chan_dung-ke_si

THƯƠNG NHỚ ĐỒNG QUÊ - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

27-09-2023

Lượt xem 3329

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Huy Thiệp

THƯƠNG NHỚ ĐỒNG QUÊ - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Chân Dung Kẻ Sĩ: Thương nhớ đồng quê là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết năm 1992. Đến năm 1995, Đài NHK của Nhật Bản đã tài trợ toàn bộ kinh phí để đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể truyện thành kịch bản phim điện ảnh. Bộ phim sau đó thắng nhiều giải thưởng danh giá của Việt Nam cũng như một số Liên hoan phim quốc tế khác.

 

Tôi là Nhâm. Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê. Ði trên đường Năm nhìn về làng tôi chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng. Xa mờ là vòng cung Ðông Sơn, trông thì gần nhưng từ làng tôi lên đấy phải năm mươi cây số. Làng tôi gần biển, mùa hè vẫn có gió biển thổi về.

Tháng Năm âm lịch là mùa gặt. Mẹ tôi, chị Ngữ, chú Phụng với tôi ra đồng từ mờ sáng. Ba người gặt, còn tôi gánh lúa.

Tôi gánh lúa về nhà, đi men theo đường mương. Nắng gắt lắm, ngoài trời có lẽ phải bốn mươi độ. Bùn non bên vệ mương nứt nẻ, bong cong lên như bánh đa.

Tôi mơ mộng lắm, hay nghĩ. Bố tôi là thiếu tá, cán bộ trung cấp kỹ thuật hải quân, vẫn đi ra các đảo lấp ra đa với máy thông tin, mỗi năm về phép một lần. Bố tôi thuộc hết tên các đảo. Mẹ tôi chẳng bao giờ đi xa khỏi làng. Mẹ tôi bảo: "Ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người". Chú Phụng thì khác, chú Phụng đã đi nhiều nơi, chú Phụng bảo tôi khi chỉ có hai chú cháu với nhau : "Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái". Nhà chú Phụng toàn phụ nữ : mẹ vợ, vợ, bốn đứa con gáị Chú Phụng đùa :"Chú đẹp giai nhất nhà".

Chị Ngữ là chị dâu tôi, lấy anh Kỷ. Anh Kỷ đang làm công nhân trên mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng. Chị Ngữ là con ông giáo Quì dạy cấp một ở làng. Hồi trước tôi học ông giáo Quì. Ông giáo Quì có nhiều sách. Mọi người vẫn bảo ông là "đồ gàn", lại bảo ông là "lão dê già", "Quì dê". Ông giáo Quì có hai vợ, vợ cả sinh ra chị Ngữ, chị dâu tôi. Vợ hai là thím Nhung, vừa là thợ may, vừa bán quán, sinh ra thằng Văn bạn tôi. Thím Nhung trước kia là gái giang hồ ở Hải Phòng. Ông giáo Quì lấy về làm vợ nên uy tín chẳng còn gì.

Tôi gánh được chục gánh lúa thì đầy ùn cả sân. Tôi gọi cái Minh dọn rơm để có chỗ xếp lúa. Cái Minh em tôi người nhỏ quắt, đen đúa nhưng mắt sáng, lại dai sức. Cái Minh chui ở bếp ra, mặt đỏ gay, mồ hôi ướt đầm hai bên vạt áo.

Tôi ra bể nước mưa múc đầy cả một gáo dừa uống ừng ực. Nước mát lịm. Mẹ tôi vẫn hay chan cơm nước mưa ăn với cà muối. Mẹ tôi không ăn được thịt mỡ.

Sân nóng hừng hực, hơi nóng mờ mờ bốc lên ngây ngất. Mùi lúa ngột ngạt.

Ðường làng đầy rơm rạ phơi ngổn ngang. Tôi đi qua cổng nhà dì Lưu thấy có đám người xúm đông. Cái Mị con dì Lưu gọi tôi :"Anh Nhâm !". Tôi vào thấy ông Ba Vện bưu điện xã đang nhét thư báo vào túi bạt sau yên xe đạp. Cái Mị bảo tôi :"Có điện của chị Quyên ngoài Hà Nội".

Dì Lưu là em mẹ tôi, bị liệt mấy năm nay. Chú Sang chồng dì Lưu đang công tác bên Lào, chú là kỹ sư cầu đường. Anh trai chú Sang ngoài Hà Nội có con gái là Quyên đi học đại học bên Mỹ. Hồi bé Quyên đã có lần về thăm quê.

Tôi cầm bức điện đọc :"Cô Lưu cho người ra ga đón cháu Quyên 14 giờ ngày... ". Tôi hỏi cái Mị :"Chiều nay à ?". Cái Mị gật đầu.

Dì Lưu nằm nghiêng tựa lưng vào tường. Lúc nào dì Lưu cũng nằm như thế đã sáu năm nay. Dì Lưu bảo tôi :"Nhâm giúp dì ra đón em Quyên nhé". Tôi bảo :"Nhà cháu đang gặt". Dì Lưu bảo : "Ðể đấy đã. Gặt ở khoảnh nào ?". Tôi bảo :"Gặt ở khoảnh gieo bào thai hồng".

Cái Mị cầm bức điện ra đồng để nói với mẹ tôi. Cái Mị cùng tuổi cái Minh em tôi nhưng cái Mị trắng hơn, đậm người hơn. Nó hay nói, hay làm nũng. Cái Mị bảo :"Anh Nhâm ơi, hôm nào anh làm cho em cái lồng lấy ổi". Lồng lấy ổi làm bằng cây nứa tươi, đầu lòng hơi giống hom giỏ, có hàm răng mở ra. Tôi bảo :"Em kiếm nứa đi". Cái Mị bảo :"Em có rồi. Mai anh làm nhé". Tôi nhẩm việc, thấy kín hết chỗ từ sớm đến khuya. Cái Mị bảo :"Mai đấy". Tôi bảo :"Ừ". Nhà cái Mị có ba cây ổi, nó trèo ổi gãy cành có lần suýt ngã. Chú Phụng đọc tờ điện báo nói: "Sao lại bưu cục S.N.N ? Thế là nghĩa lý gì ?". Mẹ tôi bảo :"Dì Lưu đã nhờ thì Nhâm đi đi. Cái áo mới mẹ để ở hòm, lấy mà mặc". Tôi bảo cái Mị :"Em về đi Anh phải gặt đến trưa, ăn cơm rồi đi luôn".

Cái Mị đi về một mình. Bóng nó cứ ngụp dần trên cánh đồng xa tít tắp đang gặt nham nhở. Tôi cầm liềm. Quơ một vòng sát chân rạ. Giật mạnh. Bước sang trái. Quơ liềm. Giật mạnh. Lại bước sang trái. Lại quơ liềm. Lại giật mạnh. Cứ thế. Cứ thế mãi. Ðất trên mặt ruộng ẩm ướt. Những con châu chấu nhỏ xíu nhảy lách tách.

Ðến giữa trưa thì đồng vắng lắm. Nhìn ra chỉ có bốn người nhà tôi giữa đồng. Mẹ tôi ngồi bên vệ cỏ nhổ gai ở chân. Chị Ngữ đội nón, khăn trùm mặt, quấn xà cạp đến tận mắt cá chân, ngơ ngẩn nhìn về dãy núi xa phía vòng cung Ðông Sơn. Chú Phụng xếp lúa để gánh về. Chú Phụng hỏi :"Mày về luôn chứ ?". Tôi khô khốc miệng, không nói được, chỉ gật đầu. Hai chú cháu tôi mỗi người một gánh đi về. Chú Phụng đi trước, tôi đi sau. Gánh lúa rất nặng. Tôi thấy chân mình run lắm nhưng cố bước. 100 bước. 200 bước. 1000 bước. 2000 bước. Cứ thế. Cứ thế mãi. Rồi cũng đến nhà.

Cái Minh dọn cơm cho tôi ăn rồi vội vàng mang cơm ra đồng cho mẹ tôi và chị Ngữ.

Tôi ăn cơm. Cơm có rau khoai lang luộc, cà muối, cá tép kho khế. Tôi ăn một lèo sáu bát cơm. Bây giờ đang mệt, nếu không mệt tôi đánh thông đấu gạo.

Tôi ra giếng tắm, thay quần áo. Tôi lấy chiếc áo mới ra mặc, nhưng thấy ngượng nên thôi. Tôi mặc chiếc áo bộ đội bạc màu của bố tôi. Tôi sang nhà dì Lưu lấy xe đạp. Dì Lưu bảo :"Cháu cầm lấy ít tiền". Dì Lưu đưa tôi năm nghìn nhưng tôi chỉ lấy hai nghìn. Hai nghìn là hơn cân thóc. Dì Lưu hỏi : "Nhâm còn nhớ mặt em Quyên không ?". Tôi gật đầu, thực ra tôi không nhớ lắm, nhưng gặp tôi cũng nhận ra.

Tôi đạp xe ra ga. Từ làng tôi đến ga tám chín cây số. Lâu lắm tôi mới đi xa thế này.

Con đường đất men theo rìa làng, qua đình làng, qua đầm sen rồi theo bờ mương ngược về huyện lỵ. Tôi nghĩ. Những ý nghĩ của tôi mông lung.

Tôi nghĩ
Tôi nghĩ về sự đơn giản của ngôn từ
Sự bất lực của hình thức biểu đạt
Mà nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất
Sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đất
Những số phận hiu hắt đầy mặt đất
Bao tháng ngày trôi đi
Bao kiếp người trôi đi
Sự khéo léo của ngôn từ nào kể lại được
Ai nhặt cho tôi buổi sáng mai này
Nhặt được ánh hoang vắng trong mắt em gái tôi
Nhặt được sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôi
Nhặt được niềm hy vọng hão huyền trong lòng chị dâu tôi
Và nhặt được mùi vị nghèo nàn trên cánh đồng quê
Tôi rốt ráo bắn tỉa từng ý nghĩ
Tìm cách săn đuổi cho nó vào chuồng
Và tôi hú gọi trên cánh đồng lòng
Tru lên như con sói hoang
Tôi gắng gặt một lượm sống
Bó buộc lỏng lẻo bởi dải băng ngôn từ
Tôi hú gọi trên cánh đồng người
Tôi nhặt những ánh mắt đời
Hòng dõi theo ánh mắt tôi
Dõi vào cõi ý thức
Cõi ý thức mênh mông xa vời
Dầu tôi biết vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩa mà thôi.

Ga chiều huyện lỵ vắng vẻ. Mấy con gà rã cánh đi trên sân ga. Có khoảng chục người chờ ở cổng. Vẳng lại tiếng nhạc ở băng cát-xét nhà nào đang mở. Tiếng hát của ca sĩ Nhã Phương chậm rãi :"Người đi qua đời tôi, có nhớ gì không người ? Em đi qua đời tôi, có nhớ gì không em ?". Hàng phở, hàng giải khát. La liệt là những sạp hàng quần áo, giầy dép, đường sữa, thuốc lá. Ô tô chạy xuôi chạy ngược.
Trời rất trong. Nắng bừng bừng. Cả phố huyện say nắng.

Tiếng còi tàu hú từ xa dè dặt, vui mừng. Có ai nói to :"Tàu về". Cả phố huyện vẫn mơ màng. Lại có ai gắt lên :"Tàu về". Tiếng còi tàu hâm dọa, chói óc. Mọi người bỗng nhiên rối rít, cuống cuồng. Những bà, những chị, những đứa trẻ bán hàng rong chạy ngược chạy xuôi. Tiếng rao hàng chen nhau :"Nước đây ! Ai bánh nào ! Ai nước nào ! Ai bánh nào ! Ai nước nào !".

Tôi dắt xe đứng một chỗ nhìn. Người trên tàu ra đứng ngồi ngổn ngang ở ngay bậc cửa. Ðây là ga lẻ. Ðồng quê tôi vô danh. Nơi tôi đứng đây vô danh.

Khoảng hơn chục người lần lượt qua cổng soát vé. Tôi nhận ra mấy thầy cô giáo cấp ba trường huyện. Bộ đội. Mấy người buôn chuyến. Mấy người thợ sắt. Một ông to béo, đeo kính râm, mắt kính vẫn còn dán tem. Một thanh niên cao, gầy, tóc rễ tre, đôi mắt tư lự. Tôi biết người này. Ðấy là nhà thơ Văn Ngọc. Sau anh Ngọc là một cặp vợ chồng già. Quyên.

Quyên xõa tóc, mặc áo pun (pull), quần gin (jean), đeo kính, khoác túi. Quyên trông khác hẳn mọi người bởi toàn bộ thần thái toát ra.

Quyên qua cửa soát vé, nhìn quanh. Nhận ra tôi ngay. Quyên bảo : "Tôi là Quyên. Có phải cô Lưu dặn anh đón tôi không ?". Tôi bảo :"Vâng". Quyên cười :"Cám ơn anh. Anh là thế nào với cô Lưu ? Anh tên gì ?". Tôi bảo :"Tôi là Nhâm, tôi là con ông Hùng". Quyên hỏi: "Thế anh có họ hàng gì với tôi không ?". Tôi bảo: "Không". Quyên gật đầu :"Tốt. Cô Lưu thuê anh à ?". Tôi nhìn cái bóng tôi sẫm trên nền xi măng. Tôi, thân phận tôi, ở đâu người ta cũng nhận là kẻ làm thuê, làm mướn.

Chiều xuống chậm. Những bóng râm chạy đuổi nhau lướt trên mặt đất. Chiều đánh rỗng nội tâm của ai hy vọng lý giải điều gì có nghĩa.

Quyên hỏi :"Nhà anh cấy bao nhiêu sào ? Mỗi sào bao nhiêu thóc ? Ðược bao nhiêu tiền ?". Tôi bảo :"Mỗi sào được hơn ba nồi, khoảng gần tạ, mỗi cân thóc một nghìn tư". Quyên nhẩm :"Hai mươi triệu tấn thóc cho sáu mươi triệu người". Tôi bảo : "Có ai chỉ nghĩ đến ăn".

Qua đầm sen gặp sư Thiều. Sư Thiều chào. Tôi chào lại. Sư Thiều bảo :"Tôi vẫn nhớ dành cho cậu cây hồng tú cầu" . Tôi bảo :"Ðể lúc nào qua chùa con xin". Tôi thú chơi hoa. Ông giáo Quì bảo :"Ðấy là thú của kẻ biết đời". Sư Thiều bảo :"Có lấy ít sen về cắm lọ không ?". Ðầm sen của chùa mùa này nhiều hoa.

Tôi dựng xe đẩy thuyền cho sư Thiều. Chiếc thuyền thúng chỉ vừa người ngồi. Chèo khua nước. Quyên bảo :"Tôi muốn đi thuyền". Tôi gọi sư Thiều.

Sư Thiều ghé thuyền vào.

Sư Thiều ôm bó hoa sen đặt lên bờ. Quyên trèo lên thuyền. Tôi đẩy thuyền ra.

Sư Thiều bảo :"Chìu người lụy ta". Tôi cười. Tôi và sư Thiều ngồi ở trên bờ. Chiều vẫn xuống chậm. Nắng hoe vàng. Trong lòng tôi rỗng hoác, rỗng lắm, một khoảng rỗng không.

Quyên lên bờ. Sư Thiều mời ăn ngó sen. Sư Thiều hỏi : "Ngon không ?". Quyên bảo :"Ngon".

Nấn ná một lát rồi về. Sư Thiều chào. Quyên chào lại. Quyên ôm bó hoa sen. Sư Thiều tần ngần đứng trông theo.

Tôi đi trước. Quyên đi sau. Quyên hỏi tôi về sư Thiều.

 

CHUYỆN SƯ THIỀU

Sư Thiều mồ côi cha mẹ. Năm 15 tuổi có người trông thấy tướng lạ bảo :"Nên xuất gia, trong trần gian không có chỗ chứa cậu". Sư Thiều nghe lời, đi du phương nhiều nơi, tìm hiểu qua nhiều bậc thiện tri thức nhưng chẳng ngộ. Sư Thiều nói :"Nay Phật ở nơi không có Phật". Lại nói :

"Ðạo không tâm hợp người
Người không tâm hợp đạo"

Sư Thiều tìm thấy một nền chùa cũ bèn phát công đức, tìm cách tu dựng lại, không hiểu sao gọi là "Bạch xỉ tự" (Chùa trắng răng). Sư Thiều hay đọc thơ, có câu :

"Cô luân độc chiêu giang sơn tịnh
Tự tiếu nhất thinh thiên địa kinh"
Nghĩa là :
"Một vầng riêng chiếu non sông lặng
Chợt cười một tiếng đất trời kinh"
Lại có câu :
"Lộ phùng kiếm khách tu trình kiếm
Bất thị thi nhân mạc hiến thi"
Nghĩa là :
"Gặp tay kiếm khách nên trình kiếm
Chẳng phải nhà thơ chớ hiến thơ"

Sư Thiều bảo :"Phật dạy con người tu một cách thực tế, tìm lại bản lai diện mục của mình, Phật quá thực tế nên không phải ai cũng hiểu".

° ° °

Tôi và Quyên về nhà. Dì Lưu nước mắt lã chã gọi :"Cháu! Cháu ơi !". Quyên ngồi bên giường bảo :"Bố mẹ cháu nhớ ngày giỗ ông nhưng bận không về được, bảo gửi cho cô chú ít tiền". Dì Lưu bảo :"Cô chú không cần tiền, chỉ cần tình cảm". Quyên lấy ở túi ra năm triệu đồng đưa cho dì Lưu. Quyên bảo : "Chị cho Mị cái áo". Cái Mị cười bẽn lẽn bảo :"Em cám ơn chị". Tôi bảo dì Lưu :"Cháu về đây". Tôi nhét trả dì Lưu hai nghìn đồng xuống gối rồi về.

Ở nhà đang tuốt lúa. Chị Ngữ hỏi :"Con bé Quyên có xinh không !". Tôi bảo :"Xinh".

Ăn cơm tối xong thì tối mịt. Trời đổ mưa rào. Sấm sét nổ vang trời. Cả nhà tôi lục đục chuyển thóc ra khỏi chỗ dột. Xong mọi việc thì đồng hồ đã 11 giờ khuya. Trời vẫn mưa. Tôi bỗng thấy bồn chồn trong dạ, không ngồi yên được. Tôi bảo mẹ tôi :"Con muốn ra đồng bắt ếch. Mưa này có nhiều ếch". Mẹ tôi bảo :"Con không sợ sấm sét ư con ?". Tôi cười. Mẹ tôi chẳng hiểu nụ cười của tôi đâu. Tôi cười như một tên thổ phỉ, cười như một gã nặc nô, cười như một tên quỷ sứ cười móng chân tay mình sao lại đen dài như thế.

 

BÀI HÁT PHỤ ĐỒNG BẮT ẾCH

Hồn ếch ta đã về đây
Phải nằm khô cạn, ta nay lên bờ
Ở bờ những hốc cùng hang
Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
Lạy trời cho đến tháng ba
Ðược trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
Trước kia ta vẫn tu thân
Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
Ta gặp thằng bé đen đen
Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
Ta gặp thằng bé đen sì
Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
Nó có chiếc nón đội đầu
Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
Nó có cái quạt cầm tay
Nó có ống nứa bỏ đầy ngoé con
Nó có chiếc cán thon thon
Nó có sợi chỉ son son dài dài
Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
Nó giật một cái đã sai quai hàm
Mẹ ơi lấy thuốc cho con
Lấy những lá ớt cùng là xương sông
Ếch tôi ở tận hang cùng
Bên bờ rau muống phía trong bè dừa
Thằng Măng là con chú Tre
Nó bắt tôi về làm tội lột da
Thằng Hành cho chí thằng Hoa
Nắm muối cho vào cay hỡi đắng cay
Bụt ơi bụt hiện xuống đây
Lượm oan hồn ếch đón bay về trời
Trăm năm lẫn lộn khóc cười
Kiến ếch kiếp người cay hỡi đắng cay...

Ðồng vắng lặng. Tiếng ếch ộp oạp. Tiếng ễnh ương rất vang, rất to. Tiếng côn trùng rỉ rắc.

Mưa.

Mưa miên man.

Tôi cầm đèn pin, chân xéo bừa lên các chân rạ ẩm ướt. Ếch có nhiều, đờ đẫn dưới ánh đèn, chỉ cần bắt vào rọ. Sấm sét nổ vang trời. Chớp loé sáng. Vũ trụ mở ra vô cùng vô tận. Gió ào ào, nghe như có muôn vàn cánh chim bay đang vỗ trên đầu. Một cảm giác kinh dị xâm chiếm toàn thân khiến tôi bủn rủn. Tôi rõ ràng thấy có một bóng hình vĩ đại đang lướt nhanh qua, đang chuyển vận mãnh liệt trên đầu. Tôi nằm áp xuống bờ rạ, tâm trạng bàng hoàng, thổn thức. Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt bên trên tôi kia, đang chuyển vận rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi, chắc chắn bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đến từng số phận. Ðiều ấy khiến tôi an lòng.

Tôi đã đúng
Tôi an lòng bởi sự lựa chọn hình thức biểu đạt này
Hình thức khó khăn, tầm thường, vô nghĩa, phù phiếm
Ðể sáng danh giá trị thiện tri thức
Trên cánh đồng hoang này
Cánh đồng hoang của mê muội và cái ác nhởn nhơ
Ai đấy ?
Ai cất lên tiếng sáo nỉ non trong đêm
Và những anh linh nào, những hồn ma nào quờ quạng
Tiếng thở nào rất khẽ
Nụ cười nào rất khẽ
Cất lên ghê rợn từ hàm răng trắng
Những tiếng thì thầm nào
Những lời rên rỉ côn trùng, không nghĩa lý gì
Chỉ riêng tiếng sáo mục đồng nhỏ nhoi, phiêu bồng
Ði hoang trên cánh đồng lòng
Ði hoang trên cánh đồng người
Kẻ tha nhân nào sống sót
Gã tri âm nào lắng nghe
Cội rễ nào gọi về
Rung tiếng tơ đồng
Ðêm vô minh nay còn ai thức chong
Ai rảo bước phiêu du trên đồng
Trong cõi trần ai mênh mông ?

Mưa ngớt dần. Tôi đi qua khoảnh ruộng này, khoảnh ruộng khác. Bọn ếch cũng biến đâu mất. Thỉnh thoảng chỉ thấy một con nhái bén phóng vào theo rạch nước. Thấp thoáng chân trời phía vòng cung Ðông Sơn ánh lửa le lói. Tôi cảm giác thấy mình lạc hướng. Tôi không biết bây giờ là mấy giờ nhưng bỗng nhiên nghe thấy tiếng gà kêu. Tiếng gà kêu khắc khoải, chẳng trình tự gì, khi đổ hồi, khi tiếng một. Tôi đi lúc lâu chẳng thấy có con ếch nào, bỗng nhiên nhận ra mình đã lạc đến tận rạch sông Cấm lúc nào không biết. Trên trời, đơn độc một vì sao Mai.
Mãi đến tận mờ sáng tôi mới lần về đến rìa làng. Không khí rất sạch. Làng quê quen thuộc, yên tĩnh. Sau mưa, quang cảnh hiện lên vừa đỏm dáng, vừa tinh khiết.

Qua nhà thím Nhung, tôi dừng lại. Ngôi nhà nhỏ nép ven đường. Phên liếp hé mở. Một bóng người vội vã lách ra. Người ấy trông trước trông sau rồi vụt chạy nhanh vút sau bụi duối. Trộm chăng ? Tôi định kêu lên thì nhận ra chú Phụng. Một lát, Thím Nhung mở cửa bước ra, vẻ bình thản, mặc bộ váy ngủ phong phanh. Thím Nhung hơn ba mươi tuổi, người cân đối, xinh đẹp.

Tôi xách giỏ ếch đi sau chú Phụng. Ðến chỗ rẽ, chú Phụng ngoái lại thấy tôi. Chú Phụng hỏi: "Ếch có nhiều không ?". Tôi không trả lời. Chú Phụng thoáng giật mình. Chú căn vặn: "Mày sao thế ?". Tôi bỗng thấy buồn da diết. Tôi buồn cho thím Nhung, buồn cho chú Phụng, cho ông giáo Quì. Tôi buồn cho tôi.

Chú Phụng bỏ đi, vẻ bất cần. Tôi về nhà. Hóa ra cũng chỉ có khoảng hai chục con ếch. Chị Ngữ bảo :"Chẳng bõ. Thế mà cũng đi suốt đêm". Mẹ tôi cười :"Chắc cu cậu vừa bắt ếch, vừa ngủ gật". Cái Minh sửa soạn đến trường để sinh hoạt hè. Nó mặc quần phăng xanh, áo trắng, đây là bộ diện nhất mà nó chỉ mặc trong dịp hội hè. Cái Minh ghé tai tôi bảo :"Em biết anh đi đâu rồi, nhưng em không nói. Không phải anh đi bắt ếch". Cái Minh cười. Tôi nhìn vào mắt nó. Nó biết. Tôi đâu ngờ rằng chỉ vài giờ sau tôi đã phải khóc nó. Nó biết, đơn giản vì gần như nó đã trải qua, thấu suốt. Ðến lúc ấy, lúc nó chết, chỉ còn hơn bốn giờ nữa để nó đùa cợt và ngộ cho xong hết thảy mọi điều.

Mẹ tôi bảo :"Con mang mấy con ếch sang cho nhà bác giáo Quì nhắm rượu". Tôi bảo :"Vâng". Nói xong đi tắm.

Mẹ tôi và chị Ngữ ra đồng giỡ lạc. Ðấy cũng là công việc của tôi buổi sáng.

Tôi xách xâu ếch qua nhà ông giáo Quì. Qua nhà dì Lưu thấy Quyên gọi :"Anh gì ơi". Tôi bảo :"Tôi là Nhâm. Cái Mị đâu rồi ?". Quyên bảo :"Mị đến trường. Anh đi đâu cho tôi đi với".

Chúng tôi đến nhà ông giáo Quì.

 

CHUYỆN ÔNG GIÁO QUỲ

Ông giáo Quì dạy cấp một, tính thương người, hay đọc sách từ nhỏ. Lớn lên, cha mẹ đi hỏi vợ cho, ông giáo Quì bảo :"Cô đừng lấy tôi rồi khổ một đời". Người kia bảo :"Khổ cũng lấy". Ông giáo Quì bảo :"Lấy tôi thì đừng sợ nghèo là một, đừng sợ nhục là hai, đừng ghen tuông là ba, phải trọng liêm sỉ là bốn". Người kia bảo :"Biết trọng liêm sỉ thì ba việc trước là thường". Hai vợ chồng lấy nhau ăn ở tâm đắc. Ông giáo Quì về sau bị đuổi việc vì dạy trẻ con không chịu dạy theo sách giáo khoa, cứ tục ngữ ca dao mà dạy. Một lần đi chấm thi ở Hải Phòng, thấy cô gái giang hồ đang bụng mang dạ chửa không có nơi sinh nở thì đưa về làm vợ hai, vợ cả cũng chẳng nói gì, còn cấp tiền cho để làm nhà riêng. Biết vợ hai phong tình, vẫn hay đi lại với nhiều người, ông giáo Quì cũng mặc, chỉ bảo :"Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy lợn vịt thế nào chứ đừng ngủ không". Cả làng cười, ông giáo Quì cũng mặc. Ông giáo Quì hay uống rượu, rượu vào thơ ra, có nhiều bài nghe cũng được.

Ông giáo Quì ở nhà một mình, nằm võng đọc sách. Tôi và Quyên chào. Ông giáo Quì vội nhỏm dậy pha nước. Chúng tôi ngồi ở chõng tre dưới dàn thiên lý. Ông giáo hỏi Quyên :"Cô học đại học bên Mỹ thì lợi cho ai ?". Quyên bảo :"Lợi cho cháu, cho gia đình, cho đất nước". Ông giáo Quì cười :"Ðừng nghĩ đến lợi, nghĩ đến lợi nhọc mình".

Chúng tôi ngồi ăn khoai sọ chấm muối vừng. Ông giáo Quì cầm quyển sách nhét xuống chiếu. Quyên bảo :"Bác làm thế nát mất sách còn gì ?". Ông giáo Quì cười :"Nát thì thôi. Ðọc sách để có tri thức. Có tri thức để sống đời mình có nghĩa".

Nắng lọc qua dàn hoa rải những vệt nắng trên đất. Cả ông giáo Quì, cả Quyên, cả tôi đều cùng im lặng. Tôi muốn ra đồng. Quyên bảo :"Tôi về lần này, rất muốn có một ấn tượng đúng về đồng quê. Anh đi đâu cho tôi đi với". Tôi lưỡng lự. Ông giáo Quì cười :"Cô ấy là đàn bà, sao lại chối từ đàn bà được ?".

Chúng tôi chào ông Quì rồi ra đồng. Quyên bảo :"Cánh đồng rộng quá... Anh có biết cánh đồng bắt đầu từ đâu không ?".

Cánh đồng bắt đầu từ nơi rất sâu trong lòng tôi
Trong máu thịt tôi đã có cánh đồng
Ðứng bên ni đồng mênh mông bát ngát
Ðứng bên tê đồng bát ngát mênh mông.
Tôi làm sao quên được nơi mẹ sinh tôi
Mẹ đã buộc cuống rốn tôi bằng sợi chỉ
Tắm gội cho tôi bằng nước ao đầm trước
Tôi biết khóc cũng vô ích vì tất cả phải chờ đợi
Phải chờ đợi từ tháng giêng đến tháng chạp
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
Tôi đi qua rất nhiều bờ ngang, bờ dọc lầm lạc
Ði qua rất nhiều gian khó, thô tục
Tôi phải gieo trồng, gặt hái trên cánh đồng này
Phải thuộc tên nhiều loại sâu bọ
Còn cánh đồng thì khi mưa, khi nắng
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Rồi ngày kia
(Cái ngày xung tháng hạn)
Có một người đàn bà đến làm cho tôi đau
Nàng dạy tôi thói bạc tình
Bằng cách phản bội tôi như có thể phản bội một người thường
Tôi lẳng lặng chôn nỗi căm ghét cuối cánh đồng.
Trong mạch đất hiểm có hình lưỡi kiếm
Những bông hoa mơ ước héo trên tay
Công việc trở nên nặng nề hơn trước
Tôi bán những sản vật làm ra với giá rẻ như bèo
Ðã có những mùa thu hoạch lớn
Tôi cũng đã phá sản đôi lần
Khi chiều xuống, hoàng hôn tĩnh lặng
Tôi không kịp xem những vết sẹo trên người
Chỉ biết rằng tôi đã mang thương tích
Ðêm
Những vì sao thắp nến trên bầu trời
Tôi đắp tấm vải liệm sực mùi đồng nội lên người
Khi ấy, bạn ơi, bạn trẻ ơi
Bạn hiểu cho tôi
Tôi đã gắng làm cho cánh đồng phì nhiêu...

Tôi dẫn Quyên đi qua cánh đồng màu. Quyên hỏi :"Giá nông phẩm quê anh năm nay tăng giảm thế nào ?". Tôi bảo :"Tăng 0,4%". Quyên bảo :"Chết thật ! Thế mà hàng công nghiệp tăng 2,2% . Thế giá phân bón thế nào ?". Tôi bảo :"Ðạm tăng 1,6% , lân tăng 1,4%". Quyên hỏi :"Quê anh có dùng điện không ?". Tôi bảo: "Không". Quyên bảo :"Giá điện tăng 2,2%".
Khoảng 10 giờ sáng là khoảng thời gian đông người trên đồng, có nhiều phụ nữ, trẻ em. Họ là nguồn lao động chính. Ðàn ông quê tôi phiêu lưu, lại nhiều ảo tưởng, họ ôm ấp ước mơ làm giàu nên hay bỏ ra ngoài thành phố tìm việc, đi buôn bán. Cũng có người lặn lội vào tận miền trong đào vàng, đào hồng ngọc. Giàu có chẳng thấy đâu nhưng khi về làng, tính tình họ đổi khác, họ trở nên những con thú dữ độc. Chú Phụng là người như vậy.

 

CHUYỆN CHÚ PHỤNG

Nguyễn Viết Phụng, nhà nghèo, học hết cấp hai thì thôi học. Phụng làm nhiều nghề : thợ cày, thợ xây, thợ mộc, đánh xe bò... Năm 20 tuổi Phụng đi bộ đội. Ba năm sau về làng lấy vợ. Vợ hơn Phụng bốn tuổi, đẻ liền ba năm bốn đứa con gái (lần thứ ba vợ đẻ sinh đôi). Phụng quyết chí làm giàu, bán đồ đạc ở nhà lấy hai đồng cân vàng giắt lưng vào miền trong đào vàng. Bặt đi hơn năm chẳng có tin tức gì, một hôm lù lù trở về, người ngợm gầy như xác ve, mặt phù như cái lệnh. Phụng nằm liệt giường, vợ tần tảo thuốc thang nửa năm trời, nhà nghèo lại nghèo thêm. Sau trận ốm, Phụng tính nết đổi khác, có lần chém người bị thương, dân làng ai cũng sợ. Cũng có khi Phụng bỗng khóc hu hu, cứ chắp tay lạy vợ lạy con. Về sau may bố mẹ vợ chuyển ra thành phố với người con trai ở nước ngoài về, cho không ngôi nhà với ba sào vườn nên đời thay đổi. Vợ Phụng là người tháo vát, chăn nuôi giỏi, lại có nghề làm đậu phụ. Bốn đứa con gái đứa nào cũng chịu khó giúp mẹ. Phụng ở nhà, dọn cho mình một mình một buồng, cấm vợ con vào. Thỉnh thoảng, Phụng vẫn đi lại với thím Nhung và mấy bà góa nạ dòng. Vợ con Phụng hỏi :"Sao anh cứ xa lánh chúng tôi ?". Phụng bảo :"Báu gì mà ở gần tao. Thịt của tao rất độc. Cắn vào tao là cắn phải bả chó. Tao thương mẹ con mày, muốn cho mẹ con mày trong sạch đấy thôi".

Tôi và Quyên đi qua đấu đất giữa đồng. Ở dưới đấu đất, những bụi thầu dầu, rau dền gai mọc đầy. Có cả những cây ngô đồng hoa đỏ lá xanh. Quyên hỏi :"Sao gọi là đấu đất ?". Tôi bảo :"Ngày xưa, vua Ba Vành đào nơi này để đong quân như ta đong thóc". Quyên hỏi :"Khoảng bao nhiêu người ?". Tôi bảo :"Hai mươi người một ngũ, hai trăm người một cơ". Tôi và Quyên đến khoảnh ruộng mẹ tôi và chị Ngữ đang dỡ lạc. Nước xâm xấp luống, nhấc cây lạc lên là bật gốc. Quyên xắn quần, cũng lội xuống bứt lạc. Quyên bảo :"Nhàn thật". Mẹ tôi bảo : "Cô ơi, đấy là cô mới chỉ cưỡi ngựa xem hoa đấy thôi. Cô thử tính xem từ khi hạt lạc gieo xuống luống này, đến khi kết hạt mẹ con tôi vất vả lấm láp thế nào !". Chị Ngữ ví von :"Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần".

Tôi đạp phải ổ dế. Lấy cuốc bới ra, hàng nghìn con dế đất béo núc ních bò nhung nhúc. Mẹ tôi, chị Ngữ bỏ dỡ lạc bắt dế. Mẹ tôi xuýt xoa :"Ôi chao, phúc đức đầy nhà rồi các con ơi !". Chị Ngữ mừng :"Cái nhà ta rồi giàu nhất làng !".

Khoảng gần trưa, thấy ở đường Năm có đám đông kêu la khóc lóc đang chạy. Mẹ tôi tự dưng ngã chúi xuống ruộng, thất thanh gọi tôi :"Nhâm ơi Nhâm". Tôi và chị Ngữ sợ hãi, tưởng mẹ tôi trúng gió. Mẹ tôi mặt tái đi, tay giơ trước mặt như sờ nắn ai. Mẹ tôi gọi :"Nhâm ơi Nhâm. Sao em Minh con máu me đầy người thế này ?". Chị Ngữ lay lay mẹ tôi :"U ơi u, sao u nói gở thế ?".

Có mấy người từ đám đông trên đường Năm bỗng chạy tách ra, băng qua đồng. Có ai gào to thảm thiết :"Bà Hùng ơi (Hùng là tên bố tôi) mau ra mà nhận xác con đây này". Anh Ngọc tóc dựng ngược, cái anh nhà thơ mà tôi đã gặp ở ga chiều qua, chạy ở phía trước. Anh nói không ra hơi, tôi nghe loáng thoáng, chỉ biết rằng cái Minh em tôi và cái Mị con dì Lưu đèo nhau đi học về, qua ngã ba thì bị chiếc ôtô chở cột điện cán chết.

Mẹ tôi lăn lộn giữa ruộng lạc đang dỡ nham nhở. Những con dế đất bay nhanh, bay một quãng lại bò, lại rúc đầu xuống bùn. Chị Ngữ đứng lặng, mắt ngơ ngẩn thất thần nhìn về dãy núi xa phía vòng cung Ðông Sơn, tựa như không hiểu sao bỗng dưng trời cao phũ phàng đến thế.

Anh Ngọc, tôi và Quyên chạy ra đường. Nước mắt tôi giàn giụa. Cái Minh mới 13 tuổi. Cái Mị mới 13 tuổi. Tôi còn chưa kịp làm cho cái Mị cái lồng lấy ổi. Còn cái Minh em tôi, con bé rất thảo, nó suốt đời mặc quần áo vá, nó bao giờ cũng dành cho tôi những quà ngon nhất.

Chiếc xe tải chở ba cây cột điện đổ nghiêng ở bên vệ đường. Người ta dùng kích để nâng bánh xe, tìm cách kéo xác cái Minh và cái Mị ra. Cái Minh nằm nghiêng, cái Mị nằm sấp, đè lên nhau. Chiếc xe đạp rúm ró bên cạnh.

Tôi đưa tay lên miệng để bịt âm thanh thổn thức trong cổ cứ thấy bật ra. Tôi thương các em tôi quá. Rất đông những con ruồi bu quanh hai lỗ mũi cái Minh, cái Mị. Anh Ngọc nhà thơ không biết lấy ở đâu ra nắm hương cứ huơ huơ trước mặt hai đứa, khói hương quẩn lại một chỗ không bay lên được. Tôi sẽ không kể gì về cái chết của cái Minh, cái Mị nữa. Chiều hôm ấy phải làm đám ma cho hai em tôi. Cũng giống như mọi đám ma ở làng, ở đấy có rất nhiều nước mắt, nhiều lời than vãn. Tôi và một thanh niên trong làng cáng dì Lưu ra tận ngoài đồng rồi lại cáng về. Quyên cũng đi theo. Anh Ngọc có làm bài thơ về sự việc này. Tôi không hiểu sao anh làm thơ được ở trong hoàn cảnh nhẫn tâm như thế.

 

BÀI THƠ "ĐÁM MA EM GÁI TRÊN ĐỒNG" CỦA NHÀ THƠ BÙI VĂN NGỌC

Tôi đi đưa đám ma trinh nữ trên đồng
Cái chết trắng, cái chết trắng xoá
Những con bướm trắng, những bông hoa trắng
Những tâm hồn trắng, những cuộc đời trắng.
Ơi hời, tôi đưa đám ma trinh nữ trên đồng
Tôi đào huyệt, dài một mét tám, ngang bảy mươi phân
Tôi đào huyệt, sâu một mét rưỡi
Ơi hời, tôi chôn vào đây tinh thần sơ nguyên
Ơi hời, này là vật hiến tế cho đất đai
Trinh nữ vẹn tuyền, cái chết trắng xóa
Những con bướm trắng, những bông hoa trắng
Những tâm hồn trắng, những cuộc đời trắng
Ơi hời, tôi lót vào ngực bài thơ trắng tinh
Bẻ một cành xanh mà che mắt nhìn
Gió phơ phất, hồn bay phơ phất
Hồn bay lên, trên cánh đồng người
Tôi đi đưa đám ma trinh nữ trên đồng
Trong ngày như thế, trong một ngày dưng
Trong ngày như thế, trong một ngày thường
Ơi hời, tôi đi lẫn trong đám đông, trong số đông,
trong lòng người, trong nỗi đau thương, trong thê lương...

Chiều hôm sau tôi đưa Quyên ra ga. Dì Lưu nói mãi nhưng Quyên cứ nằng nặc đòi về. Chúng tôi đi theo con đường đất men bên rìa làng qua đầm sen rồi dọc bờ mương ngược về huyện lỵ. Qua đầm sen chúng tôi ngồi nghĩ. Quyên bảo :"Tôi ở đây ba ngày mà sao dài quá".

Ga chiều huyện lỵ vắng vẻ. Vẫn chỉ có khoảng hơn chục người đứng ở sân ga đợi tàu. Vẳng lại tiếng cát-xét nhà nào đang mở. Tàu vào ga. Hành khách lần lượt lên tàu. Mấy thầy cô giáo cấp ba trường huyện. Bộ đội. Mấy người buôn chuyến. Một thanh niên đeo kính trắng, tay xách va li. Hai cặp vợ chồng già. Quyên.

Quyên bảo :"Anh gì ơi ! Tôi đi nhé ! Cám ơn anh đã đi tiễn tôi".

Tôi đứng ở sân ga rất lâu. Tàu đi khuất. Tôi linh cảm thấy không bao giờ còn gặp Quyên nữa.

Tôi qua cửa soát vé về làng. Nhìn phía trước chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng, xa mờ là vòng cung Ðông Sơn. Ở đấy tôi có rất nhiều thương nhớ.

Ngày mai trời nắng hay mưa ? Thực ra bây giờ với tôi, trời nắng hay mưa thảy đều vô nghĩa. Tôi là Nhâm. Ngày mai tôi 17 tuổi. Có phải đấy là tuổi đẹp nhất đời người ta không?

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.