vào rắn như sờ phải chiếc kìm càng cua. Ðặc biệt Danh cua "kẹp" đến mức "trời gầm không nhả" những anh chàng nào xem lợi riêng bằng cái hũ còn lợi chung  chỉ bằng  cái khu tô. Thế mà nay lại nghe Danh nói toàn giọng "đâm hơi" như vậy thì ai mà không cười cho được. Nhưng sau này ngẫm nghĩ cái điều trái ngược ấy chúng tôi mới dần dần hiểu ra tại sao Danh lại tốt và hết lòng lo cho anh em như bây giờ. Ðó cũng là cái đầu mối chính của câu chuyện mà Danh kể tiếp sau đây:

 

   "Thế là sau khi cơm nước, cụ bị xong xuôi, mình và Miên xuống một chiếc tam bản xuất hành đúng vào chiều thứ bảy. Ði loanh quanh mấy con rạch bảo mật, bọn mình trổ ra sông to. Bắt đầu chèo. Mình ở phía sau, Miên đứng trước mũi. Theo nhịp đều đều, hai đứa thong thả chèo đi. Con thuyền chồm chồm, lướt nhẹ trên dòng nước. Mặt trời đã khuất. Gió sông lên. Sóng lưỡi búa đánh lách chách vào mạn thuyền. Gió thổi tung mái tóc ngắn trên vai Miên. Nói thật, ngày thường mình không chú ý đến Miên lắm. Miên tuy có một nước da mịn và trắng, người đầy đặn, nhưng lúc đầu mình trông có phần cục mịch. Vả lại lúc ấy mình cho rằng Miên suốt ngày chỉ hũ mắm, tép hành, hết nấu cháo cho bệnh thì lại đi bổ củi, khó thông cảm. Nhưng ở xưởng, nhiều anh chàng chết mệt với cô gái mười tám tuổi ấy, có đôi mắt mí lót và cái mồm luôn luôn cười cởi mở. Người ta khen Miên làm việc chí tình, khen Miên đẹp, nhất là khen đôi chân. Có người bảo đôi chân ấy mà cho đi múa thì phải biết. Mình thì cho Miên không đẹp. Nhưng tài làm việc và đôi chân của Miên thì mình cũng chịu, không tìm được chỗ nào để mà chê. Quả thật vậy. Gió chiều trên sông thổi ngược. Vạt áo và ống quần bà ba đen dán chặt vào chân Miên bay lật phật... Miên chèo, chân trái bước tới một tí, rồi chân phải nhẹ nhàng đá lên phía trước, thân người nghiêng chênh chếch. Ðôi chân đẹp uyển chuyển cứ như nhảy múa trên sạp thuyền. Máy chèo quạt nước xoáy tròn trôn ốc trôi về phía sau.

 

   Lần đầu tiên mình buột miệng khen lên một tiếng:

 

   - Chị Miên chèo chân đẹp quá!

 

   Miên hất mái tóc về đằng sau, quay lại mỉm cười. Mình thấy đôi mắt Miên sáng lên và đôi gò má ửng hồng:

 

   - Dữ ác! Anh đến đây năm tháng rồi mới thấy anh nói nghe được!

 

   Rồi lại thêm một câu như đã có ý định từ trước:

 

   - Mai vào rừng bắt vọp nướng ăn. Ngọt lắm! Dưới này vọp thật nhiều.

 

   Các cậu hiểu câu ấy thế nào? Mình thì khi đó cảm thấy trong lòng là lạ: Miên chú ý đến mình từ lâu. Ðúng đấy chứ không phải chủ quan đâu. Chẳng biết sao mà mình lại huýt sáo vang lên và chèo thật mạnh.

 

   Chúng mình tới Vàm Ðầm hơi khuya. Trăng đã xế xuống sát ngọn đước bên kia sông. Buộc thuyền lại chắc chắn hai đứa lên một trạm gác bỏ trống, trải chiếu ngủ dưới đất. Ðêm ấy mình suy nghĩ nhiều. Có lúc ngồi dậy nhìn dòng sông. Chung quanh toàn là rừng heo hút. Nhưng nói thật với các cậu là ma không dám đến...".

 

   Danh cười một tiếng nhỏ, vất tàn thuốc lá ra xa. Ðám lửa bay vút đi như ma trơi, loé lên rồi rơi ngay xuống.

 

   "Sáng hôm sau, Miên đánh thức mình dậy trước khi có ánh nắng mặt trời. Miên đem cơm nước xuống thuyền rồi đứng lái. Chèo một quãng, chúng mình bỏ sông to và bắt đầu đi vào rừng. Miên đưa thuyền sâu vào những rạch nhỏ, vào các ngả con, quanh qua quẹo lại mà không do dự một tý nào. Có lẽ Miên thuộc lòng vùng ấy. Ðến một nơi hơi quang. Miên hạ lệnh dừng lại và sửa soạn để lên rừng. Mình định bỏ quần dài ra vì nghĩ rằng lao động thì phải quần đùi, áo cộc cho ra vẻ "con nhà" chứ. Miên đoán được, cúi mặt xuống cười to:

 

   - Bận vô! Bận vô đi ông ơi! Lên kia ô rô nó quào rách chân hết bây giờ.

 

   Rồi Miên đến gần lấy chiếc khăn rằn đội lên đầu mình, hai chéo khăn quấn tròn chung quanh cổ thật chặt chỉ chừa ra đôi mắt và một phần mặt thôi. Miên lôi dưới khoang ra hai chiếc búa mài kỹ, lưỡi sáng loáng. Mình cầm búa lên. Nghĩ buồn cười quá. Y như Ðông-ki-sốt nai nịt lên đường đi chinh chiến vậy!

 

   Cuộc tấn công vào củi bắt đầu. Miên bước lên bờ đi hăm hở, vừa đi vừa phạt những nhánh con, những dây leo để dọn đường. Mình bỏ thuyền bước theo. Nói ra các cậu đừng cười chứ lần đầu tiên đặt chân xuống bãi sình của  rừng U-Minh sao mà mình rợn người đến thế! Một cảm giác lành lạnh, kinh kinh từ gót chân chạy lên đầu sởn gai ốc. Giống như bước xuống một ao bùn nhớp nhúa vậy. Mà còn gay hơn nữa kia. Vì đầy đất và lá gai, cành nhọn, sắc như những mũi dao con. Mỗi bước đi, chân lún xuống, lá mục kêu xèo xèo, mùi hôi xông lên khó chịu, ghê ghê như giẫm vào đống phân đã lên men. Mình phải từ từ chọn chỗ đặt chân, khi bước lên một khúc gỗ mục, khi trèo từ rễ đước này sang rễ đước khác. Có lúc hụt chân xiêu bên nọ, vẹo bên kia... Miên đã bỏ mình một quãng khá xa. Mình có cảm giác của một đứa trẻ sợ lạc đường:

 

   - Chị Miên ơi! Ðợi tôi với!

 

   Miên dừng lại. Chờ hồi lâu, mình chưa đến kịp. Miên cau mày:

 

   - Mau lên! Trưa rồi! Làm gì mà cóm róm như bà già đi âm phủ vậy!

 

   Lần đầu tiên Miên gắt với mình, và mình thấy tự ái. Theo con đường Miên đã phát quang, mình bước bạt mạng. Kể ra Miên nói cũng phải. Ði như thế vừa nhanh vừa vững, lại vừa oai. Mà cũng chẳng mất một tý thịt nào cả. Chỉ có mất cái bộ điệu cóm róm thôi. Mình theo kịp Miên ngay và cũng vung búa phạt cây ra tuồng. Lưỡi búa theo nhịp tay đưa, sáng loang loáng.

 

   Ðã đến chỗ hái củi được, Miên dặn mình lấy cây khô với cây dốt dốt thôi, đừng chặt cây tươi, người ta cấm. Mình nhìn vòng quanh. Nơi đây là một rừng đước con. Cây mọc chi chít, chỗ dày chỗ thưa loạn xạ, có nơi cách nhau hàng mấy chục thước, có nơi chen người không qua lọt. Ðước còn nhỏ, đều đều một loạt bằng cổ tay. Thân cây thẳng tắp, cao chừng bốn năm thước. Trên ngọn là vài cành nhỏ mầu xám đỏ, đeo mấy cái lá xanh. Gốc sát đất chỉ bằng ngón tay cái, nhưng lên trên vài mươi phân lại có năm, sáu rễ phụ ăn vòng ra, cắm xuống đất, mường tượng như những chiếc răng nơm. Lá mục, cành khô, ô rô, cóc kèn... giăng đầy mặt đất. Thỉnh thoảng nhú lên những mầm non đen đen, như lưỡi mèo, hay trên các cảnh đung đưa vài quả cám bằng nắm tay mốc mốc. Ngước mắt trông lên, sương mù trùm xuống đầy rừng. Trời xanh chẳng thấy. Chọn một cây khô, mình giơ búa chặt mạnh. Nhưng cây quá dòn, lưỡi búa cắt ngang làm mình mất đà ngã chúi. Cây củi dài và cao gãy làm ba bốn khúc rơi xuống quật vào đầu, vào lưng và cả vào đít mình. Mình thì bực quá nhưng cô Miên thì ôm bụng gục đầu vào cây cười ngặt nghẽo làm rung cả đám lá nhỏ trên cành. Cố nhịn cười, Miên chạy đến giằng lấy búa trong tay mình, cắm phập vào một khúc cây to ngã dưới đất. Rồi cô xoa lưng mình:

 

   - Ðau không? Hái bằng tay thôi. Chừng nào cần mới chặt. Anh coi đây nè.

 

   Miên bước đến một cây đước khô gần đấy. Ðôi chân Miên hơi dạng ra, lấy thế đứng. Tay phải Miên nắm chặt thân cây, chỗ gần gốc. Miên giật gọn một cái, cây củi gãy đánh rắc. Lừa theo đà rơi của cây, Miên đặt nó vào một chỗ đất trống cho thuận đường vác xuống bờ sông. Ðôi chân Miên thoăn thoắt bước sang phải bước sang trái... Ðước gẫy răng rắc, lần lượt nằm chồng chất lên nhau. Mình nhìn theo bước Miên đi. Kể thì cô cũng giỏi đấy, luôn tay luôn chân không nghỉ. Một lát, Miên quay lại:

 

   - Coi kìa! Làm đi chớ! Sao lại đứng từ bi chi phật vậy?

 

   Mình mắc cỡ, vội bắt tay làm như Miên. Lúc đầu cũng hăng, bẻ được vài chục cây. Nhưng mình cứ hay nhìn lên, tìm tìm kiếm kiếm. Cây bé không muốn hái vì nghĩ rằng chẳng bõ công. Cây to lại cứng, giật không quen nó không gẫy. Phải lấy búa chặt. Chặt xong kéo xuống đất lại khó vì cành nhiều, chằng bên nọ níu bên kia. Có khi cây tươi trụi lá lại tưởng cây khô, sấn tới đẩy, nó quật trở về cho bật ngửa một cái nên thân! Càng làm càng thấy khó, mất tinh thần. Không khí trong rừng âm u, mùi hôi hám khó chịu. Thỉnh thoảng mình lại dừng, uốn éo vài cái cho giãn gân, không muốn cất tay nhấc chân lên nữa... Nào đâu ánh mặt trời soi như rẻ quạt? Nào đâu sóc nhảy lon ton? Chỉ có ba con mòng vo ve bay quanh, lâu lâu lại chích cho một cái nhảy nhổm! Còn muỗi đen thì thôi khỏi nói! Khắp mình râm ran, ngứa ngáy. Chỗ da mặt để hở sờ lên đã thấy mấy cục mận to. Mình cứ trông hết buổi cho xong, nghĩ rằng làm nhiều làm ít cũng là hai đứa, về nhà ai biết đấy là đâu bị tra khảo gì mà sợ.

 

   Làm được khá lâu bỗng có tiếng Miên hú lên gọi mình xa xa. Mình đáp lại. Lát sau đã thấy bóng Miên, Miên cởi khăn rằn cầm tay làm quạt. Mấy sợi tóc mềm dán chặt trên trán mướt mồ hôi. Miên vừa lau cổ vừa tươi cười hỏi:

 

   - Mệt chưa? Ðược bao nhiêu rồi?

 

   Mình đưa mắt nhìn đống củi:

 

   - Nội chỗ đó.

 

   Miên sa sầm mặt xuống, nói như dằn vặt:

 

   - Thiệt à? Anh làm gì nãy giờ? Có ngủ gục không?

 

   Mình tự ái quá, cự ngay:

 

   - Tôi chưa biết làm, làm ít. Ðừng có lên giọng thầy đời mà chửi khéo tôi.

 

   Miên đỏ mặt lên, môi run run, mắt phát ra những tia giận dữ:

 

   - Chửi anh thì tôi no béo gì? Sợ anh em ở nhà phải ăn cơm sống thêm một bữa nữa chớ!

 

   Rồi Miên quay phắt người, quấn khăn lên đầu, thắt thật chặt và bước đi chẳng thèm ngó lại. Mình giận run lên. Giận đến tức thở. Con gái gì ăn nói như dùi đục chấm mắm!

 

   Dùi đục thật! Nhưng mà là đục vào xương sống của mình! Cho nên sau đó mình phát lên làm bán sống bán chết. Mình hái củi rốp rốp. Cả đến những cây lúc nãy phải chặt bằng búa, lúc này bẻ một cái cũng gãy lọi. Mình quyết tâm làm cho thật nhiều để "xài" lại cô một phen chơi. Chuyện đời! Khi ý mình đã quyết thì khó cũng thành dễ. Tay chân quen dần, nhanh nhẹn thêm. Mắt tinh hơn. óc sáng ra. Từ cây nọ sang cây kia, từ chỗ đặt ôm củi này đến ôm củi khác... mình đều tính toán chi ly; mà chỉ trong nháy mắt. Chuyện ấy Miên làm thế nào bằng mình được.  Bởi vậy chẳng bao lâu mà mình đã có năm đống củi. Mình dừng lại. Miệng như ống bễ thở phò phò. Mồ hôi ra ướt áo. Nhưng trong bụng thì hả lắm. Mình bỏ củi đấy chạy đi tìm Miên.

 

   Nghe có tiếng chặt gỗ, mình mò đến. Miên đang đứng trước một thân vẹt to bằng ba vòng tay, to bằng cây bọn mình đang ngồi đây (Danh vỗ bộp bộp xuống lưng gỗ). ừ, đúng bằng này. Chân trái Miên đứng dưới đất, chân phải đè lên giữ chặt lấy cây cho nó khỏi lăn, hai tay cầm chót cán búa đưa lên cao chặt chếch xuống về bên trái. Mỗi nhát búa giáng vào gỗ lại có một tiếng "hự" kèm theo. Miên đã tháo tung khăn rằn ra. Trên thái dương, một dòng mồ hôi theo tóc mai chảy dài xuống má, đến tận cằm. Mái tóc ngắn cứ rũ xuống lại bị hất lên, không che nổi đôi má đỏ hây hây và bộ ngực căng đầy sức sống. Lưỡi búa sáng bay loang loáng nhịp nhàng. Cây gỗ sợ hãi kêu "cum, cum" vang cả một góc rừng. Nhìn Miên chặt gỗ, bao nhiêu cái giận của mình tan đâu mất. Mình gọi to:

 

   - Miên đứng ra! Ðể đấy!

 

   Mình nhổ nước bọt vào tay, chặt cật lực. Mảnh gỗ vàng phơn phớt liên tiếp văng ra. Miên chống búa quệt mồ hôi trán đứng nhìn mình và cô cười. à! Thế mới được chứ! Cô phục lăn chứ không à?

 

   Miên bảo với mình là cây gỗ ấy có người đã đốn xuống nhưng không vác nổi nên bỏ đấy. Ðịnh chặt lấy một khúc dài độ ba thước mang về, chụm đượm và lợi hơn củi nhỏ gấp mấy lần.

 

   Và Miên liếc nhìn mình, mỉm cười nói đùa:

 

   - Lát nữa phải "hợp tác xã" lại mới khiêng nổi...

 

 

*    *    *

 

    Dứt xong đoạn gỗ thì mặt trời cũng gần đứng đầu, bọn mình trở về thuyền vì đã thấy đói. Bữa ăn thật là ngon: cơm nếp còn nóng với mắm lóc chưng, có hành, tiêu và tóp mỡ. Cơm xong, Miên rửa mặt chải đầu. Còn mình cứ nằm khoanh trên sạp thuyền mà hút thuốc lá. Nhìn lên, sương mù đã tan từ bao giờ. ánh nắng trưa ấm áp xuyên qua kẽ lá, cành cây, chiếu vào những quả vẹt đung đưa, mầu xanh loang loáng. Rễ đước dài nâu xám, to bằng ngón chân từng khúc nối nhau rủ xuống đầy mặt nước soi những chiếc đầu tròn. Con lạch mầu đỏ đục, cuồn cuộn phù sa. Thỉnh thoảng từ trên rừng một khe nước trong reo reo chảy xuống. Cá thòi lòi giương kỳ, giương mắt chạy xèn xẹt trên mặt nước như đánh thia lia. Quanh bộp dừa, ốc len bám đầy, quơ râu xanh xanh đỏ đỏ. Loáng loáng có vài con vọp lớn nằm phơi trên bãi chiếc vỏ mốc đen. Gió rung lá đước lào xào. Bọn mình cắm thuyền dưới bóng cây. ánh nắng vẽ trên áo bà ba của Miên những hoa vàng lốm đốm. Nói tóm lại với các cậu là "cảnh vật rất hữu tình".

 

   Miên cảm hứng hò khe khẽ như cho mỗi mình mình nghe:

 

Vắng cơm năm bảy bữa anh không phiền

Vắng em một bữa anh đau liền tương tư

Tương tư đắp chiếu, trùm mền,

Mua con tép bạc nấu canh rau đền anh ăn

 thubay

    Các cậu biết không! Khi mình nghe Miên hò câu ấy thì có thể gọi là "chết được". Giọng Miên trong trẻo và tình tứ, nhẹ nhàng ngân vang trong lặng lẽ của rừng trưa. Mình cứ muốn nằm mãi trên thuyền mà nghe Miên hát. Khỏi cần dài dòng, chắc các cậu cũng rõ tình cảm của mình lúc ấy...

 

   Chải đầu xong, Miên quay sang:

 

   - Anh ngó ra trước đi. Tôi rửa chân một chút.

 

   Mình bảo "được rồi!" và lấy nón lá úp lên mặt, cố nhắm mắt lại ngủ... Nhưng trời xui khiến một luồng gió thổi tới tốc nón rơi xuống sông rơi về phía sau. Mình nhổm dậy và thấy Miên đang duỗi chân phải ra với lấy nón. Cả đôi chân trắng nõn, nổi bật trên dòng nước hồng hồng..."

 

   Kể đến đây Danh đột nhiên dừng lại hấp tấp xin thuốc lá. Một đứa trong bọn tôi vội vàng móc túi nhái đưa cho. Tay Danh run run quấn rất lâu không được một điếu. Tôi lấy làm lạ và đem hết sức mình tưởng tượng xem đôi chân trần ấy đẹp đến mức nào. Ðẹp vì đường nét hay đẹp về mầu da mà đã bảy năm nay rồi còn làm cho "Danh cua" của chúng tôi xúc động đến như thế được. Tôi đang phân vân thì Danh đã châm xong thuốc lá và  tiếp tục câu chuyện:

 

   "Sau đấy mình ngủ quên một lúc. Nghe động thuyền và có tiếng gì lộp cộp rơi xuống  khoang, mình tỉnh giấc. Hóa ra là một đống vọp. Miên cất nón lá rồi gọi mình đi vác củi xuống thuyền. Thú  thật, lúc đó mình buồn ngủ sật sừ, hết muốn ngồi dậy. Tay và nhất là bả vai đau ê ẩm. Những chỗ gai quào ở chân thấm rát. Ðôi chân nặng trình trịch như đeo đá, khó bề nhấc lên. Mình có cảm giác như tất cả máu trong người đều dồn hết xuống hai chân vậy. Miên nhìn mình có vẻ ái ngại:

 

   - Ði đi anh. Vác hết củi rồi về chớ nằm đây hoài sao?

 

   Mình nhớ lại "kinh nghiệm" ban sáng nên cố gắng mở mắt ra. Cứ kể sau khi làm mệt, được ăn no, ngủ một tý, thì cũng thích nằm đấy. Nhưng nghe Miên nói, mình nhớ lại mục đích cuối cùng của hai đứa là kiếm củi về cho anh em chứ có phải đi rừng chơi đâu, nên mình ngồi dậy bước lên bờ theo Miên.

 

   Có lẽ mình ngủ cũng lâu vì Miên đã rút dây cóc kèn bó chặt hết các ôm củi. Mình khom người xuống, vác bó đầu tiên lên vai và theo đường trở lại bờ sông. Nói ra thì xấu hổ chứ quả là lúc ấy sợ thật. Mình nghĩ rằng cứ cho bẻ đước một ngày cũng không sợ bằng vác vài ba chuyến! Ðường xuống bến gần nhất là năm trăm thước.

 

   Bó củi đè nặng vai đau buốt. Mỗi bước đi, chân lún sâu xuống sình rút lên thật khó, cứ ngã tó ngã xiêu. Khổ một nỗi nữa là bó củi dài, đường thì hẹp lại cong cong quẹo quẹo, vì cây rừng nó có mọc ngay hàng cho mình đi đâu. Bởi vậy cứ xoay bên này mắc cây, quay bên kia vướng rễ, lướng ca lướng cướng mãi. Ðau vai quá mình dựng ôm củi lên rồi đưa lưng vào cõng. Nhưng đi như thế thì đầu lại cúi xuống không trông thấy đường, có khi đâm sầm vào cây dội ngược. Vì vậy cứ đi chừng mười thước mình lại đặt xuống nghỉ. Gần đến bến, thấy Miên đã có hai đống củi rồi. Miên gọi to, nửa như khuyến khích nửa như chê trách:

 

   - Cắn răng lại! Nín thở đi một hơi mới được nhiều! Cứ nhứt bộ nhứt bái thì tới tối cũng chưa xong đâu!

 

   Mình đến nơi, hất củi xuống một cái "bịch" thở phào. Nếu có gương mà soi thì chắc mặt mũi bèo nhèo như con mèo ướt. Miên bụm miệng không dám cười lớn. Mình giận lắm, chẳng thèm nhìn cô, đứng lật áo xem vai. Nó đã đỏ ửng. Miên đến gần đặt tay lên vai mình. Cô chu mỏ lại giả vờ xuýt xoa:

 

   - Ui cha! Tội nghiệp quá! Da giấy!

 

   Rồi Miên bật cười khanh khách. Mình giận cành hông, quày quả bỏ đi lên. Miên đã kéo tay mình lại.

 

   - Khoan đã! Ði khiêng khúc vẹt đi. Không chút nữa mệt, khiêng không nổi.

 

   Mình không thèm trả lời cứ đi theo Miên. Hai đứa đến bên khúc củi. Miên ghé vai vào phía trước và ngồi chịu cây gỗ cho mình nâng phía sau lên.

 

   Về sau, nhớ lại những khi Miên chịu nặng thay mình ấy, tim mình cứ nhói lên, yêu Miên không biết chừng nào? Nhưng lúc đó mình ngu dại quá, không hiểu được những chuyện bình thường như vậy... Tay phải Miên giữ cây gỗ trên vai, tay trái chống gối đứng dậy. Mình thấy đôi chân Miên run run. Hai đứa bước đi rất khó nhọc. Miên ngoẹo đầu sang một bên, cây gỗ sần sùi áp chặt vào má, cắn vào vai, mỗi bước đi, chân cứ phải xoạc ra loạng choạng. Mà mình thì chậm nên làm trở ngại cho Miên rất nhiều. Có khi Miên bước tới nhưng vì vướng mình nên phải bước lui. Miên nói hổn hển qua hơi thở:

 

   - Nhanh lên! Anh chậm như rùa!

 

   Lúc ấy tại sao đầu óc mình ngu xuẩn đến thế! Miên muốn làm cho chóng xong, đem củi về cho anh em. Còn mình thì muốn làm từ từ "cho khỏe cái thân một chút" nên nghe Miên gắt mình tự ái ghê lắm: "Lúc nào cũng nhanh lên, nhanh lên. Không thèm nhanh! Giỏi thì cứ nhanh đi!"

 

   Tuy thế, cuối cùng hai đứa cũng đến bến. Mình muốn quẳng ngay khúc gỗ xuống cho rồi, nhưng Miên đã biết ý, nói trước:

 

   - Ði luôn! Ðem luôn xuống!

 

   Mình giận quá! "Không cho người ta nghỉ, cứ đi luôn, đi luôn! Bộ cẳng cây sao chớ?"

 

   Lúc đó chân phải của Miên vừa bước xuống thuyền, chân trái còn trên bờ. Chiếc thuyền bị đẩy, lướt sào trôi dạt ra. Miên la lớn như đứt hơi:

 

   - Bước tới! Nhanh lên!

 

   Mình đã quen với tiếng "nhanh lên" của Miên nên cũng không chú ý lắm.

 

   Và một chuyện đã xảy ra như trong mơ: Miên mất đà ngã dúi, cây gỗ từ trên rơi mạnh xuống, dưới là be thuyền ở giữa là chân phải của Miên. Mình chỉ nghe rắc một cái cùng với tiếng kêu:

 

   - Trời ơi! Cái chân em!

 

   Trong ánh nắng chiều, tiếng kêu đau đớn vang lên tận rừng già, vọng tới trời cao, âm thanh ào ào vang đi vọng lại!..."

 

   Giọng Danh lạc hẳn không còn ra tiếng nữa. Tôi liếc nhìn sang, môi Danh mấp máy như một người sắp khóc. Danh tỳ hai cánh tay lên đùi, hai bàn tay vày vò lấy nhau, đầu cúi xuống như một phạm nhân đang nghe kêu án mình trước vành móng ngựa. Tôi rùng mình, khắp người gai ốc nổi lên. Một anh bạn đang mân mê bật lửa tự nhiên gõ thật mạnh vào cây gỗ chúng tôi đang ngồi. Bỗng đột nhiên Danh hỏi:

 

   - Các cậu có bao giờ nỡ nhẫn tâm vô cớ mà vác cây gậy đánh gẫy chân một người vẫn yêu và lo lắng cho các cậu chưa? Lúc nghe Miên kêu lên, mình mang máng có ý nghĩ ấy. Ðúng thế không sai! Sau này mỗi lần ôn lại, lòng mình cứ như có một bầy quạ đang rỉa rói.

 

   Mình nhớ khi đó chiếc thuyền trôi đi, lôi cả Miên theo, mình vội nhảy xuống như người mất hồn, gỡ chân Miên ra, xốc Miên từ dưới nước lên thuyền. Miên bị đau và sặc nước, ngất lịm đi. Mình để Miên tựa vào ngực, giật tóc mai gọi mãi mới tỉnh.

 

   Vừa mở mắt ra, Miên đã nhổm dậy vén quần lên nhìn chân. Giữa ống chân còn hằn sâu đỏ bầm một vết be thuyền, thịt da không nở lại được. Miên dùng hai tay nhấc lên, phía dưới chân cứ oặt oà oặt oại.  Miên giật thót mình, mặt nhăn rúm, mồ hôi và nước rừng đọng lại trên trán lấm tấm, đôi mắt Miên nhìn mình:

 

   - Nó gãy thật rồi anh à!...

 

   Trong câu nói của Miên có cái gì vừa oán trách vừa yêu thương, vừa xót xa, vừa nhẫn nhục. Miên ngoảnh mặt đi, nhìn mấy đống cây trên bờ, chặc lưỡi một cái nghe như xé ruột, xé gan. Mình vuốt tóc Miên an ủi, và định giúp Miên thay quần áo. Miên xua tay:

 

   - Anh lên vác củi đi. Thay một mình được.

 

   Mình không thiết gì củi nữa, đứng dậy ra phía sau nhổ sào chống thuyền đi. Nếu có thể hóa thành ngựa mà chạy được thì mình cũng vui lòng làm ngay để chóng đưa Miên đến nhà.

 

   - Quay lại! Tôi bảo anh xuống củi mà!

 

   Miên hét to quá đến nỗi chiếc sào tụt khỏi tay mình rơi đánh chát trên mặt nước. Mình giật bắn người, cúi nhặt chiếc sào lên. Các cậu ạ, mình đã hiểu Miên rồi và nghĩ rằng phải đem hết củi về dù có gục tại đây cũng được. Mình cắm thuyền thật chặt và nhảy lên bờ, vút đi, vừa vác củi vừa chạy không còn kể gì gai góc nữa.

 

 

*    *    *

 

   Thuyền củi của chúng mình ra đến trạm gác Vàm Ðầm thì mặt trời đã lặn. Miên bắt buộc mình phải đậu lại nấu cơm ăn để lấy sức mà về. Mình không dám cãi đành cõng Miên lên bờ, trải chiếu, lót chăn màn cho Miên nằm, rồi đi nhóm lửa...

 

   Gió đầu đêm thổi lạnh. Trăng mọc đã cao tỏa ánh sáng trên dòng sông, trên ngọn đước. Mình đến, muốn chăm sóc Miên. Nhưng Miên nhất định không cho và bảo đi lấy vọp nướng ăn. Mình làm theo cho Miên vui lòng chứ các cậu nghĩ xem ai còn bụng dạ nào mà ăn uống nữa. Vọp chín, Miên gọi mình đem lại và móc ba lô lấy ra một gói muối tiêu. Miên nhìn mình ăn, mắt ánh lên một niềm vui, và miệng mỉm một nụ cười như sắp khóc:

 

   - Ngọt không anh? Tiếc quá! Em tính xuống củi xong đi hái trái giác, mai về cho các đồng chí ăn canh vọp.

 

   Nghe câu hỏi ấy, con vọp ngọt và nóng chạy ngang cổ mình bỗng tắc lại. Mình như nghẹt thở. Mắt mở trừng trừng nhìn xuống dòng sông. Những sự việc trong ngày lại hiện hết trong đầu óc mình nhanh trong chớp mắt. Nhớ nhất là lúc Miên hét bảo mình quay lại xuống củi. Bây giờ nhiều đêm hễ nhắm mắt thì hình ảnh Miên lúc ấy cứ nổi lên, hằn sâu trong ký ức: Miên nằm nghiêng về một bên, chống thẳng trên cánh tay trái, người dướn cao lên, tay phải nắm chặt lại trỏ về phía trước. Thật chẳng khác gì người chỉ huy dũng cảm bị thương đang giục giã những ai còn bo bo lo cho cái "bổn mạng" của mình, hãy nghe lệnh xông lên đạt mục đích cuối cùng:

 

   - Quay lại! Tôi bảo anh xuống củi mà!!!

 

   Mình nhớ đôi mắt Miên sắc lại, lóe sáng lên. Nó đảo lộn cả tâm trí mình, và cứ ánh mãi, ánh mãi như những gợn sóng lưỡi búa vàng đang lấp lánh trên mặt sông kia vậy..."

 

   Danh ngừng chuyện đằng hắng mấy cái, rồi lấy tay vuốt mớ tóc "cua" không nói nữa. Tôi chẳng có ý định an ủi gì nhưng tự nhiên cứ cầm lấy tay Danh. Tôi mân mê những vết chai cứng cứng giữa lòng bàn tay còn thơm mùi dầu máy như vẫn thường mân mê những chiếc pít-tông sáng loáng đã qua mấy nghìn vòng máy tiện. Danh cứ ngồi lặng im. Cuối cùng không chịu được, tôi phải hỏi:

 

   - Chân Miên sau rồi ra sao?

 

   Danh ngước nhìn lên trời như sợ rơi cái gì trong khóe mắt. Một lúc Danh mới đáp:

 

   - Sau rồi phải cưa đi. Cưa ngang đây.

 

   Danh vén quần lên, bàn tay trái đưa ngang qua ống chân phải, chỗ gần đầu gối:

 

   - Vì hoàn cảnh kháng chiến, thiếu thuốc, thiếu thầy, chạy chữa không khỏi.

 

   Trong bọn tôi, có một tiếng thở dài đau như rứt thịt.

 

   Tôi buột miệng hỏi:

 

   - Thế Miên đã có chồng chưa?

 

   - Có chồng rồi.

 

   - Có con chưa?

 

   - Có con rồi.

 

   Như lúc đầu. Danh lại moi moi lục lục cái túi áo và móc ví chìa cho chúng tôi xem một bức ảnh:

 

   - Vợ mình đây này...

 

   Tôi đánh diêm lên. Giấy ảnh cũ, sờn cả góc, nhưng ánh lửa chập chờn vẫn soi được rõ ràng một người con gái tóc ngắn, miệng cười rất xinh, đang bế một chú bé con bụ bẫm. Bức ảnh không chụp đến chân. Lật phía sau có mấy dòng chữ:

 

   "Anh ra bắc ráng làm. Ðừng quên mẹ con em."

 

   Dưới ký tên Miên và đề tháng 11 năm 1954.

 

   Trả lại Danh tấm ảnh, bọn chúng tôi lặng lẽ ngồi sát vào nhau. Gió cứ dứt dây điện kêu hoài, vi vu, vi vu.

 

   Tận dưới xa kia, dòng sông Hồng vẫn trôi xuôi lấp lánh...

 

1958 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.