chan_dung-ke_si

TIẾNG ĐẬP CÁNH CỦA CHIM THẦN - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

30-10-2023

Lượt xem 1266

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Quang Thiều

TIẾNG ĐẬP CÁNH CỦA CHIM THẦN - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

Chân Dung Kẻ Sĩ: Tiếng đập cánh của chim thần là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Truyện từng được dịch sang tiếng Na Uy, in trong Flerstemt (Đa giọng nói), do Bộ văn hóa và Hội dịch thuật Na Uy xuất bản năm 2003.

Duyên mở cửa sổ nhìn sang nhà Lợi ở phía bên kia hàng rào râm bụt. Lợi chưa về, ngôi nhà vẫn đóng cửa. Bếp không một sợi khói. Trời vẫn mưa sậm sùi. Mưa đã hơn một tuần nay rồi. Nước sông lên cao. Hàng năm cứ vào mùa mưa, con trai làng nghỉ việc để ra sông. Dọc bờ sông làng, họ đóng bè, vó và thả câu. Hàng dàn câu dài, đen bóng, cắm sát mép nước. Những chiếc phao ngô khô nổi bồng bềnh trên mặt sông ngầu đỏ. Họ nhổ những gốc ngô bãi để lấy mồi câu. Những con giun sông mình giáp như vỏ quả đậu tương nằm cuộn tròn trong đám rễ ngô... Mùa nước năm nào Lợi cũng ra sông. Thường đến đêm anh mới trở về. Anh đứng bên kia hàng rào gọi Duyên, và đưa biếu mẹ cô một con cá chép sông lớn nhất trong số cá câu được, những con chép sông mình dài, vảy vàng óng, cứng hơn vẩy chép ao, quẫy bần bật trên taỵ Duyên xách con cá và rối rít:

- Sao anh về muộn thế! Anh sang mà ăn cơm đi kẻo muộn. Mẹ phần cơm anh đấy. Mẹ Ơi! - Duyên vừa chạy vào nhà vừa gọi - Anh Lợi lại cho con cá này. úi giời, quẫy khiếp thế.

Nhà Lợi cách nhà Duyên một khoanh vườn nhỏ. Anh sống độc thân. Lẽ ra thì anh đã trở thành con rể của gia đình Duyên. Chiến tranh đã cướp mất Dịu, chị ruột Duyên. Ngày ấy, trước khi nhập ngũ, hai người đã làm lễ ăn hỏi. Gần một năm sau họ xin phép gia đình làm lễ cưới. Cả hai người bàn với nhau và gia đình về ngày cưới qua những bức thư thời chiến. Trước ngày cưới ít hôm, Dịu băng gần một trăm cây số từ đơn vị về nhà. Nhưng đến đêm trước ngày cưới vẫn không thấy Lợi về. Nhà trai một mặt vẫn cho dựng rạp, mặt khác cho một người trong họ đạp xe đến nơi đơn vị Lợi đóng quân để đón anh. Tới nơi, đơn vị thiết giáp của anh đã chuyển quân đột xuất vào phía nam từ hai ngày trước đó. Khi hai gia đình biết tin đó thì Dịu chạy vào buồng nằm khóc. Duyên lặng lẽ ngồi xuống mép giường quạt cho chị suốt đêm. Sáng hôm sau, Dịu xốc ba-lô trở về đơn vị.

Bốn năm sau, gia đình Duyên nhận được giấy báo tử Dịu. Mẹ Duyên ngất đi nhiều lần, cứ mỗi khi tỉnh lại bà lại gào khóc gọi tên Dịu và Lợi, trên chiếc giường trước kia Duyên ngồi quạt cho Dịu, đêm ấy cô ngồi khóc lặng lẽ và quạt cho mẹ.

Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, Lợi mới trở về. Thoạt đầu người làng không kịp nhận ra anh. Hai bàn tay và mặt anh đầy sẹo bỏng napalm. Mẹ Duyên ôm lấy anh khóc. Lúc ấy anh mới được biết Dịu đã hy sinh. Từ ngày đó anh sống như con của gia đình Duyên, nhất là sau ngày mẹ anh qua đời. Ngày nào không thấy anh sang, bà mẹ lại bắt Duyên đi tìm anh. Những buổi không lên lớp cô thường sang nhà Lợi giúp anh dọn dẹp nhà cửa, cơm nước hay giặt giũ. Thường đêm anh sang nhà Duyên ngồi hút thuốc vặt và nghe mẹ Duyên thủ thỉ đủ thứ chuyện. Cuối cùng thì bà giục anh lấy vợ. Bà kể tên các cô gái nết na trong làng. Những lúc ấy, qua ánh đèn dầu Duyên lại thấy anh mỉm cười, gương mặt méo đi đau khổ đến nỗi Duyên không dám nhìn nữa. Cô lặng lẽ vào buồng mở tập giáo án ra. Nhưng tâm trí cô lại để ở một nơi nào đó mông lung, xa thẳm. Những lúc ấy lòng Duyên trào lên một cảm giác lạ, nửa như nỗi buồn, nửa như lo lắng, hoảng hốt khi nghĩ đến một ngày kia anh đi lấy vợ. Cô cố gạt mình ra khỏi cảm giác ấy. Nhưng mỗi khi gặp Lợi thì ý nghĩ ấy lại ùa đến dằn vặt dai dẳng trong cô mà cô không sao giải thích được.

Duyên khép cửa sổ xuống bếp.

- Anh Lợi chưa về mẹ ạ - Cô nói và ngồi xuống bên mẹ - Suốt ngày câu với kéo, cứ như trẻ con ấy.

- Con lấy cái gì mà mang cơm cho anh - Bà mẹ lo lắng - Hôm qua thấy nó sụt sịt. Mưa gió thế này ốm thì khổ.

Duyên cho cơm và thức ăn vào chiếc hăng-gô cũ đã tróc gần hết sơn. Cô khoác áo mưa ra bến. Trời đã mờ tối. Cuối bãi sông làng thấp thoáng bóng người. Duyên nhìn mãi không nhận ra Lợi, bèn gọi:

- Anh Lợi, anh Lợi...

- Anh đây. Duyên ơi. Chỗ này này.

Duyên theo hướng tiếng gọi tìm đến. Lợi nhoẻn cười nhìn cô, bàn tay anh nhợt nhạt vì nước mưa.

- Em mang cơm cho anh đây. Anh đang mệt mà cứ dầm mưa gió thế này... Thôi anh đi về đi. Em nhổ cần câu nhé.

- ấy đừng. Chiều nay nước về nhiều, sẽ gặp đàn chép cụ đầu nguồn đấy. Chỉ cần hai con cắn câu là đủ.

Lợi nói và cười vang đầy hứng thú, tự tin.

- Thèm vào ăn - Duyên giận dỗi nguýt Lợi - Chả bõ ốm.

Bỗng cô bắt gặp đôi mắt Lợi rực lên. Gương mặt anh nhợt nhạt trong bóng tối dưới vành mũ. Con mắt như đôi môi mấp máy định nói điều gì.

"Lợi ơi! Anh Lợi. Bắt cho em con cào cào này. Nhanh lên, nhanh lên, Lợi... ". Trong ký ức Lợi chợt vang lên tiếng gọi của Dịu bao nhiêu năm về trước. Nghe tiếng gọi, Lợi chạy như băng qua những luống ngô cao ngút đầu. Lá ngô phất vào anh ràn rạt. Giữa bãi ngô rộng ven sông, Lợi ôm ghì Dịu vào lòng. Anh hôn lên trán, lên mắt, lên cổ người yêu. Con cào cào trong tay Dịu thừa cơ bay vù lên. "Ôi, mất rồi!". Dịu kêu lên thảng thốt. Con cào cào xòe đôi cánh mỏng lấp lánh bay lên. Cả hai ngẩn ngơ nhìn theo cho đến khi tiếng những người xã viên bẻ ngô đến gần. Lợi búng vào mũi Dịu rồi biến mất vào bãi ngộ Một lát sau Dịu nghe tiếng anh vang lên ở phía lũ trai gái cùng đội sản xuất.

Bây giờ làng vẫn trồng ngô bãi. Nhưng Dịu thì mãi mãi không trở về. Chiều nay nghe tiếng Duyên, lòng Lợi cứ vang lên tiếng Dịu gọi thuở xưa. Và đâu đây, trong tiếng mưa sông rả rích Lợi như nghe thấy tiếng xòe cánh của hàng trăm con cào cào.

- Ôi, mẹ cẩn thận quá - Lợi như chợt tỉnh, vội vàng mở nắp hăng-gô - Đói quá. Em ăn đi, ăn cùng anh cho vui.

Duyên không trả lời. Cô im lặng nhìn vào mặt sông, nơi có những chiếc phao câu làm bằng cuống hoa ngô khô, mờ trắng bồng bềnh.

Đêm khuya Lợi mới trở về. Duyên đốt lửa cho anh đỡ lạnh. Hơi lửa ấm chia đều cho họ. Cả hai ngồi im lặng. Bóng họ lung linh trên tường, lúc chập vào lúc tách ra. Trong chiếc chậu sành, những con chép sông nằm thở. ánh lửa hắt vào làm mắt chúng long lanh như ngọc.

Lợi tỉnh giấc và ngỡ ngàng nhận ra trời đã sắp tối. Buổi trưa anh thấy người đau ê ẩm. Anh chẳng buồn nấu nướng gì và cứ lăn ra ngủ. Công việc gặt hái đã xong rồi. Anh tự cho phép mình yên tâm ngủ. Lâu lắm rồi anh mới ngủ một giấc ngày dài. Lợi dậy ra sân. Cả sân rơm phơi đã được dọn gọn ghẽ. Trong bếp lửa đã nhóm. Anh biết Duyên đã dọn dẹp và nấu cơm cho mình. Bao nhiêu năm nay rồi, Duyên thường xuyên đỡ đần anh như thế. Anh ra giếng kéo nước vỗ lên mặt. Nước lạnh làm anh nhẹ nhõm lạ thường. Lợi bước vào bếp. Duyên đang ghế cơm trong nồi. Mái tóc dài của cô được búi gọn để lộ tấm lưng thon thả, nói lên sự khéo léo, dịu dàng của cộ Cơm cạn, cô gạt than và khẽ nghiêng người về phía cửa.

- Dịu... ịu...

Lợi hoảng hốt kêu lên. Hoàng hôn thoảng những khoảng tối mờ trên khuôn mặt Duyên. Gương mặt hiền như một lá trầu của cô cứ ảo mờ trước anh. Đó là Dịu, trời ơi, làm sao lại không phải là Dịu. Một cảm giác đau đớn ùa vào anh. Nỗi đau giật khuôn mặt anh méo xệch. Những vết sẹo nóng bỏng như than củi. Không phải bây giờ anh mới cảm nhận thấy điều ấy. Bao nhiêu năm nay rồi, anh luôn giật mình khi chợt nghe thấy tiếng cười của Duyên, khi chợt bắt gặp khuôn mặt Duyên trong khoảng khắc hay khi bóng Duyên thoáng qua hàng rào thưa vào ngõ anh. Anh cứ ngỡ Dịu về. Cảm giác ấy không đến từ từ mà nó lóe lên như một tia chớp rồi để lại cho anh đầy kinh hoàng đau khổ, bao năm nay rồi, cảm giác ấy trong một thoáng đốt nóng những vết sẹo bỏng bom napalm trên cơ thể anh như đến hàng ngàn độ. Điều ấy làm anh sợ bất chợt gặp Duyên, nhưng chính nó lại kéo anh ngày càng gần cô mà anh không cưỡng nổi. ý nghĩ anh đã hàng trăm đêm phải vật vã chống lại trái tim anh. Và một điều làm trĩu nặng, đau khổ là Dịu đang còn sống kia mà sao anh chẳng dám đến. Có những đêm trăng anh tỉnh giấc mở cửa ra ngoài; Anh đến bên thềm giếng. Người anh mê man trong muôn vàn ý nghĩ. Anh nhìn xuống đáy giếng. Một khoảng tròn im lặng, xa vời, thăm thẳm. Đã bao lần anh cảm thấy mình sắp sửa bước qua thềm giếng và cái khoảng lặng im, thăm thẳm xa vời kia sẽ êm ái đón anh về. Nhưng khi chạm tay vào thành giếng mát lạnh thì anh lại dần dần hồi tỉnh. Anh buồn bã nhìn qua khoảng vườn vào nhà Duyên. Anh cảm thấy có ánh đèn chiếu qua khe cửa sổ phòng cộ ánh đèn mơ hồ mà ấm áp kia thổi hơi nóng vào anh. Hơi lửa mỏng manh cứ nóng dần, nóng dần cho đến khi những vết sẹo trên mặt anh bỏng rát.

Duyên vẫn ngồi bên bếp lửa đã cời than nhìn Lợi. Trong bóng tối của gian bếp nhỏ, những hòn than nhấp nháy như một vùng sao ấm áp. Cô nhận ra sự thay đổi kinh hoàng trên gương mặt Lợi. Cô đã nghe thấy tiếng anh gọi tên người chị ruột của mình. Và cô hiểu ra tất cả. Một lát sau cô đứng lên, nói vội vã, nghẹn ngào tưởng như không nói thật nhanh thì cô sẽ òa khóc.

- Em về đây. Anh đợi cơm chín thì ăn cho nóng.

Ra khỏi ngõ nhà Lợi, Duyên đi như chạy. Về đến cửa ngõ nhà mình, cô đứng lại khóc. Tất cả nỗi nhớ thương người chị đã hy sinh ngày tháng thổn thức trong cộ Mỗi lần đi dạy học hay đi đâu về đến cửa ngõ cô cứ thảng thốt. Cô cảm thấy Dịu đang đứng ở đâu đó quanh cô, trên tay cầm cái cặp tóc mới, hay đôi khuyên bằng vàng giả, thưởng cho cộ Tất cả những kỷ niệm ấu thơ về người chị đã thấm vào máu thịt cộ Bây giờ đã trưởng thành, cô nhận cảm được mọi điều. Duy chỉ có một điều cứ dằn vặt, buốt nhói trong cộ Đó là ngày chị cô băng gần 100 cây số về nhà chờ Lợi tổ chức lễ cưới. Rồi Lợi không về. Rồi Dịu xốc ba-lô đi vào mặt trận. Từ đó họ chẳng được gặp nhau một lần. Giá chỉ một lần Dịu được gặp Lợi thì có lẽ bây giờ lòng Duyên đỡ thương đau hơn.

Lợi từ cây ổi còng nhảy xuống đất. Hai tay anh giữ chặt những quả ổi vừa hái. Anh sung sướng đưa những quả ổi cho Duyên. Duyên đưa hai bàn tay đón lấy và kêu lên thích thú như một đứa trẻ:

- Ôi, thích quá!

Nhưng Duyên bỗng im bặt. Cô vội ngẩng lên và thấy khuôn mặt Lợi cúi sát nhìn cộ Hai bàn tay Lợi bóp chặt đôi bàn tay bé bỏng của cộ Cô giật mình nhận ra có một ngọn lửa đang réo cháy và quấn chặt vào đôi bàn tay cộ Cô lại ngẩng lên và nhận thấy đôi mắt Lợi mở to hoang dại và đau khổ:

- Anh - Cô hoảng hốt kêu lên và cố rút đôi bàn tay mình đang giữ những quả ổi găng chín vàng ra khỏi đôi bàn tay Lợi.

- Anh... Anh... yêu em. Lợi nói, mặt anh méo đi. Những vết sẹo trên mặt anh như đang quằn quại. Chợt anh buông tay mình ra thở hổn hển. Duyên lặng người nhìn anh rồi vùng bỏ chạy. Khi cô chạy ra con đường đất đầu ngõ thì gió nổi lên. Duyên cảm thấy rùng mình. Cô đứng lại. Từ phía trước con đường có một người con gái lướt nhẹ nhàng trên mặt đường như một cảnh phim quay chậm và mái tóc như một dải mây dài bồng bềnh trôi theo. Đến trước Duyên, người con gái dừng lại. Mái tóc như một ngọn sóng đập vào bờ tung lên rồi đổ xuống phủ kín gương mặt chị. Chị khẽ khàng đưa tay lên gỡ mái tóc. Một khuôn mặt con gái như một mảnh trăng hiện ra. Duyên kinh hoàng kêu lên: - Trời ơi! Chị Dịu.

Rồi như chợt nhận ra điều gì, cô quỳ xuống. Hai tay vẫn còn giữ nguyên những trái ổi găng chín vàng run rẩy đưa ra trước người con gái:

- Chị, chị Dịu. Đừng giận em - Cô òa lên khóc như một đứa trẻ - Của chi... của chị mà... em... em không... em không... chị Dịu ơi!

- Em tội nghiệp của chị - người con gái vẫn đứng thế, nói - Của em đấy. Của em thật mà. Sao em lại khóc. Chị về mừng cho em... Duyên ơi! Chị mừng lắm.

Duyên nấc lên và đưa hai bàn tay ôm lấy mặt. Những quả ổi rơi xuống đất lăn vào đám cỏ bên đường. Dưới nắng chiều đang tắt, những quả ổi ánh lên như những giọt mật ong.

Đêm ấy, trong giấc ngủ chập chờn, cô nghe văng vẳng bên tai mình tiếng ai gọi:

- Dịu... Dịu... Dịu...

Duyên choàng tỉnh giấc. Cô ngỡ mình mơ ngủ. Nhưng có tiếng gọi thật. Tiếng gọi của một người đàn ông từ phía bên kia bờ rào sau cửa sổ phòng cô, đang gọi chính tên cô:

- Duyên! Duyên!

Duyên nín thở lắng nghe và nhận ra đó là tiếng Lợi. Tiếng gọi thật chứ không phải trong mợ Cô ngồi thu mình trong bóng tối, môi cắn chặt ghìm tiếng khóc. Một lúc lâu sau cô khe khẽ nằm xuống. Nhưng khi vừa chợp mắt, cô nghe thấy tiếng gọi vẳng lên gấp gáp, khổ đau:

- Dịu... Dịu... Dịu ơi!

Cô hốt hoảng choàng dậy và lại nghe rõ tiếng gọi chính tên mình, cô trở dậy thắp đèn và đốt một nén hương đặt lên bàn thờ. ánh đèn tỏa một vầng sáng chập chờn lên tấm ảnh Dịu. Cô đưa hai bàn tay ấp lên ngực, thì thào:

- Chị Ơi! Chắc chị đã nghe thấy tất cả và chị biết được tất cả rồi. Chị tha thứ cho em. Em thương chị và thương anh Lợi quá. Nhưng em không... không đâu mà. Tất cả đã thuộc về chị. Em... Em khổ quá chị Ơi.

Một buổi sáng thức dậy, Duyên nhận thấy trên bậu cửa sổ ai đó đặt một mảnh giấy nhỏ và chèn một hòn sỏi lên trên. Duyên linh cảm thấy một điều gì đó. Cô run run cầm mảnh giấy và đọc:

"Duyên thương yêu!"

"Như vậy em đã hiểu được anh sẽ nói gì em trong lá thư này. Anh chẳng có tội khi nói ra sự thật của lòng anh. Nhưng anh có tội vì suốt đời sẽ làm cho em phải trăn trở vì điều anh nói: Anh yêu em. Như vậy anh có phải là kẻ có tội không? Kể cả lúc bình tĩnh nhất anh cũng không tin câu trả lời của anh là đúng. Điều gì đã dẫn anh đến với em. Đó là Dịu. Lúc nào anh cũng thấy rằng: Mọi điều em đã dành cho anh là do Dịu mách bảo. Anh cần Dịu, một Dịu ở trong em, ngoài ra không có gì giúp anh được nữa. Dịu không chết, mãi mãi không. Nhưng Duyên ơi sự thật thì Dịu đã mất rồi... ".

Duyên không đọc tiếp được lá thư, cô gấp lá thư ẩm vì sương đêm lại và lặng lẽ bước ra khỏi nhà. Duyên theo con đường mọc đầy cỏ đuôi chó đến khu vườn bên kia bờ đầm trước nhà cộ Khi bàn chân cô đặt lên thảm cỏ dầy của khu vườn hoang ấy thì lòng cô bỗng trào lên cảm xúc mãnh liệt. Gai cỏ sắc và mỏng cứa vào bàn chân cô một cảm giác vừa hạnh phúc vừa khổ đau.

Gió thu từ cánh đồng lướt qua mặt đầm còn lác đác hoa súng tím thổi vào khu vườn, cô nghe có tiếng hát ở trên cao và tiếng lá của những cây phù dung già xào xạc như có đôi chim nào đó vừa về. Từ trong ký ức linh thiêng và nức nở của cô lại hiện lên hình ảnh rực rỡ và mỏng như pha lê của Lợi và chị cô.

Thuở ấy, Duyên còn là một cô bé học trò đầy thơ mộng.

Những buổi trưa không ngủ, cô thường trốn bố mẹ cùng mấy đứa bạn hàng xóm bí mật xuống khu vườn. Khu vườn hầu như ít ai đặt chân tới. Cô cùng bạn bè rón rén đi trong khu vườn đầy những tổ chim các loại. Mùa chim làm tổ, lũ trẻ thường lấy trộm những mẩu vải mầu rực rỡ của mẹ và các chị, đặt lên cỏ cho bầy chim tha về làm tổ. Có nhiều buổi chúng nằm trên cỏ thì thầm trò chuyện và ngủ quên đến xế chiều mới tỉnh giấc. Lúc đó bầy chim đi kiếm ăn đang về tổ và khu vườn hoang bắt đầu dâng lên hương giành giành - một loại hoa hay mọc ở bờ đầm, bờ ao, cánh nhỏ, trắng ngà. Hoa giành giành thơm đậm vào xế chiều. Hương giành giành tựa như hương của hoa huệ, nhưng mềm hơn, sâu hơn và thổn thức hơn.

Một buổi trưa lũ trẻ phát hiện có một ổ cỏ khô mịn màng ở góc vườn bên cạnh những bụi hoa giành giành. Chúng thì thầm với nhau về ổ cỏ khô ấy. Cuối cùng tất cả quả quyết rằng đây là tổ của một đôi chim thần. Và thế là chúng nhớ lại có những buổi trưa trời bỗng xanh thẳm, nắng ngọt ngào và đầy hương thơm, không gian có gì đó cứ xào xạc mơ hồ. Những lúc ấy tất cả chợt lắng xuống và lũ trẻ cảm thấy chúng đang trôi trên cỏ. Sau này bọn trẻ cho những phút đó là lúc đôi chim thần bay về khu vườn. Rồi một lần trong lúc lũ trẻ đang ngồi dưới gốc phù dung ăn chua me đất với muối thì chúng nghe thấy có tiếng động. Chúng vội nấp mình sau một bụi gai hồi hộp. Từ phía sau vườn bên kia có tiếng cười khúc khích và Dịu hiện ra. Dịu mặc một chiếc áo hoa đỏ, mái tóc vừa gội xõa kín đôi vai nhỏ. Dịu đi rón rén lại phía ổ cỏ khô và ngồi xuống, mặt ngửa lên trời, đôi mắt nhắm lại như ngủ. Rồi Lợi cũng từ phía ấy bước ra.

Anh đến quỳ xuống trước chị và chờ đợi. Một lúc sau Dịu mở mắt nhìn Lợi và cười. Lợi bò lại gần chị và hôn lên những sợi tóc trên vai chị. Dịu co vai lại và cười khúc khích. Tiếng cười như không phải của chị mà là của thiên nhiên ngân vang và ngọt ngào đến lạ lùng. Lợi từ từ đứng dậy đi lại bụi hoa giành giành. Anh ngắt một vốc hoa rồi vừa đi quanh chị vừa thả từng bông hoa nhỏ, trắng ngà trên người chị. Dịu ngồi im mặt ngửa lên trời, đôi mắt khép lại như ngủ. Những bông hoa lấp lánh rơi như vô tận, như không ngừng.

Đến bây giờ đã mười mấy năm trời rồi. Khu vườn vẫn còn đó dẫu cỏ xơ xác. Bây giờ Duyên đang bước đi nhẹ nhàng về phía góc vườn có ổ cỏ khô thuở trước. Đến góc vườn cô dừng lại như để thở rồi run rẩy đặt lá thư xuống thảm cỏ dày đầy gai. Bỗng cô nghe trên cao có tiếng đập cánh khẽ khàng của bầy chim. Nắng thu đang lấp lánh soi xuống khu vườn như những bông hoa giành giành. Cô nhận thấy cả khu vườn đang dâng lên hương giành giành ngào ngạt. Và quanh cô, những tổ chim cũ xác xơ, phập phồng thở. Cô đứng lặng một hồi lâu. Khi cô vừa quay lại thì nhận ra Lợi đang đứng ở mé vườn bên gốc phù dung già từ khi nào đang nhìn cộ Cô bước lại gần anh. Cô nhìn anh lòng đầy yêu thương và đau khổ.

- Dịu. Lợi run rẩy gọi. Tiếng anh nghẹn đắng.

Tiếng gọi ấy như từ ổ cỏ khô mềm mại góc vườn, từ một căn hầm Trường Sơn triền miên rung trong tiếng bom goặc, từ bãi ngô ven sông mùa thu vọng về. Chưa bao giờ Duyên bình tĩnh như lúc này. Bình tĩnh đến nỗi cô như nhìn thấy những mạch máu nhỏ li ti ở bên trong những vết sẹo bỏng bom napalm trên mặt Lợi đang tung ra như những chùm pháo hoa bảy sắc. Cô nghe bên tai mình một giọng nói ấm áp đang thì thầm: "Em thưa đi Duyên, thưa đi em". Cô từ từ đặt bàn tay mình lên ngực Lợi. Từ lồng ngực bên kia, trái tim Lợi đang đập mạnh rung cả người cộ Bây giờ cô cảm thấy đầy đủ nhất nỗi đau của anh. Cô nhận thấy tình yêu của anh đối với chị cô mãnh liệt đến chừng nào, đến mức nó không cho phép anh được nghĩ rằng chị cô đã chết. Tiếng anh gọi chị trước cô bao lần không phải là tiếng gọi mê sảng. Tiếng gọi ấy là tiếng đập của trái tim để minh chứng cơ thể kia còn tồn tại. Nếu thiếu tiếng gọi ấy nghĩa là anh không còn tồn tại và nếu cô đi khỏi tiếng gọi của anh thì một lần nữa anh sẽ phải chịu đựng nỗi đau mất Dịu đến kinh khủng. Anh sẽ bị ném ra khỏi con thuyền của lòng tin xuống đại dương của sự khổ đau và thất vọng không có bến bờ.

Duyên bước lại gần anh hơn nữa và ngả đầu vào ngực anh. Cô thấy những sợi tóc của cô khe khẽ bay đi và có những sợi tóc óng dài từ rất xa như những sợi mây mỏng bay về cứ dần dần thay vào chảy kín cơ thể cô, cô thấy da thịt cô đang tan dịu dàng, mát rượi và những tế bào mới vô hình từ nắng, từ gió, từ cỏ cây, đất đai đang dâng lên cho cô đầy đặn, ngọc ngà. Và tất cả những khái niệm của cô về chính con người cô của hơn hai chục năm qua cũng đang hối hả đổi thay để cho cô kịp ngước lên nhìn anh mà nói: "Dạ, em đây".

Nói xong, cô kéo ghì anh xuống mà hôn lên gương mặt đầy vết sẹo bỏng bom napalm. Có những giọt mưa chưa có ở mùa nào trên trái đất như những trái cây lạ chín mọng, mát lạnh như thế vỡ tan trên đôi môi cộ Và qua vai anh, Duyên nhìn thấy trên con đường nhỏ đầy cỏ đuôi chó chạy từ nhà cô đến khu vườn hoang, một cô bé Duyên bé bỏng đang đứng đó. Cô bé Duyên ấy mở to đôi mắt sung sướng, tin cậy nhìn cô và nhoẻn miệng cười như mười mấy năm về trước cô nhìn chị cô và Lợi trên ổ cỏ khô mịn màng và quanh họ những cánh hoa giành giành lấp lánh bay.

Hết

Cùng tác giả:

BẦU TRỜI CỦA NGƯỜI CHA - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

Hai người đàn bà xóm Trại - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

MÙA HOA CẢI BÊN SÔNG -Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

TRÊN ĐỈNH ĐỒI MÙA ĐÔNG - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.