Nhà văn Khuất Quang Thụy
Trong những năm học cấp I ở trường làng, tôi là học sinh giỏi toàn diện. Tuy nhiên, tôi thích văn và lịch sử hơn cả. Khi học lên cấp II, cấp III cũng vậy. Các bài văn của tôi thường được thầy đọc để chữa mẫu ở lớp. Tuy vậy, bài nào tôi cũng bị trừ bớt điểm vì viết chữ xấu, mất nét, khó đọc.
Tôi biết ơn các thầy giáo đã dạy tôi, ở tất cả các môn. Nhưng có lẽ tôi đã may mắn nên được học nhiều thầy giáo dạy văn giỏi. Ở cấp I là thầy Khuất Quang Hồng. Ở cấp II là thầy Trần Như Hồng. Hai thầy Hồng của tôi đều giỏi kể chuyện. Các bài giảng của hai thầy thường ở “rất xa” với những bài trong sách giáo khoa. Khi “tập làm văn” tôi thường viết tương đối tự do, thầy Trần Như Hồng thường bảo tôi: “Em nghĩ thế nào thì cứ viết thế nhưng chú ý đừng có sa đà, đừng có tham”. Có lần đọc xong một bài văn thầy gọi tôi lên và bảo: “Em viết rất ngộ nghĩnh. Thầy đọc thì thích, nhưng văn này mà đi thi thì không được điểm cao đâu”. Tôi trả lời thầy: “Em không định đi thi học sinh giỏi văn đâu”. Thầy cũng không ép tôi, mặc dù tôi là học sinh giỏi văn của trường. Thầy cũng biết, viết văn như tôi đi thi khó được điểm cao. Nhưng thầy vẫn khuyến khích tôi xé rào, vượt ra ngoài “khuôn phép” của văn nhà trường.
Thầy là người duy nhất ở trường có tờ báo Văn nghệ. Thầy rất quý tờ báo, đóng thành tập cẩn thận. Nhưng số nào thầy cũng cho tôi mượn để đọc. Ngày ấy, thầy Trần Như Hồng không bao giờ nói với tôi chuyện sáng tác, chuyện rồi tôi sẽ trở thành nhà văn. Nhưng bây giờ, tôi hiểu rằng thầy hi vọng ở tôi và đã khuyến khích tôi đi theo hướng ấy.
Ở nhà, tôi cũng là con mọt sách. Tôi đọc ngốn ngấu bất kì thứ gì có trong tay. Cha tôi thuộc nhiều truyện Tàu, đêm nào tôi cũng bắt ông kể cho nghe một hồi Tam quốc hoặc Thủy hử. Mẹ tôi thì lại sợ tôi đọc nhiều, học nhiều có thể thành thằng dở hơi. Đêm, bà cấm không cho tôi chong đèn đọc khuya. Có lần tôi trốn xuống bếp nằm trong ổ rác đọc, chẳng may loay hoay thế nào đó đổ đèn, lửa bén vào rác, bùng lên. May mà tôi dậy kịp nên không xảy ra hỏa hoạn! Lại có lần bà giao cho tôi ở nhà giã gạo. Hôm đó ở trong tay tôi lại có một tập Thủy hử. Thế là, tôi đứng trên cối giã gạo, vừa đọc vừa giận cối. Chày một, chày hai. Gần trưa mẹ tôi về thấy tôi còn bì bõm giã gạo, bà hỏi: “Gạo chín chưa con?” Tôi luống cuống: “Mẹ xem hộ con đã chín chưa?” Mẹ tôi tới bên cối gạo. Bỗng bà kêu rú lên. Tôi hốt hoàng nhảy xuống. Nhìn vào cối gạo thì ôi thôi, một con chó con mò vào ăn cám lúc tôi nghỉ đọc sách, đến khi chặn cối, nó không chạy được đã bị chày đâm nát bét từ lúc nào mà tôi không biết! Tôi bị đòn. Mẹ tôi vốn rất dữ đòn. Nhưng tôi nhớ đời kỉ niệm ấy.
Ở làng Thanh Phấn, lứa tuổi tôi bấy giờ, mọi người đều nhớ đến tôi với hình ảnh một cậu bé mê sách. Đi chăn trâu với bạn, tôi không tham gia các trò nô nghịch, mà chỉ ngồi trên lưng trâu đọc sách. Có bận trâu lồng, tôi ngã xuống ruộng lúa, tay vẫn cầm cuốn sách, nhưng không hiểu vì lí do gì mà mình bị ngã.
Có lẽ tôi đã học văn như vậy chăng? Lúc đó tôi đâu có ý thức rằng mình đang chuẩn bị “hành trang” cho cuộc hành trình đến với văn học.
Đến khi vào cấp III, tôi mới bắt đầu tập sáng tác. Có lẽ lúc đầu việc viết những bài thơ, những mẩu chuyện chép vào sổ tay cũng chỉ là một trò chơi. Nhưng rồi bạn bè khuyến khích tôi, yêu cầu tôi đọc thơ mỗi khi có dịp hội trọng. Những bài thơ ấy dĩ nhiên là còn rất dở. Nhưng không hiểu sao, lúc đó bạn bè đã đoán chắc rằng tôi sẽ trở thành nhà văn. Chính bạn bè, nhà trường, những cuốn sách đã hướng tôi dần dần tới sự lựa chọn.
Nhưng, chỉ khi đi bộ đội, vào chiến trường, tôi mới biết rằng mình phải viết. Chính trong những năm lửa khói ấy, tôi đã thực sự bắt đầu con đường mà bạn bè và nhà trường đã giúp tôi lựa chọn. Con đường hiến thân cho văn học, nghệ thuật.
KHUẤT QUANG THỤY
Cùng tác giả:
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com