chan_dung-ke_si

TRÊN ĐỈNH ĐỒI MÙA ĐÔNG - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

24-10-2023

Lượt xem 1774

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Quâng Thiều

TRÊN ĐỈNH ĐỒI MÙA ĐÔNG - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Những cái cây trên đỉnh đồi lá đã ngả sang màu đỏ. Cơn gió bắc đầu tiên tràn tới vùng đồi vào lúc gần sáng. Cả hai bà cháu Miên cùng tỉnh giấc. Bà Hạo quờ tay tìm cơi trầu. “ Để cháu lấy cho”, Miên nói và ngồi dậy. Nó đã quá quen công việc này. Những lúc tỉnh giấc như thế, bà nó lại tìm trầu và nhai tới sáng. Suốt mấy chục năm nay bà không hề bỏ trầu một ngày nào. Mỗi lần đi đẻ, bà vẫn ngậm miếng trầu trong miệng, đau quá thì cắn chặt hai hàm răng vào miếng bã trầu mà qua khỏi cơn đau. Chỉ có một lần duy nhất bà bỏ trầu ba ngày. Đó là ngày bố Miên mất. Bố Miên là người con duy nhất của bà. Bố Miên lấy vợ từ năm mười bảy tuổi. Mẹ Miên là một người đàn bà có nhan sắc. Nhưng mẹ Miên nổi tiếng vì nết na hơn nhan sắc của mình. Khi Miên lên hai tuổi, mẹ nó bỏ bố đi theo một người đàn ông khác. Bà Hạo không thể nào tin vào chuyện đó. Bà nghĩ, một người đàn bà đức hạnh như vậy không thể làm chuyện ấy. Chỉ đến năm năm sau kể từ ngày mẹ nó bỏ bố con nó đi biệt tăm, bà nó mới tin đó là sự thật. Cũng từ ngày đó, bố nó thường xuyên đau ốm. Đêm đêm , người đàn ông không ngủ, đi dật dờ quanh vùng đồi. Thú vui của người đàn ông này là bẫy những con gà rừng. Nhưng không bao giờ người đàn ông ăn thịt những con gà đó. Anh ta nuôi những con gà rừng đến khi chúng chết thì mang chôn. Rồi một buổi chiều, hai bà cháu Miên đi bẻ ngô về thấy người đàn ông chết ngồi ở góc nhà trong tay vẫn cầm một nắm lá độc ăn dở. Từ ngày đó, ngôi nhà nhỏ trên đỉnh đồi chỉ còn lại hai bà cháu. Vào những đêm trời nổi gió, Miên tỉnh giấc, sợ hãi ôm chặt bà, giọng nó đầy nước mắt :

“ Cháu sợ lắm bà ạ ”.

“ Sợ cái gì cháu ? ”

“ Cháu không biết, nhưng cháu sợ “

Nói xong, nó khóc. Bà nó ôm chặt nó vào lòng :

“ Có bà đây rồi, cháu chẳng phải sợ cái gì cả “

Nhưng khi nó thiếp vào giấc ngủ hồn nhiên của trẻ thơ thì bà không làm sao nhắm mắt được nữa. Và lúc đó bà thấy sợ hãi hơn cả nó. Một nỗi sợ hãi mơ hồ . Nếu chỉ có một mình, bà đã tìm cách trốn chạy khỏi đời sống này. Nhưng bên cạnh bà còn một đứa cháu nhỏ. Bà phải cười, phải nói, phải tỏ ra mạnh mẽ để che chở cho nó. Nhiều đêm, bà bước ra ngoài sân. Bà thấy thế gian như chỉ còn lại hai bà cháu bà. Thế gian hoang vu và cô đơn khủng khiếp. Con người sinh ra như chỉ để chứng kiến sự cô đơn của chính mình mà thôi.

Bà Hạo sinh ra và lớn lên ở một thành phố. Bà theo gia đình lên tản cư ở vùng đồi này. Chồng bà là một trí thức. Ông là người hiểu biết sâu sắc đời sống. Chính vì thế mà ông không chịu được tẻ nhạt và những dối lừa của đời sống đó. Đêm đêm ông uống rượu say ngoài phố và lê về nhà. Ông ôm lấy bà khóc và hỏi : “ Đời sống chúng ta đang sống có phải là đời sống không ?. Bà không trả lời được câu hỏi ấy. Bà là một cô giáo dạy văn cấp hai. Bà chỉ biết an ủi ông. Nhưng mọi cố gắng của bà không cứu nổi nỗi cô đơn và tuyệt vọng của ông. Trước khi chết, ông cầm tay bà, nói như van xin : “ Em hãy mang con đi khỏi thành phố này, đừng để con ở lại đây, người ta sẽ giết chết nó “. Sau chôn cất chồng, bà bế đứa con độc nhất của vợ chồng bà bỏ thành phố lên vùng đồi này cùng những gia đình đi khai hoang, nơi ngày trước gia đình bà tản cư. Bà giã từ thành phố không chỉ bởi lời trăng trối của chồng mà còn bởi chính bà không chịu nổi đời sống nơi đô thị ấy. Nhưng cho đến giờ, bà nhận thấy rằng: dù chạy đi đâu trên thế gian này, con người cũng không thoát khỏi sự cô đơn và nỗi hoảng sợ. Có lẽ càng ngày con người càng tuyệt vọng. Có lần bà nói với Miên về nỗi cô đơn của con người. Thực ra không phải bà nói với đứa cháu gái bé bỏng về câu hỏi mà chính những người lớn như bà cũng khó tìm được câu trả lời, mà bà đang độc thoại. Cuộc độc thoại như thế thường kéo dài cho tới khi bà cảm thấy bà tìm thấy câu trả lời.. Những lúc như thế Miên thường hỏi bà:

“ Bà ơi, cô đơn là gì mà có thể giết chết người ? ”

“ Cháu chưa thể hiểu được điều này bây giờ, nhưng lớn lên cháu sẽ hiểu. Bà chỉ nói với cháu đơn giản như thế này; khi ta ở giữa hàng triệu người mà chẳng có ai hiểu ta thì ta thấy cô đơn “.

“ Bà có thấy cô đơn không ?

“ Có ”

“ Nhưng bà không chết “

“ Vì bà biết nó ”

Những câu hỏi của bé Miên cũng giống của bà trước kia. Ngày ấy, đêm đêm chồng bà thường thức giấc. Ông ra khỏi giường, bước ra ngoài ban công , ngồi trên một chiếc ghế mây đã cũ, im lặng hút thuốc. Những lúc như thế, bà đến bên ông. Bà đặt hai bàn tay mềm mại và ấm lên ngực ông.

“ Sao anh không ngủ ?”

“ Anh thấy hoảng sợ “

“ Ai làm anh sợ ? “

“ Không có ai cụ thể. Nhưng cái người không cụ thể ấy muốn giết chết anh. Nó dồn anh đến chân tường. Nó đe dọa anh”.

“ Em không hiểu nhiều lắm những điều anh nói. Em biết những lúc như thế này, chỉ mình anh biết anh đang ở đâu và phải làm gì. Có một nơi chốn em không tới được, chỉ có mình anh thôi, đừng trách em ”.

Như để an ủi bà, ông rời ban công vào bàn viết. Ông nói với bà ông đang viết một cuốn sách. Và cuốn sách đó là công việc duy nhất có ý nghĩa đối với ông. Nhưng chưa bao giờ ông cho bà đọc dù một dòng trong bản thảo. Sau khi chồng mất, bà gói kỹ những trang bản thảo và mang theo. Nhiều lúc bà muốn mở gói bản thảo của ông ra để xem ông viết những gì nhưng bà lại gói vào. Bà tự hứa với mình rằng: bà chỉ đọc những trang bản thảo đó vào ngày cuối cùng của đời bà. Bà tin rằng, bà biết được lúc nào thì bà sẽ ra đi vĩnh viễn.

Bà Hạo ngồi tựa thành giường nhai trầu trong bóng tối. Miên nằm gối đầu lên đùi bà. Gió thổi ràn rạt qua ngôi nhà. Những đêm như thế này, bà thường nhớ về thành phố cố hương của bà. Những lối phố nhỏ với những cây sấu già. Một quán bán chè đỗ đen. Một chiếc tủ kính đựng ô mai ở đầu phố. Một cây phượng gốc nham nhở vết dao. Một rạp chiếu bóng tối om và ngột ngạt...Tất cả bây giờ trong bà chỉ là những ký ức mờ nhạt. Gần bốn mươi năm nay, bà không trở lại thành phố ấy. Nếu trở lại, bà cũng chỉ là một người xa lạ. Thành phố ấy với bà như một cuốn sách cũ. Có những cuốn sách cũ đôi lúc bà mở ra không để đọc. Bà chỉ mở đôi ba trang đã ố vàng. Tiếng sột soạt của giấy vang lên tiếng gọi xa lắc của ký ức.

“ Sao bà không về thành phố, bà có nhà ở dưới đó cơ mà ? “.

“ Bà quên đường rồi, cháu ạ ”

“ Quên thì hỏi chứ khó gì ”

“ Biết hỏi ai bây giờ ”

Đúng như vậy. Thành phố cố hương chỉ giống như tiếng một con chim ăn đêm trên vùng đồi này. Tiếng chim chập chờn trong gió đêm như tiếng của một linh hồn. Nó làm bà thức giấc. Bà như vừa lắng nghe nó vừa như thờ ơ. Bà ngồi trong đêm nhai trầu và nhớ về người chồng và đứa con trai đau khổ của bà. Đến lúc này, bà không còn đau đớn và khóc thầm về cái chết của những người thân yêu ấy. Bà nghĩ về họ như nghĩ về những con đường của số phận.

Một người đàn ông theo bà lên tận vùng đồi này. Ông nói với bà rằng ông muốn bà đưa tập bản thảo của người chồng quá cố cho ông. Ông nói với bà đấy là nhiệm vụ của ông. Đây không phải lần đầu tiên bà gặp người đàn ông này và cũng không phải lần đầu tiên ông yêu cầu bà như thế. Nhưng lần nào bà cũng im lặng để cuối cùng chỉ nói một câu :

“Hãy để cho linh hồn người chết được thanh thản.”

“ Bà có biết ông ấy viết những gì không ? ”

“ Tôi không đọc. Nhưng có đọc tôi cũng không nói ”

“ Bà đừng gây khó khăn cho công việc của chúng tôi”

“ Ông về đi , đừng làm cho con tôi sợ ”

Người đàn ông nhìn bà lạnh lùng :

“ Tôi vẫn còn lên đây. Bà hãy nghĩ kỹ đi”

Khi người đàn ông ra về, bà muốn đọc tập bản thảo của chồng. Nhưng lời hứa lại vang lên trong lòng bà. Và bà lại để tập bản thảo về chỗ cũ trên ban thờ. Chồng bà viết những gì trong đó mà để người đàn ông kia theo đuổi nó đến thế. Sau khi con trai bà chết, người đàn ông lại đến tìm bà với lời yêu cầu cũ. Tóc ông đã bạc gần hết. Gương mặt ông mệt mỏi và ông thở nặng nhọc khi leo từ chân đồi lên tới ngôi nhà. Nhưng bà nhận thấy giọng nói của ông không hề thay đổi khi yêu cầu bà trao cho ông tập bản thảo. Bà rót nước cho ông và nói : Công việc của ông chỉ có thế thôi à ? Câu hỏi của bà làm người đàn ông thoáng lúng túng. Và khi ra về, người đàn ông mệt mỏi nói : Chắc tôi không lên đây nữa, tôi sắp về hưu, nhưng người khác thay tôi sẽ lên tìm bà . Lúc đó bà thoáng rùng mình. Và bà muốn chạy vào nhà lấy tập bản thảo đưa cho người đàn ông nọ. Nhưng bà đã không làm thế. Những đêm sau đó bà gần như thức trắng. Bà tự hỏi vì sao người đàn ông đó lại cần tập bản thảo của một người chết đến thế. Những gì người quá cố viết chỉ mình người ấy biết mà thôi. Tất nhiên sẽ có một người khác đọc. Đó là bà. Nhưng bà cũng chỉ đọc nó trước khi từ giã cõi đời. Rồi bà sẽ để lại tập bản thảo đó lại cho cháu bà với lời trăng trối là cháu bà chỉ được đọc tập bản thảo đó trước khi nó từ giã cõi đời. Và như vậy tập bản thảo sẽ mãi mãi là sự bí ẩn đối với những người ở ngoài gia đình bà.

Bé Miên lại tỉnh giấc vào lúc gần sáng. Nó đưa tay sờ lên mặt bà.

“ Bà vẫn thức hả bà ? “

“ Người già thường ít ngủ cháu ạ “

“ Vì sao hở bà ? “

“ Vì người già hay nghĩ “

“ Thế bà nghĩ gì ?”

“ Bà nghĩ về những người bà đã gặp “

“ Bà có nghĩ về con thú không “

“ Có cháu ạ “

“ Bà ơi, đêm nay bà có thấy con thú nó về không ? “

“ Ngủ đi cháu “

Bà không muốn trả lời câu hỏi của đứa cháu. Bà không ngủ bởi bà nghe bước chân con thú trở lại và đi vòng quanh ngôi nhà của hai bà cháu bà. Từ cuối thu, bà phát hiện ra cứ đêm khuya là có một con thú từ rừng mò đến nhà bà. Bà nghe rõ tiếng bước chân nặng nề của nó đi vòng quanh ngôi nhà và tiếng nó đánh hơi như người kịt mũi. Bà không biết nó là loại thú gì. Buổi sáng bà đi quanh nhà để tìm dấu chân nó. Nhưng bà không tìm được dấu vết gì của con thú để lại. Có thể đó là một con gấu, có thể là một con hươu, có thể là một con hổ. Bà chưa bao giờ nghe thấy tiếng nó kêu. Nhưng bà không tin đó là một con hổ vì đã lâu lắm rồi khu rừng này không có hổ. Và những loài thú khác cũng chẳng còn bao nhiêu. Người ta phá rừng và săn bắn tất cả những gì họ nhìn thấy.

“ Sao con thú lại cứ về và đi vòng quanh nhà mình ? “

Bé Miên hỏi, giọng nó sợ hãi như sắp khóc. Câu hỏi của Miên cũng là câu hỏi của bà. Bà không hiểu tại sao như vậy. Con thú trở về và không hề phá phách gì. Tiếng chân chầm chậm và tiếng đánh hơi của nó mệt mỏi chứng tỏ nó không có ý định làm hại hai bà cháu. Thi thoảng bà nghe như nó nằm xuống trước bậc cửa ngôi nhà . Tiếng nó thở phì phò đều đều. Những lúc như thế, bà cố tình đánh tiếng để xem con thú có phản ứng gì không. Nhưng bà không thấy nó có phản ứng gì đặc biệt ngoài tiếng cọ nhè nhẹ vào cánh cửa gỗ. Bà không biết nó dụi đầu hay cọ lưng. Nhiều lúc bà muốn mở cửa để xem con thú ấy hình thù ra sao. Nhưng bà sợ nếu có mệnh hệ nào thì đứa cháu gái bé bỏng của bà sẽ sống ra sao. Một hôm bà gặp một toán người đi săn qua nương ngô của bà. Bà định nói cho họ biết về con thú đó và nhờ họ bắn con thú. Nhưng bà vội dập tắt ngay ý định đó. Sau này có lúc bà thấy ân hận. Rõ ràng là con thú không có ý hại bà cháu bà. Nếu đó là một con thú dữ nó đã phá tan cái cửa gỗ cũ mà xông vào nhà khi nó đánh hơi thấy có người trong nhà.

Những buổi buổi sáng mùa đông trên vùng đồi đầy mây mù. Năm nay là một năm rét khủng khiếp. Hai bà cháu đi kiếm thêm củi để sưởi cho hết mùa đông. Bà cảm thấy mùa đông năm nay là mùa đông lạnh nhất trong đời bà. Buổi tối hai bà cháu phải đốt một đống lửa trong nhà. Bà nướng gừng đập nhỏ bỏ vào cái ấm trà uống cho ấm. Nhiều đêm hai bà cháu ngồi uống nước chè rừng ủ với gừng nướng đến khuya. Những đêm như thế, bà thường mang gói bản thảo của chồng để lại đã mấy chục năm để bên bếp lửa. Bà mở tấm vải mưa nhỏ bọc tập bản thảo. Những dòng chữ chập chờn trong ánh lửa. Nhiều lúc bà muốn đọc những dòng chữ kia. Nhưng bà nghĩ : Nếu mình đọc xong những trang bản thảo kia mình sẽ chết. Cháu mình còn nhỏ quá. Và thế là bà lại gói tập bản thảo lại.

Khi hai bà cháu đi kiếm củi ở bên kia mé đồi nơi có một đoạn suối chảy qua. ở đó mọc đầy những bụi cây chỉ cao ngang đầu người. Trước kia đó là phần rừng rậm. Khi hai bà cháu nghỉ bên bờ suối, bà cảm thấy có ai từ trong một bụi cây bên kia bờ suối nhìn bà. Bà ngước mắt lên tìm kiếm. Và bà giật mình nhận thấy có một con hổ đang nhìn bà. Con hổ bị những lùm cây che khuất chỉ để lộ ra cái đầu. Nó im lặng nhìn về phía hai bà cháu bà. Bà cũng im lặng nhìn nó. Khoảng cách giữa bà và con hổ chỉ cách một dòng suối nhỏ. Con hổ chỉ nhảy hai nhịp là đã tới nơi hai bà cháu bà ngồi.

“ Bà nhìn gì thế ?” Bé Miên hỏi.

“ Không, không. Bà không nhìn gì cả”.

Bà nói nhỏ nhưng rất nhanh. Nếu bà bảo với đứa cháu của bà có một con hổ thì đứa cháu sẽ kêu rú lên. Như vậy chỉ kích động thói hung dữ của con hổ. Bà lặng người một lúc và nói khẽ :

“Cháu về nhà trước đi”

“ Cháu về cùng bà”

“ Bà ở lại một lát. Bà có việc. Về đi cháu”

Vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, bé Miên lặng lẽ bước đi. Lúc đó, mắt bà không rời con hổ, tay bà cầm lấy con dao chặt củi và tai bà lắng nghe tiếng chân của đứa cháu xa dần. Khi biết đứa cháu đã xa nơi nguy hiểm, bà mới thở nhẹ nhõm. Con hổ vẫn không hề nhúch nhích. Nó đứng nhìn bà. Và bà cảm thấy đó là một con thú dữ có bộ mặt buồn. Bà tin đó chính là con thú vẫn mò về và đi vòng quanh ngôi nhà của bà. Bà băn khoăn tại sao con hổ lại không tấn công hai bà cháu bà. Đây là cơ hội tốt nhất cho nó thực hiện bản năng săn mồi của nó. Bà từ từ rời khỏi bờ suối. Đi được một đoạn bà quay lại. Con thú cũng rời bụi cây đi xuống bờ suối. Nó đứng nhìn bà rồi cúi xuống uống nước. Con thú uống những ngụm nước nhỏ một cách dịu dàng. Cái lưỡi của nó chỉ như chạm khẽ vào mặt nước. Lúc này bà nhận thấy con hổ đã quá già. Bước đi của nó uể oải. Những cơ bắp của nó như đã teo hết, chỉ còn lại tấm da trùm lên bộ xương.

Buổi tối con thú tìm đến ngôi nhà. Bà Hạo nghe rõ tiếng thở của nó ở bên ngoài bức tường gỗ. Bà ngồi dậy khơi đống lửa. Hơi lửa tỏa ấm ngôi nhà nhỏ. Bà nghe tiếng con thú rên khe khẽ như vì cái lạnh khủng khiếp của rừng núi. Nghe tiếng rên của nó, bà băn khoăn không biết nó có phải là con hổ bà gặp bên bờ suối không. Một con thú hung dữ lẽ nào lại rên buồn bã như thế. Tiếng rên của nó trong đêm gió rét cô đơn và tội nghiệp. Phải chăng bà có thể coi nó như một con mèo để có thể mở cửa cho nó vào sưởi. Càng gần sáng, trời càng rét. Sương mù như xóa mất ngôi nhà trên đỉnh đồi. Tiếng rên của con thú mỗi lúc một buồn bã và tội nghiệp. Lòng bà ngổn ngang. Một con hổ quá già không có bầy đàn trong một đêm lạnh giá ở một chốn hoang vu như thế này thật khó sống nổi. Nếu không có đứa cháu ngây thơ đang ngủ thì bà không chịu đựng được khi nghĩ đến cảnh đó. Bà sẽ ra mở cửa. Bà sẽ kiểm tra lại suy nghĩ của mình về nỗi cô đơn có thể bằng chính cái chết của mình.

Buổi sáng hôm sau, bé Miên lại hỏi bà về con thú. Bà không nói gì. Cả ngày hôm đó bà nói cho đứa cháu về gia đình nó. Và cuối cùng bà mang tập bản thảo từ bàn thờ xuống:

“ Đây là gia sản duy nhất của ông nội cháu ”

“ Tập bản thảo mà bà nói với cháu chứ gì ? “

“ Đúng thế. Bà dặn cháu một điều: khi bà chết cháu phải giữ cẩn thận, không được đưa cho bất kỳ ai ngoài con cháu của cháu sau này. Và cháu chỉ được đọc khi đã già như bà...”

“ Ông viết gì thế hở bà ?”

“ Bà chưa đọc. Bà chỉ đọc khi bà biết mình sắp chết. Sau này cháu cũng vậy. Cháu phải nhớ lời bà. Nếu cháu không làm đúng như bà nói thì ông bà rất buồn ”

Bé Miên không nói mà chỉ gật gật đầu. Nó ngồi hai tay bó gối, gương mặt trẻ con bỗng trầm tư như người lớn.

Đêm hôm sau nữa tất cả gió rét như dồn hết vào vùng đồi. Con thú tìm về ngôi nhà sớm hơn mọi lần. Tiếng rên của nó vẫn như những đêm trước nhưng yếu hơn. Đến khoảng nửa đêm thì tiếng rên ngừng hẳn. Bà Hạo lắng nghe một lúc lâu không thấy gì. Bà lên giường đi ngủ. Bà mơ thấy chồng và đứa con trai trở về. Xe ngựa đỗ trước sân nhà. Hai con ngựa trắng hí lanh lảnh như kèn đồng. Chồng bà bảo bà sửa soạn để đi chơi một chuyến xa. Bà xách chiếc làn cói bước lên xe và vẫy tay tạm biệt đứa cháu gái. Chiếc xe song mã đi như bay xuống chân đồi . Buổi sáng hôm đó bà dậy sớm hơn mọi ngày. Bà nhóm lửa đun trà và nhớ về giấc mơ đêm trước. Bà biết bà sắp ra đi. Uống xong trà, bà ra mở cửa. Bà kinh hãi nhận ra con hổ đang nằm trên hiên nhà. Bà đứng như trời trồng. Mãi sau bà mới từ từ trấn tĩnh và nhận ra con hổ đã chết. Nhưng bà vẫn lùi vào bên trong bậc cửa. Bà khép cánh cửa lại chỉ để một khe nhỏ có thể nhìn thấy con hổ. Rồi bà đập đập vào cánh cửa. Con hổ vẫn nằm im lặng, đầu ngoẹo sang một bên. Lúc đó bà mới tin là con hổ đã chết. Bà bước từng bước đến bên nó và ngồi xuống. Bà đặt tay lên mình con hổ và thấy thân thể nó lạnh giá. Lúc này bà nhận ra rằng con hổ đã quá già yếu và cô đơn. Bầy đàn của nó đã bị tiêu diệt hết. Có phải vì thế mà nó tìm đến ngôi nhà để chống lại nỗi cô đơn của nó chăng.

Gần tối hôm đó hai bà cháu chôn cất con hổ ở sau nhà. Bà không muốn một người nào đó nhìn thấy con hổ. Họ sẽ đào xác nó lên để lột da và lấy xương nấu cao.

“ Tại sao con hổ lại cứ tìm đến nhà mình và chết ở đây ? Sao nó không chết trong hang của nó, hở bà ?”

“ Nó không có bạn. Cả khu rừng này không còn con hổ nào nữa. Nó không chịu được cảnh sống một mình ”

Đêm ấy trời bỗng ấm hẳn lên. Hai bà cháu vẫn đốt lửa và chuyện trò đến khuya. Sau khi bé Miên đi ngủ, bà Hạo cảm thấy có một điều gì đó lạ thường. Bà mang tập bản thảo từ ban thờ xuống và mở tập bản thảo ra. Bà muốn đọc những gì chồng bà viết. Đây là lần đầu tiên bà thanh thản mở tập bản thảo như mở một cuốn sách bố bà mua cho bà thuở ấu thơ. Bà bắt đầu đọc. Và càng đọc gương mặt già nua của bà càng trở nên thanh thản lạ kỳ. Mái tóc bạc của bà như một đám mây trắng trôi trên bầu trời mùa thu.

Khoảng ba giờ sáng thì bà đọc xong tập bản thảo. Bà lặng lẽ gói tập bản thảo lại và đặt lên ban thờ. Bà thắp mấy nén hương. Bà đứng lặng im trước ban thờ rất lâu. Rồi bà lên giường đi ngủ. Bà hôn lên trán bé Miên và mỉm cười trong bóng tối. Trong giấc ngủ bà nghe thấy tiếng ngựa hý lanh lảnh dưới chân đồi. Bà mở cửa chạy ra. Chồng bà đang ngồi trên chiếc xe song mã vẫy bà. Bà lao xuống chân đồi như một cô gái. Chồng bà đỡ bà lên chiếc xe và huầy lên một tiếng. Hai con ngựa bạch tung vó như bay lên. Chỉ trong chớp mắt, chiếc xe đã trôi bên những đám mây trắng phía chân trời rồi mất hút khỏi thế gian.

Sang sau bé Miên tỉnh dậy thấy bà vẫn ngủ. Nó lặng lẽ ra khỏi giường nhóm lửa đun nước cho bà nó pha trà. Khi nước sôi, nó gọi bà dậy uống trà như mọi ngày. Nhưng bà Hạo không bao giờ tỉnh lại nữa. Bà đã từ giã thế gian, nơi mà bà đã sống ở đó gần tám mươi năm.

Ba năm sau người dì của Miên đón nó về thành phố. Miên để lại tất cả những gì có trong ngôi nhà. Nó chỉ mang theo tập bản thảo của ông nội nó. Nhưng nó đã không thực hiện lời dặn của bà nó. Nó đã mở tập bản thảo của ông nó ra và đọc. Đọc xong, nó đốt tập bản thảo. Năm ấy, nó vừa bước sang tuổi mười tám.

Cùng tác giả:

BẦU TRỜI CỦA NGƯỜI CHA - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

Hai người đàn bà xóm Trại - Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

MÙA HOA CẢI BÊN SÔNG -Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.