chan_dung-ke_si

Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn

30-08-2023

Lượt xem 2382

Đánh giá 6 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Huy Thiệp

Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn

Chân Dung Kẻ Sĩ: Năm 1986, Nguyễn Huy Thiệp lúc ấy ở tuổi 36, bỗng nhiên ở đâu sa xuống bầu trời văn chương nước Việt. Từ Báo Văn Nghệ, ông vụt chói lòa khiến “quần hùng nháo nhác”. Một năm sau, Tướng Về Hưu ra đời. Sau đó là một loạt tác phẩm như Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa... đã chở theo những quyết liệt, độc đáo vào hàng độc nhất và đã neo chặt cái tên Nguyễn Huy Thiệp lên văn đàn. Bạn đọc trong và ngoài nước gọi ông là Vua truyện ngắn, ấy thế mà các giải thưởng văn chương trong nước đều xem Nguyễn Huy Thiệp là người vô hình.

Năm 2004, Nguyễn Huy Thiệp viết loạt bài Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn đăng trên Tạp chí Ngày Nay, thể hiện thẳng thắn quan điểm về sáng tác văn chương của ông, trong đó có đoạn:

Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: "Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!", tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.

Tôi biết sẽ có nhiều người phản ứng lại điều tôi nói "trắng phớ" ra như thế nhưng ở đây nó là thực tế. Tôi chỉ nói ra một thực tế "tàn nhẫn" mà mọi người vẫn tránh né hoặc "không nỡ" nói ra mà thôi. Đã đến lúc người ta phải nhìn vào thực tế để thúc đẩy văn học cũng như thúc đẩy xã hội phát triển.

CDKS trân trọng giới thiệu lại loạt bài nói trên của ông dưới đây

Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn - Kỳ 1

Kinh nghiệm người đi trước

Trong những cuộc trò chuyện về văn học trên "văn đàn" gần đây thì cuộc trò chuyện của phóng viên báo An Ninh Thế Giới với nhà văn Tô Hoài (in trên báo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng 12. 2003) theo tôi là một cuộc trò chuyện hay nhất. Cũng phải nói thêm rằng cuộc trò chuyện này có hơi hướng một cuộc hỏi cung oái oăm và không được nhã cho lắm nhưng thực ra điều ấy không can hệ gì. Hai bên vấn đáp, trao đổi giống như kiểu cao nhân ngồi trên núi hoa đào luận bàn về kiếm pháp trong giới giang hồ ("hoa sơn luận kiếm"). Tôi không nhớ tình huống nào đã dẫn đến câu hỏi về sĩ khí của nhà văn (tức là một câu hỏi đốp chát nhất về danh dự): "Anh có hèn không?" "Tại sao như thế này và như thế kia v.v." Nhà văn Tô Hoài không trả lời đúng vào câu hỏi (hầu hết trong cuộc phỏng vấn này ông đều không trả lời đúng vào câu hỏi). Tô Hoài sinh năm 1920, bắt đầu viết văn từ những năm đầu tiên của nền "văn học chữ quốc ngữ", lừng danh từ tuổi 20 với tác phẩm bất hủ Dế mèn phiêu lưu ký, có thể nói là một "cây đại thụ trong nền văn học nước nhà". Ông đã sống, viết lách, trải nghiệm qua vài chế độ, hiểu khá rõ về sự đời, tình đời. Khi Tô Hoài nói về kinh nghiệm viết văn (điều này cũng giống như nhiều người viết văn thuộc thế hệ ông), người ta đều nhận thấy những kinh nghiệm viết văn của họ luôn đan xen với những kinh nghiệm đối nhân xử thế. Văn học (với tính chất xã hội rõ ràng) không còn là một "nghệ thuật chữ nghĩa" mà hiển nhiên là "nghệ thuật sống", nó có cái cần lâu hơn, là tay thước, là cây gậy, là cái bẫy chim, thậm chí còn là cây súng.

Ở thế hệ "nhà văn hiện đại" bây giờ (tôi có thể kể tên đôi ba người làm ví dụ trong đó có Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Phan Thị Vàng Anh v.v.) họ có thể trông chờ gì ở kinh nghiệm viết văn ở các bậc tiền bối nếu chỉ cứ loay hoay với các cung cách ứng xử mà thôi? Trong một phát biểu trên báo gần đây Hồ Anh Thái cho rằng: "Nhà văn là người có lẽ không thích hợp với các sinh hoạt đám đông, thậm chí cả với sinh hoạt gia đình" (Báo Thể Thao Văn Hóa số Tết tất niên Giáp Thân 2004). Tôi hơi băn khoăn về quan điểm đó và tôi không mong nó sẽ đại diện cho quan niệm của cả một thế hệ nhà văn trẻ bây giờ. Điều ấy chứng tỏ văn học đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn so với trước kia. Văn học hiện đại đó là một sân chơi ngày càng chuyên nghiệp và quyết liệt (vì sao tôi sẽ nói sau) không phải là một "nghệ thuật" dễ xơi chút nào. Xem xét quan niệm của các nhà văn danh tiếng đáng mặt hiện nay trên thế giới và khu vực hầu như ai cũng nói đến cuộc sống riêng tư của mình một cách khá dè dặt, mặc dầu dè dặt nhưng chính cái "cuộc sống thổ tả" ấy lại là cốt lõi, là thức ăn cho cuốn sách họ đang viết. Ở Trung Quốc, Cao Hành Kiện là đương nhiên rồi, còn những người "hạng hai" như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Vệ Tuệ, Miên Ngôn, Cửu Đan… tất cả đều trình bày cuộc sống "tự sự" của mình một cách cay đắng và cũng có thể nói là thành công. Mạc Ngôn nói: "Tiểu thuyết là tự sự (tự thuật)". Quan niệm này tuy lỗ mãng nhưng phải nói là xác đáng. Ở Miên Miên (một cây bút nữ trẻ) "vô thức" đã giúp cô nhận ra điều ấy khá trực tiếp. Ở bên trời Tây, trước đây Sagan (tác giả Buồn ơi chào mi) cũng đã từng làm như thế nhưng khoảng cách giữa sáng tác và tự sự vẫn là một trời một vực. Lối viết tự sự đòi hỏi sự thành thật và một nghệ thuật che giấu tình cảm rất cao. Nhà văn - nhân vật luôn đối mặt với những sự hiểm nguy ở trong "trái tim", trong công việc, trong ứng xử, trong mọi sinh hoạt của mình. Nó dứt khoát là một cuộc sống phiêu lưu, thậm chí còn nguy hiểm nữa. Tôi hiểu vì sao có khá nhiều "nhà văn trẻ" hiện nay đang sống độc thân, "vào Nam ra Bắc", khước từ mọi "hệ lụy", rắc rối, sống âm thầm, "dằn vặt", v.v. Văn học đã trở nên quá nặng nề với họ. Thức ăn của văn học là cuộc sống của chính tác giả, văn học xơi những miếng to tướng, vừa ăn vừa nhằn ra nham nhở, chẳng hề "nghệ thuật" chút nào. Bảo trọng mình ra sao để có thể "kể chuyện" được không dễ. Ở thế hệ Tô Hoài, tôi ngờ rằng họ quan sát, chiêm nghiệm nhiều hơn thể nghiệm. Đọc lại bài phỏng vấn về Tô Hoài, ông cho biết, Nam Cao viết do "vợ kể lại", Nguyễn Đình Thi "sáng tác" mà không biết trong chùa có ai sống (sư cụ, tiểu hay vãi…), Hoàng Cầm làm "thơ tán gái" v.v. Văn học hiện đại rất coi trọng "cảm giác". Không có cảm giác thật thì chẳng làm được gì cả. Cảm giác là thứ không thể truyền lại được. Kinh nghiệm của cảm giác là thứ rất khó ấn chứng giữa người này với người kia. Kinh nghiệm viết văn thực ra chỉ là kinh nghiệm của cảm giác. Cảm giác - đó là một thứ văn học mà văn học hiện đại đặt thành tiêu chí hàng đầu. Ít nhất, đó cũng là cảm nhận, cảm giác của riêng tôi… khi mà tôi đi sâu vào thế giới sáng tác nội tâm của mình và các nhà văn hiện đại đương thời.


Đương đại - tức là "suy đồi"?


Khi ta đang sống (đương đại) nghĩa là ta đang tiếp cận, đang tiếp cận cái chết (sự suy đồi ghê rợn nhất). Nghệ thuật đương đại, xét cho cùng chính là nghệ thuật suy đồi. Thời gian qua đi, những kinh nghiệm của cảm giác giá trị nhất sẽ còn lại, trở thành cổ điển, kinh điển, thành "văn hóa", đóng khung lại trong các bảo tàng nghệ thuật và trong trí nhớ người đời. Các nghệ sĩ sống trong thời hiện tại không thể tránh được sự dung tục, nhảm nhí, không thể tránh được bọn tiểu nhân, bọn phàm phu tục tử, lưu manh, philistanh (Philistine)*, ngụy quân tử v.v. Kiểu gì thì kiểu, ngay cả những nhà văn danh giá nhất đôi khi vẫn cứ phải chung lưng đấu cật, "ba cùng", vẫn cứ phải đối thoại, đùa cợt, chơi bời với các đồng nghiệp bất đắc dĩ của họ, cùng lý tưởng nhưng khác hạng" (chữ của Victor Hugo). Không khí dung tục suy đồi "đương thời" cũng chính là không khí sống, không khí sáng tác - mặc nhiên là thế - bởi vậy nếu từ chối đối thoại nghĩa là anh tự làm cho mình khó thở, tự giam cầm mình. Trước mặt tôi đây là một giò hoa thủy tiên thơm ngát. Này hoa thủy tiên lạc loài, ngươi có biết rằng rồi sẽ có ngày chẳng còn ngươi, cũng sẽ chẳng còn ta nữa không?
Trong bài viết Thời của tiểu thuyết tôi đã nói đến văn học tự sự và tôi vẫn còn coi nó như một hình thức nghiêm cẩn nhất, chính trực nhất trong tư chất nghệ sĩ mỗi nhà văn. Gì thì gì, khi đọc một số nhà văn trẻ "tự sự" ở Trung Quốc gần đây như Miên Miên, Vệ Tuệ, Cửu Đan… không phải tôi mà hầu hết bạn đọc đều có sự vì nể với họ bởi cách dấn thân (hoặc là vô tình, hoặc là vô ý của số phận họ) với văn học - và với cuộc đời nói chung. Nhân nói về sự dấn thân, tôi rất lạ khi thấy một số nghệ sĩ trẻ, họa sĩ, nhà văn trẻ coi rằng: bỏ nhà đi bụi, đi lang thang, ngủ với gái điếm, uống rượu say sưa, truy hoan hành xác - đấy mới là sự dấn thân. Thật nực cười, thê thảm và nhầm lẫn. Hoàn toàn không phải thế! Mikenlănggiê (Michelangelomò vào nhà xác, mổ xác tử thi để học giải phẫu, giúp ích cho nghề nghiệp điêu khắc của mình, Victor Hugo chịu đựng lưu đày… đấy mới là những tấm gương dấn thân cổ điển, cần phải học tập. Trò chuyện với Nguyễn Việt Hà, tôi có nói với anh rằng: hãy sống với cuộc đời công chức một cách cẩn thận, quan sát nó, viết về nó cho hay - đấy cũng là một sự dấn thân "hiện đại". Thực tế đang ngày càng trở nên khắc nghiệt. Đừng tưởng rằng ở đấy không có trả giá, không có đau đớn, không có gì để viết. Nó là cả một bi hài kịch cuộc đời, có khi là cả một bi hài kịch một thời. Tôi rất buồn cười câu chuyện Nguyễn Việt Hà kể cho tôi nghe: ở công sở, có một tay trưởng phòng xây dựng cho xây toilet. Anh ta kích cỡ hơn người (cao tới 1m 78) nên chỗ đi tiểu ở cơ quan anh ta luôn cao hơn những nơi khác tới 15 phân. Vì vậy, gần như mọi người đi tiểu ở đó đều bị nước tiểu bắn vào quần áo! Sự độc tài của một tay công chức cửa quyền thật lợi hại. Đặc quyền "lấy của mình ra đo" mà không quan tâm đến những số đo khác trong thiên hạ là như thế đấy.

Gần đây, đọc bài viết của Bùi Việt Thắng về tôi in trên báo Văn Hóa Xuân 2004 (được đặt dưới tiêu đề Trên đường đổi mới) không hiểu sao tôi cứ hình dung Bùi Việt Thắng giống hệt như tay trưởng phòng công chức xây dựng cửa quyền nọ. Anh lấy số đo của mình mà đặt tiêu chí để đo thiên hạ. Sự độc tài công chức và cách "cả nghĩ" của Bùi Việt Thắng khiến anh bất bình với cuốn tiểu thuyết của tôi. Bi hài kịch là "số đo" của anh có phần ngắn hơn cái bệ thẩm mỹ của bạn đọc đương thời…

Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc đến một vài ý kiến về cuốn tiểu thuyết của tôi, khi họ đã có nhã ý đưa bài lên một số báo in và trên internet. Song, đối tượng đối thoại chủ yếu của tôi trong bài viết này gì thì gì (như nhan đề bài viết) vẫn cứ chỉ là giò hoa thủy tiên lạc loài trước mặt tôi đấy thôi!


Khi bị phụ tình người ta làm gì?

Đấy là câu hỏi mà bạn đọc Quốc Việt và một vài người khác đặt ra. Họ coi việc tôi viết tiểu thuyết là sự "phụ tình" của tôi đối với bạn đọc "chung thủy". Tôi xuống cấp, trở nên lẩm cẩm, lộn xộn v.v. Những ý kiến không chuyên nghiệp đó khiến tôi không quan tâm nhiều. Năm ngoái, khi vào Sài Gòn, tôi rất kính trọng khi Nguyễn Khải cho ra mắt tiểu thuyết tự sự Thượng đế thì cười. Dù dư luận có "cảm giác" Nguyễn Khải không thành công với cuốn tiểu thuyết này nhưng người ta vẫn có thể học ở đó khá nhiều điều. Khi nói chuyện với Nguyễn Khải, tôi thấy rất rõ ông đã "ngửi" thấy lối đi của tiểu thuyết hiện đại, có điều khi viết, cảm hứng cười cợt về sự nhục nhã của kiếp người đã lấn át mất những ngọn lửa nhiệt thành khác trong lòng ông. Có nhiều bạn đọc đa sự cảm giác bị nhà văn phụ tình. "Ai bị phụ tình?" "Ai bị tình phụ?". Tôi đã đặt câu hỏi này trong bài viết về hiện tượng Vi Thùy Linh. Ngay cả trong trường hợp của Nguyễn Khải, mở rộng ra là cả Hồ Anh Thái (với tiểu thuyết Tự sự 365 ngày và Cõi người rung chuông tận thế) cũng đôi ba nhà văn khác nữa… Tôi vẫn muốn nhắc lại rằng: "Trước hết đó là sự phụ tình từ phụ tình của dư luận".

Sự phụ tình của dư luận đối với nhà văn thật ra cũng chẳng có gì đáng buồn đối với nhà văn. Muốn cho xã hội tiến lên, phải trao đổi, phải dân chủ, phải được in ấn, phải "cựa quậy" chứ. Trên đường đổi mới cơ mà! Khi tiến lên, những sự tìm tòi, lệch lạc (chắc gì đã lệch?) cũng giống như ta "giải phóng một mặt bằng để xây nên một đô thị mới" - cũng chẳng nên tiếc việc bỏ đi những "tác phẩm của lịch sử" và việc xây nhầm một vài ngôi nhà.

Tôi không muốn nói nhiều về cuốn tiểu thuyết của tôi (vì trên thực tế nó chưa được xuất bản) nên việc Bùi Việt Thắng và một số nhà bình luận có nói gì thì cũng như nói với đầu gối, không "danh chính ngôn thuận". Ở đây tôi muốn nói rằng: Viết ra được một tác phẩm không dễ. Viết hay thì lại càng khó. Nghề văn trong thời hiện tại là một nghề khó vào bậc nhất. Khi Internet phát triển, tác giả không thể tưởng tượng, "lừa bịp" hoặc "sáng tác" được. Thông tin để xử lý, cung cấp cho các chi tiết sự kiện văn học có quá nhiều. Nhà văn bắt buộc phải trở thành một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu. Anh buộc phải giỏi máy tính, giỏi ngoại ngữ, anh ta phải "tự tổ chức" viết lách và bán hàng. Anh ta phải trở nên chuyên nghiệp, không mất thì giờ vào những "chuyện tầm phào". Ngay cả chuyện tình phụ, phụ tình cũng là trò nực cười. Không có gì hết nếu anh không viết được hay, không bán được tác phẩm của anh cho người đọc.

Tôi sẽ bàn thêm về hai loại văn học: loại tự phát, rèn luyện mà thành, lập nghiệp tức không chuyên và một loại văn học "thượng đẳng thừa", viết để du hí chơi bời cũng như một số vấn đề khác của văn học trong phần hai của bài này.

Chưa bao giờ văn học ở nước ta có những cơ hội lớn như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ khó như bây giờ. Xã hội cũng phải thấy rõ sự đóng góp về mặt tinh thần, vật chất của nhà văn để ghi công cho họ. Trong một phát biểu gần đây, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Văn học tác động vào xã hội để ảnh hưởng đến chính trị. Sử học thì tác động vào chính trị để ảnh hưởng đến xã hội". Đấy cũng là một ý kiến đáng suy nghĩ. Một đất nước văn minh không thể không có văn học và sử học được. Trong thời hiện đại, công việc đào tạo nhà văn là rất cần thiết, cần phải xây dựng thành công một công nghệ. Nó cũng từa tựa như công việc đào tạo các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và các vận động viên thể dục có thành tích cao. Không thể trông chờ vào việc ăn may, trời cho để Việt Nam có một đội ngũ nhà văn đẳng cấp thế giới. Ngay cả việc có một "tốp" nhà văn cô chiêu cậu ấm để đối thoại hoặc làm những việc "hậu trường" cũng là cần thiết. Việc phải nâng cấp cho trường đại học viết văn Nguyễn Du để nó gần với thiên nhiên hơn, gắn bó với xã hội hơn là rất cần thiết (chứ không phải là nhốt nó trong một ngôi nhà chật hẹp giữa Thủ đô). Các giá trị văn học đương thời (thực sự có giá trị) cũng phải được biểu dương đúng mực. Trong bóng đá, người ta cũng đã phong thánh cho Pele, Maradona, Beckham… Ở Việt Nam, hình như truyền thống…đánh truyền thống, đố kỵ, dè bỉu, ghen tỵ, chê bai… vẫn thấy nhiều hơn ở trong sinh hoạt văn học so với việc hân hoan khi có một tác phẩm mới ra đời.

Trở lại hình ảnh Tô Hoài ở đầu bài viết này, tôi nghĩ dù ông có tự nhận mình là "cò con" thì hình ảnh của ông trong lòng bạn đọc trước sau vẫn là hình ảnh của một bậc tiểu thánh trong văn học Việt Nam hiện đại.

Khi bị tình phụ người ta làm gì?

Vậy khi nhà văn bị tình phụ thì họ làm gì?

- Họ không viết nữa.

- Có thể!

Tết Giáp Thân 2004


Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, số 4, ra ngày 15.2.2004
 

Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn - Kỳ 2

1. Vẻ đẹp của văn học

Trong các bộ môn nghệ thuật, văn học thường được đặt lên hàng đầu bởi những đặc thù riêng của nó. Thế nào là một tác phẩm văn học đẹp? Xưa nay, trong các thông báo giải thưởng cho một tác phẩm văn học, nếu chú ý - chúng ta đều thấy người ta thường rất lúng túng và thường gán cho tác phẩm ấy những ý nghĩa có khi ở ngoài văn học. Cái đẹp - sự hoàn hảo trong một tác phẩm văn học rất khó xác định. Thế nào là đẹp? Rất ít khi người ta tâm phục khẩu phục một cách tuyệt đối một tác phẩm văn học, vì thế trong dân gian đã từng có câu "văn vô đệ nhất" (khác với võ: "võ vô đệ nhị").


Leonardo de Vinci đã từng phát hiện ra tỷ lệ vàng trong quy ước về cái đẹp của con người (1: 1,641). Nghiên cứu xã hội học về cái đẹp của phụ nữ người ta thường gắn với một loạt những tiêu chí như: khỏe mạnh, gợi tình, trẻ trung, thông minh v.v. Một tác phẩm văn học đẹp có lẽ cũng phải có một số những quy định nào đấy về ngôn ngữ, cấu trúc câu, hình tượng, bố cục v.v. Ở ta, công việc của nhà nghiên cứu phê bình văn học chính là ở sự chỉ ra, hướng dẫn bạn đọc phát hiện ra cái đẹp trong những tác phẩm văn học liên quan rất mật thiết đến quan niệm thẩm mỹ của xã hội, của "không gian sống" đương thời, đến một yếu tố mà ta vẫn quen gọi là "hiện đại". Một hoa hậu của năm 2004 nhất thiết phải là một "cô gái chân dài" chứ không thể cứ lùn tịt như cô Thị Mịch của Vũ Trọng Phụng trong những năm 30 của thế kỷ trước. Một câu văn hay cũng khác, không thể biền ngẫu như là ngày xưa. Yếu tố mới lạ của ngôn ngữ được đưa vào tác phẩm hiện đại theo tôi phải là yếu tố số một cho việc đánh giá một tác phẩm văn học giá trị. Sự biến hóa của ngữ pháp, việc sáng tạo ra những cấu trúc phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của Việt Nam hiện đại cũng là một tiêu chí phải xem xét. Khi người ta hỏi Nit-sơ rằng ông tự hào gì về các giá trị tinh thần vật chất mà ông đã có trong đời ông thì ông nói rằng ông thích nhất bởi ông đã viết ra được những cuốn sách bằng thứ tiếng Đức hay nhất. Một nhà văn xoàng khi viết ra một câu văn anh ta chỉ có chừng "ba búa": hai, ba cách đặt câu để cho anh ta lựa chọn mà thôi. Một nhà văn ngoại hạng không chỉ có "ba búa": anh ta có tới hàng chục, hàng trăm phương án khác nhau. Việc tìm ra một câu văn cho phù hợp đòi hỏi một cường độ suy nghĩ, cân nhắc hơn người: đấy chính là thứ "lao động nhân văn" chết người, nhọc nhằn và gian khó không phải ai cũng làm được.

Gần đây, trên báo Thể Thao Văn Hóa số ra ngày 6.2.2004 có bài viết Vì sao tôi đọc tiểu thuyết của Đoàn Minh Hà. Là nhà văn, tôi thích bạn đọc có ý kiến như thế. Họ hiểu rằng nhà văn sinh ra là để "kể chuyện". Kể chuyện hay! Có thế thôi. Giống như cầu thủ đá bóng: sinh ra là để đá bóng giỏi. Chúng ta trong nhiều năm thiếu những bạn đọc "sans souci". Hiện nay khi xã hội phát triển, tôi rất mừng vì bạn đọc đã có văn hóa hơn, "tử tế" hơn. Có câu rằng: "Dân thế nào, vua thế ấy". Có thể suy thêm: có những bạn đọc thế nào sẽ có những nhà văn thế ấy. Giở lại lịch sử ngày xưa, thấy tại sao trong thời mới Thịnh Đường ở Trung Hoa nảy nòi ra Lý Bạch? Thơ Lý Bạch được khen là thơ tiên phong vì phong độ, cốt cách, chí khí cao ngất. Ở thời ấy, dân chúng ấm no, sung túc. Lý Thế Dân là ông vua cao minh giữ được ổn định chính trị. Dân như thế, vua như thế, thời thế như thế thì sẽ có một thứ văn học tuyệt vời như thế: cho đến bây giờ, thơ Đường với những tên tuổi lừng lẫy vẫn là những đỉnh cao ở trên bầu trời văn học Phương Đông và thế giới.


2. Doping văn học

Trong bài phê phán tôi, Bùi Việt Thắng có chỉ ra chi chít những nhầm lẫn của tôi. Tôi không sợ, vì đơn giản nếu tôi sợ thì tôi đã chẳng phải là nhà văn. Nhà văn không đưa ra những bài học luân lý. Nhà văn chỉ kể chuyện. Phật tổ đã nói: "Mở miệng là đã sai rồi". Chúng ta luôn luôn sống trong những sự nhầm lẫn đan cài nhau. Bản chất cuộc sống, chân lý rốt ráo trong cuộc sống chính là sự nhầm lẫn. Chúng ta chỉ có được những giây phút ngắn ngủi của sự ổn định ôn hòa tương đối mà thôi, đấy chính là lý do để cho ta sống, ta mong muốn, ta tiến lên, ta hoàn thiện mình, nó chính là vẻ đẹp của cuộc sống vậy. Song song với việc kiếm sống để tồn tại, lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái, loay hoay láng cháng với vài ba niềm vui nỗi buồn, vài vụ làm ăn, vài ba người tình, thấm thoắt năm, sáu chục xuân đã trôi qua, thế là hết một kiếp người "đứng đắn". Xét trên bình diện thời gian - đời người quả là phù du vô nghĩa. Trừ đầu trừ đuôi, thực ra đời sống tràn đầy sung mãn, sinh lực, trong sáng tuyệt với của con người ta có gì khác giò hoa thủy tiên trước mặt của tôi đây không: nở hoa thơm ngát được đôi ba ngày rồi tàn lụi, cái gì qua đi là qua vĩnh viễn, chẳng có cách chi lưu lại với đời. Sáng tạo văn học, nó cũng giống như bước nước rút trong các cuộc chơi thể thao. Trước đó người ta phải tập luyện, tích lũy. Chu trình đọc sách, "đi thực tế", suy nghĩ và viết lách đan cài nhau trong cuộc sống thường nhật như là thứ "lao động thường xuyên, thiếu nó sẽ không có cái thực sự vĩ đại" (A. Puskin). Khi ngồi vào bàn một vận động viên sung sức có đủ 100%, thậm chí 120% năng lực và phong độ. Nhà văn Lê Lựu đã từng ví việc viết văn như một ca sinh đẻ: người đẻ nhanh sao cho "mẹ tròn con vuông". Ý kiến đó đúng. Trong nhiều trường hợp, Lê Lựu vẫn luôn tỏ ra là một nhà văn không hào hoa lắm nhưng lại có những kinh nghiệm thực dụng không chê vào đâu được. Việc nhà văn chuẩn bị cho một tác phẩm mới ra đời là cả một chu trình lao động công phu đòi hỏi một sự tập trung cao độ. Những nhà văn trẻ ít kinh nghiệm thường không coi trọng bước chuẩn bị này, họ chủ quan tin vào "cảm hứng". Cảm hứng chỉ có thể giúp cho nhà văn trẻ làm ra được một thứ sản phẩm đèm đẹp, một cái gì đó ngắm "lâng lâng". Việc xây dựng một tác phẩm lớn, độc đáo đòi hỏi dứt khoát phải có tính hệ thống, một tư duy tổng hợp và khoa học thế nào đấy, tôi đã từng nói đến việc "tổ chức viết văn" ở một nhà văn của thời bây giờ: nào là sắp xếp nhà cửa, công việc, chuẩn bị tiền nong, sức khỏe, chuẩn bị tư liệu, chuẩn bị cảm xúc và nhiều thứ linh tinh khác. Không phải tự dưng có nhiều người viết trẻ tìm đến sự trợ giúp từ rượu, thuốc lá, ái tình và thậm chí ma túy. Nó giống như "doping" trong văn học. Sự căng thẳng trong tình cảm và cảm xúc, cũng như sự tập trung cao độ trong quá trình viết lách ở nhà văn khiến cho họ mệt mỏi. Tuy nhiên, không phải những chất "doping" ấy lúc nào cũng có kết quả. Theo quan sát của tôi - đa số nó phản tác dụng. Sự sáng tạo văn học thường không diễn ra giống như một cuộc thi đấu ngắn ngày như ở thi đấu thể thao. Sáng tạo văn học đòi hỏi cả một môi trường: nó là không gian sống, sự bình ổn nội tâm rất cao của người viết.


Gần như chẳng bao giờ có một không gian lý tưởng, có sẵn để cho nhà văn làm việc "như ý". Đa số nhà văn phải tự sáng tạo, tự dựng ra một không gian ảo giác cho mình để tiến hành công việc viết lách. Rất nhiều nhà văn đã làm việc một cách cô đơn, họ cố tình xa lánh những thứ rắc rối không cần thiết để tập trung vào công việc. Không phải tự dưng nhiều người vẫn coi nhà văn là những con sói cô độc khó gần. Sự khó hòa nhập với đám đông không có nghĩa là nhà văn không "nhập thế", không "ăn cùng nhân dân tôi, thở cùng nhân dân tôi", không hát bài ca của họ.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ, khí phách lớn. Đến ngay cả nỗi buồn cũng không phải là những nỗi buồn lớn. Thái độ hời hợt của xã hội với văn học, cách tiếp nhận của xã hội đối với các giá trị văn học cũng làm mất đi cảm hứng ở nhiều nhà văn nhiệt thành. Đấy là chưa kể đến sự tráo trở và lạnh lùng của cơ chế thị trường vẫn chẳng nể nang gì ai cả.


3. Văn học hiện nay thiếu gì?

Câu hỏi đó do một nhà báo trẻ đặt ra với tôi. Tôi thấy rất khó trả lời. Nó có vẻ như một câu hỏi dành cho Hội Nhà Văn nhiều hơn là cho một cá nhân nhà văn nào đó. Trên bình diện chung, hầu hết chúng ta đều thấy như văn học thiếu vắng những tham vọng to lớn. Năm ngoái, khi đến Thụy Điển, tham dự Hội chợ sách Gothenburg, tôi hết sức ngạc nhiên trước không khí văn học hăng say ở đó. Thật hệt như một giấc mơ! Niềm yêu mến với sách, với văn học là không chối cãi. Không thấy thái độ hoài nghi, khinh bạc với văn học. Không thấy thái độ hoài nghi, khinh bạc với cuộc sống nói chung. Trước giờ phút công bố giải thưởng Nôben văn học, tất cả bầu không khí tựa như ngưng đọng. Hầu hết mọi người đều căng thẳng và cảm động. Rõ ràng ở đây văn học có một vị trí xứng đáng trong đời sống cộng đồng. Ở Việt Nam, mấy năm gần đây văn học bị đưa ra đùa rỡn nơi công cộng và xem thường. Nhà văn bị ngờ vực. Việc biểu dương một số nhà văn trẻ "trong tầm tay" có một cái gì giả tạo. Văn học luôn tránh né một vấn đề nan giải khó nói nhất trong xã hội: không phải khó khăn kinh tế, không phải sex, không phải là tình cảm chiến tranh… Nó là vấn đề nhân tính. Văn học Việt Nam gần đây mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống. Nó trở nên thực dụng, ê chề, lọc lõi, oái oăm, đôi khi đểu cáng.


Để có một nhà văn có giá trị nhân đạo cao phải dựa trên rất nhiều yếu tố. Người ta vẫn quen nghĩ rằng đó là do những nỗ lực cá nhân và chỉ là những nỗ lực cá nhân mà thôi. "Văn hay do cùng". Lối nghĩ đó vẫn phổ biến trong xã hội. Nó là lối đi tự phát, rèn luyện mà thành, lập nghiệp từ không chuyên, ỷ nhiều vào "năng khiếu". Có lẽ đã đến lúc người ta phải nghĩ đến một "typ" nhà văn khác: lớp nhà văn trí thức của một xã hội phát triển. Họ viết văn có bài bản, có lý luận, lý lẽ chứ không mò mẫm. Trước đây, ở Việt Nam hầu như chưa có những điều kiện xã hội để xuất hiện "typ" nhà văn này.

Trước mặt tôi đây là giò hoa thủy tiên thơm ngát. Tôi biết rằng cả đời tôi, rồi cả hoa cũng chẳng còn mãi trên đời này. Thời gian trôi đi, giống như sóng biển kia vỗ bờ, giống như dã tràng kia xe cát, sự sống rồi cứ tiếp nối nhau không ngừng như thế đầy, vô cùng vô tận.

- Mặc kệ chuyện thị phi


Tết Giáp thân 2004

Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, số 5, ra ngày 01.3.2004

 

Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn - Kỳ 3

1. Cái khó của nghề văn thời nay

Trong khoảng hơn một thập kỷ đổi mới, xã hội Việt Nam đã tiến những bước nhảy vọt về nhiều mặt, Việt Nam đã hoà nhập được với nhiều nước ở trong khu vực và trên thế giới. Quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế và tri thức bất chấp những tư tưởng cục bộ và "sô-vanh" bất hợp tác. Về văn học, những cố gắng trong và ngoài nước đã làm cho nhiều nhà văn "thức thời" ở ta nhận ra được con đường gian khó nhưng cũng nhiều triển vọng ở trong nghề nghiệp của mình. Khi xã hội phát triển, nhu cầu hưởng thụ và làm ra những sản phẩm văn học nghệ thuật có phần nào tưởng như dễ dàng nhưng lại khó vô cùng. Tôi rất ngạc nhiên và không thích thái độ kỳ thị và xem thường việc xây dựng nên những công nghệ ở trong lĩnh vực giải trí, trình diễn như ca nhạc, tạp kỹ v.v.. Việc đào tạo, đánh bóng nhằm tạo ra những ngôi sao ca múa nhạc tạp kỹ hoặc thể dục thể thao lv.v.. là rất cần thiết. Ngay trong lĩnh vực văn học, đáng lẽ cần phải khuếch trương, xây dựng thành một công nghệ đào tạo nhà văn mới thì vài năm trở lại đây lại có ý kiến bỏ đi trường viết văn Nguyễn Du. Bỏ thì dễ nhưng xây thì khó. Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: "Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!", tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.


Tôi biết sẽ có nhiều người phản ứng lại điều tôi nói "trắng phớ" ra như thế nhưng ở đây nó là thực tế. Tôi chỉ nói ra một thực tế "tàn nhẫn" mà mọi người vẫn tránh né hoặc "không nỡ" nói ra mà thôi. Đã đến lúc người ta phải nhìn vào thực tế để thúc đẩy văn học cũng như thúc đẩy xã hội phát triển.

Trên kia tôi đã nói đến việc xây dựng một công nghệ đào tạo nhà văn, tôi ủng hộ ý kiến nên xây dựng một vài khoa viết văn ở các trường đại học ở ta. Viết văn phải trở thành một nghề nghiệp, một nghề nghiệp chuyên nghiệp chứ không thể nghiệp dư, tuỳ hứng được. Những nhà văn được đào tạo trong nền công nghệ đó phải có những tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn nhất định. Nó không phải là toàn bộ chân dung văn học trong xã hội đó. Khi hoà nhập với thế giới bên ngoài luôn luôn có những sự trao đổi hợp tác giữa các nhà văn các nước. Lớp nhà văn cũ không còn phù hợp: họ không biết ngoại ngữ, không biết vi tính, họ chỉ có quá khứ, họ không thể trò chuyện và đối thoại "tay đôi" được với bên ngoài về những vấn đề của thời hiện tại. Trong sinh hoạt văn học, ở khía cạnh nào đó, việc viết ra được những "bài văn" cũng chỉ là một việc ngày nay người ta thực hiện một cách dễ dàng: đa số sinh viên đại học đều có thể làm được không khó khăn lắm. Khuôn mẫu " nhà văn cổ điển" chưa chắc đã là duy nhất đúng, phù hợp và nên noi theo đối với những thành niên tham gia vào công việc văn học trên tinh thần "xã hội hoá". Tôi đã thấy trong những chương trình " trò chơi âm nhạc" trên ti-vi, người xem cũng hát, cũng biểu diễn có khi chẳng kém gì những diễn viên chuyên nghiệp. Khi văn học "xã hội hoá" cũng sẽ xảy ra một cái gì tương tự như thế, nhất là khi Internet phát triển. Văn học - cũng như nhà văn sẽ ngày càng dân chủ hơn, thường hơn và vì vậy ngay cả những vấn đề về lý luận văn học cũng không phải cứ mũ cao áo dài và giữ nguyên cung cách chuyên chế, áp chế kiểu "các cụ" mãi được.

Trong xã hội phát triển, văn học rất thường nhưng để vượt lên, trở thành một cái gì đó ngoại hạng là rất khó. Hình mẫu thiên tài văn học ngày nay khác trước rất nhiều. Trong sách giáo khoa văn học người ta thấy rõ văn học đã bị đông cứng lại, cũ kỹ và "phản động": nó cứ ê a mãi những "song viết" và "song kiết", học sinh chỉ nghiên cứu và học tập "những thây ma cũ" hoàn toàn không được "tiếp máu" bởi những sinh lực văn học cường tráng và lành mạnh.

Nếu như khoảng 20 năm đến 30 năm nữa danh sách Hội viên Hội Nhà văn ở ta có tới hơn 80% nhà văn (chứ không phải nhà thơ) khoảng ở độ tuổi 25 đến 50 tuổi thì đấy mới là việc hợp quy luật. Ở ta vẫn có câu: "ốm tha, già phải". Văn học, đối tượng của nó là những người trẻ tuổi. Nó không phải là sân chơi của "đám giặc già lăng nhăng thơ phú". Trước Tết Nguyên đán tôi có ngồi dự một bữa tiệc tất niên ở nhà kỹ sư Đào Phan Long với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ khá lừng danh trên đất kinh kỳ. Nhà thơ Trần Ninh Hồ đọc một bài thơ phóng dật trong đó có câu: "Ông lão lục tuần đi trong sương gió/ Sương gió không biết ông lão lục tuần". Hay thì hay thật nhưng tôi cũng hơi sờ sợ những ông lão lục tuần … gân quá!


2. Trên con đường văn học

Thực ra, trên con đường văn học thì có rất nhiều lối đi khác nhau, "mọi con đường đều dẫn đến thành Roma", có người đến trước, người đến sau, người đứt gánh giữa đường, người đến đích hăm hở, người đến đích thân tàn ma dại, có người đến đích vinh quang, có người đến đích với cả bầu đoàn thê tử v.v… Tạo hoá tuyệt vời và rộng lượng sẵn lòng mở ra cơ hội cho tất cả mọi người không trừ ai cả. Nhưng cảnh giới văn học ở mỗi hạng cũng khác nhau và sự phong phú có vẻ vừa dân chủ vừa mất dân chủ ấy đã làm nên sự hấp dẫn chết người của văn học. Tôi không hề coi những ý kiến của tôi là chân lý, tôi chỉ nêu ra những suy nghĩ "nhầm lẫn" để mọi người trong giới văn học xem xét mà thôi. Văn học tác động đến xã hội bằng con đường ngầm, "phi chính phủ" và rất trực tiếp. Khi một nhà văn "phát sóng", những độc giả có cùng tần số "bắt sóng" ấy, tiềm năng trong họ được đánh thức và giời mới biết họ sẽ làm gì. Khi những phương tiện thông tin đại chúng phát triển, các môn nghệ thuật giải trí phong phú, chức năng giáo dục được trải rộng, nó không còn chỉ đặt lên mỗi đôi vai còm cõi của văn học ngày xưa nữa. Nếu chúng ta chú ý nhìn một chút thì sẽ nhận ra con trẻ ta ngốn những truyện tranh manga còn nhiều hơn sách văn học tỉ tỉ lần. Chúng không đọc " Những cánh buồm đỏ thắm" của Grimm, "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài nữa mà dành thời gian đó cho "Đôrêmon" hoặc các siêu nhân. Trong Hội nghị Lý luận văn học ở Tam Đảo năm 2003, chẳng thấy có một tham luận nào dành cho văn học thực sự. Không còn ai cứu trẻ con nữa. Tất cả những người "hành nghề văn học" ở ta đều muốn "dĩ hoà vi quý", đều muốn có nhưng cuộc chơi đèm đẹp, chơi có thưởng, không ai muốn " hy sinh" nữa. Trong chuyến về nước năm ngoái, nhà văn Phạm Thị Hoài nhận xét : "Ở trong nước, những người viết văn hiện nay sống sướng quá, nhà nước, xã hội yêu chiều, cưng chiều họ quá. Ở nước ngoài khó khăn khổ sở hơn nhiều, rất nhiều". Tôi nhận ra sự ngậm ngùi trong nhận xét của Phạm Thị Hoài. Nhận xét đó không hẳn đã đúng nhưng cũng là một ý kiến đáng để cho những nhà văn có lương tâm ở ta xét lại. Trên báo chí, thỉnh thoảng vẫn thấy các nhà báo "rồ lên" vì có tin nhà văn này, nhà văn kia "ẵm" các giải thưởng, nhận tiền tài trợ. Chuyện này hay dở thế nào chưa bàn. Nó cũng chỉ là một mặt " bề nổi" của văn học, theo tôi cũng là tốt. Nhưng - một khi dư luận văn học thực sự chỉ rồ lên vì cái "bề nổi" ấy thì cũng chưa hẳn đã "có lương tâm". Trong truyền thống, văn học đồng nghĩa với sự thanh đạm. Sinh hoạt văn học (nói rộng ra là cả sinh hoạt tinh thần) ở ta - ít nhất là ở Thủ đô - theo tôi hiện nay là thảm hại, chẳng có gì đáng để người ta quan tâm, say sưa. Tất nhiên trên thực tế, ở đâu có một cuốn sách hay, một bài viết hay những người quan tâm đến văn học đều cố tình đọc qua không bỏ sót. Rõ ràng văn học vẫn có cách tồn tại riêng của nó và vẫn âm thầm "đi những bước sấm đông rền" (Goethe) trên con đường hẹp, con đường định mệnh gian khó dành riêng cho nó. Văn học giá trị bao giờ cũng đề cao nhân tính. Một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm văn học giá trị nghĩa là nhân tính mất đi. Trách nhiệm đó không phải chỉ ở một người nào mà nó ở toàn xã hội.


Khi nói về nhân tính xưa nay các nhà lý luận văn học thường cũng chỉ mới đề cập một chiều đến lòng tốt, đến cách cư xử quân tử v.v... Người ta không nhìn thấy "bộ mặt thứ hai" của nhân tính mặc dầu "các cụ" ngày xưa cũng đều đã cảnh tỉnh cả rồi: "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương" (Nguyễn Đình Chiểu), "Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương" (Nguyễn Du) v.v… Cái gì cũng có hai mặt (thậm chí vài ba mặt) kể cả "nhân tính". Độc giả có kinh nghiệm văn học rất dễ nhận ra những khuôn mặt ngụy quân tử trong các tác phẩm của các nhà văn. Dối trá, đạo đức giả - người ta chỉ đọc có vài ba trang là nhận ra liền. Không phải tự dưng mà các nhà văn cổ điển luôn luôn nói về sự trung thực ở nhà văn và trong lao động văn học. Thế nào là trung thực? Trung thực với mình, với người, với xã hội, với chữ nghĩa. Văn điêu, văn ma, phò nịnh, "nên thơ" v.v… là thứ rất dễ ngộ nhận. Có nhiều tác phẩm, người ta vẫn phải đọc, vẫn phải chấp nhận mặc dầu ai nấy đều cũng có "cảm giác" là nó thối tha, song - như tôi đã nói, thời đương đại bao giờ cũng có "không khí" suy đồi, cần phải có một thời gian rất dài thì những cái xác suy đồi mục nát ấy mới mất hết đi cái mùi ô uế của nó.

Biết làm sao bây giờ?


3. Lời kết thay cho hoa thủy tiên

Ngày Tết, đi mua giò hoa thủy tiên tôi mới ngã ngửa ra rằng tất cả giống hoa thủy tiên ở ta đều được nhập từ Trung Quốc. Không phải thủy tiên mà rất nhiều loài hoa khác nữa, thậm chí cả đào! Đi vào các hiệu sách, vẫn thấy văn học hiện đại Trung Quốc chiếm thượng phong ở trên giá sách. Về nhà mở ti-vi, phim truyền hình Trung Quốc vẫn thu hút người xem đông nhất. Văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc tất nhiên rồi, xưa nay vẫn thế. Tôi ngắm nhìn giò hoa thủy tiên và nghĩ ngợi nhiều. Để hoa thủy tiên nở đúng vào lúc giao thừa là cả một nghệ thuật vun trồng, gọt tỉa công phu. "Chơi hoa nào đã mấy người biết hoa" vốn là thói đời phàm tục. Một tác phẩm hợp thời, ra đời đúng lúc cũng là một nghệ thuật, có người còn coi nó là số mệnh tác phẩm. Song le, những "tác phẩm đi trước thời đại" bao giờ cũng sẽ chẳng hợp thời. Ngồi buồn giở báo ra xem, thấy có mấy bác Hai Lúa ở Nam Bộ (Trần Quốc Hải, Lê Văn Danh) chế tạo ra máy bay trực thăng để phun thuốc trừ sâu cho mía mà cười ra nước mắt. Tôi thích câu kết của nhà báo Nguyễn Hồng Lam: "Tinh thần sáng tạo rất đáng khâm phục. Đáng tiếc, mơ ước ấy đã vượt quá sự cho phép của giới luật. Đột nhiên giật mình tự hỏi: trăm năm trước, anh em nhà Wright đã gặp may vì không gặp các thứ luật định văn minh bó buộc. Nếu không, đến bây giờ chắc gì có ngành hàng không với những chiếc máy bay tung cánh bốn phương trời?" (báo An ninh thế giới ra ngày 19/02/2004). Trong văn học, không còn nữa những cuộc thí nghiệm giống như chuyện làm ra máy bay trực thăng. Để biết văn học đổi mới, chỉ cần dịch sách Trung Hoa xem là đủ. Nó cũng giống như giò hoa thủy tiên kia, nhập vào với giá rẻ như bèo chẳng phức tạp gì, thả sức chơi "te tua" trong thời gian Tết.


Này hoa thủy tiên, tôi ước chi đây là giống hoa của người Việt Nam trồng ra trên đất Việt Nam. Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan… ước gì đấy sẽ là những tên tuổi của các nhà văn Việt Nam?

Xã hội Việt Nam đang ngày càng phát triển phong phú và đa dạng. Luôn luôn có những cơ hội dành cho tuổi trẻ. Trong lĩnh vực văn học cũng vậy. Vấn đề là phải có tình yêu với nó. Không có tình yêu thì chẳng làm gì được cả.

- Và với "một mẩu bánh mỳ con con" [1] nữa chứ?
- Tất nhiên rồi!

Tết Giáp Thân 2004


[1]Thơ Phan Thị Vàng Anh thời trẻ:
"Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang được gì
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẩu bánh mỳ con con."

Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, số 6, 15.3.2004

 

CDKS chú thích thêm:

* Người Philistine xuất hiện trong Kinh Thánh như là những kẻ thù không đội trời chung với người Israel cổ xưa. Người ta cho rằng họ đã di cư vào khoảng thế kỷ 12 trước Công nguyên từ các vùng đất thuộc phương Tây tới vùng đất của người Israel xưa kia.

Bài liên quan
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.
  • Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
  • Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Một câu hỏi được đưa ra từ lâu trong giới nghiên cứu nhưng không dễ trả lời: sự thay đổi chữ viết tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, truyền thống trong dân tộc ta?