chan_dung-ke_si

SANG SÔNG - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

26-10-2023

Lượt xem 1933

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Huy Thiệp

SANG SÔNG - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Bảo Ninh: Tôi luôn bị như thế. Tôi muốn nói mình đặc biệt nhớ truyện đó. Đặc biệt nhớ vì…tiếc cho mình. Xưa, tôi không ít dịp ở trong huống cảnh từa tựa cảnh của Sang sông. Quả thực cũng từng nhen ý tưởng viết về một chuyến đò. Và nhất là, cái chi tiết cốt lõi của Sang sông, tôi cũng đã từng lâm vào, không hẳn y hệt, nhưng na ná. Cho nên khi đọc Sang sông, tôi thấy tiếc ghê. Thậm chí nghĩ, truyện này lý ra là của mình. Ở đời có loại truyện ngắn như thế, ai đọc rồi cũng thấy là sao mà viết dễ và dễ viết đến như vậy, mình cũng viết được; vậy nhưng, lại không tài nào có một ai khác ngoài tác giả có thể nhận ra, nghĩ ra, viết ra nổi.

 

Bến đò.

Sang đò có một nhà sư, một nhà thơ, một nhà giáo, một tên cướp, hai tên buôn đồ cổ, hai mẹ con, một cặp tình nhân và chị lái đò.

Chị lái đò bắc tấm ván cầu để hai tên buôn đồ cổ đẩy chiếc xe máy lên đò. Tên cao gầy bảo tên mặc áo ca rô:

- Cẩn thận!

Đấy là tên này bảo bạn nó cẩn thận ôm cái bọc vải trên tay, trong ấy có cái bình cổ.

- Giúp với!.

Tên cao gầy nói với người đứng sau. Người ấy là nhà thơ.

Họ loay hoay đẩy chiếc xe máy lên tấm ván cầu. Nhà thơ vụng về níu chiếc xe máy lật nghiêng. Anh khuỵu đầu gối xuống nước. Đôi trai gái đứng trên bờ bật cười. Cô gái nói với người yêu:

- Giúp họ một tay!

Chàng trai cởi áo khoác đưa cho cô gái. Anh đến chỗ xe đổ.

Chiếc xe được nâng lên, đẩy vào khoang đò, nơi có hai mẹ con ngoài thành phố về thăm quê. Người mẹ ba mươi hai tuổi, xinh đẹp, đài các. Đứa con trai chín tuổi trông rất kháu khỉnh.

Chiếc xe máy quay ngang trong lòng đò, chạm vào người thiếu phụ. Thiếu phụ cau mặt. Tên cao gầy nhanh nhảu:

- Xin lỗi chị.

Tên cao gầy cúi xuống phủi vết bẩn ở đầu gối thiếu phụ. Thiếu phụ hất tay hắn, quay mặt đi.

Đằng sau họ, nhà sư đang kể chuyện cho ông giáo nghe về đức Bồ Đề Lạt Ma:

- Khi ngài ngồi điện bích ở Tụng Sơn, Huệ Khả đến chặt tay mình để xin pháp ấn, nói rằng: “Bạch thầy, tâm con không an”. Ngài bảo: “Ngươi đưa tâm của ngươi ra đi”. Huệ Khả đáp: “Bạch thầy, con tìm tâm mãi mà không thấy”. Ngài bảo: “Đó! Đó là ta đã an tâm cho ngươi rồi đó”. Thế là Huệ Khả giác ngộ...

Tên mặc áo carô ôm bọc vải vào lòng ngồi cạnh nhà sư. Đây là chỗ an toàn nhất trong đò. Ông giáo không bằng lòng:

- Cái anh này! Sao chen vào đây?

Tên mặc áo carô khép nép:

- Cụ xá lỗi! Con đang giữ trong tay báu vật. Vỡ cái bình này thì sạt nghiệp.

- Bình gì thế?

Tên mặc áo carô hơi co người lại.

Cặp tình nhân xuống đò. Họ ngồi ở mũi đò, sau chỗ chị lái đò. Chàng trai đưa tay vớ lấy chiếc áo khoác trên đùi cô gái. Tay anh chạm vào làn da bụng âm ấm của cô. Anh để yên, không rút tay ra nữa. Cô gái đỏ mặt, lấy chiếc áo khoác trùm lên tay anh.

Nhà thơ ngồi chênh vênh ở bên mạn đò. Anh khỏa tay xuống nước làm đò chao nghiêng. Tên cao gầy cau mặt vỗ vai nhà thơ:

- Ông anh đừng đùa! Chết ráo cả bây giờ.

Nhà thơ ngơ ngác:

- Nước trong quá! Nhìn thấy những con cá thần tiên dưới đáy.

Tên cao gầy bật cười:

- Thật chịu thầy! Tôi chỉ thấy có cá diếc thôi!

Chú bé chen vào hùa với nhà thơ:

- Cá thần tiên đấy!

Tên cao gầy lia mắt vào lòng thiếu phụ:

- Con ơi, con hỏi mẹ con xem đấy là cá diếc hay cá thần tiên?

Thiếu phụ luống cuống, khép đùi lại, kéo tay chú bé.

Chị lái đò đẩy sào. Chiếc đò rời bến. Trời chiều mây xám. Một cánh chim bay về phía núi. Con đò xoay ngang.

- Đò!

Tiếng gọi gay gắt từ trên bờ đất vang lên. Tên cao gầy khoát tay:

- Kệ họ!

Chị lái đò lưỡng lự đẩy sào.

- Đò!

Tiếng gọi lần này lại gay gắt hơn. Con đò hướng mũi vào bờ.

Từ doi đất đi xuống là một người cao lớn, khoác túi, trông dáng phong trần. Nhảy một bước, anh ta đã ở trên đò. Nước sông bắn cả vào nhà sư.

Nhà sư giật mình, thốt lên:

- A di đà Phật!

Ông giáo lẩm bẩm:

- Người với ngợm, trông như tướng cướp.

Kẻ ấy là tướng cướp thật. Hắn cười nhã nhặn như để xin lỗi mọi người rồi thản nhiên cầm lấy tay chèo. Hắn quấn chiếc túi vải lên đầu tay chèo rồi vừa kẹp tay chèo vào nách để châm thuốc lá vừa nháy mắt nói với chị lái đò:

- Trời chẳng nắng, trời chẳng mưa. Thoắt cái mà đã xế trưa mất rồi!

Chị lái đò bâng quơ:

- Giông bão gì đâu mà quạ xuống núi?

Tên cướp vui vẻ:

- Có cỗ cưới, người ta mời. Ông lão sáu mươi lấy cô mười bẩy.

Mọi người trên đò lặng ngắt. Chẳng ai ưa lối trò chuyện này. Chỉ có cặp tình nhân không chú ý gì. Chàng trai luồn bốn ngón tay qua lần chun quần cô gái. Cô gái định làm một cử chỉ cưỡng lại nhưng sợ mọi người chú ý nên lại ngồi im.

Tiếng chèo khua rất khẽ.

Tên mặc áo carô ngủ gà ngủ gật.

Ông giáo tiếp tục câu chuyện:

Bạch thầy! Bản chất đời sống con người có sự ác. Con người chạy theo dục tình, tiền bạc, danh vọng hão huyền.

Nhà sư đưa mắt nhìn vào lòng bàn tay. Bạch thầy! Đâu đâu con cũng thấy toàn là súc vật. Mọi sự thảy súc vật hết. Cả sự chung tình cũng là súc vật. Ý thức hướng thiện cũng súc vật nốt.

Nhà thơ ngâm khe khẽ:

- Chỉ có ta, cô đơn giữa bầy...

Thiếu phụ bóc một quả cam đưa cho chú bé. Chú bé lắc đầu.

Tên cao gầy rút bao thuốc lá mời nhà thơ. Nhà thơ nhận ra một nốt ruồi ngay tinh mũi hắn. Anh lắc đầu:

- Cái nốt ruồi kinh quá!

Tên cao gầy trố mắt:

- Sao thế?

- Anh có thể thoắt cái giết người như bỡn.

Nhà thơ đưa tay cứa ngang cổ mình:

- Như thế này này...

Tên cao gầy bật cười:

- Sao biết?.

Nhà thơ lắp bắp, anh không tin chắc điều mình nói nữa:

- Tôi là nhà tiên tri thấu thị.

Chú bé níu lấy tay anh:

- Thế còn cháu thế nào hả chú?

Nhà thơ chăm chú nhìn sâu vào mắt chú bé, nhận ra một nỗi buồn khắc khoải tê dại như thể của tổ tông truyền lại cho nó, lẫn ở đấy có những vằn đỏ nhỏ li ti.

Anh ngần ngại hỏi:

- Cháu có dám mơ mộng không?

Chú bé gật đầu quả quyết:

- Có!

Nhà thơ mỉm cười:

- Vậy cháu bất hạnh.

Thiếu phụ thở dài. Ông giáo lẩm bẩm:

- Đâu đâu cũng rặt những phường điêu trá.

Cô gái ngồi ở đầu mũi đò cựa quậy. Người yêu của cô luồn bốn ngón tay sâu thêm chút nữa vào trong quần lót của cô. Cử chỉ của anh không lọt qua mắt thiếu phụ. Bằng kinh nghiệm riêng đàn bà, thiếu phụ biết cặp tình nhân đang giở trò khỉ.

Ông giáo ngâm ngợi:

Góc danh lợi bùn pha sắc xám

Mặt phong trần nắng rám mùi dâu

Nghĩ thân phù thê mà đau

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê

Mùi tục lụy lưỡi tê tận khổ

Đường thê đồ gót rỗ kỳ khu

Sóng cồn cửa bể nhấp nhô

Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh...

Nhà thơ reo khẽ:

- Hay quá! Thơ của ai thế cụ?

Ông giáo trả lời:

- Đấy là Nguyễn Gia Thiều.

Nhà thơ thở dài:

- Tiếc thật...Tay nào hay thì đều toi cả...Văn chương chết đoản hết...

Cô gái ngồi ở đầu mũi đò bật lên tiếng rên khe khẽ.

Thiếu phụ nhìn sâu vào mắt cô gái rủa thầm:

- Đồ đĩ!

Cô gái nhận ra lời rủa bèn quay mặt đi nhưng vẫn bị ánh mắt thiếu phụ dõi theo. Không chịu nổi, cô gái trâng tráo nhìn thẳng vào mắt thiếu phụ thừa nhận:

- Ừ thì đĩ!

Chú bé bật cười vì nhìn thấy rớt dãi ở mép của tên buôn đồ cổ mặc áo ca rô. Mắt hắn díu lại, đầu cứ thúc lia lịa vào mặt nhà sư.

Chiếc bọc vải trên tay của tên mặc áo carô tỳ hẳn lên đùi ông giáo. ông bực mình, giằng lấy chiếc bọc vải làm sợi dây buột ra để lộ chiếc bình.

Tên mặc áo carô tỉnh ngủ, giật mình:

- Cháu xin lỗi cụ!

Ông giáo nâng chiếc bình lên tay ngắm nghía thán phục:

- Chiếc bình đẹp quá!

Ông giáo quay sang bên cạnh:

- Bạch thày! Chiếc bình này thời nào?

Nhà sư ngước lên, trong ánh nhìn lóe một tia sáng thậm chí giống hệt dục vọng:

- Bình gốm thời Bắc thuộc, đời Lý Bí hay Khúc Thừa Dụ...

Ngần ngừ giây lát, nhà sư đưa bàn tay sờ lên miệng bình:

Chùa Tương có cái bình thế này, bán đi đủ tiền xây lại tam quan.

- Một “cây” đấy!

Tên cao gầy hãnh diện đỡ lấy chiếc bình trên tay ông giáo. Tên cướp dừng chèo, không điều gì trong đò lọt qua mắt hắn.

Cô gái ngồi ở cuối đò xoay người, tránh một cử chỉ quá trớn bất cẩn của người yêu cô. Chàng trai bực mình rút tay khỏi lòng cô gái. Anh len lén chùi tay vào khe ván đò nhưng không làm sao gạt được sợi lông loăn xoăn dính ở ngón tay. Ngay lúc ấy, một ý nghĩ hiện lên khiến anh tự dưng cáu bẳn.

Anh ngồi nhích xa cô gái:

- Đàn bà...quỷ sứ...Tất cả đều chẳng ra gì... Bẩn thỉu...

Cô gái duỗi thẳng chân. Vẻ thất vọng của cô làm cho thiếu phụ chú ý. Thiếu phụ cười nụ, không giấu được vẻ hả hê trong mắt.

Nhà thơ xem xét chiếc bình, thán phục:

- Hàng nghìn năm lịch sử...Kinh thật! Ngày xưa có cô công chúa đựng nước gội đầu ở bình này đấy!

Tên cao gầy mỉm cười:

- Tôi tưởng bình đựng rượu?

Nhà thơ gật đầu:

- Đúng rồi! Thế kỷ XIII, khi quân Nguyên Mông sang, có tráng sĩ đã dùng bình này đựng rượu...Thế kỷ thứ XV người ta chôn nó xuống đất.

- Thật chịu thầy! - Tên cao gầy thú vị. - Chiếc bình này chắc nhiều sự tích phải không?

Tất nhiên rồi. - Anh nheo mắt lại. - Có năm mươi sự tích.

Ông giáo đánh rơi chiếc cặp trên tay. Tên mặc áo ca rô nhặt hộ tờ giấy, thấy ở đấy có chữ ghi chép. Hắn liếc mắt đọc:

Nhân loại có bổn phận làm việc không ngừng để sáng tạo những người cao thượng; đó là nhiệm vụ của con người, và chẳng có việc gì khác nữa (Nitsơ). Tôi thường nói với nghệ sĩ - và tôi còn nói mãi - rằng cùng đích những xung đột trong vũ trụ và loài người chính là nghệ thuật trình diễn kịch, bởi vì những xung đột đó không có một công dụng nào nữa (Gơtơ)”.

Tên mặc áo carô đưa trả ông giáo tờ giấy. Hắn lễ độ:

- Chữ cụ tươi quá!

Ông giáo cầm tờ giấy, chua chát nói:

- Chữ à! Văn tốt chữ tươi thì nghĩa lý gì?

Chú bé dựa hẳn vào lòng nhà thơ. Chú bé đút tay vào trong miệng bình. Thiếu phụ hốt hoảng:

- Này con! Khéo không rút tay được ra thì khốn!

Có lẽ lời nhắc nhủ của thiếu phụ chính là lời rủa của tạo hóa, ở đấy chứa cả nỗi căm uất quá khứ.

Tên cao gầy giật mình. Hắn bảo chú bé:

- Rút tay ra!

Nhà thơ bông đùa:

- Đút tay vào lịch sử thì kẹt ở đấy còn lâu!

Chú bé loay hoay. Hình như miệng của chiếc bình bé lại. Chú bé mếu máo:

- Mẹ cứu con!

Mọi người trong đò rối rít cả lên. Chú bé không sao rút tay ra được miệng bình.

Thiếu phụ sợ hãi:

- Làm sao bây giờ?

Tên mặc áo carô ngồi xuống đỡ lấy chiếc bình, hắn vừa xoay chiếc bình vừa cằn nhằn:

- Đồ quỷ! Nghịch hết chỗ nói!

Chú bé oà khóc. Tên cao gầy bắt đầu nổi giận.

Tên cướp không chèo nữa. Hắn đến gần, xem xét.

Hắn khuyên chú bé:

- Kéo mạnh tay ra!

Tên cao gầy nhăn mặt, giọng khàn lại:

- Cẩn thận không vỡ chiếc bình!

Chỉ còn một thôi chèo nữa là đò cập bến. Dòng sông lặng ngắt như tờ. Đã thấy khói lam chiều ở phía làng xa.

Cặp tình nhân cũng rời chỗ ngồi đến gần chú bé. Người ta tìm đủ cách gỡ chiếc bình ra. Chú bé nước mắt lưng tròng.

Nhà thơ đùa cợt, rõ ràng chẳng hợp tình cảnh chút nào:

- Chỉ còn cách chặt tay chú bé để cứu chiếc bình, sau đó lại đập vỡ bình cứu tay chú bé.

Thiếu phụ khóc lóc, rên rỉ:

- Trời ơi...khổ quá!

Tên cao gầy đỡ lấy ~ chiếc bình. Hắn kéo mạnh.

Đây là cố gắng cuối cùng. Cổ tay chú bé đỏ hỏn, xước cả da.

- Chịu!

Tên cao gầy khẳng định. Hắn đứng dậy, thò tay vào trong ngực áo. Tên mặc áo carô hiểu ý bạn hắn.

Chiếc đò cặp bến. Ở trên bờ không một bóng người.

Gió lạnh thổi.

Tên cao gầy và tên mặc áo carô lăm lăm hai mũi dao nhọn.

Tên cao gầy nói với thiếu phụ, dứt khoát, lạnh lùng. Chiếc bình này một “cây” bà chị tính sao thì tính!

Thiếu phụ sợ hãi, ôm chặt chú bé:

- Trời ơi...tôi không mang tiền...

Sực nhớ ra, thiếu phụ vội vã tháo ở ngón tay chiếc nhẫn.

Tên cao gầy hất đầu cho tên mặc áo carô. Tên này cầm ngay chiếc nhẫn đút vào túi áo.

Tên cao gầy dí dao vào cổ chú bé. Một giọt máu ứa ra nơi đầu mũi dao. Giọt máu chảy từ từ trên vệt lang ben trắng bạch.

- Làm sao thế.

Ông giáo lập cập đánh rơi cả kính. Mũi dao ấn sâu hơn nữa. Một tia máu nhỏ phun vào bàn tay ông giáo.

Cô gái đứng bên chàng trai ôm mặt rú lên, ngã cạnh thành đò. Chàng trai đẩy nhà thơ ra, anh tháo chiếc nhẫn ở tay chìa cho tên mặc áo carô.

Anh nói, giọng như ra lệnh:

- Các người bỏ thằng bé ra! Thiếu phụ thôi khóc. Chị hơi ngạc nhiên trước cử chỉ của chàng trai trẻ.

Tên cao gầy đảo mắt. Mũi dao lún sâu dần vào cổ chú bé.

Tên mặc áo carô cầm lấy chiếc nhẫn trên tay chàng trai.

Tên cướp sấn vào, hắn dẫm vào chân chú bé.

Chú bé rú lên. Tên cướp nghiêng người, xô cả vào người ông giáo. Chiếc túi vải khoác trên vai hắn rơi xuống, đổ ra lủng củng các thứ đồ nghề rõ ràng chẳng phải lương thiện chút nào. Chiếc côn nhị khúc, chùm chìa khóa đến năm chục chiếc khác nhau, lưỡi lê, còng số 8, cuốn lịch xem ngày tốt xấu ố vàng rách nát...

Tên cướp nhét vội đồ nghề cho vào túi vải. Hắn cầm chiếc côn lên tay đập đập. Hắn nói:

- Việc đã lỡ rồi, coi như vận xấu, đi buôn lỗ vốn!

Tên cao gầy trừng mắt lên nhìn. Tên cướp nửa đùa nửa thật:

- Thôi đi! Trẻ con là tương lai đấy! Làm gì cũng phải nhân đức hàng đầu.

Tên cao gầy lưỡng lự, để lỏng mũi dao. Ngay lúc ấy, chiếc côn trên tay tên cướp bổ mạnh vào miệng chiếc bình.

Chiếc bình gốm vỡ.

Nhà thơ thở phào, anh tán thưởng:

- Có thế chứ!

Chú bé quỵ vào lòng mẹ. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Tên cao gầy và tên mặc áo carô sững sờ, chúng quay sang phía tên cướp, lăm lăm lưỡi dao. Tên cướp lùi dần rồi nhảy lên bờ. Hắn xoay chiếc côn nhị khúc trên tay.

- Vô ích, - hắn thản nhiên nói.

Mà vô ích thật. Rõ ràng là thế.

Chàng thanh niên đỡ cô gái dậy. Cô gái mỉm cười. Cô biết, cô sẽ yêu anh mãi mãi.

Nhà thơ lẩm bẩm.

Tình yêu làm cho con người cao thượng.

Hai tên buôn đồ cổ cất dao rồi đẩy xe máy lên bờ.

Chúng làu bàu chửi rủa đến khi ngồi lên xe máy. Ông giáo bàng hoàng. Sự việc xảy ra khiến ông kinh ngạc:

- Trời! Anh ấy dám đập vỡ bình! Thật đúng là một anh hùng! Một nhà cách mạng! Một nhà cải cách!

Chị lái đò giấu nụ cười thầm. Chị biết, vô phúc cho ai một mình gặp hắn trong đêm..

Nhà thơ nhặt mấy mảnh gốm đưa cho thiếu phụ. Anh giải thích:

- Để làm kỷ niệm.

Anh cúi xuống đỡ người chú bé. Mọi người lần lượt lên bờ.

Bóng chiều tan dần. Trên đò còn lại nhà sư vẫn ngồi bất động.

Chị lái đò dè dặt:

- Bạch thầy! Mời thầy lên bờ.

Nhà sư lắc đầu:

- Thôi, tôi nghĩ lại rồi...Cho tôi quay về.

Ngần ngừ giây lát, ông lưỡng lự nói:

- Tôi sẽ đi sau.

Chị lái đò tần ngần nhìn những vì sao cuối trời:

- Bạch thầy, về bên kia sông con không đi nữa.

Nhà sư vui vẻ, cười khẽ:

- Không sao! Muốn đi là được. Ngày xưa, đức Bồ Đề Lạt Ma còn sang sông trên một cọng cỏ cơ mà...

Chiếc đò quay về bến cũ. Bóng chị lái đò và nhà sư nổi bật ở trên dòng sông phẳng lặng. Trăng lên, tiếng chuông ngân nga êm đềm. Nhà sư thầm thì đọc câu thần chú:

- Gate gate! Para gate! Para para san gate!

Cùng tác giả:

THƯƠNG NHỚ ĐỒNG QUÊ - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

CON GÁI THỦY THẦN - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

NHỮNG NGƯƠI THỢ XẺ - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn

TƯỚNG VỀ HƯU - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi viết truyện "Tướng về hưu"

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.