chan_dung-ke_si

Hai người đàn bà xóm Trại - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

25-02-2023

Lượt xem 3483

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

Hai người đàn bà xóm Trại - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

Nguyễn QuangThiều          

 

Vào lúc lên đèn thì trời có mưa. Có lẽ đây là cơn mưa cuối đông, vì chỉ còn mươi ngày nữa là Tết. Gió từ bãi sông rộng thổi hắt từng làn mưa bụi về phía chân đê. Tiếng mưa mỏng và nhẹ, như tiếng người thì thào đâu đó. Cả triền bãi rộng chạy ven đê làng Chùa chỉ còn lại một ngôi nhà nhỏ. Trong ngôi nhà ấy có hai người đàn bà đã sống với nhau mấy chục năm nay. Bây giờ tóc họ đã bạc trắng. Và lúc này họ đang ngồi trong chái bếp nhỏ ấm áp bởi hơi rơm, lá chuối khô và lửa bếp. Chiếc mâm gỗ có một vết nẻ to được đặt trên nền bếp bằng đất lâu ngày cứng lại như đá. Trên mâm chỉ độc một bát canh dưa nấu tép bốc hơi nghi ngút. Hai bà lão ngồi ở hai phía mâm đối diện nhau. Hai cặp đầu gối xương xẩu nhô cao đỡ lấy hai gương mặt nhăn nheo và sạm đen.

 

- Bà mua mớ tép này của ai? Bà lão Ân hỏi và lấy đũa đảo bát canh.

 

- Mấy đứa trẻ trâu - Bà lão Mật trả lời - Chúng nó mang vào tận đây.

 

- Mớ tép này mấy đồng?

 

- Hai ngàn.

 

- Bà cứ có tật mua nhiều. Không bảo chúng nó sẻ lấy một nửa.

 

- Có dúm tép bằng dúm muối, sẻ một nửa còn lại chúng nó bán cho ai.

 

Hai bà lão lặng lẽ bưng hai bát cơm xới vơi như cơm cúng và nhón nhén ăn.

 

- Nấu tép dưa phải nấu cho dừ - Bà lão Ân càu nhàu - Xương cứng ê cả răng.

 

- Tép bằng lỗ mũi xương ở đâu ra.

 

- Bà còn khỏe răng, chứ tôi sờ mãi chẳng được một cái.

 

Hai bà lão vừa ăn vừa lầm rầm những chuyện như thế. Bên ngoài ngôi nhà mưa vẫn thì thào. Trong tiếng mưa vẳng lên tiếng chó từ mấy gia đình ở chân đê bên kia.

 

- Ðấy, tôi nói rồi - Bà lão Ân khẽ kêu lên và ho - Hóc xương cá rồi đấy. Khổ.

 

- Bà cứ khạc mấy cái là nó ra - Bà lão Mật lo lắng. Bà lão Ân  đặt bát cơm ăn dở xuống mâm và quay sang phía khác khạc mấy cái.

 

- Có khỏi không?

 

- Có được đâu. Không khéo lại chết vì hóc xương tép.

 

- Bà cứ hay dở mồm - Bà lão Mật nói. Và chợt reo lên - A, để tôi chữa mẹo cho.

 

Bà lão Mật vội vàng cầm lấy hai chiếc đũa cả dính cơm và lom khom đến bên bà lão Ân.

 

- Bà ngồi im nhé. Cứ nhắm mắt lại.

 

Bà lão Mật vừa nói vừa đưa hai chiếc đũa cả cách đỉnh đầu bà lão Ân chừng gang tay. Rồi vừa gõ hai cái đũa cả vào nhau và vừa lầm rầm như người niệm chú: "Gần ra, xa vào". Ðọc đúng bảy lần thì bà dừng lại và hỏi:

 

- Ðược chưa bà?

 

Bà lão Ân không trả lời. Bà vất vả nuốt nuốt nước miếng. Một lát sau bà nói:

 

- Ðược rồi. Chả ăn nữa. Sáng mai đun lại cho kỹ. Ăn xong bữa cơm tối, hai bà lão bỏ thêm cái gốc tre vào bếp và lấy trầu ra ăn. Bà lão Ân lấy một miếng cau tươi đưa cho bà lão Mật.

 

- ở đâu  mà cau tươi thế này? Bà lão Mật hỏi.

 

- Cau từ hôm cưới con nhà Phấn. Chúng nó nhét đầy cả túi.

 

- Con nhà Phấn à?

 

- Con nhà nó chẳng ra đón bà vào ăn cỗ là gì. Bà ốm bà không đi mà lại còn không nhớ?

 

Sau đó hai bà lão im lặng nhai trầu. Ngọn lửa ăn dần vào gốc tre khô. ánh lửa gần gũi và xa xôi chập chờn trong hai đôi mắt đục mờ.

 

- Thế Tết năm nay định gói bao nhiêu bánh? - Bà lão Ân quay lại phía bà lão Mật hỏi.

 

- Gói bao nhiêu thì gói. Nhưng vừa vừa thôi. Năm nào cũng bỏ mốc meo cả.

 

- Cứ nấu ba chục cái.

 

- Gớm, bà làm như nấu cho cả làng.

 

- Cứ nấu thế. Trẻ con trong làng ra chơi thì cho chúng nó. Rồi... nhỡ có ai về...

 

Nghe bà lão Ân nói vậy, bà Mật từ từ ngước đôi mắt đục mờ lên nhìn một lúc lâu rồi hỏi khẽ:

 

- Ai về?...

 

*      *       *

 

Mấy chục năm về trước. Cũng những đêm mùa đông giáp Tết ở trong chái bếp như thế này. Hai bà lão ngồi trước bếp lửa và hồ hởi nói với nhau về chuyện gói bánh chưng. Ngày ấy họ còn trẻ lắm. Cả hai người mới ngoài hai mươi tuổi.

 

"Năm nay thế nào hai anh ấy cũng về - Mật thì thầm - chị Ân nhỉ"

 

"Tao cũng mong quá - Ân nói như bằng hơi thở - đêm qua tao mơ thấy con gà trống mổ vào ngón tay út. Mấy năm rồi chẳng có ai về ăn Tết".

 

"Em phát ốm vì chờ thôi".

 

"Giá như có đứa con... thì họ bao giờ về cũng được". "Chị Ân ơi - Mật chợt kêu lên và ôm lấy Ân - Mấy đêm trước em cũng mơ. Em thấy anh ấy về và ... ngay đêm đó...".

 

Nói đến đó mặt Mật ửng đỏ và đôi mắt Mật vừa lấp lánh vui, vừa bối rối.

 

"Ðêm đó thì sao" Ân lườm mắt, mắng yêu Mật - "Con khỉ".

 

"Ngay đêm đó em mơ em có mang. Lúc tỉnh dậy sờ bụng em thấy khang khác. Em sợ lắm".

 

"Con này nói chuyện vớ vẩn"

 

"Thật đấy mà, đến hôm nay em vẫn thấy bụng mình khang khác như thế - Mật nói và cầm tay Ân kéo đặt lên bụng mình- Chị sờ mà xem. Ðấy, chị thấy khác không?"

 

Vì tò mò, Ân đưa tay ấn vào bụng Mật. Và một lúc sau Ân cũng hoảng hốt vì cảm thấy hình như trong bụng Mật cũng không bình thường.

 

"Này... Ân thì thào - Chồng đi vắng, hay mày trót dại..."

 

"Chị bảo dại cái gì?..."

 

"Có thằng nào nó rủ rê mày không?"

 

"Không, làm gì có chuyện ấy. Có mà trôi sông"?

 

"Tôi phải trông nom cô - Ân nói - Có chuyện gì thì tôi và cô cứ là bỏ xóm bãi này mà lên rừng đấy nhé"

 

Ân và Mật đều mồ côi bố mẹ. Và lớn lên lấy chồng, họ đưa nhau ra xóm bãi lập nghiệp. Rồi một đêm hai người đàn ông của họ khăn gói theo một đơn vị bộ đội vượt sông Ðáy về phía núi Miếu Môn. Trước khi qua sông hai người đàn ông dặn: "Hai chị em dọn về mà ở với nhau. Ðến Tết, kháng chiến thành công chúng tôi về". Từ ngày đó Mật dọn sang ở với Ân. Họ sống như hai chị em ruột với nhau.

 

Và khi Tết đến, cả hai lại xuống bến rửa lá dong và vo gạo. Má họ rực đỏ trong gió lạnh cuối đông. Tiếng cười họ trong trẻo và rạo rực vang trên mặt sông mùa nước cạn yên tĩnh. Nhất là vào đêm luộc bánh, cả hai đều thấy hồi hộp lạ lùng. Họ cảm thấy da thịt họ thấm đầy hơi lửa bếp. Khi bánh chín, họ chọn những chiếc bánh đẹp nhất, chắc nhất để phần hai người đàn ông của họ. Nhưng những ngày Tết thường vụt đi như tên bắn. Cánh bãi không còn tiếng pháo tép của trẻ con nữa. Và những bầy sáo tháng Giêng đã loáng thoáng bay về, Ân và Mật mang những chiếc bánh đã khô lá luộc lại. Cho đến khi ở đầu góc bánh đã lấm tấm mốc xanh thì họ không còn bình tĩnh chờ đợi nữa. Cả hai cùng khóc. Ðêm xuống, hai người đàn bà trẻ nằm xoay lưng vào nhau trên giường lót rơm và giấu tiếng thở dài.

 

"Chị ngủ à, chị Ân" - Mật thường bắt đầu câu hỏi như thế trong đêm.

 

"Chưa". Ân trả lời trong chăn.

 

"Sao Tết năm nay các anh ấy lại không về nhỉ?"

 

"Có giời mà biết - Ân giận dỗi - Chắc chiến dịch bận"

 

"Mai mình cứ luộc lại bánh chị Ân ạ"

 

"Luộc bánh thành cháo à. Bỏ ra mà ăn hết đi"

 

"Ăn làm sao hết những hai chục cái"

 

Sau những câu chuyện như vậy cả hai chị lại chìm vào giấc ngủ lơ mơ. Thường sang Giêng gió sông ấm hơn và đất bãi phả hương phù sa dễ chịu làm giấc ngủ của họ thường có những cơn mơ. Trong mơ, Ân lại thấy con gà trống tía với chiếc mào đỏ rực, cái ức rộng, và đôi cựa bóng như gà mổ mổ vào ngón tay út của mình. Còn Mật vẫn cơn mơ vừa hạnh phúc vừa lo sợ. Mật thấy người lính trở về và ngay đêm đó Mật có mang. Và cứ tỉnh giấc, Mật lại dè dặt đặt tay lên bụng. Rồi Mật mơ hồ lo lắng khi cảm thấy bụng mình khang khác.

 

Rồi vào một ngày giáp Tết, chồng Ân đột ngột ghé qua nhà. Tiếng gõ cửa gấp gáp trong đêm làm Mật choàng tỉnh.

 

"Ai đấy? Ai đấy?" Mật quýnh lên hỏi.

 

"Tôi đây. Bấc đây"

 

"Giời ơi! Mật lập cập kêu lên - Anh Bấc..."

 

Khi cánh cửa vửa mở thì người lính ùa vào ôm lấy Mật.

 

"Anh Bấc - Mật hoảng hốt - Mật đây. Em đây mà"

 

Vòng tay người lính vội rời ra và buông thõng xuống.

 

"Ân đâu?"

 

"Chị Ân đi Kim Bôi sáng nay cùng mấy chị trong xóm, xem có lá dong rẻ hay quýt cam gì đấy mua về bán chợ Tết. Em ở nhà trông nhà".

 

"Bao giờ Ân về?"

 

"Có lẽ mai chị Ân về, thế bao giờ anh đi?"

 

Bấc đứng lặng không trả lời. Gió sông lạnh thổi xốc vào ngôi nhà tranh bé nhỏ.

 

"Vào nhà đi anh, để em đốt đống lửa cho ấm"

 

Một lát sau ngọn lửa đã chui qua những cành củi khô và vươn lên.

 

"Em nấu cho anh bát cơm nhé?"

 

"Anh ăn rồi. Liệu ngày mai Ân có về kịp không?"

 

"Chị ấy sẽ nóng ruột mà về. Sao các anh biệt tin lâu ngày thế? Nhà em ra sao rồi anh?"

 

Mật rụt rè hỏi và đợi câu trả lời.

 

"Sau ngày sang sông, chúng tôi cùng nhau ở một đơn vị được một tháng. Sau đó mỗi người đi một đơn vị. Nghe đâu Ngữ đang ở Bắc Cạn. ở nhà không nhận được tin gì của nó à?"

 

"Không - Mật nói như khóc - Em và chị Ân Tết nào cũng mong các anh về. Năm nào hai chị em cũng gói nhiều bánh..."

 

"Mình sắp đánh lớn. Ðơn vị tôi đang chuyển quân lên mặt trận Hòa Bình. Hai chị em ở nhà có khỏe không?"

 

"Chúng em thế nào cũng chịu được. Chỉ lo cho các anh hòn đạn mũi tên. Sao anh về chẳng tin cho chị Ân biết trước?"

 

"Ðang kháng chiến mà cô cứ làm như... - Người lính cười. Gió thổi mạnh hơn qua những tàu chuối ngoài vườn. Sương như xuống dầm dề trên mái rạ. Ngọn lửa như ngái ngủ cháy lờ đờ trên củi.

 

"Anh nghỉ một tí đi, kẻo mệt - Mật nói - Hết canh ba rồi".

 

"Cô đi nằm đi. Tôi ngồi đây. Cũng sắp sáng rồi".

 

Mật không trả lời. Chị ngồi im lặng nhìn những mẩu than nhấp nháy như những ngôi sao mùa đông. Giá như đêm nay Ân ở nhà thì Ân hạnh phúc biết bao nhiêu. Và giá như người lính kia là chồng chị. Nghĩ đến đó máu trong người chị dào lên chảy xiết. Chị thấy mặt mình nóng rát. Chị nhớ đến cơn mơ thường gặp và chị muốn khóc.

 

"Chúng em ở nhà khổ lắm - Mật thổn thức - Giá như có mụn con thì đỡ khổ"

 

"Sắp hòa bình rồi. Chúng tôi sẽ về cả thôi. Rồi không có sức mà đẻ".

 

Người lính nói và cười vang. Mật cũng bật cười theo. Nước mắt chị giàn giụa. Ngọn lửa cuối cùng đã chui vào đống than đỏ và ngủ vùi trong đó. Mật ngồi trong bóng tối, miệng lầm rầm: "Chị Ân ơi về mau lên. Anh Bấc đang đợi, chị Ân ơi, mau lên".

 

*      *       *

   

 

 

 

Cái gốc tre đã cháy hết, hai bà lão vẫn ngồi im lặng. Hai gương mặt sạm đen và nhăn nheo như nằm bất động trên hai đầu gối xương xẩu. Một con chuột nhắt bé như hạt mít từ góc bếp bò ra. Nó rón rén leo trên chiếc mâm gỗ. Rồi bất chợt nó nhảy phóc lên miệng bát làm chiếc bát ăn cơm đổ kềnh:

 

- Bà ngủ rồi đấy à? Bà lão Ân quay sang phía bà lão Mật  hỏi.

 

- Ngủ đâu mà ngủ - Bà lão Mật mở mắt nói và lại nhai tiếp miếng trầu còn ngậm trong miệng - Ăn miếng trầu thế mà say say.

 

- Chiều bà có che kỹ cái chuồng gà không?

 

- Che rồi. Tôi cho uống cả nước vôi trong. Sương thế này sợ rù mất mấy con gà.

 

- Mẹ Phấn nó bảo Tết năm nay đón hai cụ vào nhà nó ăn Tết. Nó bảo hai cụ sống ngoài bãi như ma ấy.

 

- Ăn uống được gì đâu mà vào. Nó còn con cháu, khách khứa, thì giờ đâu mà hầu mình. Thôi chết, tôi bỏ quên cái rổ có cái áo giặt dở lúc chiều.

 

- Bà lú lẫn hơn cả tôi - Bà lão Ân nói.

 

- Chiều đang giặt dở thì bà Mên tưới trên bãi gọi chuyện. Thế rồi cứ quên mà về. Tôi phải xuống bến tôi lấy.

 

- Thôi mưa gió tối tăm thế này, đi rồi ngã ra đấy. Có cái rổ rách với cái áo nát, ma nó lấy.

 

Nhưng thấy bà lão Mật cứ khăng khăng đòi đi, bà lão Ân với lấy cái nón đưa cho bà lão Mật và dặn: "Ði chầm chậm thôi, bà ạ". Trời đêm mênh mang. Bà lão Mật lom khom xuống bến. Bà đã đi không biết bao nhiêu lần trên con đường này. Và con đường đã ăn sâu  vào trí nhớ bà.

 

Khi cắp rổ định quay về thì có tiếng cá quẫy mạnh sát bờ. Một vật gì đó vô hình rơi vào ký ức bà tựa như cái quẫy của đuôi cá. Và rồi những vòng sóng kỷ niệm cứ loang ra, loang mãi. Bà từ từ ngồi xuống nhìn dòng sông trong đêm. Nơi đây, mấy chục năm về trước bà đã tiễn chồng theo bộ đội sang sông. Và chính nơi đây, bà đã tiễn Bấc đi trong lần người lính ghé qua nhà không gặp vợ mình.

 

*     *       *

 

Suốt cả ngày hôm ấy vẫn không thấy Ân về - Bao nhiêu kỷ niệm đều mờ đi theo tuổi tác, nhưng những đêm như thế vẫn bám dai dẳng trong bà lão Mật - Hôm ấy, cứ thỉnh thoảng Mật lại chạy lên mặt đê ngóng về phía xa. Buổi tối ăn cơm xong, Bấc nói:

 

"Khuya tôi phải đi. Mai Ân về bảo tôi vẫn khỏe".

 

"Chỉ sáng mai là chị ấy về thôi - Mật nói như van - Tối mai anh hãy đi".

 

"Không được đâu. Tối nay tôi phải có mặt nơi đóng quân".

 

Khoảng chín giờ tối thì Bấc lên đường. Mật tiễn Bấc xuống bến sông. Khi sát mép nước Bấc quay lại. Anh đặt tay lên vai Mật. Những ngón tay người lính như bấu chặt vào vai chị. Mật thấy rét run lên, hai hàm răng chị va vào nhau lập cập.

 

"Anh đi nhé - Người lính thì thào - hai chị em ở nhà thương nhau. Anh và Ngữ sẽ về sớm".

 

Bấc đi được một tiếng đồng hồ thì Ân về. Nghe tiếng Ân gọi cửa. Mật run bắn và òa khóc. "Chị Ân ơi, anh Bấc về, Bấc về".

 

"Ðâu, đâu? Anh ấy đâu?... Ðâu?"

 

"Anh ấy đi rồi. Anh Bấc chờ chị suốt cả đêm qua. Anh vừa sang sông".

 

Bó lá dong lớn và sọt quít đồi đổ xuống như người ngã. "Anh ấy đi lâu chưa? - Ân hổn hển - Anh ấy đi lối nào".

 

"Anh Bấc lội qua bến nhà mình". Vừa nói Mật vừa nắm tay Ân đi như chạy xuống bến. Ðến bờ sông, Ân giật tay chị ra khỏi bàn tay Mật và lội ào ào xuống nước.

 

"Chị ơi! Anh ấy đi xa rồi - Mật đứng trên bờ ôm ngực khóc gọi - Ðừng sang sông nữa, chị ơi".

 

Mật ngồi thụp xuống bờ cát ướt lạnh và bưng mặt nức nở cho đến tận khi chị nghe tiếng khỏa nước mệt mỏi vào bờ. Ân rét ướt nghiêng ngả bước lên bờ. Hai người đàn bà trẻ đứng im lặng trước nhau. Rồi cả hai lao vào ôm lấy nhau nức nở. Gió sông như ấm hơn thổi dạt dào qua bãi về phía chân đê. Và đâu đó thoảng mùi cỏ lên mầm hăng hăng.

 

Tết năm ấy, Ân và Mật vẫn lặng lẽ gói nhiều bánh. Nhưng Tết năm ấy, cả hai người lính của họ vẫn không về. Sang giêng, hai người đàn bà mấy lần mang bánh luộc lại và mấy lần nhìn nhau khóc.

 

Mấy năm sau ngày hòa bình lập lại. Mật nhận được báo tử chồng. Nhưng Tết đến họ vẫn gói nhiều bánh. Trong mơ chị vẫn thấy người lính trở về. Và tỉnh giấc vẫn rụt rè đặt tay lên bụng mình và thấy khang khác. Nhiều lần Ân khuyên Mật nhận lời lấy một người đàn ông nào đó. Những lần như thế, Mật chỉ nở một nụ cười xa xăm và ngơ ngác như một nụ cười của một người vừa thức giấc trong giấc ngủ trưa. Và sau đó thì Mật nói với Ân: "Bao giờ anh Bấc về với chị thì em đi lấy chồng".

 

*

*     *

 

Ðợi lâu không thấy bà lão Mật về, bà lão Ân sốt ruột ra đầu ngõ hướng xuống sông gọi:

 

- Bà Mật ơi! Bà Mật.

 

- Tôi về đây.

 

- Ðã bảo đêm hôm rồi còn mò xuống - bà lão Ân cằn nhằn - Già rồi còn thích làm tội thân, tội mình.

 

Nói vậy nhưng bà lão Ân vẫn đứng lại đợi cho đến khi bà lão Mật lên đến đầu ngõ.

 

- Vào đi ngủ thôi bà ạ - Bà lão Ân nói - Tôi đau hết cả lưng rồi.

 

Gian nhà nhỏ trong đêm như rộng mênh mông. Hai bà lão nằm quay lưng vào nhau và thỉnh thoảng lại khúc khắc ho.

 

- Bà vẫn nhai trầu đấy à? - Bà lão Ân hỏi.

 

- Tôi nhai cho hết kẻo phí.

 

- Nhai thế mà không mỏi mồm.

 

Ðâu đó trên mái nhà có tiếng chuột đuổi nhau rinh rích. Và từ cỗ áo quan có tiếng mọt nghiến gỗ trèo trẹo.

 

- Bà có cầm bao diêm đấy không? Bà lão Ân hỏi.

 

- Có, làm gì nữa bây giờ?

 

- Tôi xem con mọt. Có khi lúc mình chết thì mọt cũng cắn nát cỗ áo ra rồi.

 

- Nó nằm trong gỗ chứ nó lại chui ra cho bà xem.

 

Nói vậy nhưng bà lão Mật vẫn lấy bao diêm đưa cho bà lão Ân. Bà lão Ân bật diêm châm đèn soi cỗ áo quan. Bà nghiêng đầu nghe ngóng một lúc rồi lấy tay đập đập vào cỗ áo: tiếng mọt chợt im bặt. Bà đứng bên cỗ áo quan cho đến khi yên tâm là con mọt không còn dám cắn nữa thì mới tắt đèn lên giường.

 

Gần sáng những ngọn gió cuối đông tuy còn lạnh nhưng đã chơm chớm xuân thổi rạo rực qua ngôi nhà của hai bà lão. Và bà lão Mật lại mơ thấy người lính trở về. Nhưng khi nhìn rõ mặt thì bà nhận ra đó không phải Ngữ mà là Bấc.

 

*

*    *

 

Vào đầu năm 1960, Ân nhận được thư Bấc gửi về, trong thư anh nói đang đóng quân ở Quảng Bình bên cạnh một dòng sông đẹp như sông Ðáy quê anh.

 

"Chị Ân ơi - Mật cuống quít - Chị đi vào tìm anh ấy đi. Ði ngay đi. Mọi việc đồng áng cứ để em".

 

Suốt mấy ngày đó, cứ chốc chốc Ân lại mang thư chồng ra đọc và khóc. Cuối cùng chị quyết định khăn gói đi thăm chồng.

 

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Ân đi được dăm ngày, thì Bấc về.

 

"Anh Bấc, anh gặp chị Ân không? - Mật hốt hoảng hỏi khi chị linh cảm thấy điều không bình thường - Chị Ân vào Quảng Bình tìm anh rồi".

 

"Tìm anh hả? Ði bao giờ?"

 

"Chị Ân đi được dăm ngày rồi"

 

Nghe Mật nói, Bấc đứng chết lặng. Mãi sau anh mới nói:

 

"Người lính nay đây mai đó, tìm sao được"

 

"Anh Bấc ơi, lần này anh phải ở nhà chờ chị ấy - Mật nói và khóc - Em không cho anh đi đâu cả. Anh Bấc ơi! Anh Ngữ hy sinh rồi"

 

"Ngữ hy sinh rồi ư! Hy sinh bao giờ? ở đâu?"

 

"Có giấy báo tử rồi anh ạ. Hơn ba năm rồi"

 

Ðêm ấy Bấc nói với Mật:

 

"Sáng sớm mai anh phải đi rồi. Lần này anh đi rất xa và có lẽ lâu lắm". "Không. Anh phải ở nhà chờ chị ấy về rồi đi đâu thì đi. Nếu không chị ấy chết mất."

 

"Không làm sao khác được Mật ạ. Anh phải đi."

 

Khoảng canh tư thì Bấc khoác ba lô lên đường. Mật tiễn Bấc lên đến mặt đê. Bỗng Mật ôm lấy Bấc và khóc nấc lên.

 

"Anh Bấc ơi! Em thương chị Ân quá. Em thương anh hu ... hu ... và thương cả cái thân em nữa. Nếu anh Ngữ về được một lần thì em đỡ khổ, đỡ ân hận biết bao. Anh Bấc ơi, sao em không phải là chị Ân, sao anh không phải là anh Ngữ, hả anh? hu ... hu....".

 

Bấc không nói được gì. Anh ghì Mật vào lòng. Cả hai người run lên. Mật vội đẩy Bấc ra và vội vã nói:

 

"Anh đi đi, anh Bấc, anh đi đi".

 

Nói xong, Mật chạy nhào xuống chân đê. Chị vừa chạy, vừa ngã và nức nở gọi tên Ân và tên chồng chị.

 

Rồi Bấc cũng không trở về, khi Ân và Mật vừa bước qua tuổi bốn mươi. Ðêm đêm hai người đàn bà thường xuống sông ngồi khóc. Và Tết lại đến, những ngọn gió chớm xuân thổi đầm ấm và rạo rực qua ngôi nhà của họ suốt đêm. Và những ngày giáp Tết là những ngày họ thường mơ nhiều hơn. Trong mơ có tiếng gà gáy và tiếng gõ cửa gấp gáp, có ngan ngát mùi lá dong xanh và hương ấm đậm của gạo nếp đã vo sạch. Họ vẫn ở lại ngoài bãi sông, mặc dù những gia đình khác đã dọn vào làng theo quy hoạch của chính quyền xã và để tránh những năm nước sông lên to. Có một điều gì đó thiêng liêng và đau khổ đã gắn chặt họ với ngôi nhà nhỏ và bến sông.

 

- Này, bà Mật! Bà Mật, ngủ mê đấy à? Bà lão Ân lay gọi bà lão Mật - Kêu gì mà khiếp thế.

 

- Tôi ngủ ... mê à? Bà lão Mật ú ớ hỏi - Sáng chưa bà?

 

- Còn chán.

 

- Bà cho tôi mượn bao diêm - bà lão Mật ngồi dậy nói.

 

Bà lão Mật lục đục tìm đèn và bật diêm. Ngọn đèn dầu tỏa một quầng sáng vàng ấm trong nhà.

 

- Bà dậy mà đi.

 

- Không.

 

- Già thì phải chịu khó mà đi. Không nhỡ ra quần, ra áo khai lắm.

 

- Ôi giời! Bà lão Ân cựa mình và chép miệng - Bệnh già nó thế, ai mà muốn.

 

Khi gà trong xóm bên kia chân đê thi nhau gáy ran thì hai bà lão lại tỉnh giấc. Bà lão Mật lại nhóp nhép nhai cái bã trầu vẫn ngậm trong miệng khi ngủ.

 

- Thế bà định Tết này gói bao cái bánh? - Bà lão Mật hỏi.

 

- Cứ bảo mẹ Phấn nó mua cho đủ lá gói ba chục cái. Mình thì ăn là mấy, nhưng nhỡ có ai về...

 

Nghe bà lão Ân nói vậy, bà lão Mật ngừng nhai trầu và hơi nghiêng đầu về phía bà lão Ân như định hỏi điều gì đó. Nhưng bà lại thôi.

 

Và bên ngoài, những ngọn gió sông đã chơm chớm xuân vẫn rạo rực thổi qua ngôi nhà nhỏ.

 

     Hà Ðông, cuối đông 1992  

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.