Nhà văn Khuất Quang Thụy (phải) và nhà thơ Hữu Thỉnh - Ảnh tư liệu
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Khuất Quang Thụy được độc giả biết đến qua các tác phẩm nổi tiếng Trong cơn gió lốc, Không phải trò đùa, Góc tăm tối cuối cùng. Năm 2007, ông được Nhà nước vinh danh và trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm nói trên.
Tới tận hai giờ chiều hôm đó công việc tìm kiếm người đàn ông bị nạn khi nhảy xuống cứu mấy cô cậu học sinh Hà Nội bị lật thuyền trên hồ Thuỷ Văn vào lúc chín giờ sáng vẫn chưa có kết quả gì. Hai cánh thợ lặn do nhà khách Thuỷ Văn mời tận ngoài Trung Hà vào làm việc cật lực từ mười giờ sáng tới giờ. Công an huyện đã lập biên bản, nhưng chưa có tử thi để khám nghiệm nên ăn trưa xong họ lại lên xe về. Chỉ nói rằng khi nào thấy xác người bị nạn thì gọi điện thoại ra, họ sẽ lập tức đánh xít-đờ-ca vào khám nghiệm rồi làm thủ tục cho mà chôn cất. Đám học trò Hà Nội được lệnh không được phép rời nhà nghỉ cho đến khi mọi việc xong xuôi. Ba cô con gái từ lúc thoát chết đến giờ chỉ ngồi dúm vào nhau trên góc giường mà khóc ròng, ba thằng con trai cũng có bớt nghênh ngang hơn so với chiều hôm trước khi chúng rầm rập lao ba cái xe phân khối lớn, đen trùi trũi, bóp còi inh ỏi trước khu nhà nghỉ. Bây giờ ba chàng đang rón rén xuống phòng lễ tân gọi điện thoại về Hà Nội. Chúng nói chuyện huyên thuyên hàng giờ liền, hết số máy này sang số máy khác. Sau khi đã móc túi trả cho cô trực điện thoại gần trăm ngàn đồng, còn nói: “Mang tiếng là khu du lịch mà vẫn chưa phủ sóng. Quá buồn! Thời đại thông tin toàn cầu mà thế này thì lạc hậu hết chỗ nói!”.
Không thấy đứa nào mở miệng hỏi xem người ta đã tìm thấy xác cái người đàn ông đã cứu mạng chúng nó hay chưa?
Ông Thời, giám đốc nhà khách, như ngồi trên đống lửa. Khu nhà nghỉ đi kèm với dịch vụ du lịch sinh thái của ông mới được nhen nhóm lại, nay có nguy cơ phá sản chứ chẳng chơi. Chết người, chứ đâu phải chuyện đùa. Mà cái lão khỉ gió này chui xuống âm ti luôn chắc? Chết rồi thì cũng phải nổi lên cho người ta còn nói chuyện với người sống nhà ông chứ. Tôi biết nói với vợ con ông thế nào đây?
Tuy chưa tìm được xác, nhưng nhờ chiếc xe đạp và mấy thứ đồ đi rừng người ấy vứt lại trên con đường nhỏ ven hồ trước khi nhảy xuống cứu người nên những người làm việc ở khu nhà nghỉ Thuỷ Văn đã xác định được nạn nhân chính là ông Lương Đình Nghệ, người ở ngoài xóm Bóng, cách khu hồ chừng ba cây số. Ông là người nhận khoán chăm sóc và bảo vệ gần hai chục héc ta rừng kéo liền một dải từ mé Tây khu hồ cho tới chân Núi Chúa. Ngày nào ông chủ rừng ấy cũng lóc cóc chiếc xe cổ lỗ hiệu Phượng Hoàng hai dóng sắt của Trung Quốc đi qua khu nhà nghỉ Thuỷ Văn để vào thăm rừng. Mấy cô nấu ăn khu nhà nghỉ nói rằng sáng nay, các cô ấy còn dặn ông ta chiều về kiếm cho một yến măng tươi vì hôm nay là ngày cuối tuần, nhà nghỉ có thể đông khách. Có lẽ khi ông đạp xe tới con đường mòn bên kia hồ thì nghe trên hồ có tiếng kêu cứu nên quẳng chiếc xe ở đó mà nhảy xuống hồ cứu người bị nạn. Anh Cảnh, làm kế toán trong nhà nghỉ nghe mọi người nói vậy liền cười, bảo:
- Lão Nghệ bị điếc lòi ra, nghe làm sao được?
Một cô nhả bếp béo ục ịch liền bĩu môi:
- Có nhà anh điếc thì có. Ông ấy có đeo máy, cái gì chả nghe thấy. Hôm nọ con Lài nói vụng ông ấy rằng người gì mà tai điếc nhưng mắt thì cứ như mắt chim ưng ấy. Chả đứa trẻ con nào vào rừng của ông ấy đào trộm măng luồng mà thoát cả. Ai ngờ ông ấy nghe được hết, liền bảo, riêng cô Lài nếu thích thì tôi sẽ đưa vào rừng chơi hẳn một ngày, rồi ưng củ nào, tôi đào cho củ nấy!
Ông giám đốc nhà nghỉ bực mình gắt:
- Thôi đi... Giờ là lúc nào rồi mà còn đùa được? Nếu không nhanh chóng mà tìm thấy người ta thì tôi và các cô đến vào rừng đào củ nâu mà ăn ấy chứ chẳng chơi đâu? Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, không được cho khách tự tiện lấy thuyền bơi ra hồ. Thế mà...
Anh kế toán thở dài:
- Thì ai có ngờ bọn lỏi con ấy lại liều đến thế. Mới sáng sớm chúng nó đã đòi đi thuyền thăm cảnh hồ, tôi đã nói rõ ràng rằng phải đợi đến mười giờ, sương tan thì mới đi được. Nhà nghỉ sẽ có người chèo thuyền đưa các cô các cậu đi. Thế mà vừa sểnh mắt một cái, chúng nó đã lấy trộm thuyền bơi đi rồi.
- Anh nhìn thấy, sao không kéo cổ chúng nó lại?
- Kéo làm sao được. Khi phát hiện ra thì chúng nó đã bơi được vài sải nước rồi. Tôi hét lên bảo: “Này lũ ôn con kia, đưa thuyền vào bờ ngay kẻo thuồng luồng ba ba nó lôi cổ chúng mày xuống hồ bây giờ!”. Chúng nó ré lên cười, vẫy tay kêu: “Bai, bai... anh dề nhé!”. Rồi còn nói: “Ông bác cứ vô tư đi. Bọn này có họ hàng với thuỷ quái ở Hồ Tây đấy!”. Bác bảo, tôi còn biết làm thế nào?
Ông giám đốc không biết nói gì, liền khoát tay ra lệnh:
- Chiều nay, anh ra thị trấn mua cho tôi chục sợi dây xích. Phải khoá mấy cái thuyền lại!
Mọi việc đang rối như canh hẹ thì lại thấy cậu Khanh chánh văn phòng uỷ ban phóng xe máy tới. Vừa dừng xe trước sân, mồm miệng anh ta đã như tép nhảy:
- Xin kính chào bác giám đốc. Kính chào các cô em xinh đẹp. Hôm nay nhà nghỉ vắng khách quá hay sao mà từ xếp đến nhân viên đều ra xếp hàng hóng gió ở bờ hồ thế này?
- Không dám... Chào ông chánh văn phòng! – Ông Thời khẽ cúi mình, nhưng mặt vẫn khó đăm đăm.
- Sao mà ông anh khách khí thế. Thằng em mang tiền mang bạc tới cho ông anh đây mà sao ông anh lại có vẻ không nhiệt mấy thế nhỉ?
- Tiền bạc cũng chả giải quyết được việc gì!
Ông Thời vừa ngóng ra mặt hồ vừa thủng thẳng đáp.
- Sao lại thế? Đồng tiền là tiên là phật cơ mà. Khu nhà nghỉ này tuy vẫn do ngành quản lí, nhưng đã khoán đứt cho ông anh rồi. Phải có tiền thì ông anh mới son phấn nâng cấp nó lên được chứ. Thằng em nói thật, khu nhà nghỉ của ông anh mới chỉ có được một thứ, đó chính là cái hồ này. Thiên nhiên thì quá đẹp rồi. Nhưng thử nhìn lại xem, nhà cửa phòng ốc chưa đâu vào đâu, các loại dịch vụ của ông anh vẫn còn nhà quê lắm. Cần phải mô-đi-phê nó lên. Nhất là khâu phục vụ. – Anh ta ghé vào tận tai ông giám đốc nói nhỏ. – Mấy cô nhà bếp, nhà bàn, nhà buồng này ông anh phải cho thanh lí bằng hết. Nếu cần, thằng em sẽ giúp ông anh tuyển chọn một ê-kíp thật ngoạn mục. Chịu chơi. Như thế mới thu hút được khách chứ.
Ông Thời khẽ nhếch mép cười:
- Chú muốn tôi thu nạp đám ca-ve trong mấy cái nhà hàng ka-ra-ô-kê ở bên cạnh nhà khách uỷ ban của chú ấy chứ gì?
- Thì bét ra cũng phải được như cái đám ấy. Nhưng tôi có nguồn tuyển cho bác những em chất hơn nhiều.
Ông Thời bỗng bật cười thành tiếng:
- Thì ra chú Khanh hồi này kiêm cả nghề tiếp thị nữa kia đấy. Cảm ơn, tôi chưa đổi mới đến cái mức ấy
Anh chánh văn phòng ngớ người ra chẳng hiểu vì sao hôm nay ông Thời lại khó tính đến thế? Thấy ông vừa chủng chẳng nói chuyện với mình vừa nhớn nhác nhìn ra mặt hồ, anh ta vội phóng mắt nhìn theo và thấy mấy chiếc thuyền đang bồng bềnh trôi, rồi dăm bảy người hết trồi lên lại ngụp xuống. Tò mò, anh ta sán lại hỏi:
- Có trò gì ở ngoài đó mà ông anh như bị hút hồn thế?
- Trò khỉ! – Ông Thời bực mình gắt. – Nếu không có việc gì thì xin anh biến đi cho tôi nhờ. Đang lộn cả ruột lên đây.
Anh chánh văn phòng tái mặt. Chưa có ai dám chơi sỗ với anh ta như thế. Đã vậy thì cho cha con ông ta đói nhăn răng ra. Nghĩ vậy, anh ta vùng vằng nhảy lên xe định phóng đi. Nhưng chợt nhớ ra nhiệm vụ xếp lớn đã giao, anh ta đành chịu lún, nuốt ực cục tức vào bụng rồi tiến lại, nói với ông giám đốc:
- Này, hôm nay tôi nể mặt ông đấy nhé. Có việc cho ông đây. Chiều nay uỷ ban có một cuộc tiếp khách tại đây. Khách sộp từ trung ương lên làm dự án đầu tư phát triển hẳn hoi đấy. Ăn như mọi khi là được rồi. Có thêm món đặc sản nào nữa thì tốt. Phòng ốc, tôi cần mười hai phòng loại xịn nhất mà ông có. Từ bếp trở xuống thì quân của ông đảm nhiệm. Từ bàn đến buồng tôi sẽ mang người vào. An ninh ông khỏi lo, tôi đã canh hết các cửa rồi. Thanh toán thế nào, tôi với ông sẽ bàn sau. Được chưa? Một món hời trông thấy đấy bố già ạ!
Ông Thời thản nhiên lắc đầu:
- Tối nay thì không được!
- Sao lại không? - Anh chánh văn phòng ngạc nhiên hỏi.
- Hôm nay... tôi có khách.
- Khách nào? Khách nào cũng không quan trọng bằng đám khách này. Bằng tiền cả đấy, bố ạ!
- Tiền cũng chẳng giải quyết được gì.
- Sao lại không giải quyết được? Nếu đã có đám nào đặt phòng rồi thì ông cứ đuổi đi. Tôi sẽ đền bù. Coi như tôi mua lại hết, có được không?
Ông giám đốc đột ngột quay lại nhìn chằm chằm vào mặt anh ta và hét lên:
- Mạng người đấy. Ông có mua được không? – Rồi ông chỉ ra mặt hồ – Có người chết ở dưới hồ kia kìa. Tôi đang thuê người vớt. Khách của tôi đêm nay đấy. Các ông có muốn ăn chơi nhậu nhẹt bên cạnh người chết thì xin mời vào. Tôi xin hết lòng phục vụ các quý ông.
* * *
Tuy đã từ chối quyết liệt một đám khách sộp, nhưng rốt cuộc, đến chiều tối thì nhà khách Thuỷ Văn vẫn đông nghẹt những người. Mà lại toàn là những vị khách mà ông Thời không thể từ chối được: Không biết mấy cậu công tử Hà Nội điện thoại về kể lể những gì mà chỉ hai tiếng sau lần lượt hơn chục chiếc xe du lịch sang trọng lao tới khu nhà nghỉ ven hồ. Những ông bố, bà mẹ, ông chú, bà bác, ông cậu bà cô, những chú văn phòng, những cô thư kí... ăn mặc sang trọng, hớt hơ hớt hải mở cửa xe rồi lao thẳng vào tiền sảnh ngôi nhà ba tầng của khu nhà nghỉ Thuỷ Văn. Câu đầu tiên của họ đều rất hách dịch:
- Ai là giám đốc nhà nghỉ này?
Tuy đang rất sốt ruột và bực mình nhưng ông Thời quả không hổ danh là một vị giám đốc nhà nghỉ của hai thời đại (thời đại bao cấp và thời đại cơ chế thị trường) như anh chị em trong nhà nghỉ Thuỷ Văn thường nói đùa một cách thân ái. Ông đứng ở trước quầy lễ tân khiêm nhường cúi chào tất cả mọi người và nhã nhặn trả lời:
Dùng bữa tối xong, đa số các vị khách dắt nhau đi dạo trên con đường nhỏ ven hồ. Hôm nay lại đúng vào ngày trăng tròn, mặt hồ mù sương mờ ảo trong ánh trăng. Dãy Núi Chúa hiện lên đen thẫm ở phía xa như một hòn đảo trôi bồng bềnh giữa biển sương mù nối liền từ mặt hồ qua những cánh rừng. Những đàn chim kêu thảng thốt khi bay qua cái vùng sương khói ấy. Không gian thật tĩnh mịch, thê lương.
Mẹ con người đàn bà không đi dạo mà kéo ghế ra ban công nhà khách ngồi ngắm mặt hồ và tỉ tê trò chuyện.
- Sao bố không đi cùng với mẹ? Bố không lo cho con sao?
- Bố bận, con ạ. Nhưng bố đã bảo chú Vân đánh xe tới đưa mẹ đi ngay khi nhận được điện thoại của cậu Dũng. Vì trong điện thoại bố con nói chẳng rõ ràng gì cả nên mẹ lo muốn chết. Nếu con có mệnh hệ nào thì mẹ biết sống làm sao?
- Nhưng... con có sao đâu. – Rồi cô bỗng bật cười khanh khách – Cũng may là con đỗ đại học rồi đấy nhé. Nếu không, có chết thì khéo có người lại bảo nhảy xuống hồ tự tử vì thi trượt.
- Bố cô chứ, ăn với chả nói. – Người mẹ mắng yêu cô con gái – Năm nay mà cô còn trượt nữa thì tôi sẽ cho cô đi lấy chồng ngay cho rảnh nợ.
Im lặng một lúc lâu rồi cô gái lại lên tiếng nói:
- Mẹ ơi, hồi trẻ mẹ đã vào cái hồ này chơi lần nào chưa?
- Mới chỉ có một lần thôi. Từ thị xã vào đây cũng xa lắm. Hồi đó còn chưa có đường nhựa. Mẹ với các bạn trong lớp phải đạp xe mất cả buổi mới vào tới đây. Ngày ấy khu nhà nghỉ công đoàn này còn chưa xây xong. Xung quanh chỉ toàn rừng là rừng. Bọn mẹ cắm trại ở trên cái đồi thông trước lối vào nhà nghỉ bây giờ ấy. Vui lắm. Bạn bè hẹn nhau khi nào họ xây dựng xong khu nghỉ mát này thì nhất định phải kéo nhau vào đây ngủ một đêm xem sao. Thế mà thoắt cái đã hơn hai mươi năm rồi, không biết trong số bạn bè cùng lớp của mẹ đã có ai thực hiện được ước mơ ngày ấy hay chưa? Riêng mẹ thì... thật không ngờ lại được trở lại đây trong hoàn cảnh oái oăm như thế này.
- Thì... mẹ coi như một kì đi nghỉ cuối tuần đi. Chỉ có điều là đi riêng với con thôi chứ không phải đi với bố.
- Bố con thì... sẽ chẳng bao giờ chọn một nơi như thế này.
Hai mẹ con đang rúc rích trò chuyện bỗng im bặt khi nghe thấy từ dưới mặt hồ bỗng dội lên những tiếng gào khóc thảm thiết. Từ trên ban công hai mẹ con nhìn thấy một dòng đèn đuốc sáng trưng đi vào sân trước của khu nhà nghỉ. Có lẽ họ là thân nhân của người đàn ông gặp nạn. Tiếng gào khóc của đàn bà, trẻ con đã xé toang không gian tĩnh mịch huyền bí, khiến cho cả khói sương cứng vật vã vần vụ trên mặt hồ. Động lòng trắc ẩn, người đàn bà đứng dậy, nghẹn ngào nói với con:
- Ta xuống đó với họ đi!
Hai mẹ con vào phòng khoác thêm áo rồi xuống nhà. Tại phòng chờ đám đàn ông kia đã kịp quây một chiếu bạc và đang say sưa trong cơn đen đỏ. Mấy cô phục vụ đứng tựa cửa nhìn ra khóc thút thít.
Thấy hai mẹ con xuống, Dũng - anh bạn trai ham sống của Thương vội ngăn lại:
- Đừng ra đó. Người nhà của họ nổi điên lên thì phiền đấy!
Thương còn đang do dự thì mẹ cô đã cầm tay cô kéo đi. Chỉ một lát sau họ đã hoà vào đám đông dân làng và thân nhân của người bị nạn đang tụ tập ở khoảng sân trước nhà nghỉ. Ông giám đốc nhà khách đang giúp họ lập một bàn thờ hướng ra mặt hồ. Một ông già đang ra sức khuyên giải vợ con của người vừa thiệt mạng:
- Thôi đi nào, cô và các cháu hãy nén tâm lại để còn làm lễ gọi chú ấy về. Lại còn phải cầu xin thuỷ thần, thổ địa thì may ra sáng ngày mai các ngài mới cho tìm thấy chú ấy chứ.
Người đàn bà, đang nằm gào khóc trên mặt đất dường như đã cố hết sức để gượng dậy nhưng rồi chị lại rũ xuống hộc lên những tiếng kêu xé ruột.
- Ơi anh Nghệ ơi là anh Nghệ ơi...! Anh bỏ vợ bỏ con đi đâu thế này anh Nghệ ơi...!
Chị bỗng rùng mình ớn lạnh, tưởng như tiếng kêu gào ấy như một mũi kim nhọn vừa xuyên thẳng vào tim mình. Cái tên của người chết vừa được xướng lên như vừa đánh thức một vùng kí ức xa xăm nào đó trong lòng chị. Anh Nghệ... một cái tên không hề xa lạ. Cái máy điếc ròng ròng nước chảy. Hồi đó, anh cũng bảo rằng nếu như anh có tiền, sắm được một cái máy điếc thì anh sẽ nghe được hết thảy, kể cả những nhịp tim đập trong trái tim em. Nhưng, vào những năm tháng ấy, cả nước đang chìm trong khủng hoảng, đói kém, làm sao mà anh có tiền để mua được một chiếc máy như thế. Chính vì vậy mà anh đã không nghe được gì, kể cả những lời dèm pha dè bỉu của bạn bè và cả lời từ biệt của em. Em đã không chịu đựng được cái cảnh cứ phải gào lên những câu đơn giản nhất, lại phải mở to miệng ra để anh nhìn khẩu hình mà đoán xem em nói những gì. Những lời yêu thương mà lại phải nói như thế sao? Rồi bạn bè chế giễu, rồi cha mẹ cản ngăn. Rồi chân trời mới mở ra trước ngưỡng cửa của trường đại học. Em đã ra đi như vậy mà chẳng vương vấn gì nhiều mối tình đầu của tuổi học trò.
Nhưng, có phải là anh không? Làm sao mà anh lại trôi dạt vào tận vùng hồ này? Mà em nhớ ra rồi, ngày ấy khi đón bọn em vào cắm trại bên khu hồ này, anh đã nói với em rằng nếu như được lựa chọn thì anh thích sống ở một nơi có thiên nhiên tươi đẹp như thế này.
Người ta đặt lên bàn thờ anh một tấm ảnh lớn. Trong ánh đèn nến, người lính trong ảnh đang cười rất hồn nhiên. Anh vẫn còn trẻ như hồi nào, vừa từ chiến trường Campuchia trở về đứng trước ngõ nhà em cười ngô nghê rồi chỉ vào tai mình nói rất to “Anh không nghe được gì nữa rồi! Bị thủng màng nhĩ. Nhưng em yên tâm. Rồi anh sẽ góp tiền mua cái máy trợ thính”.
Đúng là anh rồi.
- Ôi anh Nghệ ơi... anh Nghệ!./.
Cùng tác giả:
Kiều Tam cưới vợ -Truyện ngắn Khuất Quang Thụy
Nhà văn Khuất Quang Thụy: “Em không định đi thi học sinh giỏi văn đâu”
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com